Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Con chim gãy cánh (1)



TRẠI cải tạo nầy tập trung khoảng một ngàn người, chia thành năm khối gọi là bếp. Mỗi bếp lại chia thành đội, đội chia thành tổ, mỗi tổ gồm mười người. Tuy nhiên, tổ của tôi chỉ có chín người, với anh Nguyễn văn Tứ làm tổ trưởng. Chúng tôi gọi anh là Tứ tổ trưởng để phân biệt với anh Tứ ở phòng kế bên, không phải là tổ trưởng. Chín người trong tổ chúng tôi cùng sống chung trong một gian nhà nho nhỏ. Một sạp bằng tre chạy suốt bề dọc và chiếm hai phần bề ngang gian nhà, một phần ba còn lại dành cho đường đi. Sạp tre là chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ chơi, chỗ họp tổ để kiểm điểm và thảo luận bài học chính trị.
Tổ là đơn vị nhỏ nhất trong “biên chế” của trại, gồm những người liên hệ mật thiết với nhau trong ăn uống, lao động và học tập. Tuy nhiên, trong sinh hoạt riêng tư, tổ lại chia thành từng nhóm nhỏ, thường gồm hai người ghép thành một cặp cùng sở thích, cùng tâm tình. Tổ của tôi cũng có những cặp như thế.
Ồn ào nhất là cặp Quý-Thế. Quý hát còn Thế thì đánh nhịp theo. Khi Quý bắt đầu hát, Thế đánh nhịp vào bất cứ nơi nào thuận tay. Thế vỗ một cách nhiệt tình vào cái sạp tre, vào cánh cửa tôn, vào thùng đựng nước, vào cả lưng và bụng của người nào không may đứng gần khi ca sĩ cất tiếng hát. Tiếng hát của Quý thì ôi thôi! Nếu Quý lên biểu diễn trên sân khấu ca nhạc thì chắc chắn toàn thể khán giả đều vui lòng bỏ tiền mua vé để ra khỏi rạp. Giọng của Quý thì ồm ồm như giọng đùa giỡn của bầy heo nuôi trong chuồng. Quý chỉ hát một bài duy nhất và thường khởi đầu một cách bất ngờ. Đang ngồi im lặng lim dim như một triết gia mê mãi suy tư hay một vị chân tu tham thiền nhập định, bỗng Quý nhảy dựng lên la:
- Trường sơn đông (ự), Trường sơn tây (ự), hai đứa ở hai đầu xa thẳm…. Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến….
Có hôm anh em chịu không nổi, chửi mắng và bảo Quý im đi thì Quý cười khì khì:
- Trước kia tao là sĩ quan chiến tranh chính trị mà. Bây giờ tao phải ca hát giúp tụi bây vui vẻ chịu đựng để có được ngày về với vợ con.
Đó là cặp ồn ào và bị chửi nhiều nhất trong tổ. Ngược lại, cặp im lặng nhất là cặp Cúc-Tiến. Hai anh đấu cờ tướng với nhau suốt ngày, trong bất cứ giờ nào có thể đấu được. Bàn cờ là một tấm ván được chia ô bằng que sắt nhọn; quân cờ là những miếng tôn nhỏ hình vuông, trên mặt dùng đinh dục những chữ Hán: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, ngựa, tốt. Hai anh đối diện nhau qua bàn cờ, giờ nầy qua giờ kia, buổi sáng mới thức dậy, buổi trưa trong giờ nghỉ, buổi chiều từ khi lao động về đến khi ánh sáng tắt hẳn, không còn phân biệt được xe với pháo nữa.
Cúc và Tiến nằm kế bên nhau ở khoảng giữa của phòng. Có đêm, hầu hết mọi người đều ngủ, tôi bỗng nghe tiếng hai anh rù rì với nhau: “Lên ngựa… sập sĩ… gảnh tượng… chiếu tướng…”. Thì ra, hai anh tiếp tục đấu cờ với nhau bằng tưởng tượng trong đêm tối. Có khi, trong buổi học chính trị tại hội trường, hai anh ngồi sát bên nhau, quyển vở để trên đùi, trang giấy trắng không có những hàng ghi chú bài học mà chỉ có một bàn cờ tướng nho nhỏ vẻ nguệch ngoạc với những quân cờ là những vòng tròn nhỏ xíu. Từ những vòng tròn đó, hai anh vẽ những mũi tên tiếp nối nhau theo đường zig-zag. Tội ác của Mỹ-ngụy đang được giảng viên thét lên thao thao bất tuyệt trong tiếng loa đinh tai điếc óc làm cho mọi người phải trân mình chịu đựng, thì hai anh vẫn bình thản với bàn cờ nửa có thực, nửa tưởng tượng của mình.
Mấy ngày đầu khi hai anh soạn bàn cờ ra đánh, có nhiều người đến xem hay tham gia, dần dần khán giả chán bỏ đi, chỉ còn hai ông tiên ngồi với nhau mà thôi.
Thực ra, đó không phải là hai ông tiên mà là hai sĩ quan Việt Nam Cộng hòa bại trận. Cúc là thiếu úy Biệt động quân, Tiến là trung úy Bộ binh. Chiến tranh đã chấm dứt trong nhục nhã; họ không còn tiến lên vây hãm kẻ thù trên chiến trường nữa nên quay qua tấn công, vây hãm nhau trên bàn cờ tướng thô sơ.
Đó là hai cặp độc đáo trong tổ của tôi, những người khác cũng đều có nét riêng, tuy nhiên chẳng có gì đặc sắc để kể ra đây.
Sau một tháng nhập trại chúng tôi đã quen tính nết của nhau nên dần dần thấy dễ chịu trong một cuộc sống tập thể đã vào nề nếp. Giữa chín anh em chúng tôi chưa có cuộc cãi vã nào đáng kể. Mọi người đều cố gắng vui vẻ, cởi mở và nhường nhịn nhau. Chúng tôi thầm mong được giữ cái tập thể nhỏ bé nầy trong suốt những ngày bị giam cầm của chúng tôi.
Nhưng ước mong đơn sơ đó chẳng bao lâu sau có vẻ bị lung lay. Cái tập thể nhỏ nầy không giữ được mãi như cũ mà được bổ sung thêm một người cho đủ mười. Người bổ sung là Hưng. Anh ta đến vào buổi trưa, lúc chúng tôi vừa đi lao động về; người trực nhật, anh Sĩ, đã xách thau đi lãnh cơm, tám người còn lại ngồi bó gối trên sạp đợi bữa ăn. Ông cán bộ quản giáo dẫn Hưng vào, mắt không nhìn chúng tôi, nói trổng:
- Anh Hưng được “biên chế” vào tổ nầy.
Nói xong, cán bộ quay lưng đi ra. Chúng tôi ngẩng nhìn người bạn mới. Dáng cao gầy, nét mặt thông minh, chưa tới ba mươi tuổi, áo quần nhầu nát, trông dơ bẩn, chứng tỏ đã nhiều ngày chưa thay.
Anh nhìn chúng tôi một cách lạnh lùng, rồi đảo mắt quanh phòng. Anh khẽ chau mày khi đôi mắt quét qua khẩu hiệu bằng sơn đỏ vẽ trên vách tường: “Quyết tâm cải tạo để thành người lương thiện”. Tôi có cảm giác anh thở dài nhè nhẹ. Tứ tổ trưởng đứng dậy vỗ vai anh và chỉ vào cuối phòng:
- Thôi, vào đây thì đều là anh em cả. Chỗ ngủ của anh kia.
Hưng gật đầu bước đến mé cuối cùng của sạp tre. Anh cởi cái bị đeo trên vai đặt xuống sạp. Cái bị nho nhỏ gói trọn hành trang người đi cải tạo, bên ngoài lủng lẳng một ca nhựa, vừa dùng làm chén ăn cơm, ly uống nước, vừa dùng làm gáo múc nước tắm và lon đựng nước súc miệng rửa mặt. Anh ngồi xuống sạp, cúi nhìn hai bàn chân dơ bẩn trên đôi dép dính đầy bùn đất.
Chỗ ngủ được chỉ định cho Hưng là chỗ nằm của tôi. Mọi người dồn lại để có thêm một chỗ cho người mới đến. Tứ tổ trưởng đến gần, ân cần hỏi:
- Anh ở trại nào đến đây?
- Trại giam Thủ đức.
- Cấp bậc cũ của anh?
- Đại úy.
- Binh chủng?
