Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (4)


Máy bay quân sự đưa tôi về Quảng trị. Tiểu khu báo cho tôi biết hai ngày sau mới có xe đưa lên tiền cứ của tiểu đoàn. Trễ phép mất hai ngày nhưng không sao, người ta cho hay tiểu đoàn vẫn còn đóng yên tại chỗ. Trong khi chờ đợi, tôi ở nhờ tại tiểu khu vì nơi đây có phòng vãng lai khá đầy đủ tiện nghi. Trong phòng đã có một anh sĩ quan cũng đi phép về và chờ đợi như tôi. Chúng tôi đi ăn cơm chung với nhau rồi trở về tiểu khu vì ở cái tỉnh địa đầu nầy, không có nhiều thú vui ăn chơi như các tỉnh khác của miền Nam. Chúng tôi có nguyên hai ngày để trò chuyện. Anh ta tự giới thiệu mình là trung úy Trần Hy, sĩ quan chiến tranh chính trị của Sư đoàn Một bộ binh. Không phải là sĩ quan tác chiến nhưng Trần Hy tham gia đều đặn các cuộc hành quân, mục đích là tìm tin tức và đề tài chiến trường để viết bài cho một tờ báo lớn ở Sài gòn. Quả thực, nói chuyện với anh, tôi tấy rõ sự hiểu biết sâu và rộng của anh về cuộc chiến tranh nầy. Tôi chăm chỉ nghe những nhận định của Hy vì một ý riêng.
Tôi đã hứa với Thu Hồng là sẽ xúc tiến thủ tục kết hôn với nàng. Lời hứa đó thốt lên trong lúc bồng bột khi hai chúng tôi đang quấn quít bên nhau. Sau khi rời xa nàng để trở về chốn địa đầu nầy, mùi hương của da thịt, của hơi thở người trinh nữ vẫn phảng phất quanh tôi, làm cho lời hứa dần dần trở thành một quyết định dứt khoát. Tôi muồn gần gũi bên nàng để “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại của tôi, điều đó không dễ dàng thực hiện được. Tôi đang ở cách nàng quá xa, may lắm mỗi năm cũng chỉ được vài ngày gần gũi bên nhau.
Đơn vị tôi thuộc lực lượng tổng trừ bị nhưng nay cứ phải chôn chân ở tỉnh cực bắc xa xôi nầy, ngày nào tôi mới có hi vọng trở vào Nam để tiện đi về với người vợ sau ngày cuới? Tôi đem ý kiến nầy ra hỏi thử Trần Hy. Đúng với tính cách của anh nhà báo, Trần Hy không trả lời thẳng vào điều mà tôi muốn hỏi. Anh ta nhận định dài dòng, nghe sốt cả ruột:
- Cái Tết Mậu thân là một điểm mốc lịch sử quan trọng của chiến cuộc Việt Nam. Chắc chắn anh còn nhớ, nhiều năm trước đây, tuy không trực tiếp liên lạc với nhau nhưng hai bên đã thỏa thuận ngầm một cuộc hưu chiến ba ngày Tết để cho nhân dân đón rước ông bà. Và hàng năm, hai bên đã thi hành đúng sự thỏa thuận ngầm. Tết Mậu thân cũng vậy, chúng ta cũng tin vào điều đó. Đã là người Việt Nam, ai nỡ để cho ông bà về chứng kiến con cháu mình tàn sát lẫn nhau. Giấy phép được ký ào ào cho quân nhân về đoàn tụ với gia đình. Việt cộng đã lợi dụng sự cả tin của chúng ta, tiếng súng của họ đã ẩn vào tiếng pháo mừng xuân của dân chúng, sự gian xảo đã giúp họ xuyên qua được các hàng rào phòng thủ quá sơ hở và xâm nhập vào tất cả các thành phố trong cả miền Nam. Sau đó họ đã bị đánh bật, nhưng trước khi tẩu thoát, họ cũng kịp để lại khắp nơi dấu vết của chiến tranh, và ở một vài nơi, họ để lại sự hoang tàn đổ nát, trầm trọng nhất là thành phố Huế với biết bao di tích lịch sử tan tành không bao giờ phục hồi lại được. Cuộc tấn công Mậu thân là điều xấu xa nhất trong cả cuộc chiến ở miền Nam và có lẽ trong lịch sử chiến tranh của nhân loại nữa. Trong cuộc chiến nầy ngoại trừ những hành vi vô kỷ luật có tính cá nhân, chúng ta cố tránh thiệt hại cho dân chúng nên thường gặp khó khăn vì họ ẩn trong dân chúng. Qua biến cố Mậu thân, họ mang chiến tranh vào nơi đông dân cư nhất, làm cho thịt xương văng tung tóe ở những nơi tập trung của dân lành vô tội.

Tôi nóng nảy ngắt lời:
- Nhưng đâu phải chỉ có một mình cộng quân mới đưa chiến tranh vào nơi đông dân. Cuối đệ nhị Thế chiến, Mỹ không thả bom nguyên tử xuống giết chết dân chúng Nhật ở hai thành phố hay sao?
- Tôi không hề bênh vực Mỹ về hành động tàn ác nầy. Nhưng có hai điểm khác biệt giữa hai sự kiện mà chúng ta đang đề cập. Điểm thứ nhất là bom Mỹ rơi xuống đầu dân Nhật chứ không rơi vào đầu dân Mỹ. Điểm thứ hai là hai quả bom nguyên tử buộc Nhật phải đầu hàng ngay, để cứu sinh mạng của nhiều trăm ngàn lính Mỹ đang chiến đấu trên lục địa và hải đảo của Á châu. Còn ở đây, họ đem cái chết đến cho chính đồng bào của họ và không phải là để chấm dứt chiến tranh bằng trận thắng cuối cùng. Họ không ngu dại gì mà có ảo tưởng thắng được chúng ta lúc nầy; họ đem cái chết cho hàng trăm ngàn người chỉ trong vài ngày ngắn ngủi để làm gì? Chỉ để gây một tiếng vang mà thôi.
Tôi cảm thấy mất kiên nhẫn:
- Ít nhất họ cũng gây được tiếng vang trên khắp thế giới. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn hỏi ý kiến anh.
Trần Hy đưa tay chận tôi lại:
- Điều anh muốn hỏi là lực lượng tổng trừ bị của anh bao giờ rút được về Nam, có đúng vậy không? Anh cứ bình tĩnh nghe tôi trình bày rồi tự anh rút ra kết luận cho anh; như thế hay hơn chính tôi kết luận vội vàng cho anh.
Tôi hơi bực:
- Được. Tôi còn nhiều thì giờ ở đây để nghe anh diễn thuyết. Biết đâu đây là bài anh vừa viết xong cho báo và anh đang dùng tôi để kiểm tra lại phản ứng của độc giả khi đọc bài nầy.
Trần Hy cười, giọng hòa giải:
- Anh nghĩ thế cũng được. Tôi xin trình bày tiếp. Đúng như nhận định của anh, cuộc tấn công Tết mậu thân đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Hầu hết nhân loại đều bàng hoàng và có lòng khâm phục kẻ thù của chúng ta. Khâm phục vì các dân tộc khác không thể biết được ý nghĩa thiêng liêng của tết cổ truyền đối với nhân dân Việt Nam nên không hiểu được tính lật lọng và vô luân của những người chủ trương cuộc tấn công nầy. Đài phát thanh của cộng sản không ngớt rêu rao chiến thắng, nhưng chính họ cũng phải biết rằng đó là một thảm bại to lớn. Anh còn nhớ không, sau khi lật đổ chế độ Ngô đình Diệm, những nhà lãnh đạo bất tài của chúng ta tranh dành xâu xé nhau, gây bất ổn chính trị, tạo điều kiện cho sự bành trướng của mặt trận Giải phóng và sự xâm nhập của miền Bắc vào. Trong bao nhiêu năm Việt cộng tốn biết bao công sức để xây dựng lực lượng rồi nướng gần sạch trong mấy ngày Tết Mậu thân.
- Cũng như anh nhà quê nhịn ăn nhịn mặc suốt năm để rồi cháy túi sau ba ngày tết?
- Gần đúng như vậy. Tàn nhẫn hơn nữa là vài tháng sau Tết, cảm thấy tiếng vang bắt đầu xẹp xuống thì họ toan gây tiếng vang khác bằng cuộc phiêu lưu quân sự mới gọi là cuộc tấn công Mậu thân lần thứ hai. Họ gom góp các lực lượng đã bị tơi tả, gấp rút bổ sung. Thanh niên đâu còn, họ đưa cả trẻ em ra cầm súng. Như những con thiêu thân đáng thương, bọn trẻ con ôm AK, B40 lao vào các căn cứ của quân ta và quân Mỹ. Sau nhiều trận đánh, chính tôi đã trông thấy những xác chết đa số là trẻ vị thành niên. Các em nằm rải rác trên chiến địa nồng nặc mùi máu và thuốc súng, nét mặt thơ ngây, mắt nhắm nghiền như đang chìm sâu trong giấc ngủ bình yên trên chiếc giường của mẹ. Có một anh trung sĩ binh chủng Dù áp tải một số tù binh bắt được trong một trận tấn công, toàn là trẻ con, mặt mày ngơ ngác. Đến cửa Quân vụ thị trấn, anh trung sĩ oang oang:
- Nhục lắm, nhục lắm. Ra chiến trường đánh với bọn con nít nầy thì nhục lắm. Thắng chúng nó, quả thực chẳng vinh quang chút nào. Rủi mà bị trúng đạn của chúng nó thì ắt trở thành con ma nhục nhã lang thang khắp trời đất để chửi thề.
Tôi ra hiệu cho Trần Hy ngưng nói. Hình ảnh những đứa trẻ mà anh vừa mô tả làm cho tôi vô cùng xúc động. Tôi bỗng chợt nhớ tới bé Thanh, đứa bé thơ ngây dễ thương đã xin tiền tôi ở phố Đà nẵng và đã khóc trong bàn tay tôi ở cửa phòng hiệu trưởng của ngôi trường mà em đang học. Rồi đây, trong khung cảnh núi rừng đèo heo hút gió, khuôn mặt hai chị em mà tôi mang đến bằng trí tưởng tượng là hai nét dịu dàng mà người họa sĩ thiên tài nào đó đã dám vẽ lên trên bức tranh mang màu sắc hung tàn.
