Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Hồi ký của Ngọc (2)



Tôi vùi đầu vào sách vở. Cuối năm học, tôi xuất sắc vượt qua kỳ thi tú tài rồi đậu hạng nhì trong kỳ thi tuyển vào Đại học Sư phạm. Đúng vào cái hôm đi xem kết quả về, mẹ trao cho tôi một phong thư đã bóc và bảo:
- Thư của cậu Định, con đọc đi.
Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt. Từ nhiều tháng nay, lao vào học tập, tôi không còn nhớ đến người con trai đó nữa. Mẹ dúi phong thư khá dày vào tay tôi. Tôi vào phòng, thay áo quần rồi ngồi vào ghế, nhìn những hàng chữ nắn nót ngoài bao thư và thủng thẳng rút ra hai tờ giấy đầy chữ bên trong.


Đà lạt, ngày ….
Kính thưa hai bác,
Thực là đường đột khi cháu viết thư nầy đến hai bác. Từ gần hai năm nay, kể từ khi khoác áo nhà binh, trải qua những ngày tháng khắc khổ ở quân trường, cháu đã viết nhiều thư cho bạn bè. Cuộc sống ở đây rất khác với cuộc sống bên ngoài vì mọi hoạt động hằng ngày đều nằm trong khung khổ của kỷ luật sắt.
Tâm lý thông thường của con người là khi phải chấp nhận một nếp sống khác hẳn thì người ta thích viết thư và gởi đi để nói lên sự thay đổi toàn diện, từ sinh hoạt đến ý nghĩ thầm kín nhất của mình về cuộc đời. Sự bộc bạch nầy rất cần thiết cho đến đỗi nó không còn chỉ là sự vui thích nữa mà trở thành một nhu cầu thiết yếu, không làm không được, nhất là đối với những người trẻ hay suy tư mà sự chứng kiến những thay đổi chính là sự khám phá mới trong cuộc đời. Cháu là một trong những đứa trẻ như thế. Vì vậy, cháu đã viết khá nhiều thư, tất cả đều gởi cho bạn bè và cháu chưa bao giờ nhận được thư hồi âm.
Cháu không trách bạn bè vì họ đang duy trì nếp sống bình an trong một đất nước ngập lửa chiến tranh. Nơi cháu đang sống chưa phải là chiến tranh, nhưng sự chuẩn bị lao vào cuộc chiến tràn ngập mọi ngóc ngách của sinh hoạt hằng ngày. Các sĩ quan thường nói câu: “Si vis pacem, para bellum”, nghĩa là muốn sống trong hòa bình, cần phải chuẩn bị chiến tranh. Tụi cháu cũng quen miệng, nhắc đi nhắc lại câu nầy. Mỗi lần nhắc như thế, cháu lại thấy vừa xót xa, vừa bừng bừng khí thế làm trai. Cả một khối nhân dân miền Nam đều mong muốn sống trong hòa bình, nhưng người cộng sản lại gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc nầy nên bọn thanh niên chúng cháu phải đem mạng sống mình ra cố giành giật lấy nền hòa bình mà cộng sản đang giẫm nát.
Đó, tâm tình bọn cháu là như thế và cháu thèm muốn nói với những người đang sống yên ổn trong các thành phố rằng tụi cháu đang hi sinh tuổi trẻ của mình để giữ gìn sự yên ổn đó cho họ. Nhưng khi cháu có dịp nói điều đó cho bạn bè thì chẳng ai xúc động. Có người còn cười cợt bảo rằng cháu nói rặt giọng tuyên truyền của tâm lý chiến. Thực là đáng buồn. Bạn bè cháu đều là những người có học và đều ít nhiều hiểu nguyên nhân của cuộc chiến tranh nầy chính là bản chất xâm lược và bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng ai cũng muốn đứng ngoài cuộc chiến để hưởng thụ được ngày nào hay ngày đó. Do đó, họ tránh nghe sự thực trên đây để khỏi bị mặc cảm trốn tránh trách nhiệm khi đất nước đang tiếp tục bị Đệ Tam quốc tế xâm lăng.
Vì lý do đó, phần lớn anh em đồng ngũ của cháu thích viết thư về gia đình hơn là cho bạn bè. Ở người thân, chúng cháu dễ nhận sự đồng cảm hơn ở bạn bè. Trong nhà, khi có một đứa con bị gọi vào quân ngũ là trước mặt mọi người hiện ra lò lửa chiến tranh hừng hực cháy, tỏa sức nóng đến đỗi làm rát cả tâm can họ. Mẹ cháu có lẽ cũng có tâm trạng như thế. Tuy nhiên bà không có thói quen suy tư. Mẹ cháu bỏ học quá sớm, ở nhà lo việc đồng áng và sau đó đi lấy chồng. Cha ghẻ cháu thì từ lâu đã thành dân nhà binh chuyên nghiệp nên không còn quan tâm đến nỗi lòng của lớp trẻ vừa mới bước vào guồng máy chiến tranh.
Kể từ hôm đến nhà bác –nhất là buổi được tiếp chuyện với bác gái, khi cháu đến xin từ giã để trở về quân trường – bỗng nhiên cháu ước ao có một phép mầu nào đó biến cháu thành người thân của gia đình bác để mỗi khi có nỗi ưu tư nào đó xuất hiện trong lòng thì cháu có nơi để gởi gắm.
Cháu mong rằng những điều cháu vừa trình bày có thể biện minh cho tội đường đột viết lá thư nầy gởi hai bác. Cháu không dám chờ đợi sự hồi âm của bác nhưng nếu điều đó xảy ra thì cháu sẽ vui mừng biết bao.
Kính chúc hai bác và cô Ngọc luôn luôn mạnh khỏe.
Cháu
Nguyễn văn Định.

