Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Kẻ chiến bại (4)



Chưa bao giờ Sinh thấy cuộc đời đáng yêu như hôm nay. Suốt buổi chiều, cậu thấy tâm hồn mình bồng bềnh như mây bay gió thoảng. Ngồi vào bàn lấy sách ra học, nhưng Sinh thấy khó tập trung suy nghĩ nên lấy bài tập điện tử ra làm. Đó là thói quen xưa nay của cậu. Lao vào các bài toán là cậu tự tách mình ra khỏi thế giới chung quanh. Cậu phải thi đậu kỳ nầy và đậu hạng cao. Sinh tưởng tượng đến ngày xem kết quả thi, cậu sẽ sánh vai người yêu, đến trước bảng của bộ môn vật lý. Nàng sẽ dò danh sách còn chàng đứng lặng lẽ chờ bên cạnh. Nàng không phải dò lâu, tên cậu hiện ra rõ ràng ở phần đầu danh sách thi đỗ. Nàng sẽ reo lên mừng rỡ. Sinh sẽ không reo lên nhưng lặng lẽ nắm lấy tay nàng bảo nhỏ:
- Kết quả nầy là anh dành tặng cho nàng tiên bé nhỏ của anh đó. Em có nhận không?
Nàng sẽ không trả lời mà sẽ ngước mặt lên, làn môi mọng đỏ khẽ rung rinh. Sinh sẽ cúi mặt xuống….
Cậu ngồi thẳng dậy, lấy tay đập mạnh vào đầu để cắt ngang dòng tưởng tượng. Cậu biết rằng cứ thả lỏng cho đầu óc mình, thì chắc chắn cậu sẽ không có tên trong danh sách thi đậu mà suy nghĩ tầm thường của cậu còn xúc phạm vào tấm thân ngà ngọc của nàng. Không thể được, tấm thân đó là một khối ngọc lưu ly. Nó gần giống như khối ngọc vô giá mà một vài tôn giáo dùng làm biểu tượng thiêng liêng để tôn thờ. Người ta chỉ được phép nhìn thánh vật đó để chiêm ngưỡng chứ không được mó tay vào.
Sinh cố nén ép sự suy tư và tưởng tượng về người yêu để chú tâm vào những bài toán điện tử, nhưng cậu không thể làm ngay được. Trí tưởng tượng vừa bị chận lại ở ngưỡng cửa của một cái hôn đầu đời thì lập tức nó chui qua ngách khác, chạy lung tung một vòng rồi rơi vào lĩnh vực đấu tranh giai cấp. Cậu bực tức, đứng phắt dậy la to:
- Ta cóc cần cái đấu tranh giai cấp chết tiệt đó nữa. Ta chỉ có Trang Đài thôi.
Nỗi bực tức tăng lên đột ngột và biến thành cơn cuồng nộ. Cậu chụp tờ báo Tin sáng trên giường, nghiến răng xé ra từng mảnh vụn rồi ném ra sân. Những mảnh báo bay tung tóe, một số rơi ngay, nằm im trên mặt đất, một số bay lượn, xàng qua xàng lại một cách trêu ngươi. Sinh nhảy ra đá một cái thực mạnh vào cái đám trêu ngươi đó. Chẳng ăn thua gì mà suýt nữa cậu ngã nhào ra cửa. Trong cơn tức giận, Sinh chợt để ý cái máy thu thanh trên đầu giường với những buổi phát thanh đầy giọng lưỡi cách mạng. Cậu chồm đến, rút phăng dây cắm điện, xách bổng cái máy lên, bước ra chỗ trống, nơi có nền gạch cứng. Cậu dồn tất cả cơn giận dữ vào hai tay, đưa cái máy lên khỏi đầu.
Một tiếng rầm sẽ xảy và chiếc máy sẽ vỡ tan tành?
Không, tay Sinh vẫn giữ cái máy. Đó là món quà tặng quý giá mà mẹ mua cho Sinh lúc cậu vừa được mười ba tuổi!
Sinh ứa nước mắt. Cậu đặt máy vào chỗ cũ, cắm lại sợi dây điện và vói lấy cái khăn khô lau bụi trên máy. Có nhiều đốm đen nhỏ và dơ dáy do chất bài tiết của muỗi đã đậu trên đó ngày nầy qua ngày khác. Sinh xuống bếp, nhúng nước cái khăn, bước ra hè vắt khô rồi trở lên nhà tẩn mẩn tỉ mỉ lau sạch chiếc máy.
Cái máy hiền lành nằm đó, mới toanh như lúc mới mua, dù nó đã gần mười năm tuổi rồi. Sinh nhớ rõ hôm đó là buổi chiều, Sinh ngồi đợi mẹ ngoài hiên nhà. Bà đi bộ về, một tay xách giỏ, một tay cầm một gói vuông vức to bằng hai cuốn tự điển. Sinh chạy ra quá phía sau và ôm lấy lưng mẹ, giọng nũng nịu:
- Sao hôm nay má về trễ vậy, con mong quá.
Mẹ quay đầu lại, nhìn con mỉm cười:
- Vì má đi chọn mua cho con cái nầy.
Mẹ trao cái gói cho Sinh. Cậu ôm chặt vào ngực và phóng vào nhà. Cậu lật đật mở ra. Trời, một cái máy thu thanh thực đẹp! Máy có ba băng tầng lại thêm một băng FM để nghe nhạc nữa. Cậu hét to khi thấy mẹ bước lên bậc thềm:
- Má, sao má biết con thích cái máy thu thanh?
- Nếu má không biết thì còn ai biết nữa?
Bây giờ mẹ không còn nữa nhưng chiếc máy vẫn còn nguyên và trở thành vật kỷ niệm vô giá của đời mình. Sinh mím môi để không cho nước mắt trào ra.
Cậu đến ngồi vào bàn, lấy những bài toán môn điện tử ra làm. Đầu óc cậu dần dần trơ lại thực thanh thản. Cậu nghĩ rằng linh hồn mẹ đã về với cậu và đưa bàn tay mầu nhiệm vuốt sạch mọi ưu tư phiền muộn trong lòng đứa con trai duy nhất mà bà không còn dịp lo miếng cơm manh áo nữa.


*
* *


Sáng nay, chủ nhật, Sinh nhất định phải đến thăm Trang Đài tại nhà. Trong đầu Sinh dòng địa chỉ chạy quanh quẩn. Trên môi Sinh địa chỉ yêu thương bật ra thành lời. Cậu đưa bàn tay mình áp lên má. Chính ở lòng bàn tay nầy, người yêu đã cúi xuống, tinh nghịch viết địa chỉ của nhà nàng. Hôm đó, Sinh dự định về đến nhà sẽ chép ngay vào sổ tay. Nhưng khi định lật sổ ra, Sinh bỗng bật cười tự chế nhạo mình. Không cần viết vào đâu cả. Dù có đầu thai mười kiếp nữa, Sinh cũng không quên được địa chỉ nầy.
Những tuần gần đây, Sinh gọi ngày chủ nhật là ngày nhớ nhung. Quả thực vậy, ngày thường thì Sinh bận rộn với học hành và nhất là được đến trường. Tại đây, hai bạn trẻ cố ý tìm nhau để trao cho nhau một nụ cười. Chỉ có thế thôi cũng đủ cho bầu trời thêm tươi đẹp. Có khi không gặp nhau vì khác giờ học thì Sinh vẫn vui thích vì mọi vật ở đây đều in bóng dáng người yêu. Nhiều hôm, đợi giờ lên lớp, Sinh đi thơ thẩn trong sân trường đại học rợp bóng mát, cậu nhìn lên phòng học của Trang Đài và tưởng tượng người yêu đang vừa ngồi học vừa tưởng nhớ đến mình. Các bạn cùng lớp để ý dạo nầy Sinh hay cười một mình. Họ không cho điều đó là quái dị vì họ biết bạn mình đang lặn ngụp trong tình yêu với một trong những nữ sinh viên đẹp nhất của trường.
Tình yêu của hai trẻ vừa bắt đầu nhen nhúm đã bùng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, đối cả hai, đó là mối tình đầu còn giữ trọn vẹn nét trinh nguyên và e thẹn đáng yêu. Họ chưa dám dắt tay nhau đi trong sân trường hay ngồi chung trong băng đá để tâm tình mặc dầu họ biết rằng ở tuổi sinh viên thì điều đó không có gì thái quá, khi người ta vẫn thầm gọi tên nhau trước khi vào giấc ngủ hằng đêm.
Do đó, việc Sinh đến nhà hôm nay sẽ là điều hết sức bất ngờ cho Trang Đài. Sinh mở tủ chọn bộ áo quần đẹp nhất. Chiếc áo ca rô nầy, cái quần màu nâu sẫm nầy là do mẹ dẫn cậu đến tiệm may, ít lâu trước khi bà mất. Mẹ đã dặn người chủ tiệm cắt rộng và dài một tí vì Sinh còn sức lớn. Quả thực, hôm nay cậu mặc rất vừa. Sinh thầm nghĩ, trên đời nầy, khó có người mẹ nào chu đáo hơn mẹ mình.
Cậu đứng trước tấm gương lớn ở cửa tủ, nghiêng bên trái, ngã bên phải, chớp mắt, mỉm miệng cười, cảm thấy hài lòng về chàng thanh niên cường tráng và đẹp trai trong gương. Đây là lần đầu tiên, Sinh hài lòng như thế. Trước đây, kể từ khi vượt qua tuổi dậy thì, Sinh ít để ý đến sắc diện của cơ thể mình. Gần đây, cậu còn muốn tỏ ra lùi xùi cho có vẻ giống giai cấp công nhân hoặc nông dân, hai giai cấp liên minh của cách mạng vô sản. Nay, bỗng chốc, Trang Đài kéo cậu ra khỏi hai giai cấp đó một khoảng cách đầy bất ngờ.
Thực ra, khoảng cách nầy chưa đủ an toàn để Sinh vui hưởng tình yêu đầu đời. Kể từ hôm linh hồn mẹ xua đuổi nỗi bực tức suýt làm cậu nổi điên nổi khùng, cậu đã bớt bị dày vò giữa tình yêu và giai cấp. Cậu tự cho lập trường vô sản ngây thơ của cậu mở rộng ra để chấp nhận giai cấp tư sản. Đài phát thanh phân biệt hai loại tư sản: tư sản dân tộc là phe ta và tư sản mại bản thuộc về phe địch. Cậu không phân biệt nổi hai loại tư sản đó nên nhập làm một cục và cho chúng thuộc về phe ta cả. Thế là tạm yên lòng. Trang Đài của cậu có phần lớn cơ may chỉ là con nhà giàu, còn vì lý do tại sao mà giàu thì không cần cứu xét đến. Miễn là cha mẹ nàng không phải là kẻ thù trực tiếp của cách mạng là được rồi. Cậu sẽ công khai hóa mối tình của cậu cho những người quen biết, kể cả thầy Văn và thầy Bá trong tổ chức của mình. Lát nữa đây, cậu sẽ đến nhà Trang Đài và tìm dịp để xác minh thành phần giai cấp của gia đình người yêu.
Cậu huýt sáo bản Tango bleu mà cậu ưa thích, bản nhạc trổi lên thực đúng lúc hôm rồi, lúc cậu đặt tay mình lên bàn tay người yêu để hai tâm hồn hòa làm một trong màu xanh tuyệt diệu của bầu trời. Cuộc đời đáng yêu vô ngần!
Sinh vén tay áo xem đồng hồ rồi dắt xe ra. Cậu khóa cửa trong, cửa ngoài cẩn thận rồi nổ máy xe, tiến ra đường nhựa.
Sáng chủ nhật, đường phố khá đông nhưng không có cảnh chen chúc nhau như trong giờ đi làm ngày thường. Người ta ăn mặc đẹp hơn, đi xe thong thả hơn. Sinh nhìn thấy đâu cũng là màu hồng.
Không biết số nhà người yêu ở khoảng nào của con đường nên Sinh phải chạy thẳng lên đường Hồng thập tự rồi rẽ vào đầu đường Cao Thắng. Vừa chạy vừa nhìn số nhà bên đường, khi Sinh đi ngang qua con hẻm của căn nhà hội họp bí mật thì con số cần tìm hiện rõ trên tấm bảng vuông gắn vào một trụ cổng. Sinh dừng xe bên kia đường đối diện với nhà Trang Đài.
Một bức tường cao quá đầu người lạnh lùng đứng chắn phía trước. Bên trên tường, nhiều hàng dây kẽm gai sáng bóng, loại có mang những lưỡi dao sắc bén mà quân đội Mỹ mới đem sang Việt Nam. Bức tường bị gián đoạn ngay chính giữa bởi một cổng khá rộng với hai cánh cao và kín mít. Bức tường và cửa cổng che mất tầng trệt của ngôi biệt thự. Sinh chỉ nhìn thấy tầng lầu với những cửa kiếng sang trọng, mỗi cửa có một màng che bằng vải xanh bên trong. Phía trước nhà là một bao lơn dài và hẹp có rào sắt sơn trắng toát.
Sinh ngần ngại vì chưa bao giờ cậu có dịp bước vào một tòa nhà to và lộng lẫy như thế nầy. Tuy nhiên, khi cậu nghĩ đến Trang Đài đang ở đâu đó sau bức tường kín đáo kia thì không có sức mạnh nào có thể ngăn cản được Sinh dẫn xe qua đường.
Cậu với tay bấm nút chuông. Một tiếng reo lanh lảnh hơi xa nhưng rất rõ. Cậu đứng đợi một chút. Có tiếng mở chốt nặng nề bên trong. Cánh cửa hé mở, một chiếc đầu ló ra. Đó là một người đàn bà khoảng hơn bốn mươi tuổi. Bà hỏi:
- Thầy muốn tìm ai?
- Tôi muốn thăm cô Trang Đài. Không biết có đúng nhà hay không.
- Đúng rồi. Thầy đợi một tí.
Cánh cổng đóng ập lại một cách lạnh lùng. Sinh thấy bất mãn với cách tiếp khách nầy. Nếu không phải là nhà Trang Đài thì có thể cậu sẽ bỏ đi. Cậu nghe có giọng đàn bà gọi to:
- Cô Đài ơi, có khách.
Một giọng con gái hỏi, làm tim Sinh đập rộn rã:
- Ai vậy, dì Tư?
- Tôi không biết. Một cậu nào lạ lắm, chắc là bạn của cô.
Sinh lắng nghe tiếng dép lẹp xẹp đến gần. Cánh cổng mở ra. Trang Đài của cậu xuất hiện trong bộ áo quần toàn màu hồng với những viền màu trắng. Nàng cười rất tươi:
- Anh Sinh!
- Trang Đài!
