Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (5)



Tôi cố tìm một lý do để tự trấn an mình. Tôi nhớ lại cánh tay khét nắng dịu dàng nâng đầu tôi dậy và ân cần đưa bát cháo vào miệng tôi. Cử chỉ đó là bằng chứng quá thuyết phục về lòng nhân hậu của người dân tộc thiểu số chất phác nầy. Tôi tự trấn an mình bằng cách nghĩ rằng, lòng nhân hậu bẩm sinh của người Thượng, được nếp sống đơn sơ và chân thật làm thành trì bảo vệ, chủ nghĩa cộng sản xây dựng trên sự căm thù giai cấp không thể nào xuyên thủng được. Chủ nghĩa nầy chỉ thành công đối với những người có nhiều tham vọng, khôn lanh và biết tự hủy diệt bản chất nhân từ và chân thật tự nhiên của con người.
Ý nghĩ đó làm cho tôi an tâm. Tôi nhìn sang bên chỗ tiếng ngáy khi nãy phát ra. Tiếng ồ ồ chấm dứt rồi, chỉ còn tiếng thở đều đều trong đêm thực thanh vắng. Tôi thầm nghĩ họ đang cứu sống tôi. Kể từ hôm nay, tôi bước sang cuộc sống thứ hai, nhờ họ mà có. Họ thực sự là ân nhân của tôi, lòng tôi tràn ngập một niềm cảm khái mênh mang.
Tôi sực nghĩ đến Thu Hồng. Nàng thường nhắc đi nhắc lại tôi là ân nhân của nàng. Không, nếu số phận không dẫn tôi đến thì hai chị em nàng cũng tiếp tục sống trên đời nầy. Nơi đó, nàng đang ở giữa quần thể loài người văn minh. Chiến tranh dù có tàn ác nhưng khi lửa đạn đã đi qua thì cuộc sống vẫn còn nhiều đảm bảo. Còn ở đây, người dân thiểu số nhân hậu nầy mới thực sự là ân nhân của tôi. Trong chốn núi rừng thâm u nầy, ông ta là người duy nhất cứu mạng tôi, không còn ai khác nữa. Không có ông thì nhất định tôi phải bỏ lại nắm xương tàn tại đây.

Thu Hồng đã gọi tôi là “ân nhân” và nàng đã đền ơn xứng đáng cho “ân nhân” của nàng. Nàng đã từ giã nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại tất cả, nhà cửa của ông cha, hài cốt của người thân, quảng đời thơ ấu, chỉ mang theo một sở hữu cực kỳ quý giá, đó là tấm thân trinh bạch của nàng. Sở hữu quý giá đó, nàng sẵn sàng hiến tặng cho “ân nhân”. Lần đầu, tôi không nhận, lần sau tôi đã nhận, nhận vào cái đêm tân hôn tuyệt vời của chúng tôi. “Ân nhân” của nàng đã được đền ơn thực xứng đáng.
Còn ân nhân của tôi sẽ được đền ơn thế nào đây? Vâng, tôi sẽ trở về đem cái sinh mạng mà họ tái sinh để chiến đấu bảo vệ nền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam, trong đó có ân nhân tôi. Nhưng ông ta cần quái gì cái tự do dân chủ đó. Những thứ đó chỉ có ý nghĩa với đám người đang sống lúc nhúc và xô bồ bên kia những rặng núi xanh lơ. Còn bên nầy, dân tộc ông ta không màng những thứ màu mè đó; họ sống một cách chơn chất, ung dung với núi đồi, với thung lũng, với rừng cây bát ngát. Nhưng người ta có để yên cho họ sống đâu. Một bên thì nhân danh cái giải phóng quái quỷ để dụ dỗ con em họ đi; một bên thì nhân danh bảo vệ giá trị con người để trao vật giết người vào tay con em họ. Quả thực trên chiến trường miền Trung nầy, cả hai bên thù địch đều có những chàng trai thiểu số hiền lành chất phác, cặp mắt nai tơ thường ngơ ngác ngước nhìn cấp chỉ huy của mình.
Tôi cảm thấy buồn phiền và ngủ thiếp đi. Tôi thức giấc một lần nữa thì trời đã rựng sáng. Nằm trong ổ rơm ấm cúng, tôi cảm nhận được cái lạnh của núi rừng bên ngoài. Ông chủ nhà có lẽ đã thức dậy từ lâu, ổ rơm đối diện với tôi trống trơn. Nhìn qua ô tam giác của căn chòi, tôi thấy một làn khói bay lên. Bây giờ tôi mới để ý một cái chòi bé tí kế bên, có lẽ là nơi làm bếp nấu ăn.
Tôi nghe tiếng rù rì nói chuyện, thì ra ở đây không chỉ có một người. Tôi muốn ngồi dậy nhưng không thể nào dậy được. Đầu tôi nặng chình chịch còn cơ thể thì nhẹ tênh. Tôi cố đưa bàn tay lên. Được rồi, nhưng bàn tay ai đây? Nó có những ngón gầy guộc, dính bùn đất tèm lem. Bàn tay nầy của tôi sao? Bàn tay nầy đã từng cầm bút viết những lá thư diễm tình? Bàn tay nầy đã từng vuốt tóc hai người con gái xinh đẹp hay sao?
Tôi thấy mình bồng bềnh trong một cảm giác lạ kỳ. Đây không phải là tôi nữa mà là cái gì đó khó nói, chẳng hạn như linh hồn tôi đang nhìn suốt quá khứ một cách bàng quan, không vui cũng chẳng buồn. Tôi đang thức đây, đang nhìn thấy nơi nóc chòi một thân cây cong queo nằm ngang, hai bên có những cọng lá tranh lòng thòng buông xuống; nhưng hình như tôi vẫn đắm chìm trong mộng mị, không rõ hiện tại mình đang ở đâu, không rõ cách nào mình đã rời khỏi quá khứ của mình để đến nơi đây. Tôi nhắm mắt lại, nhẹ nhàng lướt trên cơn mộng mị êm đềm, cho đến lúc có cảm giác thực sự của một bàn tay nắm lấy cánh tay tôi.
Tôi mở mắt ra. Đúng, tôi thấy người nầy rồi. Ông ta là ai? Thấy lúc nào? À phải rồi, ông ta ngồi bên tôi đêm hôm qua, nâng đầu tôi dậy và cho tôi ăn cháo. Người nầy đã cứu sống tôi. Tôi nhìn ông, mỉm cười, cố đưa bàn tay lên nắm lấy tay ông, bóp nhẹ. Ông cười lại với tôi, cuối nụ cười là giọng nói khó nghe, lặp lại hai lần giống nhau. Với cố gắng, tôi hiểu lời ông nói:
- “Ôn” là ai?
Tôi lại mỉm cười, cố biểu lộ thực nhiều thiện cảm trong nụ cười rồi buông tay ông ra, chỉ vào bộ quân phục của tôi. Ông gật đầu ra ý đã hiểu tôi là lính quốc gia. Ông lại hỏi:
- “Ôn” từ đâu đến?
Tôi không biết ra dấu hay trả lời thế nào cho ông hiểu nên vẫn giữ im lặng, quay nhìn ra khung trời nhỏ hẹp trên đỉnh ô hình tam giác. Ông không hỏi nữa mà quay lui nói một tràng líu lo. Lập tức một người đàn bà bước vào. Tôi nhướng mắt cố nhìn cho kỹ nhưng, cũng như ở người đàn ông, tôi không thể biết được bà ta bao nhiêu tuổi. Tuy nhiên, liếc nhìn trên ngực trần của bà đôi vú to và vẫn còn khá gọn gàng thì tôi đoán bà ta vẫn còn trẻ. Chắc chắn hai người trước mặt tôi là hai vợ chồng với nhau.
Ông chồng đưa tay chỉ bộ quân phục của tôi và quay sang nói líu lo với vợ. Bà vợ cũng tuôn ra một tràn nói líu lo. Tôi nghĩ rằng họ đang bàn đến thân phận của tôi. Tự nhiên, tôi thấy lòng mình thực thản nhiên. Mạng sống của tôi vừa do họ cứu vớt và đang nằm trong tay họ, bây giờ họ muốn làm gì thì tôi cũng đành lòng.
Ông chồng quay lại nhìn tôi bằng cặp mắt hết sức hiền lành. Tôi nghe ông nói một câu dài. Qua âm hưởng, tôi biết ông đang nói tiếng Việt của người Kinh nhưng không hiểu được, ngoại trừ hai tiếng nghe rõ và được lặp lại đến hai lần: “Đừng sợ, đừng sợ”. Thế là đủ, tôi yên tâm, đây đúng là ân nhân của tôi rồi.
Người đàn bà trở ra rồi một phút ra quay lại với một cái chén trên tay. Sau lưng bà, một đứa bé độ năm tuổi đi theo hai tay níu chặt cái quần của bà. Bà dừng lại giữa nhà. Ông nhận lấy cái chén, xích lại gần, nâng đầu tôi dậy và đưa miệng chén vào môi tôi, y như lúc đầu hôm vậy. Tôi hít mạnh, mùi cháo bốc lên thơm ngát. Lần nầy tôi húp hết chén cháo và cố gắng giữ nó lại trong bụng tôi. Tôi biết mình có níu lại được cái sống hay không, chính là sự cố gắng trong lúc nầy. Người đàn ông đặt tôi nằm xuống, nhìn tôi có vẻ hài lòng.
Tôi nhắm mắt lại. Cái mệt kéo về làm tôi hụt hơi. Có lẽ chén cháo bắt cái dạ dày xẹp lép nhiều ngày của tôi bắt đầu làm việc lại một cách quá hăng, trong khi các cơ quan khác, hoặc suy yếu, hoặc còn ngủ say chưa thèm thức dậy. Tôi nhớ có lần người ta kể với tôi rằng, trong vụ đói năm Ất dậu 1945, có người nhịn lâu ngày, bỗng được ăn no một bữa bèn ngã lăn ra tắt thở. Tôi thì không đến nỗi tắt thở nhưng mệt quá chừng. Tôi cố kềm chế cho hơi thở được điều hòa.
Một lúc khá lâu, cơn mệt dịu dần. Tôi mở mắt ra, căn chòi trống trơn, không gian vắng lặng, nghe rõ tiếng chim ríu rít xa xa, mãi tận ở bìa rừng.
Hai người lớn đã dẫn đứa bé ra nương rẫy. Có lẽ họ đi khá xa nên trưa không về. Kế bên đầu tôi, trên nền đất, một bát cháo và một vò nước đã được để sẵn tự lúc nào. Tôi thầm cám ơn sự chu đáo của họ.
Nguyên buổi sáng, tôi cảm thấy khá dễ chịu. Nhiều lần, tôi toan đứng lên để ra đi, tìm về với đồng đội. Nhưng vừa ngồi lên tôi lại thấy mọi vật quay cuồng nên nằm vật xuống. Đến trưa, tôi cương quyết thu hết tàn lực đứng lên. Đầu tôi đụng ngay vào mái nhà. Tôi bấu cả hai tay vào những cọng tranh, chân run run. Tôi cố bước đi một bước khỏi ổ rơm, chân càng run hơn. Tôi buông tay khỏi mái nhà, lảo đảo, ngồi bẹp xuống ổ rơm. Tôi chống hai tay về phía trước, cố thắng sự thèm muốn nằm dài trên mặt đất. Tôi ngồi yên, buồn bã nhìn ra ngoài.
Không, tôi không thể ra đi lúc nầy được. Con đường lên núi xuống ghềnh còn dài bao nhiêu nữa, làm sao biết được, mà sức tôi cạn kiệt rồi không thể nào vượt qua được. Tôi sẽ bỏ xác trên đường đi, vĩnh viễn xa đồng đội, vĩnh viễn xa Thu Hồng và uổng công cứu mạng của hai con người nhân hậu, chủ nhân của chiếc chòi khốn khổ nầy.
