Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Kẻ chiến bại (1)



SINH dừng xe tắt máy, nhưng không buồn bước xuống. Cậu buồn bã nhìn vào căn nhà nhỏ giữa khu vườn rộng. Trước đây, mỗi lần về tới, bao giờ Sinh cũng thấy lòng rộn vui, cậu nhanh chóng mở cổng, cho xe chạy quanh đến sau nhà và đi tìm mẹ, nếu mẹ có nhà. Còn nếu vào giờ mẹ đi vắng, cậu vẫn vui vẻ bước qua bục cửa, miệng hát to một bài ca ưa thích.
Đó là lúc mẹ còn sống. Bây giờ mẹ đã vĩnh viễn ra đi, sau một tháng trở bệnh trầm trọng. Mẹ qua đời vừa được một tuần. Sáng nay ra thăm mộ, cậu quên mang theo cây chổi nhỏ. Ngày hôm qua, cậu thấy những vành hoa phủ trên núm đất đã khô héo sau mấy ngày nắng như thiêu đốt. Những chiếc lá cong queo, những đóa hoa tàn úa xấu xí rụng ra khỏi cành, nằm rải rác trên mộ, sau khi cậu gom những tràng hoa chất vào chỗ đất trống. Cậu nhớ tính mẹ gọn gàng sạch sẽ, nên tự nhủ lòng rằng, mỗi khi đi thăm mộ, nhớ đem theo chổi để làm sạch ngôi nhà cuối cùng của mẹ.

Sinh uể oải xuống xe, mở khóa cổng, đi vào. Đã một tuần lễ rồi mà Sinh vẫn chưa quen được cái cảnh cô đơn, nên mỗi khi bước qua khỏi cổng, cậu lại mường tượng mẹ đang ở đâu đó trong nhà
Bên trong gian nhà cổ ánh sáng lờ mờ. Gương mặt phúc hậu của bà mẹ nơi di ảnh, trên bàn thờ đặt sát vách, đang nhìn cậu con trai một cách âu yếm. Lòng Sinh quặn thắt khi biết rằng, từ nay, cậu chỉ được trông thấy mẹ qua di ảnh nầy mà thôi.
Hai cánh cửa sổ được Sinh mở tung ra, ánh sáng tràn vào làm cho không khí trong nhà bớt phần ảm đạm, nhưng lòng Sinh vẫn không hết bùi ngùi. Cậu bước lại bàn thờ, nhìn ảnh mẹ một lần nữa rồi đốt nhang và quay lui.
Có bóng người thấp thoáng ngoài cổng. Sinh nheo mắt nhìn kỹ, đó là chị Hằng, người hàng xóm tốt bụng rất thân với mẹ con cậu. Trước khi Sinh kịp chạy ra mở cổng, chị đã thò tay kéo chốt và đẩy cửa bước vào, tay xách theo một túi nhựa. Chị vừa bước lên thềm đã dúi cho cậu cái túi và bảo:
- Sáng nay, khoảng mười giờ, ông thầy bà con với em có đến, nhưng em đi vắng. Ông ấy xin chị một miếng giấy, viết mấy dòng chữ gởi lại em, cùng với gói nầy.
Nói xong, chị móc túi lấy một tờ giấy gấp làm tư và trao cả thư cùng cái gói cho Sinh. Chị bước vào nhà, vái trước bàn thờ rồi ra về. Sinh vội mở thư ra, lẩm nhẩm đọc:

Em Sinh thân mến,
Thầy đến thăm em và đốt nhang cho bác, nhưng rất tiếc, em không có ở nhà. Thầy gởi lại gói bánh để cúng bác. Thầy khuyên em bớt buồn phiền để tránh ảnh hưởng xấu đến việc học. Thầy, Văn.

Sinh cảm động, bóc gói bánh ra, đặt trên bàn thờ mẹ. Cậu nói với ảnh mẹ:
- Má, thầy Văn đưa bánh đến cúng má. Thầy rất tốt với con, xin má phù hộ cho thầy.
Nước mắt Sinh lại chực trào ra, bức ảnh mẹ nhòe đi trong thoáng chốc. Cậu xuống bếp lui cui nhóm lửa và bắt ấm nước lên. Ấm nước nầy đã nấu sôi khi sáng, nhưng cậu nấu lại vì cậu thích nhóm bếp và ngồi yên nhìn lửa cháy trong lò. Khi mẹ còn sống, lần nào đi học về, cậu cũng thấy mẹ ngồi trong bếp để soạn bữa cơm trưa cho hai mẹ con. Trong nhà nầy, có lẽ cái bếp là nơi in đậm nhất hình ảnh của mẹ. Vì thế, cả tuần nay, cậu ăn uống lang thang, khi tiệm nầy, khi quán nọ nhưng ngày nào cậu cũng nhóm bếp vài lần để nhớ đến mẹ.
Mẹ có một sạp vải ở chợ Hạnh thông tây. Đó là nguồn sống duy nhất của hai mẹ con. Từ ngày trở bệnh nặng, mẹ đã thôi đi bán. Dù bệnh, mẹ vẫn tiết kiệm từng đồng từng cắc và chỉ để cho chú y tá trong xóm khám bệnh và chích thuốc theo giá dành cho người nghèo, đến khi mẹ liệt giường thì mới cho chở vào nhà thương và ba hôm sau, bác sĩ khuyên đưa mẹ về. Đến nhà, mẹ bắt đầu hấp hối và qua một đêm, mẹ trút hơi thở cuối cùng.
Sinh nghe lòng quặn đau khi nghĩ rằng nếu cậu khôn lớn hơn để sớm lo việc điều trị cho mẹ thì giờ đây cậu đâu đã thành trẻ mồ côi. Bà con thân thuộc chẳng còn ai nên đám tang của mẹ xong xuôi là nhờ lòng tốt của hàng xóm, bạn bè cùng lớp và nhất là của thầy Văn.
Sự tận tâm giúp đỡ của thầy Văn trong những ngày tang khó làm Sinh cảm kích vô cùng. Thầy đã sắp đặt mọi việc chính yếu trong tang lễ, kể từ lúc khâm liệm cho đến khi hoàn tất việc chôn cất. Mọi người ai cũng tưởng thầy là người bà con thân thuộc duy nhất của mẹ con Sinh. Đôi khi, chính Sinh cũng lấy làm lạ về lòng tốt của thầy đối với mình vì thầy chẳng phải là bà con ruột thịt gì cả mà chỉ là một trong những giáo sư của lớp cậu mà thôi.
Thầy Văn là giáo sư môn lý hóa của trường trung học tư thục Trần Quốc Tuấn, nơi Sinh đang theo học. Thầy dạy lớp của Sinh hai năm liên tiếp, năm ngoái lớp mười và năm nay lớp mười một. Cậu nhớ rõ, ngay buổi học đầu tiên, thầy đã chinh phục được đám học trò trường tư rất kém ý thức kỷ luật. Thầy có tầm vóc vừa phải, còn rất trẻ, khoảng độ hai mươi lăm tuổi, không đẹp trai lắm, nhưng nét mặt dễ gây cảm tình nơi người đối diện. Với giọng nói ấm áp, thầy giảng bài lưu loát và dễ hiểu. Lúc giảng, thầy thường nhìn thẳng mặt học sinh, nhất là những đứa cuối lớp mà các bạn quen gọi là xóm nhà lá. Đó là những học sinh rất kém cả về học lực lẫn hạnh kiểm. Thầy cô nào cũng bị xóm nhà lá nầy chọc phá ít nhất một lần, ngoại trừ thầy Văn.
Dĩ nhiên, Sinh không thuộc vào số đó. Trái lại, cậu là học sinh giỏi nhất ngồi ngay ở dãy đầu, đối diện với bàn giáo sư. Năm đó, thầy Văn chỉ chú ý đến Sinh như một học sinh giỏi mà thôi. Cảm tình đặc biệt của thầy đối với cậu bắt đầu từ kỳ du ngoạn Vũng tàu, sau ngày bế giảng, do trường tổ chức. Thầy được đề cử làm cố vấn của đoàn, còn Sinh là đội trưởng khối lớp mười.
Ngày đầu tiên, học sinh tắm biển và đi chơi thỏa thích, tối về nghỉ tại một trường trung học. Đội khối lớp mười của Sinh gồm mười bảy nam sinh được chỉ định canh gác cho các bạn khác ngủ qua đêm. Phân công cho các bạn xong, Sinh đến ngồi bên đống than hồng do lửa trại còn để lại. Thầy Văn cũng đến ngồi kế bên để chuyện trò với người học sinh mà thầy ưa thích. Khởi đầu, thầy hỏi tình hình vui chơi của các bạn. Sau đó, thầy thân mật hỏi về gia đình của Sinh:
- Ba em làm nghề gì?
- Ba em chết rồi.
Thầy thoáng ngạc nhiên.
- Ba em mất lâu chưa?
- Dạ lúc em mới được hai tuổi. Vì vậy em không biết mặt ba em ra sao.
Giọng thầy trầm xuống một cách buồn bã:
- Vậy mười mấy năm nay, em sống với ai?
- Với má em.
- Chỉ có hai người thôi à?
- Dạ. Bà con em ở cả dưới quê.
- Tỉnh nào?
- Dạ, Châu đốc.
Thầy im lặng lấy bao thuốc lá, rút ra một điếu, châm vào cục than hồng trong bếp, rít một hơi dài.
Trăng thượng tuần chênh chếch ở hướng tây. Gió biển thổi vào lồng lộng. Hơi nóng của đống than hồng làm cho Sinh ấm áp dễ chịu. Liếc sang thầy, cậu thấy vẻ mặt thầy trầm tư, đôi mắt sáng quắc nhìn vào bếp lửa. Bỗng dưng, Sinh cảm thấy muốn tâm sự với thầy, người mà qua một năm học đã tạo được sự kính mến sâu xa. Trong các giờ học, thầy có vẻ xa cách, không phải do khoảng cách giữa bàn thầy và bàn học trò, mà do sự cách biệt quá rõ giữa người nói và người nghe. Vì thế, giữa đêm khuya lộng gió nầy, được gần gũi với thầy thực là điều lý thú. Sinh nhìn thầy và nói:
- Thầy có biết tại sao ba em chết không?
- Làm sao thầy biết được?
- Thì thầy thử đoán xem.
- Chắc là bị một bệnh không thể chữa lành được.
- Không phải.
Sinh ngưng lại cốt để gợi tính tò mò của thầy. Quả thực, thầy có ý muốn tìm hiểu:
- Không phải bị bệnh thì có lẽ bị tai nạn.
- Không. À mà phải. Đó là một tai nạn, nhưng không phải tai nạn thông thường.
Thầy tỏ vẻ ngạc nhiên và thực sự tò mò:
- Tai nạn gì mà không thông thường?
- Ba em chết trong tù!
Thầy quay lại, sửng sốt nhìn Sinh:
- Em nói sao?
- Theo lời má em kể lại thì ba em là người cựu kháng chiến chống Pháp, nhưng ba em không đi tập kết mà ở lại Sài gòn. Năm 1955, ông Diệm bắt mọi người cựu kháng chiến để điều tra, bất kể còn đang hoạt động hay không, trong đó có ba em. Sau đó ba em chết trong khám, má em đi lãnh xác về chôn.
Thầy Văn chồm về phía Sinh nắm chặt lấy hai vai cậu, hỏi dồn:
- Có phải ba em bị bọn giặc…
Thầy dừng lại như biết mình lỡ lời, rồi tiếp tục câu hỏi:
- À, à… bị nhà cầm quyền tra tấn đến chết phải không?
- Em không biết. Hình như má em bảo là ba em chết vì bị bệnh.
- Từ trước ba em có bệnh gì không?
