Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Lão già (3)


CĂN nhà của Lan được sửa sang lại trông sáng sủa hơn. Chính Quang thiết kế và trông coi công việc. Đang nghỉ hè nên anh chỉ dạy một ít giờ trường tư. Trước khi đi dạy, anh dặn thợ kỹ lưỡng rồi mới lên xe.
Căn nhà rất hẹp, nhưng Quang cũng cho thợ ngăn một buồng nhỏ bằng ván ép. Buồng chứa vừa cái giường ngủ của lão già. Phần còn lại của gian nhà dùng làm chỗ ở và tiệm may bình dân của Lan. Cánh cửa nhỏ được gỡ bỏ và thay bằng một cửa lớn gồm nhiều cánh xếp lại bằng bản lề, trải rộng gần hết mặt trước căn nhà. Khi cửa mở ra, người ta thấy ngay một tủ kính cao, treo một ít vải và áo quần may sẵn. Phía sau tủ, một bàn cắt có mặt bằng ván ép dày đánh vẹc ni, trông cũng được mắt. Trong cùng căn nhà là giường ngủ của Lan. Tiệm may không treo bảng tên gì cả để tránh bớt sự lui tới của mấy ông nhân viên thuế vụ.
Mấy hôm sửa nhà, Điệp bỏ cả công việc riêng, ngoại trừ giờ lên lớp dạy hè. Suốt buổi chiều, nàng ở bên nhà Lan. Hai chị em lăng xăng dọn cái nầy, dẹp cái nọ. Điệp bàn bạc với em một cách say sưa như đây chính là căn nhà của nàng vậy. Còn Lan thì có một tâm trạng mới mẻ và lạ lùng. Nàng vừa lâng lâng vui sướng với cảm giác được thực sự làm chủ một gian nhà, vừa đau đớn khi nghĩ rằng điều nầy có được bằng tiền trợ cấp tử tuất do sự ra đi vĩnh viễn của người yêu quý nhất đời nàng.
Ngày cuối cùng, khi toán thợ vừa rút lui, Điệp đi đâu một lát rồi khệ nệ ôm về một bàn thờ nhỏ và một bao khá to, không biết đựng thứ gì bên trong. Lan trông thấy, xanh mặt. Cái bàn thờ sơn đỏ chót làm Lan nghĩ đến bàn thờ cho Tuấn. Nếu cha nàng phản đối làm ầm ĩ thì sao? Thấy dáng hoảng hốt của em, Điệp hiểu ý nhưng chỉ mỉm cười. Nàng nhờ Lan bưng hộ chiếc bàn thờ, còn nàng thì xách bao đồ đi thẳng vào góc nhà. Nàng trịnh trọng đặt bàn thờ ngay ngắn dưới đất và bắt đầu mở bao.
Thấy vẻ mặt tươi cười của chị, Lan yên tâm. Nàng nhìn chị và cảm thấy thích thú, như ngày xưa còn bé đứng xem mẹ soạn thức ăn ra khỏi giỏ khi đi chợ về. Bao giờ trong giỏ cũng có một món quà vặt cho con bé Lan.
Điệp ngẩng mặt lên, đưa tay mò vào bao lấy ra một cặp chân đèn nho nhỏ, xếp vào bàn thờ. Sau đó, là một lư nhang bằng sành, một gói bánh, một thẻ nhang và sau cùng, hai pho tượng bằng đất nung, màu mè sặc sỡ, một ông Thần tài râu dài thậm thượt và một ông Địa mập ú, bụng phệ, miệng cười toe toét.
Lan ngồi xuống giúp chị sắp các vật cho gọn gàng. Điệp đốt nhang và hai chị em cùng ngồi song song trước bàn thờ lâm râm khấn vái. Bất giác, Lan nhìn lên tấm vách trước mặt, vừa được sơn lại sạch sẽ. Nàng ngậm ngùi nói với chị mà như nói với người đã khuất:
- Phải chi em được thờ anh Tuấn trong nhà nầy. Đêm thức giấc, em sẽ dậy đốt nhang cho anh.
Nghe nhắc đến em trai, nước mắt Điệp lại chực trào ra. Nàng nhìn Lan, nghẹn ngào:
- Chị cũng muốn như vậy. Tuấn là em trai chị, nhưng bây giờ, đối với nó, em quan trọng hơn chị nhiều.
Lan nhìn một tàn nhang đang rớt xuống, nói qua hơi thở:
- Cám ơn chị.
Lan thở dài, nói tiếp:
-Tính tình ba em thực là cổ quái. Phải chi ba em đổi tánh lại như người bình thường thì nỗi đau đớn của em cũng vơi đi phần nào.
- Chị cũng hi vọng có ngày đó.
- Em chỉ mong ước chứ không hi vọng. Chỉ có trời mới làm cho ông đổi tính được.
Im lặng một chốc, Lan nói tiếp:
- Thực ra mấy tháng nay, ba em có vẻ dễ chịu đối với em. Một phần là vì anh Tuấn không còn nữa. Một phần vì em đã làm ra tiền, ba em giữ lấy tiền lời hàng ngày, không phải đưa cho em như trước. Tiền may vá của em đủ trang trải mọi chi phí về ăn uống của hai cha con em. Mỗi buổi tối, nhìn ba em ngồi đếm tiền, mặt thoáng vui, em cũng vui lây.
Lan ngừng nói, suy nghĩ một lúc rồi nhìn sang chị với đôi mắt đầy vẻ biết ơn:
- Bây giờ đời sống được ổn định, không lo thiếu trước hụt sau nữa. Đó cũng là nhờ có chị. Hồi học Quốc văn lớp tám hay lớp chín gì đó, em nhớ có một câu mà em thường ví cho mình: em sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu; nhưng ông trời lại ban cho em hai người đàn bà mà đi khắp thế gian nầy em không tìm được người thứ ba.
Nàng ngừng một chút, vừa đủ để người nghe chờ đợi, rồi tiếp:
- Hai người đàn bà đó là má và chị.
Điệp xúc động và sung sướng vô ngần. Nàng vỗ nhẹ vào vai em:
- Con nhỏ nầy bữa nay nói nhảm rồi. Chị làm sao dám sánh với má em.
Đột nhiên, Điệp quay sang hỏi to:
- Trọng Tú được mấy tháng rồi?
Lan ngạc nhiên ngước lên nhìn chị. Nhưng chỉ một thoáng, nàng hiểu ý nên đưa tay lên xoa bụng:
- Con em được hơn năm tháng rồi. Mấy hôm nay, hình như nó bắt đầu chứng minh sự hiện diện của nó trong bụng em.
Hai chị em nhìn nhau cười âu yếm.
Đang mơ màng với bổn phận làm mẹ sắp tới, Lan giật mình khi nghe chị hỏi:
- Thế lão già… À, xin lỗi em. Thế ba em biết sắp có cháu ngoại chưa?
- Có lẽ biết rồi. Mấy hôm trước, ba em nhìn bụng em một chút rồi nhìn vào mặt em chằm chằm, mặt có vẻ tức giận một cách dễ sợ.
Điệp lo lắng nhìn em. Quả thực, bụng Lan đã bắt đầu nhô ra, thân thể có vẻ đẫy đà, chứ không thon thả như mấy tháng trước. Điệp hỏi:
- Liệu có sao không?
- Không sao đâu. Ba em tính khí khác thường, nhưng em biết ông thương em lắm. Rồi ông cũng phải chấp nhận thôi. Chỉ buồn là đứa bé ra đời và phải sống với ông ngoại suốt ngày lầm lì thì cũng khổ.
Điệp an ủi em:
- Nhưng nó có người mẹ như em cũng đủ bù đắp tất cả.
Lan im lặng, cảm kích trong lòng.



*
* *





NGÀY lại ngày trôi qua. Tiệm may tại nhà giúp Lan có nhiều lợi tức hơn. Nàng khuyên cha nghỉ bán, ở nhà cho khỏe, nhưng ông chẳng nói chẳng rằng, vẫn ngày hai lần đi lãnh bánh và đạp xe đi bán dạo. Hai cha con ở chung một nhà mà có khi mấy ngày liền không nói với nhau một lời nào.
Khách hàng của Lan, phần lớn là dân lao động nghèo, đến đặt may ngày càng nhiều. Dù khách hàng chỉ là phái nữ nhưng ai cũng tỏ ra ưa thích vì được chính cô chủ xinh đẹp đích thân đo đạc trên cơ thể mình. Lan phải từ chối bớt vì thân thể đã khá nặng nề. Nàng phải mặc chiếc áo rộng thùng thình vì cái bụng to ra rõ ràng. Nhiều hôm, đang ngồi may, nàng dừng lại vuốt bụng, lẩm bẩm nói với đứa bé:
- Bụng mẹ chớ có phải là sân banh đâu mà con đá hăng vậy!

Bước vào tháng cuối cùng của thời kỳ mang thai, nàng nghe lời chị, ngưng công việc. Nàng đóng cửa tiệm, chỉ chừa một cánh nhỏ để ra vào mà thôi. Nàng đếm từng ngày và chờ đợi đứa bé ra đời, đứa con mang nửa hình hài của Tuấn, như nàng thường nói một mình. Áo quần, tã lót cho em bé đã được chuẩn bị một cách dồi dào. Nàng muốn đích thân may những thứ nầy với vải sẵn có, nhưng chị Điệp không cho. Chị đi xin đồ cũ về giặt lại rồi xếp cất. Chị bảo:
- Em bé dùng đồ cũ tốt hơn. Chị chọn những bà bạn nào có con thực dễ thương để xin lại.
Cuối cùng anh Quang mang về một chiếc nôi em bé thực xinh xắn. Lan cảm động, suýt bật khóc.
Rồi ngày khai hoa nở nhụy tới. Trời vừa sẫm tối, Lan ngồi trên ghế nhìn ra đường thì nghe bụng nhói một cái. Cái đau nầy khác hơn cái đau do đứa bé thúc tay chân vào bụng trong một vài tháng nay. Nàng ngồi yên lắng nghe. Độ nửa giờ sau, lại nhói một cái nữa. Nàng đứng dậy nặng nề bước sang nhà Điệp. Cửa còn mở, hai anh chị đang ngồi trước bàn làm việc. Lan khẽ kêu:
- Chị Điệp.
Điệp ngẩng lên nhìn. Lan nói nhanh:
- Em chuyển bụng rồi.
Cả hai vợ chồng bật dậy. Điệp cầm tay em dẫn về, Quang đi theo vào nhà Lan. Anh đang đứng lóng ngóng thì nghe vợ thét:
- Anh Quang đi kêu taxi đi.
Quang vội phóng ra đường.
Hai chị em cho những món lặt vặt vào giỏ xách. Công việc chuẩn bị xong một cách nhanh chóng vì mấy hôm trước, Lan đã sửa soạn cả rồi.
Chiếc taxi đỗ xịch bên vệ đường. Điệp dìu em ra xe. Quang trở vào nhà. Anh không ngồi vào bàn tiếp tục công việc mà đi lui, đi tới trong căn nhà hẹp. Anh ngóng ra đường nhưng không tin vợ về lúc nầy. Suốt đêm, Điệp cũng không về, Quang trằn trọc mãi đến gần sáng. Anh ngủ thiếp đi và thức giấc khi nghe có tiếng gõ cửa. Anh nhỏm dậy, thấy trời đã sáng tỏ. Tiếng gõ cửa lại dồn dập. Anh không kịp xỏ dép, đi chân không, phóng ra mở cửa. Điệp đang đứng đó, nét mặt bơ phờ vì thức suốt đêm. Quang nhìn nàng bằng cặp mắt hỏi han. Nàng vội nói:
- Sanh rồi, con gái, hai ký chín. Lan chuyển bụng khá lâu, đến ba giờ sáng mới sanh. Mẹ con đều khỏe.
Quang thở ra nhẹ nhõm, nét mừng rỡ lộ rõ trên mặt. Điệp bước thẳng xuống bếp, tay xách theo chiếc giỏ nhựa. Nàng soạn thức ăn sáng ra bàn và bảo chồng ngồi vào điểm tâm. Quang cảm động về sự chu đáo của vợ. Anh hỏi:
- Lan sinh có dễ không?
- Dễ, nhưng chuyển bụng hơi lâu. Đến nhà thương thì vào phòng khám ngay. Người ta bảo chuyển bụng rồi nhưng cổ tử cung chưa nở. Em dìu Lan đi ra nhận phòng. Tội nghiệp cô bé, nó cứ đau từng cơn nên rên ư ử mãi, nghe thực tội nghiệp. Em bảo nó nằm thì nó lắc đầu, cứ nhờ em dìu đi lui, đi tới. Có lúc, nó bảo: “Khi nào đau quá thì em gọi tên anh Tuấn cho bớt đau”.
Quang phì cười:
- Đúng đó. Có lần anh đọc tạp chí, thấy nói bên Trung cộng, mấy bà đau đẻ được khuyên đọc to tư tưởng của Mao Chủ tịch để bớt đau.
Điệp lườm chồng:
- Anh thì lúc nào cũng khôi hài được.
- Có thiệt mà. Rồi sao nữa?
- Đến lần thứ hai, vào phòng khám, vẫn chưa sanh. Lần thứ ba, lúc hai giờ sáng thì người ta giữ Lan lại trong phòng sanh và bảo em ra ngoài chờ. Em ngồi sốt ruột quá. Cái nhà sanh kỳ cục, chị mà cũng không cho vào lúc em gái sanh. Đến ba giờ sáng, em nhỏm dậy vì nghe có tiếng khóc oe oe. Em quỳ sụp xuống, chắp tay tạ ơn Trời Phật.
Quang cảm động nhìn vợ. Anh muốn nói một lời nào đó để tỏ lòng thương yêu và cảm phục vô bờ bến, nhưng không tìm ra lời, nên im lặng chú ý nghe nàng kể tiếp:
- Một lát sau, cô y tá bước ra, nói một cách thản nhiên: “ Con gái. Xong rồi. Bà có thể vào xem mặt cháu”. Em theo cô ấy bước vào phòng. Trên chiếc giường có bánh xe, trải ra trắng, Lan nằm thoải mái, trông có vẻ mệt nhọc, nhưng nụ cười rất tươi. Dưới chân Lan, cháu bé được quấn kỹ lưỡng, chỉ ló mặt ra thôi. Nó đang ngủ say sưa. Em hôn lên mắt Lan rồi cúi xuống nhìn kỹ đứa bé. Nó dễ thương làm sao! Mắt nó nhắm, nhưng miệng bỗng chu như thế nầy…
Điệp chu miệng lại làm Quang bật cười:
- Bé mà chu miệng như em thì cô mụ bỏ chạy mất.
Điệp lườm chồng rồi kể tiếp:
- Lúc đó, cô y tá cầm giấy bút đến hỏi Lan: “Bé đã được đặt tên chưa?”
Lan đưa mắt nhìn em để ra hiệu cho em trả lời:
- Dạ rồi. Tạ thị Hoài.
Cô mụ hỏi tiếp:
- Cha?
- Tạ trọng Tuấn.
- Nghề nghiệp?
- Thiếu úy phi công.
- Nhiệm sở?
- Tử trận.
Em bỗng giật mình. Ngay lúc nầy mà nhắc đến Tuấn tử trận thì thực là nguy hiểm cho Lan. Người mẹ mới sinh chắc không chịu nổi vết thương lòng trầm trọng chưa lành. Nhưng, anh không tưởng tượng được, em nhìn thấy Lan cười, trong đôi mắt ngời lên một niềm hãnh diện lạ lùng.
Quang chép miệng:
- Thực là nhiệm mầu khi một đứa bé chào đời!
Điệp gật đầu kể tiếp:
- Cô y tá còn ghi thêm vài chi tiết nữa rồi xếp giấy bút lại, lịch sự cười với Lan: “Xin chúc mừng bà có con gái đầu lòng. Nếu bà đổi ý về tên cháu thì cho chúng tôi biết nội trong ba ngày”. Cô quay sang nói với em: “Xin mời bà theo chúng tôi về phòng”. Thế là chiếc giường chở mẹ con Lan được đẩy chầm chậm về phòng dành cho sản phụ.
Điệp ngừng nói, nhìn đồng hồ rồi la to:
- Thôi chết, trễ giờ dạy của anh rồi, anh không biết à?
Quang thản nhiên cười:
- Biết chứ, nhưng em kể chuyện hấp dẫn quá. Vả lại, hôm nay trễ một chút cũng không sao.
Điệp cảm động nhìn chồng. Bao nhiêu năm rồi, kể từ khi ra dạy đến nay, chưa bao giờ Quang đến lớp trễ. Đây là lần đầu tiên, Quang vi phạm một cách vui vẻ, chỉ vì một lý do đơn giản: có một đứa bé vừa chào đời. Điệp bảo chồng:
- Em viết đơn xin nghỉ dạy năm hôm. Anh đi qua trường đưa cho văn phòng dùm em.
- Tại sao lại năm hôm?
- Lan ở nhà bảo sanh năm ngày rồi về, nếu không có gì rắc rối xảy ra.

