Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Kẻ chiến bại (3)


Buổi lễ kết nạp vừa qua gây trong lòng Sinh sự xúc động to lớn. Phần học tập nghị quyết cũng làm cho Sinh rất thích thú. Cậu thấy chủ trương của cách mạng thực là khó lường đối với trình độ nhận thức của cậu từ trước cho đến nay. Qua các buổi phát thanh của đài Hà nội và đài Giải phóng, cậu cứ ngỡ rằng cách mạng thực sự chủ trương hòa bình, nhưng bây giờ cậu mới hiểu rằng cách mạng đang tích cực chuẩn bị chiến tranh để giải phóng miền Nam, vì đó là mục đích cuối cùng của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn nầy. Lòng yêu chuộng hòa bình mà cách mạng luôn luôn đề cao chỉ là một cách tuyên truyền mà thôi chứ không phải là chủ trương thực sự của đảng. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu điều đó. Và cậu hãnh diện là người trong cuộc.
Phần tình hình thì rõ ràng như vậy. Nhưng phần nhiệm vụ mới thì có vẻ mơ hồ, không liên can đến bản thân cậu. Thúc đẩy sinh viên xuống đường? Thúc đẩy bằng cách nào? Chắc hẳn không phải đến sau lưng mỗi người và xô họ ra ngoài đường để đi biểu tình. Thế thì làm gì đây? Thôi cứ chờ đợi sự chỉ đạo của thầy Văn, như lời kết luận của thầy, khi học xong nghị quyết.
Sinh cũng nhớ rõ lời nhắn nhủ của thầy cho riêng mình. Đoàn là đội hậu bị của đảng. Đảng là của giai cấp vô sản. Kể từ hôm nay, cậu phải hướng về giai cấp vô sản, dứt khoát xem giai cấp đối nghịch là kẻ thù. Một lần nữa, vấn đề đấu tranh giai cấp lại nổi cộm lên trong trí óc cậu. Cậu đang phấn khởi nhưng trong lòng không được nhẹ nhàng thơ thới.
Tạm thời, chưa có nhiệm vụ gì cấp bách nên cậu lao vào học tập vì chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ thi lấy chứng chỉ đầu tiên.

Hai tháng sau, cậu làm những bài thi rất tốt và đậu hạng khá cao. Ngay sau khi thấy tên mình trên bảng vàng của trường Đại học Khoa học, Sinh chạy đến mua trái cây, hoa và nhang đến mộ mẹ. Cậu đốt nhang, quỳ ngay xuống đất lâm râm khấn vái để báo tin mình thi đậu. Cậu ngồi bên mộ mẹ độ mười phút, lòng vui như mở hội chứ không buồn như mọi khi. Cậu đứng dậy thu tất cả trái cây vào túi rồi ra về.
Nếu mẹ còn sống, chắc chắn, hôm nay mẹ sẽ bày tiệc mừng và cho cậu mời các bạn bè đến dự. Bà sẽ không ngồi dự -Sinh biết tính mẹ xưa nay vẫn thế- bà chỉ đi quanh bàn châm thêm thức ăn, nét mặt rạng rỡ tràn đầy hạnh phúc. Nghĩ đến đó, Sinh nghe lòng quặn thắt. Lâu lắm rồi, Sinh mới nhớ đến mẹ một cách sâu đậm như hôm nay. Hơn hai năm qua, cậu bị choáng ngợp vì những ý tưởng cách mạng mà thầy Văn đem đến cho cậu, lòng nhớ thương mẹ có phần phai nhạt. Hôm nay thi đậu chứng chỉ đầu tiên ở đại học, cậu sực nhớ công ơn bao la của mẹ và ước ao mẹ biết được kết quả nầy.
Bỗng cậu có ý định mở tiệc mừng trưa nay. Nơi bàn tiệc, Sinh sẽ dành một ghế danh dự bỏ trống. Khi tuyên bố lý do để nhập tiệc, Sinh sẽ giới thiệu cho mọi người biết ghế đó là của hương hồn mẹ vì cậu muốn dành tất cả vinh dự của buổi tiệc cho mẹ.
Sinh cảm thấy nôn nao vì dự tính nầy. Cậu tưởng tượng mọi người sẽ cúi đầu cảm động và trên chốn cao sang kia, mẹ nhìn xuống đứa con trai côi cút của mình bằng cặp mắt xót thương và hài lòng.
Nhưng cậu sực nhớ lại, bạn bè cậu bây giờ còn ai đâu. Bạn cũ ở trung học thì đã tứ tán, một số đã vào quân ngũ như hai đứa bạn thân nhất là Đạt và Thành. Những người khác thì Sinh không còn gặp gỡ vì không thuộc đối tượng vận động cách mạng của cậu. Vả lại, từ hơn một năm nay, Sinh không muốn họ đến nhà; lý do là, theo lời thầy Văn, nơi nầy sẽ trở thành địa điểm sinh hoạt bí mật, cần hạn chế sự lui tới của những người ngoài tổ chức. Chỉ còn hai người gần gũi nhất là thầy Văn và thầy Bá thì không thể mời đến được. Họ đến đây là chỉ để bàn công tác cách mạng chứ không thể đến để mừng một chuyện không có liên quan đến cách mạng.
Sinh bỗng cảm thấy một nỗi buồn phiền đang len lỏi trong lòng. Trước khi tham gia cách mạng, cậu là một đứa trẻ cởi mở, dễ thân thiết với mọi người và có nhiều bạn bè. Nay vai trò người đoàn viên cộng sản tạo nên một khoảng cách giữa cậu với người khác. Khoảng cách đó sinh ra từ chính nơi ý tưởng và ý thức cách mạng. Thực vậy, nhìn ai cậu cũng đánh giá qua các nấc thang phân loại giai cấp. Cậu thấy lòng mình có vẻ khô cằn và hơi hối tiếc những ngày sống hồn nhiên trước đây. Hôm nay, trong nỗi cô đơn này, Sinh bỗng thèm muốn có ai đó đến chia sẻ niềm vui thi đậu.
Sinh muốn tiêu một món tiền trong ngày có ý nghĩa to lớn này. Ở Đại học Khoa học, quan trọng nhất là chứng chỉ dự bị. Các chứng chỉ trên thì chia thành học phần cũng dễ chịu. Nếu không có gì cấp bách thì cứ thủng thẳng mà lượm hoa rơi, không chóng thì chầy cũng đậu cử nhân. Do đó, đậu chứng chỉ dự bị là điểm mốc quan trọng và đáng được khao thưởng. Không có ai khao, thì mình tự khao lấy mình, Sinh nghĩ thầm.
Trên đường về, Sinh ghé mua một ít thực phẩm đóng hộp và bánh mì. Trái cây thì có rồi vì sáng nay cậu đã mua khá nhiều để đưa ra mộ và cúng xong thì mang về.
Sinh khệ nệ kéo bàn ăn đến trước bàn thờ và soạn tất cả thức ăn ra sắp xếp bên trên. Cậu mở khăn đỏ che ảnh mẹ, nhìn ảnh mẹ một hồi lâu, mắt rơm rớm khi hồi tưởng lại những năm thơ ấu, chỉ có hai mẹ con trong ngôi nhà nầy.
Bỗng Sinh giật mình vì con Tăng sủa dữ dội. Sinh nhìn ra cổng và không tin vào mắt mình nữa. Thằng Thành và thằng Đạt vừa xuống xe, vịn cổng cười nhăn nhở. Sau thoáng sửng sốt, Sinh mừng rỡ vừa chạy ra cổng vừa la to:
- Ê Thành, ê Đạt, tụi bây về hồi nào vậy?
Trong phút chốc, cậu quên mất cái chiến tuyến mà cậu đã vạch ra để ngăn cách mình với hai đứa bạn nối khố nầy. Sinh hơi lấy làm lạ vì hai đứa đều mặc thường phục bảnh bao, nhưng không còn nét thư sinh trên hai khuôn mặt phong trần của chúng nó nữa. Sinh mở cổng bước ra ôm từng đứa và thấy lòng thương yêu rạt rào như khi còn đi học chung lớp. Thành dắt xe gắn máy, cả ba vào nhà.
Hai bạn rất ngạc nhiên vì thức ăn bày biện trước bàn thờ. Thành quay lại hỏi Sinh:
- Gì đây? Giỗ bác gái hả? Không phải, ngày giỗ bác gái là mồng hai tháng mười chớ đâu phải bữa nay.
Đến lượt Sinh sửng sốt và vô cùng cảm động vì hai thằng bạn thân còn nhớ rành ngày mất của mẹ mình. Cậu nghẹn ngào:
- Tụi bây còn nhớ ngày giỗ má tao hả?
- Sao lại không nhớ? Tụi tao ở đơn vị không về được để cúng bác nhưng cứ tới ngày đó là tụi tao nhắc đến bác và mày. Cho đến chết, tụi tao cũng không quên bác và mày.
Nó ngừng nói, ba đứa nhìn bàn thờ, lòng bùi ngùi với những kỷ niệm xưa. Đạt nói to:
- Thôi được, cứ cho ngày nay là ngày giỗ bác đi, chắc bác cũng được cấp phép đặc biệt để về đây cũng như hai đứa tụi tao vậy.