Nàng cười khúc khích:
- Mời anh vào đi. Bộ em lạ lắm sao mà anh nhìn sững vậy.
Nàng mở rộng cửa ra. Sinh dắt xe vào, dựng sát mép đường. Vào trong rồi, Sinh mới thấy tất cả nét lộng lẫy của ngôi nhà.
Từ chân tường đến sát hàng hiên là một khu vườn hoa được săn sóc rất cẩn thận. Sinh không rành về hoa, nhưng cậu đoán ở đây có rất nhiều loài hoa quý. Hàng hiên phía trước trông mát dịu với lớp gạch bông màu xanh nhạt điểm hoa văn trắng và xanh sẫm. Con đường từ cổng vào trải sỏi trắng sạch sẽ, đi ngang qua hông nhà và đâm thẳng vào một ga ra xe hơi tận phía sau. Sát bức tường cao bên trái là một sân xi măng, cuối sân có một cây bàng phủ bóng mát lên một bộ bàn ghế đá màu trắng điểm đốm đen, mặt đá bóng láng và sạch sẽ.
Trang Đài đi trước Sinh một bước. Nàng quay lại nhìn, nét mặt tươi cười:
- Mời anh vào nhà đi. Anh cứ để nguyên giày mà vào, đừng cởi ra.
Sinh nhìn cái phòng khách rộng rãi sáng choang nhờ những cửa kính chiếm gần hết vách trước và vách bên. Kế cửa đi vào là một bộ xa lông nệm dày đen bóng. Gần bên là một tủ thấp, phân nửa đựng chén bát, phân nửa là đồ chơi trẻ em sang trọng. Trong cùng là một chiếc bàn ăn dài, mặt phủ nhựa cứng láng màu nâu nhạt, hai bên là sáu chiếc ghế dựa lót nệm trắng phau. Căn phòng quá lộng lẫy làm Sinh ngần ngại. Cậu quay qua nói nhỏ với người yêu:
- Mình nên ngồi ngoài bộ ghế đá dưới gốc cây nói chuyện hay hơn.
- Đúng rồi, chỗ đó em thích nhất. Em ngồi học bài nơi đó. Nhưng bây giờ, em phải mời anh vào nhà để em giới thiệu với mẹ trước đã.
Sinh đành bước vào phòng khách, ngồi vào chiếc ghế bành êm ái và nhìn theo bóng hồng khuất sau khung cửa. Sinh thẫn thờ nhìn khắp phòng.
Trên tấm vách dọc, có một tác phẩm hội họa vẽ trên lụa, phong cảnh nên thơ của một làng quê, với một mái tranh, một lũy tre và một cánh đồng lúa xanh. Ở vách sau có hai khung ảnh to bằng nhau. Khung thứ nhất có hình ba người: một sĩ quan mặc quân phục với ba bông mai vàng nơi cổ áo, bên phải là một phụ nữ sang trọng với chiếc áo dài bông trang nhã, bên trái là cậu con trai độ mười hai tuổi, mặt mày sáng sủa. Khung ảnh thứ hai làm Sinh hồi hộp đê mê. Đó là ảnh Trang Đài đứng khép nép bên một khóm cây, hai tay ôm cặp học ép vào phía trước tà áo trắng, miệng cười chúm chím, cặp mắt đen nháy nhìn thẳng vào người xem ảnh. Dưới mắt Sinh, mọi vật sang trọng trong căn phòng lộng lẫy nầy lập tức biến mất, chỉ còn lại khung ảnh người yêu trước mắt mà thôi.
Sinh giật mình đứng dậy khi Trang Đài và mẹ xuất hiện nơi khung cửa thông với phòng trong. Cậu lễ phép cúi chào. Bà chào đáp lễ. Trang Đài dẫn mẹ đến ngồi trên ghế dài đối diện với cậu. Người đàn bà trước mặt cậu không khác tí nào với cái ảnh trên vách tường. Bà khoảng bốn mươi lăm tuổi nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp dịu dàng của thời xuân sắc. Chỉ khác với ảnh là nét phúc hậu của người đàn bà Nam bộ rõ ràng hơn.
Bà vào đề ngay một cách chân thật:
- Con Đài có nói về cháu. Tôi thấy nó làm bạn với cháu thì tôi cũng vui lòng. Nó nói má cháu mất rồi, cháu sống với ba phải không?
- Dạ ba cháu mất trước khá lâu, lúc cháu mới hai tuổi. Cháu không còn nhớ tí nào về ba cháu.
- Tội nghiệp dữ hôn. Vậy bây giờ cháu ở với ai để ăn học?
- Dạ, cháu ở một mình. Trước khi mất, má cháu có để lại một món tiền đủ để cháu ăn học đến thành tài.
- Tội nghiệp dữ hôn. Thôi, mồ côi mồ cút mà có điều kiện ăn học thì ráng đi. Nghe con Đài nói cháu học có một năm mà qua được chứng chỉ dự bị, nó thèm được như cháu mà không biết có làm nổi không.
Trang Đài nhìn Sinh cười kín đáo. Còn Sinh thì thấy lòng nao nao khó tả. Thì ra mọi chuyện gì biết về Sinh, nàng đã kể hết cho mẹ nghe. Bà không để ý đến tâm tình riêng tư của hai trẻ, tiếp tục câu chuyện của mình:
- Vợ chồng tôi được có hai đứa. Con Đài lớn rồi tự biết lo, tôi yên tâm. Còn thằng Nghị, em nó, học được nhưng ham chơi lắm. Ba nó đi làm cả ngày không sao kềm chế được. Cháu xem có ai, giới thiệu đến đây kèm nó giùm tôi. Năm nay, em nó học lớp tám.
Bà ngừng nói vì người đàn bà mở cổng khi nãy bưng vào ba ly nước đặt lên bàn. Mẹ Trang Đài nói tiếp:
- Cháu uống nước đi.
Bà quay sang con gái:
- Con nói chuyện với bạn đi, mẹ đi làm cơm.
Bà đứng dậy bước vào trong. Trang Đài hơi xê dịch để ngồi ngã lưng vào ghế, âu yếm nhìn người yêu. Sinh cũng nhìn nàng một cách đắm đuối:
- Anh đến đột ngột, không báo trước, em có ngạc nhiên không?
- Không. Em biết sáng nay thế nào anh cũng đến.
Sinh ngạc nhiên:
- Tại sao em nói thế? Anh đâu có hẹn và cũng không hứa đến hôm nay mà.
- Tại em mong anh đến và đoán anh cũng mong đến đây gặp em. Có phải vậy không?
Sinh gật đầu, nói nhỏ:
- Anh mong gặp em. Ngày chúa nhật không trông thấy em trong trường, anh nhớ da diết. Em có cảm thấy như thế không?
Nàng e thẹn gật đầu và nói sang chuyện khác:
- Em đã giới thiệu anh với mẹ. Nhưng em không giới thiệu mẹ với anh vì em biết anh đã nhận ra qua bức ảnh nầy.
Nàng nhìn lên khung ảnh trên vách. Sinh đáp lời:
- Không cần nhìn ảnh. Thấy em bước ra với mẹ, hai người khác tuổi nhưng nét mặt hao hao giống nhau là anh biết ngay.
- Anh không nhìn thấy ảnh của em à?
- Sao lại không? Nãy giờ anh cứ nhìn lên tường ngắm mãi cô bé xinh xinh dễ thương trong ảnh và chẳng còn thấy gì khác chung quanh nữa.
Trang Đài sung sướng vì câu nịnh khéo của người yêu. Tuy nhiên, nàng nhìn Sinh, giọng trách móc:
- Anh nói như vậy rủi có ai nghe, họ cười chết.
- Đó là tiếng nói thành thật của anh, em không thích nghe à?
- Anh Sinh, sao anh lại hỏi em như thế? Thôi mình ra chỗ ghế đá ngồi chơi, tha hồ anh nói trăng, nói cuội.
Nàng đứng dậy, bưng hai ly nước bước ra ngoài, Sinh theo sau.
Đôi bạn ngồi xuống dưới bóng mát cây bàng. Tiếng xe ngoài đường bị bức tường cao chận lại bớt, không gây khó chịu cho đôi bạn trẻ bên nhau. Thấy Sinh ngồi im lặng quan sát ngôi nhà, Trang Đài lên tiếng:
- Nhà nầy của ông nội để lại cho ba em.
- Ông nội còn sống không?
- Mất lâu rồi. Ông nội em là điền chủ dưới Bặc liêu. Ngán chiến tranh, ông bán ruộng đất lên mua nhà nầy, ở được vài năm thì mất.
Sinh hỏi một cách tò mò:
- Ba em là quân nhân phải không?
- Dạ phải, ba em là thiếu tá.
- Nhưng trong tấm hình treo trên vách, ông mang lon đại úy.
- Dạ ba em mới lên thiếu tá, tấm ảnh đó chụp cách nay hơn hai năm.
Sinh bỗng cảm thấy một nỗi buồn phiền hiện ra trong lòng. Cha của người yêu là một sĩ quan cao cấp, kẻ thù thực sự của cách mạng. Mấy tuần rồi, cậu hi vọng Trang Đài thuộc một gia đình tư sản dân tộc. Niềm hi vọng đó bây giờ tiêu tan.
Cậu cố lấy vẻ tự nhiên hỏi tiếp:
- Bác trai trong quân đội mà có phải phục vụ nơi xa nhà không?
Trang Đài cười vui vẻ:
- Dạ không, ba em làm việc tại Sài gòn. Ba em là thiếu tá an ninh quân đội.
Sinh có cảm giác tai cậu lùng bùng vì cái tên an ninh quân đội mà người yêu vừa mới nói ra. Có lần trước đây, thầy Văn có giải thích với Sinh rằng an ninh quân đội là kẻ thù số một của cách mạng. Thầy còn bảo rằng những dãy nhà lụp xụp gần bên sở thú là hang ổ của cơ quan đầu não an ninh quân đội, trong đó có toàn những kẻ hung ác, chuyên giết người và dám ăn cả thịt người nữa. Trời hỡi, ăn thịt người mà sinh ra được người con gái xinh đẹp và thùy mị như thế nầy ư?
Giọng thánh thót của người yêu vẫn đều đều rót vào tai cậu:
- Ba em bị động viên đầu năm năm mươi ba hay năm mươi bốn gì đó. Ông nội em có tiền và quen biết nên lo cho ba em vào an ninh quân đội để khỏi phải cầm súng giết người ngoài mặt trận.
Sinh chưng hửng. Sợ giết người mà chui vào cái chỗ ăn thịt người sao? Cậu lắc đầu, không còn hiểu thế nào là chân lý nữa. Lời nói của thầy Văn là lời nói của một bậc thầy mà Sinh tin tưởng. Lời nói của Trang Đài là lời nói của một người con gái thùy mị mà không bao giờ Sinh nghi ngờ tính chân thật.
Sinh dò hỏi thêm để may ra giải tỏa bớt sự thắc mắc trong lòng:
- Ba em là thiếu tá quân đội thì chắc là…, là nghiêm khắc với vợ con lắm phải không?
Trang Đài cười vui vẻ:
- Ngược lại thì đúng hơn. Ba em dễ dãi lắm. Nhất là đối với em, ông nuông chiều đến nỗi nhiều khi mẹ em phải cáu lên.
- Còn đối với người khác thì sao?
- Bà con bên nội cũng như bên ngoại đều bảo rằng ba em là người hiền lành, tốt bụng với mọi người, không kể giàu nghèo. Nhưng trong công việc, ba em là người rất cương nghị. Trong gia đình, ba em là người cởi mở không giấu giếm công việc ở sở. Có một việc ba em kể cho mẹ và em nghe làm em nhớ hoài. Năm đó ba em mới lên trung úy. Phật giáo xúi đồng bào xuống đường gây bất ổn, làm hại cho tinh thần chiến đấu của quân đội. Chính phủ cấm quân nhân không được tham gia phong trào lộn xộn nầy để bảo toàn lực lượng. An ninh quân đội của ba em được lệnh điều tra mấy sĩ quan chống lại lệnh cấm nầy. Có một ông thiếu tá bộ binh của sư đoàn Một ở tận ngoài Huế bị theo dõi với những thông tin chính xác là hùa theo mấy nhà sư chuyên sách động. Ông thiếu tá nầy được đưa vào Sài gòn trình diện văn phòng của ba em. Thấy ông mang bông mai bạc bước vào, ba em là cấp nhỏ hơn nên ngưng công việc đứng nghiêm chào. Ông không thèm chào lại, mặt vênh váo một cách khiêu khích. Ba em giận lắm nhưng cố dằn. Ba em đưa mắt ra hiệu cho ông trung sĩ dưới quyền. Ông nầy vào trong lấy ra một cái khay bằng sơn mài rất đẹp trên có trải vải nhung xanh. Ông trung sĩ trịnh trọng bưng khay đến trước mặt ông thiếu tá và nói: “Xin thiếu tá vui lòng tạm cởi lon cho vào đây”. Ông thiếu tá tiếp tục nhìn ba em với dáng vẻ khiêu khích rồi cởi ngay hai mai bạc vứt vào khay và đứng chống nạnh. Ba em bước ra khỏi bàn, đến nói một cách lịch sự: “Mời ông vào trong nói chuyện”. Ông thiếu tá đi theo. Vừa qua khỏi cửa, ba em quay lại túm cổ áo ông thiếu tá đã bị lột lon, tát môt cái rất mạnh làm ông nầy ngã chúi vào vách. Ông đứng lên định xông vào thì ba em chỉ vào lon trung úy của mình và hô to: “Nghiêm”. Viên trung sĩ rút súng ra lên đạn còn ông thiếu tá bi lột lon lùi lại đứng nghiêm, mặt trắng bệch. Sau đó ba em mời ông ta trở ra văn phòng để làm việc. Không biết ba em làm biên bản thế nào mà ông ta trở về đơn vị, không bị kỷ luật gì cả. Bây giờ, hai người là bạn thân. Hiện ông ấy là đại tá ở Tổng tham mưu.
Sinh lấy làm lạ:
- Ông ấy không thù ba em về cái bợp tai à?
- Có một lần má hỏi ba một câu y như anh vừa nói. Ba giải thích rằng ông ấy là người rất đứng đắn chỉ phải lỡ nghe theo lời xúi dục của mấy nhà sư. Nói chuyện với ba một lát, ông nhận ra lỗi của mình. Ông còn nói chính nhờ cái bợp tai mà ông nhận ra lẽ phải một cách nhanh chóng. Ba nói thêm rằng những người có máu nhà binh thì thường cởi mở và không thù dai. Có phải vậy không anh?
Sinh ngập ngừng:
- Anh không biết vì trong quả tim anh chưa có máu nhà binh mà chỉ chỉ có hình bóng người yêu thôi nên cũng không thù dai mà chỉ có yêu thương thôi.
