Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Hồi ký của Ngọc (3)



Bước qua năm 1975, tình hình suy sụp nhanh chóng.
Sau khi Ban mê thuột, trái tim của cao nguyên, thất thủ ngày 10 tháng 3 năm 1975, ít ai tin rằng Việt Nam Cộng hòa còn đủ sức chống trả với cuộc tấn công của Việt cộng. Vô số bộ đội cộng sản, xe tăng, đại bác, hỏa tiễn, ngang nhiên vượt qua sông Bến hải, tiến vào nuốt chửng từng thôn làng, từng huyện, từng tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.
Trong quân đội, lệnh cắm trại một trăm phần trăm được duy trì tháng nầy qua tháng nọ; anh Định nhiều tuần mới lén về thăm tôi một lần. Còn vài tháng nữa tôi tốt nghiệp nhưng hai chúng tôi không còn lòng dạ nào để bàn về hôn lễ nữa. Hằng đêm tôi thắp nhang trước bàn thờ anh Quân, mong anh che bớt mũi tên hòn đạn cho người tôi yêu thương.
Toàn thể cao nguyên mất, hai tỉnh địa đầu bị tràn ngập. Lính Cộng hòa rút lui, dẫn theo hàng hàng lớp lớp dân chúng chạy theo vì sợ cộng sản. Trong lịch sử Trung hoa, khi Mông cổ đánh bại nhà Tống, Mãn Thanh dẹp được nhà Minh và cộng sản đè bẹp Quốc dân đảng, người Tàu cũng từng chạy trốn, nhưng có lẽ không thảm thương bằng dân chúng Việt Nam chen nhau xuống tàu ở Thuận an hoặc dắt díu nhau vượt suối băng ngàn trên suốt đoạn đường gian nan từ cao nguyên về miền duyên hải.
Các trường trung học ở Sài gòn Gia định vẫn tiếp tục mở cửa nhưng học trò được nghỉ học để nhường phòng lớp cho người tị nạn.
Mẹ tôi suốt ngày mặt mày ủ dột. Ba thì trái lại, hết sức vui mừng. Chưa bao giờ tôi thấy ông hân hoan đến như thế. Thấy mẹ buồn rầu, ông vừa khuyến khích, vừa la rầy. Ông bảo rằng cách mạng sắp đạt thắng lợi hoàn toàn, rằng miền Nam sắp được giải phóng khỏi ách Mỹ ngụy, rằng đất nước sắp thống nhất, miền Nam sắp được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc như miền Bắc.


Trong những ngày cuối tháng tư, mọi hoạt động của thủ đô đều tê liệt, hãng xưởng ngưng làm việc, cửa hàng thương mại đóng cửa. Người ta ùn ùn đổ về Tân sơn nhất, bến tàu, tòa đại sứ Mỹ để hi vọng rời khỏi quê hương.
Tôi gần như phát điên, từng ngày từng giờ mong ngóng tin tức của Định. Những gia đình tôi quen biết, mấy đứa bạn có cha làm việc trong quân đội, đều đã ra đi. Tôi xách xe chạy loanh quanh trong thành phố, gõ cửa những căn nhà im ắng rồi hoảng loạn trở về. Bát hương trên bàn thờ anh Quân đầy ắp chân nhang, Định vẫn biệt tin.
Ba tôi cũng không còn đi làm việc nữa. Rảnh rỗi, ông đi lùng mua được nhiều tờ giấy màu và ban đêm, đóng kín cửa ngồi cặm cụi cắt dán những lá cờ Mặt trận Giải phóng, nền đỏ xanh với ngôi sao vàng ở giữa.
Sáng ngày 30 tháng tư, chiếc xe tăng do Trung cộng chế tạo húc đổ chiếc cổng dinh độc lập, Việt Nam Cộng hòa biến mất trên bản đồ thế giới. Khi nghe tin tổng thống Dương văn Minh, mới nhậm chức mấy hôm trước, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ba tôi nhảy dựng lên hoan hô như một đứa trẻ thơ. Sau đó ba mang cờ mặt trận đi phân phát cho hàng xóm. Riêng ông cắm một lá cờ trước xe chạy khắp Sài gòn để xem thành phố bị đổi chủ. Ba cũng đi đến các nhà bạn bè và hàng xóm giải thích cho họ rõ tại sao cách mạng thành công và chủ nghĩa xã hội là gì.
Khi các cấp chính quyền được thành lập, ba được mời lên làm việc tại ủy ban. Trông ông thực là hạnh phúc. Một buổi tối, trong cuộc họp đồng bào trong xóm, ông được bầu làm tổ trưởng tổ đoàn kết.
Thế là ba bận rộn với công tác cách mạng; ông đi từ sáng sớm đến tối mịt, có khi đến gần nửa đêm mới về, nét mặt bơ phờ vì mệt nhọc nhưng trong đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc vô biên.
Tôi không còn nước mắt để khóc. Trong giấc mơ, tôi thấy Định hiện ra trên đồi thông, bóng dáng nhạt nhòa như sương khói.
Ngày 2 tháng 5, có một thanh niên đến rung cổng nhà tôi. Người thanh niên tự giới thiệu tên là Hà, trước đây mấy ngày còn mang cấp bậc thiếu úy bộ binh. Anh cùng làm việc với Định tại trung tâm hành quân của bộ tư lệnh sư đoàn Năm bộ binh. Tôi vừa nghe anh ta giới thiệu đến đó, hai chân đã sụm xuống. Người thanh niên nhìn tôi trân trối:
- Chị là Hồng Ngọc, đúng không?
Tôi không trả lời anh ta chỉ hét lên cầu cứu:
- Mẹ ơi. Mẹ ra đây.