Đọc xong thư, tôi rất cảm động. Tôi ngồi ngẩn ngơ vài phút rồi xếp thư lại cẩn thận cho vào bao và trao lại cho mẹ tôi. Tôi nhìn mẹ, mỉm cười, muốn biết cảm tưởng của mẹ về lá thư nhưng không tiện hỏi. Hiểu ý, mẹ vào đề ngay:
- Cậu Định là người tốt, biết suy nghĩ, và có thể diễn tả ý nghĩ của mình một cách trôi chảy và gây được xúc động nơi người đọc.
Quả thực tôi cũng đang xúc động nhưng muốn che giấu lòng mình nên nói một câu khôi hài:
- Rất tiếc, khi viết thư, anh Định quên chừa một hàng trống bên trên có hàng chữ: “Lời phê của giáo sư”. Nếu có ô nầy thì mẹ sẽ ghi vào ngay lời phê mà mẹ vừa nói xong.
Mẹ vừa cười, vừa đưa tay cốc nhẹ vào đầu tôi:
- Con nhỏ nầy dám chọc ghẹo cả mẹ nó nữa. Biết suy nghĩ và có khả năng trình bày như cậu Định mà không được tiếp tục học Văn khoa là điều thực đáng tiếc.
Tôi nghĩ đến lời cầu mong ở cuối lá thư nên hỏi mẹ:
- Theo mẹ thì có nên phúc đáp thư cho anh Định không?
Mẹ trả lời ngay:
- Nên chứ. Tâm hồn nó cô đơn và cần nơi nương tựa. Thấy nó, mẹ cũng thương vì nhớ tới anh Quân của con.
Giọng mẹ như nghẹn lại. Tôi cũng cảm thấy nước mắt sắp trào ra khi nhắc đến anh Quân. Mẹ thở dài, nói nho nhỏ như chỉ để cho mình nghe:
- Cuộc chiến tranh nầy đang đày đọa hai thế hệ. Không biết nó còn đày đọa bao nhiêu thế hệ nữa.
Lời than thở nầy tôi đã nghe nhiều lần từ miệng mẹ và từ lâu đã hiểu rằng cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản đã gây quá nhiều đau khổ cho những người mẹ Việt Nam.
Hôm sau, mẹ tôi phúc đáp thư cho anh Định. Bà đưa lá thư đã được dán kín bảo tôi ghé mua tem dán lên rồi bỏ vào thùng thư trên đường đi học. Bỗng dưng tôi tò mò muốn biết mẹ viết gì cho anh Định nhưng không dám hỏi. Tuy nhiên, bà đoán biết ý muốn của tôi. Trong bao nhiêu năm dạy học bà đã quen đọc được tư tưởng qua cái nhìn hay cử chỉ của học trò. Tôi, đứa con gái cưng duy nhất của bà, lại càng khó dấu bất cứ điều gì trong tâm hồn tôi. Bà bảo:
- Mẹ chỉ an ủi nó thôi và khuyên nó nên can đảm chấp nhận thân phận con người.
- Tại sao mẹ nói chấp nhận thân phận con người mà không nói chấp nhận bổn phận người con trai trong thời loạn?
Mẹ lắc đầu:
- Mẹ tránh đả động đến vấn đề chính kiến với cậu Định. Lên án hay không lên án cuộc chiến tranh nầy, xem đó là cuộc chiến tranh giải phóng hay xâm lược, đó là ý kiến riêng của cậu Định, mẹ không muốn xen vào và cũng không muốn cậu ấy biết rõ chính kiến của mẹ.
Tôi hiểu mẹ. Trong bao nhiêu năm sống chung vơi cha tôi, mẹ rất giữ gìn lời nói và luôn luôn tránh xa những đề tài về chính trị. Bà là người trí thức có cái nhìn sáng suốt nơi thời cuộc, nhưng đồng thời cũng là người vợ hiền và đảm đang, chưa bao giờ làm phật ý chồng. Ba và mẹ tôi có sự đối nghịch rõ rệt về chính kiến, nhưng điều đó không làm sứt mẻ tình nghĩa phu thê và không làm vẫn đục không khí đằm thắm của gia đình.
Ba tôi là người tôn sùng cộng sản như người tín đồ tôn sùng giáo chủ của mình. Mẹ tôi lại là người không ưa cộng sản, đôi khi bà còn tỏ ý căm thù cộng sản nữa. Điều đó cũng có lý do.
Quê quán bên ngoại tôi ở tận tỉnh Thái bình ngoài Bắc. Khoảng năm 1930, ông bà ngoại tôi đưa mẹ vào Nam lập nghiệp, để hai người anh ruột của mẹ ở lại ngoài Bắc với ông bà cố tôi. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, phân nửa về phía Bắc giao cho cộng sản, hơn một triệu người đành rời bỏ quê hương vào Nam sinh sống, trong đó không có hai người cậu của tôi. Mẹ tôi giải thích là lúc đó hai cậu đã có vợ con, nhà cửa ruộng đất của ông bà cố để lại nên không muốn ra đi. Vả lại hiệp định Genève qui định sự chia cắt chỉ có tính tạm thời và sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì hai miền sẽ sum họp lại. Không ngờ hai miền bị tiếp tục phân chia mãi mãi và đến 1956, trong đợt cải cách ruộng đất, ông bà cố tôi bị quy là địa chủ. Ông bà cố đã mất từ lâu nên hai cậu tôi bị đem ra đấu tố thay. Không bao lâu sau đợt cải cách ruộng đất đó, hai cậu tôi chết.
Những điều nầy tới tai mẹ tôi là do một người bà con trốn được vào Nam qua ngã Lào. Có lẽ từ đó nảy sinh cự căm thù cộng sản trong lòng mẹ tôi. Tuy nhiên, là người kín đáo nên rất ít khi bà tỏ lòng căm thù nầy, nhất là khi có mặt ba tôi. Mẹ lại là người trí thức đúng nghĩa nên bà rất tôn trọng quyền tự do tư tưởng của người khác. Bà thường nói với tôi:
- Trong cuộc chiến nầy, hai bên đều là người Việt Nam cả. Thiên về bên nầy hay bên kia, đó là quyền của mỗi người và không thể gọi là theo giặc được.
Qua lời nói của mẹ, tôi đọc được cả một tấm lòng bao dung quảng đại.
Ba tôi thì không được quảng đại như mẹ. Ông hăng hái bênh vực cộng sản, ông tích cực ca tụng Mặt trận Giải phóng miền Nam, ông hoan hô những chiến thắng của quân Giải phóng qua các làn sóng phát thanh của cộng sản. Dĩ nhiên, cử chỉ nầy của ông chỉ có giữa những người thân trong gia đình và vài bạn bè đồng tư tưởng với ông mà thôi.
Những lúc đó, mẹ thường im lặng cúi đầu, người ngoài thì tưởng mẹ đang chăm chú nghe và đồng quan điểm với cha tôi, nhưng tôi hiểu rằng nơi trí óc mẹ xảy ra điều trái ngược. Đôi khi tôi cũng tỏ sự ái ngại cho sự chịu đựng của mẹ thì được mẹ an ủi:
- Cứ để cho ba con nói, đừng cãi lại.
- Nhưng ba đâu có sự khoan dung về tư tưởng như mẹ. Lúc nào ba cũng có ý bắt buộc người nghe phải đồng quan điểm với mình, nghĩa là phải ca tụng cộng sản và tỏ lòng căm thù đối với chính cái chế độ mà mình đang sống. Con lấy làm lạ là mẹ có thể ngồi hàng giờ nghe ba nói những điều trái với quan điểm của mình.
Mẹ nghiêm mặt, nói với tôi:
- Con không được phê phán ba con như thế. Lòng thù hận của ba con có lý do nên mẹ chấp nhận điều đó. Vả lại, theo mẹ, không nên để cho quan điểm chính trị phá vỡ sự yên ấm của gia đình chúng ta.
Mẹ tôi thực là người đàn bà mà tôi cảm phục hơn bất cứ người nào trên thế gian nầy. Có lẽ mẹ muốn thuyết phục tôi chấp nhận sự căm thù trong lòng cha tôi nên giải thích thêm:
- Con biết rằng năm 1945, ba con được tận mắt chứng kiến giờ phút lịch sử của cuộc cách mạng Mùa thu. Ba con đã được tham gia vào đoàn người cầm tầm vông vạt nhọn chống lại xe tăng, đại bác của quân thù để giành độc lập. Hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong lòng ba con; nó làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành một tôn giáo trong tâm khảm của ba con.
Tôi ngắt lời mẹ:
- Có, con biết điều đó, con đã nghe ba kể về những ngày nầy, có đến hàng trăm lần rồi.
Mẹ không để ý đến lời tôi, tiếp tục câu chuyện về ba tôi:
- Sau ngày đó, ba con không được ra Bắc hay lên chiến khu để tiếp tục con đường cách mạng của mình mà phải trở về thành làm việc cho kẻ thù, vì trách nhiệm đối với vợ con. Điều đó có thể đã gây cho ông nhiều tiếc nuối.
- Nhưng bù lại, mẹ đã đem đến cho ba những năm vô cùng hạnh phúc kia mà.
Mẹ tát yêu vào má tôi:
- Con nhỏ nay khéo nịnh mẹ. Có lẽ vì thế, ba con không tham gia vào tổ chức cách mạng trong thành phố mà chỉ giúp đỡ họ bằng cách cung cấp tin tức đi qua đường bưu điện mà thôi. Điều đó gây cho ông một mặc cảm không làm tròn trách nhiệm đối với cách mạng và vì vậy cảm tình đối với Việt minh trước đây và với Mặt trận ngày nay càng sâu đậm trong lòng ông. Cảm tình đó đã được hỗ trợ thêm bằng mối căm hờn mà ông phải chịu đựng trong những ngày lao tù làm cho cách mạng khoác áo tôn giáo trong tâm hồn ông.
- Nhưng con đâu có nghe nói ba bị hành hạ nhiều trong khi bị bắt đâu.
- Có chứ, con là con gái cho nên ba con đâu có kể những chuyện khủng khiếp cho con nghe. Lúc ở bót Catinat, ba con bị tra tấn đến bầm dập, tuy không bằng những cán bộ thứ thiệt. Trong Catinat mà mọi người đều công nhận là địa ngục của trần gian, mọi sự tra tấn dù nhẹ nhàng nhất cũng là khủng khiếp đối với da thịt của cơ thể mềm yếu của con người.
- Ba ở Catinat bao lâu?
- Khoảng một tháng. Cho đến khi thấy không cần khai thác gì thêm thì người ta kết thúc hồ sơ và đưa ba con đem nhốt ở khám Phú lâm.
Tôi vỗ nhẹ vào tay mẹ:
- Mẹ, có lần con nghe ba gọi nhà tù đó là khám “thằng Tây điên”. Thiếu gì tên, sao chọn cái tên gì kỳ cục vậy.
Mẹ phì cười:
- Đó không phải là tên chính thức của khám Phú lâm mà chỉ là một biệt danh do tù nhân và dân chúng đặt ra thôi. Sở dĩ có biệt danh nầy vì tên giám đốc trại giam dạo đó là một sĩ quan người Pháp, tính tình độc ác và bất thường, y như người điên, người khùng. Ban ngày, tù được cho ăn uống đầy đủ và được sinh hoạt bình thường nhưng đêm xuống, điều khủng khiếp thường xảy ra khi thằng Tây giám đốc nổi cơn điên. Nó đi với một thằng giám thị hay lính gác xuống trại giam bắt một người nào đó mà nó ưng ý đem lên văn phòng đánh đập dã man để giải khuây. Có khi đánh đến chết rồi đem đi chôn. Có khi, nó xuống trại nữ bắt đàn bà, con gái lên văn phòng hãm hiếp cho đến khi gần chết mới lôi về trả lại cho trại.
Tôi rùng mình vì những lời mẹ kể. Từ trước, tôi có biết cha tôi ở tù nơi khám Phú lâm nhưng chưa nghe nói đến những chi tiết khủng khiếp như lời mẹ vừa kể. Như mẹ đã nói, những điều nầy cha tôi chỉ kể riêng cho mẹ nghe thôi. Có lẽ cha tôi cũng đã kể cho anh Quân nghe nên đã truyền cho anh lòng căm thù và góp sức đẩy anh vào hàng ngũ cách mạng trong phong trào sinh viên học sinh.
Thấy tôi há hốc miệng ngồi nghe, mẹ cảm thấy hứng thú nên tiếp tục kể:
- Ba con bảo rằng lúc bị giam trong khám, ba có quen với một anh cán bộ thuộc thành phần lãnh đạo bí mật trong tập thể tù nhân. Ba con phục anh cán bộ nầy lắm. Hai người mau chóng trở nên thân thiết với nhau. Anh cán bộ hứa khi ra tù sẽ đưa ba con vào tổ chức cách mạng.
Tôi giật mình:
-Thế về sau, ba có vào tổ chức cách mạng thực sự không?
Mẹ vội vã lắc đầu vì nét hốt hoảng nhìn thấy nơi mặt tôi:
- Không. Ít lâu sau, anh cán bộ vượt ngục và bị bắn chết ngay bên hàng rào kẽm gai. Tội nghiệp nhưng mà cũng may.
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao lại may hả mẹ?
- Nếu ông cán bộ đó còn sống thế nào ổng cũng đến rủ rê thì ba con khó lòng từ chối được. Rồi cũng đến như thằng Quân thôi.
Mẹ thở dài. Hơi thở dài của mẹ nghe như ướt đẫm nước mắt. Tôi cầm tay mẹ lắc nhẹ:
- Trong thời gian ba bị bắt thì mẹ làm gì?
- Mẹ khổ vô cùng. Lúc đó anh Quân của con mới bốn tuổi còn con mới bốn tháng trong bụng mẹ. Lúc ba con chưa bị bắt, mẹ ở nhà săn sóc việc nhà. Thời Pháp thuộc, công chức như ba con có lương bổng rất khá, đủ cho cả gia đình sống thong thả. Việc nhà quá rảnh rỗi nên mẹ bắt đầu học thêm. Mẹ sắp thi tú tài hai thì ba con bị bắt. Mẹ phải bương chải, vừa lo cái sống cho hai mẹ con, vừa phải có tiền thăm nuôi ba con.
Giọng mẹ kể nghe thực cảm động. Tôi mân mê bàn tay của mẹ:
- Tội nghiệp mẹ. Rồi làm sao mẹ và anh Quân sống được?
- Cũng nhờ người nầy, người kia giúp đỡ. Mẹ cũng cố gắng làm nhiều việc kể cả việc kèm cho một đứa trẻ của một nhà giàu có.
- Nhờ vậy mẹ yêu nghề dạy học.
Mẹ gật đầu:
- Phải, mẹ thành công trong việc kèm đứa trẻ đó và ước ao trở thành cô giáo thực sự. Nhưng con đừng ngắt lời, để mẹ kể tiếp chuyện của ba con. Thấy mẹ cực khổ ba con xót xa nên cố giữ hạnh kiểm tốt trong tù, tránh tham gia vào những cuộc đấu tranh. Nhờ đó, ông chỉ bị giam chưa đến hai năm thì ra tù. Ba con không được thu nhận lại vào Bưu điện. Đó vừa là một đòn trừng phạt, vừa đề phòng ba con lại lấy tin tức cho Việt minh. Gia đình tiếp tục khốn đốn. Nhiều lúc, ba con tuyệt vọng, tính tình trở nên nóng nảy. Có lúc ông mang cả tên những lãnh tụ của Pháp và của chính quyền quốc gia ra mà chửi rủa. Mẹ phải vỗ về an ủi, ông mới dịu lại. Hơn một năm sau, ba con xin được một chân thư ký kế toán trong hãng xuất nhập khẩu Thái dương, một chi nhánh của cơ sở chính ở Nhật, lương cũng khá nên đời sống gia đình được nhanh chóng ổn định.
Tôi ngắt lời mẹ:
- Rồi mẹ đi học lại.
- Đúng rồi, mẹ ham học lắm nhưng vì lấy chồng sớm nên bỏ học. Đậu tú tài xong, mẹ ghi danh vào đại học Văn khoa, bốn năm sau thì có cử nhân giáo khoa và xin đi dạy. Thôi để mẹ nói chuyện tiếp về ba con.
Mẹ ngừng một chút rồi quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Con có biết tại sao hôm nay mẹ muốn nói nhiều về ba cho con nghe hay không?
Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ và lắc đầu. Mẹ mỉm cười rồi nét mặt trở nên thực nghiêm trang:
- Một vài tháng nữa, con sẽ trở thành sinh viên đại học, ra trường con sẽ nhập vào hàng ngũ trí thức của xã hội Việt Nam cho nên dù muốn dù không, con cũng sẽ phải tự trang bị cho mình một lập trường chính trị để khỏi bị nhầm lẫn vì sự tuyên truyền nhiều khi hết sức tinh vi và xảo quyệt. Điều nầy càng quan trọng hơn nữa khi con học ngành sư phạm để ra dạy văn chương nghĩa là dạy cho học sinh biết cách suy tưởng để nhìn thấy rõ đâu là chân lý, đâu là ngụy ngôn giữa hai phe trong cuộc chiến tranh tàn khốc nầy.
- Nhưng điều nầy thì có liên can gì đến tư tưởng của ba con? Mẹ sợ con cũng sẽ nhiễm phải lòng căm thù như ba con hay sao?
Nét mặt mẹ trở nên thực buồn bã:
- Con sẽ phải đi tìm cho mình một lập trường chính trị đúng đắn. Mẹ đoán rằng con sẽ nhận ra cuộc chiến tranh đang nhấn chìm hai miền trong khói lửa không phải là cuộc chiến tranh giải phóng mà là cuộc chiến tranh xâm lược nhằm bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng, lúc đó lập trường của con sẽ đối nghịch với ba con. Mẹ muốn con thấu hiểu hoàn cảnh đã tạo nên tâm tình của ba con để giữ được trọn vẹn tấm lòng thương yêu và kính trọng đối với ba con.
Tôi cảm động quá, ôm chầm lấy mẹ, dúi mạnh đầu vào ngực mẹ. Mẹ nâng đầu tôi dậy, tiếp tục câu nói:
- Cha con là người đức độ, biết thương người, chưa hề có một lầm lỗi nào đối với vợ con. Cái cảm tình thái quá của ông đối với cộng sản là một tâm trạng đáng thương hơn đáng trách. Mẹ sợ con suy nghĩ thiếu chín chắn để đến đỗi làm buồn lòng ba con. Mẹ còn mối lo khác nữa.
Bỗng dưng, mẹ ngừng nói. Tôi không kềm được câu hỏi:
- Mối lo gì hả mẹ?
Mẹ lắc đầu mà không trả lời. Nhìn nét mặt đầy nét ưu tư của mẹ, tôi đoán mẹ có mối lo không nhỏ nhưng tôi không dám hỏi mẹ lần thứ hai. Mãi nhiều năm sau nầy tôi mới hiểu lúc đó mẹ nghĩ đến anh Định. Bà đoán trước tình cảm có thể nảy nở giữa anh Định và tôi. Lúc đó, liệu sự đối nghịch lập trường chính trị có phương hại đến tình cảm gia đình mà mẹ ra ra công gìn giữ trong bao nhiêu năm trời?

