Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Lão già (2)


KHI Quang ghé trường tiểu học chở vợ về đến nhà, vài người còn đứng bên lề đường bàn tán về chuyện lạ lùng vừa xảy ra. Họ kể chuyên lại cho hai vợ chồng nghe. Mỗi người kể theo một cách theo sự tưởng tượng riêng của mình, vì ai cũng chỉ chứng kiến được cảnh cuối cùng khi lão Tư Thủ ra đứng bên lề đường, gầm thét và chửi bới một hồi, rồi sau đó, lão vào nhà một chốc và bước ra khóa cửa, đẩy xe đạp đi, giỏ cần xé có lẽ đựng đầy bánh vì trông có vẻ nặng nề. Những người đứng đó cũng không trông thấy Tuấn chở Lan chạy đi trước đó vài phút. Nhìn thấy cái ống khóa lủng lẳng trước cửa, hai vợ chồng đều rất lo lắng, vì nghĩ rằng đã xảy ra chuyện gì đó rất nghiêm trọng bên trong ngôi nhà của Lan. Thường ngày lão đi bán thì Lan ở nhà, cửa mở hay đóng lại và gài chốt bên trong, tại sao hôm nay lại khóa bên ngoài? Tại sao lão lại nhốt con gái mình trong đó?
Khi mọi người đã trở về nhà mình, Điệp mon men đến gần nhà ông lão, cố nghe tiếng động bên trong. Hoàn toàn vắng lặng. Nàng khẽ gọi:
- Lan, em Lan, em làm gì trong đó? Chị Điệp đây. Mở cửa ra.
Điệp tiếp tục gọi nhiều lần, mỗi lúc một to hơn. Sự vắng lặng hoàn toàn làm cho nàng hết sức lo lắng. Quang đến gần nói với vợ:
- Có thể Lan không có trong nhà, em đừng gọi nữa.
Điệp quay lại nhìn chồng, nói như muốn khóc:
- Không đâu, Lan không hề đi đâu cả. Cô bé có biết đi đâu ngoài nhà mình. Anh Quang, có nên phá cửa để vào không?
Quang lắc đầu:
- Mình đâu có được quyền làm như thế.
Hai vợ chồng đang đứng tần ngần thì thằng Sanh ở cách đó vài căn bước đến nói to.
- Cô Lan đi rồi, không còn trong nhà đâu.
Điệp hỏi một cách hấp tấp:
- Cô Lan đi đâu, em có thấy rõ không.
Thằng bé trả lời một cách chắc chắn:
- Có, em thấy rõ. Cái chú em của cô chở cô ấy đi bằng xe Vespa. Ông già nhìn theo chửi bới nhưng không làm gì được. Hình như cô Lan bị ông già đánh đòn nên đã bỏ đi với chú đó. Em thấy cô Lan ngồi sau xe mà ủ rũ như cái cây bị nắng héo.
Nghe cậu bé nói, hai vợ chồng sững sờ nhìn nhau một chút rồi mở cửa vào nhà mình. Suốt bữa ăn chiều và suốt buổi tối, hai người bàn bạc về đủ thứ giả thuyết và ngóng nhìn ra đường để xem cả ba người, có ai trở về hay không.
Đồng hồ điểm chín giờ đêm, đường đã vắng xe cộ qua lại. Từ hướng cư xá sĩ quan, một bóng dáng gầy gò chẫm rãi đạp xe về, phía sau là một giỏ cần xé to tướng. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, trông lão như một bóng ma cô đơn vừa chui ra khỏi một trong hàng ngàn ngôi mộ của nghĩa địa Chí hòa.
Quang nhìn bóng người đang tiến lại gần, nói nhỏ với vợ:
- Lão vẫn về đúng giờ.
Anh thấy thương hại nên nói tiếp:
- Đêm nay, lão về không có cô con gái ngồi chờ trước mâm cơm. Không biết lão có dùng cơm tối ở đâu chưa.
Lão già dừng xe, mở cửa và lẵng lặng dắt xe vào nhà. Hai vợ chồng chờ đợi lão mở đèn, và sau đó sẽ lắng nghe tiếng động để đoán biết lão làm gì trong đêm đầu tiên cô con gái bỏ đi. Nhưng chẳng có tí ánh sáng nào rọi qua khe cửa. Lão già chẳng buồn mở đèn. Có lẽ, lão sờ soạn trong bóng tối để vào chiếc giường ọp ẹp của mình.
Quang và Điệp nhìn nhau thở dài. Họ vào nhà đóng cửa lại. Đêm nay, lòng nặng trĩu, họ không thể ngồi vào bàn để soạn bài được nên vào giường sớm, dù biết rằng không thể ngủ ngay được.
Điệp kéo tay chồng áp lên mặt mình, nói:
- Em sực nhớ lời con Lan, hôm đầu tiên em nói chuyện với nó.
- Lời gì?
- “Ngoài em ra, ba em không còn gì trên thế gian nầy nữa”
Quang thở dài:
- Bây giờ thì thực sự lão không còn gì nữa.
- Đáng thương, phải không anh?
- Ừ, đáng thương.
Hai vợ chồng trằn trọc đến khuya mới chìm vào giấc ngủ nặng nề.


*
* *

Quang giật mình tỉnh giấc vì một chiếc xe gắn máy nổ to chạy qua trước đường. Nhìn qua thấy vợ đang ngủ, gương mặt thùy mị áp vào chiếc gối trắng tinh, Quang rón rén bước xuống giường, đến gần tủ, nhìn vào đồng hồ qua ánh đèn đêm lờ mờ. Năm giờ bốn mươi lăm phút. Anh nhẹ nhàng mở cửa, bước ra lề đường. Đêm rồi, trước khi đi ngủ, anh định bụng dậy trước năm giờ sáng để xem lão già có thức dậy đi bán hay không, nhưng vì thức khuya nên đã ngủ quên, quá giờ dậy theo ý định. Quang hi vọng lão già cũng trằn trọc gần suốt đêm như anh và cũng không dậy sớm được.
Đường phố còn khá vắng vẻ. Anh rón rén bước sang nhà lão, áp mặt sát khe cửa, cố nhìn vào. Trong nhà tối thui. Anh áp tai vào cố lắng nghe. Im lặng hoàn toàn. Anh phân vân, lơ đãng nhìn ra đường.
- Lão đi rồi hay vẫn còn ngủ?
Lẩm bẩm xong, anh lại áp tai vào cánh cửa, hi vọng nghe được tiếng ngáy hay một tiếng thở nhè nhẹ. Vẫn im lặng hoàn toàn. Một ý nghĩ rùng rợn chợt thoáng qua trí tưởng tượng, Quang nói thầm:
- Không biết lão già thế nào? Có nên kêu cửa không? Có nên tông cửa vào không? Có nên đi gọi cảnh sát đến hay không?
Chợt có tiếng gọi nho nhỏ:
- Anh Quang.
Quang giật mình quay lại, thấy bóng vợ vừa bước ra khỏi cửa.
- Anh làm gì vậy?
- Anh định xem lão già còn ở nhà không.
- Lão đi rồi.
- Sao em biết?
- Em dậy lúc bốn giờ rưỡi, ra hé cửa ngồi rình và thấy lão mở cửa, dắt xe, ra đi như thường lệ, nhưng sớm hơn ngày thường độ mười phút. Trở vào thấy anh còn ngủ say nên em nhẹ nhàng vào nằm trở lại, chỉ sợ phá giấc ngủ của anh.
Quang thở ra nhẹ nhõm. Anh nhìn vợ một cách âu yếm và cảm phục.

Ăn sáng xong, Quang thay quần áo đi dạy. Hôm nay anh dạy suốt hai buổi, chiều mới về. Điệp biết mình sắp phải trải qua một buổi sáng trống vắng nặng nề. Sẽ không có tiếng máy may chạy nghe vui tai, sẽ không có dáng người con gái dễ thương ngồi trước máy. Rồi khi nàng chấm bài xong, đứng dậy xuống bếp, sẽ không có mái tóc mềm mại mà nàng thuận tay vuốt nhẹ khi đi ngang qua; sẽ không có cặp mắt dưới hàng mi dài ngước lên nhìn với vẻ tươi cười và biết ơn. Điệp cảm thấy trong lòng nỗi bùi ngùi lẫn lo lắng.
Điệp hi vọng sáng nay, Tuấn sẽ đưa Lan về. Nàng cố tưởng tượng, sau đó, mọi việc xảy ra trong êm thắm và tốt đẹp. Nhưng cứ mỗi lần hình ảnh ông lão hiện ra là mọi việc lại rối tung lên trong trí tưởng tượng của nàng. Sau cùng nàng thốt lên trong chán nản:
- Mặc kệ, tới đâu hay đó. Hai đứa phải về trước đã. Việc gì rồi cũng qua; quả đất vẫn cứ phải quay quanh mặt trời.
Nàng khệ nệ rinh chiếc bàn đến bên cửa sổ, để vừa chấm bài học trò, vừa nhìn xe cộ qua lại cho đỡ trống vắng. Nàng mở nắp cây bút đỏ, uể oải lấy quyển vở trên cùng lật ra. Nét chữ học trò nguệch ngoạc rất khó xem. Nàng mở to mắt, cố gắng tập trung để đọc. Xui xẻo, bài làm đầu tiên mà nàng gặp phải là bài luận văn của đứa học trò kém nhất lớp, chữ xấu, câu văn lại rời rạc và có nhiều lỗi. Với tâm trạng rối bời, nàng cố gắng một cách khó nhọc để nắm bắt ý tưởng học trò nhưng không thể nào làm được. Bực mình, nàng quăng bút, ngửng lên.
Ô, ai kìa? Nàng nhìn sững về hướng đường Lê văn Duyệt.
Lão già xuất hiện với chiếc xe đạp cũ kỹ và quen thuộc. Lão chầm chậm đạp xe. Đến ngang nhà, lão dừng lại bên kia đường, quay mặt nhìn sang. Nhà vẫn im lìm, cửa đóng kín với chiếc ống khóa lủng lẳng bên ngoài. Lão thở dài, mặt buồn rười rượi. Lão ấn chân vào bàn đạp, xe từ từ lăn bánh. Khi tấm thân còm cõi của lão khuất sau một gốc cây to, Điệp nghe tiếng rao khan khàn từ đó phát ra:
- Bánh mì nóng dòn đây.
