Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Lão già (4)


Chiếc taxi chở bé Hoài, mẹ và cô của cháu đến nhà thương Nhi đồng khi trời vừa sáng. Lan bế con vào nơi nhận bệnh. Bé được đưa ngay vào phòng cấp cứu vì lại sốt cao.
Hai giờ sau, bé được đưa lên phòng bệnh nhân ở lầu một. Theo ngón tay chỉ của cô y tá, Lan đặt bé vào chiếc giường duy nhất còn trống trong phòng. Bé mở mắt nhìn mẹ, lờ đờ mệt nhọc. Lan quỳ xuống đất, ngực tựa vào thành giường, cầm bàn tay nhỏ xíu áp vào môi mình. Nàng giữ nguyên vị thế nầy một lúc, cho đến khi bé từ từ nhắm mắt lại và ngủ yên.
Nàng đứng dậy, cơ thể bải hoải, mắt cay vì thức suốt đêm rồi. Lan ngồi phịch xuống ghế, rã rời nhưng cảm thấy thoải mái vì bớt lo lắng. Bây giờ, bình tĩnh lại, nàng nhìn quanh, thấy căn phòng sáng sủa dưới ánh sáng của hai bóng đèn dài từ trên trần chiếu xuống, trong khi bên ngoài, ánh sáng mờ đục vì bầu trời đầy mây. Phòng có sáu giường với sáu bệnh nhân nhỏ xíu, nhưng đến hơn mười người lớn đang đứng ngồi lộn xộn. Vài người thấy Lan nhìn thì gật đầu chào. Lan chào đáp lễ.
Nàng nhìn ra bên ngoài qua khung cửa, xuyên qua hành lang rộng. Bầu trời xám xịt, mây đen vùn vụt bay qua. Mưa lất phất rơi, gió giật từng cơn làm cho các ngọn cây quằn quại trong bầu không khí ẩm ướt và ảm đạm. Trận mưa đã kéo dài suốt đêm cho đến tận bây giờ, khi thì ào ào nặng hột, khi thì rì rào nho nhỏ. Nàng chép miệng:
- Sao chị Điệp đi lâu quá, có lẽ nhà thuốc chưa mở cửa.
Khi nãy, ở dưới phòng cấp cứu, người ta khám bệnh cho bé, chích thuốc, rút máu để thử và kê toa. Vị bác sĩ trực lấy viết gạch dưới tên một món thuốc, trao cho Điệp và bảo:
- Cô ra tiệm thuốc ngoài cổng nhà thương, mua thứ nầy; các món khác ở đây có sẵn.
Điệp cầm mảnh giấy đi, đến giờ nầy vẫn chưa thấy về. Lan đứng dậy bước ra cửa nhìn suốt hành lang thì vừa đúng lúc Điệp xuất hiện ở đầu cầu thang. Điệp tất tả chạy đến hỏi Lan, mắt còn nguyên nét lo âu:
- Sao, bé thế nào?
- Dạ, bé ngủ; bớt sốt rồi.
Điệp lách qua Lan, bước vào phòng nhìn quanh và nhận ra ngay giường cháu ở cuối phòng. Chị bước nhanh đến, rồi cũng như Lan khi nãy, Điệp quỳ xuống mép giường, hai tay ôm nhẹ cái khăn trắng đang phủ lên mình bé. Hơi thở bé đều đặn. Nét thanh thoát từ khuôn mặt thực mỹ miều của bé làm cho bao nhiêu mệt nhọc và lo âu trong lòng Điệp tan biến. Điệp đứng dậy, kéo Lan ra cửa. Lan ngạc nhiên rảo bước theo sau. Họ đứng tựa cửa để tránh cái hành lang sũng nước. Điệp nói nhanh:
- Ông ngoại cháu ở ngoài cổng.
Lan sửng sốt:
- Trời đất!
Điệp vội vàng nói tiếp:
- Chị chạy ra cổng để mua thuốc, trong lòng bấn loạn nên chẳng để ý chung quanh. Tay chị vịn cái bục của hiệu thuốc, chờ đợi. Bỗng có tiếng nói sau lưng chị: “Con Hoài ra sao rồi?”. Chị quay lại, mặt gần chạm vào cặp mắt mở to thô lố. Chị giật thót mình, run lên. Nhưng chỉ một giây sau, chị nhận ra là ông ngoại con Hoài. Ông đi tay không, áo quần gần như ướt hết, người run run xiêu vẹo. Ông lặp lại câu hỏi. Chị hoảng quá, trả lời đại:
- Khỏe rồi. Sao bác thế nầy?
- Tao…, à tui đi xích lô đến đây hồi sáng, xin cái thằng kia kìa mà nó không cho vô.
Ông đưa tay chỉ về phía cổng nhà thương rồi nói tiếp:
- Tui năn nỉ, nó cũng không cho vô. Nó nói trưa mười một giờ mới được vô. Nó nói tui về đi, còn sớm lắm. Về sao được, phải thấy mặt con nhỏ cái đã.
Ông nhìn vào bệnh viện, giọng phân trần:
- Tui muốn vô ngay để biết con nhỏ thế nào nhưng mà nhà thương to như vầy, vô cũng không tìm được con nhỏ.
Lan sốt ruột, ngắt lời chị:
- Chị Điệp, ba em bây giờ ở đâu rồi?
- Chị muốn an ủi ông nên nói với ông rằng con Hoài đã được khám bệnh xong và đang được săn sóc, không còn gì đáng lo. Ông cụ nhất định đòi vào thăm cháu, nhưng chị không chịu vì áo quần ông ướt cả mà người thì run bần bật vì lạnh.
Lan lo lắng ngắt lời:
- Rồi sao nữa chị? Ba em đâu rồi?
- Chị nhận thuốc, trả tiền xong, kéo ông cụ đến chiếc taxi, ấn ông vào, dù ông giãy nảy lên phản đối. Chị cho bác tài xế địa chỉ, đưa trả tiền trước rồi hối xe đi nhanh về nhà.
Điệp thở dài:
- Ông cụ bị bệnh mất. Tội nghiệp!
Lan nghe chị kể xong, lòng thắt lại, nước mắt chực trào ra. Nàng nói lí nhí:
- Cám ơn chị. Em lo quá. Con Hoài đau, rồi bây giờ tới ông ngoại nó!
- Khổ! Thôi, em vào với cháu đi, chị về xem ông cụ và nhà cửa ra sao. Không biết sáng nay anh Quang đi dạy có nhớ tạt qua trường nộp đơn xin nghỉ cho chị hay không. Còn mấy bữa nữa là hết năm học, chị không thể nghỉ nhiều để phụ với em lo cho cháu được.
Điệp bỗng mỉm cười khi nhớ đến chồng:
- Cái ông tướng đó, khi bàn cãi lý thuyết thì hùng hồn trông oai phong lẫm liệt. Thế mà khuya và sáng nay, cứ đứng xớ rớ, sai đâu làm đó, trông thực là tội nghiệp.
Điệp trở vào phòng đến hôn bé, bước ra cửa rồi dừng lại, trở vào, nói với Lan:
- Em ở trong nầy một mình, sợ lo không xuể. Để chị xem có nhờ được ai không. Dì Ba Nở thì tốt nhất, nhưng không được đâu. Khi em mới sinh, dì ấy đã giúp không công cả tháng trời, bỏ cả công ăn việc làm. Thôi về nhà rồi hẳn tính. Chị về đây.
Lan im lặng nghe chị độc diễn một hơi dài, rồi nhìn lưng chị biến mất sau khung cửa.
Điệp đi một lát thì bác sĩ vào khám cho Hoài. Vẫn là vị bác sĩ trẻ trực ở phòng cấp cứu, có cô y tá với vẻ liếng thoắng và dễ mến đi theo. Lan đọc được tên Huệ thêu trên áo của cô y tá.
Khám xong, bác sĩ ghi chép rồi nhìn Lan, giọng dịu dàng:
- Thử máu cho cháu rồi. Không có gì nghiêm trọng. Nhiễm siêu vi không xác định được loài. Chuyện tầm thường ở trẻ em thôi. Cháu sẽ tiếp tục sốt một hai ngày rồi khỏe trở lại; nhưng cần theo dõi tiếp. Nếu không có gì khác xảy ra thì nằm đây ba ngày là về được.
Lan nhỏ nhẹ cám ơn bác sĩ và cô y tá khi hai người bước sang giường kế bên.
Bác sĩ đi rồi, Lan ngồi trên ghế cảm thấy buồn ngủ nhưng không dám ngủ. Nàng suy nghĩ và công nhận lời chị Điệp nói đúng, một mình nàng lo cho con không xuể. Thực ra thì dường như chẳng có gì ngoài việc ngồi nhìn cháu ngủ hay bế cháu khi thức dậy. Nhưng ngồi đây thì ai đi mua đủ thứ vật dụng linh tinh mà Lan không hình dung nổi trước đây: cái ly cái muỗng cho bé uống nước, cái bô để bé đái ỉa, cái khăn, cái tã, bình thủy đựng nước nóng, bình sữa cho bé bú dặm thêm để bổ sung cho nguồn sữa mẹ không còn đủ cho cơ thể đã khá bụ bẫm của bé, vân vân.
Lan đang mơ màng lo lắng trong giấc ngủ chập chờn thì giật mình khi một bàn tay chạm vào vai . Nàng mở mắt, nhìn thấy một bà sồn sồn, một tay cầm dĩa cơm, miệng cười toe toét:
- Ăn đi cô. Nuôi bệnh có một mình thì làm sao đi ăn cơm được. Ăn đi, cơm bán dưới quán trong nhà thương, sạch sẽ, ăn được lắm. Tội nghiệp, cần thứ gì thì qua bên tui mà lấy. Giường kia kìa; cháu nội tui nằm đó. Con dâu tui kìa.
Bà chỉ tay vào một bà mẹ rất trẻ, ngồi ở đầu giường đối diện, kế bên một bé trai độ hai tuổi đang ngủ thiêm thiếp. Bà quay nhìn cái tủ nhỏ trống trơn kế bên giường bé Hoài:
- Người nhà chưa vô hả? Nhớ qua bên tui lấy đồ về dùng, đừng có ngại.
Bà ngó quanh, thấy có nhiều cặp mắt đang nhìn nên nói tiếp, giọng có vẻ chống chế:
- Mà ở đây, cô muốn dùng đồ của ai cũng được. Vô đây thì đều là bà con cả.
Bà trao dĩa cơm cho Lan, quay lưng lặp lại câu nói:
- Bà con với nhau hết trơn hết trọi hà.
Lan cầm dĩa cơm, cảm động vô cùng. Từ bao lâu nay, nàng sống khép kín bên ông cha già kỳ quặc. Gần đây, cái không gian của cuộc đời nàng chỉ mới nới rộng qua nhà chị Điệp, thế thôi. Nàng chưa ý thức được một không gian rộng rãi hơn, trong đó có cuộc đời đáng yêu như thế nầy. Lòng nàng chợt nỗi lên một mối hoài cảm đầy xót xa. Cuộc đời dễ thương biết bao. Tại sao người ta cứ mãi mê cầm súng bắn vào nhau? Tại sao người ta bắn vào quả tim mẹ nàng để cha nàng trở thành lão già điên dại? Tại sao người ta nhắm bắn vào chồng nàng để cho bé Hoài không bao giờ biết mặt người cha thân yêu của nó?