- Thủy quân lục chiến.
Mọi người đều ngẩng lên nhìn. Cái tên thủy quân lục chiến đã gây chú ý. Đó là một binh chủng thiện chiến, anh dũng ngoài chiến trường, nhưng trong cuộc rút chạy từ miền Trung vào, một số binh sĩ của binh chủng nầy đã gây kinh hoàng vì những hành động cướp của, giết người trên bờ biển Thuận an của thành phố Huế. Đối với tất cả quân nhân thuộc binh chủng và quân chủng khác, cụm từ thủy-quân-lục-chiến gợi nên lòng kính nể lẫn kinh tởm.
Tứ hỏi tiếp một cách tò mò:
- Tại sao bây giờ anh mới đến đây? Không trình diện theo lệnh ủy ban quân quản, hay trốn đi không thoát bị bắt ngoài bờ biển?
Hưng lắc đầu:
- Không, tôi đã đào ngũ gần một năm trước ngày miền Nam đầu hàng.
Tứ ngạc nhiên:
- Đào ngũ? Đại úy thủy quân lục chiến đào ngũ?
Hưng im lặng gật đầu. Mọi người nhìn anh chằm chằm. Vài người nhíu mày một cách khó chịu và quay đi nơi khác. Không khí bỗng trở nên nặng nề.
Cũng may, đúng lúc đó Sĩ đi lãnh phần ăn trưa cho tổ cũng vừa về tới. Anh đặt thau cơm và thau canh xuống sạp tre. Hơi nóng bốc lên, mọi người phổng mũi hít mạnh một cách thèm khát mùi hương ngào ngạt của gạo mốc đã nấu thành cơm. Thau canh chứa một ít bí đỏ dưới đáy, bên trên là một lớp nước trong veo màu vàng nhạt. Mỗi người đặt chiếc ca nhựa của mình xuống sạp, làm thành một vòng khép kín quanh hai cái thau. Có chín cái ca tất cả.
Hưng vẫn ngồi ủ rũ ở góc phòng, cằm tựa vào gối, mắt lờ đờ nhìn thẳng vào tấm vách loang lỗ phía trước. Ở đằng nầy, Sĩ cầm thìa to thọc vào thau cơm thì Tứ tổ trưởng chận lại hỏi:
- Hôm nay mình được chia mấy phần cơm?
Sĩ đáp:
- Chín phần như thường lệ.
Tứ tặc lưỡi:
- Có một người mới “biên chế” đến chưa kịp báo với nhà bếp. Thôi được, cứ chia mười phần. Hôm nay, anh em ăn ít một chút. Anh Hưng, mang ca ra đây.
Thêm một chiếc ca nữa được chen vào vòng tròn khép kín của những chiếc ca có sẵn. Sĩ cẩn thận và nhanh nhẹn chia cơm ra thành những phần bằng nhau, mỗi người được lưng lửng nửa ca. Sau đó, anh vớt cho mỗi ca một miếng bí đỏ. Còn lại hai miếng, anh lấy thìa xắn thành mười mảnh tí tẹo, cho thêm mỗi ca một mảnh. Xong, Sĩ quay lại dùng thìa múc nước canh đổ lần lượt vào các ca cơm.
Khi anh đứng thẳng dậy, mỗi người nhanh nhẹn lãnh phần mình đem đi, người thì đến góc phòng, người bước ra trước thềm, người leo lên sạp. Loáng một cái, phần ăn chui vào những chiếc dạ dày từ ít lâu nay chưa hề biết no. Bữa ăn chấm dứt một cách hết sức gọn gàng và nhanh chóng.
Ăn xong, anh em leo lên sạp để ngủ trưa, lấy sức cho buổi lao động chiều trong khi hai anh Cúc và Tiến vẫn lôi bàn cờ tướng ra như thường lệ. Hôm nay bàn cờ của anh có thêm một người thứ ba nữa, đó là Hưng.
Kể từ hôm đó, mỗi lần Cúc và Tiến lôi bàn cờ ra là Hưng cũng đến ngồi một bên. Thông thường, mấy anh em xem đánh cờ thường lên tiếng chỉ cho bên nầy, góp ý với bên kia, có người còn giành bốc cả quân cờ để đi. Đôi khi đấu thủ phản đối, thế là sinh ra cãi vã, có khi dẫn đến xô xát nhau. Nhưng Hưng thì không thế, anh ngồi lặng im nhìn. Một lần, tôi thấy mắt anh lim dim rồi ngủ gật. Thì ra, anh chỉ nhìn bàn cờ như một cách nuốt thời gian tù tội chứ chẳng suy nghĩ gì cả về những nước cờ.
Hưng sống ngày nầy qua ngày kia một cách lặng lẽ, nhìn người khác bằng đôi mắt hiền lành nhưng lạnh lùng. Trong những buổi làm lao động, chặt cây, nhổ cỏ, dựng nhà, cưa củi, vân vân…, tổ trưởng phân công là nhận ngay không cãi lại. Anh làm việc một cách chậm rãi, không lánh việc cũng không hăng hái. Trong các buổi thảo luận tổ của mỗi đợt học tập chính trị, anh không bao giờ phát biểu ý kiến; anh lặng lẽ ngồi nghe, y như ngồi xem Cúc và Tiến đánh cờ tướng vậy.
Trong cảnh tù tội, anh em thường tâm sự với nhau để giải tỏa bớt nỗi thương vợ, nhớ con và để tìm một lời an ủi của nhau. Hưng thì không bao giờ tâm sự. Chung quanh anh như có một bức tường dày che kín không thể nhìn vào được. Những gì chúng tôi được biết về anh chỉ là các chi tiết khô khan trong bảng lý lịch trích ngang mà tù nhân phải làm đi làm lại nhiều lần: đại úy Đại đội trưởng thuộc Lữ đoàn 25 Thủy quân lục chiến, có vợ, chưa có con, cha mẹ đã chết từ lâu, không có bà con, không có bạn bè thân thiết….
Cuộc bại trận của miền Nam đã làm cho chúng tôi trở thành một đàn chim gãy cánh đến sống chung với nhau trong cái tổ miễn cưỡng nầy. Hưng cũng là một con chim gãy cánh, tại sao anh ta cứ sống như một con chim lẻ loi giữa bầy chim đang lâm nạn?
Chúng tôi không muốn phá vỡ cái nếp sống khép kín của anh nhưng có một việc làm cho chúng tôi bực mình.
Số là trại cải tạo nằm trong một vuông đất không lớn lắm với hơn một ngàn tù nhân. Chúng tôi chen chúc nhau trong những căn nhà hư hỏng, tất cả đất còn lại được dùng trồng rau để cải thiện bữa ăn, theo lời dạy của các ông quản giáo. Thực tế, đối với tù nhân, rau không phải là để cải thiện bữa ăn mà dùng để độn thêm cho đầy cái dạ dày thường xuyên đòi hỏi của mình. Mọi người đều cần rau cho nhu cầu thuần túy sinh vật đó. Do đó, đất được chia ra, mỗi tổ một mảnh be bé, trên đó chúng tôi thực hiện sự thâm canh cùng cực. Buổi sáng sớm và buổi chiều lao động về, dù mệt mỏi, chúng tôi đều phải ra vườn rau để thực hiện sự thâm canh đó.
Hưng thì chẳng tham gia trồng trọt gì cả. Những lúc anh em lao động thêm, anh ngồi ủ rũ trong nhà hay đi lang thang về phía cổng, nhìn ra quang cảnh bên ngoài với nét mặt buồn bã thê lương. Việc nầy làm cho Hưng mất hết cảm tình với anh em trong tổ. Không nói ra, mọi người đều xem anh là kẻ lười biếng, hưởng thụ trên công sức của người khác, tránh đóng góp mồ hôi với những người đồng cảnh ngộ.
Tóm lại, tổ được bổ sung thêm người, nhưng chẳng phấn khởi chút nào, nếu không muốn nói đó là điều không may đáng phiền. Chỗ ngủ chật thêm một chút, phần rau cải thiện bị chia bớt một tí, không khí của tổ nặng nề thêm vì nét mặt lầm lỳ, không chút thân thiện của Hưng.
Thực ra, đó chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là chúng tôi bắt đầu nghi ngờ sự có mặt của Hưng trong trại cải tạo nầy.
Một hôm, Tứ tổ trưởng kéo tôi ra vườn rau, hỏi nhỏ:
- Anh nằm gần Hưng có để ý thấy gì ở nó không?
