Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Kẻ chiến bại (2)



Thằng bé bị xe tông chỉ tét da đầu, xương sọ còn nguyên vẹn nên bình phục sau một tuần nằm bệnh viện. Mấy ngày sau, khi đi học về, Sinh lại thấy sạp báo bày ra như cũ. Thằng bé đứng sát bên mẹ. Tai nạn vừa qua làm nó sợ hãi nên chỉ ở gần mẹ hoặc đi quanh sạp báo chứ không dám chơi đất cát như trước. Trông nó sạch sẽ hơn trước. Trên đầu, một miếng băng to tướng che kín vết thương.
Sinh mừng rỡ dừng xe chạy lại ôm thằng bé hỏi thăm rối rít. Một tuần lễ nay, Sinh lấy báo ở sạp trước chợ. Nay cậu trở lại lấy báo của mẹ thằng bé như trước.
Nhờ đọc báo và nghe đài phát thanh, Sinh bắt đầu biết rõ được cuộc chiến đang xảy ra rất quyết liệt trên nhiều mặt trận gần xa. Cậu làm quen với những địa danh như Khe sanh, Hạ Lào, Dak tô, Dak xút, Đồng xoài, Bình giả, vân vân. Người ta cũng nói đến một hội nghị hòa bình sắp được triệu tập bên trời Âu. Qua đài Hà nội và đài Giải phóng, ta thắng nhiều trận trên cả hai mặt trận quân sự lẫn ngoại giao. Cùng với toàn thể nhân dân tiến bộ trên thế giới, Sinh rất phấn khởi vì những tin tức nầy.

Tuy nhiên, cậu vẫn chưa tìm được dịp nào để góp công cho cách mạng. Công tác dân vận vẫn còn bế tắc, Sinh chưa chọn được đối tượng nào vừa ý. Có vài lần, Sinh tìm đến vài đứa bạn trong lớp để gạ chuyện. Nhưng khổ nỗi, bàn chuyện học hành hay chuyện đi chơi thì bọn nó hăng hái, nhưng khi bắt qua đề tài thời sự chính trị thì chúng nó chỉ nghe bằng nửa lỗ tai mà thôi, đôi khi còn tỏ ra bực bội. Sinh tự trách mình không có khả năng lôi cuốn người nghe vào lĩnh vực thảo luận mà mình dọn sẵn. Sinh cũng trách các bạn quá hời hợt đối với vận mệnh đất nước, không biết tiếp thu lập trường cách mạng như cậu. Chính ý nghĩ thầm kín đó làm cho Sinh xa dần các bạn, nghĩa là ngược lại với dự tính ban đầu của cậu.
Hai thằng bạn thân nhất là Đạt và Thành đã vào quân trường được nhiều tháng. Thỉnh thoảng về phép, chúng nó có tìm đến Sinh. Cậu vẫn còn thương bạn, nhưng tình thương đó bây giờ không còn bình dị như trước nữa. Nó bị sứt mẻ nham nhở vì cái lập trường chính trị trong lòng Sinh. Vắng mặt bạn thì Sinh cương quyết đặt bạn vào bên kia chiến tuyến ngăn đôi hai kẻ thù thề không đội trời chung. Nhưng hễ có mặt bạn thì cái chiến tuyến trở thành mờ nhạt. Đôi khi Sinh cảm thấy một cái gì đó như mặc cảm có lỗi với tình bạn xưa cũ, nhất là khi đốt nén nhang trên bàn thờ mẹ, nhớ lời mẹ dặn là phải đối xử tốt với hai đứa bạn mà lúc còn sinh tiền mẹ rất yêu mến. Nhưng nếu không đặt được hai đứa bạn nầy vào hàng ngũ kẻ thù thì có tội với cách mạng và làm hoen ố cái lý tưởng mà thầy Văn đã cấy vào đầu mình.
Sinh ý thức được rằng, kể từ khi cậu bước chân vào con đường cách mạng thì cậu đánh mất sự hồn nhiên của tuổi trẻ, tâm hồn cậu không còn thơ thới như xưa. Bản chất thanh niên của cậu là đam mê lý tưởng, thế mà từ khi chọn cách mạng làm lý tưởng, cậu chưa làm được việc gì cho ra hồn. Cậu nghĩ đến những anh hùng cách mạng mà đài phát thanh Giải phóng thỉnh thoảng đề cao. Cậu muốn được như họ, phải làm một cái gì đó có ý nghĩa rõ rệt, một công việc gây ấn tượng mạnh, có tính phiêu lưu mạo hiểm, như việc ôm bom quăng vào xe tăng địch chẳng hạn . Công việc đó có tính dứt khoát, có kết thúc rõ rệt, cũng như thì kỳ thi là kết thúc cần thiết của một giai đoạn học hành. Còn công tác dân vận thì rỉ rả, khởi đầu không rõ ràng mà kết thúc cũng không bao giờ có. Công tác nầy không thích hợp với Sinh tí nào cả.
Trong tâm trạng đó, Sinh không còn đi tìm đối tượng để vận động nữa. Cậu nhủ lòng rằng công cuộc kháng chiến là trường kỳ, như lời thầy Văn đã dạy, không có gì phải nôn nóng. Thế là, cậu có lý do gác chuyện công tác sang một bên để lao vào học tập vì còn mấy tháng nữa là thi tú tài rồi. Thầy Văn cũng không đốc thúc, không nhắc nhở gì nên Sinh càng yên tâm.
Thầy Văn không đốc thúc là phải vì dạo nầy, thầy rất bận rộn với nhiều nghị quyết của cấp trên và nhiều buổi học tập thảo luận. Cuộc chiến quân sự trở nên rất sôi động, cuộc chiến chính trị càng sôi động hơn. Không những phe ta thắng nhiều trận quan trọng trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam, mà còn khuấy động tận hang ổ của địch là nước Mỹ xa xôi. Bè bạn khắp năm châu cùng với nhân dân tiến bộ đồng loạt lên tiếng chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ. Ngay cả một đại triết gia ở Bắc Âu, mang trong đầu một nền triết học phản động đối với chủ nghĩa xã hội cũng đòi lập tòa án quốc tế để xử tội ác của Mỹ ngụy. Thầy Văn vừa khoái chí vừa cười thầm ông đại triết gia nọ.
Ta đang thắng to và địch sắp sửa ngồi vào bàn đàm phán để ký văn kiện đầu hàng. Cái văn kiện đầu hàng đó, Mỹ phải ký với Mặt trận Giải phóng miền Nam chứ không phải ký riêng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cái nước Mỹ, đã từng là kẻ chiến thắng trong hai cuộc thế chiến, buộc phải đầu hàng người đại diện cho khối nhân dân miền Nam bị trị. Thế mới là nhục nhã cho Mỹ, thế mới là chiến thắng vinh quang. Điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn cho công cuộc giải phóng toàn vùng Đông Nam Á sắp tới. Nước Việt Nam hình chữ S với bốn ngàn năm văn hiến, với đảng Lao Động vinh quang, với Hồ Chủ tịch vĩ đại, đang giương cao ngọn cờ đầu của ba dòng thác cách mạng để giải phóng cho bao nhiêu dân tộc đang quằn quại dưới bàn tay bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Giai đoạn mới, nhiệm vụ mới rất quan trọng. Thầy Văn phải học tập nhiều nghị quyết liên tiếp. Có khi phải ra chiến khu học tập trong vòng một tuần lễ.
Chuyện ra chiến khu học nghị quyết là niềm hãnh diện cho thầy nhưng đồng thời cũng tạo ra rắc rối cho cuộc sống của thầy. Đời sống của thầy đang dựa vào trường tư. Công tác cách mạng của thầy cũng hoàn toàn tùy thuộc vào số lương mà chủ trường trao cho thầy hàng tháng. Thầy thường bảo rằng đó là những món tiền nhơ bẩn mà bọn kinh doanh giáo dục đã bóc lột học sinh. Nhưng nếu không có những món tiền nhơ bẩn đó thì thầy không thể sống để thực hiện được sứ mạng cao cả mà cách mạng giao phó.
Trường tư thì rất kỵ giáo sư bỏ giờ. Cái đám học trò quỷ sứ đó, chỉ cần vắng giáo sư nửa giờ thôi là chúng phá vỡ trật tự kỷ luật của toàn trường. Giám thị của trường rất ít vì trường phải giảm chi phí thì mới có lời. Vì vậy, giám thị chỉ có thể trám một hay hai giờ thôi chứ nghỉ cả tuần thì trường buộc phải mời giáo sư khác thay thế và khi học tập nghị quyết xong thì thầy đừng hòng trở lại dạy ở trường nữa.
Thầy đã giải quyết điều nầy một cách vất vả nhưng cũng tạm yên. Đó là thầy đã hợp đồng với hai người bạn khác dạy cùng môn, dĩ nhiên là không có trong tổ chức cách mạng. Cả ba thỏa thuận trám giờ cho nhau và hưởng thù lao của những giờ dạy thêm đó. Nhà trường chấp nhận giải pháp nầy. Chỉ cần giữ học sinh trong lớp cho yên lặng còn dạy thế nào cũng được, một ít ngày trong một năm học cũng không có gì quan trọng cho trình độ của học sinh.
Việc dạy của thầy ổn thỏa rồi nhưng chưa hết. Còn việc gia đình nữa. Từ lâu, thầy sống độc thân trong căn phòng nhỏ với giá thuê hàng tháng vừa sức thầy. Tuy nhiên, thầy còn một mẹ già và một chị, một em gái ở tận Vĩnh long, tuốt trong vùng đồng quê xôi đậu. Sau khi cha thầy bị địch giết chết, mẹ thầy đã xin được xác về chôn cất, xây mộ cho ông và ở luôn dưới đó để tiện việc nhang khói và săn sóc phần mộ. Bà đã sống qua cuộc kháng chiến chống Pháp, những năm hòa bình ngắn ngủi sau hiệp định Genève và bây giờ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà sống với hai đứa con gái và gởi thầy lên Sài gòn để đi học. Bà không muốn con trai bà lớn lên nối gót cha để rồi chết thảm như chồng bà.