Hôm đó chỉ có mẹ tôi ở nhà. Mẹ tất tả chạy ra mời thiếu úy Hà vào nhà. Anh ta có vẻ vội vã lắm, nên vừa bước qua khỏi cửa đã báo tin ngay mà không cần rào trước đón sau. Anh nói với chúng tôi:
- Sáng ngày 30 tháng tư, nghe lệnh đầu hàng của tổng thống truyền qua làn sóng phát thanh, đại tá sư đoàn Năm điện khẩn về hỏi bộ tư lệnh quân đoàn Ba thì nơi đây cũng xác nhận điều đó. Đại tá tập họp tất cả sĩ quan bộ tư lệnh, cho lệnh giải tán. Sau đó đại tá đứng nghiêm chào lá quốc kỳ lần cuối cùng và rút súng bắn vào thái dương mình. Toàn thể sĩ quan có mặt đều khóc rống lên và lo chôn cất đại tá theo lễ nghi quân cách. Một số sĩ quan cởi bỏ vũ khí ra đón xe về nhà. Số còn lại ra nút chặn đã lập sẵn từ trước để ngăn xe tăng địch tiến về thủ đô. Tôi cùng anh Định ở trong số nầy. Chúng tôi chiến đấu lẻ loi trong tuyệt vọng, bắn cháy vài xe tăng của kẻ thù nhưng rồi phòng tuyến cũng phải vỡ trước hỏa lực quá hùng hậu của địch. Anh Định bị banh xác vì một viên đạn đại bác trực xạ của xe tăng T54. Tôi cùng vài anh em khác đành phải bỏ chạy.
Tôi nghe tới đây thì thấy trời đất tối sầm. Trong màn sương dày đặc trước mắt, mẹ tôi ôm mặt khóc ngất, thiếu úy Hà hốt hoảng đưa tay về phía trước. Tôi cố gắng lết vào được phòng ngủ, nằm vật xuống giường và không còn nghe, không còn thấy gì nữa.
Mùi dầu nóng làm tôi tỉnh lại. Tôi mở mắt thấy mẹ ngồi kế bên xoa bóp chân tay tôi. Mẹ mừng rỡ khi thấy tôi mở mắt. Tôi muốn nở nụ cười cho mẹ yên lòng, nhưng nỗi đau đè nặng trên ngực trái làm tôi tê dại. Đâu đó trong màn sương, chiếc bóng cô độc của Định lại hiện ra nhạt nhòa. Tôi bật khóc kêu gào tên anh, nhưng hình bóng Định chập chờn tan biến.
Tiếng mẹ thì thào thê lương:
- Con, đừng khóc quá làm nó đau lòng, khó mà ra đi.
Tôi úp mặt xuống gối, nghiến răng cắn chặt một góc bao vải. Nỗi đau không hề dịu đi nhưng những tiếng khóc than đã lặng lẽ trôi ngược vào lòng.
Tôi sống qua hai ngày vật vã, một buổi chiều bỗng buột miệng hỏi mẹ:
- Thiếu úy Hà còn ngoài ở ngoài sân không?
Mẹ nhìn sững tôi giây lát rồi chậm rãi nói:
- Cậu ấy đã đi từ hai ngày rồi, vì có cái hẹn gấp với vài người bạn để chuẩn bị ra đi bằng ghe đánh cá. Cậu ấy nói gia đình mình muốn đi thì sẽ trở lại lo liệu cho trọn tình bạn với cậu Định.
Nghe nhắc đến anh Định, nước mắt tôi lại trào ra. Khi ấy, tôi bắt đầu hiểu rằng, cái chết của Định là sự thật không trốn tránh được. Tôi nghẹn ngào:
- Mẹ trả lời thế nào với anh Hà?
- Dĩ nhiên là mẹ từ chối. Không lẽ hai mẹ con đi rồi để ba con ở lại sao?
Tôi không hỏi nữa. Chuyện đi hay ở, đối với tôi lúc này chẳng còn nghĩa lý gì. Cuộc đời tôi đã chết đi một phần.
Mẹ cũng thôi không dám nhắc đến Định. Mãi đến mấy ngày sau, khi thấy tôi lặng lẽ thắp nhang trên bàn thờ, mẹ mới ngập ngừng bảo:
- Con đừng đau buồn quá. Cậu ấy đã sống hết cuộc đời cho lý tưởng.
Tôi cúi đầu nói nhỏ:
- Con sẽ mãi mãi đau buồn. Nhưng con cố học cách quên và cách sống tiếp.
Mẹ lưỡng lự một chút rồi bảo:
- Mẹ cần phải nói sớm với con. Theo mẹ thì không nên cho ba con biết cậu Định đã hi sinh vì Tổ quốc. Với người khác cũng thế.
Tôi thấy mệt mỏi hơn là ngạc nhiên:
- Sao lại giấu hở mẹ? Anh Định chết đâu phải là chuyện xấu xa.
- Không, mẹ công nhận đó là sự hi sinh cao cả của một chiến sĩ. Mẹ nghĩ rằng không nên cho ba con biết vì hai lý do. Ba con bây giờ tự cho là về phe của cách mạng nên mẹ sợ ông có thể quen miệng mà xúc phạm đến linh hồn của nó. Nếu lính Việt cộng chết trên mặt trận thì họ gọi đó là hi sinh. Nếu lính Cộng hòa chết thì họ gọi là đền tội. Mẹ thương thằng Định lắm, không muốn nó bị xúc phạm kiểu hồ đồ như thế.
Mẹ ngừng nói vì cảm xúc. Tôi buồn bã hỏi:
- Còn lý do thứ hai?
- Lý do thứ hai là ba con đang rất hạnh phúc với chiến thắng của cộng sản. Ba con già rồi. Cứ để cho ông hưởng hạnh phúc, đừng để cho cái chết của cậu Định làm sứt mẻ hạnh phúc đó đi.
Tôi chạnh lòng, gạt nước mắt:
- Cái chết anh Định chắc gì làm sứt mẻ được hạnh phúc của ba.
Mẹ thở dài:
- Mẹ xin lỗi con. Nói như vậy cũng là không phải với con. Nhưng tốt hơn hết là đừng nói cho ba biết, cũng không nên nói cho ai khác biết để khỏi tới tai ba.
Tôi cay đắng thêm vào:
- Và tới tai mấy ông cách mạng.
- Phải, mấy ông cách mạng biết thì cũng phiền.
Mẹ nhìn vào mắt tôi, lo lắng hỏi:
- Con thấy trong người thế nào?
- Con khỏe. Con sẽ cố quên hình bóng của anh Định đi để sống bình yên với ba mẹ.
Nói xong tôi bậm môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Định đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, thân xác anh rồi cũng tan vào cát bụi cỏ cây. Nhưng những kỷ niệm một thời yêu thương vẫn còn đầy ắp ở đây, làm sao để mà quên. Quên đi lần đầu tiên gặp mặt khi Định tìm đến báo tin cái chết của anh Quân? Quên đi những lá thư tình diễm lệ mà anh đã gởi cho tôi? Quên đi nụ hôn đầu tiên dưới gốc thông già và trên đồi Đà lạt? Quên đi, quên đi, quên đi tất cả những gì mà mối tình đầu vô cùng thắm thiết đã từng lay động cả tâm hồn tôi.
Mẹ đến bàn thờ rút ba cây nhang, chấp tay trước ngực thì thầm một lúc khá lâu. Tôi biết đó là những lời khấn dành riêng cho linh hồn Định. Tôi không cầm lòng được nữa, lại ôm mặt khóc nức nở. Định ơi, người yêu thương của em.

*
* *

Vài tháng sau ngày “giải phóng miền Nam”, người ta tổ chức thi ra trường cho các lớp cuối năm thứ tư đại học Sư phạm. Tơi đậu khá cao nên được cho về dạy tại một trường cấp ba tại huyện Thủ đức. Mẹ tôi được giữ lại dạy tại trường cũ sau một khóa bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn. Mẹ tiếp tục dạy môn quốc văn, bây giờ gọi tắt là môn văn. Tôi để ý thấy mẹ kém vui và trong bữa cơm không hề nói chuyện dạy học như mẹ thường làm trước ngày “giải phóng”. Có lần quá buồn bực, mẹ đã tâm sự với tôi:
- Mẹ đã được đào tạo kỹ trong chế độ cũ và trong mười mấy năm mẹ đã dạy với tất cả tâm hồn mẹ. Nay với chương trình từ ngoài Bắc đưa vào, mẹ không còn thấy hứng thú mỗi khi đứng trên bục giảng nữa. Mẹ mong con thích nghi được với hoàn cảnh mới để không rơi vào tình trạng chán nản của mẹ.
Tôi vâng dạ chứ biết nói gì hơn. Cũng may, tôi chưa hề dạy học ở chế độ cũ nên khi đứng lớp tôi cũng vui vẻ chứ không buồn chán như mẹ tôi.
Nhà tôi khá khang trang, trong một con hẻm rộng rãi, ở gần chợ Bà chiểu. Hằng ngày tôi đi dạy bằng xe buýt. Tiện đường nhưng quá khổ vì xe thì ít mà người thì đông, phải cật lực chen lấn mới lên được xe. Vé xe khá rẻ nhưng cũng ngốn một phần kha khá vào đồng lương quá ít ỏi của tôi.
Cuộc sống dân miền Nam trước đây đã khổ vì chiến tranh nay hòa bình rồi lại khổ hơn vì cái chủ nghĩa xã hội. Mọi thứ đều thiếu thốn, nhất là lương thực. Miền Nam là vựa lúa ở Đông nam Á thế mà bây giờ dân Sài gòn lại đang ở ngưỡng cửa chết đói vì thiếu gạo ăn.

Sau mấy tháng làm việc ở ủy ban, ba tôi bị cho nghỉ việc; lý do là có cán bộ từ miền Bắc “chi viện vào cho miền Nam ruột thịt”. Ông vẫn giữ chức vụ tổ trưởng tổ đoàn kết, nhưng gần như luôn luôn ở nhà và thường tỏ ra buồn rầu.
Một buổi sáng, mẹ và tôi đều ở nhà vì không có giờ dạy. Ba ăn mặc tử tế và nói với mẹ:
- Anh đi chơi, có thể trưa không về.
Mẹ có vẻ lo lắng:
- Anh đi đâu vậy?
- Buồn quá, anh đến nhà anh Bảo tâm sự cho khuây.
- Anh mang theo ít gạo đi để ăn trưa ở nhà người ta.
- Không cần, anh thấy gạo ở nhà mình còn quá ít. Nhà anh Bảo có trồng khoai mì.
Nói xong ba đi ra cổng.
Tôi thấy mẹ xuống bếp ngồi có vẻ trầm ngâm. Tôi lấy làm lạ. Giờ nầy còn sớm, chưa đến lúc nấu cơm, sao mẹ ngồi trong bếp thẫn thờ như thế? Tôi đến ngồi bên mẹ:
- Hình như có chuyện gì phải không mẹ? Con thấy mẹ lo lắng.
Mẹ quay nhìn tôi:
- Mẹ hơi lo cho ba con.
Tôi hoảng hốt:
- Chuyện gì vậy mẹ?
- Hôm qua mẹ gặp bà Tư Sanh. Con biết bà đó không?
- Dạ biết. Con nghe nói chồng bà ấy cũng làm ngoài ủy ban và cũng vừa bị cho nghỉ việc như ba.
Mẹ gật đầu:
- Đúng, ông Tư nghỉ việc nhưng xin nghỉ chứ không phải buộc thôi việc như ba con. Ông Tư xin về quê làm ruộng để lâu lâu lén đem gạo lên nuôi bà Tư và một bầy con.
- Bà Tư Sanh nói chuyện gì với mẹ?
- Bà bảo ông Tư nói với bà là ba con bị cho nghỉ việc là may.
Tôi ngạc nhiên quá sức:
- Tại sao lại may?
- Bà Tư nói bí thư và chủ tịch phường đều ghét ba con.
- Trời đất! Nhiệt tình cách mạng của ba sau ngày “giải phóng” cao ngất mà.
- Vậy mới nguy. Ba con có chữ nghĩa nên được cử đi kiểm kê nhà cửa do những người bỏ trốn đi, ghi hết đồ đạt quý giá trong nhà và niêm phong. Ba con làm rất cẩn thận ai cũng khen, rồi xảy ra việc cãi nhau với chủ tịch; bí thư lại bênh chủ tịch.
- Lý do gì mà cãi nhau?
- Hình như có nhà bị phá niêm phong, mất hết đồ đạt, ba con đòi điều tra nhưng ông chủ tịch nhất định bỏ qua. Ba con tức giận, có to tiếng trong văn phòng ủy ban. Rồi đến chuyện phân nhà, ba con lại to tiếng cãi cọ.
- Ba đòi được cấp nhà hả? Mình có nhà rồi mà.
- Không ba con đề nghị cấp nhà cho người nghèo nhưng họ không chấp thuận. Nguy hơn nữa là hình như có người tố cáo ba con phản động.
- Trời hỡi. Ba con làm gì mà bị tố cáo?
- Có người báo với ủy ban rằng ba con làm sui với ông thiếu tá quận trưởng rất ác ôn.
Tôi choáng váng mặt mày, ôm ngực thở dốc. Mẹ ôm tôi vào lòng, vỗ về:
- Thôi bỏ qua đi con. Cũng may là họ cho ba con nghỉ việc. Thời buổi nầy, họ bắt mình bỏ tù hay giết chết thì cũng đành chịu thôi. Kể ra ông bí thư và ông chủ tịch cũng còn nhân đạo lắm. Ba suýt lâm nguy vì lý tưởng cách mạng quá trong sáng của ba.
- Hèn chi con thấy ba buồn dàu dàu. Dạo nầy ba không còn ca tụng cách mạng một cách sôi nổi nữa. Bữa nay ba đi chơi, chắc là đến tâm sự với bạn bè. Có đáng lo không mẹ?
- Có lẽ không sao. Bác Bảo là người tốt, ba con tâm sự chẳng có hại gì. Chỉ sợ có ai khác nghe thì mới đang ngại, mẹ hơi lo.
Tôi giật mình nhớ đến anh Quân, xã hội bây giờ cũng như mật khu ngày trước, công an điềm chỉ rải khắp nơi, vì một lời nói bất mãn mà chết bỏ mạng. Hai mẹ con ngồi tán gẫu một lúc rồi mẹ lôi rổ khoai ra, gọt bỏ những chỗ sùng, phần còn tốt xắt nhỏ ra nấu chung với nửa lon gạo.