Trang Đài mỉm cười sung sướng. Sinh hỏi tiếp:
- Bây giờ hai ông có còn lui tới với nhau không?
- Có, thỉnh thoảng ông đại tá đó đến đây uống rượu với ba em thực là vui vẻ.
- Rồi sao nữa?
- Rồi thôi. Hai ông uống rượu hết chai thì ông đại tá về chứ ngồi uống hoài sao?
Sinh cười:
- Hai ông không thể uống mãi được. Còn anh có thể ngồi hoài đây nghe em kể chuyện từ ngày nầy qua ngày khác cũng được.
Nàng nhìn Sinh âu yếm:
- Ngày xưa cái bà gì đó đứng trông chồng lâu, hóa đá. Còn anh ngồi đây lâu sẽ thành cây si mọc lên thay thế cây bàng nầy.
Sinh thích thú về cách ví von của người yêu, nên tiếp lời:
- Cây si đó rất bằng lòng cho thân phận của mình vì hằng ngày được ngắm nhìn em qua lại. Khi em ngồi xuống đây thì cây si sẽ cố vươn cành lá để phủ bóng mát lên người em.
Tuy nói thế chứ Sinh vẫn là con người chứ chưa thành cây si được nên cũng phải tới lúc ra về. Trang đài tiễn người yêu ra cổng. Hai bạn trẻ chia tay trong bịn rịn.



*
* *


Sáng chủ nhật nhớ nhung trước kia của Sinh bây giờ trở thành sáng hò hẹn. Hai tuần một lần hai bạn trẻ lại gặp nhau và ngồi tâm tình dưới gốc cây bàng mát rượi. Nội dung những câu chuyện chẳng có gì đáng kể, họ chỉ cần nuốt từng ánh mắt, từng tiếng nói của nhau. Sau một vài lần, Sinh để ý chưa bao giờ gặp mặt ba của Trang Đài, người mà thầy Văn đã tạo nơi cậu hình ảnh một kẻ ác ôn khát máu, còn người yêu thì mô tả như người hiền lành nhưng cương nghị, hết lòng vì nhiệm vụ nhưng đối xử nhân đạo với người biết hối lỗi. Một hôm Sinh hỏi thẳng:
- Từ hôm đến đây, anh chưa hề gặp mặt ba em tại nhà. Sáng chủ nhật mà bác cũng đi làm sao?
Nàng giải thích:
- Anh đọc báo chắc cũng đã thấy tình hình quân sự đang căng thẳng lắm vì vậy lệnh cấm trại kéo dài triền miên. Tuy vậy mỗi tuần ba cũng về thăm nhà một đôi lần. Ngành của ba không trực diện với các đơn vị vũ trang của Việt cộng nhưng theo lệnh chung cũng phải cấm trại. Do đó, ba cho nhân viên thay nhau về thăm gia đình. Phần lớn muốn về nhà ngày chủ nhật để vợ chồng con cái sum họp trong ngày nghỉ. Ba phải nhường cho thuộc cấp và luân phiên về trong ngày thường.
- Bác có lòng tốt với thuộc cấp quá.
- Không phải với thuộc cấp không thôi. Với bạn bè và tất cả chiến hữu đang xông pha ngoài mặt trận, ba cũng thường tỏ ý xót xa. Ba thường bảo:” Mình ở đây tương đối bình an, cần phải nghĩ đến những người đang chịu biết bao gian nguy, dành từng tấc đất với Việt cộng ngoài chiến trường để bảo vệ miền Nam tự do nầy. Tuân theo lệnh cấm trai một cách nghiêm túc cũng đỡ bớt áy náy khi nghĩ đến họ”. Ba em nói như thế khi thấy mẹ tỏ ý buồn vì ba thường xuyên vắng mặt tại nhà. Ba còn bảo rằng vào ngủ trong trại lính nhớ má lắm nhưng không làm khác được.
Sinh nhìn Trang Đài, nói một cách tha thiết:
- Ba má đã lớn tuổi mà đối xử với nhau thực là tình cảm. Chúng mình phải lấy đó để làm gương sau nầy.
Trang Đài liếc nhìn người yêu rồi cúi đầu đỏ mặt, làm cho Sinh càng ngây ngất.
Nàng ngửng lên, nói tiếp:
- Em có nghe người ta nói an ninh quân đội thì rất đáng sợ. Không biết người khác thì sao chứ ba em thì chẳng có gì đáng sợ cả. Thế nào anh cũng có dịp gặp ba em và anh sẽ thấy em nói không sai đâu.
- Anh tin chắc điều đó.
Sinh đáp lại một cách thành thực. Mặc nhiên cậu thừa nhận, nhưng vẫn cố chống chế cho định kiến mà thầy Văn đã cấy cho cậu, bằng cách nghĩ rằng, trong đám ác ôn, chỉ một mình ông là người hiền lành, vì một lý do duy nhất: ông là cha của người mình yêu.



*
* *


Thông thường, chuyện gì còn chưa thông về đường lối cách mạng, Sinh thường hỏi thầy Văn trong những buổi sinh hoạt đoàn. Riêng câu chuyện yêu đương nầy thì cậu không hề hé môi. Trước đây chỉ mới nghĩ rằng người yêu thuộc gia đình tư sản cũng đã gây cho Sinh mặc cảm tội lỗi đối với cách mạng. Huống chi bây giờ biết rõ gia đình người yêu là kẻ thù số một của Mặt trận thì cái mặc cảm đó tăng lên bội phần. Nhưng làm sao giấu mãi được. Chính thầy Văn tình cờ khám phá ra điều nầy.
Đó là một chủ nhật khô ráo của đầu tháng tư năm 1974, thầy Văn có cuộc họp chi bộ nơi địa điểm bí mật ở hẻm Cao thắng, sau chùa Kỳ viên. Thầy đến hơi muộn vì bị hư xe. Từ ngã tư Phan đình Phùng, thầy rẽ phải và đâm vào ngỏ hẻm. Thầy giật mình đạp thắng, hoảng hốt nhìn về địa điểm hội họp. Một đám đông bu đen phía trước. Tim thầy muốn rụng xuống khi nghe có tiếng người gọi nhau:
- Ê, lại coi bắt Việt cộng đằng đó.
Một giọng khác tiếp theo:
- Ông Việt cộng bị giết chết rồi.
Thầy cảm thấy tối tăm mặt mày nhưng cố tự trấn tĩnh, vòng xe lại, định rú ga lao về hướng đường Phan thanh Giản. Nhưng một lần nữa, thầy lại đạp thắng. Thầy vừa thấy đồng chí Sinh dắt xe vào ngôi biệt thự sang trọng. Thầy biết đó là nhà riêng của một thiếu tá an ninh quân đội, qua thông tin của tổ chức. Trước đây, khi giao cho thầy quản lý địa điểm nầy, tổ chức đã mô tả tình hình dân cư chung quanh địa bàn. Chỉ có hai nhà đáng lưu ý. Một là nhà của một cảnh sát ở hẻm sau, hai là nhà thiếu tá an ninh quân đội ở mặt đường Cao Thắng.
Khi chiếc xe của Sinh vào xong, cánh cổng đóng sầm lại, ngôi nhà trở nên kín mít. Thầy run lên, cơ hồ không ngồi vững trên xe. Hình ảnh thực xa xưa chợt hiện ra rõ rệt trong đầu thầy. Cha và chú của thầy đã bị hai thằng phản bội giết chết, không lẽ bây giờ đến phiên thầy cũng bị phản bội nữa hay sao? Thầy rú ga, lao tới thật nhanh, trong lòng trăm mối tơ vò.
Thế là bể ổ. Thầy may mắn thoát chết nhờ xe hư nhưng tiêu mất hai đồng chí trong chi bộ rồi. Tại sao Sinh lại vào ngôi nhà đáng sợ đó đúng vào lúc nầy? Thầy cố nhớ lại chuyện vận động và giáo dục Sinh trong bao năm qua. Tuyệt không có một dấu hiệu phản bội nào. Câu chuyện Sinh dán cờ Mặt trận và viết khẩu hiệu năm ngoái có vi phạm trầm trọng nguyên tắc nằm vùng nhưng lại là một chứng minh hùng hồn cho nhiệt tình cách mạng của cậu và chính vì lẽ đó mà thầy đã nhanh chóng đưa Sinh vào tổ chức đoàn. Không lẽ thầy bị thằng nhóc con nầy qua mặt hay sao?
Vô lý. Ở nó, không hề có một nét nào gọi là xảo quyệt. Rồi thái độ thành khẩn xúc động hôm tuyên thệ vào đoàn. Tuổi đời nó có bao lăm, làm sao nó đóng nổi vai trò gián điệp để qua mặt thầy được. À, nó có hai thằng bạn thân đi học trường sĩ quan. Cũng chẳng sao. Địch đã ban hành lệnh tổng động viên thì ở thành phố nầy, chuyện thanh niên nườm nượp chui vào quân ngũ của địch là chuyện quá thông thường.
Rắc rối lắm đây. Phải điều tra cho kỹ. Nếu đúng nó là gián điệp thì phải nhanh chóng khử nó đi không thương tiếc. Nếu nghi oan cho nó thì cách mạng có thể mất đi một đồng chí và cũng tội cho nó, hiền lành dễ thương.
Một kế hoạch điều tra nhanh chóng hình thành trong đầu người cán bộ dày dặn kinh nghiệm nầy.
Trước tiên là xem đồng chí Bá cùng chi đoàn bây giờ ra sao. Nếu Bá đã bị bắt thì mình cần phải lánh nó và đề nghị tổ chức cử người túm lấy nó đem đến một nơi bí mật để tra khảo. Chuyện nầy không khó vì nó sống một mình trong một gian nhà biệt lập giữa khu vườn rộng. Trong trường hợp Bá chưa bị bắt thì chỉ cần đề phòng và sau đó tìm cách hỏi thẳng nó là sáng chủ nhật đi đâu. Nếu nó nói sai hoặc chối quanh thì đích thị rồi. Nếu nó thú nhận đã vào nhà thiếu tá an ninh quân đội thì yên tâm phần nào nhưng buộc nó phải cho biết vào đó để làm gì.
Thôi chuyện đó tính sau. Bây giờ phải lo nắm tình hình chính xác chuyện bể bạc nầy để báo lên cấp trên và lo việc đối phó trước khi có chỉ thị của tổ chức. Trước hết là đến ngay nhà đồng chí Bá để xem đồng chí đó có bị bắt hay không. Thầy muốn nhờ người khác hỏi thăm nhưng không biết nhờ ai. Học sinh thường thì không được vì nói với nó thế nào đây. Người trong tổ chức thì càng không được vì nguyên tắc bảo mật không cho phép làm chuyện đó. Thôi thầy đành phải đích thân đi.
Thầy cho xe ra đường Lê văn Duyệt và hướng thẳng về ngã tư Bảy hiền. Thầy vào một quán giải khát, đối diện với một con hẻm nhỏ, để ý quan sát. Thầy uống vội ly nước và lên xe chạy vào hẻm. Thầy cố giữ nét mặt bình thản, nhìn thẳng về phía trước nhưng rất chú ý chung quanh. Không có dấu hiệu gì khả nghi, thầy chạy thẳng đến nhà Bá. May quá, Bá đang ngồi chấm bài bên cửa sổ nên khi thầy Văn dừng xe là Bá thấy ngay. Bá sửng sốt và biết là có chuyện quan trọng nên chạy ra dù đang mặc quần ngắn và mình trần. Thầy Văn bảo nhỏ:
- Ra đầu hẻm, rẽ phải độ ba trăm mét, tôi đợi ở đó, nhanh lên.
Thầy quay đầu xe, chạy vội về phía trước và dừng lại chỗ vừa nói, quan sát chung quanh. Hai phút sau, Bá đến. Hai người chạy thêm một đoạn nữa và ghé vào một quán cà phê bên đường. Ngồi xuống và gọi nước uống xong, thầy nói ngay:
- Chỗ kết nạp Sinh hôm nọ bị bể rồi. Chưa biết nguyên nhân gì. Có thể có hai đồng chí bị bắt. Anh phải đề phòng. Sinh có dấu hiệu khả nghi nhưng đừng để lộ sự nghi ngờ khi gặp nó. Chỉ nghi thôi, chưa chắc đúng nhưng cần đề phòng. Trong những ngày tới, anh có thể mất liên lạc với tôi. Cứ kiên nhẫn chờ đợi. Tổ chức sẽ liên lạc lại. Mật khẩu là bí danh của tôi. Nhớ chưa? Bây giờ, anh về đi. Cần quan sát kỹ. Nếu thấy động thì lặn về quê ít lâu rồi lên tìm cách liên lạc lại. Nhớ, nếu phải đi thì cố gắng giải quyết việc nhờ dạy ở trường để có thể trở lại cơ sở hoạt động và sinh sống. Bây giờ tôi đi trước. Anh ngồi nán lại năm phút rồi ra sau. Thôi, chào.
- Khi cần tôi có thể đến gặp đồng chí Sinh tại nhà hay không?
- Được, nhưng phải hết sức cẩn thận.
Thế là mối nghi ngờ về Sinh được giải tỏa một chút khi Bá chưa bị bắt. Sẽ điều tra tiếp về việc vào nhà thiếu tá an ninh quân đội. Bây giờ phải tìm chỗ ẩn náu một vài bữa.
Ẩn náu tại đâu? Điều nầy thì thầy đã dự tính từ lâu rồi, không có gì là khó. Ngày thì đi lang thang đâu đó: quán cà phê, vườn Tao đàn, Sở thú, rạp chiếu bóng. Muốn thoải mái hơn thì ra ngoại ô, thuê một cần câu, mua một ít mồi, sau đó có thể trải qua buổi sáng và buổi chiều một cách nhẹ nhàng. Đêm thì về xóm Bình khang cũ. Ở đó, thầy là mối quen của một cô ả tầm thường nhưng khá dễ chịu. Hơn hai tháng rồi, vì bận việc nên thầy không đến. Hôm nay sẽ đến ở lại đêm tại đó, chịu chi thêm chút ít, nhưng chẳng sao. Ở cái đất Sài gòn, trong thời buổi loạn ly nầy, chỉ có nơi đó qua đêm là an toàn nhất. Khách sạn thì phải bao gái, tốn kém hơn, lại phải trình giấy tờ lôi thôi lắm. Ở cái xóm chơi bời bình dân đó thì hay hơn nhiều, miễn là cẩn thận quan sát kỹ một chút; không phải đề phòng công an mật vụ mà đề phòng học trò bắt gặp.