Chị và em gái của thầy đã có chồng con. Anh em rể của thầy đều là nông dân lúc ban ngày và trở thành du kích lúc màn đêm buông xuống. Thầy hãnh diện về điều nầy nhưng cũng rất lo lắng cho đời sống của chị em gái và các cháu.
Khi theo dõi tin tức chiến sự, thầy chú ý hơn cả về chiến cuộc đang xảy ra ở quê của thầy. Tại đó địch bị quân và dân ta giáng cho những đòn chí tử. Những đòn đó không phải luôn luôn trúng vào đầu địch mà rất nhiều khi giáng trúng vào đầu dân chúng vô tội. Tính mạng của mẹ già thường xuyên bị đe dọa. Chị và em gái của thầy nhiều lần đốc thúc thầy đưa mẹ về Sài gòn sống cùng thầy. Thầy cứ lần lữa, hẹn rày hẹn mai. Thầy đang quá bận rộn vì công việc kiếm sống, vì công tác cách mạng và quan trọng hơn nữa, đó là vì chỗ ở của thầy. Đưa mẹ lên đây, thầy phải kiếm chỗ khác rộng rãi hơn, có bếp núc, chỗ tắm, chỗ giặt riêng biệt. Đó không phải là chuyện dễ ở cái thời buổi nhà đất đang lên giá vì dân chúng đổ xô lên thành phố. Tuần rồi chị thầy lên đốc thúc một cách hết sức quyết liệt nên thầy không trì hoãn được nữa. Thầy hứa với chị là sẽ đưa mẹ lên càng sớm càng tốt. Ngày nào bà còn ở dưới quê thì tính mạng còn bị đe dọa. Phải đành đưa mẹ về đây nương nhờ vào sự bảo vệ của kẻ thù không đội trời chung của thầy.
Vì những lý do đó, thầy ít đến nhà Sinh hơn và cũng không buồn đốc thúc Sinh trong công tác dân vận nữa. Nhờ đó Sinh học hành đàng hoàng và đậu tú tài hạng “bình”, tức là hạng giỏi, ngay khóa một, năm 1972. Sinh không thi tuyển vào trường nào cả mà theo lời khuyên của thầy, ghi danh vào học chứng chỉ dự bị toán lý hóa ở Khoa học Đại học đường.
Cuộc sống sinh viên đại học làm cho Sinh cảm thấy mình lớn hơn, quan trọng hơn nhưng cậu vẫn không quên mình là người của cách mạng, dù cậu chưa đóng góp gì được cho tổ chức. Đó vẫn là nỗi ray rứt âm ỉ trong lòng. Cậu phải làm một cái gì đó. Và cái gì đó đã có dịp thực hiện, liên quan đến sự kết thúc hội nghị Paris vào tháng 1 năm 1973.
Trong lịch sử nhân loại, hiệp định đình chiến chỉ nhanh chóng khi có một bên ngã quị rõ ràng. Còn khi hai bên vẫn còn sức để choảng nhau bể đầu sứt trán thì xúc tiến được một cuộc nói chuyện với nhau là điều luôn luôn khó khăn và chậm chạp. Hội nghị Paris năm 1972 cũng không thoát khỏi thông lệ đó. Cả hai phía đều rêu rao muốn hòa bình để chấm dứt nỗi thống khổ cho nhân dân; nhưng chỉ nội cái chuyện hai bên hay bốn bên tham dự, ngồi bàn vuông hay bàn tròn cũng tốn mất nhiều thời gian với hàng chục ngàn người ra đi vĩnh viễn trong đó không ít là thường dân vô tội.
Nhưng rồi hội nghị cũng phải kết thúc, người ta ký vào văn kiện chính thức đem lại hòa bình cho Việt Nam. Cả thế giới đón mừng một cách thực bụng vì họ không hiểu lòng dạ của người cộng sản Việt Nam. Vì vậy, từ thủ đô Stockholm, người ta vội vã tuyên bố trao giải thưởng hòa bình cao quí nhất của nhân loại cho hai người đại diện hai phía. Một người hí hửng đến nhận, người kia không được phép đến vì giải thưởng không nhằm đúng mục đích thầm kín và thực sự của đảng ông ta.
Riêng nhân dân miền Nam vui mừng một cách dè dặt, ít ai tin rằng chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Cuộc ngưng bắn có tính chất hết sức bấp bênh với cái tên kỳ quái: “đình chiến da beo”. Ranh giới đình chiến hoàn toàn không có, nên mạnh ai nấy vạch. Cuộc giành dân lấn đất bắt đầu ngay trước khi hiệp định có hiệu lực và súng cứ nổ lai rai trong cuộc giành dân lấn đất đó.
Vui mừng hơn cả, có lẽ là những nhà sản xuất sơn. Chính phủ Sài gòn thu mua một khối lượng lớn sơn đỏ và vàng để vẽ cờ quốc gia trước cửa mỗi nhà hầu xí phần đất quốc gia của người quốc gia.
Khi người ta đến kẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ ở cánh cổng, Sinh rất bực mình. Lập tức, trong đầu người thanh niên hai mươi mốt tuổi đang ôm bầu máu nóng nầy, phát sinh một dự tính mạo hiểm đầy lý thú. Lúc đầu, đó chỉ là một ý nghĩ tinh nghịch nhưng nhanh chóng trở thành một ngọn lửa cách mạng bùng cháy trong lòng cậu. Cậu dự định ngay trong đêm nay, sẽ bôi bỏ những lá cờ quốc gia và thay bằng những lá cờ Mặt trận. Đối với địch, đây sẽ là một đòn rất đau, còn đối với cách mạng, đây là một đóng góp có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn sôi nổi của cuộc giành dân lấn đất. Sáng kiến đó làm Sinh rất phấn khởi nêu quyết tâm thực hiện cho bằng được. Cậu vào nhà ngồi trước bàn học, mà miệng chúm chím cười một mình.
- Cờ Mặt trận là trên đỏ dưới xanh, ngôi sao vàng chính giữa. Khó vẽ quá.
Sinh lấy giấy bút để sẵn trước mặt, nhìn đồng hồ. Kim giây vừa chỉ số mười hai là cậu bắt đầu vẽ. Xong, hai phút, mười hai giây. Không được. Vẽ bằng sơn còn lâu hơn nữa. Phải thực hiện nhanh thì mới tránh được nguy hiểm. Nguy hiểm từ khắp mọi phía. Nhà đang được vẽ, nếu giật mình thức giấc có thể tưởng cậu là kẻ gian, bắt trói lại. Cả bầy chó trong xóm nữa. Chỉ cần đứng vẽ quá một phút, chúng sẽ xúm lại sủa rân trời thì khốn. Lại còn mấy ông nhân dân tự vệ thỉnh thoảng vác súng và gậy đi tuần. Nguy lắm!
Cuối cùng, Sinh quyết định cắt giấy màu, dán độ mười lá cờ Mặt trận và dùng sơn đen gạch chữ thập lên những lá cờ quốc gia vừa được vẽ xong lúc ban ngày. Ngoài ra, cậu cũng sẽ viết một khẩu hiệu vào nơi thuận tiện nhất để sáng hôm sau mọi người đều thấy. Cậu có nghe nói, dùng hột cau tươi viết lên tường vôi thì chữ màu đỏ bầm hiện ra rõ và bền, rất khó tẩy xóa.
Nội dung câu khẩu hiệu phải thực hay và độc đáo. Đả đảo Mỹ ngụy? Ủng hộ Mặt trận Giải phóng? Quá tầm thường! Sinh chợt nhớ đến hai câu trong một bài thơ cách mạng mà có lần thầy Văn đã đọc cho cậu nghe:
Lòng ta chung một Bác Hồ,
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam.
Hơi dài, nhưng không sao. Chỉ cần viết một lần thôi. Nội dung rất thích hợp. Nó có tính cách vô hiệu hóa các lá cờ quốc gia đã vẽ, vì tấm lòng nhân dân miền Nam đang hướng về Bác, dù có vẽ một triệu lá cờ quốc gia cũng vô ích.
Mọi thứ phải chuẩn bị sẵn sàng. Một giờ khuya bắt đầu hành động. Giờ đó giới nghiêm, không ai ra khỏi nhà. Mà nếu không giới nghiêm đi nữa thì mọi người cũng đã yên giấc. Nhân dân tự vệ chỉ đi tuần đầu hôm rồi về ngủ cả trong thềm nhà thờ để… gác không cho ma quỷ đến xâm phạm tượng Chúa.
Quyết định xong, Sinh ra phố mua các vật liệu cần thiết. Hôm nay là chiều thứ bảy, Sinh cất mấy thứ mới mua rồi lấy xe đi dạo chơi.
Cậu về trung tâm thành phố và thẳng ra bờ sông, ngồi trên một băng đá còn để trống. Đầu tháng hai dương lịch, thời tiết ở Sài gòn rất đẹp. Bầu trời trong xanh điểm vài dải mây trắng lững lờ trôi. Ánh nắng vàng nghiêng nghiêng rọi trên mặt sông, sóng gợn lăn tăn vì những cơn gió nhẹ thổi qua. Những chiếc tàu thủy đậu im lìm bên bến cảng; giữa sông, ghe thuyền và tàu nhỏ qua lại một cách thảnh thơi. Sài gòn thực thanh bình giữa một đất nước chưa tan mùi thuốc súng.
Sinh ngồi ôn đi ôn lại nhiều lần chương trình hành động thực thích thú đêm nay. Khi cậu trở về đến nhà thì trời đã sẩm tối. Từ cổng nhà Sinh thẳng vào trong độ ba trăm mét, nơi đầu khúc quanh, có một tuờng vôi cao độ hai thước, đứng xa trông rất rõ. Đó là nơi cậu sẽ viết hai câu thơ bằng hột cau. Trong con hẻm không có đèn đường nên viết xong không ai thấy được. Ngoài ra, còn mười địa điểm khác cũng rất đẹp để dán cờ Mặt trận. Đó là nơi các lá cờ quốc gia mới được nhân viên chính phủ vẽ hôm trước, phần lớn ở sát đường nên rất thuận tiện để xóa bằng sơn đen.