- Em đâu có biết. Hình như không có bệnh gì đáng kể. Theo lời má em mô tả thì ba em có vóc người tầm thước, không cao to cũng không ốm yếu lắm. Ba em theo kháng chiến khoảng năm 1947, bị Tây bắt một lần, giam ở khám Phú lâm độ hai năm thì thả ra. Đến năm 1951, ba má em lấy nhau. Năm sau thì em ra đời. Hình như má em có nói là ba em không được mạnh lắm vì những năm kháng chiến cực khổ rồi còn bị tù tội nữa. Nhưng em không hề nghe má nói ba có bệnh gì nhiều để phải làm khổ người vợ mới cưới.
Trong khi thầy Văn chăm chú nghe thì Sinh dừng lại cười nhỏ:
- Chắc là chẳng có bệnh gì cả. Bằng chứng là mới lấy vợ có một năm là có ngay một thằng nhóc ra đời.
Sinh lại cười vì chính câu nói khôi hài của mình. Nhưng nhìn sang thầy, cậu thấy mặt thầy rất nghiêm nghị. Sinh nghĩ thầm: “Lúc giảng bài thầy thường pha trò để học sinh cười, nhờ đó giờ học của thầy rất dễ chịu. Tại sao hôm nay, trò chọc cười thì thầy lại nghiêm nghị?”
Ý nghĩ của Sinh bị cắt đứt vì câu hỏi của thầy:
- Ba em mất ở khám nào? Bệnh có lâu không?
- Hình như là khám Gia định. Mẹ em nói ba em chỉ bị bệnh trong một đêm. Một người bạn tù của ba em, sau khi được thả ra, đến gặp mẹ em và kể rằng ba em bắt đầu ói và đi tiêu chảy sau bữa cơm chiều không lâu. Cứ tiếp tục như thế suốt đêm. Đến gần sáng thì ba em lả người, mấy ngón tay bắt đầu móp lại. Giám thị trại giam vội vã đưa ba em vào nhà thương thì không còn kịp nữa.
- Đúng là bọn nó đầu độc rồi!
Giọng nói của thầy có vẻ hằn học làm Sinh ngạc nhiên quay qua nhìn. Nét mặt thầy đanh lại, mắt tóe lửa. Rồi thầy dịu lại nhanh chóng và tiếp tục hỏi:
- Mẹ em có đem được xác ba em về chôn cất hay không?
- Có. Mẹ em kể, người ta báo tin cho bà đến nhận xác tại bệnh viện Gia định, ngày nay gọi là bệnh viện Nguyễn văn Học. Lúc đó nhà em nghèo lắm, ba em ở nhà trồng rau trong vườn, hằng ngày mẹ em gánh ra chợ bán. Nhờ bà con và chòm xóm giúp công, giúp của nên má em làm đám tang cho ba em cũng tươm tất. Vả lại, trại giam cũng có cho người đến phúng điếu một số tiền nên cũng đỡ khổ cho má em.
- Giả nhân, giả nghĩa!
Một lần nữa, giọng thầy hằn học, nét mặt đanh lại. Sinh quay sang thầy:
- Thưa thầy.
- Gì đó em?
- Những chuyện về ba em, mãi đến năm em vào học lớp đệ thất, má em mới kể và sau đó lâu lâu má em có nhắc lại. Cứ mỗi lần như thế là má dặn em đừng nói cho ai nghe, vì có thể có hại cho tương lai của em. Bây giờ…
Thầy xoay người nắm chặt hai vai Sinh trong một cử chỉ vô cùng thân ái:
- Em yên tâm. Kể cho thầy nghe thì hoàn toàn vô hại. Và em cũng nên hãnh diện về ba em.
Lời khuyên của thầy làm Sinh ngạc nhiên. Chưa bao giờ Sinh biết hãnh diện về việc cha mất trong tù. Mỗi khi nghĩ đến cha là cậu hình dung đến một người xa lạ, khi thì có nét mặt xương xương với đôi mắt to nghiêm nghị, khi thì có gương mặt đầy đặn với đôi mắt hấp háy hiền lành. Gương mặt thay đổi đó không gây cho cậu một nỗi nhớ thương hay hãnh diện gì cả mà chỉ tạo ra trong lòng Sinh một sự xót xa của một trẻ mô côi chưa hề biết cha là ai, nhất là những lúc đến nhà bạn chơi thấy cha của bạn ân cần niềm nở. Nỗi xót xa càng mạnh mẽ hơn khi nhìn mẹ cầm cuốc làm cỏ quanh nhà, sau một ngày buôn bán nhọc nhằn.
Nhớ đến mẹ, nước mắt Sinh lại chực trào ra. Mẹ tuy không đẹp lắm, nhưng có nét mặt thanh tú, dịu dàng; đôi mắt mẹ thực hiền lành, miệng mẹ cười thực có duyên, mặc dù, khi Sinh ý thức được điều nầy thì mẹ đã trên bốn mươi tuổi. Sinh thấy lòng bùi ngùi khôn tả khi nhớ rằng mẹ góa chồng lúc còn rất trẻ và một mình vò võ nuôi con ăn học suốt mười mấy năm trường.
Ấm nước sôi mạnh, một luồng gió làm cửa bếp đóng dập mạnh vào. Sinh như bừng tỉnh khỏi cơn mơ, giật mình nhìn đồng hồ mới biết rằng đã ngồi đây đến hơn một giờ rồi, đầu óc đắm chìm trong hình ảnh của những ngày qua. Cậu dụi tắt lửa, chống hai tay lên gối, uể oải đứng dậy đến giường nằm. Chiếc giường sắt có nệm dày được đặt ngay ở phòng trước, cạnh cửa sổ. Giữa phòng là một chiếc bàn khá to, vừa để tiếp khách, vừa làm bàn học cho Sinh. Phía bên kia là bàn thờ. Trên bàn thờ chỉ có ảnh mẹ mà không có ảnh cha. Trước đây, một đôi khi cậu có thắc mắc điều nầy nhưng chưa có dịp hỏi mẹ. Nay thì cậu chợt hiểu và cảm thấy lòng thương mẹ dâng lên làm cậu xót xa. Cái bàn thờ không có ảnh cha, nhìn qua, người khác chỉ thấy một bàn thờ tổ tiên chung chung. Bà không muốn ai nhắc nhở, hay tốt hơn không ai còn nhớ đến người cựu kháng chiến đã chết trong tù. Bà giấu kỹ hình ảnh chồng trong tận cùng của quả tim và cố xóa mọi vết tích trong lòng người khác. Tất cả cũng chỉ vì sự lo xa hơi thái quá cho tương lai đứa con thân yêu của bà.
Cậu thấy hơi hãnh diện, chưa phải hãnh diện về cái chết của cha như lời khuyên của thầy Văn, mà hãnh diện vì cậu là người duy nhất mà mẹ hé lộ cho biết bà cất giấu kỹ hình ảnh chồng trong tim, qua những lần mẹ kể về cha cho cậu nghe. Cậu nhớ rõ, mỗi lần nhắc đến cha thì nét mặt mẹ thường thản nhiên, thảng hoặc một đôi khi có một chút xúc cảm, nhưng giọng nói vẫn đầm ấm ngọt ngào chứ không có vẻ hằn học căm thù như giọng nói và nét mặt thầy Văn đêm lửa trại.
Sinh nghĩ đến chữ “hãnh diện” mà thầy Văn khuyên cậu. Với mẹ thì Sinh không cần phải hãnh diện nữa, vì cậu nghĩ rằng lòng hãnh diện về mẹ còn dưới xa lòng cảm phục vô bờ vô bến của mình khi mẹ còn sống và lòng nhớ thương vô cùng vô tận khi mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Với cha thì được, cậu nên tập hãnh diện vì có lần cậu đã đọc ở đâu đó ý tưởng của một tác giả: “Sự hãnh diện về người cha tạo nên niềm hạnh phúc của một đời người”. Hãnh diện về cha, có nghĩa là chấp nhận hành động yêu nước của cha khi theo kháng chiến và chấp nhận cái chết trong tù của cha là một sự tuẫn tiết cao cả.
Sinh nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi trong niềm hãnh diện mới mẻ đó.


*
* *


Sáng nay, thứ hai, Sinh sửa soạn đi học, trở lại lớp sau mười ngày nghỉ học để lo cho chuyến đi về nơi vĩnh cữu của mẹ. Cậu cảm thấy vui vui khi nghĩ đến lúc gặp lại bạn bè cũ và thầy cô. Cậu sẽ đến cám ơn những bạn đã giúp đỡ cậu trong những ngày tang khó vừa qua. Niềm vui lớn nhất là sáng thứ hai có hai giờ cuối, học vật lý với thầy Văn. Tuy nhiên, khi cài miếng băng tang vào áo, Sinh lại nhớ đến mẹ. Sinh biết trưa nay sẽ là lần đầu tiên Sinh đi học về và không có mẹ ở nhà và mãi mãi từ nay cậu sẽ lủi thủi về nhà trong cô độc. Ý nghĩ trở thành một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ làm cậu tủi thân vô cùng.
Cậu đốt một cây nhang trên bàn thờ mẹ và dẫn xe ra khỏi nhà. Vì còn khá sớm, cậu ghé quán điểm tâm rồi mới vào trường.
Khi cậu đến lớp, mọi người đều đứng dậy; nhiều người chạy đến thăm hỏi và nói lời chia buồn, mặc dù toàn lớp đã xin nghỉ một buổi để đi sau xe tang tiễn mẹ ra nghĩa địa. Sinh cảm động đến rưng rưng nước mắt.
Trong số bạn bè thì Thành và Đạt nhiệt tình hơn cả. Đó là hai đứa bạn thân nhất lớp và ngồi cùng bàn đầu với Sinh. Trong ba ngày tang lễ của mẹ, cả hai đứa gần như thường xuyên ở bên Sinh, ngoại trừ giờ học. Khi chôn cất xong, hai đứa vẫn thường lui tới mỗi ngày và thay nhau, đêm đến ngủ với Sinh.
Gia đình hai đứa đều nghèo. Thành mồ côi cha lẫn mẹ từ nhỏ, ở với dì dượng trong xóm lao động. Đạt thì còn cha mẹ nhưng đến tám anh chị em. Nó có hai chị và năm đứa em, vừa gái vừa trai. Thành và Đạt học lực thuộc loại trung bình trong lớp nhưng tính tình hiền lành nên không nhập bọn với xóm nhà lá cuối lớp. Lúc còn sống, mẹ thương hai đứa lắm nên chúng thường đến chơi và ở lại ăn uống cùng hai mẹ con.
Sinh hay khuyên nhủ hai bạn cố gắng học hành để cùng lên đại học. Nhưng sức học của cả hai không tiến triển chút nào, trái lại còn có vẻ sút đi hằng năm. Sinh thương bạn vì hiểu rằng đó là do hoàn cảnh quá nghèo của bạn. Thành thì đi học về là làm đủ thứ việc nhà, trong đó khổ nhất là phải săn sóc dỗ dành những đứa em con dì, đứa nầy lớn rồi thì tiếp đến đứa sau. Đạt có cha mẹ nhưng chẳng khá gì hơn. Hai ông bà lo đi làm thuê, làm mướn. Bà chị Hai đi lấy chồng, công chuyện nhà do chị Ba và nó cùng chung lo.
Do đó, hai đứa đều nghĩ rằng khó có thể lên học đại học, nên có ý định vào học trường sĩ quan trừ bị Thủ đức. Nghĩ đến sang năm, không còn học chung với hai bạn nữa, Sinh thấy buồn và thương bạn vô cùng.
Sáng hôm đó, buổi học diễn ra bình thường. Lúc giờ học cuối cùng kết thúc, thầy Văn ngồi xuống ghế giáo sư, vẫy Sinh lên nói chuyện. Thầy bảo:
- Hôm qua, thầy đến thăm em mà không gặp.
- Dạ, em ra chợ để lo việc sang sạp vải của má em.
- Xong cả chưa?
- Dạ rồi. Em về nhà thì được thư thầy cùng với hộp bánh. Em cám ơn thầy. Thầy tốt với em quá.
- Em không phải bận tâm về điều đó. Chiều nay dạy xong, lúc sáu giờ, thầy sẽ đến thăm em và đốt nhang cho bác. Em nhớ đợi thầy nhé.