*
* *



NGHE tin Lan ở nhà bảo sanh về, nhiều bà hàng xóm qua thăm. Đây là lần đầu tiên, nhiều người trong số họ bước vào nhà Lan, ngoại trừ những người đã từng đến đặt may quần áo. Một bà rất tốt bụng, tên là dì Ba Nở tình nguyện đến giúp đỡ mỗi buổi chiều và đêm ngủ lại với Lan. Buổi sáng, thì đã có Điệp rồi. Lan rất cảm động về lòng tốt của những người láng giềng trong xóm nghèo nầy. Nàng cảm thấy áy náy trong lòng khi nghĩ đến một thời gian dài đã qua, nàng sống gần như biệt lập, rất ít liên lạc và không hề thăm viếng những người chung quanh. Nàng muốn trong ngày đầy tháng bé Hoài sắp tới, nàng sẽ mời nhiều người đến dự. Tuy nhiên, khi nghĩ đến cha, nàng lại ngại ngùng.
Trong năm hôm ở nhà bảo sanh, nhiều lần nàng tự hỏi không biết cha ăn uống thế nào. Khi về đến nhà, nàng thấy bếp đầy tro than và bừa bộn đủ thứ đồ dùng thì nàng đoán biết cha tự nấu ăn.
Trưa hôm ấy, bán hết bánh mì về nhà, thấy có nhiều người đến thăm Lan, lão Tư Thủ đứng khựng lại bên kia đường. Lão thấy khó chịu vì nếp sinh hoạt hằng ngày bị phá vỡ. Lão tần ngần một lúc rồi đẩy xe đi thẳng. Có lẽ lão vào một quán cơm bình dân nào đó, ăn một dĩa cơm rẻ tiền rồi đến một gốc cây, một băng đá mát mẻ trong một công viên, đánh một giấc để chờ giờ lãnh bánh đi bán buổi chiều.
Ở nhà, Lan có ý trông chờ cha về. Nhưng suốt buổi trưa rồi buổi chiều vẫn không thấy ông lão dắt xe vào nhà. Sáng nay, nàng có nhờ chị Điệp nấu thêm phần cơm cho cha để sẵn trên bàn, lấy lồng úp lại. Đến chiều, mâm cơm vẫn còn nguyên, thức ăn nguội lạnh. Nàng buồn bã và hơi lo.
Tuy nhiên, nàng cũng chẳng có nhiều thì giờ để lưu tâm mãi đến điều đó vì phải bận rộn với việc săn sóc bé Hoài. Sinh con đầu lòng thì bà mẹ nào cũng thiếu kinh nghiệm nên việc săn sóc con rất luộm thuộm và mất nhiều thì giờ. Được một điều là bé khá ngoan, ít khóc nhưng đái nhiều, phải thay tã liên tục. Bé cũng thường thức dậy đòi bú, nên Lan chẳng có nhiều thì giờ nghĩ đến chuyện khác.
Buổi chiều, vừa đi dạy về, Điệp nhanh chóng thay áo quần, rửa tay, rửa mặt rồi chạy ngay sang nhà Lan. Không cần lên tiếng, nàng vén bức màn che, bước vào. Lan đang ngồi trên giường cho con bú. Mặt Lan đã hồng hào trở lại. Nàng cười rất tươi khi thấy chị bước vào. Điệp âu yếm cúi nhìn cháu bé đang nút cái nguồn sống từ bà mẹ trẻ. Lan cúi nhìn bầu vú căn sữa trắng nõn nà của mình, cười nói với Điệp:
- Con bé nầy tham lam lắm…
Nàng định nói thêm: “giống cha nó”, nhưng may quá, nàng kịp dừng lại. Tự nhiên, thấy Lan đỏ mặt e thẹn, Điệp hơi ngạc nhiên, không hiểu vì sao.
Điệp bỗng hỏi em:
- Ông ngoại đã thấy mặt cháu chưa?
Lan trả lời, giọng buồn rầu:
- Ba em đi từ sáng đến giờ chưa thấy về, em hơi lo.
- Chắc chẳng có chuyện gì đâu. Ông cụ thấy nhà có người lạ và ồn ào nên trưa nghỉ tạm ở đâu đó rồi tối sẽ về. Tính ông cụ ưa sự yên tĩnh và cô độc.
- Em cũng nghĩ thế.
Lan nói tiếp, giọng có vẻ chua chát:
- Tội nghiệp! Cháu về nhà thì ông ngoại phải đi ngủ trưa ở đâu đó ngoài đường.
Điệp hiểu Lan đang tủi thân vì cái cảnh gần như tứ cố vô thân của mình. Lòng tốt của những bà hàng xóm chẳng qua chỉ là lòng thương hại của người dưng. Tình thương yêu hiếm có trên đời mà Điệp dành cho nàng cũng không thể biến Điệp thành người cùng máu mủ với mình được.
Lan nhìn con đã thôi bú và đang ngủ say, nói nho nhỏ để nhắc lại ý nghĩ đã từng nói với chị:
- Phải chi con em có ông ngoại bình thường như những ông ngoại khác…
Điệp muốn cởi bỏ sự phiền muộn nơi em, nên cao giọng bảo:
- Bé ngủ rồi, em đưa chị đặt vào nôi.
Điệp cẩn thận bế cái hình hài bé nhỏ trên hai tay, giọng chả chớt:
- Úi, úi, con chó con vàng ngọc của cô đây. Ngủ ngoan, ăn ngoan, chóng lớn, cô thương.
Nàng đặt nhẹ cháu bé vào nôi, sửa chiếc nón len cho ngay ngắn, kéo mền đắp kín đến ngực bé rồi buông mùng. Nàng quay lại, ngồi vào mép giường. Lan vẫn ngồi tựa lưng vào vách như khi cho con bú. Lan hỏi chị:
- Trời nóng quá, em cởi bớt áo len được không?
- Được, em cởi bớt ra đi. Trời nầy mà mặt áo len thì đúng là cực hình.
Lan ngồi thẳng dậy, cởi áo ngoài, vắt vào thành giường, rồi thoải mái dựa lưng vào vách, lấy tay vuốt tóc cho gọn về phía sau. Điệp thoáng sững sờ. Mấy tháng nay, nàng quen mắt với cô em xồ xề, cái bụng to lặc lè khi đi đứng. Bây giờ, trước mặt nàng là cô em với thân mình khá thon thả, bộ ngực căn phồng do hai bầu sữa, đôi mắt long lanh trên gương mặt hơi hồng nhưng còn vương chút mệt mỏi, đôi môi đỏ nhạt chúm chím cười. Điệp nghĩ thầm:
- Lan đẹp như thế nầy thì đàn bà còn mê chứ nói chi đàn ông. Thằng Tuấn chết sớm, thực là phí công tạo hóa.
Điệp âu yếm nói với Lan:
- Em nằm xuống đi; cố gắng ngủ một tí. Về nhà đêm nay là đêm đầu, bé có thể khóc nhiều. Ban ngày, em rán ngủ để đêm thức với cháu.
- Dạ.
Lan nằm xuống kéo mền mỏng phủ đến bụng, đôi mi dài từ từ khép lại.
Điệp tiếp tục nhìn em, mặt thoáng buồn. Nàng nghĩ thầm: “Lan còn trẻ quá. Thời gian sẽ xóa đi, từng nét một, hình ảnh của Tuấn trong tim Lan. Rồi một ngày nào đó, một gã đàn ông xuất hiện, một lần, hai lần, ba lần…, cho đến lúc đứa em mỹ miều nầy rơi vào vòng tay của gã”.
Điệp ngồi thẳng dậy, cảm thấy nỗi xót xa trong lòng.
Lan đã ngủ say, nhịp thở đều đặn và nhẹ nhàng. Điệp lại chìm đắm trong suy tư. Nàng quen biết Lan cách nay chỉ hơn một năm. Khoảng thời gian đóđâu có dài, tại sao ngày nay nàng có thể thương yêu Lan như cùng chung máu mủ với nàng?
Phải rồi, chính Tuấn đã ra đi vĩnh viễn, và linh hồn nó đã nhường cho cô gái nầy trọn tình thương mênh mông mà nàng đã dành cho em trai từ thuở còn thơ ấu.
Trong thời thơ ấu, tình chị em rất khắn khít, vì cha mẹ chỉ có hai người con. Và kể từ khi song thân lần lượt qua đời, tình chị em lại càng sâu đậm, vì nàng đã thay cha để nuôi dưỡng và thay mẹ để săn sóc em trai, dù nàng chỉ lớn hơn em chưa đầy hai tuổi. Nàng phải vừa đi học, vừa đi kèm trẻ tại tư gia để kiếm tiền. Vì vậy, cuối bậc trung học, nàng đậu tú tài với hạng vớt, thi vào Đại học Sư phạm, dĩ nhiên rớt, nên vào học Quốc gia Sư phạm trong ba năm. Cũng may, nàng được bổ về dạy tại trường Tiểu học Chí hòa, nên chị em còn được nương náu tại thủ đô nầy, nơi xa vùng lửa đạn.
Cuối năm dạy thứ nhì, nàng được cử đi làm giám thị kỳ thi Tú tài. Anh giáo sư thư ký hội đồng thi, nhiều lần bắt chuyện cùng nàng, nhưng nàng vẫn thản nhiên như với bao đồng nghiệp khác. Nàng không ngờ, ba ngày sau khi hội đồng thi giải tán, anh chàng lù lù đến nhà tìm nàng. Hôm ấy Điệp vô cùng ngạc nhiên vì nàng đâu có cho anh ta địa chỉ. Nhưng sau nàng hiểu, với hồ sơ thư ký hội đồng trong tay, thì muốn có địa chỉ của một nhân viên, có gì mà khó. Từ đó anh chàng tiếp tục đến nhà, ngày càng thường xuyên hơn.
Có hôm, vui miệng, kể lại chuyện nầy với người bạn gái rất thân dạy cùng trường, nàng đã gọi đùa là cái ông lỳ lợm. Tuy nhiên, khi cái ông lỳ lợm lâu đến thăm hơn thường lệ, nàng lại có ý mong. Một hôm, nàng mời cái ông lỳ lợm đến dùng cơm với Tuấn mới ở đơn vị về thăm nhà. Nàng để hai người đàn ông ngồi với nhau, xuống bếp làm cơm, ngạc nhiên nghe họ nói chuyện một cách tâm đắc dù chỉ mới gặp nhau lần đầu. Sau đó, cứ đến chơi là ông ta hỏi thăm Tuấn. Một hôm khác, về đến nhà, đã thấy hai người chuyện trò vui vẻ. Nàng bước vào, khách ngửng lên hớn hở cười chào. Nàng cúi chào đáp lễ. Khi nàng vào phòng riêng thay quần áo thì khách lại râm ran nói chuyện với Tuấn. Nàng nán lại hơi lâu trong buồng thì hai người vẫn tiếp tục bàn bạc và cười hể hả với nhau. Nàng cảm thấy tưng tức trong bụng nên nói thầm: “Đến thăm thằng Tuấn chứ đâu phải đến thăm mình”. Rồi nàng phì cười vì cái ý nghĩ lẩn thẩn và vô lý đó.
Mà vô lý thực, vì cuối măm học đó, cái ông lỳ lợm dìu nàng lên xe hoa! Chấm dứt bổn phận nuôi em chưa bao lâu, nàng nhận bổn phận làm vợ cho đến bây giờ.
Những năm vừa đi học, vừa tần tảo nuôi em đã khắc sâu một dấu ấn trong tâm khảm của nàng. Do đó, dù nay Tuấn không còn trên trần thế nữa, nàng vẫn thỉnh thoảng gặp lại em trong những giấc chiêm bao. Cách đây mấy hôm, nàng nằm mộng thấy mình vẫn còn đi kèm trẻ để nuôi em. Đêm đã về khuya, nàng bơ phờ đạp xe về trong cơn mưa lất phất, ánh đèn đường phản chiếu nhoè nhoẹt mặt đường phố sũng nước. Nàng đạp xe trên những con đường xa lạ và cuối cùng lạc vào một bãi tha ma vắng vẻ rợn người. Sợ quá, nàng kêu cứu: “Tuấn, Tuấn ơi, cứu chị với!”. Nàng giật mình tỉnh giấc. Sợ chồng mất ngủ, nàng lặng lẽ úp mặt vào gối, thổn thức một mình trong đêm khuya.
Tuấn không còn nữa. Em nàng vĩnh viễn đi ra khỏi cuộc đời, nhưng may mắn còn để lại cho nàng cô em xinh đẹp, và bây giờ một đứa cháu dễ thương. Nhưng liệu nàng còn gần gũi hai con người thân yêu nầy đến bao lâu nữa? Còn bao lâu nữa, người con gái mỹ miều nầy sẽ thuộc về một người đàn ông không phải là em nàng và bé Hoài sẽ phải gọi người đàn ông đó là cha?
Nghĩ đến đó, nàng cảm thấy lòng bùi ngùi khôn tả.
Bé Hoài khẽ cựa quậy. Nàng đứng lên lắc nhẹ cái nôi, cháu lại nằm im trở lại. Nàng đứng tần ngần nhìn Lan đang ngủ, khuôn mặt toát ra một vẻ thanh thoát và bình an. Nàng bỗng nhớ lại ngày đầu hai trẻ gặp nhau và cùng bị tiếng sét ái tình. Cảnh hàn vi không ngăn trở được sự nẩy nở của tình yêu, hứa hẹn một cuộc sống gia đình vô cùng tươi đẹp. Nhưng cuộc chiến tranh mà những kẻ hiếu chiến gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã phá tan nát cuộc hôn nhân của hai trẻ. Tuy nhiên, rõ ràng mối tình đầu vẫn chưa phai nhạt chút nào trong lòng cô gái đáng thương nầy. Điệp thấy xấu hổ pha lẫn hối hận vì lúc nãy vừa quệt một nét xấu xí lên bức tranh tình cảm tuyệt đẹp của Lan đối em nàng.
Nàng thở dài, cúi xuống nhìn bé Hoài một lần nữa rồi vén màn, rón rén bước ra ngoài.



