Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Hồi ký của Ngọc (1)



   Tôi là Ngọc. Một người đàn bà tầm thường. Một nạn nhân, như tất cả mọi nạn nhân của cuộc đối đầu ý thức hệ ở miền Nam đau thương nầy. Thông thường, những người nổi danh mới viết hồi ký để khoe khoang cuộc đời đã được nhiều người chú ý. Tôi viết hồi ký chỉ để lưu lại những nỗi niềm yêu thương và đau khổ.
Tôi tên là Hoàng thị Hồng Ngọc, sinh năm 1950, tại Sài gòn. Ngày tôi ra đời, mẹ xem tôi như là bảo vật, định đặt tên là Bích Ngọc. Cha tôi nghĩ đến một thứ còn quý giá hơn tất cả của cải vật chất, bắt mẹ phải đổi tên tôi là Hồng Ngọc. Thứ quý giá nhất trên đời của cha tôi có màu đỏ, màu của chủ nghĩa cộng sản bách chiến bách thắng.
Cũng bởi vì vậy, trước đó năm năm, anh tôi được đặt tên là Hồng Quân. Chính cái tên nầy cùng với những lời ca tụng chủ nghĩa cộng sản của cha tôi mà anh Quân sớm giác ngộ đi theo cách mạng. Từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, kế tiếp là đại học, anh đã tham gia tổ chức bí mật của phong trào học sinh sinh viên, do thành đoàn Sài gòn Gia định lãnh đạo. Đến năm anh được hơn 20 tuổi, tổ chức nội thành của anh bị bể, nhiều đồng chí bị bắt nhưng anh may mắn trốn thoát ra chiến khu. Một tháng sau, có tin từ chiến khu đưa ra, anh đã qua đời trong một trận càn của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa; người ta vùi xác anh ở đâu đó, trong lòng đất giữa cánh rừng già của mật khu Dương Minh Châu.
Khi nghe tin anh Quân mất, cha tôi vừa khóc vừa nghiến răng, cặp mắt ông vừa bi thương, vừa rực lửa căm hờn. Mẹ tôi thì gục xuống, đổ nát như căn nhà sau cơn động đất. Suốt ba tháng dài mẹ không thiết ăn, không thiết ngủ, chỉ ngồi bất động trước thềm, nhìn sững về phía cổng nhà. Nơi đó, mỗi buổi chiều, anh Quân lom khom đẩy xe qua lùm hoa bông giấy, cất tiếng chào rộn rã cả một khoảng sân. Rồi mẹ gượng dậy, lần mò với công việc, nhưng trong mắt mẹ vẫn đọng lại một khoảng tối đen.
Hơn một năm sau cái chết của anh Quân, vào một buổi chiều xẩm tối, có một thanh niên đến tìm nhà tôi. Anh ta cao lớn, đội nón lưỡi trai phủ ngang tầm mắt. Dưới bóng tối của hàng bông giấy, người con trai xa lạ thì thầm:
- Xin lỗi. Tôi hỏi thăm nhà anh Quân.
Ánh mắt anh giấu sau vành nón vải vẫn lóe sáng dưới ánh đèn đường. Tôi giật mình lùi lại:
- Đây là nhà anh Quân.
- Tôi là người cách đây một năm có gặp anh Quân.
- Anh gặp anh Quân ở đâu?
- Ở chiến khu.
Tim tôi thắt lại, vừa đau đớn vừa sợ hãi. Nhưng giọng người con trai ấm và chân thật, có vẻ như là người miền Tây Nam bộ. Lúc đó là buổi chiều, ba mẹ đều đã đi làm về. Tôi vội vã mời anh vào nhà, thấy ngẩn ngơ khi nép sang bên cửa cho anh bước qua. Tại vì sao, tôi không lý giải được. Vì mắt anh sáng quá, giọng anh ấm quá? Không phải. Có lẽ vì, dáng vóc cao gầy của anh đang lom khom đẩy xe qua cánh cửa. Cũng vào đúng giờ này, anh Quân đi làm về và lớn tiếng chào ba mẹ.
Người thanh niên tự giới thiệu với ba mẹ, anh tên là Định.
- Cháu có gặp anh Quân trong chiến khu và biết được nguyên nhân cái chết của anh Quân.
Khuôn mặt mẹ tái đi dưới ánh đèn. Bàn tay xanh xao của mẹ vội vã bíu lấy thành ghế. Tôi lao đến bên mẹ, hoảng hốt gọi:
- Mẹ!
Nhưng mẹ cứ đứng như trời trồng, nhìn sững về phía cổng nhà. Nơi đó, giàn bông giấy phủ bóng lạnh lẽo.
Ba thì bình tĩnh, gần như là mừng rỡ. Ba vồn vã nhắc ghế mời anh ngồi. Hối thúc tôi pha trà.
Người thanh niên tên Định kể rằng, anh Quân chết chắc chắn không phải do bom đạn của quân thù mà chính người của cách mạng giết chết. Tổ chức của anh Quân bị bể và bị tóm gọn lúc đang có một cuộc họp bí mật, hình như có người điềm chỉ. Anh Quân may mắn thoát được, vì đến trễ do bị hư xe. Lo sợ những người bị bắt không chịu nổi sự tra tấn nên anh Quân được liên lạc đưa ngay ra chiến khu để tránh sự truy lùng của địch.
Ra đến chiến khu, anh Quân bị liệt ngay vào dạng nghi ngờ phản bội nên bị quản thúc để điều tra xem có liên can đến việc điềm chỉ để phá vỡ tổ chức cách mạng hay không. Nói là quản thúc nhưng thục tế là bị giam cầm; ban đêm người ta dùng dây xích khóa chân anh cẩn thận. Bị đối xử như thế nên anh Quân tỏ ra hết sức bất mãn, nhiều khi không tự kềm chế được và nổi nóng thốt ra những lời nói rất tai hại. Chỗ giam giữ anh Quân lại không xa lắm với vùng do quân đội quốc gia kiểm soát nên sự mất bình tĩnh của anh Quân là điều rất nguy hiểm.
Rồi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa phối hợp mở một cuộc hành quân lớn càn quét chiến khu. Anh Quân chết trong cuộc càn quét nầy. Một người quen với anh Định quả quyết rằng anh ta đã chứng kiến tận mắt; anh Quân bị bắn chết trước khi quân địch tràn vào.
Khi nghe kể đến đây, ba tôi đứng phắt dậy mắng anh Định mang đến đây những lời nói vu khống thô bỉ để bôi nhọ danh giá của anh Định và cả gia đình. Ông bị cơn cuồng nộ lôi cuốn đến đỗi không tự kềm chế được nên đưa tay chỉ vào mặt anh Định và đuổi anh ra khỏi nhà. Mẹ vẫn ngồi yên, mắt nhìn đăm đăm ra cổng, mấy ngón tay xanh xao nắm chặt mép bàn. Tôi đứng tựa vách phòng, nước mắt trào ra không ngưng. Lý do gây nên cái chết của anh Quân không làm tôi xúc động. Tôi chỉ nghe lòng mình đau đớn vô cùng vô tận khi có người xác nhận một lần nữa là tôi không còn bao giờ thấy mặt anh tôi trên cõi đời.
Định đứng dậy, nét mặt vừa thảng thốt, vừa thê lương. Anh không dám nhìn ba mà quay sang nhìn mẹ rồi nhìn lên bàn thờ anh Quân, lẩm bẩm:
- Xin lỗi, cháu xin lỗi hai bác. Cháu xin từ biệt.
Rồi anh vội vã quay lưng đi. Ba ngồi xuống ghế, gục mặt trên bàn. Hai bàn tay ba vẫn nắm chặt, tưởng như bất cứ lúc nào cơn giận dữ cũng có thể bùng lên và ba sẽ đấm tay xuống bàn rồi hét to:
- Đi. Cút khỏi đây. Quân phản bội.
Khi chiếc bóng cao gầy của người thanh niên vừa khuất sau giàn bông giấy, mẹ bỗng đứng dậy, lảo đảo chạy ra sân. Như một phản xạ từ trong nỗi sợ hãi vô hình nào đó, tôi lao theo, níu tay mẹ lại.
- Mẹ! Mẹ sao vậy?
Không ngờ mẹ nghiêng mặt nói nhỏ vào tai tôi. Giọng mẹ bình tĩnh lạ lùng:
- Con ra tiễn khách. Dặn cậu ta có dịp trở lại để mẹ hỏi thăm.
Tôi chạy vội ra đường. Định đã dắt xe đạp đi một khoảng cách khá xa. Anh không đạp xe mà cứ cúi đầu, nặng nề đẩy xe về phía trước. Trong một phút bất ngờ, anh dừng lại, quay đầu nhìn sững về phía cổng nhà tôi. Ở đó, tôi cũng đang đứng chôn chân dõi nhìn anh.