- Dạ. Em sẽ đợi thầy nhưng xin thầy đừng mang quà gì đến nữa. Em mang ơn thầy nhiều rồi.
- Được, thầy sẽ đến tay không.
Thầy đứng dậy, vỗ vai Sinh và ra khỏi lớp.
Trên đường về, cậu ghé một quán cơm bình dân để ăn trưa. Trời nóng bức, không khí ngột ngạt mùi mồ hôi, tiếng trò chuyện la lối ồn ào của rất nhiều người. Cơm hơi khô, thức ăn lại nhạt nhẽo làm Sinh tiếc nhó những bữa cơm mẹ nấu trước đây. Mẹ thường im lặng gác đũa âu yếm nhìn Sinh ăn, trong bầu không gian êm ả mát dịu của khu nhà vườn. Sau bữa ăn, ý nghĩ phải trở về căn nhà quạnh vắng thiếu vắng bóng mẹ làm Sinh buồn bã hơn, thấm thía hơn thân phận của một trẻ mồ côi.
Cậu chạy xe chầm chậm dưới cái nắng đổ lửa của buổi trưa vùng nhiệt đới. Những vũng nước do các trận mưa cuối mùa để lại phản chiếu ánh mặt trời lên làm Sinh khó chịu. Kìa, gác chuông quen thuộc của ngôi thánh đường cổ kính, rồi con đường đất nhỏ hẹp mà Sinh đã nhớ từng gốc cây hai bên, và cuối cùng chiếc cổng xanh bằng gỗ đã xệ xuống dưới sức nặng của thời gian.
Cậu dừng lại, tắt máy xe và như thói quen của một tuần qua, cậu không vội vào nhà mà đứng ngoài nhìn vào như một người xa lạ. Cánh cổng gỗ cũ kỹ nối liền hai dãy hàng rào cây tươi xanh rì, không nhìn xuyên qua được. Kế đến là một sân rộng phủ đầy cỏ chỉ chừa một lối hẹp vào nhà như một con đường mòn trong cánh đồng hoang. Ở tận bên trong, sát với thềm nhà, cỏ bị dẫm đạp xác xơ, đến gần như trơ ra nền đất trụi. Đó là nơi dựng rạp trong mấy ngày đám tang của mẹ. Giữa sân là chiếc bàn thiêng mà mỗi tháng hai lần, mồng một và rằm, mẹ đặt lễ vật lên cúng vái ông bà, thần thánh, cô hồn. Bàn thiêng ở cạnh một gốc mai già, hoa vàng nở rộ mỗi khi tết đến.
Gian nhà cổ thực xưa được xây đụng từ thời ông nội của Sinh. Mái ngói âm dương đen sì, điểm rải rác nhiều đốm rêu xanh. Bóng cây cao che phủ ba bề làm cho gian nhà suốt ngày mát rượi nhưng có vẻ âm u khi hoàng hôn buông xuống. Sau nhà là một khu vườn rộng. Mẹ bảo đó là khu đất trồng rau của cha để nuôi sống cả gia đình. Khi cha mất đi, mẹ gom góp tiền sang sạp vải bán ngoài chợ Hạnh thông tây, vuờn rau trở thành vườn cây ăn trái um tùm không có hàng lối nên đứng cuối vườn không còn thấy được gian nhà nữa.
Sinh mở cổng dắt xe vào nhà. Cậu cảm thấy như bị nuốt chửng bởi không gian tĩnh mịch. Cậu nhớ, hôm còn đám tang mẹ ở nhà, bác Sáu Nhỏ ở xóm trong, có bảo: “Mẹ cháu mất rồi, còn có một mình cháu, ở trong khu vườn rộng thế nầy cũng bất tiện. Chi bằng cháu nên bán đi rồi mua một căn phố ở nơi đông đúc thì tốt hơn. Sau nầy có vợ, bày ra buôn bán thì rất hay. Còn nếu không buôn bán thì cũng tiện đường đi lại. Mấy năm nay, vì dưới quê mất an ninh, người ta đổ về thành phố nên giá đất lên; bán khu vườn nầy, cháu có một món tiền lớn, mua được căn nhà, còn tiền ăn học.”
Hôm đó, Sinh gật đầu vâng dạ nhưng cậu không quan tâm lắm đến lời khuyên trên vì đầu óc cậu hoàn toàn quanh quẩn bên chiếc hòm sặc sỡ chứa thân xác người mẹ yêu quí nhất đời. Thấy cậu vâng dạ, bác Sáu nói thêm:
- Khi nào cháu quyết định bán thì nói để bác chỉ vẽ thêm cho khỏi bị thiệt.
Bây giờ, cậu thấy lời khuyên của bác thực có lý. Nhưng bán đi sao đành. Đây là đất hương hỏa mà cha đã thừa kế từ ông nội và nay đến cậu. Hơn nữa, nơi đây đã chứng kiến trọn tuổi thơ của cậu, nơi đây cậu đã sống mười mấy năm trời với người mẹ thân yêu, mọi nơi mọi chỗ đều in lại hình bóng người mẹ hiền hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để nuôi dưỡng cậu. Bỏ đi sao đành!
Khu vườn nầy cũng chất chứa bao nhiêu kỷ niệm với bạn bè kể từ khi cậu bắt đầu đi học. Nơi cái sân trước nhà, trong khu vườn sau nhà, bạn học cùng lớp của cậu như một bầy chim, đùa giỡn, tíu tít khắp nơi. Năm ngoái, mới quen nhau sau vài tháng học chung, chúng nó đã kéo nhau đến khu vườn nầy, đúng vào lúc cây mít, cây mận, cây ổi, vân vân, đang trĩu quả. Trong số bạn bè, có cả con Thúy nữa. Cậu mỉm cười khi nghĩ đến cô bạn gái hoa khôi của lớp.
Thúy đẹp thực. Nói là hoa khôi của riêng lớp cũng không đúng lắm vì cả khối lớp mười năm ngoái có lẽ không ai đẹp bằng Thúy. Da mặt cô nàng trắng mịn màng, đôi mắt bồ câu đen lay láy dưới hai hàng mi dài, hàm răng đều đặn lại có một chiếc vô kỷ luật hơi khểnh ra ngoài làm cho nụ cười có cái ngộ cái hay không thể tả nổi. Đầu năm lớp mười, ngay buổi học thứ nhất, Sinh đã xao xuyến vì nụ cười đó. Hình như cô nàng cũng có cảm tình với Sinh sau nhiều tháng học chung. Sinh không hiểu đó có phải là cảm tình đặc biệt hay cái cảm tình chung chung của hầu hết bạn gái đối với Sinh, một học sinh giỏi nhất lớp, được tất cả thầy cô yêu mến.
Trong nửa năm học đầu, Sinh mong ước Thúy theo các bạn khác đến chơi tại nhà, nhưng cậu không dám mời sợ Thúy từ chối. Cậu không dám mời cũng phải vì có một bạn trai cho Sinh biết ba Thúy là một nhà thầu khoán rất giàu có, nhà ở của Thúy là một biệt thự cực kỳ sang trọng ở giữa khu vườn đầy hoa với những thảm cỏ mượt mà, cách nhau bởi những con đường sỏi trắng. Các bạn cũng nhận xét tính tình hơi kênh kiệu dù học lực Thúy chỉ vào hạng trung bình trong lớp.
Vào đệ nhị bán niên, tình cờ một lần Sinh nghe bạn trai trong lớp rù rì về việc thầy Văn cho Thúy cao điểm hơn vài bạn khác, mặc dù bài làm của các bạn không chênh lệch gì đáng kể. Sinh hơi phật lòng về tin đồn nầy. Cậu cho đó là điều bịa đặt của một số bạn học kém đã bị thầy rầy la hoặc cho điểm xấu. Điều đó có nghĩa là cảm tình của Sinh đối với Thúy bị đặt bên dưới lòng kính mến của cậu đối với thầy Văn.
Và chiều nay thầy hứa đến thăm Sinh. Cậu sẽ có dịp tâm sự với thầy để tỏ lòng kính mến đó cùng với lòng biết ơn đối với thầy.
Sinh liếc nhìn đồng hồ treo tường, thấy kim chỉ hai giờ đúng. Cậu nhỏm dậy dù chưa chợp mắt. Suốt hơn hai giờ qua, cậu hoàn toàn chìm đắm trong hồi tưởng về quá khứ. Bây giờ cậu phải ngồi ngay vào bàn học để chép vô số bài vở của mười ngày nghỉ học vừa qua.
Sinh chăm chỉ chép bài suốt buổi chiều. Đến sáu giờ, có tiếng xe ngừng trước ngõ. Cậu nhảy vọt ra thì đúng lúc thầy Văn cũng vừa bước xuống xe. Thầy không nhìn Sinh mà cắm cúi nhìn chiếc bánh xe sau. Mắt thầy liếc quanh, cho đến lúc nghe Sinh lễ phép cất tiếng chào.
- Em chào thầy. Bánh xe bị gì, thưa thầy?
Thầy vội vã:
- À không, thầy sợ cán trúng đinh. Lúc này đinh ốc nằm đầy đường, tuần rồi xe thầy bị lủng hai lỗ.
Sinh không hiểu thầy nói gì mà đinh ốc nằm đầy đường, nhưng cũng lễ phép gật đầu:
- Dạ. Em mời thầy vào chơi.
Thầy mỉm cười, vừa thủng thẳng dẫn xe vào, vừa nói to:
- Thầy đến đốt nhang cho bác.
Nhưng khi Sinh mời thầy vào nhà để đốt nhang, thì thầy nói:
- Thầy ngồi ngoài nầy một chút cho mát.
Cậu vội vã bước vào nhà để mang ghế và nước ra mời thầy. Khi trở ra, Sinh thấy thầy không còn đứng trong sân trước mà bước qua hông nhà nhìn kỹ vào khu vườn rậm rạp đã bắt đầu có vẻ âm u dưới ánh sáng mờ nhạt của buổi hoàng hôn. Thầy không có dáng điệu của người ngắm cảnh mà như người đang quan sát một khu đất mà mình sắp trả giá để mua. Sinh mời thầy ngồi xuống ghế nhưng thầy lại bảo:
- Trước khi nói chuyện, em phải đưa thầy vào đốt nhang cho bác.
Sinh cảm động đi vào trước, thầy theo sau. Thầy tự tay rút một cây nhang, châm vào đèn, đứng nghiêm trước bàn thờ, gập người lại vái bốn vái thực sâu. Nhìn thầy, Sinh nói thầm:
- Thầy vái còn thành kính hơn các bác, các chú trong xóm nầy nhiều.
Hai thầy trò lại dẫn nhau ra sân, im lặng một chốc vì chưa ai tìm được câu mở lời trước. Sinh chợt nhớ đến cái nhìn kỹ lưỡng của thầy vào khu vườn sau, liên tưởng đến lời khuyên của bác Sáu Nhỏ, nên nói một cách vui vẻ:
- Có người khuyên em nên bán khu đất nầy để mua một căn nhà nhỏ ở mặt tiền đường.
Thầy Văn quay lại nhìn sâu vào mắt Sinh, hỏi nhanh:
- Em định thế nào?
- Em chưa quyết định gì cả. Bán đi cũng tiếc vì ở đây có biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu trong những năm sống với má em. Nhưng mà lời khuyên của bác Sáu Nhỏ cũng hợp lý. Vườn quá rộng, em không săn sóc nổi, lại ở trong hẻm chật hẹp, ra ngoài phố ở thì rất tiện việc đi lại. Hơn nữa, có một món tiền thừa, đủ cho em học hết trung học và đại học.
Thầy Văn sốt ruột vì lời giải thích dài dòng của Sinh nên ngắt lời:
- Không được, em tính kỹ lại đi, không nên bán vội. Ở đây, tuy xa đường lộ chút ít, nhưng tiện là kín đáo….À không, chỗ ở yên tĩnh, không có tiếng ồn của xe cộ, rất tiện cho việc học của em.