Cờ Mặt trận sẽ được dán cả hai bên đường đến cách nhà độ một trăm mét thì ngưng. Lá cờ ba sọc trước cổng nhà Sinh trông thực gai mắt nhưng cứ để yên đó cho công an đừng nghi ngờ.
Sau khi quan sát và tính toán cặn kẽ, Sinh quành xe trở về. Phía bên trong cánh cổng, lủng lẳng xách cơm mà người ta đã đem đến treo lúc cậu chưa về đến nhà. Con Tăng chạy ra kêu ăng ẳng mừng rỡ. Sinh mở khóa, dẫn xe vào. Cơm nước xong, mới tám giờ rưỡi. Sinh vặn đồng hồ báo thức lúc mười một giờ rồi tắt đèn đi ngủ sớm. Nhưng cậu nằm thao thức mãi, đến mười một giờ thì bật dậy.
Sinh không dám mở đèn lớn sợ có người đi bên ngoài để ý. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ, cậu lấy giấy màu ra cắt và dán cờ. Công việc xong xuôi mà chưa tới mười hai giờ khuya. Tất cả giấy vụn được nhét vào một bọc nhựa mỏng rồi mang xuống bếp đốt trong lò. Sinh còn cẩn thận bắt ấm nước lên để chắn ngọn lửa. Giấy cháy bùng lên rồi tàn rất nhanh. Đám tro tàn cũng bị Sinh dùng củi đập nát không còn hình thù gì.
Khi Sinh mở cửa bếp bước ra hè nhà, ánh trăng mỏng manh soi chiếc bóng mờ lên thềm làm Sinh giật mình. Chương trình hành động đã không tính đến sự có mặt của chị Hằng. Sinh ngần ngừ ngước mắt nhìn trời rồi quyết định tiến ra quan sát bên ngoài. Con đường đất hiện ra trong ánh sáng lờ mờ. Xóm đêm hoàn toàn vắng lặng, nhà nhà đều đã tắt đèn, mọi người có lẽ đang say sưa trong giấc ngủ. Sinh trở vào ngồi trên bậc thềm, tiếp tục lắng nghe tiếng động. Một hồi lâu, cậu đứng dậy hé cửa bước vào nhà, nhìn đồng hồ. Đúng một giờ khuya.
Sinh xếp mấy lá cờ Mặt trận nhét vào túi quần, lấy dao cạy nắp hộp sơn và đậy hờ lại để dễ mở. Cậu cho ba hột cau tươi vào túi áo, cầm sơn và cọ bước ra cổng. Khi chiếc chìa khóa được tra vào ổ, tim cậu đập thình thịch, hơi thở dồn dập. "Người làm cách mạng phải thản nhiên trong mọi hoàn cảnh dù hiểm nguy, không được run sợ một cách hèn nhát."
Câu nói thầm quả nhiên có hiệu quả. Sinh cảm thấy nhịp tim và hơi thở trở lại bình thường nên cương quyết mở cửa. Khi cậu lách người qua định khép cổng lại, một bóng đen từ trong bụi rậm bỗng phóng tới. Nó thúc thật mạnh vô chân Sinh, rồi nhảy vọt ra ngoài.
Con chó Tăng đứng đó, hớn hở vẫy đuôi mừng. Miệng kêu ăng ẳng. Nó có vẻ rất sung sướng vì cuộc ra quân bất ngờ đêm nay.
Sinh hoảng hốt xua tay, con chó càng khoái chí nhẩy cẫng lên. Không còn cách nào khác, Sinh đành quay lui hé cửa, bước vào. Con Tăng không bỏ lỡ dịp vui, cũng nhanh chân chạy theo. Giờ đây nó đang gồng mình, bồn chồn cào mấy móng chân trước xuống nên đất, nôn nao chờ lệnh xuất phát. Tên bảo vệ bốn chân của thầy Văn đã theo dõi Sinh từ lúc cậu mở cửa bếp bước ra, và nó cũng tỏ thái độ kiên quyết bám chắc mục tiêu. Không, Sinh không thể cho nó đi theo được. Nó đâu có đủ tư cách và lý trí để tham gia vào công tác cách mạng trọng đại mà Sinh sắp thực hiện. Hơn nữa, nó sẽ chạy tung tăng, lôi cuốn cả đàn chó quỷ sứ trong xóm theo thành một đám giặc, vừa sủa vừa cắn lộn gây thảm họa tưng bừng náo nhiệt.
Sinh tìm bên hàng rào được một khúc cây cầm rất vừa tay. Con Tăng vẫn theo bén gót. Sinh gõ khúc cây một cái lên đầu nó. Con Tăng hoảng hốt nhảy lùi lại khoảng ba thước, dừng lại đứng nhìn và vẫy đuôi. Sinh mở cửa cổng, lách mình ra và khép lại lập tức. Con Tăng phóng lại, chồm hai chân lên cổng kêu ăng ẳng. Nguy quá, nếu cậu bỏ đi, nó sẽ kêu to hoặc chui qua một lỗ hổng ở hàng rào để đuổi theo. Sinh lại phải trở vào, mở cửa vô nhà. Con Tăng đủng đỉnh đi theo.
Nó nằm dưới mái hiên, lật qua lật lại, đưa bốn chân lên trời để giỡn chơi. Lòng dạ nào mà giỡn lúc này, con tiểu quỷ. Sinh nắm hai chân trước lôi nó xệch xệch vào nhà, đẩy mạnh nó xuống bàn, bước ra ngoài rồi đóng cửa lại. Trong đêm vắng, tiếng rên ăng ẳng và tiếng móng chân cào vào cửa gỗ của con Tăng thật đáng lo ngại. Sinh rón rén bước ra cổng và dừng lại lắng nghe. Tiếng kêu và tiếng cào lúc này đã nhỏ dần, nhà kế bên chắc chắn không để ý.
Sinh nhẹ nhàng khép cổng, thò tay gài chốt bên trong rồi men theo hàng rào, cố bước đi thực khẽ khàng để không đánh động bầy chó trong xóm. Bức tường trắng hiện lờ mờ trước mặt. Ban ngày trông bức tường khá gần, nhưng bây giờ sao nó xa vậy. Sinh đâm liều và rảo bước thật nhanh về phía đó.
Đứng bên bức tường, Sinh nhìn quanh một cách cẩn thận, rồi móc mấy hạt cau tươi ra, bắt đầu viết. Hết hạt cau thứ nhất thì xong câu thơ thứ nhất. Kết thúc câu thứ nhì thì trên tay chỉ còn nửa hạt cau cuối cùng. Sinh quăng bỏ, rồi vội vàng mở nắp hộp sơn, thọc cọ vào quẹt chữ thập trên lá cờ quốc gia hiện lờ mờ trên trụ cổng. Lá cờ Mặt trận theo dự tính sẽ được quét hồ và dán lên bên trên trụ cổng. Nhưng lúc này Sinh lại thấy công việc quyét hồ rất luộm thuộm và mất thời gian. Bởi vậy mà lá cờ giấy được đắp chồng lên vạch sơn chữ thập còn ướt. Đến trụ cổng kế tiếp, Sinh lại xóa hình lá cờ quốc gia, đắp cờ Mặt trận lên trên.
Có tiếng ào ào, một ngọn gió thổi thốc đến. Sinh rùng mình. Xa xa, về phía nhà cậu, hình như có bóng người thấp thoáng. Sinh ngồi thụp xuống gốc hàng rào, ép mình vào để lá cây che khuất. Hai mắt Sinh căng ra, cố nhìn xuyên qua màn đêm. Không có gì cả, chỉ có lá cây rung vì gió. ”Người làm cách mạng phải thản nhiên…”, câu thần chú vang lên trong đầu Sinh, thúc dục Sinh tiếp tục công việc. Loáng một cái, mười lá cờ Mặt trận đã đắp xong, nhanh hơn dự trù. Với chỗ sơn còn dư, Sinh hăng hái bôi đen thêm mấy lá cờ quốc gia, dài theo hai bên đường cho đến nơi cuối cùng cách nhà cậu độ một trăm mét. Sứ mạng trong đêm được hoàn thành một cách vinh quang.
Sinh trở về nhà vừa khi xa xa có tiếng gà eo óc vọng lại. Tiếng gió xào xạc đong đưa mấy tàn cau. Sinh ngồi thụp xuống, quan sát một lần nữa rồi lấm lét đi vào. Con Tăng nghe tiếng chân, sủa to mấy tiếng và cào mạnh vào cửa. Sinh hoảng hốt, phóng đến mở cửa. Nó nhảy ra mừng rỡ, chồm hai chân trước lên bụng chủ. Sinh vuốt đầu nó rồi đẩy ra, vào nhà khoá cửa lại. Cậu để hộp sơn và cọ lên bàn, ngồi phịch xuống ghế để thở. Bây giờ Sinh mới cảm thấy mệt nhưng nỗi khoan khoái trong lòng cứ lớn dần. Đó thực là một kỳ công.
Vài phút sau, cậu đứng dậy, với tay lấy hộp sơn và cây cọ, lẳng lặng đi xuống bếp, mở cửa hông bước đến sát hàng rào. Ở đó là hố rác khá sâu, đào cách nay nhiều năm, rác bây giờ còn cách miệng hố độ ba mươi phân.
Sinh ngồi xổm trên miệng hố, thò tay phải thọc mạnh vào rác. Bàn tay cậu đụng vào lớp rác ẩm ướt. Cậu rùng mình tưởng tượng nhiều côn trùng có nọc độc đang bám lên mấy ngón tay. Nhưng Sinh nghiến răng thọc tay xuống sâu hơn nữa. Mùi khăm khẳm mùi thối rữa bắt đầu bốc lên, càng lúc càng ghê tởm. Một lỗ trống sâu khoảng sáu tấc hiện ra lờ mờ đen đúa. Hộp sơn và cây cọ bị đẩy xuống lỗ, đẩy sâu cho đến khi không còn xuống sâu hơn được nữa. Chỗ rác cũ được lấp đầy lên trên.
Trong bóng đêm tĩnh lặng, Sinh khe khẽ múc nước ra thau, dùng xà phòng kỳ cọ từng ngón tay rồi rửa sạch và vào nhà đóng cửa lại. Đồng hồ chỉ hai giờ mười phút.