Đạt đang nói bỗng khựng lại vì sực nhớ chưa hỏi lý do của sự cúng kiến nầy. Hiểu ý bạn Sinh giải thích:
- Hôm nay, tao muốn tạ ơn má tao đã phù hộ cho tao đậu chứng chỉ đầu tiên ở đại học.
Đạt nhảy dựng lên:
- Hay thiệt, bác gái linh quá, cho mày thi đậu và cho tụi tao lên lon. Hôm nay hai đứa tụi tao phải lạy tạ ơn bác.
Nó nhìn thức ăn trên bàn thờ rồi nói:
- Khoan cúng đã, chờ tao đi mua thêm thức ăn và kéo về một két bia Bữa nay có hương hồn bác gái chứng kiến, tụi mình say một bữa. Tao không bao giờ quên những bữa ăn với bác gái và mày trong ngôi nhà nầy. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời tao.
Nó thờ dài rồi nói tiếp với giọng thực buồn:
- Biết đâu hôm nay là bữa chung vui cuối cùng với thằng Sinh. Đời lính tráng không nghĩ đến đường dài. Hôm nay, ở đây cúng bác, mai mốt về trên đó gặp bác thì cũng vui thôi.
Sinh hoảng hốt ngắt lời bạn:
- Đừng nói bậy.
Đạt định cãi lại, nhưng Thành đã chen lời:
- À quên hỏi. Mày có tính mời ai nữa không?
- Không.
Đạt tiếp lời:
- Tốt, chỉ có ba đứa tụi mình thì tha hồ mà nhắc kỷ niệm xa xưa.
Nói xong, Đạt dắt xe ra cổng. Mười phút sau, nó chở về một thùng bia mười hai chai cùng một bao thức ăn. Nó khệ nệ bưng vào nhà, thấy khói nhang nghi ngút trên bàn thờ, nên vội vàng đến rút mấy cây nhang đốt lên, vái và cắm vào lư rồi thụp xuống lạy một cách thành kính. Xong rồi, ba đứa bưng bàn và thức ăn ra hàng hiên. Sinh đập nước đá cho vào ba ly và bữa tiệc vui bắt đầu. Sinh hỏi bạn:
- Tụi bây về phép được mấy ngày?
- Bốn ngày. Mới ký hiệp định hòa bình có mấy tháng mà Việt cộng làm dữ lắm. Phép thường niên bị cúp hết. Tụi tao mới lên lon, năn nỉ mãi, tiểu đoàn trưởng mới cho phép đặc biệt bốn ngày. Qua ngày thứ năm mà chưa về là đánh cáo thị tầm nã ngay.
- Tụi bây còn ở Sư đoàn Bảy không?
- Còn. Hai đứa vẫn chung tiểu đoàn, thằng Thành thuộc đại đội Một còn tao đại đội Ba.
Thành tiếp lời bạn:
- Tụi tao tính xin đổi đơn vị về cao nguyên. Leo núi còn đỡ hơn lội sình. Tụi tao là cốt học trò nên sợ đỉa lắm. Đi hành quân là thủ sẵn hai cục xà bong. Sửa soạn xuống nước là cho xà bong vào hai ống quần rồi buộc túm lại. Lội nước một ngày leo lên bờ, cởi quần ra là thấy hai chân bị xà phòng ăn, trông như cặp giò thằng chết đuối. Ghê bỏ mẹ.
Đạt giành nói tiếp:
- Xuống nước sợ con đỉa, leo lên bờ đi tì sợ ông địa khè.
Sinh ngạc nhiên:
- Ông địa là con gì? Rắn độc hả?
Đạt cười to:
- Ông địa là mìn Việt cộng đó. Dẫm phải, nếu không theo ông bà thì cũng bay mất cặp giò. Đành phải chịu trận dưới nước thôi.
Sinh tò mò:
- Tụi bây đụng trận lần nào chưa?
- Thường xuyên nhưng chưa đụng trận lớn. Thằng Thành được một anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc rồi.
- Còn mày? Có anh dũng bội tinh chưa?
- Mới có anh dũng bội thực thôi.
Cả ba cùng cười ha hả.
Hai bạn thay nhau kể chuyện chiến trường. Sinh nghe một cách say sưa, nhiều khi còn cảm thấy khoái chí khi đơn vị của hai bạn thắng trận giết được nhiều quân Việt cộng nữa. Cậu quên hẳn lập trường chính trị, không còn nhớ hai thằng bạn thân đang cầm súng chống lại phe mình. Có lúc, ý nghĩ cậu còn đi xa hơn khi cho rằng cuộc sống của bạn lý thú và hào hùng hơn đời sống sinh viên phẳng lặng của mình nhiều. Có một lần, nhớ đến thầy Văn, Sinh nghĩ thầm:
- Nếu thầy bắt gặp mình đang vui vẻ với hai thằng thiếu úy kẻ thù nầy thì có lẽ thầy sẽ khai trừ mình ra khỏi đoàn ngay lập tức.
Ý nghĩ đó của Sinh chỉ có tính cách khôi hài chứ không có nghĩa gì là ăn năn hối hận cả.
Bữa tiệc vui kéo dài đến hơn hai giờ trưa. Thức ăn vẫn còn nhiều trên bàn nhưng dưới đất, trong thùng bia chỉ còn mười hai cái vỏ chai không.
Sinh khệnh khạng kéo chiếc chiếu lớn trải trên nền đất, quăng mấy cái gối xuống. Cả ba bạn nằm dài trên chiếu. Hai sĩ quan kẻ thù của cách mạng cùng một đồng chí đoàn viên Thanh niên Cộng sản nằm bên nhau, ngủ say sưa.
Đến gần năm giờ chiều, Sinh tỉnh giấc. Cậu nhỏm dậy, nhìn ra sân, thấy hai bạn đang ngồi dưới bóng mát của gốc mai già. Sinh hỏi to:
- Tụi bây thức dậy lâu chưa?
- Khoảng một tiếng đồng hồ rồi. Tụi tao định về đi dạo phố nhưng thấy mày ngủ ngon quá nên ngồi chơi, đợi mày dậy. Mày còn thư sinh quá, mới uống có bấy nhiêu đó đã gục rồi. Thôi đi rửa mặt đi rồi ra coi nhà, tụi tao về. Sinh làm theo lời bạn; khi cậu trở ra nhà trước thì hai bạn đã đứng bên chiếc xe gắn máy. Cả ba lặng lẽ ra cổng. Đạt siết mạnh tay Sinh, giọng bùi ngùi:
- Thôi tụi tao đi. Còn hai ngày nữa phải ở với bà già và đi thăm nhiều chỗ cũ, e rồi không đến từ giã mày được. Ngoài chiến trường, nhiều đêm nằm nhớ những kỷ niệm của tuổi thơ, buồn muốn khóc. Nhưng tình hình nầy, sẽ ít có dịp về thăm nơi chốn cũ được. Tụi tao như những cánh chim trời. Gió chiến trường lồng lộng, cánh chim muốn dừng một phút để sống lại với tuổi thơ cũng không thể được. Thôi, chúc mày ở lại mạnh khỏe.
Sinh nghẹn ngào:
- Chúc tụi bây lên đường bình an. Tao sẽ thường xuyên cầu nguyện má tao phù hộ cho hai đứa tụi mày.
- Cám ơn mày, dĩ nhiên là bà muốn phù hộ chúng tao lắm, nhưng không biết bà có làm nổi hay không. Thôi tụi tao đi. Chưa biết lần nầy tạm biệt hay vĩnh biệt đây.
Sinh suýt bật khóc. Hai thằng bạn đã lên xe và khuất sau khúc quanh, Sinh vẫn đứng yên nhìn theo.
Nắng chiều in nhưng vệt vàng trên con đường đất. Gió nhẹ thổi lá cây nghe xào xạc, mấy chiếc lá vàng lìa cành đong đưa vài lần trong không khí rồi rơi xuống nằm yên trên mặt đất.
Chưa biết tạm biệt hay vĩnh biệt đây”, Sinh nhắc lại lời nói cuối cùng của bạn mà nghe lòng xót xa vô hạn.
Sinh nghĩ đến chiến trường đang sôi động. Tin tức của đài Giải phóng đêm qua loan tin quân ta thắng lớn nhiều nơi đã làm Sinh hân hoan. Nhưng, bây giờ niềm hân hoan đó trở thành nỗi đau đớn khi Sinh nghĩ đến thân phận của hai đứa bạn thân nầy trên chiến trường.


*
* *


BA tháng nghỉ hè trôi qua nhanh chóng. Vào đầu năm học, Sinh ghi tên vào chứng chỉ “Điện và Điện tử”. Cậu định ghi danh cùng lúc hai chứng chỉ nhưng cuối cùng đổi ý. Công tác cách mạng vẫn là việc quan trọng, nên Sinh cũng muốn dành thì giờ cho nhiệm vụ cao cả. Cậu tự kiểm điểm và hơi buồn lòng khi nhận thấy mình chưa đóng góp gì cho cách mạng, ngoại trừ công việc trong đêm hành động tự phát bị thầy Văn phê bình một cách nặng nề.