Lúc này trời đã tối hẳn, bóng đèn bên kia đường tỏa bóng vàng vọt, nhưng tôi vẫn nhìn thấy rõ ràng ánh mắt u buồn và khuôn mặt cương nghị của anh. Hình ảnh đó in đậm mãi trong lòng tôi nhiều năm sau này, và chắc chắn là cho đến cuối cuộc đời.
Tôi không cần gọi anh, có một sức mạnh mơ hồ nào đó kéo chúng tôi đi về phía nhau. Định không ngạc nhiên, không tò mò, chỉ mỉm cười chờ đợi.
Tôi cúi đầu nói nhỏ:
- Xin lỗi anh, gia đình em đối xử không tốt với anh.
Giọng anh ôn tồn ấm áp:
- Không, chính tôi mới có lỗi. Tôi đâu có ngờ lòng thù hận của bác trai lớn như vậy. Xin cô thông cảm, tôi chỉ muốn đem sự thật đến cho gia đình. Một người đồng chí của Quân đã khẩn thiết nhờ tôi. Cái chết của Quân thật là oan khuất. Không ngờ tôi vô ý xúc phạm trắng trợn nỗi đau của gia đình. Một lần nữa tôi xin nhận lỗi. Cô có vui lòng tha lỗi cho tôi không?
- Không, đối với em, anh chẳng có lỗi gì cả. Em không quan tâm đến lý do chết của anh Quân. Ba em thì khác; với cái chết của người thanh niên trên chiến trường hay trong chiến khu, ông phân biệt rất rõ ràng hai từ “đền tội” và “hi sinh”. Bị chết vì viên đạn của quân Giải phóng là “đền tội”, đáng bị nguyền rủa; bị chết vì viên đạn của lính Mỹ hay lính Cộng hòa là “hi sinh”, là anh hùng liệt sĩ. Nhưng đối với em thì chẳng có gì khác biệt cả. Nó chỉ có ý nghĩa duy nhất là em không còn bao giờ thấy mặt anh Quân của em nữa.
Tôi bậm môi cố ngăn nước mắt trước người lạ, nhưng không thể được. Tôi đưa hai tay lên che mặt và khóc nức nở.
Giọng nói thì thào đầy xúc động của Định gần bên tai tôi:
- Tôi thực có lỗi. Anh Quân qua đời đã một năm rồi. Thời gian có lẽ đã hàn gắn phần nào vết thương trong tim của những người đáng quý thì tôi lại đến làm cho vết thương rớm máu trở lại. Cô hãy tha lỗi cho tôi. Tôi không bao giờ dám đến để gợi lại nỗi đau của gia đình cô nữa. Xin chào cô.
Tôi hoảng hốt bỏ tay che mắt, vội vàng nói:
- Nhưng mẹ em mong anh đến một lần nữa để hỏi thăm thêm tin tức của anh Quân. Mẹ em vẫn mong muốn tìm được hài cốt của anh ấy.
Định thoáng ngạc nhiên:
- Vậy, tôi sẽ đến thăm bác vào buổi sáng ngày kia.
- Dạ, buổi sáng không có ai ở nhà. Ba em đi làm, em đi học và mẹ em đi dạy.
Tôi sực nhớ đến cha tôi và thái độ giận dữ của ông, nên vội vã nói thêm:
- Xin anh vui lòng trở lại vào giờ làm việc buổi chiều, lúc ba em không có ở nhà.
Định lại không chú ý đến chuyện cha tôi mà hỏi về mẹ tôi:
- Bác gái là cô giáo à?
- Dạ, mẹ em là giáo sư trung học, chỉ dạy buổi sáng thôi.
Thấy Định nhìn tôi với cặp mắt đầy ngưỡng mộ nên một niềm hãnh diện về mẹ chợt dâng lên trong lòng tôi. Tôi nói tiếp:
- Mẹ em dạy lớp mười một. Năm ngoái em được học ngay lớp mẹ em dạy.
Định mỉm cười có vẻ thích thú:
- Cô đang học lớp mười hai hả?
Anh nói tiếp, giọng thoáng vẻ châm chọc:
- Năm ngoái có khi nào cô bị “giáo sư mẹ” rầy chưa?
Anh nín bặt, có lẽ thấy câu khôi hài không phù hợp với lúc nầy. Giọng anh trở lại nghiêm trang:
- Xin lỗi cô nếu điều tôi muốn biết sau nầy là đường đột. Có lẽ bác trai cùng nghề với bác gái?
- Dạ không, trước ba em làm ở bưu điện, nay làm ở một hãng xuất nhập khẩu của tư nhân.
- Sao bác đổi nghề vậy?
Tôi định giải thích rằng ba tôi đang làm ở sở Bưu điện thì bị bắt. Ra tù, ba bị đuổi sở, thất nghiệp một thời gian rồi xin được việc làm của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên tôi kịp nhận ra rằng tâm sự như thế là thái quá đối với người chưa từng quen biết. Do đó, tôi chỉ im lặng, lắc đầu.
Định nhìn tôi thật lâu, rồi lưu luyến nói:
- Xin tạm biệt cô.
- Chào anh, anh nhớ đến nói chuyện với mẹ em.
Tôi nói thật lòng và mong anh sẽ quay lại.

Ba ngày sau, Định đến vào buổi xế chiều. Chỉ có mẹ ở nhà. Tôi đi học tất cả các buổi sáng nhưng trong tuần, có thêm giờ học buổi chiều duy nhất vào ngày thứ năm, lại trúng ngày hôm Định đến.
Khi tôi về nhà, mẹ bảo anh Định vừa từ giã mới khoảng mười phút. Tôi ngẩn ngơ như vừa bỏ lỡ một dịp may. Giá như hôm nọ tôi nói cho anh biết, chiều thứ năm tôi phải đi học. Ý nghĩ thoáng qua làm tôi tự hỗ thẹn. Lẽ ra tôi cần phải quan tâm đến sự thật về cái chết của anh Quân, đằng này tôi chỉ mong gặp lại người con trai xa lạ.
Tôi áy náy nắm lấy tay mẹ.
- Mẹ, anh Định kể chuyện gì về anh Quân?
Mẹ im lặng không trả lời, đăm đăm nhìn vào bếp lửa. Hai dòng nước mắt lặng lẽ ứa ra. Tôi đứng chết lặng nhìn mẹ, không dám hỏi gì thêm. Nỗi nhớ thương đẩy hai mẹ con vào khoảng không gian u uất nặng nề. Mãi một lúc sau, mẹ mới dùng tay áo lau mắt cho khô, rồi nói với giọng nhẹ nhàng:
- Có, nó kể nhiều chuyện, nhiều lắm.
- Chắc là chuyện... học hành, hả mẹ?
- Nó nói đủ hết. Phần lớn là chuyện trong chiến khu.
Giọng mẹ nghẹn ngào. Tôi ôm chầm lấy mẹ:
- Thôi. Thôi, mẹ. Để khi khác mẹ kể con nghe cũng được.
- Ừ phải, ba mày sắp về rồi, để mẹ làm cơm.
- Dạ, mẹ để chuyện đó sang một bên. Mẹ mà nhắc đến anh Quân, thế nào mẹ cũng khóc. Ba về mà thấy mẹ khóc thì tội nghiệp cho ba.
Mẹ nhìn sững tôi, dường như lời nói đùa của tôi không thích hợp:
- Mẹ không biết là tội cho ai.
Có tiếng xe dừng trước cổng. Con chó ki ki chạy ra ăng ẳng mừng rỡ. Ba tôi thò tay vào trong mở chốt cửa và rú máy cho xe chạy thẳng vào hiên nhà. Mẹ vẫn cắm cúi bên bếp lửa chứ không ngẩng lên cười với ba như thường lệ. Tôi biết mẹ muốn có thêm vài phút để dìm cơn xúc động vào sâu tận đáy lòng. Từ nhiều tháng nay, gia đình chúng tôi tránh nhắc đến anh Quân, nhất là trong buổi cơm chiều, giờ phút sum họp hạnh phúc của gia đình bé nhỏ chúng tôi.

Ngày hôm sau, tan học, tôi vội vã đạp xe về nhà. Buổi trưa, ba ở lại sở làm, chỉ có hai mẹ con dùng cơm tại nhà. Bữa cơm thực đơn sơ, do người hàng xóm nấu giùm và mang qua.
Vừa ngồi vào bàn, mẹ tôi nói ngay:
- Mẹ biết con nóng lòng muốn nghe chuyện anh Quân của con.
Tôi lo lắng nhìn mẹ, nhưng khuôn mặt mẹ bình thản lắm.
