Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Chương 12: Sum họp (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập IV
Chương 12: Sum họp
(2)

Sáng hôm sau, Tân bắt đầu công việc sửa xe với anh Cung. Sau vài phút bỡ ngỡ ban đầu, Tân quen với công việc một cách nhanh chóng và cảm thấy thích thú, nhất là khi nhận tiền của khách và cho vào túi áo của mình. Buổi chiều, khi nắng tắt một lúc, Tân phụ với anh Cung dọn dẹp, chở dụng cụ về nhà của Kính. Tân bắt tay Cung thật chặt rồi ra về. Trên đường, anh ghé mua hai ổ bánh mì, vài quả trứng và hai viên kẹo cắm ở đầu que tre.
Vừa quẹo vào đầu ngõ, anh đã nghe tiếng hai đứa trẻ hét to:
- Ba về, ba về!
Anh vội dựng xe, bế cả hai con vào nhà. Thùy Liên từ dưới bếp chạy lên. Nàng đứng ở cửa thông, nét mặt rạng rỡ, nhìn chồng và con đang quấn quít lấy nhau. Tân trở ra xe, lấy kẹo cho con, bánh mì và trứng cho vợ.
Hai đứa bé hét lên vui sướng, trong khi Thùy Liên nhìn chồng và nói với giọng đầy cảm xúc:
- Anh Tân, chiều nay mẹ con em được hưởng kết quả của những giọt mồ hôi của anh đổ trên vệ đường đầy bụi và nắng. Hai đứa con được em đón về từ hơn một giờ rồi, bảo đi tắm mà không chịu. Chúng nó cứ đứng trước hiên nhà để ngóng trông anh. Lâu lắm rồi hai đứa không được ăn kẹo. Tội nghiệp. Trước ngày “giải phóng” tụi con nít có thèm nhìn tới những thứ nầy đâu.
Tân móc số tiền còn lại trong túi áo mình đưa cả cho vợ. Thùy Liên lắc đầu:
- Không, em không nhận đâu, anh cứ giữ lấy mà dùng.
Tân âu yếm:
- Đây là món tiền đầu tiên anh kiếm được sau khi ra tù, em nên nhận lấy. Nguồn vui duy nhất của anh bây giờ là góp phần lo cho sự sống của em và hai con.
Nói xong, Tân nhét tiền vào tay vợ rồi dẫn hai con đi tắm.
Bữa cơm chiều, như mọi hôm, diễn ra thực vui vẻ và đầm ấm.
Liên tiếp những ngày sau đó, Tân vẫn làm việc suốt ngày. Buổi trưa, Tân và anh Cung thay nhau về nhà ăn cơm rồi lại tiếp tục công việc. Chiều nào Tân cũng rốc hết túi, đưa tiền cho vợ. Thỉnh thoảng anh mua bánh kẹo hay một món đồ chơi rẻ tiền cho hai con.
Trong một buổi cơm chiều, Thùy Liên nhắc chồng:
- Anh về được đúng một tháng rồi đó. Sáng nay, cảnh sát khu vực tức là người công an phụ trách xóm nầy đến kiểm tra hộ khẩu, may có em ở nhà. Lão ta bảo anh nên đi vùng kinh tế mới. Em đưa cho lão xem biên nhận anh nộp đơn ở sở giáo dục, lão mới thôi. Lão dặn anh khi nào có quyết định của sở giáo dục phải báo cho lão hay và sau đó đi làm hộ khẩu tại công an thành phố. Không biết chừng nào mới có quyết định? Sao anh không lên hỏi và đốc thúc, may ra có sớm.
Tân đáp lại một cách thờ ơ:
- Mặc kệ, anh chẳng cần đi dạy cho sớm. Chờ đợi càng lâu càng tốt, anh có thì giờ sửa xe với anh Cung, kiếm tiền khá hơn đi dạy. Tuy nhiên, hôm trước, anh có gặp một người bạn đang làm việc trên sở giáo dục và nhờ anh ấy báo tin cho mình khi có quyết định. Sáng nay em cho công an biết anh có nạp đơn ở sở giáo dục, thế là chúng nó để yên cho anh rồi không có gì phải lo nữa. Sáng mai chúa nhật, anh tính nghỉ sửa xe một bữa để đi thăm anh Vinh.