Điệp bước ra khỏi cửa nhìn theo. Lão già cúi xuống, cái lưng cong vòng làm cho cả thân mình lão bị chiếc giỏ cần xé che khuất chỉ còn ló lên chiếc mũ cũ và rách trên đầu lão. Điệp cảm thấy nước mắt mình sắp trào ra, nàng vội bước vào nhà, đi thẳng xuống bếp, cố rứt bỏ hình ảnh thê lương của lão ra khỏi trí óc mình.
Nàng trở lên, ngồi vào bàn để chấm nốt xấp bài làm của học trò. Nhưng một lần nữa, trí óc nàng không thể tập trung được vào những dòng chữ trên các trang giấy. Nàng buông viết thẩn thờ nhìn ra đường.
Kia kìa, lão già lại xuất hiện từ hướng cư xá Sĩ quan. Y như lần trước, lão dừng lại bên đường, nhìn sang nhà mình. Lão nhìn sững vào cánh cửa đóng và từ từ dẫn xe qua đường. Lão móc túi lấy cái chìa đút vào ổ khóa. Cánh cửa mở ra, lão thò đầu vào nhìn quanh nhà, đôi mắt dừng lại nơi bếp. Hàng ngày, khi lão về đến nhà, luôn luôn bắt gặp cái lưng con gái lão ngồi trước bếp. Hôm nay, chỗ đó vắng teo, vài cây củi vương vãi phía trước chiếc lò lạnh lẽo. Một thanh củi to nằm tựa đầu vào chân giường của lão. Đó là cái vật mà lão đã dùng vụt một cách tàn nhẫn vào thân mình con gái. Lão bước đến cúi lượm, thẫn thờ nhìn thanh củi một chốc rồi quăng vào bếp và vội vàng quay lui ra khỏi nhà, leo lên xe đạp. Xa xa lại nổi lên tiếng rao bánh mì buồn bã của lão.
Gần trưa, lão trở về một lần nữa. Lão mừng rỡ khi thấy cửa nhà hé mở nên vội vàng dẫn xe qua đường. Nhưng khi bước vào căn nhà vắng vẻ, lão sực nhớ lúc nãy, sau khi lượm thanh củi ác nghiệt quăng vào bếp, lão đã vội ra đi như chạy trốn, quên đóng cửa và bấm chiếc ổ khóa lủng lẳng trên tấm vách trước nhà. Lão đứng ngẩn ngơ một chốc, rồi quay lui, khóa cửa cẩn thận và run rẩy leo lên xe, đạp đi một cách nặng nề.
Từ đó đến khi đi dạy, Điệp không còn thấy lão trở lại nữa; lão đã bỏ đi, không về nghỉ trưa như thường lệ.
Nắng như đổ lửa làm mặt đường nhựa mềm nhũn ra. Dọc theo con đường chỉ còn rất ít xe cộ qua lại. Có lẽ, giờ nầy lão đang ngồi trên ghế đá công viên, miệng nhai bánh mì mà lòng thấm thía nỗi buồn cô đơn.
Trong bao năm trời, lão đã giữ đúng giờ giấc và lộ trình đi bán. Cái lộ trình đó là từ ngã ba Ông Tạ, nơi lão nhận bánh từ một lò sản xuất, băng vào con hẻm đối diện, loanh quanh trong xóm cho đến phía sau cư xá Sĩ quan. Đến đây thì giỏ bánh đã gần cạn. Lão tiếp tục đi thêm vài con đường của cư xá, để bán nốt số bánh còn lại rồi về nhà với cái giỏ trống không.
Thế mà hôm nay, lộ trình bị thay đổi. Lão chỉ loanh quanh trong cư xá để quay trở lại, ngang qua nhà nhiều lần, để xem con gái về chưa.
Ăn cơm trưa xong, Điệp thay áo quần và đến trường. Buổi dạy hôm nay thực nặng nề đối với nàng, hình ảnh lão già cứ lởn vởn trong đầu. Chiều nay lão lại đi qua nhà bao nhiêu lần nữa với hi vọng nhìn thấy con gái trong nhà? Còn Lan, cô đã trở về chưa? Nếu lão già bắt gặp con gái tại nhà thì chuyện gì xảy ra khi cả hai vợ chồng Điệp đang ở tại trường?
Điệp phải chịu đựng bốn giờ dạy trong tâm trạng bất an nầy. Tan trường, nàng vội đạp xe về và nhận ra ngay không có gì thay đổi trong khi nàng đi dạy.
Vừa đến nhà, Quang đã thấy vợ đón ở cửa ra vào, bắt anh dừng lại để nghe nàng kể những việc đã chứng kiến suốt buổi sáng hôm nay.
Nghe xong, Quang có vẻ xúc động. Anh nói với vợ:
- Tội nghiệp ông lão. Ngày mai, anh xin nghỉ dạy một buổi để đến căn cứ không quân Biên hòa tìm Tuấn, bảo nó đem trả Lan về cho ông già.
Điệp lo lắng:
- Anh suy nghĩ lại xem. Em sợ lão còn tức giận, giết chết con Lan hay đánh đập cho hả cơn giận.
Quang trầm ngâm một lát rồi an ủi vợ:
- Có lẽ không sao đâu. Con Lan bỏ đi có thể là một bài học cay đắng nhưng rất quý cho lão ta. Dù sao, ở lão cũng còn tình cha con chứ.
Ngừng một chút, anh nói tiếp:
- Rất tiếc, đó là một lão già ít học, bị chiến tranh cướp mất vợ, mất cả ruộng đồng, chỉ còn lại tình cha con, nên cái tình nầy bị biến dạng một cách kỳ dị.
Điệp cười buồn, ngắt lời chồng:
- Lại triết lý dông dài rồi. Em muốn biết, nếu Lan về, lão già dở trò hung bạo thì mình có can thiệp hay không.
- Dĩ nhiên là có, nhưng bằng cách nào thì tính sau.
Điệp tỏ dấu bất mãn:
- Tính sau, tính sau! Tới chừng đó tính không ra, lờ đi bỏ mặc con nhỏ cho lão trừng trị hay sao?
Quang quay lại, nhìn vợ, xẳng giọng:
- Chứ em muốn thế nào? Để cho hai đứa nó dẫn nhau đi luôn, mặc xác ông già sao? Vả lại tình nghĩa vợ chồng lâu dài đâu có thể nào khởi đầu bằng một hành động giống như bắt cóc trong tiểu thuyết hay trong phim ảnh được.
Nói xong, Quang bỏ lên phòng trước. Ngồi một mình bên bàn ăn, Điệp cảm thấy cơn tức nghẹn lên cổ họng. Lời nói của chồng có tính miệt thị đứa em trai yêu quí của nàng. Tuy nhiên, nàng cũng thầm công nhận lời của chồng là đúng. Lúc cha mẹ còn sinh tiền, thời thơ ấu của nàng đã trải qua trong một không gian trọng đạo lý cổ truyền, nên trong ý nghĩ của nàng, hôn nhân luôn luôn gắn liền với một số nghi thức cần thiết.
Nhưng nàng không muốn công khai công nhận cái sai của em trai mình trước mặt chồng ngay lúc nầy và cũng không muốn đi trước một bước trong việc làm hòa với chồng. Tuy nhiên nàng giữ im lặng không phản đối dự định của chồng nên Quang hiểu rằng nàng đồng ý việc chồng xin nghỉ dạy để đi tìm Tuấn.

Hôm sau, Quang ghé qua trường, nạp đơn xin nghỉ một buổi rồi chạy thẳng về Biên hòa. Anh đến cổng chính của phi trường, xin vào bộ chỉ huy phi đội Ba trực thăng vũ trang của Tuấn. Người ta chỉ anh đến cổng số hai. Tại đây, người quân cảnh không cho anh vào mà kéo ghế mời anh ngồi rồi quay điện thoại gọi vào. Qua những lời đối thoại trong máy, Quang hiểu rằng Tuấn đang dự họp để chuẩn bị hành quân nên không gặp mặt người nhà được.
Người quân cảnh gọi điện xong, quay lại giải thích y như Quang đã biết. Anh xin một mảnh giấy trắng, lấy bút ghi vào mấy dòng, nội dung là Tuấn phải đưa Lan về gấp rồi nhờ trao lại cho Tuấn. Xong việc, anh buồn bã lên xe ra về.
Gần đến nhà, Quang đã thấy vợ đứng vơ vẩn trước cửa. Anh dựng xe, bước vào và kể ngay cho vợ nghe chuyến đi tìm Tuấn không thành. Kể xong, anh hỏi:
- Sáng nay em có thấy lão già trở về không?
- Có, chỉ một lần thôi. Trông mặt lão còn hốc hác hơn hôm qua nữa. Có lẽ lão thao thức suốt đêm vì nhớ con gái. Em đoán rằng, trong đầu của lão không chỉ có sự nhớ nhung mà thôi.
- Thế theo em, còn cái gì khác nữa ngoài sự nhớ thương?
- Chắc còn sự oán hận nữa. Thấy điệu bộ ông già, em lo cho sự an toàn của con Lan khi trở về nhà.
Quang cầm tay vợ, siết nhẹ. Anh nhớ đến sự bất hòa hôm qua giữa vợ chồng nên cố lấy giọng ôn tồn để trấn an:
- Theo anh thì ông già vừa nhớ thương vừa hối hận đã đánh đập con gái một cách tàn nhẫn nó mới bỏ đi.
- Em muốn tin lời anh nói để được nhẹ nhàng, nhưng….
Quang vịn vào vai vợ đẩy nhẹ vào nhà:
- Thôi, cứ chờ đợi việc sẽ đến. Nhận được giấy nhắn tin của anh, Tuấn phải đưa Lan về. Em đừng quá lo. Anh nghĩ rằng, với lão già quê mùa nầy, mình có cách đối phó để bảo vệ con Lan nếu lão còn định dở trò hành hạ.
Hai vợ chồng ăn cơm trưa để sửa soạn đến trường.
Buổi chiều, khi nắng sắp tắt, Điệp xong buổi dạy. Nàng vội vã đạp xe về, lòng thầm van vái gặp Tuấn và Lan tại nhà. Xe dừng lại, Điệp cảm thấy xót xa khi nhìn cửa của cả hai nhà đều đóng kín, ống khóa lủng lẳng ở lưng chừng. Nàng mở cửa bước vào nhà, thay áo quần và bắt đầu làm bếp trong im lặng, lòng buồn rầu, nặng trĩu. Một lát, sau Quang cũng về tới, trong tâm trạng gần giống như vợ.