- Mẹ nói cho con nghe đi. Anh Định cùng ra khu một lượt với anh Quân phải không? Trước khi ra khu, hai người cùng chung một tổ chức phải không?
- Không, mẹ có hỏi thì cậu Định bảo rằng hai đứa chỉ biết nhau sơ sơ khi gặp nhau ở văn phòng của tổng hội Sinh viên và cậu Định không hề biết anh con là cán bộ của Mặt trận Giải phóng. Ở trong chiến khu, hai người tình cờ gặp nhau có một lần, nhận được nhau là người quen nhưng không dám nói chuyện với nhau. Cậu Định bảo đó là nguyên tắc của chiến khu. Hơn nữa, anh con đang trong thời kỳ bị công an điều tra.
Tôi giật mình buông đũa:
- Vậy tại sao anh Định biết anh Quân bị họ giết chết? Tại sao anh Định lại biết nhà của mình?
- Lúc đầu mẹ cũng thắc mắc như con, nhưng chưa dám hỏi thẳng. Mẹ ngại cậu Định là người đang làm việc cho bên nầy hay bên kia, cho nên nếu không khéo thì có thể nguy hiểm. Ba con thì nóng tính, ăn nói không biết giữ gìn. Thời buổi nầy không cẩn thận, dễ rước họa vào thân.
Tôi nhìn mẹ đầy yêu thương. Nhiều người khen mẹ khôn ngoan biết cách sống trong thời buổi nhiễu nhương. Những lời khen đó trước đây không làm tôi quan tâm, bây giờ tôi mới thấy thấm thía.
Mẹ nói tiếp:
- Cậu Định là người rất thông minh. Thấy mẹ ngập ngừng thì đoán được điều thắc mắc của mẹ nên giải thích cho mẹ rõ. Cậu ấy không phải là cán bộ nằm vùng của Việt cộng, trái lại thuộc gia đình có chức phận quan trọng của Việt Nam Cộng hòa.
- Nghĩa là sao hả mẹ?
- Quê cậu ta ở Vĩnh long, mồ côi cha từ khi mới ra chào đời. Mấy năm sau mẹ tục huyền. Chồng sau của bà là một quận trưởng kiêm chi khu trưởng dưới đó.
Tôi ngắt lời mẹ:
- Quận trưởng thì giàu lắm. Tại sao con thấy anh Định đi xe đạp cũ kĩ đến đây?
Mẹ cười hiền hòa:
- Con nầy lúc nào cũng để ý áo quần, xe cộ của người khác. Đúng, quận trưởng thì giàu lắm. Ông nầy còn giàu hơn nhiều quận trưởng khác nữa. Theo lời cậu Định thì cha ghẻ cậu ấy là một tay tham nhũng gớm lắm. Định tỏ ra căm ghét ông ta.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Anh Định chưa phải là người thân thiết với mình mà tại sao lại kể rõ chuyện nhà như thế?
- Mẹ cho rằng nó là đứa thành thật dễ mến. Vì vậy những điều nó kể về anh Quân của con thì có thể tin được.
- Chắc vì ghét ông bố dượng tham nhũng mà anh Định lên Sài gòn học.
Mẹ lắc đầu:
- Lời con đoán chỉ đúng phân nửa thôi. Suốt những năm trung học, Định sống với mẹ và cha ghẻ. Đậu tú tài xong, Định lên Sài gòn tự kiếm sống bằng cách đi kèm trẻ tại tư gia và ghi danh vào học đại học Văn khoa.
Nghe mẹ nói tới đại học Văn khoa, tôi bỗng thấy hứng thú:
- Lại đại học Văn khoa, trường của mẹ. Sang năm con cũng sẽ vào Văn khoa.
Mẹ vừa cười vừa trừng mắt với tôi :
- Con nhỏ vô duyên, nói lạc đề. Mẹ đang kể chuyện cậu Định, có liên quan gì tới con đâu.
Tôi bẽn lẽn cúi đầu:
- Mẹ kể tiếp đi. Nhưng tại sao mẹ nói về anh Định dài dòng vậy. Con muốn nghe chuyện anh Quân mà.
- Có lẽ nghề nghiệp tập cho mẹ thói quen rồi. Muốn tìm hiểu một điều gì thì trước hết phải xác nhận độ tin cậy của nguồn thông tin về điều đó trước đã. Chuyện của thằng Quân xảy ra tuốt trong chiến khu, bây giờ nghe cậu Định kể lại thì phải tìm hiểu cậu ta trước đã. Hơn nữa, năm ngoái, người chính thức của Mặt trận Giải phóng đến báo là thằng Quân đã hi sinh trong một trận càn của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Nay cậu Định bảo anh Quân của con chết là do phe cách mạng giết. Hai nguồn tin đó hoàn toàn trái ngược nhau, sự thực là thế nào?
Mẹ ngưng một chút rồi lắc đầu buồn bã:
- Thực ra, mẹ cũng chẳng tha thiết biết sự thực làm gì. Với sự thực nào thì nó cũng chẳng còn nữa. Nhưng mẹ mong muốn tìm được hài cốt của anh con. Có một đồng nghiệp của mẹ giải thích rằng, nếu anh con bị chết vì lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thì có thể chính quyền Việt cộng trong đó ghi lại vị trí chôn cất. Còn nếu bị người của cách mạng khử thì nơi chôn bị san phẳng, không thể nào tìm được hài cốt.
Mẹ lại ngưng nói, buông đũa, dùng tay áo lau nước mắt. Lần này, thấy mẹ khóc, tôi cũng òa khóc theo. Sự thật về cái chết của anh tôi còn gắn liền với nỗi đau khác. Thân xác anh tôi bị vùi lấp tàn nhẫn, không có được một phần bia mộ cho người thân thăm viếng.
Tôi cúi mặt xuống chén cơm đã vơi. Giọng mẹ lại tiếp tục vang lên chậm rãi:
- Cậu Định học Văn khoa, năm đầu đậu chứng chỉ dự bị, qua năm sau rớt chứng chỉ chuyên khoa luôn hai khóa. Cậu ấy bảo có cố gắng nhưng không thể nào tập trung trí não vào việc học.
Tôi nói lãng đi, với vẻ khôi hài:
- Chắc là rơi vào bẫy tình rồi.
Lời nói đùa của tôi làm mẹ cười, nét vui tươi gượng gạo hiện lên gương mặt:
- Đừng đoán bậy bạ. Định bảo không tập trung trí não vào việc học vì chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt. Tin tức về những trận đánh, về số người chết hằng ngày nhan nhản trên báo chí. Nhiều người bạn của cậu ấy lên đường nhập ngũ, có người đã vĩnh viễn nằm xuống trên chiến địa. Cậu ấy bảo, cứ cầm sách vở lên là nghĩ đến cảnh đau thương. Rớt là phải, không có gì phải than phiền. Con cũng biết tất cả sinh viên đều nằm trong tuổi quân dịch.
- Kể cả những người lớn tuổi đi học thêm?
Mẹ vỗ đầu tôi, mỉm cười:
- Mẹ không kể những người đó vì họ là số ít. Tất cả học sinh và sinh viên trong hạn tuổi quân dịch đều được hoãn dịch ví lý do học vấn. Nha Động viên bộ Quốc phòng nắm rất kỹ danh sách, hễ cậu nào thi rớt là nhận được lệnh động viên.
- Nhưng anh Định có thể được miễn dịch vì là con một chứ?
Mẹ nhìn tôi thoáng ngạc nhiên, giọng hơi trêu chọc:
- Con nhỏ nay rành chuyện lính tráng ghê. Hay là con đang để ý chuyện quân dịch cho đứa bạn trai nào?
Tôi cười bẽn lẽn:
- Con đâu còn nhỏ nữa, mà cũng chẳng nhọc công lo cho ai. Nhưng hằng ngày con vẫn đọc nhật báo của ba mà.
- Ừ phải. Nhưng cậu Định không được miễn dịch vì với người chồng sau, mẹ cậu cho ra một loạt con, vừa trai vừa gái.
- Vậy là anh Định bị gọi đi lính.
- Phải, nó nhận được giấy báo trình diện đi học sĩ quan trừ bị.
- Rồi anh Định bỏ trốn vào chiến khu theo Việt cộng luôn.
Mẹ lắc đầu:
- Nó bảo rằng nó không có ý định trốn. Ghét cha ghẻ tham nhũng nhưng nó cũng chẳng có lý tưởng cách mạng chút nào. Tình cờ, có người bạn cùng lớp là cán bộ cộng sản nằm vùng, anh ta đang lôi kéo Định theo mình. Khi vào khu công tác, anh ta rủ nó đi theo. Định theo liền vì thích có dịp biết chiến khu ra sao. Thanh niên nào lại không có tính tò mò và phiêu lưu. Nó ở trong đó được gần một tháng; nó bảo rằng chán lắm, chẳng thấy cái gì hay mà cái chết cứ rình rập hằng giờ hằng phút nên nó xin về và được liên lạc đưa về.