*
* *





-CHỊ Điệp, ngày mai đầy tháng bé Hoài.
- Chị nhớ rồi, chị đang định bàn với em có nên mời mấy bà hàng xóm đã từng đến thăm em trong tháng rồi hay không.
Điệp nói xong, chờ đợi Lan trả lời nhưng nàng ngạc nhiên thấy Lan vẫn im lặng, lơ đãng nhìn đâu đâu, như không nghe thấy lời nàng. Nàng nhắc lại câu hỏi, Lan thoáng giật mình, vội đáp:
- Tùy ý chị. Theo em thì nên mời.
- Nhưng ba em? Người ngoài lại đến nhà đông đúc, chắc chắn ông cụ sẽ rất phiền lòng.
- Không sao đâu. Dạo nầy em thấy ba em có vẻ dễ chịu ra. Có lẽ hai ông cháu hạp tuổi nhau.
- Thế tại sao khi chị hỏi ý em về việc mời đông người thì em lại ngần ngại.
- Không, em không ngần ngại gì về điều đó.
Lan ngừng một chút rồi ngập ngừng nói tiếp:
- Chị Điệp, em…
Điệp cầm tay em:
- Em có chuyện gì đó khó nói phải không?
Lan không trả lời mà hỏi lại:
- Chị có nghĩ rằng đàn bà mới sanh vào nhà nào thì đem xui xẻo cho nhà đó không?
Điệp nhíu mày nhìn em:
- Chị không biết. Nhưng tại sao em hỏi chị điều đó?
- Em muốn sang nhà chị trước khi cúng đầy tháng cho cháu.
Điệp phá lên cười to:
- Trời đất ơi. Chứ nhà bên đó không phải là nhà của em sao? Thằng Tuấn, chồng em đang được thờ bên đó mà, em quên rồi sao?
- Dạ, em quên sao được, nhưng hôm nay em muốn nói với anh Tuấn là chúng em có một đứa con gái dễ thương.
- Nó biết rồi. Ngay hôm con Hoài vừa khóc oe oe, chị đã quỳ xuống tạ ơn Trời Phật, cầu linh hồn nó về phù hộ cho con nó. Khi về đến nhà, chị đã đốt nhang bàn thờ nó và báo tin một lần nữa.
Lan nhìn chị, nước mắt lưng tròng. Nàng dùng tay áo chặm lên mắt, nói nho nhỏ:
- Chị cho em sang thăm anh Tuấn. Em muốn qua bên đó, ngay từ hôm mới về.
Điệp nhăn mặt:
- Muốn như vậy tại sao cả tháng nay em không qua, thôi bây giờ đi.
Nàng đưa cả hai tay về phía em. Lan nói:
- Khoan, chị mua giúp em vài trái cây.
- Được, chị đi đây. Em đợi chị bên nầy hay qua bên đó trước cũng được. Nhà chị đang mở cửa.
Khi Điệp trở về, nàng đã thấy Lan đứng tần ngần trước bàn thờ Tuấn. Nàng vội vàng sắp trái cây ra dĩa, trịnh trọng đặt lên bàn thờ, đốt ba cây nhang và trao cho em. Lan cầm nhang, đứng ngay ngắn trước di ảnh của Tuấn, vái thực sâu rồi thong thả cắm vào lư. Nàng nhìn ảnh chồng một lát rồi sụp xuống lạy và khóc òa:
- Anh Tuấn, con Hoài, con anh.
Nàng ngồi bệt, hai bàn tay úp trên nền gạch, đầu gục xuống sát đất. Điệp đứng chết lặng, nhìn em vẫn trong thế cúi lạy đó một hồi lâu, đôi vai rung rung trong tiếng nấc.
Điệp cúi xuống đỡ em dậy, vỗ về:
- Lan, em mới sinh, không nên khóc lóc như vậy, có hại lắm. Em hãy nghĩ đến bé Hoài mà cố gắng nén bớt sự đau thương đi. Em có nghe chị nói không?
Lan kéo vạt áo lên lau mắt, giọng nhỏ nhẹ:
- Dạ, em nghe lời chị.
Có tiếng trẻ con khóc oe oe bên nhà. Điệp bảo Lan:
- Cháu thức dậy đòi ăn kìa; em về cho cháu bú đi. Để chị đi với em cho vui. Nhìn con bé rúc vào vú mẹ, thiệt là hay.