Sinh lo sợ nhiệt tình cách mạng của mình bị giảm sút, nhất là từ hôm gặp hai thằng bạn thân trong bữa tiệc mừng mình thi đậu và mừng hai đứa được lên thiếu úy. Tuy nhiên, cậu cũng tự an ủi là mình đã trưởng thành hơn trong vai trò của người cán bộ nằm vùng vì bây giờ cậu đã là đoàn viên chứ không còn là quần chúng thường nữa. Cậu cũng để ý thấy người đồng chí đoàn viên cũ là thầy Bá cũng chẳng có thành quả gì rõ ràng trong công tác. Trong những buổi sinh hoạt ngắn ngủi của chi đoàn, thầy Bá chỉ báo cáo lơi khơi, nào là đang tìm hiểu người nầy, người nọ, nào là lợi dụng môn dạy sử địa để kín đáo gây cảm tình cho cách mạng trong đám học rinh bé tí ở các lớp sáu của thầy. Sinh hiểu rằng, với bộ óc sành sỏi như thầy Văn, những báo cáo qua loa và có phần láo toét nầy không thể qua mắt thầy được, nhưng thấy thầy vẫn gật đầu và không có ý kiến gì cả nên Sinh cũng bắt chước báo cáo theo kiểu đó. Vì thế, những buổi sinh hoạt chi đoàn nhạt phèo, nhưng được một điều là yên thắm, không có gì rắc rối.
Về phần mình, thầy Văn cũng không đòi hỏi gì hơn. Lúc nầy chỉ cần giữ sinh hoạt liên tục cho hai đồng chí đoàn viên là được rồi. Trọng tâm của công cuộc giải phóng gần như đang nằm cả ngoài chiến trường với những binh đoàn tinh nhuệ từ miền Bắc vượt Trường sơn đổ vào như thác lũ. Cuộc đấu tranh chính trị giữa thủ đô nầy có thì tốt mà không thì cũng không cản trở gì mấy cho công cuộc giải phóng miền Nam đã gần kề. Vả lại, cơ quan an ninh của địch hoạt động gắt gao nên cuộc đấu tranh chính trị phần lớn được xuất cảng sang ngoại quốc, nhất là nước Mỹ xa xôi. Người Mỹ thì rất giỏi về kỹ thuật nhưng lại quá khù khờ về chính trị. Những cuộc biểu tình liên miên của giới trẻ bên đó, những vụ đốt cờ của chính Tổ quốc họ, những lần xé lệnh gọi nhập ngũ được quy định đúng theo hiến pháp, vân vân, tạo nên thắng lợi vô cùng to lớn của phe ta.
Bên trời Âu, ta cũng thắng lợi vẻ vang. Tại những nước tư bản giàu có, các đảng cộng sản hoạt động èo uột trong sự thờ ơ lãnh đạm của dân chúng. Ở những nước đó, nếu lá cờ búa liềm do chính tay đồng bào họ phất thì sẽ nhận được sự dè bĩu lẫn nghi ngờ; nhưng nếu lá cờ được mang sang từ miền Nam nầy thì lại được hoan hô nhiệt liệt. Nếu ở đó, phong trào cộng sản dấy lên một cuộc đấu tranh vũ trang để dành chính quyền thì dân chúng sẽ khóc thét lên và ra sức phản đối, nhưng họ lại vui mừng hoan nghênh chiến thắng quân sự của cộng sản ở miền Nam nầy.
Thầy Văn bật cười về những ý nghĩ ngộ nghĩnh trên đây. Điều đó có đuợc là nhờ tài lãnh đạo của đảng nhưng đồng thời cũng nhờ sự khù khờ và ngốc nghếch của dân chúng ở những nước tự nhận mình là văn minh đó. Song song với thắng lợi của cách mạng, thầy cũng đã giải quyết được việc nhà của mình. Theo sự chỉ dẫn của đồng nghiệp, thầy đã tìm được một căn phố nhỏ trong hẻm ở Phú nhuận, từ đường Hai Bà Trưng đi vào độ ba trăm mét. Căn phố xinh, tiện nghi khá đầy đủ cho cuộc sống của hai mẹ con. Tiền sang nhượng nuốt trọn số tiền dành dụm bấy lâu nay của thầy, cộng thêm một ít do bạn bè cho mượn. Tổ chức không giúp một đồng xu nào cả, nhưng thầy không hề thắc thắc về điều nầy. Cuộc sống riêng tư càng khó khăn thì công sức đóng góp cho cách mạng của thầy càng đáng kể, sự hy sinh của thầy cho đảng càng có ý nghĩa.
Thêm mẹ già, chi phí tăng lên. Không những tăng về ăn uống mà còn phải chi cho bao nhiêu thứ linh tinh khác nữa. Lúc còn lính Mỹ ở đây, đời sống của thầy khá sung túc nhờ viện trợ và rất nhiều đồ dùng tốt và rẻ tiền mà kẻ thù mang vào. Đuổi Mỹ đi rồi, vật giá leo thang đều đều, ảnh hưởng không tốt đến công tác cách mạng của thầy. Thầy muốn tìm thêm giờ dạy mà chưa có. Đời sống đắt đỏ, người ta dành nhau từng giờ một ở các trường tư.
Thầy nhớ đến Sinh và thèm muốn thực trạng tài chánh của người đồng chí trẻ tuổi nầy. Sinh đang sở hữu một khu vườn rộng rãi, lại thừa hưởng một món tiền khá lớn từ công việc buôn bán trước đây của mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng chị Hằng, Sinh đã gởi được món tiền nầy vào quỹ tiết kiệm theo thể thức công khố phiếu, với tiền lời định kỳ ưu đãi, lớn hơn gởi ngân hàng theo lối thông thường nhiều. Món tiền lời nầy đủ để trang trải mọi chi phí ăn uống và tiêu pha của Sinh, nhờ đó cậu có nhiều thì giờ để học và chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm thêm tiền. Cậu tham dự tất cả các buổi thực tập và các giờ lý thuyết của giáo sư. Đến trường không chỉ là để học mà còn là điều thích thú đối với Sinh. Với tâm trạng thoải mái đó, Sinh vừa là một sinh viên học giỏi, vừa là một thanh niên cường tráng, có cái nhìn yêu đời, có nếp sống rộng rãi mà lành mạnh; tóm lại, đó là hình ảnh ước mơ của con gái thành phố.
Sáng thứ tư, Sinh có buổi thực tập điện xoay chiều. Sinh thao tác rất tốt, được thầy phụ giảng thực tập khen ngợi. Cậu làm tường trình thực tập rất hay, rất khớp với lý thuyết. Sinh bước ra khỏi phòng thí nghiệm với tấm lòng phơi phới. Cậu định ra lấy xe, đi dạo một vòng để ngắm nhìn những chiếc áo dài thướt tha và những chiếc áo đầm xinh xắn trên đường phố, trước khi về căn nhà tĩnh mịch và thân yêu của mình. Nhưng vừa đến cuối dãy lầu, nhìn ra cổng, cậu khựng lại, buộc miệng nói nho nhỏ:
- Ai đó kìa? Hình như là Thúy.
Một nữ sinh viên, Sinh đoán thế, đang ngồi trên chiếc xe Honda dame, cố sức đạp mà xe không nổ máy. Cô quay mặt ra đường, nhưng đối với Sinh thì không hẳn quay lưng lại mà theo hướng nghiêng nghiêng. Nét mặt nhìn được một phần từ phía sau, đầu tóc buông xỏa ngang lưng, thân mình mềm mại với những đường cong tuyệt mỹ, rất giống cô bạn gái ở thời trung học, cô bạn gái đẹp nhất cấp lớp mười rồi cấp lớp mười một mà hình ảnh chưa bao giờ biến mất hẳn trong ký ức của cậu. Từ năm lớp mười hai, Sinh không còn gặp lại người con gái kiêu sa đó nữa. Không biết cô nàng có đậu được tú tài hay không. Nếu cô gái nầy là Thúy thì cô đã đậu rồi và cùng vào trường đại học nầy với cậu. Nếu đúng như thế thì quả thực, trái đất tròn. Bất giác, Sinh cảm thấy một nguồn vui nhẹ nhàng dậy lên trong lòng.
Sinh bước ra mấy bước để nhìn bảng số xe. Cậu không nhớ rõ số xe của Thúy, nhưng biết chắc xe Thúy đăng ký ở Gia định thì không thể có chữ SC dành cho xe ở quận ba như thế nầy. Nhưng biết đâu Thúy đã đổi xe. Cô bé nhà giàu đó đổi xe dễ dàng như người ta thay áo. Tốt hơn hết là ra tận nơi xem có đúng không. Còn nếu không đúng thì quay vào lấy xe, có sao đâu.
Sinh định đi vòng qua cổng Đại học Sư phạm để vào cổng Đại học Khoa học cho giáp mặt một cách tự nhiên, nhưng sợ mất thì giờ, cô nàng có thể khởi động được xe và dông mất. Cô gái đang ngồi trên yên xe, có lẽ đã thấm mệt vì đạp xe không nổ máy. Sinh thủng thẳng bước ra cổng rồi quay lại nhìn. Sinh bàng hoàng. Không phải Thúy, nhưng đẹp không thua gì Thúy.