Mức sống xã hội càng ngày càng xuống một cách thảm hại. Gạo không đủ nên luôn luôn phải độn thêm bo bo, khoai, sắn... Những đứa trẻ mơ ước được ăn bữa cơm không độn, cha mẹ nghe thương đứt ruột mà không biết làm sao được. Gia đình tôi không có trẻ con nhưng mẹ tôi cũng hết sức lo lắng cho bữa ăn có được chất dinh dưỡng. Trước đây, trong thời chiến tranh, gia đình tôi, với hai đầu lương của ba và mẹ nên có để dành được một món tiền kha khá. Bây giờ, qua hai đợt đổi tiền, món tiền dành dụm bay mất. Mẹ lôi ra món nầy rồi món kia bán cho con buôn mang ra Bắc.
Vì lo lắng và buồn phiền thái quá nên sức khỏe mẹ suy sụp, mỗi ngày một thấy rõ hơn. Cho đến một hôm mẹ không còn đủ sức đứng trên bục để giảng bài nữa thì mẹ làm đơn xin nghỉ và đơn được chấp thuận ngay. Mẹ rời bục giảng, chia tay lý tưởng giáo dục cao cả của một nhà giáo nhưng lòng mẹ lại bớt đau đớn hơn. Chương trình giáo dục của Hà nội đưa vào trong khuôn khổ chính trị đề cao lòng căm thù, bài trừ những giá trị đạo đức và nhân văn, làm mẹ luôn thấy mình có lỗi với học sinh.
Việc ba bị cho nghỉ việc tại ủy ban và mẹ xin nghỉ dạy làm cho cuộc sống của gia đình tôi thêm khốn đốn. Khi ba mẹ còn được gọi là công nhân viên nhà nước thì cũng có được chút ít lương. Đáng kể hơn, đó là hàng tháng được lãnh vài món gọi là nhu yếu phẩm gồm nửa ký thịt ôi, một ký đường vàng khè, vài viên thuốc nhức đầu đau bụng. Những thứ nầy trước 1975, các gia đình lao động nghèo cũng không thèm nhìn đến. Nhưng bây giờ trong xã hội xã hội chủ nghĩa, chúng trở nên thực quý giá. Gia đình tôi mất hai suất như thế cũng là một thiệt thòi lớn.
Mẹ tôi tiếp tục lục đồ cũ ra bán; lúc chẳng còn gì nữa thì đành bán đến xe gắn máy. Nhà có hai chiếc xe, một của ba, một của anh Quân. Xe của ba là chiếc Mobilette rẻ tiền. Xe của anh Quân là chiếc Honda 67 màu đen mắc tiền hơn nhiều. Trước ngày “giải phóng”, hai chiếc xe nầy là phương tiện di chuyển tiện lợi, nhưng bây giờ, không có tiền mua xăng nên cả hai xe nằm ụ trong nhà. Tuy rất túng thiếu nhưng mẹ chỉ bán chiếc xe Mobilette của ba và nhất định không bán chiếc Honda 67 của anh Quân. Đó là di vật của anh tôi nên cả nhà xem như vật thiêng liêng cần phải giữ gìn cẩn thận.
Tiền bán chiếc Mobilette được mẹ dùng mua một ít vải may áo quần cho tôi. Phần còn lại, ba nhất quyết đem gởi quỹ tín dụng, rồi mất dần hết.
Ba tôi mất việc, ở nhà suốt ngày, đi ra rồi lại đi vào, vừa buồn miệng vừa thiếu dinh dưỡng, sinh ra chứng thèm ăn vặt. Một hôm mẹ luộc nồi khoai, khẩu phần thay cho gạo. Khoai chín, mẹ gắp vào tô, kèm theo một tán đường đen thui trong khẩu phần nhu yếu phẩm của tôi và bảo tôi mang lên mời ba. Ông tỏ vẻ vui thích, cầm củ khoai cả vỏ ăn với đường với một vẻ đam mê làm tôi suýt khóc òa.
Dạo nầy ba không còn ca tụng cách mạng, ca tụng cộng sản một cách sôi nổi như trước đây. Tuy nhiên ba không hề lên tiếng oán trách cách mạng. Chắc chắn ba thừa hiểu chính cái chủ nghĩa xã hội đã lôi kéo miền Nam xuống tận đáy của sự bần cùng, nhưng ba vẫn kiên trì giữ cho được nhiệt tình cách mạng mà ông đã đeo đuổi suốt mấy chục năm trời. Nhiệt tình đó trước đây được ông xem như báu vật, nó tạo cho ông niềm hãnh diện là người thực sự yêu nước. Bây giờ nhiệt tình đo đã giảm đi giá trị rất nhiều, nhưng ông vẫn cố giữ như một món đồ cổ, cố giữ vì tự ái và cũng vì tiếc nuối một thời kỳ trai trẻ hào hùng của mình.
Tuy nhiên, dù cố gìn giữ, nhiệt tình cách mạng đã bắt đầu có những rạn nứt. Vết nứt đó ngày càng dài ra, rộng ra, chia cách ông với lý tưởng, đẩy ông lại gần gũi với vợ con. Cho tới một ngày, ba tôi bỗng nhìn thấy được sự suy sụp tinh thần và thể xác của mẹ.
Sức khỏe của mẹ suy giảm rõ rệt. Mẹ thường kêu chóng mặt nhức đầu và nằm vùi có khi cả nửa ngày mới uể oải ngồi dậy, bóc một rổ khoai mì để nấu độn với gạo.
Ba lo quá, dìu mẹ đến phòng y tế phường. Nhân viên y tế là người dân tộc miền núi, từ ngoài Bắc điều vào, hỏi qua loa rồi cho mẹ mấy viên thuốc nhức đầu.
Một buổi trưa mẹ sờ soạn đến phòng vệ sinh, vừa mở được cửa thì té xuống, mê man bất tỉnh. Ba đang đọc sách, nghe tiếng động, bước xuống thì thấy mẹ nằm sóng soài trên mặt đất nên hét một tiếng thật to. Tôi giật mình chạy xuống, cũng hét to. Hai cha con khiêng mẹ lên giường.
Ba lật đật chạy đến y tế phường để cầu cứu. Nơi đây cho giấy giới thiệu để đưa mẹ vào nhà thương Nguyễn văn Học, nay gọi là bệnh viện Nhân dân Gia định.
Trước năm 1975, bệnh viện nầy có nhiều bác sĩ giỏi, đặc biệt là vị giám đốc bệnh viện, một thiếu tá quân y được bộ Quốc phòng biệt phái về cho bộ Y tế. Sau năm 1975, hầu hết các bác sĩ đều đã bỏ nước ra đi; bác sĩ giám đốc thì ăn cơm tù trong trại cải tạo. Các bác sĩ từ chiến khu ra và từ miền Bắc vào “chi viện cho miền Nam thân yêu” thì khả năng quá kém. Gọi là bác sĩ nhưng họ chưa qua trường lớp nào, chỉ theo chiến tranh mà lên cấp bậc, gọi là dân "bông băng thuốc đỏ". Người bệnh đến khám, ra về bỉu môi nói, cái loại bác sĩ đó chỉ biết rửa ghẻ và xức thuốc đỏ mà thôi.
Vì vậy chẳng ai chẩn đoán mẹ bệnh gì. Cô Ba, em ruột của ba tôi, trước đây làm trong ngành y tế của chế độ cũ, nghe tin, từ Bình dương lặn lội về thăm. Cô nhất quyết mẹ bị bệnh tim mạch, rất nguy cấp. Bà nói hầu hết bệnh viện ở thành phố đều thiếu những thiết bị tối tân vì phần lớn, sau ngày “giải phóng” bị mất cắp hay được chở ra miền Bắc. Nghe nói chỉ có bệnh viện Vì Dân và Chợ rẫy là còn khá hơn cả.
Lập tức, ba tôi xin cho mẹ xuất viện, thuê ngay một xe lam ba bánh chở mẹ đến bệnh viện Vì dân ở tận ngã tư Bảy hiền. Nơi đây không nhận vì mẹ tôi không phải là cán bộ cao cấp. Chở đến bệnh viện Chợ rẫy cũng không được nhận vì “trái tuyến”. Thế là đành chở mẹ về nhà. Đêm đó mẹ trút hơi thở cuối cùng. Ba ôm thây mẹ khóc nức nở, còn tôi thì ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Cô Ba lãnh trách nhiệm lo mọi việc. Cô rất lúng túng vì tiền bạc dự trữ trong nhà cạn queo. Thế mà mọi thứ đều phải chi tiền, nặng nhất là tiền mua cái hòm, lại phải có giấy giới thiệu mới mua được. Không riêng cái hòm, mọi thứ khác, từ vải liệm, vải sô làm khăn tang, thậm chí đến bó nhang, cây đèn cầy đều phải có giấy giới thiệu thì cửa hàng quốc doanh mới bán.
Trong lúc rối rắm, may thay, có “quới nhơn” xuất hiện!
Đó là ông trung úy công an tên là Nguyễn văn Thành được Hà nội đưa vào làm phó công an phường vùng cư trú của gia đình tôi. Ông ta sốt sắng đi quyên tiền những nhà chung quanh, lấy mọi thứ giấy giới thiệu cần thiết, mua đất chôn, thuê nhà đòn khâm liệm rồi hôm sau chở mẹ tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Lúc quan tài còn quàng tại nhà, có rất nhiều người đến viếng mẹ tôi. Tôi cũng được an ủi vì đó là bằng chứng gia đình tôi được nhiều người quí mến. Tuy nhiên, vì bận rộn vì đau buồn quá mà tôi sinh ra đuối sức lú lẫn. Con cái của mẹ chỉ có một mình tôi nên tôi phải chịu đựng suốt ngày. Nào là tiếp khách, nào là lạy trả, nào là đứng nghe những lời phân ưu. Có lúc tôi đi vào bếp, tưởng như mẹ vẫn còn đứng đó. Suýt nữa thì tôi hỏi, mẹ đã ăn gì chưa. Lúc sau nầy mẹ ốm yếu xanh xao quá, cơm độn khoai mà không bữa nào no. Khi thay áo liệm mẹ, tôi mới biết mẹ hao gầy suy sụp ra sao.
Những người phu nhà đòn cũng không quá vất vả trong đám tang. Quan tài mẹ bằng ván mỏng tanh. Thân thể mẹ cũng nhẹ nhàng như đứa trẻ lên mười. Nhưng mẹ nằm đó, tình thương dài như sông nặng như núi.
Mẹ đã ra đi, vĩnh viễn thoát khỏi xã hội đen tối nầy, vĩnh viễn từ bỏ cuộc đối đầu ý thức hệ trong cái gia đình nhỏ bé của mẹ. Giờ đây, chỉ còn tôi ở lại, tình yêu thương bất tận dành cho mẹ sẽ giúp tôi chu toàn chữ hiếu với ba.

