Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Kẻ chiến bại (5)


Ba tháng nghỉ hè trôi qua một cách bình yên đối với tình yêu của đôi trẻ nhưng không bình yên chút nào đối với cuộc sống trên mọi miền đất nước. Riêng với Sinh thì cậu đã bớt quan tâm đến tính hình chiến sự đang sôi động khắp nơi. Những chiến thắng giòn giã của quân giải phóng không còn gây được nơi cậu sự hân hoan của những ngày đầu mới nghe đài Giải phóng và đài Hà nội. Hằng đêm, cậu thường quên nghe hai đài nầy nên không theo dõi sức tiến quân của Mặt trận. Tờ nhật báo Tin sáng vẫn được cậu mua đều đặn nhưng không còn được đọc một cách chăm chỉ như trước. Có tờ cậu đưa về, liếc sơ qua các chữ lớn ở trang nhất rồi vứt vào xó nhà.
Các buổi sinh hoạt chi đoàn cũng thưa dần vì thầy Văn thường hoãn lại. Nếu có thì cũng không kéo dài. Trong những buổi sinh hoạt đó, gần như chỉ có lời độc thoại của thầy Văn. Giọng thầy vẫn còn đầy nhiệt huyết nhưng không còn gây cho Sinh sự phấn khởi và sôi nổi như lúc đầu. Cậu cũng bỏ luôn cái thói quen bịa ra công tác theo sát người nầy người kia. Cậu thường im lặng trong suốt buổi sinh hoạt. Trước đây, cậu thường chê thầy Bá ít phát biểu. Bây giờ, cậu còn ít phát biểu hơn thầy ấy nữa. Thầy Văn hình như không quan tâm đến điều nầy. Có lẽ thầy quá bận rộn với công việc trọng đại hơn trong cái thời gian mà thầy gọi là giai đoạn cận kề sự kết thúc cuộc đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam.

Vào đầu năm học, Sinh ung dung dắt tay người yêu vào văn phòng để cùng ghi danh. Sinh ghi tên vào chứng chỉ Phương pháp toán học trong vật lý. Trang Đài theo chứng chỉ Động vật học. Ghi danh xong, hai bạn bước ra sân trường. Không khí mát mẻ thực dễ chịu. Mấy tháng mưa vừa qua làm cho những cây điệp, cây còng trổ cành lá sum sê phủ bóng mát khắp nơi. Nhiều học sinh vừa mới rời trường trung học đến đây ghi danh vào chứng chỉ dự bị, phần đông lớ ngớ như người nhà quê lên tỉnh lần đầu. Trang Đài nhìn họ mỉm cười. Sinh quay sang nhìn người yêu, thấy mặt nàng thực rạng rỡ. Cậu bảo:
- Em cười gì vậy?
- Em thấy các bạn nầy, nhớ lại năm ngoái lần đầu tiên bước vào trường, em hồi hộp lẫn vui sướng một cách kỳ lạ. Anh Sinh, anh có thấy ngôi trường nầy thực đáng yêu không?
- Có chứ, em yêu nó thì làm sao anh không yêu được.
Cậu lơ đãng nhìn hai dãy lầu đã được sửa sang lại, nhưng không xóa hết nét rêu phong cũ kỹ của tòa nhà xưa. Giọng Sinh trầm xuống:
- Ngôi trường nào cũng chỉ là quán trọ vài năm của tuổi trẻ một đời người. Hai năm nữa, anh sẽ rời quán trọ nầy, mang theo biết bao kỷ niệm êm đềm.
Trang Đài nhìn người yêu, mắt sáng lên, giọng sôi nổi:
- Anh Sinh, hay là anh cố gắng lấy hai chứng chỉ còn lại với hạng cao. Em nghe nói đậu hạng cao thì có thể xin ở lại trường làm phụ khảo rồi học thêm để trở thành giáo sư đại học. Em thích anh sau nầy là một khoa học gia.
- Còn em sau nầy sẽ là người phụ tá hay người nâng khăn sửa túi cho khoa học gia đó, có đúng không?
Sinh nói xong quay lại và ngây ngất trước vẻ đẹp của người con gái đang cúi đầu e thẹn. Cậu cảm thấy trong lòng rộn lên một niềm phấn khởi và vui sướng vì ước muốn của người yêu. Nhưng nó vụt tắt mất khi Sinh nhớ lại ý định của thầy Văn muốn cậu sớm trở thành giáo sư của trường trung học tư thục trước kia, để cậu sẽ phụ trách cơ sở cách mạng nầy thay cho thầy. Thầy cũng có cho biết đã một lần gợi ý với hiệu trưởng và ông ta đã đồng ý thu nhận cậu vào đội ngũ giảng dạy của trường. Thầy bảo cậu vào trường nhận ngay giờ lớp nhỏ để giữ chân rồi tiếp tục học đại học. Tuy nhiên, cậu đã khẩn khoản xin thầy hoãn lại để cậu lấy xong bằng cử nhân. Thầy gật đầu, bảo:
- Thôi thế cũng được. Sự nghiệp cách mạng còn dài. Sau khi thành công, đảng cũng cần người có học để tiếp tục phục vụ.
Thầy nói thế nhưng nét mặt không dấu được vẻ bất mãn người đồng chí trẻ tuổi.
Sinh cảm thấy buồn bực khi nhận ra rằng hình ảnh của cuộc cách mạng vô sản, lý tưởng cao cả của cậu trước đây, càng ngày càng mờ nhạt trước tình yêu mỗi lúc một nồng thắm hơn. Cái lý tưởng đó đã từng đem đến cho cậu niềm phấn khởi về một tương lai huy hoàng giờ đây trở thành một sự vướng bận khó chịu. Nó xấu xí và dai như đỉa, cứ nhùng nhằng nhủng nhẳng đeo theo kẻ xấu số. Cậu lắc đầu, cố xua đuổi mọi thứ ra khỏi trí óc. Sinh quay sang Trang Đài, cố lấy giọng thực thản nhiên:
- Mình trở lại cái quán giải khát của chúng mình đi.
- Dạ, em cũng thích như vậy.
Hai bạn sánh bước trên vệ đường quen thuộc. Họ lựa một chiếc bàn nhỏ trong góc quán và kéo sát ghế ngồi bên nhau. Sinh cầm bàn tay mềm mại và trắng muốt của người yêu, bóp nhẹ trong cả hai tay mình. Cậu thấy lòng tràn ngập yêu thương và hạnh phúc khi nhớ lại sự rung động kỳ lạ lần đầu tiên chạm vào bàn tay Trang Đài ở tại nơi chốn thân thương nầy. Ngày đó, cậu đã chạm được vào cái báu vật quý nhất trên đời; ngày nay, cái báu vật đó đã thuộc về cậu rồi. Cậu quay sang người yêu khi có tiếng nàng thỏ thẻ:
- Em muốn kể anh nghe chuyện nầy.
- Chuyện gì vậy em?
- Hôm qua mẹ gọi em vào phòng, bắt ngồi ngay ngắn rồi hỏi em về chuyện lâu dài của chúng mình.
Sinh hơi sửng sốt, hỏi lại:
- Vậy sao?
Trang Đài im lặng nhìn ly nước, nét mặt đăm chiêu.
Từ trước đến nay, Sinh có một quan niệm rất giản dị là tình yêu ắt phải dẫn đến hôn nhân, không còn gì cần bàn cãi nữa. Đặc biệt là trong câu chuyện của mình thì cậu thấy rõ mình không thể sống thiếu Trang Đài được. Vô tình hay hữu ý, cậu không để tâm suy nghĩ vấn đề nầy.
Vả lại, tình yêu của cậu với Trang Đài mới bắt đầu chưa được một năm. Thời gian đó quá ngắn, Sinh lại phải bận rộn rất nhiều trong trí óc, nào là chuyện học hành, nào là sự lo nghĩ chưa làm được gì cho cách mạng, nào là nỗi ray rứt về tình yêu và giai cấp…. Tình yêu đã thực sự đem hạnh phúc đến cho cậu, nhưng cũng làm cho tâm tư cậu mệt mỏi vì sự mâu thuẩn giữa con tim và khối óc. Bây giờ lại có vấn đề mới đầy gai góc được đặt ra. Đó là vấn đề hôn nhân giữa cậu và người yêu. Cậu là người của cách mạng, nàng là con của kẻ thù cách mạng. Yêu nhau suông thì khả dĩ chấp nhận được còn lấy nhau thì lại là chuyện khác.
Tổ chức cách mạng sẽ có thái độ thế nào về việc nầy? Chấp nhận cho một đoàn viên Thanh niên cộng sản lấy con của kẻ thù? Không bao giờ!
Lấy con của thiếu tá an ninh quân đội để làm nội gián cho cách mạng? Khiếp! Không bao giờ Sinh làm chuyện đó!
Ra khỏi đoàn và giã từ cách mạng ư? Sinh rùng mình. Cậu đinh ninh rằng, một khi đã đặt tay vào tim mình để thề hy sinh tính mạng mình cho tổ chức thì người ta chỉ có thể rút lại lời thề đó bằng chính cái chết của mình mà thôi!
Rồi đối với nàng và gia đình nàng thì sao đây? Từ chối hôn nhân đồng nghĩa với cắt đứt tình yêu để gây đau khổ cho nàng và cho mẹ nàng? Chắc chắn tâm hồn Sinh sẽ rơi vào chín tầng địa ngục!
Chấp nhận hôn nhân rồi mọi việc sẽ tính sau? Không lẽ đã thành vợ thành chồng rồi mà cậu vẫn giấu được công việc của mình hay sao? Thú thực với nàng đồng nghĩa với sự phản bội cách mạng. Tiếp tục giấu giếm là phản bội sự thương yêu và tín nhiệm của nàng và gia đình nàng!
Sinh cảm thấy chóng mặt và hụt hơi. Cậu cố gắng giữ hơi thở, nhìn người yêu và hỏi nhỏ:
- Em trả lời với mẹ thế nào?
- Em nói để hỏi anh trước đã.
Sinh tìm được kế hoãn binh:
- Em biết rõ là anh không thể sống thiếu em được. Nhưng chúng mình còn nhiều năm học cho thành tài. Đặt vấn đề hôn nhân bây giờ có sớm quá không?
- Mẹ cũng thấy thế. Thì mới tháng trước đây, mẹ còn khuyên em phải cố giữ gìn đừng để gián đoạn sự học. Nhưng tuần rồi, ba về thăm nhà, nói với mẹ rằng tình hình rất bi quan. Từ hôm đó trở đi, mẹ bứt rứt, đứng ngồi không yên. Có hôm, mẹ lầm bầm tính chuyện thu dọn thứ nầy, gói ghém thứ kia. Mẹ biểu em cởi cả sợi dây chuyền đưa cho mẹ cất. Có lẽ mẹ hỏi chuyện chúng mình là vì tâm trạng đó.
- Còn ý em thì sao?
- Nhìn mẹ, em thấy như giặc đã đến ngoài cổng rồi. Theo em thì cũng không đến nỗi bi quan đến thế. Ba nói là họ đã lấy Quảng trị, đang đe dọa Huế và cái thành phố gì đó trên cao nguyên. Em thấy mấy chỗ đó còn cách mình xa lắc. Vả lại, trước đây, hồi Tết Mậu thân, họ chiếm lung tung, chỗ nầy, chỗ nọ, rồi rốt cuộc cũng phải nhả ra hết. Theo anh thì mẹ đúng hay em đúng?
- Cả hai người đều đúng.
Trang Đài cười khúc khích:
- Anh sợ nói mẹ đúng thì mất lòng em. Còn nói em đúng thì mất lòng mẹ. Có phải không?
Sinh đáp một cách ởm ờ:
- Không phải đâu. Sắp có biến chuyển quan trọng nhưng không đến đổi bi quan lắm.
- Thôi đừng nói chuyện chiến cuộc nữa. Em là đàn bà con gái, không thích nghe chuyện chính trị hay thời sự nhiều đâu. Thế bây giờ chuyện tương lai của chúng mình, em phải trả lời mẹ như thế nào?
- Em thưa với mẹ rằng tâm nguyện của anh là được sống suốt đời với em. Còn cách thức cụ thể thế nào thì do mẹ định liệu, anh làm theo ý mẹ. Anh là đứa trẻ mồ côi, anh cầu mong mẹ của em chính là mẹ của anh; bà sắp đặt chuyện tương lai cho anh, và anh chỉ có việc tuân theo sự sắp đặt đó.
Trang Đài rơm rớm nước mắt nhìn người yêu. Sinh buồn bã nhận ra rằng, một lần nữa, cậu đa ngã hẳn sang tình yêu. Tuy nhiên, cậu hiểu rằng cuộc chiến trong lòng cậu vẫn chưa chấm dứt. Cậu cảm thấy mệt mỏi và thèm muốn nói ra tất cả cho Trang Đài hiểu và an ủi mình. Cậu nghe giọng nói nhỏ nhẹ của người yêu:
- Thôi trưa rồi, mình về nghe anh.