*
* *

Thấm thoát kỳ nghỉ hè trôi qua, tôi nhập học trường đại học Sư phạm. Tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên khi trở thành sinh viên đại học. Tôi bước qua cổng trường, đi trên con đường rợp bóng mát của mấy cây còng cổ thụ, nghe lòng phơi phới. Tuy nhiên, khi nhìn sang trường đại học Khoa học kế bên, tôi cảm thấy lòng quặn thắt. Đó là ngôi trường đại học của anh Quân tôi trước đây. Anh đã có hai năm lui tới khuôn viên trường nầy, rồi từ giã nó để chạy vào chiến khu và đã vĩnh viễn nằm lại ở một nơi xa xôi nào đó trong khu rừng của miền Đông Nam bộ.
Lúc còn sống và còn đi học, anh thường mô tả cho tôi nghe ngôi trường Khoa học của anh và kể cho tôi nghe nếp sống của sinh viên đại học. Tôi biết anh kể về đại học để khuyến khích tôi học hành, để được lên đại học như anh. Ngày nay, ý muốn của anh đã thành sự thực, thì than ôi, anh không còn nữa để nhìn thấy đứa em gái thân yêu của anh đang đứng trong sân trường đại học Sư phạm nhìn sang ngôi trường Khoa học cổ kính mà anh đã từng lui tới trước đây.

Khoảng một tháng sau khi tôi vào nhập học, anh Định gởi lá thư thứ hai về cho gia đình tôi. Thư cũng đến vào lúc chỉ một mình mẹ ở nhà. Cũng như lần trước, mẹ trao thư cho tôi và bảo đọc. Lời thư khá cảm động. Định tỏ ra mừng rỡ khi nhận được thư của mẹ tôi. Cuối thư, anh xin mẹ được làm bạn với tôi, nghĩa là trực tiếp viết thư cho tôi. Tôi tự cảm thấy xấu hổ và hồi hộp khi đọc dòng chữ nầy.
Khi tôi trao trả phong thư lại thì mẹ cười bảo:
- Con lớn rồi. Đã là sinh viên đai học nên con có quyền có bạn trai. Chuyện đề nghị của cậu Định, mẹ để cho con quyết định.
Lúc nào mẹ tôi cũng có quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Sự thông minh và kinh nghiệm sống đã cho mẹ khả năng đó. Vì thế, tôi có thói quen gặp việc gì khó nghĩ, thì cứ chờ đợi ý kiến của mẹ. Bây giơ, lời của mẹ bảo tự quyết định làm tôi rất băn khoăn. Trước đây, tôi học trường nữ trung học Lê văn Duyệt, lại chỉ có bạn học cùng lớp nên chưa hề có bạn trai. Lúc anh Quân còn sống, đôi khi gặp cái nhìn chăm chăm của bạn bè anh ấy thì tôi chui tọt xuống bếp hay vào buồng đóng cửa lại cẩn thận.
Thấy tôi im lặng, mẹ mở lời:
- Nếu con đồng ý, kỳ nay mẹ để con trả lời thư cho cậu Định.
Thế là mẹ đã quyết định giùm cho tôi rồi, tôi vui vẻ nhận lời.
Mãi ba hôm sau, tôi mới viết xong lá thư dài chưa tới một trang giấy học trò, sau khi xé bỏ đến ba lần. Khi đọc lại lần cuối cùng, tôi nói thầm và cười một mình:
- Nếu bài luận văn mà mình viết thế nầy thì mẹ cho một điểm trên hai mươi là may.
Tuy vậy, tôi vẫn cho vào bao thư và dán lại.
Thư đi được đúng một tuần thì tôi nhận được thư anh Định. Tôi đang ngồi học, nghe tiếng chuông rung ngoài cổng. Vài phút sau, mẹ vào, tay cầm một cái thư, trao cho tôi:
- Thư của cậu Định đây.
Tôi giả bộ dửng dưng, mà nghe má mình nóng ran:
- Mẹ đọc trước đi.
Mẹ cười tủm tỉm:
- Thư đề gởi cho con sao bảo mẹ đọc?
Tôi nhận lấy phong thư, lòng đầy cảm kích. Càng lớn lên tôi càng thấy rõ mẹ đối xử thực chuẩn mực, vừa âu yếm, vừa tôn trọng con cái của mình. Hạnh phúc cho ai có được người mẹ như mẹ tôi để mà thương yêu và kính phục.
Phong thư dày cộm. Tôi muốn xem ngay để biết anh Định viết gì trong đó, nhưng trước mặt mẹ tôi cố làm ra vẻ khoan thai, để phong thư trên bàn và xếp sách vở cho gọn gàng. Nhưng khi mẹ vừa bước ra khỏi phòng, tôi lấy ngay kéo ra, cắt một đường dọc theo biên bao thư, rút xấp giấy ra đọc vội vàng.