Ba lập thêm một bàn thờ thứ ba để thờ mẹ, chung với anh Quân. Hai bàn thờ trên cao là để thờ Phật và thờ ông bà tổ tiên. Ông lấy cuốn album của gia đình từ trước 1975, lựa một tấm hình của mẹ đứng riêng một mình. Tấm hình chụp lúc mẹ còn trẻ. Mẹ đẹp lắm, mắt nhìn thẳng, miệng cười chúm chiếm, tay vịn một cành cây. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi đều đốt một cây nhang trên bàn thờ mẹ. Tôi nghĩ đến mẹ, đến anh Quân, đến Định, những người thân yêu đã bỏ tôi mà ra đi.
Thông thường, tôi chỉ đốt nhang nơi bàn thờ mẹ, rất ít khi đốt nhang nơi hai bàn thờ kia. Thế mà chiều nào trên bàn thờ Phật cũng có một cây nhang với sợi khói ẻo lả bay lên trần nhà. Đó là cây nhang của ba đốt hằng ngày.
Lúc trước, ba không để ý đến bàn thờ Phật nầy, chỉ có mẹ đốt nhang và đánh một tiếng chuông buổi chiều. Nay mẹ mất rồi thì ba thay mẹ làm công việc đó. Trong ánh sáng buồn bã của buổi hoàng hôn, tôi thường đứng im nhìn người cha đang bước vào tuổi già, đã từng có thời trai trẻ say mê lý thuyết vô thần của Các Mác, thành kính đốt cây nhang trên bàn thờ Phật rồi gõ một tiếng chuông. Tiếng chuông ngân nga để tiễn ánh tà dương, tôi nghe mà hai dòng lệ cứ chực trào ra khỏi khóe mắt.

Ngay sau ngày lo xong tang lễ cho mẹ tôi, trung úy Thành, công an phường, đến thăm ba tôi. Tôi nấu nước, pha trà bưng lên. Trong những ngày tang khó, tôi chỉ loáng thoáng thấy ông trung úy công an lăng xăng lo công việc. Bây giờ ông ngồi yên nói chuyện với ba, tôi có dịp nhìn ông rõ hơn.
Đó là một thanh niên khá đẹp trai, khoảng hơn ba mươi tuổi. Anh ta nói giọng Bắc nhưng dễ nghe hơn những ông quê ở Nghệ an Hà tĩnh rất thường gặp sau ngày 30 tháng tư. Khi tôi pha nước trà và mang dĩa bánh cốm của ngày tang lễ lên mời, tôi để ý ông trung úy, miệng thì nói chuyện rôm rả với ba tôi mà mắt cứ liếc nhìn tôi.
Tôi không lạ gì cái kiểu nhìn nầy của những người đàn ông. Năm nay tôi đã hai mươi bảy tuổi, bạn đồng nghiệp, ai cũng khen tôi còn trẻ đẹp. Một bạn gái nói thẳng rằng nhiều người lấy làm lạ là với sắc đẹp của tôi mà ở tuổi gần “tam thập nhi lập”, tôi vẫn còn độc thân.
Khi nghe bạn nói, tôi cố cười bất cần nhưng cảm thấy xót xa trong lòng. Nếu không có ngày định mệnh 30-4, tôi đã có chồng và đã có con để săn sóc và bồng bế. Tôi nhớ đến người tình đã khuất bóng, nhớ mơ ước hòa bình, dự tính cho tương lai của anh. Ở cõi bên kia chắc anh không hề hối tiếc sự hi sinh của mình, chỉ có người ở lại là phải cúi đầu đi tiếp.
Tôi không ưa trung úy Thành và cũng chẳng mảy may xúc động trước cái nhìn say đắm của anh ta. Nhưng đó là người bằng quyền lực và khả năng của mình đã giúp đỡ gia đình tôi trong lúc tang gia bối rối.
Dù rằng, sự giúp đỡ của anh ta hoàn toàn không vô tư.
Ba ngày sau tang lễ, trung úy Thành đến chơi. Hôm đó tôi pha nước xong rồi vào buồng may vá, nhưng qua cánh cửa phòng để mở, tôi vẫn nghe hai người đàn ông nói chuyện. Ông trung úy tự giới thiệu là người tỉnh Cao bằng, ông bà cha mẹ thuộc thành phần bần cố nông nên lý lịch rất tốt, nhờ đó được nhận vào ngành công an. Năm 1976, đảng đưa ông vào công tác tại công an thành Hồ Chí Minh và vừa được cử về săn sóc an ninh của khu vực nầy. Ba tôi hỏi về gia đình thì ông ấy bảo còn cha mẹ già ở quê, nhờ ơn đảng gia đình cũng sung túc. Cha tôi hỏi về vợ con thì ông nói một cách lễ phép:
- Chả giấu gì chú, cháu vẫn còn độc thân. Cháu muốn lúc nào có sự nghiệp vững vàng mới lập gia đình.
- Nhưng được làm sĩ quan công an cũng là đạt được sự nghiệp rồi đó chớ.
Ông trung úy cười, hơi lớn tiếng nhắn vào buồng tôi:
- Vâng, chú dạy như thế là phải lắm. Cháu cũng nghĩ bây giờ nên lập gia đình đi là vừa. Lần lữa thêm nữa, sau nầy cha già con muộn cũng bất tiện.

