Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Lão già (1)



XÓM nghèo gồm hai dãy nhà phố san sát nhau trên con đường hẹp, cặp theo bức tường của nghĩa địa Chí hòa. Đó là một bức tường cũ kỹ, loang lổ, ngăn đôi lĩnh địa của kẻ sống và người chết.
Người chết thì đủ hạng người, nhưng người sống thì chỉ có một hạng: hạng người nghèo. Người có nhiều tiền không ai đến cư ngụ tại đây, vì người ta thường kể rất nhiều chuyện rùng rợn xảy ra bên trong nghĩa địa làm khiếp đảm mọi người, nhất là đàn bà và trẻ em. Do đó, giá nhà ở đây rất rẻ, lôi kéo những người nghèo về sống với nhau.
Có những người, từ nhà quê bị chiến tranh tàn phá, về đây để đi tìm miếng ăn ban ngày và giấc ngủ yên tĩnh ban đêm. Trong số nầy có lão Tư Thủ và Lan, con gái của lão. Lại có những người gốc gác tại thành phố nhưng, khi lập gia đình riêng, không đủ tiền để tậu nhà ở một khu tốt hơn. Đó là hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ đều theo nghề dạy học, chồng là thầy giáo Lê Minh Quang, giáo sư triết học dạy ở vài trường trung học, vợ là cô giáo Tạ thị Hồng Điệp của trường Tiểu học Chí hòa.
Hai gia đình nhỏ của lão Tư Thủ và thầy giáo Quang sống sát vách nhưng chưa hề qua lại với nhau. Họ quá khác biệt về tính tình và cách sống. Vợ chồng nhà giáo thì rất hiền lành và đứng đắn. Ngược lại, lão già Tư Thủ thì cộc cằn thô lỗ. Cả xóm không ai ưa lão. Thực ra, lão chưa hề gây gổ với ai, nhưng cái mặt xương xương của lão thực là dễ ghét, cái nhìn của lão thì đầy ác cảm. Không bao giờ lão trò chuyện hay chào hỏi ai, dù lão đã về sống ở đây nhiều năm rồi. Lúc lão mới về, cũng có người lân la trò chuyện nhưng bao giờ cũng gặp cặp mắt lờ đờ, nét mặt lạnh lùng của lão. Có người lần vào nhà để làm quen nhưng luôn luôn đụng phải thái độ khó chịu và đầy nghi ngờ, nên không bao giờ trở lại. Do đó lão sống như cái bóng giữa xóm nghèo ồn ào náo nhiệt nầy.
Thái độ kỳ quặc và khép kín của lão làm người ta thêu dệt đủ chuyện về cha con lão. Hôm thầy cô giáo Quang và Điệp mới dọn đến ở, nhà cửa còn bề bộn sách vở, có một bà cùng xóm đã vào thăm và kề tai nói nhỏ với Điệp:
- Cô có biết lão già kế bên không? Quê lão ở Bến tre. Tôi nghe nói lão giết vợ chết, rồi dẫn cô con gái trốn lên đây. Vì vậy, lão hết sức tránh tiếp xúc với mọi người.
Nghe bà ta nói, Điệp rùng mình, cảm thấy lạnh trong xương sống Nàng hoảng hốt hỏi:
- Trời ơi, thực vậy à? Nhưng tại sao người ta để lão ở yên như vậy? Lão giết vợ thì phải bị truy nã chớ.
- Ối chào, truy nã cái nỗi gì. Ở dưới quê của lão, người ta đang đánh nhau dữ lắm. Chết như rạ. Chính quyền lo đối phó với Việt cộng, thì giờ đâu mà nói tới chuyện truy nã.
Điệp tò mò hỏi tiếp:
- Nhưng tại sao lão giết vợ?
- Nghe đâu vợ lão ngoại tình.
- Nhưng tại sao chị biết chuyện đó? Chị cùng quê với lão hả?
- Không, tôi nghe người ta kể.
Điệp cảm thấy một nỗi buồn phiền dâng lên trong lòng. Sống kế bên một người giết vợ, một tên sát nhân kinh tởm, thực là khiếp đảm.
Nàng chợt thấy xót xa, thương cho thân phận nghèo nàn của mình. Hai vợ chồng mới lấy nhau. Gia đình bên chồng thì nghèo không giúp đỡ gì được, còn nàng thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nàng mới ra dạy được hai năm, còn Quang đã tốt nghiệp đại học sư phạm được sáu năm, số tiền dành dụm của cả hai vợ chồng cũng chỉ đủ để mua được căn nhà rẻ tiền nầy mà thôi. Nàng mong có được một chỗ ở, nghèo nàn cũng được, nhưng phải bình an để nàng cùng chồng gầy dựng tổ ấm và giao du thân mật với người chung quanh. Không ngờ lại sống cạnh kẻ giết người. Thực ra, chuyện đâu có gì quan trọng lắm vì nhà ai nấy ở, nhưng vì bẩm tính hiền lành, nàng cảm thấy thực bất ổn. Với chút hi vọng là tin nầy thất thiệt, nàng gặng hỏi bà hàng xóm tốt bụng:
- Người kể cho chị nghe chuyện nầy có ở cùng quê với lão không?
- Đâu có. Bà ấy cũng ở đây thôi. Chắc bà ấy nghe người khác kể lại.
Điệp phì cười:
- Người nầy nghe người kia kể. Người kia nghe người nọ kể. Không biết người đầu tiên biết rõ chuyện nầy là ai. Nhưng lão còn cô con gái mà; tại sao không hỏi thẳng cô ấy?
Đến lượt bà hàng xóm phì cười vì câu nói ngây thơ của Điệp:
- Cô con gái phải giấu chứ. Không giấu sao được. Ông già dữ lắm. Lâu lâu, người ta nghe lão mắng chửi con gái và nghe tiếng roi vụt đen đét cùng với tiếng khóc của con bé.
Câu chuyện làm Điệp rất chú ý. Nàng cố gắng tìm hiểu thêm:
- Con gái lão tên gì? Có ai hỏi thẳng cô ta về người mẹ hay không?
- Có. Cô con gái tên Lan. Nó bảo mẹ nó chết vì hai bên đánh nhau. Con bé phải nói thế chứ. Nói khác đi thì làm sao sống được với lão.
Điệp cảm thấy nỗi lo giảm bớt đôi phần. Người ta nghi ngờ lời nói của cô bé, nhưng đối với Điệp, lời nói đó là một điểm tựa, dù rất mỏng manh, để vợ chồng nàng yên tâm rằng nhà bên không phải là của kẻ sát nhân. Nàng nói sang chuyện khác:
- Con bé trông xinh quá. Chắc mẹ nó đẹp lắm.
- Dĩ nhiên là đẹp rồi. Nếu không đẹp thì lão già đâu có trở thành kẻ giết người vì ghen.
Bà hàng xóm có vẻ hể hả vì đã chứng minh được tin tức hấp dẫn của mình. Bà nói tiếp:
- Con bé mười tám tuổi rồi đó mà nhút nhát lắm. Suốt ngày ở nhà, chẳng dám đi đâu ngoài cái chợ ra. Nó sợ cha nó lắm. Lão ta cấm nó không được đi đâu cả, không được nói chuyện với bất cứ người nào.
Điệp chép miệng:
- Tội nghiệp con nhỏ.
Bà hàng xóm tỏ vẻ đồng tình:
- Tội nghiệp thiệt. Mồ côi mẹ lại sống với ông cha sát nhân.
Điệp không muốn bà ta trở lại vấn đề kinh tởm nên hỏi sang chuyện khác:
- Hai cha con sống bằng cách nào?
- Năm giờ khuya, vừa hết giờ giới nghiêm, ông già đã thức dậy đi lãnh bánh mì, bán dạo trong cư xá sĩ quan và có lẽ vài nơi khác nữa. Trưa lão về nhà nghỉ; chiều lại đi bán tới tối. Ngày nào cũng như ngày nấy, bất kể mưa nắng.
Bà hàng xóm ngước nhìn đồng hồ, bỗng rối rít:
- Ối, trưa rồi! Tôi phải về nhà lo nấu cơm. Mai tôi qua chơi kể tiếp cô nghe.
Ra đến cửa, bà còn quay lại nói:
- Về đây ở vui lắm; bà con đều tốt bụng, ngoại trừ lão già độc địa đó. Cô không nên vào nhà lão già. Còn những nhà khác, cô cứ tự nhiên đến chơi. Nghe thầy cô đều dạy học, đến ở với chúng tôi, ai cũng mừng.
Nói xong, bà tất tả ra về.