Hồng Ngọc thân mến,
Trước hết, anh xin em cho phép anh được xưng hô một cách thân mật như anh thường mong mỏi kể từ khi mới gặp em.
Chiều nay, khi vừa đi học chiến thuật ngoài bãi về, anh nhận được thư em từ tay anh sinh viên sĩ quan trực đại đội. Anh không biết nói thế nào cho em hiểu nỗi xúc động và hân hoan của anh khi thấy bốn chữ Hoàng thị Hồng Ngọc trên đầu phong bì, nơi vị trí người gởi. Thôi anh đành chỉ biết cám ơn em về những dòng chữ xinh đẹp mà em dành riêng cho anh.
Giờ nầy các bạn anh đã ra sân chơi, người thì đánh bóng bàn, bóng chuyền, người thì xuống câu lạc bộ để đánh bi da hay tán chuyện gẫu bên ly nước ngọt. Căn phòng hoàn toàn vắng vẻ vì chỉ một mình anh đang ngồi trên giường, lưng tựa vào vách và viết thư cho em.
Có quá nhiều chuyện anh muốn kể cho em nghe nhưng lúng ta lúng túng mãi không biết bắt đầu từ đâu. Anh cứ cảm thấy đầu óc mình lâng lâng như bay bỗng trong một không gian tràn đầy hạnh phúc êm đềm. Dù em chỉ là người bạn gái mới quen biết và chưa thể gọi là thân mật được nhưng anh bỗng có cảm tưởng rằng kể từ hôm nay anh được phép từ giã tâm tình cô đơn đã đeo đẳng anh kể từ khi anh bắt đầu biết nhìn cuộc đời chung quanh mình.
Buồn lắm những ngày sống với tâm tình cô đơn!
Anh còn nhớ, cách nay hai năm, ngày vác bao hành trang xuống xe, đứng trước cổng trường Võ bị nầy. Mọi người, ai cũng có người thân đi theo; cha mẹ, em trai, em gái, tíu tít chia tay, với biết bao lời dặn dò thân thiết, với biết bao ánh mắt trìu mến. Chỉ riêng anh lặng lẽ đứng một mình cách khá xa nhìn khung cảnh thân yêu đó, rồi quay ngược lại nhìn rừng thông xanh um trải rộng bao phủ khắp thung lũng phía trước cổng trường.
Đà lạt đẹp quá! Đẹp nhất, có lẽ là con đường ngoằn ngoèo chạy từ hồ Than thở đến cổng trường của anh.
Nhưng thôi, anh không thể đứng lâu để ngắm nhìn mãi cảnh đẹp của núi rừng mà phải bước qua cánh cổng thâm nghiêm để vào trường.
Sĩ quan và sinh viên sĩ quan các khóa đàn anh tiếp đón tân khóa sinh thực niềm nở, tận tình hướng dẫn làm thủ tục nhập học.
Khởi đầu khóa học là mấy tuần lễ gọi là “huấn nhục”. Đó là bài học đầu tiên dạy cho các tân khóa sinh biết tuân lệnh trên vô điều kiện. Trong hoàn cảnh chiến tranh, đối với người quân nhân, lệnh ban ra là phải thi hành ngay, không được bàn cãi lôi thôi như trong đời sống dân sự. Trong huấn lệnh đầu tiên, thiếu tá trưởng khối Quân huấn đã nghiêm sắc mặt nói với các anh trong hội trường:
- Kể từ giây phút bước qua cái cổng của trường Võ bị Quốc gia, lập tức các bạn đã trở thành người quân nhân, người chiến sĩ Cộng hòa. Các bạn phải trút bỏ cái thói quen tự do phóng túng của đời sống dân sự để nhận lấy cuộc sống kỷ luật, kỷ luật sắt của nhà binh. Ở đây chỉ có sự tuân lệnh, không có sự thắc mắc hay khiếu nại gì cả. Ở đây không có sự bình đẳng thông thường mà các bạn đã được hưởng ngoài đời. Ở đây cấp bậc phải được tuyệt đối tôn trọng. Bất cứ lúc nào các bạn cũng phải chào những người cấp bậc cao hơn mình; đó là các sĩ quan, các sinh viên sĩ quan thuộc khóa đàn anh của các bạn….
Buổi ra mắt kết thúc, bọn tân khóa sinh các anh được các huynh trưởng đưa về nhận chỗ ở. Vừa đi, chúng anh vừa nhìn quanh với một niềm hãnh diện to lớn về ngôi trường mới của mình.
Trường Võ bị nằm trọn trên một ngọn đồi, gồm nhiều nhà lầu sắp thành hai dãy song song hai bên một sân dài trồng cây kiểng rất đẹp. Theo lời anh huynh trưởng giải thích, đây là khu trường mới được xây cất khoảng hơn mười lăm năm trước. Khu trường cũ gồm những dãy nhà tôn nay gọi là F1, F2, F3, vân vân, bây giờ vẫn còn và được sử dụng để làm nhà kho, văn phòng tiếp vận, quân cảnh, an ninh quân đội, chỗ ở của các sĩ quan độc thân, vân vân. Hai trường cũ và mới cách nhau một ngọn đồi dùng làm vũ đình trường để làm bãi tập ngoài trời cho sinh viên sĩ quan và làm lễ mãn khóa hằng năm cho các tân sĩ quan.

Hồng Ngọc em,
Chiều hôm qua anh đã mô tả vài nét trường Võ bị Đà lạt cho em nghe. Anh muốn nói thực nhiều về ngôi trường của anh, nơi đã đào tạo những người con thân yêu của Tổ quốc mà một số đã đền xong nợ nước và vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất mẹ. Anh cũng muốn nói cho em nghe thực nhiều về cuộc sống mới của anh, em có hiểu tại sao không?
Bởi vì anh không bao giờ quên được sự thay đổi nêp sống của mình cách nay hai năm khi anh bước chân qua chiếc cổng đồ sộ của ngôi trường Võ bị của anh hiện nay. Có lẽ trong đời người, không có gì gây ấn tượng mạnh bằng sự thay đổi từ nếp sống dân sự sang nếp sống nhà binh.

Anh chưa nói hết lời thì đến giờ cơm. Sau giờ cơm thì bạn bè níu kéo đi câu lạc bộ, không thể nào từ chối được. Buổi sáng, sau hiệu lệnh báo thức, phải ra sân tập thể dục rồi đi ăn sáng, rồi nhanh chóng dọn phòng cho gọn gàng và ra bãi tập chiến thuật.
Thì giờ của sinh viên sĩ quan eo hẹp như thế nên anh không thể nào viết liên tục cho em được. Trưa nay, anh bỏ ngủ để viết tiếp cho em. Anh ngồi dưới đất, tựa lưng vào chân giường, tập giấy kê lên đùi. Cả phòng ai cũng xuống nằm dưới đất, không dám leo lên giường. Sáng nào, các anh cũng trải tấm drap giường thực phẳng, bốn cạnh được vuốt ngay như thước kẻ, mặt giường không được có một vệt nhăn nào. Sau khi ra khỏi phòng để đi học thì lập tức sĩ quan vào khám thực tỉ mỉ, giường nào không phẳng thì chủ nhân của nó sẽ khốn đốn vì lệnh phạt vào buổi chiều. Vì thế, buổi trưa tất cả đều phải hạ thổ để giữ cho cái tấm drap giường được nguyên vẹn.
Nếp sinh hoạt trong quân trường thực lạ lùng phải không em. Lạ lùng hơn nữa là sự biến chuyển trong tận bề sâu tâm hồn chúng anh. Không còn những gương mặt âu sầu bi quan của giới trẻ trong một đất nước ngập tràn khói lửa chiến tranh. Tất cả những con người ở đây đều vui vẻ yêu đời, cười đùa thoải mái, dù ai cũng biết rằng không bao lâu nữa sẽ rời chốn bình an để lăn thân vào chốn da ngựa bọc thây.
Chiến tranh là một lò lửa bạo tàn, ai cũng nguyền rủa, nhưng ở đây, những người sắp bước vào lò lửa đó, những thanh niên thân thể cường tráng, tâm hồn trong sáng, lại không một lời phiền trách, thản nhiên chấp nhận thân phận của mình. Hình ảnh nầy chắc chắn phải lảm cho quả tim của các triết gia rớm máu.
Thôi, chuyện chiến tranh buồn lắm, anh không muốn nói tiếp, sợ làm vẫn đục tâm hồn của một người con gái vô cùng đáng quý. Anh muốn kể cho em nghe một chuyện gì vui vui có thể làm nở nụ cười xinh đẹp của em.
Chuyện vui gì đây? À, chuyện vui nầy cũng tạm được.
Cách nay gần hai năm, lúc còn trong giai đoạn tân khóa sinh, vào một buổi chiều rất lạnh, từ câu lạc bộ trở về, anh cúi mặt đi co ro để tránh bớt gió lạnh đang ào ào thổi trên đồi. Thình lình, anh nghe giọng quát khá to:
- Nầy anh kia.
Anh giật mình ngẩng lên, nhìn thấy một huynh trưởng mang alpha hai gạch đi ngược chiều và dừng lại. Huynh trưởng nói tiếp:
- Anh đơn vị nào, trình diện xem.
Anh đứng chụm chân chào, xưng tên, số quân, trung đội, đại đội, tiểu đoàn của mình. Huynh trưởng gằn giọng:
- Tại sao, khi nãy đi ngang qua tôi anh không chào?
Nghe huynh trưởng cật vấn, anh ngớ người ra. Anh biết rằng theo quân kỷ thì phải chào huynh trưởng, nhưng vì thói quen, đàn em thường chỉ chào sĩ quan mà rất ít khi chào huynh trưởng. Anh chẳng biết nói sao thì huynh trưởng ban lệnh:
- Khuya nay, đúng mười một giờ ba mươi phút, anh phải đến gặp tôi để nhận lệnh phạt.
Huynh trưởng cho biết tên, số phòng, số giường rồi bỏ đi. Anh rất lo lắng, không biết lệnh phạt thế nào vào đêm khuya như thế nên không dám ngủ, đợi đúng mười một giờ hai mươi lăm phút thì đến tận giường huynh trưởng để trình diện. Huynh trưởng vùng dậy nhưng vẫn trùm mền ngồi trong giường ban lệnh ra:
- Bây giờ, anh phải ra phòng trực trước cổng, xin gặp trung úy Thành và yêu cầu trung úy cho rờ vào cái rốn rồi vào đây báo cáo cho tôi biết.
Anh không tin vào tai của mình nên đứng yên. Huynh trưởng phải nhắc lại lệnh phạt lần thứ hai mà anh cứ đứng ngẩn người vì cái lệnh phạt kỳ cục đó. Vài giây sau, anh chào huynh trưởng rồi bước ra khỏi phòng. Trời đầy sao lấp lánh, gió lộng rít từng cơn, không khí lạnh hơn những đêm trước nhiều. Anh cố bước nhanh ra cổng.
Trung úy Thành đang ngủ say, nghe sinh viên trực gọi thì hoảng hốt, tưởng xảy ra việc nghiêm trọng trong đêm khuya. Trung úy vén mùng, ló mặt ra. Sau khi nghe anh xin rờ cái rốn theo lệnh phạt của huynh trưởng Thái văn Hy thì trung úy tức giận, chửi thề rồi nói:
- Tiên sư cái thằng Hy, khi chiều học chiến thuật ngoài bãi, nó ngủ gục bị tao bắt được, cho chạy mấy vòng, bây giờ nó trả thù kiểu nầy đây. Lạnh bỏ mẹ, lại đang ngủ ngon!
Thấy trung úy vẫn nằm yên, anh năn nỉ và bảo đây là lệnh phạt, buộc anh phải thi hành. Trung úy đành phải tung mền bông, bước xuống giường. Trời lạnh lắm, nhất là đối với người vừa ra khỏi chỗ ấm áp. Trung úy vừa lầm bầm chửi thề, vừa cởi áo field jacket, rồi áo trận, sau đó vén áo len để lộ cái rốn to như quả chanh. Anh sờ tay lên nhưng tức cười qua nên táy máy bóp nhẹ cái rốn lồi, làm trung úy nhột, cười sằng sặc và hết giận. Sau đó trung úy vội vàng mặc lại mấy lớp áo và chui vào mền bông. Anh đứng chụm chân chào từ giã. Trung úy khoát tay nói to:
- Thôi về đi. Nói với thằng Hy ngày mai nó biết tay tao.
Anh ra khỏi phòng trực, lủi thủi đi trong gió rét, đến báo cáo với huynh trưởng rồi về phòng ngủ.
Đó, quân trường rất nhọc mệt nhưng cũng lắm chuyện vui như thế. Anh nhớ trước đây có một vị tướng về hưu sau mấy chục năm trong quân ngũ. Khi được hỏi giai đoạn nào trong cuộc đời binh nghiệp được ông tướng nhớ thương nhất thì ông tướng trả lời ngay là thời gian học ở quân trường.