Thùy Liên ngắt lời ngay lập tức:
- Phải rồi, em muốn nhắc anh điều đó nhưng hơi ngại. Tháng trước, thấy anh ngồi đằng đó mà buồn bực em đâm lo. Anh nên đến với anh Vinh đi. Em biết anh ấy muốn nói chuyện với anh. Nhưng anh nên đến thăm vào lúc không có chị Vinh ở nhà thì mới nói hết lời được.
Tân lắc đầu:
- Anh muốn tâm sự với anh Vinh lắm chứ nhưng cứ nghe luận điệu tuyên truyền của hai ông bà, anh khó chịu quá.
- Không đâu, nếu không có mặt chị thì anh Vinh nói khác, nghe tình cảm dễ thương lắm. Sáng mai, anh đến, hi vọng gặp anh Vinh ở nhà một mình. Hôm nọ chị Vinh có nói với em rằng chúa nhật nào chị ấy cũng dẫn hai đứa con đi chơi hoặc thăm bạn bè bà con. Anh Vinh thường ở nhà một mình đọc sách báo.
- Ừ, ngày mai, chúng mình đi.
- Anh Tân, anh đi một mình thôi nhé vì ngày mai em phải đi họp phụ huynh học sinh cho hai con, em đem chúng nó đến trường chơi giỡn với bạn bè chúng nó. Khoảng mười giờ, họp xong rồi, em ghé chợ rồi về. Hôm nay em muốn cho ba cha con ăn ngon một bữa.
- Được rồi, anh đi một chốc thôi rồi sẽ về nhà chơi với hai con. Suốt tuần lễ đi làm. thèm đùa giỡn với con quá chừng.

Sáng hôm sau, khi Tân đến nhà anh Vinh thì đúng như lời của Thùy Liên, chỉ một mình anh ở nhà. Anh mừng rỡ ra mở cửa và đưa chú em vào phòng khách, rót nước mời Tân uống rồi nói:
- Cả tháng nay anh mong chú đến mà chẳng thấy.
- Thưa anh, chị và các cháu đang làm gì ở nhà trong?
- Mấy mẹ con đi chơi cả rồi. Thông thường, sáng chúa nhật, chị giao nhà cho anh giữ rồi đưa hai đứa con về nhà bà chị ở Tân định. Hôm nay chỉ có hai anh em thôi, nói chuyện thoải mái hơn. Anh rất muốn biết đời sống của chú trong hơn hai mươi năm qua. Anh có hỏi vợ của chú nhưng cô ấy không có nhiều thì giờ và chỉ biết được mươi năm về sau nầy thôi.
Tân nghe anh nói, ngồi ôn lại chuyện cũ chưa vội trả lời thì anh Vinh nói tiếp:
- Anh còn nhớ anh bị địch bắt vào tháng ba năm 1953. Hơn một năm sau, đất nước bị chia cắt, anh được trao trả tù binh và tập kết thẳng ra Bắc. Trong bao nhiêu năm ở ngoài đó, lúc nào anh cũng mong ước làm thế nào biết được chú sống ra sao ở trong nầy. Tuy nhiên đành chịu, làm sao biết được. Cùng một Tổ quốc, cùng một dân tộc mà hai miền xem nhau như hai kẻ thù không đội trời chung.
Nghe anh Vinh nói, Tân rất xúc động. Anh cũng ngạc nhiên vì giọng nói và lời lẽ của anh mình khác hẳn lần gặp gỡ đầu tiên. Lần trước, anh em gặp nhau sau hai mươi lăm năm xa cách, anh Vinh chẳng có cử chỉ gì vồn vã, lời nói lại rặc mùi tuyên truyền mà Tân đã nghe đến chán ngấy hơn ba năm rồi, tới cái độ mà Tân muốn về ngay lập tức. Hôm nay thì khác hẳn, anh có vẻ rất tình cảm, lời nói thực dịu dàng và đầy tình người.
Anh Vinh nói tiếp với giọng thân ái:
- Chú hãy kể cho anh nghe, sau khi anh bị bắt và bị đày ra Côn đảo thì chú sống ra sao và ai nuôi chú?