Đến chín giờ tối, lão già đạp xe về. Quang ra đứng tựa cửa để quan sát. Lão già mở cửa lách cách, dẫn xe đạp vào, bật đèn sáng lên và đóng cửa lại ngay. Quang nghe có tiếng va chạm của soong nồi, chén bát và tiếng củi cháy nổ lép bép trong bếp. Quang quay vào nói với vợ:
- Có lẽ ông lão đã trở lại giờ giấc cũ, chỉ khác là đêm về phải tự nấu cơm.
Anh chép miệng:
- Không biết chừng nào hai đứa mới về. Tình hình quân sự, chính trị đang căng thẳng. À nầy em, báo ra buổi chiều hôm nay có đăng một vài trận đụng độ khá ác liệt.
- Mới ký hiệp định hòa bình có mấy tháng, chưa kịp thở, lại đánh nhau rồi.
- Hiệp định Paris chứ đâu phải hiệp định hòa bình.
Điệp ngạc nhiên:
- Không phải hòa bình thì ký hiệp định để làm gì?
- Vì mục đích khác.
- Mục đích gì?
- Mục đích riêng của mỗi bên.
Từ lâu, Điệp vẫn phục tài bình luận chính trị của chồng. Lý luận của Quang thực chặt chẽ và lý thú. Vì vậy, nàng hỏi tiếp:
- Mục đích riêng của mỗi bên là thế nào?
- Mỹ thì ký để rút ra khỏi vũng lầy Việt Nam trong danh dự. Mặt trận Giải phóng thì ký để có thì giờ chỉnh đốn hàng ngũ, bổ sung quân số. Bắc Việt ký để có thì giờ chuyển người và vũ khí vào Nam. Em hiểu chưa?
Điệp tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Phía cộng sản ký cái gọi là hiệp định đem lại hòa bình để tăng cường khả năng chiến tranh của mình à?
- Chớ còn gì nữa?
Điệp tức giận:
- Cả thế giới không ai biết điều đó sao? Tại sao người ta không tìm cách ngăn chậm âm mưu đen tối và lừa bịp đó mà vẫn để cho hiệp định được ký kết?
Quang cười, trêu chọc:
- Thôi đừng giận nữa cô em của tôi ơi. Thế giới chỉ than thở suông cho nỗi thống khổ của nhân dân miền Nam mà thôi. Mình ngã lăn ra chết hay rơi vào tay cộng sản thì có hề hấn gì đến họ.
- Thế còn Việt Nam Cộng hòa, ký vì mục đích gì?
- Chẳng có mục đích gì cả. Người ta ấn bút vào tay, bảo ký thì ký thôi.
Điệp lo lắng:
- Vậy có nghĩa là sẽ tiếp tục đánh nhau?
Quang mỉm cười, tát yêu vào má của vợ:
- Không phải sẽ mà bắt đầu rồi và chiến trận chắc chắn ác liệt hơn trước khi ký “hiệp định hòa bình” nữa.
- Tại sao ác liệt hơn?
- Vì bên kia đã trang bị đầy đủ, còn bên nầy thiếu hẳn sự tham chiến của Mỹ và các đồng minh. Họ đã lợi dụng thỏa hiệp Paris để tạo ưu thế về quân sự, sau đó họ sẽ mở những trận đánh lớn chứ không đánh du kích nho nhỏ như trước nữa.
Điệp vẫn còn thắc mắc:
- Nhưng tại sao bên ta không biết lợi dụng thỏa hiệp như họ để tăng thêm sức mạnh của mình?
- Không được. Theo hiệp định, chúng ta không được tăng thêm kho vũ khí của mình mà chỉ có thể thay thế bằng cách một đổi một mà thôi.
- Không lẽ điều khoản đó chỉ áp dụng riêng cho ta hay sao?
Quang cười một cách cay đắng:
- Trên lý thuyết, điều khoản nầy phải được cả hai bên tuân thủ. Nhưng trên thực tế, điều nầy chỉ trói buộc phía quốc gia mà thôi. Chúng ta làm điều gì cũng có tính công khai, trước mặt bao nhiêu là quan sát viên và phóng viên ngoại quốc. Còn họ thì chuyên làm chuyện lén lút. Vũ khí được chuyển từ Liên xô và Trung cộng rồi xuyên qua những cánh rừng già để vào Nam. Có anh quan sát viên hay phóng viên ngoại quốc nào dám chui vào đó để tố cáo họ không?
Điệp thở dài:
- Thằng Tuấn lại tiếp tục lăn vào chỗ chết.
Quang nhìn thẳng vào mắt vợ:
- Cũng vì lý do đó, anh muốn nó sớm đưa con Lan về. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng sắp đến, thằng Tuấn đâu có đảm nhận nổi bổn phận làm chồng đối với con Lan. Rồi con cái ra chào đời nữa thì thực là rắc rối.
Điệp cảm kích nhìn chồng một cách khâm phục.
Đêm đã về khuya, hai vợ chồng ngưng bàn bạc, chìm dần vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, mọi việc diễn ra như từ trước. Lão già lại ra đi từ năm giờ sáng. Đến bảy giờ rưỡi, Quang rời khỏi nhà. Điệp khóa cửa đi chợ rồi trở về, vừa ngồi soạn bài, vừa trông chừng ra đường. Suốt buổi sáng, hai trẻ không về. Lão già cũng không xuất hiện. Điều đó có nghĩa là nếp sống bình thường đã trở lại với lão. Có lẽ, tâm trạng não nùng của lão đã lắng vào một tảng băng lạnh lẽo mà lão kéo lê một cách nặng nề trên các phố phường, miệng rao bán từng ổ bánh mì, từng ổ bánh mì nóng dòn.
Buổi trưa, lão trở về, đóng sập cửa lại và có tiếng khua soong nồi và chén bát. Đó cũng là lúc Điệp khóa cửa, đạp xe đến trường. Điệp hi vọng những gương mặt thơ ngây của học sinh sẽ giúp nàng tìm lại được sự vui vẻ và bình yên. Nàng cố gắng nói thực to tiếng nhưng nàng nghe giọng mình nhạt phèo. Nàng không thể tập trung trí óc vào việc dạy nên phạm nhiều sai sót trong bài giảng. Những giờ dạy càng làm cho nàng buồn bực hơn.
Chuông tan học reo vang. Điệp xếp sách vở vào giỏ, cho học trò ra khỏi lớp và uể oải bước xuống nhà xe. Ra trước cổng trường, nàng chưa vội về như mọi khi. Nàng ngồi lên yên xe, im lặng nhìn dòng học trò chen chúc ra về. Hai bên đường, những căn phố cửa mở toang, vui vẻ với kẻ ra người vào. Nghĩ đến hai gian nhà của nàng và của Lan vẫn đóng im ỉm buồn hiu, Điệp muốn khóc cho vơi cơn phiền muộn. Nàng thở dài và nhấn chân lên bàn đạp.
Nàng dạy ở trường gần nên buổi chiều, luôn luôn về trước chồng. Gần đến nhà, tim nàng bỗng đập liên hồi, như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cửa nhà của nàng mở toang, bên cạnh đó cửa nhà Lan cũng mở toang. Nàng vội vã dựng xe và lao đến thềm nhà.
Nàng đứng phắt trên bục cửa, há hốc nhìn vào. Tuấn và Lan như đôi vợ chồng mới cưới, đứng cạnh nhau trước bàn làm việc của chị. Nghe tiếng động, hai trẻ quay lại nhìn ra. Nỗi vui mừng đột ngột làm Điệp trở nên bất động.
Trước mặt nàng, Tuấn trông hiên ngang và đẹp trai hơn trong bộ đồng phục không quân, bông mai vàng lấp lánh hai bên cổ áo. Lan thì hết sức xinh xắn trong chiếc áo bông may khéo, miệng chúm chím nụ cười e thẹn.
Điệp bước tới ôm chầm lấy Lan, hôn lên đôi má thơm phức của người con gái. Hai người rời nhau ra. Điệp thấy Lan nhìn mình cười mà mắt rơm rớm.
Giọng hai người đều nghẹn ngào như nhau:
- Chị Điệp!
- Lan, em!
Điệp quay sang em trai mình, giọng hơi trách móc:
- Tuấn, hôm nay em mới chịu đem Lan về trả lại phải không?
Tuấn cười một cách vui vẻ:
- Vâng, em đưa Lan về nhưng không phải để trả mà gởi tạm cho anh chị và ba của Lan.
Điệp nhíu mày:
- Em nói như thế nghĩa là gì?
- Nghĩa là bây giờ Lan là vợ của em, là em dâu của chị. Tuy nhiên, chúng em chưa thể sống chung với nhau được ngay bây giờ.
Tuấn quay sang Lan:
- Có phải vậy không, bà thiếu úy Tuấn thân mến?
Lan đỏ mặt vì sung sướng và hổ thẹn. Nàng đập nhẹ vào vai của Tuấn:
- Em không biết, mọi việc đều do anh sắp đặt.
Điệp ngạc nhiên đến há hốc . Mới có ba ngày theo Tuấn, Lan đã như lột xác. Từ một cô gái quê mùa nhút nhát, nàng đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp rực rỡ và có phần bạo dạn như con gái thị thành. Đóa hoa hàm tiếu của mấy ngày trước đây đã được những giọt nước của tình yêu tột đỉnh dội vào và nở tung thành đóa hoa rạng rỡ.
Chúng nó đã thành vợ, thành chồng thực sự rồi”. Điệp nghĩ thầm và mặt bỗng đỏ bừng vì ý nghĩ thầm kín đó.
- Hai em về hồi nào?
- Trước chị độ mười phút thôi.
Tuấn vừa trả lời, vừa đi xuống bếp. Hai người đàn bà đi theo. Tuấn chỉ một gói khá to đặt trên bàn ăn:
- Quà của tụi em tặng anh chị và…
Cậu bối rối nhìn tấm vách ngăn, bên kia là nhà của Lan. Cả ba im lặng, lòng bỗng dưng nặng trĩu. Tuấn vô tình gợi ra hình ảnh lão già, không khí vui tươi lập tức tan biến. Điệp lo lắng nhìn Lan. Cô gái hiểu ý chị. Nàng cúi xuống nói nhỏ:
- Từ nay, em là vợ của anh Tuấn rồi. Ba em có chửi mắng, có đánh đập hay giết chết em cũng chịu.
Nói xong, bỗng nhiên Lan bưng mặt khóc nức nở. Điệp bậm môi cố kềm tiếng khóc, nhưng cảnh vật trước mắt nàng nhòe đi sau làn nước mắt đã chảy dài trên đôi má. Nàng ấn mạnh đầu Lan vào mặt mình. Lan run run trong vòng tay của chị. Điệp cảm thấy cô gái trở lại nguyên hình của một thiếu nữ quê mùa, yếu đuối, đáng thương biết bao.