Sinh quay sang, cầm lấy cả hai tay nàng, nói trong hơi thở dồn dập:
- Trang Đài, em là tất cả cuộc đời của anh, em biết không?
Trang Đài thoáng ngạc nhiên. Nàng cảm động nói:
- Em hiểu. Ba năm nữa em sẽ ra trường và sẽ là vợ suốt đời của anh.
Sinh biết Trang Đài hiểu lầm thái độ của mình, nhưng cậu cảm thấy an ủi vô cùng vì câu nói đó của ngưới yêu.



*
* *

Vào năm học, Sinh thêm được một nguồn an ủi là sách vở. Cậu học thực chăm chỉ, giờ rảnh là chui vào thư viện. Với đà học nầy, cậu nghĩ rằng cuối năm, trong lớp chẳng bạn nào hơn mình được. Cậu hứa tặng cho Trang Đài kết quả của kỳ thi cuối năm nay. Ngược lại, nàng cũng hứa như thế với Sinh.
Tuy nhiên, việc học nghiêm túc chỉ thực hiện được hơn ba tháng. Buớc qua đầu năm 1975, dù có cố gắng đến bao nhiêu đi nữa, hai bạn trẻ cũng không thể ngồi yên để học được. Một không khí hoang mang bao trùm Sài gòn. Rồi Phước long và cả một vùng rừng rậm bao la của miền Đông đất đỏ rơi vào tay quân Giải phóng. Trong sân trường, sinh viên tụ năm, tụ ba bàn nhau về chiến cuộc hơn là về bài vở. Các giáo sư cũng mất hết nhiệt tình khi lên bục giảng. Mọi nguời làm việc cầm chừng để chờ đợi một điều gì đó hết sức trọng đại đang đến gần.
Cái điều trọng đại đó thì Sinh biết rất rõ nhờ buổi sinh hoạt chi đoàn vừa qua. Thầy Văn đã phân tích một cách sôi nổi tình hình chính trị quân sự để cho thấy rằng cán cân đã nghiêng hẳn về phía cách mạng. Về chính trị thì chính quyền Sài gòn đã mất hết sự hậu thuẩn của dân chúng, một phần cũng nhờ những bài viết và lời kêu gọi chống đối của chính các đại diện Tòa Thánh La mã, những linh mục mà thầy gọi là những tu sĩ tiến bộ, những người kính Chúa, yêu Tổ quốc!
Về quân sự thì ta đánh cho địch tơi tả khắp mọi nơi, đặc biệt ở bốn mặt trận chính, một là các tỉnh cực Bắc, hai là Tây nguyên, ba là miền Đông Nam bộ và bốn là đồng bằng sông Cửu long.
Thầy bảo rằng quân Giải phóng đang thanh toán những ổ kháng cự cuối cùng để đồng loạt tiến về giải phóng Sài gòn. Thầy kết luận, khắp nơi người ta đang reo hò đón tiếp đoàn quân chiến thắng. Không bao lâu nữa, tại đây, chúng ta cũng là những người chiến thắng và quân thù chiến bại phải quỳ xuống để xin tha mạng.
Nhờ những năm dạy học, quen ăn nói trôi chảy nên thầy diễn tả tình hình thực sống động. Hai người đoàn viên ngồi nghe say sưa. Thanh niên nào mà không thích nghe chuyện chiến trường. Trước đây Sinh cũng đã từng thích thú ngồi nghe hai thằng bạn thân kể chuyện đánh nhau với Việt cộng. Tuy nhiên đến khi thầy kết luận thì Sinh mất cả hứng thú. Cậu thở dài áo não.
Chúng ta cũng là những người chiến thắng”. Trong số những người chiến thắng đó, hẳn phải có Sinh.
Kẻ thù chiến bại phải quỳ xuống xin tha mạng”. Trong những kẻ thù chiến bại đó, hẳn phải có ba mẹ Trang Đài và cả chính nàng nữa.
Những người chiến bại thân yêu đáng thương đó phải quỳ trước mặt cậu, kẻ chiến thắng đáng ghét, để xin tha mạng ư? Sinh cảm thấy lợm giọng khi hình dung một cảnh kinh tởm như thế. Cậu nao nao nhớ lại buổi chiều trong quán kem, sau nụ hôn đầu đời của hai đứa, Trang Đài đã lý giải một cách thực cảm động về tình cảm đối với kẻ thắng, người bại. Lý luận nầy ám ảnh Sinh một thời gian khá dài sau đó….

Trong những ngày đen tối nầy của miền Nam, Sinh vẫn đến trường đều đều, cốt để gặp Trang Đài hơn là để học hành. Các lớp học bị tê liệt. Người ta không tuyên bố đóng cửa trường, nhưng chẳng ai còn lòng dạ đứng giảng và ngồi học nữa.
Rồi mặt trận Tây nguyên vỡ, Ban mê thuột thất thủ, vài ngày sau Pleiku cũng rơi vào tay quân giải phóng. Quân đội Cộng hòa bỏ cao nguyên rút về đồng bằng, theo sau là một đoàn dân chúng tơi tả chạy theo xuống Tuy hòa rồi vào Sài gòn. Những thảm cảnh sợ hãi và trốn tránh cộng sản của hàng trăm ngàn người dân vô tội được mô tả tỉ mỉ trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, với những hình ảnh thực sống động. Cái cảnh đau thương cùng cực nầy đã làm cho Sinh không cầm được nước mắt. Cậu thấy nó khác xa với lời thầy Văn mô tả: “Khắp nơi người ta reo hò, đón tiếp đoàn quân chiến thắng”!

Một buổi sáng, Sinh thức dậy, làm xong công việc cần thiết rồi ra quán điểm tâm. Trước mắt cậu có cả một ngày dài rảnh rỗi và trống vắng. Cậu nhớ đến người yêu nên chạy xe thẳng về nhà Trang Đài.
Cửa cổng vừa mở ra, Sinh đẩy xe vào, ngạc nhiên thấy ở hai băng đá mà cậu thường ngồi với Trang Đài có bốn thiếu nữ mặc áo dài kiểu học trò. Thấy Sinh vào, cả bốn người đứng dậy chào. Dì Tư bảo nhỏ với cậu:
- Bạn cùng lớp với cô Đài đó. Họ đến rủ cô Đài đi phát đồ cứu trợ.
Vừa lúc đó, Trang Đài cũng từ phòng khách bước ra. Thấy Sinh, nàng vui cười chạy vội lại. Nàng chỉ vào bốn thiếu nữ:
- Anh Sinh, đây là chị Như Mai, chị Hằng, chị Tuyết Mai và chị Chánh, học cùng lớp với em. Mẹ chị Chánh làm ở hội Hồng thập tự. Có một chuyến hàng khẩn cấp từ ngoại quốc đưa đến để phân phát cho những người chạy trốn cộng sản. Hàng nhiều lắm cần được phân phát ngay ở khắp các địa điểm tiếp nhận nạn nhân tại thành phố. Họ không đủ người nên nhờ đến tụi em.
Trang Đài dẫn Sinh đến giới thiệu với các bạn:
- Đây là…
- Đây là anh Sinh - Chị Chánh vội cướp lời - học chứng chỉ Phương pháp toán học trong vật lý.
Trang Đài trố mắt ngạc nhiên:
- Chị có quen với anh Sinh hả?
Chánh cười, giọng trêu ghẹo:
- Trang Đài đừng vội lo, không ai cướp mất người yêu dấu đâu. Hai anh chị cứ nắm tay nhau tung tăng trong sân trường đại học, như đôi thiên nga trong hồ nước, thì từ chị lao công đến ông khoa trưởng, ai cũng phải để ý.
Chánh nói xong, cả bốn cô đều cười vang làm cho Trang Đài thẹn đỏ mặt. Chánh nói tiếp:
- Bây giờ anh Sinh có rảnh không? Nếu rảnh thì mời theo chúng tôi. Mẹ tôi bảo hàng cứu trợ nhiều và khá nặng. Có anh là thanh niên đi theo khiêng thì tốt lắm. Anh có nhận lời không?
- Rất sẵn sàng đi theo làm cu li khuân vác cho các cô. Các cô cứ sai bảo, tôi không nề hà việc gì cả.
Chánh tiếp lời ngay:
- Kể cả sau nầy giặt tã con nít giúp cho Trang Đài. Có đúng không nào?
Trang Đài lại đỏ mặt vì tiếng cười vui vẻ của các bạn.
- Thôi, lên đường.
Theo lệnh của Chánh, tất cả đều lên xe hai bánh của mình. Sáu người đi ba xe, Trang Đài ngồi sau lưng người yêu. Họ tiến về trụ sở Hồng thập tự cách đó không xa. Chánh vào văn phòng một lát rồi bước ra với một mảnh giấy cầm trong tay. Trong sân còn ba xe ô tô. Chánh chỉ vào một xe vận tải nhỏ. Cô lên ngồi cạnh tài xế, năm người còn lại leo lên ngồi chung với hàng hóa. Xe bon bon ra xa lộ rồi đến một trường trung học ở Thủ đức. Xe chạy vào cổng và đậu trong sân trường khá rộng. Sinh nhảy xuống trước, đỡ Trang Đài xuống sau. Các chị khác tự mình từ từ leo xuống. Họ thảng thốt nhìn quanh.
Bao bọc sân trường là bốn dãy phòng. Ngoại trừ dãy phía trước, ba dãy kia đều là lớp học. Cảnh hỗn độn diễn ra khắp nơi ở ba dãy nầy. Phòng nào cũng lố nhố người và đủ thứ vật dụng. Ngoài hành lang đầy người lui tới. Trong sân trường dọc theo bên trước các dãy lớp có nhiều bếp nấu làm bằng ba viên gạch hay các cục đá cùng cỡ. Một vài bếp khói lên nghi ngút. Các bếp khác chỉ có tro và than.
Người tài xế đã hạ bửng xe. Sinh cùng vài giáo sư của trường đưa hàng xuống và lần lượt mang đến các lớp học. Hàng đưa đến đâu thì các nữ sinh viên theo đến đó để phát cho người chạy loạn. Bây giờ Sinh mới để ý nét mặt nạn nhân nào cũng hốc hác, nỗi kinh hoàng vẫn còn đọng trên đôi mắt ngơ ngác của mỗi người.
Hàng cứu trợ gồm nhiều thứ khác nhau: thực phẩm khô, sữa, áo quần, chăn mền. Các cô đưa món nào thì họ thản nhiên nhận món đó, không chọn lựa và chẳng có vẻ gì là thèm muốn cả. Nhìn mặt họ, Sinh cảm được nét đau khổ cùng cực khi phải ra đi mình không, bỏ lại sau lưng tài sản của cả một đời người tằn tiện để đến đây ngửa tay nhận một phần cứu trợ bé nhỏ nầy. Họ là những người Việt Nam, những người có truyền thống hãnh diện về khả năng tự lực cánh sinh của mình, hôm nay phải nhận tặng phẩm từ thiện như những kẻ ăn mày.
Sinh tự hỏi, ai là thủ phạm gây ra cảnh nầy? Cậu không dám tự trả lời vì chính cậu, trong bao nhiêu năm nay, đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ những thủ phạm đó. Cái niềm vinh quang mà cậu từng mong ước đang đến gần và biến những người dân vô tội thành đoàn người tơi tả đến thế nầy sao?
Mọi lứa tuổi đều có mặt ở đây. Những ông già bà lão ngồi yên với cái nhìn lờ đờ mệt mỏi. Những thiếu phụ mắt sưng đỏ nhưng ráo hoảnh vì đã đổ tất cả nước mắt trên con đường lánh nạn. Những thiếu nữ mặt hốc hác và sầu thảm vì vừa bị tướt mất màu hồng của cuộc đời. Và những trẻ thơ quần áo tả tơi, đôi mắt thơ ngây ngơ ngác nhìn quang cảnh và con người xa lạ chung quanh, khác hẳn với nơi thân yêu đã ấp ủ những năm tháng sống hồn nhiên.
Hỡi Thượng Đế toàn năng và nhân từ, sao Ngài nỡ để cho những con người khốn khổ nầy vuột ra khỏi vòng tay cứu rỗi của Ngài?
Sinh đau đớn nhận chân được ý nghĩa chiến thắng của cuộc cách mạng vô sản mà cậu đã chọn lựa làm lý tưởng cao cả của đời mình. Cậu cảm thấy không còn đủ sức chịu đựng cái nhìn như trách móc của những con người khốn khổ nầy nữa.
