Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (3)



KỲ trước tôi đã nói cho anh nghe tất cả bạn bè trong đại đội đã vui lòng để cho tôi “trấn lột” tất cả tiền bạc và mang đến tặng Thu Hồng. Ngay hôm sau, đơn vị tôi di chuyển ra Quảng trị. Chúng tôi phối hợp với sư đoàn Một Bộ binh cùng một số đơn vị của Mỹ phá vỡ các đường tiếp tế của cộng quân ngang qua thượng nguồn sông Bến hải.
Anh cũng biết, qua cuộc “tổng tấn công và nổi dậy”, phe cách mạng bị tiêu hao quá nhiều nhân lực và vũ khí. Họ cần miền Bắc bổ sung gấp rút, nên miền Nam phải chận yết hầu tiếp tế của họ. Họ chết quá nhiều trong cuộc tổng tấn công điên rồ vừa qua nên chúng tôi chiếm lấy trận địa không mấy khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi phải ở lại khá lâu cho mấy ông địa phương quân xây đồn đắp lũy để phòng thủ.
Một hôm tôi nhận được thư Thu Hồng. Bức thư khá dài, lời lẽ thực dễ thương, chữ viết đẹp và uyển chuyển, nhìn vào là thích ngay. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần đến thuộc lòng.


Kính gửi anh Hưng,
Em đắn đo mãi mới dám viết cho anh lá thư nầy. Vì em mới gặp anh có hai lần ngắn ngủi mà em đã nhận tiền của anh cho. Dạo đó, cuộc đời của em và bé Thanh kể như tiêu tan rồi và anh đã đến, mầu nhiệm như một chiếc đũa thần mà ông Bụt đưa ra để vớt hai chị em khỏi bể trầm luân.
Hôm nay, em gủi thư cho chiếc đũa thần đó, anh có vui lòng đọc thư em không?
Từ khi chia tay anh, em thường ray rứt với ý muốn trở về Huế, nhìn lại cái nơi chốn mà em đã trải qua trọn tuổi thơ của mình. Em muốn nhìn lại ngôi nhà mà em đã hưởng hạnh phúc bên người cha đức độ y như một bậc chân tu và bên hai người anh nhất mực yêu thương em. Em cũng muốn tìm lại bà con và người quen biết, hi vọng họ sẽ giúp em lập lại cuộc đời nơi chốn cũ đầy đau thương đó.
Tuy nhiên, em vẫn lo sợ cho sự yếu đuối của mình, nên lần lữa mãi. Sau đó em không cưỡng nổi ý muốn nhìn lại Huế. Lòng khao khát nầy càng ngày càng vò xé tâm cang em, ngày cũng như đêm.
Rồi buổi sáng cách đây năm ngày, em cùng Thanh lên xe trở về. Em cảm thấy hồi hộp nhưng nhẹ nhàng khi xe vượt đèo Hải vân. Tuy nhiên, mỗi phút trôi qua, xe càng tiến gần đến Huế, em càng bồi hồi xúc động, nỗi đau trong lòng mỗi lúc một dâng lên. Xe qua khỏi Truồi thì em gần như ngạt thở. Bé Thanh nhỏ quá, cứ mê nhìn phong cảnh nên không hay biết gì cả. Nhưng cái bà ngồi bên thì hốt hoảng. Có lẽ mặt em lúc đó tái xanh trông khiếp lắm. Bà ta vội vàng lấy dầu xoa rồi cho em nằm trên ghế. Bà ra ngồi bệt xuống sàn xe nơi đường đi, giữa hai hàng ghế để nhường chỗ cho em nằm.
Em nhắm mắt lại, cố xua đuổi mọi ý nghĩ và thấy khoẻ dần. Em tính ngồi dậy để trả chỗ cho người đàn bà tốt bụng thì xe đã vào đến bến. Chú lơ xe la to: “Tới Huế rồi”. Nghe ba tiếng nầy, em bỗng thấy tối sầm rồi không biết gì nữa…
Khi em tỉnh dậy thì thấy đang nằm trong căn nhà lạ, Thanh đứng kế bên khóc thút thít. Em ngửi được mùi thơm của “ether” và thấy một chị y tá đứng gần. Chị cúi xuống sát mặt em, hỏi thực dịu dàng:
- Cô thấy trong người thế nào?
- Dạ đỡ rồi.
Em cố lấy giọng hết sức tự nhiên để cho cô y tá yên lòng, nhưng em lại nghe chính giọng mình thều thào như một giọng xa lạ.
Chị y tá chích cho em một mủi thuốc và em khỏe dần. Em hỏi chị:
- Đây là đâu? Em bất tỉnh lâu không?
- Đây là nhà dân, ngay bến xe. Cô ngất đi độ một giờ đồng hồ. Nhà cô ở đâu, tôi đưa cô về. Con bé theo cô nói nhà ở đường Phan bội Châu, phải không?
Tim em thắt lại khi nghe đến tên con đường nầy và lo sợ mình lại ngất đi lần nữa. Em bảo với chị là nhà ở Đà nẵng và nhờ chị đưa ra xe để trở vào trong đó ngay. Thấy chị tỏ vẻ ái ngại cho sức khỏe, em trấn an chị và tỏ ý cương quyết đi ngay. Em xin chị tính tiền công săn sóc và tiền thuốc vừa rồi. Bà chủ nhà nghe em nói vội vàng chạy lại xua tay:
- Không, cô cất tiền đi, tôi lo hết.
Chị y tá vội nói:
- Không ai phải trả cả, tôi là công chức, thuốc nầy là của chính phủ, không phải mất tiền.
Em cảm động rơi nước mắt vì lòng tốt của đồng bào mình sau cơn hoạn nạn.
Người ta đưa em và Thanh lên xe. May quá, xe chạy ngay, không phải chờ đợi. Ra khỏi thành phố một đoạn là em khỏe lại. Em nhìn phong cảnh bên ngoài, gió của quê hương yêu dấu phả vào mặt em. Em nhớ xưa kia mẹ cũng thường hôn tới tấp vào mặt em như ngọn gió hôm nay vậy. Em cố gợi lại hình ảnh của mẹ và những kỷ niệm thời thơ ấu thực xa xưa để xua đuổi hình ảnh của cha và hai anh khỏi trí óc em. Nhờ thế, em được thơ thới suốt quảng đường còn lại.
Khi về đến nhà, em nằm vật xuống giường mặc cho nước mắt tuôn trào.
Em mất Huế vĩnh viễn rồi, anh Hưng ơi!
Trước đây em đã mất Huế một lần và các anh đã đổ xương máu ra để lấy lại cho em. Bây giờ, chính lòng em, chính quả tim yếu đuối của em đã xua đưổi em ra khỏi Huế thì còn ai cứu giúp em được nữa.
Em đã mất cha, mất hai anh, bây giờ thì mất luôn cả Huế, mất tuổi thơ của mình, mất tất cả!
Thôi, em mất cả rồi. Nhưng tại sao em lại kể cho anh nghe những điều đó? Em cảm thấy mệt mỏi rã rời, quả tim nhỏ bé của em không thể chứa mãi những điều bi thương ấy. Em phải san sẻ cho ai đó để nếu phải chết ngay bây giờ, em sẽ không phải là bóng ma lang thang tìm nơi gởi nỗi niềm tâm sự của duơng thế để được siêu thoát qua bên kia thế giới. Vì vậy, em chọn anh để gởi nỗi niềm tâm sự qua những lời thư.
Một người con gái mới gặp người con trai có hai lần đã gởi gắm nỗi niềm tâm sự. Anh có khinh em không?
Em hi vọng là không. Hôm ngồi nói chuyện với anh, bỗng dưng em đọc được qua đôi mắt của anh một tâm hồn trong đó không có chỗ chứa sự khinh khi kẻ khác. Chính vì như thế em mới quyết định nhận số tiền mà anh cho để cứu vớt cuộc đời của hai chị em. Em tin rằng điều em nhận ra nơi anh là sự thực chứ không phải là ảo giác của kẻ sắp chết đuối, nhìn chỗ nào cũng thấy phao cứu sinh.
Sau khi gửi thư nầy đi, chắc chắn em sẽ mong thư hồi âm của anh. Em tính đi khỏi thành phố nầy. Ở đây có quá nhiều người Huế. Nghe giọng nói của họ, vết thương trong tim em cứ tiếp tục rỉ máu. Em là đứa con gái yếu đuối, làm sao chịu nổi dòng máu trong tim chảy ra triền miên như thế. Em sẽ đi về miền Nam. Em biết ở đó có tỉnh Trà vinh, nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Nếu số phận dun rủi em đến đó thì âu cũng là sự tình cờ đáng quý. Nhưng em chưa đi đâu. Em ở lại đây thêm một thời gian nữa để chờ đợi thư hồi âm của anh. Trước đây, anh đến với em như chiếc đũa thần của ông Bụt, em không muốn nhờ cậy thêm chiếc đũa thần đó. Vai anh đã nặng trĩu nhiệm vụ người con trai thời chiến. Em nỡ nào chất thêm trên đôi vai tội nghiệp đó sự lo lắng bảo bọc cho cuộc đời của một đứa con gái bất hạnh.
Tuy nhiên, em vẫn mong thư hồi âm của anh. Để làm gì?
Em đã sống trong gian chái nghèo nàn nầy những ngày thê lương và cay cực. Nhưng cũng chính nơi nầy, em có một kỷ niệm khó quên. Đó là buổi sáng đẹp trời, chiếc đũa thần đã đến với em. Em chờ những dòng chữ hồi âm của anh để thấy lại hình ảnh nhiệm mầu đó rồi em sẽ an lòng xuôi về Nam tìm đất sống.
Chúc anh luôn may mắn.
Đứa em gái bé nhỏ và bất hạnh của anh,
Thu Hồng

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, không phải chỉ ngay lúc đó mà còn về sau nầy nữa.