- Sao dễ vậy? Tại sao anh Quân không làm như anh Định?
- Mẹ cũng có hỏi như thế và cậu Định giải thích rằng anh Quân của con đang bị quản thúc vì bị nghi ngờ phản bội. Hơn nữa anh con chính thức là người của Mặt trận, có thể biết mặt một vài cán bộ và biết rõ một vài địa điểm bí mật ở thành phố, nên nếu nó thực sự phản bội mà cho nó trở về thành thì rất nguy cho cách mạng.
Tôi vẫn còn thắc mắc:
- Nhưng người đưa anh Định vào chiến khu thì cũng coi như bị lộ rồi.
- Phải. Định cũng có nói anh ta hơi vội vã khi dẫn Định vào chiến khu, vì tưởng Định có quyết tâm theo cách mạng. Mà anh ta cũng tin rằng, Định không phải là loại người đi tố cáo bạn với công an mật vụ. Hơn nữa, vào đến chiến khu thì người bạn biến mất, Định cũng không biết hắn ở tổ chức nào. Anh Quân con thì khác, không thể trở về thành một cách dễ dàng được. Anh con chỉ có hai con đường, một là để họ điều tra cho chán chê rồi trở lại nhận công tác của họ …
Mẹ ngưng nói, nuốt nước bọt để dằn cơn xúc động. Tôi hỏi nhỏ:
- Còn con đường thứ hai?
- Phải chết!
Hai tiếng “phải chết” của mẹ thốt ra nghe như tiếng của chiếc ly pha lê vô cùng quý báu, rơi xuống đất vỡ tan tành. Tôi cảm thấy lòng quặn đau cho số phận những thanh niên ứu tú như anh tôi đã chọn phải con đường tai hại này. Bỗng dưng một niềm phẫn uất dâng lên làm cho giọng tôi run run:
- Nhưng anh Quân vẫn một lòng một dạ theo họ mà.
- Con phải hiểu cái lòng dạ trung thành đó là thứ vô hình và sự nghi ngờ của họ lại là điều hiện thực.
- Nhưng tại sao họ không để cho anh Quân sống để điều tra cho ra lẽ mà giết anh ấy đi?
- Mẹ cũng có hỏi cậu Định y như con vậy và cậu ấy giải thích rằng, xui cho anh con là việc nầy rơi vào cuối năm 1969. Trong tết Mậu thân 1968, lực lượng của họ bị tiêu hao quá nhiều trong cuộc tấn công vào các thành phố và sau đó chưa kịp bổ sung đầy đủ nên không đủ sức đương cự những cuộc tấn công của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vào các chiến khu. Ở thành phố thì rất nhiều tổ chức bí mật bị phanh phui vì ra mặt yểm trợ cho cuộc tổng tấn công. Thói thường gặp bước cùng quẫn thì người ta không còn nhân đạo nữa. Hơn nữa, người cộng sản rất nổi danh với chủ trương “thà giết oan mười người còn hơn thả nhầm một người”.
Mẹ thở dài áo não rồi tiếp tục với giọng thê lương:
- Cậu Định kể rằng, chính người bạn cán bộ cộng sản dẫn cậu ta vào chiến khu chứng kiến cái chết của anh con. Người cán bộ nầy là bạn học đại học với Định. Anh ta là người có học. Có học thì tất nhiên còn lòng nhân….
Tôi lặng người đi trong nỗi xót xa:
- Chứ không tàn bạo như những người đồng chí răng đen mã tấu của họ?
Mẹ gật đầu:
- Để mẹ nói tiếp cho con nghe. Anh ta rất thương tâm khi thấy anh con bị trói lại, lôi ra sau vườn và hai tiếng súng nổ…. Sau đó là tiếng cuốc bổ xuống nền đất….
Cảm giác kinh hoàng tràn qua lòng, làm tôi nghẹn thở. Làm sao con người có thể đối xử với con người dã man như vậy. Chiếc bóng cao gầy của anh tôi hiện ra nơi góc bếp, anh đang lui cui đóng lại cái kệ tủ cho mẹ. Tôi cũng ôm tập xuống bếp, ngồi học cạnh bên anh giữa đám kềm búa cưa đục ngổn ngang. Thỉnh thoảng tôi ngước lên nhìn khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của anh, nũng nịu hỏi anh mấy bài toán. Những kỷ niệm rất đỗi bình thường ngày nào giờ đã vĩnh viễn bị chôn vùi sau hai tiếng súng tàn ác.
Cả hai mẹ con cùng im lặng rất lâu. Mãi rồi tôi mới hỏi tiếp như lời buộc tội:
- Anh Định có chứng kiến việc anh Quân bị hành quyết hay không?
- Không, mẹ đã hỏi rồi. Nếu nó có ở đó, thì nó đã không đủ can đảm tới đây. Hai người chỉ gặp nhau một lần duy nhất trong chiến khu và lúc anh con chết thì Định đã về thành trước đó nhiều ngày.
- Nên anh Định thoát khỏi trận càn. Còn người cán bộ, bạn của anh Định thì sao?
- Anh ta trốn thoát được về thành và tìm đến ngay nhà anh Định kể lại tỉ mỉ chuyện hành quyết anh con và bảo anh Định hãy đến báo cho gia đình mình biết để lo cúng giỗ hằng năm.
- Vậy là cái người của Mặt trận Giải phóng, cách đây một năm, đến báo anh Định đã hi sinh khi chiến đấu chống với quân thù trong trận càn, là người nói láo.
Mẹ chặm nước mắt, chậm rãi gật đầu:
- Mẹ cũng nghĩ như thế.
- Nhưng tại sao họ không im đi mà đến nói láo như thế?
- Mẹ không biết rõ lý do. Có thể đó là nguyên tắc hoạt động của họ, cũng có thể họ báo như thế để gây lòng căm thù “Mỹ ngụy” trong gia đình mình, trong họ hàng và trong giới bạn bè của anh Quân con.
Cơn tức giận của tôi bùng nổ, không còn kềm chế được:
- Thực là kinh tởm. Giết người vô tội rồi còn lợi dụng xác chết để tuyên truyền nữa. Thế mà con cứ đinh ninh lính quốc gia giết anh Định và nhiều khi nhớ thương anh quá có lúc con có ý nghĩ trả thù nữa. Nay sự thực được phơi bày mới thấy tất cả sự bỉ ổi của cuộc chiến tranh giải phóng thần thánh của họ.
Mẹ run run vuốt tóc tôi:
- Mẹ cũng phẫn uất như con, nhưng mình nên dè dặt trong lời ăn tiếng nói. Những lời con vừa mới nói, người ngoài nghe thì nguy hiểm, còn ba con nghe thì ông sẽ rất phiền lòng.
Lời khuyên của mẹ rất chí lý, nhưng không làm tôi hết tức giận ngay được.
- Tại sao, đến bây giờ, sau hơn một năm anh Định mới đến báo tin, làm cho con phải tin theo lời dối trá trong đầu một thời gian dài như thế? Anh Định thực đáng trách.
- Đừng vội trách Định con ạ. Định có nói, lúc trước, Định và anh con có gặp nhau nhưng chưa quen nhau nên Định không biết nhà mình, phải hỏi qua nhiều người mới ra. Hơn nữa, người cán bộ dặn Định đừng nên đến nhà mình quá sớm, e địch còn đang truy lùng. Lại nữa, cả năm nay, Định không có mặt tại Sài gòn.
- Chứ anh ấy đi dâu?
- Định ở Đà lạt. Từ từ rồi mẹ sẽ kể cho con nghe tại sao Định ở Đà lạt. Bây giờ mẹ muốn nói tiếp về cái chết của anh con.
- Dạ, mẹ kể đi. Con cũng muốn nghe cho rõ hơn để khỏi bị họ lừa gạt một lần nữa.
- Người bạn cán bộ nằm vùng nói với Định rằng anh ta có gặp anh con vài lần và khuyên nhủ cố gắng nhẫn nhục, ai trong hoàn cảnh anh con cũng bị điều tra. Người cán bộ cũng công nhận rằng cơ quan công an tại đó đối xử với anh con như thế là quá khắc nghiệt. Khắc nghiệt hơn nhiều nơi khác. Anh ta có khuyên anh con đừng nên nản chí, phải tuyệt đối tin tưởng ở đảng, giữ vững tinh thần để khi kết thúc điều tra thì tiếp tục phục vụ cho cách mạng cho đến lúc hoàn toàn thành công. Tuy nhiên, anh con đã quá bất mãn và hoàn toàn thất vọng với con đường cách mạng, lại trong hoàn cảnh bị đối xử không khác một tù nhân chút nào. Điều tai hại lớn nhất mà anh con không biết là ông công an hỏi cung không phải là người điều tra chính thức. Người chính thức điều tra anh con là anh cần vụ mỗi ngày đem cơm nước đến và ngồi rỉ rả tâm tình với anh con. Thế là bao nhiêu ý nghĩ bất mãn anh con trút cả cho anh cần vụ này. Có lẽ anh con nghĩ rằng trút được bầu tâm sự cho ai đó thì tấm lòng được nhẹ nhàng để có thể chịu đựng tốt hơn.