Khuân hàng đến các điểm phân phối xong, cậu vào văn phòng vặn nước rửa tay rồi ra ngồi ở bệ cột cờ để chờ đợi. Cậu cảm thấy vô cùng đau đớn vì chính cái lý tưởng cao cả mà mình đã đam mê trong những năm qua.
Các cô đã làm xong bổn phận nhưng vẫn còn ngồi lại nói chuyện với các nạn nhân. Sinh đưa mắt tìm kiếm Trang Đài. Cậu thấy nàng đang ngồi dưới đất, trước vài người ở cửa lớp, tuốt đằng xa. Nàng liên tục lấy khăn chặm vào mắt.
Một bàn tay chạm nhẹ vào vai Sinh. Cậu ngửng lên thấy nét mặt buồn dàu dàu của bác tài xế. Bác nói:
- Thôi, kêu mấy cô về đi cậu. Ở đây nhìn họ tôi chịu không nổi nữa.
Sinh thầm nghĩ:
- Không ai chịu đựng nổi cái cảnh do những người nhân danh giai cấp vô sản gây ra. Vâng, không ai chịu nổi, kể cả người tài xế già thuộc giai cấp vô sản nầy.
Cậu thở dài một cách áo não và đi mời các chị trở lại xe.
Xe về đến trụ sở Hồng thập tự thì các bạn trẻ chia tay. Sinh nổ máy xe, Trang Đài lên ngồi ở yên sau. Khi xe ra khỏi cổng, nàng âu yếm choàng tay qua bụng người yêu. Sinh mong cho con đường dài ra nhưng không được, vài phút sau, cậu đã về đến nhà. Trang Đài bước xuống bảo nhỏ:
- Anh vào với em một lát nhé. Em buồn quá, muốn anh ở cạnh em.
- Em gọi cửa đi, anh vào với em.
Cả hai bước qua cổng. Sinh ngồi trên băng đá đợi Trang Đài. Vài phút sau, nàng đi ra, xinh xắn trong bộ quần áo màu vàng nhạt. Nàng đến ngồi xuống ghế đối diện. Sinh nhìn nàng say đắm. Giọng nàng nho nhỏ thực buồn:
- Hôm nay là mười lăm tháng tư rồi. Lẽ ra, mình đã bắt đầu học rút vì gần đến kỳ thi rồi, phải không anh?
Nàng thở dài, nói tiếp:
- Bây giờ thì hết rồi.
- Em có tiếc không?
- Có. Năm đầu học chứng chỉ chuyên khoa mà không đuợc tới nơi tới chốn, làm sao em không tiếc được.
Nàng lại thở dài, giọng trở nên não nùng:
- Nhưng chứng kiến cảnh vừa rồi, em không tiếc nữa. Tại sao con người lại bị đày đọa đến chỗ cùng cực đến thế anh nhỉ?
Sinh cúi đầu im lặng. Cậu đã hiểu nguyên nhân sâu xa của nỗi thống khổ nầy. Nhưng bây giờ giải thích cho nàng thì có ích lợi gì đâu. Cậu cảm thấy một nỗi đau đớn cùng cực trong lòng mình, tuy nhiên cậu muốn giữ riêng cho mình nỗi đau đó. Giọng nói đầy xúc động của nàng cứ thấm từng lời vào lòng Sinh:
- Khi nãy, em hỏi thăm một người trong nhóm chạy loạn. Chị ấy dạy ở một trường tiểu học trên đó. Chồng chị là trung sĩ của đại đội trấn giữ một tiền đồn bảo vệ Pleiku. Khi tiền đồn bị tràn ngập, cả đại đội đều hy sinh, chỉ còn sót một hạ sĩ, do một phép mầu, trốn thoát được, ba ngày sau mới đến cho chị hay tin. Lúc đó, thành phố đã trở nên hỗn loạn, súng nổ khắp nơi. Chị ráng giữ bình tĩnh, nấu nồi cơm, bày lên bàn thờ cúng cho chồng. Đồ cúng duy nhất chỉ là nồi cơm với chén nước mắm. Chị có hai đứa con trai, một đứa lên năm, một đứa lên ba. Chị vừa khóc chồng vừa xì xụp lạy với hai đứa con. Bỗng bên ngoài nổi lên tiếng la hét mỗi lúc một to. Bà hàng xóm bảo chị di tản nhanh, Việt cộng đang tràn vào thành phố. Chị vơ vội mấy món đồ cho vào túi, máng lên vai rồi kéo hai con chạy theo đoàn người và xe cộ. Chị không kịp mang giày cho con nên thằng bé đau chân đi chậm lại. Chị thương con quá, bế nó lên tay rồi cõng nó lên lưng, dần dần bị tụt lại phía sau. Bỗng có nhiều trái đạn rơi xuống đoàn người, nổ ầm ầm. Chị ngã xuống đất, buông đứa con ra. Chị bị ngất đi một lát. Khi tỉnh lại thì chị thấy đứa con nhỏ bị trúng đạn vào đầu đang nằm chết còn thằng lớn không thấy đâu nữa. Người ta lôi chị dậy, dắt chị đi một đoạn rồi quẳng lên xe. Chị nhớ mang máng có ngủ giữa rừng mấy đêm, rồi một đêm ở chỗ mà người ta gọi là Cung sơn, rồi lại hai đêm nữa ngủ rừng thì về đến Tuy hòa. Người ta lôi chị lên tàu thủy và chở vào Nam. Chị nói rằng chị không thiết gì trên đời nữa. Ai đưa thức ăn đến miệng thì ăn, không thì thôi. Chị không thiết sống nữa mà cũng không thiết chết nữa cho nên không có ý định tự tử. Người ta chỉ tự tử khi còn thấy cuộc đời còn có một ý nghĩa nào đó mà người ta muốn xa lánh. Chị cũng không điên cuồng, có lẽ vì chị cũng chẳng thiết đến điên cuồng nữa.
Trang Đài ngừng nói, úp cả hai tay vào mặt. Khi nàng mở tay ra thì mặt đã nhòe nhoẹt nước mắt. Sinh rút khăn tay trao cho người yêu. Nàng cầm lấy, lau khô mặt. Giọng nàng buồn rười rượi:
- Em nghĩ rằng, khi những kẻ chiến thắng tràn vào thành phố, họ sẽ gom những người dân còn ở lại. Kẻ chiến thắng sẽ phát cho mỗi người dân một lá cờ Mặt trận, tập cho họ la to “hoan hô, đả đảo” để ngày hôm sau họ dự mít tinh chào mừng ngày giải phóng. Rồi chụp hình quay phim, chiếu trên đài Hà nội và gởi đi khắp nơi, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Sự chào mừng giải phóng đó sẽ được cả thế giới hân hoan, ngoại trừ nhân dân miền Nam Việt Nam. Không, trong khối nhân dân miền Nam sẽ có một số cũng hân hoan vì họ đã hùa theo với cộng sản và tự cho mình là kẻ chiến thắng. Anh Sinh, em sẵn tính không ưa kẻ chiến thắng, riêng kẻ chiến thắng ngày hôm nay thì càng đáng ghét hơn nữa. Họ là những người vô nhân đạo.
Sinh nghe những gân máu trên đầu mình giựt bưng bưng. Cậu quay mặt chỗ khác không dám nhìn người yêu. Trang Đài khóc rấm rứt:
- Anh Sinh, em lo sợ họ sắp đến đây rồi. Những ngày êm đềm trong sân trường đại học của anh và của em vĩnh viễn từ bỏ chúng ta rồi. Cả cái chốn thân yêu nầy nữa. Họ vào đây giải phóng thì ba em phải chết, rồi chính mẹ và em cũng sẽ trở thành những con người khốn khổ vừa rồi đã ngửa tay nhận của bố thí của thiên hạ.
Sinh vẫn cúi gầm mặt với mặc cảm mỗi lời nói, mỗi tiếng khóc của người yêu đều nhắm thẳng vào mình. Cậu im lặng như một tội nhân trước vành móng ngựa, cúi đầu nghe những lời buộc tội của lương tâm nhân loại. Mặt cậu nóng bừng bừng, toàn thân như bị ngọn lửa hỏa ngục đang từ từ đến bao phủ. Một hồi lâu, cậu ngẩng lên và nói lời tạm biệt với người yêu.
Trang Đài tiễn Sinh ra cổng. Nàng dừng lại, chờ người yêu hôn tay tạm biệt. Nhưng Sinh vẫn đứng yên. Nàng mở cổng, đợi Sinh đi khuất mới đóng lại và vào nhà.
Sinh cho xe vọt tới. Cậu rú ga, phóng như điên cuồng. Cậu lách qua, lách lại giữa dòng người và xe cộ trên đường, nghe có nhiều tiếng chửi thề rớt lại phía sau. Phía trước mặt là một ngã tư, đèn vàng rồi đèn đỏ bật lên. Mặc kệ, Sinh bóp kèn inh ỏi, vọt qua đường. Có tiếng bánh xe thắng két trên mặt nhựa, có tiếng la ơi ới, có tiếng chửi thề tục tĩu, Sinh nhấn thêm ga, thẳng về nhà.
Cậu vội vàng mở cổng rồi mở cửa, dắt xe vào và để nguyên áo quần nằm vật ra giường. Căn phòng quen thuộc sao trở nên trống trải, mọi thứ đều hóa mông lung xa xăm. Mắt Sinh nhìn trân trối lên trần nhà, tưởng như có một khoảng không gian vô định đang tách xa cậu với mọi thứ. Cậu cố gắng tập trung vào một cái gì đó để giữ mình lại, nhưng khoảng không gian xám xịt cứ hiện ra chập chờn bao phủ mọi vật.
Văng vẳng bên tai Sinh lời nói của nàng: trong khối nhân dân miền Nam sẽ có một số cũng hân hoan vì họ đã hùa theo với cộng sản và tự cho mình là kẻ chiến thắng. Anh Sinh, em sẵn tính không ưa kẻ chiến thắng, riêng kẻ chiến thắng ngày hôm nay thì càng đáng ghét hơn nữa. Họ là những người vô nhân đạo.
Vô nhân đạo. Vô nhân đạo...
Nỗi đau đớn lại nổi lên cấu xé tấm lòng đang tả tơi của cậu. Sinh nhắm mắt bịt tai lại, cố gắng xua đuổi hình bóng thân yêu của Trang Đài. Nhưng những hình ảnh khác lại tràn vào căn phòng như những bóng ma. Người mẹ ôm xác con khóc thảm bên đường. Những đứa trẻ côi cút ngồi co ro trong góc phòng... Vô nhân đạo. Vô nhân đạo...
Đến hai giờ trưa, cậu mới lảo đảo bò dậy ra cổng lấy xách cơm vào. Thức ăn đã nguội lạnh, Sinh không thấy ngon miệng nhưng cố nuốt hết ba chén cơm như thường lệ. Tất cả cơm và thức ăn thừa được đổ vào cái tô và mang ra cho con chó Tăng ăn.
Sau đó, cậu xuống bếp, vào nhà tắm, cởi áo quần ra và dội nước ào ào. Nước mát làm tinh thần Sinh dịu lại.. Cậu mang xách đựng cơm ra treo vào cửa cổng, thò tay ra ngoài bấm ổ khóa, vào nhà đóng cửa trước lại. Nếu bây giờ có ai đến kêu cửa, cậu sẽ không ra mở, họ sẽ bỏ đi vì tưởng nhà vắng chủ.
Trên bàn học đám sách vở còn nằm ngổn ngang, bỗng Sinh nghe nhói trong tim. Kể từ hôm nay, cậu phải giã từ mọi thứ thân thuộc, giã từ sự học, giã từ những thói quen hằng ngày để nhận lấy một cái gì đó, không phải là sự vinh quang của kẻ chiến thắng mà là điều rất xa lạ và chắc chắn chẳng tốt đẹp tí nào.
Cậu lặng lẽ xếp tất cả sách vở của chứng chỉ đang theo, thành hai chồng, lấy dây cột kỹ lại và cất vào ngăn sách. Những tờ báo Tin sáng, vừa cũ vừa mới rải rác khắp nơi trên nền nhà cũng bị cột thành một bó to tướng, rồi đem quăng xuống hố rác. Riêng cái máy thu thanh được đặt lên bàn thờ, phía sau bình hoa.
Mặt trời đã khuất nhưng ánh nắng còn nhuộm vàng những đám mây rực rỡ trên bầu trời. Sinh đoán chừng người mang cơm tháng đã đến thay xách cơm treo ngoài cổng. Quả đúng như vậy. Trời đã nhá nhem tối; cậu bật sáng đèn trước sân rồi ra ngồi trên bậc thềm ăn cơm.
Ngồi một lúc khá lâu, cảm thấy mỏi mệt nên cậu vào nhà, đóng cửa cẩn thận, lấy một quyển truyện ngăn trên kệ sách và chui vào giường nằm đọc. Đến nửa chừng tuyện ngắn thứ hai, mí mắt Sinh đã sụp xuống.