Ngay hôm đó, tôi nhờ xe liên lạc với tiền cứ, về Quảng trị đánh ngay cho nàng bức điện khẩn:
Em ở tại chỗ. Stop. Anh thu xếp hai em về Saigon. Stop. Thư đến sau. Stop.”
Cũng may, gặp lúc chiến trường không sôi động, tôi có thì giờ suy nghĩ và viết ngay hai lá thư. Lá thứ nhất gởi cho Thu Hồng, hết lời an ủi cô và dặn ở yên tại chỗ chờ tôi thu xếp cho vào sinh sống tại Sài gòn. Lá thứ hai gởi cho Thịnh, bạn thân của tôi hồi còn ở quê nhà.
Thịnh lớn tuổi và học sớm hơn tôi. Anh tốt nghiệp đại học, đã có vợ và hiện làm hiệu trưởng một trường trung tiểu học tư thục tại Sài gòn. Tôi khẩn thiết xin vợ chồng Thịnh giúp đỡ cho chị em Thu Hồng. Tôi nói rõ là nhờ Thịnh lo cho hai chị em một chỗ ở và công việc sinh sống. Tôi rất hi vọng vì bạn tôi có thể tìm một phòng trống trong trường hay ở đâu đó cho hai chị em ở tạm. Tôi cũng hi vọng Thịnh sẽ sắp đặt, dành cho Thu Hồng một lớp dạy hay một công việc văn phòng, nhờ đó có thể tự sinh sống được.
Thu Hồng đã tốt nghiệp trường Sư phạm và là giáo viên chính thức của trường công lập. Nhưng khi trốn chạy vào Đà nẵng thì không kịp đem theo bất cứ giấy tờ nào. Cha và hai anh bị giết chết, ngôi nhà nhất định tan hoang rồi, trở về ty giáo dục để xin lại giấy tờ thì nàng không thể làm được. Thôi, cứ xin việc ở trường tư rồi sẽ tính sau.
Rất may, mọi việc xảy ra đều khớp với dự tính của tôi. Tôi nhận được thư Thu Hồng với lời lẽ biết ơn thực cảm động. Nàng đồng ý vào Sài gòn theo sự sắp đặt của tôi.
Sau đó ba ngày là thư của Thịnh. Bạn tôi bảo rằng đã nhận được thư tôi. Hai vợ chồng rất xúc động vì hoàn cảnh đáng thương của Thu Hồng và hứa sẵn sàng giúp đỡ. Thịnh dặn tôi nhớ đánh điện trước để hai vợ chồng đi đón Thu Hồng tại sân bay. Thực là cảm động. Mình mang thân ra chiến trường, bè bạn ở hậu phương vẫn còn nhớ và hết lòng với điều nhờ cậy của mình. Tôi liên lạc với Hàng không Việt Nam, đặt mua hai vé và xin phép đặc biệt về Đà nẵng đưa hai chị em đi.
Tôi được cấp phép ba ngày, trong đó hết hai ngày đi đường rồi. Tôi đi nhờ xe quân đội, chiều hôm đó, tới Đà nẵng, tôi đến nhà nàng ngay. Trông bộ điệu nàng mừng rỡ khi tôi bước vào nhà, thực là cảm động. Tôi mới gặp nàng lần nầy là lần thứ ba mà nàng đón tôi y như người anh em ruột thịt mới từ mặt trận về. Nàng ríu rít mời tôi ngồi và mang nước cho tôi uống. Tôi sung sướng thấy nàng vui. Nàng rất phấn khởi về dự tính của tôi cho sự sống mai sau của mình. Thực là hãnh diện và hạnh phúc khi được một người con gái đẹp và có học, hoàn toàn phó thác tương lai cho sự sắp đặt của mình.
Lúc đó trời đã về chiều, tôi mời hai chị em ra phố dùng cơm. Nàng năn nỉ tôi cho phép nàng từ chối. Tôi bằng lòng ngay. Dù là người miền Nam nhưng tôi biết tính tình con gái Huế. Họ không dám ngồi ăn ngoài phố với một người con trai, dù nơi đây không phải là thành phố Huế cổ kính mà là một thành phố Đà nẵng xô bồ với đủ sắc lính, ta có, Mỹ có. Tuy nhiên, nàng đồng ý để tôi đi mua thức ăn về dùng chung với hai chị em nàng. Bữa cơm thực vui vẻ. Đúng là bữa cơm gia đình mà từ lâu lắm rồi tôi chưa được hưởng.
Sau bữa cơm, tôi ngồi nói chuyện với nàng đến tối. Tôi mô tả ngôi trường của Thịnh, vẽ ra một tương lai tươi sáng cho hai chị em nàng. Thu Hồng lắng nghe tôi nói, đôi mắt ánh lên nét vui tươi và dịu dàng thực đáng yêu. Trước khi ra về, tôi kín đáo thò tay vào túi lấy ra món tiền mà tôi đã mượn của ban tài ngân tiểu đoàn khi nhận được giấy phép. Món tiền đã được gói trong giấy cẩn thận, tôi trao cho nàng. Lần nầy, nàng không nói lời từ chối như lần trước mà tươi cười lấy tay đẩy bàn tay tôi trở lại. Tay nàng chạm vào tay tôi, nét mặt nàng thoáng biến đổi. Rồi nàng nhanh chóng lấy lại nụ cười, một nụ cuời nhí nhảnh dễ làm mềm lòng người:
- Anh giữ lấy đi. Tiền anh cho kỳ trước vẫn còn nhiều. Em và bé Thanh sống tằn tiện lắm.
Tôi biết nài nỉ nàng cũng vô ích nên cho tiền trở lại vào túi. Đêm đó, tôi ngủ nhờ ở phòng vãng lai của tiểu khu. Sáng ra tôi đến đón nàng để đưa ra phi trường. Đến nhà, tôi sửng sốt vì ngạc nhiên. Trong ngôi nhà tồi tàn, tôi thấy một cô gái xinh xắn trong chiếc áo dài màu tím hoa cà tuyệt đẹp. Mặt nàng tươi như hoa, đôi môi hồng như hai cánh hoa nở một nụ cười làm cho người đối diện phải say đắm. Tôi nghe giọng nàng trong như nước suối:
- Sao anh nhìn sững em vậy? Áo em mới may với tiền anh cho đó. Anh có thích màu nầy không?
Tôi nhìn nàng, lòng bồi hồi xúc động. Có một sức mạnh nào đó đẩy tôi tiến về phía nàng. Tôi cầm lấy tay nàng, trả lời nho nhỏ:
- Em đẹp lắm.
Nàng thoáng rùng mình, khép mắt e lệ. Trước mắt tôi, đôi môi chín mọng, phơn phớt hồng của người con gái, hiện ra đầy cám dỗ. Tôi cảm thấy lòng mình ngây ngất, suýt nữa thì tôi cúi xuống áp môi mình vào đó.
Nhưng không, tôi sực nhớ mình đang là ân nhân của nàng. Tôi không thể lợi dụng điều đó để xúc phạm đến nàng dù chỉ là một nụ hôn. Nếu tôi không tự thắng được mình thì thực là đáng khinh và những gì tôi làm cho chị em nàng có thể được xem như nhằm một mưu đồ xấu xa. Không, tôi đã đến với nàng, khởi đầu bằng sự xót thương thuần túy đối với một đứa trẻ nhỏ đến ngửa tay xin tiền tôi, tiếp theo là một hành vi có tính đạo đức đối với một nạn nhân chiến cuộc ở bước đường cùng. Điều nầy đang đem đến cho tôi một niềm hạnh phúc thật thanh cao mà tôi không thể nào phản bội được. Nếu tôi không biết tự kềm chế mình ngay bước đầu thì nỗi đam mê trên đôi môi có thể dẫn đến điều tệ hại nào khác làm sao biết trước được.
Thói thường, đam mê thì không có lý trí và khi lý trí chen vào thì đam mê biến mất. Tôi cúi nhìn gương mặt mỹ miều của Thu Hồng với một niềm thanh thoát lạ thường trong lòng, như khi ta chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt tác của một họa sĩ tài hoa. Tôi buông tay Thu Hồng và nói bằng một giọng cố hết sức tự nhiên:
- Em Thu Hồng, mình sửa soạn ra xe kẻo trễ.
Nàng giật mình, mở mắt, thoáng ngơ ngác. Trong đôi mắt đẹp của nàng, tôi đọc được một tập hợp nhiều tình cảm cùng lúc: sự thất vọng, sự tôn kính, sự biết ơn…
Nàng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, nhìn tôi, giọng hơi nũng nịu:
- Anh Hưng, anh đưa em vào phi trường nhé.
- Dĩ nhiên, anh có mượn xe của người quen trong tiểu khu để đưa em và bé Thanh đi.
Nàng cười, trông nhí nhảnh như một nữ sinh:
- Anh Hưng, anh xin vào gần phi cơ được không?
Nàng đưa ngón tay dài trắng muốt chỉ vào bông mai vàng tôi đang mang trên cổ áo:
- Anh có cái nầy thì có thể xin vào được phải không anh Hưng? À mà anh lên lon bao giờ vậy? Bông mai vàng trông đẹp hơn lon chuẩn úy mà anh mang kỳ trước đến đây.
Nhìn đôi mắt ngưỡng mộ của nàng, tôi cảm thấy lòng vui như mở hội. Tôi đáp:
- Anh mới được gắn lon thiếu úy và một anh dũng bội tinh ngoài mặt trận.
Nàng đứng dang ra, hai tay chắp sau lưng, nghiêng đầu nhìn vào cổ áo của tôi rồi vừa cười vừa bảo:
- Hai bông mai vàng của anh bị lệch rồi. Để em sửa lại cho.