Tôi buồn bã hỏi Trần Hy:
- Theo anh, cộng quân có thể mở một trận tấn công Mậu thân nữa không?
- Không, sau cuộc tấn công đợt hai nầy thì họ không còn hơi sức nữa. Cái tết Kỷ Dậu kế tiếp thì anh thấy rồi, thực là êm ả. Bên ta không mở cuộc hành quân nào nhưng tất cả quân nhân đều túc trực ứng chiến tại chỗ. Mọi người ăn Tết trong im lặng, không một tiếng pháo, không một cuộc vui chơi ồn ào, dân chúng vừa đón xuân vừa nhớ lại cái Tết kinh hoàng trước đây và tưởng niệm cho những người đã khuất trong đó có những trẻ em chưa hiểu được cuộc đời là gì thì đã phải ôm súng xông vào chỗ chết.
Tôi chán nản ngắt lời:
- Không, anh hiểu lầm câu hỏi của tôi. Tôi muốn hỏi anh, từ rày về sau, họ có thể mở ra một cuộc tấn công theo kiểu Mậu thân hay không?
- Có lẽ không, vì đâu còn yếu tố bất ngờ nữa. Vả lại họ cũng rút được bài học về sự sai lầm quá trầm trọng nầy. Nếu tôi là người đứng đầu miền Bắc, ít nhất tôi cũng lột lon mấy ông tướng chủ trương tấn công Mậu thân cho làm binh nhì hay cho về nhà đuổi gà cho vợ. Sau Mậu thân, họ tăng cường xâm nhập và tiến hành một cuộc chiến theo đúng bài bản. Họ sẽ gây áp lực mạnh ở hai tỉnh địa đầu nầy vì dễ xâm nhập nhất, sau đó là đến vùng rừng núi vì nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh.
- Có nghĩa là tôi sẽ cùng đơn vị phải trụ lại đây lâu dài?
- Theo ý kiến riêng của tôi, sư đoàn Một Bộ binh không đủ sức ngăn chận sự xâm nhập ồ ạt của miền Bắc vào vùng nầy. Còn lực lượng tổng trừ bị có thường xuyên ở lại đây hay không thì tùy thuộc mấy ông tướng ở tổng tham mưu.
Sau buổi nói chuyện với Trần Hy, lòng tôi thực nặng nề. Dự định kết hôn với Thu Hồng đành gác lại. Tôi sẽ viết thư bàn bạc lại kỹ lưỡng với nàng. Sự trì hoãn nầy cũng hợp với lòng tôi. Tôi cần phải có thì giờ giải quyết dứt khoát mối tình xưa cũ của tôi trước đã.
Tôi về trình diện tiểu đoàn. Đơn vị vẫn còn đồn trú tại chỗ để chờ đợi lệnh hành quân. Nhờ đó, tôi có nhiều ngày rảnh rỗi. Tôi lật giấy viết thư, đề tên Ngọc Thúy vào đầu trang giấy. Tôi bỗng thấy lòng quặn thắt. Lý trí tôi đã đi quá xa trong quyết định từ giã nàng vĩnh viễn, nhưng nỗi đau trong lòng tôi vẫn chưa chấm dứt.
Cuối cùng tôi cũng viết xong lá thư thật dài, nói khá tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa tôi và Thu Hồng. Tôi cũng viết rõ chỗ ở của Thu Hồng hiện tại. Tóm lại, tôi không giấu giếm điều gì cả trong những trang giấy viết cho nàng. Tôi gởi ngay lá thư nầy đi và mong thư hồi âm để lần cuối cùng nhìn thấy nét bút của nàng.
Mười ngày sau, tôi nhận được bức điện với bốn chữ vỏn vẹn: “Vĩnh biệt anh yêu”. Năm hôm sau, tôi nhận được thư bảo đảm. Chữ trên bao thư đều được đánh máy, địa chỉ người gởi rất lạ, nhưng tôi đoán biết thư của nàng. Tôi vội bóc thư ra. Đó chính là lá thư tôi viết cho nàng. Tôi không đọc lại nhưng lật nhanh để tìm chữ viết của nàng. Tuyệt nhiên không có. Tim tôi thắt lại khi nhận ra trên trang thư cuối cùng, có dấu vết vài giọt nước đã khô đi, ở đó vết mực nhòa đi. Nước mắt của nàng! Nàng đã khóc khi đọc thư tôi!
Nàng đã rút lui không một lời một lời oán trách. Tôi đã giải quyết được gọn gàng chuyện tình cảm của mình. Tôi không vui mừng mà thấy lòng đau như cắt.
Thôi, nàng đã thuộc hẳn về dĩ vãng của tôi rồi; mai sau có gặp lại chúng tôi cũng đối xử với nhau như người xa lạ. Tôi còn giữ của nàng một kỷ vật đã thành thiêng liêng. Đó là sợi dây chuyền vàng có mặt là tượng Phật Bà mà nàng đã cởi từ cổ ra, vừa khóc vừa trao cho tôi trong lúc giã từ trước đây. Tôi đã mang theo kỷ vật nầy suốt hơn một năm rồi trên khắp chiến trường. Biết đâu tượng Phật đã nhiều lần làm lệch hướng những viên đạn thù từ những họng súng chĩa thẳng vào tôi.
Bây giờ, tôi không xứng đáng với sự che chở đó nữa. Gởi trả lại cho nàng ư? Đây là sợi dây chuyền bằng vàng khá đắt tiền. Tuy nhiên đối với nàng, giá trị vật chất của kỷ vật nầy đâu có phải là điều đáng kể. Biết đâu sợi dây chuyền được trả lại sẽ trở thành mũi tên bắn thẳng vào quả tim đang rỉ máu của nàng. Tôi bỏ ý định gởi trả lại, nhưng cũng không muốn giữ bên mình kỷ vật ấy nữa. Có lẽ, tôi sẽ tặng lại một cô gái nào đó trên bước đường hành quân sắp tới của tôi. Ở đây chỉ có những bản làng của dân tộc thiểu số. Mối tình Văn khoa thơ mộng nầy sẽ bị chôn vùi trong núi rừng heo hút của dãy Trường sơn.
Tôi thở dài, xếp cất lá thư rồi đi kiểm tra trung đội đang chuẩn bị hành trang cho một cuộc hành quân trực thăng vận cùng với nhiều đơn vị bộ binh.
Sau Tết mậu thân, nhờ sự xâm nhập gia tăng từ miền Bắc vào và nhờ những chia rẽ nội bộ trong cấp lãnh đạo miền Nam, cộng quân dần dần hồi phục. Bước vào năm 1970, chiến trường nổ ra những trận đánh lớn. Chúng tôi hành quân liên miên, nay tăng cường chỗ nầy, mai giải vây chỗ nọ. Tôi không còn dịp về thành phố nữa nhưng vẫn đều đặn nhận thư Thu Hồng; thỉnh thoảng có cả thư của bé Thanh nữa. Ngọc Thúy không còn viết cho tôi một chữ nào nữa. Hình bóng nàng dần dần chìm sâu trong ký ức tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến nàng nhưng không còn đau đớn trong lòng nữa. Tôi cũng tự an ủi rằng chung quanh nàng, có lắm vương tôn công tử chầu chực đón nhận tình yêu của nàng. Tôi chỉ là một chiến binh của núi rừng, không nghề nghiệp, không tương lai, không của cải, mạng sống bấp bênh, càng ngày càng cách xa với nếp sống nhung lụa trong hiện tại và vai trò xã hội tương lai của nàng. Chia tay với tôi, nàng sẽ có một cuộc sống mới, êm đềm và hạnh phúc hơn. Lập luận nầy là nhát chổi quét sạch mọi ray rứt trong lòng tôi khi chợt nhớ lại kỷ niệm về mối tình đầu thơ mộng của mình.
Trong lòng tôi bây giờ chỉ còn hình bóng Thu Hồng. Tôi mang hình bóng nàng trên những nẻo đường từ Khe sanh của Quảng trị đến A sao, A lưới của Thừa thiên, từ những vườn dừa bát ngát của Bình định đến vùng núi non trùng trùng điệp điệp của Pleiku, Kontum. Có một lần tôi chuyển quân qua Huế, được dừng lại trong chốc lát để lính tráng hưởng một tí không khí phố phường. Thành phố đã được sửa sang lại nhưng đó đây vẫn còn vương dấu tích của cái Tết Mậu thân kinh hoàng. Tôi nghĩ đến hài cốt cha và hai anh của người yêu đang nằm đâu đó dưới nấm mồ vô chủ. Tôi tự nghĩ mình sẽ tìm lại những hài cốt nầy, một ngày nào đó khi hòa bình được lặp lại trên quê hương. Tôi viết cho Thu Hồng ý nghĩ nầy nhưng rồi xé bỏ vì sợ gợi lại vết thương lòng của nàng.
Tôi đã làm đơn và lập thủ tục để xin thành hôn với Thu Hồng. Tôi đã đắn đo rất lâu về việc nầy. Tôi sợ một mai rủi bỏ thây ngoài chiến địa, Thu Hồng sẽ trở thành người vợ góa ở tuổi thanh xuân. Sau cùng tôi viết thư để nói nỗi đắn đo nầy. Nàng trả lời rằng kể từ khi yêu tôi, nàng không dám ước mơ hạnh phúc bên tôi. Bây giờ, hạnh phúc đó đang đến với nàng. Nàng bảo được làm vợ tôi chỉ một ngày thôi, rồi chết thì nàng cũng vui lòng. Sau khi nhận được lá thư nầy, tôi xúc tiến hành ngay thủ tục kết hôn.
Song song với thủ tục kết hôn, tôi cũng phải lo giải quyết tổ ấm của chúng tôi. Dù vẫn phải theo đơn vị hành quân, tôi cũng phải có một căn nhà riêng của mình, chứ không thể để nàng tạm trú mãi trong trường được. Cũng may, tôi đã có cách giải quyết.
Trước đây mẹ tôi mất có để lại một số tiền, vòng vàng nữ trang, giao cho chú tôi cất giữ. Những món đó bán đi vừa đủ để mua một căn phố nhỏ trong con hẻm gần trường nàng đang dạy, và sắm sửa cho ngày cưới của chúng tôi. Việc mua được căn phố nầy để làm tổ ấm là do sự giúp đỡ tận tình của Thịnh, người bạn rất tốt của tôi.