- Dạ, em cũng chưa tính gì cả. Về việc đi lại thì không có gì bất tiện vì em có xe Honda do má em mua cho lúc em mới lên lớp mười. Tiền thì em cũng chưa cần vì mới bán số vải của má em để lại, cùng với tiền sang lại sạp, đủ cho em sống trong nhiều năm.
Thầy gật đầu, tỏ vẻ hài lòng:
- Phải đó, khoan bán đã. Nếu cần, sau nầy bán cũng được. Đất càng ngày càng lên giá, giữ đất tốt hơn giữ tiền.
Sinh thích thú về sự hài lòng của thầy nên phụ họa thêm:
- Em nghe nói, giữ đất có lợi hơn là bán đi rồi đem tiền gởi cho ngân hàng, phải không thầy?
- Đúng vậy, giữ đất chắc hơn. Gởi tiền ngân hàng, rủi ro bị bọn nó quịt thì kể như trắng tay. Nếu không bị quịt thì tiền lời cũng thua xa giá đất tăng vọt đều đều. Thành phố nầy càng ngày càng phình lớn vì người nhà quê bỏ ruộng đồng tràn lên.
- Họ chạy tránh chiến tranh phải không thầy?
- Không phải đâu. Họ sợ nạn cường hào ác bá của nông thôn chứ cuộc chiến tranh giải phóng nầy thì đâu có nên trốn tránh.
Thầy ngừng lại, như không muốn đi sâu vào đề tài chiến tranh lúc nầy. Thầy chuyển sang chuyện khác:
- Còn một năm rưỡi nữa là xong tú tài, em định học ở đại học nào?
- Có lẽ em học sư phạm; đó là ước muốn từ lâu của em.
Thầy có vẻ thích thú, nhưng hỏi lại:
- Tại sao vậy?
- Vì em thương má em. Học sư phạm ra làm thầy giáo, dạy ở một trường cố định, có chỗ ở lâu dài, má em sẽ nghỉ bán để sống với em.
- Theo nghề dạy học cũng tốt. Nhưng không nên học Đại học Sư phạm mà nên học Đại học Khoa học.
- Tại sao vậy?
Thầy trả lời, giọng sốt sắng:
- Học sư phạm ra, phải dạy ở một trường công do bọn nó…, à, do chính phủ quyết định. Còn học khoa học, lấy cử nhân xong, mình tha hồ chọn trường mà dạy. Không muốn dạy nữa thì kiếm việc khác cũng dễ.
Sinh đáp lại với giọng buồn rầu:
- Nhưng đó là ý định của em trước đây khi má em còn sống. Bây giờ má em chết rồi, cuộc sống của em mất hết ý nghĩa. Em chẳng thiết tha lên đại học nữa. Hết tú tài rồi thì đi kiếm việc gì làm cho qua ngày cũng được. Em chẳng còn hứng thú gì khi nghĩ đến ngày mai.
Thầy kéo ghế lại gần Sinh hơn, thân mật nắm lấy hai vai của cậu, giọng vừa ôn tồn vừa rắn rỏi:
- Không được bi quan, bạc nhược như thế. Lòng thương của em đối mẹ như thế là đáng quý nhưng đã là thanh niên thì còn phải có trách nhiệm với xã hội nữa chớ.
- Em thường nghe nói đến “trách nhiệm đối với xã hội”, nhưng những chữ đó nghe mơ hồ quá.
- Đúng vậy, mơ hồ là vì chúng ta đang sống một xã hội tiêu thụ, không có gì để kích thích trách nhiệm của thanh niên. Nhưng đâu phải vì thế mà chúng ta phủi trách nhiệm. Còn nhân dân, còn Tổ quốc nữa chớ. Sống chiến đấu, lao động, học tập theo gương…, à, để phục vụ nhân dân. Hơn lúc nào cả, thanh niên cần phải gánh trách nhiệm. Đâu cần, thanh niên có, đâu khó có thanh niên!
Lời nói của thầy nghe thực thích thú, vì hào khí yêu nước hay vì những từ nghe lạ tai? Có lẽ cả hai.
Ánh sáng hoàng hôn nhạt nhòa nhưng được bổ sung với ánh trăng mười bốn vừa lên khỏi ngọn cây làm cho đôi mắt thầy sáng long lanh. Thầy tiếp tục nói, giọng đầy nhiệt huyết:
- Ba em đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình để phục vụ nhân dân. Đó là tấm gương sáng, là niềm hãnh diện của em. Em phải sống xứng đáng với tấm gương sáng đó. Thầy hiểu, mẹ em vừa mất gây nên một nỗi bi thương quá lớn trong lòng em, nhưng thanh niên phải biết biến đau thương thành hành động. Tóm lại, càng thương nhớ mẹ, em càng phải cố gắng học hành, quyết tâm lên đại học vì lúc còn sống, mẹ em cũng muốn như thế, phải không nào?
- Dạ phải.

*
* *

Cuộc nói chuyện vừa qua với thầy Văn làm cho Sinh hết sức xao xuyến. Cậu cảm thấy thầy không phải chỉ là một giáo sư lý hóa tầm thường như bao giáo sư khác. Sinh khám phá nơi thầy một cái gì đó rất khó tả. Cái gì đó có vẻ lạ lùng, rất hấp dẫn, hào hùng và cao cả.
Sau khi thầy ra về, Sinh mở đèn, lấy xách cơm và thức ăn mà người ta mang đến khi chiều, lúc thầy chưa đến. Cơm và thức ăn đều nguội lạnh. Sinh cố nuốt cho nhanh rồi đến bàn học ngồi chép bài. Trong đầu Sinh vẫn còn lởn vởn lời nói của thầy nên mới chép một trang đã sai đến bốn năm chỗ. Cậu chán nản, vứt bút, xếp tập lại và ra sân ngồi.
Trăng chưa tròn hẳn nhưng khá to và sáng rực rỡ. Một dãi mây bạc giăng ngang làm ánh trăng mờ đi trong chốc lát. Vài cánh vạc đi ăn đêm bay qua, cất tiếng kêu não nùng. Một ngọn gió nhẹ làm vài chiếc lá khô xào xạc lìa cành, bóng đen của cây mai già khẽ rung rinh trên nền đất. Ngoài đường có một đôi tình nhân, tay trong tay, chầm chậm đi qua. Họ xuất hiện ở khoảng trống của khung cổng gỗ, Sinh thấy bóng người thanh niên cao hơn đưa tay đỡ ngang thắt lưng người con gái; đầu tóc dài đến nửa lưng khẽ nghiêng vào vai người tình.
Sinh cảm thấy lòng rạo rực. Hình ảnh Thúy xuất hiện đột ngột; nhưng hình ảnh người bạn gái xinh đẹp nầy không dừng lại lâu mà bị thay thế lần lượt bằng nhiều hình ảnh khác, như đèn kéo quân, ngang qua trí óc Sinh. Cậu vừa nhớ đến người mẹ thân yêu, chưa kịp xót xa thì bóng dáng người cha xa lạ xen vào, mang theo niềm hãnh diện mới. Sinh muốn dừng lại để xem niềm hãnh diện đó đã thực sự ngấm sâu vào lòng chưa thì không kịp nữa, hình dáng thầy Văn đã hiện ra càng lúc càng rõ nét, với lời nói hấp dẫn, dứt khoát, đầy hào khí. Sinh cảm thấy lòng rộn rã và có cảm tưởng sắp bước vào một con đường mới đầy hoa thơm, cỏ lạ, đẹp đẽ nét hào hùng; con đường của những người yêu nước!
Ôi! Con đường của những người yêu nước!
Sinh nghĩ đến những anh hùng trong lịch sử: Bà Trưng, bà Triệu, Hưng Đạo, Quang Trung. Cậu ước ao được sống lại thời xa xưa, làm thuộc tướng của những vị anh hùng đó, xông pha trong trận mạc để bảo vệ quê hương.
Thế là tâm hồn Sinh mở rộng để đón ngọn gió yêu nước thổi vào. Có lẽ thầy Văn cũng không ngờ, chỉ qua một buổi nói chuyện, thầy đã tạo được một sự kích thích to lớn đến thế trong lòng đứa học trò mà cả quãng đời thơ ấu núp dưới tà áo của mẹ hiền.
Sinh đang sẵn sàng bước vào con đường cách mạng bằng bản chất hoàn toàn lãng mạn. Cũng như cậu, đã có biết bao thanh thiếu niên ở đất Sài gòn và các thành thị Việt Nam, kể từ năm 1945, đã lao vào cách mạng bằng sự mơ mộng thơ ngây thực dễ thương. Lạ lùng thay, đây lại là cuộc cách mạng vô sản, có phương châm là sử dụng bạo lực để cướp chính quyền. Cái phương châm đó rất thực tế, rất tàn bạo, chẳng có gì là thơ mộng cả. Thế mà nó dễ dàng quyến rũ tầng lớp thanh thiếu niên thành thị vì đã làm rung động được chính cái chất lãng mạn bẩm sinh của họ.
Tuy nhiên những ông lãnh tụ cộng sản đều hiểu rằng những người thuộc vào cái giai cấp tiểu tư sản thì dễ bị thuyết phục, dễ bị dụ dỗ nhưng cũng dễ chao đảo, dễ bỏ cuộc, không đáng tin cậy. Muốn giữ được những người tiểu tư sản trung thành lâu dài với cách mạng thì cần gây cho họ một ý thức căm thù, ban đầu là giả tạo nhưng lâu ngày chầy tháng có thể thành một thực thể trong lòng họ.
Các ông tổ của chủ nghĩa cộng sản cho rằng chính lòng căm thù của quần chúng là xuất phát điểm của cách mạng vô sản. Nhưng ở đây, chính cách mạng đến trước và lòng căm thù đến sau. Với giai cấp tiểu tư sản hiền lành và nhiều mơ mộng, cấy cho được vào lòng sự căm thù để củng cố lập trường vô sản, không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, đảng luôn luôn cố gắng thực hiện cho được điều nầy vì một khi tiểu tư sản đã có lòng căm thù rồi, họ trở nên rất có ích cho cách mạng vì họ thông minh, nhạy cảm, có học, tiếp nhận nhanh lý luận, dễ thuyết phục người khác nhờ tài ăn nói và nhờ nếp sống nhiều tình cảm của họ. Đảng đã thành công đối với một số người và đã biến họ trở thành những cán bộ lãnh đạo. Một số khác bỏ cuộc nửa chừng vì đảng không thể nào cấy được lòng căm thù vào tâm hồn họ.
Thầy Văn thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản nhưng không giống như loại tiểu tư sản mô tả trên đây. Thầy có lòng căm thù thực sự chứ không phải là lòng căm thù do đảng ngụy tạo ra. Thầy có hai người thân yêu theo cách mạng và đều bị quân thù giết chết.
Người thứ nhất là cha của thầy. Ông đã đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản trước cách mạng Mùa Thu. Đến năm 1952, ông là bí thư huyện ủy và có chân trong ban thường vụ tỉnh ủy. Một đồng chí thân cận ông đã phản bội nên trong một lần về thăm nhà, ông bị địch giết chết mà chưa kịp gặp mặt vợ con. Một tháng sau ngày ông hi sinh, mẹ thầy quyết định gửi thầy lên ở nhà người chú ruột của thầy tại Sài gòn để đi học trong khi bà tiếp tuc ở lại quê nhà cùng con gái của bà. Rủi thay ông chú, cũng là cán bộ nằm vùng, lại bị một đồng chí phản bội nên bị bắt, không chịu nỗi sự tra tấn và chết trong tù. Bà thím đưa con về quê ở tỉnh Long xuyên để tìm lế sinh nhai. Thầy ở lại Sài gòn làm rất nhiều chuyện để kiếm sống đồng thời cố gắng học hành, trong lòng lúc nào cũng canh cánh hai mối thù của cha và của chú. Thầy căm thù thực dân Pháp, căm thù chính phủ quốc gia tay sai của thực dân. Thầy càng căm thù hơn nữa những kẻ đi theo con đường cách mạng mà phản bội làm cho cha và chú của thầy phải hi sinh. Có lúc thầy muốn tìm ra những đứa đó để giết chết cho thỏa lòng căm thù không ngớt nung nấu tâm can thầy. Tâm trạng nầy đã nhanh chóng đưa thầy đến với tổ chức của cách mạng và không bao lâu trở thành một cán bộ cộng sản có nhiệt huyết, có khả năng và được đảng tin cậy.