*
* *



TUẤN thắng xe Vespa, dẫn lên lề, tắt máy, cẩn thận dựng sát bên cửa sổ, hí hửng đặt chân lên bậc thềm. Bỗng cậu khựng lại, chăm chú nhìn qua nhà lão Tư Thủ. Một chốc sau, cậu quay lại, tần ngần một phút rồi gọi to vào nhà:
- Chị Điệp ơi, nấu cơm chưa? Chưa nấu thì thêm gạo cho em ăn với.
Nói xong, Tuấn bước vào nhà, đi thẳng xuống bếp. Điệp đang nhóm bếp, quay lại tươi cười:
- Cái thằng khỉ! Đi đâu mất biệt mấy tuần nay? Chị hỏi mấy chỗ quen chẳng ai biết cả. Chị lo quá.
- Cấm trại một trăm phần trăm. Yểm trợ hành quân liên miên. Sáng nay mới bay lên quần rừng Lộc ninh, bán gần hết đạn rồi bay về. Năn nỉ sếp muốn gãy lưỡi, ổng mới cho dù về một lát để thăm chị. Nhớ chị quá.
Bỗng Tuấn ngừng nói, nheo mắt nhìn thẳng vào mặt chị:
- Em mới khám phá ra một mục tiêu mới.
Điệp nhìn bộ áo quần phi công rộng thùng thình mà em đang mặc:
- Ông bay trên trời thì lúc nào chẳng có mục tiêu để bắn cho sướng tay.
- Không phải. Mục tiêu nầy dễ thương lắm, chứ không phải mấy cái mục tiêu đáng nguyền rủa trong rừng đâu.
Nói xong, Tuấn đưa hai tay lên, mấy ngón tay cong lại giả làm ống dòm, đặt vào mắt, hướng về tấm vách của hông nhà.
Điệp nhìn em, phá lên cười:
- Thôi đi ông tướng ơi, mục tiêu đó được ông tướng già bảo vệ kỹ lắm, cậu chẳng làm gì được đâu.
Tuấn làm bộ không nghe lời chị. Cậu hỏi:
- Cô đó tên gì?
- Lan.
- Mấy tuổi?
- Mười tám.
- Còn đi học không?
- Không.
- Làm nghề gì?
Điệp không trả lời mà đưa ngón tay chỉ vào mặt cậu em:
- Nè, làm gì mới vào nhà đã hỏi chị như hỏi cung vậy? Bộ trồng cây si rồi hả.
Tuấn cười:
- Chưa trồng nhưng sắp trồng. Hồi nãy em vừa dựng xe thì thấy một khuôn mặt ló ra cửa, đôi mắt đen lay láy. Em nhìn đôi mắt, đôi mắt nhìn lại em rồi thụt vào. Tất xảy ra trong vòng một giây và sáu phần mười của giây.
Điệp lại cười to:
- Đúng là dân phi công, thoáng một cái đã nhận ra mục tiêu rồi. Thôi đi tắm đi, anh sắp về rồi đó. Chị đi làm cơm đây.
Bữa cơm gia đình thật vui vẻ nhờ có thêm thằng em dễ thương và vui tính của Điệp. Câu chuyện về mục tiêu khi nãy, Điệp tưởng Tuấn nói đùa cho vui sau những giờ cận kề với cái chết ngoài chiến trường ác liệt. Không ngờ, trong bữa ăn, cậu ta cứ gặng hỏi mãi về cô bé nhà bên. Điệp buộc phải kể cho em nghe về cô Lan đáng thương, về lão Tư Thủ bị cả xóm tẩy chay, nhưng giấu tin đồn về chuyện lão giết vợ rồi dẫn con chạy trốn lên đây. Điệp không hề nghĩ gì về chuyện sắp tới có thể xảy ra giữa em trai nàng và cô bé láng giềng, nhưng nàng không muốn đưa một hình ảnh ghê tởm vào một khung cảnh mà em nàng đang chiêm ngưỡng.
Tuấn hỏi chị:
- Chị có nói chuyện với cô Lan lần nào chưa?
- Chưa bao giờ.
- Chưa bao giờ? Chị về đây hơn một tháng rồi mà chưa bao giờ nói chuyện với hàng xóm?
- Hầu hết cả xóm nầy thì chị đều có dịp tiếp chuyện, ngoại trừ hai cha con lão ta. Cô gái cũng tránh nói chuyện với mọi người vì bị lão cấm. Nếu không tuân lời thì lão đánh đòn. Ai cũng ngại cô bé bị lão hành hạ nên không tìm cách tiếp xúc. Thấy cô ấy một mình lủi thủi trong căn nhà nghèo nàn, chị thấy thương lắm nhưng thôi, mặc người ta, ai có thân thì nấy lo. Đầu năm học, chị đang bận rộn với việc trường, việc lớp, rồi còn thu xếp nhà cửa nữa chớ.
Tuấn im lặng ngồi ăn. Một lát sau, cậu nói, nửa như ra lệnh, nửa buông xuôi:
- Cũng nên hỏi chuyện cô ta. Biết đâu có thể giúp cô gái thoát khỏi sự kiềm tỏa của lão già độc ác.
Thấy cậu em vợ có lời nói xúc phạm người hàng xóm, Quang chen vào:
- Thôi, chuyện nhà của người ta, đừng phê phán làm gì. Nếu cậu muốn gặp cô Lan, để anh chị thử xem.
Tuấn im lặng, không tỏ ý bằng lòng hoặc phản đối.
Cơm nước xong, Tuấn ngồi chơi với anh chị một lát rồi đứng dậy:
- Em phải vào trại để sáng mai nhận lệnh sớm. Tình hình rối ren thế nầy thì ngày mai ít nhất cũng một phi vụ.
Điệp nói gần như năn nỉ:
- Em không thể ở lại chơi với anh chị một đêm hay sao? Sáng mai vào sớm không được à?
- Không được. Lục quân còn du di được, chứ không quân tụi em thì gắt gao lắm.
- Thế chừng nào em lại ra thăm anh chị?
- Chưa biết được. Chị có nói chuyện với cô bé thì em nhờ chị bảo với cô ta rằng có thằng Tuấn, lính không quân, gởi lời thăm hỏi.
Nói xong không đợi chị trả lời, Tuấn cười to rồi dắt xe ra đường.




*
* *

TUẤN ra đi để lại cho chị nhiều lo âu. Chiến cuộc ở năm 1971 thực là ác liệt. Tin tức chiến sự gần như luôn luôn đầy ắp trang nhất các báo. Điệp theo dõi hằng ngày, đầu óc rất căng thẳng mỗi khi cầm tờ báo trên tay. Một hôm, nàng nói với chồng:
- Em lo cho thằng Tuấn quá. Chọn chi cái nghề lái trực thăng võ trang. Nơi nào đánh nhau dữ là cứ phải chúi đầu vào. Em nghe nói Việt cộng có hỏa tiễn tầm nhiệt gớm lắm. Trực thăng của nó bay chậm, đưa cái bụng chình ình trên trời thì dễ trúng đạn, phải không anh?
Quang công nhận vợ nói đúng. Anh không biết trả lời thế nào để an ủi vợ nên chuyển sang đề tài khác cho đỡ căng thẳng:
- Hồi nãy, em nói đã gặp cô Lan ngoài chợ. Có nói chuyện gì không?
Điệp im lặng, mắt nhìn vào trang vở học trò, như không nghe lời chồng hỏi. Biết vợ đang nghĩ về em trai hiện lăn thân vào chốn hiểm nguy, Quang nhắc lại, giọng to hơn:
- Sáng nay em có nói chuyện với cô Lan không?
Điệp thoáng giật mình:
- Có. Con bé thực tội nghiệp, ăn nói dịu dàng, lại đẹp nữa. Ở dưới quê lên mấy năm nay mà còn nhút nhát lắm, chưa thích nghi được với lối sống thị thành.
- Em có hỏi về chuyện mẹ nó qua đời không?
- Không. Ở chợ đông đúc đâu có nói chuyện rề rà được. Nhưng em có mời nó sang nhà chơi. Nó có vẻ thích em lắm nhưng lưỡng lự vì sợ ông già. Em tiếp tục mời nó, gần như năn nỉ, cuối cùng nó xiêu lòng, hẹn sáng mai, sau khi đi chợ về, nó sẽ qua chơi, không biết rồi nó có đổi ý hay không. Ngày mai, nhất định em sẽ đón nó ở chợ và kéo nó vào nhà mình để nói chuyện một lúc trong khi cha nó đi bán chưa về. Em muốn biết rõ tin đồn về cha nó giết mẹ nó. Em hi vọng đó là tin đồn thất thiệt.
Quang nhíu mày:
- Em hi vọng làm gì vậy? Từ hôm nghe tin lão già đã giết vợ, anh thấy em có vẻ lo lắng bất an. Kệ người ta. Lão giết vợ lão chứ có làm hại gì mình đâu. Em sợ lão già ấy à?
- Lúc đầu thì hơi sợ nhưng bây giờ thì không sợ cho mình nữa mà tội nghiệp cho con gái của lão. Nói chuyện với cô bé đó một lần, em thấy thương lắm. Mặt thì xinh đẹp, tính tình thùy mị, giọng nói thánh thót thực dễ thương. Em cầu mong cô bé không lâm vào hoàn cảnh bi đát như người ta kể. Nếu quả thực điều hi vọng của em là đúng, nghĩa là lão già không phải là kẻ sát nhân, thì em sẽ tìm cách xóa bỏ tin đồn vô cùng tai hại cùng cái nhìn đầy ác cảm của hàng xóm đối với lão già và nhất là cô con gái đáng thương của lão.
Quang nói với vợ bằng giọng cảm phục:
- Em là người đàn bà phúc hậu. Lúc nào em cũng muốn làm điều lành cho người khác. Anh cầu mong em thành công trong công việc tốt đẹp nầy.
Điệp vui vẻ đứng dậy, bước đến gần chồng:
- Anh Quang, em có ý nầy nói ra sợ anh cười.
Quang nhìn vợ, khuyến khích:
- Em cứ nói đi, vui thì anh cười, có sao đâu.
- Em thấy con bé đẹp, mặt thanh tú, nước da trắng bóc, thế mà ăn mặc quá xuềnh xoàng, trông thực tội nghiệp. Em hình dung nó như viên ngọc quí gói trong lá chuối. Rõ ràng, lợi tức của cha nó mang về rất thấp, đời sống chắc chắn chật vật lắm. Tự nhiên thấy thương, về nhà cứ nghĩ đến nó mà nao nao trong bụng.
Quang nhìn vợ một cách thương hại:
- Anh hiểu em, cứ thấy ai khổ thì xót xa.
- Em nghĩ rằng không đơn giản như anh nói. Với cô bé nầy, không phải chỉ là sự xót xa mà em cảm thấy nếu không giúp đỡ được chút gì đó thì có lẽ lòng không yên.
Quang thở dài:
- Giúp thế nào bây giờ? Vợ chồng mình sống với đồng lương cố định. Anh đi dạy thêm cũng chỉ bù đắp vào sự leo thang của vật giá.
Anh ngưng một chút, nhìn vợ một cách dịu dàng rồi nói tiếp:
- Điệp nầy, anh nói như thế vì lo lắng cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Tuy nhiên tùy em định liệu, anh không cản trở gì đâu. Phải rồi, nếu có dịp thì mình cũng nên sẵn lòng giúp đỡ cho những người khốn khổ, trong khả năng của mình.
- Không, em không tính chuyện trợ giúp tiền bạc thường xuyên đâu. Vợ chồng mình không dư dả nhiều, lại phải để dành lo cho con cái về sau. Em có ý nầy, nói ra để anh nghĩ có nên không.
Quang khuyến khích:
- Nói đi, em cứ nói đi.
- Em có chị bạn thân có lớp dạy cắt may. Sáng mai, Lan qua đây, em sẽ lựa lời khuyên con bé đi học ở đó để có nghề nghiệp, sau đó đi làm công hay lãnh đồ về nhà may thì cũng đỡ khổ.
Quang ngắt lời, giọng trêu chọc :
- À thì ra em đang tính chuyện chuẩn bị tương lai cho cô em dâu thân yêu phải không?
Anh lên giọng ngâm nga:
- Lấy chồng đời chiến binh, mấy người đi trở lại. Mà nếu không về thì…
Thấy mặt vợ tối sầm lại, Quang biết mình đã lỡ lời:
- Xin lỗi em, anh vô ý nói bậy.
Anh nói tiếp, giọng vuốt ve:
- Em tính như vậy cũng được. Hôm nay trước khi ra về, thằng Tuấn cũng muốn em lôi cô bé đó ra khỏi vòng kiềm tỏa khắc nghiệt của ông già .
- Em không hoàn toàn nghĩ như anh và thằng Tuấn. Chẳng qua, em thấy con nhỏ dễ thương và tội nghiệp, em muốn giúp đỡ nó, vậy thôi.
- Được rồi, em cứ gặp cô ta thử xem. Biết đâu có giải pháp hay, vừa giúp ích cho cô ta, vừa cho vợ chồng mình một niềm vui.
Câu chuyện đến đó là chấm dứt, hai vợ chồng lúi húi chấm bài cho học trò.
Sáng hôm sau là chủ nhật, Quang phải đi dạy thêm ở trường tư, chỉ có Điệp ở nhà. Nghĩ đến chuyện Lan sẽ qua nhà chơi, Điệp bỗng có một cảm giác gần như là sự nôn nao khi chờ đợi sự viếng thăm của một khách quí, dù khách chỉ là một cô gái nghèo nàn, con của một lão già khó chịu, lại ở cách nhà nàng chưa đầy một bước.