Cô gái ngước lên, bắt gặp cái nhìn của Sinh thì hình như có vẻ e thẹn. Trong nét mặt e thẹn đó, Sinh cảm thấy có cái gì đó gần như là nản chí và cầu khẩn. Cảm giác đó có thể đúng mà cũng có thể do sự chủ quan của Sinh trước người đẹp. Cậu tiến lại gần và ngập ngừng hỏi:
- Xe chị hư phải không?
Cô gái đáp lại, giọng trong như nước suối:
- Dạ phải. Từ trước đến giờ xe chạy tốt lắm; nay bỗng nhiên không chịu nổ máy.
Sinh cố lấy can đảm đề nghị:
- Chị có cho phép tôi giúp chị thử không?
Cô gái mỉm cười, bước xuống trao xe cho Sinh. Cậu leo lên cố sức đạp máy. Một, hai, ba, rồi đến hơn mười cái, xe vẫn nằm ì ra đó. Cô gái lắc đầu chán nản:
- Làm phiền anh quá. Thôi, để tôi đẩy đến chỗ sửa xe.
Sinh vừa thở vừa nói:
- Tuốt đằng ngã sáu Cộng hòa mới có chỗ sửa ngoài đường. Từ đây đến đó khá xa mà trời lại nắng. Vả lại giao xe cho mấy anh thợ ngoài đường ngại lắm. Họ mở lung tung ra để tính tiền cho nhiều, có hại cho xe lắm.
Cô gái nhìn Sinh bằng cặp mắt đen lay láy và có vẻ tin lời nói của cậu. Cô hỏi:
- Vậy bây giờ phải làm sao? Về trễ mẹ tôi mong lắm.
Sinh vội vã đáp:
- Được rồi. Chị chịu khó ngồi đợi một tí, tôi vào lấy xe ra. Trong xe tôi có vài món phụ tùng cần thiết.
Cô gái ái ngại:
- Nhưng phiền anh quá.
- Không có gì phiền đâu, chị cứ yên tâm.
Sinh đi vào nhà xe. Cậu muốn chạy cho nhanh nhưng sợ người đẹp cười nên sải đi bằng những bước thực dài. Cậu lấy xe, trao thẻ và tiền cho người giữ xe. Không kịp dừng lại lấy tiền thối, cậu cho luôn, nổ máy vọt ra cổng.
Cô gái vẫn đứng bên xe, có ý chờ đợi. Sinh nhanh chóng xuống dựng xe, tắt máy, mở nắp hộp bên hông, lôi ra vài dụng cụ. Cậu bước sang xe cô gái, mở bu gi ra thử và lắc đầu:
- Bu gi chết rồi.
Cô gái lo lắng:
- Thế bây giờ làm sao, anh?
- Không sao, tôi có một cái dự phòng.
Sinh nhanh nhẹn trở lại xe mình, lôi ra một gói nhỏ bọc trong miếng vải. Đó là một bu gi còn mới nguyên trong hộp giấy. Cậu vặn chiếc bu gi đó vào xe cô gái, đậy nắp chụp lại và leo lên đạp máy. Chiếc xe khởi động được ngay, máy nổ dòn nghe thực vui tai. Sinh ngước lên nhìn cô gái. Nàng nhoẻn miệng cười. Ôi, hàm răng đều đặn trắng như ngọc như ngà, đẹp làm sao.
Sinh vẫn để máy nổ, bước xuống xe, nói với nàng:
- Xong rồi. Xe chạy tốt lắm. Chị có thể về được rồi.
Nàng nhìn Sinh, bối rối:
- Cám ơn anh. Nhưng bây giờ tôi phải làm sao?
Sinh hiểu nàng muốn nói về chiếc bu gi mới toanh mà cậu vừa gắn vào. Cậu bảo với giọng nịnh đầm:
- Chị không phải bận tâm về điều đó. Chẳng có gì đáng kể.
Nàng vẫn không hết bối rối. Đột nhiên, nàng hỏi:
- Anh học ở chứng chỉ nào?
- Điện và điện tử.
- À, chứng chỉ chuyên khoa, thích quá. Tôi mới vào SPCN. Không biết năm nay có qua nổi dự bị không? Anh học tại phòng nào?
- Thực tập thì ở tầng trệt dãy lầu nầy. Lý thuyết ở tầng một nhưng thay đổi luôn. Nhưng chị hỏi làm chi cho kỹ vậy?
Nàng mỉm cười, ấp úng:
- Để đem trả lại anh. Ngày mai, anh có đến trường không?
- Không!
- Ngày mốt?
- Không!
- Ngày kia?
- Không!
Nàng ngạc nhiên:
- Sao anh nghỉ nhiều vậy. Thế anh học ngày nào?
- Không học ngày nào cả.
Nàng càng ngạc nhiên hơn:
- Tại sao anh nói vậy?
Sinh cười hóm hỉnh:
- Để khỏi phải nhận lại cái bu gi.
Nàng cười theo và cảm thấy thích thú vì sự đối đáp của người thanh niên dễ mến nầy.
- Thôi, anh không muốn nhận lại thì thôi. Thế là tôi đành mang ơn anh.
- Không phải mang ơn gì cả vì tôi đã đổi và nhận lại cái nầy.
Thấy Sinh cầm bu gi hư đưa lên, nàng ngạc nhiên:
- Anh lấy cái hư đó để làm gì?
- Tôi sẽ cất kỹ để làm kỷ niệm.
Nàng hơi đỏ mặt vì e thẹn, lẫn một chút vui thích. Sinh lại tiếp:
- Nhưng tôi hơi lỗ vì cái nầy cũ hơn, cần phải bù.
Nàng ngập ngừng, có vẻ thủ thế:
- Anh muốn bù thế nào?
- Bằng cách chị cho tôi biết tên của chị.
Nàng cười xòa:
- Xin lỗi anh; khi nãy giờ nói chuyện mà quên giới thiệu tên tôi cho anh. Tôi tên Trang Đài.
- Trang Đài. Tên thực đẹp và rất xứng với chủ nhân của nó. Tên tôi là Sinh, Nguyễn văn Sinh.
- Cám ơn anh; bây giờ tôi phải về kẻo mẹ mong.
Nàng ngồi lên xe, mỉm cười gật đầu chào rồi chầm chậm cho xe ra đường. Sinh lau tay vào giẻ, thu dọn dụng cụ rồi ra về. Cậu cảm thấy vui vui và tự bằng lòng với công việc vừa qua của mình. Câu từ biệt sau cùng của nàng với tiếng mẹ trống không nghe sao ngọt ngào đến thế!
Cậu lên xe về nhà, tấm lòng phơi phới. Suốt buổi chiều và buổi tối, hình bóng người đẹp cứ mãi lởn vởn trong tâm trí Sinh.
Sáng hôm sau, cậu vào trường sớm hơn thường lệ, đi xem tất cả các bảng phân phối giờ ở các phòng thí nghiệm và phòng học và ghi các giờ của chứng chỉ dự bị Lý hóa nhiên, tức là chứng chỉ SPCN mà nàng đã cho biết hôm qua. Hôm nay, thứ năm, có giờ thực tập của chứng chỉ đó ở phòng thí nghiệm động vật học, nhưng có nên gặp Trang Đài không? Nếu gặp mà nàng không niềm nở như cậu mong muốn thì sao? Hôm qua, nàng có ý trả lại chiếc bu gi và Sinh từ chối một cách hào hiệp thì hôm nay đến gặp nàng để làm gì?
Sinh bần thần rời phòng thí nghiệm và nhanh chóng trở về phòng học của mình.
Hai ngày thứ sáu và thứ bảy, vẫn có giờ học của nàng, Sinh muốn đến tìm nhưng lại e ngại nên thôi.
Ngày chủ nhật ở nhà, Sinh cảm thấy không được thơ thới như những ngày nghỉ trước đây. Đôi lúc, có một cái gì đó gần như nỗi nhớ nhung len lỏi trong lòng. Cậu cố gắng xua đuổi nó đi để tập trung trí óc vào bài vở. Cậu nghĩ thầm:
- Người đẹp như thế chẳng lẽ chưa có người yêu. Thôi, chắc chắn hoa có chủ rồi, không nên mất thì giờ vì một ước mơ vô vọng. Thì giờ của mình phải để dành cả cho việc học và cho công tác cách mạng.
Sinh tự nhủ lòng như thế và lao vào học tập, nhưng hình bóng người con gái đẹp không dễ biến mất trong lòng. Dù sao, chỉ mới gặp gỡ một lần nên Sinh có thể lấy lại sự bình thản trong hai ngày thứ hai và thứ ba kế tiếp.
Sáng thứ tư, lại đến buổi thực tập. Sinh nhớ đến buổi gặp gỡ tuần qua, chợt ước mong cuối buổi thực tập lại gặp nàng hư xe trước cổng để cậu lặp lại công việc tuần qua và lần nầy quyết đưa câu chuyện đi xa hơn. Ước mơ quá trẻ con làm Sinh hơi tức cười. Cậu gạt phắt hình bóng Trang Đài qua một bên và chăm chỉ làm việc.