Tôi tức giận:
- Thế là anh con không ngờ, đưa cổ cho người ta chặt một cách ngon ơ.
- Anh cán bộ nói, thực ra người ta chưa có ý định giết anh con, nhưng vì Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tấn công vào dữ quá nên họ giao anh con cho dân quân du kích giữ giùm. Những người nầy tưởng anh con là loại phản động thứ thiệt nên giết cho rảnh tay rảnh chân mà chạy.
Mẹ ngừng nói kéo tay áo lên lau nước mắt. Tôi bàng hoàng nhìn lảng ra nơi khác. Ở nơi nào cũng tràn ngập hình ảnh thân thương của anh tôi. Thân xác đó ngày nào còn sống động, còn tràn đầy những mơ ước về tương lai, hoài bão về một thế giới đại đồng con người sống chan hòa thân ái với con người..
- Anh Định có nói anh Quân bị chôn ở vùng nào không?
- Có, mẹ có hỏi nhưng cậu Định không thể biết đích xác là vùng nào. Khi đi, người ta dẫn cậu ấy lên Bình dương, qua đò ngang rồi đợi trời tối đi bộ suốt một đêm và nửa ngày mới tới nơi. Cậu ấy nói, suốt gần một tháng trong chiến khu, cậu ấy không dám hỏi thăm bất cứ điều gì. Có lần tình cờ nghe người ta nói tên Bến súc, không biết có phải vùng đó không. Mẹ nghĩ rằng, với thời cuộc nầy, mẹ không bao giờ có dịp nhìn thấy được hài cốt của anh con nữa.
Giọng mẹ ngắt khoảng vì hơi thở dồn dập. Tôi biết mẹ đang vô cùng đau khổ nên cố an ủi:
- Nhưng mình có thể nhờ anh Định cho gặp ông cán bộ đã dẫn anh ấy vào khu.
Mẹ thở dài, mệt mỏi xoa tay lên thái dương:
- Mẹ có nói điều nầy thì cậu Định trả lời ngay rằng người cán bộ đó đã chuyển công tác ra khu, không về Sài gòn nữa. Bây giờ, nếu anh ta có về thì cũng không để cho Định gặp mặt. Ngọc, mẹ hơi mệt.
Thấy mặt mẹ bỗng nhiên trắng bệch, tôi hoảng hốt, vội vàng dìu mẹ vào giường, xoa bóp cho đến khi mẹ ngủ yên, hơi thở điều hòa. Tôi trở ra dọn dẹp và lấy sách vở ra, nhưng không tài nào học được.
Một lúc sau, nghe có tiếng động trong phòng, tôi biết mẹ đã thức giấc. Tôi vội vã chạy vào thì mẹ cũng vừa ngồi dậy. Sau một giấc ngủ ngắn, mẹ đã tươi tỉnh trở lại. Khuôn mặt phúc hậu của mẹ hiện ra trong bóng chiều nhập nhoạng. Cặp mắt tinh anh nét trí thức, vầng trán đã bắt đầu có nếp nhăn vì lo âu và phiền muộn.
Mẹ thấy tôi đứng ngẩn ngơ bên ngạch cửa, ngọt ngào hỏi:
- Sao ngơ ngác vậy con, mấy giờ rồi?
Tôi nhìn đồng hồ tay:
- Dạ bốn giờ.
- Con đang học bài phải không?
- Dạ con cố mà học không vô. Mẹ còn mệt không?
- Mẹ khỏe rồi, nhờ giấc ngủ ngon.
Tôi ngập ngừng:
- Mẹ, con …. Con muốn nghe cho hết những điều anh Định nói với mẹ sáng nay nhưng con sợ mẹ xúc động và mệt.
Mẹ nhìn tôi, âu yếm:
- Không sao, mẹ khỏe rồi. Mẹ còn một xấp bài chưa chấm. Để tối chấm cũng được. Con gái mẹ muốn nghe thì mẹ nói tiếp cho mà nghe.
Tôi mừng rỡ nhưng còn ái ngại:
- Nhưng con sợ mẹ lại mệt.
- Bây giờ mẹ khỏe rồi, có thể nói chuyện tiếp được. Khi nãy mẹ mệt là vì nhắc quá nhiều đến anh Quân của con. Cái chết của anh con, cậu Định chỉ cho biết có bấy nhiêu đó thôi, không nhắc nữa thì mẹ không mệt đâu.
Sau này, mỗi khi nghĩ đến mẹ, tôi vẫn thường tự trách mình. Lẽ ra, từ buổi chiều hôm đó, tôi phải sớm nhận ra bệnh tình của mẹ. Vậy mà tôi vẫn vô tư, xà xuống lòng mẹ, tiếp tục hỏi huyên thuyên:
- Anh Định còn nói chuyện gì với mẹ nữa?
- Có, chuyện liên quan đến gia đình và đời sống của nó. Mẹ có hỏi thì nó trả lời tỉ mỉ, không có ý giấu giếm gì cả. Theo mẹ, nó là đứa thành thật và cởi mở rất đáng khen.
- Mẹ thường dạy học trò hai đức tính đó, nay gặp người có tính tình như thế thì mẹ rất hài lòng, phải không?
Mẹ mỉm cười âu yếm:
- Con gái hiểu mẹ lắm.
- Có gì đâu, con ngồi trong lớp nghe mẹ thường khuyên bảo chúng con như thế. Bạn con đứa nào cũng thích mẹ. Chúng nó bảo con hạnh phúc được làm con của mẹ.
Bà im lặng nhìn xa xa như không nghe lời ca ngợi của tôi. Bà nói tiếp, tiếng thì thầm như tự nói với mình:
- Cậu Định là một trong những người cuối cùng thấy mặt anh con trên dương thế.
- Vì vậy mẹ quan tâm đến đời sống của anh ấy phải không?
- Có lẽ đúng thế. Cậu Định hiện là sinh viên sĩ quan trường Võ bị Quốc gia tại Đà lạt.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, khi trưa mẹ nói anh Định bị gọi đi học trường sĩ quan trừ bị tại Thủ đức mà anh ấy bỏ trốn. Có đúng vậy không?
- Phải. Nó trốn vào chiến khu gần một tháng thì trở về. Lúc đó đã quá hạn trình diện vì khóa sĩ quan trừ bị đã khai giảng rồi. Nó đi hỏi thăm thì người ta bảo rằng nó bị liệt vào loại thanh niên vi phạm pháp luật về quân dịch trong thời chiến và đang nằm trong danh sách truy nã của bộ Quốc phòng và bộ Nội vụ. Nếu bị bắt thì bị xử án rồi bị đưa đi làm lao công đào binh trong nhiều năm.
- Lao công đào binh? Con có đọc trong báo nhưng không hiểu sự trừng phạt ra sao.
- Đi làm khổ sai ngoài chiến trường như khiêng đạn, đào hầm, làm đường, bắt cầu, vân vân, cho các đơn vị tác chiến.
- Bị khổ sai như thế trong bao lâu?
- Thời gian thì tùy bản án của tòa án quân sự. Sau khi xong thời gian khổ sai đó thì về học khóa huấn luyện dành cho mọi tân binh quân dịch.
- Sao người ta tàn ác thế hở mẹ?
Mẹ thở dài:
- Chiến tranh và tàn ác là đôi bạn đồng hành. Tàn ác sinh ra chiến tranh và sau đó chiến tranh đẻ ra tàn ác. Bên nào cũng vậy.
Bỗng mẹ ngưng nói tiếp mà đột ngột hỏi tôi:
- Trong trường, con có biết thầy Thịnh dạy sử địa hai cấp lớp Sáu và Bảy không?
- Dạ không biết.
- Ừ, con không biết cũng phải. Lúc thầy Thịnh về dạy thì hình như con lên lớp chín hay lớp mười rồi. Thầy đó còn trẻ, vượt biên từ miền Bắc vào Nam, học đậu tú tài và một chứng chỉ Văn khoa rồi xin vào dạy tại trường mình. Mẹ và các đồng nghiệp trong Nam được nghe thầy kể rất nhiều về chế độ miền Bắc, nhất là về chuyện quân dịch mà ngoài đó gọi là nghĩa vụ quân sự. Theo thầy Thịnh thì cách bắt lính trong Nam nầy thực là ấu trĩ so với miền Bắc.