Tôi lẩm bẩm để tự an ủi: “Thôi hôm nay cứ ở lại đây, sáng mai sẽ lên đường”. Tôi nằm vật xuống, mấy tiếng sau cùng nầy ngân nga mãi trong tai tôi. “Sáng mai sẽ lên đường”, âm thanh vang vọng như tiếng kêu trong thung lũng, dội qua dội lại trên vách đá bao quanh.
Tôi lết đến gần tô cháo, cố húp cho cạn để đủ sức “sáng mai sẽ lên đường”. Tiếng kêu chết chóc của đồng đội tôi bỗng văng vẳng bên tai "sáng mai lên đường". Giờ đây, cái chết đã lùi lại phía sau, trách nhiệm trở về thôi thúc. Tôi nằm xuống, cố thở đều cho cái dạ dày làm việc. Có lẽ, nó đã bắt đầu quen với chức năng của nó nên tôi không thấy mệt như sáng nay. Tuy nhiên, chỉ độ một giờ đồng hồ sau, tôi lại thấy ngầy ngật khó chịu. Mắt tôi nặng trĩu, những chiếc bóng trắng vờn quanh rồi nắm tay tôi lôi vào cơn mộng mị đầy lửa đỏ. "Đát, coi chừng". "Cung ơi". Người tôi rét run. Tôi vội quơ rơm trong ổ phủ lên mình, nằm co rút như con tôm. Trong lớp rơm phủ đầy lên mặt, tôi nghe hơi thở mình nóng hừng hực như trong một lò rèn. Tôi cố định thần và hiểu rằng mình lại lên cơn sốt cao độ.
Những con vi trùng sốt rét ác tính tràn ngập cơ thể tôi, cắn xé dữ dội. Cơn sốt ác liệt kiểu nầy rất dễ dàng mang đi mạng sống của con người. Tôi không sợ chết, chỉ tội cho Thu Hồng. Tôi gọi tên nàng một cách tha thiết và chìm đi trong những cơn ác mộng.
Cơn sốt giảm xuống khi ngày sắp tắt. Các ân nhân của tôi có lẽ đã về từ lâu. Có tiếng lửa cháy lép bép nghe vui tai ở chòi nhỏ bên ngoài. Tôi xoay người nhìn ra; khói bếp bốc lên, bị gió núi thổi bạt, chui vào tận chỗ tôi nằm. Mùi khói làm tôi thấy ấm lòng. Tôi nhớ đến gian bếp ở căn phố mà chị em Thu Hồng đang sống. Tôi đã cùng nàng nhiều lần ngồi bên bếp lửa trong những ngày tôi về phép. Trong lúc nấu ăn, thỉnh thoảng nàng lại quay sang nhìn tôi một cách đắm đuối rồi tựa đầu vào vai tôi; tôi ôm tấm thân mềm mại của nàng cho đến khi thức ăn và cơm bắt đầu bốc mùi cháy. Ký ức nầy lập tức tạo nên nguồn ham sống bừng bừng trong lòng tôi cùng ước mong tha thiết trở về gặp lại nàng.
Đầu tôi nhức tăng tăng, nhưng tôi gượng ngồi dậy, chống hai tay phía trước và nhìn ra ngoài. Hoàng hôn đang xuống trên núi rừng. Tôi cố lết ra khoảng trống phía trước, say sưa nhìn cảnh vật đang sửa soạn bước vào đêm. Tôi lướt mắt trên đầu những ngọn lúa trong nương, nhìn thấy bìa rừng tạo nên một hàng cây trông thẳng tắp như một bức tường. Sâu phía trong bức tường, bóng tối đã ngự trị tạo nên một nền đen thăm thẳm. Xa hơn nữa, trên đầu bức tường cây, hai ngọn núi vọt lên một cách ngạo nghễ, làn mây trắng đục vờn trên đỉnh núi.
Tôi bỗng có ý nghĩ, sau chiến tranh, tôi sẽ cùng Thu Hồng lên đây, cất chòi canh rẫy, mỗi buổi chiều hai chúng tôi sẽ ngồi tại đây, chờ đợi ánh nắng vàng tắt lịm trên hai đỉnh núi kia. Đầu nàng sẽ tựa vào vai tôi, mắt nàng mở to chăm chú nhìn khói sương lan dần từ vách núi, đổ xuống thung lũng, bò lên nương rẫy, che khuất bìa rừng và mon men đến trùm lên cả đôi vợ chồng chúng tôi.
Tôi bật cười về ý nghĩ kì quặc và ngộ nghĩnh đó, nhưng lòng tôi cồn cào nỗi nhớ nhung. Ôi Thu Hồng! Nếu có phép mầu đem nàng đến đây cho tôi cầm lấy tay trong chốc lát thì tôi sẵn sàng đổi mười kiếp sống để nhận lấy giây phút thần tiên đó.
Có tiếng động sau lưng, tôi quay lại. Ân nhân của tôi bước vào với tô cháo trên tay. Vẫn với nụ cười chất phác và đôn hậu, ông đưa thức ăn cho tôi. Cháo hôm nay màu nâu, có mùi thịt rừng. Tôi đưa lên miệng, hớp từng hớp một, cảm thấy ngon miệng. Nỗi vui sướng dâng lên trong tôi. Cảm giác ngon miệng nầy là dấu hiệu sự sống chưa từ bỏ tôi. Tôi sẽ gặp lại đồng đội, tôi sẽ gặp lại Thu Hồng.
Trời đã tối hẳn, tôi chui vào ổ rơm, nằm suy nghĩ mông lung. Tôi cảm thấy dễ chịu nhưng tay chân còn yếu ớt lắm. Ngày mai tôi chưa lên đường được. Hai hôm rồi sốt rét rừng đã lên cơn vào buổi xế trưa; ngày mai cũng như thế và tôi sẽ gục trên đường đi, rồi có thể không dậy được nữa.
Tôi nhắm mắt lại, nằm im. Khi tiếng ngáy ở ổ rơm bên kia bắt đầu vang lên thì tôi cũng chìm vào giấc ngủ.
Một đêm bình yên đi qua. Sáng ra, các ân nhân của tôi vẫn lặng lẽ cho tôi ăn cháo và dẫn đứa bé đi đến chiều. Quả như tôi dự đoán, cơn sốt trở lại vào bữa trưa, lôi tôi vào mộng mị và buông tha cho tôi khi hoàng hôn đến.
Trong ba ngày liền, cơn sốt đến và ra đi rất đúng giờ. Ngày thứ ba, sau khi ăn trưa với thức ăn do ân nhân để lại, tôi nằm im, bình thản chờ cơn sốt đến. Tôi và “nó” đã quen nhau nên “nó” không còn lôi tôi vào cơn mộng mị được nữa. “Nó” chỉ làm cho tôi rét run cầm cập, nằm cuộn tròn trong rơm mà chịu đựng.
Rồi đột nhiên “nó” biến mất. Suốt ngày thứ tư, từ trưa đến chiều, tôi nằm chờ đợi nhưng “nó” không đến. Ngày thứ năm, “nó” cũng không đến. Tôi vui mừng khôn tả. “Nó” bỏ tôi mà đi rồi. “Nó” đã phụ lòng Thần chết, vì tôi đã chiến thắng “nó”. Tôi sẽ về, chắc chắn tôi sẽ về với đồng đội, với người vợ trẻ của tôi.
Sáng hôm sau, thức dậy, tôi thấy sảng khoái trong người. Thử đứng lên, tôi thấy mình còn quá yếu chưa thể vượt rừng băng suối được. Vợ chồng ân nhân vẫn cung cấp thức ăn trong ngày cho tôi rồi dẫn con lên nương rẫy.
Suốt ngày hôm đó, nhiều lần tôi bò ra ngoài, phía bên không có nắng. Tôi ngồi đó nhìn trời, ngắm nương rẫy và núi rừng. Hôm nay, tại sao bầu trời tươi sáng đến thế, núi rừng xinh đẹp dường nầy? Tôi đang đứng trên một triền đồi thoai thoải, phía trước là rẫy lúa nhưng phía sau, mặt đất trơ nền sỏi đá, lớp mầu mỡ bên trên đã bị nước mưa cuốn sạch từ lâu rồi. Chất đất màu vàng nhạt lốm đốm nâu kéo dài mãi đến tận chân đồi. Nơi đây màu xanh lại xuất hiện. Đó là thung lũng hẹp, giao điểm của hai quả đồi. Một dòng suối óng ánh bạc thấp thoáng sau những bụi cây.
Tôi sực nhớ rất nhiều ngày rồi tôi không tắm. Lần tắm cuối cùng là vào ngày thứ nhì sau khi rời bỏ ngọn đồi đẫm máu đó. Bộ áo quần dơ dáy của tôi đè nặng trên lớp da, làn da cũng đầy bụi đất đè nặng trên các thớ thịt bên trong. Tôi nhìn dòng suối xa xa một cách thèm thuồng, Tuy nhiên, tôi ước sức mình không xuống được đến đó, chứ đừng nói từ dưới đó trở lên. Tôi cảm thấy mệt nên trở vào chòi, buông mình trên ổ rơm.
Đầu óc tôi trở nên sáng suốt. Tôi nhẫm tính lại số ngày từ cái đêm mở đường máu. Tôi nhớ lại những điều đã trải qua trong ngày thứ nhất, ngày thứ nhì và những ngày tiếp theo. Vậy là tôi đã thất lạc trong rừng năm ngày, và ở lại chòi nầy được sáu ngày. Mười một ngày đã trôi qua. Các anh em cùng mở đường máu với tôi đã về đến được đơn vị chưa? Ai còn ai mất? Tôi còn phải nằm lại đây bao lâu nữa?
Một ngày lại trôi qua êm ả. Hôm sau, tôi thức dậy lúc trời chưa sáng. Tôi thấy sức khoẻ mình phục hồi một cách khả quan. Tôi lẩm bẩm: “Hôm nay là ngày thứ mười hai rồi đây”. Tôi bước ra khỏi lều. Trên trời, sao lấp lánh. Chân đồi còn tối đen nhưng trên đỉnh đồi bên kia, bầu trời đà hửng sáng. Một dãi mây nằm vắt ngang màu trắng nhờ nhờ in trên nền trời thăm thẳm. Tôi cảm thấy mình còn yếu lắm nhưng chân đã hết run. Ngày mai, tôi phải lên đường, nhất định ngày mai phải trở về.
Vợ chồng ân nhân tôi cũng vừa thức giấc, đứa bé còn ngủ say. Không bao lâu sau, lửa reo vui tí tách trong lều nhỏ. Tôi xuống bếp và xin người đàn ông cho tôi ăn cơm với họ. Tôi phải ăn cơm cho mau mạnh để ngày mai lên đường.
Đây là lầu đầu tiên tôi nói với ông ta. Tôi ngạc nhiên vì ông hiểu ngay điều tôi muốn nói. Có lẽ ông thường tiếp xúc với người miền xuôi nhưng ít khi phát biểu ý kiến mình. Ý nghĩ nầy làm tôi phấn khởi, con đường từ đây đến chỗ người Kinh ở chắc không còn xa lắm.
Quả thực vậy, khi tôi hỏi từ đây ra con đường có xe chạy còn xa hay gần, độ bao nhiêu cây số, ông ta hiểu lời tôi nhưng cứ đứng ngẩn người ra không trả lời được. Tôi lặp lại câu hỏi một cách khác, vừa nói, vừa ra dấu bằng tay và chân:
- Ngủ dậy đi, tối thì tới phải không?
Ông lắc đầu, lắp bắp:
- Không, ngủ dậy đi….tới….cái nắng….
Ông dùng tay chỉ theo hướng thẳng đứng. Tôi hiểu rồi, "cái nắng trên đầu", sáng đi trưa tới, chỉ nửa ngày thôi. Nếu đúng như thế thì những ngày đầu tôi đã không lạc đường quá xa, và nếu không bị cơn sốt rét hành hạ thì tôi đã về đến đơn vị lâu rồi.
Sau khi ba người ra rẫy, tôi đợi mặt trời lên cao rồi xuống suối tắm giặt. Nước trong veo, mát rượi làm tôi thực sảng khoái nhưng không dám tắm lâu vì chỉ mới dứt cơn sốt được có ba ngày. Tôi ngồi trên một gộp đá phẳng phiu sát mặt nước, vò áo quần rồi mặc lại quần uớt đi lên.