*
* *
Đời sống ở miền Nam càng ngày càng xuống dốc. Ngay trong thời còn thực dân cai trị, Sài gòn đã được mệnh danh là hòn ngọc Viễn đông, văn minh nhất Đông nam Á. Bây giờ, người ta cố cải tạo để xây dựng chủ nghĩa nên hòn ngọc đang trở thành hòn sỏi, nay mai sẽ còn tệ hơn hòn sỏi nữa. Mọi người kể cả giới trí thức, nhào đi tìm thức ăn như một bầy thú hoang. Trong bữa ăn, người ta không còn chú ý đến tiêu chuẩn dinh dưỡng, miễn sao có cái nhét vào mà dạ dày chấp nhận là tốt rồi.
Cuộc sống nhà giáo cũng rất thảm thương. Thuở đau đớn cắt bỏ tà áo dài, ngượng ngịu bước lên bục giảng với cái áo vải ú bèo nhèo, đã là chuyện của ngày mới "được giải phóng". Thầy cô giáo thời đại xã hội chủ nghĩa lao vào công cuộc kiếm ăn, giành giựt nhau từng món hàng nhu yếu phẩm ngay trong văn phòng, bưng từng thau bánh rổ khoai đến ngồi trước cổng trường chầu chực học sinh mua.
Cái đói ám ảnh từng ngày từng giờ, mà công việc ở trường lại mỗi ngày một nhiều hơn. Ngoài giờ dạy, giáo viên còn phải hội họp, làm công tác đoàn thể, dẫn học sinh đi mít tinh, lao động xã hội chủ nghĩa, vân vân và vân vân. Chúa nhật cũng không được nghỉ vì phải dẫn học sinh đến sân bắn ở đồi Long thạnh mỹ để trồng khoai cứu đói.
Tôi cố dành ba buổi chiều trong tuần, theo bạn đồng nghiệp thu gom hàng nhu yếu phẩm và hàng lạc xoong trước "giải phóng" mang ra chợ trời bán. Công việc vừa vất vả vừa nguy hiểm, vì cứ vài ngày công an mang xe tới hốt. Hàng hóa tiền bạc bị trấn lột đã đành, mạng người cũng không biết có giữ nổi không. Tôi liều mình đứng vào hàng ngũ gian thương, buôn lậu được đúng bốn tháng, chạy trốn công an hơn bốn mươi lần. Đến lần thứ bốn mươi mốt thì tôi bị bắt.
Thường thì, công an tới đầu đường đã nghe tiếng huyên náo, khi đó tôi ôm giỏ hàng chạy xuống cuối đường. Hôm nào công an vây cuối đường thì tôi đâm hẻm nhỏ chạy về nhà. Lần này, họ bố ráp có chiến dịch, đường lớn đường nhỏ đều có xe và đội quản lý thị trường ém quân. Tôi vừa lớ ngớ chạy trong hẻm nhỏ ra, liền bị hai người đàn ông xông đến níu chặt.
Một tên giằng cái bao vải trên tay tôi. Một tên hung tợn ghì tóc tôi.
- Con này, cho mày về đồn ăn đòn.
Tôi sợ đến nổi không có sức vùng vẫy, chỉ cúi đầu lấy hai tay che kín mặt. Hai tên đàn ông ôm chặt tôi, thọc tay vô áo tôi, cười hô hố. Tôi hét lên, vùng vẫy dữ dội. Nhiều tiếng la thất thanh cũng vang lên náo loạn khắp cả đoạn đường. Tôi lại hét lên đấm đá cào cấu. Mấy bàn tay thô lỗ túm tóc tôi, đẩy tôi lên xe. Tôi gần như ngất xỉu giữa đám đông xa lạ. Trong cơn hoảng sợ và tủi nhục, tôi không còn biết xe chở mình về đâu.
Khi người ta lôi tôi ra khỏi xe, đẩy vào đồn công an tôi mới lờ mờ tỉnh ra. Trong căn phòng rộng đã có nhiều phụ nữ ngồi lổm nhổm dưới đất. Tôi cúi đầu tìm cho mình một chỗ trống phía sau bàn giấy. Qua một hồi định vị, tôi mới len lén nhìn quanh. Đa phần là phụ nữ trẻ khoảng độ tuổi của tôi, một số ít là các bà ngoài bốn mươi. Khuôn mặt người nào cũng xanh xao sợ hãi. Ánh mắt tôi dừng lại ở cuối phòng, thảng thốt nhận ra người quen, hai chị giáo viên khoa hóa và khoa toán trong trường tôi cũng bị chiến dịch cải tạo thương nghiệp tóm cổ. Mắt chúng tôi giao nhau nhưng không ai dám tỏ vẻ nhận người quen. Tôi bắt chước họ, thu mình thực nhỏ nép vào vách tường.
Mãi đến chiều tối, đám phụ nữ gian thương mới được phép ký vào biên bản, sau khi nghe một bài giảng về tội ác làm lũng đoạn thị trường, phá hoại kinh tế xã hội, quấy rối trật tự an ninh... Chúng tôi được thả về với hai bàn tay trắng. Lẽ ra phải thấy mình may mắn, vì thân thể sinh mạng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng tôi vừa bước ra khỏi đồn công an đã ôm mặt khóc tức tưởi. Hàng hóa của tôi mất sạch, đó là tất cả vốn liếng gom góp dành dụm sau bốn tháng chạy chợ.
Khi tôi kiệt quệ lê bước về đến nhà, trời đã về đêm. Ba tôi vẫn còn chong đèn ngồi đợi. Tôi núp dưới giàn bông giấy nhìn bóng dáng ba hao gầy bên ngọn đèn dầu tù mù, lòng buồn rười rượi. Chắc ba tôi lo lắng cả buổi chiều không biết tôi trôi nổi ở đâu. Tôi đâu dám nói cho ba biết là tôi đi bán chợ trời.
Trời về đêm hơi se lạnh, áo tôi bị đứt hai hột nút lúc giằng co, bây giờ tôi mới nhận ra. Tôi ứa nước mắt tủi hổ kéo kín vạt áo, rón rén bước vào nhà.
Lấy hết sức lực, tôi cất to giọng vui vẻ:
- Thưa ba, con mới về. Ba ăn gì chưa?
Ba tôi đứng bật dậy, nhìn tôi sững sờ:
- Trời ơi. Con về rồi sao. Làm ba lo từ chiều tới giờ, định chạy qua đồn công an hỏi.
Tôi hoảng quá, chỉ thốt ra được một tiếng:
- Dạ?
- Trung úy Thành mới ghé đây báo tin.
Tôi giật mình:
- Dạ. Tin gì?
- Tin con bị bắt.
Suýt nữa thì tôi té xuống thềm nhà:
- Sao ông Thành biết?
- Thì trung úy Thành ký giấy thả con ra mà.
Đầu óc tôi lùng bùng, không sao nắm hết mọi chuyện. Hóa ra nhờ sự can thiệp của Thành mà tôi được ra về. Nhưng còn hai cô giáo kia, và gần ba mươi người đàn bà khác trong phòng? Họ cũng ra về cùng lượt với tôi mà. Hay Thành là người nhân đức, can thiệp thả tất cả đám phụ nữ chân yếu tay mềm ra.
Suốt đêm đó tôi không ngủ được. Nỗi ám ảnh sợ hãi trở thành cơn ác mộng giữa đêm khuya. Tôi lại thấy mình bị bắt, bị những bàn tay thô bạo sờ mó, đẩy lên xe.
Ngày hôm sau, Thành đến thăm. Anh ta không nói ngay chuyện hôm qua, chỉ hỏi:
- Ngọc đã khỏe lại chưa?
Lần đầu tiên tôi thấy anh ta dễ mến. Nhưng tôi chỉ gật đầu, lí nhí cảm ơn và đi xuống bếp. Không phải tôi ngại ngùng tình cảm của Thành, nhưng nỗi nhục nhã của người phạm tội làm tôi mặc cảm.
Những ngày sau đó, tôi tránh mặt Thành. Nhưng những món quà Thành mang đến đều đặn lại luôn nhắc nhở sự hiện diện của anh ta trong căn nhà này. Khi thì vài lạng thịt, ống kem đánh răng, khi thì một gói cá khô, một ký đường cát trắng tinh... càng đói khổ thì càng thèm ăn. Đó là bản năng sinh tồn của mọi động vật, trong đó có con người. Tôi ứa nước mắt nhìn ba ngồi háo hức bên bàn ăn. Ngày trước ba vốn là người khảnh ăn, mẹ luôn lo lắng phải nấu món này món nọ cho vừa miệng ba. Bây giờ ba sung sướng khi mỗi buổi chiều bên mâm cơm độn có thêm lát thịt kho mặn. Mà là thịt của ông trung úy công an cứu trợ.
Ba gác đũa, không quên đánh thêm một đòn cân não.
- Anh Thành nói, con đừng ra chợ trời mà nguy hiểm. Không phải lúc nào anh ấy cũng có mặt ở phường để giải quyết công việc.
Tôi cúi đầu vâng dạ. Bây giờ có để đống vàng ngoài đó tôi cũng không dám mò ra.
Ba gật gù nói tiếp:
- Anh Thành là cán bộ liêm khiết, không dư dả gì mà giúp đỡ gia đình mình tận tình như thế này, thật là người tốt.
Tôi biết, khẩu phần lương thực của Thành không nhiều. Nhìn nước da tai tái, khuôn mặt xanh xao của anh ta, và nhất là cái cách hút thuốc đến cháy đầu ngón tay; Thành quả thật không dư dả gì.
Tôi là giáo viên, hàng tháng cũng có được một khẩu phần thịt, gọi là khẩu phần chất đạm được tính vào lương tháng. Cái khẩu phần chất đạm đó là nửa ký thịt ôi, dai như giẻ rách, hoặc là cá đã ươn sình.
Bà “cấp dưỡng” giải thích:
- Thức ăn nằm trong khẩu phần nhu yếu phẩm được thương nghiệp cấp phát hằng tháng. Khi mọi người “cấp dưỡng” của tất cả cơ quan đã tề tựu đông đủ, thương nghiệp luôn luôn phát cho tất cả các nơi trước và sau cùng mới đến các trường học. Vì vậy mình đành phải lãnh những thứ mà các nhà máy và xí nghiệp chê và bỏ lại.
Hỏi tại sao có sự bất công như thế thì bà “cấp dưỡng” trình bày thêm:
- Thương nghiệp bảo rằng công nhân thuộc giai cấp vô sản tiền phong của cách mạng, còn thầy cô là giai cấp trí thức tiểu tư sản, không thể nào sánh với giai cấp vô sản được.
Lại có người bảo rằng ngày nay giáo viên cũng là công nhân, bằng chứng là trường nào cũng có công đoàn và ai cũng được nhận thẻ công đoàn viên. Bà “cấp dưỡng” lại tốn nước miếng giải thích nữa:
- Thương nghiệp bảo rằng công nhân phải là những người làm ra của cải vật chật. Giáo viên không phải là công nhân vì không làm ra của cải vật chất.
Đến đây là hết cãi. Thương nghiệp thuộc lòng quá kỹ bài học chính trị về giai cấp. Các nhà giáo đáng thương không dám thắc mắc tiếp, đành phải cam lòng nhận lãnh những thứ thừa thải. Những thứ thừa thải nầy đều được tính sòng phẳng vào số lương còm cõi của những người không làm ra của cải vật chất.