Có tiếng xe đỗ bên ngoài, Quang bước nhanh vào. Anh vừa đưa cả hai tay lên trời vừa la to một cách hớn hở:
- Ồ, xin chào, xin chào tất cả những con người thân mến của tôi.
Sự có mặt của anh xua đuổi không khí ảm đạm vừa bao trùm căn nhà bé nhỏ. Anh siết chặt tay Tuấn, ấn cậu em ngồi xuống ghế và tiếp tục nói một cách vui vẻ:
- Tuấn, Lan, hai em về lúc nào? Có nhận được giấy báo tin của anh gởi cho người quân cảnh hay không?
Tuấn vội vã trả lời:
- Nhận được liền. Họp xong, em chạy ngay ra cổng thì anh về từ lâu rồi. Chiều hôm qua và sáng nay, em phải túc trực đợi lệnh nên chiều nay vợ chồng chúng em mới đưa nhau về trình diện anh chị.
Quang thoáng sửng sốt khi nghe mấy chữ vợ chồng chúng em, nhưng anh hiểu ngay nên giọng nói vẫn thản nhiên và vui vẻ:
- Anh xin chúc mừng, nhưng trước hết, Tuấn kể anh nghe đầu đuôi câu chuyện, kể từ ba ngày trước đến giờ.
Tuấn lắc đầu:
- Em không muốn nhắc chuyện cũ nữa. Dù sao ông cụ cũng là ba của Lan, tức là cha vợ của em.
Tuấn ngừng một chút rồi lên giọng, nói lớn hơn:
- Anh chị chỉ cần biết điều nầy: Lan mãi mãi là vợ của em. Ông trời cũng không ngăn cản được điều đó. Vả lại…
Quang đưa tay ra hiệu ngăn lời Tuấn:
- Khoan, trước hết, anh muốn hai em biết rằng anh không bao giờ có ý bắt tội hai em hoặc ngăn cản hai em thành vợ thành chồng. Trái lại, hai em nên duyên cầm sắt là điều mong ước, niềm vui và hạnh phúc to lớn của anh. Tuấn hiểu điều đó không?
Tuấn nhìn anh, giọng cảm động:
- Em hiểu tình thương của anh chị đối với chúng em. Em biết ơn anh chị vô cùng.
Quang dịu giọng, ôn tồn bảo:
- Thôi được, chuyện cũ bỏ qua cũng phải, nhắc lại chẳng ích lợi gì. Tuy nhiên, anh muốn biết điều nầy: mấy hôm nay, hai em ở đâu?
- Khách sạn.
- Thế bây giờ, cậu tính sao?
- Được giấy gọi của anh, em đưa Lan về chứ chưa tính gì cả.
Quang cười nửa miệng:
- Thế cậu có nghĩ đến chuyện nhà, chuyện cửa chưa? Hay là tính suốt đời ở khách sạn?
Biết anh nói mỉa mình, nhưng Tuấn không giận:
- Em chưa tính được vì đơn vị em được lệnh chuẩn bị tăng phái cho Bộ Tư lệnh Quân Đoàn Hai đóng tại Pleiku, để đánh chặn quân Bắc Việt ở đường mòn Hồ chí Minh. Chưa biết chừng nào đi, có lẽ không còn lâu đâu. Thời gian biệt phái ước lượng hơn một tháng. Khi nào về, em sẽ tính.
- Thế từ đây đến đó?
- Lan về với cha. Việc gì khác nhờ anh chị.
Quang và Điệp mỉm cười khi nghe cậu em giao trọng trách vô cùng khó chịu mà nét mặt và giọng nói vẫn thản nhiên, y như nhờ đi mua một gói thuốc hút mà thôi. Tuy vậy, hai người thấy vui và một chút hãnh diện vì sự tín cẩn hoàn toàn của đứa em trai.
Quang hỏi:
- Chừng nào cậu về đơn vị?
- Ngay bây giờ.
Điệp sửng sốt:
- Ngay bây giờ? Nhưng em và Lan mới về tới mà. Em không thể ở lại một đêm để bàn kỹ về hôn nhân của hai em hay sao?
- Không được, rất đáng tiếc. Em hứa với đơn vị trưởng đưa Lan về nhà rồi vào trình diện ngay.
- Cấm trại một trăm phần trăm rồi à?
Tuấn đáp:
- Chưa có lệnh cấm trại nhưng đơn vị phải túc trực để chuyển quân lên cao nguyên bất cứ lúc nào. Nếu chưa di chuyển thì trưa thứ bảy em về. Ngày nghỉ thì năm mươi phần trăm quân số ở lại trại, những người khác được về nhưng phải để lại địa chỉ rõ ràng và chính xác để đơn vị có thể nhờ quân vụ thị trấn đưa về ngay khi có lệnh.
Quang đứng dậy bắt tay Tuấn:
- Thôi chú rể về đơn vị đi, để cô dâu lại anh chị lo!
Lan xấu hổ cúi đầu để dấu nụ cười sung sướng. Tuấn đến đặt tay vào vai người con gái:
- Lan, em ở lại, anh vào trại.
Cậu cúi xuống định hôn tạm biệt, nhưng Lan đã đẩy người yêu ra và chạy đến núp sau lưng chị.
Quang cười vang và tiễn cậu em ra cửa.
Sau khi Tuấn đi, Lan từ giã anh chị về nhà lo nấu cơm. Quang và Điệp cũng bắt tay vào công việc thường ngày.
Bữa cơm chiều dọn ra, hai vợ chồng vừa ăn vừa bàn bạc cách đối phó khi lão già về nhà. Cuối cùng, họ đồng ý giải pháp nầy: Nếu lão Tư Thủ dùng vũ lực hành hạ Lan thì lập tức Quang nhảy vào can thiệp còn Điệp chạy đi nhờ cảnh sát đến bảo vệ cô em.
Cơm nước xong, Quang ngồi đọc báo độ nửa giờ rồi đến bàn, ngồi soạn bài dạy cho ngày mai. Điệp thì chẳng làm gì được vì không nén được lòng dạ bồn chồn. Nàng ra cửa nhìn con đường đã lên đèn từ lâu, quay vào nhìn đồng hồ, rồi lại quay ra ngồi trên chiếc ghế sau cửa sổ, nhìn xe cộ chạy ngang qua.
Đến chín giờ, Quang giật mình khi nghe tiếng gọi thất thanh của vợ:
- Anh Quang, lão ta về!
Quang buông viết, đi nhanh ra cửa. Lão già dừng xe, đưa tay dụi mắt, nhìn vào cánh cửa mở rộng của nhà mình. Ánh đèn từ trong nhà hắt ra in một vệt sáng vàng nhạt đến tận vệ đường. Trong gian nhà nhỏ, rõ ràng cô con gái của lão đang ngồi trước bếp, lưng quay ra ngoài.
Tim Điệp đập thình thịch trong lồng ngực. Nàng cố nhìn nét mặt lão già để đoán xem điều gì đang xảy ra trong đầu lão, nhưng ánh đèn quá tối, nàng không đoán nổi nên đành im lặng, hồi hộp theo dõi.
Lão già xuống xe nhìn hai đầu, rồi chầm chậm băng qua đường. Lão đẩy xe đạp vào, tay run nên bánh trước đụng vào cánh cửa. Lan nhỏm dậy quay lại, mặt tái mét. Nàng đứng yên nhìn cha dựng xe vào vách. Đôi chân bủn rủn, Lan vội đưa tay vịn vào vách ván. Lão già ngước mắt nhìn con gái vài giây rồi im lặng đi về chiếc giường nhỏ, chẫm rãi nhấc chiếc gối lên, nhét bao tiền vào.
Lan muốn quay đầu lại bếp để biết xem trong đó có còn cây gỗ nào to hay không. Nàng hối hận vì khi nãy, bận lo nấu nướng nên nàng quên để ý để cất giấu đi. Bây giờ, nàng không thể giấu được nữa, nàng chỉ có thể nhìn xem cây gỗ to cỡ nào để ước lượng sức chịu đựng của mình. Tuy nghĩ vậy nhưng nàng vẫn đứng trơ ra, hoàn toàn bất động, mắt không rời cha.
Ông lão ngồi im trên giường một lát rồi lặng lẽ tụt xuống, bước đến bàn ăn ngay bên dưới bóng đèn tròn từ trên mái nhà thả xuống. Lão có vẻ ngạc nhiên. Trên bàn, ngoài soong cơm như thường lệ, lão thấy có nhiều dĩa thức ăn, tất cả đều nóng sốt và ngon lành. Lão nuốt nước bọt. Ba hôm rồi, có bữa lão chỉ ăn một ổ bánh mì lạt, có bữa ăn cơm với nước mắm. Bây giờ, trước mặt lão, bữa cơm thực ngon lành. Tuy vậy, theo thói quen, lão không vội vàng mà chẫm rãi bới cơm ra chén và thong thả ngồi ăn.
Lan rón rén bước đến bàn, se sẽ ngồi xuống ghế trước mặt cha. Lão ngừng ăn, ngước lên nhìn, rồi tay trái bỏ chén cơm xuống, lão khẽ rướn mình tới trước, đẩy nhẹ cái chén không về phía Lan, như một cử chỉ mời mọc. Lan hồi hộp cầm lấy chén, bới cơm và bắt đầu ăn.
Tất cả những điều trên đây xảy ra như một vở kịch câm. Vở kịch câm thực hoàn hảo, không một tiếng động, không một tiếng nói, không một cử chỉ dư thừa. Tiếc một điều là vở kịch câm đó chỉ có hai khán giả thưởng thức, lại thưởng thức trong tư thế đứng xem lén lút bằng cách dán mắt nhìn qua khe vách ván.
Vở kịch câm đến đây coi như kết thúc, kết thúc một cách tuyệt vời, hơn cả điều mong muốn của hai khán giả. Cả hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm và len lén ra về.


*
* *



TUẤN phóng xe nhanh dưới cái nắng đổ lửa làm cho mặt đường trông như rung rinh vì khối không khí bị đốt nóng bên trên. Gần đến nhà, Tuấn cho xe chạy chậm lại. Cửa nhà chị Điệp đóng kín có khóa bên ngoài. Cửa nhà Lan mở toang, chiếc xe đạp cũ kỹ đáng nguyền rủa đứng tựa vào vách ván. Tuấn đang lưỡng lự thì bóng Lan ló ra cửa, nét mặt hốt hoảng, một tay vịn vào khung gỗ, một tay xua, như muốn đuổi cậu đi nhanh cho khỏi chỗ nầy.