Nàng nói xong, áp đến gần, hai tay kéo cổ áo tôi xuống. Tóc nàng sát bên mũi tôi, tỏa mùi thơm mê muội. Một lần nữa tôi lại bồi hồi, cố gắng thắng lòng ham muốn ôm nàng vào lòng. Nàng gỡ một bông mai ra và gắn lại. Xong nàng dang ra, đứng ngắm và cười:
- Ngay ngắn rồi đó. Nhớ trả công em bằng cách xin vào cho được gần máy bay. Em muốn đứng trên cửa máy bay nhìn thấy anh và vẫy tay tạm biệt.
Tôi nhìn nàng say đắm. Đúng là một nữ sinh Đồng Khánh mà một đôi lần tôi chiêm ngưỡng trên chuyến đò ngang hay trên cầu Trường tiền thơ mộng.
Tôi lái xe, đưa hai chị em đến phi trường. Theo lời yêu cầu của nàng, tôi cố nài nỉ xin người ta cho tôi tiễn nàng tận nơi phi cơ đậu trước khi ra phi đạo. Nàng bước lên đến đầu cầu thang thì dừng lại, quay lui. Nàng mỉm cười nhưng rơm rớm nước mắt, một tay vịn vào thanh sắt, một tay đưa lên vẫy chào, vạt áo dài phất phơ trong gió nhẹ, màu tím hoa cà in rõ trên nền trắng bạc của thân phi cơ. Nàng mong manh như một đóa hoa tím mà tôi thường gặp trên sườn đồi Đà lạt.
Nàng chui vào phi cơ, cánh cửa đóng lại, thang xe đẩy ra xa, phi cơ bắt đầu rú máy và tiến ra phi đạo. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo khối sắt khổng lồ, cảm thấy bùi ngùi khôn tả. Tôi buồn bã lấy xe ra khỏi phi trường. Tôi chưa về thẳng tiểu khu mà lái đến nhà nàng đã trú ngụ mấy tháng qua. Tôi ngồi trên xe, nhìn vào cái chái nhà tồi tàn, cửa đã đóng kín. Khuôn mặt mỹ miều của nàng xuất hiện trong tâm trí tôi, làm lòng tôi chùng xuống vì nhớ nhung.
Tôi lái xe về trả cho tiểu khu, rồi thả bộ ra phố. Suốt buổi chiều và buổi tối, đầu óc tôi cứ vương vấn mãi với màu tím hoa cà của tà áo dài mà nàng sắm, có lẽ cốt để làm đẹp lòng tôi. Tại sao nàng làm như thế? Nàng đã yêu tôi rồi chăng? Tôi nhớ lại khuôn mặt yêu kiều của nàng trong căn nhà nhỏ, đôi môi hồng quyến rũ như chờ đợi của nàng. Bỗng dưng tôi cảm thấy tiếc vì đã không đặt môi mình lên đó. Ý nghĩ nầy làm cho tôi hổ thẹn trong lòng. Từ lâu tôi có định kiến rằng người con trai chỉ được hôn người con gái khi thực sự yêu đương. Nụ hôn không chỉ là sự cọ xác của làn da để tạo nên sự kích thích tầm thường. Nụ hôn phải là sự rung động tuyệt vời của thể chất lẫn tâm hồn. Tôi biết rõ điều đó vì tôi đã từng hôn vì thực sự yêu đương. Đó là nụ hôn mà tôi và Ngọc Thúy đã trao cho nhau. Chúng tôi đã quen nhau từ khi mới buớc chân vào đại học và nhanh chóng trở thành người yêu của nhau. Tôi đã chở nàng ra xa lộ và bên một bụi cây cách xa vệ đường, chúng tôi đã hôn nhau say đắm. Tôi đã yêu nàng với tất cả tâm hồn tôi.
Còn đối với Thu Hồng thì tôi đã nghĩ đến chuyện yêu đương gì đâu, mặc dầu tình cảm của tôi đối với nàng đã nảy nở một cách nhanh chóng và trở nên sâu đậm lạ lùng, cho đến nỗi tôi lo lắng cho cuộc đời nàng còn hơn sự sống chết của tôi ngoài chiến tuyến nữa. Tuy nhiên tình cảm sâu đậm đó chưa thuộc về lĩnh vực yêu đương. Nó chỉ dừng lại trong sự xót thương người hoạn nạn, một con người yếu đuối và xinh đẹp, đáng thương hơn rất nhiều người khác cùng cảnh ngộ.
Nhưng kể từ hôm nay, tính cảm đó không còn chịu ở yên trong lĩnh vực xót thương nữa. Hình bóng Thu Hồng đeo theo tôi suốt trên quảng đường trở về đơn vị, không rời tôi nửa bước trong những ngày hành quân sau đó. Tôi mơ thấy nàng gần như hàng đêm. Một buổi sáng, đang đi trên một dốc núi cheo leo, tôi chợt thấy một cành hoa tím. Tôi ngắt cánh hoa đưa lên môi và gọi tên nàng. Tôi đã yêu nàng mất rồi. Hình bóng nàng đã đánh bạt hình bóng Ngọc Thúy trong tim tôi làm tôi đau khổ, nhận thấy mình đang phản bội tình yêu xưa cũ. Không, không thể như thế được. Ngọc Thúy đã mở cửa cho con tim tôi đi vào tình yêu đầu đời, và ở phương Nam xa xôi kia, nàng vẫn chờ đợi tôi.
Ngọc Thúy là người yêu của tôi từ hơn hai năm nay. Nàng thực đẹp. Khi nàng đi trong sân trường Đại học Văn khoa, tà áo dài trắng làm cho cả nam và nữ sinh viên để ý. Khi nàng đi ngoài đường, chiếc váy đầm xinh xắn có thể gây tai nạn giao thông vì lôi cuốn cái nhìn của nhiều người lái xe trên phố. Nếu so sánh Ngọc Thúy với Thu Hồng thì tôi không thể kết luận ai đẹp hơn ai. Mỗi người một vẻ khác nhau. Ngọc Thuý đẹp rực rỡ với đôi chút kiêu sa và quyến rũ của cô gái Sài gòn. Thu Hồng có sắc đẹp thùy mị với dáng điệu e ấp của người con gái sông Hương núi Ngự. Hai nét đẹp thực khác xa nhau. Hoàn cảnh của hai người cũng hoàn toàn khác biệt. Thu Hồng là người con gái đáng thương bị chiến tranh đẩy đến chỗ cùng cực. Ngọc Thúy là con một thương gia giàu có, sống trong nhung lụa trên mảnh đất Sài gòn xa hoa, không bị chút ảnh hưởng nào của cuộc chiến đang dày xéo quê hương. Hai cô gái xinh đẹp nầy, mỗi người đang chiếm giữ một nửa tâm hồn tôi.
Nơi tôi hiện rõ hai cuộc chiến. Cuộc chiến bằng súng đạn thì ác liệt nhưng giản dị. Tiến lên, nhào vào kẻ thù, bắn, đâm, chém; mình giết nó hay nó giết mình, không có chọn lựa nào khác. Cuộc chiến thứ hai, cuộc chiến tình cảm giữa hai người con gái thì gay go hơn nhiều. Ngọc Thúy là tình yêu thơ mộng đầy tiếng cười khi tôi còn ngồi ghế đại học; Thu Hồng là tình yêu xót xa đầy nước mắt khi tôi đã trở thành một người lính trên chiến trường. Hình bóng Thu Hồng đến với tôi trong những đêm âm u nằm trên chiếc võng giữa rừng già, nhưng hình bóng của Ngọc Thuý cũng quấn quít bên tôi trong những ngày băng rừng vượt suối.
Tôi đang là người chiến binh lăn lóc ngoài chiến địa. Tôi đã chứng kiến những đồng đội ngã xuống, linh hồn thoát ra khỏi thể xác đẫm máu nhưng không bay lên được vì còn nuối tiếc cái thân xác của tuổi thanh xuân chưa kịp hưởng lạc thú của cõi trần thế nầy. Tôi đã từng chứng kiến những người dân vô tội hoảng hốt chạy trốn chiến trường mà cứ mãi ngoái cổ nhìn lui những người thân đã vĩnh viễn nằm xuống vì lằn đạn của cả hai bên thù địch. Cuộc sống da ngựa bọc thây làm cho tâm tình tôi xa dần cuộc sống xa hoa, tình yêu đối với Thu Hồng như hạt giống tìm đúng mảnh đất thích hợp, đã nẩy mầm và phát triển manh chóng trong tim tôi. Còn đối với Ngọc Thúy, quãng thời gian dài trong quá khứ đã làm cho tình yêu của tôi đối Ngọc Thúy trở nên sâu đậm vô cùng.
Tôi không thể nào xa Ngọc Thúy được. Những bụi cây ở ven đường xa lộ, ngọn gió lồng lộng từ sông Sài gòn thổi vào đã chứng kiến tình yêu đầu đời cực kỳ say đắm của hai chúng tôi. Hàng trăm giờ trên ghế giảng đường Đại học Văn khoa đã khắc sâu vào từng mạch máu của quả tim tôi biết bao kỷ niệm êm đềm. Trong hành trang nhẹ nhàng và ít ỏi mà tôi mang ra chiến trường bao giờ cũng có quyển vở ghi chép bài học ở Văn khoa. Trong quyển tập nầy, những giòng chữ của tôi và của Thúy đan vào nhau. Các giờ học lúc đó, chúng tôi đều ngồi bên nhau. Mỗi giờ, chúng tôi đổi tập cho nhau nhiều lần. Thế cho nên, mỗi quyển đều có hai nét chữ, nét rắn rỏi của tôi và nét mềm mại của nàng.