Tân cố nhớ lại tỉ mỉ chuyện xa xưa và kể cho anh Vinh nghe cái đêm trốn trong vườn Tao đàn, gần một năm lánh vào chiến khu Đồng tháp mười rồi sau hiệp định Genève, trở về hoạt động cho thành đoàn và bị bắt. Đến đây thì anh dừng lại vì ngại ngùng khi phải kể tiếp cái giai đoạn từ bỏ con đường cách mạng, rồi bị lệnh động viên đẩy vào con đường phải cầm súng chống lại cách mạng, chống lại những đồng chí của anh và của anh Vinh.
Thấy em ngừng nói, anh Vinh hỏi:
- Sau khi ra tù, chú không còn liên lạc với cách mạng nữa phải không?
- Người ta có đến móc nối với em nhưng em từ chối.
- Tại sao từ chối? Chú sợ phải không?
Tân cảm thấy máu nóng trong đầu mình bốc lên. Anh không muốn tránh né sự thực nữa. Thật cực lòng nếu phải tránh né sự thực mãi. Thôi thì cứ nói thẳng ra rồi anh Vinh có la rầy hay mắng chửi thế nào cũng được. Tân nhìn thẳng vào mắt anh:
- Anh hỏi tại sao? Anh bảo em sợ tù đày nên từ bỏ cách mạng? Không, em không sợ nhưng khi đó em nghi ngờ tính đúng đắn của cuộc phiêu lưu theo con đường cách mạng. Lúc bấy giờ, chính quyền miền Nam rõ ràng là của người Việt Nam. Cách mạng tố cáo Mỹ xâm lăng miền Nam là không đúng sự thực. Mỹ đổ viện trợ vào một cách dồi dào, nhưng chủ yếu là viện trợ kinh tế chứ không phải là súng đạn. Mỹ cũng gởi một số chuyên viên vào để làm cố vấn chứ chưa hề mang quân vào thì sao gọi là xâm lược được. Vả lại, một nước nhược tiểu bị kiệt quệ sau chiến tranh mà nhận sự giúp đỡ của một cường quốc thì có gì là xấu. Miền Bắc không nhận viện trợ của Liên xô và các nước khác trong khối cộng sản hay sao? Em thấy tiếp tục theo cách mạng để chống lại miền Nam là điều không hợp lẽ phải. Tuy nhiên khi từ giã cách mạng, em không hề có ý chống lại cách mạng. Ngay cả lúc bị tra tấn, mặc dầu đã có ý rời bỏ cách mạng rồi nhưng em vẫn quyết định chịu đựng cho đến chết để bảo toàn cơ sở bên ngoài của cách mạng. Đó là sự thực, em không hề bịa ra để tự bênh vực mình. Vả lại, cho đến bây giờ em cũng không cho rằng việc từ bỏ cách mạng lúc đó là sai, em không cần hối hận, không có ý kể công với cách mạng nên chẳng cần đặt điều để tự biện hộ làm gì.
Tân dừng lại, cúi đầu, mím môi chờ đợi sự thịnh nộ của người anh ruột thịt duy nhất của mình. Nhưng anh Vinh vẫn ngồi yên, nhìn chăm chăm ly nước còn phân nửa trên bàn. Không khí im lặng và nặng nề làm cho Tân thấy ngột ngạt, vô cùng khó chịu. Tân muốn anh Vinh lên tiếng, nhưng bức tượng đá trước mắt vẫn không động đậy. Không thể chịu đựng được nữa, Tân nói nho nhỏ:
- Anh Vinh, anh cứ mắng nhiếc em đi, đừng sợ em tự ái. Em có thể chịu đựng được sự la rầy của anh.
Vinh chậm chạp ngẩng lên:
- Chú bảo sao? Mắng chú vì không theo cách mạng đến cùng à? Không, lúc đó chú từ bỏ cách mạng là đúng. Kể từ sau hiệp định Genève, cách mạng đi lệch đường rồi, không còn mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân nữa.
Tân trố mắt nhìn anh, không tin vào tai mình nữa. Vinh mỉm cười lặng lẽ:
- Chú ngạc nhiên khi nghe anh nói như thế phải không? Nè, anh dặn chú điều cực kỳ hệ trọng nầy. Những gì anh nói với chú hôm nay, chú tuyệt đối không được nói lại với ai khác nghe chưa?
- Vâng, em nghe lời anh.