Mùa xuân năm 1972, tôi được giấy phép về Sài gòn. Lễ cưới diễn ra đơn sơ với sự chứng kiến của gia đình chú thím tôi, gia đình anh chị Thịnh và số ít bạn bè. Một người bạn nào đó của tôi đã cho Ngọc Thúy biết. Dù không nhận được thiệp mừng, nàng vẫn cho người mang quà đến tặng. Tôi không dám tìm hiểu thêm một điều gì về nàng. Tuy nhiên, sau đó tôi cũng được biết rằng nàng vừa xong cử nhân Văn khoa và sắp kết hôn với một giáo sư đại học. Điều nầy làm cho tôi nhẹ nhàng, không còn áy náy về việc trước đây nữa. Hạnh phúc ngày nay của tôi và Thu Hồng thực là trọn vẹn.
Sau lễ cưới, tôi dùng vài ngày phép còn lại, đưa cô vợ trẻ đi Đà lạt để hưởng tuần trăng mật. Chúng tôi nắm tay nhau rong chơi trên các ngọn đồi, tôi dìu nàng bước qua những gộp đá trơn trợt dưới chân những thác nước, chúng tôi ngồi nghỉ trên đồi thông, đầu nàng tựa vào vai tôi, bên gốc cây già. Chúng tôi tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời trong mấy ngày ở xứ anh đào đó.
Chúng tôi trở về Sài gòn và ngay hôm sau, tôi giã từ người vợ mới cưới để trở lại vùng khói lửa.
Về đến đơn vị, tôi nhận được công điện thăng cấp trung úy, đồng thời nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng thay cho Đại úy Thành lên chức tiểu đoàn phó. Tôi nhập hai tiệc làm một để đãi sĩ quan trong tiểu đoàn, tiệc mừng cưới vợ và mừng lên lon. Bạn bè thông hiểu hoàn cảnh của tôi nên thay vì quà tặng xa xỉ, họ chung góp một số tiền kha khá để tôi gởi về cho Thu Hồng.
Chức vụ mới làm cho tôi bận rộn hơn chức vụ trung đội trưởng tác chiến trước đây. Tuy nhiên mỗi ngày tôi vẫn đều viết cho Thu Hồng trong một quyển tập học trò, vài ba ngày thì tách tờ giấy đầy chữ ra, cho vào bao thư gởi về nàng. Thư nàng viết cho tôi cũng đều đặn. Có khi, sau một cuộc hành quân nhiều ngày, tôi trở về tiền cứ, nhận cùng lúc nhiều lá thư dồn lại, đọc cả buổi mới hết.
Cưới vợ xong, sự mặn nồng vừa mới khởi sự đã phải xa nhau. Đêm đêm đi tuần quanh phòng tuyến, tôi thường ngước nhìn bầu trời phương Nam, tưởng tượng người vợ trẻ trong căn nhà nhỏ của chúng tôi. Những đêm hành quân, nằm trên chiếc võng giăng giữa hai gốc cây trong rừng, lòng tôi cứ cồn cào nỗi nhớ nhung. Tôi thèm khát hơi thở của nàng, tôi thèm khát tấm thân trắng nõn nà mà tôi đã chiêm ngưỡng và trên đó tôi được hưởng những giây phút rung động tột đỉnh trong cái đêm hợp cẩn sau lễ cưới của chúng tôi.
Những phút mơ mộng về đêm ấy thường không trọn vẹn vì những phát súng từ ngoài bắn vào hay từ trạm gác của lính canh phòng bắn ra. Tôi bắt đầu căm ghét chiến tranh. Tôi mơ ước hòa bình để trở về chung sống với Thu Hồng, để nhìn thấy đứa con đầu lòng ra đời, kết quả tuyệt vời của tình yêu nồng nàn. Tuy nhiên, tôi biết rằng chiến tranh chỉ chấm dứt, hòa bình chỉ thực sự đến cho dân chúng miền Nam một khi chúng ta đẩy lui được bộ đội miền Bắc về bên kia bờ sông Bến hải.
Điều nầy càng ngày càng khó khăn, càng xa vời. Sự thâm nhập từ miền Bắc trở nên ồ ạt mà khả năng ngăn chận của chúng ta suy giảm đi rõ rệt. Trên các ngõ ngách hiểm trở và kín đáo của con đường mòn Hồ chí Minh, dọc theo dãy Trường sơn, họ tràn vào như những đàn kiến. Chết la liệt nhưng không hề nản chí. Lòng kiên trì và ý chí sắt đá sẽ chiến thắng
Đúng như sự nhận định của trung úy Trần Hy mà tôi gặp trước đây, hai tỉnh Quảng trị và Thừa thiên của vùng Một Chiến thuật trở thành tiền đồn của Việt Nam Cộng hòa, nơi nóng bỏng nhất của miền Nam. Vì vậy, đơn vị tôi thường xuyên trấn thủ nơi đây, việc đi về thăm viếng và ân ái với người vợ mới cưới không thể là điều thường xuyên được.
Tuy thế, tôi cũng cạy cục xin đuợc hai lần nghỉ phép, vào giữa năm 1972 và đầu năm 1973, khi hiệp định Paris vừa có hiệu lực. Đó vẫn là những ngày vô cùng hạnh phúc của chúng tôi. Ở lần thứ nhì, sức khỏe của nàng có vẻ sa sút. Nàng vẫn tỏ ra tươi thắm cho tôi vui lòng, nhưng tôi không khỏi lo lắng khi nhìn nét mặt xanh xao và thân thể gầy ốm của nàng. Bé Thanh kể lại với tôi, có lần Thu Hồng té xỉu trong lớp khi đang giảng bài. Tôi đưa nàng đi khám bệnh, người ta cho hay hệ tim mạch của nàng có điều bất ổn, sức căng động mạch lên xuống thất thường. Đó có lẽ là kết quả của sự xúc động xưa kia, cộng thêm với sự lo nghĩ thường xuyên của nàng cho đời sống bấp bênh của tôi. Bác sĩ cho thuốc và khuyên nên giữ tinh thần thực bình thản, tránh những cảm xúc mạnh.
Hết phép, tôi từ giã nàng, ra đi mà lòng nặng trĩu lo âu.
Tôi cầu mong hiệp định Paris được tôn trọng, dù chưa có hòa bình vĩnh viễn thì ít nhất cũng bớt được cảnh máu đổ thịt rơi. Nếu tình hình thực sự bớt căng thẳng, thì tôi có thể cùng đơn vị trở vào Nam và sẽ có dịp gần gũi để săn sóc cho nàng. Tôi nghĩ rằng những người bộ đội bên kia chiến tuyến cũng ước mơ như tôi. Họ có mẹ, có vợ, có người yêu ở ngoài miền Bắc xa xôi và chắc chắn ngày đêm cũng hướng về quê nhà, mong chiến tranh chấm dứt để quay về đoàn tụ với người thân. Chúng tôi, những người lính chiến hai bên cùng chung dòng máu, cùng chung tâm trạng, nhưng chúng tôi đã phải xả súng bắn vào nhau vì tham vọng của những nhà lãnh đạo miền Bắc. Đau đớn biết chừng nào!
Chúng tôi đều hi vọng nhiều ở hiệp định Paris. Nhưng chúng tôi đã thất vọng. Hiệp định nầy chẳng những không đem lại hòa bình mà còn làm cho chiến tranh tăng thêm cường độ. Bên kia, người và khí cụ ồ ạt đổ vào. Bên nầy, người Mỹ cuốn gói bỏ đi, viện trợ quân sự của họ nhỏ giọt cho có lệ, sự yểm trợ của không quân và pháo binh phải dè sẻn làm cho những cuộc hành quân của lục quân trở nên khó khăn và nguy hiểm.

Giữa tháng 5 năm 1974, tiểu đoàn tôi được lệnh chiếm lại một quả đồi ở vùng A lưới, trước đó do một đơn vị địa phương quân trấn đóng và bị cộng quân tràn ngập. Ngọn đồi nầy là một trong những điểm chiến lược quan trọng. Nó góp phần kiểm soát con đường nối liền quận lỵ với thành phố Huế. Đối với ta, con đường nầy quan trọng vì đó là đường giao thông huyết mạch để bảo vệ biên giới rừng núi chập chùng. Đối với địch, con đường nầy càng quan trọng hơn vì đó là cửa ngõ đầu tiên của những toán quân vượt Trường sơn của Bắc Việt đổ xuống miền duyên hải, cắt đứt một phần vùng Một Chiến thuật khỏi phần còn lại của Việt Nam Cộng hòa.
Nửa đêm, tiểu đoàn được quân xa mở đèn mắt mèo chở đi và đổ quân cách xa quả đồi hơn ba cây số rồi đi bộ đến nơi. Trận đánh sẽ bắt đầu khi trời mờ sáng.
Đại đội Một của tôi là đại đội chủ lực của tiểu đoàn. Chúng tôi được lệnh, từ chân đồi phía bắc tiến nhanh lên chiếm đỉnh đồi. Đại đội Hai phục ở phía nam, làm nghi binh. Mười phút trước khi chúng tôi xuất phát, đại đội nầy sẽ nổ súng, tiến lên một đoạn rồi dừng lại để lôi cuốn sự chú ý của địch quân về mặt nầy. Lực lượng còn lại của tiểu đoàn mai phục quanh hai mặt khác và sẽ tiêu diệt tàn quân sẽ bị chúng tôi đánh bật khỏi ngọn đồi.
Tôi dẫn đại đội đến tuyến xuất phát. Nơi đây có những bụi cây lúp xúp chen giữa vùng cỏ cao khỏi gối. Tôi phân vị trí cho các trung đội ẩn núp kỹ và chờ lệnh tấn công. Phía trên vài thước là sườn đồi trọc, mấp mô đất đá. Tất cả đại đội chúng tôi đã sẵn sàng.