Tiếng chim hót bên khung cửa sổ đánh thức Sinh dậy. Trời đã sáng rõ. Một ngày mới xa lạ bắt đầu. Một ngày không đến trường. Một ngày chỉ có chương trình viếng thăm mộ mẹ. Sinh chạy đến tiệm ăn, điểm tâm xong thì thẳng ra nghĩa địa. Nén nhang đốt trước mộ mẹ tỏa khói hương u buồn. Mấy tháng nắng vừa qua làm cho lớp cỏ phủ trên mộ khô héo thêm phần ảm đạm. Sinh ngồi xuống hì hục nhổ cỏ, mới được có một khuỷnh nhỏ mà nắng đã lên cao làm mồ hôi đổ ra dán vải áo vào lưng. Chỗ cỏ còn lại e phải năm ngày mới nhổ xong hết. Bây giờ Sinh có quá nhiều thời gian, sau năm ngày nhổ cỏ chắc Sinh cũng sẽ nghĩ ra được việc gì khác. Sinh quét sạch chỗ nền đất rồi lên xe về nhà.
Một ngày bình thản trôi qua; các ngày sau cũng bình thản trôi qua trong sự cô lập hoàn toàn từ thể chất lẫn tinh thần của người thanh niên tưởng rằng mình đã thoát ra khỏi sự đau khổ và tìm được sự bình an của tâm hồn.
Tuy nhiên, Sinh đã lầm. Sự bình an đó là giả tạo nên hết sức mỏng manh, sau một tuần lễ là nó lung lay.
Hôm ấy, Sinh giật mình tỉnh giấc khi trời còn khuya. Cậu cố ngủ lại mà không được. Hình bóng Trang Đài hiện ra làm cậu xót xa. Đúng một tuần rồi, cậu không đến thăm nàng. Nàng làm gì trong suốt tuần lễ vừa rồi? Nàng vẫn vui vẻ hồn nhiên hay buồn bã nhớ nhung?
Vài con vạc đi ăn đêm trở về, bay ngang qua kêu quang quác, buồn tênh.
Sinh ngồi dậy, nhìn ra sân qua khung cửa sổ. Ánh trăng hạ tuần đang ở đỉnh đầu. Những cây cao in một bóng đen tròn chung quanh gốc. Vài con dơi bay chập choạng trong ánh sáng lờ mờ. Chúng bay sát bên cửa sổ, Sinh nghe tiếng cánh đập phành phạch một cách êm ái. Cậu ngước mắt nhìn lên bầu trời, một mảnh trời be bé bị giới hạn bởi mái nhà và những tàn cây đen ngòm. Trong mảnh trời ấy, Sinh không nhìn thấy mặt trăng. Những vì sao mờ nhạt đang cố nhấp nháy để thu nhận những hình ảnh cuối cùng của Hòn Ngọc Viễn Đông trong cơn hấp hối.
Cậu nằm xuống, mở đèn, lấy sách ra đọc. Những hàng chữ nhạt phèo. Cậu quăng sách, nằm nhìn trần mùng. Khoảng không gian bên trên lại bắt đầu trở nên xám xịt và xa dần. Sinh hoảng sợ đưa tay tắt đèn.
Trong giấc ngủ gắng gượng đêm đó, Sinh mơ thấy nàng giữa quang cảnh khói lửa mịt mùng.
Ánh sáng chiếu vào làm Sinh tỉnh giấc. Đồng hồ chỉ bảy giờ sáng. Cậu bước xuống giường, mở cửa ra sân. Không khí trong lành của buổi ban mai làm cậu cảm thấy thơ thới.
Sáng nay cậu sẽ làm gì? Cỏ trên mộ mẹ nhổ xong cả rồi. Ngôi mộ đã phẳng phiu sạch sẽ. Tuy nhiên, mùa mưa sắp đến trong nay mai. Những hạt mưa to sẽ lôi đi những hạt đất của cái chung cư của mẹ. Vì vậy, sáng nay Sinh sẽ mua một trăm viên gạch, nửa bao xi măng, một ít cát và một cái bay. Cậu sẽ xây một viền gạch chung quanh, sát với chân mộ. Chắc chắn, viền gạch nầy rất xấu xí so với những ngôi mộ xây chung quanh, nhưng Sinh biết rằng mẹ rất hài lòng. Tính bà xưa kia vẫn thường hài lòng về đứa con của mình.
Lòng thuơng của mẹ đối với Sinh thì vô cùng vô tận. Sau khi bà mất đi vài năm, chỗ trống tình cảm trong lòng đã được tình yêu của một người con gái lấp đầy. Nàng thực kiều diễm, thông minh và cực kỳ dịu dàng. Bây giờ, nàng đang làm gì ở nhà? Nàng có ra ngồi trên băng đá, dưới gốc cây bàng hay không? Nàng có nhớ đến người yêu hay không?
Sinh buồn bã đi vào nhà sau rửa mặt. Cậu đứng chải đầu thực cẩn thận để tiêu mất bớt thời gian. Cậu lên mở tủ, chọn bộ áo quần đẹp mặc vào và đứng trước gương soi. Nhìn hình mình bảnh bao trong kính, Sinh xót xa cho thói quen của mình mỗi khi nghĩ đến nàng. Hôm nay cậu đi xây mộ mẹ chứ đâu phải đi thăm nàng! Đi làm thợ hồ mà ăn mặc như công tử đi dạo phố vậy sao? Sinh mỉm cười một cách buồn bã. Cậu đứng lên giường, đóng cửa sổ lại và chuẩn bị đi ra mộ.
Bỗng con chó Tăng hực một tiếng rồi lao ra cổng, sủa inh ỏi. Sinh nhìn ra, sững sờ.
Ngay giữa cổng có một tà áo dài xanh! Cả bầu trời vụt sáng lên trong ánh dịu dàng màu xanh của áo. Một gương mặt cực kỳ diễm lệ xuất hiện bên trên thanh gỗ ngang của cánh cửa cổng. Đôi mắt bồ câu đen lay láy chăm chú nhìn vào.
Trang Đài!
Sinh chạy vội ra cổng, tay chụp lấy ổ khóa. Quên lấy chìa khóa. Cậu chạy lộn vào vớ cái chìa trên bàn và chạy trở ra, đút chìa vào ổ khóa,vặn mạnh. Không ra. Cậu nhìn kỹ, lấy nhầm chìa khóa xe Honda. Lại chạy vào rồi chạy ra, cắm chìa vào ổ, lại vặn mạnh, lần nầy thì ống khóa bật ra, cậu hấp tấp kéo mạnh cánh cổng vào trong. Cậu đứng im nhìn người yêu, giọng run run nghẹn ngào:
- Trang Đài em.
Nàng nhìn Sinh một cách thực buồn bã:
- Anh Sinh, em đến tìm anh.
Sinh lắp bắp:
- Trang Đài, Trang Đài, em vào đi, anh mời em vào nhà anh. Đưa xe cho anh.
Sinh vói tay khép cổng rồi lẽo đẽo đẩy xe theo sau tà áo dài. Từ cổng vào nhà chỉ một khoảng ngắn mà nàng quay lui nhìn Sinh đến ba lần. Nàng dừng lại trước hiên nhà, nhìn vào bên trong. Sinh dẫn xe dựng bên hè rồi trở ra trước. Nàng vẫn đứng yên đó, bất động như tượng thần vệ nữ.
Sinh nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Cậu bước tới cầm bàn tay mềm mại của nàng dẫn vào nhà. Cậu buông tay nàng, đi vòng sau lưng kéo ghế và chờ đợi nàng ngồi xuống.
Trang Đài không ngồi mà quay lại nhìn Sinh, đôi mắt như ngây như dại. Sinh bước tới một bước, hai thân mình lao vào nhau. Tấm thân mềm mại run rẩy của nàng áp sát vào Sinh. Hai bàn tay nàng bấu chặt lên lưng Sinh như sợ chàng biến mất. Sinh cúi xuống dúi mặt mình vào mái tóc thơm tho. Bàn tay lùa vào mái tóc, vuốt ve cổ nàng, vai nàng, khuôn mặt nàng.
- Em, em...
Sinh thì thào mê dại.
Gương mặt nàng hiện ra lồ lộ, xóa bỏ tất cả nỗi ám ảnh. Mắt nhắm nghiền, đôi môi mời mọc đam mê. Sinh cúi xuống hôn như điên cuồng vào đôi mắt. Đôi môi Sinh lướt qua khuôn mặt và dừng lại trên đôi môi mềm mại. Cậu từ từ áp môi mình vào hai cánh hoa hồng kiều diễm đó, tham lam đè xuống mỗi lúc một mạnh thêm. Một cảm giác cực kỳ nồng nàn và đê mê từ hai cánh hoa hồng đó lan tỏa khắp người. Cả hai thân mình càng hối hả áp chặt vào nhau.
Sinh cảm thấy một bàn tay nơi lưng mình buông ra và sờ soạn tìm bàn tay mình. Tấm thân mềm mại nhích ra một chút, khẽ nghiêng lại và cầm bàn tay cậu áp lên bộ ngực no tròn. Sinh bấu mạnh vào nơi nhô cao của bộ ngực. Thân mình nàng co quắp lại. Trong lòng cậu một cơn thèm muốn tột cùng bùng nổ. Sinh lần tay vào hàng nút áo hối hả cởi từng chiếc một. Một làn da trắng mịn màng hiện ra, cậu áp mạnh môi mình lên làn da đó. Sự thèm thuồng trong người càng gia tăng dữ dội. Sinh cúi xuống nâng bổng nàng lên, đặt nhẹ nhàng trên chiếc phản gỗ. Cậu cởi phăng những hột nút còn lại, kéo mạnh vạt áo dài sang một bên. Chiếc cổ trắng ngần giữa hai bờ vai trần tròn lẳng. Phía dưới, làn da mịn màng hiện lờ mờ qua lớp vải mỏng của chiếc áo lót, ở đó đường cong tuyệt mỹ của hai chỗ nhô cao còn được che kín bởi lớp nịt vú trắng phau. Sinh đưa tay lên vai nàng kéo cái giải chiếc áo lót xuống thì nghe tiếng thì thào run rẩy:
- Anh Sinh, đóng cửa lại.
Sinh ngạc nhiên nhìn mặt người yêu. Đôi mắt nàng nhắm nghiền, đôi môi mấp máy. Sinh nhìn ra ngoài, cánh cửa vẫn mở to, ánh sáng bên ngoài lùa vào lóa mắt. Cậu đứng phắt dậy, bước ra kéo mạnh cánh cửa đóng lại. Con chó Tăng từ đâu phóng tới, húc đầu vô cửa, mừng rỡ kêu ẳng ẳng. Sinh suỵt nhỏ đuổi nó đi rồi loay hoay cài chốt cửa.
Khi Sinh quay vào, Trang Đài vẫn còn nằm đó. Dưới ánh sáng dịu dàng xuyên qua từ những lỗ thông bên trên, cậu thấy trên tấm phản gỗ thô kệch nhà mình một khối bạch ngọc long lanh, một thân thể trắng ngần và tinh khiết. Mắt nàng bỗng mở ra thảng thốt nhìn Sinh. Ánh mắt của nàng làm Sinh chết sững. Sự ham muốn của Sinh đột ngột lắng xuống, chìm vào một tình yêu thương dịu dàng.
Sinh vội vã bước lại, khom mình kéo vạt áo dài xanh phủ lên thân thể người yêu, chậm rãi cài từng hạt nút. Từ khóe mắt Trang Đài, hai giọt nước mắt ứa ra làm lòng Sinh thêm hối hận. Bỗng nhiên, Sinh có cảm tưởng mình là một tên phàm phu tục tử vừa xâm phạm một cách thô bỉ vào một thứ vô cùng quý giá của tạo hóa. Cậu lùi lại, thụt dần cho đến cửa. Khi Sinh mở cửa bước ra ngoài, hít một hơi dài, tâm hồn cậu đã bắt đầu lắng dịu. Cậu ngồi xuống chiếc ghế dài ở hàng hiên, nhìn bầu trời xanh có những gợn mây trắng lững lờ trôi. Ánh nắng ban mai rực rỡ chiếu vào những vòm lá, nơi có tiếng chim hót líu lo vọng xuống.
Tiếng bước chân se sẽ vang lên phía sau. Trang Đài ngập ngừng vén áo dài ngồi xuống ghế. Giọng nàng thỏ thẻ thực dễ thương:
- Anh Sinh, em cám ơn anh.
Sinh nhìn qua, âu yếm nói:
- Không, anh thực là hồ đồ.
Nàng khép mắt lại, nói qua hơi thở:
- Anh Sinh, hôn em lần nữa đi.
Sinh nhìn ra cổng, giọng ngập ngừng:
- Mình vào nhà đi.