*
* *






LỄ cúng đầy tháng bé Hoài đơn giản mà vui. Đạo diễn là dì Ba Nở tốt bụng, người đã có công săn sóc Lan cả tháng nay. Nói đạo diễn cũng không chính xác, vì chính tay dì làm đủ mọi việc: đi chợ, nấu nướng, dọn ra bàn rồi đốt nhang vái lạy luôn. Điệp và Lan chỉ hụ hợ làm theo. Khách mời gồm khoảng mười người, toàn là đàn bà trong xóm.
Lan đã tắm gội sạch sẽ. Nàng mặc chiếc áo mới bằng vải bông, môi có thoa một lớp son mỏng màu đỏ nhạt. Trông nàng thực tươi tắn và xinh đẹp. Bé Hoài cũng được mặc áo mới. Khi Lan bế ra để chào khách, bé thức dậy mở mắt nhìn một cách khờ khạo. Ai cũng trầm trồ, muốn khen bé đẹp mà kiêng không dám nói thẳng.
Điệp rất vui mừng vì hai mẹ con đều mạnh giỏi. Nàng yên tâm; bắt đầu từ ngày mai, Lan phải làm lấy mọi việc, dì Ba Nở tốt bụng phải về lo việc nhà, không còn giúp đỡ nữa.
Sau khi cúng xong, bữa ăn được bày ra trên chiếu trải dưới đất. Mọi người ngồi thành vòng tròn, ăn uống vui vẻ. Bé Hoài bú mẹ xong, ngủ say trong nôi, nên Điệp bắt Lan cùng ngồi tham dự với khách. Hai chị em ngồi bên nhau ở phía trong, sát với nôi của bé. Thỉnh thoảng, Điệp liếc nhanh đồng hồ đeo tay rồi nhìn ra đường. Lan hiểu chị đang nhìn xem cha nàng có về hay không. Nàng làm bộ mỏi chân, trở thế ngồi để gần vào Điệp hơn. Miệng nàng kề gần tai Điệp, nói nhỏ:
- Nhà cửa đầy người thế nầy, ba em không về đâu. Nhưng có chuyện nầy ngộ lắm. Lát nữa, em kể cho chị nghe.
Điệp cũng hạ giọng hỏi:
- Chuyện gì vậy? Chuyện ông ngoại bé Hoài phải không?
- Dạ phải.
- Nhưng bây giờ chị phải kiếu về trước để đi dạy.
- Thôi để chiều chị đi dạy về, em sẽ kể chị nghe.
Bữa ăn vui vẻ kết thúc vào một giờ trưa. Trước khi về, các bà đều đến nhìn em bé trong nôi rồi quay lại chào Lan. Một bà đã lớn tuổi vuốt má nàng, cười nói:
- Gái một con trông mòn con mắt.
Bà nheo mắt, cười to hơn và nói tiếp:
- Phố trên, phố dưới đều có nhiều cậu chưa vợ muốn ngấm nghé đó.
Một bà khác chen vào:
- Nhưng chẳng ai dám nhào vô vì sợ ông già.
Mọi người cười rú lên. Lan hơi phật lòng nhưng vẫn tươi cười cám ơn và tiễn khách ra cửa.
Nàng quay vào, bắt đầu dọn dẹp một mình: rửa chén bát, sắp đồ dùng của nhà vào chạn, xếp riêng đồ của chị Điệp và của hàng xóm cho mượn vào hai cái thau lớn. Xong, nàng đến bàn cắt may, mở mấy gói quà mà khách mang đến cho: mấy cái áo đầm trẻ em, vài món đồ chơi bằng nhựa, một đôi giày nhỏ và hai chiếc khăn lông.
Nàng cảm thấy vui vui. Bé Hoài tuy không có cha, nhưng ngày đầy tháng cũng tươm tất, tuy đơn sơ nhưng đúng với lễ nghi ông bà. Có lẽ chồng nàng và cả mẹ nàng dưới chín suối cũng hài lòng.
Nàng bật cười một mình. Lâu lắm rồi, Lan không nhắc đến mẹ. Hôm nay, nhớ đến mẹ thì cháu ngoai bà đã tròn một tháng tuổi rồi. Lan cảm thấy áy náy trong lòng. Trước đây, mỗi khi có chuyện buồn phiền, Lan thường gọi mẹ; nhưng từ khi có Tuấn thì chẳng bao giờ nàng gọi đến mẹ nữa. Nàng lâm râm khấn:
- Xin má tha tội cho con. Xin má phù hộ cho cháu ngoại của má.
Nàng cảm thấy lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Chiếc nôi khẽ nhúc nhích. Bé Hoài uốn mình co chân và đạp mạnh. Nàng vén mùng, thò tay vào dưới mông bé tay chạm phải cái tã ướt sũng. Nàng nâng bé lên đưa sát vào mặt mình, rồi không cưỡng được sự đam mê, nàng hôn một cái thực mạnh vào má, làm bé giật mình khóc thét lên. Nàng đặt bé xuống giường, thay tã cho con.
Bé thức dậy, mở mắt nhìn vẩn vơ. Nàng ngạc nhiên thấy đôi mắt bé hết sức giống cha. Miệng bé chúm chím đòi ăn. Lan vẫn nghĩ đến Tuấn, nàng cảm thấy rạo rực trong lòng. Kéo kín tấm màng che xong, Lan cởi hàng nút áo; và, khác hơn thường lệ, nàng hất mạnh hai vạt áo lui sau, để lồ lộ nguyên bộ ngực trần trắng phau. Nàng cúi xuống nhìn, mỉm cười, rồi bế con lên, áp miệng bé vào đầu vú căng sữa đang đợi chờ.
Sau khi đặt con trở lại vào nôi, nàng nằm ngửa trên giường một cách thoải mái, cảm thấy tay chân mỏi rừ vì công việc tất bật suốt từ sáng đến giờ. Nàng nhắm mắt lại, chìm nhanh vào giấc ngủ bình an.
Lan tỉnh giấc vì ánh sáng lùa vào, qua cánh cửa nhỏ vừa được mở ra. Điệp bước vào với mọt nụ cười đôn hậu. Nàng bước đến nôi và gập mình hôn vào cái mền đắp trên người bé. Nàng hít mạnh mùi hương của trẻ sơ sinh pha lẫn mùi sữa mẹ. Lan nhỏm dậy, nhìn chị, cười sung sướng:
- Cháu ngoan lắm chị ạ. Ngủ suốt ngày. Đói thì thức dậy đòi ăn, xong lại ngủ tiếp. À, chị mới đi dạy về hả? Mấy giờ rồi?
- Năm giờ hai mươi. Trưa nay, em bảo có chuyện gì muốn kể chị nghe, nên đi dạy về chị sang ngay, chưa kịp tắm rửa gì cả.
Lan bước xuống giường cầm tay chị:
- Bé ngủ say lắm, chị ra ngoài với em, ngồi ghế cho khỏe để nói chuyện.
Điệp hôn bé mọt lần nữa rồi theo Lan vén màn bước ra. Nàng sốt ruột hỏi em:
- Chuyện gì vậy Lan?
- Dạ, khi trưa chị biết rồi, chuyện ông ngoại bé Hoài.
Lan ngừng một lát như để ôn lại chi tiết câu chuyện rồi nói:
- Mấy hôm nay, em thấy ba em có vẻ chú ý đến con Hoài.
Điệp ngạc nhiên, hỏi dồn:
- Chú ý thế nào? Sao em biết?
- Cách nay bốn hôm, vào xế trưa, dì Ba Nở về nhà của dì ấy, ba em nằm ngủ trong buồng riêng, em ngồi nấu nước trong bếp để pha trà. Ngày nào em cũng pha cho ông hai bình trà nóng để uống trước khi đi bán, buổi sáng tinh sương và buổi xế chiều. Gần một tháng rồi, có con nhỏ, em không làm được chuyện đó. Tội nghiệp, ông cụ bỏ hai cữ trà thường lệ. Có dì Ba Nở ở nhà nhưng em không dám nhờ. Dì đã quá tốt với em nên không dám nhờ thêm việc nào khác. Hôm đó, đi đứng bình thường nên em trở lại lo hai cữ trà cho ba em.
Điệp sốt ruột, ngắt lời:
- Thôi dài dòng quá. Học trò chị, làm luận văn mà nhập đề lê thê như em thì chắc chắn là lãnh cây gậy.
Lan quay lại, vòng tay trước ngực, làm mặt nghiêm, giọng cố kéo dài ra như trẻ con:
- Thưa cô, con xin trả cây gậy lại cho cô. Con bắt đầu thân bài ngay đây.
Điệp cười:
- Ừa giỏi, con nói tiếp cho nhanh đi, cô thưởng.
- Em đang ngồi mơ màng trước ấm nước sắp sôi thì bé Hoài giật mình khóc thét lên. Em quay lại, định đứng lên, nhưng khựng lại. Qua khe hở của vách ván, em tình cờ nhìn vào buồng ba em, thấy ông bật dậy, ngó ra hướng tiếng khóc oe oe.
Điệp chen vào:
- Chắc ông cụ bực mình vì tiếng khóc làm mất giấc ngủ.
- Không, ngược lại thì đúng hơn. Khe hở khá rộng nên em đọc được cảm giác trên mặt ba em. Lúc đó, mặt ông cụ trông thực hiền lành và đầy lo lắng.
Điệp lại ra hiệu cho em ngưng nói:
- À, chị muốn biết, từ hôm bé về đến nay, ông cụ có tỏ dấu hiệu bực tức không?
- Đầu óc em để cả vào việc săn sóc bé Hoài, lần đầu tiên làm mẹ mà, nên chẳng để ý nữa. Nhưng hình như ba em chẳng tỏ dấu hiệu nào khác, vẫn lầm lì không nói năng gì cả. Có hôm, ban đêm, bé thức dậy khóc đòi ăn. Em ngủ say chưa kịp dậy nên con bé càng la to. Nó chỉ nín khi ngậm được vú mẹ. Tiếng khóc ngừng bặt làm cho đêm vắng lặng càng thêm vắng lặng. Em nghe rõ tiếng trở mình nhiều lần trong phòng ba em. Em chờ đợi tiếng càu nhàu của ông cụ, nhưng tuyệt nhiên không có. Ba em trở mình vài lần nữa rồi ngủ yên.
Điệp hỏi:
- Ông cụ đã nhìn thấy mặt con cháu ngoại chưa?
- Em có cảm giác là ba em muốn nhìn mặt cháu mà không dám. Nhiều khi em muốn khóc khi thấy tính tình ba em lắm lúc như trẻ thơ.
Điệp buộc miệng:
- Tội nghiệp! Tại sao em không bế con vào cho ông cụ nhìn?
Lan chưng hửng:
- Ừ nhỉ! Sao em ngu thế?
Nói xong, nàng xụ mặt xuống:
- Nhưng, những điều em cảm thấy chỉ là phỏng đoán thôi. Từ bao nhiêu năm nay, ông cụ sống trong một thế giới riêng tư, chỉ với linh hồn má em thôi. Ngay như em cũng chỉ là kẻ chân trong chân ngoài của thế giới đó. Thôi, cứ để ông cụ yên thân trong thế giới riêng tư đó của hai ông bà.
Lan ngừng nói, ngồi yên, mặt buồn rười rượi. Điệp nhìn em xót xa. Nàng biết rằng, tuy nói về cái thế giới riêng tư đó của cha, nhưng Lan vẫn thầm ước mong cha trở lại người bình thường. Một ông ngoại bình thường, thỉnh thoảng bế cháu lên nhăn mặt, làm trò cho cháu cười sằng sặc….
Điệp nói to để phá tan nỗi buồn nơi em:
- Lạc đề rồi. Câu chuyện em kể với chị đã xong đâu.
Lan cũng cười theo:
- Mới bắt đầu thôi. Đúng là cô giáo và học trò đều lạc đề. Hai người hai cây gậy. Thôi để em kể tiếp. Tới đâu rồi? À, ba em lắng nghe tiếng khóc của bé Hoài. Có lẽ ông cụ ngạc nhiên không nghe em dỗ bé. Ông đâu có biết em ngồi rình ông qua khe hở. Ông xuống giường, quên cả xỏ dép vào chân. Ông bước đến cửa, dừng lại, nhóng cổ về hướng tiếng khóc. Mặt ông có vẻ căng thẳng.
Lan nhìn sâu vào mắt Điệp:
- Nói mặt ba em căng thẳng thì có lẽ chị hình dung một gương mặt khó coi, nếu không nói là dữ tợn, phải không?
Điệp im lặng gật đầu. Bỗng Lan cao giọng:
- Ngược lại, trong bao nhiêu năm nay, sống với ông, chưa bao giờ em thấy mặt ông hiền lành và phúc hậu đến như thế!
Tự nhiên, Điệp có một cảm giác rờn rợn khó tả. Nàng bỗng nhớ lại lời chồng nói khi nàng ở nhà bảo sanh về: “Nhiệm mầu thay khi một đứa bé chào đời!”
Nàng quay mặt nhìn Lan. Nét mặt người thiếu phụ không vui, cũng không buồn, nhưng trông thanh thoát lạ lùng.
Điệp khẽ đưa tay vuốt má em làm Lan giật mình như tỉnh giấc mơ. Giọng Lan trở nên nhẹ như cơn gió thoảng:
- Em có hai ước mơ, không bao giờ dám nói với ai, ngoài chị.
- Hai ước mơ gì, nói chị nghe đi.
- Một là anh Tuấn sống lại, như trong chuyện Phạm Công – Cúc Hoa.
- Hai là?
- Ba em trở lại người bình thường và bế cháu ngoại đi chơi. Cả hai ước mơ đều có tính cách hoang đường phải không chị?
Điệp nhìn em, thương hại:
- Ước mơ thứ nhất thì nhất định hoang đường rồi. Còn ước mơ thứ hai thì chẳng hoang đường tí nào cả. Tâm trạng của ba em là một dạng bệnh hoạn thuộc về tâm thần do cái chết của mẹ em gây ra. Đã gọi là bệnh thì có thể chữa được.
Lan gần như chồm lên:
- Thiệt không chị?
Điệp có cảm giác là phóng lao, phải theo lao nên mạnh dạn trả lời:
- Thiệt chứ!
- Bằng cách nào?
Điệp hơi hối hận. Quang đã từng giải thích cho nàng nghe rằng ông cụ bị bệnh tâm thần và dặn nàng đừng nói cho Lan nghe. Quang đã bảo nàng: “Nói chung, hầu hết mọi người đều có quan niệm sai lầm là đồng hóa người bị bệnh tâm thần với người điên. Thực là khủng khiếp nếu Lan có ý nghĩ suốt đời sống chung nhà với một người điên!”.
Bây giờ thì Điệp đã lỡ nói ra rồi. Nàng phân vân một lúc, không tin vào mình lắm khi trả lời câu hỏi của Lan:
- Tiếng khóc của bé Hoài!
Ý Điệp muốn nói rằng tiếng khóc của đứa cháu gái có thể gợi ra tình thương đằm thắm trong tim ông ngoại, nhờ đó bịnh tâm thần của ông được chữa khỏi. Tuy nhiên câu trả lời quá ngắn gọn và quá chậm làm Lan hiểu lầm. Nàng dợm đứng lên vì tưởng chị nói bé Hoài khóc, nhưng ngồi xuống ngay:
- Không phải đâu, cháu ngủ say lắm. Nó bú mới xong, ít nhất hai tiếng đồng hồ nữa mới dậy. Để em kể tiếp chị nghe. Tới đâu rồi? À, có lẽ ba em tưởng em đi đâu vắng nên định bước ra. Nếu em bình tĩnh một chút, ráng ngồi yên thì có lẽ ông và cháu đã gần bên nhau rồi. Đằng nầy thấy nét mặt và thái độ của ba em đột nhiên thay đổi, em xúc động quá, đứng dậy định chạy đến ôm ông. Nhưng không kịp, ông thấy em nên quay lại ngay, bước vào buồng, leo lên giường, nhắm mắt, làm bộ ngủ.
Lan vừa cười, vừa nói tiếp:
- Y như một đứa trẻ sắp ăn vụng bị bắt quả tang.
Điệp cũng cười theo:
- Hết chưa, để chị về nấu cơm.
- Chưa hết, để em kể tiếp. Bữa nay cho anh Quang ăn cơm trễ. Chuyện nầy cảm động hơn nữa. Thôi em nói vắn tắt để chị về. Mấy ngày trước đây, ba em biết ngày đầy tháng của bé Hoài.
- Thì cũng dễ hiểu. Phải có lúc, em và dì Ba Nở bàn bạc khi ông cụ có ở nhà.
- Dạ phải. Nhưng điều đáng nói là ba em để ý đến ngày đó.
- Sao em biết?
- Chị cứ thủng thẳng nghe em kể. Như mọi khi, sáng hôm nay, em dậy sớm, nấu nước pha trà rồi vào ngủ lại. Ba em dậy, uống nhanh chén trà nóng rồi dắt xe ra khỏi nhà. Khi trời sáng hẳn, cho con bú xong, em mới vào buồng ba em để dọn dẹp, xếp mùng màn cho gọn ghẽ. Vừa mới vén mùng lên, em ngạc nhiên quá đỗi. Có một vật nằm lù lù trên giường. Chị đoán xem cái gì?
Không để chị trả lời, Lan nói tiếp:
- Một cái gói giấy bông rất đẹp. Bên trong, có cái gì, chị đoán xem.
Vẫn không chờ chị trả lời, Lan ngửa mặt lên, mắt lim dim, nói bằng những tiếng rời rạc, thực long trọng:
- Một con búp bê! Một con búp bê không phải loại rẻ tiền. Chị biết tính ba em rồi, đi bán lời được đồng nào là ông gói lại, lấy giây thun ràng kỹ. Thế mà nay dám chi tiền ra mua một con búp bê khá đắt tiền trong ngày đầy tháng của đứa cháu ngoại!
Điệp vội chen vào:
- Em để con búp bê đâu rồi? Để lại trên giường à?
- Không đời nào. Em gói lại, cất vào tủ của em. À quên, trước khi gói lại, em mang búp bê vào nôi, cho nằm chung với bé Hoài một lát. Bé vẫn ngủ say, không hay biết gì cả.
Điệp nén cơn xúc động để cười vui vẻ, tiếp lời em:
- Phải mười tháng trở đi, bé mới biết chơi búp bê. Bây giờ, bé chỉ biết chơi một món rất đắt tiền thôi.
Lan hỏi một cách tò mò:
- Món gì vậy chị?
Điệp nhăn mặt để chọc cười và lấy tay chỉ vào chiếc ngực căng phồng của Lan:
- Món nầy!
Lan cười bẽn lẽn, da mặt hồng lên trông thực đáng yêu. Điệp đứng dậy. Lan cũng đứng dậy theo. Điệp bảo:
- Dì Ba Nở về nhà rồi. Mỗi ngày, em chỉ nấu hai nồi cơm thôi, khỏi chợ búa gì cả. Bữa trưa, em sang nhà chị lấy thức ăn về cho em và ba em ăn trưa. Buổi chiều, em bế cháu sang nằm bên giường anh chị để ăn cơm chung với anh chị cho vui, rồi đem thức ăn về nấu nồi cơm nho nhỏ; tối đi bán về, ba em sẽ ăn cơm một mình. Như vậy, em có thì giờ nghỉ ngơi, săn sóc bé Hoài.
Lan tiếp lời:
- Và bắt đầu nhận đồ về may.
Điệp trợn mắt nhìn em. Nàng dí ngón tay vào trán Lan:
- Nầy, tôi cấm cô đó. Bé Hoài tròn ba tháng, cô mới được giở máy may ra, nghe chưa?
Lan nhỏ nhẹ:
- Dạ nghe.