Ở trung học thì ai cũng ghi chép như ai, gần đúng câu văn mà thầy cô đọc. Ở đại học thì khác, chỉ cần ghi ý thầy theo sự suy nghĩ và lời văn của mình. Vì vậy trong hai quyển tập của chúng tôi có những câu đầu Ngô mình Sở đọc nghe thực tức cười. Thông thường, chỗ nào có nét chữ của tôi thì chỗ đó lời giảng của thầy hiển hiện khá đầy đủ. Còn những giòng chữ của nàng thì ôi thôi, dẫy đầy những câu thực dễ thương nhưng chẳng ăn nhập vào đâu với bài học. Một hôm, tôi đang chăm chỉ nghe giảng quan niệm về “hiện hữu và chiếm hữu” của một triết gia hiện sinh, thì nàng quay qua đổi vở cho tôi. Tôi đọc dòng chữ nàng vừa viết xong:
Em hiện hữu trong quả tim anh, anh hiện hữu trong quả tim em. Em muốn chiếm hữu luôn tâm hồn anh, em để anh chiếm hữu tâm hồn em, điều đó đâu có gì đáng trách phải không anh?”
Nếu không tự kềm chế ngay được thì tôi đã cười to và trở thành bất nhã đối với thầy và các bạn cùng lớp. Những ngày đó, tôi rất hiểu tính nàng. Lúc nàng hí hoáy viết mà quay sang nhìn tôi với vẻ tinh nghịch là tôi biết ngay nàng đang viết bậy trong tập học rồi.
Cuối năm, tôi dành học ôn với quyển vở có nhiều nét chữ của nàng và nàng học quyển có nhiều nét chữ của tôi. Kết quả thì ai cũng đoán trước được, nàng đậu ngay khóa đầu và chuẩn bị ghi danh chứng chỉ chuyên khoa. Tôi thi rớt và vào quân trường. Nàng khóc vì hối hận và thương tôi. Nhưng tôi thì không buồn, có hơi tiếc đời sinh viên, nhưng bằng lòng làm “trai thời ly loạn” để nàng làm “em gái hậu phương”.
Trong những tháng quân trường, cầm tờ giấy phép xuất trại là tôi về ngay nhà nàng. Nàng để tôi hôn tại phòng riêng, tay thường mân mê huy hiệu sinh viên sĩ quan “alpha trơn” rồi “alpha một gạch” trên vai áo tôi.
Tôi ra quân trường và chọn binh chủng thủy quân lục chiến. Nàng đưa tiễn tôi, nước mắt như mưa. Tôi về đơn vị và lang thang trên các chiến trường sôi động, cứ dừng quân là đến hỏi thăm ông thượng sĩ quân bưu để nhận thư nàng. Đó là những lá thư diễm lệ. Nàng đang là sinh viên triết học nên những lá thư thực dễ thương lại có thêm chút hương thơm của triết lý, đẹp làm sao!
Trong những ngày hành quân, tôi có ba “vật bất ly thân”. Đó là cây súng, quyển tập ghi bài ở đại học và sợi dây chuyền có mặt tượng Phật mà nàng cởi từ cổ rồi trao cho tôi lúc chia tay. Chiến tranh là điều tồi tệ nhất, nó giết chết con người cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng tôi đã lao vào trung tâm điểm của điều tồi tệ đó mà tâm hồn vẫn mát mẻ, nhờ mang theo mối tình đẹp của nàng.
Bây giờ, tình yêu đó có nguy cơ tan vỡ vì số phận đã đưa tôi đến gặp Thu Hồng.
Thu Hồng! Khi chưa xác định được tình yêu của tôi đối với nàng thì tôi cũng không đoan chắc được nàng đã yêu tôi. Người ta thường bảo tình yêu làm cho con người trở nên mù quáng, nhìn sự vật sai lệch. Trong trường hợp của tôi thì ngược lại. Khi chưa yêu tôi không nhận ra tình cảm đích thực của Thu Hồng, nhưng một khi đã chính thức nhìn nhận tình yêu thực sự trong tim mình thì tôi cũng nhận ra Thu Hồng đã yêu tôi tha thiết. Cái nhìn, câu nói, mái tóc kê sát mặt tôi khi nàng sửa lại chiếc bông mai trên cổ áo, thân thể yêu kiều của nàng đứng yên, trong tầm siết của vòng tay tôi….Bấy nhiêu đó nơi người con gái đất cố đô cổ kính đã quá đủ để chứng minh tình yêu mặn nồng trong lòng nàng.
Trước đây tôi chỉ mong thư Ngọc Thúy; bây giờ tôi mong cả thư Thu Hồng. Gần một tuần sau khi đưa chị em Thu Hồng vào Nam, Tôi nhận được cùng lúc thư Thu Hồng và thư Thịnh. Lời lẽ khác nhau nhưng nội dung hai lá thư từa tựa như nhau.
Vợ chồng Thịnh đi đón chị em Thu Hồng tận sân bay và đưa thẳng về trường ở tạm trong một phòng nho nhỏ kế bên nơi ở của gia đình ông tổng giám thị nhà trường. Thịnh cũng xếp cho Thu Hồng dạy lớp Ba tại trường. Tóm lại, đời sống hai chị em ổn định nhanh hơn sự mong ước của tôi. Sau đó ba ngày tôi lại nhận được thư Thu Hồng. Nàng kể cho tôi nghe ngày đầu tiên trở lại đứng trên bục giảng, nàng cứ tưởng mình đang ở trong giấc mơ. Nàng bảo rằng, chỉ trong buổi học đầu tiên, những mái đầu xanh đã hoàn toàn chinh phục nàng; những cặp mắt thơ ngây dường như đã đẩy lùi sự đau khổ khá xa về quá khứ. Nàng lại nhắc đến chiếc đũa thần và ước mong gặp được chiếc đũa thần ngay trong sân trường nầy. Cứ vài ba ngày nàng lại viết thư. Tôi tiếp tục đọc trên những trang giấy đầy nét chữ mềm mại, một tâm hồn dịu dàng, trong sáng, đáng yêu vô cùng.
Tôi cũng viết thư cho nàng nhưng kém thường xuyên hơn. Đề tài thì không thiếu, chỉ cần kể chuyện một ngày hành quân qua núi cao vực thẳm, qua những bản làng xác xơ vì chiến cuộc đủ lấp đầy vài trang giấy cho một lá thư. Tuy nhiên, mỗi lần cầm viết lên, tôi lại bị cám dỗ vì ý muốn tỏ thực tình yêu của tôi với nàng và tôi ngần ngại vì mối tình của Ngọc Thúy vẫn hiện hữu rõ rệt trong lòng tôi.

Sau Tết Mậu thân, phe cách mạng gần như kiệt quệ nên trong cả năm, đơn vị tôi không đụng trận lớn. Tuy nhiên lệnh tổng động viên đã hạn chế những ngày nghỉ phép của quân nhân. Mãi hơn một năm sau khi ra quân trường tôi mới được cho nghỉ thường niên. Tôi sắp được về Sài gòn, được nhìn lại những con đường, những góc phố thân yêu vẫn còn ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm của những ngày cắp sách đến trường. Và tôi sẽ gặp lại người yêu.
Nhưng người yêu nào? Hiện tại tôi có đến hai mối tình. Tôi biết nhiều bạn bè tôi có cùng lúc đến ba, bốn chứ không phải chỉ hai mối tình như tôi. Trông họ vẫn vui tươi, kể chuyện yêu đương một cách thoải mái, chứng tỏ chẳng có gì vướng bận trong nội tâm. Trời sinh ra tôi không giống họ. Có lẽ, trong tình yêu, tôi quá khắc khe với chính mình.
Khi chưa có giấy phép, tôi háo hức được chóng về, nhưng lúc tờ giấy phép nằm trong tay, tôi lại phân vân. Về Sài gòn, tôi sẽ đến với ai? Thôi thì cứ đi, việc chọn lựa hãy để cho con tim quyết định tại chỗ.
Tôi đi nhờ xe về thành phố Quảng trị và ra phi trường. Chiếc máy bay C123 nuốt tôi vào bụng và vụt lên bầu trời cao. Vài giờ sau, tôi bước ra khỏi phi trường Tân sơn nhất.
Sài gòn chiều mùa Thu, trời rất đẹp. Ánh nắng từ hướng Tây rọi chênh chếch xuống, thủ đô sáng rực, thân yêu vô cùng. Nơi đây là cổng phi trường, không có phố xá tấp nập nên xe cộ qua lại một cách thong thả, vài bộ hành nhàn tản dọc theo các vệ đường. Tôi đang đứng trên thành phố thân yêu sau hơn một năm trường xa cách. Hơn một năm trường xả thân chiến đấu nơi thâm sơn cùng cốc để giữ cho thủ đô được yên lành. Tôi cảm thấy trong lòng dậy lên một niềm cảm khái lẫn hãnh diện to lớn và êm đềm.
Một chiếc taxi trờ tới, tôi chui vào ngồi ở băng sau. Bác tài hỏi tôi về đâu. Tôi im lặng. Máy xe đã khởi động, bác quay đầu lui nhắc lại câu hỏi, mặt thoáng ngạc nhiên. Bác đâu có hiểu lòng tôi đang bị giằn xé giữa hai địa chỉ: đường Pasteur, nơi có biệt thự lộng lẫy của Ngọc Thúy và đường Lê văn Duyệt nơi chị em Thu Hồng đang trú ngụ trong trường trung tiểu học tư thục của bạn tôi.
Bác tài cho xe chầm chậm tiến tới trong trạng thái chờ đợi. Tôi thở dài bảo bác:
- Đường Lê văn Duyệt!
Đó là tiếng nói của con tim, một quyết định đầy xót xa. Xe đã vào sâu trong thành phố, ngang qua những con đường quen thuộc, tôi thấy lòng nhẹ dần rồi nỗi háo hức gặp lại Thu Hồng bừng bừng nổi dậy khi xe dừng trước cổng trường.