Buổi thực tập xong, kết quả rất khá, báo cáo đầy đủ. Sinh bước ra khỏi phòng, hít sâu không khí vào đầy buồng phổi và đi dọc theo hành lang đến chỗ gởi xe. Cậu bước xuống tam cấp và đứng sững lại, tim đập nhanh.
Ngay ngoài cổng trường, vẫn ở vị trí cũ, Trang Đài đang ngồi trên xe. Kỳ lạ chưa? Không lẽ xe lại hư như cậu đã ước mong. Không, hình như xe đang nổ máy; nghe không rõ lắm vì tiếng ồn chung quanh. Nhưng xe đang nổ máy thực vì cái kính chiếu hậu rung nhè nhẹ.
Sinh tính chạy ào ra, nhưng cậu kịp dừng lại. Nàng đứng đó để làm gì? Có thể chờ đợi người yêu. Anh chàng tốt số nào đó sẽ ra đón nàng đi và Sinh sẽ mang mối hận Trương Chi xuống tuyền đài!
Sinh sợ cảnh đó diễn ra trước mắt nên vội vàng lủi xuống nhà gửi xe. Sau khi trả thẻ và tiền, Sinh đạp máy thì Trang Đài vẫn còn đứng yên trước cổng, người yêu của nàng vẫn chưa đến. Vài sinh viên, gái lẫn trai, đi ngang qua liếc nhìn. Có lẽ ai cũng nghĩ như Sinh.
Cậu cảm thấy rất khó xử. Đi ngang qua nàng và đi luôn không thèm chú ý như các sinh viên khác hay quay lại chào nàng? Cách nào đúng hơn? Chịu, Sinh không chọn được thái độ cho mình. Thôi thì cứ đi. Sinh vặn ga cho xe tiến tới. Trong chớp mắt, cậu đã ra đến cổng. Một sức mạnh nào đó làm cho bàn chân phải ấn mạnh xuống cần thắng, chiếc xe dừng lại kế bên người đẹp. Trang Đài quay lại.
- Anh Sinh.
- Chị Trang Đài.
Nét mặt nàng không giấu vẻ mừng rỡ, nụ cười thực tươi. Sinh hồi hộp, hỏi nhanh để dọ ý:
- Sao chị vẫn chưa về? Hay là…
Sinh cảm thấy như hụt hơi. Cậu cố gắng kết thúc câu hỏi vừa bỏ dở:
- Hay là chị đợi người bạn nào đó. Mà sao chị vẫn để xe nổ máy thế?
Trang Đài vẫn mỉm cười, nhìn Sinh một cách dịu dàng:
- Vì tôi sợ anh lại tưởng xe tôi hư, lui cui sửa, không được trả tiền công mà còn tốn tiền mua phụ tùng nữa.
Nói xong, nàng cười khúc khích. Sinh nghe lòng mình tràn ngập một nỗi hân hoan. Nàng không đợi người yêu nào cả mà đích thị nàng đang đợi mình. Bỗng nhiên lời nói của cậu biến mất đâu cả. Sinh thừ người ra nhìn cái báu vật đang đứng trước mặt mình.
Trang Đài lấy giọng vừa đủ cho hai người nghe:
- Đài có việc nầy muốn nói với anh.
Sinh đã lấy lại sự bình tĩnh. Cậu sung sướng vì cách xưng hô của người đẹp. Cậu hỏi lại một cách ôn tồn:
- Nói ở đây có tiện không? Hay mời Trang Đài đến quán giải khát ở đầu đường Lý Thái Tổ.
Nàng đáp ngay không suy nghĩ:
- Dạ được. Đài có vô đó uống nước một lần rồi, với chị bạn gái mới quen.
Hai bạn chậm rãi lái xe song song. Sinh cố đi ra gần giữa lộ để chừa khoảng trống cho Trang Đài chạy phía trong. Đến nơi, hai bạn dựng xe trước quán và ngồi vào hai chiếc ghế đối diện nhau qua một chiếc bàn vuông nhỏ và thấp. Quán xinh xinh trình bày trang nhã thích hợp với giới sinh viên học sinh. Khách toàn là những người trẻ tuổi, sinh viên của trường Khoa học và hai trường Sư phạm cùng một số học sinh trường Pétrus-Ký nên bầu không khí rất khoáng đạt và lịch sự. Cái máy quay băng loại tối tân đang phát một bản nhạc ngoại quốc vui tươi, với âm thanh nho nhỏ nên không làm khó chịu những bạn trẻ tìm đến đây trò chuyện với nhau.
Khi hai người xuống xe và song song bước vào, nhiều cặp mắt ngước lên nhìn. Sinh có cảm tưởng họ đang trầm trồ: “Thực là đẹp đôi”
Sinh hỏi ý kiến Trang Đài và gọi hai chai nước ngọt. Người phục vụ bưng ra trên khay, hai ly nước đá và hai chai đã mở nắp. Sinh rót nước ra cho bạn trước rồi cho mình sau. Cả hai cùng đưa ly nước mát lạnh lên môi.
Sinh nhìn Trang Đài. Bây giờ cậu mới có dịp ngắm kỹ người con gái mà cậu thường nghĩ đến suốt một tuần qua. Gương mặt nàng trông thực đẹp một cách hiền lành phúc hậu; vẻ quý phái của con nhà giàu không làm giảm bớt chút nào nét thùy mị đoan trang, khác hẳn với cái dáng kiêu sa của Thúy, cô bạn cùng lớp trước đây. Sinh mở lời:
- Sáng nay Trang Đài có buổi thực tập phải không?
- Dạ phải, Đài vừa thực tập địa chất, xong trước anh độ mười lăm phút. Đài có ý đợi gặp anh, có tí việc.
Sinh buộc miệng hỏi:
- Chắc có liên quan đến chiếc xe của Trang Đài, phải không?
- Dạ phải.
Nàng cúi xuống mở cặp lấy ra một gói nhỏ bọc bằng giấy bóng bên ngoài khá đẹp. Nàng mỉm cười trao cho Sinh và nói:
- Đài có quà nhỏ nầy tặng anh để đền ơn anh đã giúp Đài tuần rồi.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ làm Sinh ngẩn ngơ nhìn người đẹp, quên cả đưa tay ra nhận.
- Anh nhận đi thì Đài mới vui.
Nói xong, nàng khẽ nghiêng mình tới trước, đặt chiếc gói lên bàn, trước mặt Sinh. Cậu cầm gói lên đặt vào lòng bàn tay, nhìn sững cái vật bé nhỏ xinh xinh đó. Cậu muốn đưa lên môi hôn mà không dám.
Đài nói, giọng hơi tinh nghịch:
- Anh thử đoán ngầm xem bên trong là cái gì, nhưng không được mở ra bây giờ. Về nhà mới được xem.
Sinh ngửng mặt lên, nhìn thẳng vào mắt nàng:
- Trang Đài ra lệnh, dĩ nhiên tôi phải tuân theo.
- Anh khéo nịnh lắm. Chắc có nhiều người thương anh lắm phải không?
Hỏi xong, nàng đỏ mặt xấu hổ, nhưng lại thấy hài lòng khi can đảm đặt câu hỏi nầy. Nàng lắng nghe câu trả lời của Sinh:
- Người thương yêu tôi hơn cả không còn nữa. Chưa có người thứ hai thay vào chỗ trống tình cảm đó.
Nàng hỏi lại, nửa tò mò, nửa tinh nghịch:
- Ai vậy? Có phải người yêu đi lấy chồng rồi không?
Nói xong, nàng cười khúc khích. Sinh nhìn người con gái một cách đắm đuối. Cậu lắc đầu, giọng thực nhỏ nhẹ:
- Không phải. Người thương yêu tôi nhất đó, là mẹ tôi, mất gần ba năm rồi.
Trang Đài hoảng hốt, nói như năn nỉ:
- Ấy chết, Đài nói bậy quá, anh tha lỗi cho Đài. Đài hối hận quá, anh tha lỗi cho Đài nghe.
Sinh mỉm cười:
- Trang Đài có lỗi gì đâu.
Hai bạn im lặng hồi lâu. Trang Đài ngửng lên:
- Thôi Đài phải về. Đài xin chia buồn trễ với anh.
Sinh cố bạo dạn hỏi nàng:
- Thỉnh thoảng, tôi có thể mời Trang Đài đến quán giải khát để nói chuyện như hôm nay được không?
Nàng cười thật tươi:
- Đài sẽ sẵn sàng nhận lời. Nhưng đừng quá thường xuyên, có hại cho sự học hành của anh và của Đài.
Sinh vui sướng vô cùng, nhưng cậu cố gắng một lần nữa để tìm hiểu rõ hơn:
- Nhưng liệu có ai đó phật lòng không?
Nàng hiểu ý câu nói nên mặt hồng lên. Nàng mỉm cười, nói nhanh:
- Anh yên tâm. Đài vẫn còn tự do như một làn gió!
Hai bạn vui vẻ chia tay.