Thầy tấp vào một quán nhậu, gọi một chai bia. Chủ quán mang bia ra hỏi thầy dùng mồi nhậu gì thì thầy lắc đầu. Thầy lấy giấy ra viết nhanh:
Má,
Con gặp mấy anh bạn cũ kéo đi Mỹ tho chơi, nếu con không kịp về thì má đừng đợi cơm. Đêm nay, nếu con cũng không về kịp thì má đừng mong.
Con,Văn”
Thầy gấp tờ giấy làm tư, ghi địa chỉ ở mặt trước, không cần bỏ phong bì kín. Thầy ngoắt thằng bé bán đậu phộng rang đang ngồi trước quán, mua một gói để uống bia rồi dúi cho nó tờ bạc cùng lá thư bỏ ngỏ. Thầy bảo:
- Em cầm thư nầy, đi ngay về Phú nhuận, đến số nhà nầy trao lá thư cho một bà cụ trong nhà. Nhớ đưa nghe chưa? Nếu mai anh về mà bà già nói không nhận được thư thì anh sẽ đến đây tìm em để nện cho em mềm xương nghe chưa?
Thằng bé mừng rỡ, thề sẽ làm đúng lời thầy dặn; nếu không làm thì xe hơi, xe lửa, tàu bay, tàu thủy cán chết nó. Thầy đẩy vào vai nó và bảo đi ngay để thầy uống bia. Nó ôm giỏ đậu phộng rang chạy ngay ra khỏi quán.
Ngày hôm đó trôi qua đúng như sự tính trước của thầy. Và đêm hôm đó, trong căn phòng tuy không được sạch sẽ lắm, thầy cũng được thỏa mãn thể xác, với giấc ngủ ngon lành sau đó. Sáng ra, con nhỏ cùng ngủ với thầy đêm qua đã thức dậy sớm và ra khỏi phòng tự lúc nào rồi. Thầy mở mắt nhìn trần mùng và bóp trán suy nghĩ. Cuối cùng, thầy quyết định, hôm nay phải đến lớp dạy. Có thể nguy hiểm, nhưng không thể khác được.
Thầy vén mùng bước ra, rửa mặt, chải đầu rồi trở vào mặc áo quần chỉnh tề. Mọi người trong nhà đều thản nhiên như không có mặt thầy. Thực là một chỗ ẩn náu tuyệt vời cho một cán bộ nằm vùng. Thầy móc bóp trả tiền cho mụ chủ nhà. Mụ nhận mấy tờ bạc, liếc sơ và thản nhiên cho vào túi áo. Thầy đẩy xe ra khỏi nhà và đến quán điểm tâm.
Ăn xong, thấy thì giờ còn rộng rãi, thầy lái xe chạy thực chậm đến trường. Còn cách cổng trường hơn một trăm mét, thầy khựng lại. Tám Thà đang đứng trước cửa trường. Đó là một trong hai đồng chí của chi bộ mà thầy tưởng đã bị bắt ngày hôm qua. Thầy biết sáng nay Tám Thà có giờ dạy ở trường Vương Gia Cần và thầy hiểu lý do giờ nầy anh ta có mặt tại đây. Tuy nhiên thầy cũng phải quan sát kỹ chung quanh vì vẫn phải đề phòng trường hợp đồng chí nầy đã bị bắt và dẫn công an mật vụ đến đây tìm thầy. Thầy nhìn một lượt từng căn nhà, từng gốc cây chung quanh; chẳng có gì tỏ ra khác thường. Thầy nhìn kỹ Tám Thà dù phải đứng xa xa. Thầy yên tâm khi thấy người đồng chí nầy có dáng vẻ bình thường và khỏe mạnh
Tám Thà đã nhìn thấy thầy vì anh ta đứng quay mặt về hướng thầy đang đến. Anh ta vội chen vào trường với học trò. Thầy cho xe chạy thực chậm vào theo. Tám Thà đi thẳng đến văn phòng nói gì đó với cô thư ký vài câu rồi bước ra. Thầy Văn cũng vừa cất xe xong. Hai người xáp đến gần nhau, tỏ vẻ mừng rỡ như hai bạn gặp gỡ một cách tình cờ. Thầy Văn hỏi, giọng oang oang:
- Anh Quý, ngọn gió nào thổi anh đến đây vậy?
- Tôi vào nhờ nhà trường để ý đến thằng cháu học lớp tám. Dạo nầy, nó có vẻ chểnh mảng.
Thầy Văn vẫn nói thực to:
- Lớp tám học buổi chiều. Cháu của anh học lớp tám nào?
- Tôi không nhớ rõ, nhờ văn phòng dò danh sách sau.
Thầy Văn liếc về cái băng đá cuối sân. Quý, tức là Tám Thà hiểu ý. Hai người đến đó ngồi. Học trò đang đến trước lớp chờ vào học, nên các băng đá đều để trống.
Tám Thà cười thật tươi, tiếng nói nho nhỏ lẫn trong tiếng cười:
- Tư Đạt chết rồi!
Thầy Văn chết điếng trong lòng nhưng thầy nhập vai, cười ha hả thực khoái trí. Tám Thà nói tiếp:
- Tôi đến điểm hẹn sau Tư Đạt và lập tức nhận ra nó đang bị mật vụ theo dõi mà không hay. Nó vào nhà được hai phút thì hai thằng mật vụ lao vào theo. Tôi dừng lại ở phía đường Bàn cờ, sau chùa Kỳ viên, thấy nó ra bao lơn phía sau, phóng qua mái nhà. Tôi thấy cái bóng gầy gầy của nó chới với, hai tay quơ lên trời. Tôi cầu khẩn nó lấy lại được thăng bằng để thấy nó chạy trên mái nhà ra hẻm sau nhưng chẳng thấy gì cả. Vậy là nó rơi xuống rồi. Dưới đó thì anh đã biết, ôi thôi, đủ thứ lu hũ, thùng bộng, dao rựa. Tôi nghe có tiếng đàn bà hét lên từ hướng đó. Tôi hoảng quá, quay xe đánh một vòng qua Nguyễn Thiện Thuật, vào Chợ lớn rồi liều mạng trở lại nắm tình hình. Tôi trà trộn vào đám đông hiếu kỳ, thấy người ta đặt nó nằm trên cánh cửa khiêng ra. Có cái khăn lông đắp trên mặt nó, máu thấm đỏ. Nó nằm không nhúc nhích. Một chốc sau có xe tải thương chở nó đến Trung tâm cấp cứu Sài gòn. Tôi chạy xa xa phía sau để theo dõi. Sau khi người ta khiêng nó vào trung tâm thì tôi bỏ đi đến nhà bà con ở chơi tới chiều, rồi đến kiếm anh tại nhà. Bác gái nói anh đi Mỹ tho chơi rồi.
Thầy Văn vẫn cố giữ nụ cười trên môi hỏi nhỏ:
- Sao anh biết Tư Đạt chết?
- Khi đêm, tôi nhờ người đến dò la tại nhà đồng chí đó và được biềt là vừa đến nhà thương thì Tư Đạt tắt thở. Nó bị vỡ đầu vì đập phải vật cứng và sắc bén khi rơi xuống.
- Thế có nghĩa là không bị bể bạc gì cả?
- Theo tôi thì không. Có lẽ, trên đường đi, Tư Đạt vô ý để cho tụi nó nghi và theo dõi.
Thầy Văn hỏi tiếp:
- Chiều hôm qua, anh đến nhà tôi lúc mấy giờ, thấy có gì lạ không?
- Khoảng hơn sáu giờ. Không có gì lạ hết. Nếu có, làm sao tôi dám vào gặp bác gái.
- Ở đằng địa điểm, anh có thấy mẹ con chị bán rượu không?
Tám Thà trả lời ngay:
- Không, chắc chắn hai mẹ con bỏ trốn ngay rồi.
- Được rồi. Sơ khởi, tôi nhận định rằng tổ chức chưa bị bể, chỉ mất một đứa con thôi. Anh về trường dạy đi. Hẹn gặp lại trong buổi sinh hoạt sắp tới ở một địa điểm khác tôi sẽ cho biết sau. Chào.
Hai người cười ha hả, cùng đứng lên bắt tay nhau một cách lịch sự.
Tan buổi dạy, thầy Văn chạy thẳng về nhà. Mẹ thầy đang làm cơm trong bếp. Cửa mở nên thầy dẫn xe vào, xuống chào mẹ, thay áo quần rồi nằm vật ra giường. Thầy sợ hãi nghĩ đến người đồng chí đã hoạt động chung với thầy trong hơn hai năm. Tư Đạt ốm yếu và chậm chạp chứ không được như Tám Thà. Vì vậy, đồng chí đó không vượt qua được cái “hẻm tử thần” ở phía sau nhà hội họp. Chắc chắn mật vụ truy tìm ra tung tích và trả xác về cho gia đình. Bọn nó cũng không có lý do gì để làm khó dễ gia đình vì có bằng chứng nào đâu để kết tội Tư Đạt làm cách mạng. Tuy nhiên, bọn nó sẽ đặt một cái bẫy to tướng trong những ngày làm ma chay cho Tư Đạt. Thương bạn lắm nhưng thầy cũng sẽ không dại gì đến đó để sa vào bẫy. Tám Thà chắc cũng biết điều đó nên thầy tạm yên tâm.
Thế là, cùng lúc, thầy mất một đồng chí và một địa điểm họp rất tốt. Thầy nằm ôn lại những kỷ niệm với Tư Đạt, và những kỷ niệm với ngôi nhà bí mật. Thầy nhớ những hôm họp chi bộ căng thẳng, thầy thường tìm thư giãn bằng cách ra bao lơn phía sau để hưởng gió mát.
Từ bao lơn đó, thầy nhìn quanh và thấy được ở xa xa tầng lầu và mái ngói đỏ của nhà tên thiếu tá an ninh quân đội. Thầy nhớ tới Sinh và nghĩ rằng cần phải sớm tiến hành điều tra. Nếu quả thực Sinh phản bội thì chắc chắn, đích thân thầy sẽ xử tội để trả thù cho Tư Đạt và xa hơn nữa trả thù cho cha và chú của thầy. Hai người thân yêu đó đã chết từ lâu nên không liên can gì đến vụ nầy nhưng tất cả những tên phản bội đều phải chịu trách nhiệm chung cho hành động của chúng nó và phải bị xử tội một cách đích đáng. Chiều nay, thầy phải đến địa điểm liên lạc đặc biệt với liên chi để báo cáo sơ khởi cái chết của Tư Đạt và mất một địa điểm hội họp. Rồi trong kỳ sinh hoạt liên chi sắp tới, thầy phải báo cáo cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh để cùng nhau rút kinh nghiệm.
Chiều thứ năm, nghĩa là bốn ngày sau sự kiện bi thương đó, thấy tình hình vẫn bình thường, thầy Văn quyết định đến nhà Sinh.
Đang học bài, Sinh nghe tiếng chó ăng ẳng mừng thì biết là thầy Văn đến. Cậu buông viết chạy ra mừng rỡ. Nhìn nét mặt hớn hở của Sinh, thầy nói thầm:
- Hoặc là nó vô tội, hoặc nó là một tên rất cừ khôi trong ngành gián điệp. Được rồi, ta sẽ đấu trí với ngươi.
Sinh vội vàng mở cổng mời thầy vào. Hai người ngồi trước bàn học của Sinh. Cuốn sách “bài tập điện học” đang mở ra, quyển vở nằm ngay ngắn với một trang đang viết dang dở. Không có gì đáng nghi ngờ. Thầy nhìn nhanh một vòng quanh nhà, không có gì lạ.
Thấy thầy ngồi yên lặng, Sinh lên tiếng:
- Thầy uống nước dừa nhé, em mới hái được mấy trái.
Thầy gật đầu. Sinh đứng dậy đi ra sau. Có tiếng phập phập chặt vỏ dừa. Tiếng dao sắc bén bổ xuống từng nhát bỗng dưng làm thầy ớn lạnh. Thầy Văn rùng mình, bất chợt đưa tay lên che phía sau gáy. Phải khởi đầu cuộc đấu trí thế nào cho thuận lợi? Trước hết phải biết chắc chắn mấy hôm nay đồng chí Bá có đến hé lộ điều gì về việc vừa qua để nó có thể chuẩn bị đối phó với mình hay không. Việc đó không khó, có thể hỏi thẳng, rồi tùy câu trả lời của nó mà xử trí tiếp theo.
Sinh bưng một ly to nước dừa đặt lên chiếc dĩa nhỏ trước mặt thầy. Thầy đưa ly nước lên uống một ngụm rồi đặt xuống bàn chậm rãi nói:
- Tôi hoãn buổi sinh hoạt chi đoàn hai tuần lễ, Bá đã thông báo cho em chưa?
- Dạ chưa. Từ buổi sinh hoạt trước, cách nay gần một tháng, em chưa gặp lại thầy Bá.
Được rồi, Bá chưa nói gì với nó cả. Thầy tiếp tục dọ hỏi:
-Trong tháng vừa rồi em thấy tình hình có gì lạ đáng báo cáo không?
Sinh trả lời một cách thản nhiên:
- Mọi việc vẫn bình thường, không có gì lạ cả.
Vậy là, có thể nó muốn tránh né, cũng có thể nó chưa hay biết biến cố thảm thương vừa qua. Bây giờ, nên đi vào trọng tâm. Thầy nhìn sâu vào mắt Sinh, đột ngột hỏi:
- Em có nhà bà con hay nhà quen thân nào ở đường Cao Thắng không?
Mặt Sinh có vẻ bối rối làm thầy cảm thấy hồi hộp. Từ trước đến nay Sinh không quen nói dối, nhất là với những người đáng kính như thầy Văn. Chuyện đến thăm người yêu thì, cho đến nay, Sinh đã không tự ý báo cáo lại với thầy nhưng nếu thầy hỏi thì Sinh sẽ trả lời một cách thành thật. Vì thế, Sinh đáp một cách thản nhiên:
- Có, em có một người bạn đang học đại học, nhà ở đường Cao Thắng.
- Em có đến thăm bạn không?
- Em thường đến vào sáng chủ nhật. Chủ nhật vừa rồi, em có đến chơi.
Thầy Văn đưa ly nước lên uống và lơ đãng nhìn ra sân:
- Ba bạn ấy làm nghề gì?
Sinh ngập ngừng:
- Dạ…, dạ, thiếu tá an ninh quân đội.
Sinh nghe nhói trong lòng khi nói đến kẻ thù số một, đồng thời là người cha đáng kính của người yêu. Cậu biết rằng với thầy Văn thì tình yêu nầy và cuộc đấu tranh giai cấp không thể sống chung hòa bình với nhau được. Từ lâu, cậu lo sợ cái ngày phải đem vấn đề nầy ra mổ xẻ dưới sự chủ trì của thầy Văn. Bây giờ thì không tránh được cuộc mổ xẻ đó rồi. Thực vậy, thầy thẳng thừng đưa vấn đề lên bàn mổ:
- Tại sao biết đó là nhà thiếu tá an ninh quân đội mà em vẫn đến?