Tôi ngạc nhiên, trả lời:
- Không, chẳng thấy gì cả, nhưng tại sao anh hỏi tôi như vậy?
- Tôi nghi nó là thằng “ăng ten” (*). À, còn hơn cả“ăng ten” nữa. Tôi nghi nó là người do cách mạng đưa vào đây làm khổ nhục kế để “nằm vùng” trong chúng ta.
Tôi càng ngạc nhiên hơn:
- Tại sao anh nghi như vậy?
- Anh có thấy bản tự khai lý lịch của nó có nhiều điều đáng nghi ngờ và mâu thuẫn không?
Tôi sửng sốt nhìn Tứ:
- Không, tôi không để ý. Mâu thuẫn thế nào?
Tứ không trả lời ngay mà nhíu mày suy nghĩ một phút rồi ngập ngừng:
- Nếu nghi oan thì tội nghiệp cho nó mà mình cũng mang tội nữa. Sau thảm bại vừa qua, chúng ta bị đạp xuống tận đáy bùn đen. Hàng ngày chúng ta phải lắng nghe họ trút mọi tội _______________________________________________
(*)Ăng ten (antenne = dụng cụ thu phát sóng): điềm chỉ viên trong các trại tù.
lỗi trên cõi đời nầy lên đầu chúng ta. Phải cắn răng chịu đựng mọi câu chửi rủa và vu khống độc địa, mọi điều mắng nhiếc không tiếc lời của kẻ chiến thắng. Tôi nhớ, lúc còn đánh nhau, thỉnh thoảng đơn vị tôi có bắt được tù binh. Tôi có hành hạ và đánh đập họ với mục đích khai thác những tin tức nóng hổi ngoài chiến trường, tuy nhiên tôi không bao giờ làm nhục họ để thỏa mãn lòng kiêu căng của kẻ chiến thắng. Đặc biệt là đối với cấp chỉ huy của họ, tôi càng giữ gìn lời ăn tiếng nói, lịch sự với những người đồng cấp đối mặt trong chiến tranh. Từ nhỏ, chúng ta đã được giáo dục tinh thần thượng võ, không được làm nhục người đã ngã ngựa. Thế mà….
Câu nói bị bỏ lửng, nét mặt anh rầu rầu. Tôi cảm thông nỗi buồn của anh. Qua lý lịch mà anh khai, tôi biết anh xuất thân trường Võ bị Quốc gia Đà lạt. Những người được đào tạo từ trường nầy đều là những sĩ quan giỏi, có tư cách và có tinh thần thượng võ rất đáng khen. Vì vậy, dù là sĩ quan bại trận, anh không giấu được vẻ buồn phiền khi bị đối phương cố tình hạ nhục một cách hèn hạ.
Anh thở dài, nói tiếp:
- Dưới hố bùn đen nầy mà chúng ta còn nghi ngờ nhau, rồi đi đến cấu xé nhau thì đó thực là điều vô đạo đức cùng cực. Tôi biết thế nhưng tôi không thể loại bỏ sự nghi ngờ nó trong lòng tôi được.
Tôi cảm thấy lòng mình trĩu xuống thực nặng nề. Tứ ngồi xổm trên mặt đất, tay bứt một cọng cỏ, đưa vào miệng nhâm nhi. Anh tiếp tục, giọng đều đều:
- Tôi muốn nói với anh sự nghi ngờ của tôi. Đúng hay sai lòng tôi cũng được nhẹ nhàng đôi chút.
Tôi nhìn Tứ, vừa an ủi vừa khuyến khích:
- Tôi hiểu anh. Anh cứ nói đi.
- Trước hết, trong bản tự khai lý lịch, nó bảo thuộc lữ đoàn 25 Thủy quân lục chiến. Trước đây đã vài lần tôi hành quân chung với thủy quân lục chiến, nhưng tên lữ đoàn đó thì nghe rất lạ tai.
Tôi cãi lại ngay:
- Anh là sĩ quan bộ binh thì làm sao biết được tất cả đơn vị của binh chủng khác.
- Đúng vậy, cho nên tôi phải đến tổ Một hỏi bạn tôi là trung úy thủy quân lục chiến. Anh ta xác nhận là không có lữ đoàn 25 trong binh chủng nầy.
Tứ ngừng nói, cúi xuống đất, nét mặt trầm tư. Nhìn anh, tôi thấy lòng mình bắt đầu hoang mang. Tuy vậy, có một khuynh hướng thầm kín nào đó trong lòng thúc đẩy tôi phải bênh vực cho Hưng:
- Lý do nào Hưng bịa ra tên của một lữ đoàn thủy quân lục chiến thì tôi không thể biết được. Nhưng điều đó chưa đủ thuyết phục để chúng ta lên án Hưng.
- Đúng vậy, tôi không lên án mà chỉ nghi ngờ thôi. Và đó không phải là biểu hiện duy nhất mà tôi nghi ngờ.
- Thế còn gì nữa?
Tứ lại trầm ngâm một lát và nói nho nhỏ:
- Tại sao Hưng vào trại cải tạo trễ đến một tháng?
- Có thể vì nhiều lý do trong đó có lý do đào ngũ trước 30 tháng tư năm 1975.
Giọng Tứ có chút đanh thép:
- Theo lời Hưng thì nó đã đào ngũ từ giữa năm 1974. Một đại úy Thủy quân lục chiến đào ngũ trong thời gian chiến tranh đang ác liệt, đó là một chuyện khó tin. Nhưng thôi, tôi bỏ qua điều đó. Điều tôi muốn nói là theo lệnh ủy ban quân quản thì chỉ những sĩ quan cấp úy tại ngũ cho đến tháng tư năm 1975 mới trình diện học tập. Vậy thì nó đâu có phải chia sẻ số phận tù tội của chúng ta.
Tôi không biết trả lời thế nào về lập luận nầy nên nhìn Tứ một cách tò mò:
- Thế thì anh cho việc vào trại trễ của Hưng có ý nghĩa gì?
- Tôi chưa dám khẳng định điều gì cả. Nhưng tôi không thể tránh được sự suy diễn như thế nầy. Cái chuyện cách mạng đưa người vào nằm vùng khắp nơi để thu thập tin tức thì không ai chối cãi được. Chúng ta đang nằm hoàn toàn trong sự kiềm tỏa của họ, nhưng ở cái nơi tập trung toàn thành phần ưu tú của chế độ thù nghịch với họ thì việc cài người vào dò xét là điều họ phải nghĩ đến.
Tôi cãi lại:
- Dò xét là khi hai bên đang đánh nhau còn bây giờ dò xét chúng ta để làm gì nữa? Không lẽ họ sợ chúng ta còn khả năng lật ngược thế cờ hay sao?
- Không, họ không sợ. Kẻ thù của họ đã bị đánh bại hoàn toàn rồi, không còn được một phần triệu cơ may ngóc đầu dậy được. Tuy nhiên, nghi ngờ là bản chất cố hữu của họ và dò xét là thói quen không thể thiếu. Ngay như vợ chồng, cha con, anh em ruột thịt cũng phải dò xét nhau nữa kia mà. Lại còn điều nầy nữa. Họ bắt chúng ta làm đi làm lại mãi bảng tự khai, trong đó điểm chính yếu được đặt sau cùng là cho biết kho tàng, vũ khí còn cất dấu. Họ không bao giờ tin chúng ta thành thật khai báo nên đưa người vào đây để lắng nghe những câu chuyện giữa anh em mình với nhau hầu phanh phui thêm các bí mật. Đó là điều rất hữu lý.
Tôi vẫn chưa chịu khuất phục bởi lý lẽ của Tứ nên bẻ lại:
- Vậy thì tại sao cái thằng cha “nằm vùng” đó không vào ngay lúc đầu với chúng ta mà phải đợi một tháng sau làm cho mọi người phải lưu ý đề phòng?
- Chiến thắng của họ quá nhanh. Họ đâu có ngờ sức chống cự chúng ta quá yếu như thế. Ngày 30 tháng tư đến với họ thực bất ngờ, nên sau ngày đó họ không thể tránh khỏi lúng túng; có nhiều công việc cấp bách phải giải quyết trước. Nội cái việc gom hết chúng ta lại để cho vào rọ cũng chiếm rất nhiều thì giờ của họ. Khi tất cả chúng ta đã nằm yên trong rọ rồi thì họ mới rảnh rỗi để tính đến chuyện cử người đưa vào đây để “làm bạn” với chúng ta.