Vừa về đến nhà, Sinh bóc ngay gói quà ra xem. Sau lớp giấy bông là một hộp nhỏ bằng giấy bìa. Trên mặt hộp, có cái hình rất đẹp của một cây bút bi, bên trên có chữ Parker to và rõ ràng. Sinh mở hộp ra. Đúng là cây viết bi hiệu Parker.
Món quà sang trọng đắt gấp mươi lần chiếc bu gi mà Sinh đã gắn vào xe Trang Đài tuần trước. Cậu đưa cây viết lên môi hôn đắm đuối. Một ý nghĩ nồng cháy xuất hiện đột ngột trong đầu. Sinh vội đưa cây bút lên mũi hít mạnh, hy vọng nhận được hương thơm của một loại nước hoa đắt tiền và đầy ý nghĩa. Nhưng không có hương thơm nào cả mà chỉ có mùi kim loại lạnh lùng mà thôi.
Sinh cho cây bút trở vào hộp và cất vào ngăn tủ đựng những món quý giá như nữ trang và các giấy tờ quan trọng mà mẹ để lại. Cậu mang cơm ra ăn rồi leo lên giường ngủ.
Buổi chiều trôi qua êm ả. Sinh học được rất nhiều bài vở rồi bắt ghế ra sân ngắm hoàng hôn một mình. Những lời nói sáng nay của Trang Đài lại tìm về trong nỗi bâng khuâng. Nàng đã cố ý tìm hiểu quan hệ yêu đương của Sinh và công khai bày tỏ nàng vẫn chưa có người yêu. Bao nhiêu đó quá đủ để cho niềm vui sướng lan đến những mạch máu nhỏ li ti trong quả tim của chàng trai trẻ. Nỗi lòng hân hoan nầy có lẽ còn lớn hơn niềm hân hoan khi lần đầu tiên tiếp thu làn sóng cách mạng mà thầy Văn đem đến ngày nào.
Tuy nhiên niềm hân hoan do tình yêu mới chớm nở đó bị vẫn đục khi Sinh chui vào mùng sau hai giờ học bài buổi tối.
Theo thói quen, cậu vào giường lúc mười giờ và vặn máy thu thanh rất nhỏ để nghe tin tức và bình luận của đài Giải phóng. Hôm nay cũng vậy, Sinh bật máy là bắt được ngay làn sóng mà Sinh vẫn duy trì thường xuyên trên máy. Cũng vẫn những tin chiến cuộc và những hoạt động ngoại giao sôi nổi. Cũng những bài bình luận trôi chảy và đầy phấn khởi, nhưng sao kém hấp dẫn hơn thường ngày. Sinh tắt máy nhưng không ngủ ngay được. Trong đầu cậu xuất hiện một nỗi lo ngại, ban đầu có vẻ vu vơ nhưng càng lúc càng rõ rệt dần và trở thành sự ray rứt thực sự.
Trang Đài chắc chắn là con nhà giàu. Cứ nhìn chiếc xe láng bóng cùng dáng điệu quý phái thì không thể lầm vào đâu được. Rồi tặng phẩm đắt tiền mà nàng dám đưa tặng người mới quen là một bằng chứng quá rõ ràng. Chắc chắn gia đình nàng thuộc giai tầng trên của xã hội. Nếu không là giai cấp tư sản kinh doanh bóc lột thì cũng là tầng lớp nhân viên cao cấp của ngụy quyền hay ngụy quân. Tất cả mấy thứ đó đều là kẻ thù của cuộc cách mạng vô sản.
Đối với Trang Đài, Sinh phải tự nhận rằng mình đã bắt đầu yêu, dù chỉ mới là tình yêu chưa thành lời. Tình yêu đang ở trong bước khởi đầu nhưng đã xinh tươi và rực rỡ như một vườn hồng đang nở rộ. Những bước tiếp theo, chắc chắn sẽ là những bước hoan lạc qua những khu vườn càng ngày càng sặc sỡ hơn. Còn với Trang Đài thì sao? Sinh chưa dám đoan chắc nàng đã yêu, nhưng có quá nhiều dấu hiệu là nàng sẽ đón nhận tình yêu của Sinh với nhiều thuận lợi.
Than ôi, tình yêu đẹp đẽ đó lại xảy ra giữa người con gái thuộc giai cấp đối nghịch với cách mạng và một thanh niên đã đưa tay thề hi sinh tất cả cho lý tưởng người đoàn viên cộng sản.
Sinh là một thanh niên lớn lên trong vòng tay đùm bọc của mẹ hiền. Chuyện học hành hoàn toàn suôn sẻ, luôn luôn đứng trên tất cả các bạn cũng lớp. Lý tưởng cộng sản đến đúng ngay với niềm khao khát đầy lãng mạn của tuổi mới lớn lên. Con đường đời của cậu cho đến ngày nay hoàn toàn bằng phẳng, êm ái như trải nhung xanh. Cậu chưa hề đụng chạm đến một rắc rối nào đáng kể với cuộc đời. Cái chết khá sớm của mẹ gây cho cậu một vết thương lớn trong tim, nhưng không làm mất màu hồng trong ý thức của cậu về cuộc đời. Cuộc đời đó rất giản dị, không có gì phải băn khoăn nhiều.
Ngay như tình bạn thân với Thành và Đạt lúc đầu cũng làm cho cậu áy náy về sự đối nghịch chính trị nhưng cũng không gây cho cậu sự vướng mắc lâu dài trong tâm tư. Sinh thương bạn thực nhiều nhưng vẫn dễ dàng vạch được một chiến tuyến sắc sảo giữa cậu và hai bạn. Sinh chưa hề tưởng tượng, nếu gặp bạn ngoài chiến trường, súng trong tay, đạn đã lên nòng thì Sinh sẽ xử trí ra sao? Ngày chia tay buồn thảm cách nay vài tháng có thực sự gây xúc động trong lòng nhưng không tạo cho Sinh một sự ray rứt nào đáng kể. Vui với nhau một bữa rồi mạnh ai nấy đi, chiến tuyến của ai nấy giữ, nhiệm vụ của ai nấy làm, tình bạn vẫn là tình bạn đơn thuần, không có liên can gì đến lý tưởng của nhau cả.
Bây giờ, con đường đời của Sinh không còn bằng phẳng nữa mà bắt đầu gồ ghề khó chịu. Con đường đó đang đến một ngã ba, một bên là vầng thái dương rực rỡ của cách mạng, một bên là đóa hoa xinh tươi và dịu dàng đang chờ đón Sinh vào khu vườn của hạnh phúc.
Giấc ngủ kéo đến nặng nề và đầy mộng mị.
Tiếng chim hót trên cành cây bên khung cửa sổ làm Sinh giật mình thức giấc. Cậu mở mắt nhưng cứ nằm yên nhìn ánh bình minh xuyên qua vòm lá giữa ô vuông quen thuộc. Gió sớm nhẹ thổi qua, lá cây rung rinh làm cho những đốm xanh của bầu trời như nhảy múa trên cao. Có hai con chim nho nhỏ đùa giỡn nhau, bay xuống thấp, ngang qua cửa sổ. Sinh mỉm cười, nhớ đến Trang Đài.
Sinh uể oải ngồi dậy bước ra khỏi giường. Giấc ngủ trễ và không bình yên đêm qua làm cho cậu mệt mỏi nhưng tâm hồn phấn chấn vì ý nghĩ hôm nay có giờ thực tập động vật học của lớp Trang Đài. Sinh hơi ngạc nhiên thấy mình thuộc giờ học của nàng còn hơn chính giờ học của mình nữa. Cậu vội vã làm cho xong các công việc buồi sáng rồi lên xe đến trường. Đồng hồ đeo tay chỉ sáu giờ hai mươi. Còn quá sớm. Nhưng lúc này ngồi nán lại nhà thì thực là vô vị.
Đường phố đã bắt đầu tấp nập xe cộ. Những lần khác thì Sinh chọn con đường ngắn nhất để đỡ bớt sự chịu đựng ồn ào và bụi bặm. Hôm nay, cậu lại muốn con đường dài ra để ngốn bớt thời gian dư thừa. Đến ngã tư Phú nhuận, cậu rẽ phải qua Tổng tham mưu và thẳng đến ngã tư Bảy hiền. Qua ngã tư được một đoạn ngắn, Sinh gặp thầy Bá đang cỡi xe Mobilette chạy ngược chiều. Hai bên thấy nhau, gật đầu chào rồi mạnh ai nấy đi. Thế thôi. Cán bộ nằm vùng gặp nhau ngoài đường thì chỉ được làm đến thế là cùng. Nếu làm lơ không chào nhau thì càng tốt. Sinh sực nhớ thầy Bá nhà ở vùng nầy. Thầy Văn có nói cho Sinh biết chỗ ở của thầy Bá và dặn cậu chỉ khi nào thực cần thiết mới tìm đến. Thầy Văn đã có giải thích thêm với Sinh:
- Thực cần thiết là thế nào? Thí dụ, em nắm bắt được một tình hình rất nghiêm trọng cho tổ chức mà không liên lạc được với tôi thì có thể đến nhà đồng chí Bá để thông báo và bàn bạc cách giải quyết. Hoặc, giả sử tôi bị lộ, bị bắt hay nhảy vào khu thì hai đồng chí gặp nhau. Đồng chí Bá sẽ có cách bắt liên lạc lại với tổ chức để nhận chỉ thị sau đó.