Tôi cảm thấy khá mệt nhưng lòng tràn đầy hi vọng. Tôi còn một ngày hôm nay nữa để dưỡng sức và sáng mai lên đường. Chiều hôm đó, tôi nói cho ân nhân tôi biết ý định trở về nhà. Lúc đầu, ông nhìn tôi rồi lắc đầu, nói một cách khó khăn:
- Không đi được, cái núi cao, cái con đường dài, ông không đi được.
Tôi trả lời:
- Tôi đi được, tôi phải về, không ở đây nữa. Ông cho tôi biết con đường.
Thấy vẻ mặt cương quyết của tôi, ông đành gật đầu:
- Không có cái con đường, đi cái nầy.
Ông chỉ tay về hướng con suối. Đó là hướng chính đông. Ông bỏ tôi đứng một mình, lẵng lặng đi ra bìa rừng và khi về mang theo mấy cái lá to. Mãi sáng hôm sau tôi mới biết những cái lá nầy dùng để gói cơm cho tôi mang theo. Ôi, con người nhân hậu!
Đêm đó, tôi ngủ ít vì nôn nóng đợi bình minh. Cuối cùng ngày cũng đến. Tôi được ăn cơm với thịt rừng phơi khô nướng thơm ngào ngạt. Cơm nước xong, người đàn bà trao gói cơm cho tôi cùng với một ống nứa đựng nước uống. Tôi cho vào túi đeo vai, hành lý duy nhất còn lại của tôi.
Khi mặt trời ló dạng trên ngọn đồi trước mặt, giờ chia tay bắt đầu. Hai người lớn đứng thẳng trước chòi, đứa bé bám vào quần của mẹ, cả ba quay mặt về phía suối. Tôi đứng im trước mặt họ, nỗi bùi ngùi trào dâng trong lòng. Tôi sắp từ biệt họ và không mong gặp lại. Họ đã cứu mạng tôi và cưu mang tôi trong tám ngày đêm. Tôi đã thoát chết nhờ cái ổ rơm của họ, nhờ những bát cháo chén cơm do công lao và mồ hôi họ đổ trên nương rẫy. Mọi lời cám ơn lúc nầy đều trở thành vô nghĩa đối với tấm lòng của họ. Tôi đến trước mặt người đàn ông, hai bàn tay tôi nắm chặt lấy vai ông, mắt rưng rưng. Ông gật đầu liền mấy cái tỏ ý hiểu lòng tôi.
Tôi quay lui, đi vài bước, sực nhớ trong ba lô còn sợi dây chuyền vàng mà Ngọc Thúy tặng lúc chia tay năm xưa. Tôi quay lại, mở miệng túi, thò tay vào. Tôi đẩy gói cơm sang một bên, thọc bàn tay sâu vào tận đáy và chạm vào cái gói quấn nilon. Ở đó còn một số tiền nhỏ, nhưng tôi cần nó cho cuộc hành trình trở về. Tôi lôi sợi dây chuyền ra, dùng hai tay căng nhẹ, màu vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời ban mai. Tôi trao nó cho người đàn ông và ra hiệu mang vào cổ người đàn bà. Ông ta làm theo, xong hai vợ chồng nhìn nhau cười, cái cười hiền hòa và rạng rỡ không bút nào tả xiết.
Tôi quay lưng và đi xuống đồi. Trong nỗi cảm xúc to lớn, lòng tôi chợt vui như mở hội, kỷ vật quý giá của người yêu xưa kia đã được trao đúng nơi đúng lúc. Tôi vui mừng nhưng cũng hơi ngậm ngùi vì sợi dây chuyền vàng đã theo tôi suốt bao nhiêu năm tháng hành quân; đó là mối dây liên lạc cuối cùng giữa tôi và mối tình đầu của một thời hoa bướm.
Tôi đã đến con suối. Trong dòng nước trong veo nầy tôi đã tắm một lần, và chỉ một lần duy nhất trong đời. Tảng đá phẳng phiu kia là nơi tôi ngồi giặt giũ bộ áo quần mà tôi đang mặc, chắc chắn tôi sẽ không còn bao giờ trông thấy nó nữa.
Tôi đứng trên tảng đá đó và quay lui. Cả ba con người phúc hậu vẫn đứng yên như những pho tượng, nhìn theo tôi. Tôi vẫy tay từ biệt, hai người lớn vẫy tay đáp lại. Tôi băng qua suối, cảm thấy lòng bịn rịn lạ kỳ. Tôi đã leo lên đến lưng chừng đồi và sắp chui vào đám cây rậm rạp. Tôi dừng lại và quay lui. Họ không còn đứng ở chỗ cũ nhìn theo nữa. Bóng ba người in rõ trên sườn đồi, lầm lũi đi. Họ ra nương rẫy và chiều về chui vào cái chòi tồi tàn để sáng mai lại lầm lũi ra đi. Nếp sống kéo dài theo một nhịp điệu, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm….
Tôi rảo bước về phía trước, lên đồi rồi lại xuống đồi, băng qua những khe suối đã khô nước. May quá, trên đường đi không có những đỉnh núi cao, những vực sâu ngăn cản bước tiến, tuy nhiên không bao lâu sau khi khởi hành tôi cảm thấy kiệt lực; sức khoẻ tôi bây giờ suy giảm quá nhiều so với những ngày hành quân trước kia. Tôi bắt đầu lo sợ lại ngã gục trên đường đi. Tôi gọi tên Thu Hồng nhiều lần rồi lẩm nhẩm gọi tên những anh em trong đai đội, người còn sống lẫn người đã chết. Kỳ lạ thay, những cái tên nầy như tăng thêm sức chịu đựng của đôi chân tôi.
Giữa trưa, tôi dừng lại dưới bóng mát của một cây to, lấy cơm ra ăn, lấy nước ra uống. Tôi nghỉ ngơi chốc lát rồi lại ra đi. Hơi thở tôi phì phò mệt nhọc nhưng chân tôi vẫn rảo bước. Nỗi háo hức gặp lại đồng đội nội trong ngày hôm nay đổ thêm sức mạnh vào đôi chân.
Đến chiều, khi mặt trời sắp chìm sau đỉnh đồi ở hướng tây, đôi chân tôi trở nên cứng đờ, không thể nào điều khiển được. Tôi ngồi xuống đất dựa vào một thân cây, duỗi thẳng chân. Tôi có cảm tưởng đôi chân đã bị một mụ phù thủy làm cho hóa đá. Không phải thế, nó nặng nề, cứng ngắc, bất động, nhưng không phải là hai khối đá vô tri. Từ đùi đến bắp chân thì nhức dữ dội còn hai bàn chân thì đau đớn như đang bị một đàn kiến bu vào cắn đốt.
Tôi vụt hiểu quảng đường dài nửa ngày mà ân nhân tôi nói hôm qua là với sức lực của người mạnh khỏe đã quen di chuyển xuyên qua núi rừng. Còn với người vừa khỏi bệnh như tôi, thời gian đó ắt phải nhân lên nhiều lần. Tôi lấy ống nứa đựng nước ra. Nước vẫn còn đầy. Cách đây hơn một giờ đồng hồ, tôi băng qua một con suối và theo thói quen của những ngày hành quân trước kia, tôi đã lấy nước thêm để dự trữ. Tôi mở nắp ống, tu một hơi. Nước mát làm thần kinh tôi dịu lại. Tôi đưa tay áo lau mồ hôi trên hai mắt và nhìn về phía trước để ước đoán quãng đường còn lại.
Tôi bỗng giật mình, chăm chú nhìn. Thấp thoáng xa xa có một mái nhà bé tí. Lại thêm một mái nhà nữa xa hơn, hình như đó là một mái ngói. Đúng rồi, màu ngói nửa đỏ nửa đen. Chắc chắn nơi đó là con đường lộ. Kể từ khi Ông Ngô Đình Diệm thành lập các ấp chiến lược, dân chúng đã dời nhà ra sống tập trung hai bên đường lộ. Nay ấp chiến lược không còn nữa, họ vẫn sống tại chỗ vì chiến tranh ngày càng ác liệt hơn.
Tôi cố tìm bóng dáng con đường. Hình như nó kia kìa, một vệt đen nhỏ dài, đứt khoảng giữa những lùm cây lúp xúp. Đó thực sự là con đường hay chỉ là ảo giác? Tôi không thể xác nhận được nhưng lòng tràn đầy hi vọng. Tôi ước lượng khoảng cách từ đây đến đó, khoảng từ năm đến mười cây số.
Tôi khấp khởi mừng thầm. Đường về ở ngay trước mắt. Nhưng đôi chân tôi vẫn cứng đờ như gỗ. Thôi, đêm nay đành ngủ lại tại đây, sáng mai tiếp tục lên đường. Tôi lấy phần cơm còn lại ra ăn nốt. Miếng lá gói cơm được tôi cẩn thận xếp lại, nhét vào túi đeo vai để làm kỷ niệm. Tôi nhớ lại những ân nhân của tôi, nhớ bóng dáng họ đứng im trên sườn đồi, sau lưng là cái chòi nhỏ bé, hai mái tranh đen sì kéo xuống sát đất.
Trên một chỗ cao bằng phẳng, tôi nằm ngửa ra nhìn lên bầu trời cao, mỗi lúc một sẫm dần.
Suốt đêm, nhiều lần, tôi cảm thấy sợ. Dưới nền đất có chú rắn độc nào đang bò đến gần? Trong lớp lá cây khô dưới lưng, có con bò cạp núi chứa đầy nọc độc giết người hay không? Mấy bóng đen hiện lờ mờ dưới ánh trăng non là những lùm cây hay dã thú đang rình rập chờ tôi nằm yên là nhảy lại cắn nát cuống họng và lôi tôi về hang ổ? Cảm giác sợ sệt nầy thực là mới lạ, chưa bao giờ có trong những đêm hành quân, ngủ rừng, ngủ bụi cùng đồng đội, cả trong những ngày cô độc sau chuyến mở đường máu tháo chạy vừa qua.
Những ngày qua, tôi ở nơi ranh giới của sự sống và sự chết. Cho nên những nguy hiểm tưởng tượng trên đây chỉ là chuyện vụn vặt không đáng nghĩ tới. Bây giờ sự sống đang hiện ra rõ ràng trước mặt tôi, bên kia mấy ngọn đồi thấp. Sự sợ hãi vu vơ nầy chính là lòng khát khao được trở về với sự sống, với đồng đội, với người vợ thân yêu. Sự sợ hãi không dừng tại đó. Tôi liên tưởng đến những du kích ban đêm từ chiến khu mượn đường qua đây về quấy phá xóm làng bên dưới. Nếu tôi rơi vào tay họ thì mọi việc sẽ chấm dứt; họ sẽ cho tôi nằm lại đây vĩnh viễn.
Sau cùng, tôi cũng ngủ một giấc say sưa sau một ngày mệt nhọc.

Tờ mờ sáng hôm sau, tôi thức dậy, tinh thần rất phấn chấn. Tôi khởi hành ngay. Hơn hai giờ sau, tôi băng qua đường xe lửa. Hai thanh sắt đã rỉ sét, cỏ và những bụi cây che khuất, đứng kế bên mới nhận ra được. Rồi quốc lộ số Một hiện ra, với xe cộ lưu thông qua lại; nỗi vui mừng của tôi không sao tả xiết.
Tôi bước lên vệ đường, nhìn dọc theo hai chiều con lộ và nhận ra nơi đây thuộc về Hương trà, cách Huế độ một chục cây số về phía bắc.