Sinh vào giường, kéo mùng xuống và nằm dài một cách khoan khoái. Sau khi hoàn thành vẻ vang công tác cách mạng, Sinh tưởng mình sẽ sung sướng ngủ ngon đến sáng. Nhưng năm phút sau, cậu ngồi bật dậy. Mồ hôi bắt đầu vã ra trong khi người cậu run lên vì lạnh. Cậu vừa sực nhớ ra hai câu thơ viết bằng hột cau có thể bị chụp hình rồi đưa đi giảo tự. Sau đó, cơ quan an ninh sẽ lần ra manh mối và tra còng vào tay cậu. Mấy lá cờ Mặt trận nữa. Trên đó dẫy đầy dấu vân tay, làm sao mà chối cãi.
Cậu vò đầu tự trách mình:
- Trời ơi, sao khi chiều mình không nghĩ đến điều nầy. Mình đã đọc nhiều sách trinh thám sao còn u mê đến thế.
Bụng Sinh cồn cào như muốn ói. Cậu bậm môi cố chịu đựng. Câu thần chú:”Người làm cách mạng…” được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng bây giờ nó không còn tác dụng gì. Nỗi lo sợ không chịu rút lui mà còn lớn bổng lên, nhe nanh vuốt dữ tợn. Sinh hình dung, ngay ngày mai, cảnh sát sẽ ập đến, lôi thủ phạm lên xe và chở về trại giam. Ở đó, cậu sẽ bị tra tấn cho đến chết, hay ở đó cậu sẽ khai ra thầy Văn. Ý nghĩ phản bội lại thầy giáo của mình làm Sinh kinh khiếp hơn cả cái chết. Hai bàn tay Sinh đấm lên đầu, rồi bóp đầu thực mạnh để trừng phạt cái bộ não ngu si bên trong. Cậu lại nằm xuống và ngồi dậy nhiều lần, sau cùng, đến bốn giờ sáng thì ngủ thiếp đi vì quá mệt mỏi.
Vệt sáng xuyên qua khe cửa, rọi lên nóc mùng, làm Sinh tỉnh giấc. Đồng hồ đeo tay chỉ bảy giờ rưỡi. Ánh mắt cậu di chuyển từ cái đồng hồ xuống bàn tay, rồi chết sững ở đó.
Mấy ngón tay Sinh còn dính lem nhem màu sơn đen. Sinh hốt hoảng phóng xuống bếp tìm can dầu hỏa. Cậu đổ dầu ướt đẫm cái nùi giẻ, hì hụi chùi rửa mấy ngón tay, không để ý rằng, căn bếp bây giờ đang nồng nặc bốc mùi dầu hôi.
Chùi xong những dấu vết đen đúa trên bàn tay, Sinh vẫn còn chưa hoàn hồn. Biết đâu đêm qua cậu còn làm vấy cả sơn đen lên ổ khóa cửa cổng. Bất cứ chỗ nào cậu đụng vào đều có thể để lại vết sơn lem luốc. Sinh ngồi lặng thinh trong bếp chìm ngập trong nỗi sợ hãi. Nhưng sự tò mò trong lòng cậu cứ lớn dần, nó thúc dục Sinh đừng dậy, mở cửa bước ra sân.
Bên ngoài có vẻ chộn rộn khác thường. Nhiều bóng người thấp thoáng bên kia hàng cây. Tiếng chuyện trò to nhỏ từ hai phía đường văng vẳng vọng đến. Cậu hồi hộp không biết cơ quan an ninh có đến chụp hình hoặc lấy dấu vân tay trên mấy lá cờ Mặt trận hay chưa.
Con chó Tăng nghe làng xóm chộn rộn cũng tỏ vẻ hớn hở khác thường. Nó chạy ra chạy vô lăng xăng thúc dục cậu chủ mở cửa.
Sinh thận trọng bước ra đường. Con Tăng vừa hăm hở phóng theo đã bị Sinh quay lại dậm chân nạt nhỏ một tiếng. Nó hốt hoảng cụp đuôi lùi về phía sau. Giờ đây, nó là nhân chứng duy nhất của chuyện xảy ra đêm qua. Nó bỗng làm Sinh sợ hãi.
Bên ngoài, người dân đứng rải rác suốt trên con đường dẫn vào phía trong xóm. Nơi bức tường trắng ở khúc quanh, có một người đàn ông đang khom lưng dùng dao hì hục cạo. Sinh đang lấm lét nhìn quanh để xem có ai mặc sắc phục cảnh sát hay không thì tiếng hỏi ngay sau lưng:
- Sao bữa nay cậu dậy trễ vậy?
Sinh giật mình, suýt nữa thì bỏ chạy. Nhưng người vừa hỏi đó là chị Hằng hàng xóm. Sinh hít một hơi, chậm chạp trả lời:
- Em sắp thi nên đêm rồi học đến khuya cho kịp bài.
- Vậy hả. Hồi hôm Việt cộng về viết khẩu hiệu và dán cờ. Khủng khiếp! Nghe mấy bà xóm trong nói họ về đông lắm, có mang theo súng và lựu đạn nữa.
Sinh giả bộ ngây thơ:
- Em học đến nửa đêm thì ngủ gục trên bàn, không còn biết trời trăng gì. Nhưng làm sao họ về được. Lính và cảnh sát canh gác dữ lắm mà.
- Ăn nhằm gì. Đồn bót mấy lớp kẽm gai, đèn pha rọi suốt đêm, họ cũng vào dễ như mình vào nhà vậy mà.
Sinh dọ hỏi:
- Sáng giờ, chị có thấy cảnh sát hay an ninh đến không?
- Có ai khai báo đâu mà đến. Sáng ra, người ta thấy cờ và khẩu hiệu thì vội vàng chùi gỡ, mạnh nhà nào nấy làm, sợ mang họa.
- Để em lại đằng đó xem thử.
Sinh thọc sâu hai bàn tay vô túi quần, bước nhanh lại bức tường. Chủ nhà đã cạo theo những chữ nên không còn vết hạt cau nữa, nhưng hai câu thơ vẫn còn đó với đường nét to ra và nham nhở. Vì thế, ông chủ nai lưng ra mà cạo một vùng to bao trùm cả hai câu thơ. Sinh gật gù cười thầm. Ở những nơi khác, cờ Mặt trận đã bị gỡ và xé cả chỉ sót lại mấy mảnh giấy trắng còn dính tại chỗ sơn dán mà thôi. Chắc chủ nhà cũng đã cẩn thận mang cờ đi đốt.
Sinh thở ra khoan khoái. Bây giờ, cơ quan an ninh có tới đi nữa thì cũng không thể nào lần ra được dấu vết. Nỗi lo sợ của đêm hôm qua hoàn toàn biến mất, bây giờ Sinh bắt đầu tận hưởng thành quả của công tác vĩ đại của mình. Cảnh nhốn nháo của dân chúng trong xóm có thể xem như công tác cách mạng của Sinh thành công về cơ bản. Cậu đã chứng tỏ cho nhân dân thấy Mặt trận có mặt khắp nơi và cậu đã giáng cho địch một đòn quyết liệt.
Sinh thủng thẳng bước về nhà, lòng vui như mở hội. Cậu không vội đi ăn sáng mà ngồi đợi xem tình hình. Một giờ đồng hồ sau, khu xóm trở lại bình thường, không thấy bóng một cảnh sát hay quân đội nào đến. Có lẽ, chẳng ai dại dột nghĩ đến chuyện đi báo. Đi báo chỉ mang rắc rối vào nhà thôi. Cậu thay áo quần và dẫn xe đi ăn sáng.
Ra đến đầu hẻm, cậu dừng lại mua tờ báo. Chị bán báo ngửng lên nhìn cậu, hỏi nhỏ, giọng có vẻ nghiêm trọng:
- Khi hôm, trong đó có Việt cộng về, cậu biết không?
- Em ngủ say không biết gì cả, sáng ra mới hay.
- Gớm thiệt, nhưng chắc không phải Việt cộng ở ngoài vào đâu. Có lẽ Việt cộng nằm vùng đó. Biết đâu họ ở ngay trong xóm em cũng có.
Sinh lại chột dạ. Chị bán báo còn suy luận được như thế, thì cơ quan an ninh có thể còn đi xa hơn. Cậu giả bộ ngây thơ:
- Nhưng em ở đó lâu, đâu có thấy ai là Việt cộng.
Chị bán báo cười:
- Cậu tưởng ai đó làm Việt cộng thì phải đến trình diện cậu hay là dán cái bảng VC trước ngực cho cậu biết hay sao? Ngay như hai chị em mình đây, có thể có một người là Việt cộng cũng nên.
Sinh giật thót người. Thấy nét mặt hoảng hốt của cậu, chị cười an ủi:
- Nói chơi vậy thôi. Chị không phải là Việt cộng đâu. Chị lo làm ăn nuôi con. Làm “cái nghề” đó ghê lắm. Trốn chui, trốn nhủi khổ thân. Rủi mà bị bắt thì mềm xương. Mấy thằng gác nhân dân tự vệ hôm qua ngủ trong thềm nhà thờ bị gọi lên bót cả rồi. Không biết trong đám tụi nó có thằng nào lén đi làm chuyện bậy bạ đó không. Nếu có thì chỉ khổ cha, khổ mẹ thôi.
Sinh cảm thấy buồn phiền trong lòng nên vội lấy báo quăng vào giỏ xe. Cậu cúi xuống xoa đầu thằng bé rồi quay xe ra đường, mua một ổ bánh mì thịt cho mình và một ổ bánh mì ngọt cho thằng bé con chị bán báo rồi về nhà.