*
* *



Ánh nắng tắt trên ngọn cây thì đèn đường bật sáng. Cơm đã nấu chín, bé Hoài cũng vừa bú xong và đang ngủ say. Lan kéo ghế ra cửa và nhìn con đường. Câu chuyện khi nãy với Điệp làm Lan bâng khuâng, dù đó chính là chuyện của nàng kể ra. Trong một phút bồng bột, nàng tưởng tượng nếu cha về lúc nầy thì nàng sẽ bế bé Hoài đưa thẳng vào lòng ông ngoại. Cha nàng sẽ ẵm lấy cháu, nhìn cháu…. Và rồi sao nữa?
Chịu thua! Nàng không thể tưởng tượng thêm được. Cái bức tranh đó có vẻ xa lạ, khác với sự thực quá nhiều; người họa sĩ chỉ tô lên được một vài nét rồi chịu thua bỏ cuộc. Nàng cũng nghĩ đến biện pháp sáng mai sẽ diễn lại màn kịch ngồi lỳ trong bếp để bé Hoài khóc, rồi cha nàng sẽ chạy lại chiếc nôi. Nàng xua ngay ý nghĩ nầy vì màn kịch lặp lại chắc chắn sẽ thất bại nửa chừng. Nhà thì bé tí, nàng ngồi thù lù trong bếp chắc chắn cha nàng sẽ thấy ngay vì ông đã có ý thức rồi.
Ngồi xem xe cộ qua lại chán, Lan vào nằm nghiêng trên giường , đung đưa nhẹ chiếc nôi. Đồng hồ chỉ tám giờ ba mươi, Lan uể oải đứng dậy vào bếp nhúm lửa, hâm nóng thức ăn. Lan cảm thấy bụng đói cồn cào, nhưng nhất định nàng đợi cha về ăn chung. Một tháng nay rồi, nàng không còn ăn chung cơm tối với cha nữa.
Lúc mới sanh về, Lan tuân lời chị Điệp ăn cơm một mình vào đúng sáu giờ rưỡi chiều. Cha nàng có khi bán ế về rất khuya, giờ giấc bữa cơm tối thất thường, rất có hại cho sức khỏe trong thời gian nàng phải nuôi con bằng sữa mẹ.
Chị Điệp thực chu đáo, chỉ vẽ cho Lan rất nhiều điều bổ ích dù chị chưa bao giờ nuôi con. Có lần, Lan hỏi tại sao chị biết rành những điều về bổn phận làm mẹ như thế thì chị cười đem ra mấy quyển sách dạy nuôi con. Lan đã nhìn chị, ái ngại vì nghĩ rằng chị muốn có con mà chưa được. Nàng ngập ngừng hỏi chị:
- Chị chuẩn bị nuôi con từ bao giờ?
Điệp cười to:
- Không, anh Quang và chị định một hai năm nữa mới có con. Những quyển sách nầy chị mua đọc lúc biết em mang thai với thằng Tuấn. Thôi, em mang cả về mà xem đi cho biết cách nuôi con.
Lan định nói cám ơn nhưng nghẹn lời vì cảm động. Mỗi ngày Lan lại khám phá một điểm mới trong tình yêu thương của chị đối với mình. Lan nghĩ thầm: “Tình thương của chị Điệp sâu thẳm, không có cây thước nào đo tới được!”.
Đêm nay, Lan quyết định làm sai lời chị dặn. Nàng muốn ăn cơm chung với cha trong hi vọng tìm được một dịp tốt thúc đẩy cho trạng thái bình thường của cha trở lại nhanh hơn. Câu chuyện vừa kể với Điệp ban chiều, con búp bê đang nằm yên trong tủ, đó là bằng chứng quá hiễn nhiên để nàng tin rằng cánh cửa tâm hồn của cha nàng đang hé mở. Nàng phải tìm dịp mở toang ra. Từ nhiều năm nay, nàng mơ ước điều đó và bây giờ niềm ước mơ đó trở thành sự thôi thúc thực là cấp bách. Cánh cửa tâm hồn rộng mở của cha sẽ tạo ra một không khí đầm ấm và vui tươi trong gia đình. Bé Hoài sẽ lớn lên trong sự nuông chiều của ông ngoại, bù đắp phần nào nỗi bất hạnh mất cha từ khi chỉ mới là một giọt máu tí ti. Ôi! Niềm mơ ước đó rạo rực trong lòng nàng. Cha nàng được hạnh phúc trong cuộc sống xế chiều. Con nàng được hạnh phúc trong tuổi bình minh. Ôi! Hai con người thân thuộc còn sót lại trong cuộc đời nàng!
Nàng giật mình, cha nàng vừa xuất hiện trước cửa thì kỳ lạ thay, con nàng cũng vừa thức giấc ọ ẹ trong nôi. Nàng đứng dậy, bàng hoàng như đứng giữa cảnh hoàng hôn xuất hiện cùng lúc với cảnh rạng đông.
Nàng cười rất tươi với cha, rồi không đợi phản ứng của ông, nàng quay vào với con, vì bé bắt đầu la vỡ làng, vỡ xóm.
Dỗ con xong, nàng dọn cơm ra và ngồi đối diện với cha. Trên bàn có nhiều thức ăn ngon. Trưa nay, khi cúng xong, nàng múc mỗi thứ một ít cất vào chạn. Ngoài thức ăn để dùng với cơm, còn có một dĩa đựng hai cái bánh ít trần mà nàng nghĩ cha sẽ rất ưa thích. Nàng nhìn cha và cảm thấy mặt ông có vẻ vui hơn mọi ngày. Nàng thấy phấn khởi trong lòng nên nhìn ông và nói nhỏ nhẹ:
- Ba.
- Cái gì?
Nàng hơi ngần ngại, nhưng vẫn quyết tâm mở rộng cánh cửa tâm hồn của cha. Nàng cố lấy giọng thực ân cần:
- Hôm nay, ba bán hết bánh không?
Ông lão vẫn cúi mặt gắp thức ăn, giọng đục ngừ, khó chịu:
- Hết. Hỏi làm chi vậy?
Lan cảm thấy hơi sức cạn đi gần hết. Nàng cố gắng lần cuối cùng:
- Ba đi bán về khuya có mệt không?
Ông lão không trả lời, mặt lạnh như tiền.
Thôi, chấm dứt. Lan bỏ cuộc.
Tâm hồn lão như một căn nhà xưa đóng kín cửa tự bao năm rồi. Mấy hôm nay, cánh cửa hé mở, nhưng chỉ vừa đủ để lọt một con búp bê ra ngoài. Cánh cửa có lẽ vẫn chưa đóng lại, nhưng bên trong căn nhà còn tối om om, đầy bụi bặm, khó có ai chui vào được.
Về phần Lan, khả năng gợi chuyện với cha, từ lâu lắm rồi không được dùng đến. Nó như một chiếc xe đã bị rỉ sét. Nàng cố đẩy, chiếc xe chỉ cót két một cái rồi đứng yên. Căn nhà cổ vẫn lạnh lùng với cánh cửa hé mở. Chiếc xe vẫn nằm yên ngoài sân, Lan không thể nào đẩy nó vào nhà được.
Ăn xong, ông lão thản nhiên uống nước rồi vào buồng riêng. Lan dọn dẹp nhanh chóng rồi vào với con.
Ngày hôm sau, nàng khá rảnh rỗi. Hai bữa ăn, Điệp đã lo giùm, chỉ còn phải hai lần bắt nồi cơm lên bếp. Bé Hoài không còn ngủ li bì suốt ngày nữa. Cứ cách khoảng hai ba giờ bé lại thức chơi độ hơn một tiếng đồng hồ. Bé rất ngoan, khi thức cũng không hề khóc. Bé chỉ khóc khi đói. No rồi thì nằm múa tay múa chân, mắt mở to, khờ khạo nhìn lên trần nhà. Thỉnh thoảng, bé nhoẻn miệng cười làm cho bà mẹ trẻ sung sướng cười theo. Lan thường bế con trên tay đi khắp nơi trong nhà. Một lần, nàng bế con vào buồng cha, miệng ngậm theo cái khăn lông. Nàng dùng miệng trải khăn trên giường và đặt bé vào đó. Nàng nói thầm: “Có hơi hám của bé, ông ngoại sẽ thương cháu hơn”.

Lúc bé ngủ, Lan đọc những sách nuôi con mà Điệp đã trao cho, có lúc dùng bút đánh dấu những chỗ mà nàng thấy cần lưu ý.
Buổi trưa, sắp đến giờ về của cha, Lan chưa biết gởi con cho ai để qua nhà Điệp mang bữa ăn về. Nàng đang phân vân thì Điệp đã mang mâm qua. Nàng nhìn chị, lòng cảm kích vô cùng. Lan biết chị làm thế vì không muốn Lan rời con dù trong chốc lát.
Chi phí cho hai bữa ăn chị Điệp cũng lo liệu hết, Lan không phải tốn kém gì cả. Lan ngồi nhớ lại trước ngày đầy tháng mấy hôm, Điệp dúi vào tay nàng một xấp tiền có lẽ khá nhiều. Nàng từ chối và ôm cứng lấy Điệp không cho nhét tiền vào dưới gối nàng. Nàng đã chịu ơn anh chị quá nhiều. Căn nhà nầy sửa sang lại thành tiệm may, một đống vải mua sẵn để khách hàng chọn lựa và nhiều vật dụng linh tinh khác, đã làm tiêu mất số tiền trợ cấp tử trận của Tuấn mà chị Điệp lãnh về trao hết cho Lan, không giữ lại một xu. Rồi tiền nhà bảo sanh, tiền thuốc men, quà tặng cho các cô hộ sinh, tiền xe cộ đi lại, vân vân, Điệp và Quang lo hết. Do đó, món tiền mà nàng tằn tiện trong mấy tháng mở tiệm may cũng vẫn còn, tuy không lớn lắm. Chắc chắn Lan không bao giờ lại bảo cha đưa tiền lời bán bánh. Điệp hiểu điều đó nên việc cung cấp thức ăn hằng ngày cho hai cha con cũng nhằm giúp nàng yên tâm về phần chi phí cho đến ngày Lan nhận hàng may trở lại. Lan nghĩ thầm:
- Nếu không có anh Quang và chị Điệp, không biết cuộc đời mình sẽ đi đến cái nẽo đen tối nào.
Điệp mang bữa ăn đặt trên bàn rồi đi ra. Một lát, lão già cũng về tới, mặt bơ phờ, mồ hôi nhễ nhại. Lan đưa nồi cơm dưới bếp lên và chờ cha rửa tay, rửa mặt. Hai người ngồi lặng lẽ ăn cơm. Lan không còn ý định bắt chuyện với cha nữa.
Buổi chiều êm ả trôi qua. Lão già ở luôn trong buồng riêng cho đến giờ đi lãnh bánh bán.
Đúng sáu giờ rưỡi chiều, nghe tiếng gọi của chị, Lan vào bế con. Bé đang ngủ say, bị mẹ bế lên thì khóc thét. Lan ôm con vào lòng, vỗ nhè nhẹ và sang nhà anh chị. Khi được đặt xuống giường, bé lại ngủ say. Đây là lần đầu tiên bé ra khỏi nhà và vào một nhà khác. Nhưng bé có biết gì đâu, vẫn ngủ yên, thỉnh thoảng nhoẻn miệng cười. Quang đến ngồi cạnh, chăm chăm nhìn mặt bé. Điệp nói đùa với chồng:
- Dượng Quang đang xem tướng cho cháu đó phải không?
Lan đính chính:
- Không phải dượng Quang mà là bác Quang. Anh xem tướng cháu thế nào?
- Tướng cháu hả? Tốt lắm. Người ta gọi đây là quý tướng rồng rắn!
Biết anh nói đùa, nhưng Lan vẫn hỏi:
- Quý tướng rồng rắn là thế nào hả anh?
- Là mười lăm tuổi trở lên đi ra đường, đã có một đoàn con trai làm rồng, làm rắn chạy theo sau.
Điệp phá lên cười:
- Không biết trước đây, trong đám rồng rắn trên đường phố Sài gòn, có bác Quang hay không?
Quang vui vẻ đáp lại:
- Chả dám đâu. Làm cái nghề dạy học khốn khổ nầy, tai mắt học trò khắp nơi, chẳng dám hó hé chút nào.
Điệp đáp lại ngay:
- Mặc dầu tấm lòng thầy thì rất ưa hó hé!
Lan gập người lại mà cười. Nàng thực sự đang chia sẻ hạnh phúc trong căn nhà nhỏ dễ thương của anh chị.