Từ sáng sớm, nàng để ý thấy lão già nay xe đạp ra khỏi nhà và cánh cửa đóng kín ngay tức thì. Một lúc sau, cô bé hé cửa bước ra với cái giỏ xách bằng mây nho nhỏ trên tay, không nhìn ai cả, lặng lẽ đi men theo vệ đường, bóng dáng mảnh mai và xinh đẹp trông thực cô đơn trên con đường đã bắt đầu đông vui với người qua kẻ lại.
Điệp vội vàng thay áo quần và vài phút sau gặp cô bé trong chợ xép ở kế cận cổng ra vào cư xá Sĩ quan. Nàng tỏ vẻ mừng rỡ:
- Lan, em đi chợ sớm vậy? Mua thức ăn xong chưa?
Lan cúi xuống nhìn bó rau và gói cá vụn nho nhỏ trong chiếc giỏ đi chợ của mình đáp lời với vẻ hổ thẹn:
- Dạ, em mua đồ ăn xong rồi, định về nhà thì gặp chị.
Điệp vội vã nói:
- Em đợi chị một chút nhé, chị mua vài món lặt vặt, cũng nhanh thôi, rồi chị em mình cùng về, em vào nhà chị chơi một chút.
Nhìn thấy vẻ lưỡng lự của Lan, Điệp nói tiếp một cách sốt sắng:
- Em về nhà chị chơi nhé, hôm qua em có hứa với chị rồi mà. Chị em mình nói chuyện một lát thôi rồi em về làm việc nhà. Lúc đó chị cũng phải chấm bài cho học trò và lo nấu ăn vì trưa nay có thể anh Quang, chồng chị về nhà dùng cơm. Hay là em cho phép chị vào nhà em chơi, được không?
Cô bé ngần ngại rồi trả lời nho nhỏ:
- Dạ thôi, em về nhà cất giỏ thức ăn rồi qua nhà chị nhưng chỉ một chút thôi, rủi ba em bán hết bánh về sớm thì em cũng có mặt trong nhà rồi.
Điệp cảm thông nỗi buồn của cô gái nhỏ sống trong cảnh nghèo nàn lại bị gông cùm của lão già siết chặt ngày đêm.
Về đến nhà, Điệp đợi vài phút thì thấy cô bé e ngại bước sang. Nàng vội đứng lên, thân mật nắm tay Lan dẫn vào. Tuy là đàn bà mà khi nắm tay cô gái, Điệp cũng thấy một chút xao xuyến. Bàn tay thực mềm mại, các ngón nhỏ và dài, làn da mịn màng trắng muốt. Điệp nghĩ thầm:
- Con gái nhà quê lam lũ ruộng đồng, tại sao bàn tay lại đẹp đến thế nhỉ?
Điệp chỉ chiếc ghế cho Lan; cô gái ngồi xuống mép ghế một cách ngượng nghịu. Điệp nói:
- Em ngồi đây một chút, chị đi lấy nước em uống.
- Dạ không, chị đừng lấy, buổi sáng em không khát.
- Vậy chị lấy thức ăn sáng ra, hai chị em cùng ăn và nói chuyện.
- Dạ không, chị đừng lấy. Em có ăn chén cơm nguội trước khi đi chợ.
Cô gái đỏ mặt cúi đầu vì đã vô tình thú nhận sự nghèo khổ trước mặt người mới quen. Điệp thấy cảm thấy xót xa cho cảnh nghèo của người con gái đáng thương. Nàng âu yếm nhìn cô, bắt đầu hỏi chuyện:
- Em về đây lâu chưa?
- Dạ gần ba năm, vào kỳ nghỉ hè của năm Mậu thân.
Điệp hơi ngạc nhiên vì cảm thấy, trong câu trả lời của cô gái, có cái gì đó quen tai. Năm Mậu thân? Có lẽ thế. Nhưng không, có cái gì đó thân thuộc hơn kia. Kỳ nghỉ hè? Đúng rồi! Điệp nghĩ thầm: “Ở nhà quê, người ta cũng đánh mốc thời gian bằng ngày bãi trường, lúc học sinh quăng sách vở vào xó nhà, túa chạy ra đồng bắt tôm bắt cá”. Điệp cảm thấy vui vui vì ảo ảnh thanh bình đó trên quê hương đầy khói lửa nầy. Nàng hỏi tiếp:
- Quê em ở Bến tre phải không?
- Dạ phải.
- Tại sao em không ở dưới đó, vì mất an ninh lắm phải không?
- Dạ phải, đánh nhau hoài. Mẹ em chết, ba em buồn, dẫn em bỏ xứ đi.
Điệp định hỏi thêm: “Ba năm nay, hai cha con có về thăm quê hương không?”. Nhưng thôi, Lan vừa nói mẹ cô chết, phải bắt ngay vào đề tài chính để giải tỏa thắc mác cứ mãi ray rứt trong lòng. Điệp nhìn sâu vào đôi mắt cô gái:
- Mẹ em chết vì bị bệnh hả?
- Dạ không. Hai bên đánh nhau ban đêm. Mẹ em bị trúng đạn vào ngực, chỗ nầy.
Lan đưa tay áp vào bên trái ngực mình, mắt rưng rưng vì nhắc lại chuyện cũ. Cô dùng tay áo lau nước mắt, ngước lên nhìn Điệp định kể tiếp nhưng lại thôi.
Điệp thở ra nhẹ nhõm. Xong rồi. Trong cuộc đời dẫy đầy giả dối nầy, nếu Thượng đế còn dành một chỗ để chứa sự thành thực thì chỗ đó phải là đôi mắt đẹp và buồn mênh mông của cô gái nầy. Nàng dịu dàng hỏi tiếp:
- Bao lâu sau khi mẹ mất thì em lên đây?
- Dạ gần ba tháng. Mẹ em mất, ba em như điên cuồng. Làng xóm chỉ đủ sức chôn cất mẹ em, không ai an ủi được ông. Ông la hét suốt hai ngày rồi sau đó im lặng, không nói một lời nào.
Lan lại lấy ống tay áo chặm vào mắt, nói tiếp:
- Ba em là một nông dân khỏe mạnh, hiền lành, ít nói, làm việc thực giỏi. Thế mà hai tháng sau khi mẹ em mất, ông trở thành một ông già ốm nhom. Tính tình ba em cũng thay đổi; ông trở nên cộc cằn đối với mọi người.
Điệp sốt ruột chen vào:
- Còn đối với em thì ông cụ thế nào?
- Cũng cộc cằn. Nhưng có điều khác hơn là ông luôn luôn bắt em ở cạnh ông, không cho ra khỏi nhà. Có hôm buồn quá, em lén đến nhà bạn chơi một lúc cho khuây khỏa. Khi về, thấy mặt ông hầm hầm dữ tợn, em sợ quá, len lén đi cửa sau vào nhà.
Điệp ngạc nhiên:
- Ở đây em cũng có bạn à?
- Dạ không, em đang nói chuyện ở nhà quê, lúc chưa lên đây.
- À, ông sợ mất em.
Lan thút thít khóc:
- Dạ phải. Ông sợ em đi theo mẹ em để ông ở lại một mình trên thế gian nầy. Ba tháng sau khi mẹ em mất, ba em ra ôm mả mẹ em khóc rống lên, rồi, không từ giã ai cả, ông dẫn em lên tuốt trên nầy.
Điệp cảm động cầm tay cô gái, giọng như lạc đi:
- Chị xin lỗi đã gợi lại chuyện buồn cho em.
Nàng chuyển hướng câu chuyện và bắt đầu dò hỏi:
- Ba em đi bán bánh mì có đủ ăn không?
- Tiền lời đủ ăn hằng ngày. Những lúc ba em bệnh, không đi bán được, phải ăn thâm vào vốn. Em lo lắm nhưng không biết làm sao.
Điệp vui mừng thấy câu chuyện có vẻ thuận lợi cho ý định tốt đẹp của mình. Giọng nàng trở nên sốt sắng:
- Em đi học may đi. Chị có người bạn dạy cắt may. Em đến đó học, chị sẽ xin cho em miễn học phí. Kim chỉ, vải vóc dùng để học, chị sẽ mua tặng em, em không phải tốn kém gì cả. Khi em học xong rành nghề rồi, chị sẽ ráng giúp em tìm được công việc làm ăn. Ở Sài gòn nầy chị có nhiều người quen. Em đồng ý nhé.
Cô bé chăm chỉ nghe, đôi mắt sáng lên một giây, rồi tối sầm lại. Cô lắc đầu chán nản:
- Không được đâu. Ba em không cho đâu. Ông cấm em bước ra khỏi nhà thì làm sao đi học được.
Điệp không giấu được vẻ tức giận:
- Năm nay em mười tám tuổi rồi phải không?
- Dạ, còn hai tháng nữa thì em được mười chín tuổi.
- Như thế là em lớn rồi chứ đâu còn con nít nữa, em cần phải giải thích cho ông cụ biết chứ. Thời buổi nầy, lo chuyện sinh sống bằng chính công sức của mình thì đâu phải là cái tội.
Lan cúi mặt buồn rầu:
- Em hiểu điều đó, nhưng em biết rõ tính tình của ba em, không thể nào nói cho ba em đồng ý được. Ba em dặn kỹ: em chỉ được đi từ nhà đến chợ mà thôi. Nếu không tuân lời, ba em đánh đòn. Có một lần, em cãi lại, bị ông đánh cho mấy cây, vài ngày sau vẫn còn vết bầm. Nhiều lúc em buồn quá, muốn bỏ nhà mà đi cho rồi. Nhưng nghĩ lại, không biết đi đâu. Ở thành phố nầy, em không hề quen biết ai cả, còn về quê thì không được vì dưới đó bây giờ mất an ninh lắm, người ta bỏ làng đi gần hết.
Lan ngưng lại một chút rồi nói tiếp với giọng thực buồn:
- Vả lại, em thương ba em. Nếu em bỏ đi, chắc ông sẽ phát điên hay tự tử chết mất.
Điệp ngồi sững nhìn cô bé mà không biết nói gì hơn. Im lặng một lúc, cô gái đứng lên, nhìn Điệp một cách dịu dàng:
- Thưa chị em về. Chị tốt với em quá.
- Em thường qua chơi với chị nghe. Khi nào thấy chị ở nhà vì không có giờ dạy, em cứ qua chơi.
- Dạ, nhưng em qua chút xíu thôi. Sợ ba em về thình lình, em lại bị đòn.
Điệp tiễn Lan ra về. Nhìn cô bé đơn côi lúi húi mở cửa căn nhà tồi tàn, nàng cảm thấy xót thương vô hạn.