Khi Sinh vừa về đến cổng, con Tăng vội ngúc ngoắc đuôi chạy ra mừng. Sinh bần thần ngồi xuống bậc thềm, ngắt một đoạn bánh mì quăng cho con chó, đoạn còn lại, cậu vừa nhai vừa suy nghĩ về lời chị bán báo. Cái công tác cách mạng có tính chất anh hùng mà cậu vừa thực hiện khi đêm, chẳng những chị không ca tụng mà còn cho là “chuyện bậy bạ, làm khổ cha mẹ”. Chị thuộc thành phần nhân dân lao động nghèo, cũng có thể gọi là vô sản, mà có tư tưởng xấu như thế sao? Tội nghiệp, chị còn quá lạc hậu, nếu không nói là u mê. Chị không được tiếp xúc với một cán bộ như thầy Văn để được giác ngộ. Còn anh chồng của chị thì sao? Sinh biết anh ta là công nhân, nghĩa là thuộc giai cấp vô sản chính cống, giai cấp tiền phong, giai cấp ưu việt, giai cấp lãnh đạo của cách mạng. Không lẽ anh ta cũng lạc hậu như chị sao? Nếu không lạc hậu thì, đầu gối tay ấp bao nhiêu năm, anh chẳng làm cho chị giác ngộ được chút nào.
Cậu bực tức vì cái lý tưởng đang bị tổn thương, hành động phi thường vừa qua bị chê bai dè bỉu. Sinh nghĩ đến thầy Văn. Chỉ có thầy mới hiểu được tính chất anh hùng của sứ mạng nầy. Thầy sẽ hết lời ngợi khen và giúp Sinh lấy lại trọn vẹn niềm hãnh diện, bồn chồn mong thầy đến sớm.
Sinh không phải đợi lâu, thầy đến ngay buổi chiều hôm đó.
Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, Sinh ngủ say đến bốn giờ chiều để bù lại đêm ít ngủ vừa qua. Tiếng con Tăng sủa mừng ngoài cổng làm Sinh thức giấc. Cậu bật dậy và chạy ra mở cổng.
Thầy Văn dẫn xe vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, Sinh đã kể ngay hành động cách mạng của cậu trong đêm qua. Lúc đầu, thầy tỏ ra ngạc nhiên làm Sinh rất thích thú, càng kể càng phấn khởi. Thầy chăm chú nghe, mặt lộ vẻ xúc động. Sinh vừa kể, vừa nhìn thầy. Qua phút ngạc nhiên ban đầu, nét mặt thầy trở nên căng thẳng. Sinh chờ đợi nụ cười tán thưởng nơi miệng thầy. Nhưng không, đôi môi thầy hình như mím chặt, cái nhìn thì nghiêm khắc. Sinh có cảm tưởng như mình là kẻ đang thú tội. Vì thế, câu chuyện mà cậu kể, bắt đầu thì đầy phấn khởi nhưng kết thúc thì xuội lơ. Sinh chờ đợi một lời khen ngợi hoặc một lời la rầy. Nhưng thầy im lặng nhìn ra cổng, vầng trán cao và thông minh của thầy cau lại một cách khó hiểu. Vài phút sau, thầy lên tiếng, giọng nói nhỏ và đều:
- Thôi, chuyện lỡ rồi. Em có nhiệt tình và lòng can đảm như thế cũng tốt.
Thầy ngừng lại rồi hạ giọng nói tiếp:
- Ngày nay em có để ý thấy ai qua lại trước cổng và nhìn vào không?
Sinh ngủ suốt từ trưa đến giờ. Nhưng cậu cũng trả lời một cách cương quyết:
- Không, không có ai cả.
- Em làm bộ ra đuổi gà rồi bước ra cổng nhìn một lần nữa. Nhớ nhìn kỹ nhưng thật nhanh, và cố hết sức tự nhiên.
Sinh nhìn ra, thấy có mấy con gà hàng xóm đang bươi ở chân hàng rào. Cậu đứng dậy, miệng xua đuổi gà, chân bước nhanh ra cổng. Trên con đường đất chỉ có vài người đi bộ hoặc đạp xe ngang qua, tất cả đều bình thường như mọi ngày. Sinh vào nhà nói với thầy bằng một giọng chắc chắn:
- Hoàn toàn yên ổn. Không có gì đáng ngại.
Thầy vẫn giữ giọng nhỏ và đều:
- Em lấy tập vở ra để trước mặt.
Bỗng thầy nói thực to:
- Tôi đã dặn em rồi. Dòng điện xoay chiều và dòng điện một chiều khác xa nhau. Tại sao em đem công thức dòng điện một chiều áp dụng cho các bài toán của dòng điện xoay chiều? Trật rồi, làm lại hết.
Thầy xuống giọng thực nhỏ nhưng gay gắt:
- Em đã phạm một khuyết điểm thực đáng phê bình. Em vừa có một hành động tự phát không thể nào chấp nhận được ở người làm cách mạng. Ngay đối với quần chúng, hành động tự phát cũng rất nguy hiểm cần phải được ngăn chận. Với một người trong tổ chức, hành động nầy còn tệ hại hơn vì được xem là hành động vô kỷ luật.
Sinh hoảng hốt, cảm thấy tay chân mình rụng rời. Cậu định nói lời xin lỗi nhưng thầy đưa tay ngăn lại để nói thật lớn:
- Nếu nối hai đầu khung dây với mạch ngoài thành mạch kín thì biểu thức điện áp tức thời mạch ngoài là... Là bao nhiêu? Em tính lại rõ ràng cho tôi.
Thầy lại gằn giọng nói nhỏ:
- Hôm nay, thầy không thể nói chuyện với em lâu được. Nên cẩn thận. Chuyện em làm khi đêm đã đặt cả xóm nầy dưới sự giám sát đặc biệt của cơ quan an ninh trong ít nhất vài tuần hoặc vài tháng. Em cứ giữ nếp sinh hoạt bình thường, nhưng tránh đi chơi đêm về khuya. Về khuyết điểm vừa rồi thì em nên rút kinh nghiệm. Cái nguyên tắc căn bản của hoạt động địch hậu là tuyệt đối làm theo sự lãnh đạo của cấp trên. Mọi sáng kiến chỉ được thi hành sau khi cấp trên chấp thuận.
Thầy ngưng một chút để dò xét phản ứng trên mặt Sinh. Cái nhìn của thầy dịu lại, giọng nói ôn tồn hơn:
- Dù sao, câu chuyện vừa rồi cũng chứng tỏ lòng nhiệt thành của em đối với Mặt trận. Nhưng rất tiếc, kể từ hôm nay, tôi không đến thăm em nữa, ít nhất là một vài tháng.
Thầy lại ngưng một chút để suy nghĩ rồi nói nhanh:
- Em chuẩn bị tư tưởng. Trong một hay hai tuần lễ nữa, em có thể được kết nạp vào đoàn Thanh niên Lao động qua một buổi lễ ở một địa điểm bí mật. Địa điểm đó có thể là trong chiến khu hoặc ngay ở trong lòng địch. Hôm nay, chủ nhật. Trưa thứ tư, đi học về, em ghé tiệm phở ‘Tàu bay’ ở ngã tư Phú nhuận, tìm một bàn trống, kêu phở ăn. Thầy sẽ đến gặp em tại đó. Bây giờ, thầy về. Em nhớ địa điểm đó nhưng không được ghi vào giấy. Em hãy đưa thầy ra cổng và giữ tự nhiên như hàng ngày.
Thầy vẫn ngồi yên và đưa tay về trước. Bằng một phản xạ, Sinh bắt tay thầy. Thầy nở một nụ cười rất tươi, giọng vẫn nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- Chào tạm biệt đồng chí. Hẹn gặp lại.
Lời “chào tạm biệt đồng chí” làm Sinh sửng sốt, nhưng nét mặt cậu không lộ nét phấn khởi vì lòng cậu đang rối bời. Sau khi xe thầy đi khuất, Sinh đóng cổng vào nhà và nằm vật ra giường, đầu óc trống rổng, không vui cũng chẳng buồn, không chán nản cũng chẳng hân hoan.
Về phần thầy Văn thì sau khi nổ máy xe, thầy cố giữ nét mặt thực thản nhiên, nhìn thẳng về phía trước. Chiếc xe phóng vọt tới, suýt đụng phải một người đi bộ băng qua đường. Thầy giật mình thắng gấp. Lái xe trong khi đầu đang căng thẳng như hiện tại thì rất dễ gây tai nạn. Thầy cố dẹp qua một bên các ý nghĩ đang nhảy múa lung tung trong bộ óc để được thư giãn một chút và lái xe thẳng về nhà.
Thế là kế hoạch định sẵn cho việc gặp Sinh chiều nay bị đảo lộn hoàn toàn. Khi đi, thầy đã vạch chương trình rất rõ rệt. Trước hết, sinh hoạt về tình hình và nhiệm vụ mới sau khi thỏa ước Paris được ký ngày 23 tháng 1 năm 1973 và bắt đầu được áp dụng từ 0 giờ GMT, tức là 7 giờ sáng, giờ Hà nội và 8 giờ sáng, giờ Sài gòn, ngày 28 tháng 1 năm 1973. Công việc sinh hoạt nầy kéo dài không quá một giờ rưỡi. Sau đó thầy sẽ hỏi xem Sinh có thể cho mẹ thầy tá túc đỡ một thời gian tại nhà Sinh trong khi thầy tìm nhà khác đủ cho thầy và mẹ sống.
Công việc thứ nhất thì không có gì khó. Thầy đã học xong nghị quyết, bây giờ thông báo lại và giải thích thêm. Sinh rất thông minh nên việc nầy sẽ dễ dàng. Việc thứ hai là việc nhà mới là nhức đầu.
Tuần rồi, chị Hai của thầy lại lên khóc lóc, bảo thầy đem mẹ lên Sài gòn ngay vì, ngoài sự nguy hiểm vì đạn lạc tên bay, bà còn bị đe dọa từ cả hai phía. Hai con rể của bà đều là du kích ban đêm, có thể thoát ly không biết lúc nào, đó là điều đe dọa từ phía quốc gia. Người ta phao tin đồn là ở Sài gòn, chính thầy là nhân viên của CIA, tức là Cơ quan tình báo trung ương của Mỹ, nên phe cách mạng sẵn sàng trút hận thù lên mái tóc bạc của bà.
Nghe chị nói, thầy lồng lộn lên vì tức giận và không kềm được câu chửi thề tục tĩu trước mặt chị. Thầy không biết chắc đó là tin đồn có thực ở quê hay chỉ là sự bịa đặt của chị để đốc thúc thầy sớm đem mẹ lên Sài gòn. Dù thế nào đi nữa, thầy cũng phải hứa với chị giải quyết ngay công việc. Trong lúc chưa tìm được nhà, thầy định tạm thời gởi mẹ sống tại nhà Sinh. Nay thì giải pháp đó không thành rồi. Sinh vừa thực hiện một việc có tính chất tự phát và xuẩn động làm cho thầy phải ngưng lui tới. Không lẽ giao mẹ cho Sinh rồi nhiều tháng trời không đến thăm mẹ hay sao?