Hôm đó Sinh hơi bất mãn vì thấy thầy Văn xem thầy Bá quan trọng hơn mình. Hiểu ý, thầy Văn giải thích tiếp:
- So về năng lực thì đồng chí Bá không thể bằng em được, tương lai cũng rõ ràng như thế. Nhưng ở trong mọt tổ chức mà tính kỷ luật là tuyệt đối cần thiết, tôi phải giữ đúng nguyên tắc. Thứ nhất là thầy Bá có thâm niên tuổi đoàn hơn em. Thứ hai là thầy Bá thuộc giai cấp nông dân, thành phần nồng cốt của cách mạng vô sản. Ông bà đồng chí ấy đã là nông dân. Cha mẹ tiếp tục cày ruộng, đang bám đất ở quê và phục vụ cho cách mạng dưới đó. Riêng đồng chí Bá, thời thơ ấu, cũng vừa học, vừa giúp cha mẹ việc đồng áng, đến năm lớp mười một mới về Sài gòn học thi tú tài. Vì vậy, tuy là giáo sư nhưng đồng chí đó vẫn thuộc thành phần nông dân chứ không phải thành phần trí thức tiểu tư sản như chúng ta.
Nghe lời giải thích, Sinh mới biết thầy Bá thuộc giai cấp chủ lực của cách mạng nên Sinh có lòng nể phục. Tuy nhiên, trước đây, cái giai cấp nông dân của thầy Bá chẳng có ảnh hưởng gì đến nếp sống của Sinh. Nhưng sáng nay thì cái chuyện giai cấp đó làm cho Sinh bứt rứt không yên. Suốt cả đêm rồi, vấn đề giai cấp đã làm cho cậu khổ sở vì lo sợ gia đình Trang Đài thuộc giai cấp kẻ thù của cách mạng. Sinh nghe một nỗi buồn phiền dậy lên trong lòng. Cậu rú ga phóng nhanh tới, hy vọng bỏ rơi cái buồn phiền đó trên đường đi.
Đến trường, Sinh đã thấy có nhiều sinh viên trong sân trường. Cậu gởi xe và, thay vì đến phòng học của mình, Sinh leo lầu lên phòng thí nghiệm động vật, hi vọng gặp Trang Đài đang chờ giờ học trên đó. Nhưng không, cửa phòng còn đóng im ỉm, không một bóng người. Sinh trở xuống, đi thơ thẩn trong sân trường đại học, mắt thỉnh thoảng hướng ra cổng.
Có một bạn trai cùng lớp thấy Sinh đứng một mình nên xáp đến trò chuyện. Cậu lịch sự tiếp chuyện nhưng vẫn để ý phân biệt từng tà áo dài đang thướt tha đi vào các lớp. Do một sự tình cờ làm Sinh bực mình, người bạn trai nầy lại đứng quay mặt ra cổng nên Sinh phải quay mặt vào trong. Sinh mong anh bạn nầy bỏ đi nên cậu chỉ ừ hử mà thôi. Khổ nỗi, anh chàng nầy lại ham nói, câu nầy vừa dứt thì tiếp theo câu sau làm Sinh sốt cả ruột. Sinh không hy vọng ông bạn lắm lời nầy buông tha cậu trước khi lớp học bắt đầu. Sinh đành phải chịu đựng và chỉ còn biết nhìn sau lưng những tà áo dài để chờ đợi.
Và, nàng đã vào tới, cùng với hai bạn gái, đi ngang qua Sinh, rồi đột ngột quay lại gật đầu chào, miệng nhoẻn nụ cười thật tươi. Trời đất như bừng sáng theo nụ cười ấy. Sinh cười đáp trả, lòng đê mê trong niềm hân hoan tột cùng. Cho đến khi bóng áo dài yểu điệu của Trang Đài khuất sau hành lang, Sinh vẫn đứng đó như trời trồng miệng cười toe toét.
Trong hai tuần lễ tiếp theo, chuyện tình của họ cũng chỉ dừng lại ở nụ cười nơi sân trường, trước và sau một số buổi học. Họ có vẻ hài lòng với cách trao tình qua những nụ cười như thế. Riêng với Sinh thì đây là mối tình đầu, nó trong như pha lê, đẹp như cánh hoa hồng. Pha lê và hoa hồng đều rất dễ vỡ. Cậu nhẹ tay nâng niu và chưa có ý mạnh dạn đi xa hơn.
Trong sân trường đại học, tình yêu trong lòng cậu quá đậm đặc, không chừa chỗ cho bất cứ ý nghĩ nào khác chen vào. Nhưng khi về đến nhà lại là chuyện khác. Sự mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí, giữa yêu đương và giai cấp, dằn vặt lòng Sinh, không cho cậu tự do dệt mộng đẹp với hình bóng người yêu. Cậu cố tìm một lý do nào đó để bênh vực mối tình đầu của mình.
Lý do đó đã đến vào đêm nay, tuy không chắc chắn lắm.
Buổi phát thanh tối của đài Giải phóng, trong phần bình luận có bài kêu gọi các tầng lớp nhân dân ở các thành phố lớn miền Nam sẵn sàng nổi dậy đập tan ngụy quyền. Thành phố Sài gòn được nhắc nhở đến nhiều nhất. Trong các thành phần được kêu gọi, có cả những nhà tư bản mà đài nầy gọi là tư sản dân tộc.
Sinh cố lắng nghe, lòng hồi hộp và vui mừng khôn tả. Một cánh cửa vừa được mở hé ra. Sinh cố hình dung gia đình người yêu thuộc thành phần tư sản dân tộc đó. Thế thì Trang Đài của cậu cũng thuộc về phe ta rồi. Cậu còn đẩy mạnh sự tưởng tượng xa hơn, cậu ước mơ Trang Đài cùng chung lập trường chính trị với mình nghĩa là hoan nghênh cách mạng, hoan nghênh công cuộc giải phóng miền Nam. Tuy cùng chung chính kiến nhưng cậu sẽ không bao giờ để cho Trang Đài tham gia tổ chức bí mật. Dù đi vào con đường cách mạng bằng động cơ lãng mạn, nhưng Sinh cũng ý thức được sự hiểm nguy luôn luôn rình rập người cán bộ nằm vùng. Không bao giờ Sinh để cho người con gái ẻo lả và quý báu đó bị hiểm nguy. Không, không bao giờ như thế được. Sinh phải để nàng dừng lại ở cảm tình với cách mạng mà thôi. Nàng sẽ là giai nhân, Sinh sẽ là người hùng. Giai nhân thì chỉ có việc ở nhà chờ đợi, còn người hùng thì tham gia vào công cuộc giải phóng để đem lại tự do hạnh phúc cho toàn dân và cho riêng giai nhân của mình.
Giải quyết xong được mâu thuẫn nầy, Sinh thấy lòng nhẹ nhõm. Tuy nhiên sự nhẹ nhõm đó không được lâu. Gia đình nàng là tư sản dân tộc, điều đó chưa hẳn là sự thực mà mới chỉ là hy vọng của Sinh thôi. Cần phải tìm hiểu ngọn ngành để được yên tâm với mối tình đầu đang nung nấu tâm can cậu.
Sau một đêm nhớ nhung tha thiết, sáng hôm sau, Sinh đến trường sớm để chờ đợi. Hôm nay, Trang Đài có giờ học lý thuyết, Sinh cũng thế. Gởi xe xong, Sinh ra đứng tận bên ngoài cổng trường, nơi chỗ cậu sửa xe cho nàng hơn một tháng trước đây.
Buổi sáng thực đẹp trời. Khách đi đường tấp nập, phần lớn là sinh viên và học sinh. Sinh không phải chờ đợi lâu. Trang Đài đã xuất hiện, nổi bật trong dòng người qua lại. Sáng nay, nàng mặc áo màu xanh da trời. Vì thế, Sinh tưởng tượng đó là nàng tiên từ bầu trời xanh hạ xuống.
Nàng lái xe vào trường và lập tức dừng lại khi thấy Sinh. Nàng cười rất tươi, nét mặt lộ vẻ hân hoan, xinh đẹp vô cùng. Sinh bước lại gần. Nàng vẫn ngồi trên xe, dịu dàng nhìn cậu và hỏi, giọng trong như khánh đổ:
- Sao hôm nay anh đến trường sớm vậy?
- Tôi đến sớm để chờ đợi.
Mặt Trang Đài thoáng cảm động, nhưng nàng cố giữ giọng nói tinh nghịch:
- Anh chờ đợi ai vậy?
- Một nàng tiên từ trên trời bay xuống.
Nàng cười khúc khích:
- Thế thì anh ráng đợi nàng tiên của anh đi nhé, Đài vào học đây.
Sinh vội nắm lấy tay lái xe giữ lại:
- Không, không, hôm nay nàng tiên không bay xuống mà giáng trần bằng Honda dame số SC.9764 M.
- Trời đất, anh nhớ cả số xe của Đài nữa à. Đáng lẽ anh phải đi làm cảnh sát giao thông mới đúng nghề.