Một chiếc xe Lam ba bánh xuất hiện sau một khúc quanh. Xe đỗ lại sau cái vẫy tay của tôi. Mọi người nhìn tôi một cách lạ lùng. Tôi cố leo lên một cách nặng nhọc. Người đàn ông ngồi phía sau kéo tôi lên và dìu tôi vào tận trong cùng, ngồi ngay sau lưng bác tài xế. Mọi hành khách tiếp tục nhìn tôi. Tôi biết mười mấy ngày qua đã biến đổi hình dạng tôi quá nhiều. Một người đàn bà không dằn được tò mò, hỏi tôi từ đâu đến. Tôi kể cho họ nghe sơ lược câu chuyện của tôi và bây giờ tôi trở về trình diện tiểu khu Thừa thiên. Đáng lẽ tôi không nên kể chuyện nầy với họ. Nhưng, đang trong cơn phấn khởi tột độ, tôi cần nói cho mọi người nghe hạnh phúc vô cùng to lớn của tôi lúc nầy.
Xe băng qua cầu Bạch hổ, tiếp tục chạy ngang qua vài con đường và dừng lại trước cổng tiểu khu. Bác tài xế mời tôi xuống để xe quay trở về bến. Tôi chợt hiểu. Bác tài đã đi sai lộ trình để đưa tôi đến tận nơi. Trong lúc lái xe, bác đã lắng nghe câu chuyện tôi kể với mấy hành khách phía sau.
Tôi bước xuống, đến trước đầu xe để trả tiền. Bác tài xua tay:
- Không, tôi không lấy tiền đâu, đại úy vào tiểu khu đi.
Nói xong, bác mỉm cười cho xe tiến tới. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo. Hành khách phía sau vẫy tay chào, tôi vẫy theo đáp lễ. Tôi còn đứng nhìn theo cho đến khi xe khuất bóng. Mắt tôi rưng rưng, lòng bồi hồi cảm xúc vì tình người mà tôi nhận được sau cơn hoạn nạn.
Tôi quay lui đến trạm gác của tiểu khu. Lập tức, người binh sĩ trực cổng thông báo vào bên trong. Người ta đưa tôi vào, mọi người xúm xít lại hỏi han. Tin tức về trận đánh đẫm máu trên ngọn đồi vẫn đang còn nóng hổi tại đây và sự tan rã của đại đội tôi vẫn còn là đề tài bàn bạc của mọi người. Tôi trở về như một nhân vật huyền thoại.
Tôi được đưa ngay đến quân y viện để khám sức khoẻ. Người ta lấy máu của tôi để xét nghiệm và kết luận tôi bị sốt rét với cùng lúc nhiều loại huyết trùng tập trung. Quân y viện đang đầy nhóc thương binh, trực thăng tải thương gần như mỗi ngày đều đáp xuống trong khuôn viên. Vì vậy tôi được đưa về phòng vãng lai của tiểu khu để điều trị ngoại trú. Cơn sốt đã qua, việc điều trị và phục hồi sức khoẻ không còn gì khó khăn và khẩn cấp.
Tôi yên tâm và nghĩ ngay đến việc liên lạc với đơn vị của mình. Đại tá tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng đến thăm tôi một lần. Ông siết tay tôi thực lâu và thực ân cần. Đại úy Tuyến, trưởng phòng Năm thường đến trò chuyện với tôi. Ông ta cho hay đã liên lạc với tiểu đoàn thủy quân lục chiến của tôi. Ông cũng nói rằng khi nghe tin tôi trở về, anh thiếu tá tiểu đoàn trưởng nhảy cẫng lên, cả tiểu đoàn đều reo hò. Tôi rất cảm động về tình cảm mà đồng đội dành cho tôi.
Tôi được biết trong số năm mươi sáu người mở đường máu để trốn nhạy, ba muơi lăm người đã lần lượt trở về trình diện. Họ tìm được đường về rất sớm trong khoảng từ hai đến bốn ngày sau khi thoát khỏi ngọn đồi. Người ta chờ đợi thêm vài ngày rồi kết luận những người còn lại đã tử trận hoặc đã bị rơi vào tay địch. Trong số các trung đội trưởng, chỉ có một người trở về, đó là thiếu úy Tánh, được đặc cách lên trung úy ngay. Tôi nghe và chết điếng trong lòng. Trời hỡi, hai mươi mốt anh em tôi đã không trở về nữa, họ đã bị bắt làm tù binh hay đã vĩnh viễn nằm lại trong chốn rừng núi âm u. Tôi nhớ lúc băng xuống sườn đồi trọc, nhiều người ngã gục trước lằn đạn bên dưới bắn lên.
Người ta cũng cho hay trong cái đêm kinh hoàng đó, ước lượng có đến hai trung đoàn mới từ miền Bắc vào, có cả xe tăng yểm trợ, nếu chúng tôi không mở đường máu ngay giờ phút đó thì không còn một ai trong đại đội trở về nữa. Họ đã chiếm được ngọn đồi, giữ được một đêm và một ngày, sau đó cũng phải bỏ vì không chịu nổi hỏa lực của pháo binh và phi cơ chúng ta. Than ôi, chỉ vì một ngọn đồi mà bao nhiêu máu thắm đã đổ ra, bao nhiêu con người khoẻ mạnh yêu đời phải nằm xuống rồi cuối cùng chẳng ai muốn giữ nó nữa. Chiến tranh là cái trò độc ác và quái đản như thế.
Tôi sực nhớ tới Thu Hồng. Người ta đã kết luận tôi tử trận cùng hai mươi anh em khác và người ta đã báo về gia đình chưa? Thu Hồng đã nhận được hung tin nầy chưa? Nếu nhận được rồi, tâm trạng nàng sẽ ra sao? Có bị suy sụp vì đau đớn và tuyệt vọng hay không? Tôi tìm đến vị sĩ quan chiến tranh chính trị của tiểu khu và nói rõ sự lo lắng của mình. Ông ta ôn tồn trả lời:
- Đối với tiểu khu, tiểu đoàn thủy quân lục chiến các anh là lực lượng tăng phái. Chúng tôi chỉ phối hợp với tiểu đoàn về hành quân mà thôi. Kết luận các anh tử trận và thông báo về cho gia đình không phải là phần việc của tiểu khu.
Ông im lặng một chút rồi nói tiếp, giọng rầu rĩ:
- Theo tôi, việc thông báo về gia đình có thể đã làm xong rồi. Chiến trường đang sôi động, ngày nào cũng có người chết, nhất là binh chủng thiện chiến của đại úy, luôn luôn phải lao vào những nơi nguy hiểm nhất và đứng mũi chịu sào trước hỏa lực của quân địch. Các trung tâm hành quân, các phòng và ban Ba quay cuồng trong công việc, các đơn vị hành chánh cũng quay cuồng theo. Người ta phải giải quyết công việc thực nhanh không thể để tồn đọng được.
Lời giải thích hữu lý của ông đại úy nầy làm tăng nỗi lo lắng của tôi. Tôi phải thông báo ngay về cho Thu Hồng rõ là tôi còn sống và sẽ về gặp lại nàng. Hôm nay là ngày thư tư sau khi tôi thoát nạn, tôi tự trách mình đã không thông báo cho nàng ngay ngày đầu tiên.
Tôi nhờ xe tiểu khu đưa ra phố đánh điện khẩn cấp về địa chỉ của Thu Hồng tại nhà riêng của chúng tôi. Tôi đánh thêm một điện tín về trường cho Thịnh, với ý nghĩ nàng có thể nhận được ngay trong giờ dạy. Cả hai bức điện, tôi đều cho địa chỉ của tiểu khu. Tôi về phòng vãng lai và sốt ruột đợi chờ. Tôi chờ đợi điện trả lời của Thu Hồng đồng thời chờ lệnh triệu hồi về tiểu đoàn để gặp lại anh em.
Trong các sĩ quan của đại đội tôi sẽ còn gặp lại trung úy Tánh mà thôi, những người khác, vĩnh viễn tôi không còn thấy mặt nữa. Nước mắt tôi trào ra. Tôi nhớ lại những cuộc hành quân, chúng tôi cùng lao vào chỗ chết; lúc dừng quân, anh em cùng xúm xít nhau quanh tấm bản đồ. Rồi những lúc tạm đồn trú gần thành phố, anh em ngồi đầy xe Jeep, đi la cà từ quán nầy đến quán nọ. Than ôi, nay còn đâu những đồng đội thân yêu như ruột thịt đó nữa.
Sau ba ngày chờ đợi, tôi nhận được điện tín trả lời của Thịnh từ Sài gòn đánh ra: “Chị Hồng bệnh rất nặng, anh về gấp”. Tôi choáng váng mặt mày vì bức điện. Tôi cầm nó trên tay và chạy ngay lên phòng chiến tranh chính trị. May quá, đại úy Tuyến, trưởng phòng có ở đó. Tôi trao ngay bức điện cho ông ta. Đọc xong, ông nhìn tôi, giọng rầu rĩ:
- Tôi xin chia buồn với đại úy.
Tôi ngắt ngang câu nói:
- Đại úy có thể giúp tôi một giấy phép về thăm vợ tôi ngay không?
Ông im lặng nhíu mày suy nghĩ. Một phút sau, ông ngẩng lên, giọng trầm và trịnh trọng:
- Đại úy có đủ bình tĩnh để giữ kín lời tôi sắp nói hay không?
Tôi sửng sốt nhưng vẫn trả lời một cách sốt sắng:
- Đại úy hãy tin tôi.
Ông ta bước ra khỏi bàn làm việc, đến ngồi bên tôi:
- Tôi được biết lữ đoàn đang tái lập lại đại đội của đại úy với tân binh và những sĩ quan, hạ sĩ quan trích ra từ các đơn vị khác. Dĩ nhiên, đại úy sẽ trở về chỉ huy đại đội, với điều kiện…
Tôi sốt ruột ngắt lời:
- Điều kiện gì?
- Nhận được ý kiến thuận của an ninh quân đội.
- Trời!
Tôi cảm thấy choáng váng với bốn chữ an ninh quân đội nầy. Tôi đang bị điều tra như một tên tội phạm sao? Nỗi gian truân, nỗi đau khổ trong những ngày thất lạc dẫn đến hoàn cảnh ngày nay sao? Lòng nhớ nhung đơn vị, lòng khát khao trở về chiến đấu cùng đồng đội trong lúc nằm kề cái chết trong căn chòi tồi tàn được xem như một điều phạm tội hay sao?
Có lẽ hiểu lòng tôi nên vị sĩ quan chiến tranh chính trị ôn tồn tiếp lời;
- Tôi biết nỗi buồn phiền trong lòng đại úy. Đại úy còn quá trẻ. Đó là điều thuận lợi cho con đường tiến thân trong binh nghiệp của đại úy. Đại úy đã được thăng cấp nhanh hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ rằng những lần lên lon của đại úy đều xảy ra ngoài mặt trận, sau những chiến công liên tiếp, có phải không nào?
Tôi trả lời cộc lốc:
- Phải.
Đại úy Tuyến vẫn giữ nét mặt ôn hòa và kiên nhẫn:
- Cấp bậc đại úy khi còn khá trẻ là thuận lợi cho binh nghiệp, nhưng bất lợi trong kinh nghiệm sống. Mỗi người trong chúng ta chỉ là một cái gì đó nhỏ xíu trong guồng máy xã hội khổng lồ. Guồng máy đó vốn vô tình. Nó không quan tâm đến hoàn cảnh, ý nghĩ và tâm tình của mỗi người. Nó cứ quay với một nhịp cứng ngắc và bắt mọi người phải quay theo. Đôi khi, ta thấy sự quay cuồng đó thực là phi lý cho hoàn cảnh của riêng chúng ta, nhưng không thể làm khác hơn được. Nếu chúng ta không chịu quay theo, ắt sẽ bị nghiền nát hoặc văng ra ngoài và lập tức bị guồng máy khác đến cuốn đi. Đại úy có hiểu được ý tôi không?
Tôi bực tức trả lời:
- Ông muốn bảo rằng mỗi thân phận của người miền Nam, kể cả dân lẫn quân, đều bị áp lực của hai guồng máy, một của quốc gia, một của cộng sản và chúng ta không thể đứng ở thế độc lập được, có phải thế không? Nhưng thôi, đừng dài dòng nữa. Đây không phải là một lớp triết học, tôi từ giã nó lâu rồi. Ông hãy cho tôi biết ngay, có thể “đề mẹt” cho tôi một giấy phép đặc biệt hay không? Nếu tôi không về kịp, vợ tôi có thể chết mất.