Nơi phương đông bên tay trái chúng tôi, mặt trời rọi những tia sáng đầu tiên làm sáng rực dải mây trôi bồng bềnh. Một loạt đạn đại bác và súng cối rót lên đỉnh đồi nổ tung; đất đá, khói bụi văng lên mù mịt. Đại đội Hai nổ súng, reo hò tở mở. Tôi nhìn đồng hồ tay. Đạn pháo tiếp tục rót lên đồi nhưng trên đó, những tràng đạn liên thanh bắt đầu bắn xuống về phía đại đội Hai. Tôi hi vọng họ trúng kế, đã đưa súng máy sang qua phía đó. Tôi lại nhìn đồng hồ, tới giờ rồi; trong máy vô tuyến có lệnh xuất phát. Tôi ra ám hiệu, ba trung đội chia làm ba mũi vọt lên. Được lưng chừng đồi thì đạn bên trên bắn xuống như mưa, vài người lính của tôi đã ngã gục. Những người khác chậm lại, bám từng hốc đá, từng mô đất, vừa nhả đạn, vừa tiến lên. Tôi ngồi núp sau một gò mối, người lính ôm máy truyền tin ở sát bên cạnh. Trước mắt tôi, trung đội Một mọp sát đất bò lên chậm chạp; thấp hơn một chút về bên trái là trung đội Hai, bên phải là trung đội Ba. Sau lưng tôi trung đội đại liên và súng cối sẵn sàng chờ lệnh.
Tôi cố nhìn lên đồi để tìm những ổ súng máy của địch. Tôi liên tục cho tọa độ để súng cối nả vào. Đạn nổ tung, từng cuộn khói và đất đá văng lên. Ổ liên thanh trên đồi im tiếng. Lợi dụng thời gian họ chưa kịp bố trí cây súng máy khác, tôi khoát tay ra lệnh cho cả ba trung đội tiến nhanh hơn. Họ tuân lệnh bò lên, súng trên tay, nòng súng liên tục toé lửa. Tôi rời chỗ núp ra lệnh cho những người ở gần cùng nhả đạn về phía trước. Tôi và anh lính truyền tin lom khom băng lên, vào giữa vị trí trung đội Một. Thiếu úy Tánh, trung đội trưởng quay lại nhìn tôi. Tôi ra hiệu cho cả trung đội cắm lưỡi lê vào súng, chuẩn bị xáp lá cà. Tôi quay lại chú lính truyền tin bảo xin súng cối của tiểu đoàn rót liên tục lên đỉnh đồi, chính xác trong mười phút kể từ phát đạn đầu tiên rồi ngưng ngay để đại đội xung phong lên đánh cận chiến. Tôi nhìn đồng hồ. Họ đã làm y như thế. Tiếng pháo vừa dứt, tôi bóp hết một băng đạn M16 và hô xung phong. Tiếng hò hét vang rền, cả đại đội lao lên. Bên trên, vẫn còn nhiều tay súng bắn xối xả, một số lựu đạn tung xuống nổ ầm ầm, nhiều chiến sĩ của tôi ngã gục lăn xuống chân đồi. Tôi thấy rất rõ một quả lựu đạn rơi ngay chỗ trung sĩ nhất Đát. Tôi dừng lại la thực to:
- Đát, coi chừng!
Tôi thấy anh đưa tay chụp quả tạc đạn có lẽ định quăng đi nhưng không kịp, nó nổ trên tay, anh bật ngửa nằm im bất động. Đát là tiểu đội trưởng giỏi nhất của trung đội mà tôi chỉ huy trước đây. Tôi điên cuồng thét to, cùng những anh em khác tiếp tục lao lên chiếm được đỉnh đồi.
Ngọn đồi tan hoang, đầy xác chết. Một số cộng quân còn sống sót chạy xuống đồi về hướng Nam nhưng bị bắn gục vì đại đội Hai đang phục ở đó. Một số khác đầu hàng nhưng lính của tôi xả súng bắn chết hết. Tôi nhắm mắt lại. Thực là quá tàn nhẫn cuộc chiến tranh nầy!
Tôi nhìn quanh, mặt bằng đỉnh đồi gần như trơ trụi. Dãy nhà đồn trú ở trung tâm cháy rụi, vài sợi khói mỏng bốc lên. Vài cây cột đen thui còn đứng thẳng hay ngã nghiêng đầu bị xơ ra vì mảnh đạn, bờ tường bằng bao đựng đất bên trong, đổ sập hoàn toàn. Giữa những bao đất ngổn ngang, ló ra một cái đầu, nơi khác một cặp chân và nửa thân mình cháy nám, tiệp với màu đen của đống tro tàn.
Khắp nơi, mặt đất bị xới tung vì đạn pháo. Tôi nhận ra dấu vết của một sân bóng chuyền trên đó có mấy xác chết, cái thì nằm sóng soài, cái thì co quắp bên vũng máu đã ngã sang màu đen khô cứng. Tôi bước ra mé sườn đồi nhìn xuống. Xác chết rải rác khắp nơi. Tôi phân biệt được xác đồng đội qua màu quân phục rằn ri và xác đối phương nhờ sắc áo màu xanh cây rừng. Một số lính của tôi đã quay xuống, lom khom săn sóc cho những người bị thương.
Một tay tôi đưa lên bóp mạnh vào cổ để chận cơn buồn nôn từ bụng dồn lên, tay kia đưa lên dụi mắt nhưng không chận được hai giọt nước có lẽ từ tim tôi trào ra. Tôi gọi các trung đội trưởng đến bảo từng trung đội báo cáo thiệt hại của mình và ước lượng xác phe địch còn để lại trên chiến trường. Tôi lấy sổ tay ra ghi con số, cộng lại và lần nầy nữa tôi đưa cả hai tay lên đè mạnh vào hai mắt để ngăn dòng nước mắt. Các sĩ quan trung đội trưởng mắt cũng đỏ hoe. Chiếm được đỉnh đồi nầy rồi, một phần ba anh em trong đại đội tôi không còn bao giờ thấy mặt trời trên đầu mình nữa.
Tôi cho lệnh thu dọn chiến trường, Người bị thương của cả hai bên và xác chết của anh em thì mang lên đỉnh đồi chờ trực thăng tải thương. Xác của đối phương thì mang xuống chân đồi chôn chung vào một hố. Tôi dặn chôn xa con suối vì dòng nước rất cần thiết cho sự sống trong bao nhiêu ngày còn ở lại đây không thể nào biết được. Các trung đội nhận lệnh đi ra. Tôi yên tâm, họ đã quá quen với công việc rồi.
Tôi ngoắt cậu binh sĩ truyền tin lại gần và đích thân báo cáo với tiểu đoàn. Giọng tôi nghẹn ngào; tôi nghe trong máy giọng thiếu tá tiểu đoàn trưởng cũng nghẹn ngào như tôi. Thiếu tá bảo tôi dọn dẹp gấp để chuẩn bị bãi đáp trên đỉnh đồi cho trực thăng. Không bao lâu, trực thăng đến tiếp tế đạn dược, thực phẩm, lều vải rồi mang người bị thương và xác chết đi.
Suốt buổi chiều, từng chặp, từng chặp, tôi liên lạc với tiểu đoàn. Đại đội tôi ở lại giữ ngọn đồi, các đại đội khác được rút đi nơi khác. Tôi đoán họ phải lao vào một trận chiến khác không kém phần ác liệt.
Sau chiến công nầy, tất cả chúng tôi, kể cả người chết đều được thăng một cấp. Tôi lên đại úy kể từ hôm đó.
Tờ mờ sáng hôm sau, tiểu đoàn trưởng ra lệnh chúng tôi củng cố tối đa tuyến phòng thủ, đào thêm hố cá nhân, tận dụng các bao đựng đất để lập chiến lũy và nếu có thể, đào cả giao thông hào nữa. Nghe giọng nói và tiếng thở hổn hển của vị sĩ quan thượng cấp, tôi đoán biết tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Tôi ra lệnh lại cho các trung đội và bảo họ cho lính mang tất cả mìn claymore ra gài ở lưng chừng đồi. Càng về chiều, không khí càng nặng nề hơn. Tôi đoán đêm nay, trên ngọn đồi nầy sẽ xảy ra một trận huyết chiến. Tôi nghĩ đến Thu Hồng, hình dung vành khăn trắng trên đầu nàng. Ôi, chiếc đầu bé nhỏ đã nhiều đêm kê trên cánh tay tôi! Ôi, tình nghĩa vợ chồng chưa kịp nồng ấm thì tôi đã vội ra đi!
Tôi nằm xuống đất trên chiếc poncho, cố ngủ một chút để quên nỗi bi thương và để đêm nay phải thức suốt đêm. Tôi chưa kịp chìm vào giấc ngủ thì trung đội trưởng trung đội Ba hộc tốc vào lôi tôi dậy, bảo đã quan sát thấy “họ” di chuyển xa xa. Tôi chụp vội ống nhòm, chạy ra ụ gác dã chiến làm bằng những bao đất chồng chất lên nhau. Tôi đưa ống nhòm lên về hướng chỉ của người lính gác. Tôi đã nhìn thấy họ rồi, một người rồi hai người chạy lúp xúp qua một khoảng trống, hai bên cây cối um tùm. Chỗ họ di chuyển xa lắm, ước lượng đến hơn bảy cây số. Nhìn thấy họ xa thế nầy thì hẳn quân số họ đông lắm đang ẩn mình trong khu rừng rậm rạp kia.
Tôi chạy trở vào, báo cáo ngay cho tiểu đoàn. Tôi nghe giọng trả lời bên kia bảo rằng sự quan sát của tôi phù hợp với tin tình báo của các trinh sát tiền phương, ước lượng họ đang tập trung từ một đến hai trung đoàn. Tôi chụp ngay bản đồ chấm tọa độ nơi tôi thấy họ di chuyển và xin pháo nả đạn vào. Đầu dây bên kia bảo rằng chỗ đó ngoài tầm pháo của lữ đoàn, nên sẽ chuyển đề nghị lên quân đoàn. Tôi tiếp tục xin phi cơ xạ kích. Bên kia hứa làm theo lời yêu cầu, nhưng tôi đợi mãi chẳng thấy một phi cơ nào cả.
Tôi cho lệnh cả đại đội chuẩn bị tác chiến, mọi người đều túc trực ngoài tuyến phòng thủ. Đêm đó tôi thức suốt đêm ngồi bên máy truyền tin, thỉnh thoảng đi một vòng từ điểm gác nầy đến điểm gác nọ. Tôi dừng lại nơi một vọng gác của trung đội hai, vịn vai người lính, kê miệng vào tai hỏi nhỏ:
- Sợ không?