- Chú đưa tay thề đi thì anh mới tin và nói tiếp.
Tân đưa tay lên trời:
- Vâng, em xin thề.
- Được rồi. Hai mươi mấy năm rồi, anh luôn luôn có một sự dằn vặt trong lòng. Anh mong có ngày nói được với chú sự dằn vặt đó rồi sẽ thanh thản hưởng thụ những ưu đãi mà chế độ nầy ban cho anh. Chú có nhớ cái ngày hai anh em mình được cậu Danh đưa vào Nam không? Cậu đã cứu anh em mình ra khỏi vùng khói lửa khủng khiếp của quê miền Trung. Cậu là ân nhân của anh em mình nhưng mình không bao giờ có dịp đền ơn. Rồi anh em mình sống với nhau. Anh đã mang lấy hai lời thề và anh đã khổ vì hai lời thề đó.
Tân sợ hãi, ngắt lời anh:
- Anh thề gì vậy? Từ lúc nào?
- Từ lúc quì lạy trước mô cha và mẹ. Với cha thì anh thề trả thù. Với mẹ thì anh thề sẽ hi sinh và gầy dựng cho chú.
Vinh cầm ly nước lên rồi giữ chặt, mân mê chiếc ly trong tay, nói một cách chẫm rãi:
- Cách mạng tháng Tám gợi đúng vào chí khí của dân Việt Nam. Anh cũng như mọi người khác lao vào mà chẳng cần suy nghĩ đắn đo, không còn biết gì khác hơn là phục vụ cho cuộc kháng chiến. Ngày đêm, anh suy nghĩ cách nào moi được những tin tức mật về các cuộc hành quân Pháp Việt mà phòng kế hoạch của hãng BGI mua được. Cho đến khi anh bị bắt, bị tra tấn, bị đày đi Côn đảo, không còn bận rộn với công tác cách mạng thì kể từ đó, lúc nào cũng nghĩ đến chú, đến lời thề trước mộ của mẹ. Anh lo sợ, vô cùng lo sợ cho chú. Cảnh tra tấn, tù đày quá khủng khiếp. Anh biết chắc rồi chú cũng phải trải qua thảm trạng đó. Nhiều người đã chết vì không chịu đựng nổi. Anh thì chịu đựng được còn chú thì sao? Lúc nhỏ, chú ốm yếu chứ không được khỏe mạnh bằng anh. Nếu chú có mệnh hệ nào thì anh hoàn toàn có tội và đáng bị trừng phạt vì lời thề trước mộ mẹ. Thực ra, anh không hề trực tiếp xúi chú đi làm cách mạng, nhưng từ khi cha mẹ nằm xuống, bất cứ ở đâu, anh đi trước thì chú cũng theo sau, anh đi vào con đường cách mạng thì dĩ nhiên chú cũng theo. Nằm trong nhà giam của Côn đảo, đêm thanh vắng, nghe tiếng gió biển gào thét, anh lầm thầm khấn nguyện mẹ phù hộ cho chú. Nghĩ lại cũng tức cười. Con người anh bỏ cả mạng sống của mình để chạy theo chủ nghĩa duy vật, lúc lâm nạn lại cầu khẩn đến linh hồn người đã chết. Sự thực, anh đã cầu khẩn linh hồn của mẹ hằng đêm. Sự cầu khẩn đó có ứng nghiệm hay không thì chưa biết nhưng lúc đó nó cũng an ủi anh được phần nào.
Vinh lại uống nước rồi nói tiếp:
- Rồi anh được trao trả tù binh theo hiệp định Genève, được tập kết ra Bắc, được đón tiếp như một vị anh hùng. Anh mê mẫn trong vinh quang nên trong một thời gian không nghĩ đến lời thề trước mộ mẹ nữa. Cho đến khi cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố diễn ra, anh được cử đi xách động quần chúng nên chứng kiến rõ ràng nỗi cay đắng và sợ hãi của đồng bào, cùng cái chết thực oan uổng của nhiều người mà anh cho là vô tội. Gần như cùng lúc đó thì đảng ra lệnh thanh trừng nhóm trí thức Nhân văn giai phẩm. Anh có quen biết vài người trong nhóm đó. Anh buộc phải suy nghĩ lại con đường cách mạng mà anh đã di theo. Dĩ nhiên là anh vẫn phải đi theo con đường đó đến cùng, nhưng anh nghĩ nhiều đến chú ở lại miền Nam. Anh lại bắt đầu cầu khẩn mẹ xui khiến cho chú từ bỏ con đường cách mạng đi.