Đại úy Tuyến nắm lấy hai vai tôi, giọng vẫn ôn tồn, rất đúng với tư thái của sĩ quan chiến tranh chính trị:
- Đại úy hãy bình tĩnh, tôi không dài dòng đâu. Tôi biết bức điện gây cho đại úy sự xúc động mãnh liệt. Tôi biết mình không đủ khả năng an ủi đại úy như tôi đã làm với bao nhiêu người khác. Do đó, tôi phải trình bày từ nguồn gốc vì đối với người trí thức, chỉ có lý trí mới làm được công việc an ủi mà thôi. Chúng ta là những người trí thức, hoàn cảnh buộc chúng ta khoác quân phục nhưng chiến tranh không thể làm mất bản chất của chúng ta. Nhờ cái bản chất trí thức đó, chúng ta mới tự nhắc nhở cho mình về thân phận con người để có thể cắn răng chịu đựng và chấp nhận những phi lý của cuộc đời như là điều hoàn toàn hữu lý. Tôi phải nói trước như thế để mong đại úy sẵn sàng nhận chịu những điều phi lý của cuộc đời nầy. Bây giờ, tôi đi vào vấn đề đây. Sự trở về của đại úy đã gây xúc động rộng khắp, ở tiểu đoàn thủy quân lục chiến của đại úy, ở tiểu khu chúng tôi và có lẽ ở nhiều nơi khác nữa, Việc đại úy mở đường máu để cứu nhiều anh em trong đại đội là hoàn toàn theo lệnh trên và rất hữu lý về chiến thuật. Phúc trình của đại úy về những ngày thất lạc trong rừng rất cảm động và không ai nghi ngờ sự chân thật của đại úy. Nhưng cái điều trớ trêu là đại úy bị kẹt trong rừng đến mười bốn ngày, nghĩa là mười ngày sau khi người cuối cùng về trình diện đơn vị. Đại úy lại về mình không, súng và bản đồ đều mất cả. Điều đó, quân đội không thể bỏ qua dễ dàng, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Viên sĩ quan chiến tranh chính trị ngưng nói, nhìn tôi để dò phản ứng. Ông ta nắm tay tôi bóp nhẹ một cách thân ái. Bây giờ tôi mới để ý đến nét mặt hiền lành và nho nhã của ông ta. Mấy hôm trước, trong một câu chuyện ở bữa ăn, thiếu tá trưởng phòng hành quân bảo rằng ông ta là một sĩ quan được mọi người trong tiểu khu kính mến. Ông ta đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, bị động viên năm 1962, giải ngũ rồi lại tái ngũ vì lệnh tổng động viên sau Tết Mậu thân. Vì vậy, mang lon đại úy trên vai nhưng giọng nói vẫn giữ nét hấp dẫn của giáo sư giảng bài trên lớp học:
- Mười ngày, hay đúng hơn mười bốn ngày đó của đại úy cần phải được xác minh một cách khách quan. Những người duy nhất có thể làm nhân chứng, theo phúc trình của đại úy, là hai vợ chồng người Thượng. Nhưng lẽ nào phải mở một cuộc hành quân quy mô có cả pháo binh và phi cơ yểm trợ, chỉ vì mục đích hỏi hai nhân chứng đó một câu hay sao? Không thể có chuyện đó được.
Tôi không thể kềm chế cơn giận, nên to tiếng:
- Các ông không tin tôi à? Các ông nghi tôi điều gì? Trời ơi, trong bao nhiêu ngày tôi nằm trong căn chòi khổ sở đó, lòng lúc nào cũng cồn cào nỗi mong chờ được về chiến đấu cùng anh em, thế mà bây giờ người ta lại đối xử với tôi thế nầy sao?
Đại úy Tuyến chồm tới trước nắm cả hai bàn tay tôi:
- Đại úy hãy bình tĩnh nghe tôi nói tiếp đây. Không ai nghi ngờ một điều gì xấu xa cho đại úy vì không có một bằng chứng nào để có thể nghi ngờ. Rồi cuối cùng, người ta sẽ phải kết luận phúc trình của đại úy là xác thực. Nhưng không thể kết luận nhanh chóng được vì sợ trái với thủ tục. Thủ tục thì lúc nào cũng phiền phức và lê thê. Hơn nữa, người ta phải cố ý kéo dài thời gian trong việc xác minh. Thời gian càng dài thì càng đỡ trách nhiệm cho người sẽ ký tên cuối cùng trong bản xác minh cho đại úy.
Tôi chăm chú nghe và cảm thấy nỗi cay đắng cùng cực vẫn tiếp tục tràn ngập trong lòng. Tôi hỏi với giọng đầy chán nãn:
- Thời gian đó là bao lâu?
- Tùy thuộc bên an ninh quân đội.
Một lần nữa, tôi không dằn được cơn bực tức:
- Vậy thì người ta cứ điều tra đi. Tiểu khu hãy cấp cho tôi một giấy phép về với vợ, điều tra xong, tôi sẽ trở lại chiến đấu với anh em.
Đại úy Tuyến nhìn tôi một cách thương hại:
- Hiện nay, tiểu khu có bổn phận cung cấp cho đại úy tất cả tiện nghi về ăn ở để đại úy phục hồi sức khoẻ. Đại úy có toàn quyền tự do đi đây đi đó trong thành phố nầy nhưng chiều phải về ngủ tại tiểu khu.
Ông ta ngừng nói nhìn tôi mỉm cười, mặt hóm hỉnh như người thầy nhìn đứa học trò tinh nghịch:
- Đại úy muốn “vui vẻ” ở đâu đó một đêm như ngủ đò trên sông Hương cũng được, nhưng xin lưu ý hai điều. Một là tình hình an ninh về đêm không đảm bảo lắm; hai là trước khi đi, đại úy cho chúng tôi biết để ghi vào sổ trực.
Tôi nghe nóng ran trên đầu:
- Có nghĩa là tôi bị quản thúc phải không?
- Không, hoàn toàn không phải thế. Đại úy vẫn là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, một anh hùng sau trận đánh chiếm lại đồi 247 vừa qua, không ai có quyền quản thúc đại úy. Tuy nhiên, điều thực tế hiện nay là đại úy đang tùy thuộc an ninh quân đội.
Tôi nhắc lại đề nghị vừa nói khi nãy:
- Nếu chưa hết nghi ngờ tôi và chưa cho tôi trở về chiến đấu thì hãy cấp phép cho tôi về với gia đình.
Viên sĩ quan lắc đầu:
- Có lẽ đại úy đã hiểu những điều tôi vừa trình bày. Đại úy không thể nào có tờ giấy phép đó. Chiến sự đang ác liệt, tất cả giấy phép dài hạn ở vùng Một Chiến thuật nầy đều bị bãi bỏ. Hơn nữa trong tình trạng của đại úy hiện nay, không một ai dám đặt bút ký giấy phép cho đại úy. Tôi nói với đại úy một cách chân thật trong tình anh em, trong tình chiến hữu, đại úy có giận tôi không?
Tôi nhìn đôi mắt hấp háy hiền lành sau đôi kính trắng, đáp lời một cách chán nản:
- Cám ơn đại úy.
Tôi đứng dậy, thẳng người, hai chân chụm lại tay đưa lên ngang mày, tôi chào ông đại úy. Tôi chua chát nghĩ thầm rằng đây là cái chào cuối cùng của đời tôi theo đúng quân cách. Vị sĩ quan chiến tranh chính trị sửng sốt vì ngạc nhiên. Do phản xạ, ông bật dậy đứng nghiêm để chào trả. Sau một thoáng, ông đoán được tâm trạng của tôi nên bắt tay tôi, giọng nhỏ nhẹ:
- Tôi xin chia sẻ nỗi buồn phiền của đại úy. Với tư cách người lớn tuổi hơn, tôi xin phép nói lời khuyên cuối cùng: “phải hết sức thận trọng, phải suy nghĩ thực kỹ trước khi hành động”.
Một lần nữa, tôi nói lời cám ơn và quay về phòng. Tôi móc tất cả tiền trong túi ra đếm. Món tiền khá khiêm tốn nầy đã theo tôi trong suốt những ngày gian truân vừa qua. Mấy hôm nay, tiểu khu lo mọi việc cho tôi một cách chu đáo nên tôi chẳng phải đụng đến nó. Chừng này chắc sẽ đủ cho những ngày đường sắp tới của tôi.
Dĩ nhiên, tôi phải đi đường bộ, không thể đi máy bay được vì tôi không có giấy nghỉ phép trong tay. Tôi phải về với Thu Hồng, càng nhanh càng tốt. Nàng đang bệnh rất nặng, tôi phải gặp nàng. Nếu không kịp gặp nàng thì cuộc sống của tôi trên trần thế nầy từ đây sẽ chỉ còn có bóng tối mà thôi. Lần trước, khi về phép, tôi đã dẫn nàng đi khám, kết quả là nàng bị bệnh về tim mạch. Có lẽ bệnh nầy gây đột quị khi được tin tôi tử trận. Càng suy nghĩ, tôi càng bấn loạn. Tôi phải về ngay, không thể chần chừ một giây phút nào nữa.
Tôi đi bộ ra phố, mua một bộ áo quần dân sự và đến bến xe đò hỏi thăm chuyến vào Nam. May quá, đường còn thông suốt, máu của đồng đội tôi hẳn đã đổ rất nhiều để giữ gìn con đường huyết mạch nầy. Tuy vậy, người ta cho hay tình hình an ninh nhiều nơi khá bấp bênh nên xe chỉ dám chạy ban ngày còn đêm phải dừng lại nghỉ ở các thành phố. Do đó, từ Huế về đến Sài gòn phải mất đến ba ngày. Hỏi xong tin tức, tôi mua vé xe và trở về tiểu khu, nằm nghỉ để dành sức cho chuyến đi đường dài vào ngày mai.
Suốt buổi chiều, lòng tôi thực bồn chồn. Tôi nằm yên, nhắm mắt, cố thư giãn, nhưng những ý nghĩ cứ tràn ngập trong đầu. Lần đầu tiên, tôi đi đường bộ suốt bề dài hơn một ngàn cây số trong tình hình an ninh không bảo đảm. Tôi hi vọng cái căn cước dân sự mà tôi còn giữ giúp tôi được an toàn.
Tôi biết, lần nầy rời khỏi đây, hậu quả sẽ rất trầm trọng. Mặc dù đại úy Tuyến đã cố tình làm nhẹ bớt tình trạng đáng phiền của tôi nhưng tôi hiểu rằng mình đang ở trong diện bị tình nghi theo địch và đang bị an ninh quân đội theo dõi để điều tra. Trốn đi gần như đồng nghĩa nhận tội phản quốc. Bức điện của Thịnh không đủ biện minh cho hành động nầy. An ninh quân đội là một cơ quan lạnh lùng, đến cấp tướng đụng đến cũng ê mình. Chắc chắn, tiểu khu phải rất kiêng nể họ nên sẽ báo cáo sau khi tôi vắng mặt một đêm và an ninh quân đội ra ngay cáo thị tầm nã gởi đi khắp nơi. Địa chỉ của Thu Hồng ở Sài gòn thì quân cảnh đã biết quá rõ vì nó nằm ngay trong hồ sơ lý lịch của tôi. Tôi phải nhanh chóng về Sài gòn trước khi lệnh tầm nã gởi đến đây. Tôi phải gặp cho được Thu Hồng trước khi rơi vào tay quân cảnh hoặc nhân viên chìm của an ninh quân đội. Gặp được nàng để xem bệnh tình nàng thế nào rồi sẽ tính tới việc tiếp theo.
Sáng sớm hôm sau, tôi ra phố. Chuyện nầy cũng bình thường vì mọi hôm, tôi vẫn đi ăn sáng đến trưa mới về dùng cơm tại tiểu khu. Có điều khác mọi hôm là lần nầy tôi mặc đồ dân sự. Nhưng điều đó chẳng gây sự chú ý nào. Tôi không phải là sĩ quan ứng chiến của tiểu khu mà là sĩ quan đang trong thời kỳ dưỡng bệnh, ăn diện để ra phố giải trí là điều bình thường.