Người lính trả lời:
- Không sợ đâu, thưa đại úy. Mong cho họ tới ngay để choảng một trận. Chờ đợi thế nầy nản lắm.
Nghe giọng nói, tôi biết đó là binh nhất Cung, vừa tròn hai mươi tuổi, quê ở Bến tre, hiền lành, cây đánh bóng chuyền số một của đại đội. Tôi vuốt má của cậu ta, lật nón sắt về sau và hôn lên trán. Dưới ánh sao lờ mờ, tôi xót xa nhận ra nụ cười rạng rỡ của nó.
Thời gian chầm chậm đi qua. Tôi trở vào lều, nằm lắng nghe tiếng gió rừng rít ào ào từng cơn; tôi tưởng tượng đó là tiếng động do các oan hồn tử sĩ bay lượn gây nên. Tôi ngủ thiếp đi được một chốc thì trời rựng sáng. Một đêm yên tĩnh vừa đi qua, ánh bình minh đem sự sống lại cho vạn vật trong đó có những người lính chiến chúng tôi. Tôi ra lệnh cho mỗi trung đội phân công một người canh gác luân phiên, những người khác phải ngủ ban ngày thay cho ban đêm. Tôi ăn một hộp lương khô rồi đánh một giấc đến gần đứng bóng. Vừa thức dậy, tôi đi ngay ra ngoài. Trong các lều vải anh em người thì ngủ, người ngồi ăn trưa. Tôi đến vọng gác của trung đội một, hỏi người lính:
- Từ sáng đến giờ mày có thấy chúng nó di chuyển không?
- Không thấy, đại úy. Có lẽ cánh quân đó di chuyển suốt một ngày và một đêm xong rồi. Những cánh quân khác chắc cũng đã đến.
Cậu ta lấy tay chỉ xuống khu rừng dày đặc bên dưới, nói tiếp:
- Em tưởng tượng dưới những tàn cây đó, họ đang đi chầm chậm, lúc nhúc như một đàn kiến lửa. Đêm nay, đàn kiến sẽ xông lên đốt cháy chúng ta.
Tôi cười:
- Phải hạ ngay dưới chân đồi, đừng để đàn kiến leo lên đây.
Nói xong, tôi vỗ vai anh ta và quay lui. Đúng lúc đó, cậu truyền tin gọi tôi vào nghe máy. Tiếng tiểu đoàn trưởng lại vang lên trong hơi thở hổn hển:
- Hoa hồng, Hoa hồng, Mặt trời gọi, nghe rõ không, trả lời.
Tôi đáp:
- Mặt trời, Mặt trời, Hoa hồng nghe rõ. Đợi lệnh, trả lời.
- Địch sắp tấn công. Lệnh cho đơn vị cố thủ, áo quần chỉnh tề, mũ sắt hai lớp không có lưới. Tôi lặp lại lần thứ hai: áo quần chỉnh tề, mũ sắt hai lớp không có lưới. Nghe rõ và hiểu không, trả lời.
- Rõ rồi, chấm dứt.
Thế là tôi hiểu rồi. Địch đang tập kết đông đúc. Đại đội tôi còn đúng năm mươi sáu người, chưa tới phân nửa quân số chính thức. Chỉ cần họ mang đến một tiểu đoàn đủ quân thì chúng tôi phải một chọi sáu hay bảy. Nếu họ mang đến một trung đoàn thì sự chênh lệch lực lượng còn ghê gớm hơn nữa. Tiểu đoàn trưởng đã cho lệnh “áo quần chỉnh tề” có nghĩa là chuẩn bị rút lui khi có lệnh. “Mũ sắt hai lớp không có lưới” nghĩa là tự tìm hướng và mở đường máu rút lui, không có sự yểm trợ hay cứu viện.
Đó là mật khẩu nội bộ trong tiểu đoàn chúng tôi, chỉ ban ra khi tình hình hết sức nguy ngập. Tôi triệu tập các trung đội trưởng và trung đội phó lại để phổ biến lệnh vừa nhận của tiểu đoàn. Chúng tôi đều nhận định địch sẽ tấn công vào đêm nay. Thượng sĩ Giáp trung đội trưởng trung đội ba nói:
- Tiểu đoàn biết địch tập trung một lực lượng rất đông và chúng ta không thể nào giữ được cứ điểm nầy. Tại sao không cho chúng ta rút lui ngay bây giờ?
Tôi giải thích:
- Đây là một cứ điểm chiến lược quan trọng cần phải giữ để bảo vệ con đường liên lạc về Huế. Chúng ta đã mất mấy chục anh em để chiếm lại cứ điểm nầy. Cần phải giữ cho đến cùng. Vả lại ý đồ của địch chiếm lại đỉnh đồi nầy chỉ mới nằm trong sự ước lượng của ta mà thôi. Không lẽ địch chưa đánh mà ta bỏ chạy sao?
Thiếu úy Tánh chen vào:
- Tuy đại đội chúng ta thiếu hụt quân số nhưng trước khi rút lui, ta cũng phải bắt họ phải trả giá chứ. Kể cả khi họ đã tràn ngập đồi nầy, chưa kịp bố trí thì sẽ bị các đơn vị khác của ta trực thăng vận đến phản công và tiêu diệt.
Thượng sĩ Giáp gật đầu:
- Thiếu úy Tánh nói đúng. Nếu họ tấn công chúng ta thì phải trả giá rất đắt. Vì vậy lữ đoàn muốn chúng ta ở lại đây để nhử họ, có nghĩa là chúng ta đang làm củ khoai để nhử con chuột đến, phải không?
Tôi cười:
- Có thể đúng thế.
- Coi chừng, con chuột bị đập chết thì củ khoai cũng nát nhừ.
Cả đám cười hô hố, dù biết rằng có thể đêm nay Tử thần sẽ đến đây thu nhặt linh hồn chúng tôi.
Theo lời đề nghị của các trung đội trưởng, tôi đồng ý cho mọi binh sĩ đều biết để họ chuẩn bị hành trang. Chúng tôi hiểu rõ tinh thần của chiến sĩ trong đại đội, chắc chắn họ sẽ không run sợ hay hoảng loạn khi nhận được lệnh nầy. Quả thực vậy, suốt buổi chiều, không khí trên đồi vẫn bình thản, đó đây vẫn có tiếng cười đùa, ca hát vui vẻ. Bảo cố thủ thì họ sẽ ở lại chờ cái chết; bảo trốn chạy thì họ cũng sẵn sàng. Nơi chiến trường, khi địch quá đông, đánh không lại thì ta bỏ chạy, chẳng có gì xấu hổ cả.
Các cấp chỉ huy trong đại đội cùng đi một vòng, quan sát, chọn con đường máu. Chúng tôi bàn bạc để quyết định hướng xuống đồi. Hướng Nam và hướng Đông thuận lợi nhất vì có thể nhanh chóng chạy ra đường lộ. Hướng Bắc cũng khá thuận lợi vì có thể băng rừng chạy quành ra quốc lộ số một về Huế. Chỉ có hướng Tây bất lợi nhất vì hướng nầy chĩa thẳng lên đường mòn Hồ chí Minh rồi sang Hạ Lào. Chúng tôi quyết định mở đường máu để xuống đồi theo hướng bất lợi nầy để gây yếu tố bất ngờ cho địch.
Chúng tôi cho rằng các vị chỉ huy của Cộng quân ắt phải hiểu rằng với quân số tuyệt đối áp đảo, họ sẽ nhanh chóng tràn ngập ngọn đồi nầy, chúng tôi sẽ mở đường máu rút lui và họ sẽ đánh chận để tiêu diệt gọn. Do đó họ sẽ tập trung quân vào ba hướng thuận lợi và bỏ lỏng hướng tây. Chúng tôi không chắc lắm về sự suy đoán của mình, nhưng tạm thời chọn giải pháp nầy vì không có giải pháp nào hữu lý hơn.
Tôi cho tháo gỡ và gom tất cả mìn claymore, gài trở lại dài trên con đường máu, từ lưng chừng đến tận chân đồi và xa hơn nữa nếu còn đủ dây dẫn điện. Trước khi lao xuống để trốn chạy, chúng tôi sẽ châm ngòi một lượt để xua đuổi kẻ địch nào còn lảng vảng ở đó. Chúng tôi sẽ xông xuống một lượt khi có lệnh. Phải nhanh chóng vì pháo binh và cả phi cơ nữa sẽ có thể san phẳng ngọn đồi nầy để tiêu diệt các toán quân địch vừa mới tràn lên. Khi xuống đến chân đồi, chúng tôi sẽ phân tán mỏng vì tập trung đông dễ bị địch phát hiện. Mỗi người sẽ tự tìm đường ra quốc lộ hoặc về Huế và trình diện với đơn vị quân đội nào gặp đầu tiên.
Quả nhiên, mọi việc diễn ra như chúng tôi dự đoán. Đúng chín giờ tối, cộng quân bắt đầu tấn công bằng một loạt pháo kinh thiên động địa. Tôi mọp trong hầm núp và liên lạc với tiểu đoàn. Ngay sau những tiếng nổ đầu tiên, tôi nhận ngay lệnh mở đường máu rút lui. Tôi đoán lực lượng cộng quân rất lớn nên lệnh rút lui mới ban ra sớm như vậy. Tôi áp mạnh ống nghe vào tai để lắng nghe tiếp vì đạn pháo của Việt cộng vẫn nổ vang rền. Tiểu đoàn trưởng cho chúng tôi năm mươi phút đúng để rời khỏi ngọn đồi, nếu chậm trễ, chúng tôi có thể bị banh thây vì đạn pháo của chính phe mình. Tôi báo rằng địch đang pháo dữ dội, không biết bao giờ mới chấm dứt nên xin thêm thời gian. Tiểu đoàn không chấp nhận vì đó là quyết định của cấp cao hơn nhiều. Nói xong thì cúp máy; từ đó tôi không còn liên lạc với tiểu đoàn nữa.