- Tại sao gọi là ấu trĩ hở mẹ?
- Trong Nam, bắt lính là làm đúng theo nghĩa đen của từ nầy. Quân cảnh lùng sục và thộp cổ người trốn quân dịch, quẳng lên xe và tống vào trại huấn luyện hay tòa án quân sự. Cho nên những kẻ trốn quân dịch chỉ cần tránh được quân cảnh là xong. Muốn thế, họ ở nhà cho tử tế, đừng chọc giận hàng xóm để khỏi bị tố cáo, hoặc lánh vào những nơi mà quân cảnh không được phép xông vào như nhà thờ, đình, chùa, miếu, vân vân. Thế là an toàn. Đó là chưa kể một số khác bị kêu đi lính thì chui vào chiến khu, được tuyên truyền và cầm súng bắn trở lại phía quốc gia. Thành ra bắt không được lính mà thêm kẻ thù.
- Còn ở ngoài Bắc?
- Ngoài đó thì không thể trốn đi đâu được. Một người trốn lính thì cả nhà bị trừng phạt, cho nên mọi gia đình đều buộc phải bắt con em mình trình diện nếu có lệnh gọi. Trốn quân cảnh như trong Nam thì được chứ làm sao trốn được người thân như ở ngoài Bắc. Vì thế, có những người mẹ, người chị vừa khóc vừa dẫn con em mình đi “đăng ký nghĩa vụ quân sự”, vào Nam chiến đấu, không có ngày về dù là về với cái xác không hồn. Tội nghiệp, ngày xuất quân, người ta tổ chức lễ tiễn đưa rất long trọng, cờ xí biểu ngữ rực rỡ, nhưng những bà mẹ, bà chị lại vừa khóc, vừa vẫy cờ hoan hô.
Tôi nghe như mình sắp nghẹt thở. Tôi thì thào:
- Sao mà thê thảm đến thế hở mẹ. Tại sao dân mình khổ đến thế hở mẹ?
Mẹ lắc đầu:
- Mẹ cũng thường tự hỏi như thế. Cuối cùng đành phải giải thích rằng đó nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước.
Mẹ lại thở dài và nói tiếp:
- Trong Nam mình, trốn lính thì vẫn sống được. Con nhà giàu trốn lính vẫn no đủ phè phỡn, ban đêm còn đi ăn chơi đàng điếm nữa. Ngoài Bắc thì không thể như thế được. Lương thực do chính phủ thu hết và cấp phát cho từng người vừa đủ ăn. Trốn lính thì cả nhà chỉ có thể cặp đất vào bụng mà thôi. Vì vậy, mọi thanh niên tới tuổi đều làm đơn tình nguyện vào lính cho xong.
- Hèn chi, đọc báo con thấy người của họ đưa vào Nam chết cũng nhiều mà càng ngày lính của họ càng đông hơn. Nhưng mà chuyện bắt lính ngoài Bắc như thế đối với người Nam quả là lạ lùng, chắc có người không tin là sự thực đâu.
- Đúng vậy, nghe thầy Thịnh kể xong, trong số đồng nghiệp của mẹ nhiều người tỏ ý nghi ngờ. Nhưng làm sao xác quyết được đúng hay sai. Miền Bắc bị che phủ quá kỹ sau bức màn sắt, chẳng có ai chui vào được để tìm hiểu sự thực, kể cả các phóng viên ngoại quốc tài ba.
- Riêng mẹ có muốn biết những gì xảy ra sau bức màn sắt đó không?
- Muốn lắm chứ, vì vậy mẹ đã hỏi thăm thầy Thịnh rất nhiều lần. Con không nhớ mẹ là giáo sư dạy môn quốc văn à?.
Tôi nhìn mẹ ngạc nhiên, không hiểu mẹ nói môn dạy của mẹ để làm gì. Tôi tưởng mẹ quan tâm đến tình hình chính trị ngoài Bắc vì quê ngoại ở ngoài đó. Nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, mẹ giải thích:
- Con không hiểu hả? Mẹ là giáo sư lớp áp cuối bậc trung học. Học trò của mẹ hầu hết đến tuổi quân dịch. Hằng ngày mẹ đứng trước bọn trẻ đang đối mặt với cuộc chiến tranh tàn khốc, mẹ phải cố am hiểu thời cuộc một cách đúng đắn và toàn diện để đủ tư cách dạy dỗ các con. Môn dạy của mẹ lại phải phân tích cặn kẽ hoàn cảnh sống của các tác giả trước kia. Nếu không am tường hiện tại mà thao thao với quá khứ thì thực là xấu hổ. Hơn nữa, cái quá khứ mà mẹ đang trình bày cho các con qua các tác phẩm văn học phần lớn đều xuất phát từ đất Thăng Long cổ kính. Vì thế làm sao mẹ không quan tâm đến cái chốn cội nguồn dân tộc đó được.
Tôi há hốc nhìn mẹ nói và tưởng chừng mẹ đang đứng trên bục giảng nhìn xuống mấy mươi cặp mắt đang ngưỡng mộ bà. Bạn tôi từng nói tôi phải hãnh diện làm con của mẹ. Điều đó đúng biết bao.
Mẹ quay lại nhìn tôi, mỉm cười:
- Mẹ bị méo mó nghề nghiệp, hay lý luận dông dài. Ba mày cũng thường rầy mẹ về điều nầy,
Tôi cố bênh mẹ:
- Ba thì ít nói. Con thấy ba là người bảo thủ với định kiến của mình. Hễ ba đã có ý nghĩ gì thì khó có ai lay chuyển nổi.
Mẹ xua tay:
- Con nhỏ nầy, bữa nay lại dám phê bình cả cha nó nữa.
Tuy nói thế nhưng giọng bà có vẻ đồng tình với tôi. Tôi hỏi lại đề tài cũ:
- Tại sao anh Định lại vào học trường Võ bị? Có phải ảnh bị bắt sau khi ở chiến khu về hay không?
- Không phải đâu. Nếu bị bắt thì ra tòa rồi đi làm lao công đào binh.
- Hay là ảnh đi trình diện theo lệnh gọi nhập ngũ?
- Cũng không phải. Nó bảo rằng nếu đi trình diện sau khi khóa sĩ quan trừ bị đã khai giảng thì sẽ phải học khóa đào tạo ra binh nhì. Học khóa nầy thì cực lắm lại bị quá nhiều thiệt thòi khi ra đơn vị. Đó rõ ràng là một biện pháp trừng phạt khá nặng nề.
- Thế rồi ảnh làm sao?
- Nó gởi thơ về kể hết sự tình cho mẹ nó. Không ngờ, người cha ghẻ vừa biết tin là vội vã can thiệp. Ông ta quen biết lớn ở nha Động viên nên lệnh truy nã được bãi bỏ nhưng lệnh nhập ngũ vẫn phải thi hành. Nó nghe lời bạn bè nộp đơn thi vào trường Võ bị Đà lạt và trúng tuyển. Nó học được một năm rồi, vừa qua giai đoạn Một và được về nghỉ phép.
Mẹ nói xong, đứng dậy xoa đầu tôi:
- Thôi, chiều nay nói chuyện như thế là quá nhiều rồi.
Mẹ loạng choạng đi xuống bếp. Tôi xuống theo để phụ mẹ lo bữa cơm chiều.

*
* *

Đúng sáu giờ, ba tôi đi làm về trong tiếng máy xe nổ giòn giã.
Ba tôi là một người đàn ông quắc thước. Ông luôn luôn nhìn thẳng bằng cặp mắt tinh anh và cương nghị, dễ gây sự nể nang nơi người đối thoại. Ông đậu diplôme từ thời Pháp thuộc và xin vào làm ở sở Bưu điện lúc mới hơn hai mươi tuổi. Ba năm sau, 1943, ba cưới mẹ tôi, lúc đó còn là cô nữ sinh trường Áo tím. Đến đầu năm 1945, anh Hồng Quân ra đời. Tháng tám năm đó, cách mạng Mùa thu thành công. Hình như trước đó, ông đã chú ý đến những hoạt động bí mật của những nhà yêu nước, đặc biệt là của những đảng viên cộng sản nên khi Việt minh cướp được chính quyền, ông lao vào tham gia với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ.