- Không, em sợ trong đó lắm. Ngồi đây thôi. Ai nhìn thấy mặc họ. Nhanh lên, hôn em đi.
Sinh choàng tay ôm lưng người yêu, cúi xuống hôn vào đôi môi mọng đỏ của nàng một cách nhẹ nhàng và say đắm, lòng tràn ngập một niềm hân hoan và hạnh phúc vô biên.
Sinh ngẩng đầu dậy, đỡ Trang Đài ngồi ngay ngắn. Cậu quay qua hỏi nàng bằng một giọng nghiêm trang:
- Tại sao khi nãy em làm như vậy?
- Anh khoan hỏi đã. Tí nữa em sẽ nói cho anh nghe. Bây giờ cho em hưởng vài giây phút hạnh phúc bên anh.
- Nhưng tại sao lúc đầu em buông thả hoàn toàn cho anh rồi bây giờ em lại bảo sợ vào trong đó? Em có biết rằng em vừa thoát khỏi sự nguy hiểm trong đường tơ kẽ tóc không?
Nàng cúi đầu đáp nhỏ nhẹ:
- Em biết. Tâm lý con người cũng lạ. Khi chưa bị nguy hiểm, người ta xông vào và chấp nhận hiểm nguy. Nhưng khi thoát ra được sự hiểm nguy rồi thì người ta đâm ra sợ hãi và không bao giờ dám trở lại nữa.
Sinh thở dài:
- Thôi em không muốn vào nhà thì thôi. Mình xích lại đầu hiên nhà ngồi ngoài trời. Ở đó kín đáo hơn. Anh chỉ ngại cho em thôi.
Trang Đài ngoan ngoãn làm theo lời người yêu. Nàng ngồi xuống, vẫn tựa đầu vào vai Sinh. Bỗng nàng ôm chặt lấy người yêu, úp mặt vào ngực, òa lên khóc nức nở. Giọng nàng đứt khúc qua tiếng nấc:
- Anh Sinh, em sắp xa anh mãi mãi rồi.
Sinh hoảng hốt nhưng cậu bậm môi cố ngồi yên để Trang Đài tiếp tục úp mặt khóc rấm rứt. Vài phút sau, tiếng khóc nhỏ dần rồi ngưng hẳn. Sinh nghe nàng nói, giọng nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng:
- Anh Sinh, cho em mượn khăn lau nước mắt.
Sinh móc túi quần lôi ra chiếc khăn mà cậu vừa lấy từ tủ sáng nay. Cậu trao khăn cho Trang Đài nhưng nàng bảo:
- Anh lau mắt cho em đi.
Sinh nâng đầu nàng dậy. Mặt nàng nhòe nhoẹt nước mắt. Cậu nhẹ nhàng lau khô gương mặt mỹ miều của người yêu. Trang Đài ngồi thẳng dậy, giọng trở nên bình tĩnh:
- Chiều hôm qua, ba em về, bảo cả nhà chuẩn bị gói ghém những món quý giá và nhẹ, trưa mai, tức là hôm nay, theo đơn vị lên máy bay sang Mỹ. Ba dặn đừng đem đồ nhiều vì ba có nhiệm vụ đem cả một núi hồ sơ mật của an ninh quân đội. Ba mẹ con và dì Tư làm đến tận khuya mới tạm xong. Đêm rồi. em chỉ ngủ được rất ít. Suốt tuần rồi, anh không đến, em bồn chồn như sống trong địa ngục. Đêm rồi là địa ngục của địa ngục trên trần gian. Em nằm thao thức nhớ anh, đến sáng, cái gối ướt đẫm nước mắt.
Nàng lại gục vào vai Sinh khóc rấm rứt. Giọng nàng nghẹn ngào:
- Em sắp xa anh, xa anh mãi mãi. Suốt đêm, em suy nghĩ hoài, không biết tặng anh vật gì làm kỷ niệm cho tình yêu của chúng mình. Sau cùng em quyết định tặng anh đời con gái của em.
Nàng khóc òa:
- Em không ngờ anh không nỡ nhận món quà nầy vì quá yêu thương và quý trọng em. Khi em nhận ra được tất cả giá trị của tình yêu của anh đối với em thì em không còn được gần gũi anh nữa.
Nàng lặng im, không khóc cũng không nói. Sinh tưởng nàng quá xúc động mà ngất đi. Cậu hoảng hốt ôm chặt nàng gọi rối rít:
- Trang Đài, Trang Đài, em bình tĩnh lại.
Nàng mở mắt ra, giọng thều thào:
- Không, em không sao cả. Em đang cố gắng để nói hết chuyện với anh. Đây là lần cuối cũng. Mình không còn nhiều thì giờ nữa. Anh lau thực khô nước mắt cho em đi. Em hứa không khóc nữa.
Nàng ngồi thẳng dậy, đưa mặt cho Sinh lau nước mắt, giọng trở nên trong trẻo rõ ràng:
- Đời người con gái một lần được anh yêu là đủ rồi. Ngay bây giờ, nếu anh còn thèm muốn thân thể em thì em cũng sẵn sàng hiến dâng cho anh.
Sinh sửng sốt nhìn đăm đăm vào mắt Trang Đài. Đôi mắt ráo hoảnh và trầm tĩnh, không gợn chút đam mê. Sinh hiểu rằng lời nói vừa rồi của nàng xuất phát từ con tim nhưng cũng có phần nào lý trí chen vào. Sinh thở dài, siết chặt người yêu và hôn nhẹ vào môi nàng rồi đỡ nàng ngồi ngay ngắn lại. Trang Đài nói tiếp, giọng vẫn bình tĩnh:
- Trước đây em cứ tưởng tình yêu nào rồi cũng đi đến hành động đam mê và thô bạo của người con trai.
Sinh lại sửng sốt:
- Ai nói với em như vậy?
- Em đọc sách. Nhưng tình yêu của anh lại khác.
Sinh ngắt lời:
- Nhưng nếu khi nãy anh cũng thô bạo với em thì em còn yêu anh không?
- Chắc chắn là còn và có thể vẫn muốn anh thô bạo nếu lại gặp hoàn cảnh cám dỗ. Tuy nhiên lúc đó tình yêu sẽ khác hẳn tình yêu bây giờ trong tim em.
Nàng ngừng một chút rồi nắm bàn tay Sinh áp giữa hai bàn tay mình, giọng trở nên buồn thảm:
- Có lẽ sau nầy em cũng phải có chồng để sinh cho mẹ một đứa cháu ngoại. Đó là nghĩa vụ của em phải đền đáp công ơn sinh thành. Niềm ao ước lớn nhất của mẹ là được bế cháu ngoại trên tay. Nếu em không làm được thì có lẽ bà sẽ đau khổ cho đến khi nhắm mắt. Nhưng em sẽ chỉ làm nghĩa vụ một lần thôi. Sau đó, em dành cả quãng đời còn lại để sống với những kỷ niệm trong sân trường Đại học Khoa học của chúng mình.
Sinh không nói được lời nào cả vì cậu cảm thấy toàn thân tê dại đi vì ý nghĩ phải xa người yêu. Giọng nàng lại tiếp tục một cách thê lương:
- Sau nầy, ở một nơi xa xôi nào đó, đêm đêm em sẽ nhìn lên bầu trời về hướng Việt Nam. Em sẽ tìm một vì sao thực đẹp, thực hiền hòa để anh và em sẽ cùng lên sống trên đó. Chỉ có hai đứa mình thôi; không có một nhân dân nào khác để họ xách súng đến giải phóng. Chỉ có anh và em thôi để không có người chiến thắng đáng ghét và kẻ chiến bại đáng thương.
Trang Đài đứng dậy, vuốt tà áo dài. Sinh chực đứng dậy theo nhưng nàng đặt tay lên vai, ấn cậu ngồi yên trên ghế. Nàng nói:
- Bây giờ, em phải về cho kịp. Nếu xe tới mà thấy mất em thì mẹ sẽ đập đầu vào tường mà chết. Anh Sinh, anh ngẩng mặt lên đi, em hôn anh lần cuối cùng.
Nàng cúi xuống và hôn vào môi Sinh, một nụ hôn dài và say đắm. Khi nàng ngửng đầu dậy, Sinh nghe có hai giọt nước mắt rơi trên má mình. Sinh bật dậy theo, giọng lạc hẳn đi:
- Anh phải đến nhà em để tiễn em ngay bây giờ.
Nàng cầm tay Sinh lắc nhẹ:
- Đừng, anh yêu. Anh đừng đến đó, vì khi thấy anh, em có thể nhảy xuống xe chạy theo anh. Chắc chắn, mẹ sẽ đập đầu xuống đường mà chết. Em van xin anh. Anh hãy chiều em một lần, một lần nầy nữa thôi. Vĩnh biệt anh.
Nàng bước đến hè nhà để lấy xe. Sinh đi theo như người mất hồn. Khi nàng ra đến cổng, cậu vẫn đứng tần ngần nhìn nàng đăm đăm, quên cả mở cánh cửa. Trang Đài phải tự tay mở chốt kéo cửa và dẫn xe ra. Nàng vén vạt áo dài, ngồi lên xe, đạp nổ máy. Cặp mắt đen ướt đẫm quay nhìn người yêu lần cuối. Chiếc xe lăn bánh từ từ, tà áo xanh biến mất sau khúc quanh, Sinh vẫn đứng yên như pho tượng, nhìn theo mãi với cặp mắt thất thần. Một lúc lâu, cậu rên rỉ:
- Trang Đài, Trang Đài, em bỏ anh mà đi sao? Anh không bao giờ còn gặp em nữa sao?
Cậu thất thểu trở vào nhà, để nguyên quần áo, nằm vật ra giường. Hương thơm ngào ngạt của người con gái còn để lại nơi đây. Sinh nhắm mắt lại, nằm yên bất động, mặc cho thời gian đi qua.
Có tiếng cào sột sột ở chân giường. Sinh nhỏm dậy nhìn xuống. Con chó Tăng đang đòi ăn. Đồng hồ chỉ một giờ rưỡi trưa. Nàng đã lên xe chưa? Cậu nuốt vội những giọt nước mắt chưa kịp trào ra.
Sinh bước ra cửa, suýt đựng phải xách cơm treo ở cái đinh bên ngoài khung cửa. Sinh chợt nhớ, lúc tiễn Trang Đài đi xong, cậu vào quên đóng cửa. Người đưa cơm đã mang tận vào nhà, con chó Tăng đã quen hơi nên không sủa. Sinh ra gài cổng lại rồi vào mở xách cơm định đổ cả vào chiếc tô của con Tăng. Thấy chiếc tô nhỏ quá, cậu xuống bếp lấy cái thau đổ tất cả cơm và thức ăn vào đó và đưa đến mõm con chó. Nó sung sướng nằm xuống vẫy đuôi, cắm mõm vào thau cơm. Bàn tay Sinh lơ đãng vuốt ve tấm lưng con chó. Mắt Sinh nhìn bất động về hướng chiếc đồng hồ. Một giờ bốn mươi phút. Một giờ bốn mươi chín phút. Một giờ năm mươi lăm phút. Nàng đã lên xe chưa? Tiếng la đau đớn đột ngột thoát khỏi cổ họng cậu:
- Đi, ta phải đến đó gặp Trang Đài.
Cậu chạy xuống bếp, chụp lấy chiếc xe. Tiếng nói thanh thoát đau buồn vang lên bên tai:
- Em van xin anh. Anh hãy chiều em một lần, một lần nầy nữa thôi. Vĩnh biệt anh.
Hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống má. Sinh trở lại nhà trên, cởi áo quần, chỉ mặc chiếc quần cụt. Cậu rút sợi dây nịt ra, leo lên giường, cột một chân mình vào thanh sắt chắn ở cuối giường và nằm nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ. Sự xáo động mãnh liệt vừa qua làm cho Sinh kiệt sức, cậu chìm sâu vào giấc ngủ nặng nề.
Khi Sinh giật mình thức giấc, trời đã sắp tối. Ráng vàng chỉ còn hiu hắt bên hè. Sáu giờ năm mươi phút. Cậu vùng dậy, chân bị vướng vào thành giường đau nhói. Hóa ra là sợi dây nịt vẫn còn trói Sinh vào thành giường. Sinh cúi mở sợi dây nịt, lôi chân ra và lảo đảo bước xuống giường.
Bây giờ, không còn một sức mạnh lý trí nào có thể giữ Sinh lại. Cậu vội vã mặc áo quần vào rồi đẩy xe ra cổng, phóng chạy qua nhiều con đường đã lên đèn rồi cuối cùng dừng lại trước nhà người yêu. Quang cảnh bên trong tối om vắng lặng. Sinh bước xuống xe, đến nhấn chuông, lắng tai nghe. Bên trong vẫn tuyệt đối yên tĩnh, không có tiếng chuông reo. Sinh úp mặt vào cánh cổng một lúc, rồi lùi lại, rên rỉ:
- Trang Đài đã đi rồi. Ta đã mất em vĩnh viễn, ta không bao giờ còn nhìn thấy em trong ngôi nhà thân yêu nầy nữa.