Tất cả chúng tôi đều sẵn sàng rút lui, sốt ruột chờ đợt pháo của cộng quân ngưng nổ. Chúng tôi cúi sát đầu trong hầm trú ẩn, chẳng buồn quan sát bên dưới chân đồi nữa. Pháo đang nổ thì chắc chắn bộ binh của địch cũng nằm yên; khi pháo ngưng nổ, họ sẽ xung phong.
Tôi để ý thấy chỉ một ít đạn rơi trên mặt đỉnh đồi, nơi chúng tôi đang trú ẩn. Đa số rơi trên sườn và chân đồi, vài trái nổ xa hơn. Có lẽ dàn pháo của họ đặt hơi xa, thiếu chính xác. Tôi mừng thầm, điều nầy có nghĩa là thiệt hại của chúng tôi trong loạt pháo nầy sẽ rất nhẹ và vòng vây của cộng quân chưa siết chặt lắm. Lao xuống đồi để chạy trốn, chúng tôi sẽ ít gặp nguy hiểm hơn.
Tôi liên tục nhìn đồng hồ, cây kim dạ quang vẫn chạy đều đều, thời gian tiểu đoàn cho chúng tôi ngắn dần mà những tiếng nổ cứ tiếp tục làm rung chuyển mặt đất.
Bỗng pháo ngưng. Những tiếng nổ rền vọng xa xa rồi im bặt. Núi rừng phút chốc rơi vào sự vắng lặng lạ lùng. Tôi đoán trong đêm tối, mọi cặp mắt của anh em đang hướng về hầm trú ẩn của tôi. Hai tay tôi đang cầm cái cần quay của máy phát điện. Nếu tôi nhấn mạnh, những quả mìn claymore sẽ đồng loạt nổ và đó là hiệu lệnh chính thức để mở đường máu. Tim tôi đập thình thịch. Pháo của địch ngưng luôn, hay đó chỉ là loạt thứ nhất, tạm ngưng để dụ chúng tôi ra khỏi hầm thì loạt thứ hai dập xuống?
Tim tôi thót lên, từ chân đồi, tiếng xung phong đột nhiên vang rền, cùng lúc với tiếng đạn xé không gian từ dưới bắn lên, nhiều tiếng nổ của đạn súng cối rơi trúng đỉnh đồi. Tôi vội nhấn mạnh cần máy phát điện, một loạt tiếng nổ làm rung rinh mặt đất. Từ dưới những hố cá nhân, nhiều bóng đen vọt lên, lao xuống đồi trong mùi thuốc súng khét nghẹt. Trong đêm tối lờ mờ, tôi thấy vài người trong chúng tôi ngã chúi xuống, không biết vì trúng đạn hay vấp phải rễ cây. Mặc, tôi cứ phóng chạy, không thể dừng lại được. Tôi cứ nhắm hướng phía trước mà tiến tới. Tiếng súng lớn súng nhỏ vẫn nổ vang rền xen lẫn với tiếng thét xung phong, thúc tôi chạy nhanh về phía trước.
Quá chân đồi hơn một trăm thước, bắt đầu rừng già. Tôi không chạy được nữa vì sợ va vào gốc cây. Tôi vẫn sải bước, căng mắt ra mà nhìn về phía trước. Bên dưới những tán cây cao, đường đi không khó lắm; thỉnh thoảng, tôi va vào một lùm cây nho nhỏ mà tôi có thể vượt qua dễ dàng. Đôi khi dây leo quàng qua vổ tôi giật lại, tôi dùng tay gỡ rồi mọp xuống đất để chui qua.
Được thêm một đoạn nữa, tôi mệt gần đứt hơi. Tiếng súng đã thưa và cách một khoảng khá xa sau lưng tôi. Tôi đi chậm lại lê từng bước. Tôi cần phải đi khỏi chỗ nầy, càng xa càng tốt để khỏi rơi vào các toán quân địch có thể đang ở quanh đây để yểm trợ cho cánh quân vừa xung phong lên đồi. Tôi lắng nghe tiếng phi cơ lên oanh tạc nhưng không có gì cả. Tôi tự hỏi những tiếng nổ to khi chúng tôi chạy xuống đồi có phải là pháo bên mình bắn vào để tiêu diệt địch tràn ngập đỉnh đồi hay không.
Ý nghĩ nầy làm tôi dừng lại, quay nhìn ngọn đồi nhưng không thấy gì cả vì tôi đang ở giữa rừng cây um tùm. Tôi lắng tai nghe. Súng đã ngưng nổ, đêm rừng rơi vào sự tĩnh mịch mênh mông. Tôi kiểm soát lại hành trang của mình. Còn được cây súng, cái túi đeo lưng đầy những gói cơm khô, trong đó vẫn còn sợi dây chuyền vàng mà Ngọc Thúy tặng tôi trước đây. Tôi muốn đi tới nhưng không nhấc chân lên đuợc, nên đành ngồi xuống tựa lưng vào một gốc cây, lắng nghe có kẻ thù hay đồng đội quanh đây hay không. Hoàn toàn vắng lặng. Tôi cảm thấy cô đơn giữa chốn núi rừng âm u nầy. Tôi thở dài, cúi gập về trước dùng hai tay xoa bóp mạnh hai chân cứng đờ.
Một lát sau, tôi ngẩng lên cố định hướng nhưng không thể nào định được. Tôi ngước nhìn lên, một vùng tối đen không một ánh sao vì tất cả bị tàn lá cây rừng che khuất. Mà dù có nhìn được ánh sao thì tôi cũng không định hướng được. Tôi chỉ quen với chiếc la bàn nhưng tôi đã để lại tiền cứ khi có lệnh xung phong lên chiếm đồi. Tôi đâu có tiên đoán được cái cảnh phải lạc lõng một mình giũa núi rừng như hôm nay.
Tôi đứng dậy lần mò bước tới trước, về phía mà tôi định chừng là hướng tây. Tôi nghĩ rằng phải đi về hướng nầy thêm một khoảng nữa mới yên tâm rời khỏi vùng tập kết của quân thù. Sau đó tôi sẽ rẽ sang hướng khác để tìm ra quốc lộ.
Trước mặt tôi là quả đồi trọc hiện ra lờ mờ dưới ánh sáng của những vì sao, tôi mừng rỡ leo lên. Dốc đồi thoai thoải nhưng tôi phải cố gắng từng bước, một lúc khá lâu mới lên đến đỉnh đồi. Tôi nhìn quanh cố tìm quả đồi đẫm máu mà tôi vừa thoát ra. Ánh sáng quá mờ nhạt, tôi chỉ thấy đồi núi chập chùng, rừng cây bát ngát không phân biệt được gì cả. Tôi leo xuống đồi theo hướng ngược với lúc đi lên. Đến chân đồi thì trước mặt tôi là một vệt đen nơi bắt đầu một khu rừng khác. Có tiếng gà rừng eo óc gáy từ trong đó vọng ra. Tôi đã kiệt sức và thèm nằm xuống nơi nầy để ngủ. Nhưng tôi biết rằng tôi đang đứng nơi trống trải, biết đâu quanh đây kẻ thù đang dừng quân hay đang di chuyển. Nếu tôi ngủ lại nơi đây, khi trời sáng hẳn, họ sẽ nhận thấy tôi tức thì.
Tôi đứng lên chui vào khu rừng trước mặt, đi sâu vào cho đến đi không còn cất bước được nữa. Tôi nằm lăn trên đám lá khô và ngủ thiếp đi.
Khi tôi tỉnh dậy thì trời sáng hẳn. Tôi đứng lên nhìn quanh, cố nhớ lại mình đã đến đây từ hướng nào. Chịu thôi, không thể nào nhận ra được; chung quanh, chỗ nào cũng là thân cây cao vút thẳng tắp, tàn lá mãi tận trên cao nơi có rải rác những đốm sáng của bầu trời bình minh.
Có tiếng vượn hú xa xa nghe não ruột. Tiếng hú cao vút, lúc đầu thong thả, càng lúc càng gấp rút sau cùng đổ hột nhanh để kết thúc. Tôi đang đi trên đoạn đường đời cay đắng, biết bao giờ mới kết thúc như tiếng vượn hú kia?
Tôi quay lưng lại và nhận ra một mảng trời sáng sủa sau những thân cây. Tôi sực nhớ, lúc gà rừng eo óc gáy, tôi vừa xuống một ngọn đồi và chui vào khu rừng nầy. Mảng sáng kia có phải là nơi tôi đã đi qua không. Mặc kệ, tôi vẫn mừng vì đó là nơi quang đãng, tôi sẽ nhìn được bầu trời cao, nhìn ánh dương để nhắm hướng trở về với đồng đội. Ý nghĩ nầy làm cho sức sống cuồn cuộn dâng lên trong tôi. Tôi đứng dậy nhắm thẳng vùng sáng đó rảo bước.
Những thân cao vừa chấm dứt là tôi bị chận đứng lại ngay. Trước mặt tôi, bên trên là bầu trời rực rỡ, bên dưới là một khe rất sâu. Tôi đang đứng trên bờ vực. Mép vực bị những lùm cây lúp xúp che khuất. Tôi rùng mình. Nếu đêm hôm trước tôi không dừng chân mà cứ thẳng bước tới trước thì tôi đã băng qua bụi cây và rơi tòm xuống duới kia, thân xác bầm dập của tôi đã nằm vắt vẻo trên những tảng đá chông chênh.
Tôi nhìn xuống dưới. Một dòng nước nhỏ róc rách qua kẽ đá. Đây có lẽ là một dòng suối lớn vào mùa mưa nên vẫn còn một dòng nước nhỏ ở cuối mùa nắng hiện nay. Tôi quay lưng lại. Trên ngọn cây cao, tôi nhìn thấy mây hồng sáng rực ánh dương. Đó là hướng đông, hướng có quả đồi kinh khiếp mà tôi vừa trốn khỏi. Thế là tôi đã đi suốt đêm về hướng tây, tôi yên tâm vì có thể đã xa vùng nguy hiểm. Bây giờ, không nên tiếp tục về hướng tây nữa mà cần phải đổi hướng. Vả lại khe suối trước mặt quá sâu, vượt qua được cũng là điều vất vả. Dòng nước cắt ngang nầy có lẽ sinh ra để nhắc cho tôi quyết định thay đổi hướng đi.