Lan bậm môi, cố ngăn dòng nước mắt. Nàng nhìn dĩa cơm, lo lắng không ăn hết thì buồn lòng người mới quen. Tuy nhiên, nàng quên rằng đã nhịn đói đúng hai mươi bốn giờ rồi, nên khi nuốt xong muỗng cơm đầu tiên, cái đói thức dậy, Lan ăn hết dĩa cơm một cách ngon lành.
Xế trưa, Điệp bước vào phòng, theo sau là dì Ba Nở và cô Chín, người mà trước đây Điệp có mời đến ăn đầy tháng bé Hoài. Dì Ba Nở nhào lại bé Hoài. Lan chưa kịp phản ứng thì dì Ba đã dở khăn, cầm bàn chân mang vớ của bé hôn chù chụt làm bé giật mình khóc thét lên. Hôn đã rồi dì mới đứng dậy, giọng oang oang như nói với mọi người trong phòng:
- Nghe con nhỏ đi nhà thương, tôi bán đổ, bán tháo gánh rau cho hết rồi chạy về nhà nó. Thấy cửa khóa, tôi ngồi trên bực thềm, ruột nóng như lửa đốt. Tôi săn sóc nó cả tháng trời, bồng ẵm, tắm rửa, hốt cứt, hốt đái cho nó, quen hơi, quen hám, nên nghe nó đau là tôi tá hỏa tam tinh.
Dì quay lại nhìn Hoài. Bé đã nín khóc, mắt hấp háy, nhoẻn miệng cười. Dì hài lòng, quay lại định tiếp tục bài “diễn văn”, nhưng Lan không còn kiên nhẫn, vội giành lời:
- Dì Ba, ba cháu thế nào rồi?
Nàng nhìn sang Điệp. Điệp hiểu Lan muốn hỏi nàng, nên trả lời:
- Ông cụ về tới nhà thì nằm vật ra giường và bắt đầu sốt.
Điệp nhìn người đàn bà đang đứng dựa thành giường, nói tiếp:
- Cô Chín đây thấy xe chở ông cụ về, nhìn ông đi xiêu vẹo thì biết là ông bị bệnh rồi nên vào nhà trông chừng ông cụ cho đến lúc chị về. Tội nghiệp, đưa thuốc, ông uống liền, không cần hỏi thuốc gì, y như trẻ con. Ông cụ bây giờ với ông cụ cách đây vài tháng là hai người hoàn toàn khác nhau. Ông không hề để ý mình đang bệnh, chỉ nghĩ đến con Hoài và hỏi đến nó thôi. Tội nghiệp, chị phải nói láo là con Hoài lành bệnh rồi nhưng sẵn dịp phải ở lại nhà thương để người ta chích ngừa cho cháu, lần sau sẽ không bệnh nữa. Lúc đó ông mới yên tâm, nằm xuống dỗ giấc ngủ. Tội nghiệp. Chị sợ ông cụ trở bệnh nặng.
Điệp thở dài:
- Dầm mưa dãi nắng lúc đi bán thì không sao. Dầm mưa lúc tâm trạng đang lo cho cháu là sụm liền. Tội nghiệp!
Giọng nàng bỗng trở nên ngập ngừng:
- Cũng cần có người ở bên ông.
Sực nhớ là chưa hỏi đến cháu, Điệp nói tiếp:
- Bé thế nào? Bác sĩ có khám lại không?
- Có, bác sĩ vừa đến khám xong, cách đây hơn một giờ. Bác sĩ bảo cháu bị nhiễm cái gì đó, tiếp tục sốt hai hôm nữa là hết.
Nàng lo lắng hỏi chị:
- Có ai trông chừng ba em được hả chị?
Điệp tiếp lời:
- À khoan, lo cho bé Hoài trước đã. Nè!
Điệp ngồi xuống đất mở cái túi to mà cô Chín khệ nệ mang vào nhưng Lan không để ý. Điệp lôi ra đủ thứ vật dụng cần thiết, bày lên đầy chiếc tủ nhỏ. Vừa làm việc, Điệp vừa phân trần:
- Dì Ba lo cho đó. Một số lấy ở nhà em, một số của chị, một số dì Ba lấy đồ nhà và mua thêm. Dì rành quá, chứ chị không biết mà lo đủ thứ thế nầy.
Được Điệp khen, dì Ba cao hứng, giọng oang oang:
- Chớ sao, kinh nghiệm đầy mình mà! Xóm mình, ai đi nhà thương mà cần người săn sóc cũng chạy đến tôi. Riết rồi mấy nhà thương tôi quen gần hết.
Nói xong dì cười ha hả.
Điệp đã soạn xong vật dụng, xếp cẩn thận vào tủ. Nàng hỏi Lan:
- Em đói bụng lắm rồi phải không? Chị có mang bánh vào đây, ăn đi.
Lan lắc đầu:
- Không, em ăn cơm rồi. Dì bên cạnh cho em ăn.
Lan nhìn chị, mắt rơm rớm:
- Em lo cho ba em quá. Không có ai ở nhà với ông.
Dì Ba Nở lên tiếng:
- Ối, lo gì cô. Để tôi sắp xếp cho. Tôi với chị Chín, mỗi người lo một phía. Tôi giành ở đây. Con bé Hoài nầy mến tay mến chân tôi lắm. Hồi trong tháng, nó mà khóc, tôi ẵm là nín liên. Cái hơi trong người tôi hạp với con nít. Để rồi coi, tôi săn sóc bằng cách ru nó ngủ trên tay là con nhỏ hết bệnh, khỏe ngay.
Dì Ba nhìn cô Chín rồi nói tiếp một cách thoải mái:
- Đó là phần việc của tôi. Còn săn sóc ông cụ là phần chị Chín. Nhưng nhớ là đừng săn sóc quá kỹ làm cho anh Chín nổi máu ghen thì chết nghe chưa.
Cả phòng cười ồ, ồn ào như họp chợ. Lan thì hoảng quá, nhìn cô Chín, sợ cô nổi giận. Nhưng không, cô vẫn cười hiền lành. Thấy Lan nhìn sững, cô giải thích nho nhỏ:
- Kệ, cứ để nó nói. Nói bậy nói bạ, chọc thiên hạ nhưng chẳng ai giận vì ai cũng mến nó, hiền lành tốt bụng. Quê nó ở dưới Long xuyên. Chồng nó uống rượu nhiều quá bể gan mà chết. Đúng một tháng sau, đứa con trai đi tát cá, giẫm phải mìn của du kích gài, chết luôn. Nó bỏ xứ lên đây một mình, sống với gánh rau mua đi bán lại hằng ngày. Nó tốt bụng , thấy ai cần là giúp ngay. Nó hay cuời giỡn và chọc người khác cười, có thế mới sống đến ngày nay. Chồng con chết sạch trong vòng một tháng, nếu là người khác thì đã chết theo rồi. Nó nói với bà con là nó nhận cái xóm nghèo nầy làm quê hương của nó. Nó thề đoạn tuyệt với quá khứ thương tâm ở dưới quê và sống với cái hiện tại vui vẻ ở xóm mình. Tội nghiệp; vì vậy nhiều khi nó nói giỡn chơi hơi lố, đụng chạm đến người khác, người ta cũng không để tâm giận nó. Ai cũng biết nó mang một vết thương lòng quá lớn. Phải để cho nó bịt kín vết thương ấy bằng cách sống hồn nhiên với những câu vui đùa, dù có thái quá đi nữa.
Cô Chín thôi nói; Lan nhìn dì Ba Nở, thấy nét mặt dì bình thản, tươi cười và hiền hòa. Lan cảm thấy thương cảm vô cùng.
Nắng sắp tắt trên ngọn cây. Điệp và cô Chín ra về, để dì Ba ở lại. Dì đi ăn cơm và mang về cho nàng một dĩa.
Đêm chầm chậm đến. Chẳng có gì đáng sợ như “bóng đêm trong bệnh viện” mà nàng thường tưởng tượng. Cái giường của con nàng cũng thành trung tâm chú ý và cảm tình của cả phòng, có lẽ vì nàng xinh đẹp và vì dì Ba vui tính.
Sau khi bác sĩ đến khám bệnh lần chót cho các trẻ, cô y tá chích và cho uống thuốc xong, người ta tắt bớt đèn, chỉ chừa lại một bóng dài. Dì Ba trải chiếu ở đường đi và treo mùng lên, xong bắt Lan vào ngủ.
Vừa định chui vô mùng, Lan trông thấy cô y tá Huệ bước vào phòng và đi thẳng đến chỗ nàng. Lan ngạc nhiên, không biết có chuyện gì xảy ra. Nàng đứng yên, nhìn cô chờ đợi.
Như hiểu ý Lan, cô y tá nói ngay:
- Chị tên Lan phải không?
- Dạ phải, sao cô biết?
- Em xem trong hồ sơ. Khi nãy, theo bác sĩ vào khám bệnh, em đã để ý đến chị. Trông chị đứng khép nép nhìn bác sĩ khám cho cháu, ai cũng ưa nhìn chứ không riêng gì em. Tò mò, em lật hồ sơ cháu bé xem mới biết cha của cháu đã tử trận, em rất cảm động vì chị còn quá trẻ và quá đẹp. Đêm nay, em trực, không có ca cấp cứu nào, ngồi không một mình thì buồn, nên em xuống đây chơi với chị một chút cho vui, vậy thôi. Ba cháu tử trận lâu chưa hả chị?
- Dạ, hơn một năm rồi. Phi cơ bị bắn rớt ở Daktô.
- Trời, tội nghiệp! Anh ấy là phi công à?
Lan gật đầu:
- Dạ phải.
-.Chúng em ở đây ai cũng kính trọng và mong có dịp tỏ lòng biết ơn với những chiến sĩ hi sinh mạng sống của mình cho tổ quốc. Em xin chia buồn trễ với chị.
- Cám ơn cô.
Cô y tá đứng nói chuyện với Lan độ mười phút rồi về phòng trực.
Dì Ba hối thúc:
- Cô Lan vô ngủ đi, thức cả đêm, cả ngày rồi. Ngủ ngay đi, khuya còn dậy cho cháu bú nữa.
Nàng ngoan ngoãn vâng lời chui vào mùng, nằm xuống chiếu. Nghĩ đến người chồng quá cố, Lan vẫn còn nhớ thương nhưng không đau đớn như trước. Tuấn không còn trên cõi đời nầy, nhưng anh đã để lại cho vợ và con rất nhiều cảm tình của biết bao nhiêu người, kể cả cô y tá chưa hề quen biết trước đây. Một nỗi hân hoan nhẹ nhàng tràn ngập trong lòng. Giấc ngủ đến mà nụ cười chưa tan trên đôi môi xinh đẹp của nàng.
Dì Ba ngồi trên ghế, cạnh giường để canh chừng giấc ngủ cho Hoài. Nửa đêm, Lan thức dậy để cho con bú, thấy dì ngồi dưới đất, đầu tựa vào giường mà ngủ. Lần thứ nhì, Lan thức dậy thì thấy dì nằm chèo queo dưới giường em bé, như con chó giữ nhà.