Thầy đã tình cờ gặp Sinh, đứa học trò ngoan ngoãn và học giỏi, có cha từng là đồng chí của cha và chú của thầy và cũng đã hi sinh trong tù. Thầy đã chú ý đến đứa học sinh nầy và quyết tâm xây dựng cho nó trở nên một nhân tố tích cực của cách mạng. Một khi được thầy dốc lòng bồi dưỡng, đương nhiên nó tiến nhanh vào con đường cách mạng. Thực vậy chỉ vài tháng sau, Sinh đã vượt qua giai đoạn quần chúng cảm tình để trở thành quần chúng trung kiên. Thầy rất hài lòng về sự tiến bộ của Sinh và đặt rất nhiều kỳ vọng ở người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết nầy.



*
* *
THẦY Văn dừng xe trước cổng nhà Sinh. Con chó trong nhà nhảy ra vẫy đuôi, chồm lên cổng kêu ăng ẳng mừng thầy. Con chó nầy do chính tay thầy mua ở đường Hàm Nghi và đem đến. Người bán bảo nó lai giữa chó Nhật và chó cỏ của ta nên không to con nhưng đẹp và rất khôn. Mua con chó mang đến đây cũng nằm trong kế hoạch đường xa của thầy.
Từ lần đầu tiên mới tới, thầy đã thấy ngay đây là một địa điểm kín đáo rất tốt cho những cuộc họp chi bộ và chi đoàn. Do đó, khi Sinh nói có ý bán nó đi để ra phố ở thì thầy tìm cách can ngăn. Sau nầy, nếu được chuyển công tác thì thầy vẫn có thể dùng địa điểm nầy để họp. Ngôi nhà nầy, ngôi vườn nầy sẽ trở thành một căn cứ cách mạng tí hon trong lòng địch. Thầy mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh và hay ho đó. Cái căn cứ cách mạng tí hon nầy có một hàng rào tươi rậm rạp phía trước để che mắt người ngoài đường và khu vườn um tùm phía sau để ngăn cản cái nhìn của kẻ tò mò trên con đường mòn nhỏ ở cuối vườn. Trong một lần đi hết khu vườn để “ngắm cảnh” thầy để ý có một hàng rào kẽm gai ngăn khu vườn với con đường mòn. Lâu ngày kẽm gai xệ xuống vì đám con nít leo vào hái trộm trái cây. Thầy định cùng với Sinh sửa lại hàng rào nầy. Bên hông nhà còn trống trải, nhưng được một điều là nhà hàng xóm hai bên đều có vườn rộng đầy cây cối nên nhìn sang chỉ thấy hai gian nhà nhỏ rất xa, thấp thoáng sau đám cành lá um tùm. Tuy nhiên, thầy cũng sẽ mua nhiều cây đã ươn sẵn khá lớn để trồng thêm dần dần.
Thầy cũng nghĩ đến cách báo động, hữu hiệu nhất là một con chó giữ nhà. Tốt hơn hết là con chó do thầy mang đến để nó xem thầy chính là chủ của nó. Do đó thầy chọn mua một con thực vừa ý với cái giá gần mười giờ dạy trường tư. Thầy đem con chó về nhà nuôi đúng một tuần cho nó quen. Thực là bực bội suốt tuần lễ đó.
Cái phòng nhỏ xíu mà thầy ở, vừa dùng để ngủ, vừa để làm việc, ăn uống. Nhà vệ sinh và nhà tắm thì dùng chung với chủ nhà. Không có chỗ tiếp khách vì thầy rất tránh mời khách đến nhà. Học sinh nhiều đứa muốn đến thăm, thầy luôn luôn thoái thác. Hai đồng chí trong chi bộ thì gặp mặt có định kỳ ở một địa điểm khác. Nếu gặp chuyện đột xuất họ đến tìm, thầy dẫn họ ra một quán ăn hay quán nhậu nào đó để nói chuyện. Thực ra, từ chối khách đến nhà không nhất thiết phải là một nguyên tắc “phòng gian bảo mật của cán bộ nằm vùng, nhưng tránh được thì hay hơn. Vả lại, với nghề nghiệp của thầy, cho học trò biết nhà là chúng sẽ nhiều lần kéo đến rần rần, mất thì giờ và có thể nguy hiểm khi lơ đễnh để cho một học sinh tò mò bắt gặp một cái gì đó như một mảnh giấy nhắn tin, một tài liệu mật, một tờ truyền đơn chưa kịp giao cho cơ sở in bí mật…. Những thứ đó thì thầy kỹ lắm, nhưng ở đây, đâu có hầm bí mật dưới đất hay tủ bí mật trong tường, nên thầy đành cất giữ quanh quẩn trong phòng thôi. Nếu bọn nhóc thường xuyên đến chơi, lâu ngày chầy tháng sẽ có lần sơ suất.
Một tuần lễ ở chung với con chó trong phòng nhỏ hẹp thực là khổ sở. Thầy ăn cơm tháng ở một quán trên đường về nhà. Mỗi bữa ăn, phải chừa lại một tí cơm, một tí thức ăn, cẩn thận gói vào trong giấy rồi cho vào cặp đựng tài liệu dạy học, trước những cặp mắt tò mò, vừa có vẻ thương hại, vừa có vẻ khinh bỉ của những thực khách trong quán.
Về đến nhà thì càng bực mình hơn nữa. Trước hết là phải đóng cửa, bắt nó cột lại kẻo sợ nó chạy đi mất hoặc làm phiền chủ nhà. Rồi hốt chất thải, lau chùi nhà, cho nó ăn. Sáng phải dậy sớm hơn thường lệ để làm vệ sinh nhà cửa. Có hôm đi dạy về, mong đến nhà để nằm dài ra cho khỏe thì, sau khi mở cửa đã thấy nó nằm khoanh trên giường, mền gối bị xáo lung tung. Nhưng không dám cột nó lại trước khi đi dạy vì sợ nó la sủa cả buổi, chắc chắn chủ nhà và các người thuê phòng kế bên không để yên.
Nhưng cuối cùng, một tuần lễ cũng qua với kết quả mỹ mãn, con chó đã tỏ ra mến chủ mới một cách nhanh chóng. Thầy cho nó lên xe và chở đến nhà Sinh.
Hôm đó, ra mở cổng và thấy con chó trên xe thầy, Sinh rất ngạc nhiên, vội hỏi:
- Thưa thầy, thầy chở chó đi đâu vậy?
- Cho em con chó để giữ nhà và để có bạn cho vui. Em thui thủi một mình, có thêm con chó cũng hay.
Sinh rất cảm động. Cậu chạy ra, định ôm con chó cho thầy dắt xe vào nhưng nó nhe răng ra chống cự. Sinh sợ hãi dừng lại. Thầy cười bảo con chó:
- Tăng, Tăng, không được hỗn.
Con Tăng ngồi trong giỏ, nhìn Sinh gầm gừ. Thầy dẫn xe vào, bế con chó xuống, cột vào hàng hiên. Sinh theo vào, hỏi thầy:
- Con chó tên là Tăng hả thầy?
- Ừ, thầy mới đặt cho nó và hình như nó đã quen tên nầy.
Lai lịch con chó là thế đó, và nó cũng chứng tỏ quyết tâm của thầy sử dụng ngôi nhà và khu vườn của Sinh như là một cơ sở cách mạng sau nầy.
Con chó mau chóng làm quen với Sinh ngay khi được cho ăn. Hôm sau nó đã ngoắc đuôi thân thiện nên được Sinh mở dây trói. Vừa có tự do, nó phóng chạy một mạch ra đến cổng rồi quẹo sang lùm cây bên phải. Lát sau, Sinh thấy nó phi như ngựa từ cuối vườn ra đến cổng rồi quẹo bên trái. Nó chạy như điên quanh nhà mấy vòng rồi đến nằm cạnh chân Sinh, lưỡi thè ra, thở hào hển. Con Tăng tuy làm quen với Sinh nhanh chóng như vậy, nhưng lập trường nó rất kiên định. Nó chỉ công nhận Sinh và thầy Văn là chủ của nó thôi. Bất cứ ngưới nào đến lấp ló ngoài cổng là nó chồm ra sủa đinh tai nhức óc. Nó chỉ ngưng sủa khi nghe tiếng Sinh gọi: “Tăng, Tăng, đi vô”
Thấy con Tăng, Sinh nhớ ngày xưa mẹ cũng nuôi chó giữ nhà. Con chó cuối cùng có bộ lông màu trắng nên mẹ đặt tên là Cò. Nó là bạn thân của Sinh lúc còn bé. Khi Sinh được khoảng mười tuổi thì con chó Cò bị bệnh chết. Cậu khóc sưng cả mắt, bỏ cả ăn, bắt phải chôn nó trong vườn và đắp cho nó cái mả như của người chết vậy. Từ đó về sau, mẹ không bao giờ nuôi chó nữa để tránh cảnh bi lụy cho con trai của bà.
Chỗ nằm thường xuyên của con Tăng, ngày cũng như đêm là mái hiên trước nhà. Hôm đầu, nó đòi vào nhà như lúc còn ở với thầy Văn, nhưng Sinh cương quyết không cho. Nó phản đối, ẳng ẳng đến khuya thì đành chấp nhận chỗ ngủ mới. Sau đó, có những đêm mưa gió, sợ nó lạnh, Sinh gọi nó vào nhà, nó không chịu nên cậu phải lót cho nó cái bao bố ở sát vách, chỗ nước mưa không tạt vào tới.
Thế là, thầy Văn đã hoàn toàn thành công trong việc tìm một “đồng chí” bảo vệ không công cho cái căn cứ cách mạng tí hon của thầy.
Do đó, khi thấy tên bảo vệ bốn chân nhảy ra đón chào mừng rỡ thì thầy rất đẹp lòng. Sinh chạy ra cũng mừng rỡ không kém. Thầy vui vẻ dẫn xe vào và có cảm giác như vào chính ngôi nhà của thầy vậy. Ở đây đã trở thành quá quen thuộc đối với thầy vì thầy đã đến đây rất nhiều lần.
Kể từ khi Sinh lên học lớp mười hai thì thầy không dạy Sinh nữa vì nhà trường chỉ sắp cho thầy dạy hai lớp kế dưới mà thôi. Các lớp mười hai ở tầng trệt, các lớp mười một ở lầu một kế bên trên. Thầy trò gặp nhau gần như mỗi ngày, nhưng thầy đã dặn Sinh không nên tìm gặp và nói chuyện với thầy ngay trong trường. Cho nên, mỗi khi thầy đi qua lớp để đến cầu thang, Sinh chỉ cúi đầu chào thầy cũ, y như các bạn khác. Tuy Sinh chỉ mới là một quần chúng nhưng thầy cũng phải giữ gìn cẩn thận vì có lẽ không bao lâu nữa người quần chúng nầy trở thành người đồng chí của thầy.
Trong giai đoạn nầy, thầy cần nói chuyện với Sinh nhiều lần để bồi dưỡng tư tưởng nên thầy phải chịu khó chạy xe đến nhà Sinh. Đó cũng là một trong những lý do để thầy trích trong quỹ tiết kiệm một món tiền tậu chiếc xe Honda 67 mà thầy đang đi. Chiếc xe mua lại của người khác nhưng vẫn còn mới lắm vì chủ trước là một người rất cẩn thận.