Đi về hướng nào? Tôi có hai hướng để chọn lựa: hướng Bắc và hướng Nam. Nhưng tại sao không xuôi theo dòng suối trước mặt mà đi. Mọi dòng suối đều chảy ra sông, mọi dòng sông đều chảy ra biển. Tôi sẽ theo dòng suối nầy, nó sẽ dẫn tôi đến dòng sông Hương, từ đó tôi sẽ giả dạng thường dân đi bộ men theo sông hoặc nhờ ghe về Huế.
Sau ý nghĩ nầy, tôi hăm hở đứng lên tiến bước. Được vài trăm thước, tôi bỗng giật mình. Nơi đây đâu phải lưu vực riêng của sông Hương, mà còn là lưu vực của các nhánh sông Cửu long. Nếu theo con suối nầy thì có thể phải vượt qua trên ba trăm cây số, ngang qua Hạ Lào mới đến dòng Cửu long rồi vượt thêm hai ngàn cây số nữa mới đến bờ biển! Tôi dừng lại, bật cười với ý nghĩ nầy. Bỗng tôi run lên khi nhớ lại tấm bản đồ quân sự. Tôi đã đánh mất nó ở đâu rồi. Đối với một đại đội trưởng, cây súng và tấm bản đồ có tầm quan trọng ngang nhau. Trong những ngày hành quân, khi ngủ tôi lót dưới đầu, khi đi tôi cầm nó trên tay. Nay không còn nữa. À, có lẽ tôi đã để quên khi cầm cái cần máy phát điện quay để cho phát nổ những quả mìn.
Tôi ngồi bệt xuống đất lấy cơm sấy khô ra ăn. Tôi nuốt được nửa gói rồi cố leo xuống suối rửa mặt, uống đầy một bụng nước và leo lên. Bây giờ, tôi phải quyết định là đi theo hướng nam hay hướng bắc. Tôi nghĩ thầm: “Đây có lẽ là lỗ thông của đường mòn Hồ chí Minh để về duyên hải. Những binh đoàn của họ một khi tập kết đến đây rồi, ắt sẽ tiến sâu vào Nam chứ đâu có lộn ra phía Bắc vì phía đó đã có lỗ thông là Hương hóa, băng qua Khe sanh, theo sông Thạch hản để về Quảng trị. Vậy, tôi đi về phía bắc thì hi vọng tránh được họ hơn là về phía nam”.
Tôi đứng dậy quay trở lui. Tôi sẽ băng núi rừng độ mười cây số rồi đổi hướng đông. Tôi hi vọng sẽ đến Huế sau hai ngày đường. Tôi hăm hở tiến bước. Đường đi càng lúc càng khó khăn. Tôi thường không giữ được hướng đi vì phải tránh những đỉnh núi quá cao và những vực quá sâu. Trong những khu rừng già, tương đối dễ đi nhưng khó định hướng vì khuất ánh mặt trời. Những khu rừng thưa hơn thì dễ nhắm hướng nhưng khó đi vì cây cối chằng chịt. Qua nhiều địa thế khác nhau, tôi vẫn giữ được lòng hăng hái tiến bước. Tôi đi suốt buổi sáng, trưa dừng lại ăn lương khô, tìm nước uống, nghỉ ngơi chốc lát rồi lại lên đường. Tối, tôi nằm dài trên nền đất với giấc ngủ chấp chờn. Qua ngày thứ hai, chân mỏi rừ nhưng tôi cũng không dừng bước. Tôi hi vọng chiều hôm nay tôi thoát ra khu rừng núi đáng nguyền rủa nầy.
Nhưng than ôi, hai ngày đã qua, trước mặt tôi, cánh rừng già vẫn dày đặc, núi đồi vẫn liên miên bất tận. Ngày thứ ba trôi qua, lương khô đã cạn, tôi bị kiệt sức, lê bước một cách mệt nhọc, lòng nặng trĩu nỗi cô đơn và bi quan giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trưa ngày thứ tư, mắt tôi hoa lên, đầu nhức như búa bổ, không thể nhấc chân lên được nữa. Tôi sụm xuống và nằm dài trên mặt đất. Tôi đưa tay sờ trán, thấy nóng hâm hấp. Hơi thở từ lồng ngực thoát ra cũng làm nóng cả bàn tay. Tôi nhắm mắt lại và rơi vào trạng thái bi quan cùng cực. Đây có phải là buổi chiều cuối cùng của tôi trên dương thế? Đêm nay, một con dã thú sẽ kéo xác tôi về hang ổ và vài hôm sau những chiếc xương trắng hếu sẽ vương vãi chung quanh chỗ ở của nó.
Tôi nghĩ đến Thu Hồng, nghĩ đến vành khăn tang trên đầu nàng. Không, vành khăn tang đó chẳng có đâu vì tôi vĩnh viễn nằm lại đây thì nàng đâu có hay biết. Rồi nàng sẽ khắc khoải chờ đợi tôi, chờ đợi ngày nầy qua ngày khác, tháng nầy qua tháng khác, năm nầy qua năm khác, cho đến khi đầu tóc bạc phơ. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi chực trào ra. Tôi cố vùng dậy, lảo đảo bước tới. Tôi cố kềm hai chân thực vững, nhắm thẳng về hướng chính đông. Mặt trời xế chiều thấp thoáng qua cành lá, tôi tìm được một dòng suối nhỏ, nhưng sức lực tôi đã cạn kiệt. Trong ánh sáng buổi chiều yếu ớt, tôi ngả ập đầu xuống dòng nước.
Tôi nằm bất động, dòng nước âm hàn làm cơn sốt giảm bớt nhưng nó hút đi chút dương khí còn lại của tôi. Mấy thứ rau cỏ bên bờ suối làm bụng tôi cồn cào dữ dội. Tôi bò khỏi dòng suối, ôm bụng ói mửa từng chập, rồi lả đi. Giờ đây không còn hi vọng gặp lại đồng đội, gặp lại Thu Hồng của tôi nữa. Màn đêm trùm lên vạn vật, gió núi rít từng cơn, tàn cây nghiêng ngã dưới ánh sáng mờ nhạt của mảnh trăng thượng tuần lắc lẻo trên đầu đỉnh núi phía tây. Tôi run lên bần bật trong khi cơn sốt lại lên cao dữ dội. Tôi nằm co quắp trên mặt đất, cái lạnh từ mặt đất bên dưới thấm lên, cái lạnh từ dòng suối bên cạnh tràn qua, cái lạnh từ không khí bên trên ập xuống, cái lạnh từ trong ngũ tạng phát ra làm cho tôi có cảm giác như sống trong chín tầng địa ngục.
Tôi bỗng thấy Thu Hồng cúi xuống đắp mền cho tôi. Không, không phải cái mềm mà một tấm gồm nhiều lá khô kết lại bằng mạng nhện. Tôi cố ngẩng lên nắm lấy tay nàng nhưng nàng cứ chập choạng bay lên cao, mờ mờ ảo ảo. Nàng biến đi rồi lại hiện ra liên tục, nét mặt biến đổi, cơ thể lung linh như sương khói, màu sắc lộn xộn chẳng ra hình thù rõ rệt nào nữa. Rồi một dòng sông hiện ra, mặt nước nổi sóng lăn tăn trông thực ngon lành. Tôi thèm gục mặt trong dòng sông. Tôi cố gắng tiến tới, dòng sông xa dần rồi biến mất. Một cánh đồng lúa xanh mát hiện ra, bỗng nhiên rồi biển lửa nổi bùng lên.
Tôi giật mình tỉnh cơn mơ, thấy đầu mình vẫn còn gục trong nước suối. Người tôi không còn lạnh run nữa nhưng đầu nhức như có ai cầm búa nện vào. Cơn đau nhức cứ giựt binh binh, các mạch máu hai bên thái dương sắp vỡ ra. Tôi lại vục đầu xuống uống nước. Bụng quặn thắt từng cơn, lại ói ra từng ngụm nước.
Tôi ngồi dậy trong đêm tối, lồm cồm bò đi, nhưng đầu quay như chong chóng, tôi lết đến ôm chặt một gốc cây, áp mặt vào lớp vỏ xù xì. Giữ nguyên tư thế đó tôi lại thiếp đi.
Tiếng vượn hú rất gần làm tôi tỉnh giấc. Tôi đang nằm sóng soài trên mặt đất, nhưng vẫn nhớ khi khuya mình ngồi ôm gốc cây và thiếp đi. Tôi nhìn lên cao, bầu trời bình minh tạo những đốm sáng quen thuộc trên vòm lá. Đưa tay lên sờ trán, tôi thấy mình hết sốt và yên chí còn sống thêm một ngày nữa trên trần gian. Tôi cố ngồi dậy, cảm thấy cơ thể rã rời. Tuy vậy, ánh bình minh cũng làm cho tinh thần tôi phấn chấn lên đôi chút. Xa xa có một chỗ sáng xuyên qua các thân cây. Cũng như ngày đầu tiên tôi biết đó là nơi chấm dứt của khu rừng.
Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy có một cành khô. Tôi với lấy dùng làm gậy và chống vào đó, cố đứng lên. Tôi nghe đau thắt trong bụng. Đã hai ngày rồi tôi không có gì vào bụng trừ mấy thứ rau dại, còn các ngày trước chỉ có cơm khô. Tôi không thấy đói và bụng cứ đau thắt từng cơn. Mồ hôi vã ra làm cho cái lạnh của khí núi xâm nhập vào cơ thể. Dòng suối trong cơn mơ đã ở lại nơi nào. Tôi giật mình sờ tay lên hông, cái bi đong lưng lưng nước như có một phép màu nào đó.
Chống vào gậy, tôi cố đi vài bước tới trước. Tôi dừng lại vì cảm thấy thiếu một vật gì. À cây súng. Tôi nhìn quanh, ráng nhớ lại. Tôi đã để quên nó ở đâu đó từ gần trưa hôm qua. Có lẽ nó nằm gần đâu đây thôi vì suốt buổi chiều tôi không đi được nhiều. Tuy nhiên, tôi không thể quay lại được vì biết đường nào mà trở lui. Vả lại, đối với tôi, cây súng không cần thiết nữa. Còn bắn ai bây giờ, khi mà mạng sống của tôi chỉ còn tính từng ngày, từng giờ. Tôi cởi dây nịt cùng với mấy băng đạn quăng đi, cảm thấy hơi dễ chịu. Trên mình tôi chỉ còn áo quần và chiếc ba lô nhẹ tênh. Tôi định vứt bỏ luôn ba lô nhưng thôi vì sực nhớ bên trong còn sợi dây chuyền vàng, kỷ vật cuối cùng của mối tình đầu. Hình ảnh Ngọc Thúy từ lâu không còn hiện diện trong tim tôi nữa nhưng kỷ vật của nàng là vật duy nhất mà tôi còn mang theo đến những ngày nầy, những ngày cuối cùng của cuộc đời tôi.