Tôi đến thẳng phòng Hiệu trưởng. Sau một giây sửng sốt, Thịnh bước lại nắm tay tôi:
- Anh về lúc nào? Sao không báo trước?
- Tôi về phép thường niên. Trong bao nhiêu năm trời tôi đã quen với lối sống không được người khác quan tâm nên không có thói quen báo trước sự đi về.
Thịnh cười:
- Nhưng bây giờ khác rồi, có người quan tâm lắm rồi đó.
Tôi hiểu Thịnh đang nói về Thu Hồng vì anh không quen biết Ngọc Thúy. Thịnh nhìn vào mặt tôi:
- Trông phong trần lắm, chẳng còn chút nào nét thư sinh ngày xưa nữa. Thế nầy mới đúng mẫu mực trai thời loạn.
Anh nhìn xuống bộ quân phục, đôi mắt dừng lại trong phút chốc trên hai cái huy chương anh dũng bội tinh trên ngực tôi. Anh gật gù:
- Đẹp trai lắm, đúng “gu” con gái thủ đô ngày nay.
Tôi cảm thấy vui thích vì lời khen của bạn. Thịnh nói tiếp:
- Về phép sao vẫn mặc áo quần nhà binh như đi đánh trận thế nầy?
- Tôi đi nhờ máy bay quân sự. Không ăn mặc thế nầy thì ai cho đi.
- Thế từ phi trường, anh thẳng về đây à?
Tôi mỉm cười gật đầu. Thịnh nhìn đồng hồ:
- Anh ngồi chơi một tí, tôi gọi nuớc anh uống. Còn muời phút nữa hết giờ học buổi chiều, tôi cho người đón mời Thu Hồng đến đây gặp anh.
Thịnh đi ra, tôi ngồi xuống ghế nhìn ra sân trường. Nơi dãy lớp học đối diện, tôi thấy đầu học sinh lố nhố qua khung cửa sổ, vài thầy cô ngồi hay đứng trước lớp, nhưng không có nàng trong những lớp đó.
Một hồi chuông hết giờ reo vang. Tiếng ồn ào bỗng nổi lên như một đợt sóng thủy triều. Học sinh lao xao; phút chốc, sân trường tràn ngập người từ các lớp đổ vào.
Tim tôi đập rộn rã trong lòng ngực; tôi vụt đứng lên khi một tà áo dài trắng xuất hiện và đột nhiên dừng lại ở cửa ra vào.
- Thu Hồng!
- Anh Hưng!
Mắt nàng rưng rưng, môi nàng mím chặt cố ngăn nước mắt. Tuy vậy, nét rạng rỡ vẫn ngời trên khuôn mặt đầy đặn. Tôi hơi ngạc nhiên thấy nàng xinh đẹp hơn lần cuối cùng từ giã nàng ở phi trường Đà nẵng.
Bé Thanh chạy vụt đến. Nó đứng ngay trước mặt tôi, giọng trẻ thơ nghẹn ngào:
- Ông, con chào Ông.
Tôi nhìn sững. Con bé xinh xắn trong bộ đồng phục của học sinh, áo sơ mi trắng trẻo, bên dưới là chiếc váy xanh có những nếp gấp thẳng thớm. Ở gương mặt sáng láng và đôi mắt long lanh của bé, tôi không thể hình dung được đó là đứa bé đã xin tiền tôi ở một quán nước ven đường phố Đà nẵng. Cuộc “tấn công nổi dậy” Mậu thân mà đài phát thanh Hà nội hết lời ca tụng đã đẩy một đứa bé dễ thương thế nầy thành một đứa ăn xin trên phố phường. Số phận đã dẫn bé đến gặp tôi, cuộc đời hai chị em đã thoát khỏi miệng hố đen ngòm trong đường tơ kẽ tóc. Trong đời người, ít nhất có một lần ta hãnh diện và hạnh phúc về một hành vi của mình cho kẻ khác. Hôm nay, tôi đã được niềm hãnh diện và hạnh phúc đó, có lẽ to lớn nhất trong cuộc đời tôi.
Tôi đưa tay vuốt tóc cô bé. Nó chụp ngay bàn tay tôi úp vào mặt, tôi cảm thấy nước mắt thấm qua kẽ những ngón tay. Tôi đứng yên cho bé khóc trong bàn tay tôi. Tôi nghe giọng nói đầy xúc động của Thu Hồng:
- Nó nhắc anh mỗi ngày. Anh có nhớ chuyện chiếc đũa thần của ông Bụt trong những lá thư của em không? Ý nghĩ của nó đó. Chính trẻ thơ mới thấy được ý nghĩa thiêng liêng của những sự việc vật chất trên thế gian nầy. Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới chào đời, nên chưa biết chờ mong một người thân trở về. Anh là người đầu tiên mà nó chờ mong gần một năm rồi.
Nhiều học sinh đã bu quanh, tò mò nhìn bạn chúng ôm tay một ông sĩ quan thủy quân lục chiến mà khóc. Tôi biết không thể nói chuyện tại nơi nầy nên bảo Thu Hồng:
- Mình đi nơi khác nói chuyện nghe em. Đây là Sài gòn, mình có thể ra quán nước được.
Nàng đáp nho nhỏ:
- Không, anh về phòng em đi.
Bé Thanh thôi khóc, buông tay tôi ra, ngẩng lên, mặt đầy nước mắt. Tôi rút khăn tay trao cho em. Thu Hồng mở ví lấy tiền nhét vào tay bé và bảo:
- Thanh, em đi ngay ra chợ mua thêm thức ăn, đưa cặp học cho chị mang về.
Tôi nói theo, cố làm giọng thực vui:
- Em nhớ mua thứ gì ngon nhất tối nay đãi anh nhé.
Một niềm vui kỳ lạ bừng lên trong đôi mắt thơ ngây của bé. Em nhìn tôi mỉm cười và vụt chạy ra cổng. Tôi nhìn theo, không biết mình đang vui hay khóc thầm cho thân phận những trẻ thơ trên khắp quê hương trong cuộc chiến tranh mà Hà nội gọi là chiến tranh nhân dân, chiến tranh thần thánh.
- Về phòng em đi.
Thu Hồng nhắc lại câu nói rồi quay lui, tôi mang bọc hành trang bước theo sau nàng. Nàng đi vòng qua bên hông dãy lầu dùng làm lớp học và đến phía sau. Ở đó, còn một ít đất và người ta đã cất một nếp nhà nho nhỏ, ngoảnh mặt ra bức tường cao nghều nghệu. Phần lớn nếp nhà dành cho gia đình ông tổng giám thị, một phòng bé cho chị em Thu Hồng.
Nàng moi ví lấy ra chiếc chìa khóa và tra vào ổ. Cánh cửa bật mở vào trong. Nàng quay lui mỉm cười rồi bước vào, tôi theo sau.
Căn phòng bé nhỏ, mỗi bề độ ba thước. Một chiếc giường gỗ tạp, một chiếc bàn cũ kỹ, bên trên ngổn ngang sách vở, một chiếc ghế đẩu đặt trước bàn. Tôi cảm động nhìn đồ đạc chứng minh nếp sống đơn sơ. Tôi nghĩ đến ngôi nhà ở Huế mà nàng đã từ bỏ sau Tết mậu thân. Nàng chưa hề mô tả ngôi nhà đó cho tôi nhưng tôi đoán đó là một chỗ ở sang trọng xứng với chức vụ công chức cao cấp của cha nàng. Nàng kéo ghế mời tôi ngồi, còn nàng vẫn đứng tựa vào cạnh bàn, dáng khép nép như một người con gái ở quê mới lên tỉnh. Nàng hỏi tôi:
- Anh về phép được bao lâu?
- Mười ngày kể cả hai ngày đi đường.
- Còn lại tám ngày. Tám ngày đó, anh có đến thăm em không?
- Anh sẽ đến đây mỗi ngày
Nét mừng rỡ hiện rõ trên mặt, nàng hỏi tiếp:
- Về đây anh ở tại nhà nào?
- Đêm thì anh ngủ tại nhà chú thím hay tại nhà mấy đứa bạn thân như anh chị Thịnh chẳng hạn. Ngày thì anh đến đây nói chuyện với em. Buổi chiều, em dạy học, anh sẽ lang thang ngoài phố để tìm lại kỷ niệm thơ ngây của mình ở xứ sở thân yêu nầy.
Nàng cười rất xinh:
- Anh nói nghe hay như văn sĩ vậy.
Nàng nhìn bộ quân phục của tôi và dừng lại ở bông mai vàng ở hai bên cổ áo. Tôi cười, giọng trêu chọc:
- Em lại thấy bông mai của anh nằm lệch phải không? Em có tính sửa lại không?
Nàng cúi xuống cười e thẹn:
- Anh Hưng, suốt đời em không quên giây phút đó. Có khi em vui sướng buông mình vào một thế giới thần tiên. Có khi em đau khổ vì nghĩ rằng thế giới thần tiên đó chỉ là ảo ảnh mà thôi. Anh Hưng, khi một người con gái nói thực lòng mình thì anh có khinh khi không?
Tôi nghẹn ngào:
- Thu Hồng em.
Tôi vụt đứng dậy, bước đến gần, định đưa tay vuốt tóc nàng, nhưng không kịp nữa, nàng đã gục đầu trên vai tôi. Tôi ôm lấy tấm thân mềm mại, tấm thân nhỏ bé mà tôi đã mơ thấy nhiều lần trong những đêm dài ngoài chiến địa. Tôi nghe tiếng thổn thức của nàng, tôi cảm thấy hai dòng nước mắt thấm ướt vai áo bạc màu vì sương gió của tôi. Tiếng thổn thức kéo dài không bao lâu, nàng ngẩng mặt lên, đôi môi mọng đỏ của nàng ngay dưới tầm mắt tôi. Nàng khẽ gọi:
- Anh Hưng của em!