Tôi leo lên chiếc xe đò đã mua vé trước và mươi phút sau, xe bon bon thẳng tiến về Nam. Tôi phải sang xe tại Đà nẵng rồi từ đó đi thẳng về Sài gòn, sau hai đêm ngủ lại tại Quy nhơn và Nha trang.
Xe vào thành phố lúc thủ đô sắp lên đèn. Bước xuống xe đò, tôi leo lên taxi về đường Lê văn Duyệt. Xuống xe, tôi nhét tiền vào tay bác tài, không kịp lấy lại tiền dư, vội phóng ngay vào ngõ hẻm dẫn đến nhà chúng tôi. Cửa nhà đóng kín, một ống khóa to tướng lủng lẳng bên ngoài. Hai chị em không có ở nhà. Thế là sao? Chuyện gì đang xảy ra? Lòng bấn loạn, tôi quay ra lộ. Giờ nầy chắc chắn nhà trường đã đóng cửa nên tôi không ghé vào mà nhảy lên xích lô, hối chạy về nhà Thịnh ở đường Nguyễn Du.
Cửa mở, tôi bước vào. Thịnh đang ngồi ghế xem truyền hình. Thấy tôi, anh đứng bật dậy:
- Ô kìa, anh Hưng.
Anh lao đến, nắm chặt hai vai tôi. Lập tức, tôi hỏi, giọng nghẹn ngào:
- Anh Thịnh, Thu Hồng ở đâu?
- Đang nằm trong nhà thương Chợ rẫy.
- Tại sao? Tại sao? Tự bao giờ rồi?
Nghe giọng tôi run run, Thịnh ấn tôi ngồi xuống ghế đối diện với anh. Chị Thịnh nghe tiếng vội chạy lên đứng cạnh chồng. Tôi đứng dậy chào chị rồi ngồi xuống nhìn Thịnh chờ đợi. Thịnh nói nhanh:
- Tai biến ở não. Mười ngày rồi.
Tôi thở hổn hển:
- Nặng lắm không, nguy hiểm lắm không?
Thịnh nhìn tôi ái ngại:
- Anh hãy bình tĩnh. Bệnh cô Hồng khá nặng, mê man suốt hai ngày mới tỉnh dậy. Tỉnh nhưng tứ chi bất động, mất luôn tiếng nói. Mấy ngày đầu phải truyền nước biển, sau đó tập ăn cháo và sữa, bây giờ ăn được cơm rồi. Các ngón tay, môi và mí mắt đầu bắt đầu cử động được, các phần khác của cơ thể vẫn bất động.
Anh ngưng nói, nhìn tôi một cách buồn bã. Chị Thịnh lấy tay áo chặm vào mắt. Tôi ngồi yên, cảm thấy như bị dìm vào một khối băng lạnh buốt, ánh đèn trước mắt tôi bị nhòe đi. Tôi hỏi Thịnh:
- Anh và Thu Hồng đã được tin tôi tử trận phải không?
Thịnh gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Có phải vì thế mà Thu Hồng ngã bệnh không?
Thịnh gật đầu:
- Đọc xong bức điện, cô Hồng ngã xuống nền gạch trong văn phòng của tôi. Tôi đưa ngay vào cấp cứu ở bệnh viện Sài gòn. Người ta chuyển sang Chợ rẫy. Các bác sĩ đã rất tận tình cứu chữa. Bác sĩ cho biết bây giờ cô Hồng qua cơn nguy hiểm về tính mạng rồi nhưng sự phục hồi các chức năng sẽ rất khó khăn. Cũng may, đem đến bệnh viện kịp thời, để trễ thì nguy. Nếu cô Hồng nhận được điện báo tin tại nhà một mình thì không biết chuyện sẽ tệ hại đến thế nào.
- Nhưng tại sao người ta lại báo tin về trường?
Thịnh giải thích:
- Bưu tá mang công điện đến nhà anh thì nhà đóng cửa vì cả hai chị em đang ở tại trường. Hàng xóm đã chỉ cho ông ta đến đây. Đó là một người có lương tâm nghề nghiệp, nhìn bên ngoài bức điện là ông ta biết chuyện quan trọng rồi nên không chậm trễ.
Thịnh quay sang vợ:
- Em đi mua thức ăn về cho anh Hưng đi.
Tôi xua tay:
- Không, cám ơn chị, tôi phải vào với Thu Hồng lập tức. Anh Thịnh, anh cho tôi biết số phòng đi.
- Được rồi, tôi đi với anh. Chúng ta còn nhiều việc phải bàn ngay. Chúng tôi không biết làm gì để giúp đỡ vợ anh nên ngày nào cũng ngóng đợi anh về.
Nói xong, Thịnh vội vàng vào nhà thay áo quần rồi dẫn xe gắn máy ra khỏi nhà. Tôi leo lên yên sau. Thịnh nổ máy xe và phóng ra đường. Hơn một năm rồi mới trở về chốn cũ nhưng tôi chẳng còn đầu óc đâu để ngắm cảnh phố phường.
Đến bệnh viện, hai chúng tôi chạy lên cầu thang, đi dọc theo hành lang và dừng trước một phòng nhỏ đèn sáng choang. Tôi định phóng vào thì Thịnh níu tay tôi lại, nói nhỏ:
- Khoan, anh vào đột ngột, có thể gây xúc động mạnh cho cô Hồng. Anh đứng đây, chưa được vào, tôi tìm hỏi bác sĩ trực trước đã.
Anh bỏ đi, tôi đứng yên lòng nóng như lửa đốt, nhưng cũng phải công nhận sự hiểu biết và cẩn thận rất hữu lý của bạn mình. Tôi cố nhìn vào trong nhưng không thấy được gì cả vì muốn vào đến giường bệnh còn phải đi qua một hành lang hẹp trong phòng. Một phút sau, Thịnh quay trở lại, bước đi thoăn thoắt. Anh kéo tay tôi và nói vội rằng bác sĩ cho vào nhưng dặn tránh cử chỉ nào có thể gây xúc động mạnh cho bệnh nhân. Anh bảo tôi đi chậm lại để anh vào trước tìm cách báo cho Thu Hồng rõ để tránh gây đột ngột cho nàng. Tôi cảm động vì sự lo lắng của bạn mình.
Một phút sau, tôi nhẹ nhàng bước vào khi thấy anh ra hiệu.
Qua hành lang hẹp và ngắn, trước mặt tôi là bốn giường bệnh trắng phau. Ở giường cuối cùng, tôi nhận ra ngay Thu Hồng thân yêu của tôi. Nàng nằm đó, khăn trắng phủ lên tận ngực, đầu nghiêng, mặt ngoảnh ra ngoài. Tôi quên lời dặn của bạn, vội lao đến. Tôi quỳ xuống, cầm lấy cánh tay bất động, cúi xuống mặt nàng. Đôi mắt to của nàng nhìn sững tôi, môi mấp máy, Từ trong đôi mắt, hai giọt nước chảy ra. Tôi gục đầu xuống cánh tay nàng, cố gắng nhưng không ngăn được hai dòng nước mắt.
Khi tôi ngẩng lên thì thấy vị bác sĩ trực mặc áo trắng đã đứng kề bên tự lúc nào. Tôi vội vàng đứng dậy, thấy mặt nàng có vẻ sáng rỡ, mắt long lanh dù nước mắt còn lưng tròng. Vị bác sĩ cúi xuống, khẽ kéo cánh tay nàng ra đo huyết áp. Tôi hồi hộp theo dõi. Đo xong, ông ngẩng lên nói với Thịnh:
- Tốt, sự có mặt của ông chồng chẳng gây điều gì tệ hại cả, trái lại còn có thể làm cho cho bệnh trạng của bà đây tiến triển tốt hơn. Đáng mừng hơn đáng lo. Thôi chào các ông, tôi trở về phòng trực. Bất cứ lúc nào các ông cũng có thể gặp tôi tại đó.
Tôi nói lời cám ơn và nghiêng mình thực sâu. Khi tôi quay lại, Thanh đứng cuối giường nhìn tôi trân trối. Có lẽ em đã đứng đó từ lâu nhưng tôi không để ý khi bước vào. Năm nay Thanh đã lên mười lăm, không còn là bé bỏng nữa nhưng nét mặt còn giữ vẻ thơ ngây của ngày trước. Em bước đến gần tôi, nghẹn ngào:
- Anh Hưng, em tưởng không còn bao giờ thấy anh nữa.
Nói xong, em úp mặt vào hai bàn tay, khóc nức nở.
Tôi vỗ vào vai em, an ủi:
- Anh về đây, anh vẫn còn trên đời nầy. Anh cám ơn em đã săn sóc chị trong những ngày qua.
Nói xong, tôi quay lại, cúi xuống sát mặt Thu Hồng, cố lấy giọng rõ ràng và chậm rãi:
- Thu Hồng, Thu Hồng, anh đã về đây, em có nhận ra anh không?
Môi nàng mấp máy như mỉm cười, đôi mắt nàng chớp chớp như thay cho cái gật đầu. Hai tay tôi ôm lấy mặt nàng, hôn nhẹ vào mắt nàng. Tôi ngẩng lên, ngạc nhiên thấy khuôn mặt nàng có vẻ ửng hồng, xinh đẹp lạ thường.
Tôi quỳ xuống bên giường định nói chuyện thêm với nàng thì Thịnh bước đến bên giường, giọng dịu dàng:
- Cô Hồng, cô có nhận ra tôi là ai không?
Thu Hồng đưa mắt nhìn lên, khẽ nhíu mày, môi mấp máy. Nàng lại như có vẻ gật đầu. Chân Thịnh đá nhẹ vào chân tôi rồi đi ra. Hiểu ý, tôi đưa tay vuốt má Thu Hồng, nói với nàng:
- Thu Hồng, em nằm nghỉ. Đêm nay, anh sẽ ở lại với em. Ngày mai, ngày mốt, mãi mãi anh ở lại bên em, em có vui không?
Thu Hồng nhìn tôi, môi mấp máy. Tôi thấy rõ ràng nàng đang mỉm cười. Tôi đứng lên, đi ra ngoài. Thịnh đang đợi tôi ở hành lang. Anh nói nhỏ:
- Anh Hưng, thật là lạ, gần như nhiệm mầu. Mười ngày rồi, cô Hồng thiêm thiếp, thức dậy thì mắt lờ đờ, không nhận ra ai cả, kể cả em Thanh. Mới hôm qua, tôi và vợ tôi vào thăm thì Hồng vẫn không nhận ra, Bây giờ, anh về, bỗng dưng ký ức Hồng trở lại, cái nhìn trở nên tinh anh một cách lạ lùng. Tôi hi vọng việc anh trở về từ cõi chết sẽ làm chị Hồng mau bình phục.
Anh nói tiếp, giọng ngập ngừng:
- Nhưng anh về phép được bao lâu?
Tôi cúi đầu, buồn bã trả lời:
- Tôi trốn về, chẳng có phép tắc gì cả. Có lẽ nay mai, người ta ký lệnh truy nã tôi. Mặc kệ, tôi bỏ hết, tôi phải ở lại đây, tôi phải săn sóc Thu Hồng ngày đêm, số phận ra sao, sau nầy tôi cam chịu.
Thịnh sửng sốt nhìn, như không tin lời nói đó là của tôi:
- Trời Đất. Anh nói thiệt không? Tại sao bức điện tôi đánh rõ ràng như thế mà người ta không cấp giấy phép cho anh?
- Thôi, chuyện còn dài dòng lắm, tôi sẽ nói cho anh rõ sau. Còn bây giờ, anh có thể hiểu một cách đại khái là tôi đang trong tình trạng nguy hiểm vì có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào.
Thịnh tỏ vẻ nghi ngờ:
- Tại sao vậy? Anh có phạm sai lầm đối với quân đội phải không?