Việc nhà rối rắm, việc nước cũng chẳng khá hơn. Cái nhà kín đáo trong khu vườn rộng của Sinh đã được thầy chọn làm địa điểm hội họp và cất giấu tài liệu sau nầy. Bây giờ thì dự tính đó hoàn toàn lung lay, một khi cả xóm nầy bị cơ quan an ninh cho vào sổ đen. Chưa hết, chuyện cấp bách nhất hiện nay chính là bản thân cậu học trò cũ mà cũng là đồng chí mới của thầy. Thầy biết đó là một nhân tố rất tích cực và rất quý giá để bổ sung cho hàng ngũ cách mạng ở nội thành. Nhưng thầy cũng biết tính chất hiếu động của thanh niên. Tính chất hiếu động đó, trước nay thầy chỉ nghĩ đến việc ăn nói không cẩn thận chứ có ngờ đâu đến việc làm vừa qua của Sinh. Chắc chắn Sinh không lặp lại hành động như vừa rồi nữa nhưng với bản tính hiếu động, bất chấp hiểm nguy, cậu có thể có hành động khác nguy hiểm không kém. Không những nguy hiểm cho bản thân Sinh mà hậu quả còn có thể vô cùng tai hại cho đời sống của thầy và cho sự hoạt động của tổ chức. Thầy hiểu Sinh là một phần tử mau giác ngộ nhưng chưa hề được trui rèn trong ngọn lửa cách mạng nên, nếu bị bắt, cậu ta không thể nào chịu đựng nổi sự tra tấn. Cậu ta sẽ khai, mà chẳng khai ai khác ngoài thầy. Do đó, hiện tại phải ưu tiên giải quyết vị thế của Sinh trước đã.
Trong những tháng vừa qua, đôi khi thầy có ý nghĩ sớm đưa Sinh vào đoàn để cậu được sinh hoạt thường xuyên nhưng thầy trì hoãn để giáo dục thêm ý thức hoạt động trong vùng tạm chiếm. Hơn nữa, thầy cũng muốn Sinh có một đóng góp nào đó cho cách mạng, cụ thể là vận động được một hai bạn quen để trở thành đối tượng đoàn sau nầy. Thành tích ban đầu đó sẽ tăng thêm ý nghĩa của lễ kết nạp đoàn và hơn nữa, thành tích đó của Sinh cũng chính là thành tích của thầy đối với cấp trên. Nhưng bây giờ, không thể trì hoãn được nữa. Phải kết nạp Sinh vào đoàn càng sớm càng tốt. Trở thành đoàn viên, cậu ta sẽ cảm thấy mình trưởng thành, có ý thức kỷ luật, nên sẽ biết thận trọng trong lời nói và việc làm. Hơn nữa, đoàn là sợi dây vô hình nhưng rất vững chắc cột chặt cuộc sống của cậu ta với cách mạng, từ đó có thể đòi hỏi sự hi sinh cao độ của cậu đối với tổ chức và đối với cá nhân thầy nữa. Thầy liên tưởng tới việc gởi mẹ về sống tại nhà nầy sau khi đã yên chí địch không còn theo dõi nữa. Đã là đoàn viên, Sinh sẽ chấp nhận đề nghị của thầy một cách dễ dàng, không còn nghi ngại gì nữa. Dần dần, cậu ta cũng có thể nhường lại cho thầy một miếng đất trong khu vườn rộng rãi để thầy cất nhà và sống với mẹ và có thể cả với vợ con sau nầy nữa. Nghĩ đến đó, thầy thấy trong lòng thực phấn khởi và tự thấy hài lòng với chính mình. Thầy nhớ lại lúc nghe Sinh kể hành vi cách mạng có tính cách xuẩn động của mình, thầy bàng hoàng sửng sốt vì mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, nhưng với khả năng suy nghĩ của người trí thức, với kinh nghiệm đối phó trong bao nhiêu năm cọ xác với địch ngay trong lòng địch, thầy có quyết định như trên một cách hết sức nhanh chóng.

Về thủ tục, việc chấp nhận Sinh vào hàng ngũ Thành đoàn hoàn toàn tùy thuộc nơi thầy. Theo điều lệ, đoàn viên đã có thể giới thiệu quần chúng vào đoàn, huống chi thầy là đảng viên, hơn nữa bí thư chi bộ đảng. Điều khó khăn cuối cùng là cơ sở hoạt động. Hiện thầy đang phụ trách một trường trung học tư thục còn Sinh thì đang học ở trường đại học Khoa học. Ở đó có tổ chức đoàn hay không thì thầy không thể biết được. Thầy cũng không muốn giới thiệu Sinh cho một cơ sở khác mà muốn giữ người đồng chí nầy lại cho mình, sẽ có lợi hơn nhiều. Được rồi, thầy sẽ báo cáo lên trên là Sinh sắp về dạy ở trường mình và việc kết nạp Sinh vào cơ sở của thầy trở nên hữu lý.
Bây giờ chỉ còn chọn địa điểm, quyết định ngày và thành phần tham dự lễ kết nạp. Dĩ nhiên với nguyên tắc bí mật, chỉ cần thầy và Sinh là đủ. Phần lễ nghi cũng không cần thiết; chỉ cần bắt Sinh đứng nghiêm để thầy đọc thuộc lòng quyết định của Thành đoàn là xong. Nhưng thầy không bằng lòng với cách làm giản dị đó. Sinh là niềm hy vọng của thầy. Đó là một khâu trong chuỗi tính toán cho tương lai của thầy. Buổi lễ kết nạp phải long trọng tối đa, vì như thế sẽ ảnh hưởng tốt đến chất lượng công tác của Sinh sau nầy. Buổi lễ kết nạp phải có cờ Mặt trận, thêm cờ nước càng tốt. Và phải có người thứ ba tham dự. Người thứ ba ấy phải là người cùng cơ sở hoạt động với Sinh ngay sau đó. Mọi việc nầy phải giải quyết xong trong ba ngày, vì thầy đã hẹn Sinh, trưa thứ tư sẽ gặp lại tại quán phở Tàu bay, nơi thầy thường dùng để liên lạc.


*
* *
KHU Bàn cờ có nhiều con đường nhỏ chặt nhau vuông góc như một bàn cờ. Ngày xưa chỉ toàn là nhà lá, cái nầy giống hệt cái kia, nên vào đây thì như lạc vào một mê hồn trận, không còn biết mình đang đứng trên con đường nào nữa. Vì vậy, ở những năm đầu kháng Pháp, khu nầy nổi tiếng là một ổ Việt minh mà lính Pháp phối hợp với lính quốc gia thường xuyên bố ráp.
Khoảng năm 1952, ngọn lửa thiêu rụi toàn khu Bàn cờ. Những căn nhà mọc lên sau đó không còn là nhà lá nữa. Vẫn những con đường kẻ ô vuông như cũ, nhưng nhà thì mỗi cái một kiểu khác nhau, dễ nhận diện, do đó cái ổ Việt minh cũng biến mất phần lớn. Tuy nhiên, có lẽ vì tính chất truyền thống cách mạng, nên khi muốn tạo dựng một địa điểm bí mật để hội họp, các cán bộ nội thành vẫn có khuynh hướng tìm đến khu nầy.
Địa điểm hội họp của thầy Văn cũng không ngoại lệ.
Song song với đường Phan đình Phùng, có một con hẻm, nằm ngay sau chùa Kỳ viên, nối liền đường Bàn cờ với đường Cao thắng. Hai bên hẻm là hai dãy phố với những căn nhà sát vách nhau. Gọi là dãy phố nhưng mỗi căn thuộc một chủ, xây cất theo ý riêng, nên dãy nhà lởm chởm, cái thấp, cái cao, có nhà trệt thấp lè tè, có nhà cao ba, bốn tầng.
Trong số nầy, có một căn gồm một trệt, một lầu. Đó là địa điểm hội họp chính của thầy Văn. Tầng trệt là một quán rượu. Bên trước quán là một quầy bán mồi nhậu. Những thứ nấu nướng hằng ngày như thịt vịt luộc, chả giò chiên, thịt bò xào thì thường đến trưa là hết, hiếm khi còn lại đến chiều tối. Các món khác như đậu phộng rang, khô mực, khô cá thiều, khô bò thì có thường xuyên nhưng ít hấp dẫn đối với khách nhậu. Do đó, buổi chiều thường vắng khách, rất thuận tiện cho công tác cách mạng.
Việc buôn bán hoàn toàn do hai mẹ con đảm nhận. Mẹ là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, con là một thiếu nữ khoảng mười lăm, không đẹp cũng không xấu lắm. Đó là vợ và con của một đồng chí ở Mỹ tho đã bỏ mình trong Tết Mậu thân. Tổ chức đưa hai mẹ con lên đây, vừa có cách sinh sống vừa canh giữ cho địa điểm hội họp nầy.
Tầng trệt là một phòng lớn kê năm bộ bàn ghế thấp để tiếp khách bình dân. Phía sau là bếp và nhà vệ sinh liền nhau. Tầng lầu bên trên là cơ sở cách mạng. Có hai lối để lên trên lầu. Thứ nhất là một cầu thang đúc, rộng rãi, đẹp đẽ ở ngay cuối phòng trệt nhưng lại luôn luôn đóng bít để ngăn cản khách nhậu bước lên một cách vô tình hay hữu ý. Thứ hai là lối đi thường xuyên, bằng cái thang rất dốc, được đặt ngay trong bếp. Lối đi nầy, chỉ có người trong cuộc mới biết để sử dụng.
Tầng lầu dùng làm nơi hội họp, có các cửa sổ bằng kiếng, bên trong có màn che bằng vải dày y như các phòng của nhà giàu. Khác với các nhà khác, bao lơn có cửa thông ra lại nằm phía sau, chứ không ở phía trước. Điều nầy cũng dễ giải thích vì mặt tiền nhà quay về hướng Tây, buổi chiều ra bao lơn ngồi thì rất mát mẻ. Nhưng đối với tổ chức thì bao lơn phía sau có ý nghĩa khác.