Cậu thất thểu lên xe và trở về nhà.
Đêm đó cậu ngủ rất ít. Con Tăng nhiều lần thức giấc vì những tiếng động trong phòng. Sáng ra, cậu thấy cơ thể bải hoải, đầu nhức tăng tăng. Viên thuốc giảm đau không làm cậu lấy lại sinh khí, chỉ làm đầu óc Sinh thêm u mê.
Đến hơn tám giờ, cậu vào thay áo quần rồi đẩy xe ra cổng. Chiếc xe như ngựa quen đường cũ, chở cậu đến đường Cao Thắng và dừng lại trước ngôi biệt thự thân yêu. Cửa cổng vẫn đóng im ỉm. Phía trên cao có sợi kẽm cột hai cánh cổng vào nhau. Sinh với tay lên không tới, nên đẩy xe Honda dựng sát cổng và leo lên. Vòng kẽm gai có vẻ như chỉ được buộc hờ trong lúc vội vã. Sinh leo xuống và đẩy thử. Cánh cổng chầm chậm mở ra.
Căn nhà vắng chủ buồn tênh. Không một nét xáo trộn nào cả. Phòng khách vẫn y nguyên, nhưng đồ vật trong chiếc tủ thấp biến mất, hai khung ảnh treo trên vách cũng không còn. Sinh lại ngồi trên băng đá dưới bóng mát cây bàng, nhìn vào nhà một cách sầu thảm. Ở cánh cửa thông kia, Trang Đài đã xuất hiện trong bộ áo quần màu hồng có viền trắng, nhìn cậu với nét mặt tươi cười, xinh đẹp như tiên nga. Nàng từ từ bước ra ngồi trên băng đá đối diện với Sinh. Không, nàng không ngồi đây mà đứng yên ở cửa phòng khách, nhìn Sinh như trêu chọc. Sinh vụt đứng dậy, phóng lại úp mặt vào cửa kiếng, trố mắt nhìn vào. Vắng lặng, vắng lặng, hoàn toàn vắng lặng! Chỉ có tiếng xe chạy ngoài đường Cao thắng vọng vào, nghe xa lắc xa lơ. Cậu sụm xuống, úp mặt vào nền đất, nơi bước chân nàng đã đi qua nhiều lần trước kia.
Mãi khi nắng lên gay gắt, Sinh mới lảo đảo đứng dậy. Tiếng cười khúc khích nhẹ nhàng của nàng vang lên đâu đó, trong những lần chia tay giờ đã xa lắc. Sinh mở cổng, đẩy xe ra đường, leo lên cột sợi dây kẽm như cũ.
Ý nghĩ miên man kéo Sinh chạy thẳng về trường Đại học Khoa học. Trường vắng vẻ như đang giữa mùa hè. Sinh dừng xe trước cổng, đúng vào nơi mà cậu đã sửa xe cho Trang Đài trước đây. Hai cánh cửa cổng khép kín nhưng không khóa, chỉ gài chốt bên trong. Sinh thò tay vào mở chốt, đẩy cửa ra, dẫn xe vào. Cậu khóa xe, bước qua dãy lầu bên, leo cầu thang lên phòng thí nghiệm thực vật rồi phòng động vật. Mỗi nơi, cậu dừng lại một chút rồi quay xuống.
Sinh thẩn thơ đẩy xe ra cổng, chạy đến đầu đường Lý Thái Tổ. May quá, cái quán giải khát vẫn mở cửa nhưng không có khách nào. Đằng kia là góc quán, là cái bàn nhỏ, nơi cậu đã tỏ tình cùng nàng. Sinh ngồi đối diện cái ghế trống không, run run gọi hai chai nước ngọt. Chị chủ quán ngạc nhiên nhưng cũng vẫn bưng ra hai ly nước đá và hai chai nước ngọt khui xong. Sinh trả tiền trước, chậm rãi rót nước ra ly. Một ly cho cậu, một ly cho nàng. Hơi lạnh đóng quanh thành ly bắt đầu chảy xuống mặt bàn. Từng dòng. Từng dòng. Cậu ngồi bất động nhìn sững cái ly đối diện, cho đến khi nước đá trong ly tan chảy hết. Khi Sinh đứng dậy, cậu vẫn không ý thức được hành động của mình. Đôi chân tự động đưa Sinh bước ra khỏi quán. Chị chủ quán lắc đầu nhìn theo, Sài gòn những ngày này có quá nhiều chuyện bi thương.
Sinh lại leo lên xe, chạy về trung tâm Sài gòn, vòng qua đường Lê Thánh Tôn, đến trước rạp hát Lê Lợi. Rạp đóng cửa, không chiếu phim. Cậu chạy xe đến tiệm kem đầu đường, khóa xe, bước vào tìm đúng cái bàn, cái ghế của ngày nào. Cậu kêu hai ly kem và trả tiền ngay. Hai ly kem rồi cũng tan chảy hết dưới ánh nắng chiều hanh hao.
- Anh Sinh, nếu một ngày nào đó, anh không còn yêu em nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra…
- Anh Sinh, em không hiểu sao, bóng tối vẫn làm em lo sợ…
- Anh Sinh, theo em thì kẻ chiến thắng rất đáng ghét. Em không hiểu tại sao , nhưng em không thể nào thương họ được…
- Anh Sinh…, anh Sinh…, anh Sinh….
Sinh lấy khăn chặm vào mắt và vội vàng bước ra khỏi quán.
Khi mặt trời xế bóng thì cậu về tới nhà. Thấy hai xách cơm treo ở cửa cổng, cậu sực nhớ là hơn một ngày rưỡi rồi chưa có một thứ gì vào bụng. Bây giờ cậu mới thấy đói lả người. Con chó Tăng rên rỉ, cuống quýt cào lên bắp chân chủ. Sinh dỡ cơm ra chia cho con chó. Cả nó và Sinh đều cắm cúi ăn ngon lành. Ăn xong, cậu thấy trong người hơi dễ chịu. Cậu bắt ghế ra ngồi dưới bóng cây, nhìn ra đường, mặt buồn hiu. Khi mặt trời ngã hẳn về Tây, Sinh xách cuốc ra vườn làm cỏ. Buổi tối lặng lẽ đi qua, giấc ngủ tìm đến với những cơn mơ, khi thì hung dữ, khi thực hiền hòa.
Sáng hôm sau thức dậy, Sinh cảm thấy khá khỏe khoắn. Khi đi ra đường để tìm chỗ điểm tâm, cậu nhận thấy không khí khác thường. Hầu hết cửa tiệm đều đóng cửa, đường thưa thớt người đi, dù đang giờ đến sở làm. Cậu phải chạy khá xa mới mua được một ổ bánh mì, mang về nhà ngồi gặm.
Có bóng người thấp thoáng ngoài cổng làm con chó Tăng nhảy xổ ra sủa inh ỏi. Cậu ngạc nhiên bước ra nhìn người mới đến. Đó là một đứa bé độ mười ba tuổi, một chiếc xe đạp dựng kế bên. Nó vịn cánh cổng, dáo dác nhìn vào. Khi thấy Sinh, nó hỏi to:
- Đây có phải nhà ông Sinh không?
- Phải rồi, tôi là Sinh đây. Có việc gì vậy?
- Chú có một cái thơ.
Nó móc túi lấy bao thư gấp làm đôi, nhầu nát. Nó trao thư cho Sinh, nói như phân trần:
- Đáng lẽ cháu đưa tới lâu rồi mà không mượn được xe đạp. Chú thông cảm.
- Được rồi, cám ơn em.
Sinh vội vã vào nhà, xé bao thư, rút tờ giấy gấp đôi, chăm chú đọc, mặt tái dần đi:

Sài gòn, ngày 8 tháng 4 năm 1975
Anh Sinh thân mến,
Sáng nay, tôi đến tìm anh mà không gặp. Sáng mai, tôi phải về quê sớm thu xếp gia đình, không đến anh lần thứ hai được. Đêm nay tôi viết lá thư nầy và nhờ cậu bé ở sát nhà mang đến cho anh. Sợ nó vứt bỏ lá thư nên tôi có cho nó một món tiền nhỏ, vì nếu thư nầy không đến tay anh thì đó là điều ân hận rất lớn cho tôi. Tôi không hy vọng gặp lại anh ở cái đất Sài gòn thân yêu nầy nữa. Tình hình ngày càng tồi tệ, hết cơ cứu vãn rồi. Vì vậy, tôi về quê thu xếp, chuẩn bị cho cả gia đình đi tìm chỗ nương thân ở ngoại quốc.
Tôi là Nguyễn văn Sĩ, cùng đơn vị với bạn thân của anh là Trung úy Trần Phát Đạt. Đạt đã vĩnh viễn nằm xuống sau một trận đánh lớn ở gần Pleiku. Tiểu đoàn chúng tôi bị phục kích, nhưng đã chống trả mãnh liệt buộc địch phải tháo chạy.
Đạt bị thương rất nặng nơi đầu. Trước khi trực thăng tải thương đến nơi thì anh ấy đã tắt thở trên tay tôi. Trước khi chết, Đạt bảo tôi ghi hai địa chỉ, một cho gia đình và một cho bạn thân là anh. Thôi, tôi xin báo tin cho anh rõ chứ không muốn nhắc nhiều đến chuyện đó nữa, sợ tôi sẽ òa khóc làm ướt lá thư nầy.
Theo tôi thì cuộc chiến tranh dài đằng đẵng nầy sắp kết thúc và chúng ta là kẻ chiến bại. Những ngày theo đoàn người di tản từ Pleiku về đây làm cho tôi thấy rất rõ điều nầy. Tôi phải ra đi hoặc tôi sẽ chết khi Việt cộng chiếm được cả miền Nam nầy.
Thôi, tôi xin dừng bút. Tạm biệt anh. Biết đâu chúng ta sẽ lại gặp nhau ở cái xó xỉnh nào đó trên hành tinh nầy trong những ngày sống tha hương.
Trung úy Nguyễn văn Sĩ.

Sinh ôm lá thư vào lòng, mắt nhòe lệ. Cậu lẩm bẩm một mình:
- Thằng Đạt đã chết còn thằng Thành ở đâu? Có lẽ nó cũng chết rồi. Hai đứa nó đã nguyện sống chết có nhau.
Trong có mấy ngày mà cậu chịu những sự mất mát lớn quá sức chịu đựng. Trang Đài đã đi xa mịt mờ, hai thằng bạn thân nhất cũng không còn trên đời nầy nữa. Cậu đọc lại lá thư của trung úy Nguyễn văn Sĩ.
Chúng ta là kẻ chiến bại’. Sinh lặp lại câu nầy trong thư, hình bóng Trang Đài trong tiệm kem ngày nào làm cho nước mắt cậu lại trào ra.
Chúng ta là kẻ chiến bại’.
Chúng ta là ai? Là ông trung úy Sĩ đáng mến qua lời thư, là thằng Đạt, thằng Thành, là Trang Đài và ba mẹ nàng, là cả một khối lương dân miền Nam đau thương nầy. Còn Sinh thì sao? Cậu còn trong hàng ngũ kẻ chiến thắng nữa hay không? Sinh đau đớn nhớ lại, sau buổi đi phân phát quà cứu trợ cho nạn nhân, chính cái mặc cảm kẻ chiến thắng đã làm cho Sinh xa lánh người yêu suốt cả một tuần. Nàng đã đau khổ biết bao trong tuần lễ đầy biến động đó. Giờ đây, biết làm thế nào để nói với nàng một lời tạ tội. Cậu tha thiết muốn nàng hiểu rằng, bây giờ cậu không còn trong hàng ngũ những kẻ chiến thắng đáng ghét, những kẻ đã làm cho nàng cùng gia đình, và biết bao người khác phải lìa bỏ quê hương yêu dấu để đến lánh nạn nơi đất khách quê người. Cậu ở lại đây trong hàng ngũ những kẻ chiến bại đáng thương, tuy xa cách nhưng cậu cũng cùng giới tuyến với nàng.
Ý nghĩ nầy làm cho Sinh thấy lòng lâng lâng trong một cảm giác thực buồn và thực êm đềm. Bây giờ tình yêu của Sinh và Trang Đài mới thực là trọn vẹn dù hai người đang ở xa nhau vạn dặm.