Tôi im lặng nhìn nụ cười hóm hỉnh trên môi Tứ. Đột nhiên, anh hỏi:
- Anh có để ý Hưng không bao giờ tâm sự với ai không?
- Có, tôi thấy. Nhưng điều đó có nghĩa gì?
Tứ buông tiếng cười chế nhạo:
- Anh khờ quá. Nếu hắn là sĩ quan giả mà đi tâm sự với sĩ quan thứ thiệt thì chỉ vài câu thôi là bại lộ ngay. Làm sao nó rành được công việc quá khứ của chúng ta để mà tâm sự. Nội cái ngôn từ thôi cũng đủ chứng minh sĩ quan thực hay giả rồi.
Tôi không bác được lý lẽ của Tứ nhưng vẫn chưa tâm phục. Vì tự ái hay vì muốn bênh vực cho Hưng? Có lẽ cả hai. Do đó, tôi cố cãi lại:
- Nhưng anh thấy không? Trong các buổi học tập, Hưng vẫn tỏ ý thờ ơ chứ đâu có phát biểu sặc mùi cách mạng như một vài anh em mình?
Tứ đưa tay lên che miệng; một tiếng cười to bị dằn xuống thành tiếng cười “ục ục” trong cổ họng:
- Nó đâu có ngu đến nỗi muốn chứng tỏ mình rành lý luận cách mạng. Nó vào đây đâu phải vì mục đích học tập cho tốt để sớm về sum họp với gia đình đâu. Những bài học cách mạng có nội dung là lôi ba đời mình ra mà chửi rủa; chửi cả ông nội, cả cha mình là cái bọn liếm gót giày thực dân đế quốc. Điều đó có liên can gì đến nó mà bảo nó chẳng thờ ơ.
Rõ ràng tôi đuối lý nhưng vẫn chưa muốn tin hẳn vào lời nói của Tứ. Tôi nghĩ đến Hưng, đến tấm thân gầy còm mệt mỏi của người thanh niên tuổi đời chưa tới ba mươi. Tôi nghĩ đến đôi mắt buồn thảm, trong đó tôi không đọc được một chút gì gọi là gian xảo. Tôi nghĩ đến đôi môi mỏng, luôn luôn mím chặt như để đè nén thường xuyên cảm xúc trong lòng. Tôi nghĩ đến những buổi lao động, Hưng cắm cúi làm theo sự phân công, không hăng hái cũng chẳng phàn nàn. Tôi nhớ đến những buổi học tập tại hội trường, Hưng ngồi hai tay chống vào cằm, thẫn thờ nhìn vào một nơi thực xa vắng. Tôi nhớ những buổi thảo luận tại tổ, khi phải phát biểu theo sự luân phiên vòng tròn, Hưng nói lắp ba lắp bắp chẳng đâu ăn nhập vào đâu. Tôi nhớ lại vài lần trong đêm thanh vắng, giật mình tỉnh giấc, tôi nghe Hưng trở mình và thở dài nhè nhẹ.
Tất cả những điều đó đã gây trong lòng tôi một cảm tình càng ngày càng đậm đối với Hưng. Đó là loại cảm tình có pha lẫn xót thương nảy sinh một cách tự nhiên trong chúng tôi, những người cùng chia sẻ chung một số phận, có chung nỗi cay đắng của người thất trận, có chung nỗi mong ước sum họp gia đình khi chiến tranh đã đi qua, dù mỗi người có riêng một gia cảnh và dự tính tương lai khác nhau.
Bây giờ, sau những điều mà Tứ vừa nói, tôi cảm thấy rờn rợn. Kẻ đáng nghi ngờ đó đang sống chung với tôi hàng ngày và nằm chung sát bên tôi hàng đêm. Kẻ đáng nghi ngờ đó luôn luôn lắng nghe mỗi lời tôi nói để báo cáo lên cấp trên của hắn. Hắn cố len lỏi vào tận bề sâu tư tưởng tôi để khám phá ra dấu vết của sự tiếc nuối chế độ cũ trong tôi. Tôi cảm thấy bị bao trùm trong cái nhìn dò xét của hắn suốt cả ngày, và biết đâu, ban đêm hắn cũng ngửi cả hơi thở của tôi để đoán xem trong đó còn có mùi phản cách mạng hay không!
Nếu đúng như thế thì hắn là đứa nằm vùng thực đáng nể và đáng sợ. Sự u sầu của hắn chỉ là giả tạo. Hắn đã nhập vai quá tài tình. Ý nghĩ đó làm cho tôi vừa kinh hãi vừa buồn phiền. Tôi quay sang hỏi Tứ:
- Theo anh, bây giờ mình phải làm gì?
Tứ lắc đầu:
- Chẳng làm gì cả. Chúng ta chỉ để ý xem nó có biểu lộ điều gì để khẳng định thêm là làm “ăng ten” hay “nằm vùng”, thế thôi.
Tôi cảm thấy rờn rợn ở xương sống nên nhìn thẳng vào mắt Tứ:
- Nếu xác định nó là kẻ gian thì chúng ta phải hành động thế nào?
Tứ cười nhưng giọng nói thực buồn:
- Bộ anh muốn khử nó sao? Đừng có ý nghĩ điên rồ đó. Trong quá khứ, tôi đã từng là trung đội trưởng, đại đội trưởng và tiểu đoàn phó tác chiến, đã được năm cái anh dũng bội tinh, vàng bạc đồng đủ cả. Dĩ nhiên tôi đã hạ sát nhiều người ngoài chiến trường. Nhưng bây giờ tôi đã đầu hàng, đã buông súng. Chuyện giết chóc thuộc về quá khứ rồi. Trước đây, tôi đã chọn binh nghiệp cho đời mình. Sự sụp đổ của miền Nam cũng chính là sự sụp đổ của cuộc đời tôi. Tôi đang sống những ngày thừa thãi trên thế gian nầy. Tôi không muốn làm hại ai nữa, kể cả những người đang hành hạ mình.
- Thế thì anh nói với tôi những điều đó để làm gì?
- Để anh đề phòng. Với hắn thì anh nên giữ gìn lời ăn tiếng nói. Tôi đã chỉ định chỗ nằm của nó trong cùng nên nó chỉ nằm gần anh thôi. Nếu anh thấy có dấu hiệu nào khác thì cho anh em biết để cùng đề phòng, thế thôi.
Tôi cố cãi lại:
- Nhưng đề phòng như thế để làm gì? Tôi nghĩ rằng mình đâu còn giấu giếm cách mạng điều gì nữa?
Tứ cười gằn:
- Anh có chắc như thế không? Đúng, anh không còn giấu giếm kho tàng vũ khí nhưng những gì thầm kín trong tư tưởng, anh đã phơi bày hết cho cách mạng hay chưa? Anh có dám nói với quản giáo rằng anh vẫn còn thích chế độ cũ, rằng anh chán ghét cộng sản và lên án cuộc chiến tranh tàn khốc mà họ gây ra?
Tôi ngạc nhiên về những lời đó của Tứ nên im lặng nhìn sững anh. Tứ vỗ vai tôi và nói tiếp:
- Chắc chắn, cách mạng đang suy xét để cho mỗi người chúng ta một bản án. Họ dựa vào hành động trong quá khứ của chúng ta và cũng muốn kết hợp với tư tưởng trong hiện tại của chúng ta nữa. Nếu anh muốn sớm về với vợ con thì phải lưu ý điều nầy và cẩn thận về lời ăn tiếng nói với kẻ bị nghi là “nằm vùng”. Tôi xin nhắc lại điều đó với anh.
Trời đã chập choạng tối; Tứ dợm đứng dậy để về phòng giăng mùng khi còn lờ mờ ánh sáng hoàng hôn. Đầu óc tôi quay cuồng nên chưa muốn chấm dứt câu chuyện. Tôi níu Tứ lại:
- Nhưng nếu Hưng “nằm vùng” thì nó phải hoạt bát ba hoa để gợi cho mình bộc lộ ý nghĩ chứ.
Tứ cười:
- Đúng vậy, có loại “nằm vùng” sử dụng cái miệng để gợi cho người khác xì ra những điều mà anh ta muốn thu thập. Nhưng có loại “nằm vùng” chỉ dùng hai lỗ tai và đôi mắt mà thôi. Tôi đã có nói khi nãy rồi, nếu là sĩ quan giả mạo mà ba hoa thì hỏng bét, hiểu chưa?