- Vậy tôi là cảnh sát giao thông, giữ xe nầy lại và mời chủ nhân của nó đến quán nước đầu đường Lý Thái Tổ nói chuyện.
Trang Đài trả lời, nét mặt phụng phịu trông thực dễ thương:
- Không được đâu, Đài có hai giờ lý thuyết, anh cũng vậy mà, Đài nhớ không sai đâu.
Nàng đỏ mặt xấu hổ vì vô tình thú nhận đã theo dõi và nhớ nằm lòng giờ học của Sinh.
- Tôi thì sẵn sàng bỏ giờ lý thuyết đó, rồi sẽ lấy bài quay ronéo học sau. Trang Đài không thể bỏ được sao?
Nàng nhìn Sinh, mỉm cười một cách âu yếm:
- Anh mang xe vào bãi gởi giúp Đài đi, Đài đợi anh ở đây.
Nói xong nàng trao xe cho Sinh và bước lên vệ đường. Gởi xe xong, Sinh bước nhanh ra cổng. Cậu bảo:
- Trang Đài đưa túi xách, tôi cất thẻ cho.
Trang Đài ngoan ngoãn tuân theo. Sinh đỡ lấy túi xách, mở dây kéo ra, cảm thấy một mùi thơm tỏa ra từ sách vở và đồ dùng của nàng. Sinh cho thẻ xe vào và kéo dây khóa. Trang Đài đưa tay nhận lại nhưng Sinh lắc đầu:
- Tôi mang giúp Trang Đài.
Nàng cười sung sướng:
- Thế cặp sách vở của anh ở đâu?
- Gởi cho cậu giữ xe rồi.
- Để rảnh tay làm chuyện không công cho người khác, phải không?
- Tôi nguyện làm một ngàn chuyện không công như thế nầy. Làm suốt đời.
Một thoáng e lệ trên mặt nàng. Nàng cố giữ giọng nói tinh nghịch:
- Đài thì không dại gì đi làm chuyện không công cho thiên hạ.
Cả hai cùng cười và đi song song với nhau trên vệ đường, trước những cặp mắt của bạn bè tò mò nhưng đầy thiện cảm. Quán giải khát gần nên họ nhanh chóng đến nơi. Sinh kéo ghế cho Trang Đài ngồi xuống rồi vòng qua bàn, đến ghế đối diện với nàng. Sinh gọi nước uống và cả hai yên lặng chờ cho người phục vụ đem đến và rút lui. Sinh rót đầy hai ly nước và mời bạn:
- Trang Đài uống đi.
- Nàng bưng ly nước lên môi với dáng điêu thực hồn nhiên. Sinh nhìn sững sờ gương mặt mỹ miều của người mà mình đã thầm yêu. Nàng vừa nhấp nước uống vừa lơ đãng nhìn vào khóm hoa trước quán để cho Sinh tự do chiêm ngưỡng dung nhan của mình. Một chốc sau, nàng lên tiếng:
- Anh muốn gặp Đài có chuyện gì không?
Sinh lắc đầu:
- Không có chuyện gì quan trọng cả. Hay đúng hơn, chuyện quan trọng nhất là được ngồi nói chuyện với Trang Đài.
Nàng cười vui vẻ:
- Không có chuyện mà xúi Đài trốn học.
- Thế Trang Đài có hối hận vì trốn học không?
Nàng nhìn Sinh với đôi mắt không dấu vẻ âu yếm và đáp nho nhỏ:
- Không, Đài không hối hận.
Nói xong, nàng cúi đầu e thẹn. Nàng nghe giọng nói run run đầy cảm xúc của người con trai:
- Trang Đài!
- Dạ.
Nàng ngẩng lên và bắt gặp cái nhìn si mê của Sinh. Nàng hồi hộp hỏi:
- Anh muốn nói gì với Đài phải không?
Sinh ngập ngừng như đang thu gom can đảm:
- Trang Đài, tôi muốn chúng mình đổi cách xưng hô, Trang Đài có cho phép không?
Nàng cúi đầu e thẹn nhưng không dấu vẻ sung sướng:
- Nếu em không cho phép thì anh có đổi cách xưng hô hay không?
- Em có cho hay không, anh vẫn cứ đổi.
Nàng cười thật tươi:
- Thế thì anh còn hỏi làm gì nữa?
Giọng Sinh như nghẹn lại:
- Anh muốn nghe chính em nói bằng lòng điều đó, em có phiền lòng không?
Trang Đài cảm động. Nàng trả lời một cách dịu dàng:
- Em bằng lòng. Hơn thế nữa, em vui thích về cách xưng hô đó.
- Anh cám ơn em. Trang Đài, anh không biết có nên bộc bạch tấm lòng của anh với em không. Em có bằng lòng nghe anh nói không?
Trang Đài ngước lên nhìn ánh mắt si mê của bạn, se sẽ gật đầu.
- Trang Đài, kể từ buổi đầu gặp gỡ, lúc nào anh cũng mong thấy em, lúc nào cũng ước ao được nghe giọng nói của em. Nếu không được như thế thì cuộc đời anh không còn gì có ý nghĩa nữa. Em….
Câu nói tắt ngang vì xúc động. Trang Đài cảm thấy cơ thể nàng run lên, không phải vì nội dung câu nói tỏ tình đầu tiên đó mà vì cái âm thanh xúc cảm làm say đắm lòng người.
- Anh yêu em đến thế sao?
- Anh không thể nào diễn tả được điều đó. Anh chỉ lo em không hiểu được tình yêu của anh đối với em. Trang Đài em, hãy trả lời anh đi.
- Em hiểu!
Sinh nhìn xuống bàn tay ngà ngọc của người yêu trên bàn. Cậu đặt bàn tay mình lên đó và nghe cảm giác đê mê chạy khắp toàn thân. Nơi hai chiếc loa, bản nhạc Tango bleu trổi lên dìu dặt, với giọng ca điêu luyện của người nghệ sĩ phương Tây. Cả màu xanh của bầu trời quấn quít đôi bạn trẻ, màu xanh hòa lẫn với màu áo học trò của người con gái, màu xanh mang cả hai tâm hồn vút lên cao, chới với trong tình yêu tuyệt vời.
Trang Đài nhắm mắt lại, để yên bàn tay mình bên dưới bàn tay của người yêu. Trong quán giờ nầy không còn khách nào ngoài hai bạn trẻ. Mà nếu bây giờ có đông khách ồn ào thì nàng cũng không hay biết. Có lẽ lâu lắm nàng mới mở mắt ra và bắt gặp ngay cái nhìn đắm đuối của Sinh. Nàng khẽ rút tay về và nói giọng nhỏ nhẹ:
- Anh Sinh, thôi mình về nhé.
Sinh bàng hoàng như người vừa tỉnh giấc. Cậu gật đầu nhưng không có dấu hiệu gì sẵn sàng đứng dậy. Cậu nhìn người yêu, giọng như van lơn:
- Trang Đài, anh yêu em hơn bất cứ thứ gì trên đời nầy. Nhưng không biết lòng em đối với anh như thế nào?
Nàng âu yếm nhìn thẳng vào mắt người yêu:
- Anh không cần hỏi em câu đó nữa.
Sinh cảm thấy lòng ngập tràn hạnh phúc. Cậu hỏi dò ý người yêu.
- Nếu hôm nào không có giờ học, nhớ em, anh có thể gặp em nơi khác được không?
Bất giác, Trang Đài hồi hộp nhìn Sinh:
- Anh nói nơi khác là nơi nào?
- Ở nhà em.
Nàng thở ra nhẹ nhõm:
- Em mời anh đến nhà em. Em hy vọng ở đó, anh cũng thấy vui thích như nơi cái quán lịch sự nầy vậy.
Sinh mừng rỡ:
- Em nói cho anh địa chỉ đi.
Cái giọng tinh nghịch trở lại với nàng:
- Không, em không nói đâu. Anh đưa tay đây.
Nàng mở túi xách lấy ra cây viết bi. Sinh xòe cả hai tay lên mặt bàn. Nàng cười:
- Em chỉ ở một nhà thôi, một bàn tay đủ rồi.
Nàng ngúy ngoáy cây viết vào tay Sinh; cậu nghe nhồn nhột thực là êm đềm.
- Xong rồi. Anh thử đọc chữ ngược xem có được không?
Sinh rút tay về, cố xoay ngược bàn tay cho có vẻ khôi hài. Cậu lẩm bẩm:
- Đường Cao Thắng, đường Cao Thắng, có gần chỗ đó không?
Trang Đài ngạc nhiên nhìn người yêu:
- Anh biết địa chỉ nầy à?
Sinh hoảng hốt lắc đầu:
- Không, anh chưa hề biết nơi nầy.
- Thôi mình về. Anh còn đòi hỏi gì nữa không?
- Còn nữa; em hãy nhận lời cám ơn của anh về buổi sáng tuyệt vời hôm nay.
- Em cũng cám ơn anh như thế.
Hai bạn cùng đứng dậy. Sinh không còn muốn ngồi thêm bên người yêu nữa. Cái tên đường Cao Thắng làm cho cậu nhớ đến địa điểm mà mình đã long trọng tuyên thệ trung thành với giai cấp vô sản.


*
* *