Sinh cảm thấy như hụt hơi. Tuy nhiên nét mặt mỹ miều của Trang Đài xuất hiện đúng lúc trong trí óc làm Sinh bình tĩnh lại và cậu có ngay câu trả lời chống chế, dù cậu biết rõ đó là lời nói dối:
- Em cũng có ý đến đó chơi để may ra có dịp dọ hỏi điều gì có lợi cho cách mạng.
- Nghĩa là em có ý muốn lập công bằng cách “vào hang hổ mới bắt được cọp con” phải không?
Sinh mừng rỡ, vội đáp:
- Dạ phải.
Thầy ngồi dựa ngửa cười sằng sặc:
- Chỉ sợ em chưa bắt được cọp con thì đã bị nó nhai xương. Tôi đã nói kỹ với em lúc đầu rồi kia mà. Em nên nhớ rằng làm cách mạng thì phải tránh phiêu lưu và chỉ được làm cái gì mà lãnh đạo cho phép, tôi đã nói với em điều đó rồi, em không nhớ sao?
Sinh cảm thấy như tim mình bị bóp nghẹt. Cậu tiếp tục tìm cách chống chế dù cậu biết rằng bất cứ lời biện bạch nào bấy giờ cũng khó được thầy Văn chấp nhận:
- Em định báo cáo việc nầy với thầy nhưng chưa có dịp.
Thầy nhìn Sinh với cặp mắt thực nghiêm trang:
- Thôi em không cần phải nói gì nữa. Thầy khuyên em từ rày về sau đừng lui tới đó nữa.
Sinh đau đớn, vì cậu biết rằng lời khuyên của thầy chính là mệnh lệnh của thầy và, hơn nữa, mệnh lệnh của cách mạng. Trong đầu của cậu hiện ra gương mặt cực kỳ diễm lệ dưới bóng mát của cây bàng, trong tai cậu văng vẳng giọng nói thánh thót của người yêu. Cậu cố vớt vát một cách tuyệt vọng:
- Đằng đó cần một người kèm cậu con trai lớp tám học thêm. Em cũng muốn kiếm tiền.
Thầy trợn mắt nhìn thẳng vào mặt Sinh:
- Ủa, em nói có số tiền mẹ em để lại đủ cho em ăn học mà. Em muốn tích lũy thêm hay sao? Không cần, cách mạng sắp thành công rồi. Bộ Chính trị đã ban lệnh tổng tấn công. Ngụy quyền sắp sụp đổ, miền Nam sắp thống nhất với miền Bắc, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đời sống toàn dân sẽ được đảng chăm sóc từng miếng cơm manh áo. Em là người đã cống hiến cho cách mạng thì còn lo làm gì việc để dành tiền. Em hiểu chưa?
- Dạ hiểu.
Thấy Sinh buồn xo, giọng đáp xuội lơ, thầy nghĩ rằng đồng chí trẻ tuổi nầy muốn lập công mà không được phép nên thầy an ủi:
- Thầy ghi nhận em có ưu điểm là đề xuất được ý kiến thâm nhập vào nhà tên thiếu tá an ninh quân đội và nhất là biết phương pháp xâm nhập với tư cách người kèm trẻ. Đưa được người của mình vào nhà một tên sĩ quan cao cấp của ngành ác ôn nầy là một thắng lợi của cách mạng. Thầy sẽ đề đạt điều nầy lên lãnh đạo để trên cứu xét và đưa người có khả năng hơn em vào công tác đó. Thôi thầy về. Hẹn gặp lại.
Sinh tiễn thầy ra về. Xe nổ máy, thầy tiến ra đường nhựa, lòng cảm thấy thơ thới. Người đồng chí của thầy đáng được cách mạng tiếp tục tin dùng. Nhưng theo nguyên tắc hoạt động địch hậu, trong trường hợp nầy, chỉ được tín nhiệm năm mươi phần trăm thôi, còn năm mươi phần trăm vẫn phải cảnh giác.
Sau khi thầy đi rồi, Sinh thất thểu vào nhà, nằm dài trên giường. Bữa cơm chiều hôm đó, Sinh chỉ nuốt được hai miếng rồi đổ cả cho con Tăng. Dọn dẹp xong, cậu bắt ghế ra ngồi ngoài hiên, bất động như pho tượng, lòng vẫn tiếp tục đau buốt vì cái lệnh cấm đến nhà người yêu. Đến gần mười giờ cậu vào nhà đóng cửa tắt đèn và lên giường. Cậu bỏ cả cử nghe đài Giải phóng hay đài Hà nội như thường lệ nhưng không ngủ được mà nằm thao thức đến gần sáng mới thiếp đi một chút thì tiếng chim bên cửa sổ đánh thức dậy. Trời đã sáng tỏ nên cậu lật đật ra khỏi giường, súc miệng rửa mặt và thay áo quần. Đứng trước gương, cậu tự nhận thấy, chỉ qua một đêm mà vẻ hốc hác và tiều tụy hiện rõ trên đôi mắt thâm quần. Cậu buồn bã thở dài rồi dẫn xe ra khỏi nhà.
Hôm nay, theo sự luân phiên nhóm, cậu sẽ gặp một thí nghiệm khó, cần nhiều chú ý. Cậu ngồi trên băng ghế trước phòng thí nghiệm, nhắm mắt lại, cố giữ đầu óc trống rổng để được thư giãn. Bỗng, một mùi thơm thoang thoảng bay qua mũi làm Sinh mở mắt. Không gian như sáng rực lên; trước mắt cậu, Trang Đài đang đứng nhìn cậu, nét mặt lo lắng:
- Anh Sinh, sao thế nầy, anh bị bệnh hả?
Sinh ngồi ngay ngắn lại. Cậu cảm thấy bao nhiêu mệt mỏi đêm rồi đều tiêu tan. Trang Đài ôm cặp học đứng khép nép y như trong tấm ảnh treo tại nhà. Sinh say đắm nhìn người yêu:
- Không, anh không bệnh gì cả. Hơi mệt vì đêm qua thức quá khuya. Em có khỏe không?
- Em khoẻ. Còn một tháng nữa là bắt đầu thi viết. Bài vở chưa thuộc còn nhiều lắm, em muốn học khuya mà mẹ không cho học quá mười một giờ. Mẹ bảo con gái không nên thức khuya, hại cho sức khỏe và cho nhan sắc.
Sinh cười:
- Em về thưa với mẹ là anh cám ơn mẹ rất nhiều.
Nàng cười bẽn lẽn trông xinh đẹp lạ lùng. Sinh thầm nghĩ, với nụ cười nầy thì tất cả cái bộ Chính trị nào đó mà thầy Văn hay nói đến cũng khó mà làm cho cậu xa nàng được. Tuy nhiên, cái lệnh cấm của thầy ngày hôm qua còn văng vẳng bên tai. Sinh không muốn thẳng thừng đối chọi với lệnh ấy. Nên hòa hoãn ít nhất một thời gian rồi tính sau. Thời gian đó chính là hơn ba tuần lễ chuẩn bị thi sắp tới. Sinh đề nghị:
- Gần đến kỳ thi rồi. Anh lo cho em nhiều hơn cho anh. Thôi từ nay đến khi thi xong, anh không đến nhà em nữa, em có thêm sáng chủ nhật để học bài.
Nàng im lặng, mặt thoáng buồn. Sinh thấy vậy, an ủi:
- Gần như ngày nào chúng mình cũng gặp nhau tại trường. Thi xong, rảnh rỗi, anh đến thăm em thường hơn. Chúng mình có cả ba tháng hè mà.
Nàng mỉm cười, nét mặt tươi ra:
- Vậy cũng được. Thôi em lên phòng học. Anh phải giữ gìn sức khỏe, nếu không em giận. Nhớ chưa?
- Em ra lệnh cho anh đó phải không?
- Đúng, em ra lệnh đó. Anh phải tuân theo.
Trang Đài cười khúc khích và bước về phòng học. Nàng đi rồi, Sinh nghĩ thầm: “Hai ngày nhận được hai lệnh, một lệnh làm cho lòng mình tan nát, một lệnh đem đến xiết bao êm đềm!”


*
* *

Khi những cơn mưa đầu mùa dội xuống, xua tan cái oi nồng của mùa xuân vùng nhiệt đới, thì tuổi trẻ thành phố bước vào mùa thi. Biết bao tâm tình bồn chồn, hy vọng lẫn lo âu. Trong số nầy hẳn phải có Sinh và Trang Đài. Gần một tháng nay hai bạn trẻ không gặp nhau ở nhà. Họ thực sự lao vào cuộc đua nước rút để giật lấy chứng chỉ đại học.
Sinh thi trước. Cậu vượt qua dễ dàng hai chặng đường lý thuyết và thực hành. Khi cậu bắt đầu vào vấn đáp thì Trang Đài khởi sự nhập cuộc. Cậu đưa người yêu đến tận phòng thi rồi mới trở về bắt thăm vấn đáp. Khi trả lời xong câu hỏi cuối cùng, cậu được giáo sư khen ngợi và báo cho cậu biết là đã đậu chứng chỉ, tuy nhiên còn phải đợi niêm yết chính thức để biết thứ hạng của mình. Cậu bước ra sân, lòng phơi phới. Nơi phòng thi của Trang Đài, thầy giám thị vẫn còn đứng tựa cửa sổ nhìn vào. Điều đó có nghĩa là giờ thi chưa hết. Sinh đi ra phía trước, đến chân cầu thang và đứng đó đợi người yêu. Vài sinh viên xong sớm xuống trước và Trang Đài thuộc nhóm ra sau cùng.
Nhìn thấy Sinh, nàng cười rất tươi. Trong lúc phấn khởi, Sinh đưa một tay ra, nàng cầm lấy để xuống bậc thang cuối cùng. Tay trong tay, họ đi ra sân trường. Đây là lần đầu tiên, họ nắm tay nhau đi trong khuôn viên đại học. Các sinh viên có mặt chẳng ai thèm để ý vì bận lo nghĩ đến những bài thi sắp tới. Sau khi vui mừng cho Sinh biết bài thi rất tốt, Trang Đài từ giã về nhà để chiều trở lại thi môn thứ hai.
Chứng chỉ dự bị của Trang Đài có nhiều môn thi lý thuyết lẫn thực hành nên kéo dài đến hơn hai tuần lễ. Ngày nào Sinh cũng vào trường mặc dù kết quả kỳ thi của cậu đã được công bố và Sinh đậu hạng cao. Cậu đưa đón Trang Đài mỗi bữa. Ngày nào cậu cũng mang theo một tạp chí để đọc trong khi người yêu ngồi trong phòng thi. Những ngày Trang Đài vấn đáp, Sinh vào ngồi hẳn trong phòng thi để chờ đợi và để khuyến khích người yêu.
Đến giờ thi môn vật lý, giáo sư nhìn xuống thấy Sinh trong lớp. Ông ngạc nhiên vì mới hỏi vấn đáp Sinh ở chứng chỉ chuyên khoa hai tuần trước đây. Tuy nhiên khi thấy cô gái đẹp đang ngồi đợi kế bên, giáo sư chợt hiểu và mỉm cười một cách vui vẻ và độ lượng.
Sau cùng, tất cả các môn thi đều kết thúc, sáng nay hội đồng sẽ công bố kết quả chung cuộc chứng chỉ của Trang Đài. Rất nhiều sinh viên đứng lố nhố chờ đợi. Khi vị giáo sư đại diện hội đồng cầm bảng danh sách ra, tiếng ồn ào vụt biến mất, mọi người im lặng hồi hộp lắng nghe. Vị giáo sư đọc tên thí sinh được chấm đậu tuần tự theo thứ hạng từ trên xuống dưới. Chỉ mới sau tên hai người là đến tên Trang Đài. Nàng quay sang người yêu, mặt rạng rỡ. Sinh cầm lấy hai bàn tay mềm mại của nàng. Nàng nói nho nhỏ:
- Anh Sinh, vậy là em qua dự bị rồi. Năm học tới, em là sinh viên chứng chỉ chuyên khoa cũng như anh vậy.
Sinh chỉ biết im lặng đắm đuối nhìn người yêu. Họ dắt tay nhau ra khỏi đám đông. Trang Đài ríu rít:
- Em phải về ngay để báo tin cho mẹ. Anh Sinh, anh về nhà với em đi. Mẹ biết anh thi đậu trước em rồi. Mẹ muốn gặp anh để khen ngợi đó.
- Dĩ nhiên là hôm nay anh phải đưa em về để vinh quy bái tổ.
Họ lấy xe và cùng ra cổng trường.
Đến nhà, Trang Đài xuống xe bấm chuông. Nàng bấm liên hồi nhiều cái và quay lại nhìn Sinh cười. Cậu nhìn nàng một cách thích thú. Vẻ sang trọng đài các mà Sinh nhìn thấy khi nàng đi chậm chạp trên sân trường đại học không còn nữa. Trước mặt Sinh là một cô nữ sinh nhí nhảnh, sẵn sàng chọc ghẹo mọi người. Có tiếng kéo chốt sắt rồi cánh cổng mở tung ra. Dì Tư đứng dựa cửa, mặt tươi rói:
- Cô Đài đậu rồi phải không? Có cả cậu Sinh nữa. Lâu rồi cậu không đến chơi.
Trang Đài đáp lời:
- Con đậu rồi, dì Tư. Dì phải thưởng đó nghe. Thưởng cho cả anh Sinh nữa, nhớ nghe dì Tư.
- Được rồi, cô vào nhanh đi, bà đang ở sau bếp. Sáng giờ, bà trông cô lắm đó.
Dì nhìn sang Sinh:
- Vào đi cậu Sinh. Bà nhắc đến cậu mãi.
Sinh cúi đầu chào dì và dắt xe vào. Cậu nhớ hôm đầu tiên đến đây, thấy khớp vì cái nhà to và sang trọng, lòng lại lo sợ bị đối xử như một người thuộc giai cấp thấp hơn trong xã hội. Những lời nói có tính cách nhồi nhét tư tưởng của thầy Văn, những bài bình luận của đài Hà nội và đài Giải phóng mà cậu nghe hằng đêm, không biết từ lúc nào đã vẽ nên trong lòng cậu một xã hội miền Nam thực đáng ghét, gồm hai giai tầng rõ rệt. Một bộ phận thiểu số nhà giàu bóc lột, khinh khi kẻ nghèo. Bộ phận kia, chiếm đa số, là nhân dân lao động nghèo đáng thương luôn luôn nuôi một lòng căm thù sâu sắc đối với tầng lớp trên.