Thầy nhớ hôm đầu tiên chạy xe nầy về nhà, thầy rất hào hứng là sở hữu chủ của cái phương tiện quí giá và đẹp đẽ nầy. Thầy tự chế nhạo mình:
- Vô sản nhưng vẫn mê đồ dùng tốt của tư bản như thường.
Thực vậy, từ khi được kết nạp vào Đảng, thầy tự cho mình là thuộc vào giai cấp vô sản. Tuy thế, thầy vẫn không cấm mình mơ ước một chiếc xe đẹp mà thầy vừa có, không cấm mình mơ ước một biệt thự đẹp mà đảng sẽ cấp cho thầy sau khi cách mạng thành công; trong ngôi biệt thự đó, thầy sẽ sống với một cô vợ xinh xắn, cùng với những đứa con trắng trẻo dễ thương, không như những đứa trẻ nhem nhuốc của tầng lớp lao động thuộc giai cấp vô sản của thầy. Tuy nhiên những ước mơ đó phải tuyệt đối thầm kín, phải giấu rất kỹ, nhất là đối với Sinh. Trước mặt người quần chúng trung kiên mà thầy vừa xây dựng được, thầy phải giữ một nét mặt khắc khổ, một thái độ bất cần những nhu cầu cá nhân, phải chứng tỏ một đức hi sinh trọn vẹn cho đồng bào, cho Tổ quốc, cho giai cấp. Nghĩa là thầy phải là một người cộng sản chân chính, cộng sản từ kẽ tóc cho đến móng chân. Và thầy hài lòng khi thấy mỗi ngày Sinh càng kính phục thầy hơn.
Hôm nay, thầy muốn đặt vấn đề công tác cách mạng một cách cụ thể và nếu thuận tiện thì hé lộ tổ chức đoàn Thanh niên Lao động với Sinh.
Sinh mời thầy vào nhà và pha trà mời thầy uống. Thầy ngồi tì lưng vào chỗ dựa một cách thoải mái. Căn nhà cổ hết sức mát mẻ so với cái nắng nóng bên ngoài. Hôm nay chủ nhật, chiều nay là buổi chiều duy nhất trong tuần mà thầy không có giờ dạy. Bây giờ mới hai giờ. Thầy dự trù bốn giờ mới về nhà để chấm bài cho học trò. Thì giờ không có gì eo hẹp nên thầy yên lặng ngồi thưởng thức cái không khí yên tĩnh và mát mẻ rất quí giá ở thành phố ồn ào và xô bồ nầy.
Thầy nhìn chiếc bàn thờ của mẹ Sinh. Khung ảnh của bà đã được vuông vải đỏ che phủ. Bát nhang cắm nhiều chân nhang nhưng có vẻ nguội lạnh, mặt bàn phủ một lớp bụi mỏng. Thầy cảm thấy hài lòng, chiếc bàn thờ có vẻ vô tri vô giác như mọi bàn thờ khác chứ không có vẻ sinh động và thiêng liêng như hồi mẹ Sinh mới mất. Từ lâu rồi, thầy không còn đốt nhang trên bàn thờ như hồi mới đến với Sinh. Thầy không muốn nhắc nhở đến mẹ Sinh nữa. Thầy muốn Sinh bớt dần tình thương nung nấu đối với người mẹ và dành tình thương đó cho đồng bào, cho Tổ quốc, cho Mặt trận.
Thấy Sinh pha trà xong, đến ngồi đối diện, thầy mở lời:
- Chiều nay em ở nhà phải không?
- Dạ phải.
- Thầy nhớ chiều chủ nhật, em đi học thêm Pháp văn ở cơ quan văn hóa Pháp mà.
- Em mới nghỉ từ mấy tháng nay vì phải dành thì giờ để chuẩn bị cho kỳ thi tú tài sắp tới.
- Em học ở đó lâu chưa?
- Dạ, từ năm lớp bảy đến năm lớp mười một, được tất cả năm năm.
- Tại sao em học tiếng Pháp trong khi người ta đua nhau đi học tiếng Anh?
Sinh cũng chẳng biết tại sao nhưng cậu cứ trả lời bừa để lấy lòng thầy:
- Em thấy người ta đi học tiếng Anh để đi làm bồi cho đế quốc Mỹ, em không thích nên đi học tiếng Pháp.
Thầy cười vui vẻ:
- Em đừng quên thực dân Pháp trước kia cũng kẻ thù của dân tộc ta và đã có một thời, ông cha ta đua nhau đi học tiếng Pháp để làm mọi cho thực dân.
Thấy mặt Sinh có vẻ sượng nên thầy nói tiếp để an ủi:
- Thầy nói chơi đó thôi, chứ cái ngôn ngữ và văn hóa Pháp không chịu trách nhiệm về tội lỗi của thực dân Pháp trước kia; cũng như Anh văn không làm nên tội ác của bọn Mỹ xâm lược hiện nay. Em hiểu không?
- Dạ hiểu.
Thầy bắt đầu vào đề:
- Học để xây dựng đất nước, để xây dựng tương lai cho nhân dân thì học được thứ gì cũng tốt. Nhưng nhiệm vụ cấp bách hiện nay của ta là giải phóng trước đã. Tổ quốc sạch bóng quân thù, nhân dân thoát khỏi gông cùm Mỹ - Ngụy thì mới tính tới việc xây dựng đất nước với vốn học thức của mình.
Sinh chăm chú nghe và lộ vẻ băn khoăn:
- Em có nghĩ như thế, nhưng không biết bản thân mình phải làm cái gì đây. Nghĩa là cụ thể em phải làm công việc gì?
Một lần nữa, thầy cảm thấy rất thích thú khi nói chuyện với Sinh, một cậu học trò thông minh, có nhiệt huyết, và chắc chắn sẽ là một đồng chí mới có nhiều triển vọng của mình. Thầy trả lời với giọng thực nghiêm trang:
- Không một ai trong chúng ta có thể tự ấn định công việc cho mình được. Phải nhận nhiệm vụ, nhận công tác của tổ chức.
Sinh nhìn thẳng vào mắt thầy:
- Thầy muốn nói đến tổ chức của cách mạng phải không, nhưng cụ thể là tổ chức gì?
- Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam!
- Em có nghe nói nhiều đến Mặt trận, nhưng người của Mặt trận đang chiến đấu trên các chiến trường. Em sẽ lên đường đến đó với họ phải không?
Thầy cười:
- Mặt trận ở khắp nơi, ngay tại Sài gòn nầy, ngay cả trên vùng đất xa xôi của kẻ thù là nước Mỹ nữa.
Sinh thở dài, cảm thấy nhẹ nhõm:
- Em hiểu rồi. Em có thể nhận công tác mà vẫn ở đây và tiếp tục học hành.
- Đúng vậy và cần thiết như vậy. Chiến đấu để giành từng tấc đất trên chiến trường là một nhiệm vụ cao cả. Nhân lực phục vụ cho cuộc chiến đấu ngoan cường đó có thể được huy động một cách dồi dào nơi các tầng lớp yêu nước tại nông thôn. Tuy nhiên không phải chỉ chiến đấu trên các mặt trận xa xôi, mà phải chiến đấu ngay trong lòng địch và cuộc chiến nầy có hiệu quả gấp bội, nhưng chúng ta đang thiếu thốn nhân lực rất nhiều. Cách mạng cần em bổ sung cho nguồn nhân lực đó.
Hào khí trong lòng Sinh bốc lên, cậu cảm thấy mình trở nên cần thiết cho cách mạng. Song cậu vẫn thắc mắc:
- Nhưng mà em phải tham gia vào công cuộc nào đây?
- Tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc. Còn cụ thể thế nào thì em khỏi phải lo. Cứ sẵn sàng nhận từng công tác của Mặt trận và cố gắng hoàn thành công tác đó.
- Em sẵn sàng. Thầy giao công tác cho em đi!
Thầy khựng lại, gần như là chưng hửng trước lời đề nghị hết sức đột ngột và thản nhiên của Sinh. Thầy đâu đã chuẩn bị công tác gì cho Sinh. Hôm nay, theo kế hoạch, thầy đến chỉ để khai thông tư tưởng cho Sinh rồi ít lâu sau nữa mới giao công tác. Một lần nữa, thầy thấy cậu thanh niên nầy giác ngộ cách mạng nhanh hơn ước lượng của thầy. Tuy nhiên, thầy phải nhanh chóng tìm ra câu giải đáp để không làm thui chột nhiệt tình của Sinh. Thầy bảo:
- Công tác chính yếu của chúng ta trước hết vẫn là phải bổ sung nguồn nhân lực cho hoạt động nội thành. Em tìm hiểu xem, trong số bạn bè cũ của em hoặc bạn bè cùng lớp hiện nay, có ai xét ra từng bước có thể giác ngộ cách mạng cho họ được không. Nhớ phải rất cẩn thận. Chỉ nên chọn những bạn nào không thuộc gia đình tư sản và gia đình phản động. Được thành phần công nông là tốt nhất. Chọn xong rồi thì đến chơi với họ, tìm hiểu ý thích của họ và cố gắng chiều theo ý thích đó. Nếu họ thích đá banh thì khi có trận đấu hay, bỏ tiền ra mời họ đi xem. Nếu họ thích cải lương, ít nhất một lần, em mua vé mời họ thưởng thức.
Thầy ngưng nói, nhìn Sinh để dò phản ứng rồi tiếp lời một cách chẫm rãi:
- Nên nhớ, chi phí đó hoàn toàn em phải gánh chịu hết. Tổ chức không hề có ngân quỹ. Đã bước vào cách mạng là phải hi sinh tất cả: tiền bạc, thì giờ và nếu cần, sự sống của mình. Em thấy thế nào?
Sinh sực nhớ những ngày đầu khi mới tiếp xúc, thầy đã hết lòng giúp đỡ Sinh trong đám tang của mẹ chắc chắn bằng tiền riêng của thầy. Đó là một minh chứng hùng hồn cho công tác dân vận mà thầy vừa mới nói với Sinh. Nghĩ thế, cậu vui vẻ đáp lời:
- Em hiểu. Xin thầy cứ giảng tiếp, em sẵn sàng nghe.
- Đó là giai đoạn một, gây cảm tình cá nhân. Giai đoạn hai là làm cho họ giác ngộ, thấy được chính nghĩa của cách mạng, của Mặt trận Giải phóng. Phải hết sức cẩn thận ở giai đoạn nầy. Trước hết lựa lời dọ hỏi để biết họ có lập trường chính trị hay không. Em sẽ gặp ba loại người. Loại thứ nhất là loại người sẵn có cảm tình với cách mạng. Với loại nầy là coi như giai đoạn hai xong để chuẩn bị bước qua giai đoạn ba là thuyết phục họ đứng vào hàng ngũ của chúng ta. Loại thứ hai là loại chẳng có một chính kiến nào cả thì từ từ giải thích cho họ hiểu chính nghĩa của Mặt trận và tính cách phản động của ngụy quyền Sài gòn.
Sinh ngắt lời:
- Nhưng em đâu có biết chính nghĩa và phi chính nghĩa chỗ nào đâu. Có lẽ phải có tài liệu để học, đúng không thầy?
Thầy lắc đầu:
- Trong hoạt động địch hậu, phải hết sức hạn chế tài liệu trên giấy trắng mực đen. Chẳng có tài liệu nào cho em học tập cả. Nhưng rất dễ, trong tuyên truyền em giữ đúng nguyên tắc nầy: tất cả những gì tốt thì dành cho ta và tất cả những gì xấu thì gán cho địch, những tài liệu chính trị của ta cũng chỉ khai triển nguyên tắc nầy mà thôi.
Sinh có vẻ vẫn chưa thông:
- Nhưng rủi em nói những điều không đúng với sự thực thì sao?
Thầy mỉm cười:
- Cần gì sự thực. Chỉ cần lòng tin của quần chúng; mà lòng tin đó có hay không là do cách chúng ta tuyên truyền mà thôi. Em hiểu chưa?
Sinh đáp một cách xuội lơ:
- Dạ hiểu.