Anh Vinh lại ngừng nói. Tân thở ra một hơi dài nhắm mắt lại, lòng cực kỳ xúc động. Trong đầu Tân hiện ra thực rõ ràng cả đoạn đường dài của quá khứ làm cách mạng: những ngày sống cô độc trong nông trường tự túc giữa Đồng Tháp mười bao la bát ngát, những ngày làm công tác dân vận thực sôi nổi dưới sự lãnh đạo của thành đoàn và cuối cùng, sự tưởng tượng dừng lại trong khung cảnh những trại giam của khám Tân hiệp xưa kia. Mấy dãy nhà tôn dài thậm thượt nằm hai bên một sân thể thao rộng rãi. Cuối sân, một bên là nhà bếp nhà ăn, một bên là vườn rau xanh mượt mà. Cuối vườn rau là nhà kỷ luật, trong đó anh đã sống nhiều ngày. Nhà kỷ luật đó đã được anh em phạm nhân gọi một cách mỉa mai và sợ hãi là “nhà tù trong một nhà tù”… Chính trong thời gian bị giam cầm tại đây, anh đã quyết định từ bỏ con đường cách mạng.
Tân mở mắt ra, nhìn anh một cách chăm chú. Anh Vinh xưa kia của Tân hiện ra một cách rõ ràng. Một niềm thương yêu rạt rào bùng lên trong lòng Tân như chưa bao giờ bị chôn nén.
Ngoài đường xe chạy ồn ào, tiếng anh Vinh lại nhỏ dần đi nên Tân phải xích lại gần và cố lắng tai nghe. Vinh nói tiếp:
- Lúc đó anh nghe nói rằng chính quyền trong Nam đang áp dụng cái luật gì đó, chém rụng hằng loạt đầu của những người theo cách mạng, anh vô cùng lo sợ cho sinh mạng chú. Mặc khác, chứng kiến đời sống của nhân dân miền Bắc sau khi cách mạng thành công, khổ hơn thời bị thực dân đô hộ, anh tự hỏi sự hi sinh của biết bao người có xứng đáng hay không? Nếu chú vẫn theo cách mạng và hi sinh như thế thì anh vô cùng đau xót. Đó, tâm trạng anh là như thế. Anh tự dằn vặt mình và tha thiết cầu nguyện mẹ xui khiến cho chú từ bỏ con đường cách mạng đi.
Tân thở ra một hơi dài, cảm thấy tâm hồn mình bồng bềnh trong một vùng lửng lơ giữa quá khứ và hiện tại. Tân nói qua hơi thở:
- Mẹ đã chứng lời cầu xin của anh. Em đã bỏ cách mạng từ dạo đó.
Giọng của anh Vinh trầm trầm, Tân vẫn phải chú ý lắng nghe:
- Nếu lúc đó anh biết được như thế thì có lẽ lòng anh được nhẹ đi rất nhiều rồi.
Đột nhiên giọng Vinh to lên và vui vẻ:
- Chú Tân, chú suy nghĩ như vậy là đúng. Chủ trương của đảng trước sau như một, rất khoan hồng độ lượng đối với người lầm đường lạc lối. Chú cứ tiếp tục phấn đấu để tự cải tạo thêm và cố gắng góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại.
Tân mở to mắt, ngạc nhiên đến cùng cực. Anh Vinh miệng cười rất tươi, đôi mắt mở to nhìn xuyên qua vai của Tân.
Giọng anh Vinh tiếp tục:
- Mấy mẹ con về rồi đó à? Anh chị Thịnh có khỏe không?
Tân chợt hiểu. Anh quay lui thì cũng vừa lúc chị Vinh và hai đứa con vào đến cửa. Tiếng xe ngoài đường chạy ồn ào nên vừa rồi ba người tự mở cổng vào lúc nào hai anh em không hay.
Tân đứng dậy:
- Thưa chị mới về. Chào hai cháu.
Chị Vinh đon đả:
- Chú Tân đến chơi. Cô Liên và hai cháu đâu?
