Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Hồi ký của Ngọc (4)



Nói xong, người đàn ông đứng dậy kéo người đàn bà ra đường. Mấy người hàng xóm xì xào bàn tán một chút rồi cũng kéo nhau ra về. Ba tôi vẫn ngồi yên tại chỗ. Ông nhìn tôi một cách buồn bã:
- Ba không ngờ con lâm phải một nạn lớn như thế nầy. Lỗi tại ba.
Nhìn thấy đôi mắt ba rưng rưng, tôi cảm động quá, quỳ xuống ôm chân ông, khóc òa. Ông nâng tôi dậy, bảo ngồi trên ghế để bàn bạc công chuyện. Hai cha con bàn lui bàn tới mà chẳng được gì. Tôi nhìn đồng hồ thấy đã gần hai giờ chiều. Hai cha con còn chưa ăn cơm trưa. Tôi đứng dậy thay áo quần, xuống bếp soạn cơm và món thức ăn nguội lạnh mà ba đã nấu xong trước khi tôi đi dạy về. Hai cha con ngồi ăn trong im lặng. Nét mặt ba dàu dàu. So với sáng nay, bây giờ mới qua có mấy tiếng đồng hồ mà trông ông già đi nhiều tuổi. Tôi thương ông quá nên cố giữ nét mặt thật trầm tĩnh trong khi lòng tôi bấn loạn. Đứa con trong bụng cựa quậy như nhắc nhở tôi phải nhớ đến cái thân phận bi đát của nó, kết quả của một sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ đến người đàn bà thô lỗ và đanh đá, bỗng rùng mình nôn ọe. Hơn nửa năm qua, hằng đêm tôi phải ân ái với chồng bà ta.
Tôi giật mình vì giọng nói của ba:
- Để chiều thằng Thành về đây tao hỏi nó cho ra lẽ, để xem nó tính giải quyết chuyện nầy ra sao.
Ba ngưng một chút rồi nói tiếp:
- Con hãy bình tĩnh, dừng to tiếng làm phiền hàng xóm lần nữa mà còn gây thêm đổ vỡ.
Tôi sững sờ, không tin vào tai mình. Đến nước nầy mà còn sợ đổ vỡ nữa sao, đến nước này mà ba còn cố níu kéo cái niềm tin đã tan nát như tương đó sao. Tôi đồng ý đừng nên to tiếng để tránh làm phiền hàng xóm. Từ mấy chục năm nay, gia đình tôi được mọi người chung quanh thương yêu và kính trọng, nay lỡ mang lấy nỗi nhục thì quyết im lặng chịu đựng. Còn chuyện vợ chồng giữa Thành và tôi thì đương nhiên chấm dứt rồi kể từ khi tôi đọc giấy đăng ký kết hôn của anh ta và bà Hoàng thị Lành. Tôi không cảm thấy luyến tiếc tí nào khi phải chia tay với con người dối trá đó. Chỉ còn vấn đề chia tay thế nào cho yên thắm mà thôi.
Nghĩ như thế nên tôi nói với ba tôi:
- Con không muốn gặp mặt anh Thành nữa. Con muốn cuộc hôn nhân xấu xa giữa con và anh ấy chấm dứt ngay từ hôm nay.
Tôi sờ vào bụng mình rồi chậm rãi nói với ba:
- Còn hơn ba tháng nữa đứa bé nầy ra chào đời. Nó là của riêng con. Nó chỉ có mẹ mà không có cha. Nó chỉ có ông ngoại mà không có ông nội bà nội.
Ba nhìn tôi ngơ ngác, dường như ông lẫn đi một lúc. Lát sau ông mới lắp bắp nói:
- Con không muốn gặp chồng con, à thằng Thành nữa à.
- Ba. Anh ấy chưa bao giờ là chồng con. Cuộc hôn nhân gian dối này chỉ là một tai họa.
Ba tôi buồn bã:
- Như vậy cũng phải. Bụng mang dạ chửa mà xúc động mạnh có hại. Ba sẽ nói chuyện riêng với nó để tìm giải pháp tốt nhất cho con và cho cháu ngoại của ba.
Tôi thấy mắt ông rưng rưng nên vội rút khăn lau hai dòng nước mắt đang chảy dài xuống má tôi. Tôi nói một cách vội vã:
- Ba cứ nói chuyện với anh Thành đi. Ba đừng lo cho con. Với bất cứ hoàn cảnh nào con cũng chịu đựng được.
Tôi vào phòng nằm vật lên giường. Tiếng nói the thé của người đàn bà như vẫn vọng vào từ phòng khách. Tôi nhắm mắt lại nhưng không tài nào xóa bỏ được những giọng nói ghê rợn, những khuôn mặt đanh ác. Từ một tháng nay, đứa bé trong bụng không còn hành tôi ói mửa nữa cho nên tôi thấy sức khỏe tiến triển rất khả quan. Tôi ăn ngon và dỗ giấc ngủ khá dễ dàng. Hôm nay, chỉ qua một cơn bão mà sức khỏe tôi cạn kiệt, chân tay tôi bải hoải run rẩy.
Năm giờ chiều, tôi chậm chạp ngồi dậy, vào bếp lo bữa cơm chiều. Vừa nấu cơm, tôi vừa lắng nghe tiếng động ngoài cổng.
Từ khi chuyển công tác về Đồng nai, buổi chiều, lúc đường phố lên đèn, Thành mới trở về. Có khi xe hư, đến hơn tám giờ anh mới tới nhà. Theo thói quen, cứ đến chập choạng tối, tôi nhìn ra cửa, mong cái bóng quen thuộc dừng xe, thò tay vào rút chốt để mở cổng ra. Hôm nay, tôi có tâm trạng lửng lơ, nửa mong anh về để xem anh giải quyết công việc ra sao, nửa mong anh đừng về để tôi khỏi phải thấy mặt và nhất là khỏi phải chung đụng trong đêm tối với con người đáng khinh bỉ đó.
Cơm nấu chín. Mọi khi đợi Thành về tôi mới dọn ra, rồi ba người cùng ăn và chuyện trò vui vẻ. Hôm nay tôi dọn ra ngay để hai cha con ngồi ăn với nhau. Tôi chừa phần cho Thành trên bàn rồi dọn dẹp và ngồi vào bàn để chấm bài. Học sinh vừa thi xong học kỳ hai, tôi có nhiều xấp bài phải chấm cho xong để nhà trường có thể kết thúc năm học đúng thời gian do sở Giáo dục quy định. Đáng lẽ buổi sáng lên lớp thì chiều phải ở lại trường để chấm bài nhưng vì tôi đang mang thai nên nhà trường cho mang bài về nhà để chấm.
Vừa nghe tiếng xe dừng ngoài cổng, tôi biết Thành về nên đứng dậy đóng cửa buồng, khóa cẩn thận và ngồi vào bàn, cố tập trung trí óc để tiếp tục chấm bài.
Từ bên ngoài vọng vào tiếng rì rầm của hai người đàn ông. Tôi không nghe rõ nhưng hiểu rằng ba và anh Thành đang dàn xếp công việc.
Đến hơn mười giờ, tôi mệt mỏi muốn đi nằm thì nghe có tiếng khua của chốt gài cổng rồi tiếng xe nổ máy xa dần. Một phút sau, có tiếng gõ nhẹ vào cửa buồng. Tôi đứng dậy mở cửa ra. Ba tôi quay người lại đi vào cái bàn giữa phòng khách, ngồi xuống và chỉ cái ghế trống trước mặt. Khi tôi đã ngồi xuống, ông nói ngay:
- Ba đă nói chuyện với thằng Thành.
Tôi ngắt lời:
- Ảnh đi đâu rồi ba?
- Nó về Biên hòa và sẽ nghỉ đêm tại công an tỉnh. Trước khi về, nó tha thiết gặp con ít nhất một lần để từ biệt. Ba nói với nó là con dứt khoát không muốn trông thấy mặt nó nữa. Nó đứng dậy xin từ biệt ba, nét mặt buồn dau dàu, thất thểu dẫn xe ra đường. Nghĩ cũng tội, đêm nay thui thủi một mình ở cơ quan.
Tôi nhìn đôi mắt của ba và ngạc nhiên thấy ở đó toát ra nét hiền lành và chân thật đượm vẻ thê lương làm cho tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Ba tôi thở dài rồi nói tiếp:
- Thằng Thành nói với ba rằng vợ nó nghe tin nó có vợ thì nhảy dựng lên kêu gào rồi lập tức nhờ người quen ra mua vé xe đò với giá cao. Anh ruột thằng Thành sợ chuyện chẳng lành xảy ra, vội vã đi theo, không kịp xin phép cơ quan. Vợ nó khóc trong suốt hành trình vất vả hơn ba ngày đêm từ Cao bằng đến Biên hòa. Sáng nay, vợ và anh nó vào cơ quan lôi nó ra quán cà phê chửi mắng nó thậm tệ.
Ông ngừng một chút rồi tiếp tục, vẫn với cái giọng trầm trầm đầy vẻ thê lương:
- Nó bảo rằng nó đoán trước hoàn cảnh nầy thế nào cũng xảy ra nhưng vì quá yêu con nên nó làm liều. Nó nói nó có tội quá lớn đối với con và không biết làm thế nào để đền tội.
Tôi bực tức ngắt lời ba:
- Cách đền tội bây giờ, tốt nhất là thu xếp cho xong chuyện và đừng bao giờ ló mặt đến nhà nầy nữa.
- Nó cũng nói đến đứa con sắp ra đời và có ý đi vay một món tiền kha khá để gởi cho con. Ba biết tánh con nên bảo với nó rằng con sẽ không nhận đâu. Không biết ba nói như thế có đúng ý con hay không. Thực tình thì ba cũng nghĩ rằng một món tiền bây giờ đối với con cũng quý để vài tháng nữa lo việc sinh nở.
Tôi lắc đầu:
- Ba từ chối là đúng ý con. Không bao giờ con nhận tiền để anh ấy có cớ sau nầy lui tới nhà mình thêm phiền phức cho con. Thế còn cái chuyện giải quyết cho êm thắm thì anh ấy tính sao?
- Nó bảo con vợ nó thì quá quắt lắm, vừa tham lam, vừa hung dữ, nhưng ông Thái, anh ruột nó thì biết điều. Ông Thái là người có học, hiện là kỹ sư ngành cầu đường ở Cao bằng. Nó nói sẽ khẩn khoản nhờ anh nó dàn xếp.
Tôi tức giận, hơi to tiếng:
- Dàn xếp cái gì?
Tôi ngừng lại ngay vì biết mình hơi vô phép một cách phi lý với ba. Tôi chưa kịp xin lỗi thì ba trả lời:
- Dàn xếp với vợ thằng Thành để cho con với thằng Thành chia tay êm thắm, mỗi người một ngã và vợ nó không làm khó dễ nữa. Nó nói gia đình vợ nó thân thế lắm, vì có nhiều người làm trong chính quyền ở ngoài đó.
Tôi không dằn được nên cười khẩy:
- Vì vậy anh Thành mới cưới mụ vợ xấu xí và hung dữ để tiến thân.
Ba thở dài:
- Thôi con đừng mắng mỏ nó nữa. Ba cũng biết đám dân ngoài Bắc đều muốn tiến thân theo kiểu bần tiện đó chứ không riêng gì thằng Thành.
Tôi ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe ba nói lên ý nghĩ xấu của mình về những người thuộc phe cách mạng của ba. Tôi dịu giọng:
- Chia tay thì dễ rồi nhưng còn cái chuyện pháp luật nữa.
- Chuyện gì? À phải rồi, con muốn nói chuyện thằng Thành có tới hai cái giấy kết hôn với hai người khác nhau phải không? Có, nó có nói chuyện đó. Nó nói lúc đó nó yêu con cho đến đỗi sợ ba không gả con cho nó nên nó phải tốn tiền quà cáp để làm cái giấy kết hôn với con. Hồ sơ chính nằm tại phường, tìm cách hủy đi là xong. Nếu cần thì lo một số tiền. Nó từng là công an của phường. Tuy không còn công tác ở đây nữa nhưng vẫn còn người quen và biết chỗ cần hối lộ cho xong chuyện.
Tôi nghe lòng nhẹ nhàng như vừa trút được một gánh nặng ghê gớm. Ba nói tiếp:
- Ba tin rằng thằng Thành và anh nó rất hiểu biết về cái chủ nghĩa xã hội nầy nên có thể dàn xếp được. Bây giờ còn một chuyện gay go nữa.
- Chuyện gì vậy ba?
- Chuyện dạy học của con. Con đang theo ngành mô phạm. Nếu chuyện xấu xa nầy đổ bể, ắt phương hại đến danh giá của con.
Tôi mỉm cười:
- Ba không phải lo cho cái danh giá đó. Từ sau 1975, đạo lý miền Nam cũng xuống dốc cho giống với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ngay trong giáo giới, việc vi phạm đạo đức giữa trai gái trở thành bình thường. Giáo viên không hôn thú ăn ở công khai với nhau ngay trong nhà tập thể của trường.
Ba hoảng hốt trố mắt nhìn tôi, làm tôi phải nói ngay:
- Tuy nhiên đối với con thì khác. Việc xấu xa nầy không phải lỗi tại con, nhưng con cảm thấy mình bị lem luốc rồi. Cái từ giựt chồng, cướp chồng mà bà Lành đã hét trong nhà nầy, trước bàn thờ của mẹ …
Tôi ngừng lại, nuốt nước bọt để dằn cơn xúc động, rồi nghẹn ngào nói tiếp:
- Hàng xóm láng giềng đã nghe hết, bóng đen đã phủ lên tư cách làm người của con rồi. Chắc chắn tâm hồn con khó được bình an khi con đứng trên bục giảng nhìn những đôi mắt thơ ngây và trong sáng của các em học sinh. Con sẽ thành thực trình bày mọi sự với anh hiệu trưởng và chị thư ký công đoàn. Con sẽ suy nghĩ cẩn thận để đề nghị với hai vị đó giải pháp ổn thỏa nhất cho con. Ba không phải lo chuyện đó.
Tôi ngưng nói, nhìn đồng hồ treo tường thấy đã hơn mười một giờ đêm nên đứng dậy xin ba tôi cho phép đi nghỉ. Tôi lo lắng mình sẽ bị mất ngủ thì sáng mai khó lòng đến trường để dạy học được. Nhưng không, đặt lưng xuống giường, tôi đánh một giấc đến sáng.
Tôi thức giậy, lật đật lo bữa điểm tâm rồi ra xe đến trường. Tôi dạy hết buổi sáng, buổi chiều miệt mài với những dòng chữ dễ thương của các em học sinh trên những tờ giấy thi.