*
* *



SÁNG ngày 29 tháng 4 năm 1975, thầy Văn chạy về hướng nhà Sinh, sau xe có một mớ hàng to trong bao thường được dùng để đựng gạo. Cảnh vật trên đường phố buồn bã nhưng lòng thầy phấn chấn lạ thường. Đêm qua, thầy đã tham dự cuộc họp đến khuya lắc khuya lơ. Các binh đoàn chính quy từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đưa vào, phối hợp với các đơn vị địa phương đã phá vỡ mọi ổ kháng cự của quân thù chung quanh thành phố. Sài gòn đang bị bỏ ngỏ. Từ nhiều ngày trước, các tổ trinh sát đặc công đã thâm nhập ồ ạt vào ngoại ô và nội thành để chuẩn bị hoàn thành hình ảnh một cuộc “nổi dậy của nhân dân”, một cuộc “hợp đồng tác chiến” ngoạn mục giữa quân và dân. Hình ảnh nầy sẽ được công bố trên toàn thế giới để nêu cao chính nghĩa của cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh của chúng ta.
Tuy không nói ra, những người tham dự hội nghị đều thấy nhân dân thành phố chưa sẵn sàng nổi dậy. Họ hoang mang lo sợ. Họ bàn tán xôn xao, tích lũy lương thực. Đề tài nổi bật nhất là di tản sang ngoại quốc để trốn tránh cách mạng. Cuộc di cư khổng lồ của cả triệu người năm 1954 bỏ quê hương miền Bắc chạy vào Nam để trốn cộng sản vẫn còn sờ sờ trong lịch sử. Rồi trong tháng qua, hàng trăm ngàn người lìa bỏ quê hương miền Cao nguyên và miền Trung cũng cùng một lý do. Những sự việc đó thổi bùng ngọn lửa thèm muốn ra đi của nhiều người dân Sài gòn. Một số ít đã thực hiện được ý muốn đó. Phần lớn còn lại, co cụm tại chỗ, thắc thỏm chờ đợi điều phải đến.
Đó là hình ảnh không tốt đẹp cho cuộc chiến thắng vĩ đại, chấm dứt ba mươi năm chiến tranh đầy gian khổ. Phải gấp rút cải thiện hình ảnh nầy. Vì vậy, một số lượng khổng lồ cờ Mặt trận, truyền đơn, biểu ngữ đã được các cơ sở bí mật in ra và được đưa thẳng từ các vùng mới “giải phóng” vào. Nhiệm vụ trước mắt là trang hoàng cho cuộc nổi dậy của toàn thể nhân dân thành phố.
Nhiệm vụ kế tiếp là phân công những người tham gia “cướp chính quyền”.
Trước hết là ủy ban quân quản, sau đó là ủy ban cách mạng lâm thời. Các chức vụ then chốt như chủ tịch, trưởng phòng ban đều đã giao cho các cán bộ từ miền Bắc và từ chiến khu vào. Các cán bộ nội thành chỉ giữ vai trò phụ tá mà thôi.
Thầy Văn được đề cử vào làm việc với ủy ban quân quản và sau đó, có thể là phó phòng giáo dục quận. Thầy sướng rơn lên. Các đồng chí trong hội nghị nghĩ rằng thầy sẽ chọn địa bàn phụ trách là quận Phú nhuận, nơi thầy đang ở. Lúc đầu thầy cũng nghĩ như thế. Cái xóm nầy toàn là người mới quen vì thầy mới đến ở hơn một năm nay. Chẳng có ai thân thiết vì thầy không muốn kết thân một cách thái quá để họ có thể chạy xộc vào nhà bất cứ lúc nào. Đó là thói quen cảnh giác của cán bộ nằm vùng. Tuy không thân nhưng thầy biết xóm giềng kính nể thầy vì ai cũng biết thầy đang dạy học. Sự kính nể đó sẽ thành sự ngạc nhiên và tôn sùng, nếu họ thấy thầy hoạt động cho quân quản, suốt ngày tất bật với công tác tổ chức chánh quyền cho họ.
Thầy mới được cấp phát một cây súng ngắn. Thầy sẽ không cần giấu giếm họ điều đó. Tại sao phải giấu? Vũ khí nầy là biểu tượng cao quý của cuộc cách mạng vô sản mà phương châm là dùng bạo lực trấn áp bọn phản cách mạng để củng cố chính quyền cho nhân dân. Không riêng bọn phản cách mạng, mọi người thấy thầy có súng đều phải kiêng nể. Sống trong thành phố bao nhiêu năm với “ngụy”, ai mà không có mặc cảm có tội đối với cách mạng. Tuy nhiên cũng đừng nên khoe cây súng một cách quá lộ liễu. Cử chỉ đó không phù hợp với cốt cách nhà giáo của thầy. Nghĩ như thế, thầy cất nó vào túi đeo trên vai, lâu lâu có dịp ló ra cho họ thấy một chút là đủ rồi.
Đó là ý nghĩ ban đầu của thầy. Suy đi tính lại thì ở địa phương cũng có phần bất lợi. Bọn phản động và hèn nhát đã tháo chạy để lại rất nhiều nhà rất đẹp. Nhưng đã có nhà rồi mà còn xin thêm hay đổi nhà thì cũng khó coi. Nếu thầy cứ làm như thế, biết đâu có đồng chí ganh ghét sẽ phê bình là thầy bắt đầu thoái hóa phẩm chất vì người cộng sản phải hy sinh tuyệt đối cho sự nghiệp của đảng, chí công, vô tư, không nghĩ tới quyền lợi bản thân mình. Cần phải đề phòng những người đồng chí hay phê bình đó.
Đắn đo suy nghĩ mãi, thầy đã chọn được một giải pháp hoàn hảo. Đó là xin hoạt động ở một địa bàn khác. Công tác sẽ dồn dập ngày đêm. Nhà xa đi về bất tiện, các đồng chí có trách nhiệm sẽ bố trí cho thầy một chỗ ở tạm. Thầy sẽ góp ý một cách thành khẩn và đầy chất hy sinh về chỗ ở tạm đó trong một ngôi nhà vô chủ đầy đủ tiện nghi mà suốt đời làm thầy giáo thầy không mong có được. Từ chỗ ở tạm đến sở hữu lâu dài không phải là chuyện khó.
Thầy nghĩ ngay đến địa bàn quận Gò vấp. Ở đây, thầy có Sinh, vừa là học trò cũ, vừa là đồng chí đoàn viên mà thầy kết nạp. Gần đây, nó có nhiều biểu hiện đáng nghi ngờ nhưng chưa xác minh được. Sự nghi ngờ đó chỉ đáng sợ khi còn phải sống lâu dài trong lòng địch. Bây giờ địch đang tháo chạy. Những tên còn sót lại sắp bị quân đội ta với xe tăng và đại bác trấn áp, giết chết hoặc cho vào tù hết thì sự nghi ngờ đồng chí đó không còn ý nghĩa nữa.
Thầy nhớ lại cách đây hai năm, đồng chí đó dã dám tự phát vẽ cờ và truyền đơn đi dán trong xóm giờ giới nghiêm. Bây giờ, giao cho cậu ta cả bao cờ nầy để đi phân phát cho mỗi nhà thì còn gì hay cho bằng. Chắc chắn đồng chí ấy sẽ vui mừng nhận trách nhiệm và hoàn thành nhanh chóng. Những lá cờ Mặt trận sẽ đồng loạt giương lên trong địa bàn phụ trách của thầy, ngay cả trước khi đoàn quân Giải phóng đầu tiên tràn vào Sài gòn. Thầy sẽ báo cáo lên lãnh đạo, tinh thần nổi dậy của nhân dân ở đó và chắc chắn thầy sẽ được ghi công.
Những ý nghĩ trên đây làm thầy rất phấn khởi. Thầy siết ga, chiếc xe lướt nhanh trên đường và dừng lại trước ngôi nhà quá quen thuộc đối với thầy. Con chó Tăng chạy ra kêu ăng ẳng mừng rỡ. Thầy mỉm cười thò tay vào vuốt đầu nó.
Sinh đang quét lá sau vườn, nghe chó kêu mừng rỡ thì biết là thầy Văn đến. Cậu lững thững bước ra cổng. Thầy nhìn vào, ngạc nhiên thấy dáng điệu chậm chạp và bơ phờ của người đồng chí nhỏ. Có lẽ nó đang gặp phải chuyện buồn phiền gì đó. Không sao, thầy chỉ cần mất thêm một chút thì giờ quý báu để làm công tác tư tưởng, kích động nó là xong ngay. Thầy biết tính tình hiếu động của người thanh niên nầy rất nhiều. Tình hình đất nước đang vô cùng phấn khởi, chiến thắng đang tràn vào thành phố, kích thích lòng hăng hái của nó để lao vào công tác không phải là điều khó khăn.
Sinh đã ra tới nơi, cúi đầu chào thầy một cách lễ phép, mở cổng mời thầy vào. Thầy đẩy xe dựng sát hiên nhà, sửa lại chiếc túi cán bộ cho ngay ngắn và cho ra vẻ rồi ưỡn ngực bước qua ngạch cửa, bệ vệ ngồi xuống ghế. Sinh định chạy xuống bếp pha nước thì thầy ngăn lại và nói:
- Không cần, đồng chí ngồi xuống đây, công tác khẩn trương lắm rồi.
Sinh vâng lời thầy ngồi xuống ghế, thẫn thờ nhìn ra sân.
- Đồng chí Nguyễn văn Sinh!
Tiếng thét to của thầy làm cậu giật mình quay lại chăm chú nhìn. Giọng thầy tiếp theo thật dõng dạc:
- Cách mạng đang thành công, quân Giải phóng đang tiến vào thành phố. Chúng ta cần phải chứng tỏ cho cả nhân loại biết rằng thắng lợi nầy là một cuộc tấn công nổi dậy của cả quân lẫn dân, một bản đồng ca tuyệt vời của nhân dân thành phố với lực lượng võ trang anh hùng. Đây là giờ phút trọng đại của lịch sử Việt Nam!
Sinh vẫn nhìn thầy không chớp mắt, thầy phấn khởi tiếp tục bài diễn văn hùng hồn:
- Cả nước, cả thế giới đang nhìn về chúng ta. Hôm nay, tôi giao cho đồng chí một công tác quan trọng để lập công với cách mạng, để góp sức mình hoàn tất bản anh hùng ca cực kỳ vinh quang của chúng ta. Kể từ giờ nầy chúng ta phải lao vào sự nghiệp vĩ đại, không còn một giây phút rảnh rỗi nữa. Đồng chí hãy đứng lên và bắt tay ngay vào công tác. Ngoài xe tôi có một bao cờ của Mặt trận. Đồng chí hãy nhận lấy và lập tức đi phân phát hết cho mỗi nhà. Dặn họ treo ở nơi nào dễ thấy nhất. Phóng viên của ta và của ngoại quốc sẽ đi chụp hình quay phim. Đồng chí cứ làm cho nhanh chóng giữa ban ngày. Bọn an ninh của địch bỏ chạy cả rồi, không còn gì đáng sợ nữa. Nhiều nơi, phòng vệ dân sự mà địch gọi là nhân dân tự vệ đã quay súng lại, cùng với cách mạng bảo vệ nhân dân. Nào, hãy đứng lên lập công với cách mạng!
Sinh nhìn xuống bàn, giọng xuội lơ:
- Thầy đem mấy thứ đó về đi, em không nhận đâu.
Thầy chưng hửng. Thầy không ngờ Sinh từ chối thẳng thừng như vậy. Nhưng thầy cần phải cố gắng thuyết phục. Công tác dân vận bí mật bao nhiêu năm đã tập cho thầy tính kiên nhẫn.
Thầy hạ giọng cho có vẻ tình cảm hơn:
- Đây là giờ phút em chứng tỏ mình xứng đáng với sự hy sinh của ngưới cha đáng kính của em. Rồi cách mạng sẽ đền ơn ông và chính em là người nhận lãnh sự đền ơn đó. Ngày vinh quang đến rồi, cho em và cho mọi người. Cách mạng đang đạt thắng lợi cuối cùng. Chúng ta đang là những người chiến thắng. Em cũng là người chiến thắng, có biết không Sinh?
Sinh trả lời một cách bực tức:
- Thầy đừng nói nữa. Tôi không phải là kẻ chiến thắng.
Thầy Văn trố mắt nhìn Sinh. Mặt thầy, từ bình thường, chuyển sang đỏ rồi tái lại. Tuy nhiên, thầy vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để thuyết phục vì Sinh là quân cờ rất sáng giá góp phần vào việc thực hiện dự tính tương lai của mình. Thầy cố lấy giọng tình cảm hơn nữa:
- Sinh, tại sao em lại có thể nói một điều bậy bạ đến thế. Có điều gì đã xảy ra làm cho em quẫn trí phải không? Cứ thành thực nói hết cho thầy nghe.