- Không, tất cả những gì tôi làm vừa qua không có gì đáng hổ thẹn đối với một sĩ quan trong quân đội của một quốc gia. Tôi được thăng cấp ngay trên chiến trường chưa tan mùi thuốc súng, xác người còn ngổn ngang trên chiến địa. Nhưng thôi, câu chuyện còn dài dòng và rắc rối lắm. Anh là một nhà giáo hiền lành, với cuộc sống đạo đức và chân thật, anh không hình dung được những nỗi nhiêu khê trong cuộc chiến mà người cộng sản gọi là cuộc chiến tranh giải phóng nầy.
Thịnh cầm tay tôi, cái nhìn đầy thương cảm:
- Anh Hưng, tôi tin anh là người rất tốt, một sĩ quan xứng đáng. Anh đang gặp hoàn cảnh bi đát lắm phải không? Nghe âm hưởng giọng nói của anh, tôi biết anh rất đau khổ. Tôi làm gì được cho anh?
Tôi nhìn bạn, lòng bồi hồi:
- Cám ơn anh. Anh đã giúp tôi quá nhiều. Có lẽ điều may mắn lớn nhất của đời tôi là được làm bạn với anh. Tôi sẽ kể hết cho anh nghe sau nầy. Còn bây giờ, cái điều mà anh cần hiểu rõ trước hết là hiện tôi đang bị quân đội truy nã. Tôi trốn đi sau khi thất lạc trong rừng mười bốn ngày. Trên nguyên tắc, an ninh quân đội phải nghi ngờ tôi bị địch bắt và tha về có điều kiện. Họ nghi ngờ cũng phải vì vùng đó đang bị quân Bắc Việt tràn vào. Tôi lại trốn đi trong khi an ninh quân đội chưa điều tra xong. Vậy là không cần điều tra nữa mà có thể kết tội luôn. Nếu bị bắt, tôi có thể bị truy tố ra tòa án mặt trận, có thể bị tử hình, nhẹ lắm cũng phải đi làm lao công đào binh trong một thời gian dài
Thịnh tỏ vẻ sợ hãi:
- Tại sao chuyện đời lại éo le đến thế?
- To chuyện lắm đó và anh không nên để mình liên can về việc nầy. Còn tôi thì nhất thiết phải trốn cho được sự truy nã. Anh biết rồi, không phải tôi sợ bị trừng phạt mà cần thiết được tự do để ngày đêm gần gũi săn sóc vợ tôi. Chắc chắn chúng tôi cần anh chị giúp đỡ để thu xếp công việc. Tuy nhiên chúng ta hạn chế việc gặp nhau và tôi cũng tránh đến nhà anh. Có lẽ anh hiểu rõ tôi muốn nói gì.
- Tôi hiểu. Tôi tin rằng mình đủ khôn ngoan trong hành động.
Tôi cảm động bắt tay bạn mình:
- Thôi anh về với chị đi, tối lắm rồi. Đêm nay, tôi ở lại đây. Tôi sẽ suy nghĩ giải pháp và nội ngày mai, Thanh về thăm nhà và sẽ đến trường thưa chuyện cùng anh.
- Thế thì tôi về, anh ở lại với cô Hồng nhé.
Tôi đưa bạn đến cầu thang và trở về phòng bệnh.
Thanh đã tìm được một cái ghế dựa để sát giường nguời bệnh. Em bảo tôi ngồi trên ghế. Bây giờ tôi mới để ý vẻ hốc hác trên gương mặt cô bé đáng thương. Chắc chắn là nó đã thức nhiều đêm với chị. Tôi nhìn em và cảm thấy xót xa vô cùng. Tôi hỏi:
- Em mệt lắm phải không? Em nên đi ra phố chơi một lúc cho thong thả.
Tôi móc túi lấy tờ bạc trao cho Thanh:
- Em bỏ túi cái nầy để đi phố.
- Không, em không đi chơi đâu. Thấy anh về, em hết mệt rồi. À, mà em đi một chút, anh ngồi đây với chị Hồng. Em đi mua đồ ăn cho anh. Em biết anh về đến Sài gòn là chạy ngay vào đây với chị Hồng, không còn nhớ đến chuyện ăn uống nữa, đúng không?
Tôi gật đầu cười. Thanh dợm đi ra cửa, tôi gọi lại:
- Thanh, anh hỏi tí nào. Năm nay em học lớp mấy rồi?
- Dạ mới lên lớp chín, anh không nhớ à? Năm ngoái được lên lớp tám, em có gởi thơ cho anh. Anh khen em và gởi tiền cho chị Hồng mua thưởng em cái đồng hồ đeo tay, đây nè.
Em kéo ống tay áo, chìa cái đồng hồ xinh xắn về phía tôi. Em cười, giọng trở nên nhí nhảnh:
- Em biết, nghe tin chị Hồng bệnh là anh quên hết mọi việc. Anh còn nhớ em tên Thanh là may lắm rồi.
Câu nói đùa dễ thương của đứa bé làm cho không khí trong phòng chợt vui lên. Tôi nhìn em, ái ngại:
- Từ hôm chị bị bệnh, em nghỉ học mấy hôm rồi?
- Dạ mười ngày. Anh Hưng, em không đi học nữa đâu. Em nghỉ luôn, ở nhà với chị Hồng. Em biết anh về đây mấy hôm lại bỏ đi.
Câu nói đứt đoạn trong nghẹn ngào. Thanh đưa ống tay áo lau mắt và bước nhanh ra ngoài. Tôi gọi giật lại:
- Thanh.
Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng dép khua nhanh trên hành lang bệnh viện.
Tôi quay lại, thấy đôi mắt Thu Hồng mở to nhìn tôi một cách đằm thắm. Tôi cúi xuống hôn nhanh lên trán nàng. Tôi cảm thấy sự có mặt của tôi đang đánh thức ký ức nàng. Nó chỉ vừa mới thức dậy và nàng đang lật lại từng trang, từng trang một. Tôi muốn nói thực nhiều để nàng hiểu nỗi thương nhớ đã làm tâm hồn tôi quằn quại bao ngày qua. Nhưng tôi e sợ làm nàng xúc động và có thể gây nguy hại. Vì vậy tôi im lặng nhìn, thỉnh thoảng đưa tay vuốt má nàng.
Tôi ngồi suốt đêm bên nàng, thỉnh thoảng chập chờn trong giấc ngủ ngắn. Thu Hồng ngủ ngon, nét mặt thực bình yên. Thanh thì mang chiếu và mùng ra ngủ ngoài hành lang. Có lẽ đêm đầu tiên từ mười ngày nay em mới được một giấc ngon lành.
Một lần, giữa khuya, tôi bước ra ngoài thấy em nằm co ro sát bờ tường, lòng tôi quá xót xa. Mồ côi cha mẹ khi chưa hiểu mọi việc quanh mình, em vẫn mang mãi số phận long đong trên tấm thân gầy guộc của mình.
Sáng hôm sau, khi bình minh chưa thay thế hết ánh sáng của thành phố, tôi bước ra ngoài hít mạnh không khí ban mai. Khi tôi bước vào, Thu Hồng vừa thức dậy. Tôi dừng ở cửa nhìn vào. Nàng chưa thấy tôi, đôi mắt mở to tìm kiếm. Tôi bước nhanh đến bên giường. Trông thấy tôi, nàng nhích môi, tôi ngạc thấy nụ cười hiện ra trên miệng nàng thực rõ rệt và sự vui sướng tràn ngập trong đôi mắt mở to của nàng. Tôi quỳ xuống, mặt tôi sát mặt nàng. Nàng nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn tôi với vẻ dịu dàng và thơ ngây của đứa trẻ lên ba.
Thanh đứng kế bên, nói khẽ với tôi:
- Mười ngày qua, chị Hồng lúc nào lờ đờ như ngủ. Thấy anh, chị có vẻ đã thức dậy. Nếu có anh ở đây, chị Hồng sẽ mau khỏi bệnh, anh Hưng ạ.
Đúng là nhận xét của Thịnh đêm qua.
Lúc bác sĩ điều trị vào phòng để khám buổi sáng, ông ta cũng ngạc nhiên thấy Thu Hồng nhìn bác sĩ và vui vẻ mỉm cười. Nàng rời mắt khỏi bác sĩ rồi nhìn xuống cuối giường nơi tôi đang đứng im lặng. Bác sĩ theo tầm mắt của nàng, ngẩng đầu lên và ông chợt hiểu. Bác sĩ vẫn ngồi trên chiếc ghế cạnh giường, đưa tay cho tôi bắt:
- Nếu tôi không lầm thì ông là trung úy Hưng?
- Dạ phải.
Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, bác sĩ giải thích:
- Tôi theo dõi bệnh án của bà đây nên biết qua gia cảnh của bà trong tờ khai. Tôi cũng có nói chuyện với ông bạn giáo sư của bà nên biết chồng bà là trung úy thủy quân lục chiến. Trung úy vừa mới ở mặt trận về phải không? Trung úy về thực đúng lúc. Mới có một ngày mà bệnh tiến triển thực tốt. Tôi đang nghiên cứu đề tài kết hợp vật lý trị liệu với tâm lý trị liệu cho người mất chức năng vận động và chức năng trí tuệ nên đây là một dẫn chứng rất lý thú. Bác sĩ quay lại cười thực vui vẻ với Thu Hồng.
- Bà sẽ khoẻ mạnh lại. Chồng bà là liều thuốc tốt nhất cho bà. Bà sẽ lành bệnh để đi dạo phố với ông trung úy Hưng của riêng bà. Mọi người đều quý mến sĩ quan quân đội. Bà là người có hạnh phúc, bà hiểu không?
Tôi đứng lặng người. Có lẽ, trong suốt cuộc đời, tôi không bao giờ nghe được lời nói nào đẹp đẽ hơn lời nói nầy của vị lương y, an ủi và khuyến khích bệnh nhân của mình.
Giường bệnh của Thu Hồng ở trong cùng và được khám sau chót nên khi đứng dậy, bác sĩ ra hiệu cho tôi theo ra hành lang. Sau khi giải thích bệnh trạng của Thu Hồng, bác sĩ kết luận:
- Bệnh nầy thường xảy ra ở người già. Người còn nhỏ tuổi như bà thì hiếm hơn. Nhưng nhỏ tuổi thì khả năng phục hồi cao hơn người lớn tuổi. Tuy vậy, bệnh của bà cũng sẽ kéo dài khá lâu, các chức năng chỉ được phục hồi lại một cách chậm chạp. Có thể trở lại hoàn toàn bình thường hay không thì không thể nói trước đuợc. Vì trung úy là một sĩ quan cho nên tôi dám nói tất cả sự thực nầy. Tôi thấy cũng cần nói sớm để trung úy thu xếp công việc vì trung úy còn nhiệm vụ nặng nề ngoài chiến trường nữa.
Ông dừng lại, vịn vào vai tôi một cách thân ái rồi nói tiếp:
- Tính mạng của bà qua cơn nguy hiểm rồi. Bà tiếp tục ở lại đây ít lâu cho chúng tôi săn sóc tiếp cũng được. Nhưng nếu đưa được bà về nơi nào yên tĩnh thì tốt hơn, đỡ tốn kém và đỡ nhọc công nuôi bệnh. Dĩ nhiên là bà vẫn phải dùng những liều thuốc dài hạn của chúng tôi. Đó là lời khuyên thành thực của một y sĩ, trung úy có hiểu lới tôi nói không?
Tôi cảm động siết chặt tay ông:
- Tôi không biết nói thế nào để tỏ sự biết ơn đối với lòng tốt của bác sĩ. Tôi sẽ thu xếp; chừng nào bác sĩ có thể cho vợ tôi xuất viện?
- Nên để bà ở lại đây thêm ít nhất ba ngày nữa. Sau đó, trung úy muốn đưa bà về ngày nào thì báo cho tôi biết.