Sáng chúa nhật, hai ngày sau buổi chiều sóng gió, ông Thái, anh ruột của Thành trở lại nhà tôi. Ông gọi cửa, tôi ra mở, nhìn hai đầu đường, biết ông ấy đi một mình nên yên tâm mời ông vào nhà. Tôi báo cho ba tôi ra tiếp khách, còn tôi lo đi nấu nước pha trà. Khi tôi bưng khay trà lên thì ông Thái xin tôi ngồi lại để ông thưa chuyện. Tôi vâng lời. Ông Thái có vẻ đắn đo vài phút rồi vào đề, giọng nói khá lễ độ:
- Câu chuyện ăn ở giữa cô giáo đây và chú Thành của tôi là điều vô cùng rắc rối vì vi phạm pháp luật. Thím Thành muốn làm to chuyện cho đã cơn giận. Tôi hết sức khuyên can, cô ấy mới chịu im để cho tôi tính toán. Nhờ có nhiều nơi quen biết nên tôi có thể giải quyết được một cách êm thắm nhưng phải tốn một số tiền trà nước không phải là nhỏ. Tôi nghĩ rằng hai bên đều có trách nhiệm chung lo số tiền đó.
Ba tôi hoảng hốt:
- Xin ông hiểu cho là hiện nay chúng tôi rất nghèo, chỉ sống nhờ vào lương đi dạy ba cọc ba đồng của con Ngọc mà thôi.
Ông Thái đưa hai bàn tay lên, ra hiệu trấn an ba tôi:
- Tôi hiểu ông và cô đây không có dư tiền mặt. Sau hai vụ đổi tiền, thường dân, chẳng có ai còn tiền trong túi. Nhưng vợ chú Thành nhất định ông và cô Ngọc phải chi ra thì việc mới yên được. Hôm trước nó ngồi đây, nhìn xuống bếp thấy nhà còn chiếc Honda…
- Hả?
Ba tôi gần như nhảy dựng lên. Tôi vội vàng quay sang kéo tay xin ba ngồi yên rồi khinh bỉ nói với ông Thái:
- Nếu không có chiếc xe, anh em ông sẽ làm tới cùng, đúng không?
Người đàn ông không trả lời cũng không tỏ vẻ gì phủ nhận, nhưng ánh mắt thèm thuồng liếc nhìn về phía cửa bếp bảo rằng, ông ta sẽ không ra về nếu chưa lấy được chiếc xe. Tôi nhìn chằm chằm người đàn ông xa lạ, bỗng ghê sợ nhận ra, khuôn mặt ông ta giống Thành lắm. Nét đẹp trai mà ngày nào tôi nhìn thấy nơi Thành bây giờ hiện rõ trên khuôn mặt lưỡi cày gian tham. Tôi hỏi lại:
- Ông đến đây vì chiếc xe hay vì trách nhiệm?
Người đàn ông cười đe dọa:
- Cô còn cách nào khác không?
Tôi lắc đầu khinh bỉ:
- Không. Chúng tôi còn cách nào khác, chẳng còn sự lựa chọn nào. Ông lấy chiếc xe đem về quê mà dùng.
Ông Thái thở hắt ra, đổi giọng thân thiện:
- Thế là xong chuyện cô nhé. Coi như cô bồi thường thiệt hại cho chúng tôi vậy.
Tôi sửng sốt về chữ “bồi thường thiệt hại” mà ông ấy vừa thốt ra. Việc xấu xa nầy liên can đến ba người là Thành, bà Lành và tôi. Trong ba người, ai là người thực sự bị thiệt hại, đáng được bồi thường, Nhưng thôi, mặc kệ họ muốn nói gì thì nói. Tôi cũng như hai mươi triệu dân miền Nam đã quen chịu đựng với cách ăn nói lật lọng của họ rồi.
Ông Thái lại ngon ngọt lên tiếng:
- Cô Ngọc này. Còn một vấn đề nữa cần ý kiến cô Ngọc.
Tôi bực bội:
- Còn chuyện gì nữa, ông cứ nói.
- Chuyện đứa bé sắp ra đời.
Tôi giật mình:
- Ông muốn? Ông muốn nói về đứa con của tôi?
Giọng ông Thái giả lả:
- Không phải tôi muốn mà đây là ý kiến của vợ chú Thành.
Tôi gằn giọng:
- Thế chị ấy muốn thế nào? Muốn bắt đứa bé nầy về nuôi khi nó ra đời phải không?
Ông ta xua tay:
- Không phải vậy. Không phải vậy. Mà ngược lại, thím ấy muốn chồng mình không phải có trách nhiệm về đứa bé nầy.
Tôi thấy nóng cả mặt:
- Ông muốn nói đứa bé nầy do tôi chửa hoang chứ không phải là con anh Thành phải không?
Ông Thái lại xua tay lia lịa:
- Không, không. Cô đừng nói thế, tội cho tôi. Vợ chú Thành không muốn chú ấy có trách nhiệm với đứa bé vì một khi còn mang trách nhiệm thì còn gặp gỡ cô. Vợ nó nói rằng cô còn đẹp lắm nên thằng Thành còn dịp gặp cô thì khó thoát được.
Tôi cười lạt:
- Ông yên tâm. Tôi đã quyết định việc đó xong rồi. Kể từ bây giờ, tôi không còn liên hệ gì với người em của ông nữa. Dù cho đứa bé nầy có mang phân nửa dòng máu của anh Thành nhưng khi ra đời, nó hoàn toàn là của tôi, không dính mớ chút nào đến người đáng lẽ là cha nó. Tôi cũng không đòi bất cứ trợ cấp nào của anh Thành để làm chi phí trong việc sinh nở và nuôi nó khôn lớn. Ông cứ yên tâm. Ông có cần tôi viết giấy cam đoan không?
Ông Thái cười nịnh nọt:
- Không cần, không cần. Lời nói của cô như thế là quá đủ rồi. Người Miền Nam thì chân thật và thủ tín, đặc biệt là người miền Nam trí thức như cô. Ở ngoài Bắc tôi thường nghe như thế, người nào được vào Nam một chuyến cũng đều nói như thế.
Ông nói xong thì cười rổn rảng một cách thoải mái. Bây giờ tôi không hiểu, cái ông cán bộ nầy nói thực bụng hay nói để lấy lòng tôi, sau khi tôi đã chấp thuận nhanh chóng mọi điều mà ông đề nghị. Tôi muốn chuyện vợ chồng giữa tôi và Thành kết thúc trọn vẹn nên nói với ông Thái:
- Để cho chị Lành hoàn toàn yên tâm, tôi đề nghị ông vận động cho anh Thành chuyển công tác về Bắc, tốt hơn cả là về Cao bằng để chị Lành quản lý anh ấy cho chặt chẽ.
- Vâng, vâng. Cô nói đúng. Tôi biết cái tính mê gái của chú ấy. Nó tuy thuộc thành phần bần cố nông nhưng lại nhiễm tính tình bay bướm lãng mạn của bọn tiểu tư sản. Nó lại có bộ mã điển trai nên đi đâu cũng lăng nhăng đèo bồng. Cô nói đúng, phải để vợ nó quản lý chặt chẽ mới không lo chuyện bê bối xảy ra.
Ông Thái cầm ly nước lên uống một hớp rồi nói tiếp:
- Ngay ngày mai, tôi sẽ buộc chú Thành xin chuyển công tác về Cao bằng để gần gũi vợ con và phụng dưỡng cha mẹ già. Nó gốc ở Cao bằng, nay xin trở lại quê nhà thì không khó lắm đâu. Nhưng... Cũng đáng tiếc, đáng tiếc.
Giọng ông Thái nhỏ dần rồi chuyển qua lối tự sự:
- Nói thế nào với nó đây? Bây giờ hàng triệu người đang đùng đùng tìm cách thuyên chuyển vào Nam, chứ có ai lại xin trở ngược ra Bắc. Ai lại trở ngược ra ngoài đấy bao giờ. Bậy, bậy. Mà thím Lành...
Ông ta lắc đầu trầm ngâm, ra vẻ cân nhắc với suy nghĩ nầy lắm. Bộ dạng thấp thỏm suy tư của ông ta ngầm tố cáo, trong số người đang đùng đùng xin vào Nam có cả ông ta. Ý nghĩ này làm tôi ngao ngán, miền Nam có thêm triệu người như ông Thái thì còn gì để mà ăn. Tôi lên tiếng đuổi khéo:
- Thưa ông, về phía tôi, mọi chuyện đã xong xuôi.
Ông Thái tỉnh cơn mơ quay nhìn tôi nở nụ cười tươi rói, rồi quay sang cha tôi nói trơn tru:
- Báo cáo với bác. Mọi việc đã giải quyết ổn thỏa. Chuyện cuối cùng là chuyện chuyển nhượng chiếc xe.
Tôi thấy khó chịu vô cùng, người đàn ông này đã tính toán rất kỹ lưỡng.
- Được, ông chờ tôi một chút.
Tôi bước vào phòng ngủ, mở hộc tủ đựng giấy tờ, lấy ra thẻ chủ quyền. Sau năm 1975, người ta buộc làm lại giấy chủ quyền thay thế giấy của chế độ cũ. Vì anh Quân đã qua đời nên tôi đứng tên cho chiếc Honda 67 của anh tôi.
Tôi trở lại phòng khách trao giấy chủ quyền lại cho ông Thái:
- Đây, ông cầm lấy. Thế là xong cả rồi phải không?
Ông Thái xem xét cả hai mặt tấm thẻ, rồi ngon ngọt nói:
- Quý hóa quá. Cô Ngọc ạ. Xin cô làm ơn cho trót. Cô cho tôi tờ sang nhượng.
- Được, tôi làm ngay. Làm giấy bán hay giấy cho?
- Thế nào cũng được, miễn có chữ ký của cô là tốt rồi.
- Có cần ngày mai đưa ra chính quyền thị thực chữ ký không?
Ông Thái lắc đầu:
- Chả cần. Tôi quen biết nhiều ở công an địa phương, đem về đó là họ đổi thẻ chủ quyền ngay. Vả lại, chú Thành một khi về đó cũng công tác ở ngành công an mà.
Tôi lấy lại thẻ chủ quyền vào buồng, ngồi viết tờ sang nhượng, xong trao cả thẻ và giấy cho ông Thái. Ông đọc kỹ tờ sang nhượng và gật đầu tỏ dấu hài lòng:
- Thế là tốt lắm. Bây giờ tôi xin kiếu từ về báo cáo lại với vợ chồng chú Thành. Cám ơn ông, cám ơn cô Ngọc. Nếu có dịp ra Bắc, mời ông và cô lên Cao bằng ghé nhà để chúng tôi hướng dẫn đi thăm hang Pắc bó.
Tôi mỉa mai:
- Ông mời tôi lên Cao bằng chơi, không sợ tôi lại quyến rũ em ông à?
Ông Thái có vẻ bẽn lẽn:
- Ừ nhỉ, thế cũng phải. Thôi xin tạm biệt ông và cô Ngọc.
Tôi không muốn trả lời ông ta, nên quay sang ba tôi:
- Ba mang xe ra “thân tặng” ông Thái đi.
Ba tôi thẩn thờ dẫn chiếc xe Honda 67 ra trao cho ông Thái, nói nho nhỏ:
- Chiếc xe còn tốt lắm. Mỗi hai ba tháng tôi cho một tí xăng vào đạp cho nổ máy. Ông có thể cởi xe về nhà được nhưng phải ghé đầu đường, chỗ có dựng viên gạch, đổ nửa lít xăng.
Ông Thái nhận xe hân hoan không giấu được. Cả khuôn mặt ông như nở tung ra như cái bánh bao. Tôi đưa ông ta ra khỏi nhà. Khi tôi quay lại định đóng cổng thì thấy ba tôi đã theo ra đến giàn hoa giấy. Ông đứng yên như pho tượng, cặp mắt thẫn thờ nhìn theo chiếc xe xa dần. Tôi hiểu, đó là chiếc xe của anh Quân. Chiếc xe vừa bị người ta dẫn đi. Trong bao năm trời nó là di vật thiêng liêng để nhớ về người con trai duy nhất của ông. Tôi thấy ba tôi già xọm đi. Có lẽ, giờ nầy ba tôi nhớ đến anh Quân không như là người nối tiếp hình ảnh hào hùng, đam mê lý tưởng cộng sản trong thời trai trẻ của mình. Ba tôi nhớ đến anh Quân, đơn thuần là núm ruột của mình đã đột ngột biến mất khỏi thế gian nầy.
Tôi bước đến cầm tay ba dẫn vào nhà. Tôi dịu dàng nói với ông:
- Thôi ba đừng buồn nữa. Thế cũng may cho mình, họ đến chỉ cốt lấy chiếc xe. Bây giờ cha con mình có thể sống một cách bình yên.
Ba đưa tay vuốt tóc tôi, giọng nghẹn ngào:
- Tội nghiệp con gái của ba.
Lần đầu tiên, tôi nghe ba nói với con gái bằng giọng cảm thông và yêu thương như vậy. Tôi buông tay ông, đi nhanh xuống bếp, để mặc cho nước mắt trào ra mờ mịt cả đường lối.