*
* *



QUANG ra khỏi lớp, mặt bơ phờ sau bốn giờ lên lớp buổi sáng. Anh định về nhà một chút để biết kết quả câu chuyện giữa vợ và cô bé láng giềng, nhưng cái nắng buổi trưa làm Quang nản chí. Còn bốn giờ buổi chiều với cái lũ học trò trường tư nữa. Quang ra trước trường mua một ổ bánh mì thịt, vào văn phòng thong thả gặm rồi dựa ngửa ra ghế lim dim mắt.
Giờ nghỉ trưa qua thực nhanh. Chuông reo inh ỏi cùng lúc với tiếng ồn ào của học sinh tràn vào sân trường. Quang đứng dậy, sửa lại áo quần cho ngay thẳng, chuẩn bị đến lớp.
Xong bốn giờ dạy buổi chiều, Quang rã rời. Anh lên xe phóng nhanh, không bao lâu, về đến nhà. Nhìn vẻ mặt mệt nhọc của chồng, Điệp không kể chuyện ngay mà hối thúc Quang đi tắm rửa rồi nghỉ ngơi. Mọi chuyện dành cho lúc ăn tối.
Bữa cơm vừa dọn ra thì có tiếng xe Vespa quen thuộc đỗ trước cửa. Tuấn nhanh chóng tắt máy, dựng xe và bước vào. Điệp thoáng sửng sốt:
- Sao em được về?
Tuấn khoát tay:
- Khoan đã, đói bụng quá. Có sẵn cơm rồi hả? Hay quá. Nhưng không được, em sẽ ăn hết phần của chị Điệp mất. Để em chạy đi mua cái gì về ăn với anh chị.
Điệp ngăn em lại:
- Khỏi, khỏi. Em đói bụng thì ngồi vào bàn với anh Quang đi. Chị trụng thêm một ít mì là xong.
Khi cả ba đã ngồi quanh bàn ăn, Điệp lặp lại câu hỏi ban đầu rồi tiếp:
- Lại xin phép sếp dù về chứ gì?
- Dù thì đúng, nhưng không xin phép, vì có xin sếp cũng không cho. Tình hình căng lắm. Hơn nữa mới xin về tuần rồi.
Điệp lo lắng:
- Đi ẩu vậy rồi sao?
- Thì lãnh củ chớ sao.
- Lãnh củ là thế nào?
Quang phì cười chen vào:
- Lãnh củ là đi tù đó, hiểu chưa cô?
Điệp càng lo lắng:
- Ở tù hả? Thăm nuôi được không?
Quang lại cười to:
- Thực là đàn bà chẳng biết gì chuyện nhà binh. Tù trên giấy tờ thôi.
Tuấn vừa cười vừa chen lời vào:
- Nhốt tụi em thì mấy chiếc trực thăng cũng nằm co.
Quang tò mò hỏi em:
- Cậu ra cổng, quân cảnh không chận lại à?
- Có chớ sao không. Nghề của mấy chàng mà.
- Rồi làm sao ra được?
- Em cười nhăn nhở với thằng quân cảnh rồi nói với nó: “Trông cậu đẹp trai lắm mà có vợ chưa? Tớ thì chưa có vợ nhưng có bồ. Người yêu của tớ trông được mắt lắm, nhưng chiều nay nó đi lấy chồng, tớ phải về từ biệt để hẹn kiếp sau, ngày mai vào sớm đi đánh nữa. Nếu không cho tớ về gặp nó lần chót, tớ chẳng còn lòng dạ nào mà đánh với đá.” Thằng quân cảnh há hốc nhìn em. Nhìn mặt nó, em biết là thắng trận rồi. Ở cái tuổi nó mà nghe nói chuyện tình ái lâm ly thì dù không tin cũng cảm động. Em dợm bỏ đi thì nó chồm tới chụp vai em, đẩy vào trạm gác và bảo: “Ông thiếu úy trời con, vô đầu giường lấy bộ đồ dân sự của tôi thay vào rồi chuồn ra cửa kia”. Nó vừa nói, vừa chỉ vào một cánh cửa nhỏ cách đó mười thước.
Quang cười ha hả vì cấu chuyện lý thú của cậu em vợ. Nhưng ô kìa, lạ chưa! Tuấn không cười, gác đũa trên chén, dựa ngửa ra ghế mắt nhìn trần nhà, mặt buồn rười rượi. Cậu nói nhỏ:
- Anh Quang có biết tại sao em dù về không?
- Thì lại nhớ chị Điệp chớ gì.
- Không!
Tuấn quay lại nhìn anh, giọng thiễu não:
- Thằng Hải mới tiêu tùng sáng nay. Nó bay với em một cặp, bắn phá rừng Lộc ninh. Trực thăng nó bị trúng hỏa tiễn “địa đối không” bốc cháy. Nó nhảy dù ra thì bị trúng đạn ngay lúc còn lơ lửng trên trời. Em quần lại, xạ thủ bắn hết đạn mới về. Xem lại, thấy trực thăng của em thũng ba lỗ vì đạn phòng không, nhưng không bị vào chỗ hiểm nên không rơi.
Quang và Điệp kinh hãi nhìn em trân trân. Cặp mắt Tuấn mở to nhưng hình như không nhìn thấy gì cả trong gian nhà nhỏ bé nầy. Cậu nói tiếp:
- Em thấy cái dù trắng bung ra trong khi chiếc trực thăng của thằng Hải trở thành một khối lửa lao nhanh xuống, kéo theo một cái đuôi khói đen ngòm. Trong ống nghe nơi tai em, có tiếng kêu thảng thốt của thằng trung sĩ xạ thủ đại liên đang ngồi phía sau trực thăng của em: “Chạy nhanh thiếu úy. Chúng nó bắn hỏa tiễn tầm nhiệt vào máy bay mình. Đó đó, nó bay tới đó. Quẹo phải đi, tôi quăng lựu đạn khói đây”. Em nghiến răng siết cần lái. Cả thân mình em nghiêng về một bên do sức ly tâm vì máy bay quẹo gắt. Quả lựu đạn khói tỏa nhiệt của thằng trung sĩ làm cái hỏa tiễn khốn kiếp bay chệch trong gang tấc. Lại có tiếng thằng trung sĩ léo nhéo: “Ối ối! Thiếu úy Hải trúng đạn rồi!” Em nhìn sang phải qua cửa sổ. Trời ơi, thằng Hải đang quằn quại bên dưới cây dù. Em nhìn xuống đất, thấy có mấy thằng chạy tới. Tụi nó ẩu và ngu thiệt. Đầu nóng bừng, em không nghĩ tới nguy hiểm nữa, cho máy bay chúi xuống, phóng hai trái hỏa tiễn “không đối địa” rồi cất lên; cây đại liên của thằng trung sĩ nổ dòn liên tục, hết loạt nầy đến loạt khác. Sau đó, em được lệnh bay về để F5 và B52 đến làm cỏ.
Tuấn ngừng lại, thở dài. Quang và Điệp thì gần như hóa đá. Giọng Tuấn trở nên thực thê lương:
- Chán quá! Trên đường bay về, em cứ nghĩ đến thằng Hải. Nó yêu đời lắm. Nó có cô bồ ở đại học Văn khoa và hễ có dịp là lải nhải kể chuyện người yêu. Lúc đầu, nghe cũng vui tai. Sau nghe mãi chán quá, bảo đừng nói nữa thì nó trả lời: “Tao cứ nói. Ở đây toàn không khí chết chóc, tao phải nhắc đến người yêu thì mới sống nổi. Mày cũng lo tìm một con bồ đi, xấu hay đẹp gì cũng được, nhưng đẹp thì hay hơn. Tìm không ra thì hôm nào theo tao vào đại học Văn khoa, bảo bồ tao giới thiệu cho. Cái bộ tướng đẹp trai của mày thì tìm ra khó gì”.
Tuấn ngừng lại, chép miệng rồi nói tiếp:
- Mới đó mà đã ra người thiên cổ rồi. Lúc đầu thấy thằng Hải chết mà vẫn còn lơ lửng trên không, em sôi máu lên, bất kể súng phòng không bắn như mưa, em cứ đâm bổ xuống, thấy rõ xác mấy thằng lính Việt cộng văng lên khi bị trúng hỏa tiễn do em phóng đi. Nhưng bây giờ, nghĩ lại cũng tội. Chắc tụi nó cũng trẻ như tụi em thôi, cũng biết nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em và có thể cả người yêu nữa. Bỏ xác ở miền Nam xa xôi mà cha mẹ và bao nhiêu người thân khác ở miền Bắc đâu có hay biết gì. Chắc chắn, ngoài đó người ta không thông báo như trong nầy đâu, để cho cha mẹ tụi nó yên tâm đưa nốt đứa con trai cuối cùng vào đây nạp mạng. Tội nghiệp!
Tuấn đột nhiên đổi giọng hằn học:
- Thằng Hải còn được bộ binh hành quân vào mang xác về chôn cất tử tế, có cha mẹ, anh em, bạn bè khóc lóc tiễn đưa, linh hồn cũng đỡ tủi phần nào. Còn những thằng mới bị em bắn chết thì sao? Tụi nó lặng lẽ nằm lại trong những chiếc hố cạn giữa khu rừng tịch mịch, không một cái hòm, không một nén nhang, không một tiếng khóc của người thân. Tội nghiệp!
Tuấn thôi nói, ngồi im lặng buồn bã. Điệp nhìn em, khuôn mặt nàng đầm đìa nước mắt. Quang nhìn em với nỗi xót xa vô cùng, vô tận. Anh bắt đầu triết lý:
- Chiến tranh là điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ.
Rồi như một nồi áp suất bị xì hơi, tư tưởng Quang tuôn ra ào ạt thành lời nói:
- Để có thể tiến hành và duy trì cái điều tồi tệ đó, người ta đem đủ thứ từ tốt đẹp để biện minh cho hành động gây chiến của mình. Giải phóng, tự do, độc lập, cứu nước, chống xâm lăng…, đó chỉ là những món trang sức mang vào mình ma quỷ. Ma quỷ càng kinh tởm thì những món trang sức càng phải rực rỡ, nhiều màu, nhiều sắc hơn.
Quang thực sự xúc động nên không còn kềm chế được nữa. Nhưng Điệp đã vói sang đập nhẹ vào tay chồng:
- Thôi, anh đừng nói nữa, em nghe mệt lắm.
Tuấn ngắt lời chị một cách phũ phàng:
- Chị mệt thì đi nghỉ đi. Cứ để anh Quang nói. Em cần nghe những lời kết án chiến tranh càng mạnh càng tốt. Khi trưa, nếu em giữ cái chìa khóa của kho vũ khí nguyên tử của Mỹ hay của Liên xô thì em lập tức cho nổ tung để tiêu diệt mọi sinh vật trên địa cầu nầy rồi.
Cậu ngừng nói, quay lại chị, giọng ôn tồn trở lại:
- Em xin lỗi chị, em lỡ lời làm chị buồn. Em khổ lắm. Em đang đứng giữa ruột của cái điều tồi tệ mà anh Quang vừa nói.
Điệp ái ngại nhìn em. Nàng lắc đầu:
- Không, em không có lỗi gì cả. Chị hiểu em.
Quả thực, Điệp hiểu em nàng rất rõ. Gia đình chỉ gồm ba má và hai chị em. Lúc nhỏ, Tuấn là một đứa trẻ ngoan, hiền lành. Tới tuổi đi quân dịch, nó và Hải, thằng bạn thân nhất, tình nguyện vào không quân.
Chiến tranh há mồm ngày càng to, lần lượt ngốn tuổi trẻ của cả hai bên. Trước khi bước vào cuộc chiến, tuổi trẻ hai bên được chuẩn bị khác nhau. Bên nầy thì tập luyện cho thuần thục cách sử dụng phương tiện giết người, còn bên kia thì được huấn luyện thực kỹ lòng căm thù. Cho nên, khi hai tuổi trẻ gặp nhau ngoài mặt trận thì bên kia không thắc mắc gì cả, cứ việc bắn, tiến lên, giết càng nhiều càng nhiều càng tốt, còn bên nầy thì không thoát khỏi sự dày vò, sự đau đớn về hành động giết người mà mình phải tham gia vào.
Điệp là một người vợ đảm đang, một cô giáo tiểu học tận tâm, không có thói quen suy tư hay triết lý như chồng. Vì vậy, những ý nghĩ về cuộc chiến tranh trên đây của chính mình làm nàng khá ngạc nhiên, nhưng nàng cảm thấy hài lòng vì hiểu được tâm trạng của đứa em trai thân yêu.
Nàng tiếp tục nghĩ thầm: “Hằng ngày, cứ phải lao vào vòng khói lửa nóng bỏng một cách miễn cưỡng, tuổi trẻ bên nầy rất ao ước và rất cần có một bóng mát để che chở cho tâm hồn. Bóng mát đó chắc chắn phải là tình yêu”.
Lúc Điệp chưa có chồng, cứ mỗi lần từ quân trường về phép, Tuấn thích ở bên chị và được chị săn sóc. Khi Điệp lấy chồng và ra ở riêng, Tuấn cũng vẫn từ nhiệm sở về thẳng nhà chị. Nhưng bây giờ, Điệp phải dành phần lớn sự âu yếm cho chồng, và không bao lâu nữa cho đứa con đầu lòng. Đối với Tuấn, tình thương của chị như cái bóng mát đã co rút lại, không đủ che chở cho tâm hồn mình nữa.
Bỗng Điệp nghĩ đến Lan. Nàng lẩm bẩm:
- Biết đâu chừng, biết đâu chừng.
Tuấn quay sang hỏi:
- Chị Điệp nói gì đó?
- Chị nghĩ tới Lan.
- Lan hả? Nãy giờ, em cứ bị ám ảnh bởi cái chết của thằng Hải mà quên hỏi chuyện về cô bé láng giềng. Sao, chị đã nói chuyện với cô bé đó chưa?
Quang vội vã ngắt lời, nói với vợ:
- Phải rồi, cả ngày nay anh cũng sốt ruột muốn biết chuyện đó nhưng em chưa kịp kể cho anh nghe thì Tuấn về nói chuyện đánh nhau nghe buồn thảm quá. Bây giờ em nói chuyện về cô bé ấy đi; may ra hình bóng xinh đẹp của Lan xua đuổi không khí hắc ám của cuộc chiến tranh kinh tởm nầy.
Điệp gật đầu, lau khô nước mắt, kể cho Quang và Tuấn nghe câu chuyện sáng nay giữa nàng và Lan rồi kết luận:
- Với ông già kỳ quái đó thì Lan sẽ trở thành gái già mất.
Nàng quay sang Quang:
- Anh có kinh nghiệm, thử suy nghĩ giúp Tuấn đi.
Quang đang muốn làm cho không khí gia đình trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng nên khi nghe vợ nói, anh suy nghĩ một chút rồi bỗng ngồi thẳng dậy chỉ tay vào mặt vợ, cười to:
- Kinh nghiệm hả? Có chứ! Đây là bằng chứng của kinh nghiệm. Với cô bé Lan, Tuấn có muốn được kinh nghiệm như anh không?
Điệp lườm chồng:
- Thôi đừng đùa nữa, em và Tuấn đang cần ý kiến của anh. Anh có suy nghĩ được giải pháp nào không?
Quang thôi cười, trả lời một cách nghiêm túc:
- Có, anh vừa nghĩ ra, nhưng không biết có thực hiện được không.
Điệp tỏ vẻ sốt ruột:
- Thì anh cứ nói đi.
- Thế nầy nhé. Nếu ông già không chịu cho con gái đi học ở trường thì mình sắm máy may tại nhà, rồi mỗi khi ông già đi bán, em gọi Lan sang chỉ cho nó may. Mua sách về, em chỉ cho Lan tự học cắt áo quần. Khi Lan đã rành nghề rồi thì em giúp Lan mở chỗ may tại nhà, hoặc tìm chỗ lãnh đồ về may lấy công. Thế là Lan khỏi đi đâu hết mà vẫn giải quyết được chuyện sinh sống.
Quang rất cao hứng về sáng kiến đó của mình. Anh quay sang hỏi Tuấn:
- Cậu nghe rồi chứ? Theo cậu thì giải pháp đó có thể thực hiện được không? Thử suy nghĩ trong vài hôm xem, nếu được thì mình tính tới .
Tuấn cười to:
- Khỏi suy nghĩ. Ngày mai em chở máy may về.
Điệp ngạc nhiên:
- Ở đâu mà có sẵn vậy?
Tuấn vỗ vào túi quần:
- Mới lãnh lương và trợ cấp bay ngày hôm qua, còn nguyên. Tiền lính, tính liền.
Điệp khoát tay:
- Khoan đã cậu. Để chị hỏi con Lan trước. Nó có đồng ý mới mua về.
Giọng Tuấn tiếp tục sôi nổi:
- Không cần hỏi trước. Cứ mua về, cô Lan không dùng thì để lại chị dùng, chẳng có mất mát đi đâu. Nhưng em nghĩ, ý kiến của anh Quang chắc chắn thực hiện được. Chị Điệp lo dọn chỗ đi; chiều mai em chở máy về.
Quang ngắt lời:
- Rồi ngày mai lại dù nữa?
- Dĩ nhiên.
Điệp thắc mắc:
- Rồi nói với anh quân cảnh thế nào?
- Nói: “cho tớ về để tiễn thêm một người yêu thứ hai nữa đi lấy chồng và hẹn nàng kiếp sau!”
Quang chen vào:
- Rồi ngày mốt vào nhận thêm một lệnh phạt trong hồ sơ cá nhân. Thế là thiếu úy muôn năm.
Tuấn nhìn anh, cười hóm hỉnh:
- Lo gì. Cái mốt con gái bây giờ là có người yêu chuẩn úy hay thiếu úy. Loại sĩ quan nầy còn trẻ, mới ra trường. Cỡ đại úy trở lên là coi như già rồi, đa số vợ con đùm đề. Thiếu úy cao giá hơn đại úy hay thiếu tá nhiều.
Cả nhà cùng cười vui vẻ.