- Dạ, vợ em hôm nay đi họp hội phụ huynh cho hai đứa nhỏ. Chúng nó cũng theo mẹ đến trường luôn.
Chị Vinh nói một cách vui vẻ và thân thiện:
- Nhờ chánh sách khoan hồng của đảng, chú Tân trở về được một tháng rồi nhỉ. Chú thấy thành phố mình bây giờ có khác với thời Mỹ đô hộ không?
Tân nín thở để trả lời:
- Dạ, nói chung thì cũng chưa khác bao nhiêu.
- Ừ, xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cũng phải từ từ chứ. Tôi thấy nhiều người than thở cực khổ. Cực khổ là vì Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược phá hoại cả miền Nam mình. Bây giờ, mình đuổi Mỹ đi rồi, cứ một lòng theo đảng để xây dựng, vài năm nữa không thua nước nào đâu.
Anh Vinh phụ họa theo:
- Phải đó, cách mạng mới thành công thì cũng thiếu thốn một chút, nhưng dần dần sẽ khá hơn. Phải tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của đảng.
Chị Vinh tỏ vẻ hài lòng:
- Phải tin tưởng mới được, chú Tân nhé?
Tân cố gắng thốt được thành tiếng nho nhỏ:
- Dạ, em xin nghe lời anh chị.
Tân cảm thấy xấu hổ vì chính lời nói của mình. Anh nói tiếp:
- Thôi trưa rồi, em xin phép về nhà kẻo hai đứa bé mong.
Chị Vinh đon đả:
- Gớm, gì mà vội thế. Ở lại đây chơi và dùng cơm với vợ chồng chúng tôi.
- Cám ơn chị. Xin để khi khác, hôm nay em hẹn với Thùy Liên về nhà ăn cơm.
Tân nói xong đứng dậy bắt tay anh, bước ra cửa. Anh Vinh đi theo. Ra đến cổng, anh bảo nhỏ:
- Anh nói chưa hết lời với chú.
- Vậy anh đến nhà em nói chuyện thoải mái hơn.
- Không được. Chị không thích anh ra khỏi nhà một mình.
- Ghen thế à?
- Trước đây thì ghen ghê gớm. Bây giờ lớn tuổi rồi bớt ghen nhưng vẫn giữ thói quen đó.
- Nhưng anh đến nhà em ruột mình kia mà.
- Với em thì lại khác. Chị ngại anh lui tới nhà chú nhiều.
Tân bực tức:
- Em hiểu rồi. Em là thằng đi học tập cải tạo về, chưa được phục hồi quyền công dân, có nghĩa vẫn là thằng tù bị giam lỏng. Lui tới gần gũi với em có thể hại cho bước đường thăng tiến của anh chị và các cháu phải không? Thế thì tốt hơn hết, anh em mình không nên gặp nhau nữa.
Vinh nắm lấy cánh tay, em nói nhỏ:
- Tân, chú không nên trách anh. Anh đâu có muốn thế. Người ta đã làm nên lịch sử. Lịch sử là một guồng máy khổng lồ và tàn nhẫn. Thân phận con người thì vô cùng nhỏ bé trước cái guồng máy đó.
Cơn giận của Tân vừa bùng lên, tắt đi nhanh chóng. Bao giờ cũng thế, nghe một câu nói của ai đó than thở về thân phận con người là lòng Tân dịu lại ngay tức thì. Tân nói với Vinh:
- Em xin lỗi anh. Chúng ta đều là nạn nhân của lịch sử.
- Dù sao đi nữa, chú cũng nên đến thăm anh, vào sáng chủ nhật là tốt nhất. Anh muốn nói cho hết tâm sự của mình cho chú nghe, sau đó anh rứt bỏ mọi ưu tư để sống mà hưởng thụ và tuyệt đối trung thành với đảng.
- Vâng, em sẽ đến nhưng không đến ngay tuần sau đâu. Đến liên tiếp hai tuần liền, chị lại nghi đợi chị đi vắng, anh em mình âm mưu gì.
Vinh cười gượng:
- Thế cũng được. Tuy nhiên, chú đừng nghĩ quá xấu về chị.
- Dạ, em chào anh.
- Chào chú.
Tân uể oải đạp xe về nhà.