Sáng hôm sau, thức dậy, tôi thấy thơ thới và có cảm tưởng mình như con thuyền mong manh vừa vượt qua sóng gió để đi vào vùng biển bình an. Tôi sửa soạn đến trường và dặn ba tôi ở nhà ăn cơm một mình, chiều tối tôi mới về. Bài thi học kỳ hai của học sinh tôi đã chấm xong hết. Nhà trường cho học sinh nghỉ một tuần để giáo viên hoàn tất hồ sơ sổ sách, ký học bạ cho học sinh. Trong tuần lễ đó tôi phải làm việc suốt ngày tại trường. Trọn tuần tôi không nghe ai hỏi tôi về chuyện xấu xa vừa xảy ra trong gia đình tôi. Có lẽ có người đã hay biết nhưng họ không nói ra vì nể tôi hoặc vì đang bận rộn việc kết thúc năm học cho học sinh.
Mọi việc hoàn tất đúng thời hạn ấn định. Sau buổi lễ bế giảng năm học và phát thưởng, tôi xin gặp anh hiệu trưởng và chị thư ký công đoàn. Cả hai người đều là người miền Nam. Tôi trình bày cặn kẽ việc đã xảy ra trong gia đình tôi. Hai người nói lời chia buồn về việc ly tan giữa tôi và Thành. Ngày đám cưới của tôi năm ngoái, hai người đều có tham dự và có lời chúc mừng trăm năm hạnh phúc. Tôi hỏi xin ý kiến của hai vị để giải quyết chuyện dạy học của tôi sắp tới. Chị thư ký công đoàn nói:
- Bây giờ phía bên vợ anh Thành chấp thuận không làm to chuyện và đã dàn xếp êm xuôi. Việc lộn xộn trở thành sự kiện riêng tư trong gia đình chị, có liên can gì đến công tác của chị đâu.
Tôi rầu rĩ phân tích:
- Nhưng việc nầy, trước sau gì cũng đổ bể và nhiều người biết, em không bị kết án về pháp luật thì cũng bị lên án về đạo đức.
Anh hiệu trưởng lắc đầu:
- Chị chẳng vi phạm đạo đức, cũng chẳng có lỗi gì cả. Không ai lên án chị đâu. Ngay cả khi có kẻ xấu miệng lên án chị hay thưa gởi gì đi nữa thì chi bộ, ban giám hiệu, công đoàn và cả hội đồng giáo dục đủ sức che chở cho chị. Mọi thầy cô và học sinh ở đây đều thương yêu và kính trọng chị. Chúng tôi sẽ bảo vệ chị chống lại mọi sự kết án.
Tôi buồn rầu đáp lời:
- Cám ơn các anh chị. Anh chị có thể bảo vệ cái nghề cầm phấn của em nhưng cái danh giá người phụ nữ của em tan nát rồi, làm sao còn bảo vệ được. Em dạy môn văn, thường vận dụng việc phân tích tác giả và tác phẩm để đưa vào những lời dạy về đạo lý, đặc biệt về tình yêu và hôn nhân, vì học sinh ở đây đang trải qua tuổi dậy thì. Bây giờ, danh giá bị tan nát rồi, em làm sao đủ tư cách dạy dỗ học sinh được. Dứt khoát em phải bỏ nghề. Em biết anh chị thương mến tôi, nhưng thôi, đừng thuyết phục em tiếp tục đứng lớp nữa.
- Nhưng chị là giáo viên giỏi của trường. Chúng tôi đã có kế hoạch mời chị đăng ký phấn đấu thành chiến sĩ thi đua.
- Em cám ơn nhà trường và công đoàn, nhưng em đã dứt khoát chia tay bục giảng rồi. Xin các anh chị đứng thuyết phục em nữa.
Chị thư ký công đoàn nhìn tôi, nói giọng buồn bã:
- Chị không còn muốn dạy học sinh nữa thì thôi. Nghỉ dạy rồi thì chị làm gì để sống. Tôi biết chị và bác trai sống rất kham khổ, nay mai lại thêm đứa con nữa. Lương giáo viên thì tệ nhưng dù sao cũng tiếp tục sống tằn tiện được. Nay chị xin bỏ việc thì có thu nhập ở đâu không?
Tôi chán nản đến mức đổ liều:
- Không có thu nhập ở đâu cả. Nhưng trời sinh voi, sinh cỏ.
Chị thư ký công đoàn nhìn xuống bụng tôi:
- Bao giờ chị sinh con?
- Khoảng ba tháng nữa.
Anh hiệu trưởng nói chen vào:
- Trước mắt, chị có ba tháng hè nghỉ ngơi. Trong ba tháng nầy, tôi miễn cho chị mọi công tác kể cả học bồi dưỡng và đi gác thi. Sau đó, chị xin nghỉ hộ sản ba tháng. Vậy là chị có sáu tháng nghỉ ngơi ăn lương để sinh nở và săn sóc con sơ sinh.
Tôi nói lời cám ơn. Anh hiệu trưởng nói tiếp:
- Trong sáu tháng đó, tôi sẽ cố gắng nhờ người quen tìm cho chị một công tác nào đó. Tốt nhất là ở một cơ quan nhà nước. Nếu được vậy là chị xin chuyển ngành chứ không phải nghỉ việc và liên tục ăn lương để sống, nuôi cha và nuôi con nhỏ.
Suýt nữa tôi òa lên khóc:
- Em rất cảm động về lòng tốt của hai anh chị.
- Không có chi. Giúp đỡ người lâm cảnh hoạn nạn là chuyện thường.
Sau buổi nói chuyện với anh hiệu trưởng và chị thư ký công đoàn, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn.