Sáng hôm sau, lúc mười giờ, Điệp vào báo tin cho Lan biết ông cụ đã hết sốt nhưng còn yếu. Ông đòi vô thăm bé Hoài nhưng Điệp không cho.
Lan hỏi chị:
- Còn cô Chín?
- Cô ấy làm đúng theo sự phân công của dì Ba, nhưng tối về nhà mình, sáng lại qua sớm.
Nhớ lại chuyện dặn dò của dì Ba Nở hôm qua, Lan bật cười, Điệp hiểu ý cũng cười theo. Điệp ngồi cạnh bé Hoài một lát rồi về, vì chiều phải đi dạy học.
Ngày trôi qua êm ả. Đến khám bệnh hai lần trong ngày, vẫn là vị bác sĩ trẻ hôm qua. Khám xong cho Hoài, bác sĩ gật đầu hài lòng, vừa ghi chép, vừa nói với Lan:
- Cháu khá lắm rồi, không có biến chứng gì đáng ngại.
Lan nói cám ơn, nét mặt hân hoan trông xinh đẹp lạ lùng.
Lan cũng không phải cho bé uống thuốc. Cô y tá làm việc đó với hai bàn tay khéo léo, gọn gàng và nhanh chóng.
Sáng hôm sau nữa, cô y tá vào phòng nói to:
- Bác sĩ giám đốc đi khám phòng. Cô bác thu xếp mọi thứ cho gọn gàng. Mỗi giường chỉ có một người ở lại với bé. Các người khác xuống sân chơi bên dưới hoặc núp ở hành lang sau cũng được. Nhanh lên.
Nhiều người lục tục ra khỏi phòng.
Lan bảo dì Ba:
- Cháu ở lại với bé, dì xuống dưới uống nước đi.
- Không, tôi ra núp phía sau. Đi xuống, đi lên mỏi chân lắm.
Không bao lâu sau, bác sĩ giám đốc vào phòng, theo sau là bác sĩ điều trị của phòng và cô y tá Huệ. Qua cặp mắt kiếng trắng, vị bác sĩ già nhìn bốn góc trần nhà để tìm một vệt mạng nhện rồi đi thong thả nhìn vào từng chiếc giường. Đến cuối phòng, ông dừng lại nhìn Lan, có vẻ chú ý.
Lan đã quen với cái nhìn như thế nầy. Nàng biết mọi người, cả nam lẫn nữ, đều để ý đến nét đẹp yêu kiều của nàng. Bỗng cô y tá Huệ nói:
- Thưa bác sĩ, đây là cô Lan, vợ của thiếu úy không quân tử trận.
Vị bác sĩ già dừng hẳn lại nhìn Lan rồi nhìn sang bé Hoài. Cô y tá lại lên tiếng:
- Bé Hoài, quốc gia nghĩa tử!
Đôi mắt có những vết nhăn nheo chớp chớp sau đôi kính trắng, ông bác sĩ già nhẹ nhàng gỡ lấy ống nghe của vị bác sĩ trẻ, ngồi xuống giường lật lưng bé ra để khám.
Cô y tá trố mắt ngạc nhiên. Cô biết ông là một bác sĩ tài giỏi, nhưng chưa bao giờ cô thấy ông khám bệnh tại phòng. Bệnh viện Nhi đồng phải tiếp bệnh nhân của Thủ đô và các tỉnh lân cận nên thường xuyên vượt quá khả năng nhận bệnh. Vì vậy, công việc thực là bề bộn cho một vị giám đốc. Mỗi ngày, ông phải giải quyết biết bao nhiêu chuyện để công việc bệnh viện được điều hòa. Mỗi tuần, ông chỉ có thể đi qua các phòng một lượt để khám xét, hay đúng hơn, để thăm viếng, chứ đâu có thì giờ đích thân khám bệnh như hôm nay.
Bé đang thức chơi, bị lật nghiêng thì cố lật ngửa lại. Nghe lưng xong, bác sĩ nghe đến ngực. Bé quờ quạng đưa một bàn nhỏ xíu chụp lấy núm nghe. Cô y tá chồm đến định dằn tay bé ra, nhưng vị bác sĩ ra hiệu cho cô dừng lại. Bàn tay cầm núm nghe của ông chìa ngón trỏ ra. Ông cẩn thận gỡ bàn tay nhỏ xíu của bé ra khỏi núm và cho cầm vào ngón tay trỏ ấy. Rồi, tay trái ông nhè nhẹ vén áo bé, tay phải rề ống nghe cùng với bàn tay nhỏ xíu lên khắp ngực của bé.
Xong, ông nhẹ nhàng gỡ tay bé ra, đứng dậy đọc qua xấp giấy mà vị bác sĩ trẻ đang cầm. Ông trả lại xấp giấy, nhìn Lan mỉm cười:
- Cô tên Lan hả?
- Dạ phải.
- Đúng là hai đóa hoa lan, một đóa đang nở, đóa kia chỉ mới là một nụ con. Bé hết bệnh rồi đó. Chiều nay cô có thể bế bé về được rồi.
Ông quay sang cô y tá:
- Có làm hồ sơ miễn viện phí cho quốc gia nghĩa tử chưa?
- Thưa bác sĩ, phòng hành chánh nói không có đủ giấy tờ chứng minh.
Bác sĩ thoáng ngạc nhiên, rồi ông gật gù:
- Trở lại đơn vị cũ xin giấy tờ phiền phức lắm. Người ta đang chúi đầu vào các bản đồ hành quân mà.
Ông quay sang cô y tá:
- Cứ bảo họ làm hồ sơ miễn viện phí đi rồi đưa cho tôi bút phê. Bên tài vụ có thắc mắc thì bảo lên gặp tôi.
Ông quay sang Lan, nhìn một cách buồn bã:
- Xin chia buồn cùng cô.
Ông ngập ngừng nói tiếp:
- Con trai tôi cũng vừa tử trận tuần rồi tại mặt trận Khe sanh. Nó cũng thiếu úy như chồng cô, nhưng thuộc binh chủng Dù.
Ông mỉm cười nhưng nét mặt trông thực thê lương.
Bỗng một bóng người từ cửa sau vụt hiện ra.
Dì Ba Nở!
Lan hoảng hốt đứng chết trân. Dì Ba bước nhanh đến trước mặt vị bác sĩ giám đốc, giọng oang oang:
- Bác sĩ miễn tiền cho cô Lan là phải. Chồng cô Lan là thiếu úy Tuấn, lái máy bay trực thăng bị bắn rớt ở Daktô. Ở cái xóm nghèo của tôi, ai cũng thương cô và tìm cách giúp đỡ mẹ con cô. Đó là đạo lý của con người mà.
Thiệt hết chỗ nói. Lan run bắn người lên. Thái độ coi trời bằng vung của dì cộng thêm câu nói không rào trước đón sau chắc chắn phải làm cho bác sĩ giám đốc nổi giận. Nhưng, lạ lùng thay, vị bác sĩ già nhìn dì bằng cặp mắt hiền từ. Ông gật đầu và nói một cách ôn tồn:
- Phải. Xóm nghèo của bà biết đạo lý, biết giúp đỡ người mẹ đáng thương ấy, không lẽ cái nhà thương đồ sộ nầy của chúng tôi không biết làm chuyện đó sao?
Bác sĩ nói xong quay lưng đi. Dì Ba theo sau, và khi những chiếc áo trắng khuất ngoài bục cửa, dì chắp tay vái ba cái thực sâu, trông vừa thành kính, vừa khôi hài như khi dì vái ông Địa và ông Thần tài ở nhà dì vậy.
Chiều hôm đó, bé Hoài được phép xuất viện. Vị bác sĩ trẻ ân cần dặn dò Lan những điều cần thiết và tiễn hai mẹ con đến tận cầu thang. Dì Ba ôm bọc đồ to đựng tất cả đồ dùng lẽo đẽo theo sau. Điệp thì đã đi trước cách đó năm phút.
Sáng nay, sau khi bác sĩ giám đốc ra khỏi phòng thì Điệp vào thăm. Nghe nói chiều nay bé Hoài được xuất viện, Điệp về ngay để lo cơm trưa cho chồng và xin phép nghỉ dạy buổi chiều để trở lại nhà thương. Cả ba người lo thu dọn đồ dùng vào bao và sau đó đến từ giã từng giường. Mới có ba ngày gặp nhau ở cái môi trường bất đắc dĩ nầy mà trông họ chia tay nhau thực cảm động.
Xong, Điệp đi trước xuống văn phòng để làm thủ tục và nhận giấy xuất viện. Lan bế con chầm chậm ra cổng để đợi chị. Nàng ngồi tạm trên chiếc ghế của người gác cổng, dì Ba lót đôi guốc ngồi dưới đất, bên bọc đồ dùng.
Mười phút sau, Điệp tất tả đi ra, một tay cầm giấy, một tay ôm một gói to bằng hai quyển sách nhưng dày đến khoảng hai tấc, bên ngoài bao giấy bông thực đẹp. Nhìn nét mặt hớn hở của chị, Lan cố đoán mà không tìm ra câu giải đáp. Điệp đưa cả giấy tờ và cái gói cho dì Ba, nhận bé Hoài từ tay Lan, cười bảo:
- Em xem cái gói đi.
Lan hồi hộp cầm lấy. Cái gói có cạnh vuông vức chứng tỏ đó là một cái hộp bên trong lớp giấy bông sặc sỡ, có thêm một cái nơ hồng rất đẹp. Một mảnh giấy trắng to bằng bao thuốc lá được dán ở mặt trên, với hàng chữ đánh máy sắc sảo:
Quà tặng cháu TẠ THỊ HOÀI
Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng
Lan nhìn chị mỉm cười mà nước mắt lưng tròng. Nàng đặt cái gói lên bụng bé, rồi lấy xuống ôm khư khư trong tay.
- Thôi về.
Lan bước ra cổng theo lệnh chị. Một chiếc taxi trờ tới, tất cả leo lên. Xe len lỏi qua những dòng người và xe cộ. Buổi chiều mùa mưa mà trời trong xanh, nắng nhuộm vàng những đọt cây hai bên đường. Khi xe dừng lại ở một ngã tư để đợi đèn xanh, Lan bỗng nghe ở đâu đó bản nhạc quen thuộc:”‘Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi, Sài gòn ơi”. Lan mỉm cười, lòng phơi phới.
Xe dừng lại bên lề, ngay trước cửa nhà. Lan xuống trước, đỡ lấy con cho Điệp bước xuống sau. Từ băng trước, dì Ba cố lôi cái bọc trong xe ra.
Lão Tư Thủ vội đi đến. Ông đã ngồi đợi không biết tự lúc nào. Ông đưa cả hai tay ra. Lan đặt con lên tay ông. Thấy tay cha hơi run, Lan phụ đỡ bên dưới và dìu ông cháu qua đường.
Vào nhà, Lan thấy mọi vật đều tươm tất, chiếc nôi của bé cũng đã được trải khăn trắng sạch sẽ, mùng vén lên gọn gàng. Lan thầm cám ơn chị Điệp và cô Chín.
Nàng đặt bé vào nôi. Bé tiếp tục ngủ ngon lành, sắc mặt hồng hào khỏe mạnh. Nàng nhìn cha và cảm thấy xót xa. Mới có ba ngày mà ông lão trông gầy xọp lại. Nàng rưng rưng hỏi cha:
- Ba có ăn được không?
- Được… À mà không. Nhớ con nhỏ quá.
Nói xong, ông bước lại nhìn bé Hoài trong nôi bằng cặp mắt say mê.
Lan nhìn quanh nhà, như người đi xa một thời gian khá lâu mới trở về nhìn lại chỗ ở thân yêu. Nàng để ý thấy ở bàn thờ ông Địa, một cây nhang đang cháy còn một đoạn ngắn; một làn khói mỏng tha thướt bay lên. Nàng ngập ngừng hỏi cha:
- Cô Chín đốt nhang hả ba?
Ông cụ có vẻ bẽn lẽn:
- Tao đốt đó.
Ông ngừng lại một chút rồi nói nhanh:
- Ngày nào tao cũng đốt mấy cây để cầu xin má mày cho con bé mau lành. Tao khấn ông bà cho tao nhận lãnh hết bịnh cho con nhỏ.
Lan nhìn cha, mắt nhòe lệ.