Thầy nhìn thẳng vào mắt Sinh, giọng nói rực lửa:
- Muốn tiến nhanh trên con đường cách mạng, em không nên quan tâm nhiều đến sự thực mà chỉ nên củng cố niềm tin đối với cách mạng. Đối với bản thân người cán bộ, cách mạng bảo tin tưởng thì cứ tin tưởng, bảo làm thì cứ làm, không nên thắc mắc gì cả.
Thầy ngừng nói, móc túi rút ra điếu thuốc, châm lửa và rít một hơi dài rồi ngửa mặt phà khói lên mái nhà. Sinh sốt ruột hỏi thầy:
- Còn loại người thứ ba thầy chưa nói xong.
- Đó là loại có tư tưởng phản động. Rất giản dị, em không nên gần gũi chúng.
- Nhưng cũng nên nói khéo để may ra sửa đổi lập trường của họ hay ít nhất cũng làm cho họ bớt phản động đi chớ.
Thầy phì cười và cảm thấy thương hại cho sự ngây thơ của người đồng chí trẻ tuổi nầy:
- Chớ có dại, trình độ của em không làm được chuyện đó đâu. Chẳng những không có kết quả gì mà còn có thể lộ bí mật và bị chúng nó lợi dụng và thừa cơ đánh vào cơ sở cách mạng nữa. Em hãy nhớ kỹ điều nầy. Làm công tác địch hậu thì nguyên tắc đầu tiên là phải thận trọng. Thận trọng, thận trọng và thận trọng, em nhớ kỹ chưa?
Nhấn mạnh như thế, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ nên tiếp tục giải thích:
- Có những tên phản động rất quỷ quyệt, nó biết im lặng gợi cho mình nói để khai thác.
Sinh tỏ vẻ lo lắng:
- Thế phải làm sao?
Thầy Văn suy nghĩ một chút và trả lời một cách dứt khoát:
- Tốt hơn hết, em phải xa lánh những thành phần mà cách mạng đã liệt vào loại phản động. Đó là giai cấp tư sản, cùng những kẻ có chức vụ quan trọng trong bộ máy cầm quyền và trong quân đội.
Giọng thầy trở nên gay gắt:
- Phải xa lánh họ như xa lánh người cùi, người hủi vậy!
Tự nhiên Sinh muốn tranh luận thêm. Có lần thầy bảo: “cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, không chừa một ai” mà. Tuy thế, thấy thầy gằn giọng ở những từ cuối cùng của câu nói nên Sinh im lặng.
Thái độ nầy của Sinh không qua được cặp mắt sắc sảo của thầy. Thầy hiểu ngay người thanh niên nầy chưa ý thức đầy đủ lập trường “ta, bạn, thù” của cuộc cách mạng vô sản. Đây là vấn đề đấu tranh giai cấp, một vấn đề gai góc đến nỗi nhiều đồng chí đã vào đảng rồi cũng chưa dứt khoát được tư tưởng. Thầy cũng hiểu rằng đề cập với Sinh chuyện giai cấp lúc nầy e quá sớm nhưng, trong bao nhiêu năm làm thầy giáo, ít nhiều thầy cũng bị “méo mó nghề nghiệp” : điều gì thầy am tường và đắc ý thì muốn giải thích cho người khác nghe. Hơn nữa, Sinh là người thanh niên có nhiệt huyết với cách mạng mà thầy kỳ vọng rất nhiều. Giáo dục về đấu tranh giai cấp ngay bây giờ có thể xem như đốt giai đoạn để sớm đưa cậu ta thâm nhập vào cuộc cách mạng vô sản của đảng ta. Nghĩ như thế, thầy nói tiếp, giọng trở nên hùng hồn:
- Em có hiểu bản chất đích thực của cuộc cách mạng của chúng ta là gì không?
- Là giải phóng dân tộc.
Thầy lắc đầu:
- Không phải. Giải phóng dân tộc chỉ là mục tiêu giai đoạn thôi. Cuộc cách mạng ta chúng ta đang theo đuổi tới cùng là một cuộc đấu tranh giai cấp. Chúng ta sẽ lần lượt tiêu diệt mọi giai cấp để cuối cùng chỉ còn giai cấp vô sản mà thôi. Quan điểm nầy không được phổ biến rộng rãi vì có thể làm cho quảng đại quần chúng hoang mang. Nhưng đối với người cộng sản thì mục đích cuối cùng của cuộc cách mạng vô sản phải là như thế. Đó là lý tưởng cao cả nhất của người cộng sản.
Thấy Sinh há hốc ra mà nghe, thầy đưa tay nắm lấy vai Sinh, giọng trở nên vô cùng thân thiết:
- Tuy em mới được tiếp xúc với cách mạng nhưng thầy tin rằng em có thể tiến xa, nghĩa là em sẽ trở thành một người cộng sản đích thực. Đó là niềm vinh quang nhất của một đời người.
Người trẻ tuổi nào cũng thích người khác khen tặng. Sinh cũng thế. Nỗi hân hoan của cậu càng to lớn vì người khen tặng là thầy Văn, mẫu người lý tưởng của cậu hiện nay. Nhìn thấy niềm phấn khởi bừng lên trên nét mặt của cậu học trò, thầy rất cao hứng nên tiếp tục nhấn mạnh:
- Ngay từ bây giờ, em phải tự phấn đấu để có tư tưởng vô sản, cụ thể là biết căm thù giai cấp tư sản phản động cùng bọn tay sai của chúng là ngụy quân và ngụy quyền. Em có đồng ý không?
- Dạ, em sẽ cố gắng suy nghĩ những điều thầy vừa dạy bảo.
Thầy gật đầu, tỏ vẻ hài lòng:
- Tốt lắm. Sau nầy thầy sẽ có dịp giải thích thêm cho em rõ về vấn đề đấu tranh giai cấp. Còn bây giờ, chúng ta trở lại vấn đề công tác dân vận của em. Lúc nãy thầy đã nói tới đâu rồi?
- Dạ thầy bảo rằng việc vận động một đối tượng cần phải lần lượt tiến hành qua ba giai đoạn.
- Đúng thế.
- Những việc làm nầy, em có cần báo cáo cho thầy không?
- Giai đoạn một, gây cảm tình cá nhân thì không cần báo cáo chi tiết mà chỉ cần đại khái cho biết đang làm quen với bao nhiêu người, thế thôi. Bắt đầu giai đoạn hai thì báo cáo từng trường hợp, về người đang tiếp xúc, thành phần gia đình và diễn tiến tư tưởng nơi người ấy. Còn giai đoạn ba là giai đoạn vận động để họ đứng vào hàng ngũ của cách mạng thì chỉ được bắt đầu khi nào thầy thay mặt tổ chức chấp thuận. Em hiểu chưa?
Sinh đáp một cách mệt mỏi:
- Dạ hiểu.
Thầy thấy như thế là quá đủ cho buổi nói chuyện ngày hôm nay. Đồng hồ đeo tay chỉ gần bốn giờ. Bây giờ, thầy phải về. Chiều và tối nay, còn ba xấp bài kiểm tra của học trò cần chấm cho xong. Nhìn ra sân, thầy thấy bóng cây đã ngã ra khá dài nhưng ánh nắng nghiêng vẫn còn gay gắt lắm. Thầy muốn đứng lên mà tiếc không khí mát mẻ trong nhà. Cuối cùng, thầy cũng phải từ giã. Sinh đưa thầy ra cổng. Con chó Tăng đang thiu thiu ngủ, giật mình tỉnh giấc; nó ngáp mạnh, duỗi bốn chân cho đỡ mỏi rồi, vừa ngoắt đuôi, vừa chạy ra theo để tiễn thầy.
Sinh vào nhà, nằm dài trên giường suy nghĩ nhiều đến những lời nói của thầy. Cậu cảm thấy con đường cách mạng không giản dị chút nào. Kể từ hôm nay, cậu có nhiều kẻ thù ngay trong cái xã hội hiền hòa mà cậu đang sống. Sài gòn thì có biết bao nhiêu là tư sản, biết bao nhiêu nhân viên chính quyền và sĩ quan quân đội. Tất cả đều trở thành kẻ thù của Sinh. Bỗng dưng, cậu thở dài khi nghĩ đến điều nầy.
Rồi đến công tác cách mạng, nó không lý thú như cậu hình dung. Đi lò dò theo một quần chúng để nói chuyện ngày nầy qua ngày nọ, chẳng có gì hấp dẫn. Mà đâu có phải nói chơi nói giỡn một cách thoải mái như cậu đã làm từ trước đến nay. Từ bây giờ, trong câu chuyện với bạn bè, cậu phải dò xét, phải tìm hiểu lập trường của họ, và khi nói với họ một câu gì, cần phải tính trước cho phù hợp với mục tiêu định sẵn. Sinh hơi ngao ngán nhưng cậu chấn chỉnh ngay tư tưởng và tình cảm của mình. Làm cách mạng đâu phải là chơi đùa theo sở thích. Đó là một công việc trọng đại, đòi hỏi sự hi sinh toàn diện. Công việc đó đem đến cho cậu niềm vinh quang to lớn nhất của một đời người, như thầy Văn đã khẳng định. Cậu bớt ngao ngán và thấy có một niềm phấn khởi đang nhen nhúm trong lòng.
Sinh bắt đầu nhớ lại những bạn thân và sơ của cậu bấy lâu nay. Đứng đầu danh sách là thằng Đạt và thằng Thành. Cậu biết rõ hai thằng nầy chẳng có lập trường chính trị gì cả, cậu thuyết phục thì chúng nghe theo dễ dàng. Khổ nỗi, hai thằng bạn đã thôi học để vào trường sĩ quan mất rồi. Ngày chúng vào trình diện quân trường nhằm giữa kỳ nghỉ hè. Hôm đó, ba đứa dẫn nhau đi chơi suốt ngày. Đêm đến, ba đứa la cà từ quán cà phê nầy đến quán khác. Có lúc Sinh thoáng nghĩ kể từ ngày mai, cậu và hai thằng bạn thân nầy tách hẳn sang hai chiến tuyến khác nhau. Cậu sẽ làm cách mạng và góp phần thúc đẩy công cuộc giải phóng sớm thành công còn bọn chúng thì sẽ ra cầm súng ngăn cản công cuộc giải phóng nầy. Nghĩ đến đó, Sinh cảm thấy chua xót hơn là căm hận. Nhìn hai nét mặt quen thuộc và thân mến đã ngồi chung trong bao nhiêu năm trường trên ghế nhà trường, cậu không thể hình dung nổi bọn nó sẽ trở thành kẻ thù không đội trời chung với cậu sau nầy. Khi đến gần giờ giới nghiêm, ba đứa quyết định chia tay; cậu lần lượt ôm từng đứa, thấy lòng dạt dào yêu thương.
Đầu năm học lớp mười hai, bạn bè cũ còn hơn nửa lớp, nhưng bàn cậu ngồi không còn thằng Thành, thằng Đạt nữa. Sinh thấy buồn da diết suốt tuần lễ đầu. Bên xóm con gái, thiếu mất Thúy. Cô nàng đã chuyển sang học trường khác mất rồi. Cảm xúc nhớ nhung cô bạn gái xinh đẹp đó thường khuấy động lòng Sinh, mỗi khi cậu vô tình nhìn về phía dãy ghế ngày trước Thúy hay ngồi. Cậu thầm ước có một phép mầu nào đó đưa cô trở lại chung một lớp học với mình. Các bạn gái khác như Hạnh, Tuyết, Dung, Mai, Liên vẫn còn chung lớp nhưng không ai có thể thay thế được Thúy. Sinh nhớ lại ánh mắt nhìn của Thúy, nụ cười với chiếc răng khểnh, dáng đi kiêu sa. Tà áo dài trắng phất phơ khi nàng cỡi chiếc Honda dame mới toanh chạy ra khỏi cổng trường.