*
* *


ĐANG vào kỳ thi đệ nhị bán niên, nên Quang và Điệp rất bận rộn chấm bài cho học trò. Điệp còn phải đi chợ nấu ăn cho cả hai gia đình, thường phải thức khuya nên có vẻ bơ phờ. Thương chị, nhiều lần, Lan đề nghị chia bớt công việc, nhưng Điệp không bằng lòng. Không bao giờ nàng cho phép Lan sang nhà mình lâu mà để bé Hoài một mình bên đó. Vì vậy, Điệp phải ôm đồm nhiều việc. Tuy vậy, ngày nào nàng cũng sang ôm bé Hoài một chốc rồi về. Nàng nói với em, giọng nửa thật, nửa đùa:
- Ngày nào mà không bế cháu một lần thì ăn không ngon, ngủ không yên.
Điệp bận rộn thì Lan lại thấy có quá nhiều thì giờ rảnh rỗi. Nàng muốn bắt đầu mở lại tiệm may nhưng không dám, vì lệnh cấm của chị. Và vì rảnh nên nàng mới nhớ rằng hơn một tháng rồi, nàng chưa bước chân khỏi hai căn nhà của nàng và của anh chị. Nàng muốn đi chợ mua vài món gì đó, nhưng không biết gửi con cho ai. Dĩ nhiên là nàng không dám nhờ Điệp lúc nầy rồi.
Buổi sáng mát trời, bé Hoài ngủ thực say, ít thức dậy hơn buổi chiều. Vừa cho con bú xong, chưa kịp đặt vào nôi, nàng ngạc nhiên thầy cha về tới. Nàng nhìn lên đồng hồ, mới chín giờ sáng.
Ông lão dắt xe vào. Trái với thường lệ, hôm nay lão về quá sớm. Rồi lại trái với thường lệ, sau khi dựng xe vào vách, thay vì đi thẳng xuống bếp, lão dừng lại, nhìn Lan đặt bé vào nôi. Lan quay lại, hỏi cha:
- Sao bữa nay, ba về sớm vậy?
- Gặp nhà có tiệc, còn bao nhiêu bánh, họ mua hết.
Lan thấy vui trong lòng khi nghe câu trả lời “tử tế” hiếm có của cha. Thấy cha nhìn chiếc nôi của bé, nàng bỗng nảy ra ý định thực táo bạo. Nàng nói với cha:
- Ba trông chừng cháu Hoài giùm, con ra chợ một chút, được không? Cháu mới bú xong, ngủ say lắm.
Nói xong, Lan thấy tim đập loạn đả. Cha nàng sẽ phản ứng như thế nào? Giao con cho cha trông có được không?
Lan hồi hộp nhìn cha chờ đợi, thấy ông gật đầu và trong cổ họng, thoát ra tiếng “ừ” khàn khàn và kéo dài.
Lan thấy cha đứng yên một chút rồi bước đến gần bàn cắt quần áo của nàng, kéo ghế ngồi xuống. Chiếc ghế cách nôi khoảng hơn hai thước. Lan thấy cha nheo mắt cố nhìn bé đang nằm trong mùng. Cặp mắt ông có vẻ tò mò và ánh lên nét vui vẻ. Lan đem áo quần vào phòng tắm để thay, nhét một ít tiền vào túi rồi sang nhà Điệp. Nàng vội vàng nói cho Điệp rõ.
Điệp ngạc nhiên đứng phắt dậy, định phản đối. Nhưng thấy vẻ háo hức muốn đi của em, nàng gật đầu bảo:
- Thôi được, em phụ với chị khiêng bàn nầy ra sát cửa. Chị vừa chấm bài vừa để ý. Nếu nghe cháu khóc, chị sẽ chạy sang liền. Em đi nhanh lên rồi về.
Lan làm theo chị. Trước khi đi, nàng nhìn vào nhà. Ông cụ vẫn ngồi trên ghế nhìn chiếc nôi, bất động như một pho tượng.
Nàng bước ra đường, lòng phơi phới khi nhìn lại những căn nhà quen thuộc mà nàng đã cách xa hơn một tháng rồi. Những người mà nàng đã biết mặt, nhưng không bao giờ chào hỏi trước đây, nay thấy nàng đi ngang thì gật đầu chào. Nàng mỉm cười chào đáp lễ, lòng rộn vui. Đứa bé ra đời, đã làm nàng gần gũi với họ hơn. Có một bà đã đến dự bữa đầy tháng bé Hoài hôm trước, đon đả chạy ra đón nàng lại, bắt nàng nghe bà huyên thuyên một lát rồi mới cho đi. Nàng sốt ruột nên vừa được giải phóng là đi nhanh đến cái chợ xép quen thuộc, ở ngay sát ngoài cổng của cư xá sĩ quan. Chợ đã gần tan nên người mua cũng đã thưa đi. Nàng mua vội vài món cần thiết và quay trở về. Còn cách nhà hơn một trăm thước, nàng khựng lại, vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng. Điệp đang lấp ló ngoài cửa nhà nàng, lưng quay về phía nàng.
- Trời đất! Chuyện gì vậy?
Nói thầm xong, Lan rảo bước, nhanh như chạy. Nghe tiếng chân vội vã sau lưng, Điệp quay lại và nhận ra cô em đang hốt hoảng đến gần. Chị đưa tay chận Lan lại, một ngón tay đưa lên miệng ra hiệu cho em im lặng và cẩn thận. Trong nhà, vọng ra tiếng khóc oe oe làm quả tim trong lồng ngực Lan đập như trống làng. Nàng rón rén bước tới. Điệp lui một bước, kê miệng sát vào tai nàng nói nhỏ:
- Đến xem, điều mầu nhiệm đang xảy ra.
Nói xong, chị đưa tay đẩy nhẹ vào lưng nàng, về vị trí mà Điệp vừa nhìn lén. Lan run run ghé mắt nhìn vào. Nàng cảm thấy một cơn xúc động tỏa khắp cơ thể, xông lên cổ, làm nàng khó thở. Nàng mím môi, lấy tay dụi mắt. Bên trong nhà, cha nàng, trong dáng điệu còm cõi, đang dang hai chân, khom mình xuống, một tay cầm thành nôi lắc nhẹ, tay kia thò vô mùng vỗ khe khẽ vào mông bé, miệng kêu ư ử, nửa như hát ru, nửa như rên rỉ.
Lan nhắm mắt lại cho hai giọt nước mắt lăn ra. Có phải cái ước mơ hoang đường của nàng đã thành sự thực hay không? Có phải bé Hoài đã mở tung được cánh cửa tâm hồn của cha nàng, cánh cửa mà bấy lâu nay nàng đành bất lực?
Lan nhảy bổ vào, quỳ xuống ôm chân cha.


*
* *





ĐIỆP ngồi thừ trước bàn làm việc. Cái giờ phút “điều mầu nhiệm đang xảy ra đó” hiện rõ trong đầu nàng. Sáng hôm đó, đang ngồi chấm bài, Điệp bỗng nghe có tiếng khóc trẻ thơ. Nàng vội cầm quyển sách to dằn lên những tờ giấy bài làm của học trò cho gió khỏi bay và bước vội sang nhà Lan. Một sức mạnh nào đó buộc nàng dừng chân khi nhìn thấy ông lão đang lính quýnh dỗ cho bé nín. Con bé càng khóc già, lão càng lính quýnh hơn.
Đối người bàng quan thì cái điều bình thường nầy chẳng có gì đáng nói, nhưng đối với nàng thì cảnh nầy có tính cách gần như trọng đại; nó làm cho bầu trời vụt sáng hơn, nó gây cho nàng một sự hân hoan khó tả. Thì ra, nỗi ray rứt, nỗi đau khổ, sự ước mơ dai dẳng của Lan, em nàng, đã ảnh hưởng quá nhiều đến tâm hồn nàng. Thế là nàng lập tức dừng lại ngoài cửa ghé mắt nhìn vào, nỗi xúc động tràn ngập trong lòng. Trước mắt nàng, không còn ông già đáng ghét, đáng nguyền rủa nữa mà rõ ràng đó là một ông ngoại đáng thương đang dỗ dành một cách vụng về đứa cháu thân yêu. Đúng lúc đó, Lan cũng vừa về tới.
Ngay tối hôm đó, Điệp đã kể tỉ mỉ câu chuyện cho chồng nghe; Quang cũng tỏ ra rất xúc động.
Những ngày tiếp theo, Điệp chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu ở lão già. Thực ra, chỉ người trong cuộc mới thấy được sự đổi thay đó. Thân mình còm cõi trên chiếc xe đạp cũ kỹ của lão vẫn như thế, giọng rao khàn khàn “bánh mì nóng dòn đây” vẫn như thế, gương mặt xương xương khắc khổ vẫn như thế. Nhưng đôi mắt, hay đúng hơn, cái nhìn thì rõ ràng không phải là của lão trong suốt những năm tháng trước đây. Cái nhìn lờ đờ u ám đầy ác cảm như biến mất và được thay bằng cái nhìn vui vẻ, cởi mở và hơi bẽn lẽn một cách thực buồn cười.
Đối với Lan thì Điệp không hề đả động vấn đề nầy. Nàng biết sự xúc động còn kéo dài trong lòng cô em. Nàng tôn trọng sự xúc động đó, nhưng vẫn để ý thái độ của em sau ngày hôm ấy. Điệp nghĩ rằng em nàng sẽ rất vui tươi và hớn hở. Nhưng không, Lan có vẻ lo âu. Hơn một lần, Điệp bắt gặp Lan ngồi trầm ngâm, và khi thấy chị, Lan cười, song cái cười đó dường như do cố gắng hơn là tự nhiên.
Sau bữa cơm chiều, khi Lan đã bế con về nhà, nàng hỏi chồng nghĩ thế nào về niềm vui có tính không trọn vẹn của Lan. Quang hơi ngạc nhiên và bất ngờ về câu hỏi. Anh im lặng suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Anh không chắc chắn lắm, nhưng có lẽ thế nầy. Một ước mơ to lớn bị vụt tắt hay hiển hiện quá đột ngột cũng đều gây một cú sốc. Nếu ước mơ vụt tắt thì người ta rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản, u sầu. Nếu nó hiển hiện đột ngột thì người ta, hoặc vui vẻ thái quá, hoặc ngược lại, rơi vào trạng thái bồn chồn vì lo sợ rằng sự hiển hiện chỉ là lầm lẫn hay ảo tưởng, hoặc đó là một sự thực mỏng manh, không bền vững và có thể biến mất, để cuối cùng chỉ còn trơ lại một ước mơ.
Nghe chồng giải thích, Điệp rơm rớm nước mắt. Nàng thở dài:
- Tội nghiệp cho Lan, hết đau khổ rồi bây giờ đến lo lắng, bất an!
Quang cầm tay vợ, an ủi:
- Không sao đâu. Cách nay mấy hôm, em có kể lại rằng Lan ví tâm hồn ông lão như căn nhà đóng kín nhiều năm, nay mới hé cửa, bên trong còn tối tăm dơ bẩn không vào được, có đúng không?
- Dạ đúng.
- Bây giờ các cánh cửa đã được mở toang rồi đó, ai vào cũng được. Anh tin chắc như thế. Em cũng đừng lo cho Lan. Chỉ một thời gian ngắn thôi, cô nàng thấy cha thực sự trở lại bình thường thì nỗi lo âu, bồn chồn cũng tự nhiên biến mất.
Điệp nghe chồng giải thích, cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng. Nàng âu yếm nhìn chồng, thở ra một hơi dài:
- Em mừng vì nghĩ rằng tâm hồn của Lan, không bao lâu nữa sẽ được hoàn toàn bình an.
- Anh cũng mong như thế nhưng mấy hôm nay anh có điều hơi ngại.
Điệp lo lắng:
- Ngại cái gì hả anh?
- Lan đã đẹp, khi tâm hồn bình an thì càng đẹp hơn. Cô nàng vừa mới tròn hai mươi mốt tuổi. Em có giữ Lan lâu dài được không?
Điệp cảm thấy buồn khi nghe chồng lặp lại ý nghĩ của nàng lúc Lan mới ở nhà bảo sanh về. Điệp trả lời, giọng xuội lơ:
- Nhưng em sẽ không phiền lòng nếu Lan và con Hoài được hạnh phúc với gia đình mới sau nầy. Xa tụi nó, có lẽ em sẽ không tránh khỏi buồn đau, nhưng hạnh phúc tương lai của hai mẹ con mới là quan trọng, nỗi buồn đau của em, nếu có, cũng chẳng hề gì.
Quang mỉm cười, nhìn vợ một cách hài lòng vì anh đã ký được khế ước sống chung một trăm năm với một người đàn bà đôn hậu.