*
* *


CƠN bệnh vừa qua của bé Hoài, với ba ngày xa cách làm cho tâm hồn ông lão tiếp tục mở toang. Mấy tháng rồi, căn nhà cũ kỹ đó đã rộng cửa thì nay các vách tường cũng biến mất, mặc cho không khí của cuộc đời tràn vào khắp nơi, không còn gì ngăn cản nữa.
Từ khi ở bệnh viện về, bé Hoài bú và ăn bột nhiều nên lớn nhanh. Đi bán về tới nhà là ông ngồi chơi với cháu. Ông sung sướng khi cháu biết lật, ông vui mừng khi cháu bắt đầu trườn tới chụp món đồ chơi. Khách đến may đồ nhìn bé là ông khoe cháu ông biết làm thứ nầy, thứ nọ. Dần dần, mọi người đều có cảm tình với ông. Dì Ba Nở bắt đầu chọc ghẹo ông bằng những câu làm cho Lan cười đến chảy nước mắt. Sự thay đổi nơi cha vượt qua cả sự ước mơ của Lan trước đây.
Khi chưa sanh cháu bé, đã có lần Lan khuyên cha thôi đi bán bánh thì ông lão đã từ chối thẳng thừng.
Nay Lan đề nghị lại:
- Ba nghỉ bán, ở nhà chơi với bé Hoài để con có thì giờ may vá.
- Ừ, tao ở nhà chơi với nó. Đi bán cũng nhớ nó, mong bán hết sớm để về với nó. Nhưng thôi, bỏ bán một cử thôi. Bỏ hết thì nhớ lắm.
- Ba nhớ cái gì?
Lão ngần ngừ không trả lời được vì chính lão cũng không biết nhớ cái gì.
Nhưng Lan thì đoán biết một phần nào. Bao nhiêu năm rồi, lão đã đi qua những con đường đó; những dãy nhà, những gốc cây, những con người đã trở thành quen thuộc, trở thành gần gũi, trở thành những thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của lão. Những buổi đạp xe đi lấy bánh trên phố chưa có người qua lại, những buổi đạp xe về với chiếc cần xé trống trơn, bọc tiền cồm cộm một cách êm ái trong túi quần, những buổi tối đi ngang qua một bóng đèn đường, nhìn thấy cái bóng đen của chính mình xuất hiện nghiêng nghiêng, ban đầu cụt ngũn rồi bỗng dài ngoằn ra khi xe tiến tới … Những thứ đó là tất cả cuộc đời trong những năm rộng tháng dài của lão, những năm tháng mà chẳng ai làm bạn cùng lão, ngoài những thứ đó. Chúng nó vẫn chung thủy với lão, vẫn chờ đợi lão hằng ngày, hằng đêm.
Những năm tháng ấy, lão chẳng nói với ai một lời. Với đứa con gái, người thân duy nhất, họa hoằn mới có một đôi lời đối đáp nhạt phèo. Nhưng trên những con đường mà lão đi qua hằng ngày, lão vẫn nghe một giọng nói vô cùng quen thuộc, đó cái giọng khàn khàn của chính lão đã cất lên: “bánh mì nóng dòn đây”. Giọng rao đó phát ra một cách tự nhiên từ cổ họng lão, tự nhiên cho đến đỗi lão không còn ý thức là giọng rao hàng của chính mình nữa. Cứ đến cái cây có cành to de ra ngoài đường thì giọng đó cất lên lần thứ nhất; đến căn phố sơn xanh có cột đèn chận trước cửa sổ, giọng đó cất lên lần thứ hai; đến cái nhà có hàng rào dâm bụt, giọng đó cất lên lần thứ ba. Rồi lần thứ tư, thứ năm… giọng đó cất lên hoàn toàn chính xác với vị trí có cái mốc in sâu trong đầu lão. Cái giọng rao hàng đó thân mật với lão biết bao, bỏ chúng đi, nhớ làm sao chịu nổi. Lão đã ghiền nó, gần như ghiền ma túy vậy.
Nhưng bây giờ, lão có con cháu ngoại mà lão muốn gần gũi biết bao. Cái nhoẻn miệng cười của nó, đôi mắt đen nháy và khờ khạo của nó, cái bàn tay nhỏ xíu bấu vào hàm râu tua tủa của lão, cái mùi thơm lạ kỳ trên da thịt nó, những thứ đó cứ lởn vởn trong đầu lão trong buổi sáng vắng vẻ trên đường, trong buổi trưa nắng chang chang và trong buổi tối có ánh đèn xe ngược chiều chói mắt.
Cuối cùng, lão đồng ý bỏ một buổi đi bán trong ngày. Lão muốn bỏ buổi sáng để có nhiều thì giờ chơi với cháu. Lan lại muốn lão bỏ buổi chiều để tránh về khuya, tránh những đêm mưa tầm tã. Lão chiều ý con.
Dần dần, Lan lấn thêm một bước nữa là đề nghị đi lấy bánh trễ hơn một giờ để tránh phố khuya; dĩ nhiên, số bánh phải bớt đi. Rồi thêm một bước nữa, số bánh lại bớt đi để lão về nhà lúc chín giờ sáng. Sợ lão tiếc số tiền lời bị xén bớt vì giảm số bánh bán, Lan đề nghị cho cha một món tiền, hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng. Lão từ chối thẳng thừng. Lão đã biết xót xa, khi thấy Lan gò lưng đạp máy trong đêm thanh vắng, lúc hầu hết mọi người đã ngủ say.
Cháu đã có ông chơi chung nên dần dần Lan nhận được nhiều hàng hơn và lợi tức cũng khá lên. Bé Hoài khỏe mạnh, không đau yếu gì ngoài một vài lần bị cảm, sổ mũi tầm thường. Cháu không to lắm, có lẽ giống mẹ, nhưng khá bụ bẫm. Mấy bà đến đặt may áo quần, có khi mải chơi với con bé, quên cả giờ về nấu cơm.
Bé bắt đầu biết đứng chựng lúc được mười một tháng và đến đầu tháng mười hai thì đi chập chững. Không lâu sau đó, bé đi khắp nhà, ông lom khom đi theo.
Bé cũng bắt đầu tập nói. Tiếng đầu tiên bé nói được là tiếng “ba”. Từ lâu nay, hình ảnh Tuấn đã bớt làm Lan xót xa, nhưng khi nghe con gọi “ba” lần đầu tiên, nàng nghe đau nhói trong lòng, nước mắt lại trào ra. Lan tập cho con gọi “mẹ”, bé học được nhanh chóng. Nhưng đến khi nàng tập cho gọi “ông ngoại” thì chịu, không thể nào tập được. Nàng đâm bực mình, không hiểu tại sao người ta đặt tên là “ông ngoại” cho trẻ khó tập nói thế nầy. Cuối cùng, đành để bé gọi là “ông” mà thôi.
Nàng thường giao con cho cha để đi chợ, có khi đi cả buổi chiều vào Chợ lớn mua vải, kim chỉ và nhiều món khác. Trước khi đi lâu như thế, Lan phải nấu cháo sẵn, đến giờ hai ông cháu cùng ăn. Điệp thường nói đùa với Lan là ông đã trở thành người giữ trẻ có tài. Một hôm, Lan vừa về tới, Điệp kéo qua nhà, bắt Lan ngồi ghế, rồi cứ ôm bụng cười làm Lan rất ngạc nhiên. Sau khi cười đã đời, Điệp mới kể:
- Chiều nay chị được nghỉ bù vì chủ nhật vừa rồi, nhà trường họp hội đồng giáo viên mở rộng, nhưng có lẽ, ông cụ không biết. Khoảng bốn giờ chiều, chị nghe tiếng đùa giỡn của hai ông cháu, giọng nói ồm ồm của ông xen lẫn với giọng cười trong veo của cháu. Thấy vui vui, chị bước sang nhưng không vào mà lén xem ông cháu làm gì. Ông bò trước, kêu “ầm bò, ầm bò”, cháu chạy theo cầm cây chổi lông gà, phết vào mông ông và cười sặc sụa. Vừa xúc động, vừa thích thú nên chị tiếp tục đứng nhìn hai ông cháu vui đùa. Bỗng ông dừng lại, ngó dáo dác vào bếp rồi bảo cháu:
- Thôi, không chơi trò nầy nữa. Chơi trò khác.
Con bé đứng yên, nhìn ông trân trân. Có lẽ, nó không hiểu hết lời ông, nhưng biết ông không làm bò nữa. Ông lại dáo dác nhìn xuống bếp và suy nghĩ. Sau đó, ông nói với cháu:
- Mình chơi trò ‘cút hà’.
Ông ôm cháu, đem vào góc phòng, ở sát giường mẹ nó rồi đến núp vào tủ may. Bé không nhìn thấy ông nhưng nghe tiếng ông:
- Cút, cút, cút.
Rồi ông ló mặt ra la to:
- Hà.
Con bé ngồi yên, cười sằng sặc. Ông lom khom đi đến bàn ăn, con bé ngồi yên nhìn ông, chờ đợi một cách thích thú. Ông chui xuống bàn ăn.
- Cút, cút, cút.
- Hà.
Con bé lại cất tiếng cười trong veo như khánh đổ. Lần thứ ba, ông núp vào cửa buồng, rồi lần thứ tư ông chui tọt vào phòng vệ sinh:
- Cút, cút, cút….Cút, cút, cút….Cút, cút, cút….
Con bé sốt ruột, nghe ‘cút’, mãi trong đó mà không thấy ông ló mặt ra, nó chệnh choạng đứng lên bước mấy bước thì,
- .
Ông chui ra khỏi phòng vệ sinh, vừa đi, vừa kéo quần lên.
Lan đỏ mặt. Hai chị em gập người lại mà cười.