Tôi cảm thấy cả vũ trụ bỗng nhẹ tênh, tôi không ý thức được cử động của mình khi môi tôi chạm vào môi nàng. Tôi hít mạnh hơi thở thơm tho của nàng và siết mạnh tấm thân nhỏ bé đang mềm nhũn trong hai cánh tay tôi. Nỗi đam mê kéo dài nhiều phút, tôi rời đôi môi nàng ra, ngẩng đầu lên nhìn vào mặt nàng. Mắt nàng vẫn nhắm nghiền, đầu tựa hẳn vào cánh tay tôi. Tôi lại cúi xuống hôn như điên cuồng khắp nơi trên mặt nàng. Tôi nghe hơi thở gấp gáp của nàng cùng giọng nói thì thào:
- Anh Hưng, em chết mất.
Tôi buông nàng ra và đặt ngồi xuống ghế. Lưng tựa vào cạnh bàn, nàng nhìn tôi bằng đôi mắt như ngây như dại. Tôi đứng kế bên vuốt tóc, vuốt má nàng. Tôi không hôn nàng nữa. Tôi phải để nàng từ từ ra khỏi cơn đam mê cho kịp lúc bé Thanh đi chợ về.
Có tiếng người bên ngoài, tôi rời nàng và ngồi xuống mép giường. Nàng cũng ngồi thẳng dậy đưa hai tay vuốt tóc. Nàng nhìn tôi, nét đam mê cuối cùng biến mất, mặt nàng hồng lên vì e thẹn. Tôi nhìn nàng say đắm và cố kềm chế để khỏi lao đến hôn nàng một lần nữa. Chúng tôi lắng nghe, tiếng ai đó chứ bé Thanh vẫn chưa về. Có lẽ bé mãi mê đi tìm món ngon nhất mà tôi bảo đùa khi nãy.
Có tiếng Thu Hồng thỏ thẻ:
- Anh Hưng, em thực sự bước vào thế giới thần tiên chứ không phải là ảo ảnh nữa phải không anh?
Nàng ngừng một chút rồi giọng nàng trở nên buồn thảm một cách lạ lùng:
- Anh vừa hôn em. Đó là nụ hôn đầu tiên trong đời em. Em chưa hề biết quá khứ và hiện tại của anh nên em không biết cái thế giới thần tiên mà em đang sống kéo dài được bao lâu. Em….
Nàng ngừng lại. Tôi biết nàng còn muốn nói điều gì nữa nhưng ngưng lại vì xúc động hay vì chưa tìm được lời. Tôi im lặng nhìn nàng chờ đợi. Một phút sau, nàng ngập ngừng:
- Anh Hưng, trên đời nầy, em chỉ còn có anh để mà mong đợi. Em không dám ước mong xa vời hơn, nhưng em hiểu lòng em. Nếu anh vĩnh viễn xa rời em thì em không còn gì nữa để vui sống. Hôm nay, anh đã đến với em. Bộ quân phục đầy bụi nầy, cái túi hành trang kia chứng tỏ anh vừa vượt qua hàng ngàn cây số, trở về thành phố quen thuộc nầy và đến với em ngay. Em đã ở trong vòng tay yêu thương của anh, em đã nhận được nụ hôn đầu tiên từ môi anh, và em đã nói được nỗi lòng của em cho anh. Đó không phải là hạnh phúc lớn lao của đứa con gái bất hạnh nầy hay sao?
Tôi sững sờ nhìn Thu Hồng. Tôi biết nàng là cô giáo nên có nhiều khả năng diễn tả ý nghĩ của mình hơn người khác. Nhưng nói ra liên tục những lời thắm thiết trên đây, hẳn những điều nầy đã lặp đi lặp lại biết bao lần trong tâm trí nàng.
Tôi thèm muốn hứa yêu nàng suốt đời, tôi thèm muốn quỳ xuống dưới chân nàng để thề nguyền trọn đời sống bên nàng.
Nhưng, hỡi ơi, tôi vẫn ngồi yên. Hình bóng Ngọc Thúy, mối tình thơ mộng của tôi, cứ mãi lởn vởn, đè nặng tâm hồn tôi.
Thu Hồng kéo ghế đến cạnh tôi. Nàng cầm tay tôi, giọng thực dịu dàng:
- Em đã làm anh buồn phải không? Từ hôm ở phi trường Đà nẵng, nhìn đôi mắt thẫn thờ của anh khi em bước lên phi cơ, em nghĩ anh đã yêu em rồi. Em nghĩ không sai phải không anh?
Giọng nàng trở nên mượt mà như nhung:
- Anh đừng buồn, tình yêu của anh cho em đến đây là đủ rồi, em không đòi hỏi hay toan tính gì thêm nữa. Cuộc đời của em đã được anh cứu vớt. Cuộc sống của em hôm nay được mọi người kính trọng, hoàn toàn do anh mà có. Cả đời em không trả nổi công ơn đó thì còn dám đòi hỏi gì hơn nơi anh. Em là đứa con gái tầm thường với tất cả những ước mơ tầm thường của nhân thế nhưng em biết suy nghĩ và biết giới hạn ước mơ của mình.
Tôi nhìn nàng. Gương mặt xinh đẹp của nàng như ngời sáng lên, đưa đến gần tôi. Tôi áp hai bàn tay lên đôi má mịn màng và hôn nhẹ lên đôi môi hồng.
Bé Thanh cũng vừa về tới. Bé tíu ta tíu tít như con chim sơn ca. Thu Hồng kéo tấm màn che chiếc giường ngủ và vào thay y phục. Nàng bước ra với bộ áo quần màu hồng. Tôi nhìn sững nàng. Mặt nàng hồng lên như màu áo. Nàng cười với nét bẽn lẽn đáng yêu. Nàng đến thực gần tôi, giọng nũng nịu:
- Anh có thích màu nầy không? Lần trước, ở Đà nẵng, em mặc áo dài màu hoa cà, anh cũng nhìn em y như thế nầy.
Tôi nói thực nhỏ, vừa đủ cho nàng nghe:
- Chỉ khác là lần đó anh chưa dám hôn em.
Mắt nàng bỗng ngây dại đi, nhưng chỉ thoáng qua, nàng cười tươi, quay nhìn bé Thanh vén màn vào thay quần áo. Tôi tiếp tục nói thực nhỏ:
- Nhìn em trong bộ quần áo nầy đứng bên anh, anh có cảm tưởng em là người vợ mới cưới của anh.
Nàng ngước lên nhìn tôi, mắt say đắm, môi mấy máy như muốn nói điều gì. Nhưng không, nàng bước đến góc phòng. Ở đó có một lò dầu, một tấm ván kê trên những viên gạch dùng làm chạn thức ăn và chén bát. Nhìn hai chị em lui cui trong cái bếp thô sơ và tồi tàn đó, tôi thấy xót thương vô hạn.
Thức ăn bày ra trên chiếc bàn duy nhất được kéo ra giữa phòng. Sách vở đã được Thu Hồng đưa cả sang giường. Hai chị em ngồi ở mép giường, tôi ngồi đối diện trên chiếc ghế duy nhất của phòng.
Bữa ăn thực vui và ấm cúng. Thu Hồng và bé Thanh luôn tay gắp thức ăn cho tôi. Đây là lần thứ hai, tôi dùng bữa với hai chị em. Lần nầy vui vẻ và ấm cúng hơn cả lần trước. Thu Hồng vừa ăn vừa kể cho tôi nghe việc dạy của nàng và việc học của Thanh. Nàng luôn miệng ca tụng lòng tốt của vợ chồng Thịnh. Nàng kể rằng ba ngày sau khi đến đây, nàng chưa quen với cảnh mới thì Thịnh đã đốc thúc nàng đến nhận lớp vì có một chị xin nghỉ ngay để về quê phụng dưỡng mẹ già sau khi cha đột ngột qua đời. Việc rủi của người khác thành dịp may của nàng. Nàng được ứng trước ngay một tháng lương để chị em mua sắm. Lương hàng tháng ở trường tư nầy cũng ngang với lương ở trường công lập. Bé Thanh được nhận vào học lớp Bốn tại trường. Em được miễn học phí nên đời sống của hai chị em cũng thong thả. Ngay từ đầu, mọi người đều tỏ cảm tình với nàng khi biết hai chị em là nạn nhân của chiến cuộc Mậu thân thảm khốc và phải bỏ quê hương vào đây sinh sống. Nàng nhìn quanh nhà và nói tiếp:
- Tất cả mọi thứ nầy là của đồng nghiệp đem đến cho. Họ đều nghèo nên những vật nầy đều rẻ tiền và xấu xí nhưng bên trong chứa đầy tình cảm vô cùng đẹp đẽ của người dân miền Nam.
Sau bữa cơm, Thanh thu dọn chén bát đưa ra bên ngoài để rửa. Tôi nói với nàng:
- Anh muốn ngồi mãi bên em nhưng hôm nay anh phải tạm biệt em sớm để đi tìm chỗ ngủ.
Nàng đến gần tôi, giọng như lạc đi:
- Anh!
Tôi ôm lấy khuôn mặt mỹ miều và hôn say đắm. Đó là nụ hôn tạm biệt trong đêm nay.
Tôi xách bao hành trang cùng Thu Hồng ra cổng. Chúng tôi đi song song thêm một đoạn đường. Thu Hồng vịn vào cánh tay tôi, thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn âu yếm. Một chiếc xích lô trờ tới đỗ bên vệ đường. Tôi bóp nhẹ bàn tay mềm mại của người yêu. Giọng nàng nhỏ nhẹ:
- Ngày mai, anh đến với em sớm nhé.
Tôi gật đầu, bước lên xe và bảo bác tài đạp về nhà chú thím tôi ở khu Bàn cờ. Đó là một căn phố hẹp, ồn ào và dơ dáy, nơi tôi đã trải qua tuổi học trò không đến nỗi cơ cực nhưng không hạnh phúc. Dù sao tôi cũng mang ơn chú thím đã cưu mang tôi nhiều năm trường.