Ba tháng hè trôi qua một cách bình an.
Một buổi sáng, khi tôi bắt đầu chuyển bụng thì dì Tư Kỳ đưa tôi đến nhà bảo sanh. Tôi sinh một bé trai kháu khỉnh, đặt tên cho cháu là Trình. Khi khai họ mẹ cho con, tôi thấy tủi thân, nhưng sau đó được yên tâm vì con tôi không dính dáng gì về pháp lý với cha ruột nó. Trong nhà bắt đầu có tiếng khóc trẻ thơ, tạo nên bầu không khí ấm cúng. Ba tôi lo đi chợ, nấu cơm, lau nhà, quét dọn. Dì Tư Kỳ và chị Tâm nhà kế bên giúp việc giặt giũ và tắm rửa cho em bé trong vòng một tháng. Sau đó, tôi tự lo lấy công việc.
Rất đông đồng nghiệp của tôi lần lượt đến thăm, tặng áo quần, khăn lông, vải trải giường cho em bé và thức ăn cho tôi. Một số nữ sinh cũng từ Thủ đức về Sài gòn thăm tôi. Sau nỗi bất hạnh to lớn, tôi bắt cảm nhận một chút hạnh phúc của cuộc đời và tình yêu thương của những tấm lòng nhân hậu quanh mình.
Một hôm chị thư ký công đoàn đến thăm và báo tin đã tìm được cho tôi một chân công nhân viên tại trường Mầm non. Đó là một nhà trẻ kiêm mẫu giáo. Tôi lật đật viết đơn xin chuyển ngành. Đích thân anh hiệu trưởng lo mọi việc nên lá đơn được chấp nhận nhanh chóng.
Khi hết hạn nghỉ hộ sản, tôi đến trình diện nhiệm sở mới. Chị giám đốc tiếp đón tôi một cách niềm nở. Chị nói với tôi:
- Tôi xem hồ sơ và biết chị đã tốt nghiệp đại học Sư phạm. Rất tiếc ở đây tôi chỉ thiếu một người lo việc ăn uống cho các cháu mẫu giáo. Công việc nầy không cần người có bằng cấp, thế mà học lực của chị quá cao, nhất là chị đã được đào tạo trong chế độ cũ tại Sài gòn. Chị hãy suy nghĩ lại đi.
Tôi vội vã đáp lời:
- Thưa bà giám đốc, nguyện vọng tôi hiện nay là được làm việc tại đây, xin bà hãy thu nhận tôi vào làm nhân viên cho nhà trẻ và mẫu giáo nầy, với bất cứ vai trò gì cũng được.
- Được, chị đã nói như thế thì tôi chấp thuận nguyện vọng của chị dù tôi vẫn tiếc cho tài năng của chị.
Tôi nói lời kiếu từ và xin ngày mai đến nhận việc. Bà giám đốc giữ tôi lại để tâm sự:
- Tôi vừa gặp chuyện hơi bực mình với một nhân viên. Thấy chị nói giọng Nam thì tôi cũng thích.
Tôi không hiểu bà giám đốc muốn nói gì nên im lặng lắng nghe bà giám đốc nói tiếp:
- Hầu hết các trưởng cơ quan hiện nay đều thích nhận nhân viên người miền Nam. Chúng tôi thích người miền Nam vì họ được đào tạo chuyên môn trong chế độ cũ nên kiến thức và tay nghề bảo đảm. Hơn nữa, người miền Nam thì chân thật, khiêm tốn và có tinh thần trách nhiệm cao.
Thấy bà giám đốc có dáng vẻ cởi mở và thân thiện nên tôi nói:
- Thưa bà, tôi vừa sinh cháu bé được ba tháng. Nhà tôi chẳng có ai săn sóc, tôi có thể đem cháu đến đây mỗi ngày được không?
Bà giám đốc nói với giọng sốt sắng:
- Được lắm chứ. Chị đem đến đây gửi cho cô phụ trách nhóm tuổi sơ sinh. Con của công nhân viên ở đây được gởi miễn phí. Cháu còn bú sữa mẹ không?
- Dạ còn.
- Tốt lắm. Chị cứ làm việc mình và đến giờ thì đến cho cháu bú.
Một lần nữa, tôi cám ơn bà giám đốc và ra về. Nghĩ đến chuyện không phải xa con, tôi nghe lòng mình vui phơi phới.

Từ đó, mỗi ngày, sáng sớm, hai mẹ con cùng đến nhà trẻ mẫu giáo rồi chiều cùng về nhà. Bác Sáu xích lô ở cùng xóm tình nguyện đưa rước mẹ con trong vòng sáu tháng, với món tiền thù lao hàng tháng rất thấp. Sau sáu tháng, cháu bé đã được chín tháng, có thể ngồi vững vàng thì tôi sẽ mua xe đạp chở cháu ở cái yên nhỏ phía trước hoặc phía sau. Mọi người trong xóm đều thương tôi và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Tôi cảm thấy mỗi ngày nỗi bất hạnh rút lui một xa dần nhường chỗ cho hạnh phúc nhè nhẹ đến với tâm hồn tôi.
Bé Trình, con tôi rất xinh. Hôm đầu tiên tôi đi làm, đem cháu đến nhà trẻ, ai cũng trầm trồ khen ngợi.
Một hôm, cháu bú xong nằm ngủ, bỗng nhoẻn miệng cười. Tôi nhìn cháu và đột nhiên thấy nó giống anh Định, người yêu xưa cũ của tôi. Tôi tự hổ thẹn vì nó là con của trung úy công an Thành chứ đâu phải của thiếu úy bộ binh Định. Tuy hổ thẹn nhưng từ trong chỗ sâu kín của tấm lòng, tôi vẫn mong con trai tôi giống Định hơn là giống Thành.
Công việc ở nhiệm sở mới của tôi cũng khá dễ chịu. Tôi có nhiệm vụ cân cho đủ trọng lượng các loại thức ăn sống do nhà thầu đem đến hằng ngày, kiểm tra vệ sinh nhà bếp và dùng xe đẩy, đưa thức ăn nấu chín về các phòng của các lớp mẫu giáo.
Bé Trình được cô phụ trách săn sóc có vẻ cẩn thận hơn các bé khác. Cứ mỗi ba giờ tôi ghé lại ôm cháu vào lòng để cho bú. Cứ mỗi lần tôi cho cháu bú, cô phụ trách lại khen cháu ngoan làm cho tôi vui sướng vô cùng. Mọi người ở đây đều có cảm tình với tôi giống như cảm tình mà các đồng nghiệp ở trường cấp ba đã dành cho tôi trước đây.
Công việc của tôi khá nhàn nhã, tôi có nhiều thì giờ rảnh rỗi nên thường đến phụ giúp các cô mẫu giáo. Bọn trẻ rất mến tôi làm cho nhiều người phải ngạc nhiên. Chúng gọi tôi là “má Ngọc”. Mỗi khi tôi đến lớp là chúng reo to: “má Ngọc, má Ngọc” rồi giành nhau chạy đến ôm tôi. Bọn trẻ làm tôi cảm động và hạnh phúc vô cùng.
Mỗi ngày, hai mẹ con ra đi từ sáng sớm. Ba tôi mở cổng và đứng đó nhìn hai mẹ con tôi lên xe xích lô, nhìn theo xe lăn bánh và có lẽ ba chỉ vào nhà khi chiếc xe khuất bóng sau ngã ba. Buổi chiều khi xe chở mẹ con quẹo vào trong hẻm thì tôi đã thấy ba đứng chờ trước cổng. Có lần bước xuống xe, tôi hỏi ba chờ lâu chưa thì ông chỉ mỉm cười mà không trả lời.
Khi xe ngừng, ông vội vã đưa tay đón cháu, hôn chùn chụt và bế cháu vào nhà.
Tôi thường thấy trên bàn và trong giường ngủ của ba một cuốn sách đọc dang dở. Tôi nhìn và biết ngay đó là sách của mẹ để lại. Mẹ có một tủ sách, hầu hết là sách khảo luận văn chương, sách triết học và tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới. Tôi biết, suốt ngày cô độc trong căn nhà trống vắng, ba làm bạn với những cuốn sách đó, vừa để tìm vui, vừa để nhớ người vợ hiền đang thảnh thơi trên miền tiên cảnh.