Sinh vẫn ngồi im lặng, cặp mắt đờ đẫn nhìn bầu trời qua khung cửa sổ. Thầy Văn cảm thấy sự kiên nhẫn của mình đang đến cuối đường, sự trầm tĩnh của mình sắp chấm dứt. Thầy hít vào một hơi dài cố gắng đè nén cơn giận chực bùng lên. Thầy cố gắng hết sức để giữ giọng nói ôn tồn và thay đổi cách xưng hô:
- Đồng chí Sinh, tại sao đồng chí im lặng. Tôi nhắc lại một lần nữa cho đồng chí rõ, chiến thắng đang đến với chúng ta. Hãy đứng lên mà tận hưởng sự vinh quang đó. Đây là dịp may cực kỳ to lớn và duy nhất trong cuộc đời. Nào, đứng lên, người chiến sĩ cách mạng, người đồng chí thân yêu của tôi.
Sinh không thể nào chịu đựng nỗi những câu nói lải nhải, lặp đi lặp lại những từ chiến thắng, vinh quang. Cậu ngẩng lên nhìn với cặp mắt đầy ác cảm, giọng chua chát:
- Đủ rồi, thầy đừng nói nữa. Tôi lặp lại lần cuối cùng, tôi không phải là người chiến thắng, tôi là kẻ chiến bại. Chính thầy mới là người chiến thắng.
Cậu bỗng nhớ lại lời người yêu nên tiếp tục với giọng buồn thảm:
- Người chiến thắng bao giờ cũng đáng ghét.
Cơn giận của thầy nổ bùng như một khối thuốc súng vừa bị châm ngòi. Thầy nhảy dựng lên, giọng lắp bắp:
- Đồng chí…. Mày nói cái gì hả Sinh? Mày là kẻ chiến bại hả? Tao có nghe lầm không?
Sinh cười lạt:
- Không, thầy không nghe lầm. Tôi là kẻ chiến bại. Đúng vậy, tôi là kẻ chiến bại đáng thương!
Thầy nhìn Sinh bằng cặp mắt tóe lửa, giọng rít lên như những mảnh kim loại chạm vào nhau:
- Mày là kẻ chiến bại! Hừ, chưa bị tra khảo mà mày đã thú tội rồi. Hừ, mày đáng tội chết. Từ lâu tao đã nghi mày là người của bọn nó cài vào. Mày là người của bọn nó từ hồi nào? Từ lúc chưa gặp tao phải không? Nếu thế thì mày là tên gián điệp đến tao cũng phải chịu thua. Hay là mày mới phản bội sau nầy? Thằng phản bội kia, thú nhận đi để hưởng sự khoan hồng của cách mạng!
Sinh nghe bưng bưng trong óc, đầu nhức như búa bổ. Cậu không muốn nghe nữa. Cậu cần sự yên tĩnh. Nhưng biết làm sao bây giờ. Cậu đứng dậy quay nửa vòng rồi ngồi xuống, ôm lưng ghế. Cậu cố gắng không nghe lời thầy nói.
Thái độ nầy làm cho thầy Văn tức như điên cuồng. Thầy bỗng nhớ đến cái chết của Tư Đạt, người đồng chí cùng chi bộ với thầy. Lòng căm thù dâng lên làm cho thầy nghe tức ngực. Thầy cố kìm hãm hơi thở, hổn hển nói tiếp:
- Tao hiểu cả rồi. Mày là tay sai của thằng thiếu tá an ninh quân đội. Từ cửa sổ nhà nó, đặt ống nhòm sang là thấy hoạt động của bọn tao. Mày đã chỉ cho thằng chó săn đó địa điểm kết nạp mày. Mày đã giả bộ hứa với tao là mày không đến nhà nó nữa. Nhưng tình báo cho tao hay là mày vẫn đến đó. Mày hết phương chối cãi rồi.
Sinh ù tai khi nghe thầy nhắc đến cái nơi thân yêu, đã mấy hôm nay làm quả tim cậu rớm máu. Cậu không muốn nghe nữa nhưng giọng nói của thầy Văn vẫn the thé một cách căm hờn:
- Thằng phản bội khốn nạn, mày có biết cái chết của một người tên Đạt không?
Đạt, Đạt! Than ôi, thằng bạn thân của cậu không còn nữa. Đạt, Đạt! Đau đớn biết bao!
- Trả lời đi, thằng phản bội, mày có biết cái chết của nó không?
Sinh không quay lại nhưng cậu ngửng lên, se sẽ gật đầu.
Thầy nhảy dựng lên sau cái gật đầu của Sinh. Hai cái chết của cha và của chú xưa kia đột ngột hiện ra. Lòng căm hờn đối với kẻ phản bội làm thấy ngạt thở. Trong biết bao năm rồi, thầy mơ ước chính tay mình giết chết kẻ phản bội để trả thù cho hai người thân yêu. Nó đã giết cha làm cho thầy sớm trở thành trẻ mồ côi. Nó đã giết chú làm cho thầy phải lao đao lận đận bao nhiêu năm để lo kiếm sống trong cái xã hội của quân thù. Đến nay thầy đang bắt gặp kẻ phản bội trước mặt thầy. Dù tên nầy không phải là kẻ trực tiếp giết chết cha và chú nhưng chính nó đã giết chết Tư Đạt người đồng chí vô cùng đáng thương của thầy. Nó là thằng phản bội, không thể nào tha thứ nó được. Thầy rít lên trong nỗi căm hờn cùng cực:
- Tốt, mày cứ thú nhận hết đi. Mày còn làm cái gì nữa ở nhà thằng thiếu tá an ninh quân đội đó. Tình báo còn cho tao hay mày rù rì rủ rỉ với con nhỏ khốn nạn nào trong đó để báo cáo làm hại cách mạng phải không? Con nhỏ khốn nạn đó là cái gì của thằng thiếu tá? Nó dùng con đĩ đó để giương bẫy mỹ nhân kế và mày đã rơi vào đó để trở thành đứa phản bội, phải không? Mày thú thật đi để được sự khoan hồng của đảng.
Sinh đứng bật dậy, quay lại, mắt long lên sòng sọc. Cậu chồm tới trước. Thầy Văn lùi lại một bước, tay cho vào túi nắm chặt cây súng ngắn. Sinh gằn giọng:
- Im đi. Ra khỏi đây ngay!
Cậu muốn chụp một vật gì đó trên bàn, ném vào mặt người đang hạ nhục người yêu của mình. Tuy nhiên cậu sực nhớ người đó chính là thầy dạy học của mình nên bỗng nghe lòng đau nhói, bao nhiêu sức lực vụt tan mất. Cậu quay lui, ngồi thụp xuống, gục đầu vào thành ghế. Cậu rên rỉ nho nhỏ, vừa đủ mình nghe:
- Trang Đài, em ở đâu?
Cậu ngẩng dậy, nhớ cái hôm người yêu ngồi khóc sau khi đi phát hàng cứu trợ trở về. Cậu định quay lui, nói cho đã giận, nhưng nghĩ đến cái bộ mặt đáng ghét của kẻ chiến thắng nên cậu ngồi yên, nhìn thẳng trước mặt, cố hết sức bình tĩnh nói to:
- Thầy về xem lại hình ảnh khốn khổ của những con người chạy trốn cộng sản thì mới thấy được tất cả sự vinh quang của cuộc cách mạng vĩ đại của thầy! Cái lý tưởng của thầy và các đồng chí thân yêu đã gây nên biết bao tội lỗi đối với nhân dân miền Nam.
Cậu cười gằn sau câu nói, cảm thấy thỏa mãn vô cùng. Thầy Văn gầm lên:
- Thằng phản bội khốn nạn. Mày đã giết chết người của tao. Bây giờ trong giờ phút vinh quang này, mày dám thóa mạ cả cách mạng nữa. Tao không thể để mày sống được. Tao phải thay mặt cách mạng xử tội mày, thằng phản bội khốn nạn.
Sau câu nói dễ sợ đó là một tiếng lên đạn lạnh lùng. Thầy Văn chĩa họng súng vào cái lưng trước mặt và bóp cò. Hai tiếng nổ liên tiếp. Sinh bật lên, rướn về trước, ngã sấp xuống, chiếc ghế ngã theo, cậu nằm đè lên lưng ghế, hai chân dạng ra.
Thầy Văn sững sờ nhìn đốm máu đỏ hiện ra rồi lan rộng dần trên lưng áo trắng. Sinh cố ngẩng đầu về phía bàn thờ mẹ. Một dòng máu ứa ra nơi khóe miệng. Thầy nghe tiếng kẻ hấp hối thều thào:
- Má, má, chờ con….
Rồi im lặng hoàn toàn. Thầy đứng yên, bàn tay cầm súng run lên, bàn tay kia bấu vào thành ghế, hơi thở dồn dập. Sinh đã chết nhưng mắt vẫn còn mở trừng trừng. Thầy nhắm mắt lại, không tin sự việc xảy ra là có thực. Thầy cố gắng tự trấn tĩnh; thầy tập trung tư tưởng mình vào con đường cách mạng, vào những năm chiến đấu gian nguy trong vai trò người cán bộ nằm vùng, vào chiến thắng vinh quang đang cận kề. Thầy hít mạnh một hơi dài, cho súng vào túi cán bộ, tự an ủi:
- Nó đền tội cũng phải.
Nhưng cặp mắt mở trừng trừng của Sinh kinh khủng quá. Thầy bậm môi cúi xuống vuốt mắt cho Sinh rồi lật đật ra khỏi nhà.
Trời bên ngoài nắng gắt, tương phản với bầu không khí lạnh lẽo thầy vừa bỏ lại phía trong nhà. Thầy Văn giật mình chùng bước, dáo dác nhìn quanh khu vườn. Kia là băng ghế Sinh hay ngồi mỗi buổi chiều chờ thầy đến. Chỗ đó là nơi hai thầy trò thường giăng võng nằm tâm sự. Suốt những năm qua, thầy đã đến đây nhiều lần. Trong không gian tĩnh mịch nầy và hai thầy trò đã từng thủ thỉ với nhau. Cảm giác ăn năn từ đâu len lỏi tìm đến. Thầy lắc mạnh đầu, hướng mắt nhìn về cái bao cờ cột sau xe. Sự ăn năn trong chốc lát mà biến mất, nhường chỗ cho một tình cảm gần như mừng rỡ vì hành động dứt khoát vừa qua. Nếu thầy nương tay không giết nó mà bắt nó giao cho ủy ban quân quản thì hậu quả có thể rất tai hại cho thầy. Chính thầy đã đưa nó vào tổ chức, đương nhiên phải chia sẻ trách nhiệm về hành vi bội phản của nó. Chắc chắn, thầy sẽ bị khiển trách. Hơn thế nữa, thầy có thể bị tổ chức nghi ngờ. Hơn ai cả, thầy hiểu rằng tính nghi ngờ là bản chất cố hữu của người cộng sản. Nếu bị nghi ngờ thì còn chi là tương lai chính trị của thầy!
Thầy tự thấy hài lòng, dẫn xe đi nhanh ra cổng. Bỗng thầy dừng lại, lật đật dựng xe, mở bao đựng cờ và quay lui. Thầy bước lên bậc thềm, nhắm mắt lại quăng chiếc bao vào nhà. Thầy nghĩ rằng, đối với tổ chức, Sinh vẫn là đoàn viên. Sự phản bội của nó chỉ một mình thầy biết vì nó đã chết và bè lũ phản động đã trốn chạy cả rồi. Cái chết của nó bên bao cờ Mặt trận có thể làm cho nó trở thành liệt sĩ. Điều đó an ủi phần nào linh hồn của nó mà cũng có lợi cho vị thế chính trị của thầy. Mọi đồng chí đều biết Sinh là người được thầy đưa vào hàng ngũ cách mạng. Công khó của thầy phải được cách mạng đền đáp xứng đáng. Nhất định thầy sẽ thẳng tiến trên con đường vinh quang, đời sống tinh thần lẫn vật chất của thầy sẽ rất huy hoàng.
Thầy thấy tinh thần phấn chấn trở lại nên nhanh nhẹn dẫn xe ra cổng, nhìn dọc theo hai bên đường, xem có ai để ý đến hai tiếng nổ vừa qua không. Không, chẳng ai để ý cả vì mọi người đang ru rú trong nhà. Đó đây có nhiều tiếng súng rải rác. Thầy cho rằng đó chưa phải là súng tấn công của bộ đội. Những đứa trẻ lượm được những cây súng do các kẻ chiến bại chạy trốn, vứt bừa bãi trên đường phố. Chúng nghịch ngợm chĩa súng lên trời bắn cho sướng tay, làm người lớn khiếp vía.
Thầy nghĩ đúng. Mãi sáng hôm sau, bộ đội chính quy mới tràn vào thành phố. Khi chiếc xe tăng T54 lao vào húc đổ cổng dinh Độc lập thì đó cũng là giây phút chấm dứt cơn hấp hối đầy đau thương của Hòn Ngọc Viễn Đông.