Tôi thực ngạc nhiên vì lý lẽ xác đáng của Tứ nên hỏi anh một cách tò mò:
- Anh là sĩ quan tác chiến mà sao rành như sĩ quan an ninh vậy?
- Trước khi nắm đại đội, tôi có tạm giữ chức vụ sĩ quan “ban Hai” của tiểu đoàn vì thiếu người. Tôi có đi học một khóa cấp tốc về tình báo và phản gián. Nhưng thôi, đó là chuyện quá khứ, không nên nhắc lại nữa.
Chúng tôi cùng đứng dậy để về phòng. Bỗng dưng tôi sực nhớ lại một điều nên tiếp tục nói với Tứ:
- Anh Tứ nầy, anh có nhớ cách đây hai tuần, quản giáo gọi Hưng lên trình diện trong đợt học tập chính trị vừa qua không? Tôi nhớ rồi, trước đó một ngày trong hội trường, tôi thấy Hưng hí hoáy viết cái gì đó trong tập học. Chắc chắn không phải ghi bài học chính trị vì Hưng không bao giờ chú ý nghe giảng bài. Sau đó, tôi thấy Hưng cầm giấy đi đến phòng quản giáo, chắc chắn là đưa tờ giấy đó rồi.
Tứ vỗ vai tôi:
- Đó cũng là dấu hiệu cần để ý. Nhưng những dấu hiệu lộ rõ như thế thì ít nguy hiểm bằng những hành động kín đáo. Cái tờ giấy mà hắn viết và đưa đi cho anh thấy được chẳng chứa điều gì quan trọng đâu. Nhưng thôi, tôi nhắc lại là chỉ mới nghi ngờ. Đừng tỏ thái độ gì vì có thể làm tăng thêm đau khổ trong nỗi khổ đau cùng cực nầy của anh em.

Câu chuyện với Tứ khi chiều làm tôi mất ngủ phần lớn đêm đó. Tôi nằm thao thức trong không gian vắng lặng. Tôi suy nghĩ miên man mà nhớ lại rằng trước đây, khi còn trong quân ngũ, tôi rất ít khi nằm lắng nghe sự tĩnh mịch của không gian thanh vắng như thế nầy. Lúc đó màn đêm thường không liền lạc mà bị xé rách bởi những tiếng nổ khi thì gần sát bên đồn, khi thì lạc lõng nơi xa. Bây giờ hòa bình đến rồi, và chúng tôi đang hưởng hòa bình ở một không gian nhỏ hẹp, nơi đó lúc nhúc hơn một ngàn người trong một nếp sống không hẳn là của con người.
Có tiếng nằm mơ ú ớ của người nào đó ở phòng bên, nghe rất rõ trong đêm vắng lặng. Anh ta mơ thấy mình đang xông pha trên trận mạc? Hay là anh ta mơ thấy mình đang hưởng thanh bình bên vợ con trong gian nhà nhỏ đơn sơ ở một làng quê an lành? Có Trời mới biết được.
Tôi quay sang nhìn Hưng. Trong vầng sáng lờ mờ do ánh trăng rọi qua mặt trước toang hoác của gian nhà, tôi thấy anh nằm co quắp như con tôm. Tôi ghé mặt sát mùng nhìn kỹ. Hưng ngủ say, hơi thở đều đều. Trong lòng tôi, lẫn lộn hai tình cảm trái ngược nhau: tính xót thương người đồng cảnh ngộ cùng lúc với sự ghê sợ kẻ đang rình mò và dò xét sự sống dưới đáy bùn đen của chúng tôi.

Vài hôm sau, một chuyện buồn xảy ra làm cho ý nghĩ về Hưng càng nặng nề thêm.
Từ hơn một tháng nay, những người trong tổ của chúng tôi thân mật như anh em một nhà. Chúng tôi giúp đỡ nhau trong lao động, chúng tôi nhường nhịn nhau trong lời nói, chúng tôi săn sóc nhau khi bệnh hoạn. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi rất cần nhưng không thể giúp nhau được, đó là sự đòi hỏi thường xuyên của cái dạ dày của tuổi còn trai trẻ chúng tôi. Và Quý, anh chàng có tiếng ca nhức óc, đã một lần làm thỏa mãn dạ dày chúng tôi bằng một việc hết sức tài tình, trong một buổi lao động bên ngoài trại.
Nơi làm lao động là một khu đất hoang khá rộng gọi là “bãi tăng gia”. Mỗi buổi có một quản giáo dẫn nhiều tổ cùng đi. Công việc thông thường của chúng tôi là dọn cỏ, khẩn hoang, cuốc đất, trồng hoa mầu. Dẫn chúng tôi đến nơi xong, quản giáo thường đi mất biệt, đến hết giờ mới trở về để “nghiệm thu thành quả công tác cải tạo bằng lao động” rồi lùa chúng tôi vào trại. Trong suốt buổi lao động chỉ có một hay hai chú bộ đội, gọi là cảnh vệ, canh chừng chúng tôi thôi. Chưa có ai bỏ trốn nên việc canh chừng có phần lơi lỏng. Thái độ của bộ đội với chúng tôi cũng chẳng có gì gọi là ác cảm.
Hôm đó, Quý đến xin chú cảnh vệ mồi lửa điếu thuốc. Tôi có ý nhìn theo cho vui. Hai người trao đổi một đôi câu, chú cảnh vệ gật đầu. Tôi thấy Quý móc túi trao cái gì đó cho chú lính rồi trở về làm việc, nét mặt hết sức thản nhiên.
Chiều lại, trở về trại, Quý vội vàng tắm rửa, đem cái ca của mình ra để trên sạp, bảo anh em chia cơm cho anh và để dành đó. Anh vội vàng mặc áo rồi đi ra. Hành vi bất thường nầy làm cho tôi rất ngạc nhiên nhưng các anh em khác thì hình như không chú ý lắm. Cơm cũng vừa được trực nhật mang về chia đều mười phần. Loáng một cái, tôi nuốt hết ca cơm, hớp một ngụm nước lạnh rồi lập tức ra khỏi phòng. Tôi thực tò mò muốn biết bạn mình làm điều bí mật gì.
Tôi thấy Quý một mình lom khom nhổ cỏ ngoài vườn rau, trên khu đất cạnh đường đi ra vọng gác của bộ đội. Tôi quá đổi ngạc nhiên. Vuông đất nầy của bếp khác chứ không phải mảnh đất chia cho tổ tôi. Quý lại là anh chàng nhiều lần bị phê bình là lười lao động. Bây giờ, rõ ràng trước mặt tôi, cái anh chàng mê ca hát hơn lao động nầy lại chịu đói meo nhổ cỏ cho tổ khác, bỏ cả ca cơm đang nguội lạnh trong phòng.
Tôi quay mặt ra hướng cổng thì thấy một chú bộ đội vác súng đi vào. Mỗi ngày, cứ đến giờ nầy là có một chú đi qua để đến cái vọng gác ở hàng rào kẽm gai giữa khoảng trống phía sau trại. Ban ngày, vọng gác nầy bỏ trống vì, từ hai vọng gác ở hai góc, người ta có thể quan sát toàn trại và dọc theo hàng rào, chỉ đến tối mới có lính canh.
Chú cảnh vệ từ từ đi đến khu vườn, mặt nghiêm nghị hướng thẳng về phía trước, tay phải cầm dây súng, tay trái buông thỏng đánh nhịp theo bước chân. Chú không mang vật gì theo ngoài cây súng và băng đạn ở thắt lưng. Nhìn là tôi biết rõ, gác xong phiên mình chú sẽ về nhà ngủ.
Chú khoan thai đi đến giữa vườn rau rồi đột ngột dừng lại. Tôi hồi hộp nhìn theo. Chú bước một bước ra khỏi con đường mòn, đứng giữa hai luống lang xanh um. Và… chú vạch quần ra để tiểu tiện. Xong chú quay lui, vừa cài nút quần vừa bước về hướng vọng gác. Đúng lúc đó, Quý nhỏm dậy, vội vàng nhảy qua các luống rau, thẳng đến nơi chú cảnh vệ vừa đi tiểu xong. Quý ngồi thụp xuống đúng chỗ đó và đứng dậy ngay, một tay bợ vạc áo trước; có cái gì cồm cộm trong đó. Quý bước nhanh về phòng và khi thấy tôi, anh cười toe, nheo một mắt và nhìn xuống bụng như để khoe cái báu vật gì đó trong áo của anh. Trại chật hẹp chứa cả ngàn người nên chỗ nào cũng có người qua lại hay thơ thẩn dạo chơi. Tuy nhiên, ngoài tôi ra có lẽ chẳng ai để ý chuyện vừa xảy ra.