Cuộc đời phẳng lặn làm cho thời gian qua nhanh. Ngày lại ngày, tôi vui với công việc ở nhà trẻ mẫu giáo, vui với cảnh ông bế cháu và ru ngủ tại nhà.
Cháu Trình khỏe mạnh mau lớn. Lúc cháu được mười một tháng, cô phụ trách cho cháu vịn vách tường để tập đi. Ở nhà, một buổi chiều, thấy cháu đứng chựng và bước được hai bước, ông nhảy lên vỗ tay reo mừng. Rồi ba tôi nhảy nhót múa may làm trò hề. Thằng Trình khoái chí cười khanh khách. Tôi nhìn và ngây ngất trước cảnh đáng yêu nầy.
Khi bé Trình lên ba tuổi, cháu được vào lớp mẫu giáo đầu tiên gọi là “lớp mầm” của nhà trường. Hằng ngày tôi có dịp gần gũi cháu nhiều hơn vì tôi vẫn giữ chân phụ trách các bữa ăn cho các lớp mẫu giáo.
Ở nhà trẻ, tôi vẫn vui với các trẻ nhỏ, đầu óc thoải mái với công việc, nhưng khi về nhà tôi bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của ba tôi. Càng ngày ba càng biếng ăn và ốm đi rõ rệt. Ban đêm, ba thường húng hắn ho. Lúc có mặt tôi, ba lấy tay bụm miệng, nhăn mặt cố nén cơn ho nhưng ít khi nén được. Mỗi lần như thế, ba lại lấy tay ôm ngực.
Tôi lo quá, nhưng hỏi thì ba lại bảo không sao, chỉ là chứng ho cảm của người già khi trái gió trở trời.
Một hôm, tôi đưa bé Trình đến trường rồi xin nghỉ một buổi sáng, đưa ba đến y tế phường. Người ta khám xong cũng nói ba bị ho cảm, cho mấy viên thuốc ho là xong. Ba uống hết những viên thuốc nầy mà bệnh không thuyên giảm, trái lại có phần tăng lên.
Tôi khổ quá chẳng biết tính sao, chạy đến hỏi ý kiến bà Tư Sanh vì nghe nói trước 1975 bà ấy là y tá. Bà bảo có thể ba bị lao. Bây giờ, người ta ăn uống thiếu thốn, nên bệnh lao hoành hành trở lại. Tôi lại xin nghỉ nửa ngày đưa ba đến bệnh viện đa khoa để khám lao. Người ta kết luận không có vi trùng lao.
Bệnh của ba tôi càng ngày một nặng thêm nhưng ông vẫn cố tỏ ra khỏe mạnh để tôi an lòng. Nhưng tôi an lòng sao được. Mỗi buổi chiều đạp xe chở con về, trông thấy ông đứng xiêu xiêu trước cổng, nước mắt tôi chực trào ra.
Một hôm, tôi về không thấy ông đứng đón, tôi vội vã thò tay mở cổng, dẫn xe vào nhà, thấy ba nằm nghiêng trên giường, hai tay ôm ngực. Thấy tôi vào, ba cố ngồi dậy, ho một tràng dài rồi nói một cách mệt nhọc:
- Khi nãy ba ra đón cháu mà mệt quá nên phải vào nằm.
Ba lại ho rồi lo lắng nói tiếp:
- Hôm nay con đi làm có mệt không? Cháu Trình có ăn được không?
Tôi vội vã nói:
- Ba nằm nghỉ cho khỏe đi. Con và bé Trình vẫn như mọi bữa.
Tôi đỡ ba nằm xuống rồi bước ra ngoài, lòng bấn loạn. Nhất định nội trong ngày mai phải đưa ba vào nhà thương. Nhưng ai sẽ ở trong đó với ba? Tôi có thể xin nghỉ vài hôm, nhà cửa có thể khóa lại rồi gởi cho hàng xóm dòm chừng, nhưng bé Trình thì gởi cho ai? Tôi ngồi thừ ra suy nghĩ một lúc và nhớ đến cô Ba, em ruột duy nhất của ba, nhà ở tỉnh Sông Bé. Chồng của cô là công nhân cơ khí, cô phải mở quán xép bán tạp hóa tại nhà để phụ giúp với chồng nuôi bốn đứa con còn ăn học. Cô khổ, nhờ cậy cô cũng tội nhưng không biết cách nào khác.
Tạm có giải pháp rồi, tôi tất tả đi lo buổi cơm chiều. Thằng Trình thấy ông nằm yên trên giường thì thôi vòi vĩnh, nó lê la xuống bếp chơi một mình. Khi tôi mời ba xuống ăn cơm, ba bảo mệt không thể nào ăn được. Hai mẹ con buồn bã ngồi ăn với nhau.
Tôi nấu cho ba nồi cháo, nhưng ba chỉ ăn được một chén lưng rồi đi ngủ.
Buổi tối, đưa con vào giường tắt đèn nhưng tôi cứ thao thức lắng nghe hơi thở mệt nhọc của ba và những tràng ho dài. Đến quá nửa đêm tôi mới ngủ được.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm vào buồng thấy ba đang ngủ say, hơi thở đêu đặn. Tôi viết mấy chữ rồi sang nhờ bác Sáu xích lô lên Thủ dầu một nhắn cô Ba về gấp.
Khi tôi hâm xong nồi cháo nấu hồi hôm thì ba thức dậy. Tôi múc cháo cho ba ăn, nói cho ba biết hôm nay tôi và cô Ba đưa ba đi nhà thương. Ba không nói gì, ôm ngực ho rồi lắc lư đi vào giường.
Tôi chở con đến trường, gởi con lại và xin phép về nhà. Cô Ba đã ngồi sẵn trong buồng nhìn ba và đợi tôi. Hai cô cháu thuê xe đưa ba vào bệnh viện Nhân dân Gia định. Người ta cho ba nhập viện và bắt đầu làm công việc xét nghiệm. Buổi chiều và đêm, cô Ba ở lại bệnh viện còn tôi lại trường đón cháu về nhà. Hôm sau tôi đưa cháu đến trường rồi vào ngay bệnh viện. Hết ngày hôm đó, việc xét nghiệm vẫn chưa xong. Ba được chích thuốc gì đó; có lẽ là thuốc trợ lực, nhưng bệnh tình ba cứ nặng thêm, ho nhiều hơn và bắt đầu rên rỉ vì đau và tức trong ngực, hơi thở rất nặng nhọc.
Ngày hôm sau là ngày 29 tháng tư, người ta chuẩn bị cho hai lễ lớn: “giải phóng miền Nam” và quốc tế lao động. Cờ xí, biểu ngữ rực rỡ khắp nơi, kể cả trường Mầm non của bé Trình và trong nhà thương nơi ông ngoại cháu đang nằm. Như hai ngày trước, tôi đưa cháu đến trường rồi vội vã đạp xe đến nhà thương.
Cô Ba đứng ngoài hành lang ra hiệu cho tôi biết bác sĩ đang khám bệnh . Tôi hơi lấy làm lạ vì hôm nay bác sĩ khám sớm hơn thường lệ.
Tôi đang đứng dựa bờ hành lang thì vị bác sĩ vừa khám xong cho ba tôi, xăm xăm đi tới. Sau khi hỏi và biết tôi là con của người bệnh mà ông vừa khám, ông nói nho nhỏ:
- Có kết quả xét nghiệm rồi. Ông bị ung thư phổi vào thời kỳ cuối cùng, không hi vọng chút nào.
Tôi nghe nói thì nước mắt trào ra:
- Tại tôi đưa ba tôi đến đây quá trễ.
Bác sĩ lắc đầu với vẻ thương hại:
- Tôi xin nói cho chị biết, với bệnh nầy đem đến đây sớm hơn cũng chẳng ích lợi gì. Bây giờ chị hãy bình tĩnh nghe tôi nói đây. Bệnh của ông trầm trọng lắm rồi. Ông có thể qua đời trong đêm nay hoặc sáng mai. Người ta đang bận rộn với hai lễ lớn liên tiếp nên nếu ông qua đời trong bệnh viện thì thủ tục đưa xác về có thể rắc rối hơn ngày thường.
Tôi cố cầm nước mắt, cám ơn bác sĩ và cùng với cô Ba xin cho ba tôi xuất viện. Cô ba theo xe đưa ba về nhà, còn tôi tất tả chạy qua nhà trẻ đón thằng Trình.
Khi tôi về đến nhà, ba đã mệt lắm, thở rất khó khăn nhưng chưa hôn mê. Mắt ba nhìn lờ đờ nhưng rõ ràng đầu óc còn sáng suốt. Tôi đặt ba vào giường, kéo chiếc mền mỏng đắp cho ba. Tôi nghĩ từ ngày mai tôi sẽ không còn trông thấy ba nằm trên giường nầy nữa. Lòng tôi thản thốt bấn loạn. Tôi vội đi nhanh xuống bếp, gục mặt lên vách tường mặc cho hai dòng nước mắt tuôn rơi lả tả.
Khóc đã rồi, tôi rửa mặt, lau cho khô ráo, vào buồng của ba tôi, ngồi xuống chiếc ghế dựa và nhìn ba nằm thiêm thiếp như đang ngủ say. Bỗng nhiên, ông cựa mình và mở mắt ra nhìn tôi, miệng mấp máy. Tôi vội rời ghế quỳ xuống bên giường, lắng nghe giọng ba thì thào:
- Cháu Trình đâu rồi?
- Con gởi cháu bên nhà dì Tư Kỳ.
- Đem cháu về đây cho ba.
Ông cố gắng nói tiếp:
- Con đừng sợ, ba đã hỏi kỹ bác sĩ, bệnh của ba không lây cho ai cả.
Tôi biết rõ điều đó, bệnh ung thư thì không thể lây qua sự đụng chạm vơi người bệnh. Tôi lật đật sang nhà cô Ba Kỳ dẫn bé Trình về, đưa vào buồng, đẩy nhẹ cháu đến sát giường.
Tôi kéo tấm khăn xuống chân ba. Ông đưa tay nắm lấy bàn tay bé Trình. Nhìn bàn nhỏ bé mum múp của đứa cháu trong bàn tay gầy guộc của ông ngoại, tôi cảm động quá, lại phải cố gắng ngăn nước mắt.
Ông nhìn mặt cháu, thì thào:
- Cháu Trình có thương ông không?
Trình mếu máo:
- Có. Con thương ông ngoại lắm.
Ba tôi mỉm cười, Ôi, nụ cười của người biết mình sắp lìa trần sao mà hiền lành và đầy vẻ đau thương đến thế!
Ông thì thào tiếp:
- Cháu phải ngoan với mẹ cháu. Thôi cháu đi chơi cho ông nghỉ.
Tôi biết đó là lời dặn dò cuối cùng của ông ngoại đối với đứa cháu vô cùng yêu thương của ông.
Thấy ba tôi nói chuyện được, cô Ba pha một ly sữa, dùng muỗn đổ vào miệng ba. Ông không thể nuốt được nên sữa trào ra khỏi miệng. Cô Ba vội vã dùng khăn ướt lau cho khô rồi ra ngoài.
Tôi biết phút lâm chung của ba sắp đến rồi nên quyết định suốt đêm ngồi bên ba, để khi ba lìa bỏ trần thế thì có tôi đưa tiễn.
Đến hai giờ khuya, tôi đang ngủ gục trên ghế thì nghe tiếng gọi:
- Hồng Ngọc con.
Tôi giật mình tỉnh giấc, thấy ba nhìn tôi. Mắt ba không lờ mờ mà sáng quắc một cách lạ thường. Tôi hoảng hốt nhớ lại có lần người ta bảo trước khi nhắm mắt vĩnh viễn thì có người nhìn lại trần gian bằng đôi mắt sáng quắc.
Tôi đứng bật dậy, cúi xuống gần mặt ba. Ba cố nén cơn ho, giọng ngắt khoảng nhưng nghe rõ ràng hơn khi chiều:
- Sao con không đi ngủ?
Tôi thổn thức:
- Không, con muốn ngồi gần ba suốt đêm nay.
Ba hơi mỉm cười. Đột nhiên, tôi nghe ông hỏi với giọng ngập ngừng:
- Mấy năm nay con có được tin thằng Định không?
Tôi ngạc nhiên buộc miệng hỏi:
- Ba nói ai?
- Thằng Định lúc trước đi hỏi con làm vợ, … muốn cưới con mà không thành…. Không biết nó còn sống hay không.
Tôi cố ngăn tiếng nấc. Tôi biết ba sắp đi rồi nên không giấu ba làm gì.
- Ba ơi. Anh Định chết rồi.
- Chết lúc nào?
- Chết ngay ngày 30 tháng tư năm 1975 ở Lai khê, lúc chận xe tăng của địch tiến về Sài gòn.
- Vậy à, tử trận… anh hùng.
Ba nhắm mắt một lúc rồi mở ra:
- Con có thờ nó hay không?
- Con không có tấm hình nào của anh Định nhưng con thờ anh ấy chung với mẹ và anh Quân.
- Ừ, vậy là phải…. Ba muốn đốt cho nó một cây nhang…. Con đưa ba ra chỗ bàn thờ đi.
Tôi hoảng hốt:
- Nhưng ba còn yếu lắm mà; để vài hôm nữa ba mạnh lại rồi đốt nhang cho anh Định cũng được.
- Ba biết không còn dịp nữa đâu…. Con ra gọi cô Ba vào phụ dìu ba đi.
Tôi vội chạy đi đánh thức cô Ba. Hai cô cháu hai bên, xốc ba ngồi dậy, định dìu ba ra trước bàn thờ. Tuy nhiên, ba yếu quá, đầu quẹo sang một bên; chúng tôi sợ quá, vội đặt ba nằm xuống. Ba nhắm mắt, cố nén cơn ho, giọng thì thào, nhắc lại ý định của mình:
- Ba muốn đốt nhang cho thằng Định.
Giọng cô Ba nghẹn ngào:
- Anh nằm đây. Em đi đốt một cây nhang đưa cho anh cầm và khấn nó rồi em đem cắm vào bàn thờ giúp cho anh.
Ba gật đầu bằng lòng.
Cô Ba đi ra một phút rồi bước vào với cây nhang đang cháy trên tay. Bàn tay ba run run trong tay tôi, nhận lấy cây nhang đưa lên trán trong vài giây rồi trả lại cho cô Ba đưa ra cắm vào lư nhang trên bàn thờ. Ba nhắm mắt lại, miệng hơi mỉm cười, có vẻ hài lòng vì đã trao tặng cây nhang đầu tiên và cuối cùng cho linh hồn chàng rể hụt của ba.
Thấy ba nhắm mắt nằm yên, cô Ba kéo mền lên cho ba rồi đi ra. Tôi cảm thấy rất mỏi mệt nên ngồi xuống ghế, cố điều hòa hơi thở.
Gần sáng, tôi chợp mắt được một chút, đến khi thức dậy thì ba tôi không còn thở nữa. Ba đã ra đi trong im lặng hoàn toàn!
Tôi nhào đến giường úp mặt vào bàn tay giá lạnh của ba, khóc nức nở.