Hồng Ngọc thân mến,
Hết giờ nghỉ trưa rồi. Vừa có lệnh tập họp để đi học văn hóa. Thôi anh xin kết thúc lá thơ nầy. Chiều nay, đi học về, anh sẽ đem giao cho quân bưu.
Rất mong thư em.
SVSQ Nguyễn văn Định

Đọc xong lá thư, tôi cười khúc khích một mình. Những ngày sau, thỉnh thoảng cứ tưởng tượng cái ông sĩ quan buộc phải cởi áo đứa cái rốn ra cho anh chàng sinh viên sĩ quan bóp nhẹ một cái thì tôi lại không nhịn cười được.
Một tuần sau, tôi viết lá thư thứ hai cho anh Định. Những dòng chữ còn rất đắn đo nên thư chỉ đầy một trang giấy học trò mà tôi mất hai buổi chiều mới xong. Tôi đọc lại thư tôi viết, sao thấy nó khô queo, quá nghiêm trang chứ không nhẹ nhàng và tự nhiên như thư của anh Định. Tôi nghĩ rằng thư tôi viết khô khan như thế, có lẽ người đọc chán lắm. Nhưng không, trong thư hồi âm, anh Định bảo rằng hết sức hạnh phúc khi đọc thư tôi. Anh nói chỉ cần nhìn thấy tên Hồng Ngọc ngoài bao thư và nét chữ xinh xắn của tôi, anh đã thấy bầu trời đột nhiên rực sáng, cuộc đời đột nhiên thơm ngát hương hoa. Anh bảo ước mơ suốt đời được sống trong bầu trời đó, trong cuộc đời đó.
Lời thư thật tha thiết. Tôi cảm thấy một lời tỏ tình chính thức của anh đối với tôi có lẽ cũng gần kề. Ý nghĩ đó làm cho tôi cảm thấy tim mình rung động một cách êm đềm.
Quả thực, điều đó đã xảy ra vào năm thứ hai đại học Sư phạm của tôi. Trong một lá thư, anh đã viết:
Bây giờ thì anh phải nói với em sự thực trong lòng anh, sự thực mà anh nghĩ rằng em đã đoán biết từ lâu. Từ khi gặp em, cách nay hai năm, anh đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Tiếng sét thực kỳ lạ, đánh trúng anh mà không làm cho anh ngã gục, trái lại nâng anh lên trong một không gian xanh bát ngát làm cho anh choáng ngợp trong một tình cảm vừa thắm thiết lại vừa lo âu. Kể từ đó, nơi chốn quân trường, chỗ nào cũng có bóng dáng em. Trong hội trường, ngoài bãi tập, ở phòng ăn, chỗ phòng ngủ, nơi nào, lúc nào anh cũng tưởng tưởng thấy gương mặt xinh đẹp của em nhìn anh mỉm cười. Kể cả những giờ phút căng thẳng như trượt vun vút trên dây tử thần hay nhoài người leo lên chinh phục đỉnh Lang-biang, hình bóng em cũng không bao giờ rời khỏi con tim và khối óc của anh.
Tình yêu nơi anh đối với em đã quá sâu đậm mất rồi. Anh lo lắng không biết tình yêu đó có được đáp ứng hay không. Anh nhớ đã từng đọc ở đâu đó lời một triết gia bảo rằng yêu hạnh phúc hơn được yêu. Đối với anh, yêu mà không được yêu thì chưa thể gọi là hạnh phúc trọn vẹn được. Vì vậy, sau khi gởi lá thư nầy đi, anh sẽ mong từng ngày, từng giờ, thư hồi âm của em để biết mình có được may mắn hưởng hạnh phúc trọn vẹn hay không….”.
Lá thư làm tôi xúc động ngẩn ngơ. Suốt cả buổi chiều tôi trốn trong phòng, gần như lên cơn sốt. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư của anh, mà vẫn không biết trả lời làm sao. Thực tình, gần một năm nay, tôi tiên đoán có ngày nhận được lời tỏ tình nhưng đến khi nhận được thì tôi xúc động một cách dị thường, đầu óc cứ như lơ lơ lửng lửng trên chín tầng mây.
Tôi đưa lá thư cho mẹ. Từ trước tới nay, mẹ không đọc những lá thư trực tiếp gởi cho tôi, nhưng lần nay, có lẽ thấy sự biến đổi khác thường trên mặt tôi nên mẹ nhận ngay lá thư và đọc ngấu nghiến. Đọc xong, mẹ nhìn tôi, mỉm cười:
- Trông bộ mặt con, mẹ tưởng trong thư có gì quan trọng và đáng lo. Té ra đây là chuyện hết sức bình thường. Người con trai tỏ tình với người con gái, chuyện nầy có lẽ đã xảy ra từ ngàn vạn năm nay trên trái đất rồi.
Tôi nhìn mẹ, lắp bắp:
- Bây giờ con phải làm sao đây hả mẹ?
Mẹ cười:
- Lòng con bảo làm thế nào thì con làm thế đó.
Tôi vẫn còn bối rối:
- Mẹ nói gì con không hiểu.
- Con nghe mẹ nói đây. Con lớn rồi chứ đâu phải trẻ con nữa. Con đã gặp cậu Định tính đến nay đã hơn hai năm rồi. Nếu con có lòng yêu thương cậu Định thì cứ nói thật tình yêu của con. Nếu con không yêu mà chỉ quý mến thôi thì cũng cứ nói thật và đề nghị với cậu Định giới hạn tình cảm ở chỗ bạn bè mà thôi. Trong sự đối xử với nhau, sự thành thật là tốt nhất.
Mẹ ngừng một chút, nhìn tôi một cách nghiêm nghị và nói tiếp:
- Mẹ có cảm tưởng là con chưa ý thức được mình đã trưởng thành. Sinh viên đại học năm thứ hai rồi mà. Con đã đến tuổi có quyền tự do trong yêu đương. Mẹ chỉ khuyên con phải rất cẩn thận và giữ gìn đúng lễ nghĩa trong tình yêu. Khi nào quyết định đi đến hôn nhân thì mới phải hỏi đến cha mẹ.
Một lần nữa, tôi lại thấy mẹ đúng là mẫu mực một nhà mô phạm. Tôi nhìn mẹ, nũng nịu:
- Nhưng lúc nào còn sống với mẹ thì con muốn hỏi mẹ về mọi việc. Mẹ…, mẹ thấy anh Định có xứng đáng làm con rể của mẹ không?
Nói xong tôi úp mặt vào cánh tay của mẹ. Mẹ nâng tôi lên và cười:
- Theo mẹ, cậu Định chẳng có điểm nào đáng chê trách.
- Nhưng con sẽ tốt nghiệp đại học, còn anh ấy đã thi rớt và bỏ học nửa chừng.
Mẹ nhìn tôi, khẻ nhíu mày:
- Đúng, cả hai khóa trong một niên khóa, Định đều rớt chứng chỉ “luận lý siêu hình” của cử nhân triết học. Nhưng mẹ đã nói với con rồi, cậu ấy rớt không phải ngu dốt hay lêu lổng chơi bời mà trí não cứ mãi bận rộn với những tin tức về chiến sự, óc tưởng tượng cứ mãi lang thang trên những miền quê quằn quại trong khói lửa. Bình thản để học triết và thi đậu trong hoàn cảnh bi đát của đất nước thì chưa chắc là đáng khen, ngược lại quá ưu tư vì thời cuộc mà phải thi rớt như cậu Định chưa chắc là đáng chê.
Mẹ ngưng một chút rồi nói tiếp:
- Mẹ đã nói với con là mẹ quý cậu Định nhưng không phải vì thế mà mẹ có nhận định kém trung thực về cậu ấy đâu. Thanh niên thời loạn phải vào quân đội để bảo vệ Tổ quốc là điều đáng khen. Khi mẹ dạy các con tác phẩm Chinh phụ ngâm của bà Đoàn thị Điểm, cứ đến hai câu: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, Xếp bút nghiên theo việc đao cung, là mẹ không dằn được cảm xúc khi nghĩ đến những đứa học trò của mẹ đã xếp bút nghiên để ra chiến trường. Làm sao mẹ không thương yêu, khen ngợi lẫn kính phục những đứa trẻ đó được.
- Nhưng con nghe có người nói trong gia đình, nếu người vợ học cao hơn chồng thì người chồng thường tự ti mặc cảm, từ đó khó có hạnh phúc hoàn toàn.
Mẹ tát nhẹ vào má tôi:
- Đừng nói bậy. Ba con bằng cấp có bằng mẹ đâu, và gia đình mình không hạnh phúc à? Hơn nữa, cậu Định có bỏ học đâu. Định đã chọn trường Võ bị Đà lạt là đáp ứng hai mục tiêu của người con trai, thứ nhất là khoác chiến y, thứ hai là tiếp tục học hành trong bốn năm liên tiếp rồi ra trường hẳn hòi. Trong bốn năm đó, sinh viên Võ bị học chương trình đại học và khi ra trường được chính thức công nhận là có kiến thức ngang với kỹ sư công nghệ.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao mẹ biết rõ quá vậy?
- Trường mình có đến bốn giáo sư nam là sĩ quan của bộ Quốc phòng biệt phái cho bộ Giáo dục. Từ hôm biết cậu Định vào học trường Võ bị, bỗng nhiên mẹ muốn tìm hiểu ngôi trường quân sự nầy nên đã hỏi thăm mấy ông giáo sư biệt phái đó. Có thầy Minh trước đã dạy văn hóa ở trường Võ bị nên biết rất rõ và đã giải thích mọi thắc mắc của mẹ.
- Nhưng ra trường thì họ đi đánh nhau, kiến thức đại học đó có nghĩa lý gì?
- Chiến tranh có lúc phải chấm dứt, họ sẽ trở về dùng kiến thức của mình để góp phần xây dựng lại quê hương. Thôi nói chuyện bao nhiêu đó đủ rồi. Con đi tắm đi, ba sắp về rồi đó.
Mẹ nói xong quay sang bếp chăm chú vào công việc nấu ăn. Tôi tắm xong, nghe lòng phơi phới.
Tôi biết mình đã yêu anh Định, không rõ tự lúc nào. Bây giờ được mẹ tỏ ý đồng tình, bảo tôi không vui sao được.
Những lá thư tiếp tục đan nhau trên bầu trời Sài gòn Đà lạt. Lời thơ của tôi bây giờ không còn kiểu e ấp của con gái mới lớn lên nữa mà là những lời nhớ nhung nồng nàn thành thực, của một tình yêu gởi gắm cho một tình yêu.