*
* *


CÁI xóm nghèo quen dần với cảnh ông lão bế cháu đi chơi. Ban đầu họ còn nhìn theo, chỉ chỏ và bàn tán vặt với nhau. Nhưng về sau, họ thản nhiên khi ông và cháu đi qua. Có khi, họ ngẩng lên nhìn, gật đầu chào, ông chào lại một cách vui vẻ.
Nơi hai ông cháu thường đến chơi là bãi cỏ bên trong cư xá sĩ quan, cách nhà non bốn trăm thước. Những lần đầu, ông bế cháu đi một mạch tới nơi. Chơi xong, ông bế cháu đi một mạch về nhà. Không bao lâu sau, ông thấy sức nặng của cháu tăng lên.
Một phần vì bé lớn lên thấy rõ, phần khác là vì ông mất bớt sự háo hức của lần đầu tiên đưa cháu đi chơi. Ông phải ngắt quãng đường thành nhiều đoạn, bằng cách nhiều lần đặt cháu xuống đất và hai ông cháu đứng thơ thẩn trong bóng mát của những căn phố, nhìn xe cộ qua lại.
Thỉnh thoảng, có người lân la đến nói chuyện cùng ông, có người dừng lại bi bô cũng cháu. Lại có người liếc thấy ông ngó lơ nơi khác, vội hôn chùn chụt vào hai cái má bầu bĩnh của con bé. Ông biết nhưng làm ngơ, lòng thấy vui vui. Sự biến đổi nơi ông thực là sâu xa và toàn diện. Trước kia ông yêu thương con gái với một tình thương hoàn toàn ích kỷ, không muốn ai tiếp xúc với con gái mình, dù chỉ bằng một cái nhìn. Bây giờ, với cháu ngoại, tình thương đó thực cởi mở. Ông thương cháu và thấy ai đó cũng tỏ vẻ thương nó thì ông rất đẹp lòng.
Những lần nghỉ ngơi trên quãng đường đi về, ngày càng nhiều. Con đường đã bị ông cháu cắt vụn thành nhiều đoạn ngắn. Khi bé Hoài biết đi vững vàng, ông dẫn nó đi theo ông, nhưng chỉ được vài bước, bé dừng lại, đưa hai cánh tay mũm mĩm về phía ông. Ông mắng yêu:
- Con nhỏ nầy hư lắm. Ngày xưa, mẹ mày ngoan hơn nhiều.
Mắng xong, ông khệ nệ mang cháu lên rảo bước, khuôn mặt già nua nhăn nheo tràn đầy hạnh phúc.
Bế bé nặng nên ông mơ một chiếc xe đẩy trẻ em. Cháu sẽ ngồi trên đó, ông sẽ đi sau đẩy chầm chậm. Hai ông cháu sẽ đi xa hơn cái bãi cỏ ở cổng cư xá. Có thể, ông sẽ đẩy cháu lần lượt đi hết những con đường mà ông đi bán bánh hằng ngày, hay ít ra, đi một số trong những con đường ấy. Nghĩ đến đó, ông thấy lòng nôn nao khó tả.
Ông đã từng thấy người ta đẩy xe trẻ em đi chơi. Nhớ lại, ông thấy những chiếc xe đó thực là đẹp. Chiếc xe của cháu ông sẽ có màu gì nhỉ? Màu xám, màu xanh hay màu trắng? Màu nào cũng tốt, miễn là bánh xe trơn dễ đẩy là được. Chỉ cần chạm nhẹ vào cần là chiếc xe bon bon chạy tới trước, ông theo sau, thực là đỡ khổ cho thân già. Xưa nay, ông không quen tưởng tượng, nay tự vẽ trong đầu bao nhiêu hình ảnh đó, ông cảm thấy như cảnh có thực nên gật gù hài lòng.
Một buổi sáng trên đường về, ông nhìn thấy một chiếc xe đẩy trẻ em. Trên xe, một bé trai ngồi chơi với những cục bi tròn bằng nhựa đủ màu, xỏ vào một que sắt sáng bóng, gắn vào xe, ngay trước mặt bé. Chiếc xe nằm im dưới bóng mát một cây trứng cá. Cách xe độ ba thước, hai chị đàn bà ngồi nói chuyện một cách say sưa. Một trong hai người chắc chắn là người đẩy xe cho em bé.
Ông dừng lại, đứng xa xa nhìn. Đẹp thực, không thua gì chiếc xe trong mộng tưởng của ông. Bánh xe trắng tinh làm nổi bật vòng đen chung quanh do bùn đất dơ bẩn của đường đi dính vào. Không, ông sẽ đẩy xe của con bé Hoài đi ở những chỗ sạch sẽ, tránh những vũng nước, những chỗ đất ẩm, tránh cả những chỗ gồ ghề để xe chạy cho êm.
Ông muốn quan sát chiếc xe trước mặt kỹ hơn nên xích lại gần. Đứa bé ngẩng lên trông thấy ông, sợ quá khóc thét. Hai chị đàn bà giật mình đứng phắt dậy. Một chị chạy lại xe, la to:
- Ông làm gì vậy? Bắt cóc con nít hả?
Chị kia cũng sấn tới, sẵn sàng vồ lấy ông lão. Ông ngẩn người ra, ngơ ngác nhìn, không hiểu gì cả. Chị đàn bà cầm càng xe lui lại một bước để quay xe và đẩy nhanh tới, sau khi ném cho ông già một cái nhìn nghi ngờ và khinh bỉ. Chị kia lầu bầu mấy tiếng và xách giỏ đi về phía ngược lại.
Ông già thủng thẳng leo lên xe, đạp về nhà một cách bình thản.
Thấy ông về tới, hai mẹ con đều mừng. Bé Hoài mừng vì được bắt đầu những trò chơi vui nhộn; Lan mừng vì có ông thì nàng rảnh tay may cho kịp cái áo dài người ta cần gấp. Còn ông, chơi với cháu hơi mệt nhưng rất thích thú. Suốt ngày hôm đó ông vui vẻ với cháu nhưng đầu óc không rời hình ảnh chiếc xe đẩy trẻ con.
Ông định bụng hôm sau, khi bán hết bánh, ông sẽ đi thẳng về hướng Sài gòn. Ông sẽ gặp một cái chợ. Ông biết rõ chợ đó. Chung quanh chợ có nhiều hàng bán đủ thứ đồ dùng. Có thể có chỗ bán xe đẩy con nít. Không rõ bao nhiêu một cái. Chắc là đắt, rất đắt tiền. Ông lật gối mang túi tiền ra đếm. Đếm xong, ông ngồi tần ngần trên giường. E không đủ tiền. Mà nếu đủ thì cũng có lẽ hết mất cả số tiền chắt chiu nầy. Sau đó, mỗi tối trước khi đi ngủ, thò tay xuống gối sờ gặp gói tiền xẹp lép thì cũng buồn. Ông cảm thấy nản chí với cái dự định đi coi chỗ bán xe. Nhưng có sao đâu; cứ đi, vô xem, hỏi giá rồi nếu không mua thì thôi, ai làm gì được ông?
Thế là hôm sau, khoảng hơn chín giờ, bán hết bánh, ông đạp thẳng về chợ Hòa hưng. Quả thực, đối diện với rạp chiếu bóng, có một tiệm khá lớn, trang hoàng đẹp đẽ, bên trước có bày bán hai chiếc xe đẩy trẻ em, mỗi xe một kiểu riêng biệt. Ông đứng nhìn trân trân. Ông không ngờ trên đời lại có những chiếc xe đẹp và sang trọng đến thế, hơn hẳn những chiếc xe mà ông đã từng gặp, hơn hẳn chiếc xe trong mộng tưởng của ông. Chắc tại nó còn mới. Không phải đâu, nếu có cũ đi nữa, nó cũng còn đẹp hơn những chiếc kia nhiều. Trông kìa, mấy cái lò xo xi bóng loáng. Mấy cái kia cũng có lò xo nhưng không nhiều như thế. Xe nầy mà con Hoài ngồi lên thì êm lắm. Ông sẽ không tránh chỗ gồ ghề nữa. Ông sẽ đẩy bừa qua, con bé chỉ hơi xóc nhẹ trên xe thôi. Thực là thích thú!
Ông nhìn cửa tiệm. Sang trọng quá! Ông nhìn hai chiếc xe. Sang trọng quá! Ông nhìn xuống bộ quần áo cũ kỹ, đôi dép nhựa, quai bị đứt và được cột lại bằng sợi ny lông. Thực là tồi tàn! Lần đầu tiên ông thấy được cái hố ngăn cách giữa giàu và nghèo, cái hố đen ngòm không thể vượt qua được đang chận đứng ông lại trước cửa tiệm sang trọng nầy. Ông sực nhớ cái nhìn đầy nghi ngờ và ác cảm của hai chị đàn bà hôm qua, bao nhiêu hăng hái từ sáng đến giờ bỗng tàn lụi hết. Ông lẩm bẩm:
- Thôi về. Vào đó hỏi kỳ lắm, không ai trả lời đâu. Mà họ còn tưởng mình ăn xin hay định ăn cắp gì đó cũng có.
Ông nhăn mặt leo lên xe, đạp đi. Nhờ bản tánh đơn sơ và mộc mạc, ông lấy lại sự bình thản chỉ sau vài phút. Ông rời bỏ cửa tiệm và không hề nghĩ mình sẽ quay trở lại lần thứ hai, tuy nhiên niềm mơ ước có một chiếc xe đẩy cho đứa cháu ngoại vẫn nung nấu lòng ông, nên trên đường về, một dự tính khác vừa xuất hiện trong đầu ông.
Ông nhớ đến một con hẻm thông ra đường mà ông đi qua hằng ngày. Cách đầu con hẻm khoảng năm mươi thước, người ta có xây ba bức tường cao ngang đầu, giới hạn một khoảng rộng như một nền nhà. Trong cái nền nhà đó, người ta đổ rác vào. Rác cứ dâng lên và hạ xuống liên tục mỗi ngày. Có một hôm đi qua, ông thấy một chiếc xe trẻ em hư hỏng quăng trong đó. Lúc bấy giờ, ông không quan tâm vì con cháu ngoại chưa ra đời. Bây giờ, ông hy vọng, rồi người ta lại quăng một chiếc khác vào. Ông thầm nghĩ rằng mấy nhà giàu đẻ con liên tục, đứa sau tiếp theo đứa trước. Họ có lắm tiền chứ không phải như ông; họ sẽ vứt bỏ chiếc xe cũ và đến tiệm mang chiếc xe mới về. Thôi được, một chiếc xe cũ vứt đi cũng tốt. Ông sẽ mang về chùi rửa, cố công sửa lại những chỗ hư thì cháu ông cũng có chiếc xe để đi. Nếu xe không được đẹp lắm để ông được hãnh diện như trong mộng tưởng thì cũng đỡ nhọc công bế cháu và hai ông cháu vẫn có thể đi chơi xa. Đẩy cháu đi vòng vòng trên các con đường của cư xá sĩ quan, giữa hai hàng biệt thự xinh đẹp và sang trọng, cũng thích lắm chứ.
Thế là từ đó, mỗi khi đi qua bô rác, ông đạp xe chậm lại, dán mắt vào đống rác. Sự chờ đợi của ông không kéo dài quá lâu.
Một buổi sáng, ông đã nhìn thấy nó. Ông vội vàng dừng xe, nhào đến đống rác như sợ ai đó dành lấy trước. Một phần ba chiếc xe bị vùi dưới rác. Ông nắm phần trên cố lôi lên, chiếc xe nhúc nhích; một đám ruồi nhặng bay túa lên, va lộp độp vào mặt ông. Ông đưa tay xua và lấy hết sức kéo mạnh một lần nữa. Chiếc xe được rút lên khỏi rác. Vài miếng lá chuối, bao nhựa và một ít thứ khác bám theo xe. Ông lùi lại, một tay kéo xe, xông ra khỏi đám mây ruồi nhặng. Ông quăng mạnh chiếc xe ra đường để rác dính theo phải văng ra. Ông kéo xe ra xa một chút và nhìn kỹ. Chiếc xe gần như còn nguyên vẹn, nhưng chỗ ngồi và lưng dựa chỉ còn là hai miếng ván trần trụi, và tai hại thay, chỉ còn một bánh xe! Ông lẩm bẩm:
- Ba bánh kia còn trong đống rác. Thử tìm xem.
Ông quay lại đống rác, nhìn đám ruồi nhặng bu đầy trên mặt, một số ít bay quần bên trên. Ông nhặt một que gỗ thử cắm vào đống rác và dích lên. Không nổi; đầu que bị rác giữ chặt. Ông rút que lên một tí và cố sức hất lên. Đầu que bật mạnh và chỉ mang theo một bao nhựa nhơ bẩn. Rác rến giữ chặt vào nhau trong một thế thủ vững chắc. Ông cảm thấy nản, đứng im nhìn bô rác, không biết làm sao tìm được ba bánh xe con. Mùi thối xông lên nồng nặc, ông khịt mũi, bước lùi ra. Ông tự bảo:
- Thôi mang xe nầy về nhà cái đã. Hôm khác tìm thêm một chiếc nữa, chắc đủ bốn bánh. Lại nữa, lấy đồ tốt của hai xe ráp lại thành một chiếc thì thực là tuyệt .
Nói xong, ông nhấc chiếc xe nhơ bẩn lên, định cho vào giỏ cần xé.
- Ấy chết, dơ giỏ thì làm sao đựng bánh được.
Lẩm bẩm xong, ông lượm một sợi dây, cột chiếc xe vào thành ngoài của chiếc giỏ và thủng thẳng đạp về.
Ông dừng lại bên kia đường, nhìn vào nhà. Ông sợ con gái nhìn thấy. Nếu nó bảo ông vứt chiếc xe đi thì phiền. Từ ít lâu nay, ông có vẻ nể nang con gái. Nể nang là phải. Bây giờ, chính con Lan làm ra tiền nuôi ông, chính con Lan làm cho gói tiền để dành của ông phồng lên mãi, và quan trọng hơn cả, con Lan cho ông một đứa cháu ngoại dễ thương.
Nhà mở toang cửa, nhưng chẳng có ai bên trong. Nhìn sang nhà Điệp ông thấy Lan và con Hoài ngồi tuốt trong xa, lưng quay ra ngoài. Có lẽ trong đó là bếp, ông chưa sang nhà Điệp lần nào nên không biết rõ. Ông tự bảo mình:
- Nhanh lên. Hai mẹ con nó sang chơi nhà cô Điệp một tí rồi về vì cửa nhà vẫn mở.
Ông hấp tấp qua đường, đẩy xe đạp vào nhà, vội vàng tháo chiếc xe trẻ con ra đưa vào phòng tắm, rửa cho sạch. Ông vừa dội nước, vừa dùng bàn tay vuốt nhẹ dọc theo các ống sắt. Ông đứng lên, nhìn chiếc xe:
- Được rồi.
Ông mang xe ra khỏi phòng tắm, bắt ghế treo nó lên vách bếp. Vừa xong thì mẹ con Lan cũng bước vào nhà. Bé Hoài trông thấy ông vội chạy lại ôm chân. Ông cúi xuống bế cháu lên nhưng không nổi đành bỏ xuống. Lúc nầy, ông mới thấy sức lực thoát ra gần hết vì cái xe đẩy vừa treo trên vách.
Lan để hai ông cháu chơi với nhau, vào bếp nấu cơm. Nàng để ý ngay chiếc xe trẻ con. Ngẩn người một phút, nàng hiểu mọi việc. Đêm đó, cũng như cha đã làm trước đây ít lâu, Lan mang số tiền tiết kiệm ra đếm và cuối cùng lắc đầu, lẩm bẩm:
- Không được đâu, còn phải dự phòng cho lúc ốm đau.