Ông thường kể đi kể lại giai đoạn nầy, bằng giọng nói và điệu bộ thực sôi nổi. Nhiều chuyện chúng tôi nghe rất nhiều lần đến thuộc lòng hơn cả những bài học trong lớp. Lúc anh Hồng Quân còn nhỏ, có lần ba vừa nói: “Hồi đó tao…” là anh Quân cướp lời: “Hồi đó tao đã thấy mặt mấy ông lãnh tụ Việt Nam đứng lên hô hào tổng khởi nghĩa. Ông Trần văn Giàu nè, ông bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nè, ông Huỳnh Tấn Phát nè. Lúc mấy ông đọc diễn văn trên đại lộ Norodom, tao đang cầm tầm vông gác PTT (bưu điện) thành phố, tao ôm luôn tầm vông đi nghe mấy ổng diễn thuyết….”
Anh Quân bắt chước giọng cha tôi kể trơn tru một mạch, tôi và mẹ ôm bụng cười ngất, ba cũng cười tủm tỉm có vẻ hài lòng lắm.
Tôi nghĩ rằng chính những hình ảnh cuộc cách mạng Mùa thu đó đã gây cho ông cảm tình vô cùng sâu đậm đối với Việt minh, một sự ngưỡng mộ rất lớn đối với các lãnh tụ cộng sản. Tình cảm đó kéo dài mãi, không hề phai nhạt cho đến nhiều năm sau đó.
Khi Pháp trở lại chiếm Sài gòn, các ủy ban kháng chiến hành chánh cùng lực lượng vũ trang rút về đồng quê và rừng núi để tổ chức chiến tranh du kích, còn các cơ quan kỹ thuật như hỏa xa, công chánh, bưu điện, giáo dục… rút dần về phía bắc, ngang qua các tỉnh miền Trung. Ba tôi cùng đi theo đoàn chuyên viên bưu điện.
Đến Huế thì ông xin trở về vì lúc đó mẹ tôi còn quá trẻ và anh Quân vừa tròn một tuổi. Ba xin trở lại làm việc cho Bưu điện và chính quyền thuộc địa nhận ngay mà không nghi ngờ gì cả. Người ta đang cần người có trình độ chuyên môn và đang khuyến khích nhân viên cũ từ bỏ cuộc kháng chiến để về thành phốHồng quân ra đờiH.
Cha tôi trở lại công việc cũ với chức vụ và ngạch trật như trước ngày cách mạng Mùa thu, nhưng đầu óc ông không còn là đầu óc lệ thuộc và cam phận của công chức trước cách mạng nữa. Những ngày cầm tầm vông vạt nhọn tham gia công cuộc cướp chính quyền do Việt minh chủ xướng đã làm thay đổi dòng máu chảy trong con tim và khối óc của ông. Thế là ông tham gia vào hoạt động bí mật của Việt minh trong vùng địch hậu.
Theo lời mẹ tôi kể lại thì ông không ở hẳn vào trong tổ chức bí mật. Mẹ tôi giải thích rằng, ông đang có một gia đình hạnh phúc với người vợ trẻ đẹp và đứa con nhỏ dại nên người ta không thể xếp ông vào thành phần trung kiên vì khi bị địch bắt ông khó có thể dứt khoát hi sinh mạng sống của mình, chịu đựng sự tra tấn đến chết để bảo vệ cơ sở cách mạng. Do đó ông chỉ có nhiệm vụ cung cấp tin tức mà thôi.
Ông lấy tin tức trong công việc hằng ngày ở sở Bưu điện, tìm cách lấy cả tin tức thuộc về phần vụ của đồng nghiệp nhờ dọ hỏi, có khi lén lút lục lọi và sao chép nữa. Không ít những tin tức trong số ông cung cấp rất có ích cho ngành tình báo của cách mạng và được cả một hệ thống tổ chức rộng lớn khai thác. Mẹ tôi bảo rằng ông rất hãnh diện về điều đó.
Tuy là người thực sự giúp ích được nhiều cho cách mạng, ông không nằm trong tổ chức nên chỉ liên lạc với một cán bộ duy nhất đến gặp ông định kỳ để lấy tin tức.
Đầu năm 1949, người cán bộ nầy bị bắt, bị tra tấn đến mức phải khai lấy tin nơi ông. Thế là ông bị còng tay ngay tại sở làm và bị dẫn về nhà lục soát. Sau đó họ chở ông về bót Catinat. Tại đây, ông bị tra tấn dã man dù mọi chuyện đã bị người cán bộ khai khá rõ ràng. Vào Catinat thì đương nhiên bị tra tấn, không phải chỉ vì khai thác tin tức mà còn là để trừng phạt cho chừa cái tội theo Việt minh. Điều nầy cũng có tác dụng làm nhụt chí chiến đấu, đồng thời gây nên một lòng căm thù không thể nào phai nhạt được, kể cả ở những người sau đó sợ hãi không dám tham gia cách mạng nữa.
Trường hợp của cha tôi không phải là ngoại lệ. Người ta vẫn đánh đập ông dù biết ông là khâu chót của tổ chức tình báo, không cần khai thác gì thêm. Tổ chức đã bị phá vỡ, hồ sơ điều tra kết thúc nên sau một tháng ở Catinat, ông bị đưa đi giam giữ tại Phú lâm, nơi một nhà giam nổi tiếng gọi là “bót thằng Tây điên”. Cha tôi bị giam ở đó gần hai năm và được trả tự do.

*
* *

Đúng sáu ngày sau lần gặp riêng mẹ, anh Định lại đến nhà tôi. Hôm đó là chiều thú tư, lẽ ra tôi không có giờ học tại trường nhưng thầy Lý hóa dạy bù hai giờ, rồi thầy Toán nhân dịp dạy thêm hai giờ bài tập để chuẩn bị cho chúng tôi thi tú tài. Thế là tôi ở tại trường suốt buổi chiều. Lúc tôi vừa bước vào cửa, mẹ tôi nói ngay:
- Trưa nay cậu Định có đến thăm mẹ.
Tôi ngạc nhiên:
- Anh Định lại đến hả mẹ. Chắc anh ấy còn chuyện gì chưa nói với mẹ về anh Quân phải không?
- Không, nó không nói gì về anh Quân của con nữa. Nó đến đây từ giã mẹ để hai hôm nữa trở lên Đà lạt. Kỳ nghỉ phép của nó xong rồi, bây giờ trở về trường Võ bị của nó.
Tôi hỏi mẹ một cách thờ ơ:
- Anh Định có vẻ lịch sự quá phải không mẹ. Mới quen mẹ mà trước khi đi lại đến từ giã một cách cẩn thận, Từ giã xong, ảnh về liền phải không mẹ?
Mẹ nhìn tôi, hình như cặp mắt có ánh dò xét. Nhưng tôi không mấy quan tâm, người mẹ nào có con gái ở tuổi đang trưởng thành mà không nhìn kiểu đó. Bạn bè tôi cứ khúc khích than thở với nhau hoài. Mẹ nói tiếp:
- Không, nó ngồi nói chuyện với mẹ khá lâu. Con biết nó nói chuyện gì không?
Tôi lại cố làm ra vẻ dửng dưng:
- Làm sao con biết được. Anh Định nói chuyện với mẹ mà.
- Nó nói nó thèm một tổ ấm gia đình mà nó chưa hề được hưởng trong suốt quảng đời thơ ấu của nó. Khi nó lớn lên và bắt đầu ý thức được những gì chung quanh thì nó bắt gặp ngay cái nhìn nghiêm khắc và không có chút trìu mến nào của ông cha ghẻ nhà binh. Những đứa em cùng mẹ khác cha của nó lần lượt ra đời. Nó muốn sống trong tình âu yếm với mấy em nó, nhưng trong bao nhiêu năm, nó không phá vỡ được một cái gì đó ngăn đôi tình cảm giữa anh em. Cái gì đó chính là sự phân biệt đối xử mà cha ghẻ nó áp đặt lên.
Lời nói của mẹ làm tôi hơi cảm động và ngạc nhiên. Tôi lớn lên trong vòng tay cực kỳ êm ấm của gia đình, nhất là của người mẹ trí thức của tôi. Cha tôi thì hơi nghiêm khắc và ít nói nhưng điều nầy không làm giảm sút sự êm đềm của không gian nhung lụa bao quanh những ngày thơ ấu của tôi. Tôi cũng biết có những đứa trẻ không được may mắn như tôi, trong đó có một số bạn bè cùng lớp. Tuy nhiên, cuộc sống của những đứa trẻ đó quá xa cách cuộc sống của tôi nên không gây một ảnh hưởng nào đến tâm hồn tôi. Nhưng tại sao, khi nghe mẹ nói đến tuổi thơ gần như bất hạnh của anh Định lại làm cho tôi cảm động, dù sự cảm xúc cũng không sâu đậm cho lắm?
Tôi chăm chú nhìn mẹ và hỏi:
- Còn mẹ của anh Định thì sao?