Hay là đến thăm Thúy để thực tập bài học đầu tiên của cách mạng? Ấy chết, không được, gia đình Thúy thuộc giai cấp tư sản. Mà tư sản là phản động. Đó cũng là bài học đầu tiên về lập trường giai cấp mà thầy Văn đã dạy cho Sinh.


*
* *

SẠP báo nho nhỏ ở góc đường, cạnh nhà thờ Hạnh thông tây có thêm một khách hàng. Đó là Sinh. Theo lời khuyên của thầy Văn, Sinh bắt đầu theo dõi thời sự quốc tế và quốc nội. Chị bán báo rất vui tính, có đứa con trai ba tuổi mập ú. Thằng bé ngày nào cũng theo mẹ ra đây, không phải phụ mẹ bán báo mà đùa nghịch với đất cát. Trời lạnh hay trời nóng, nó cũng chỉ mặc một chiếc áo phong phanh, còn quần thì khi có, khi không. Mùa nắng, bụi đỏ bám đầy từ tóc tai cho đến hai bàn chân; mùa mưa càng khiếp hơn nữa, bùn vấy bẩn cả khuôn mặt dễ thương của nó. Ai đi ngang trêu chọc, nó cũng nhoẻn miệng cười, vì vậy, mọi người thấy nó đều thương. Tuy nhiên, chỉ nên đứng xa mà nhìn, không nên đến gần để tránh hai bàn tay nó chụp vào áo quần.
Chị bán báo thì bận rộn với việc bán hàng. Có người là khách thường xuyên của chị, có người thích bẹo má thằng bé nên ghé lại mua một tờ báo hay một tạp chí nhỏ. Khi vắng khách, chị chúi mũi vào các chuyện dài tiếp theo hàng ngày trên các báo. Thỉnh thoảng, chị ngưng đọc, ngửng lên liếc nhìn thằng bé. Nếu nó lần ra gần lề đường thì chị lật đật đứng lên lôi nó vào chơi sát bức tường cao của nhà thờ và trở lại với những câu chuyện lâm ly ở trang trong của các báo.
Chị gọi Sinh là cậu Tin sáng vì Sinh chỉ mua báo Tin sáng mà thôi. Đó là theo lời chỉ dẫn của thầy Văn. Thầy đã bảo Sinh:
- Tin tức chiến sự thì do bộ thông tin của ngụy quyền phổ biến. Do đó, các tin tức nầy bị vo tròn bóp méo sai sự thực. Khi đọc những tin tức nầy, em cần phải hiểu khác đi. Thí dụ báo nói: “Quân ta thắng, Việt cộng thua” thì phải hiểu là hai bên hòa nhau. Nếu báo nói hai bên cùng thiệt hại thì có nghĩa là quân Giải phóng đã toàn thắng và địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Về những bài xã thuyết và bình luận thì chỉ có tờ Tin sáng là khá nhất, là gần với lập trường dân tộc nhất.
Từ trước đến nay, Sinh ít chú ý đến báo chí. Sách đọc của cậu là những tiểu thuyết Việt Nam có trong chương trình quốc văn, các truyện dành cho thiếu nhi và một số tiểu thuyết dễ đọc bằng tiếng Pháp của các nhà văn cổ điển. Bây giờ, cậu là độc giả hằng ngày của tờ Tin sáng và hằng tháng của tạp chí Đối diện. Cái máy thu thanh để trên tủ dùng nghe nhạc được cậu mang vào giường để lén nghe đài Hà nội và đài Giải phóng. Những thứ trên đây, cộng với những bài học truyền miệng của thầy Văn đã giúp cho nhận thức chính trị của Sinh chuyển biến rõ rệt.
Một buổi trưa, đi học về, từ xa Sinh đã thấy một đám đông người lố nhố ở trước thánh đường. Tim cậu đập mạnh; cậu nghĩ đến con chị bán báo và lo sợ đã có chuyện rủi ro xảy ra cho bé. Quả đúng như thế, thằng bé chạy ra đường và mẹ nó không trông thấy vì đang đọc tới một đoạn truyện dài cực kỳ hấp dẫn. Một chiếc xe gắn máy đã tông nó văng đi xa một thước. May là xe lách ra kịp không cán lên người nó. Bé bị đập đầu xuống đường, máu tuôn xối xả.
Đó là lời kể của một thanh niên tình cờ chứng kiến rõ ràng tai nạn. Nhìn nét mặt hốt hoảng của Sinh, người thanh niên tưởng Sinh là thân nhân của bé nên an ủi một cách thành thật:
- Chỉ lo vết thương trên đầu. Phải chụp hình mới biết có nguy hiểm không. Tội nghiệp, thằng bé dễ thương quá. Mẹ nó thì quá bậy, cứ mê đọc tiểu thuyết mà không lo trông chừng con. Nhưng tôi nghĩ không sao đâu. Nếu nứt sọ thì phải hôn mê hay ít nhất cũng nằm xuội lơ. Đằng nầy thằng bé vùng vẫy la hét. Phải hai người lớn phụ với mẹ nó mới băng được vết thương trên đầu của bé.
- Thằng bé đâu rồi?
- Mẹ nó ôm lên xích lô vào nhà thương rồi. Tội nghiệp, có ông già đi ngang qua, lúc người ta mới bế bé lên. Ông già cởi phăng cái áo sơ mi, xé toạt ra để băng cho bé. Xong ông ở trần trùng trục, im lặng leo lên xe đạp đi. Chiếc xe gây tai nạn kia kìa.
Sinh nhìn ra đường, thấy một chiếc xe Honda nằm nghiêng ngay giữa lộ, xăng nhớt chảy rỉ ra thành một vũng nhỏ trên mặt đường. Ai đó đã dùng gạch vẽ một đường ngoằn ngoèo chung quanh xe cùng một hàng chữ và số to tướng. Phía trước có một vòng nguệch ngoạc chỉ vị trí thằng bé té xuống.
Xe cảnh sát hụ còi chạy đến, người ta dạt ra. Thấy chẳng còn gì đáng xem nữa, Sinh đạp máy xe, chạy về.
Chiều hôm sau, thầy Văn đến chơi. Sinh đã mua hai chiếc võng treo song song dưới tàn cây rậm rạp ở vườn sau. Ở đây vừa mát mẻ, vừa nên thơ. Thỉnh thoảng, ở vòm lá bên trên, có vài chú chim sâu bay đến đậu, kêu chiêm chiếp thực vui tai.
Thầy nằm dài trên võng một cách thoải mái và rút thuốc ra hút. Chiếc võng đung đưa nhè nhẹ, thực tuyệt vời. Sinh ngồi đối diện, buông thỏng chân xuống đất. Trước tiên, cậu kể cho thầy nghe tai nạn ngày hôm qua ở trước nhà thờ. Xong câu chuyện, cậu bảo:
- Tội nghiệp thằng bé, không được mẹ trông coi cẩn thận.
Thầy ngửng đầu lên hỏi Sinh:
- Em có biết tại sao thằng bé khốn khổ thế không?
- Dạ tại ba má nó nghèo.
- Tại sao ba má nó nghèo?
Sinh đoán biết thầy sắp cho mình một bài học về đấu tranh giai cấp, về lòng căm thù của nhân dân lao động đối với giai cấp tư sản bóc lột, vân vân. Vì vậy, cậu đáp ngay để làm vui lòng thầy:
- Tại bị bóc lột.
- Đúng vậy.
Thầy hài lòng, thả đầu xuống mặt võng nghiêng và châm điếu thuốc thứ hai. Sinh cũng hài lòng vì đã chứng minh được cho thầy thấy sự thấm nhuần của cậu về giai cấp đấu tranh.
Tuy nhiên, cậu vẫn thắc mắc, không phải chỉ bây giờ thôi. Cậu thắc mắc về cái từ ‘bóc lột tận xương tủy’ mà thầy thường dùng. Ở thời bị Pháp đô hộ thì thầy giải thích từ ‘bóc lột’ dễ hiểu hơn. Thằng Tây lập đồn điền cao su, phu phen bản xứ phải làm việc cật lực dưới roi vọt mà không đủ sống. Biết bao nhiêu người đã bị vùi thây trong những đồn điền cao su bạt ngàn. Mồ hôi, nước mắt và máu của giai cấp công nhân Việt Nam đã bị thằng Tây biến thành của cải chở về nước nó. Điều đó rất dễ hiểu và gây ấn tượng mạnh trong đầu Sinh. Còn ngày nay thì cái từ bóc lột có vẻ mơ hồ quá. Thầy Văn đã khẳng định thằng Mỹ còn bóc lột thậm tệ hơn thằng Tây, nhưng cụ thể bóc lột thế nào thì Sinh không hiểu nổi.
Những đồn điền cao su thì ngưng hoạt động rồi vì hai bên đang đánh nhau trong đó. Sinh cũng không hề nghe nói có người Mỹ nào lăm le khai thác lại các đồn điền cao su của Pháp. Hình như Mỹ chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Ở nông thôn chỉ có những người Mỹ lo đánh nhau chớ có bóc lột ai. Còn ở Sài gòn, cái thành phố lớn nhất nước và có đông người Mỹ nhất thì Sinh không biết nó bóc lột thế nào. Ba má mấy thằng bạn của Sinh có tài kinh doanh vẫn giàu lên nhanh chóng, cất nhà lầu, mua xe hơi. Nhà cửa đua nhau mọc lên, nhà cũ biến thành nhà mới cao hơn, đẹp hơn. Ngay như mẹ Sinh buôn bán nhỏ cũng đủ cho hai mẹ con sống thong thả, sắm xe mới cho Sinh và tích lũy được một số vốn kha khá trong số vải dự trữ của bà. Nghèo xác xơ lúc ba còn sống, nếu bị bóc lột tàn tệ thì làm sao mẹ lo cho Sinh có được nếp sống ngày nay.
Sinh đem thắc mắc nầy hỏi thầy. Thầy vùng dậy như bị ong đốt. Thầy vội giải thích:
- Thằng Tây bóc lột quá lộ liễu nên bị nhân dân giáng cho một đòn chí tử, phải quỳ xuống mà đầu hàng tại Điện biên phủ. Thằng Mỹ áp dụng chánh sách thực dân mới nên bóc lột tinh vi hơn, khó lòng thấy được. Đế quốc là bóc lột, em phải tuyệt đối tin như thế. Đó là chân lý không cần bàn cãi nữa. Cũng vì bị bóc lột mà chị bán báo phải lo làm ăn để cho thằng bé bị tai nạn, em thấy chưa?
- Dạ thấy.
Sinh trả lời bừa vì thấy nét mặt thầy đang căng thẳng, chứ cậu biết rõ thằng bé bị tai nạn là do mẹ nó ham đọc tiểu thuyết nhiều kỳ trên các báo. Cậu vẫn cố gắng tỏ ra chăm chỉ nghe thầy nói tiếp:
- Ở miền Nam, có quá nhiều trẻ em khốn khổ như thế, chứ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trẻ em được đảng và nhà nước săn sóc hết sức chu đáo. Cha mẹ chỉ việc đẻ ra rồi giao cho đảng và nhà nước lo hết. Nhà trẻ là nhà to nhất, sang trọng nhất, hơn xa bất cứ nhà trẻ nào của những nước tư bản. Có những khu vườn xã hội chủ nghĩa với đủ thứ cây nặng trĩu quả dành cho trẻ em tha hồ ăn miễn phí, có những cung thiếu nhi với đầy đủ tiện nghi tốt nhất thế giới để phục vụ các em. Cái cảnh trẻ con trần truồng chơi đất cát như con chị bán báo không bao giờ có ở miền Bắc.
Thầy mỉm cười, kết luận:
- Chúng ta cần sớm giải phóng miền Nam để nhân dân trong nầy sớm được hưởng sản phẩm ưu việt của chủ nghĩa xã hội như miền Bắc.
Sinh chăm chỉ nghe và sau đó không còn lưu tâm đến thắc mắc của mình nữa mà hoàn toàn bị thuyết phục bởi cảnh sống huy hoàng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà thầy Văn vừa mới tả sơ qua.


*
* *