*
* *



GIẢI pháp của Quang được Lan mừng rỡ đón nhận. Tuấn đưa máy may về đúng hẹn với cái giá phải trả là một tháng lương thiếu úy cùng với trợ cấp mấy chục giờ bay và vài ngày trọng cấm trong hồ sơ cá nhân.
Điệp đi dạy buổi chiều nên buổi sáng, nàng chỉ vẽ cho Lan học cắt may qua sách vở. Lan tỏ ra ham thích và chăm chỉ. Cô lại khéo tay nên tiến bộ rõ rệt.
Những ngày đầu, cô giấu cha công việc của mình nên chỉ làm được ít giờ ở nhà Điệp. Tinh thần cô lại bất ổn, luôn luôn lo sợ cha về thình lình. Điệp hiểu trạng thái đáng thương đó của cô gái và nghĩ rằng nếu làm việc không thoải mái thế nầy thì chắc chắc việc học khó tiến triển nhanh chóng và khó trở thành thợ may giỏi trong một khoảng thời gian ngắn. Điệp mong muốn việc tự học may của Lan sớm có kết quả để nàng tìm cách cho Lan có được thu nhập, thêm vào món lời ít ỏi của cha. Mới gần gũi cô gái hơn mười ngày, Điệp cảm thấy tình thương của mình đối với cô gái trở nên sâu đậm. Lan tỏ ra hết sức thùy mị và dễ thương và điều làm cho Điệp rất ngạc nhiên, đó là sự thông minh rất đáng khen của cô gái. Vì thế, Điệp quyết định khuyên Lan thú thực việc học may với cha. Lúc đầu cô bé tỏ ra sợ hãi, Điệp phải giải thích nhiều lần và kiên nhẫn thuyết phục để cô gái dẹp bớt sự sợ hãi của mình đi.
Nửa tháng sau khi bắt đầu công việc, Lan tuân lời Điệp và sẽ thú thực với cha vào tối hôm nay.
Suốt buổi xế chiều hôm đó, cô đứng ngồi không yên. Cô vừa mong cha về lại vừa sợ giây phút phải nói với cha cái điều cấm kỵ đã bao năm rồi áp đặt cho cô. Theo lời chị Điệp thì cha cô sẽ chấp nhận dễ dàng vì cô sẽ có một nghề làm tại nhà, hằng ngày sẽ có lợi tức thêm vào món tiền ít ỏi do công việc đi sớm về khuya của cha cô, cuộc sống của hai cha con sẽ được đảm bảo hơn.
Tuy nhiên, cô biết tính cha. Từ ngày mẹ lâm nạn mất đi, ông không cần nghe lời nói của bất cứ ai mà chỉ biết ý kiến riêng mình và hành động theo một nề nếp quen thuộc của ông. Cô lo sợ rằng, sau khi nghe lời thú nhận của cô, ông sẽ nổi trận lôi đình vì cô dám qua nhà khác ngồi học may. Lúc đó cô sẽ chịu một trận đòn và cắt đứt công việc đang gây cho cô rất nhiều thích thú và hi vọng. Rồi sau đó hằng ngày cô cũng không còn dám ngồi bên nhà chị Điệp nữa. Nghĩ đến điều nầy cô cảm thấy buồn khổ. Trong ba năm trường đằng đẵng, cô đã quen với nếp sống hoàn toàn cô đơn. Mười ngày nay, chị Điệp đã phá vỡ nếp sống đó và gây nên sự biến đổi trong tâm hồn cô. Lan bỗng cảm nhận rằng mình khó có thể an lòng trở lại với những ngày thui thủi và vô cùng buồn bã đã qua.
Cô bước ra trước hiên nhà, nhìn sang nhà chị Điệp. Nhà đóng cửa vì cả hai anh chị đang bận dạy học tại trường. Cô lẩm bẩm nhắc lại lời chị nói với cô sáng nay: “ Nhất định hôm nay em phải thưa rõ công việc với ba em. Chắc chắn ông cụ sẽ vui vẻ chấp nhận công việc hữu ích của em. Sau đó, chị sẽ cho em hẳn chiếc máy may nầy đem về nhà và tha hồ luyện tập sáng, trưa, chiều, tối”.
Được sở hữu một chiếc máy may, đó là điều Lan không bao giờ dám nghĩ tới trước đây, cho nên khi nghe chị Điệp bảo cho luôn, Lan ngồi sững, không tin vào tai mình cho đến khi chị Điệp lặp lại lần thứ hai và chồm sang vuốt nhẹ vào má thì cô mới tin rằng đó là sự thực. Chị Điệp lại hứa, trong vòng một tháng, sẽ lãnh vải về cho cô may lấy công. Cô sẽ làm ra đồng tiền. Tô canh, chén cơm, dĩa cá mà cô sẽ dọn cho cha ăn là từ công sức của cô làm ra. Cô sẽ may cho cha một bộ áo quần để cha mặc ở nhà và vài ba bộ để ông thay đổi đi bán bánh mì.
Lan nhắm mắt lại, rì rầm khấn vái: “Má ơi, má. Xin má phù hộ cho con được làm công việc nầy. Có phải má đã đem chị Điệp đến cho con không? Má hãy khuyên ba chấp nhận để con có thể giúp đỡ tuổi già của ba”.
Lời khấn vái có tác dụng ngay, Lan bớt hồi hộp và thêm tin tưởng ở tương lai. Cô nhìn ánh nắng ngoài đường và biết rằng trời đã về chiều nên vào bếp vo gạo nấu cơm.
Sự bồn chồn lo âu chỉ lắng được một lúc lại bắt đầu trổi dậy và lớn lên theo thời khắc trôi từ từ đến giờ về của cha. Trời tối dần, cô biết hai vợ chồng chị Điệp đã có mặt tại nhà. Lan thèm muốn qua ngồi gần chị để nghe giọng nói ấm cúng của chị mà không dám vì cha cô sắp về rồi. Đứng ngồi một chỗ không yên, cô bước ra cửa rồi quay vào bếp, rồi lại quay ra. Đến lượt thứ ba thì cha cô về tới. Vừa thấy cái bánh trước của chiếc xe đạp ló ra ở cửa, tim cô đập thình thịch như trống làng.
Lão già không để ý sự thay đổi trên nét mặt của con gái vì không buồn nhìn đến cô. Như mọi khi, lão đi thẳng đến giường, đổ bao tiền ra đếm và xếp lại từng xấp. Lão lẩm nhẩm đếm tiền lại một lần nữa rồi cho vào bao nhét dưới gối. Xong việc, lão ngẩng lên và ngạc nhiên thấy cô con gái đang đứng bên cạnh. Lan thu hết can đảm nhưng giọng vẫn run rẩy:
- Ba
- Ừm!
- Cô Điệp.
- Hử, cô Điệp nào?
Lan chỉ vào tấm vách ngăn:
- Cô giáo Điệp bên kia cho con mượn cái máy may.
Lão trợn mắt nhìn Lan:
- Hử?
Lan run lẩy bẩy, muốn bỏ cuộc. Nhưng kệ, cứ liều một chuyến, tới đâu thì tới. "Má ơi, phù hộ cho con." Nghĩ thầm như thế, Lan nói như hụt hơi:
- Cô Điệp cho mượn cái máy may và dạy con may để sau đó đi nhận hàng về làm, kiếm thêm tiền phụ giúp ba.
Xong rồi. Lan thở phào, bình tĩnh trở lại. Cô cúi đầu xuống nhìn ngón chân đang dí qua dí lại, chuẩn bị đón nhận cơn thịnh nộ của cha. Cô ngạc nhiên vì sau một lúc, không nghe cha nói gì cả. Khi ngửng lên, cô thấy cha ngồi yên như pho tượng, mắt như nhìn vào khoảng trống không. Trước đây, thỉnh thoảng Lan cũng có thấy cha ngồi như thế và Lan để ý, những lúc đó có nói gì thì dường như cha cũng chẳng nghe, hay có nghe mà chẳng hiểu gì. Lan cho rằng đó là giờ phút cha sống với mẹ, và Lan rùng mình.
Vài phút sau, ông lão đứng dậy, đến ngồi vào bàn ăn cơm. Ăn xong, lão lên giường nằm nhắm mắt. Được một lúc, lão vùng dậy. Lan nghĩ rằng cha mình lại đi lãnh bánh bán buổi tối đến khuya lơ khuya lắc mới về. Cô định bụng khi cha đi rồi, mình sẽ qua ngay nhà chị Điệp để nói với chị rằng mình đã thú thực công việc với cha. Chắc chắn chị sẽ hỏi kết quả cùng thái độ của cha thì cô phải trả lời thế nào đây? Cha cô không phản đối cũng chẳng tỏ ra bằng lòng, thế thì cái lệnh cấm cửa đối với cô có còn hiệu lực hay không?
Ông lão đứng trước nhà một chút rồi ngồi thụp xuống bệ cửa nhìn xe cộ qua lại trên đường. Khá lâu sau, ông thở ra một hơi dài nặng nhọc rồi lê bước đến giường buông màn và nằm im.
Lan hiểu rằng hôm nay cha bỏ buổi đi bán buổi tối. Thỉnh thoảng ông cũng có bỏ một buổi đi bán vì quá mệt nhọc hay vì cảm thấy bắt đầu nhuốm bệnh. Lan thèm sang nhà chị Điệp chơi nhưng vì có cha ở nhà nên cô không dám. Cô đóng cửa, gài chốt cẩn thận, đi về phía giường mình. Ngang qua chỗ cha nằm, cô dừng lại lắng nghe hơi thở nặng nhọc của cha, cô cảm thấy lo lắng, tình thương cha già dậy lên cồn cào trong lòng cùng lúc với nỗi khao khát được làm việc để có thu nhập, đỡ bớt sự nhọc nhằn của cha.