Mùa hè năm đó, mẹ và tôi quyết định đi du lịch ở Đà lạt. Ba không đi vì phải làm việc liên tục chứ không có mùa hè như hai mẹ con. Nhiều ngày trước đó, tôi viết thư báo tin cho anh Định biết. Chắc chắn, anh mong ngày mong đêm được gặp tôi tại xứ sở thơ mộng đó.
Mẹ và tôi lên ở nhờ nhà của hai vợ chồng bạn của mẹ, đang là giáo sư trường trung học Trần Hưng Đạo. Nhà là một biệt thự nho nhỏ ở kế trường, nằm trên bờ hồ. Trong lá thư gởi cho anh Định vài ngày trước khi đi, tôi đã nói rõ địa chỉ.
Chúng tôi đến Đà lạt vào ngày thứ sáu. Suốt ngày thứ bảy, hai mẹ con dạo chơi trên bờ hồ Xuân hương, thác Prenn rồi thác Cam ly. Tôi đoán hôm sau chúa nhật, hầu hết sinh viên sĩ quan được đi dạo phố và anh Định sẽ đến gặp tôi sớm.
Không ngờ ngay chiều thứ bảy, anh lù lù bước vào khi chúng tôi đang ăn cơm. Anh mặc bộ quân phục đi phép trông hơi lạ và bảnh trai hơn khi tôi gặp ở Sài gòn. Nét mặt anh vô cùng rạng rỡ trong khi tôi sửng sốt buông đũa nhìn anh trân trân. Anh giải thích rằng đã nhờ ông đại úy đại đội trưởng xin được cho anh cái phép đặc biệt để ra gặp gia đình. Ông đại úy biết cha ghẻ của anh là thiếu tá quận trưởng nên có phần nể nang.
Sau bữa cơm thì đã về đêm nhưng trời không tối hẳn vì đêm nay là mười bốn âm lịch, trăng đã lên quá đọt thông và sáng chói tên bầu trời không một sợi mây. Tôi xin mẹ ra sân ngắm trăng với Định. Mẹ mỉm cười gật đầu.
Vừa ra khỏi nhà, anh vội vã nắm tay tôi. Tôi rùng mình vì lần đầu tiên, tay tôi nằm gọn trong tay một người con trai. Tôi mặc cho anh dẫn tôi ra khỏi sân nhà, đi vòng bờ hồ, qua một chiếc cầu nho nhỏ. Dưới một gốc thông già, anh dừng lại nắm cả hai bàn tay tôi. Tôi nghe giọng nói đầy xúc động qua hơi thở:
- Hồng Ngọc, anh yêu em.
Vòng tay lực lưỡng của anh siết mạnh làm ngực tôi áp sát vào tấm thân cường tráng của anh. Thân tôi như mềm nhũn ra khi anh đưa tay nâng mặt tôi lên và môi anh áp mạnh vào môi tôi. Tôi đê mê trong một cảm giác bàng hoàng sung sướng, cái cảm giác mà từ trước đến giờ tôi không hề tưởng tượng có trên cõi đời nầy.
Rồi bỗng nhiên, một nỗi lo sợ chen vào. Đêm Đà lạt thì hoàn toàn vắng lặng, chung quanh không một bóng người. Nỗi lo sợ có lẽ do bản năng của người trinh nữ được nuôi dưỡng trong một gia đình gia giáo. Tôi cảm thấy rằng, nếu Định tiến xa hơn, lôi kéo tôi vào con đường xác thịt thì trong trạng thái đê mê hiện tại, tôi khó có đủ sức từ chối sự dâng hiến đời con gái của mình. Thực tình, ý nghĩ của tôi là như thế.
Nhưng không, anh rời tôi ra, nắm hai tay tôi thì thào:
- Hồng Ngọc ơi, anh yêu em suốt đời.
Sau đó, anh dẫn tôi về trả cho mẹ tôi.
Trên môi tôi vẫn còn tê dại nụ hôn đầu đời.
Cho đến bây giờ, sau gần hai mươi năm, khi ngồi viết những dòng hồi ký nầy, tôi vẫn còn xúc động như chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Từ trong sâu thẳm của cõi lòng chai đá, cảm xúc ngày xưa vẫn còn đó nguyên vẹn. Đôi môi ấm áp của Định, vòng tay vững chãi của anh, ánh mắt si mê tình đầu và không gian êm đềm dưới bóng thông già... tất cả sẽ theo tôi đến cuối cuộc đời. Tất cả chìm đắm trong tiếng gọi mãi mãi yêu thương: Định ơi.

Sáng hôm sau, khi cả nhà ăn sáng, Định lại đến. Anh bảo hôm nay là phép chính thức của tất cả sinh viên sĩ quan. Anh xin mẹ cho phép anh đưa tôi đi dạo phố. Mẹ bằng lòng.
Tôi mặc chiếc áo dài màu xanh da trời, bên ngoài khoác áo len màu trắng, thoa một ít phấn trên mặt và một lớp son mỏng trên đôi môi. Mẹ bảo người Sài gòn lên Đà lạt chưa quen với cái lạnh nên môi thường bị tái.
Khi tôi vừa bước ra khỏi cửa buồng, Định đang ngồi bỗng đứng bật dậy, nhìn tôi sững sờ. Đây không phải lần đầu tiên tôi nhận được ánh mắt ngưỡng mộ từ những người khác phái. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy hạnh phúc khi biết người yêu đang chiêm ngưỡng nhan sắc của mình.
Khi chúng tôi ra đến đường lộ, trời khá lạnh, dù mặt trời đã lên khỏi những dãy núi, khắp nơi tràn ngập ánh sáng của buổi bình minh rực rỡ. Chúng tôi đón xe ra công trường Hòa bình. Tay trong tay, chúng tôi dạo quanh chợ Đà lạt, thong thả dạo trên bờ hồ Xuân hương, qua khỏi vườn Bích câu thì chúng tôi leo lên đồi Cù.
Ngọn đồi thực vắng vẻ. Dưới chân chúng tôi, cỏ xanh mơn mởn, hơi dợn sóng khi ngọn gió lạnh thổi qua. Tôi thoáng rùng mình. Định dừng lại, xoay qua nhẹ nhàng nắm lấy hai vai tôi. Tôi ngước lên nhìn, bắt gặp đôi mắt đam mê của anh. Anh đưa hai bàn tay áp vào hai má của tôi. Tôi nhắm mắt lại. Khi môi anh chạm vào môi tôi, tôi đưa hai tay ôm chặt lưng anh vì sợ mình bay bổng khỏi thế gian nầy.
Tôi không rõ nụ hôn trên đồi vắng nầy kéo dài bao lâu. Tôi bừng tỉnh, ngạc nhiên thấy mình gục đầu trên vai anh. Chúng tôi lại hôn nhau mê mải rồi rời nhau ra. Thời gian không còn nghĩa lý gì nữa, trong thời khắc đó, tâm hồn chúng tôi đã vĩnh viễn thuộc về nhau.