Tôi chống gậy, lần từng bước một đến bìa rừng. Trên khoảng cách non một cây số, tôi phải dừng lại nghỉ đến mấy mươi lần, khi thì ngồi, khi thì nằm lăn quay ra đất. Cuối cùng, tôi ra khỏi khu rừng lúc mặt trời đang ở đỉnh đầu. Tôi phải nheo mắt lại vì ánh sáng chói chang.
Ngay trước mặt tôi, đám lúa rẫy xanh rờn uốn lượn theo từng ngọn gió thổi qua. Rải rác trên màu xanh mơn mởn, nhiều thân cây đen thui đứng thẳng, trông thực dị kỳ. Tôi bỗng thấy choáng ngợp vì một nỗi vui mừng quá sức to lớn. Sau nhiều ngày cô độc trong những cánh rừng âm u, tôi đã tìm lại được dấu vết của đồng loại, của con người đây rồi.
Đôi mắt tôi rời đám lúa và hướng ra xa hơn. Một cái chòi tranh thấp lè tè, hai mái chấm sát đất, vừa là mái nhà, vừa là vách trước, vách sau. Hai bên hông nhà trống hoác dùng làm cửa ra vào. Tôi biết ngay đó là nhà của người Thượng thiểu số. Ở Huế, người ta gọi họ là “mọi”, một từ hàm ý khinh khi. Tôi đã gặp họ nhiều lần. Họ khù khờ, lạc hậu, chẳng có một chữ trong đầu, nhưng rất hiền lành, chân thực, không hề biết phân biệt quốc gia với cộng sản. Chính điều nầy làm tôi an lòng.
Tôi định tiến về cái chòi nhưng chân tôi bỗng run lên, tôi sụm xuống nằm dài trên mặt đất. Tôi áp tay vào trán và biết rằng cơn sốt lại kéo đến. Tôi thấy trong người nôn nao khó chịu, mệt gần đứt hơi. Tôi nhắm nghiền mắt; cứ mở ra là thấy tàn cây quay vòng mãi một cách đáng sợ. Tôi lại nghĩ đến cái chết. Những người Thượng trong căn nhà kia sẽ chôn cất tôi tử tế và dời nhà đi nơi khác, phá rừng làm rẫy mới. Tôi sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi đây, Thu Hồng cứ mãi mòn mỏi chờ đợi tôi về bên nàng.
Không thể như thế được. Tôi phải về với nàng. Nàng đã mất mẹ, mất cha, mất cả hai anh, nàng không thể mất tôi nữa được. Ý nghĩ nầy tạo nên một sức mạnh lạ kỳ trong tôi. Tôi đứng thẳng dậy, quả đất quay tròn dữ dội. Tôi vội chụp lấy một gốc cây và bám chặt vào đó, nhắm nghiền mắt lại. Nếu có ai đó trong nhà đi ra, họ sẽ thấy tôi và sẽ đến khiêng tôi vào nhà để cứu sống. Tôi sẽ được cứu sống và sẽ về gặp lại Thu Hồng của tôi. Hằng ngày nàng vẫn theo dõi tin chiến sự và hằng đêm cầu nguyện cho tôi. Trí óc tôi bỗng trở nên minh mẫn một cách lạ lùng. Người ta gọi đó là dấu hiệu của người sắp chết được sáng suốt nhìn lại cuộc đời mình lần cuối.
Trong lá thư cuối cùng, nàng có viết cho tôi: “….Em cầu mong Đức Phật chứng giám lòng thành của em mà che chở cho anh ngoài mặt trận.”
Đức Phật sẽ phù hộ cho tôi sống để về với nàng. Tôi đã vượt qua năm ngày gian lao trong rừng núi hoang vu, nay tôi đã đến được với con người. Họ sẽ giúp tôi mạnh khỏe lại để tiếp tục con đường về.
Một sức sống còn sót lại trong cơ thể đẩy tôi về phía trước. Mắt tôi vẫn nhắm nghiền chỉ thỉnh thoảng mở ra một chút để nhìn hướng căn chòi. Tôi té ngã mấy lần rồi gượng dậy đi bằng hai chân, có khi bò bằng tứ chi và lết dài trên mặt đất, cuối cùng cũng đến được cái chòi. Tôi ngã vật xuống, nửa bên ngoài, nửa bên trong nhà.
Tôi không còn biết gì nữa cho đến khi có bàn tay nắm vai tôi lay dậy.
Tôi mở mắt ra thấy mình đã nằm gọn trong chòi. Tôi khẽ nhúc nhích, nghe tiếng lạo xạo dưới lưng, biết mình đang nằm trên lớp rơm hoặc cỏ khô. Người tôi ngầy ngật khó chịu, tim phổi ruột gan như bị dần nát, đầu nặng chình chịch, toàn thân đau nhức rã rời. Trong cơn sốt cao độ, tôi chập chờn thiếp đi. Lờ mờ bên ngoài có tiếng chim hót và gà mái gọi con rồi tiếng người nói gì đó nhưng tôi không hiểu được.
Có một cánh tay luồng xuống cổ và nâng đầu tôi dậy, một vật cứng chạm vào môi tôi. Tôi hé mắt thấy một người ngồi sát bên tôi. Tôi không nhận ra đó là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Người đó cầm chén cháo kê vào miệng tôi. Tôi húp mạnh thấy ngon, tôi đã nhịn suốt hai ngày rồi. Nhưng mới được ba hớp, bụng tôi cồn cào dữ dội. Tôi gạt nhẹ chén cháo ra, vùng khỏi cánh tay người lạ, co quắp lại, hai cùi tay áp mạnh vào bụng. Một bàn tay bụm miệng, bàn tay kia chận nơi cuống họng, tôi cố điều hoà hơi thở để ngăn không cho mấy miếng cháo vừa nuốt xong bị ói ra ngoài. Trong trạng thái dở sống dở chết, tôi vẫn ý thức được rằng chút thức ăn đơn sơ nầy sẽ cứu mạng tôi. Dần dần, tôi thấy khá dễ chịu trong bụng. Tôi giữ nguyên thế nằm co quắp, thiếp đi trong mơ màng, tôi lướt đi qua những khung cảnh khác nhau với những hình ảnh xa lạ và quen thuộc, bóng dáng Thu Hồng xuất hiện nhiều lần, mờ mờ ảo ảo.
Tôi trải qua trạng thái nửa sống nửa chết không biết trong bao lâu thì giật mình tỉnh giấc. Tôi mở mắt ra, chung quanh tối đen; có tiếng ồ ồ nghe là lạ sau lưng tôi. Tôi xoay người lại. Nhìn thấy hai ô sáng lờ mờ hình tam giác, đáy sát đất, đỉnh cao hơn một mét, đối diện nhau, về phía đầu và phía chân tôi. Tôi cố nhớ lại hai ô sáng đó là cái gì và mình đang ở đâu. Tôi lắng nghe tiếng ồ ồ tiếp tục đều đều.
Trí óc dần dần trở lại. Tôi biết rồi, tôi đang nằm trên ổ rơm trong chòi của người Thượng thiểu số. Tôi đã đến được đây trong cơn sốt cao độ. Tôi đưa tay sờ trán, hết sốt rồi nhưng đầu còn nhức, miệng khô đắng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hơi sảng khoái, nghe hơi ấm dễ chịu bên dưới lưng; nhiều ngày nay tôi không được cảm giác nầy vì đêm nào cũng nằm trên mặt đất ẩm ướt trong rừng.
Cơ thể tôi nhẹ tênh và yếu lắm nhưng trí óc có vẻ minh mẫn trở lại. Tôi nhận ra hai ô sáng là hai mặt hông của căn chòi khổ sở. Tôi đã được một người nâng đầu dậy và cho tôi ăn cháo. Đó là một người đàn ông có mùi da khét nắng. Chắc chắn, đó là người chủ của cái chòi nầy, tiếng ồ ồ không dứt chắc là tiếng ngáy của ông ta.
Tôi cố nhớ lại khung cảnh ban chiều. Tôi đã lết đến bên chòi thì bất tỉnh. Có lẽ, đi làm rẫy về, ông ta thấy xác tôi nằm đó. Ông ta đã sờ vào mũi tôi thấy còn hơi thở nên lôi xác tôi vào chòi cho nằm trên ổ rơm. Ông ta trẻ hay già. Tôi thoáng nhớ nét mặt nhăn nheo sạm nắng của ông. Không thể nào biết được là trẻ hay già; trong khoảng ba mươi đến năm mươi tuổi, khó đoán được chính xác.
Tôi bỗng giật thót người khi nhớ ra rằng mình đang mặc bộ áo quần thủy quân lục chiến. Ngày hôm qua, khi cận kề cái chết, tôi không kịp nghĩ đến điều nầy. Bây giờ, với cảm giác đang bước hẳn qua lằn ranh của sự sống, tôi bỗng thấy sợ hãi. Từ lâu, quốc gia không còn kiểm soát được vùng rừng núi nữa. Chắc chắn cộng sản đã về đây nhiều lần. Liệu người đàn ông người Thượng nầy đã bị đầu độc bởi sự tuyên truyền, bởi ý thức căm thù độc hại của họ chưa? Tại sao tôi không vứt bỏ bộ áo quần nầy trước khi đến chòi? Không, lúc đó tôi không còn nghĩ đến điều gì được nữa, phần lớn trí tuệ đã thoát khỏi đầu tôi mà bay lên tận mây xanh rồi. Bây giờ phải làm sao đây? Nên trốn đi khi họ còn ngủ say? Không, tôi không thể đi đâu được trong tình trạng nầy. Chỉ cần nghĩ đến việc phải đứng lên tôi đã thấy khổ cực, thà nằm đây mà chết còn hơn.