Suốt đêm, giấc ngủ Lan chập chờn. Cô trở giấc nhiều lần, lắng nghe hơi thở của cha. Cô thắc mắc không biết hồi tối cha đã nghe lời cô nói hay chưa và có nên lặp lại một lần nữa như cô đã làm hay không.
Sáng hôm sau, Điệp vừa mở cửa đã thấy Lan đứng lấp ló bên ngoài. Nàng biết ông lão đã ra đi khi trời chưa sáng. Nàng kéo Lan vào nhà hỏi ngay:
- Em nói với ông chưa?
- Rồi, nhưng ba em không nói gì cả.
- Ba em không la rầy em sang nhà chị phải không?
Lan gật đầu:
- Dạ phải, ba em không nói gì cả.
Điệp kết luận bừa:
- Vậy là ông bằng lòng rồi. Em tính hôm nào đưa máy may về nhà em? Hôm nay được không?
- Khoan đã chị ạ. Để thủng thẳng em nói với ba em lần nữa. Em sợ lắm; rủi lần rồi, ba em nghe chưa rõ…
- Thôi vậy cũng được.
Lan quay vào nhà, dọn dẹp, ăn sáng và xách giỏ đi chợ. Cô cố làm những việc nầy thực nhanh chóng để sớm qua nhà chị Điệp tập may.
Điệp ngồi soạn bài dạy, nghe tiếng máy may chạy ‘róc róc’, lòng vui vui. Bỗng nàng nghĩ rằng cứ để máy may ở nhà mình thì hay hơn. Nhà đơn chiếc, sáng nào Quang cũng đi dạy, có cô bé xinh xinh cặm cụi ngồi may, không khí trở nên tươi vui và Điệp đỡ thấy cô độc. Điều quan trọng hơn nữa là Tuấn về sẽ gặp ngay Lan tại nhà, rất thuận lợi để hai đứa quen nhau.
Ngay lần đầu tiên tiếp chuyện, Điệp đã rất vừa lòng về tính tình chân thật, đoan trang và thùy mị của cô gái. Những ngày tiếp theo, sự gần gũi khi Lan sang học may càng làm cho lòng thương mến của nàng tăng lên cùng với sự thèm muốn gắn bó lâu dài với cô gái đáng thương nầy. Điệp nghĩ đến em trai nàng và mong ước hai trẻ bắt đầu quen nhau. Lòng mong ước thầm kín nầy của Điệp được thực hiện chỉ mấy hôm sau.
Hôm đó là ngày chú nhật. Buổi sáng, Lan đang ngồi chăm chỉ tập may thì có tiếng Vespa đỗ ngoài cửa. Điệp quăng bút trên tập soạn bài, quay mặt ra reo lên:
- A, Tuấn, em được về hả. Cả nhà mong em mấy bữa nay.
Hai tiếng”‘cả nhà” vừa thốt ra, Điệp nhìn Lan, lòng rộn vui. “Cả nhà” bây giờ không còn là hai vợ chồng Điệp nữa, mà có thể là ba người, mặc dù chưa bao giờ Lan hỏi đến Tuấn, kể từ bữa qua nhà học may đến nay.
Tuấn bước vào, há miệng định bô bô như thói quen. Nhưng cậu khựng lại khi nhìn thấy cô gái đang ngồi nghiêng trước cái máy may mà cậu quăng trọn tháng lương thiếu úy để mua về. Lan ngồi yên, chân ngừng đạp máy, hai tay luống cuống mân mê tấm vải với những đường chỉ vòng vèo mà cô đang tập may. Lan không dám quay lại vì cô đã biết người mới vào, người mà cô để ý mỗi khi anh ta đến và đã một lần bắt gặp tia nhìn làm mặt cô nóng bừng như bị ngọn lửa phả vào.
- Lan, đây là Tuấn, em trai của chị. Đây là cô Lan.
Nghe tiếng chị Điệp giới thiệu, Lan quay lại, đôi mắt đen nháy nhìn người con trai mặc quân phục phi công, miệng lí nhí một câu không ai nghe rõ.
Tuấn cảm thấy tim đập nhanh. Những lần lái máy bay đâm thẳng vào lưới lửa phòng không của địch, tim Tuấn cũng không đập rộn ràng như bây giờ. Nhưng cậu lấy lại bình tĩnh nhanh chóng. Cậu muốn nói một câu thực ý nhị, vừa nghiêm trang mà vừa khôi hài. Thường ngày câu nói đúng lúc đó đến với cậu không mấy khó khăn, nhưng bây giờ, cậu thấy mình lúng túng trước người con gái mới gặp lần đầu nầy. Sau cùng, cậu mỉm cười nhìn thẳng vào cô gái, nói:
- Chào cô Lan, cô láng giềng xinh đẹp của chị tôi.
Tuấn cảm thấy hài lòng với lời chào của mình, còn Lan đã bối rối lại càng luống cuống hơn. Mặt cô ửng đỏ, không biết vì lời khen làm cô hổ thẹn hay sung sướng.
Nhìn nét mặt mỹ miều và ửng hồng của cô gái, Tuấn cảm thấy một nỗi xúc động nhẹ nhàng.
Điệp nhìn hai trẻ, đột nhiên ước mơ thầm rằng cả hai đang cùng bị một tiếng sét hết sức êm đềm. Ý nghĩ nầy làm nàng vui thích trong lòng. Nàng hỏi em trai:
- Hôm nay, em về có lâu không?
- Em chỉ về được buổi sáng thôi rồi phải trở vào trại. Buổi chiều thường nhận được lệnh đi oanh kích vì chúng nó có thói quen tập trung vào chiều tối để di chuyển ban đêm. Anh Quang đi dạy phải không chị?
- Ừ, anh đi dạy trường tư suốt ngày, chiều mới về. Anh Quang cũng như em, chẳng biết chúa nhật hay ngày lễ gì cả.
Tuấn bỗng quay sang phía Lan. Cô bé ngưng đạp máy nhưng vẫn ngồi yên, dán mắt vào tấm vải đang may. Cậu vừa cười vừa nói:
- Đâu phải chỉ riêng em và anh Quang làm việc ngày chúa nhật đâu. Sáng nay, hầu hết mọi người đều nghỉ ngơi và vui chơi thì cô Lan vẫn ngồi làm việc một cách chăm chỉ đây nầy. Có phải vậy không cô Lan?
- Dạ phải.
Cô gái trả lời lí nhí trong miệng, nhưng vẫn ngồi bất động, mặt lại ửng hồng và cúi gầm xuống.
Điệp mỉm cười. Nàng muốn gây không khí vui tươi trong buổi gặp gỡ đầu tiên của em trai nàng với cô gái đáng yêu nầy. Nàng nói:
- Lan, em ngưng làm việc một chút để nói chuyện với chị và anh Tuấn đi. Chốc nữa anh Tuấn lại đi rồi. Cấm trại liên miên thế nầy thì cũng khó về nhà lắm.
Cô gái dạ một tiếng nho nhỏ rồi quay hẳn lại. Cô nhìn Tuấn, hai cặp mắt gặp nhau và dường như cả hai đều hơi choáng váng. Điệp tiếp tục nói với giọng ôn tồn:
- Lan, em trai của chị là phi công, hiện đang công tác tại phi trường Biên hòa. Chiếc máy may nầy chính là của Tuấn mua đó.
Lan hoảng hốt:
- Trời ơi, chị Điệp. Máy của anh Tuấn sao hôm nọ chị bảo em mang về nhà dùng.
Tuấn đứng bật dậy xua tay:
- Không, không. Máy nầy quả thực tôi mua nhưng bây giờ không phải của tôi nữa.
Giọng Lan vẫn lí nhí:
- Vậy thì của chị Điệp.
Điệp cười vui vẻ:
- Chị bận dạy học không có thì giờ may vá đâu.
Tuấn tiếp lời:
- Chị Điệp không dùng máy nầy; tôi thì chắc chắn cũng chẳng bao giờ mó tới vì nghề của tôi là bay trên trời. Vậy thì cái máy nầy của cô Lan chứ không ai khác.
Lan rơm rớm nước mắt, nói với giọng xúc động:
- Cám ơn anh, nhưng em không dám nhận đâu.
Điệp nhìn cô gái, giọng trở nên nghiêm nghị như nói với em gái:
- Lan, em không được từ chối. Kể từ hôm nay, chiếc máy nầy là của em, nghe chưa?
- Dạ, em cám ơn chị, cám ơn anh Tuấn. Nhưng em chưa thể mang máy về nhà được. Em vẫn còn sợ ba em rầy la.
Điệp xua tay:
- Không sao, em cứ để lại đây, chừng nào muốn mang về nhà cũng được. Vậy là ổn rồi nhé. Hai em ngồi chơi đi, chị phải chấm bài làm của học trò cho xong rồi đi nấu cơm trưa.
Điệp nói xong đi vào trong buồng, ôm chồng tập vở xuống làm việc trên chiếc bàn ăn dưới bếp, bỏ mặc hai người bạn trẻ ngồi lại với nhau.
Lan ngồi yên trên ghế, mặt vẫn cúi gầm. Thỉnh thoảng cô ngửng lên bắt gặp cái nhìn của người con trai làm cho lòng cô vô cùng xao xuyến. Cô tiếp tục im lặng nghe Tuấn kể vài câu chuyện lý thú về cuộc đời phi công của mình.