*
* *

Tháng giêng 1973, hiệp định hòa bình Paris được ký kết. Định thức suốt đêm viết cho tôi một bức thư thực dài kể nỗi vui sướng trong lòng vì chiến tranh đang chấm dứt, khói lửa không còn thiêu đốt quê hương thân yêu, xóm làng điêu tàn sẽ từ từ trỗi dậy, trẻ em vui vẻ đến trường, lúa sẽ mọc lên xanh mơn mởn trên những cánh đồng, đêm đêm tiếng hò tiếng hát sẽ vang lên ở tận những xóm làng xa xôi nhất.
Cảnh thanh bình trên đất nước đã chịu đựng gần ba mươi năm chiến tranh được Định ca ngợi bằng tất cả tấm lòng yêu quê hương, yêu đồng bào. Lời ca ngợi quá sức đẹp đẽ làm cho tôi xúc động tận tâm can, hai giọt nước mắt tràn ra, lăn dài xuống má.
Tôi kéo tay áo lau nước mắt rồi đọc tiếp thư anh:
“…Còn vài tháng nữa anh sẽ tốt nghiệp, trở thành một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đất nước không còn chiến tranh, những người lính chúng anh, có người sẽ vẫn tiếp tục cầm súng để bảo vệ hòa bình, có người sẽ buông súng ra để rảnh tay góp phần kiến thiết quê hương. Và anh cũng sẽ tạo dựng một mái nhà trong đó anh sống bên em, rồi một vài đứa con sẽ ra đời, chứng minh cho tình yêu tuyệt vời của chúng mình…”.
Sau những ý tưởng lãng mạn thăng hoa đó, Định bàn những việc có tính thực tiễn. Anh đề nghị sau khi học xong trường Võ bị, anh sẽ xin mẹ anh và cha ghẻ lên làm lễ hỏi để anh được phép lui tới thăm viếng tôi mà không sợ hàng xóm dị nghị. Còn hơn một năm nữa tôi cũng sẽ tốt nghiệp đại học Sư phạm. Trong thời gian một năm đó, Định sẽ cố gắng lo cho có một tổ ấm để sau khi tôi có nhiệm sở xong thì chúng tôi sẽ tổ chức hôn lễ để nên nghĩa vợ chồng.
Lá thư của anh làm tôi vui sướng vô ngần. Trước mắt tôi, tương lai thực sáng rỡ, tràn đầy hạnh phúc.
Tôi nhớ mẹ đã từng dạy rằng chúng tôi được quyền tự do trong tình yêu nhưng mọi tính toán về hôn nhân phải xin ý kiến của cha mẹ. Do đó một lần nữa tôi đưa cả lá thư của anh Định cho mẹ đọc và chờ đợi nụ cười vui tươi trên khuôn mặt phúc hậu của mẹ. Nhưng không, sau khi đọc xong, mẹ im lặng, chậm rãi xếp lá thư lại cho vào bao, nét mặt có vẻ đăm chiêu, lằn nhăn trên trán hình như lộ rõ hơn.
Một bóng mây đen vừa tràn đến che phủ vầng hào quang của hạnh phúc. Tôi thầm đoán được, cuộc hôn nhân này có những điều trắc trở. Vài phút sau, mẹ quay sang tôi, nét bình thản trở lại trên khuôn mặt. Mẹ vuốt tóc tôi và nói với giọng thực dịu dàng:
- Cậu Định tính chuyện hôn nhân của hai đứa như thế cũng được. Mẹ cũng vui lòng cho hai đứa sau nầy thành vợ thành chồng. Tuy nhiên….
Mẹ ngừng nói làm nỗi lo lắng của tôi tăng lên. Tôi cầm tay mẹ lắc nhẹ:
- Có điều không ổn phải không mẹ?
Mẹ cười:
- Ừ, nhưng không sao. Mẹ sẽ giải quyết được.
- Việc... đó phải không?
- Ừ, việc chính kiến của ba con.
Tôi không hoảng hốt, bởi đó là điều ngay từ đầu tôi và mẹ đã lo sợ. Chỉ vì từ hơn một năm nay, lặn ngụp trong tình yêu say đắm đầu đời, tôi không còn quan tâm đến mối căm thù của ba tôi. Nay mẹ nhắc lại tôi càng biết rõ, mình không thể phủ nhận chính kiến của ba để mà an nhiên đến với Định. Tôi lo lắng hỏi nhỏ:
- Ba sẽ phản đối vì anh Định là sĩ quan Cộng hòa phải không mẹ?
Không ngờ mẹ lắc đầu:
- Ba con sẽ không phản đối đâu. Lấy lý do gì mà phản đối. Nhưng mà có điều nầy mẹ đang suy nghĩ.
Mẹ lại ngừng nói. Tôi đoán mẹ đang có một tâm sự nặng nề. Từ trước đến nay, mẹ luôn luôn có tư thái một giáo sư văn chương, ăn nói lưu loát, diễn tả tư tưởng một cách rõ ràng dứt khoát, rất ít khi thấy mẹ nói mà cứ ngập ngừng như thế nầy.
Tôi cầm tay mẹ, mân mê mấy ngón tay:
- Mẹ có ý nghĩ thế nào, nói cho con nghe đi. Con trưởng thành rồi, mẹ luôn luôn nhắc đi nhắc lại điều đó mà.
- Được rồi, mẹ nói rõ cho con nghe điều mẹ đang lo nghĩ. Anh Quân con mất rồi, mẹ chỉ còn một mình con. Rồi con phải có chồng. Nếu con vu quy về nhà chồng thì ba mẹ, hai vợ chồng già sống với nhau, chắc phải buồn bã vô cùng.
Giọng mẹ trầm hẳn xuống làm tôi rất cảm động. Tôi ngước lên nhìn mẹ:
- Nhưng anh Định đâu có thuận với ông cha ghẻ nên đám cưới xong thì chắc chắn, không có chuyện chúng con về ở dưới đó. Chúng con sẽ ở đây với ba mẹ, những đứa con của chúng con sẽ được mẹ săn sóc dạy dỗ. Mẹ đừng lo, anh Định cũng sẽ thích như thế.
Tôi thấy đôi mắt của mẹ ánh lên niềm vui nên nói tiếp một cách sôi nổi:
- Con sẽ nói với anh Định cố gắng thay thế anh Quân làm nguồn vui trong tuổi già của ba mẹ.
Mẹ ngồi thẳng dậy:
- Mẹ cũng mong được như thế nhưng chỉ ngại cái tình cảm của ba con đối với chàng rể là sĩ quan xuất thân từ trường Võ bị, mà Hà nội và Mặt trận Giải phóng gọi là nơi đào tạo những tay sai đắc lực và cực kỳ phản động của Mỹ. Ba con bẩm tính hiền lành nhưng đụng vào vấn đề chính kiến thì ông mất bình tĩnh, nói không giữ lời, không nể nang ai cả. Con có nhớ lần đầu tiên, Định đến đây báo tin anh Quân con bị cách mạng giết, ông nổi giận đuổi cậu Định ra khỏi nhà không?
Tôi đáp lời một cách thê lương:
- Dạ, làm sao con quên được cái hôm khủng khiếp đó.
- Vì vậy mẹ sợ rằng sau nầy, cậu Định về đây sống với gia đình mình, khó có thể đem lại cho ba con tình thương đậm đà mà ba con dành cho anh Quân của con lúc còn sống. Đôi khi lỡ lời lại xung khắc với nhau. Mẹ sợ tuổi già của ông không hạnh phúc thì tội nghiệp lắm.
Tôi cảm phục tấm lòng thương chồng, thương con của mẹ. Tôi cố gắng an ủi mẹ:
- Con sẽ cố gắng thuyết phục anh Định dung hòa vấn đề chính kiến với ba. Con thấy anh Định có tỏ ra thù ghét cộng sản lắm đâu. Anh đã từng vào khu sống với họ trong gần một tháng. Anh đi lính là vì bị bắt buộc đó thôi. Trái lại anh ấy còn tỏ ra thù ghét ông cha ghẻ tham nhũng là nhân viên cao cấp của chính phủ quốc gia nữa.
Mẹ lắc đầu:
- Đúng là khi chưa vào lính, nó chỉ thấy đường lối cộng sản sai nhưng không thù ghét. Thế nhưng, sau hơn ba năm học ở trường Võ bị, tư tưởng nó biến chuyển rõ rệt. Mẹ thấy rõ điều đó, mà nó cũng thành thật xác nhận như thế với mẹ trong lần gặp mẹ cuối cùng. Bây giờ nó nhất định phải đuổi cộng sản ra khỏi miền Nam để dân chúng được an cư lạc nghiệp.
- Có lẽ anh Định đã bị mấy ông tâm lý chiến trường Võ bị nhồi nhét lòng căm thù cộng sản.
- Dĩ nhiên, nó đã học những tài liệu của chiến tranh chính trị, nhưng điều căn bản là tự nó đã nhìn thấy tội ác của cộng sản khi gây ra cuộc chiến tranh xâm lược để tàn phá cả miền Nam của nó. Rồi nó nghe các sĩ quan huấn luyện kể nỗi khổ của chiến trường. Định là đứa rất thông minh và có lòng yêu nước nên chắc chắn phải thấm thía điều đó. Trước đây, khi còn sống an lành trong các thành phố, ý nghĩ đó chưa sâu sắc; còn bây giờ vào lính rồi, cuộc sống yên vui chấm dứt, lại sắp phải đem cả sinh mạng mình vào đối đầu với tội ác đó thì không có lòng căm thù sao được. Hơn nữa, mai nầy hết học, cầm súng ra chiến trường, chứng kiến tận mắt nỗi khổ cùng cực của đồng bào do cuộc chiến tranh xâm lược gây ra thì lòng căm thù còn dâng cao đến đâu mà biết trước được.
Tôi hoảng quá ngắt lời mẹ:
- Nhưng hòa bình đang đến. Người ta kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc. Những người đã từng cầm súng tìm cách giết nhau còn có thể hòa giải với nhau, huống chi ba với anh Định mới chỉ bất đồng chính kiến mà thôi thì không “hòa giải hòa hợp” được với nhau sao? Con nghĩ rằng chiến tranh chấm dứt thì tiêu tan mọi hận thù.
Mẹ lắc đầu:
- Lúc đầu, nghe hiệp định hòa bình Paris được ký kết, mẹ và nhiều người khác đều mừng cho đất nước, nhưng ba con quả quyết rằng cách mạng chưa thôi sử dụng bạo lực một khi chưa đuổi được Mỹ và đánh bại phe quốc gia để giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, rồi chủ nghĩa cộng sản. Ông bảo thường xuyên bắt nghe các đài phát thanh Hà nội, Giải phóng, Bắc kinh, Mạc tư khoa. Ông tổng hợp các bài bình luận chính thức và xác quyết rằng phe cộng sản sử dụng hội nghị chỉ để tuyên truyền mà thôi chứ không phải để có hòa bình. Vì quá tha thiết và vui sướng với hòa bình nên phe quốc gia sẽ suy giảm tinh thần chiến đấu, lúc đó chiến thắng của cộng sản sẽ đến nhanh hơn.
- Theo mẹ thì điều đó có đúng như thế không?
- Về khả năng nhận định thời cuộc thì mẹ không bằng ba con. Nghe ông phân tích, mẹ cũng nghi ngờ cái thiện chí hòa bình của cộng sản. Khi thấy ông vừa nhận định thời cuộc một cách sắc bén, vừa tỏ ra phấn khởi với tính hiếu chiến của cộng sản, mẹ rất phiền lòng nhưng cũng phải cố gắng “hòa hợp hòa giải” với ổng.
Tôi cảm thấy bực mình:
- Con hiểu mẹ. Ông ngoại là một nhà nho, đã dạy mẹ câu “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu” nên mẹ luôn luôn tự gò ép theo ý tưởng của ba. Con thì khác, con mong muốn hòa bình và căm ghét chủ trương gây chiến của cộng sản.
Mẹ thở dài, giọng trầm hẳn xuống:
- Con đang thành người trí thức đúng nghĩa, con có đầy đủ quyền tự do tư tưởng.
Tôi cầm bàn tay của mẹ áp lên mặt mình, nghe trong lòng dậy lên cuồn cuộn nỗi thương yêu. Tôi cố gắng lấy giọng bình thường nói với mẹ:
- Còn đề nghị của anh Định khi ra trường xin làm đám hỏi mẹ tính sao?
- Không những mẹ hoàn toàn đồng ý mà còn vui mừng nữa.
- Còn ba con?
- Con đừng lo, để mẹ dàn xếp. Mẹ đã nói rồi. Ba con không thể vin vào sự bất đồng chính kiến để cản trở việc hôn nhân của con cái. Còn chuyện tình cảm giữa hai người đàn ông là chuyện về sau. Mẹ hy vọng rằng họ là những người có đạo đức thì mọi chuyện có thể dàn xếp ổn thỏa. Hơn nữa, giữa hai người đó còn có con làm trung gian. Với bên nầy, con là con gái cưng, với bên kia, con là vợ hiền. Con sẽ thắt mối dây tình cảm giữa hai người.
Tôi vui sướng vì lời nói của mẹ nhưng vẫn còn âu lo:
- Anh Định bảo rằng chính ông cha ghẻ sẽ làm trưởng đoàn nhà trai lên đây làm lễ hỏi. Ông ấy vừa là sĩ quan cao cấp, vừa là quận trưởng.
Mẹ cười:
- Ông ấy vừa là ngụy quân, vừa là ngụy quyền theo luận điệu trong các bài phát thanh của cộng sản mà ba con nghe được và kể lại với mẹ. Nhưng đó là chuyện tuyên truyền đáng chán của họ. Còn về việc của mình, theo lễ nghi cổ truyền, như thế là rất tốt. Ông quận trưởng thay thế thân phụ của cậu Định, đó là điều hợp đạo lý. Vả lại, ông lên đây làm lễ xong rồi về ngay chứ có ở lâu đâu mà sợ đụng độ tư tưởng với ba con.
Thế là mẹ giải quyết xong mọi thắc mắc của tôi. Tôi rất vui mừng và biết ơn mẹ vô cùng. Nhiều đêm sau đó, tôi nghe trong buồng của ba mẹ vọng ra tiếng bàn cãi lắm lúc có vẻ lớn giọng. Sáng ra tôi hỏi thì mẹ tươi cười, nói mọi việc đều tốt đẹp.