Trong ngôi biệt thự lộng lẫy nầy, hình ảnh đó hoàn toàn sai lạc. Mẹ Trang Đài là người đàn bà hiền lành với cái nhìn phúc hậu như mẹ cậu xưa kia vậy. Dì Tư là người giúp việc được mọi người đối xử bình đẳng như người thân của gia đình. Trang Đài luôn luôn tỏ ra kính trọng và thân mật với dì. Đôi khi nàng còn có cử chỉ nũng nịu với dì nữa. Quan hệ giữa những con người trong cái gia đình nhỏ bé nầy làm cho Sinh nghĩ rằng trên đất nước miền Nam, hay ít nhất tại thành phố nầy, chỉ có kẻ giàu người nghèo chứ không có giai cấp để mà đấu tranh. Cậu nhớ xưa kia, mẹ cậu lúc sinh tiền, thỉnh thoảng kể cho cậu nghe vài người quen phất lên nhờ tài kinh doanh và may mắn. Họ đã chuyển từ giai tầng thấp lên giai tầng cao của xã hội một cách tự nhiên mà không bị ngăn cản bởi một thế lực ghê gớm nào của xã hội.
Ý nghĩ nầy gây cho Sinh ít nhiều buồn phiền, vì cậu đã suy tư ngược lại với những điều mà thầy Văn đã giáo dục về đấu tranh giai cấp của cuộc cách mạng vô sản. Đầu óc cậu đang bắt đầu có nhiều ưu tư và mâu thuẫn trong tư tưởng. Cậu lắc đầu cố gạt phăng những thứ phiền phức đó đi để chỉ nghĩ đến người yêu.
Trang Đài bỏ Sinh ngồi một mình trên băng đá, chạy vào nhà. Tiếng nàng tíu ta tíu tít với mẹ trong đó, rót vào tai Sinh thánh thót như tiếng đàn. Cậu bỗng cảm thấy khu nhà trở nên tươi đẹp hẳn ra. Cậu ngồi đây mà tưởng như ngồi trong một vườn hoa rực rỡ, có nhạc thánh thót và có chim líu lo. Trong lòng Sinh rộn lên một niềm vui hòa lẫn với nỗi mến thương khung cảnh đáng yêu nầy. Cậu cảm thấy có cái gì đó khắc khe và tàn nhẫn trong lệnh của thầy Văn cấm cậu đến chốn nầy. Về lý trí, cậu vẫn chưa bác bỏ lệnh của cấp trên, nhưng về tình cảm thì đã hình thành sự chống đối rõ rệt. Con tim và khối óc giờ đây không là đôi bạn đồng hành.
Sinh đứng dậy khi Trang Đài và mẹ bước ra cửa phòng khách. Bà vui vẻ bảo Sinh ngồi xuống. Hai mẹ con ngồi đối diện. Trang Đài nhích sát vào mẹ, thỉnh thoảng choàng tay qua lưng bà. Bà nhìn con, mắng yêu:
- Con nhỏ nầy, có khách ngồi trước mặt mà y như con nít.
Bà quay sang Sinh phân trần:
- Nó lo lắng cả tháng nay, bữa nay thi đậu, nó vui quá nên quên là đã hơn hai mươi tuổi đầu rồi.
Sinh nhìn bà hỏi một cách lễ phép:
- Thưa bác, bác trai có thường về không?
- Có. Một hai bữa ổng về một lát thôi. Ổng ốm đi quá rõ vì lo lắng và mất ngủ. Bác gặng hỏi mãi ổng mới nói là tình hình có thể rất nguy hiểm. Mỹ cắt viện trợ rồi, miền Nam tự lực đánh với Việt cộng. Mà lâu nay, chúng ta có quen tự lực đâu. Bác có kể về cháu với ổng. Ổng cũng thích gặp cháu cho biết mặt. Ổng nói:”Tội nghiệp cho đám trẻ, không biết còn được học đến bao giờ”. Ối, ổng nói thế là tại ổng bi quan. Chớ cái thành phố nầy thì Việt cộng vô sao nổi mà lo.
Sinh nhớ lại những bản tin tức và bình luận của đài Hà nội và đài Giải phóng mấy hôm rồi và hiểu rõ nỗi lo lắng của ba Trang Đài. Trước đây những tin tức loại nầy làm cho Sinh rất phấn khởi, còn bây giờ trong lòng cậu bắt đầu có sự lo ngại. Sinh hiểu sự lo ngại đó xuất phát từ tình yêu nồng thắm của cậu với Trang Đài.
Mẹ Trang Đài đứng dậy, cười nói:
- Thôi, chuyện đó để cho mấy ông nhà binh lo. Hai đứa con cứ lo việc học đi. Ngồi chơi nghe, bác vô làm việc nhà.
Trang Đài nhìn theo mẹ cho đến khi bà đi khuất sau cửa phòng. Nàng quay lại, âu yếm nhìn người yêu:
- Anh Sinh, em có chuyện bí mật, anh muốn nghe không?
Sinh nhìn nàng, vừa ngạc nhiên, vừa hồi hộp:
- Chuyện gì vậy?
- Mẹ cho phép chiều nay em đi dạo phố với anh. Mẹ nói đó là phần thưởng cho hai đứa.
Sinh sửng sốt. Đó là điều ước mơ tự bấy lâu nay của cậu, nhưng cậu chưa bao giờ dám đề nghị điều nầy với Trang Đài. Giọng nàng lại thỏ thẻ bên tai:
- Lúc đầu, mẹ còn ngần ngại. Từ trước đến nay mẹ quen giữ em chằng chằng nên em không có bạn trai nào cả.
Sinh cãi lại:
- Có chứ sao lại không? À không phải bạn trai mà là người yêu đây nầy.
- Thôi đừng nói trăng nói cuội nữa. Nếu anh quen em sớm hơn thì đừng có hòng. Từ khi em lên đại học thì mẹ mới chịu chấp nhận em là người đã trưởng thành và nới lỏng bớt sự quản lý. Em biết, việc anh và em cùng đậu kỳ nầy làm mẹ rất vui lòng. Bà sợ nhất là em có bạn trai rồi lơ đễnh việc học. Bây giờ, em hỏi anh nè. Anh có thích đi chơi phố với em không?
- Anh bán cả quả đất nầy để mua điều đó.
- Anh khéo nịnh lắm. Mấy giờ chiều nay anh đến?
- Tùy em. Còn anh thì thích đi ngay bây giờ.
- Không được đâu. Mẹ chỉ cho đi một buổi chiều và phải về trước giờ cơm. Thôi bốn giờ anh đến, đi chơi đến sáu giờ về.
- Không, anh sẽ đến lúc hai giờ rưỡi. Nếu em chưa cho vào thì anh sẽ ngồi ngoài lề đường đợi.
- Anh tham lắm. Lần đầu tiên đi ít thôi thì lần sau mới dễ xin mẹ.
- Thôi được. Anh dung hòa với em. Anh sẽ đến sau hai giờ rưỡi, nghĩa là hai giờ ba mươi mốt phút. Thôi bây giờ anh về.
Hai bạn trẻ đứng dậy. Đến cổng, Trang Đài đưa tay nắm lấy chốt cửa. Sinh liếc mắt vào trong không thấy ai, cậu cầm lấy bàn tay búp măng của nàng. Trang Đài để yên tay mình trong bàn tay ấm cúng của người yêu. Nhưng khi Sinh kéo tay lên định hôn thì Trang Đài giựt lại mở cổng và âu yếm bảo Sinh ra về. Sinh dẫn xe ra lề đường và quay lại nhìn. Trang Đài đứng tựa cửa cười rất tươi, vẫy tay chào rồi khép cửa lại.
Sinh chưa vội đi. Cậu nhìn hai cánh cổng kín mít và bức tường cao, bỗng cảm thấy trong lòng dậy lên một nỗi bứt rứt và lo sợ vu vơ.
Từ hơn một tháng nay, cậu không lui tới cái nơi thân yêu nầy, theo lệnh của thầy Văn. Đó là thời gian hòa hoãn mà cậu đặt ra cho mình sau lần gặp gỡ cuối cùng với thầy. Bây giờ thời gian đó vừa chấm dứt với sự vi phạm tràn đầy hạnh phúc vừa rồi. Lúc nãy, đi vào có Trang Đài cùng đi chung, đầu óc Sinh chẳng còn chỗ trống để nhớ đến điều gì khác. Nhưng khi nàng vắng mặt, dù trong chốc lát, cái lệnh quái ác đó lại nổi cộm lên trong lòng Sinh. Cậu lắc đầu cố xua đuổi tất cả để chỉ còn nghĩ đến cuộc đi dạo phố với người yêu vào buổi chiều đáng ghi nhớ hôm nay. Cậu rồ máy xe và thẳng về nhà.
Sinh trở lại biệt thự của Trang Đài lúc ba giờ rưỡi. Vẫn là dì Tư ra mở cửa, nhưng kèm theo nụ cười thân mật. Sinh hiểu ý nghĩa cái cười đó của người giúp việc dễ thương của gia đình người yêu. Cậu dựng xe và đến ngồi ở băng đá quen thuộc. Dì Tư, theo thói quen, bưng ly nước mát ra mời Sinh. Cậu cầm ly nước định đưa lên môi thì khựng lại. Trang Đài xuất hiện ở phòng khách trong chiếc áo màu xanh quyến rũ, cái áo nàng mặc hôm hai đứa thố lộ tình yêu ở quán nước gần trường. Đôi môi của nàng hồng lên một chút nhờ lớp son mỏng bên trên. Nàng bước đến bên Sinh, tà áo dài bay bay tha thướt. Giọng nàng êm như nhung:
- Anh lại nhìn em như một vật lạ từ trên trời rơi xuống.
- Không phải, anh tưởng mình là Lưu Nguyễn lạc vào chốn Bồng lai.
- Lúc nào anh cũng tìm cách nịnh em. Thôi mình đi.
Sinh ngần ngừ nhìn vào nhà. Nàng hiểu ý:
- Mẹ đang ngủ. Mình đi, lát nữa về anh chào mẹ cũng được.
Nàng đi vào phía nhà xe, nhưng Sinh cản lại:
- Đi một xe của anh thôi.
Nàng nhìn Sinh e thẹn. Sinh nói, giọng cương quyết:
- Đi thôi. Anh chở em đi. Sinh viên đại học rồi mà còn lạc hậu quá.
Nàng ngoan ngoãn vâng lời người yêu.
Sinh lái xe thẳng về trung tâm thành phố. Cậu gởi xe ở đường Lê Lợi. Hai người dắt nhau đi trên phố chính của Sài gòn. Cái nắng xế trưa chói chang khó chịu. Họ đi theo bóng mát của dãy phố cao ở đường Phan bội Châu, đến đường Lê Thánh Tôn. Sinh nhìn vào mặt Trang Đài thấy trán nàng lấm tấm mồ hôi. Cậu dừng lại, ái ngại:
- Nắng nóng quá, em có khó chịu không? Mình nên vào quán kem hay rạp chiếu bóng để tránh nắng đi.
- Nhưng giờ nầy có đúng xuất hát không?
- Không cần, rạp Lê Lợi thường trực kìa. Vào ra lúc nào cũng được.
Trang Đài đáp nho nhỏ:
- Mình vào rạp chiếu bóng đi.
Sinh dẫn bạn qua đường, mua vé và hai người nắm tay nhau đi vào. Không khí trong rạp được điều hòa nên mát rượi. Hai bạn đứng yên một chút phía sau bức màn dày che cửa ra vào. Trong bóng tối lờ mờ, họ nhìn thấy rất nhiều ghế trống. Sinh dẫn bạn bước vào dãy ghế cuối cùng và ngồi xuống. Trên màn bạc đang chiếu dở dang một cuộn phim với nhiều tiếng động.
Sinh nhìn sang người yêu. Dưới ánh sáng nhấp nháy phản chiếu từ màn bạc, Sinh thấy mặt nàng ẩn hiện, đẹp lạ thường. Chưa bao giờ lòng Sinh rạo rực như lúc nầy. Cậu đưa tay nắm lấy bàn tay mỹ miều đang đặt trên thành ghế. Trang Đài quay đầu nhìn sang, bàn tay nàng cũng nắm chặt tay người yêu. Sinh khẽ nghiêng mình sang để nhìn rõ đôi mắt long lanh đang đắm đuối nhìn mình. Bàn tay còn lại của Sinh run rẩy vuốt má nàng. Trang Đài nhắm mắt lại và gục đầu vào vai người yêu.
Mùi thơm của mái tóc trinh nữ làm cho Sinh ngây ngất. Trang Đài cảm thấy cơ thể nàng nóng ran lên trong một cảm giác lạ kỳ. Nàng nghe một tiếng gọi nho nhỏ đầy xúc động:
- Trang Đài em.
Nàng ngửng mặt lên, hé mắt nhìn. Trong bóng tối lờ mờ, nàng thấy khuôn mặt người yêu cúi xuống sát dần, sát dần. Đôi môi nàng bỗng tê dại đi, hai thân mình tan biến trong nụ hôn đầu đời.
Thời gian ngừng lại hay vẫn lặng lẽ trôi qua? Làm sao họ biết được trong giờ phút say đắm tuyệt vời nầy. Thỉnh thoảng, Sinh ngẩng lên chăm chỉ nhìn gương mặt diễm lệ của người yêu với đôi mắt nghiền và đôi môi mọng đỏ vẫn đợi chờ. Sinh lại cúi xuống áp mạnh môi mình vào đôi môi đó và cả hai lại đắm chìm trong nụ hôn bất tận.
Bỗng nhiên, nhạc nổi lên ầm ầm rồi đèn bật sáng, một xuất phim vừa kết thúc.
Đôi trẻ ngửng đầu lên bàng hoàng. Bây giờ, Sinh mới nhìn thấy đôi mắt ngây dại của Trang Đài, nàng nhìn lại và cũng bắt gặp đôi mắt ngây dại của người yêu. Nàng rùng mình, ngồi thẳng dậy, lấy tay vuốt tóc. Sinh vẫn nắm chặt bàn tay nàng. Cậu thì thào:
- Hết phim rồi. mình ngồi đợi tiếp xuất sau em nhé?
Nàng lắc đầu, giọng run run:
- Anh Sinh, thôi mình ra khỏi nơi nầy đi.
Sinh ngạc nhiên:
- Sao vậy, còn sớm lắm, em không thích ngồi với anh sao?
- Không, em thích ngồi mãi bên anh, nhưng bóng tối làm em sợ.
Nàng đưa tay lên ngực:
- Vả lại em hơi mệt.