Bất cứ chuyện gì Lan cũng kể cho chị Điệp nghe. Dĩ nhiên, chuyện ông lão mang chiếc xe hư về nhanh chóng đến tai Điệp và Quang. Hai vợ chồng muốn mua cho cháu một chiếc. Nghe chị nói ý định nầy, Lan hoảng hốt nắm chặt lấy tay chị, năn nỉ chị đừng mua. Rơm rớm nước mắt, Lan nói với chị:
- Em đã chịu ơn anh chị quá nhiều, biết đến kiếp nào mới trả hết nợ. Chị đừng bắt em phải mang thêm nợ nữa. Anh chị không bao giờ đòi nhưng lòng em thì không thể nào hết áy náy được.
Nghe Lan năn nỉ, hai vợ chồng đành bỏ ý định. Vả lại, một chiếc xe đẩy trẻ con vẫn còn là một món xa xỉ đối với hoàn cảnh của Lan hiện nay.




*
* *

ĐẦU năm 1975, bé Hoài được gần mười lăm tháng. Bé đi vững lắm rồi nhưng thường đòi ông bế. Nó làm nũng với ông và nó cũng thích chơi với ông hơn ai cả. Lý do là ông luôm luôn chiều chuộng nó. Đồ chơi mua về, nó chỉ chơi được một hai hôm rồi chán vứt vào xó nhà. Chỉ có hai con búp bê, một do ông ngoại cho hôm đầy tháng và một do bác sĩ giám đốc bệnh viện Nhi đồng tặng ngày xuất viện là được Hoài chơi lâu hơn cả, nhưng cũng không quá hai tuần lễ.
Một hôm, nhân đề cập vấn đề nầy, Lan nói với chị Điệp:
- Con bé chơi cái gì cũng mau chán. Chỉ có một thứ nó chơi không chán, đó là ông ngoại nó.
Nhưng, trong ý nghĩ của ông ngoại nó thì cái thứ mà nó sẽ không bao giờ chán là chiếc xe đẩy. Chiếc xe hư mà ông đưa về cách nay một tháng đã bắt đầu bám khói mà ông vẫn chưa tìm được ba bánh xe khác để gắn thêm vào. Ông quan sát bô rác hằng ngày, có khi nhìn vào các thùng rác to bên ngoài những ngôi nhà sang trọng, dù ông biết rằng một chiếc xe đẩy thì không thể nằm trong các thùng rác đó được.
Bị ám ảnh bởi chiếc xe trẻ con, ông lão không nhận ra sự thay đổi trong không khí của Hòn Ngọc Viễn Đông. Thực vậy, đi đâu, người ta cũng nói đến chiến cuộc, nói đến cộng sản, đến mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tin tức chiến sự đưa về làm cho thành phố lên cơn sốt. Viễn ảnh sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng hòa rõ dần theo bước tiến ồ ạt của những đoàn quân Bắc Việt.
Trong các gia đình người ta không nói đến sự bảo vệ chính thể nữa mà chỉ còn nghĩ đến bản thân mình. Một số người tỏ ra lo sợ tương lai, nhất là những người đã từng nếm mùi cộng sản, đã từ miền Bắc di cư vào Nam.
Một số khác tỏ ra dửng dưng vì họ đã chán ngắt chiến tranh. Họ đã trốn chiến tranh bằng cách bỏ ruộng đồng lên đây sống tạm bợ. Bây giờ chiến tranh lại sắp đến nơi nầy rồi. Cái điều ghê tởm đó, không bao giờ họ trốn thoát được nếu nó còn lởn vởn đâu đó, dù là ở nơi xa tít trong ruộng đồng mênh mông hay trong núi rừng trùng điệp. Họ không cần truy xét ai đã tạo nên điều ghê tởm đó, họ chỉ muốn nó vĩnh viễn rời khỏi mảnh đất miền Nam nầy, bằng cách nào cũng được.
Một số khác ít hơn, mang ảo tưởng trong đầu, mong cộng sản sớm vào thành phố để họ được chứng kiến một cuộc đổi thay ngoạn mục và hy vọng một cuộc sống mới công bằng, tốt đẹp hơn.
Như thế, tinh thần chiến đấu của miền Nam tan rã ngay từ trong tư tưởng của người dân.
Riêng lão già Tư Thủ thì không thuộc loại nào trong các loại người nói trên. Dường như ông chẳng nhớ cộng sản là ai, dường như chiến tranh đã chấm dứt từ lâu trong đầu ông. Vì vậy, ông vẫn bình thản đạp xe đi bán bánh, giọng rao khàn khàn vẫn y như cũ và hằng ngày vẫn nhìn vào bô rác để tìm kiếm ba bánh xe con. Sự dửng dưng của ông đối với thời cuộc lại là điều may mắn cho bé Hoài. Trẻ con các gia đình khác dễ rơi vào tình trạng gần như bất mãn. Chúng chẳng hiểu tại sao những người lớn trong gia đình lại trở nên thờ ơ đối với chúng; họ không còn nuông chiều, không vuốt ve, thậm chí còn la rầy khi chúng to tiếng cười đùa.
Bé Hoài thì không thế. Bé vẫn được thoải mái với người bạn già, vẫn cười đùa trong nhà và chơi giỡn trên bãi cỏ của cư xá sĩ quan. Mẹ làm việc suốt ngày ít khi gần gũi bé, chỉ có về đêm, bé cần nằm chung giường với mẹ để úp mặt vào hít mùi da thịt của mẹ. Rồi bé ngủ đi nhanh chóng, mẹ có thao thức, bé cũng chẳng hay.
Lan thì thường xuyên thao thức trong đêm. Ban ngày, lui cui làm việc cũng khuây khỏa, còn ban đêm thanh vắng, bao nhiêu ý nghĩ về tương lai cứ ngày càng ray rứt hơn.
Tháng giêng năm 1975 trôi qua với những tin tức xấu cho miền Nam. Tháng hai, tin tức càng xấu hơn. Cái tết cổ truyền đi qua trong lo âu và buồn tẻ. Đến tháng ba thì tình hình hoàn toàn suy sụp, không còn ai tin miền Nam còn đứng vững lâu được nữa. Cả thế giới chóng mặt khi theo dõi sức tiến của quân Bắc Việt. Từng mảng lớn làng mạc, từng loạt quận lỵ, từng thành phố, từng tỉnh lần lượt đổi chủ.
Lan không còn lòng dạ nào ngồi gò từng đường may được nữa. Nàng từ chối nhiều khách hàng quen thuộc, nàng thích ngồi hàng giờ tâm sự với chị Điệp.
Điệp cũng không khá gì hơn, lòng dạ cứ bồn chồn nôn nao, đứng ngồi không yên. Điệp không thuộc hạng người quá sợ cộng sản. Cộng sản đã có trực tiếp làm hại gì cho bản thân nàng đâu? Bác Hai, bác Ba là cộng sản tập kết ra Bắc, không phải là hai người anh ruột của cha nàng hay sao? Nàng cũng không thuộc hẳn về hạng người thứ hai chán ghét chiến tranh đến cùng cực. Thực ra nàng cũng ghét chiến tranh vì bản tánh nàng nhân hậu và vì đó là nguyên nhân làm mất đứa em thân yêu của mình, nhưng từ thuở nhỏ lên sống tại Sài gòn, nàng không đụng chạm trực tiếp đến chiến tranh để mong ước hoà bình với bất cứ giá nào. Còn nhóm người thứ ba thích miền Nam rơi vào tay cộng sản thì nhất định không có nàng rồi. Nàng thích sống trong chế độ miền Nam nầy vì nàng có ông chồng kính yêu, có cô em dâu xinh đẹp, có con cháu Hoài mũm mĩm, có đám học trò ngoan ngoản, có bè bạn và hàng xóm dễ thương. Cộng sản vào đây, những thứ đó có còn nguyên vẹn hay không?
Không quá thù ghét cộng sản, không quá sợ hãi chiến tranh, nhưng nàng cứ bồn chồn lo lắng theo từng bước tiến của các binh đoàn quân đội Bắc Việt. Nàng sống trong tâm trạng bất an chính là vì nghĩ đến Lan và Hoài. Nàng lo cho hai mẹ con, còn hơn cho chính bản thân mình nữa. Vì thế nàng thích rù rì thủ thỉ với Lan. Hai người đàn bà, một khi đã ngồi nói chuyện với nhau thì, giờ theo giờ, phút theo phút, trôi qua vùn vụt mà họ không hay biết. Điệp thường nghe Lan nhắc đi nhắc lại nhiêu lần câu hỏi:
- Cộng sản có làm gì con của em không? Bé Hoài là con anh Tuấn, kẻ thù của họ mà.
Làm sao Điệp biết được họ sẽ làm gì đối với bé Hoài nên chỉ an ủi chiếu lệ. Lan lại nói tiếp:
- Em nghe nói cộng sản vào đây, họ bắt con gái đẹp lấy thương binh cụt giò cụt cẳng để trả công, em lo sợ quá.
Điệp trợn mắt lên hỏi lại:
- Ai nói với em như thế?
- Bà Thảo, Bắc kỳ di cư. Bà ấy bảo rằng bà đã từng sống với cộng sản nên rành về họ lắm. Em sợ quá.
Điệp nhìn cô em xinh đẹp mà thấy gai ốc nổi cùng mình. Điệp hỏi:
- Thế em có tính di tản không?
Lan không trực tiếp trả lời câu hỏi của chị. Nàng nói:
- Đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện di tản qua nước khác để trốn cộng sản, em rối cả ruột.
Lan nhìn chiếc máy may và cái tủ kính, giọng run run vì xúc động:
- Để mở một tiệm may bên Mỹ, bên Tây, người ta sắm những thứ tốt hơn nhiều. Nhưng đối với em thì những thứ nầy vô giá. Cái máy may nầy, anh Tuấn sắm cho em lúc chưa quen nhau, cái tủ kính nầy có được nhờ món tiền trợ cấp tử trận của chồng em.
Nàng khóc òa, Điệp cũng khóc theo. Lan nói tiếp trong tiếng nấc:
- Em bỏ chúng mà đi sao đành!
Lan tiếp tục thổn thức. Vài phút sau, nàng ngửng lên, lấy khăn lau nước mắt, nói với chị:
- Phải chi cộng sản đừng vào đây để mẹ con em mãi mãi sống gần anh chị. Họ nói giải phóng cho nhân dân miền Nam, nhưng em không thích họ giải phóng cho em chút nào.
Bỗng nàng sực nhớ đã đi quá xa câu hỏi của chị về việc có di tản hay không nên đáp một cách dứt khoát:
- Nếu anh chị đi thì em đi; anh chị ở lại thì em ở lại.
Điệp cầm hai bàn tay mượt mà của em, lòng bồi hồi cảm động.
Ngay chiều hôm đó, Điệp đem ba vấn đề mà Lan nêu ra để nhờ chồng giải đáp vì đó là thói quen của nàng.
Vấn đề thứ nhất là sợ bé Hoài bị cộng sản ngược đãi, khi họ chiếm được Sài gòn, anh có tin không?
Vấn đề thứ hai là Lan có thể bị bắt làm vợ một anh bộ đội cụt tay cụt giò, anh có tin không?
Vấn đề thứ ba là hai vợ chồng có di tản không để mẹ con Lan đi theo?
Vẫn với cái giọng giảng bài cố hữu, Quang nói:
- Với vấn đề thứ nhất và thứ hai thì anh không thể trả lời trực tiếp. Nguyên tắc tư tưởng của anh là chỉ tin những gì thấy tận mắt hoặc những gì có thể suy luận một cách minh bạch để đi đến một kết luận dứt khoát. Nhưng bảo rằng anh không tin cũng không đúng vì anh làm sao chứng minh được rằng đó chỉ là lời hù dọa dối trá.
- Có nghĩa là, theo anh, khi cộng sản vào đây thì hai điều đó có thể sẽ xảy ra, cũng có thể không bao giờ xảy ra.
- Đúng vậy. Còn vấn đề thứ ba thì liên can trực tiếp đến anh nên anh có thể trả lời dứt khoát được. Không, anh không đi đâu cả. Dù hoàn cảnh có đưa đẩy đến đâu đi nữa thì anh cũng tiếp tục ở lại quê hương mình.
Điệp nghiêng mặt nhìn chồng một cách dò xét:
- Anh thích sống với cộng sản à?
Quang đưa cả hai tay lên trời, cao giọng:
- Trời ơi, người bạn tâm tình của tôi trong bao nhiêu năm trời mà còn hỏi tôi câu đó sao?
Giọng anh dịu lại:
- Anh theo học triết và dạy triết với tất cả tâm hồn của anh thì làm sao ưa cộng sản được. Nhưng anh không đi vì ba lý do. Một là anh muốn chứng kiến một khúc quanh cực kỳ quan trọng của lịch sử mà một đời người không dễ có được một lần. Hai là anh muốn chia sẻ thân phận con người với hai chục triệu đồng bào miền Nam. Họ khổ, anh khổ; họ sướng, anh sướng.
Quang dừng lại vì xúc động. Điệp sốt ruột hỏi:
- Còn lý do thứ ba?
- Anh phải chịu trách nhiệm một phần, ít nhất là về mặt tinh thần, đối với sự thất thủ của miền Nam. Phải ở lại chịu đựng cho tròn trách nhiệm.
Anh nhìn vợ dò xét:
- Còn em, em suy nghĩ thế nào? Em có muốn đi không?
- Không, em cũng không đi, chỉ vì một lý do duy nhất.
- Lý do gì?
- Xuất giá tòng phu; chồng ở đâu, vợ ở đó.
Quang đưa tay ra một cách lịch sự lẫn khôi hài. Điệp bắt tay chồng. Hai bàn tay siết chặt lấy nhau.