*
* *


BƯỚC qua năm 1972, chiến cuộc càng trở nên ác liệt, nhưng tin tức về hội nghị hòa bình Paris nhóm lên ngọn lửa hi vọng cho mọi người. Tuy vậy, trong khi bên trời Tây, những người đại diện cho bốn bên ngồi trong những căn phòng sang trọng để cãi cọ với nhau, thì ở trời Đông bên nầy, từng thân người tiếp tục ngã xuống với nhịp độ càng ngày càng nhanh hơn.
Tuấn và đồng đội liên tục yểm trợ cho các cuộc hành quân của các binh chủng lục quân. Nhưng hễ có dịp là Tuấn lại chuồn về nhà. Thiếu tá phi đội trưởng thường nhắc nhở nhưng vẫn che chở cho cậu sĩ quan phi công trẻ tuổi nhưng dễ thương, thuộc cấp của mình.
Lan và Tuấn đã có dịp gặp nhau trò chuyện nhiều lần tại nhà Điệp. Nàng cũng không nhắc nhở đến việc Lan đem máy may về nhà nữa. Buổi sáng, hai chị em cùng trong gian nhà, mỗi người một việc; buổi chiều, Điệp đi dạy học, nàng giao hẳn chìa khóa nhà cho Lan. Nhờ thế, mỗi lần Tuấn về là có dịp gặp Lan. Họ say sưa đón nhận từng ánh nhìn say đắm, từng lời nói ngọt ngào của nhau.
Tuấn thì hằng ngày vẫn phải lao vào những vùng lửa đạn. Ra chiến trường, ngoài hành trang của người chiến sĩ không quân, Tuấn còn mang theo hình bóng người con gái bé nhỏ và một tình yêu mới chớm nở nhưng đã mặn nồng. Quả thực, trong cuộc chiến tranh khốc liệt và tồi tệ, tâm hồn Tuấn đã tìm được một bóng mát như có lần Điệp đã nghĩ đến. Cái cây ẻo lả đứng yên tại chỗ trong xóm nghèo, cạnh bên nghĩa địa Chí hòa, nhưng bóng mát của nó cứ chạy dài theo bên Tuấn. Bóng mát che phủ một vùng của căn cứ không quân Biên hòa, rồi theo cánh quạt trực thăng vươn đến tận những khu rừng già bát ngát, loang loáng lưỡi hái của Tử thần. Có hôm, ngồi trên phi cơ, chăm chỉ nhìn đám mây trắng trôi nổi bồng bềnh trong bầu trời xanh thăm thẳm, bên dưới là cánh rừng bát ngát xanh rì, khuôn mặt mỹ miều của người yêu bé nhỏ hiện ra trước mặt, cậu bỗng quên lửng cuộc chiến tranh tàn khốc và cảm thấy cuộc đời trở nên vô cùng tươi đẹp và hiền hòa. Cậu cố ghi nhận lại tình cảm quý báu nầy để sau đó kể lại cho người yêu. Tuấn vui mừng nhận thấy Lan thông minh, tâm hồn thực nhạy cảm nên đón nhận đầy đủ những xúc động mà cậu có được khi bay trên trời cao và nhìn xuống quê hương gấm vóc của mình. Tình yêu của cậu đối với người con gái yêu kiều mỗi ngày một thêm sâu đậm.
Còn Lan thì sau những năm tháng không biết tuổi ấu thơ ở vùng đồng quê khói lửa, tiếp theo những ngày dài sống cuộc đời khắc khổ và giam hãm bên người cha già thô lỗ, tình yêu đầu đời làm cho tâm hồn Lan bừng sống và cuộc đời trở nên tươi đẹp vô cùng. Cô choáng ngợp trong hạnh phúc. Khi ngước nhìn mặt mình trong tấm gương nhỏ treo trên vách, khi đứng trong nhà tắm cúi nhìn tấm thân nõn nà của chính mình, Lan ngạc nhiên không biết tại sao từ bấy lâu nay cô không để ý sắc đẹp của cô mỹ miều đến thế. Từ khi Lan bắt đầu có thu nhập nhờ công sức của mình, do sự khuyên bảo của chị Điệp, Lan bắt đầu biết chọn màu vải đẹp để may áo, bắt đầu biết trang điểm thêm cho cái nhan sắc sẵn có của mình.
Trong tình yêu vừa chớm nở, đóa hoa hàm tiếu càng thêm sắc thêm hương.
Đúng một tháng sau ngày Lan tập may, chị Điệp tìm được hai người quen bán áo quần may sẵn ở chợ Hòa hưng. Họ đồng ý giao vải cho Lan may ăn công. Nhờ thế, hàng tuần, Lan lãnh được một món tiền, tuy không lớn lắm, nhưng vô cùng quý giá đối cha con nàng.
Lão già, dĩ nhiên biết chuyện nầy rồi. Món tiền lời mà lão đưa cho Lan hàng ngày cũng vẫn như những giọt nước nhỏ tí tách, nhưng trong bữa ăn bây giờ có nhiều thức ăn ngon hơn, rồi vài đồ dùng mới mua lác đác xuất hiện: mấy cái chén trắng trẻo trong cái chạn mới, hai cái soong sáng rỡ treo trên vách bếp, chiếc đồng hồ reo xinh xắn đặt trên mặt bàn….
Tuy nhiên, sự chấp nhận của lão chỉ dừng lại ở sự im lặng, với thái độ không phản đối, cũng không tán đồng. Trong cái nhìn của cha, Lan hiểu rằng ông vẫn chưa giải tỏa lệnh cấm khắc nghiệt, nên Lan vẫn phải có mặt trong nhà khi ông đi bán về và bước qua ngạch cửa.
Vì vậy, trong những giây phút ngồi bên người yêu, choáng ngợp trong hạnh phúc tuyệt vời, Lan vẫn không quên nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách.
Một hôm, Tuấn bạo dạn đưa tay nắm bàn tay mềm mại của Lan đang đặt trên tấm vải nhung xanh. Cả thân mình nàng như bị điện giật, tim đập đùng đùng. Nàng nhìn tay mình trong tay người con trai và cảm thấy bồng bềnh trong một cảm giác lạ lùng chưa bao giờ có. Nàng ngước mắt lên nhìn người yêu.
Tuấn bóp nhẹ tay Lan, thoáng ngạc nhiên thấy mắt người yêu dại khờ hẳn đi. Trong đôi mắt dại khờ đó, cậu thấy cả một trời yêu đương. Cậu nói nhỏ với giọng xúc động:
- Lan, anh yêu em.
Nàng rùng mình nhắm mắt lại, cảm thấy trong lòng một nỗi niềm vừa sung sướng, vừa sợ hãi lẫn lộn. Giọng Tuấn tiếp tục một cách tha thiết:
- Lan, anh yêu em suốt đời. Em sẽ là vợ của anh, em có bằng lòng không? Em nói cho anh nghe đi.
Lan mở mắt ra nhìn người yêu một cách say đắm, im lặng mỉm cười:
- Anh Tuấn, em không biết, anh đừng bắt em trả lời. Em sung sướng được ngồi bên anh nhưng em sợ lắm.
Tuấn hỏi một cách đồn dập:
- Em sợ điều gì? Sợ anh chết ngoài chiến trường hay sợ sau nầy anh không còn yêu em nữa?
Nàng lắc đầu, đôi mắt trở nên u buồn:
- Sợ ba em sắp về.
Tuấn giật mình rụt tay về, ngơ ngác nhìn người yêu, nét dại khờ lẫn đam mê trong đôi mắt đẹp biến mất. Lan mỉm cười lặp lại:
- Anh Tuấn, ba em sắp về.
Quỉ quái thật, bốn tiếng “ba em sắp về đáng ghét đó, tại sao lại đến ngay lúc nầy, để chấm dứt giây phút thần tiên bên người yêu, tại sao lại thoát ra từ đôi môi mọng đỏ, đôi môi mà Tuấn ước ao đặt vào cái hôn nhưng chưa bao giờ làm được?
Bốn chữ đáng ghét đó, tại sao lại ẩn mình trong một giọng nói êm như nhung, giọng nói mà mỗi lần Tuấn nghe được bằng tai thì lại thấy hương thơm ngào ngạt trong mũi và vị ngọt nhẹ nhàng trên đầu lưỡi và lan dần vào tận trong tim. Nhiều đêm, ngủ trên chiếc giường nhà binh trong đơn vị, Tuấn nhớ đến bốn tiếng đó, cảm thấy xót xa cho thân phận người yêu, cậu thao thức mãi trong đêm trường vắng lặng.
Càng nghĩ đến người yêu, Tuấn càng căm ghét lão già. Sự căm ghét cứ tăng lên mãi rồi bỗng nhiên nó biến thành mặc cảm tội lỗi khi cậu sực nhớ ra rằng lão già đáng nguyền rủa đó chính là cha ruột của Lan, người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng nàng cho đến ngày hôm nay. Cậu muốn xua đuổi sự căm ghét lão già nhưng không thể được, nó cứ đeo bám mãi trong lòng cậu không chịu rời ra. Mối tình đầu đang đem đến cho cậu nhiều hạnh phúc nhưng cũng không ít khổ đau.
Tình yêu của hai trẻ không được diễn ra một cách trọn vẹn. Và vì không trọn vẹn nên tình yêu càng say đắm, càng nồng nàn. Nó như thùng thuốc súng muốn châm ngòi mà chưa châm được. Nó sẽ nổ lúc nào, có trời mới biết trước.