Phường tôi vừa mở ra hợp tác xã Mây, Tre, Lá. Tôi dọ dẫm đến đăng ký tham gia, quyết tâm đi đúng đường lối của nhà nước, tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người làm ra của cải vật chất. Xã viên chỉ học qua một buổi công việc chằm lá, đan rổ là có thể nhận hàng về nhà. Tuần đầu tiên, mỗi ngày tôi đều thức đan rổ đến gần sáng, mười ngón tay tôi rướm máu, hai con mắt tôi mờ căm. Mười hai cái rổ được tổ hợp ký giấy ghi nhận công điểm. Tuần thứ hai, tôi cũng nhận được được giấy ghi nhận. Cuối tháng, tổ hợp phát cho tôi ba cái rổ, gọi là tiền lương. Tôi ngơ ngác hỏi lại, họ giải thích, đây là tiền khấu trừ gì đó. Tôi hỏi lại lần nữa, họ giải thích lòng vòng, tôi buồn rầu cầm ba cái rổ ra về.
Ở nhà, tôi cũng không còn thứ gì để bỏ vô rổ.
Chị Tâm hàng xóm cũng là xã viên hợp tác xã Mây, Tre, Lá. Trong nhà chị tre lá chất đầy một đống, ngoài sân cũng phơi ngổn ngang. Tôi sang nhà chị dọ dẫm:
- Chị Tâm siêng quá. Em cứ thấy chị nhận hàng liên tục.
Chị Tâm cười toe toét, nói to đến độ tổ hợp nằm tuốt ngoài đầu đường cũng nghe:
- Trời. Được đổi đời rồi, phải siêng chứ em. Nhờ ơn Đảng và nhà nước mà mình có công ăn việc làm.
Tôi phì cười kéo áo chị, nói nhỏ:
- Thôi, đủ rồi chị ơi. Họ có trả lương cho chị không?
Không ngờ chị Tâm thì thầm hỏi ngược lại:
- Lương gì mà trả?
- Thì lương đan rổ.
Chị Tâm kéo tôi vô nhà, lúng ta lúng túng phân trần:
- Thời buổi này có việc là may rồi. Em cũng biết, anh Thuận chồng chị là đại úy đi học tập cải tạo. Chị bị chính quyền xếp vô diện lông bông không nghề ngỗng. Mấy ông trên quận đe dọa đủ điều, bắt mẹ con chị đi kinh tế mới, giao nhà cho chính quyền. Nhưng gia đình chị đi kinh tế mới hết rồi, ai ở đây đi thăm nuôi anh Thuận. Vả lại, một mẹ ba con nheo nhóc lên rừng lên rẫy lấy gì ăn. May mà có hợp tác xã Mây, Tre, Lá để chị thành xã viên, đứng vào hàng ngũ của giai cấp lao động tiên tiến. Lá lay chất đầy nhà chứ chị có làm bao nhiêu. Một tuần ba bốn cái rổ, giao cho cho tụi nó hưởng hết, nhưng mình được yên thân. Ban ngày chị là con buôn thuốc tây, ban đêm ngồi "xỏ lá".
Tôi nghe chữ "xỏ lá" của chị mà phì cười. Chị Tâm cũng cười, nhưng rưng rưng nước mắt:
- Ừ, đổi đời rồi. Đời này không xỏ lá thì không sống nổi.


*
* *

Trung úy Thành cư ngụ luôn trong trụ sở công an của phường. Gần như ngày nào anh ta cũng ghé nhà thăm ba tôi vào buổi chiều lúc cơm nước xong xuôi. Tôi ngồi chấm bài hay soạn bài trên chiếc bàn trong buồng ngủ, hai ông ngồi rì rầm nói chuyện ở phòng khách. Càng ngày hai ông càng tỏ vẻ thân mật với nhau hơn. Ba trông vui vẻ hẳn ra. Trong vài câu chuyện nói với tôi, ông trở lại ca tụng cách mạng, ca tụng chủ nghĩa xã hội. Một người tử tế như trung úy Thành đủ vực dậy một niềm tin đã rạn nứt đến độ sắp vỡ nát. Thấy cha lấy lại được nét vui tươi, tôi cũng mừng và thầm có ý cám ơn ông trung úy.
Vì ý nghĩ đó nên thỉnh thoảng buông giấy viết, ra khỏi buồng ngủ, đi ngang qua phòng khách, tôi chào ông trung úy một cách thân thiện, đôi khi còn dừng lại nói một vài lời với anh ta.
Dân chúng ở miền Nam trước đây, nhiều người chia đồng bào miền Bắc nhập cư vào Nam thành hai loại. Loại thứ nhất họ gọi là Bắc kỳ cũ vào lập nghiệp trước năm 1954. Loại thứ hai gồm hơn một triệu người bỏ chạy vào Nam khi cộng sản được chia phân nửa Tổ quốc; loại nầy có tên là Bắc kỳ 54 hay Bắc kỳ di cư. Nay lại thêm một loại thứ ba nữa; đó là Bắc kỳ 75, phần nhiều là cán bộ cùng gia đình được đảng và nhà nước bố trí công tác ở miền Nam vừa chiếm được sau 30-4-1975. Từ ngày tầng lớp Bắc kỳ 75 xuất hiện, người Bắc 54 bỗng tự xem mình là người miền Nam, và người miền Nam cũng hoan hỉ chấp thuận điều đó. Giờ đây, tiếng chửi "đồ Bắc kỳ" là chỉ nhằm vào dân Bắc kỳ 75.
Đa số dân Nam, kể cả Bắc kỳ cũ và Bắc kỳ di cư, đều ghét loại Bắc kỳ 75. Tôi cũng có tính đó. Tuy nhiên đối với ông trung úy Thành nầy, tôi lại có một chút thiện cảm. Chỉ một chút thôi.
Một hôm, sau khi ông trung úy Thành ra về, ba gọi tôi ra ngồi đối diện. Vẻ mặt ba rất nghiêm trang. Chưa bao giờ thấy ba có vẻ mặt như thế nên tôi đoán ba sắp nói với tôi một chuyện quan trọng. Linh tính báo cho tôi biết chuyện mà ba sắp nói với tôi có liên can đến trung úy Thành. Tôi im lặng chờ đợi. Ba mân mê tách nước trà trong vài phút rồi lên tiếng:
- Trung úy Thành sắp được lên thượng úy và được đề cử làm phó phòng gì đó ở công an tỉnh Đồng nai.
Ba ngừng nói. Tôi biết đó chỉ là phần mở đề nên tiếp tục im lặng chờ đợi phần thân bài. Ba ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, nói vội vã:
- Trung úy Thành có ý muốn xây dựng gia đình với con.
Tôi ngồi im, ngạc nhiên thấy lòng mình chẳng vui cũng chẳng buồn, cứ như là nghe chuyện của ai khác. Ở tuổi tôi, trong hoàn cảnh này, nếu có người muốn lấy tôi làm vợ, dù không muốn thì cũng phải có chút thích thú, chút tự hào hay một chút mơ mộng. Nhưng tôi chẳng thấy gì cả. Hình như ba thất vọng vì vẻ mặt dửng dưng của tôi. Ba ngập ngừng, xoay xoay ly nước trong tay rồi hỏi nhỏ:
- Ý con thế nào?
Cử chỉ của ba làm tôi xúc động. Chưa bao giờ ba tỏ vẻ lúng túng thận trọng như vậy. Trong nhà này, xưa nay lời nói của ba là ý Trời. Vậy mà bây giờ, ba lo lắng thấy tội. Tôi nhìn mái tóc bạc của ba, dịu dàng hỏi:
- Còn ý ba thế nào?
Mắt ba sáng lên:
- Ba thấy cậu Thành cũng được, lại có tương lai. Thành phần giai cấp tốt, lại sớm được kết nạp đảng thì chắc sẽ mau thăng chức. Có tấm chồng như thế để nương tựa thì rất tốt mà ba cũng vui trong tuổi già.
Tôi biết, ba tôi nói thật lòng. Lời nói nầy chứng tỏ ông đã chấm trung úy làm con rể của ông, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi nói một cách chậm rãi và rõ ràng:
- Ba đã nói như thế thì con chiều ý ba.
Ba tôi lo lắng nhíu mày:
- Chiều ý ba là thế nào?
- Là đồng ý làm vợ trung úy Thành.
Bây giờ ba lại thở dài:
- Con lấy chồng chính yếu là cho đời con, chuyện ba vui tuổi già là rất phụ thuộc, sao lại bảo chiều ý ba.
- Trước sau gì con cũng phải lấy ai thôi. Lấy người thuận hòa trong gia đình có khi lại tốt.
Ba ngước mắt nhìn tôi đăm đăm:
- Mấy năm nay con có được tin thằng Định không?
Tôi nghe đau nhói trong lòng nhưng cố giữ nét mặt bình thản, lặng lẽ lắc đầu.
Ba lại thở dài:
- Có lẽ nó trốn ra nước ngoài rồi, không biết sống chết ra sao. Dù có sống đi nữa thì với tình thế nầy, con với nó cũng như cách biệt âm dương. Con nên dứt khoát đi.
Nghe ba bảo dứt khoát, tôi không hiểu ba muốn︠ tôi dứt khoát với mối tình đầu hay dứt khoát làm vợ trung úy Thành. Có lẽ cả hai điều đó. Tôi trả lời nho nhỏ và hết sức trầm tĩnh:
- Con dứt khoát rồi.
- Được rồi, ba sẽ báo cho cậu Thành biết rồi hai đứa bàn bạc cụ thể với nhau.
Đêm đó, tôi nằm khóc lặng lẽ, nước mắt ướt đẫm gối. Vĩnh biệt Định! Vĩnh biệt mối tình đầu yêu thương say đắm của em!