Nhìn thấy vẻ thất vọng trên mặt người yêu, nàng dùng cả hai bàn tay mình nắm lấy tay Sinh, giọng van lơn:
- Anh Sinh, anh không tin là em yêu anh vô cùng sao? Em sung sướng và hạnh phúc lắm. Nhưng em không hiểu sao, bóng tối vẫn làm em lo sợ. Anh Sinh, anh chiều em đi.
Sinh đăm đăm nhìn mặt Trang Đài. Nàng trở nên nhỏ bé và yếu đuối như một bông hoa ẻo lả, từ đó toát ra một nét thanh khiết lạ thường. Lòng cậu tràn ngập môt niềm yêu thương lẫn kính trọng mênh mông. Cậu đứng dậy, nhẹ nhàng đỡ Trang Đài lên theo. Nàng gỡ tay cậu ra để vuốt lại hai tà áo dài. Cả hai bước ra khỏi rạp hát.
Ánh sáng chói lòa và bầu không khí oi nồng làm hai bạn trẻ khó chịu. Ngoài đường, có nhiều người và xe cộ qua lại ồn ào. Sinh cúi xuống nói với người yêu:
- Có lẽ trời chuyển mưa nên nóng bức quá. Mình lại vừa trong rạp máy lạnh đi ra, thực khó chịu. Bây giờ em thích đi đâu?
- Em thích đi chỗ nào mà anh thích. Hôm nay, em để anh quyết định. Nhưng sáu giờ, phải trả em về cho mẹ.
Sinh vén tay áo nhìn đồng hồ. Bốn giờ bốn mươi lăm phút. Sinh bảo bạn:
- Mình còn hơn một giờ nữa. Đi tìm một tiệm kem có máy lạnh ngồi nói chuyện tốt hơn là đi hít bụi ngoài phố. Em có đồng ý không?
Nàng ngước nhìn Sinh một cách âu yếm:
- Anh Sinh, em đã nói hôm nay em tùy thuộc anh mà.
Cả hai nắm tay nhau rảo bước đến ngã tư đường và đẩy cửa kiếng bước vào một tiệm kem khá sang trọng. Họ đến một chiếc bàn nhỏ có hai ghế ngồi. Sinh lịch sự kéo ghế để người đẹp ngồi xuống rồi mới bước qua chiếc ghế đối diện của mình. Cậu gọi hai ly kem to. Lập tức, người bồi bàn đem đến.
Hai người nhâm nhi từng muỗng kem mát lạnh. Không khí dễ chịu của tiệm kem, thêm tiếng nhạc du dương làm cho cả hai thấy thoải mái. Sinh nhìn vào đôi môi tươi thắm của người yêu, cậu sung sướng mỉm cười với ý nghĩ, trên đôi môi nầy cậu vừa đặt một chiếc hôn dài. Cậu chờ đợi nàng ngửng lên để cậu nhìn sâu vào đôi mắt đẹp của người yêu. Vừa rồi, trong ánh sáng chập choạng của rạp hát, cậu đã nhìn sát vào đôi mắt nầy và lờ mờ nhận ra một cái gì rất kỳ lạ, nó vượt qua ranh giới của sự đáng yêu, nó gây một xúc động cực kỳ mãnh liệt, nó đẩy cậu rơi tòm vào sự thèm muốn của bản năng sinh tồn của con người. Khi ánh sáng bật lên, cậu vừa kịp nhận ra cái kỳ lạ đó chính là cái nét dại khờ, nó làm cho đôi mắt đẹp của nàng trở thành vô cùng say đắm. Sinh muốn thưởng thức nét dại khờ trong đôi mắt đó lâu hơn nhưng nó đã biến mất nhanh chóng với tiếng nhạc xập xình quá to, với ánh sáng của hàng chục bóng đèn hai bên vách và với những bóng người lao xao trên những hàng ghế trước mặt. Cậu cảm thấy nuối tiếc và muốn tìm lại ở xuất hát sau, nhưng Trang Đài đã nài nỉ ra khỏi rạp nên cậu đành phải chiều ý người yêu.
Trang Đài vẫn đăm chiêu nhìn ly kem đã vơi đi phân nửa, nét mặt thoáng buồn. Sinh gọi nho nhỏ:
- Trang Đài!
Nàng ngẩng lên mỉm cười. Sinh thấy có cái gì khang khác trong nụ cười nầy, còn đôi mắt nhìn mình thì bình lặng và sâu thăm thẳm. Cậu hỏi nàng:
- Em đang buồn phải không?
Nàng để cái muỗng vào ly, tay cầm chân của ly kem xoay qua xoay lại trên mặt bàn. Giọng nàng nhẹ như gió thoảng:
- Em không buồn nhưng cảm thấy mình không còn là con gái nữa.
Sinh sửng sốt vì ngạc nhiên. Cậu đã làm gì gọi là xúc phạm đến nàng đâu. Trong bóng tối lờ mờ, bàn tay của cậu bị một sức cám dỗ mãnh liệt đi khám phá những gì sâu kín nhất của nàng để thỏa mãn lòng tự tôn rằng tạo hóa dã dày công tạo ra sản phẩm cực kỳ quý giá nầy và dành riêng cho cậu kể từ hôm nay. Nhưng Sinh đã thắng sự cám dỗ đó do một sự tôn sùng khó lý giải. Nó khác xa với sự kính phục khi cậu đứng trước hai lá cờ Tổ quốc và Mặt trận trong buổi lễ tuyên thệ để vào đoàn trước đây. Tất cả những gì mà Sinh được hưởng thụ vừa qua trong rạp hát, chỉ là trên đôi má căng phồng và mịn màng, trên làn da mềm mại của đôi môi chín mọng. Mà những báu vật nầy thì, ngoài những cô gái theo đạo Hồi, có ai giấu kín trong cái nhìn của người đời đâu. Cậu lo lắng hỏi người yêu:
- Em hối hận vì đã để cho anh hôn phải không?
Nàng cười thành tiếng nho nhỏ, giọng nói linh hoạt và âu yếm hơn:
- Không, anh nói sai rồi. Không phải anh hôn em mà chúng mình hôn nhau. Em nói không còn là con gái nữa vì em cảm thấy đã thuộc về anh rồi. Trước đây, khi ra đường, em biết có nhiều người nhìn theo và em thích thú lẫn hãnh diện. Từ nay về sau, sự thích thú lẫn hãnh diện đó liệu có còn được phép tồn tại hay không? Anh có hiểu em không?
Sinh sững sờ nhìn nàng. Trong khu vườn tình yêu mà cậu vừa bước vào, không phải chỉ có sắc đẹp mỹ miều, có dáng điệu dịu dàng, có tiếng nói ngọt ngào mà còn nhiều thứ vô vùng quý giá khác chưa thể nào thấy ngay được. Tạo hóa đã dành quá nhiều ưu đãi cho người con gái nầy, cả về thể xác, con tim lẫn khối óc.
- Anh Sinh!
- Em!
- Nếu một ngày nào đó, anh không còn yêu em nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra?
- Thì quả đất sẽ nổ tung và loài người bị tận diệt!
Trang Đài cười khúc khích vì câu tỏ tình ngộ nghĩnh của người yêu. Nàng bắt đầu cảm thấy thoải mái nên ý nghĩ tinh nghịch lại trở về với nàng. Nàng nhìn Sinh, giọng nghiêm trang:
- Em muốn anh làm cho em điều nầy, không biết anh có làm được không?
- Anh phải cố làm cho được, dù việc đó có khăn thế nào đi nữa. Em nói đi, việc gì?
- Kể lại cho em nghe chuyện phim mà khi nãy anh xem trong rạp hát.
Sinh ngẩn người, giọng xuội lơ:
- Anh chịu thua.
- Một chi tiết thôi cũng được.
- Không một chi tiết nào cả. Từ lúc bước vào rạp, cả cái màn ảnh to chình ình anh cũng không trông thấy nữa. Anh chỉ biết có em bên cạnh và chỉ muốn tìm chỗ ngồi cho nhanh để hôn em thôi.
- Thế anh có ý định hôn em khi mới bước vào rạp à?
- Trước đó nữa.
Nàng cười xòa:
- Hèn chi. Mẹ thường dặn em cần phải để ý giữ mình, kể cả với người mình thương yêu.
- Thực là một lời dạy dỗ tuyệt vời.
Sinh bỗng thấy tò mò nên hỏi:
- Tại sao em có ý định xin mẹ cho đi chơi với anh hôm nay?
- Tại em thích gần anh một lát trong khung cảnh khác với thường ngày.
- Nhưng tại sao em không bàn với anh trước khi xin phép mẹ?
- Em biết anh ước ao điều đó nên muốn dành cho anh một sự bất ngờ lý thú. Vả lại em cũng lo mẹ không cho phép. Bàn với anh rồi mà không thực hiện được thì anh sẽ thất vọng, tội nghiệp anh.
Sinh nhìn nàng đắm đuối. Tạo hóa đã cất giấu tất cả những điều dễ thương nhất của loài người vào trong cái kho vô tận nầy.
- Khi đồng ý vào xem hát, em có nghĩ rằng anh sắp hôn em không?
- Tuyệt đối không!
- Thế sau đó, em biết được ý định của anh từ lúc nào?
- Không có lúc nào cả. Em chỉ ý thức được bàn tay anh đưa vào mặt em làm em chới với. Bàn tay đó áp mạnh làm cho đầu em tự nhiên ngã sang vai anh. Môi em bỗng tê dại đi rồi em không biết gì nữa. Cho đến khi đèn bật sáng thì em mới biết anh vừa hôn em xong.
Nàng cúi đầu, đỏ mặt e thẹn. Nàng ngửng lên nhìn Sinh cười khúc khích:
- Em tưởng anh thực tình dẫn em vào xem phim nên lúc đầu em cũng chú ý đến cảnh đang chiếu trên màn bạc.
- Em còn nhớ chút nào không?
- Có, em nhớ lúc đó nhà đang cháy và người ta chạy nhốn nháo.
Nàng phụng phịu nói tiếp:
- Anh hấp tấp quá, không để em xem cho hết phim.
Sinh nhìn nàng như ngây như dại làm nàng cảm thấy hơi rạo rực trong lòng. Vì vậy, nàng vội chuyển sang đề tài khác:
- Cảnh lửa cháy trong phim vừa rồi làm em nhớ đến bộ phim “Cuốn theo chiều gió. Anh xem phim đó chưa?
- Rồi, lúc rạp Rex mới đưa về chiếu độc quyền.
- Em xem đến hai lần. Anh thích đoạn nào nhất trong phim đó?
- Anh không rõ vì anh thích toàn bộ cuộn phim.
- Em thì thích nhất đoạn Butler chia tay với Scarlet, sau lưng họ là bầu trời đỏ rực vì ngọn lửa đang thiêu rụi Atlanta.
- Tại sao em thích đoạn đó? Có phải vì nó rùng rợn không?
- Không, cảnh rùng rợn qua rồi. Lúc đó hết nguy hiểm nên Butler mới chia tay với người thiếu phụ đỏng đảnh mà anh ta yêu.
Sinh cố gắng nhớ lại đoạn phim đó để bắt vào dòng tư tưởng của Trang Đài. Cậu nói:
- Anh nhớ rồi. Butler chia tay với Scarlet để trở về tham gia quân đội miền Nam đang tan rã. Scarlet nổi điên nổi khùng vì Butler bỏ rơi cô nàng trên đường về Tara. Có phải em thích tài diễn xuất của nữ minh tinh hay không?
- Không phải. Cái tài diễn xuất của cô đào nầy đã lên đến tột đỉnh trong cả cuộn phim, không có chỗ nào hơn chỗ nào. Cái điều em thích là lời giải thích của Butler về hành động đăng vào quân đội miền Nam khi cuộc chiến coi như kết thúc trên thực tế.
Thấy người yêu chăm chú nghe, nàng nói tiếp:
- Butler bảo rằng anh ta vào lính vì thích mình là kẻ chiến bại. Nhân vật nầy trong tiểu thuyết cũng như trong phim khôn ngoan hơn bất cứ người nào khác. Của cải, tiền bạc anh ta không thiếu mà cũng không cần lắm. Niềm đam mê của anh ta là tình thương của người khác đối với mình, trong đó có tình yêu của Scarlet. Vì vậy, đóng vai người chiến bại thì anh ta sẽ được rất nhiều tình cảm của người đời.
Sinh buộc miệng hỏi:
- Tại sao vậy?
- Lúc cuộc chiến đang xảy ra, người ta dành cảm tình cho bên nào nắm chính nghĩa trong tay. Nhưng khi cuộc chiến kết thúc rồi thì cái chính nghĩa đó trở nên nhẹ bổng, người ta có khuynh hướng dành cảm tình cho kẻ chiến bại.
- Đó có phải là một tình cảm sai lạc hay không?
- Theo em thì hoàn toàn không. Tình cảm là một tặng phẩm đắc ý nhất mà Thượng đế trao cho con người, thì làm sao mà sai lạc được. Cảm tình đối với kẻ chiến bại cũng thế thôi. Đó cũng là lẽ công bình của Thượng đế. Kẻ chiến bại bị mất tất cả nên Ngài bù lại cho những kẻ đáng thương đó cái cảm tình của người khác. Anh có nhớ không, khi Ashley thất thểu về trong đoàn người chiến bại tả tơi, trong rạp hát có nhiều người sụt sịt, còn em thì khóc mùi mẫn.
Sinh rất cảm động. Cậu nắm lấy tay nàng, giọng tha thiết:
- Anh ghen với Ashley rồi đó!
Cậu hỏi tiếp:
- Còn kẻ chiến thắng thì có đáng ghét không?
- Điều đó tùy người. Nhưng với em thì những kẻ đó đáng ghét. Em không hiểu tại sao, nhưng em không thể thương họ được.
Nàng nói xong cười xòa, nét mặt hồng lên, đáng yêu làm sao.
Sinh hỏi nàng:
- Anh không hiểu tại sao nơi cô bé thùy mị, ngoan ngoãn như em mà lại có những tư tưởng sâu sắc và có tính cách triết lý như vậy.
- Tại mẹ đó.
Sinh ngạc nhiên:
- Bác gái là học giả hay triết gia?
Trang Đài cười khúc khích:
- Chẳng là học giả hay triết gia gì cả. Khi mẹ mới học hết lớp mười thì có ông chuẩn úy mới ra trường yêu mẹ quá cỡ mới rủ mẹ đi lập tổ uyên ương và đẻ ra em. Mẹ sợ em theo chân bà nên giữ rịt em trong nhà. Chương trình trung học kể cả lớp mười hai không choán hết thì giờ nên em ôm sách về đọc. Mà đọc thì phải suy nghĩ.
Sinh mỉm cười:
- Đáng lẽ em phải học Văn khoa, bộ môn triết học mới đúng.