Đám tang ba tôi được tiến hành với đầy đủ lễ nghi. Cô Ba sắp đặt mọi việc. Tôi quá bi thương nên chỉ có việc nghe lời chỉ bảo của cô mà thôi. Trong hai ngày quan tài quàng tại nhà, người đi phúng điếu liên tục ra vào. Hàng xóm, bạn bè cũ ở trường cấp ba, bạn bè mới ở trường Mầm non, học sinh các lớp tôi làm chủ nhiệm trước đây đều đến chia buồn. Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Số tiền phúng điếu cũng kha khá, đủ để trang trải mọi phí tổn. Nhờ đó đời sống vật chất của hai mẹ con tiếp tục được ổn định sau khi đưa ba tôi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong những ngày tang khó, tôi khóc sưng cả mắt, nhưng nhờ có đông người nên ít cảm thấy buồn. Xong việc rồi, ai về nhà nấy, nhà tôi trở nên quá trống vắng, Nhìn cái bàn trong phòng khách, tôi nhớ ba tôi ngồi uống nước trà; nhìn cái giường trong buồng, tôi nhớ ba tôi nằm gác tay lên trán; nhìn vào bếp, tôi nhớ cái lưng khòm khòm của ba khi cúi xuống thổi lửa; và vô số những hình ảnh của ba trong căn nhà nầy.
Tôi được trường Mầm non cho nghỉ mười ngày để lo đám tang nhưng chưa hết thời hạn, tôi trở lại làm việc cho vui, ở nhà chỉ có hai mẹ con đi ra đi vào buồn quá.
Công việc bận rộn với lũ trẻ mẫu giáo làm cho tôi khuây khỏa, nhưng buổi chiều về đến nhà tôi lại chảy nước mắt vì nhớ thương ba tôi.
Dần dà rồi nỗi buồn đau cũng vơi đi. Thời gian là liều thuốc tiên chữa lành vết thương lòng, người ta đã nói đúng.

Sắp tròn một năm sau ngày ba tôi mất, cô Ba đem nhang và một giỏ trái cây đến rất sớm. Tôi đang chuẩn bị bữa ăn sáng thì cô gọi cửa.
Bước vào nhà cô nhìn quanh rồi hỏi với giọng bực tức:
- Cháu có nhớ hôm nay là ngày giỗ của ba cháu không?
- Dạ nhớ,
- Nhớ sao nhà trống trơn vậy nè. Cháu không tính cúng kiến gì cả sao?
- Con tính dời lại mười ngày cho đúng vào ngày dương lịch.
Cô Ba dậm chân xuống đất:
- Trời đất, ông nội mẹ ơi! Ai lại đi cúng theo ngày dương lịch, phải cúng theo ngày âm lịch chớ. Ông bà mình dạy như vậy, từ xưa nay người Việt Nam mình đều theo như vậy. Bây giờ tụi bây học theo Tây cái gì cũng theo dương lịch rồi quên cả gốc gác tổ tiên ông bà đi. Thôi tao đi về, đừng hòng tao trở lại đây nữa.
Tôi hoảng hốt, chạy lại nắm tay cô Ba:
- Thôi con xin lỗi cô Ba. Cô Ba sửa soạn giúp con đi, con vào trường Mầm non xin phép nghỉ hôm nay rồi chở bé Trình về ngay. Đây, cô Ba lấy tiền mà đi chợ.
Tôi định móc bóp thì cô Ba xua tay:
- Khỏi cần, tao có tiền đây, thôi chở cháu đi nhanh rồi về đây lo cúng kiến với cô.
Tôi nắm tay cô:
- Mà cô hết giận con chưa?
Cô Ba không trả lời mà cười lỏn lẻn, có vẻ hài lòng lắm.
Khi tôi về thì mọi việc đều xong xuôi. Tôi lật đật đi mời vài nhà hàng xóm rồi lên đèn, đốt nhang cúng vái. Đến trưa, hai cô cháu dọn dẹp xong thì cô Ba về.
Đúng mười ngày sau, ngày 30 tháng tư, tôi chính thức làm đám giỗ. Tôi không dám mời cô Ba và hàng xóm mà mời vài đồng nghiệp của tôi thôi.
Hôm nay là ngày lễ lớn, kỷ niệm “giải phóng” miền Nam. Thành phố rực rỡ với cờ và biểu ngữ. Tất cả công sở và trường học đều được nghỉ.
Trước ngày nầy một tháng, sau nhiều đêm thao thức suy nghĩ, tôi mới đi đến quyết định phá lệ cổ truyền, làm đám giỗ ba tôi vào ngày mất theo dương lịch. Tôi nhớ vài giờ trước khi mất, ba tôi đốt cây nhang đầu tiên và cuối cùng cho anh Định sau khi nghe tôi nói anh đã ra đi vào ngày định mệnh nầy. Có lẽ giờ nầy hai người đã sống hòa đồng trên tiên cảnh và ba đã công nhận anh Định là con rể của mình rồi.
30 tháng tư là ngày định mệnh. Tôi quyết định, kể từ năm nay, trong ngày định mệnh nầy, có ba cái giỗ cùng lúc:
Giỗ thứ nhất dành tưởng nhớ ba tôi, người đã sinh tôi ra, nuôi cho tôi khôn lớn và chia sẻ vui buồn với tôi trong suốt nhiều năm sau khi miền Nam sụp đổ.
Giỗ thứ hai dành tưởng nhớ anh Định, người đã dẫn tôi vào khu vườn tình yêu diễm lệ, cho tôi biết được sự rung động của nụ hôn đầu đời.
Giỗ thứ ba dành tưởng nhớ Việt Nam Cộng hòa, chính thể đã cung cấp cho tôi tuổi thơ êm đềm, dạy cho tôi kiến thức nghề nghiệp, lòng ham muốn tự do dân chủ và đạo lý làm người.
Ngày định mệnh trở thành ngày kỷ niệm lớn của đời tôi. Bên ngoài người ta đang làm kỷ niệm một cách “hồ hởi phấn khởi” thì trong nhà tôi cũng làm kỷ niệm với nỗi buồn và thương nhớ khôn nguôi.

*
* *

Năm học cũ kết thúc rồi năm học mới bắt đầu. Cháu Trình lên lớp Lá, lớp mẫu giáo lớn nhất trong trường. Cháu rất ngoan, các cô nuôi dạy trẻ và hàng xóm ai cũng khen. Tôi rất hãnh diện về cháu. Nghĩ cuộc đời cũng lạ. Cháu được sinh ra từ nỗi bất hạnh lớn nhất của tôi, nay lại trở thành nguồn sống vui lớn nhất của tôi. Lắm khi thấy cháu không có cha, trong khi mỗi buổi chiều, hầu hết những đứa trẻ khác được cha đón về, tôi nghe xót xa trong lòng.
Từ khi chia tay đến nay, tôi không hề gặp và cũng không hề nghe tin tức anh Thành, cha của con tôi. Tôi đã làm vợ của anh ấy nhưng thực lòng chưa yêu anh ấy dù đêm đêm buộc phải ân ái với anh. Nhưng tôi biết anh thực lòng yêu tôi, chắc chắn yêu hơn cái mụ vợ hung dữ và đanh đá ở quê nhà. Không yêu anh và như được giải thoát khi chia tay, nhưng nhớ đến mối tình thắm thiết của anh đối với tôi, đôi khi tôi cũng ngậm ngùi.