Bác sĩ chào tôi và bước đến phòng kế bên. Tôi đi vào ngồi bên Thu Hồng. Lời khuyên của vị lương y văng vẳng bên tai, thân ái và ngọt ngào. Lời khuyên nầy cũng phù hợp với hoàn cảnh của tôi. Tôi phải ở bên Thu Hồng, không thể xa nàng được. Cuộc sống trần thế nầy của tôi chẳng còn gì đáng giá nữa ngoài Thu Hồng. Nàng là báu vật duy nhất mà tôi phải dành tất cả thời gian để gìn giữ, không thể hơ hỏng một giây phút nào. Tôi cần sớm đưa nàng về một nơi vắng vẻ, không phải chỉ vì sự yên tĩnh cho nàng mà còn vì sự trốn tránh của tôi nữa. Tôi biết rằng khi cho lời khuyên đầy chân tình, bác sĩ tưởng rằng tôi cần phải nhanh chóng thu xếp để trở lại chiến trường. Ông đâu có ngờ….
Tôi đau đớn nghĩ rằng, kể từ hôm nay, dứt khoát tôi không còn bao giờ gặp lại đồng đội, những người đã cùng tôi vào sinh ra tử trong nhiều năm qua. Tôi nhớ những chiều hành quân, dừng chân bên suối, căng võng giữa hai thân cây cao trong rừng già, mắt nhìn khói núi lan dần, tai lắng nghe tiếng rên rỉ của thiên nhiên đang bị bóng đêm trùm kín. Tôi nhớ những lần chuẩn bị xung phong vào phòng tuyến của địch, cả đại đội chờ nghe tiếng thét của tôi để xông vào nơi mà tử thần đang lăm lăm lưỡi hái, đứng đợi một cách lạnh lùng. Hơn phân nửa những đồng đội thân yêu đã nằm xuống hoặc rơi vào tay quân địch. Trong ba người bạn thân thiết nhất của tôi ngoài chiến trường, chỉ có trung úy Tánh trở về và đang từng ngày chờ đợi gặp lại tôi để cùng chiến đấu.
Thôi, tôi đã từ biệt chiến trường, trốn về đây, áo quần tươm tất, sống yên ổn giữa thành phố bình an nầy. Tôi đã quay lưng lại với đồng đội, phong kín những kỷ niệm oai hùng của một thời ngang dọc trên sa tràng, cất dấu những hình ảnh đồng đội thân yêu vào tận đáy quả tim!
Tôi thẫn thờ quay lại và bắt gặp gương mặt mỹ miều và thơ ngây của Thu Hồng. Tôi cúi xuống hôn vào tóc nàng để xua đuổi nỗi bi thuơng trong lòng vì những hoài niệm của thời chinh chiến đã qua.
Buổi trưa, sau khi đút cơm cho Thu Hồng ăn xong, tôi ngồi vuốt tóc dỗ nàng ngủ say rồi vội vàng ra gọi xe đến nhà Thịnh.
Tôi nhanh chóng kể cho Thịnh nghe những ngày thất lạc dẫn đến quyết định đào ngũ của tôi. Tôi kể cho bạn nghe lời khuyên của bác sĩ sáng nay. Tôi bảo:
- Tôi muốm tìm một chỗ an toàn để tránh sự truy nã của an ninh quân đội kết hợp với sự truy lùng của quân cảnh và có thể cơ quan công an dân sự nữa. Căn phố nhỏ nơi hai chị em sống mấy năm nay thì không thể trở lại được. Chỗ đó ồn ào và là địa chỉ đang nằm trong tay của chính quyền và quân đội. Tôi mong sống cùng Thu Hồng trong một gian nhà nhỏ ở ngoại ô vắng vẻ, nơi nhân viên chính quyền ít lui tới.
Thịnh ngồi nhíu mày suy nghĩ. Tôi nói tiếp để bộc bạch tâm sự của mình:
- Tôi là kẻ hai lần trốn chạy. Cách nay hơn nửa tháng, tôi trốn chạy kẻ thù bằng con đường máu, bây giờ trốn chạy chính những người cùng chung chiến tuyến với mình. Lần nầy con đường trốn chạy không ngập máu như trước đây nhưng chắc hẳn sẽ lắm chông gai và dài lê thê.
Thịnh ái ngại nhìn tôi:
- Tôi hiểu anh, hiểu nỗi đau đớn trong lòng một sĩ quan quả cảm như anh. Quyết định từ giã đơn vị của anh thực là khủng khiếp. Có biết bao nhiêu người đã từng đào ngũ nhưng có lẽ không ai mang tâm trạng não nề như anh. Tôi là bạn thân từ nhỏ của anh nên tôi thông hiểu điều đó. Theo tôi, anh quyết định từ giã quân đội lúc nầy là đúng. Không có anh nhất, định Thu Hồng không sống được. Nếu vì anh vắng mặt mà sự rủi ro nầy xảy ra thì chắc lương tâm anh khó có thể tha thứ cho anh được. Quân đội thiếu anh thì người khác thay thế còn Thu Hồng thiếu anh thì không ai có thể thay thế được.
- Cám ơn anh đã an ủi tôi thực đúng lúc.
Thịnh lại nhíu mày suy nghĩ và nói tiếp:
- Vợ chồng chúng tôi sẽ hết sức giúp anh. Có hai việc cần giải quyết. Thứ nhất là chỗ ở thích hợp cho Thu Hồng và cho anh. Thứ hai là cái sống của vợ chồng anh và cô bé Thanh. Ngày hôm kia, trong buổi họp của ban quản trị nhà trường, tôi đã thuyết phục các vị tiếp tục phát lương cho Thu Hồng trong một thời gian nhưng cuối cùng họ chỉ chấp nhận phân nửa lương và cứ ba tháng xét lại một lần. Thôi đành vậy, được chút nào hay chút đó, nhà trường cũng không có lời nhiều, anh thông cảm.
Tôi cảm động ngắt lời bạn:
- Vợ chồng tôi mang ơn anh quá nhiều.
Thịnh xua tay:
- Anh không nên khách sáo như thế với bạn bè. Anh để yên tôi nói tiếp. Về cái chỗ ở yên tĩnh mà anh muốn, tôi có ý thế nầy, anh nghĩ xem có được không. Có một chỗ yên tĩnh nhưng quá vắng vẻ và không bảo đảm an ninh. Anh có biết Suối Tiên ở Thủ đức không?
- Có, tôi biết Suối Tiên. Đó là một con suối nhỏ xíu chảy giữa hai bờ đất khá cao trong một vùng vắng vẻ. Lúc còn đi học thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè có đến đó chơi và tắm dưới suối. Lúc là sinh viên sĩ quan trong quân trường, vài lần chúng tôi đến đó học chiến thuật. Tại sao anh nói đến Suối Tiên?
- Ba má tôi có mua một miếng đất trong vùng đó, gần hai mươi năm rồi, từ lúc chưa có xa lộ Biên hòa. Lúc đầu, ông bà tính lên cất nhà ở để hưởng nhàn trong tuổi già nhưng vì tình hình an ninh càng lúc càng tồi tệ nên ông bà bỏ ý định đó đi. Có nhiều năm, người ta đến xin cày cấy trên đó rồi bỏ hoang vì đất kém màu mỡ. Anh suy nghĩ xem, có thể ở đó được không?
Tôi mừng rỡ:
- Tôi sẽ cất một chòi lá nơi đó để sống chung cùng Thu Hồng.
- Anh nên suy nghĩ cho kỹ. Kể từ khi trường bộ binh Thủ đức dời về Long thành, về đêm nơi đó không còn an ninh nữa. Anh là sĩ quan….
Tôi cười, ngắt lời:
- Tôi chẳng còn là sĩ quan nữa. Tôi sẽ đích thân lập tổ ấm cho tôi và Thu Hồng ở đó.
- Thôi được rồi, tôi sẽ thuê người đến cất nhà cho anh, còn anh thì phải lo săn sóc Thu Hồng. Một nhà lá đơn sơ thì chẳng tốn kém bao nhiêu. Anh cứ ẩn thân nơi đó một thời gian rồi sẽ tính sau. Anh cũng chẳng sợ ai làm phiền vì đất đó chính là của tôi.
- Bao giờ anh có thể xúc tiến công việc giúp tôi?
- Ngay ngày mai, nếu anh cần gấp.
- Dĩ nhiên là cần gấp, truớc khi an ninh quân đội mò đến “hỏi thăm sức khỏe” của tôi. Nhà làm độ chừng nào xong?
- Nhà lá đơn sơ, có lẽ trong vòng một tuần lễ.
Tôi đứng dậy bắt tay Thịnh rồi ra xe trở lại bệnh viện với Thu Hồng.

Suốt tuần lễ sau đó, tôi thường xuyên ở bên Thu Hồng, săn sóc mọi việc cho nàng một cách chu đáo. Sáng nào bác sĩ đến khám bệnh cũng tỏ ý hài lòng. Theo lời khuyên của bác sĩ, tôi thường xuyên xoa bóp tay chân để giúp nàng mau phục hồi cử động. Quả nhiên, qua ngày thứ ba, nàng có thể co bóp các ngón tay theo đề nghị của tôi, miệng há ra dễ dàng trong một nụ cười rạng rỡ, từ trong đó phát ra một âm thanh nho nhỏ làm cho tôi sững người vì sung sướng. Tôi thường nói với nàng những câu ngắn, chậm rãi và dễ hiểu. Đến ngày thứ năm, tôi ra phố mua về một cuốn truyện nhi đồng và đọc cho nàng nghe. Nàng tỏ ý ưa thích, không biết vì hiểu được câu chuyện hay vì thích nghe tiếng nói của tôi. Dù sao, nét mặt vui sướng của nàng cũng làm cho tôi hạnh phúc.
Mỗi ngày, tôi đều gọi điện thoại về cho Thịnh tại trường. Bạn tôi bảo công việc tiến triển tốt, cái nhà làm xong đúng thời hạn dự trù. Tôi báo cho bác sĩ biết, ông chấp nhận ngay và bảo tôi lập thủ tục xuất viện. Tôi không thể xin giấy tờ gì của đơn vị nên Thu Hồng phải đóng một số tiền viện phí khá lớn. Thịnh lại giúp tôi một phần số tiền nầy. Lúc này tôi không thể trở về gặp chú thím nên mọi chuyện đều chỉ trông cậy vào Thịnh.
Buổi sáng hôm đó, tôi bế Thu Hồng trong tay đặt vào xe đẩy và đi xuống trong thang máy. Xe đẩy đưa nàng ra đến tận lề đường rồi tôi bế nàng đặt vào băng sau của một taxi. Vợ chồng Thịnh theo chúng tôi từ phòng bệnh đến đây. Tôi yêu cầu Thịnh đừng bao giờ đến nhà mới của chúng tôi để tránh cho bạn rắc rối vì sự liên can đến một kẻ đang bị truy nã. Thịnh bảo rằng đề phòng như thế là quá đáng nhưng cũng chiều theo ý tôi.
Taxi xuyên qua thành phố và tiến vào xa lộ. Thu Hồng ngồi tựa vào băng sau, tôi giữ cho nàng khỏi ngã. Nàng nhìn ra khung cửa, tỏ vẻ thích thú. Tôi không đọc được tất cả ý nghĩ của nàng nhưng tôi đoán được nàng đang vừa ngạc nhiên, vừa hạnh phúc. Những ngày cuối ở nhà thương, tôi cố gắng giải thích chỗ ở mới của chúng tôi nhưng nàng không hiểu nhiều lắm. Thanh thì vui thích ra mặt. Em ngồi ghế phía trước với đồ đạc lỉnh kỉnh. Ngày hôm trước em đã về nhà cũ, cùng chị Thịnh thu dọn tất cả những món cần thiết, thuê xe chở về nhà mới. Em háo hức ra khỏi bệnh viện, nơi em đã phải chịu đựng suốt gần hai mươi ngày rồi. Thực là đáng thương.
Xe bon bon trên xa lộ, rồi chậm lại và rẽ vào một con đường đất gồ ghề, dài độ bốn trăm mét. Trước mắt tôi là một gian nhà lá nho nhỏ, mới toanh trên nền đất nện. Chung quanh nhà mọc đầy cây hoang dại cùng với những đám cỏ cao um tùm. Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải đổ nhiều mồ hôi trên mảnh đất nầy để có được một chỗ ở khang trang cho Thu Hồng.