Tôi theo chân Quý về phòng, háo hức muốn biết cái vật mà anh mang về từ nơi mà chú cảnh vệ đứng tiểu. Chắc chắn không phải là lá thư vì nó nổi cộm khá to. Hay là băng đạn hoặc vũ khí mà chú bộ đội đánh rơi? Mấy thứ đó Quý mang về làm gì để rước họa vào thân cho riêng anh và cho cả tổ nữa.
Chúng tôi đã về đến chỗ ở. Quý đi trước, thẳng vào cuối phòng, nơi chỗ ngủ của Hưng. Anh đứng áp hai đùi vào sạp tre, buông thỏng vạt áo trước, các vật rơi ra.
Ba gói mì ăn liền!
Nhiều người bước lại vây quanh, vừa mừng rỡ, vừa thán phục. Cúc và Tiến cũng bỏ bàn cờ bước vào hỏi dồn:
- Mày đào đâu ra mấy món quý giá nầy?
- Tao nhờ bộ đội mua. Mua sáu gói, tao lấy ba thôi.
Tôi chen lời:
- Sáng nay anh đưa tiền ngoài bãi lao động khi đến xin mồi điếu thuốc, phải không nào?
Quý ngạc nhiên quay lại:
- Phải, sao anh biết?
- Tôi nhìn thấy. Nhưng vừa rồi, khi chú cảnh vệ vác súng vào, tôi thấy chú đi tay không mà.
Quý cười:
- Nó nhét trong quần. Khi vạch c… ra đái thì đẩy mấy gói nầy tuột theo ống quần.
Chết cha rồi”. Cúc vừa la to vừa chụp một gói mì đưa lên mũi ngửi, xong bỏ xuống đưa tay vuốt ngực:
- May quá, không hề gì, chẳng có mùi “của quý” của bộ đội chút nào cả. Ăn được.
Cả phòng phá lên cười vui vẻ.
Trưa hôm sau, chúng tôi được ăn cơm với canh gồm mì gói nấu rau lang. Ngon tuyệt trần!
Sau bữa cơm, chúng tôi bàn tính hùn hạp để tiếp tục trò chơi lý thú nầy. Tứ cẩn thận hơn tất cả, đề nghị không nên làm thường xuyên để tránh bị lộ. Chúng tôi, đa số muốn Quý thực hiện lần thứ nhì ngay ngày hôm sau, nhưng Tứ cương quyết cản lại. Không ai ngờ sự cẩn thận của Tứ rất chính xác, đó là những gói mì đầu tiên và cũng là cuối cùng mà chúng tôi được thưởng thức tại đây vì chuyện rắc rối xảy ra ngay ngày hôm sau.
Buổi chiều, lao động về, Quý bị gọi lên trình diện tại văn phòng quản giáo. Chúng tôi hồi hộp theo dõi. Một lát sau, cả trại sững sờ khi thấy anh bị trói thúc ké, nghia là hai tay bị cột chung sau lưng bằng một sợi dây thừng. Cảnh vệ dẫn anh vào nhốt trong chiếc thùng sắt gọi là conex (container for export = thùng chứa để xuất khẩu) mà quân đội Mỹ dùng để chở quân dụng sang Việt Nam trước đây. Cái thùng nầy hình lập phương, mỗi cạnh khoảng hai thước.
Cả trại đều nhốn nháo, không biết chuyện gì đã xảy ra. Anh em bàn tán, tưởng tượng ra đủ loại lý do. Riêng chúng tôi trong tổ thì biết quá rõ. Đó là hậu quả của món canh mì gói tuyệt vời của ngày hôm qua mà cả tổ đã thưởng thức.
Bữa cơm chiều thiếu mất Quý, nhưng chúng tôi vẫn chia đủ cho mười phần. Ca cơm của người bạn bất hạnh được đậy nắp và để dành cho anh. Để dành đến lúc nào? Chúng tôi, mỗi người đều tự hỏi như thế, người nào cũng im lặng, mặt buồn xo. Cơm nước xong, chúng tôi ngồi ủ rũ mỗi người một xó, không buồn nói chuyện với nhau. Cúc và Tiến cũng bỏ luôn bàn cớ tướng. Hai anh rủ nhau đến tổ Mười, ở cuối dãy nhà, nơi gần thùng conex dùng nhốt Quý bên trong. Hai anh ngồi bệt trên thềm nhà, đăm đăm nhìn chiếc thùng màu xám đen im lìm, không một tiếng động nhỏ bên trong dội ra.
Màn đêm từ từ buông xuống. Mọi người lẵng lặng giăng mùng lên và chui vào, nằm thao thức, thỉnh thoảng chép miệng thở dài.
Tôi nhìn sang Hưng và chợt nhớ đến sự nghi ngờ của Tứ. Bỗng dưng tôi cảm thấy một luồng hơi lạnh xuất phát từ cổ chạy dài theo xương sống đến tận mông. Tôi nhè nhẹ áp sát mặt vào mùng và nhìn vào mặt Hưng. Trăng hạ tuần chưa lên nên trong phòng quá tối, tôi chỉ thấy được một thân mình dài thượt nằm im, thỉnh thoảng đưa tay gãi nhè nhẹ vào trán.
Tôi nằm ngửa ra trở lại, cố thư giãn để đi vào giấc ngủ, nhưng nhiều câu hỏi cứ bám chặt vào óc tôi.
Tại sao quản giáo biết được việc làm của Quý? Ai đã nhanh chóng báo cáo việc nầy lên quản giáo? Có phải là Hưng không? Nếu đúng như thế thì quá tàn nhẫn. Bữa ăn hôm qua được chia đều và Hưng cũng có một phần y như người khác. Cái bộ mặt hiền lành và buồn bã đó dùng để che đậy một dã tâm của loài lang sói hay sao? Trong cuộc đời, tôi đã từng nghe kể lại vô số chuyện tán tận lương tâm; chuyện thầy giáo miệng dạy đạo đức mà lòng nghĩ cách dụ dỗ nữ sinh; chuyện linh mục một tay cầm quyển thánh kinh còn tay kia bán phẩm vật cứu trợ nhân đạo để bỏ túi riêng; chuyện nhà sư thanh cao khổ hạnh trước phật tử nhưng lại có cuộc sống riêng tư trần tục hơn cả người trần tục. Tuy nhiên, đó là những chuyện ngoài đời, cách cuộc sống nội tâm của tôi một khoảng vừa đủ để không gây xúc động sâu xa. Còn ở đây, cuộc sống bên ngoài lẫn bên trong của chúng tôi đang bị bó chặt lại với nhau một cách sít sao, làm sao tôi không kinh tởm được con người ngày đêm thở chung một bầu không khí với tôi.
Tôi thao thức mãi với muôn ngàn ý nghĩ nặng nề và chỉ ngủ được vài giờ cuối cùng của một đêm.
Sáng hôm sau, vào giờ xuất phát đi lao động, quản giáo ra lệnh cho chúng tôi tập họp lên hội trường. Ai cũng biết nguyên nhân sự tập họp bất thường nầy, đó là việc Quý bị nhốt vào conex suốt đêm cho đến giờ nầy vẫn chưa được thả ra . Khi chúng tôi đã hàng ngũ chỉnh tề, ông quản giáo trưởng bước lên bục thuyết trình, khom lưng mở máy khuếch âm. Tiếng hú vang lên chói tai làm nhiều người nhăn mặt. Quản giáo vội vặn nút điều chỉnh và bắt đầu lên tiếng. Sau vài câu chửi rủa Mỹ ngụy như thông lệ, ông ta bắt đầu vào đề:
- Cách nay hai ngày, một trong các anh đã vi phạm nội quy của trại. Tất cả các anh đã được học nội quy nhiều lần và đã được biết việc gì cấm, việc gì được làm. Trong các điều cấm thì quan trọng nhất là cấm liên hệ với dân. Tại sao vậy? Các anh bị mất quyền công dân vì đã làm tay sai cho những kẻ bán nuớc để chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Mất quyền công dân thì các anh không được nói chuyện với bất kỳ công dân nào bên ngoài.