*
* *







HIỆP định Paris rồi cũng tới hồi lúc kết thúc. Hòa bình được lặp lại bằng một cái tên chẳng đẹp đẽ chút nào: đình chiến da beo. Hòa bình có vẻ mỏng manh, nhưng dù sao tiếng súng cũng tạm thời bớt nổ và người ta thở dài nhẹ nhõm.
Đối với Tuấn thì da beo hay da cọp cũng chẳng nghĩa lý gì. Dành dân, lấn đất sau hiệp định, cậu chẳng quan tâm. Tuấn chỉ hân hoan về một điều duy nhất. Đó là lệnh cấm trại một trăm phần trăm được bãi bỏ và, hàng tuần, từ trưa thứ bảy đến sáng thứ hai, cậu được trở về ngồi bên người yêu trong những giờ ông lão vắng mặt tại nhà.
Một hôm, đi dạy về, Quang quăng tờ báo lên bàn, nói với vợ:
- Xem nầy, lại đánh nhau rồi.
Thực vậy, hòa bình chưa được bao lâu thì súng bắt đầu nổ lai rai chỗ nầy chỗ nọ. Ở bộ tổng tham mưu, cơ quan tình báo phát hiện nhiều đoàn xe chở người và khí cụ trên đường mòn Hồ Chí Minh. Không quân Mỹ đã rút lui theo hiệp định Paris; bây giờ là lúc không quân Việt Nam Cộng hòa đơn độc ra tay. Lệnh chuẩn bị được truyền đến từng phi đội.
Tuấn thở dài ngao ngán; cậu biết sắp chấm dứt những chiều thứ bảy êm đềm, những sáng chủ nhật say đắm bên người yêu. Bỗng nhiên, cậu nảy ra ý định tặng cho Lan một món quà quý giá.
Trưa thứ bảy cuối tháng, Tuấn ra cổng với xấp tiền lương cồm cộm trong túi. Cậu ghé qua quán cơm ăn no nê rồi chạy thẳng về trung tâm thành phố. Gởi xe xong, Tuấn thong thả vào ngắm từng món nữ trang trong các gian hàng sang trọng trên đại lộ Lê Lợi và suốt bề dài đường Tự do. Không có gì phải vội vã, vì bốn giờ chiều, lão già mới đi lãnh bánh mì và bán đến tám hay chín giờ tối mới xong.
Ngắm nghía và xem giá đến hàng trăm lần, cuối cùng cậu mua được một chuỗi ngọc trai xinh xắn. Đó là chuỗi ngọc loại trung bình nhưng cũng đủ làm tan biến tháng lương thiếu úy, chỉ còn sót lại một ít bạc lẻ mà thôi. Cầm món nữ trang trong tay, Tuấn tưởng tượng đến cái cổ trắng ngần của người yêu. Đeo vòng ngọc trai nầy vào chiếc cổ đó thì còn đẹp hơn cả khi mang vào cổ của những tượng mẫu bán thân trong các gian hàng. Cậu muốn đích thân cài chuỗi ngọc vào chiếc cổ trắng ngần đó. Tuấn hớn hở ra bãi lấy xe.
Đúng bốn giờ rưỡi, Tuấn về đến nhà. Cửa nhà chị Điệp đóng kín. Tuấn biết anh chị còn dạy tại trường và Lan chưa qua may. Thực vậy, cửa nhà Lan hé mở nhưng lão già đã đi bán hay chưa?
Tuấn đựng xe, hồi hộp đi vòng xuống đường cố gắng nhìn vào trong nhà. Nơi tấm vách ván, không có chiếc xe đạp dựng vào. Điều đó có nghĩa là lão già đã ra đi. Tuấn rón rén bước vào, ló đầu nhìn khắp nhà. Quả thật không thấy bóng lão già. Gian nhà nghèo nàn trống trơn, rất dễ quan sát. Ở gần vách sau, Lan đang ngồi dưới đất, trước bếp, lưng quay ra ngoài. Mái tóc đen mềm mại che phủ phần trên của chiếc áo bông xinh đẹp. Lòng Tuấn chợt rộn lên niềm hân hoan khó tả khi hiểu rằng Lan mặc áo đẹp cốt để đón người yêu chiều thứ bảy.
Ánh sáng nơi cửa bị che chắn làm Lan giật mình quay lại. Cô đứng bật dậy, mắt mở to, bất động nhìn Tuấn, đầu óc quay cuồng, tình cảm hỗn độn, vừa vui mừng, vừa hoảng hốt vì lần đầu tiên, người yêu dám vào nhà mình.
Tuấn đưa chân về sau, đá khẽ vào cửa để khép lại, rồi, tay móc xâu chuỗi từ chiếc hộp trong túi quần, chân chẫm rãi bước về phía Lan. Như bản năng của một loài thú yếu ớt, Lan run rẩy đưa một bàn tay để ngăn Tuấn lại. Nhưng không kịp nữa, Tuấn nhẹ nhàng quàng chuỗi ngọc qua chiếc đầu bé nhỏ thân yêu. Hai bàn tay của Tuấn vuốt nhẹ vào mái tóc, trượt xuống chạm vào đôi vai tròn trịa. Lan rùng mình, rồi bỗng chốc, hơi sức thoát khỏi cơ thể, nàng buông mình trong vòng tay lực lưỡng của Tuấn, đang từ từ siết chặt hai cơ thể vào nhau. Ngực nàng áp mạnh vào ngực người yêu, nàng bỗng thấy cơ thể nóng ran; nàng vòng cả hai tay bấu mạnh vào lưng Tuấn, mặt dụi vào vai, vào cổ người con trai. Tuấn áp hai bàn tay nóng hổi vào hai má của Lan và nâng đầu nàng ngửa nhẹ ra sau. Lan nhắm mắt lại khi bắt gặp cái nhìn ngây dại của Tuấn. Nàng lại rùng mình và một lần nữa, sức lực tan biến khi đôi môi của Tuấn khẽ chạm vào rồi áp mạnh vào đôi môi trinh nữ của nàng.
Tuấn dạng chân ra để có thăng bằng hơn khi cơ thể Lan hoàn toàn buông thả trong đôi tay của cậu. Từ trong đôi môi của người yêu, Tuấn nghe có tiếng rên khe khẽ, ngọt ngào và đê mê.
Hai cơ thể vẫn dán chặt vào nhau, hai đôi môi vẫn không rời nhau, họ đứng yên, bất động, đắm chìm trong cái hôn đầu tiên dài vô tận. Họ không còn nghe tiếng xe chạy bên ngoài, không còn biết thời gian đang chầm chậm trôi qua.
Bỗng cánh cửa bật ra, ánh sáng bên ngoài tràn vào như tia chớp. Lan như bừng tỉnh dậy. Nàng hoảng hốt, tay đẩy Tuấn, mắt nhìn ra cửa. Bóng lão già sừng sững ngay giữa khung gỗ như bóng một hung thần. Nàng sợ hãi đến cùng cực. Trong một thoáng, nàng muốn tự vỡ tung ra như chiếc bọt xà phòng và tan biến trong không gian.
Lão già há hốc nhìn đôi trẻ. Tuấn quay lại, không quá hoảng hốt giống như Lan, nhưng cậu vẫn đứng yên như hóa đá vì bất ngờ. Đã từng xông pha nơi trận mạc, Tuấn còn giữ được bình tĩnh để nghĩ cách đối phó. Khổ nỗi, cậu vừa bị đột ngột rút ra khỏi cái hôn nồng cháy, đầu óc chưa hết chơi vơi, nên một giải pháp đối phó không dễ dàng đến ngay được.
Sự bất ngờ và ngạc nhiên ban đầu làm cho lão già bất động. Nhưng không lâu, cơn phẫn nộ từ trong tim bùng lên dữ dội và nhanh chóng lan tỏa đến đôi chân. Lão gầm lên như một con thú dữ, lao vội vào bếp.
Tiếng gầm của lão già làm cho Tuấn như bừng tỉnh. Thấy lão già nhào vào bếp, cậu định đưa tay ngăn lại nhưng không kịp thì Lan đã dùng tất cả sức mạnh của người con gái, xô vào lưng Tuấn ra phía cửa. Như bản năng của loài mèo, cậu nhảy về trước một bước để lấy thăng bằng thì chân vấp phải ngạch cửa, cậu ngã chúi ra hiên nhà. Cánh cửa bị đóng mạnh và một tiếng ‘cách’ của chốt cửa bị gài nhanh.
Tuấn vụt đứng dậy, lưng khom khom, hai tay chống vào đùi, mắt dán chặt vào cánh cửa, trong một dáng điệu thông thực buồn cười. Đầu óc cậu quay cuồng tìm một giải pháp. Cậu vẫn đứng lom khom, lắng tai nghe. Nếu có tiếng kêu cứu của Lan, cậu sẽ lập tức tông cửa vào, rồi sau đó thế nào không cần tính trước.
Nhưng không có tiếng Lan mà chỉ nghe tiếng gầm của lão già: “Con khốn kiếp, tao giết mày”. Một tiếng bốp vang lên, một tiếng huỵch của cơ thể ngã xuống đất tiếp theo là những tiếng bốp bốp của một thanh gỗ nện vào da thịt con người.
Tuấn nghe đau nhói trong lòng cùng nhiều tiếng bưng bưng khủng khiếp trong đầu. Cậu bước tới xô mạnh cánh cửa nhưng chỉ làm cho nó khẽ nhúc nhích mà thôi. Cậu vội lùi lại hai bước và, bằng một thế võ đã từng dày công luyện tập ở quân trường, Tuấn tung người, dồn cả sức nặng của cơ thể vào hai chân, cùng lúc đạp mạnh vào cánh cửa. Rốp, chốt gãy, cửa bung vào trong. Trước mắt Tuấn, Lan nằm co quắp bất động dưới nền nhà. Lão hung thần đứng dạng hai chân, nắm chặt trong tay một cây củi khá dài.
Khi cửa bung ra, lão già xoay người, trợn mắt, gầm lên một tiếng, bước tới hai bước, đưa cây gỗ lên cao để giáng mạnh xuống đầu Tuấn. Tuấn rướn người lên, vói tay chụp vào bàn tay lão bóp mạnh và xoay nửa vòng. Lão rên lên một tiếng đau đớn buông thanh gỗ và gập người lại theo chiều bẻ tay của Tuấn. Tuấn xoay tay lão ngược chiều, lão gượng thẳng dậy. Tuấn vẫn nắm bàn tay đó đẩy mạnh vào ngực lão, còn chân thì đá vào nhượng chân lão, làm lão mất thăng bằng, ngã ngửa ra sau. Tuấn không để lão rơi xuống; cậu buông tay lão, dùng cả hai tay đỡ lưng lão rồi, nương theo sức ngã, cậu vừa nâng vừa lôi một cái, thả tay ra, lão đã nằm gọn trên giường.
Tuấn nhảy về phía trước, cúi xuống xốc Lan dậy và hấp tấp bước ra cửa. Cậu dìu Lan lướt nhanh về phía chỗ để xe, bế nàng đặt vào yên sau. Một tay giữ Lan, Tuấn leo lên yên trước, vòng hai tay ra sau kéo nàng tựa mạnh vào lưng. Cậu nhanh chóng mở khóa, hấp tấp đạp cho nổ máy, rướn mình về trước để cho chân chống bật lên rồi cho xe lăn bánh ra đường. Nghe tiếng hét của lão già sau lưng, cậu muốn cho xe vọt tới để nhanh chóng tránh xa nơi quỷ ám, nhưng sợ Lan ngã nên phải siết ga nhè nhẹ cho xe nhanh dần. Nhưng khi cảm thấy những ngón tay của người yêu bám chặt vào bụng mình, cậu tăng tốc về hướng xa lộ Biên hòa.
Qua khỏi ngã tư Hàng xanh, không khí đồng nội bắt đầu phả vào mặt, Tuấn hít mạnh một hơi để xua bớt sự căng thẳng vừa qua. Khi xe rời cầu Sài gòn, Tuấn cảm thấy Lan gục đầu vào lưng mình, những tiếng thổn thức càng lúc càng nhặt và to hơn. Tuấn vòng tay trái lui sau, sờ lấy chiếc lưng thon thon của người con gái, cảm thấy trong lòng mình dậy lên một nỗi yêu thương rạt rào khôn tả. Cậu nghiêng đầu gọi to qua tiếng gió vù vù:
- Lan, em.
Tuấn không nghe tiếng trả lời nhưng biết khuôn mặt của người yêu áp vào vai mình gây nên một cảm giác thực êm đềm. Tuấn buông lưng Lan, dùng cả hai tay cầm vào tay lái. Cậu siết ga cho xe vọt tới, lòng lâng lâng như vừa mới thoát ra khỏi địa ngục để tiến thẳng vào thiên đường hạnh phúc.
 
*
* *