Như bị thúc đẩy bởi bản năng, Tuấn siết ga, chiếc xe rú máy, lao về phía trước. Tuấn bực tức dậm chân mạnh vào sàn xe. Bốn hôm rồi, không thấy mặt người yêu, Tuấn nhớ như điên như cuồng. Lan đã là vợ của cậu rồi kia mà. Tại sao phải trốn chạy như một thằng hèn như thế nầy? Mà trốn chạy ai? Trốn chạy một lão già, mà ngay với thế võ đơn giản đầu tiên, cậu đã hạ nốc ao một cách gọn gàng?
Tuấn dừng xe bên quán nước, dưới bóng mát một cây to. Ly nước ngọt mát lạnh làm cậu dịu lại. Cơn bực tức vừa mờ đi thì hình ảnh người yêu xuất hiện rõ ràng. Cậu chép miệng:
- Tôi nghiệp Lan.
Cậu biết rằng bốn ngày qua là bốn ngày nàng khắc khoải nhớ nhung. Tuấn nghĩ thầm: “Rõ ràng vừa nghe tiếng xe của mình, nàng đã ló đầu ra khỏi cửa. Nàng đã nóng lòng chờ đợi biết bao, ngày thứ bảy hò hẹn nầy”.
Một câu hỏi chợt xuất hiện trong ý nghĩ của cậu: “Nhưng tại sao em không ra hiệu cho mình vào nhà chị Điệp chờ đợi? Tại sao khi thấy em xua tay, mình không nghĩ đến điều đó mà rú ga bỏ chạy? Tại sao? Tại sao? Hay là…”
Tuấn nghe chính tiếng mình rên rỉ:
- Lão ta đã làm gì? Lão ta đã làm gì Lan để đến nỗi nàng hoảng sợ đến thế?
Mấy ngày qua Tuấn chìm đắm trong thương nhớ và trong kỷ niệm nồng cháy của những ngày sống bên nhau trong khách sạn nên cậu quên không nghĩ đến sự trừng phạt của lão già đối với nàng. Bây giờ, đối diện với thực tế, cậu chợt nhớ đến điều nầy và nghe lòng quặn thắt.
Tuấn rùng mình nhớ lại hình ảnh lão hung thần đứng dạng chân, nện thanh củi to vào tấm thân bé nhỏ mà cậu yêu thương hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời nầy. Cậu ngồi thẳng dậy, lắc đầu để xua đuổi hình ảnh ghê rợn đó đi. Tuấn nhìn đồng hồ tay. Mới một giờ rưỡi trưa. Còn những hai tiếng rưỡi nữa thì lão già mới ra khỏi nhà, cậu phải làm gì đây cho hết thời giờ chờ đợi?
Tuấn trả tiền nước giải khát, lên xe vọt thẳng về trung tâm thành phố, vì chẳng biết đi nơi nào khác. Phố phường thưa thớt và lộ vẻ mệt mỏi vì cái nắng trưa hè. Nhiều cửa tiệm đóng cửa nghỉ, số còn lại mở cửa với người bán hàng uể oải nhìn ra đường hay ngủ gà ngủ gật trên ghế. Cậu cảm thấy buồn ngủ, nên khi đi qua rạp chiếu bóng thường trực Vĩnh lợi, cậu đạp thắng, quay lại gửi xe và mua vé rồi chui vào rạp. Rạp thưa người nên Tuấn dễ dàng tìm được một ghế trống xa những người khác. Cậu ngã người trên ghế, cảm thấy dễ chịu vì không khí mát mẻ do các máy điều hòa nhiệt độ, tương phản với sự oi bức bên ngoài. Tuấn nhắm mắt lại, ánh sáng trên màn bạc và âm thanh từ các loa mờ dần, cậu đi vào giấc ngủ.
Phim chấm dứt, nhạc rậm rật nổi lên làm Tuấn tỉnh dậy. Đèn trong rạp bật sáng. Vài người đứng dậy, một số người khác còn ngồi lại chờ chiếu xuất sau. Tuấn vén tay áo xem đồng hồ. Thôi chết, bốn giờ hai mươi rồi. Tuấn bật đứng dậy, ra lấy xe phóng về.
Từ xa, Tuấn đã nhìn thấy cửa nhà Lan khép kín, còn cửa nhà chị Điệp mở toang. Cậu cho xe chậm lại, trả số và chạy thẳng lên lề. Cậu lui cui chống xe và khi ngẩng lên, cậu đã thấy người con gái thân yêu hiện ra giữa khung cửa, rực rỡ trong ánh sáng của nắng chiều.
Cậu bước vội lên, khẽ chạm tay vào vai người yêu, đẩy nhẹ vào trong. Cậu đưa chân khép cửa và hai thân mình ôm chầm vào nhau. Đôi môi Tuấn tham lam tìm đôi môi nóng hổi của Lan. Một tay cậu ôm bờ vai tròn trịa, một tay nâng chiếc đầu bé nhỏ thân yêu. Lan co rúm người lại vì cảm giác đê mê khởi đầu từ môi thấm qua đầu lưỡi, rồi nàng nhũn người ra, buông thả khi cảm giác ấy lan nhanh khắp cơ thể. Thời gian ngừng lại, làm cả vũ trụ ngừng theo.
Rồi mọi vật bắt đầu cử động lại khi bàn tay Tuấn rời bờ vai, sờ soạn đi tìm da thịt người con gái.
Dưới bản năng tự vệ của con thú rừng đã từng gặp hiểm nguy nơi chốn cũ, Lan như bừng tỉnh cơn mê. Nàng gượng thẳng dậy, âu yếm gỡ bàn tay đam mê của người yêu ra khỏi vùng cấm, đẩy nhẹ Tuấn ngồi vào ghế. Nàng say đắm nhìn người yêu với cặp mắt chưa tan hết nét dại khờ. Một phút sau, nàng đưa ngón tay mềm mại chỉ vào trán Tuấn, mắng yêu:
- Con mèo thích ăn vụng nầy. Chị Điệp sắp về rồi đó.
Con mèo thích ăn vụng’ nắm lấy hai bàn tay nàng, úp mặt vào mặt mình.
Bỗng Tuấn ngửng lên nhìn Lan. Tay vẫn nắm tay, nhưng giọng nói trở nên bực tức:
- Lan, rồi suốt đời chúng mình cứ phải lén lút như thế nầy sao?
Lan thương hại đặt tay lên mái tóc người con trai, giọng nhỏ nhẹ:
- Anh Tuấn, anh giận em rồi sao? Rồi mình sẽ kiếm nhà, anh với em cùng sống với nhau mà. Lúc đó, anh muốn….
Nàng im bặt, mặt hồng lên, e thẹn với câu nói nửa chừng của mình.
Tuấn ngước mắt nhìn lên khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời của người con gái thân yêu. Cậu thấy lòng xót xa. Lan vừa bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời trinh nữ thơ ngây, nhưng nét mặt còn quá hồn nhiên, tâm hồn còn phơi phới trong không gian hồng của những ước mơ đơn giản.
Một căn nhà đơn sơ, một đôi uyên ương bé nhỏ. Chồng là anh sĩ quan không quân trẻ tuổi, vợ là cô thợ may xinh xinh. Hai nguồn lợi tức đủ cho hai trẻ có cuộc sống bình thường và, hàng tháng, có thể để dành một món tiền để chuẩn bị cho đứa con đầu lòng.
Ứớc mơ đó khiêm nhường biết bao! Nó quá thấp bé để mọi người đưa tay ra là nắm được. Nhưng cuộc chiến tranh “giải phóng” của người cộng sản đã làm cho ước mơ khiêm nhường và thấp bé đó trở thành quá xa vời.
Tuấn ngồi xuống ghế, buồn rầu nói với người yêu:
- Lan, anh yêu em hơn bất cứ thứ gì trên thế gian nầy. Anh muốn suốt đời không rời em. Nhưng mà sáng mai anh phải cùng đơn vị lên tăng phái cho cao nguyên. Một tháng nữa anh sẽ trở về và nổ lực tìm phương cách sống chung cùng em.
Tuấn nói xong, im lặng nhìn ra bên ngoài qua hai cánh cửa sổ mở rộng. Thấy mặt người yêu thẫn thờ, Lan cúi xuống, ghé miệng cắn vào tai:
- Anh Tuấn, em yêu anh lắm mà. Em đã là vợ anh kể từ đêm đầu chúng mình ở khách sạn đó, anh có nhớ không?
Nói xong, nàng thẹn thùng ngước lên nhìn đồng hồ rồi vội vàng rời chỗ Tuấn, đến ngồi ngay ngắn bên chiếc máy may. Tuấn vẫn yên lặng tại chỗ, tâm tình như chới với trên bức tường cao, một bên là hạnh phúc mênh mông với cô vợ trẻ, một bên là núi rừng bạc ngàn của đất cao nguyên, trên đó Tuấn sẽ nghiến răng siết mạnh cần lái cho trực thăng lao qua lưới lửa phòng không của địch và bổ nhào xuống những lùm cây lúp xúp, nơi nghi có người ẩn núp….
Cậu buồn rầu nghĩ đến ngày mai cùng đơn vị lên tăng phái ở cao nguyên. Cậu hiểu rằng cuộc sống của kẻ tăng phái thì rất bấp bênh. Không phải là con ruột, nên người ta xài mà không tiếc thương. Hết cuộc hành quân nầy tiếp theo ngay cuộc hành quân khác. Đánh thắng thì họ lãnh huân chương. Rủi sa cơ thì họ lạnh lùng mang xác tăng phái về trả cho đơn vị gốc.
Tuấn thở dài đứng lên thì cánh cửa xịch mở. Điệp bước vào, tà áo dài cô giáo phất phơ trong gió nhẹ.
Chiều hôm đó, lần đầu tiên, Lan ăn cơm với gia đình anh chị, để tiễn đưa Tuấn ngày mai lên đường đến chiến trường cao nguyên. Điệp sắp Lan ngồi gần Tuấn, hai trẻ trông đẹp đôi vô cùng. Lan cứ luôn tay gắp thức ăn vào chén người yêu. Tuấn cứ phải liên tục nhai nuốt để cho Lan vui lòng. Quang và Điệp thỉnh thoảng dừng ăn, gác đũa nhìn hai trẻ một cách trìu mến.
Sau bữa cơm, Điệp và Lan nhanh chóng dọn dẹp, đem nước để bốn người vừa uống vừa chuyện trò. Chốc nữa đây, Tuấn phải chia tay, ngày mai đi xa, chưa biết chính xác ngày về, có biết bao điều cần nói với nhau giờ phút nầy.