Chú thím và các em đều có mặt. Mọi người mừng rỡ khi thấy tôi bước vào. Tôi vội đi tắm rửa, thay áo quần rồi ngồi vào ghế kể chuyện chiến trường cho mọi người nghe đến nửa đêm. Sau đó, tôi bước lên chiếc cầu thang bằng gỗ và đứng trên gác xép quen thuộc. Mọi vật vẫn còn y như trước. Tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng ấu thơ trong cái gác nhỏ, thấp và nóng nực nầy. Một lần, lúc tôi nhận được lệnh nhập ngũ để vĩnh viễn chấm dứt đời sống bình yên, tôi đã đưa Ngọc Thúy về đây. Chính trên căn gác gỗ nầy, chúng tôi đã hôn nhau. Đó là nụ hôn cuối cùng trước khi tôi khoác chiến y. Nhìn lại cảnh cũ, tôi thấy lòng chùng xuống trong một nỗi xót xa, lớn dần, lan dần đến ranh giới của sự khổ đau. Tôi đã yêu Thu Hồng. Tình yêu giữa tôi và nàng đã đi quá xa không thể trở lui được nữa. Nhưng tình yêu giữa tôi và Ngọc Thúy đã tàn lụi đâu. Trước mặt Thu Hồng, tình yêu đó tạm ẩn mình. Bây giờ, đứng đây một mình trong căn gác đầy ắp kỷ niệm của những ngày đã qua, tình yêu đầu đời với Ngọc Thúy trổi dậy đốt cháy tâm can tôi.
Đêm đó, tôi ngủ một giấc rất say sau một ngày dài mệt nhọc, bỗng giật mình thức dậy vì những tiếng động chung quanh. Ánh sáng đèn đường từ khung cửa sổ chiếu vào làm tôi ngỡ trời đã sáng. Đồng hồ dạ quang chỉ năm giờ kém mười lăm. Tôi biết mình đã nhầm. Từ hơn một năm nay, ngoài chiến trường, tôi đã quen phân biệt ngày và đêm do ánh sáng tự nhiên. Còn ở đây không có bóng đêm; khi mặt trời chưa tắt hẳn thì ánh sáng đèn đường đã tràn ngập phố phường. Tự nhiên, tôi có tâm trạng rối rắm về quá khứ và hiện tại. Hiện tại của tôi là cuộc sống của người chiến binh thủy quân lục chiến, suốt ngày chui rúc trong chốn thâm sơn cùng cốc, cái sống, cái chết cận kề bên nhau. Còn phố phường ngày đêm ngập tràn ánh sáng là quá khứ của tôi. Tôi chỉ được trở về quá khứ vài hôm rồi phải trở lại sống với hiện tại đầy gian nguy của mình. Quá khứ không còn thuộc về tôi nữa.
Còn hai mối tình của tôi, có phải một là của hiện tại và một là của quá khứ xa xăm? Có thể nào như thế?
Không, Ngọc Thúy vẫn còn đây, chắc chắn, nàng vẫn còn yêu tôi và ngày đêm vẫn chờ đợi những ngày về phép ngắn ngủi của tôi. Lát nữa đây, khi tôi bước vào nhà, đôi mắt đẹp của nàng sẽ mở to, gương mặt mỹ miều của nàng sẽ vẫn rạng rỡ, đôi môi hồng của nàng vẫn sẵn sàng cho tôi chiếm hữu. Tôi nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ nhưng không được. Tôi mở mắt ra. Lần nầy thì bình minh đã thực sự xuất hiện qua khung cửa sổ.
Chú thím và hai em tôi cũng vừa thức dậy. Mọi người đang tất bật với công việc buổi sáng để chuẩn bị cho một ngày bận rộn. Tôi cũng vội vàng sửa soạn cho kịp bữa ăn sáng của gia đình. Bộ đồ dân sự trước kia còn khá mới vừa được tôi lấy ra và ủi lại cẩn thận. Tôi nhìn mình trong tấm gương to ở cửa tủ, hi vọng thấy lại cậu sinh viên văn khoa đẹp trai của ngày nào. Nhưng tôi phì cười khi thấy trong gương một khuôn mặt sạm đen vì nắng chiến trường, mái tóc nhà binh húi ngắn, lởm chởm như lông một con nhím xù.
Con đường Phan thanh Giản buổi sáng tấp nập trong ánh nắng hòa bình yên ả. Một chiếc xích lô rồi một chiếc taxi trờ tới, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Tản bộ trên vệ đường, nhìn cảnh vật xưa, lòng tôi bùi ngùi với bao kỷ niệm của một thời đã qua.
Băng qua con đường sắt dài hun hút rồi đến ngã tư Lê văn Duyệt, tôi dừng lại, cảm thấy bàng hoàng.
Nếu tôi rẽ qua trái thì ắt Thu Hồng lại rơi vào vòng tay tôi và tôi sẽ lại hít hơi thở của nàng qua làn môi say đắm. Nếu tôi đi thẳng là sẽ đến đường Pasteur và Ngọc Thúy sẽ thổn thức trên vai tôi cho bõ những ngày xa cách. Rồi nàng sẽ thế nào khi tôi nói thực tình yêu mới mẻ của tôi đối với cô gái Huế đáng thương? Từ trước tới nay tôi không quen nói dối trong bất cứ hoàn cảnh nào. Huống chi, đây là mối tình đầu của tôi mà trong quá khứ, trong hiện tại và mãi mãi là điều đẹp đẽ vô ngần trong cả quả tim lẫn khối óc.
Tôi dừng lại ở ngã tư đuờng, cảm thấy rất mệt dù lúc đó đang là buổi sáng trong lành và đêm qua tôi đã được một giấc khá ngon. Một chiếc xe to chạy ngang qua, tiếng còi như xé rách màng nhĩ làm tôi giật mình. Tôi thở dài hướng về phía đường Pasteur cắm cúi đi. Xa xa ngôi biệt thự sang trọng màu xanh nhạt hiện rõ sau bức tường cao và hai cổng kín mít. Trên đầu trụ cổng là nút bấm chuông. Biết bao lần, tôi hân hoan nhấn vào nút chuông, cánh cổng nặng nề hé mở, khuôn mặt mỹ miều của nàng hiện ra, miệng cười tươi, đôi mắt mở to để tôi nhìn qua đó cả một trời hạnh phúc và yêu đương. Bây giờ tôi lại đứng yên, nhìn cái nút chuông trên trụ cổng. Có nên đến và đặt ngón tay vào nút đó không? Một lần nữa, sức lực trong người tôi lại thoát đi. Tôi thấy mệt, muốn quay đầu chạy trốn, xa hẳn cái chốn có quá nhiều yêu thương và phiền não nầy.
Tôi bỏ chạy. Ngôi nhà thân yêu đầy ắp kỷ niệm lùi lại phía sau. Tôi chạy như một kẻ gian bị người ngay truy đuổi. Người đi đường ngơ ngác nhìn theo nhưng không ai chận bắt tôi lại. Ở giao lộ đường Hiền Vương, tôi đứng sững lại khi đèn đỏ bật lên. Một chiếc taxi ngừng lại, tôi nhìn vào bên trong thấy xe chưa có khách. Tôi phóng tới, cầm tay nắm cửa sau kéo mạnh. Cánh cửa bật ra, tôi gần như nhào lên ghế nệm. Bác tài hoảng hốt nhìn lui nhưng vẫn giữ giọng lễ phép:
- Ông về đâu?
- Cho tôi đến ga xe lửa. Nhanh lên kẽo trễ.
Đèn xanh bật lên, bác tài vội nhấn ga. Xe lăn bánh, quẹo bên trái. Qua khỏi ngã tư đường, bác đạp thắng quay lại nhìn tôi như nhìn một vật kỳ dị. Giọng bác vẫn lễ phép:
- Thưa ông xe lửa đã ngưng chạy từ lâu lắm rồi.
- Cho tôi đến bến xe đò.
- Thưa ông, bến xe đò nào?
- Bến xe Miền Tây.
Bác tài nhấn ga. Tôi nghe tiếng lầm bầm của bác:
- Về Miền Tây sao lại tính đi xe lửa?
Rồi bác im lặng, chăm chỉ nhìn về phía trước. Xe nhanh chóng đến giao lộ Lê văn Duyệt. Tôi nghe nhói trong tim. Giờ nầy Thu Hồng đang đợi tôi. Tôi bảo bác tài chạy nhanh hơn. Tôi nhắm mắt lại, bảo bác chạy nhanh hơn nữa, bên tai tôi, tiếng gió vù vù lẫn với tiếng ồn ào của đường phố.
Tôi khám phá ra mình thực yếu đuối. Ngoài chiến trường, tôi chưa bao giờ trốn chạy như thế nầy. Nhiều lần tôi đã dẫn đầu trung đội lao thẳng vào quân thù sau tiếng thét xung phong, mặc cho tiếng nổ đùng đùng điếc óc, mặc cho tiếng đạn véo véo bên tai, tôi không hề run sợ. Nhưng bây giờ, tôi chạy trốn như một kẻ hèn nhát. Mà tôi chạy trốn cái gì? Trốn chạy một tình yêu nồng thắm đang mỏi mòn chờ đợi tôi suốt hơn một năm dài?
Tôi nhớ có lần thầy tôi ở Đại học Văn khoa bảo rằng tình yêu là tặng phẩm quý giá nhất mà Thượng Đế nhân từ ban thưởng cho những đứa con của Ngài. Đối với tôi, Thượng đế chẳng nhân từ chút nào cả, khi Ngài ban cho tôi một lúc hai tặng phẩm quý giá của Ngài.