Hôm sau, cũng vào buổi tối, trung úy Thành đến. Tôi xuống bếp nấu nước pha trà, trong khi hai người đàn ông nói chuyện với nhau. Khi tôi mang nước lên, ba bảo tôi ngồi bàn công chuyện với trung úy Thành rồi bỏ vào buồng đóng kín cửa, để mặc trung úy Thành cùng tôi ở phòng khách.
Thành có vẻ rất háo hức. Hình như anh đã dự trù hết mọi việc trong đầu.
- Tháng sau mình tổ chức lễ cưới nhé.
Tôi gật đầu.
Thành cười sung sướng, chồm qua bàn, đưa tay nắm lấy tay tôi.
- Đám cưới giản dị để đỡ tốn kém, em ạ.
Tôi gật đầu.
Thành qua ghế bên này, ngồi sát vào tôi.
- Chủ yếu là có sự chứng kiến của một số bạn bè và họ hàng thân thuộc của em.
Tôi gật đầu.
Thành bảo có thể bố mẹ anh không vào được vì đang là mùa thu hoạch, hợp tác xã không thể cấp phép. Vả lại, đường đi quá xa xôi và khó khăn nên đến kỳ nghỉ hè sang năm sẽ đưa tôi về trình diện bố mẹ và bà con.
Tôi gật đầu.
Thành đang ở trong một phòng nhỏ của công an phường. Đám cưới xong, hai vợ chồng sẽ chung sống với ba tôi tại nhà nầy, để tiện chăm sóc ông. Tôi gật đầu.
Thành có vẻ rất phấn khởi vì nói gì thì tôi cũng gật đầu. Thực tình, tôi chẳng suy nghĩ gì cả nên cũng chẳng có ý kiến gì để phản đối hay bàn cãi.
Thành đứng dậy, nắm tay tôi kéo ra bên hè nhà tối lờ mờ. Anh ôm chầm lấy tôi, siết mạnh và hôn tôi. Cái hôn làm tôi khó chịu hơn là xúc động. Suýt nữa thì tôi xô Thành ra, nhưng rồi tôi nhắm mắt lại và đứng im. Đến khi bàn tay của Thành sờ soạn vào các vùng nhạy cảm của cơ thể tôi thì tôi rùng mình, co rúm người lại. Trước đây Định đã từng hôn tôi dưới gốc thông già và trên đồi sân Cù Đà lạt, nhưng lúc đó tay Định chỉ nhẹ nhàng nắm lấy vai tôi thôi. Thời gian hẹn hò sau ngày đám hỏi, cũng chỉ là những nụ hôn ngọt ngào và lời nói yêu thương âu yếm.
Tôi mệt mỏi bảo:
- Khuya rồi. Anh về đi.
Từ đó mỗi lần đến nhà, Thành lại tìm dịp đưa tôi ra hè để hôn và sờ soạn cơ thể tôi. Có khi tôi từ chối, có khi tôi chiều theo ý muốn của Thành. Nhưng mỗi lúc tôi càng nhận ra sự thèm muốn dữ dội của anh trong cử chỉ vuốt ve.
Có một hôm Thành đến, tôi quá bận chấm bài của học sinh cho kịp sự hối thúc của nhà trường thì hai người đàn ông lại nói chuyện với nhau. Hình như ba tôi đốc thúc việc làm hôn thú nên hôm sau Thành đưa cho tôi giấy xin đăng ký kết hôn đã điền sẵn chi tiết và bảo tôi ký tên vào.
Một tuần sau, Thành đến với nét mặt rất phấn khởi bảo giấy đã làm xong và hỏi tôi có muốn cất giữ một bản hay không. Tôi bảo không cần, anh cứ giữ hết để sau nầy đi làm khai sinh cho con. Thành nghe tôi nói thì tỏ ra vô cùng vui sướng.
- Em là người phụ nữ tuyệt vời.
Tôi nhã nhặn trả lời:
- Làm cho người khác vui cũng là một hành vi đạo đức.
Thành hơi sững lại:
- Hay quá. Nhưng sao em nói thế?
Tôi cũng giật mình, cảm thấy có cái gì chương chướng trong lời nói đó.
Đây là một câu rất tầm thường trong sách luân lý và tôi đã có dịp nói với học trò. Mấy chữ “làm cho người khác” trong câu ấy có ý nghĩa là làm cho người dưng nước lã chứ không thể là người mà mình hết dạ yêu thương được. Khi tôi buộc miệng nói với Thành như vậy, tự trong lòng tôi đã không xem Thành là người mình phải yêu thương, dù không bao lâu nữa tôi là vợ của anh. Tôi bần thần hết cả ngày, tự an ủi rằng ăn ở với nhau ít lâu thì tình yêu sẽ đến.
Hôn lễ chúng tôi được cử hành khá tươm tất tại nhà, theo sự sắp đặt của Thành. Trong số khách đến tham dự, đa số là bạn bè của tôi và hàng xóm quanh đây. Bạn bè của Thành chỉ vài người còn thân thuộc chẳng có ai. Bên đoàn thể chính quyền cũng đang bận bịu công tác ổn định và xây dựng lại thành phố. Tháng trước Thành đã có giải thích rồi nên tôi không thắc mắc gì cả. Tiệc cưới khá ồn ào. Đàn bà nâng ly nước chanh, đàn ông nâng ly rượu đế hân hoan chức mừng hạnh phúc cho vợ chồng chúng tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, tổ chức được một lễ cưới thế nầy cũng vẻ vang lắm rồi.
Sau khi khách khứa ra về, nhân viên phục vụ nhanh chóng dọn dẹp xong thì đêm tân hôn của chúng tôi bắt đầu.
Suốt đêm, không ngủ được nhiều, nhưng sáng ra, tôi và Thành cũng dậy sớm nấu nước pha cà phê. Ba tôi vẫn còn ngủ say. Thành đưa ghế ngồi sát bên tôi, kéo đầu tôi ngả vào vai anh và nói nho nhỏ vào tai tôi:
- Anh không ngờ em còn trinh nên đêm rồi hơi mạnh bạo đối với em. Anh xin lỗi em.
Nghe anh nói tôi e thẹn hết sức, chợt cảm thấy hối hận vì thái độ lạnh nhạt của mình. Anh hôn tôi rồi thì thầm tiếp vào tai tôi:
- Anh không ngờ có ngày may mắn và hạnh phúc như hôm nay. Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa của anh, người đẹp và tuổi tác như em thì không thể nào giữ vẹn trinh tiết được. Anh thực là may mắn. Anh cám ơn em.
Tôi hơi bất ngờ, anh muốn khen tôi hay khen con gái miền Nam thì thiếu gì cách, sao lại đem chuyện ngoài Bắc lồng vào đây.
Trước kia tôi cũng nghe chị đồng nghiệp người Bắc nói về sự “hủ hóa” của cán bộ ngoài đó. Một người con gái có chút nhan sắc rất khó thoát khỏi ánh mắt dâm ô và thủ đoạn đê tiện của bọn cán bộ nắm quyền. Tôi nghe rồi bỏ qua, nghĩ là chuyện tệ nạn trong chiến tranh, cách sống lôi thôi trong mấy hợp tác xã vùng nông thôn. Nay nghe chính miệng Thành nhắc lại thì tôi cảm thấy khó chịu. Không ngờ, Thành chẳng vô tình khi nói đến điều nầy.