Quang mở lời:
- Hai em đã nên duyên chồng vợ. Anh chị là những người thân nhất của Tuấn thừa nhận điều đó. Tuy nhiên cũng nên có một hình thức lễ nghi nào đó đối với ba má và tổ tiên, cùng là việc báo tin mừng với bà con và bạn bè.
Quang ngừng nói, nhìn hai em, thấy rõ sự chú ý lẫn căng thẳng trên nét mặt nên anh tiếp lời:
- Điều nầy rất nên thực hiện nhưng anh chị có bàn bạc với nhau và đồng ý chưa thể xúc tiến ngay được. Lý do thứ nhất là Tuấn được lệnh tăng phái cho cao nguyên. Lý do thứ hai là phải có thì giờ thuyết phục cụ thân sinh của Lan chấp nhận điều nầy. Tuấn hãy yên tâm lên đường vì nhiệm vụ của người chiến sĩ, anh chị sẽ lo thu xếp công việc quan trọng nầy cho hai em.
Tuấn nhìn anh, lòng thực cảm kích:
- Em cám ơn anh chị.
Lan tiếp lời:
- Suốt đời chúng em không quên ơn anh chị.



*
* *



BA ngày sau khi Tuấn lên đường, có hai lá thư từ Pleiku gởi về, được bác bưu tá già mang đến. Cả hai đều là thư của Tuấn. Thư gởi cho anh chị thì ngắn, kể qua loa chuyến đi và nơi đến. Thư gởi cho người yêu thì tràng giang đại hải, lặp đi lặp lại rất nhiều lần hai chữ nhớ thương.
Lan đọc lá thư đến ba lần. Nàng xếp thư rồi lật ra, rút tờ giữa một cách ngẫu nhiên, đọc lại một phần bức thư:
“… Nhận xong chỗ ở là anh chạy ngay ra phố, bụng đói meo. Mấy quán ăn mời gọi nhưng anh cứ đi qua. Anh đi dài theo các phố, châm bẩm nhìn vào các gian hàng mỹ phẩm và kỷ vật cao nguyên. Anh để tâm chọn một món quà mà em ưa thích để hôm nào về trao tặng cho nàng tiên xinh đẹp của anh. Bây giờ trong túi anh cạn tiền, nhưng ngày cuối tháng đã gần kề, chờ đợi đơn vị gởi lương lên, anh sẽ mua ngay món quà quý giá với tất cả số tiền lương đó, nếu thiếu thì mượn thêm của bạn bè. Đời nhà binh phải lo xa như thế mới được em ạ. Lệnh di chuyển thường ban ra đột ngột, chỉ đủ thì giờ thu dọn quân trang, quân dụng, làm sao kịp mua tặng phẩm cho nàng tiên bé nhỏ của anh được…”.
Lan nhắm mắt lại, đưa thư lên miệng hôn rồi áp lá thư lên ngực mình, cái nơi mà, lúc ở khách sạn, Tuấn thích dúi đầu vào làm nàng chới với trong một khoảng trống, không có điểm tựa. Nàng buông thư xuống và ngạc nhiên khi rờ thấy mặt mình đẫm nước mắt. Nhưng nàng hiểu ngay đó là dòng nước mắt của hạnh phúc, của yêu đương, của một trời nhung nhớ.
Nàng lật bao thư xem địa chỉ, thấy võn vẹn ba chữ KBC với bốn con số liên tiếp nhau. Lau sạch nước mắt, nàng sang nhà chị Điệp xin giấy và bút để viết thư.

Một tháng trôi qua, những lá thư diễm tình đều đặn đan nhau trên bầu trời Pleiku - Sài gòn. Người đưa thư già năng lui tới nhà Lan. Mỗi lần thấy Lan hấp tấp chạy ra nhận thư và rối rít cám ơn, bác mỉm cười, đôi mắt hiền lành hấp háy sau đôi kính trắng. Bác đã làm cái nghề nầy hơn hai mươi năm rồi. Bác đã đạp xe, mang biết bao nhiêu tâm tình buồn vui, thương ghét của người nầy trao cho người khác. Mỗi lần phát thư, bác thích trao tận tay người nhận một cách ân cần. Nếu phải nhét thư vào khe cửa của một nhà vắng chủ, bác cảm thấy một chút phiền muộn trong lòng.
Vì thế, một điều rất dễ hiểu là chỉ mới hơn một tháng, Lan đã thấy mến bác. Hàng ngày, Lan ngóng trông bác đến. Mỗi lần thấy bác ghé vào, Lan chạy ra cúi đầu lễ phép như với một người thân, thuộc hàng cha chú mình vậy.
Sáng nay, như thường lệ, nàng ngồi may ở nhà Điệp. Đây là chiếc áo cuối cùng của lô hàng mà nàng nhận cách nay một tuần. Nàng sẽ dành cả buổi chiều rảnh rỗi để viết một bức thư dài cho người yêu. Ở chiếc bàn bên trong, Điệp chăm chỉ chấm bài cho học trò. Giữa các tiếng ồn ào của xe cộ bên ngoài, thỉnh thoảng nàng nghe tiếng sột soạt của những tờ giấy học trò mà Điệp lật qua để chấm tiếp trang sau.
Ngoài đường, bác đưa thư dừng xe cách nhà Điệp vài căn. Bác ái ngại lấy từ túi da ra một phong thư khác thường. Bác biết đó là phong thư đựng một công điện nhà binh. Từ ngày chiến tranh trở nên ác liệt, bác đã nhiều lần trao những phong thư như thế nầy và, sau đó, khi phong thư được mở ra, bác phải chứng kiến cảnh người nhận thư sụm xuống trong một tiếng thét đau thương. Đó là điều khủng khiếp đối với bác; nhưng làm sao bỏ được cái nghề mà bác đã buồn vui với nó trong bao nhiêu năm rồi.
Bây giờ, bác sắp chứng kiến điều khủng khiếp đó ở một cô gái dễ thương mà có lần bác ước mơ là con gái của chính mình. Những phong thư loại nầy đã làm bác mệt mỏi lắm rồi, nhưng biết làm sao bây giờ.
Một cách uể oải, bác đẩy xe về phía cửa.
Nhìn thấy bác đưa thư, Lan hớn hở chạy ra. Bác cúi mặt xuống, lúc trao thư. Xong rồi, bác tần ngần, không biết nên bỏ đi hay nên đứng chờ. Mà chờ cái gì, bác cũng không hiểu nổi.
Nghe tiếng giấy bị xé rách, bác ngẩng lên. Cô gái đang cầm bức điện trên tay, đôi mắt mở to rồi nhắm lại, mặt trắng bệch. Cô thả bức điện ra, vịn vào bệ cửa và từ từ sụm xuống. Bác hoảng hốt, quăng chiếc xe đạp ngã ngang làm cái nắp túi da bật ra, mấy lá thư văng ra ngoài. Bác chồm lên, xốc vào nách cô gái đang mềm nhũn như cọng bún; miệng bác la bai hải:
- Trời đất ơi! Bà con ơi, cứu với, cứu với!
Điệp ở trong bếp hoảng hốt chạy ra, đỡ lấy em. Nhưng khi nhìn thấy bức điện dưới đất, nàng chụp lấy lướt mắt đọc qua; hai tay nàng nhũn ra, đôi chân cũng nhũn ra, nàng ngồi bệt xuống đất và văng vẳng nghe tiếng thét vô cùng đau thương của chính mình.
Những tiếng la của bác đưa thư và của Điệp làm người ta chạy đến mỗi lúc một đông. Khi thấy có người đến đỡ cô gái, bác đưa thư vội đứng dậy đến chỗ chiếc xe của bác. Một cậu thanh niên đang dựng xe dậy, một cậu khác cúi lượm những phong thư văng ra bên ngoài. Bác nhận thư, nhét vào cặp da, nhìn quanh vùng đất. Khi thấy chẳng còn phong thư nào nữa, bác vội vã đẩy xe ra đường, khòm lưng phóng thực nhanh về phía trước. Được một đoạn, bác dừng xe, thở hổn hển, rồi dắt xe lên lề đường, vào một quán giải khát đặt dưới bóng cây cao, nặng nhọc buông mình xuống ghế. Bác gọi một ly nước ngọt rồi ngửa người ra trên ghế, nhắm mắt lại để tránh những tia nắng xuyên qua cành lá. Bác đưa tay lên ngực để nghe nhịp đập của quả tim. Bác cảm thấy mệt nhọc và chán nản vô cùng cực. Bác lẩm bẩm:
- Phải chi mấy ông nhân danh giải phóng để gây ra cuộc chiến tranh nầy được chứng kiến một đôi lần cái cảnh như vừa rồi…
Mắt vẫn nhắm nghiền, bác lắc đầu:
- Vô ích thôi, tim họ đã hóa đá mất rồi!
Bác sờ soạn trên bàn, cầm ly nước mát lạnh đưa lên môi.
Người ta dìu hai chị em vào nhà, đặt ngồi trên ghế. Mấy bà gọi nhau í ới, mùi dầu gió xông lên nồng nực. Cả hai đều đã tỉnh lại, ôm nhau khóc nức nở.
Theo lời nhờ cậy của Điệp, người ta cấp tốc đến trường báo cho Quang biết. Đang là giờ chơi của học trò, anh xin phép về ngay tức thì.
Anh hấp tấp vẹt đám đông, đâm bổ vào nhà. Điệp vùng đứng dậy, ôm chầm lấy chồng:
- Anh Quang ơi, Tuấn chết rồi!
Quang run run buông thỏng hai tay, mặt trắng bệch. Anh dìu vợ ngồi vào ghế, lẳng lặng lượm bức công điện, chăm chỉ đọc. Bức điện viết theo ngôn ngữ nhà binh, ngắn gọn và lạnh lùng, báo tin thiếu úy phi công Tạ Trọng Tuấn đã tử trận và mất tích tại chiến trường Daktô. Cuối cùng, bức điện yêu cầu thân nhân đến Bộ Chỉ huy Không Đoàn Ba để biết thêm tin tức và lập thủ tục nhận tiền tử tuất.
Thôi rồi, còn đâu nữa đứa em vợ thân yêu của anh!
Anh không bao giờ còn nhìn thấy cậu em cường tráng trong bộ quân phục phi công, bông mai vàng lấp lánh trên cổ áo!