Hai bên là hai nhà trệt. Mái của một trong hai nhà đó hơi thấp và cách bao lơn khoảng một thước. Chỗ trống bên dưới là sàn nước của nhà bên cạnh. Đối với một người khỏe mạnh, leo ra hàng rào sắt của bao lơn, nhún chân nhảy qua mái nhà bên ấy là điều khá dễ dàng. Mái nhà ấy làm bằng tấm lợp xi măng, loại của Mỹ sản xuất nên rất chắc, có thể chạy bên trên một cách vững vàng. Các mái nhà gần như tiếp nối nhau liên tục tạo nên một con đường trốn chạy khá an toàn khi địa điểm bị lộ và bị bao vây.
Nơi hội họp bí mật nầy thuộc quyền cai quản của thầy Văn. Thầy không có tên trong giấy khai nhà ở đây, nhưng lại đóng vai trò chủ nhân bí mật. Về mặt công khai, căn nhà nầy là của một đại tá quân đội Cộng hòa đã được thuyên chuyển về vùng Một Chiến thuật tận ngoài Huế. Tổ chức cách mạng cho người dùng giấy tờ giả ký hợp đồng thuê mướn. Viên đại tá cũng không cần tiền lắm nên không phải trả tiền trước; tiền thuê hàng tháng cũng chỉ có tính cách tượng trưng để cho có người giữ nhà mà thôi.
Đồ đạc trong nhà toàn là nhưng thứ rẻ tiền, để khi bị động thì hai mẹ con bỏ trốn về quê hay ra chiến khu. Hai mẹ con cũng hoàn toàn không biết tên tuổi, địa chỉ của những người đến họp. Bà mẹ và cô con gái chỉ cần người nào đến, nói trúng mật khẩu là cho lên lầu bằng cầu thang trong bếp. Mật khẩu thay đổi hàng tháng, do thầy Văn thông báo. Thầy dùng địa điểm nầy để sinh hoạt chi bộ, thường kỳ là mỗi tháng một lần và đôi khi bất thường nếu có chỉ thị đột xuất và khẩn cấp. Thỉnh thoảng nơi đây cũng họp liên chi bộ nhưng rất hiếm vì thầy thường nhận chỉ thị trực tiếp từ một người của cấp trên ở địa điểm thay đổi luôn, như ghế đá vườn Tao đàn hay sở thú, một quán cà phê, một rạp chiếu bóng thường trực, vân vân.
Thầy Văn quyết định tổ chức lễ kết nạp cho Sinh ở địa điểm nầy. Cách nay đúng năm ngày, thầy đã gặp Sinh ở điểm hẹn là tiệm phở Tàu bay tại ngã tư Phú nhuận và đã chỉ rõ ngày giờ cũng địa điểm kết nạp. Thầy dặn Sinh đúng ba giờ chiều thứ hai đến với một bộ áo quần cũ kỹ, lôi thôi như một dân lao động đến quán nhậu. Sinh cũng cần mượn một xe đạp đến dựng bên ngoài để, nếu cần, bà chủ quán giấu dễ dàng ở sau bếp. Tất cả mọi điều đó được dặn dò trong thời gian ăn xong tô phở.
Chiều thứ hai, Sinh có một buổi thực tập vật lý nhưng cậu bỏ vì cậu nghĩ rằng buổi lễ kết nạp đoàn chỉ có một lần trong đời người. Đêm chủ nhật, Sinh muốn ngủ sớm để ngày mai tươi tỉnh, mà không ngủ được nhiều vì cứ nôn nao nghĩ đến lễ kết nạp ngày mai.
Buổi sáng thứ hai, Sinh ở nhà, mang sách vở ra học cầm chừng. Cậu đã mượn được chiếc xe đạp của chị Hằng với lý do là xe gắn máy của cậu bị hư. Đến hai giờ chiều, cậu thay áo quần. Cậu đã lục bao đồ phế thải, lôi ra cái quần hơi ngắn mà Sinh đã loại từ lâu. Cái áo sơ mi thì vừa nhưng rất cũ và trông dơ dáy vì áo nầy đã bị dùng làm giẻ lau bàn từ ít lâu nay. Không còn áo cũ nên Sinh đã giặt lại, theo đúng chỉ thị của thầy Văn. Cái áo nầy bỏ ngoài quần càng tăng thêm vẻ phong trần. Thay đồ xong, đứng trước gương, Sinh cũng phải bật cười. Cậu sinh viên đẹp trai đã trở thành một anh công nhân lem luốc.
Cậu khóa cửa cẩn thận, leo lên xe và đạp về Sài gòn.

Địa điểm bí mật ở gần trường Đại học Khoa học, nên cách đây hai ngày, trên đường đi học về, Sinh đã đi qua và quan sát. Nhờ đó, hôm nay Sinh vững bụng và không phải lo kiếm nhà nữa. Cậu đến nơi trước giờ hẹn năm phút. Quán nhậu trống trơn không có người khách nào cả. Bà chủ quán ngồi ngáp sau quầy. Sinh dựng xe đạp trước quán, cẩn thận khóa bánh trước rồi bước vào. Cậu lịch sự chào người đàn bà rồi đến ngồi ở bàn trong cùng để tránh nắng chiều. Bà chủ đứng dậy đến bàn Sinh ngồi, mỉm cười, hỏi:
- Cậu dùng khô mực không?
- Không, tôi thích lòng bò và phải là thứ thật mềm.
Đó là mật khẩu mà thầy Văn đã cho cậu. Cậu thấy thích thú khi thốt xong câu mật khẩu nầy. Cậu có cảm tưởng mình đang đóng mọt vai trinh thám ly kỳ. Bà chủ nheo mắt với cậu và nói to:
- Nhà vệ sinh trong kia, cậu cứ tự nhiên.
Sinh bước vào bếp theo ngón tay trỏ của bà. Cánh cửa gỗ hé mở, Sinh bước nhanh vào và leo lên chiếc cầu thang thẳng đứng. Vừa ló đầu lên khỏi cầu thang, cậu đã thấy thầy Văn cùng một người nữa đang rì rầm nói chuyện. Gian phòng khá trống trải. Phía trước là một bàn chữ nhật loại rẻ tiền, với bốn ghế dựa bốn bên. Phía sau là một chiếc giường khá rộng, có chiếc chiếu trải thẳng lên vạt gỗ. Cửa sổ và một cửa đi đều treo màn xanh nên trong phòng mát dịu, trong khi bên ngoài đang nắng gắt. Thầy Văn và người kia đang ngồi trên nền gạch bông sạch bóng. Sinh thấy anh ta có vẻ quen quen. Không khó khăn lắm, Sinh nhận ra đó là anh giáo sư dạy các lớp sáu của trường trung học tư thục mà Sinh theo học trước đây. Anh giáo sư nầy trông có vẻ ốm yếu, khoảng hai mươi hai tuổi, mang mắt kiếng cận thị khá nặng. Hình như anh ta dạy môn sử địa.
Thầy Văn vẫy tay gọi Sinh đến cùng ngồi trên nền gạch với hai thầy:
- Tôi xin giới thiệu. Đây là đồng chí Bá, dạy cùng trường với tôi. Đồng chí đang là đoàn viên Thanh niên Lao động thuộc cơ sở trường đang dạy. Và đây là đồng chí Sinh sắp được kết nạp đoàn, như đồng chí Bá đã biết. Trước hết, chúng ta làm lễ kết nạp để có thể sớm thủ tiêu hai lá cờ hầu đảm bảo an ninh. Sau đó là phần học tập nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ mới. Trước khi tiến hành buổi lễ, tôi cũng xin báo cáo điều nầy. Đáng lẽ trước khi được kết nạp, đồng chí Sinh phải học tập điều lệ đoàn. Nhưng tôi không mượn được cuốn điều lệ. Có lẽ cả Thành đoàn cũng không có cuốn điều lệ nào bằng giấy trắng mực đen. Tôi có nhận xét đồng chí Sinh về phẩm chất đạo đức cách mạng và ý thức bổn phận người yêu nước thì đạt yêu cầu của bản điều lệ nên lãnh đạo chấp thuận cho đồng chí Sinh thông qua khâu học tập điều lệ. Khi có dịp sẽ nghiên cứu sau.
Nói xong, thầy lôi trong cặp ra một quyển tập có bao bìa, phía trước có dán miếng giấy trắng làm nhãn với ba chữ thật to: “Sổ soạn bài”. Tấm giấy bao được dán thẳng vào bìa cuốn tập. Thầy xé bỏ và rút ra hai tờ giấy xếp làm đôi. Thầy mở ra và vuốt cho thẳng. Đó là hai lá cờ, mỗi lá to gần bằng một tờ giấy đôi trong vở học trò. Một lá cờ nước nền đỏ sao vàng và một lá cờ Mặt trận, nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa. Cả hai đều được dán bằng giấy màu.
Thầy đến giường, khum xuống lôi từ gầm giường một tấm ván ép mỏng rồi móc trong cặp ra một hộp nhỏ đựng đinh rệp. Thầy đặt tấm ván xuống nền nhà, trải hai lá cờ lên, sắp ngay ngắn và ấn đinh vào tám góc. Thầy nhìn lên vách; tấm vách tường trơn tru không có một cây đinh nào cả. Bá hiểu ý thầy, bưng hai chiếc ghế dựa đến sát vách, chồng lên nhau. Thầy mỉm cười, trân trọng đặt hai lá cờ lên chiếc ghế bên trên.
Sinh hồi hộp nhìn thầy làm việc. Hai lá cờ bé tí, đặt ở nơi không trang trọng lắm, nhưng gây cho Sinh sự xúc động mãnh liệt. Nó có vẻ gì rất thiêng liêng, hơn hẳn nhưng lá cờ bay phất phới trên những trụ cao mà người ta có đủ thì giờ chuẩn bị kỹ lưỡng. Sinh thầm nghĩ cuộc đời cậu từ nay gắn liền với hai lá cờ nầy. Một niềm cảm khái dâng lên trong lòng cậu, rạt rào, ào ạt như ngọn sóng thủy triều.