*
* *




BỮA cơm trưa giữa hai cha con bây giờ diễn ra trong không khí đầm ấm. Tuy nhiên, Lan cũng chưa dám tỏ ra quá thân mật với cha. Ông lão cũng quen với cái im lặng cố hữu nên hai cha con ít nói chuyện với nhau. Nhưng sự im lặng của bữa ăn bây giờ khác hẳn xưa. Thỉnh thoảng Lan lựa thức ăn ngon nhất, dùng đũa gắp vào chén của cha; ông lão cắm cúi ngồi ăn. Có một lần, Lan ngừng ăn, cặp mắt thờ ơ đắm chìm vào một khung cảnh xa xưa, tay cầm đôi đũa gác lên đùi. Ông lão nhìn sang, môi mấp máy. Lan như sực tỉnh, trong tai nghe vo ve ba tiếng mỏng như tơ:
- Ăn đi con.
Lan nhìn sững cha. Ông lão hơi lúng túng, dùng muỗng múc canh đổ vào chén, một ít nước canh tràn qua thành muỗng, rơi xuống bàn.
Lan muốn buổi tối cũng ngồi ăn với cha nhưng không dám thực hiện. Một là vì Lan biết chị Điệp sẽ phản đối, hai là bữa cơm chiều chung với anh chị là giờ phút vui vẻ và hạnh phúc nhất trong một ngày của Lan.
Để bù lại, trong bữa cơm tối muộn màng của cha, nàng không ăn nhưng vẫn ngối đối diện với cha. Chén cơm ông lão vừa ăn hết, Lan dành ngay để bới thêm cho ông. Ông lão vừa xong bữa cơm thì chén trà nóng đã được đưa ngay trước mặt.
Một buổi tối, ông lão vừa ngồi vào bàn ăn thì bé Hoài thức dậy. Lan bế con ra khỏi nôi, đến ngồi trước mặt ông, ở chỗ thường ngày nàng vẫn ngồi. Bé khóc thêm mấy tiếng nữa rồi nín, nheo nheo đôi mắt khờ khạo nhìn bóng đèn sáng trên trần nhà. Lan vỗ nhẹ vào đùi bé:
- Hoài, Hoài, nhìn ông ngoại kìa.
Nàng cố nghiêng mặt Hoài về phía ông, nhưng con bé vẫn cố nhìn bóng đèn. Nàng liếc mắt nhìn cha, thấy nét mặt già nua của ông bừng lên niềm vui sướng. Ông bảo:
- Coi chừng muỗi đốt em đó.
Nói xong ông đưa chén cơm lên miệng và bắt đầu nhai tóp tép.
Hầu hết mọi chi tiết nầy, Lan đều kể lại với chị Điệp, rồi Điệp kể lại với chồng. Quang chú ý nghe xong, kết luận:
- Lan đâu có ngờ các chuyên gia thần kinh đều muốn làm thế nhưng không ai có thể làm được như cô nàng cả.
Điệp hỏi lại:
- Taị sao họ không làm được như Lan? Có phải vì họ không tìm được con gái đẹp và hiền lành như Lan hay không?
Quang cười, biết vợ đã hiểu sai vấn đề:
- Không phải cái chuyện gái đẹp, gái xấu mà điểm mấu chốt là họ không thể ban cho bệnh nhân một tình thương chân thật và mênh mông như tình thương của Lan đối cha được.
Điệp cố cãi lại:
- Thì trước đây Lan vẫn thương cha lắm mà, sao ông già vẫn cứ bệnh?
- Đúng vậy, tình thương của con gái không phải là cái gì mới mẻ đối với ông lão, nhưng đến bây giớ nó mới cộng hưởng với một yếu tố khác. Trong một không gian thích hợp, yếu tố đó là một nguồn kích thích tuyệt vời.
Điệp mất kiên nhẫn nên cướp lời:
- Anh nói nguồn kích thích gì?
- Lòng yêu thương trẻ thơ. Tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ có tác dụng rất lớn đối với tâm lý con người.
- Thế thì tại sao người ta không nghĩ đến việc lập các nhà trẻ trong viện tâm thần, dùng tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ để chữa bệnh?
Quang lắc đầu:
- Trẻ con không phải là thần dược của mọi bệnh nhân tâm thần. Tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ chỉ trở thành một nguồn kích thích nếu có sự đồng cảm…
Điệp không tự chế được, ngắt lời chồng:
- Đồng cảm gì?
- Một sự đồng cảm có tính siêu hình. Trẻ con là biểu tượng thuần khiết nhất của sự chân thật, của đạo đức vì chưa bị vấy bẩn bởi lối sống, lối suy nghĩ theo ước lệ của người lớn. Vì vậy trẻ con chỉ tạo được sự đồng cảm nơi những người có bản chất thuần hậu. Em có nhớ không? Lan kể rằng cha cô ấy trước kia là một nông dân, tuy ít học, nhưng hiền lành, chân thật, và người nữ sinh là mẹ cô ấy đã bằng lòng sống chung và yêu người nông dân chất phác đó. Hiểu chưa?
- Hơi khó hiểu. Nói giản dị là người nhân hậu thì dễ gần gũi trẻ con. Họ được trẻ con thương yêu và hàn gắn những vết thương trong tâm hồn họ. Nói đơn giản như thế có được không?
- Hiểu và diễn tả như thế cũng tạm được Anh tin rằng nhờ có bé Hoài mà ông ngoại của cháu sẽ trở lại là người bình thường.
Điệp cười vui vẻ:
- Em cũng mong được như thế.
*
* *

-BA!
- Gì đó?
- Ba ẵm cháu giùm con một chút để con bắt nồi cơm lên.
Ông cụ sung sướng giãy nảy:
- Không, tao sợ sút tay làm nó rớt xuống đất.
Lan nài nỉ:
- Được mà, không sao đâu. Đây nầy. Ba ngồi xuống ghế đi. Đưa hai tay về phía trước, tay trái hơi cao hơn tay phải. Cong hai lòng bàn tay lên. Được rồi. Thẳng lưng lên. Ngồi tự nhiên như khi ba ăn cơm vậy. Được rồi. Đây cháu cưng của ông ngoại đây.
Lan đặt con vào lòng cha rồi đến bếp. Nàng ngồi nghiêng để có thể nhìn lén hai ông cháu. Con bé nằm yên trên tay ông một chút rồi bắt đầu đưa hai bàn tay bé tí lên quơ chầm chậm một cách vụng về. Ông say sưa nhìn vào mặt cháu, hai tay ông từ từ nâng cháu lên cao lúc nào không hay. Mặt cháu đang kề bên mặt ông. Ông hít mạnh, ngửi cái mùi rất lạ từ bé tỏa ra. Trên đời, ông chưa bao giờ ngửi được cái mùi nào dễ chịu hơn mùi nầy. Bé tiếp tục quơ tay. Một bàn tay nó chạm vào cằm ông, nắm chặt lấy hàm râu tua tủa của ông, nhoẻn miệng cười.
Lan đang đun lửa, bỗng giật mình. Một giọng nói lạ hoắc vang lên:
- Ối ối, nó nhổ râu ông ngoại đây nầy. Nó cười nữa. Cái thằng cha mày.
Lan ngạc nhiên quay lại, thấy nét mặt ông vô cùng rạng rỡ, môi còn mấp máy ở cuối câu nói. Lan cúi mặt, nhắm mắt lại để hai giọt nước mắt rơi xuống, vỡ tan trên mặt đất.