Anh cố gắng nén cơn xúc động, bước ra cảm ơn mọi người, báo tin em của anh đã tử trận rồi mời mọi người ra về. Anh khép cửa lại, gục đầu vào vách, cắn môi đến rớm máu để ngăn tiếng nấc. Anh quay vào, đến vuốt tóc vợ và an ủi cô em. Anh ý thức được vị trí rường cột của mình trong gia đình nên phải bình tĩnh để giải quyết công việc tiếp theo.
Việc thứ nhất là đến bộ chỉ huy Không Đoàn theo lời dặn trong bức công điện. Việc thứ hai là định cách thức làm lễ tang dù không có xác người đã khuất, theo như thông báo mất tích của đơn vị.
Sự bình tĩnh của Quang giúp cho hai chị em bớt bi lụy và mọi việc sau đó diễn ra một cách trôi chảy trong nỗi đau buồn đến cùng cực.


Một tháng sau khi Tuấn mất, thủ tục lãnh tiền tử trận xong xuôi. Lan chưa có một giấy tờ chính thức nào với Tuấn nên Điệp phải nhân danh chị ruột đi lãnh. Số tiền nầy, Điệp dành cả cho Lan. Hai chị em bàn bạc mở một tiệm may nho nhỏ ở nhà Lan. Tuy nhiên, bàn thờ Tuấn lại đặt ở nhà Điệp, trên tấm vách của phòng trước. Điệp đã lựa và phóng to tấm hình Tuấn mặc quân phục, mang lon thiếu úy, miệng hơi mỉm cười, đôi mắt sáng quắt nhìn thẳng phía trước. Bên dưới tấm hình là dòng chữ nắn nót:
Người con trai thân yêu của Tổ quốc đã làm tròn bổn phận thiêng liêng và vĩnh viễn biến mất vào vũ trụ bao la của không gian vô tận.”
Đó là dòng chữ của Quang, dựa theo ý tưởng của Saint-Exupéry, một tác giả mà anh rất ưa thích và đã nhiều lần kể lại với Tuấn để hai anh em cùng bàn bạc một cách say sưa. Hôm viết xong dòng chữ nầy, Quang đã phải lấy khăn tay chặm vào mắt nhiều lần để lau khô hai dòng lệ.
Ngày nào Lan cũng sang thắp nhang và gục đầu vào bàn thờ khóc rưng rức. Lan ngưng nhận đồ may trong hai tuần, nhưng lần nào vái lạy linh hồn Tuấn xong, Lan cũng ngồi vào ghế, tay mân mê chiếc máy may. Đó là tặng vật đầu tiên của người yêu từ lúc hai người chưa quen nhau. Ở nhà, Lan đã đem thư từ của Tuấn, sắp xếp lại theo thứ tự thời gian rồi bắt đầu đọc lại. Khi đọc, Lan có ý cầm thư hơi xa để nước mắt không rơi ướt những dòng chữ thiêng liêng. Đọc xong, nàng tẩn mẩn xếp những lá thư vào hộp, bên trên đặt xâu chuỗi hạt trai mà nàng đã tìm lại được sau cái ngày định mệnh trước đây. Nàng dùng tờ giấy trắng gói hộp lại và cột dây cẩn thận. Nàng ôm hộp vào lòng, vừa khóc vừa nói khe khẽ với người yêu:
- Anh Tuấn, em đã dâng hiến trọn đời con gái cho anh. Bây giờ, em phong kín tâm hồn em trong chiếc hộp nầy. Anh hãy về mang nó đi để em được gần gũi anh mãi mãi.
Quang và Điệp cũng thường lựa lời an ủi Lan dù anh chị biết không một lời nói nào trên trần thế nầy có thể làm vơi đi nỗi bi thương trong lòng người con gái đó. Buồn nhất là vào chiều thứ bảy, với hình ảnh Tuấn cỡi Vespa về đỗ xịch trước cửa. Kỷ niệm đau đớn nầy làm cho tim của cả ba người tiếp tục rỉ máu không ngừng.
Chiếc bàn thờ của Tuấn làm cho Lan có cảm tưởng như hai căn nhà sát vách đều là nhà của nàng. Nàng thản nhiên qua nhà Điệp may vá hay ngồi chơi, cả lúc cha có mặt ở nhà, điều mà trước đây nàng rất ngại ngùng. Điệp cũng thỉnh thoảng sang nhà Lan. Có hôm nàng vào và gặp lão già đang ngồi trên giường. Cố gắng tỏ ra lịch sự, nàng cúi chào; nhưng lão ngồi yên nhìn nàng, mặt lạnh lùng như không thấy cái chào lễ phép của người hàng xóm. Biết tính lão, nên những lần sau qua nhà gặp mặt, nàng không chào hỏi nữa.
Một lần, có một bà trong xóm kể với Điệp rằng, vào cái hôm tang tóc ở nhà Điệp, lão già đi bán về, tò mò nhìn vào như những người khác. Khi biết Tuấn tử trận, lão nhe răng cười, cái cười đầu tiên mà người ta thấy, kể từ khi lão về đây ở. Lời kể có tính cách vu vơ của một người đàn bà ngồi lê đôi mách làm Điệp đỏ bừng mặt vì tức giận. Nàng không hề biết chuyện Tuấn hạ lão đo ván trước đây, nên nàng vô cùng căm ghét lão già đã dám cười thích thú khi đứa em thân yêu của nàng vừa hi sinh ngoài mặt trận.
Lão già khốn nạn! Tại sao lão lại căm thù Tuấn đến thế? À phải rồi, Tuấn đã một lần mang con gái của lão đi, tước đoạt lẽ sống duy nhất của đời lão. Đứa con gái thân yêu của lão đã trở về nhưng lão vẫn nơm nớp lo ngại nó lại ra đi với thằng con trai đó. Bây giờ Tuấn không còn nữa, lão yên tâm, không còn lo lắng nữa. Vì vậy, chỉ riêng lão vui mừng trong khi mọi người khác đều buồn rầu hay đau đớn.
Điệp giải thích như thế để tự trấn an nhưng cơn tức giận vẫn không thuyên giảm chút nào. Do đó, mỗi lần nói chuyện với chồng hoặc với Lan, nhắc đến lão, nàng không giấu được vẻ hằn học làm cho Quang nhíu mày còn Lan thì cúi đầu, không giấu được nét đau khổ trên gương mặt thê lương.
Một hôm Lan đột ngột hỏi thẳng chị:
- Chị căm ghét ba em lắm phải không?
Cơn tức giận của Điệp nổ bùng, nàng không còn tự kềm chế được nữa:
- Lão già vui sướng khi nghe Tuấn tử trận phải không?
Điệp khựng lại, hối hận đã lỡ lời với Lan. Nàng định xin lỗi em; nhưng đáng ngạc nhiên biết bao, Lan nhìn nàng một cách buồn bã và nói:
- Chị nói đúng; ba em vui mừng khi nghe anh Tuấn mất.
Lan nghẹn ngào:
- Còn anh Tuấn là ba em còn ngay ngáy lo sợ mất em. Nay anh Tuấn vĩnh viễn nằm xuống thì ba em không còn lo sợ nữa.
Điệp cảm động ngồi yên nhìn Lan khóc thút thít. Lan nói tiếp qua tiếng khóc:
- Nhưng ba em lầm rồi. Anh Tuấn đâu có đi mất. Anh Tuấn còn đây, trong bụng em nè.
Nàng vừa nói vừa lấy cả hai tay áp vào bụng.
Điệp sửng sốt, há hốc nhìn em, giọng nói lắp bắp:
- Em đã…, Lan, em đã….
Lan nói nhanh:
- Em đã có mang với anh Tuấn.
- Từ lúc nào?
- Từ những ngày chúng em sống trong khách sạn ở Biên hòa.
- Ừ hử. Chị cũng đã đoán hai em đã thành vợ thành chồng kể từ dạo ấy nhưng chị không ngờ việc đó đưa đến hậu quả thế nầy. Nhưng sao em biết đã có mang?
Lan đã ngưng khóc nên giọng nói rõ ràng hơn:
- Cái chuyện đàn bà của em rất đều đặn. Thế mà nó ngưng từ đó đến nay. Em cảm thấy rất rõ ràng sự đổi khác trong cơ thể em.
Điệp cầm tay Lan, ái ngại:
- Để chị dẫn em đi bác sĩ khám. Nếu quả thực em đã có mang thì đó thực là điều tai hại. Chị hi vọng điều đó không xảy ra. Em lo buồn lắm phải không?
Lan ngửng lên nhìn Điệp, giọng nói tỉnh táo một cách đáng ngạc nhiên:
- Không, em không lo buồn đâu. Em vui sướng chứ. Em được giữ trong cơ thể em phân nửa hình hài của anh Tuấn mà. Em biết người khác sẽ chê cười em nhưng em không cần vì đây là niềm hạnh phúc mà em vớt vát lại được sau khi anh Tuấn đã vĩnh viễn đi khỏi thế gian nầy.
Câu nói của cô em làm cho Điệp vô cùng sửng sốt. Tâm tư nầy, lời nói nầy là của một cô gái quê mùa chất phác ư? Nàng đăm đăm nhìn Lan và hỏi tiếp:
- Thế ba em thì sao?
- Chắc chắn ông sẽ căm ghét đứa bé nầy như căm ghét cha nó vậy. Nhưng đó là việc của ba em.
Lan lắc đầu, nói tiếp với vẻ chán nản:
- Người được ông thương và người bị ông ghét đều khổ như nhau. Ba em thương em nhất đời, nhưng chị thấy em có sướng đâu.
Điệp ngạc nhiên đến tột đỉnh vì lý luận của Lan chững chạc và sắc bén không thua gì người có học. Nghĩ thế, nàng tò mò hỏi Lan:
- Lúc ở duới quê, em làm gì?
Hỏi xong, Điệp nhìn Lan, đợi câu trả lời. Nàng thấy nét mặt cô gái thoáng vui; vẻ buồn vụt biến mất, nhường chỗ cho một nét nhí nhảnh, hay gần như thế, mà Điệp thường thấy ở những nữ sinh.
Lan trả lời:
- Em đi học.
- Em ở trong ruộng mà?
- Dạ, em ở trong ruộng nhưng làng em nằm sát với quận lỵ Thạnh phú.
Điệp ngắt lời:
- Sao hôm trước em nói ở Bến tre?
- Dạ Thạnh phú là một quận của tỉnh Bến tre, hơi xa tỉnh lỵ. Em đi học trường trung học quận, hết lớp chín, được lãnh phần thưởng hạng nhất toàn trường, má em đang lo tìm chỗ gởi em lên thị xã Bến tre học tiếp đệ nhị cấp. Em chưa kịp đi thì má em bị nạn qua đời. Em đành bỏ học theo ba em lên đây.