- Thượng đế buộc em phải học khoa học.
Nàng ngước nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Sinh rồi cúi đầu xuống, nói nho nhỏ:
- Em phải học khoa học để gặp anh.
Câu nói dễ thương của người con gái kết thúc buổi chiều tuyệt vời của đôi bạn trẻ.
Sinh đưa Trang Đài về nhà. Xe dừng trước cổng để nàng xuống. Cậu tắt máy xe, định đợi người yêu vào hẳn trong nhà, mới chạy về. Nhưng Trang Đài không chịu, buộc cậu phải vào nhà gặp mẹ để bàn giao nàng lại cho bà. Sinh sung sướng chiều theo ý người yêu, cậu vào dựng xe và bước đến ghế đá dưới gốc bàng. Nàng vẫy tay bảo cậu vào phòng khách rồi chạy xuống bếp. Một thoáng sau, mẹ nàng xuất hiện ở cửa thông, hỏi thăm qua loa rồi trở vào.
Trang Đài tiễn bạn ra cổng. Nàng quay lại không thấy ai, bảo nhỏ người yêu:
- Anh thích hôn tay em lắm phải không? Anh hôn đi nhưng không được làm gì khác.
Sinh cầm bàn tay búp măng đưa lên áp mạnh vào môi mình một cách đam mê. Xong, cậu sung sướng buông tay nàng, rồi đẩy xe ra cổng. Khuôn mặt Trang Đài vừa khuất sau cánh cửa là lòng Sinh rơi vào trăm mối tơ vò. Trong tâm tư cậu, cuộc chiến thứ hai vừa xuất hiện.
Cuộc chiến thứ nhất chưa chấm dứt hẳn. Đó là mâu thuẫn giữa tình yêu và giai cấp dẫn đến sự cấm đoán của thầy Văn. Cuộc chiến thứ hai vừa nảy sinh từ quan niệm về người chiến thắng, kẻ chiến bại của Trang Đài. Người chiến thắng thì đáng ghét còn kẻ chiến bại thì đáng thương. Điều đó có phải là chân lý hay không? Sinh không cần biết. Cậu chỉ ý thức đó là quan điểm hết sức rõ rệt của người yêu.
Cậu sắp là kẻ chiến thắng đây vì cậu là người của cách mạng. Theo thầy Văn, trung ương đảng đã ra lệnh tổng tấn công. Theo đài Giải phóng và đài Hà nội thì quân ta thắng nhiều trận lớn. Mặt trận Giải phóng miền Nam đã cho ra đời một chính phủ lâm thời mà thủ đô nằm tuốt trong rừng rậm. Không bao lâu nữa cách mạng sẽ về đây. Cậu sẽ nghênh ngang cầm lá cờ Mặt trận đi trên các phố. Trang Đài sẽ nghĩ gì khi nhìn kẻ chiến thắng đáng ghét đó? Tình yêu đằm thắm mà nàng dành trọn cho cậu bấy lâu nay sẽ ra sao?
Cuộc chiến thứ hai nầy trong tâm tư, có lẽ còn khốc liệt hơn cuộc chiến thứ nhất. Lý do là kẻ giám sát cuộc chiến thứ nhất là thầy Văn. Còn kẻ giám sát cuộc chiến thứ hai chính là người mà cậu yêu thương hơn chính bản thân mình nữa. Sinh cảm thấy nỗi đau trong lòng mỗi ngày một tăng lên song song với hạnh phúc mà người yêu đem đến cho mình. Tình yêu càng làm cho cuộc sống cậu thêm tươi thì hai cuộc chiến nội tâm càng dìm tâm hồn cậu vào vùng u tối. Cuối cùng, cậu phớt lờ lệnh cấm của thầy Văn. Vì thế, trong ba tháng hè, Sinh vẫn đều đều lại thăm người yêu và trên ghế đá đã bám đầy rễ cây si. Tuy vậy, cậu cũng không hoàn toàn tự buông lỏng; mỗi khi đến nhà Trang Đài, cậu thường nhìn trước nhìn sau như một kẻ phạm pháp.
Về phần Trang Đài thì đây là thời gian đẹp nhất của cuộc đời con gái của nàng. Vừa đậu xong chứng chỉ dự bị, được cha mẹ nuông chiều, rồi hàng tuần đón người yêu để được nghe những lời đầm ấm xuất phát từ tấm lòng yêu tha thiết của người con trai cường tráng, thông minh, đứng đắn, nhưng tràn đầy tình cảm. Thỉnh thoảng nàng cũng xin mẹ cho đi chơi một buổi với người yêu. Mẹ chưa bao giờ từ chối vì bà có lòng thương mến Sinh và vì cái tài khôn vặt của cô con gái yêu.
Thực vậy, nàng lựa dịp nào mà mẹ hài lòng về nàng thì mới xin. Như lần đầu tiên mẹ chấp thuận là hôm nàng báo tin thi đậu chứng chỉ. Báo tin xong, nàng đã níu áo mẹ đòi phần thưởng. Bà đang ngẩn người thì nàng xin mẹ cho đi chơi với Sinh để thay cho phần thưởng. Bà đã cốc vào đầu nàng một cái và bảo:
- Đi đi, mẹ cho phép đó, con chó con khôn vặt nầy.
Những lần sau cũng thế, trước khi xin phép mẹ, nàng làm vui lòng mẹ bằng nhiều cách như mua tặng mẹ một xấp vải may áo do chính tiền của mẹ cho nàng. Mỗi lần như thế, mẹ lại cốc và đầu và bảo:
- Con chó con nầy cũng biết hối lộ má nó nữa.
Những lần đi chơi nầy, Sinh chở nàng đến hóng mát tại bờ sông, có khi ra ngồi trên bờ ruộng ở ngoại ô rồi về nắm tay nhau đi dạo phố hoặc cắm mũi vào các tấm kính của các cửa hàng sang trọng trên các phố chính của trung tâm Thủ đô. Họ không còn bước vào rạp hát nữa, dù Sinh thèm muốn điều đó vô cùng. Tình yêu của cậu ngày càng mãnh liệt thì sự kính trọng của cậu đối với người con gái đoan trang và trí thức nầy cũng tăng lên không kém.
Có một lần, nàng hỏi cậu về nơi ở. Sinh cho biết địa chỉ, tả tỉ mỉ ngôi nhà trong khu vườn rộng của mình và nhấn mạnh ở đó không có ai ngoài cậu. Sinh không mời nàng đến nhà chơi để tránh cho nàng sự lo sợ và thủ thế tự nhiên của người con gái lớn lên trong sự chăm sóc quá kỹ lưỡng của mẹ nàng. Vả lại, nhà của cậu là nơi thầy Văn lui tới biết bao lần để đưa cậu vào con đường cách mạng và ngày nay làm nơi sinh hoạt chi đoàn. Chính điều nầy làm cho tình yêu tuyệt vời trở thành nguồn bứt rứt không nguôi trong lòng cậu. Ngôi nhà thân thiết nầy sẽ làm vẫn đục tình yêu nếu nàng đến đây. Những giây phút bên nàng phải hoàn toàn trong lành, không một dấu vết nào của giai cấp đấu tranh, của cách mạng vô sản, của giải phóng miền Nam.
Nghe cậu tả ngôi nhà vắng vẻ nên Trang Đài cũng không đòi đến nữa. Do đó, nơi gặp gỡ giữa đôi bạn chỉ duy nhất là nhà Trang Đài mà thôi. Điều nầy làm cho mẹ khá yên tâm.
Một hôm, Sinh đến nhà Trang Đài; hồi chuông chưa dứt, cánh cổng đã mở ra. Mọt cậu bé độ mười lăm tuổi cúi đầu chào. Thấy người lạ mở cổng, Sinh tự giới thiệu:
- Tôi là bạn của cô Trang Đài.
- Dạ, em biết, mời anh Sinh vào.
- Ủa, sao cậu biết tên tôi?
- Dạ, em là Nghị, em của chị Đài.
Trả lời xong, cậu bé vội đóng cửa và vụt lên lầu. Trang Đài từ nhà sau bước ra với nụ cười rất tươi, đến gần Sinh, ngửng mặt nhìn lên lầu và nói:
- Thằng Nghị, em trai của em đó.
- Anh đến bao nhiêu lần mà không gặp cậu ấy, anh cũng quên hỏi.
Nàng cười khúc khích:
- Cứ nói chuyện với em là anh quên nhiều thứ trên đời nầy, phải không?
Sinh gật đầu tán đồng:
- Đúng vậy. Anh chỉ còn nhớ một điều, đó là: em là người yêu của anh, thế thôi.
- Nếu anh quên luôn điều đó thì mới thực sự là người si tình.
Hai người cười vui vẻ đến ngồi trên băng đá. Dì Tư, như thường lệ, bưng ra một ly nước ngọt, cười rộng miệng với khách rồi lui vào trong nhà. Sinh nói:
- Lần đầu tiên anh đến đây, mẹ bảo muốn tìm một người kèm cho Nghị học. Đã có ai chưa?
- Dạ chưa. Mẹ em kỹ lắm. Anh cũng biết ba em là thiếu tá an ninh quân đội, nên mẹ em rất kỹ về những người thường xuyên ra vào. Nhưng nếu anh giới thiệu thì mẹ nhận. Mẹ thường nhắc đến anh. Mẹ bảo: “Ước chi thằng Nghị học được anh, mỗi năm đều thi đậu”.
Trang Đài nhìn Sinh thấy mặt người yêu đăm chiêu. Nàng hỏi:
- Anh Sinh nghĩ gì vậy. Anh có chuyện gì lo lắng phải không?
Sinh quay lại, bối rối:
- Không, anh chẳng có chuyện gì lo lắng cả. Anh đang nghĩ đến hai đứa bạn rất nghèo của anh đang ở trong quân đội. Nếu hai đứa còn tiếp tục đi học như anh thì anh sẽ đưa một đứa đến đây tức khắc.
Câu trả lời nầy chỉ có phân nửa sự thật mà thôi. Quả thực, Sinh có nghĩ đến hai đứa bạn là Thành và Đạt, nhưng điều làm cho cậu ưu tư là việc thầy Văn sẽ báo cáo để lãnh đạo đưa người đến kèm cho Nghị với mục đích dò xét. Điều đó có nghĩa là cách mạng sẽ cử người đến “nằm vùng trong chính ngôi nhà nầy. Cậu là đầu dây mối nhợ dẫn đến cái việc có lợi cho cách mạng, nhưng có thể có hại, có thể rất nguy hiểm cho gia đình người yêu.
Trang Đài sẽ nghĩ thế nào khi biết được chuyện nầy? Mà dù có dấu được thì cậu còn xứng đáng với tình yêu của nàng hay không? Cậu còn xứng đáng với lòng tin cậy của mẹ nàng hay không?
Hay là thú thực mọi sự với nàng? Không thể được. Đó là sự phản bội lại lời thề, phản bội lại lý tưởng. Lúc đó, Sinh cũng không còn tư cách nào sống để nhìn mặt Trang Đài nữa. Sinh đau đớn trong lòng. Tại sao mối tình đầu tươi đẹp vừa đưa cậu vào thiên đàng hạnh phúc, vừa dìm cậu xuống địa ngục âu lo?
Trang Đài thấy mặt người yêu buồn bã khi nhắc đến hai người bạn thân ngoài mặt trận. Nàng cảm động nói:
- Anh Sinh, anh đừng buồn nữa. Anh cũng đừng lo chuyện tìm người đến đây nữa.
- Anh tìm xong rồi!
Sinh hoảng hốt vì câu nói buộc miệng của mình. Quả thực, coi như Sinh đã giới thiệu rồi, nhưng người sẽ đến lại do thầy Văn và lãnh đạo của thầy ấy. Câu nói thành thực nhưng tai hại nầy đang đặt Sinh vào một trạng thái không thăng bằng nữa. Hoặc là làm lợi cho cách mạng, hoặc là giữ an toàn cho gia đình người yêu. Cậu phải chọn ngay một phía, không còn trì hoãn được nữa. Thầy Văn có thể đưa người đến bất cứ lúc nào, và nhân danh là người do cậu giới thiệu thì mẹ Trang Đài sẽ nhận ngay. Cậu thường nghe thầy Văn nói tình báo của cách mạng thì ngay cả đế quốc Mỹ cũng phải nể sợ. Tình yêu và cách mạng, cậu chọn bên nào? Trong cuộc chiến nội tâm, cậu sẽ ngã về phía nào? Phải quyết định ngay!
Trang Đài nhìn Sinh, thấy nét mặt người yêu biến đổi từ đăm chiêu sang căng thẳng rõ rệt. Nàng nghiêng mình về trước, nắm lấy tay Sinh, lắc nhẹ, giọng cực kỳ dịu dàng:
- Anh Sinh, anh có chuyện lo nghĩ sao không nói em nghe? Em là người yêu của anh nên em có bổn phận chia sẻ mọi nỗi lo buồn của anh.
Thôi rồi! Cử chỉ âu yếm của Trang Đài, giọng nói thánh thót êm đềm của nàng làm cho hai đối thủ của cuộc chiến trong lòng Sinh không còn cân sức nữa. Sinh đã ngã hẳn qua một bên. Cậu thở dài, nói với nàng:
- Gần như anh đã tìm được người rồi, nhưng nghĩ lại, người nầy không xứng đáng. Tuyệt đối mẹ đừng nhận nếu có người đến nói anh giới thiệu. Cũng không nên tỏ ý không tín nhiệm người ta. Theo anh thì chỉ cần nói là mình đã tìm được người, hoặc đã cho Nghị đi học nơi khác, không cần người kèm tại nhà nữa.
Cậu nói xong, thở ra một hơi dài khoan khoái. Trang Đài cười bảo:
- Có thế mà anh cũng căng thẳng làm em đâm lo. Em sẽ nói lại với mẹ. Theo em thì chẳng cần người kèm cho thằng Nghị nữa. Em sẽ để tâm nhắc nhở nó. Em sắp sửa là sinh viên chứng chỉ chuyên khoa, cũng ngang hàng với thầy cô nó tại trường rồi.
Nàng ngưng lại nhìn Sinh một cách âu yếm rồi tiếp tục với giọng nói đầy tình tứ:
- Vả lại, từ khi có anh thường đến thăm, em không muốn một người nào đến đây nữa. Em chỉ thích một mình anh đến đây thôi.
Lời nói nầy là phát đạn cuối cùng hạ gục một trong hai địch thủ trong lòng Sinh. Tuy nhiên, cậu cũng tự an ủi mình: “Đây chỉ là một việc riêng lẻ. Ta vẫn còn là người của cách mạng. Quyết định trên là do tình thế bức bách, không có tí gì gọi là phản bội được”.


*
* *