Cả ba đều đứng nghiêm. Sinh đứng giữa, hai bên là hai thầy. Thầy Văn nói nhỏ nhưng giọng không kém phần dõng dạc:
- Buổi lễ kết nạp hôm nay gồm có các phần sau đây: Chào cờ, mặc niệm, công bố quyết định của Thành đoàn, tuyên thệ, đại diện Thành đoàn và chi bộ đảng chấp nhận lời tuyên thệ, chào cờ bế mạc. Riêng phần tuyên thệ thì các đồng chí lưu ý điểm sau đây. Tôi đọc lời tuyên thệ, đồng chí Sinh chỉ cần đưa tay lên ngực, bàn tay áp vào tim rồi đưa thẳng về trước, lặp lại ba lần tiếng xin thề. Nhớ nói nhỏ đủ nghe thôi.
Thầy ngưng nói, nhìn thẳng vào hai lá cờ, thân mình khẽ giật một cái và trở nên cứng đờ. Sinh và Bá cũng làm theo như thế. Thầy hô nho nhỏ:
- Nghiêm. Hướng về cờ nước và cờ Mặt trận, chào cờ…. chào. Một phút mặc niệm Hồ Chủ tịch và các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Vài giây sau, thầy tiếp:
- Thay mặt Thành đoàn, tôi công bố quyết định kết nạp đồng chí Nguyễn văn Sinh, sinh ngày hai, tháng chín, năm một ngàn chín trăm năm mươi hai, vào Đoàn Thanh niên Lao động, đội hậu bị của đảng Lao động Viêt Nam.
Vài giây sau, thầy nói tiếp:
- Mời đồng chí đoàn viên Nguyễn văn Sinh làm lễ tuyên thệ.
Thầy đằng hắng cho giọng trong trẻo hơn:
- Thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội.
Sinh nghẹn ngào đưa tay lên quả tim:
- Xin thề, xin thề, xin thề.
Thầy tiếp tục:
- Thề hy sinh tất cả, kể cả tính mạng cho Mặt trận, cho công cuộc giải phóng miền Nam.
- Xin thề, xin thề, xin thề.
- Tôi thay mặt Thành đoàn chấp nhận lời thề của đồng chí Sinh. Lễ kết nạp chấm dứt. Chào cờ bế mạc. Nghiêm. Chào cờ…. chào. Xong.
Thầy Văn vội vã bước đến gỡ hai lá cờ, xếp nhỏ lại nhét vào túi quần và xuống cầu thang. Sinh hiểu ngay là thầy xuống bếp đốt bỏ đi.
Vài phút sau, thầy trở lên mang theo một bình trà, ba cái ly nhỏ và một gói kẹo đậu phộng. Thầy bảo hai đoàn viên ngồi vào bàn. Thầy rót ba ly nước trà, mở gói kẹo và vui vẻ nói:
- Tôi muốn buổi lễ kết nạp diễn ra ở chiến khu để đồng chí Sinh biết được căn cứ địa của cách mạng và để tăng thêm sự trang trọng của buổi lễ. Tuy nhiên, Thành đoàn cho biết, hiệp định Paris vừa mới có hiệu lực nên địch có thể tung nhiều gián điệp vào khu giải phóng. Chúng có thể nhận diện chúng ta và đợi ta về thì chúng cho vào rọ. Thôi, các đồng chí hãy thưởng thức một chút hương vị của chiến khu đi.
Sinh ngạc nhiên:
- Trà và kẹo nầy đem ở chiến khu ra à?
Thầy cười:
- Đặc sản của chiến khu là mìn và bàn chông. Mấy thứ nầy trong chiến khu cũng mua từ chợ vào. Có điều gần như bất cứ cuộc họp nào cũng kết thúc như thế nầy. Cho nên, sau lễ kết nạp vừa qua, ăn miếng kẹo đậu phộng, uống ngụm trà rồi nhắm mắt lại là thấy mình đang ở chiến khu.
Sinh pha trò:
- Thầy dạy lý hóa mà cũng lãng mạn ghê.
Thầy chỉnh liền:
- Ậy, cái thứ lãng mạn là tối kỵ với giai cấp vô sản đó. Nhưng lâu lâu thả hồn về chiến khu thì cũng không sao.
Cả ba cười vui vẻ.
Thầy Văn bắt đầu vào đề của buổi học tập:
- Trước khi học nghị quyết của Thành đoàn, tôi xin thông báo quyết định của chi bộ. Kể từ hôm nay, trường Trung học Trần quốc Tuấn có riêng một chi đoàn gồm ba người là tôi và hai đồng chí Bá và Sinh. Tôi và đồng chí Bá đang hoạt động trong cơ sở là nhà trường. Đồng chí Sinh thì đang học ở Đại học Khoa học nhưng trước sau gì cũng sẽ về trường để dạy. Trong thời gian chưa chính thức về trường, đồng chí Sinh vẫn có thể làm công tác dân vận với bất cứ người quen biết nào của mình. Ngay trong trường Đại học, nếu phát hiện được nhân tố tốt thì cũng cứ xúc tiến việc giáo dục và sau đó có thể giới thiệu cho cơ sở khác. Với chi đoàn mới hình thành, tôi tạm thời giữ chức bí thư, đợi khi kết nạp được đoàn viên mới thì sẽ đề cử một trong hai đồng chí thay tôi. Địa chỉ sinh hoạt của chi đoàn là nhà đồng chí Sinh. Nhưng tạm thời chúng ta chưa sử dụng địa điểm đó. Ngày giờ và địa điểm mỗi buổi sinh hoạt, tôi sẽ thông báo đến các đồng chí sau.
Thầy dừng lại cắn một miếng kẹo, uống một ngụm trà để nhớ chiến khu rồi nói tiếp:
- Bây giờ đến phần học nghị quyết về tình hình nhiệm vụ mới. Thỏa hiệp Paris vừa có hiệu lực cách nay ít lâu không phải là điểm chấm hết công cuộc giải phóng miền Nam mà chỉ là một bước ngoặc để đẩy tiến trình giải phóng nhanh hơn. Với hiệp định nầy, Mỹ đã chính thức bị đuổi khỏi miền Nam, cùng với các chư hầu khác là Thái lan, Nam Hàn, Úc. Mỹ cút rồi, bây giờ phải nhanh chóng đánh cho ngụy nhào theo lời di chúc thiêng liêng của bác Hồ. Do đó, chúng ta phải cương quyết ngăn chận sự manh nha và phát triển tư tưởng cầu an hưởng lạc trong hàng ngũ cán bộ chúng ta. Đừng bao giờ nghĩ rằng hòa bình đã đến, một khi chúng ta chưa toàn thắng. Cuộc đấu tranh vũ trang vẫn tiếp tục, nhưng tạm thời dưới hình thức khác, khó khăn hơn nhiều.
Thầy lại ăn kẹo, uống nước trà rồi tiếp:
- Chúng ta rút kinh nghiệm của hiệp định Genève năm 1954. Lúc đó, chúng ta đã để cho cuộc đấu tranh chính trị tiến hành quá lâu mà không sớm kết hợp với chiến tranh nên địch có thời giờ củng cố lực lượng, làm chậm trễ công cuộc giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước trong nhiều năm. Vả lại, lúc đó ta mới giải phóng miền Bắc, phải lo củng cố chính quyền, đập tan bọn phản động còn cài lại và hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, để gấp rút bắt đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng nầy đã giúp ta quản lý tài nguyên nhân lực, nhờ đó miền Bắc mới trở thành một hậu phương lớn, để yểm trợ cho tiền tuyến lớn là miền Nam Việt Nam.
Thầy ngưng lại để lấy hơi rồi tiếp:
- Đó là tình hình, bây giờ đến nhiệm vụ mới. Chúng ta phải gấp rút đẩy mạnh cuộc đấu tranh quân sự một khi Mỹ và chư hầu rút hết khỏi miền Nam. Đồng thời, chúng ta cũng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị để yểm trợ cho cuộc đấu tranh quân sự. Mục tiêu trước mắt là gây bất ổn chính trị ở các thành phố lớn để làm suy yếu tinh thần của quân ngụy ngoài chiến trường. Chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo trong hàng ngũ chủ lực là công nhân, thúc đẩy sinh viên học sinh xuống đường, gây mâu thuẫn giữa hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo để chia rẽ hai lực lượng phản động đó, nhất là gây mâu thuẩn giữa tôn giáo với nhà cầm quyền, từ đó thúc đẩy tôn giáo chống lại nhà cầm quyền. Chúng ta cũng vận động giới văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhất là các nhạc sĩ trẻ có tài tham gia phong trào phản chiến để khuyến khích thanh niên chống lệnh bắt lính và tổng động viên của địch. Thầy ngừng lại, ăn kẹo, uống nước trà rồi kết luận:
- Tôi vừa mới tóm tắt xong nghị quyết. Thôi đủ rồi. Còn với chi đoàn thì hai đồng chí cứ tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nếu có gì mới, tôi sẽ chỉ đạo ở các kỳ sinh hoạt sau. Riêng đồng chí Sinh, tôi thay mặt Thành đoàn và chi bộ có lời chúc mừng đồng chí đã thực sự đứng vào hàng ngũ của cách mạng. Tôi cũng xin nhắc với đồng chí rằng, đoàn là đội hậu bị của đảng. Điều đó có nghĩa đoàn viên là người bắt đầu trở thành người cộng sản. Do đó đồng chí Sinh cần phải tự rèn luyện tư tưởng mình, đặc biệt về vấn đề đấu tranh giai cấp mà trước đây tôi đã từng giải thích. Đồng chí phải luôn tâm niệm rằng giai cấp tư sản là kẻ thù của giai cấp vô sản. Có thế, sau nầy đồng chí mới xứng đáng thực sự đứng vào đội ngũ của đảng tiền phong, đại diện chính thức và duy nhất của giai cấp vô sản . Một lần nữa, tôi chúc mừng sự vinh quang của đồng chí.
Bài diễn văn hùng hồn của thầy Sinh kết thúc lễ kết nạp và học tập nghị quyết, mọi người lần lượt ra về.


*
* *