Điệp buộc miệng:
- Hèn chi!
- Chị nói gì ạ?
Điệp không muốn nói ý nghĩ về sự khám phá mới của mình ở nơi cô gái có học thức mà nàng không ngờ từ trước đến nay. Nàng hỏi sang chuyện khác:
- Má em ở quê làm gì?
- Má em làm ruộng với ba em.
Lan bỗng lên giọng một cách hãnh diện:
- Hồi xưa má em là nữ sinh ở Sài gòn. Em nghe nói má em vừa đậu xong bằng brevet của Pháp thì ông ngoại mất. Bà ngoại ở nhà một mình lại có ruộng đất khá nhiều nên má em thôi học về với ngoại em.
- Chắc má em đẹp lắm phải không?
- Hoa khôi trong vùng đó chị.
Lan nói xong thì mỉm cười. Điệp ngạc nhiên thấy nét đau buồn hoàn toàn biến mất và cô gái trước mặt mình đang rõ rệt trở thành một nữ sinh yêu kiều.
Giọng Lan tiếp tục một cách phấn khởi và vui vẻ:
- Lúc còn sống có lần bà Ngoại em kể chuyện với em rằng, khi còn con gái, nhiều người theo má em lắm, nhưng má em chẳng để ý đến ai. Trong số những người nầy, có một anh nông dân hiền lành chất phác, ít học nhưng tư cách đàng hoàng và làm việc đồng áng rất giỏi. Có điều ông nầy ít nói, tính hơi cộc; nhưng miễn là đừng ai chọc giận thì ông rất dễ thương. Ông nầy mê mẹ em lắm. Ông dám tuyên bố rằng không lấy được mẹ em thì ông bỏ đi biệt xứ. Trong số những chàng trai ngấm nghé mẹ em lúc ấy, Ngoại thương ông nầy nhất. Ngoại kể rằng ông ấy thường xuyên đến nhà Ngoại làm đủ mọi chuyện. Có chuyện, Ngoại mới nghĩ trong đầu chưa kịp nói ra thì ông ấy đã xắn tay áo sẵn sàng thi hành.
Điệp cười, ngắt lời cô em:
- Thực là một chàng ở rể tuyệt vời.
Lan cũng cười theo và tiếp tục câu chuyện một cách hóm hỉnh:
- Cuối cùng, ông bà nội em…, à quên, ba má ông nông dân đó nhờ người đến dạm hỏi. Bà ngoại em chịu liền. Bà kêu má em ra hỏi trước mặt mai mối. Má em gật đầu.
Lan bỗng cười to:
- Má em gật đầu vì không có lý do nào khác để lắc đầu. Thế là hai người thành vợ thành chồng, sống rất đầm ấm và kết quả đây nầy.
Lan vừa nói vừa chỉ vào ngực mình. Nàng nói tiếp:
- Lúc còn sống, má em thường nhắc chuyện quá khứ. Lúc em sắp đến tuổi trưởng thành, má em thường nhân những chuyện quá khứ, khuyên nhủ em về đạo lý làm người. Em nhớ rõ, có lần má em nói với em, không lâu trước khi lâm nạn: “Trong đạo vợ chồng, thường thì cái tình đi trước rồi sinh cái nghĩa, nhưng cũng lắm khi cái nghĩa đi trước rồi sinh ra cái tình”. Em biết má em đang giải thích tình nghĩa vợ chồng của ba má em.
- Bà theo quan niệm xưa của ông bà mình phải không em? Cha mẹ đặt đâu, con cái phải ngồi đó.
Lan cãi lại:
- Không phải xưa đâu chị, má em chịu ảnh hưởng của tây học mà. Má em nói với em như thế vì tính tình má em đôn hậu, trọng sự chung thủy, vậy thôi.
Điệp thực sự cảm phục sự tinh tế trong lý luận của cô em. Nàng cũng nhận ra nét gia giáo của gia đình, sự thành thật của người miền Nam, cộng thêm cái vốn học thức của mẹ; tất cả những thứ quý giá đó đã hợp lại để tạo nên cô em dâu đáng thương đáng quý của nàng.
Điệp nhìn cặp mắt Lan long lanh trong niềm phấn khởi. Từ lâu rồi, Lan không có sự vui vẻ thoải mái như hôm nay, nhất là từ khi người yêu ra đi vĩnh viễn.
Điệp hỏi tiếp:
- Còn ba em, ngày xưa tính tình thế nào?
- Em kể chị nghe rồi. Nông dân hiền lành, thực thà, ít nói, hơi cộc, yêu thương vợ đến độ tôn sùng. Lúc má em còn sống, hàng đêm, ba em lên quận để ngủ nhờ ở tiệm tạp hóa của cô em. Làng em chỉ cách quận hơn một cây số, nhưng Việt cộng về thường xuyên, thanh niên và đàn ông còn trẻ chẳng ai dám ở lại trong làng ban đêm.
Điệp chen vào:
- Nghĩa là ban đêm phải rút vào ấp chiến lược.
- Không. Ấp chiến lược bị phá bỏ từ lâu rồi, nhưng chung quanh quận thì có vòng rào phòng thủ cô lập với bên ngoài. Để em kể tiếp chị nghe. Đêm hôm đó, ba em ở trong quận, nghe súng lớn, súng nhỏ nổ ran ở phía làng em nên sáng sớm, vừa hết giới nghiêm, ông chạy về ngay. Giữa những tiếng khóc của người trong nhà, ba em nhìn quanh không thấy má em mà chỉ thấy một người nằm trên giường, khăn trắng phủ từ đầu đến chân. Ông chồm đến, lật khăn phủ trên mặt ra. Ông trợn mắt nhìn sững rồi rống lên như sư tử bị trọng thương và ôm chặt xác má em. Mọi người chung quanh đều khóc rống theo, có người gục đầu bên xác má em, có người nằm lăn dưới đất. Ba em vẫn quỳ bên giường, ôm chặt cái xác lạnh ngắt của người vợ thân yêu. Ông không rống nữa mà khóc nức nở như một đứa trẻ thơ. Lúc người ta mang hòm về và đề nghị ông đứng lên để làm lễ tẩn liệm, ông gào lên thảm thiết, giữ chặt lấy cái xác, không cho đưa vào hòm. Bốn năm người đàn ông lực lưỡng xúm lại gỡ ông ra, đè ông xuống đất mới liệm được má em và đem đi chôn.
Điệp cảm động, rơm rớm nước mắt:
- Còn em thì sao? Lúc ông về, em đang làm gì?
- Em có biết gì đâu. Người ta kể lại, em chết đi, được cứu sống một lát rồi lại chết, cứ như thế cho đến khi mả má em được đắp đàng hoàng thì em mới tỉnh lại bình thường. Câu chuyện ba em ôm xác má em là do người khác kể lại chứ em có chứng kiến đâu.
- Còn bà ngoại em?
- Ngoại em bị bệnh, mất trước đó hai năm rồi. Nếu còn sống chắc hôm đó, ngoại em cũng đi theo má em luôn.
- Sau đó thì ba em thế nào? Có còn rống hay khóc lóc không?
- Em còn nhớ, sau khi chôn cất má em xong, khoảng hai ngày sau ba em không còn nói một tiếng nào với ai nữa. Chị thử tưởng tượng xem, một người đàn ông mạnh khỏe mà tịnh khẩu trong hơn hai tháng liền, thì những gì xảy ra trong đầu ông ấy khủng khiếp biết chừng nào. Mới có hơn hai tháng thôi mà ba em gầy xọp xuống, già đi cũng đến mười lăm năm. Má em không còn nữa thì ba em trở thành cái xác không hồn. Nếu tánh tình ông có thay đổi đến độ khó chịu hay tàn nhẫn thì đó cũng không phải lỗi tại ông mà chỉ vì ông quá thương má em mà thôi. Do đó, dù ba em đối xử với em có khắc nghiệt, có chửi mắng và đánh đập đi nữa thì em cũng không bao giờ oán hận.
Điệp ngạc nhiên nhìn em và cảm thấy như có hào quang tỏa sáng tên gương mặt thùy mị của người con gái đôn hậu và hiếu thảo lạ lùng nầy. Điệp cảm thấy nhói trong lòng vì một mặc cảm tội lỗi đối với ông già đáng thương mà hơn một tháng nay mình căm ghét. Để tránh sự dằn vật vì mặc cảm nầy, nàng bắt sang chuyện khác để hỏi Lan:
- Em có chắc chắn rằng mình đang có đứa con trong bụng hay không?
Lan đưa tay sờ vào bụng mình:
- Chắc chắn rồi chị ạ, không còn nghi ngờ gì nữa. Mấy hôm nay, em bắt đầu sợ mùi thịt cá, ngửi thấy là cứ muốn nôn ra ngoài.
Điệp gật đầu:
- Vậy thì trong ít lâu nữa, em sẽ có con; ngay bây giờ, em có nghĩ đến chuyện đặt tên cho con chưa?
Lan suy nghĩ một chút rồi nói với vẻ trịnh trọng:
- Đặt tên cho con là chuyện của anh Tuấn. Anh không còn nữa thì bây giờ em phải làm việc nầy, nhưng em cần hỏi ý kiến chị trước đã. Nếu là con trai thì em đặt tên là Tú.
Lan bỗng cao giọng:
- Tạ trọng Tú, con của thiếu úy không quân Tạ trọng Tuấn. Em sẽ khai với nhà thương và chính quyền như thế để làm giấy khai sinh cho con em sau nầy. Có ai phản đối điều đó không hả chị?
Điệp sung sướng và cảm động, đáp lời em:
- Có là người điên mới phản đối. Còn nếu là con gái?
- Em thích đứa con trai giống in anh Tuấn, nên chưa có nghĩ đến tên con gái. À, mà có lẽ em đặt tên là Hoài, Tạ thị Hoài.
- Tại sao em đặt tên con là Hoài? Hoài có nghĩa là gì?
Giọng Lan run run:
- Hoài là nhớ. Nhớ thương, nhớ thương không bao giờ nguôi.
Điệp rơm rớm nước mắt:
- Cũng được. Nhưng tên Hoài nghe buồn quá.
- Thì chị nghĩ xem, đời em có vui gì đâu. Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, mẹ chết vì chiến tranh, cha dở hơi vì chiến tranh, hạnh phúc tan vỡ cũng vì chiến tranh. Liệu sau nầy, giọt máu quý giá nằm đây có thoát khỏi nanh vuốt của chiến tranh hay không?
Lan nói xong, buồn bã nhìn xuống bụng mình.