*
* *

BƯỚC qua đầu tháng tư, Sài gòn sôi sục vì những đoàn người chạy loạn từ Cao nguyên đổ xuống, từ ngoài Trung ùa vào. Đường trên, hẻm dưới người ta bàn tán xôn xao về di tản. Có người bảo phải ra ngoại quốc mới trốn được cộng sản. Có người nói sở dĩ quân Bắc Việt tiến nhanh là vì Mỹ đồng ý cho họ chiếm hơn phân nửa miền Nam với lằn ranh phân chia mới, từ khu Mỏ vẹt, cắt ngang tỉnh Kiến tường, tỉnh Mỹ tho, tỉnh Kiến hòa đến tận bờ biển của quận Ba tri. Mau mau di tản xuống miền Tây để được sống tự do ít nhất một thời gian nữa. Lại có người nói, Mỹ giao hết miền Nam cho cộng sản, chỉ giữ lại đảo Phú quốc để dùng làm chỗ trú ngụ cuối cùng của những người đã từng hợp tác với Mỹ. Mau mau vượt biển ra đó để xí phần một chỗ ở.
Tin đồn lung tung cả lên, chịu hết xiết.
Các trường học đều nghỉ dạy, tuy cổng trường vẫn mở rộng. Học sinh đứng trong sân trường, tụm năm, tụm ba, nhìn vào các lớp học lúc nhúc người chạy loạn, đồ đạc ngổn ngang trên nền đất, áo quần treo la liệt trên vách. Ngoài hành lang, các bếp tạm làm bằng ba viên gạch chụm đầu lại, lửa cháy âm ỉ.
Trường nghỉ dạy nhưng Quang vẫn vào trường mỗi ngày. Anh đi quanh nhìn đám người chạy nạn và thấy mủi lòng. Ôi! Cái dân tộc Việt Nam sao mà khốn khổ đến như thế! Phần lớn họ ngơ ngác như những người mất hồn. Quang nhớ lại những lời tuyên truyền láo khoét của cộng sản trong những bài phát thanh. Anh thở dài, nói thầm:
- Những người dân khốn khổ nầy vừa trốn chạy những người có lòng tốt đến giải phóng cho họ khỏi gông cùm của Mỹ ngụy!
Trông người lớn, Quang thấy tội nghiệp. Nhưng trông những đứa bé xơ rơ, áo quần tơi tả, anh đau lòng không thể chịu đựng được nữa. Sờ vào túi thấy còn tiền, anh ra cổng trường cầm cả nắm tiền đưa cho bà bán hàng rong bảo đếm và bán đủ số bánh kẹo cho anh. Anh mang cả bọc vào trường, phân phát cho các trẻ em. Khi bọc quà đã cạn queo, anh ôm một đứa bé đứng gần nhất, hôn vào mái tóc rối bù và khét nghẹt của nó. Nhiều người chạy loạn nhìn anh, trong mắt có cái gì đó ấm áp sau những ngày gian truân.


*
* *


Một ngày cuối tháng tư năm 1975, Sài gòn tiếp tục sôi sục dữ dội. Các vòng đai bảo vệ chung quanh đều vỡ hết, lính tráng bỏ đơn vị chạy tán loạn. Lan đóng cửa tiệm, hai mẹ con ngồi thu lu trong nhà. Cha nàng vẫn đi lãnh bánh bán từ sớm, chưa thấy về. Nàng thì nghỉ hẳn rồi, không biết các lò bánh mì còn hoạt động hay không.
Lan mở một cánh cửa, ló đầu ra xem cha nàng về hay chưa. Bên nhà Điệp cửa đóng im ỉm. Hai anh chị nghỉ dạy cả tháng rồi, nhưng ngày nào cũng vô trường một lát vào buổi sáng. Chị Điệp bảo vào trường để nghe thêm tin tức và nói chuyện với bạn bè cho đỡ sốt ruột. Mấy khi được nghỉ dạy, ngồi chung trong văn phòng tán chuyện trên trời, dưới đất thế nầy, Thỉnh thoảng, có một đoàn cứu trợ đến thì các thầy cô cùng học sinh ra phụ với họ phân phát tặng phẩm. Bạn bè chị, nhiều người đã ra đi, số còn lại cam tâm chịu đựng.
Ở nhà, Lan thấy thực trống vắng. Nàng mong cha và anh chị về để bớt bồn chồn. Cho đến bây giờ mà bé Hoài vẫn chưa ăn sáng. Bé kéo áo mẹ đòi ăn. Thương quá, trong nhà chẳng có gì cho bé ăn được. Lan bước qua cửa, nhìn dọc con đường theo hai hướng. Chẳng có bán gì cả. Bé bắt đầu khóc rưng rức. Lan lấy tiền cho vào túi, bế con ra đường, sau khi khép cửa lại.
Nàng đi về phía cư xá sĩ quan, định đến chợ xép, ở đó có nhiều hàng ăn sáng. Cho bé ăn kẻo tội nghiệp, chứ nàng thì chắc chắn chẳng nuốt được gì. Chợ không có người bán mà chỉ có một số người đứng lố nhố, đa số có mang một bọc không biết đựng gì bên trong. Lan hỏi, họ trả lời rằng đợi trực thăng đến bốc. Mặc kệ họ, nàng chỉ lo tìm thức ăn cho con thôi. Nhìn vào bên trong cư xá, nàng thấy một cậu con trai đẩy chiếc xe đạp, phía sau có một giỏ cần xé. Nàng nói thầm:
- Thôi, mua một ổ bánh mì về cho bé chắm sữa ăn cũng được.
Lan bước vào cổng cư xá. Bỗng có tiếng người xôn xao. Nhiều tiếng la ơi ới:
- Trực thăng tới, trực thăng tới. Vô mau.
Lan hoảng hồn, chưa biết chuyện gì thì tai nghe tiếng máy bay rú, mỗi lúc một to, mỗi lúc một gần. Một khối người từ cổng tràn vào cuốn nàng theo. Như trong cơn mộng du, nàng ôm con chạy tới trước vì không thể đứng yên tại chỗ được. Gió nổi lên cuồn cuộn trên đầu nàng. Một khối sắt khổng lồ dễ sợ từ từ hạ xuống gần chỗ nàng, trong tiếng gầm đinh tai điếc óc. Gió từ cánh quạt của nó xô ngã hai mẹ con. Lan nghe có tiếng hét to:
- Vợ con sĩ quan hả? Cho lên trước.
Lan thấy được nâng lên. Nàng ôm con thực chặt. Hai mẹ con bị đẩy mạnh, ngã chúi vào bên trong trực thăng. Bé sợ quá thét lên:
- Mẹ, mẹ. Về ông, về ông.
Nàng ôm con, cố vùng dậy nhưng, một, hai, ba người nữa ngã chúi vào làm nàng lại ngã theo. Tai Lan bỗng ù đi vì tiếng rú của máy bay, nàng sợ hãi nhắm mắt lại nhưng lập tức giật thót mình khi thấy bị nâng lên. Lấy hết sức lực còn lại, nàng ngồi thẳng dậy và vội vàng mở mắt nhìn ra cửa, thấy cái cổng cư xá lùi dần một cách dễ sợ. Nàng nhìn dọc theo con đường, nhận ra được nhà nàng và nhà chị Điệp. Hai căn nhà chạy vòng và khuất đi nhanh chóng.
Đó là cái nhìn cuối cùng của nàng đối với quê hương yêu dấu. Nàng hoảng hốt siết mạnh con vào lòng, khóc nức nở.