Quản giáo trưởng ngừng nói, nuốt nước bọt, nhìn ra cửa. Mọi người nhìn theo. Tim tôi thót lại khi Quý bước vào cùng một ông quản giáo. Áo quần Quý chỉnh tề, mặt mũi sạch sẽ, tóc tai gọn gàng. Anh bước thong thả, nét mặt bình thản, có phần vui tươi, không dấu cái vẻ bất chấp cuộc đời. Nhìn anh, tôi rất ngạc nhiên. Mọi người cũng đều ngạc nhiên không kém. Ai cũng biết đêm rồi anh bị nhốt trong thùng chật hẹp, ắt phải thao thức suốt năm canh. Tôi sực nhớ anh là một sĩ quan chiến tranh chính trị trước đây.
Quý bước thẳng đến phía sau bục thuyết trình. Tôi có cảm giác anh sắp mỉm cười rồi cầm máy vi âm hát bài ca quen thuộc:

Trường sơn đông (ự), Trường sơn tây (ự), hai đứa ở hai đầu xa thẳm….

Nhưng không, anh vẫn đứng yên trong khi ông quản giáo trưởng tiếp tục hét trong máy:
- Tuyệt đại đa số các anh chấp hành đúng nội quy, học tập tốt để được đảng và nhân dân khoan hồng sớm cho về sum họp với gia đình. Nhưng có người chưa thực tốt, vẫn còn vi phạm nội quy. Như anh Quý đây đã liên hệ với dân để nhờ mua thức ăn. Anh Quý lên đây nhận lỗi trước tập thể.
Quý chậm rãi cầm máy vi âm do quản giáo trao. Cả ngàn người trong hội trường im phăng phắc, hơn hai ngàn con mắt mở to nhìn anh. Giọng anh vang lên, từ tốn, rõ ràng, trôi chảy, bình tĩnh:
- Tôi là Nguyễn đình Quý, cải tạo viên. Tôi công nhận là học tập chưa được tốt nên còn vi phạm nội quy của trại. Tôi đã tiếp xúc với dân để nhờ mua ba gói mì ăn liền về cải thiện bữa ăn. Tôi xin chịu kỷ luật của trại. Kể từ hôm nay, tôi hứa không vi phạm kỷ luật theo kiểu đó nữa và hứa cố gắng học tập tốt, cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của nhân dân. Hết!
Anh nhẹ nhàng đặt máy vi âm xuống và đứng sang một bên, nét mặt vẫn bình thản, nghiêm trang, miệng hơi nhếch lên trong nụ cười kín đáo. Cả hội trường nín thở chờ phản ứng của quản giáo. Ông nầy khẽ nhíu mày vì gương mặt quá bình thản, giọng nói quá tự nhiên và mạch lạc của Quý, không chứng tỏ chút nào sự hối lỗi của mình. Tuy nhiên nội dung lời nói thì rất đúng với chủ trương cải tạo nên quản giáo đành phải kết luận:
- Anh Quý biết tự phê thế là tốt. Đây là quyết định của lãnh đạo. Thứ nhất là phạt anh Quý một đêm tạm giam. Anh Quý đã thọ phạt xong, nay trở về sinh hoạt bình thường với anh em. Thứ hai là tập thể cũng phải chịu trách nhiệm chung vì đã không góp phần giáo dục cá nhân. Cả tổ của anh Quý bị phạt cắt một bữa cơm. Ngày mai, bếp Hai bị bớt mười phần gạo của một bữa tức là năm phần gạo của một ngày. Hết. Bây giờ, các anh trở về phòng để đi lao động. Giải tán.
Tiếng lao xao nổi lên, mọi người đứng dậy ra khỏi hội trường, cúi đầu lủi thủi trở về và lập tức được dẫn ra bãi làm lao động. Hôm nay ra trễ vì mất hơn một giờ “học tập đột xuất” trên hội trường nên chúng tôi im lặng cố gắng làm cho hết “chỉ tiêu” trong ngày. Đến lúc nghỉ giải lao giữa buổi, mọi người trong tổ xúm lại hỏi thăm Quý. Tôi lên tiếng trước hết:
- Cả đêm anh có bị muỗi đốt không?
Quý cười rất hồn nhiên:
- Chẳng có con nào cả. Đó là nơi thi hành kỷ luật nên bọn muỗi sợ không dám bay lại gần.
Nói xong, anh cười ha hả. Cúc chen lời, giọng đầy áy náy:
- Chắc mày ngồi thức cả đêm vì làm sao nằm được với hai tay bị trói sau lưng.
- Không, họ cởi trói trước khi tống tao vào thùng và bấm khóa. Tao ngủ một giấc thực ngon lành.
Tôi tranh lời hỏi Quý:
- Tại sao anh khai mua mì của đồng bào mà không khai là nhờ bộ đội mua?
- Lúc đầu mới bị kêu lên, tôi biết chuyện bị bại lộ rồi nhưng chưa rõ bại lộ tới mức nào. Đến khi họ hỏi: “anh gởi tiền cho dân mua mì phải không?” thì tôi gật đầu ngay lập tức.
Cúc tỏ vẻ tức giận:
- Đó là một cách mớm cung của quản giáo. Tại sao mày không khai thực. Mày muốn che chở cho thằng bộ đội à? Mày có biết khai nhờ dân mua là thêm tội cho mình không? Nội quy có ghi rõ tuyệt đội cấm liên hệ với dân. Khi nãy, quản giáo trưởng bảo rằng cấm là vì chúng ta bị mất quyền công dân, không được tiếp xúc với người khác. Xạo, cả miền Nam nầy có ai còn quyền công dân đâu mà phân biệt người nầy với người kia. Họ cấm mình liên hệ với dân vì sợ mình biết thực trạng bên ngoài mà không tin lời họ “giáo dục” nữa. Họ cũng sợ mình thăm hỏi đường đi nước bước để trốn trại, họ sẽ bị cấp trên khiển trách cũng như giữ bò mà để mất bò vậy thôi. Điều đó mày biết quá rõ rồi nên nếu hôm qua mày khai nhờ bộ đội mua thì đâu có đến nỗi bị trói tay dẫn đi và bị nhốt trong conex. Sao mày ngu vậy?
Quý vỗ vai bạn, cười nhưng không dấu được sự cảm động:
- Đúng là tao không muốn khai bộ đội vào việc nầy. Không phải tao thương gì nó nhưng tao không muốn ai khác bị phương hại vì việc tao làm, kể cả bộ đội.
Cúc dịu giọng tiếp lời, giọng diễu cợt:
- Mày bảo vệ cho uy tín của bộ đội cũng phải. Khi nãy mày phát biểu trên hội trường thiệt hay, rất đúng với chủ trương đường lối của đảng và nhà nước.
Quý cười to:
- Không đúng sao được. Học tập tốt, cải tạo tốt để trở thành người lương thiện, sớm được nhân dân tha thứ mà.
Quý hạ giọng, ra vẻ bí mật:
- Nhưng tụi bây có để ý không? Tao hứa không vi phạm nội quy theo kiểu đó nữa, tức là cái kiểu nhờ dân mua, còn kiểu khác, như nhờ bộ đội mua thì tao đâu có hứa là sẽ không làm.
Quý cười to. Sự thoải mái của anh làm cho mọi người vui lây. Chúng tôi đồng đứng lên trở lại với công việc vì đã hết giờ giải lao.
Một ngày lao động đi qua êm ả. Buổi chiều, sau khi cơm nước xong, Tứ tổ trưởng kéo tôi ra ngoài vuờn rau. Vừa ngồi xuống, Tứ nói ngay:
- Anh nghĩ thế nào về chuyện vừa qua?
Tôi hỏi lại:
- Anh muốn nói chính Hưng là thủ phạm tố cáo Quý phải không?
- Tôi không thể đoan chắc được, nhưng sự nghi ngờ của tôi tăng lên sau vụ nầy. Việc Quý gởi mua mì có lẽ chỉ có anh em trong tổ mình biết mà thôi. Vậy ai đã tố cáo?
Tôi cãi lại:
- Nếu là Hưng thì anh ta biết quá rõ là Quý đã nhờ bộ đội mua, tại sao quản giáo lại không biết chuyện nầy?
- Có thể báo cáo chỉ nửa chừng, có thể báo cáo đầy đủ nhưng quản giáo muốn lái sự việc sang hướng khác để che chở cho người của mình.