Một buổi chiều, hai mẹ con về đến cổng, chưa kịp vào nhà thì dì Tư Kỳ vội vã chạy sang nói:
- Cô Ngọc ơi, sáng nay có một ông ăn mặc sang trọng đến tìm cô mà không gặp nên sang nhà tôi hỏi đúng tên cô. Tôi bảo cô Ngọc đi làm dẫn con nhỏ theo, chiều mới về. Nghe tôi nói cô có con nhỏ, ông ấy có vẻ chú ý, hỏi tôi chồng của cô cũng đang đi làm phải không? Tôi nói cô không có chồng. Ông ấy ngạc nhiên hỏi vậy chớ con nhỏ đó là con ai. Tôi nói con của cô. Người ta lấy cô có con rồi bỏ. Ý, mà xin lỗi cô, cái tính của tôi là có sao nói vậy, cô đừng phiền nghe.
Tôi thản nhiên:
- Có gì đâu mà phiền dì Tư. Chuyện đúng như vậy, đầu trên xóm dưới ai cũng biết mà.
- Ừa, tôi đâu có biết nói láo, có sao nói vậy mà.
Tôi gật đầu, cười một cái cho dì Tư yên tâm:
- Dì Tư nói tôi bị chồng bỏ thì cái ông nào đó có lời chia buồn với tôi không?
Dì Tư xua tay lia lịa:
- Ngược lại là đằng khác, ổng nghe xong mặt mày tươi rói; nhìn thì tôi biết ông ấy rất “hổ hởi phấn khởi”.
Tôi ráng nín cười hỏi tiếp:
- Mà ông ấy là ai, tên gì?
- Đây nè, có cái thiệp ông ấy để lại, bảo trao cho cô.
Dì Tư vội vã móc túi đưa ra một miếng bìa cứng. Đó là cái carte de visite, in tiếng Pháp: “Kỹ sư Phan huy Hà, công ty xây dựng Eiffel, Paris”. Mặt sau có mấy chữ viết tay bằng tiếng Việt: “Tôi sẽ trở lại thăm vous vào sáng chúa nhật sắp tới”.
Đọc xong, tôi cố suy nghĩ và chắc chắn mình không có người quen nào trên Phan Huy Hà cả. Vậy thì cái ông Hà nầy đến tìm tôi để làm gì. Hay là ông ta muốn nhờ cậy tôi xin cho con hay cháu vào nhà trẻ hay mẫu giáo. Thôi thì cứ chờ đến chúa nhật thì biết. Hôm nay mới thứ sáu, còn hai ngày nữa.
Tôi cám ơn dì Tư rồi dắt xe đạp vào, con tôi vẫn còn ngồi trên yên sau.
Sáng chúa nhật, tôi quên mất cái hẹn, đang lui cui dọn dẹp thì có tiếng gọi cửa. Bây giờ tôi mới sực nhớ đến cái ông Hà nào đó nên vội vàng ra mở cổng. Trước mặt tôi là một người ăn mặc bảnh bao, khoảng hơn ba mươi tuổi. Tôi thầm nghĩ: “Đúng là dân Parisien rồi”. Tôi mở cổng và hỏi:
- Xin lỗi, ông có phải là….
- Vâng, tôi là Phan Huy Hà.
- Xin mời ông vào.
Tới phòng khách tôi mời ông ngồi ghế và tôi ngồi đối diện với ông. Ông nhìn tôi chăm chú rồi lên tiếng:
- Vous không khác xưa nhiều lắm. Có lẽ chị không nhớ tôi.
Tôi lắc đầu:
- Xin lỗi ông.
- Tôi xin tự giới thiệu. Mười năm trước, tôi là thiếu úy Phan huy Hà, bạn rất thân của thiếu úy Nguyễn văn Định, ở bộ Tư lệnh sư đoàn Năm, đóng tại Lai khê.
Tôi nghe choáng váng mặt mày, gần hụt hơi; cố gắng lắm mới thì thầm được câu nói:
- Tôi nhớ rồi. Lúc đó anh đến báo tin anh Định tử trận vì đạn đại bác của quân thù phải không?
- Vâng đúng vậy.
Bỗng dưng quá khứ ào ạt trở về, tôi cố gắng không bật khóc trước mặt người bạn thân của chồng chưa cưới, nhưng mắt tôi hoa đi, đầu óc váng vất. Giọng Hà thân mật:
- Tôi còn nhớ rõ con đường dẫn vào đây và giàn bông giấy tím ngát rước cổng nhà chị. Nhà cửa, đường đi vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi nên tôi tìm được nhà không mấy khó khăn. Tôi nhớ lúc đó có bác gái ở nhà.
Tôi thở dài:
- Mẹ tôi mất rồi.
- Tôi xin chia buồn trễ với chị.
- Cám ơn anh. Anh qua Pháp từ lúc nào?
- Hai ngày sau khi đến đây báo tin Định qua đời, tôi xuống ghe đánh cá ra khơi. Lúc đó cộng sản Bắc Việt đang lo việc chiếm đóng trên bộ nên đường thủy bị bỏ ngỏ, ghe chở người trốn thoát được dễ dàng. Tôi được vớt ngoài hải phận quốc tế và được định cư tại Pháp.
- Anh về đây lúc nào?
- Tôi xuống phi trường sáng thứ năm, thứ sáu đến đây tìm chị và hôm nay mới được gặp.
- Tôi nghe nói người bỏ trốn bị lên án là phản quốc nên xin được phép về Việt Nam khó khăn lắm.
-Tôi nhờ người quen ở hội Việt kiều yêu nước tại Paris, nhận tôi là hội viên của cái hội quỷ quái đó. Nhờ vậy, tôi xin được tờ giấy nhập cảnh của tòa đại sứ Việt cộng.
- Anh về để thăm gia đình?
- Vâng, tôi về thăm gia đình mà cũng có mục đích khác nữa. Do đó, xuống phi trường, lo chỗ ở tại khách sạn xong thì hôm sau tôi đến đây, chị bận đi làm tôi không gặp được nên vội vã về nhà cha mẹ tôi.
- Ông bà ở đâu?
- Tại Giồng trôm tỉnh Kiến hòa, tức là Bến tre. Ở đó chơi hai ngày, sáng sớm nay, vội vã về Sài gòn để đến tìm chị, cứ lo không được gặp. May quá hôm nay được thấy mặt chị.
Tôi thực ngạc nhiên và hơi hoang mang khi nghe ông Việt kiều nầy cứ nhắc đi, nhắc lại chuyện đến tìm gặp tôi. Có lẽ, anh nầy là bạn thân của Định nên nghĩ rằng tôi còn giữ kỷ vật nào đó của Định có liên quan đến anh ta. Nhưng tôi có giữ kỷ vật nào của anh Định đâu ngoài nỗi thương nhớ.
Đang suy nghĩ miên man, tôi giật mình vì tiếng nói của Hà:
- Chị có cho rằng sự thành thực luôn luôn đáng quý không?
Bỗng nhiên Hà đổi đề tài làm tôi không hiểu anh muốn nói gì. Thấy tôi ngơ ngác, Hà lặp lại câu hỏi:
- Nếu người khác nói ra một sự thực có thể làm phiền lòng hay không?
Tôi lắc đầu:
- Không, sự thực bao giờ cũng đáng quý. Tôi đã tốt nghiệp đại học Sư phạm Sài gòn và tôi có nhiều năm dạy văn học. Tôi thường nói với học sinh rằng trong ba tiêu chuẩn đạo đức thì chân đứng đầu, sau đó mới tới thiệnmỹ. Sự thành thật luôn luôn quý, trong bất cứ trường hợp nào.
- Cám ơn chị, tôi sẽ trình bày sự thật ngay hôm nay. Tôi chỉ lưu lại ở Việt nam đúng mười ngày, nên cái việc tôi đã ấp ủ cả mười năm nay phải được giải quyết dứt khoát. Nhưng trước khi trình bày sự thực của tôi thì tôi cũng xin phép chị cho tôi biết một vài sự thực của chị trong mười năn vừa qua, xin chị đừng cho tôi là bất nhã.
- Không sao, anh đừng ngại. Anh đã là chiến hữu của anh Định thì tôi tự nghĩ nên thành thực với anh. Anh muốn biết điều gì xin anh cứ nói.
Hà ngần ngừ một chút rồi đột ngột hỏi:
- Chị lấy chồng trong trường hợp nào?
Tôi hơi ngạc nhiên vì câu hỏi khá sỗ sàng. Tại sao một người bạn của Định lại muốn biết điều nầy. Ý nghĩ đó làm tôi rơi vào cảm giác phiền muộn, cứ như mình có lỗi với người xưa. Tôi im lặng một phút rồi chậm rãi nói:
- Tôi bị người ta lừa gạt.
Hà nhìn tôi, khẽ nhíu mày:
- Nhưng chị có yêu ông ấy chứ?
- Không yêu tí nào.
Hà hỏi lại:
- Chị không yêu tí nào? Nhưng chị vẫn lấy ông ấy?
Tôi thở dài, gật đầu. Hình ảnh ốm yếu của ba tôi hiện ra trước mắt, mỗi buổi chiều ông đứng dưới giàn bông giấy lo lắng chờ tôi với thằng Trình về. Tôi đưa tay lên chặm mắt:
- Tôi lấy anh ta vì hoàn cảnh lúc đó, vì muốn có chỗ nương tựa, mà tôi lại không suy nghĩ cặn kẽ.
Hà gật gù:
- Nhưng tại sao hai người chia tay?
- Tôi đã nói tôi bị lừa gạt. Anh ta đã có vợ và ba con ở tại Cao bằng và vào đây công tác. Nhưng anh ta đã nói dối với cha con tôi là còn độc thân rồi cẩn thận đi làm hôn thú với tôi nữa. Chị vợ hay tin lặn lội vào đây đánh ghen. Tôi phải hối lộ mới yên.
- Hối lộ cái gì?
- Chiếc Honda của anh ruột tôi để lại trước khi đi vào chỗ chết. Chị ấy rinh cả chiếc Honda và ông chồng về Bắc rồi bặt tin luôn đến bây giờ.
Hà bật cười:
- Tôi hiểu người Bắc vào đây thì mê xe gắn máy lắm. Chiếc xe là cả gia tài của họ. Chị có một đứa con với ông ấy?
Tôi xoa đầu con tôi đang đứng ở gần:
- Vâng, cháu Trình đây.
- Cám ơn chị, tôi hiểu cả rồi.
Tôi mỉm cười, trong lòng vui vui khi cảm thấy dường như sự thân mật bắt đầu xuất hiện giữa tôi và người bạn thân thiết xưa kia của người yêu cũ. Tôi nhìn vào mắt anh và hỏi:
- Bây giờ đến sự thực của anh. Anh cho phép tôi hỏi chứ?
Hà cười gật đầu:
- Dĩ nhiên, mình đã thỏa thuận rồi mà. Xin chị cứ hỏi.
- Kỳ nầy anh về có chị và các theo về không?
- Không, tôi về một mình. Hiện tại tôi không có vợ con gì cả.
Tôi hơi ngạc nhiên nên hỏi tiếp:
- Từ khi được định cư tới nay, anh vẫn sống độc thân à?
- Không. Qua Pháp, tôi đi học lấy được bằng kỹ sư xong, có việc làm thì tôi cưới vợ. Được một năm, chúng tôi ly dị mà chưa kịp có con, cũng may.
- Tại sao anh chị ly dị?
- Hai đứa không hợp tính nhau, chuyện vợ chồng nhạt nhẽo, chán phèo.
Tôi hỏi đùa:
- Đó là tất cả sự thực mà anh muốn nói phải không?
Hà vội xua tay:
- Không phải. Điều mà tôi muốn nói với chị không phải như thế.
- Xin anh cứ nói, tôi sẵn sàng nghe.
- Chị có nhớ buổi sáng ngày 2, tháng năm, 1975 không?
Tôi nhíu mày suy nghĩ:
- Tôi không nhớ đó là ngày gì.
- Ngày tôi đến gặp chị và hai bác để báo tin anh Định hi sinh. Lúc đó chị đang đau khổ nên không để ý đến tôi chút nào. Tôi thì ngược lại, tôi bị tiếng sét ái tình đánh ngay lúc đó.
Tôi trố mắt nhìn Hà rồi bỗng nhiên bật cười:
- Tôi nhớ lá thư tỏ tình đầu tiên mà anh Định gởi tôi cũng nói bị sét đánh ngay lần đầu tiên gặp tôi. Có lẽ ông chồng mà tôi đã chia tay cũng thế.
Hà gật đầu:
- Thanh niên gặp chị bị tiếng sét đánh trúng thì cũng thường thôi.
Tôi thấy vui vui:
- Anh nói đùa thật có duyên. Thế thì có lẽ tiền kiếp của tôi là thiên lôi, được trời phái xuống trần làm kiếp con gái đàn bà để đánh mấy ông thanh niên.
Hà bỗng nghiêm mặt nhìn tôi:
- Không. Tôi không nói đùa. Tôi đang nói thật.
Tôi thấy má mình nóng lên:
- Chẳng lẽ tiếng sét đó vẫn còn chút âm hưởng trong lòng anh?
- Mười năm rồi mà tôi vẫn lao đao vì nó. Ngay từ khi nhận giấy nhập cảnh của tòa đại sứ Việt Nam tại Paris, tôi cứ cầu mong về đây được gặp chị. Cầu mong chị chấp thuận cho tôi bảo lãnh chị qua Pháp.
Tôi sửng sốt nhìn anh, giọng lạc hẳn đi:
- Chỉ gặp nhau có một lần, làm sao anh dám tin có thể đi cùng tôi suốt cả cuộc đời?
- Tôi yêu chị từ trong những ngày tháng làm bạn với Định. Những buổi chiều trong cư xá sĩ quan ngồi đốt thuốc nhìn Định đọc thư chị. Đêm đêm, trên tiền đồn nghe Định kể về chị. Cận kề cái chết nghe Định nhắc tên chị.
Tôi run run ngắt lời:
- Anh Định có nhắc đến tôi trước khi tử trận sao?
Hà chậm rãi gật đầu:
- Chuyện này tôi có kể cho mẹ chị rồi. Khi quân xa của địch kéo vào phòng tuyến, Định còn quay sang tôi dặn dò lần cuối: "Nếu tao chết, mày về gặp Ngọc, nói là tao yêu Ngọc".
Tôi nghe như có ai đâm một nhát vào tim mình. Nỗi đau mười năm vẫn còn nguyên vẹn đó, dù nét mặt người yêu đã nhạt mờ trong ký ức. Tôi ôm ngực, mắt nhòa đi.
Hai đứa ngồi yên bên nhau rất lâu, mỗi người theo đuổi mối suy tư của mình. Cho đến khi thằng Trình chạy đến nắm áo tôi:
- Mẹ ơi. Con đói bụng rồi.
Tôi rưng rưng nước mắt xoa đầu con:
- Ừ, Trình vô phòng dọn dẹp đồ chơi, rồi mẹ lấy cơm cho con ăn.
Thằng Trình hôn lên mu bàn tay tôi một cái "chụt" rồi vui vẻ chạy vào phòng, miệng hát líu lo. Tôi quay sang nhìn thẳng vào mắt Hà, chậm rãi nói:
- Cuộc đời tôi chỉ có một mối tình dành cho anh Định. Sau khi cuộc hôn nhân không tình yêu đổ vỡ, lòng tôi rất chán ngán chuyện lập gia đình. Bây giờ, tôi chỉ muốn sống độc thân để nuôi nấng, dạy dỗ con tôi cho nên người.
Hà thở dài, giọng buồn bã:
- Tôi cũng đoán là mình không có hy vọng gì chiếm được một chỗ trong trái tim của chị.
Tôi lắc đầu, nói nhỏ:
- Nhưng trong trái tim của anh cũng không có chỗ cho tôi.
Hà nhìn tôi ngỡ ngàng:
- Chị nói vậy nghĩa là sao?
- Tôi không nằm trong trái tim của anh. Tôi nằm trong quá khứ của anh. Một quá khứ đẹp đẽ, dang dở mà anh vô cùng yêu thương. Có lẽ, vì vậy mà anh trở lại đây, để tìm lại một phần quá khứ đã mất.
Anh im lặng, nhìn một lúc ra bầu trời bên ngoài cửa sổ. Tôi cũng im lặng, thấy lòng nhớ nhung quay quắt những ngày tháng êm đềm và đẹp đẽ xa xưa. Mãi rồi Hà mới cất giọng, nói với tôi một cách trìu mến:
- Chị cho tôi bàn với chị một vấn đề khác. Tôi làm việc này vì Định, vì lời hứa với bạn tôi.
Tôi nhìn anh chăm chú:
- Xin anh cứ nói.
- Tôi về quê gặp nhiều người nói chán ghét cái chế độ hiện tại và ước muốn được định cư ở nước ngoài. Ở giới trí thức thì ước muốn đó càng mãnh liệt hơn. Họ tưởng nhớ nền tự do đã mất và căm ghét cái xã hội độc tài đảng trị hiện nay. Chị là người trí thức lại mang nhiều suy tư, tôi nghĩ chị cũng có tâm trạng đó. Nếu chị đồng ý, tôi sẽ tìm cách nào khác đưa chị và cháu bé ra định cư ở nước ngoài.
Tôi lắc đầu:
- Cám ơn anh. Dù tôi thương yêu vô cùng vô tận nếp sống tự do xưa kia của chế độ Cộng hòa, tôi vẫn không có ý định bỏ quê hương nầy mà đi đâu. Tôi không nỡ rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
- Nhưng họ đã chiếm mất quê hương của chị rồi mà.
- Không, quê hương vẫn còn nguyên vẹn. Họ chỉ đặt nền cai trị độc tài lên người dân thôi. Tôi nhớ lúc còn đi học sư phạm, tôi rất thích một câu thơ Đường trong bài Xuân vọng của Đỗ Phủ.
- Câu thơ thế nào?
- Quốc phá sơn hà tại, nghĩa là nước mất nhưng sông núi vẫn còn đó.
Hà nhìn tôi sững sờ rồi lẩm bẩm:
- Nước mất nhưng sông núi vẫn còn đó. Cảm ơn chị. Nhiều người ở nước ngoài biết chuyện tôi trở về, họ lên án tôi rất nặng nề. Bây giờ thì tôi hiểu rõ, tại vì sao con tim vẫn cứ thôi thúc tôi tìm về quê hương. Núi sông mình vẫn còn ở đó.
Hà lại nhìn tôi đăm đăm:
- Nhưng tôi thật lòng xót xa khi thấy chị đã đau khổ quá nhiều mà nay vẫn tiếp tục đau khổ trong chế độ khắc nghiệt nầy.
- Đúng là tôi đã vô cùng đau khổ, nhưng đời tôi đâu phải chỉ có đau khổ. Còn có hạnh phúc nữa chứ. Trước 1975, tôi có một tuổi thơ vô cùng hạnh phúc, với gia đình, với học đường, với tình yêu. Tôi chỉ đau khổ kể từ 30 tháng tư 1975 trở đi. Cách nay vài năm tôi đã tìm lại được nguồn hạnh phúc.
Hà có vẻ ngạc nhiên:
- Bây giờ chị hạnh phúc thực à?
- Vâng hạnh phúc thật vì tôi đã khôn ngoan biết giới hạn tầm nhìn và phạm vi suy tư của mình lại.
- Thế nào là giới hạn tầm nhìn?
- Tôi chỉ nhìn con tôi cùng những đứa trẻ trong trường Mầm non mà tôi đang làm việc. Những đứa trẻ dễ thương trong trường đều gọi tôi là má Ngọc. Mỗi khi tôi đến lớp là chúng reo hò mừng rỡ chạy đến ôm tôi. Thế là hạnh phúc. Tôi biết ngoài xã hội nhân dân đang rên siết vì bọn tham nhũng, bọn ngu si dốt nát, tàn ác vô lương đang ngồi trên đầu trên cổ nhân dân. Nhưng tôi tránh nhìn những cảnh xấu xa đó nên tôi khỏi phải đau khổ. Đó là giới hạn tầm nhìn.
Hà gật gù cười:
- Còn giới hạn phạm vi suy tư?
- Tôi chỉ nghĩ đến những việc rất tầm thường, như đêm nằm nghĩ đến hũ gạo của mình chưa cạn, nghĩ đến ngày mai có thể mua bó rau muống, một mớ cá kèo về kho cho con ăn. Vậy là hơn rất nhiều những người đang chết đói ở các bộ lạc bên Phi châu. Thế là tôi có hạnh phúc. Tôi tránh suy nghĩ đến tự do, nhất là tự do tư tưởng, thì tránh được đau khổ.
Hà dịu dàng bảo:
- Bây giờ tôi vẫn tiếc vì không lấy được một người phụ nữ như chị. Trong hoàn cảnh bi đát này mà chị vẫn lạc quan, vẫn tìm cách đưa ra những lý giải hài hước và ngoan đồng.
Tôi lại cười vui với Hà, lâu lắm rồi tôi mới lại cười vui như vậy:
- Chắc anh định nói là ngoan cố?
Hà cũng sảng khoái:
- Không. Tôi nói ngoan đồng. Ngoan đồng là đứa trẻ bướng bỉnh. Thôi, bây giờ tôi xin tạm biệt chị. Nói là tạm biệt cho lịch sự chứ tôi nghĩ rằng mình khó có dịp trở lại ngôi nhà nầy lần nữa. Trước khi đi, tôi muốn thưa với chị điều nầy. Ngày trước, tôi và Định là đôi bạn chí thân. Ở trường Võ bị, tôi và nó cùng đại đội. Ở bộ tư lệnh sư đoàn Năm, tôi và nó làm việc và cư ngụ cùng phòng. Tôi và nó thường chia nhau điếu thuốc trên bãi tập của quân trường, trong chiến hào của tuyến phòng thủ. Chúng tôi chia nhau cả những ước mơ về tương lai, về một quê hương hòa bình. Suốt mười năm nay tôi giữ mãi lời hứa với nó, dù rằng tôi đã tìm gặp chị để báo tin, nhưng trong lòng tôi vẫn còn day dứt chưa yên.
Hà móc bóp lấy ra một xấp tiền, gồm nhiều tờ một trăm đô la. Anh đặt xấp tiền lên bàn và nói:
- Xin chị hãy vui lòng giữ lấy để mua quà cho cháu và sắm sửa thêm vài món trong nhà. Khi nãy, bước vào đây, tôi thấy cảnh nghèo nàn của chị thì xót xa lắm.
Tôi trố mắt nhìn món tiền quá lớn trên bàn, nói lắp bắp:
- Không, không, anh cất đi , tôi không dám nhận đâu.
Hà lấy cuốn sách dằn lên xấp bạc cho khỏi bị gió thổi bay:
- Thôi chị đừng từ chối nữa. Chị hãy vui lòng cho tôi được đền đáp chút đỉnh tình bạn xưa cũ của tôi đối với Định. Lẽ ra cuộc đời của nó xứng đáng nhận được nhiều thứ.
Nói xong, Hà đứng dậy, ngập ngừng:
- Chị có thể cho tôi hôn tay chị trước khi từ biệt được không?
Tôi đứng dậy, cất tay lên về phía Hà. Anh trịnh trọng nâng bàn tay tôi lên hôn nhẹ lên chỗ thằng Trình vừa hôn, rồi thả ra. Anh xoay mình bước ra cửa. Tôi vẫn đứng yên như trời trồng, nghe tiếng cánh cổng mở ra rồi đóng lại. Mấy phút sau, tôi bừng tỉnh chạy ra thì anh đã đi mất rồi. Tôi hớt hải trở vào nhà đi tìm con tôi. Lúc nãy nó đứng bên tôi than đói bụng, mà tôi thì ham chuyện trò. Tôi chạy xuống bếp thì thấy nó đang ngồi dưới đất, vuốt ve con mèo tam thể.