Ba tháng sau, tôi biết mình đã mang thai. Những cơn mệt kéo đến một cách bất thường, không báo trước, còn chuyện hôi cơm tanh cá, nôn ọe xảy ra hằng ngày. Việc lên lớp trở nên nặng nhọc đối với tôi nhưng tôi vẫn cố gắng để học sinh được học, không bị mất giờ dạy của tôi.
Thành không vui mừng mà có vẻ trầm ngâm lo âu. Tôi nghĩ, có con thì kinh tế gia đình eo hẹp hơn, anh lo lắng là phải
Khi bào thai được hơn năm tháng thì bụng tôi nhô ra rõ rệt. Tôi lục tìm vải cũ, tự may cho mình một “áo bầu” rộng thùng thình. Đi dạy tôi vẫn dùng xe buýt. Bây giờ, khi tôi bước lên xe, thường có người đứng dậy để nhường ghế cho tôi.
Một buổi trưa tôi đi dạy về, lúc đến gần nhà thì thấy trước cổng có vài người đứng lố nhố nhìn vào. Tôi lo lắng rảo bước, không biết có chuyện gì xảy ra cho ba tôi. Khi tôi đến trước cổng, dì Tư Kỳ ở kế bên xông ra nắm tay chận tôi lại:
- Cô khoan về nhà đã, có chuyện lộn xộn lắm. Cô nên vô nhà của tôi nghỉ. Để mọi việc dàn xếp xong rồi hẵng về.
Một bà khác xáp lại gần gỡ tay dì Tư Kỳ:
- Cứ để cho cô Ngọc vào dàn xếp mới được. Giữa ban ngày ban mặt ai dám làm gì mà sợ. Cô Ngọc đang có bầu, họ hành hung, không lẽ hàng xóm mình đứng yên mà dòm sao?
Tôi ngơ ngác để mặc cho hai bà cãi nhau, vội vã chạy về nhà. Chắc ba tôi có chuyện gì rồi. Khi tôi bước qua cửa, chưa kịp nhìn rõ tất cả mọi người đang ngồi trong bóng im thì lập tức, một người đàn bà vạm vỡ đứng dậy, dang một cánh tay chỉ thẳng vào tôi, rít lên:
- A, con Ngọc đấy à? Mày là đứa giựt chồng bà, cướp chồng bà phải không?
Bà ta đẩy ghế định xông tới thì một người đàn ông vội vã chồm sang cầm tay bà ta ấn ngồi xuống ghế. Nhưng người đàn bà rất khỏe, bà ta vùng vẫy xô lệch cái bàn nước. Miệng tuông ra những lời chửi bới rất thô tục và độc ác.
Dì Tư Kỳ phía sau, lách đám đông xông tới giữ tay tôi:
- Bà vừa phải thôi nghe. Cô Ngọc là cô giáo, cả quận ai cũng biết.
Người đàn bà la lên the thé:
- Bọn giáo viên chúng mày cũng hủ hóa với hiệu trưởng cả thôi.
Dì Tư Kỳ sững lại, dường như dì không hiểu nổi người đàn bà nói về "bọn giáo viên" nào. Người đàn ông có vẻ xấu hổ, vội vàng lên tiếng:
- Thím hãy bình tĩnh, để anh giải quyết công việc với cô Ngọc. Dù sao người ta cũng là người có học có hành chứ không phải là thứ đầu đường xó chợ.
Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn, không biết chuyện gì đã xảy ra. Bây giờ tôi mới thấy rõ, hai bên chiếc bàn của phòng khách có ba người: mụ đàn bà vừa la lối, có cặp mắt lườm lườm trông dễ sợ; người đàn ông mặc áo bộ đội, vừa mới kéo mụ đàn bà ngồi xuống; người thứ ba là ba tôi với đôi mắt thất thần.
Tôi nhìn cả ba người, biết có việc hết sức trầm trọng, nhưng tự nhiên tôi bình tĩnh một cách lạ thường. Người đàn ông nói với tôi một cách khá lịch sự:
- Nếu tôi không nhầm thì cô chính là cô Hồng Ngọc, phải không ạ?
Tôi lặng lẽ gật đầu.
Ông chỉ cái ghế trống và nói:
- Vậy xin mời cô ngồi xuống đây. Báo cáo với cô, tôi là Nguyễn văn Thái, anh ruột của trung úy Nguyễn văn Thành.
Ông chỉ mụ đàn bà:
- Đây là cô Hoàng thị Lành, vợ chính thức của chú Thành.
Tôi há hốc nhìn người đàn ông rồi nhìn người đàn bà. Người đàn bà nhìn tôi với đôi mắt hung dữ như chực ăn tươi nuốt sống tôi. Người đàn ông thì nhìn tôi có vẻ thương hại. Ông nói với giọng cố làm ra vẻ nghiêm trọng:
- Tôi biết cô là giáo viên nhưng tôi buộc phải trình bày sự thực cho cô rõ là cô phạm tội quan hệ bất chính. Chú Thành đã có vợ chính thức là cô Lành đây. Hai vợ chồng đã có ba con, một gái hai trai. Chú Thành chuyển công tác vô Nam; vợ con ở quê nhà đợi chú Thành yên nơi công tác, được cấp nhà thì vào sống với chú. Không ngờ chú Thành và cô lại lấy nhau. Đây là tờ đăng ký kết hôn tức là tờ hôn thú của chú Thành với cô Lành. Ông nhà đã xem rồi, bây giờ cô hãy xem cho kỹ để biết lời tôi nói là đúng sự thực.
Ông chồm tới trước đưa cho tôi một cái bìa đã ố vàng, tự nãy giờ nằm trên bàn trước mặt ba tôi. Tôi bình tĩnh nhận lấy, giở bìa ra, đọc tờ giấy bên trong. Đó quả thực là giấy đăng ký kết hôn của ông Nguyễn văn Thành và cô Hoàng thị Lành, bên dưới là chữ ký của chủ tịch ủy ban nhân dân và con dấu đỏ lem luốc.
Tôi cẩn thận cho tờ hôn thú vào bìa và trao lại cho người đàn ông. Bụng tôi quặn đau, nhưng tôi cố mỉm cười và nói với giọng chậm rãi, rõ ràng:
- Thưa ông, tôi đã xem xong và tôi xin xác nhận đây là sự thực.
Người đàn ông nhìn tôi một cách ngạc nhiên. Có lẽ ông tưởng rằng đọc xong, tôi sẽ nằm lăn giữa nhà mà kêu gào thảm thiết. Đôi mắt người đàn bà cũng bớt hung dữ và có một chút nể nang. Tuy nhiên ông vẫn cố lấy giọng thực rắn rỏi để đánh một đòn cân não:
- Cô có biết đã làm một việc phạm pháp không?
Tôi lạnh lùng đáp lại:
- Thế nào là phạm pháp?
- Cô đã dụ dỗ người có vợ chính thức. Cô lại dám đăng ký kết hôn với người đã có hôn thú hẳn hòi. Đó là vi phạm luật một vợ một chồng. Phạm vào luật nầy, cô sẽ bị truy tố ra tòa, sẽ bị mất việc và còn có thể đi tù nữa.
Tôi biết lão nầy dọa tôi. Tôi nhớ không rõ lắm, theo báo chí, hình như một bộ luật tố tụng chưa được hình thành mà chỉ mới được đề nghị đưa ra quốc hội thôi. Từ trước đến nay, đảng và nhà nước cai trị miền Bắc bằng nghị quyết chứ làm gì có luật để truy tố. Vả lại, nếu truy tố thì phải truy tố cái người dám cấp cái giấy đăng ký kết hôn. Anh Thành chuyển công tác vào Nam thì hồ sơ cá nhân phải đi theo chứ. Tuy nhiên, tôi chẳng muốn nói ra điều nầy vì biết nói ra thì bị quy vào tội nói xấu chính quyền. Mình là người dân miền Nam, nội cái tội đó đã khó thở rồi, nay còn phải chịu thêm cái tội phản động nữa là hết đường sinh sống.
Thấy tôi im lặng, ông ta lại lớn tiếng theo kiểu muốn đàn áp cả một đám đông:
- Bây giờ cô đã thấy được cái lỗi của cô chưa?
Tôi thở ra một hơi dài, đưa mắt nhìn những người hàng xóm bên ngoài. Tôi nói cho láng giềng thân thuộc của tôi nghe:
- Tôi không biết anh Thành có vợ nên chẳng có lỗi gì cả.
Người đàn bà chồm lên, rít giọng:
- Không có lỗi à? Mày giật chồng người khác mà nói không có lỗi à?
Một lần nữa, người đàn ông kéo mụ ta ngồi xuống rồi quay sang tôi:
- Cô có lỗi vì đã đăng ký kết hôn với người đã có vợ chính thức. Cô không nhớ chính cô đã ký tên vào đơn xin đăng ký sao?
- Vì anh Thành cam đoan với tôi là anh ấy độc thân.
- Tại sao chuyện quan trọng cả một đời người mà cô lại dễ tin như thế?
- Ông ấy mang quân hàm trung úy công an. Cái quân hàm của các ông không đủ cho dân tin hay sao?
Bên ngoài sân tiếng cười, tiếng xì xầm nổi lên. Người đàn ông có vẻ xấu hổ, tằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp, giọng nói có vẻ bớt kiêu căng:
- Tin chuyện gì thì được chứ tin chuyện đấy thì không được. Nhưng thôi, tôi không cãi lý với cô nữa. Cô và chú Thành đều có tội. Cô phải hiểu rằng chú Thành có thể được cơ quan che chở, còn cô thì liệu nhà trường có che chở cho cô được không? Tôi nói như thế chắc cô hiểu rồi. Cô suy nghĩ đi. Một hai hôm nữa chúng tôi sẽ đến bàn bạc với cô để tìm một giải pháp ổn thỏa. Nếu không được thì cô khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.