Mẹ điềm nhiên trả lời:
- Mẹ có hỏi nhưng nó lắc đầu, mặt thoáng buồn. Một lát sau, nó trả lời rằng mẹ nó thương nó nhưng bà là người quá hiền lành, hết sức phục tùng chồng cho đến đổi ngại tỏ tình âu yếm đối với con riêng của mình. Nó ngừng vài phút nữa rồi cúi đầu nói nho nhỏ như một lời thú tội. Nó bảo rằng nó luôn luôn mơ ước sự săn sóc, vuốt ve của chính bàn tay người mẹ. Trong biết bao nhiêu năm, sống gần mẹ mà không thỏa được lòng mong ước đó nên nỗi khao khát vô vọng càng lâu càng làm cho nó tủi thân, dần dần biến thành sự đau khổ và sau cùng trở thành lòng căm thù ông cha ghẻ. Nó bảo rằng, đối với nó, người cha ghẻ không phải là người khắc nghiệt. Ông chỉ tỏ ra lạnh lùng với nó, nhưng đó là chuyện đương nhiên vì ông ấy có cốt cách nhà binh và vì nó đâu có phải là máu mủ của ông. Nó biết lòng căm thù của nó đối với ông là điều phi lý nhưng không thể từ bỏ được.
Tôi ngắt lời mẹ:
- Lúc ở nhà, anh Định có được ăn học tử tế, có phải làm việc nhà vất vả không?
- Không. Nó được ăn học đàng hoàng như con nhà giàu, chẳng phải làm gì cả vì nhà luôn luôn có nhiều người giúp việc. Quận trưởng kiêm tiểu khu trưởng thì gần như lãnh chúa một vùng, thiếu gì kẻ hầu người hạ, lính tráng đem về săn sóc vườn tược cây cảnh khỏi trả công, thì cần gì đến công sức đứa con ghẻ cho mang tiếng bất nhân.
Tôi lắc đầu:
- Thế mà anh Định vẫn nuôi lòng căm thù đối với ông cha ghẻ. Nghĩ cũng lạ.
Mẹ gật đầu:
- Tâm lý con người ta rất phức tạp. Mẹ cho rằng cậu Định là người biết suy nghĩ và thành thật với chính mình.
- Thành thật ở chỗ nào hả mẹ?
- Ở chỗ dám nhận lòng căm thù ông cha ghẻ là điều phi lý mà không gạt bỏ được. Sau cùng nó khoác cho lòng căm thù đó một lý do: đó là cha ghẻ nó tham nhũng.
Tôi bật cười:
- Thế là anh Định biến thành một người chống tham nhũng, một người yêu nước thứ thiệt.
Mẹ cũng cười theo:
- Nó bảo rằng, kể từ khi khoác cho lòng căm thù chiếc áo yêu nước giả tạo đó, nó lại cảm thấy dòng máu trai trẻ chảy mạnh trong huyết quản nó.
- Và dòng máu trai trẻ đó đã đẩy anh vào chiến khu.
- Đúng vậy, nó theo người ta vào chiến khu. Nhưng chưa được một tháng, nó không chịu nổi không khí trong đó. Nó nói, đã gặp những con người ít học mà huênh hoang rất đáng ghét; không gian thì chỗ nào, lúc nào cũng đầy dẫy sự lo sợ. Lo sợ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tập kích bằng bộ binh hay không quân, lo sợ những cặp mắt nghi ngờ của những người đồng chí mà chỉ một câu nói hớ hênh có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.
Tôi buột miệng:
- Như trường hợp anh Quân của con phải không mẹ?
Mẹ nhìn tôi một cách buồn bã:
- Phải. Ở đây, chúng ta sống trong chế độ tự do. Mọi người, nhất là thanh niên các con ăn nói thoải mái; miễn là đừng làm điều gì vi phạm pháp luật là không phải sợ ai cả. Ở trong đó thì khác hẳn, lúc nào cũng xét nét, đề phòng cả hai phía.
Tôi lắc đầu ngán ngẩm:
- Vì vậy anh Định trở về thành phố sau khi làm cách mạng chưa được một tháng.
- Nó bảo rằng nó trở về không hẳn là sợ chết hay vì tự do cá nhân. Nếu cần thiết, phải hi sinh tự do cá nhân và cả sinh mạng nữa cho một điều chắc chắn cao đẹp thì nó vẫn sẵn sàng. Đằng nầy, nó bảo rằng người ta chỉ nói với nó những điều mơ hồ, không thể xác minh là đúng, như độc lập, dân chủ, giải phóng, xã hội chủ nghĩa, lời dạy của Bác, vân vân. Vì những điều mơ hồ, đáng nghi ngờ đó mà phải tiến hành một cuộc chiến tranh khốc liệt, phải đập đổ nguyên một chế độ miền Nam thì nó thấy không ổn tí nào cả. Ở đây, nó có căm ghét dượng ghẻ nó thực, nhưng đó là chuyện nhỏ. Còn bạn bè nó, còn cuộc sống của những bà con nó, còn biết bao khung cảnh thân yêu, còn cả một tuổi thơ của nó. Đập đổ hết chỉ vì những thứ mơ hồ đó hay sao? Nó bảo rằng nó không bao giờ tham gia vào sự đập đổ đó và còn có ý muốn chống lại sự đập đổ đó nữa.
- Thế là sau gần một tháng vào chiến khu và chứng kiến tận mắt, anh Định đã thay đổi hẳn lập trường, từ chỗ có cảm tình với cách mạng chuyển sang ý thức chống lại cách mạng.
- Không phải người nào cũng có cơ hội đó. Nó trở về và đi học trường Võ bị Quốc gia. Dù chuyện vào lính là điều bắt buộc nhưng kể từ khi khoác áo nhà binh, nó nhận thức rằng nó đã đi đúng đường, đó là sẵn sàng góp xương máu để giữ gìn cuộc sống an vui của nhân dân miền Nam tự do nầy.
Tôi bỗng bồi hồi nghĩ đến Định. Buổi chiều hôm anh vội vã dẫn xe ra khỏi nhà tôi trong một nỗi niềm bi thương.
- Nhưng miền Nam nay còn cả một tập đoàn tham nhũng, trong đó có ông cha ghẻ mà anh Định căm thù. Anh ấy quên điều đó rồi sao?
- Nó nhớ điều nầy chứ. Dù mẹ không hỏi thẳng vấn đề nhưng, trong lúc hăng say trình bày lập trường của nó về chiến tranh, nó có giải thích rằng phải đánh đuổi cộng sản về Bắc trước đã, rồi cái tội tham nhũng của cha ghẻ nó sẽ đem ra xét sau. Giặc đang lấp ló ngoài cửa thì anh em trong nhà khoan hài tội nhau ra.
Tôi tỏ ý khâm phục:
- Mẹ, con thấy anh Định có lưu tâm và có hiểu biết nhiều về thời cuộc. Mấy đứa bạn của con, chẳng có đứa nào nói chuyện như anh Định đâu. Tụi nó chỉ rành chuyện học hành và chuyện đi chơi thôi.
- Mẹ cũng có nhận xét như con vậy. Cuộc chiến tranh ý thức hệ nầy đang được khắp nơi trên thế giới theo dõi mà tuổi trẻ của đất nước nầy rất ít quan tâm. Có đứa không biết rằng cuộc chiến đang xảy ra rất ác liệt hằng ngày hằng giờ. Chúng nó chỉ quan tâm đến cuộc chiến khi nhận được lệnh nhập ngũ mà thôi.
Mẹ dừng lại nhìn tôi như dò xét:
- Ngọc, trước khi ra về, cậu Định có nói điều nầy.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Gì vậy mẹ?
- Cậu Định xin phép mẹ trở lại thăm gia đình mình mỗi kỳ nghỉ phép hằng năm của trường Võ bị Đà lạt. Con thấy thế nào?
Tự nhiên tôi cảm thấy e thẹn:
- Anh Định đến thăm mẹ chứ có liên can gì đến con.
Mẹ cười:
- Mẹ đoán nó muốn trở lại đây, không hẳn chỉ để thăm mẹ hay ba con mà thôi đâu.
Tôi cố tình như không hiểu lời mẹ nói nên nhắc lại một cách thờ ơ:
- Cho phép hay không là tùy mẹ. Nhưng con nghĩ rằng, nếu biết anh Định đang theo học trường sĩ quan, chắc ba không có cảm tình lắm đâu.
Mẹ gật đầu:
- Mẹ cũng hiểu tính ba con nên ngại lắm. Nhưng thôi, tạm gác chuyện đó sang một bên. Sắp đến kỳ thi lục cá nguyệt rồi, mẹ còn phải soạn nhiều đề thi, con cũng lo học bài đi. Năm cuối bậc trung học rồi phải cố gắng nghe con.


*
*   *