*
* *

Với món tiền mà Hà để lại gồm 800 đô la, tôi mua một chiếc Honda dame cũ nhưng máy còn khá tốt, nhiều món đồ chơi mà bé Trình mơ ước từ lâu, sắm vài bộ áo quần cho hai mẹ con. Số tiền còn lại tôi cất kỹ phòng khi thắt ngặt.

Tới đây tôi nghĩ rằng chấm dứt tập hồi ký nầy là vừa vì từ bữa gặp Hà đến nay, đời sống mẹ con tôi bình lặng chẳng có gì đáng để ghi lại. Cuộc sống của mẹ con tôi và đa số cư dân ở thành phố càng ngày càng dễ thở nhờ chủ trương của đảng và nhà nước gọi là “đổi mới”.
Lúc đầu tôi không hiểu ý nghĩa thực tiễn của hai chữ “đổi mới”. Dần dần hiểu ra tôi cứ cười thầm trong bụng. Sau một thời gian dài bóp nghẹt cổ làm cho mấy chục triệu dân giãy chết, đảng và nhà nước nới tay cho dân chúng tự do sản xuất và đi lại kiếm ăn, hàng hóa được lưu thông, thương gia được phép hành nghề, vân vân. Những thứ đó thì quá thông thường với miền Nam dưới chính thể Cộng hòa và cả ở thời kỳ Pháp thuộc nữa. Thế thì đó là phần nào trở lại cái xưa cái cũ, sao gọi là đổi mới?
Tôi còn nhớ, sau năm 1975, người ta rầm rộ tuyên bố chủ trương “đổi đời”. Lúc đó mới đáng gọi là đổi đời thực sự; đổi từ cuộc đời bình thường sang cuộc đời khốn khổ.

CHẤM DỨT HỒI KÝ.
Sài gòn, mùa xuân 2009