Xe dừng lại, tôi mở mắt ra, đã đến bến Miền Tây. Tôi trả tiền, xuống xe, thả bộ dọc theo con lộ đến tận ngã ba An lạc. Ruộng lúa trải dài, xanh mơn mởn; xa xa, những mái tranh im lìm bên hàng cây hiền hòa. Tôi ngồi xuống bãi cỏ, gió đồng nội mơn man làm cho lòng tôi dịu lại. Kế bên chỗ tôi ngồi là đám ruộng đang cấy. Những người đàn bà dàn hàng ngang lom khom cắm những thân lúa mảnh mai xuống bùn. Thỉnh thoảng, họ ngẩng lên cười đùa vui vẻ. Nét thanh thản nơi họ truyền vào lòng tôi. Tôi mỉm cười với họ; họ mỉm cười đáp lễ, những nụ cười thân ái tuyệt vời.
Nắng đã lên cao. Mặt trời vừa ra khỏi đám mây to, ánh sáng từ đó tỏa ra làm không gian rực rỡ, bừng bừng sức sống. Cảnh đồng quê hiền hòa, những con người cần cù lao động mang đến cho lòng tôi một nguồn vui mới mẻ.
Tôi đứng lên vươn vai, cảm thấy trong người thực khỏe khoắn. Tôi không muốn suy nghĩ gì nữa cả, không muốn tự dày vò mình lâu hơn nữa. Tôi nhớ, ngày hôm qua, ở cổng phi trường Tân sơn nhất, quả tim đã cho lệnh tôi đến với Thu Hồng. Vậy thì tôi quyết định dành tất cả những ngày phép cho Thu Hồng. Còn mối tình của Ngọc Thúy, để đó, sẽ giải quyết khi về đơn vị. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, Thượng Đế trở lại nhân từ đối với tôi.
Tôi lên xe trở về Sài gòn, ghé một quán cơm bình dân ăn trưa, đến thăm vài người bạn cũ, rồi trở lại đường Lê văn Duyệt khi trời đã về chiều. Cổng chính của trường đóng kín chỉ còn cánh cửa nhỏ hé mở. Đã tan học từ lâu, sân trường vắng lặng. Tôi đi thẳng đến phòng Thu Hồng. Nàng ở nhà một mình. Thấy tôi, nàng cười rạng rỡ:
- Em chờ anh suốt buổi sáng.
- Anh thất hẹn không đến sáng nay, em có giận anh không?
Nàng nũng nịu:
- Giận. Anh đền em đi.
Hai chúng tôi lại rơi vào vòng tay nhau và chìm đắm trong nụ hôn dài say đắm. Cũng như ngày hôm trước, tôi ở lại dùng cơm với chị em nàng và trở về ngủ tại nhà chú thím tôi.

Mấy ngày phép vùn vụt trôi qua, tình yêu đã cột chặt hai tâm tình chúng tôi làm một. Ngoại trừ buổi chiều nàng phải lên lớp, tất cả các buổi sáng tôi đều có mặt bên nàng. Trong tuần, có hai buổi sáng bé Thanh theo học lớp hội họa do trường tổ chức, hai chúng tôi tha hồ má tựa vai kề.
Ngày phép cuối cùng, tôi đã xin một chỗ trên máy bay quân sự để trở về đơn vị. Mười giờ sáng, phi cơ sẽ cất cánh. Từ bảy giờ tôi đã có mặt tại phòng nàng. Nàng ở đó một mình. Tôi bước vào, nàng khép cửa, quay lại và rơi vào vòng tay tôi. Chúng tôi quấn quít bên nhau. Có lúc, nàng nhìn tôi như ngây như dại khi tay tôi phiêu lưu trên cơ thể nàng. Lúc đó, tôi biết nàng sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cho tôi nhưng tôi không thể tiến xa hơn. Với nàng, tôi vẫn có mặc cảm là kẻ ban ơn, tôi muốn giữ gìn sự tôn trọng, để tránh cho nàng sự tủi thân vì bị tôi tước đoạt đời con gái.
Vả lại, tôi làm thân kẻ chinh phu, sự sống được đo bằng những đoạn đường hành quân mà mình tham dự. Một mai, rủi tôi sa chân trên chiến địa, nỗi đau của nàng sẽ tăng lên gấp bội, nếu trong những kỷ niệm tôi để lại cho nàng có cả kỷ niệm ái ân. Tôi đã gặp nàng trong hoàn cảnh cực kỳ bi thảm. Tâm hồn người con gái đáng thương đó như một chiếc ly pha lê bị rạn nứt, tôi muốn giữ gìn sự trong suốt của chiếc ly pha lê mỏng manh đó.
Tôi bỗng nghe tiếng nàng run rẩy:
- Anh Hưng, sắp đến giờ em xa anh rồi.
Tôi đưa tay lên nhìn đồng hồ. Quả đúng như vậy. Chúng tôi rời nhau ra. Nàng ngồi xuống mép giường, tôi ngồi trên ghế đặt sát bên. Bàn tay mềm mại với những ngón tay thon dài, ngoan ngoãn nằm trong tay tôi. Nàng ngước mắt lên đắm đuối nhìn, hai giọt nước mắt từ từ rơi trên má. Tiếng nàng thổn thức:
- Kể từ chiều nay, em về phòng nầy và không được thấy anh nữa.
Nàng quay nhìn trên vách, tôi nhìn theo. Ở đó, có một bàn thờ be bé, trên chỉ có một tượng Phật Quan âm đặt sau một lư nhang. Nàng nói trong nước mắt:
- Anh Hưng, từ nhiều tháng nay, đêm nào trước khi đi ngủ em cũng khấn nguyện, cầu xin Phật Bà, cầu xin linh hồn ba mạ và hai anh Trí Tuệ phù hộ cho anh. Nếu anh gặp rủi ro, nhất định em cũng sẽ chết theo anh.
Nàng bưng mặt khóc òa. Tôi ôm lấy hai vai rung rung của nàng, lặng người đi vì cảm xúc. Tôi nâng mặt nàng lên, rút khăn lau nước mắt cho nàng. Tôi an ủi nàng:
- Nhờ sự cầu nguyện của em, mạng anh vững như bàn thạch. Anh về đơn vị và sẽ lo thủ tục để tổ chức lễ cưới. Em có bằng lòng vậy không?
Nàng đặt tay trên bàn tay sạm nắng của tôi:
- Em ước mong thư thế. Cuộc đời của em là do cha mẹ ban cho, nhờ anh cứu vớt mới còn tồn tại đến ngày hôm nay. Sau biến cố Mậu thân, gia đình em tan nát quá đột ngột làm cho em luôn lo sợ cuộc đời em quá mong manh.
Nàng ngẩng lên nhìn tôi như ngây như dại:
- Anh Hưng, em mong có ngày được sống thực gần gũi bên anh và trao tấm thân con gái cho anh.
Nàng cúi gầm mặt xuống đất. Nàng đã thu hết can đảm để nói hết câu nầy với tôi. Tình yêu của nàng đối với tôi, lấy thước nào mà đo cho tới!
Bỗng dưng, nàng ngẩng lên và nhìn vào mắt tôi:
- Anh Hưng, em đã nói với anh, em cố gắng giới hạn sự ước mơ của em đối với anh. Điều đó vẫn thường xuyên làm em đau khổ. Anh có hiểu em không?
Tôi hiểu lòng nàng. Kể từ khi bắt đầu yêu tôi, nàng lo sợ đang là kẻ đến sau. Người con gái đáng thương nầy, tâm tính quá hiền lành để có thể toan tính dành giật cái mình muốn trên tay kẻ khác. Nàng cũng không nghĩ đến việc tìm hiểu quá khứ của tôi vì bản chất kín đáo cộng thêm với lòng tự trọng của người có học.
Tôi nghĩ đến Ngọc Thúy. Mặc cảm phản bội làm cho tôi xốn xang. Kể từ hôm ngồi trên bờ cỏ ở ngã ba An lạc, tôi đã cố gắng đặt hình bóng người yêu cũ càng lúc càng xa. Tôi đã thành công phần nào, hình bóng diễm kiều kia mờ mờ ảo ảo trong những ngày nồng thắm vừa qua của tôi với Thu Hồng. Bỗng dưng tôi cảm thấy đau đớn khi nghĩ rằng Ngọc Thúy đang quanh quẩn đâu đây, đang chờ đợi tôi, nhưng tôi đã cố tình xa lánh mà nàng không hay biết. Tôi đã xa nàng rồi, mãi mãi xa nàng rồi. Vĩnh biệt Ngọc Thúy, vĩnh biệt quá khứ!
Bé Thanh cũng vừa đi chợ về, một tay xách giỏ, một tay xách túi nhựa. Thấy tôi đang ngồi, bé trịnh trọng đặt túi nhựa lên đùi tôi rồi đứng nhìn tôi cười. Tôi nhìn sang Thu Hồng. Hiểu ý, nàng giải thích:
- Sáng nay, nó nhất định xin tiền để mua quà tặng anh đi đường.
Tôi cảm động và hơi thấy xấu hổ trong lòng; chuyến đi phép nầy, tôi chẳng hề có món quà mọn nào tặng bé.
Tôi đứng dậy nói với Thu Hồng:
- Tới giờ rồi, anh phải chia tay hai chị em.
Thu Hồng đứng dậy theo, nhìn tôi nước mắt lưng tròng. Tôi quay sang bé Thanh:
- Anh chúc em ở lại mạnh khỏe, học giỏi. Kỳ nầy, anh không có quà gì cho em cả. Kỳ sau về nhất định phải có. Em thích quà gì, nói trước cho anh nghe đi.
Bé lắc đầu:
- Em chỉ thích anh về ăn cơm với chị Hồng và em thôi.
Hôm nay, em không gọi tôi là ông nữa, có lẽ Thu Hồng đã dạy em như thế.
Tôi chia tay hai chị em và rảo bước ra đường.