Tôi hơi sửng sốt vì lý luận của Tứ:
- Có nghĩa là việc giấu sự thực của Quý nằm trong ý đồ của quản giáo? Hèn chi thằng Cúc có nói là quản giáo mớm cung.
- Có thể như thế. Nhưng thôi, đó là việc của họ. Việc của chúng ta là từ ngày mai trở đi, tôi sẽ kín đáo nói sự nghi ngờ của tôi với cả tổ mình và hai tổ kế cận để họ đề phòng. Anh có đồng ý không?
Tôi gật đầu. Chúng tôi ngồi thêm một chốc nữa rồi về phòng. Lòng tôi thực nặng nề. Tôi vẫn sợ Hưng bị nghi oan và nếu có một người nào đó nông nổi tìm cách làm hại Hưng thì thực là đau đớn vô cùng. Sống chung một cách chật chội, đêm thì tăm tối không một ánh đèn, chuyện hại nhau đâu có phải là điều khó thực hiện. Lại nữa, con đường cải tạo mịt mờ trước mặt, sống chung với một kẻ bị nghi ngờ và đáng sợ thực chẳng dễ chịu chút nào. Tôi bỗng có ý định tìm dịp khám phá sự thực nơi Hưng, dù phải liều một chút cũng được.
Dịp đó đến khi tù nhân lần đầu tiên được gửi thư về cho gia đình. Trại cho nghỉ lao động một ngày để viết thư. Mọi người rất hăm hở. Ai cũng biết những lá thư nầy sẽ được kiểm duyệt gắt gao trước khi đưa đến bưu điện. Vì vậy mọi người viết rất cẩn thận, rất đúng với chủ trương đường lối của cách mạng. Có người viết y như một bài chính trị đã được học. Viết như thế thì thư chắc chắn sẽ đến tay thân nhân, ngoài ra còn chứng tỏ mình học tập tốt, sớm trở về đoàn tụ với gia đình! Viết xong, nhiều anh em còn trao đổi thư cho nhau xem hoặc đọc to cho mọi người cùng nghe để học tập nhau về cách nịnh hót cách mạng và giúp khám phá một chỗ nào đó chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương đường lối của đảng và nhà nước. Vì vậy, những lá thư không còn tính cách riêng tư nữa mà trở thành công trình sáng tác của tập thể.
Riêng lá thư của Hưng thì hoàn toàn được giữ kín. Tôi thấy Hưng tỏ ra bồn chồn khi quản giáo cho lệnh viết thư. Anh đặt tờ giấy lên sạp nằm, kê khúc gỗ làm ghế ngồi, nắn nót từng chữ, nét mặt biến đổi qua lại giữa sự thê lương và háo hức. Viết xong, anh cho vào bao thư và đặt bên dưới cái bao dùng làm gối.
Tôi theo dõi và có ý định xem cho được lá thư nầy. Chắc chắn, nội dung lá thư giúp tôi xác định được Hưng là sĩ quan cải tạo thực sự hay kẻ giả mạo nằm vùng. Tôi khều Tứ tổ trưởng ra ngoài và nói dự định nầy. Tứ đồng ý, sau một phút lưỡng lự. Anh bảo:
- Được rồi, anh em đã viết thư xong cả. Ai chưa xong thì phải bỏ ngủ trưa để hoàn tất. Chiều nay còn được nghỉ lao động trên bãi tăng gia bên ngoài, tôi sẽ huy động cả tổ ra vườn rau để giở mấy luống lang ra trồng trở lại. Tôi sẽ phân công một mình anh ở nhà để dọn dẹp nhà cửa.
Anh ngừng nói, thở dài rồi tiếp:
- Xem lén thư người khác là một điều xấu xa. Nhưng vì sự an nguy của anh em, mình phải làm. Vả lại, nếu mình đã nghi oan cho Hưng thì đây là dịp tốt nhất để minh oan cho nó.
Kế hoạch làm việc của tổ trưởng dĩ nhiên được cả tổ tuân theo. Thế là từ ba giờ chiều trở đi, chín người đều đem cuốc xẻng ra khu trồng rau, một mình tôi ở lại. Tôi vội vàng lật gối ở đầu nằm của Hưng. Tôi hồi hộp thấy phong thư hiện ra. Tôi rút lá thư bên trong, để cái phong bì lại tại chỗ. Tôi lao xuống bếp, ngồi đọc ngấu nghiến:
Em yêu quý,
Anh xa em quá tám tháng rồi. Hơn hai trăm bốn mươi ngày anh khắc khoải nhớ thương em. Bây giờ, em ra sao? Không có anh săn sóc làm sao em chịu đựng nổi cơn bệnh ngặt nghèo. Thanh còn quá bé lại phải bươn chải kiếm ăn, còn ai đâu ở nhà để săn sóc em, để đỡ đần em nằm xuống ngồi lên, để nói chuyện cùng em cho ngắn bớt thời giờ phải nằm yên một chỗ từ ngày nầy qua tháng nọ.
Anh nhớ em vô cùng, nhiều đêm nằm khóc một mình trong không gian vắng lặng. Anh chỉ khóc khi mọi người đều ngủ say. Anh không muốn họ biết nỗi đau đớn của anh vì họ cũng đang buồn khổ; mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng đều có một tâm sự chung là thương vợ nhớ con.
Ở đây, anh sống chung trong một tổ gồm mười anh em. Chín người kia đều là sĩ quan chế độ cũ như anh. Họ đều tốt nên cuộc sống của anh cũng dễ chịu, em đừng lo lắng cho anh. Tất cả đều cố gắng học tập tốt để được về với gia đình. Anh cũng thế, anh cố gắng học tập tốt để được về với em. Anh hi vọng lá thư nầy làm cho em vui, ảnh hưởng tốt đến tâm trí của em, nhờ đó bệnh em thuyên giảm để chờ ngày về của anh.
Anh nguyện đánh đổi tất cả những gì anh có, kể cả sinh mạng mình để được sự bình phục của em, để em trở lại đi đứng bình thường và trở lại nghề nghiệp như xưa.
Theo quy định của trại, thư không được quá dài nên anh dừng tại đây. Anh gởi cho người vợ yêu quý tất cả lòng yêu thương của anh.

Ký tên: Hưng


Tôi cảm thấy mắt mình cay cay nhưng cố đọc lần thứ hai rồi xếp lá thư lại và trả về chỗ cũ. Tôi bắt đầu đi dọn phòng. Lời thư cứ hiện ra trong tâm trí tôi.
Anh nhớ em, nhiều đêm nằm khóc một mình trong không gian vắng lặng…. Anh nguyện đánh đổi tất cả, kể cả sinh mạng mình…. Chín người kia đều là sĩ quan chế độ cũ như anh….”
Từng chữ một, lời thư thánh thót rơi trong lòng tôi. Nó khác xa những lá thư viết theo chủ trương của cả phòng. Nó thật và đau. Đôi lúc tôi dừng tay, chìm đắm trong nỗi đau của Hưng, của riêng tôi và của tất cả bạn bè cùng cảnh ngộ. Niềm đau của người trong tù, có khi tạm lắng lúc đùa giỡn nhưng rồi lại nổi lên đầy xót xa khi một hình ảnh nào đó như một que nhọn chọc vào vết thương đang âm ỉ.
Tôi vội chạy ra vườn rau, ngoắt Tứ về phòng và kể lại nội dung lá thư mà tôi gần như thuộc lòng. Tứ ngồi yên lặng nghe, đôi lông mày nhíu lại, mấy vệt nhăn trên trán hiện rõ ra. Tôi chờ nghe ý kiến nhưng anh không hé môi. Tôi nhìn vào mặt anh để đoán ý nghĩ bên trong, nhưng không đọc được gì cả. Nơi người sĩ quan già dặn nầy, người đã từng phụ trách an ninh tình báo của tiểu đoàn, những ý nghĩ và toan tính đều rất khó đoán. Mọi việc diễn ra trong cái đầu của anh ta không đơn giản như trong cái đầu kém cỏi của tôi. Anh ta đang hối hận vì đã nghi oan cho bạn? Hay anh ta đang nghĩ tới một mánh khóe tinh vi hơn của kẻ nằm vùng mà lá thư đầy nước mắt kia chỉ là một sự ngụy tạo tài tình?
Chịu, tôi không thể nào đoán nổi. Tôi chỉ là một anh sĩ quan bộ binh tầm thường, quen nhận định sự vật của cuộc đời qua cảm tính và cũng không quen lật ngược vấn đề để quan sát mặt sau của nó.