Mùa hè, vào kỳ nghỉ phép ra trường của anh Định, lễ hỏi được tổ chức thực trang trọng với rất đông khách mời. Họ ngồi chật cả ba cái sân của nhà tôi và hai nhà bên cạnh. Từ Vĩnh long, một đoàn xe du lịch sang trọng đưa nhà trai lên. Ai cũng trầm trồ lễ hỏi to và trang trọng hơn lễ cưới nữa.
Ông quận trưởng mặc thường phục, nét mặt hòa nhã nhưng nghiêm trang. Nhìn ông quận trưởng và ba tôi bắt tay nhau một cách thân mật, lòng tôi tràn đầy hân hoan, dù biết cái sự thân mật đó chỉ là bề ngoài. Mẹ của anh Định là một người đàn bà khá đẹp và phúc hậu, cử chỉ hơi lúng túng quê mùa. Mấy đứa em Định theo sau vui vẻ nhộn nhịp. Nhưng tôi không còn dịp nghĩ nhiều đến gia đình của Định. Chồng tương lai của tôi ở đó, trang trọng trước bàn thờ gia tiên. Trong làn khói hương trầm, nước mắt tôi ứa ra vì hạnh phúc.
Sau lễ hỏi, Định lên trình diện bộ tư lệnh sư đoàn Năm đóng tại Lai khê, và được bộ tư lệnh giữ lại làm sĩ quan phụ trách “không trợ” trong phòng hành quân. Đối với tôi, đó là điều đáng mừng vì hai lý do. Thứ nhất là khỏi phải cầm súng ra mặt trận, thứ là Lai khê nằm trên quốc lộ Mười bốn, cách Sài gòn không xa lắm, đường đi lại khá an ninh.
Anh về thăm tôi hàng tuần. Mỗi lần về, anh đều mang quà là những trái cây của miền Đông. Anh niềm nở và rất lễ phép với ba mẹ. Tôi để ý thái độ của ba, thấy ông vẫn giữ lịch sự với anh nhưng không mấy thân mật. Có vẻ như ông bất đắc dĩ phải chấp nhận chàng rể tương lai, kiên quyết tạo một khoảng cách tình cảm để giữ trọn chính kiến và lòng căm thù xưa cũ của ông.
Tôi không vui lắm về điều nầy nhưng tạm thời cứ chấp nhận sự “hòa hợp hòa giải” trong gia đình.

Quả như lời nhận xét của ba tôi, ký hiệp định Paris là phe tự do lọt vào âm mưu đen tối của cộng sản. Mỹ bỏ miền Nam, quốc hội Mỹ cúp viện trợ quân sự. Trong khi miền Nam nghiêm túc thi hành các điều khoản của hiệp định thì miền Bắc vừa lên tiếng tố cáo miền Nam vi phạm hiệp định, vừa bí mật ồ ạt xâm nhập vào miền Nam với vô số binh lính và vũ khí tối tân của Liên xô và Trung cộng. Miền Nam kêu la thì Mỹ và các nước trên thế giới bịt tai lại, mặc cho miền Nam kêu la. Người ta đã quá chán ngán chiến tranh Việt Nam rồi nên không muốn để ý đến số phận của nhân dân miền Nam nữa.
Trong khi sức mạnh quân sự của quân Giải phóng tăng lên rõ rệt nhờ sự bổ sung hết sức dồi dào từ miền Bắc thì sức chiến đấu của miền Nam càng ngày càng đi xuống. Súng ống đạn dược không được bổ sung, đạn đại pháo được dùng một cách dè xẻn. Không quân trước đây là ưu thế của miền Nam, bây giờ ưu thế đó giảm sút trầm trọng vì thiếu những cơ phận để thay thế.
Qua năm 1974, súng nổ rền khắp bốn vùng chiến thuật. Lợi dụng việc Mỹ và các đồng minh gồm Đại hàn, Úc, Thái lan, Gia nã đại rút ra khỏi miền Nam, Việt cộng tích cực mở các chiến dịch tấn công. Trong khi đó, Mỹ luôn luôn nhắc nhở Việt Nam Cộng hòa tuân thủ hiệp định Paris nên miền Nam bị trói tay, không thể mở những cuộc hành quân quy mô, dù chỉ để tự vệ. Mỗi ngày qua, Việt Nam Cộng hòa càng bị yếu thế, Việt cộng kiểm soát được những vùng đồng bằng rộng lớn và những vùng rừng núi bao la.
Cuối năm 1974, sau cuộc trình bày tình hình đất nước của tổng thống Nguyễn văn Thiệu với giới trí thức tại giảng đường của trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, một cuộc mạn đàm thân mật diễn ra giữa các giáo sư và sinh viên ưu tú. Cử tọa đặc biệt chú ý đến ý kiến của một giáo sư như sau:
- Ai trong chúng ta lại không vui mừng khi hiệp định Paris được ký kết. Không riêng chúng ta mà cả thế giới đều vui mừng, vì chiến tranh Việt Nam gây nên một sự nhức nhối trong lương tâm nhân loại. Nhưng bây giờ chúng ta mới thấy mình lầm. Hiệp định Paris không đem lại hòa bình mà chỉ là một cách để cộng sản dành ưu thế, nhanh chóng dùng chiến tranh kết liễu Việt Nam Cộng hòa. Trong những người lầm to, buồn cười nhất chính là quốc hội Thụy điển, khi hí hửng tặng giải thưởng Nobel hòa bình cho hai nhà ngoại giao Mỹ và cộng sản Bắc Việt. Nhà ngoại giao Mỹ khoái chí bỏ túi nửa triệu đô la. Ông ấy khoái chí cũng phải vì với biệt tài, ông đạo diễn cho Mỹ ký hiệp định Paris không cốt đem lại hòa bình cho Việt Nam mà để chuyển sức mạnh sang giúp cho dân tộc Do thái chống lại cả khối Ả rập. Còn nhà ngoại giao Bắc Việt, tuân lệnh đảng, từ chối không nhận giải, vì đảng có chủ trương hòa bình đâu mà lãnh giải hòa bình. Đó là sự thành thật rất hiếm có của người cộng sản. Riêng nhà ngoại giao Bắc Việt cũng không buồn vì nếu nhận nửa triệu đô la về thì ông cũng phải giao hết cho nhà nước. Vậy cả hai ông được đề nghị trao giải Nobel hòa bình chẳng ông nào hành động vì hòa bình Việt Nam cả.
Vị giáo sư nói đến đây thì kết thúc bài phát biểu. Một sinh viên đứng lên xin hỏi:
- Thưa thầy, quốc hội Thụy điển có biết mình lầm hay không và sau đó họ có thái độ thế nào?
Vị giáo sư trả lời:
- Tôi không biết rõ vì sau đó không có thông tin nào về quốc hội Thụy điển. Tuy nhiên, theo tôi suy đoán, khi thấy nhà ngoại giao Bắc Việt từ chối giải Nobel thì họ bắt đầu hiểu được thực chất của cái hiệp định đó. Nhưng lỡ tuyên bố rồi thì làm sao nói ngược lại được. Vả lại, nhà ngoại giao Bắc Việt từ chối nhận giải thì họ đỡ phải chi một món tiền lớn, cho nên họ giữ im lặng. Đúng, im lặng là vàng!
Lời phát biểu nầy làm cho cử tọa phì cười. Những nụ cười bàng quan vô tư rồi phải trả bằng cái giá quá đắt.