*
* *


KHI bé Hoài vừa tròn ba tháng thì Lan mở lại tiệm may bình dân của nàng. Nàng rất hớn hở, một phần vì được làm lại công việc cũ, một phần vì tiền để dành của nàng đã hết nhẵn.
Chỉ sau vài ba hôm mở cửa, khách đến đã bắt đầu nhiều, Lan phải từ chối bớt, vì nàng vừa coi con, vừa tiếp khách, vừa cắt may. Điệp bàn bạc với Lan tìm một người giúp việc, nhưng cuối cùng không thực hiện vì nhà chật chội và vì Lan ngại sự có mặt của một người khác có thể ảnh hưởng không hay đến cái tình thân mật vừa chớm nở giữa hai ông cháu.
Do đó Lan phải làm việc thực nhiều , Nàng may rất khuya. Lúc đầu, ánh sáng vàng vọt của bóng đèn trên trần làm nàng phải căng mắt ra để cố giữ cho đường may đúng với mép vải. Một hôm Điệp sang chơi ban đêm, để ý đến điều nầy. Thế là hôm sau Quang qua gắn một đèn dài ngay phía trên máy may, làm cho Lan thấy rất dễ chịu khi may đêm. Ánh sáng trắng làm cho nhà sáng sủa vui vẻ, và quan trọng hơn nữa là sau bữa cơm tối, cha nàng không vào giường ngay mà còn nán lại ngồi xem bé Hoài ngủ hoặc nhìn Lan may. Có khi bé thức dậy, Lan giao bé cho ông bế ngồi chơi. Vừa may, vừa liếc nhìn ông tìm cách nói chuyện với cháu hoặc nhìn cháu sờ râu ông, Lan sung sướng vô ngần. Hạnh phúc mà nàng ao ước bao nhiêu năm đã thực sự hiện diện trong căn nhà nhỏ bé nầy.
Bé Hoài bú khỏe nên lớn thấy rõ. Càng bụ bẫm, bé càng dễ thương. Bé đã hoàn toàn chinh phục được ông ngoại. Hơn thế nữa, bé đã mê hoặc ông rồi.
Hôm cháu tròn bốn tháng, cô Điệp sắm cho cháu hai bình sữa bằng thủy tinh loại đắt tiền, bác Quang tặng cho cháu hai lon sữa bột hiệu Guigoz từ Pháp nhập qua. Lan pha sữa cho bé bú dặm với phân lượng đúng theo chỉ dẫn của sách nuôi con và của nhãn sữa dán quanh hộp. Nhãn sữa viết bằng tiếng Pháp; Quang cẩn thận dịch sang tiếng Việt, viết vào giấy trắng và dán chồng lên. Lan sung sướng nghĩ thầm: “Nhờ có bác Quang và cô Điệp, bé Hoài được nuôi nấng cẩn thận hơn nhiều đứa trẻ khác, kể cả con nhà giàu.”
Tuy nhiên, hôm nay, bé bỏ bú. Từ sáng đến trưa, Lan bỏ dở công việc nhiều lần để ép bé bú mẹ nhưng không thành công. Bé có vẻ bứt rứt và khóc nhè. Bé không ngủ say mà thường giật mình khóc thét lên. Lan bế con trên tay, vỗ về:
- Hoài của mẹ hôm nay không ngoan rồi. Ngủ đi con để mẹ may kịp đồ cho người ta.
Nhưng bé vẫn không ngoan nên Lan phải bỏ hết công việc, bế con đi lui đi tới trong nhà. Đến xế trưa, bé ngủ yên được một lúc khá lâu. Tuy thấm mệt nhưng Lan không ngủ, ngồi nhìn con nằm trong nôi. Bé thở một cách nặng nhọc, cánh mũi phập phồng lên xuống. Lan bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên, nàng vẫn không quên những món hàng đã được đặt và cần lấy gấp.
Nàng đến ngồi vào trước chiếc máy may, mệt mỏi và chán nản, ngao ngán nhìn chiếc áo bà ba đang ráp nửa chừng. Nàng thở dài đứng dậy, trở lại ngồi bên mép giường, lắng nghe hơi thở của con.
Kim đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi chiều. Ông lão vừa thức dậy ra khỏi buồng. Ông vào nhà tắm một lúc rồi trở ra, ngồi vào bàn uống nước. Lan vội nằm xuống nhắm mắt lại, không muốn cha nhìn thấy vẻ lo âu của nàng. Khi ông lão bước ra khỏi nhà thì trời đầy mây đen vần vũ. Gió bắt đầu thổi mạnh làm lá cây bên đường rơi lã tã. Ông lão vẫn cắm cúi dắt xe qua đường, lên yên và gò lưng đạp ngược chiều gió. Lan nhỏm dậy bước ra cửa nhìn theo bóng dáng còm cõi của cha qua những hạt mưa thưa đã bắt đầu rơi lác đác. Nàng đóng cửa, bước vào nhà, lòng chùng xuống vì thương cảm. Nàng buông mình xuống giường và ngủ thiếp đi trong tiếng mưa rơi lộp độp mỗi lúc một to.
Tiếng khóc thét của bé Hoài làm Lan tỉnh giấc. Nàng vội vàng vén mùng bế con ra khỏi nôi, thay tã cho bé rồi vén áo kê miệng con vào vú. Nàng cúi xuống nhìn cái miệng bé nhỏ hau háu nút vào đầu vú, nói với con một cách âu yếm:
- Tội nghiệp con tôi, đói lắm rồi, khi sáng đến giờ không chịu ăn.
Nhưng chỉ được một phút, bé nhả vú ra, vùng vẫy định khóc. Một vòi sữa từ miệng bé trào ra; bé cong người đạp mạnh rồi khóc thét lên. Lan hoảng hốt, bế dựng bé dậy, áp vào ngực mình và vuốt lưng bé. Bé tiếp tục ói ra toàn bộ sữa vừa mới bú được, làm ướt áo của cả hai mẹ con. Bé thôi khóc, có vẻ dễ chịu nên Lan đặt xuống giường, loay hoay thay áo cho con. Xong Lan vói lấy áo sạch để thay cho mình.
Lan cúi xuống nhìn con; mắt bé lờ đờ mệt nhọc. Nàng cúi sát hơn nữa để trán mình chạm vào mặt con. Thường ngày da thịt bé mát lạnh, nhưng bây giờ, hơi nóng hâm hấp từ mặt bé truyền qua trán nàng một cách rõ rệt. Giọng nàng hốt hoảng:
- Trời ơi, bé sốt rồi.
Nàng nghe nhói trong lòng khi nghĩ rằng bé đã sốt từ sáng mà nàng không để ý. Nàng rên rỉ:
- Tội nghiệp con tôi. Mẹ không biết gì cả. Mẹ bậy quá, mẹ tệ quá.
Bé nằm im không khóc, nhìn mẹ trân trân không chớp mắt làm nàng quýnh lên. Có lẽ giờ nầy chị Điệp đã về đến nhà, nhưng làm sao qua nhà gọi được. Nhà chỉ có hai mẹ con; bé đang sốt, Lan không dám đặt bé xuống giường để sang nhà anh chị, dù chỉ vài giây. Nàng bế con đến sát cửa, nghe bên ngoài tiếng mưa nho nhỏ rơi đều. Nàng kê miệng vào khe ván gọi to:
- Chị Điệp, chị Điệp ơi!
Vừa đi dạy về, cởi áo đi mưa xong, đang lau mặt, lau tay, Điệp nghe tiếng em gọi, lật đật chạy sang.
Lan, một tay bế con, một tay kéo chốt cửa. Cánh cửa mở toang, Điệp bước vào. Một luồng gió lạnh ướt át cũng thốc vào theo làm Lan rùng mình. Nàng nói lắp bắp như muốn khóc:
- Chị Điệp, bé bị bệnh rồi.
Điệp đóng cửa, đưa tay khẽ đẩy vai em:
- Vào trong đi. Bé bệnh thế nào?
- Dạ bị sốt.
Điệp đưa tay định sờ vào mặt bé, nhưng chị rụt lại ngay. Tay chị lạnh ngắt vì nước mưa vừa lau xong vẫn chưa khô. Chị hỏi nhanh:
- Sốt mấy độ?
Lan ngớ người ra:
- Em đâu có biết.
- Sao không lấy nhiệt kế mà đo?
- Em đâu có nhiệt kế.
Điệp cáu gắt:
- Taị sao không mua? Trong sách dạy nuôi con có dặn kỹ điều nầy mà. Mấy quyển sách tôi đưa, cô có đọc không?
Lan mếu máo vì lần đầu tiên nghe chị nặng lời, nàng nói:
- Dạ có, nhưng mấy chỗ nói về săn sóc trẻ bị bệnh, em chỉ đọc qua mà không để ý. Từ khi sinh ra đến giờ, bé Hoài có bệnh gì đâu.
Điệp cảm thấy thương hại và hối hận đã gắt gỏng với em. Lan còn trẻ quá. Chưa đầy hai mươi mốt tuổi đã làm mẹ rồi. Cũng tại thằng em bay bướm của nàng. Điệp dịu giọng nói với em:
- Thôi, đừng hốt hoảng. Để chị nhờ anh Quang đi mua cho bé vài gói Békinan hay Euquinol. Trời đang mưa lạnh đó, ráng giữ ấm cho bé.
Điệp mở cửa ra, Lan nhìn thấy những giọt mưa nhỏ đan nhau trong ánh sáng mờ nhạt của buổi hoàng hôn. Nàng nghĩ đến cha đang lủi thủi đạp xe trên đường phố sũng nước; nàng nghĩ đến anh Quang đội mưa đi mua thuốc cho bé. Mối thương cảm dâng lên trong lòng.
Cánh cửa khép hờ nên chỉ một lát sau, Điệp xô cửa bước vào, trên tay cầm gói thuốc. Điệp xé bao, đổ một phần thuốc ra ly, hòa với nước. Bé chỉ quen bú sữa, lại thêm sự vụng về của hai người đàn bà chưa có kinh nghiệm nuôi con nên khó khăn lắm mới cho bé nuốt xong ly thuốc. Lan cho con bú, trong khi Điệp ra về làm cơm. Bú xong, bé ngủ yên trong nôi.
Khi trời tạnh mưa thì ông lão cũng về đến nhà. Ngồi trước mâm cơm, thấy có nhiều thức ăn hơn thường ngày, ông thoáng ngạc nhiên. Ông không biết cháu Hoài bị bệnh, cũng không biết chiều nay Điệp mang cả hai phần cơm qua nhà và Lan không ăn được tí nào. Cơm xong, ông lão thấy cháu đang ngủ nên cũng vào buồng riêng.
Sau khi dọn dẹp, Lan nằm xuống giường, ngủ chập chờn, chốc chốc lại đưa tay sờ bé qua vải mùng. Bé vẫn còn sốt nhẹ và ngủ yên.
Nửa đêm, bé dậy bú rồi ngủ lại. Lan khấp khởi mừng thầm.
Đến hai giờ khuya, bé lên cơn sốt cao. Lan hoảng hốt vùng dậy bước xuống giường. Đêm thực thanh vắng, không một tiếng người, không một tiếng xe cộ; thành phố đang giờ giới nghiêm. Nàng ôm con vào lòng, muốn khóc mà không khóc được. Nàng muốn cầu cứu anh chị, nhưng đang lúc giới nghiêm thì làm sao được. Bỗng, nàng nảy ra sáng kiến nên vội xuống bếp lấy que củi rồi đến gõ vào vách ngăn giữa hai nhà.
Cộc, cộc, cộc. Ngưng một chút, rồi tiếp theo: cộc cộc, cộc. Nhắm đủ thời gian để anh chị tỉnh ngủ, Lan đến cửa chu miệng vào khe hở. Nàng chưa kịp gọi thì có tiếng mở cửa nhà Điệp, rồi tiếng gọi khe khẽ:
- Lan, chị Điệp đây. Mở cửa, chị vào.
Lan mừng rỡ, rút chốt, mở cửa ra. Điệp len vào, nói nhỏ một cách vội vàng:
- Nghe tiếng gõ, anh chị biết ngay là em muốn gọi. Chuyện gì xảy ra vậy? Bé Hoài thế nào?
- Dạ, bé sốt cao.
Điệp bước nhanh đến nôi, vén mùng lên, sờ vào trán bé, hốt hoảng:
- Trời đất!
Điệp bế bé ra đặt trên giường, lột hết mền và khăn quấn quanh mình bé, cỡi phăng chiếc áo len màu hồng. Trên mình bé chỉ còn một chiếc áo mỏng.
Lan như bị chôn chân xuống đất, nhìn chị bằng đôi mắt ngạc nhiên tột độ.
Điệp quay lại bảo như ra lệnh:
- Pha một chút nước ấm, lấy một cái khăn sạch đưa vào đây.
- Dạ, không có nước ấm.
- Cô…
Điệp định quát to nhưng nhớ lại chuyện ban chiều nên nàng xuống giọng nhỏ nhẹ:
- Em đi nấu tí nước, nhanh lên.
Lan nhào xuống bếp. Nàng nghe chị nói tiếp:
- Nấu ít thôi cho mau nóng.
Sự im lặng lại bao trùm căn nhà. Tự nhiên, Điệp thấy hơi rợn người nên chép miệng:
- Phải chi có đàn ông cho đỡ sợ.
Nghe chị nói, Lan nghĩ đến cha nàng đang nằm trong kia. Nàng hiểu rằng cha không phải là loại “đàn ông có trong nhà cho đỡ sợ” như chị Điệp nói. Nàng lắng nghe, trong buồng cha không có tiếng động nào. Nàng nghĩ thầm: “Có lẽ cha đi bán cả buổi chiều nên mệt và ngủ say”.
Bé Hoài bị bóc gần như trần trụi mà không thức giấc; bé vẫn chìm sâu trong cơn sốt cao. Điệp nhìn cháu, lòng bấn loạn. Một ý nghĩ đen tối chợt đến trong đầu, rồi một cái gì đó không rõ ràng nhưng thật ghê sợ đang chờn vờn đâu đây và sẽ hiện ra. Nàng nhìn mặt bé, mặt đỏ hồng vì sốt, hơi thở gấp gáp. Nàng chép miệng:
- Sốt cao thế nầy thì nguy.
Nàng lo sợ nhìn chăm chỉ vào mắt bé. Mọi thứ trên cơ thể bé đều bất động, ngoại trừ ngực bé ngô lên hạ xuống rất nhanh theo hơi thở. Không khí như đặc quánh lại. Có tiếng kêu rúc rích trên mái nhà. Đó là tiếng chuột cắn nhau nhưng Điệp tưởng tượng một cái gì đó thực dễ sợ đang chực ập xuống căn phòng nầy. Một luồng hơi lạnh chạy dài theo xương sống làm cho toàn bộ lông và tóc của nàng như dựng cả lên
Bỗng Điệp giật thót người.
Cạch, cạch, cạch. Ba tiếng gõ đều đặn, ở phía cửa ra vào. Tiếng gõ thực hay chỉ là ảo giác trong tai? Nàng nhìn Lan, thấy mặt cô em trắng bệch, trố mắt nhìn về hướng cửa. Ai đến trong giờ giới nghiêm nầy? Một tên lưu manh hay ma quỹ hiện hình quấy phá?
Cạch, cạch. Lại hai tiếng nữa, lần nầy thì quá rõ ràng trong đêm vắng. Rồi từ trong khe cửa, một giọng đàn ông nho nhỏ len vào:
- Điệp, Lan, mở cửa anh vào, nhanh lên.
Điệp thở phào:
- Anh Quang!
Lan mừng rỡ chạy ra mở cửa, Quang len vào lập tức. Sự hiện diện của một người đàn ông trong nhà làm cho không khí loãng ra, nỗi sợ hãi rút lui nhanh chóng.
Nước nóng đã có; hai người đàn bà lui cui nhúng khăn lau khắp người bé để hạ nhiệt. Quang đứng lớ ngớ phía sau, cảm thấy tay chân dư thừa. Chàng kéo ghế ngồi sát cửa, nhìn vợ và cô em săn sóc bé. Lau xong, Lan mặc áo, cài nút cho bé. Điệp thì mắt vẫn quan sát mặt bé còn tay cầm thau nước ấm đưa ra sau lưng, nói cộc lốc như ra lệnh cho chồng:
- Đem đổ rồi cất thau đi.
Cái thau được giở lên một cách vụng về, một ít nước sánh ra ngoài làm ướt tay Điệp. Nàng buông thau, bực mình quay lại. Nàng sửng sốt thấy người nhận thau không phải là Quang. Thái độ sửng sốt của Điệp làm cho Lan quay lại nhìn. Nàng gọi nhỏ, giọng ngạc nhiên:
- Ba!
Thì ra, ông cụ đã thức dậy tự bao giờ, đến đứng sau lưng Điệp, lo lắng nhìn cháu ngoại, mà cả hai chị em đều không biết.
Được lau mình, bé bớt sốt, chỉ còn hơi hâm hấp. Bé thức dậy nhìn quanh. Điệp kéo màn để Lan cho con bú. Bên ngoài, hai người đàn ông ngồi im lặng, bên trong, hai người đàn bà rù rì nói chuyện. Cả bốn người mong cho thì giờ qua nhanh để mau chấm dứt giờ giới nghiêm.


*
* *