*
* *

ĐIỆP ngồi bệt xuống nền nhà, khóc rấm rứt. Dì Ba Nở ngồi kế bên vừa khóc, vừa dỗ dành:
- Thôi nín đi cô, chuyện đâu còn đó. Rồi tính sau.
Điệp vẫn tiếp tục rên rỉ:
- Lan ơi, sao em bỏ chị mà đi. Hoài ơi, sao con bỏ cô mà đi. Dì Ba ơi, không có tụi nó thì con sống sao được trên đời nầy.
Dì Ba nhìn ra cửa, nói to:
- Kìa thầy Quang về tới rồi đó.
Quang bước vào thấy vợ khóc thì hoảng hốt:
-Trời ơi, sao thế nầy? Có chuyện gì vậy?
Dì Ba quay lại, nói to:
- Thầy Quang, cô Lan và bé Hoài lên trực thăng bay mất rồi.
- Hứ, bà nói gì?
Quang quay lại nhìn dì Ba Nở, mắt trợn trừng, môi run bần bật. Dì sợ hãi thối lui, không biết Quang định làm gì mình.
Nhưng Quang nhanh chóng lấy lại nét mặt bình thường sau khi nuốt mạnh nước bọt làm cho cục u ở cổ chạy lên chạy xuống vài lần. Anh cố lấy giọng bình tĩnh, hỏi dì Ba:
- Nó đi hồi nào, đi với ai?
Rồi không đợi dì trả lời, anh quay sang hỏi Điệp:
- Mấy bữa nay, em có thấy nó sửa soạn đi không?
Điệp lắc đầu. Dì Ba vội trả lời thay, giọng trở lại oang oang như thói quen:
- Hai mẹ con bị đẩy lên trực thăng. Máy bay xuống đón các gia đình sĩ quan trong cư xá. Không biết tại sao người ta biết trước chuyện nầy. Nhiều người ôm khăn gói ra đứng chờ. Tôi cũng có trong số đó, nhưng không phải chờ đi mà tò mò xem thiên hạ. Vì vậy, tôi đứng trong nhà cô Năm Rổ nhìn ra. Tôi thấy mẹ con nó tới, định chạy ra thì nó đã vào cổng cư xá, đi về phía thằng nhỏ bán bánh mì dạo.
Dì ngừng một chút, nuốt nước bọt rồi cao giọng tiếp:
- Không, nó không tính đi đâu, tôi thấy rõ mà. Nó có mang đồ đạc gì đâu. Nó chỉ mặc cái áo bà ba cũ phong phanh. Con Hoài cũng vậy, chẳng có giày dép gì hết trơn hết trọi. Rồi người ta ùa vào, đẩy mẹ con nó lên trực thăng, rồi nó bay tuốt luốt.
Dì đưa cả hai tay lên trời như kiểu máy bay bốc lên. Bỗng dì hạ tay xuống, quay nhìn Điệp lo lắng, sợ Điệp lại bị xúc động rồi khóc nữa. Nhưng không, Điệp dịu dàng nhìn dì, nỗi đau đớn trong lòng vơi đi vài phần khi nghe dì nói Lan và Hoài không có ý định bỏ nàng mà đi. Nàng đứng dậy, đến ngồi ở mép giường, rồi quay nhìn chồng:
- Anh Quang, hai mẹ con nó không có ý định bỏ chúng mình mà đi như lời dì Ba, phải không?
Quang không trả lời, lẳng lặng đi ra phòng trước, nhìn vào bàn thờ Tuấn rồi quay trở lại ngồi vào giường, nói với vợ, giọng nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- Đúng vậy, con Lan không tính đi. Nếu nó có dự định trước thì nhất định phải mang theo di ảnh của thằng Tuấn theo rồi.
Điệp thở dài, công nhận ý của chồng là hữu lý. Dì Ba hết sức cao hứng:
- Tôi biết tính cô Lan mà. Cô ấy rất sợ cộng sản nhưng không bao giờ cô tính xa thầy cô đâu. Có lần tôi hỏi cô ấy:
- Cô có tính lấy chồng không?
Cô Lan trả lời ngay:
- Không. Lấy chồng thì phải xa chị Điệp.
Rồi cô Lan lại nói tiếp:
. Tình thương của cháu, anh Tuấn mang đi cả rồi.
Nước mắt trào ra trên khuôn mặt thê lương của Điệp. Nàng úp mặt vào hai bàn tay, giọng nức nở:
- Em không còn bao giờ gặp lại mẹ con nó nữa, anh Quang ơi!
Quang vỗ vai vợ:
- Em nín đi. Chuyện đã xảy ra như thế rồi, thì đành phải chấp nhận thôi.
Dì Ba đứng dậy:
- Cô Điệp nghe lời thầy Quang đi. Thôi xin chào thầy cô.
Điệp đứng lên bước đến nắm tay dì Ba:
- Con cám ơn dì Ba. Thôi dì về nấu cơm đi.
- Không, tôi chưa về đâu. Tôi qua ngồi đợi ông Tư về để báo tin cho ông biết. Tội nghiệp ông già.
Nói xong, dì bước ra cửa, vào nhà Lan, kéo ghế ngồi đợi. Vừa thấy đầu xe đạp của ông lão ló ra nơi cửa, dì đứng dậy chạy ra, giọng oang oang:
- Ông Tư ơi, mẹ con cô Lan đi rồi.
Ông ngửng nhìn dì:
- Đi Chợ lớn phải không, chừng nào về?
- Đi luôn rồi, trực thăng chở nó đi.
- Vô Chợ lớn đi xe buýt hay xích lô được rồi. Đi trực thăng làm gì?
- Không phải đi Chợ lớn mà đi….đi….
Dì không biết phải nói Lan đi đâu. Dì đưa tay chỉ chỏ lung tung lên trần nhà:
- Mẹ con nó đi xa lắm. Qua Mỹ, qua Tây, đi luôn rồi. Di tản ra nước ngoài rồi.
Giọng nói dì nghẹn lại. Ông lão quay nhìn dì trân trân. Ông chợt hiểu. Di tản ra nước ngoài. Ông hiểu rồi vì ông đã nghe người ta nói đến mấy chữ nầy nhiều lần trong những ngày qua, khi ông đi bán bánh trong các xóm.
Dì Ba tưởng ông lão sẽ ngồi bệt xuống đất như Điệp hay ít nhất cũng ôm mặt khóc tồ tồ. Nhưng không, ông đứng yên, chăm chăm nhìn dì, đôi mắt hiền từ lạc thần hẳn đi, cái nhìn trở thành ngơ ngác. Ông thôi nhìn dì, im lặng dẫn xe vào dựng sát vách rồi lắc lư đi vào bếp. Ông đứng chắp hai tay vào mông, nhìn cái xe trẻ em treo trên vách bếp, gật gù có vẻ hài lòng. Một phút sau, ông chậm rãi đến bàn ăn, khệ nệ mang cái ghế ngồi đặt bên dưới chỗ treo chiếc xe. Ông run run bước lên ghế, mở dây, mang xe xuống.
Điệp đang nằm khóc, nghe giọng dì Ba oang oang, vội lau nước mắt, xỏ dép chạy ra. Quang theo sau vợ rồi bỗng dừng sững lại ở bục cửa. Anh định ngăn dì Ba không cho báo tin đột ngột với ông lão nhưng không kịp. Điệp bước vào nhà, thấy ông lão ngồi thu lu trong bếp, trước cái xe đẩy trẻ em mà ông vừa tháo xuống, đưa cái lưng cong vòng ra ngoài. Nàng vội chạy đến, định ôm lấy ông nhưng khựng ngay lại khi nghe ông cụ lẩm bẩm một mình:
- Phải sửa cái xe lại cho con nhỏ. Bắt nó đi bộ mỏi chân tội nghiệp. Nhứt định ngày mai phải sửa cái xe lại cho con nhỏ, bắt nó đi bộ mỏi chân tội nghiệp. Bánh mì nóng dòn đây.
Điệp cảm thấy gai ốc nổi cùng mình. Nàng đứng im nhìn, trong lòng hỗn độn những tình cảm vừa sợ hãi, vừa bi thương cùng cực. Ông lão vẫn tiếp tục lảm nhảm, trong khi hai bàn tay khẳng khiu lần vuốt nhẹ dài theo những ống sắt đen thui vì bám khói của chiếc xe hư.
Có tay ai chạm vào vai Điệp. Nàng giật mình quay lại. Quang nắm tay nàng kéo nhẹ ra cửa, trở về nhà. Vào đến phòng trong, nàng ôm chầm lấy Quang, đôi vai run run áp vào ngực chồng. Nàng nức nở:
- Anh Quang ơi, bác Tư mất trí rồi. Mẹ con nó đi không bao giờ trở lại nữa. Em phải làm gì cho bác Tư đây? Anh nói cho em nghe đi, làm sao cho bác Tư đủ sức chịu đựng đây?
Giọng Quang nhỏ nhẹ, đầy nước mắt:
- Vô phương cứu chữa. Lần trước tâm hồn ông lão rơi vào một hố cạn, nhờ tiếng khóc đứa cháu ngoại kéo lên. Bé Hoài là điểm tựa duy nhất của ông. Lần nầy ông sút tay khỏi điểm tựa, rơi xuống, xuống mãi trong cái hố sâu bất tận.
- Nhưng tại sao bác Tư không khóc?
- Ông lão sút tay nhanh quá, không kịp khóc; rên một tiếng cũng không kịp.
- Để em sang nói với bác ấy một câu gì để an ủi.
- Vô ích. Anh biết tấm lòng nhân hậu vô bờ bến của em. Nhưng thôi, ông cụ không còn sống lâu nữa đâu. Cứ để ông chìm đắm trong hoang tưởng, hưởng một chút hạnh phúc, cái hạnh phúc đau đớn nhất của thế gian nầy!



HẾT