Từ xa, anh đã thấy cánh cửa mở rộng của gian nhà mình. Ôi gian nhà thân thương! Trong cái đất nước dẫy đầy ưu phiền, căn nhà nho nhỏ nầy là cái tổ ấm cực kỳ quí giá của Tân. Bước qua ngưỡng cửa, lâp tức mọi phiền muộn bị rũ sạch để Tân vào nhà với tấm lòng thanh thản, tràn đầy hạnh phúc.
- Ba về, ba về.
Hòa Bình nhào tới. Tân cúi xuống, nó ôm chặt lấy cổ của cha đu lên, quơ chân lia lịa trong không khí. Thùy Dung đứng yên nhìn em và cười. Tân ngồi xuống, nói:
- Nào, Thùy Dung, tới đây với ba.
Con bé bước tới. Tân ôm cả hai con vào lòng, cúi xuống hôn như mưa bấc trên mặt hai đứa làm chúng nó cười sằng sặc.
Thùy Liên dưới bếp bước lên. Tân hỏi:
- Ba mẹ con về lâu chưa?
- Được gần một giờ rồi. Từ khi về nhà đến giờ, hai đứa cứ ngồi ở cửa mà ngóng trông anh. Anh đến đó có gặp cả gia đình anh Vinh không?
- Chỉ có anh Vinh ở nhà. Chị và hai cháu đi chơi mới về tới thì anh cũng xin kiếu từ rồi về đây.
- Vậy là hai anh em có dịp tâm sự với nhau, có vui không?
- Không, chẳng vui tí nào, buồn lắm.
- Vậy sao? Đúng rồi. Anh Vinh có một tâm sự gì đó rất lạ lùng, cử chỉ, cách nhìn và cách nói khác hẳn với thái độ phấn khởi và hống hách của những cán bộ miền Bắc vào đây sau ngày “giải phóng”. Em có kể anh nghe rồi, không biết anh còn nhớ chuyện đó hay không?
- Chuyện gì, em nhắc lại đi.
- Lần đầu tiên, anh Vinh đến đây và gặp em ở nhà, khi anh còn trong trại, anh ấy đã hỏi một câu làm em sửng sốt: “Tại sao thằng Tân không trốn ra nước ngoài mà ở lại đây để phải đi học tập?”
Tân lấy tay vỗ vào trán mình:
- Đúng rồi, em có nói điều đó, nhưng lâu quá, anh quên mất. Rõ ràng anh Vinh không còn tha thiết với cách mạng như lúc còn nhỏ nữa. Anh ấy có vẻ buồn.
- Em thấy anh ấy không phải buồn thôi mà còn có cái gì đó như là đau đớn, khổ sở nữa.
- Anh cũng ngờ ngợ thấy như thế nhưng không đoan chắc. Cả hai vợ chồng đang là cán bộ cao cấp, vừa là rường cột, vừa là con cưng của đảng mà. Tại sao lại đau khổ khi cách mạng đã thành công, lý tưởng mình đã đơm hoa kết trái.
- Chắc chắn có một điều gì đó trong lòng rất nặng nề mà chưa nói ra được làm cho anh Vinh không hưởng được một cách thoải mái thành quả của cách mạng mà anh ấy đã góp nhiều công sức. Anh Tân, em hỏi anh điều nầy.
- Gì vậy em?
- Lúc còn ở trong miền Nam, anh Vinh học đến đâu thì bị bắt?
- Anh ấy rất thông minh, vừa đi làm để nuôi anh, vừa hoạt động cho Việt minh, lại vừa đi học mà cũng đậu được bằng brevet d’études du premier cycle rồi đến bằng tú tài phần thứ nhất, lúc đó có giá trị lắm. Anh ấy có cả bằng kế toán và tốc ký nữa. Anh ấy đang luyện thi tú tài toàn phần thì bị bắt. Anh Vinh ham đọc sách lắm. Anh nhớ lúc còn sống chung, hai anh em ngủ cùng giường, anh ấy có đặt một cái đèn nhỏ ở đầu nằm để đọc sách. Có khi anh ngủ được một giấc rồi giật mình thức dậy thấy anh ấy vẫn còn đọc sách một cách say sưa.
Thùy Liên chăm chú nghe và gật đầu. Tân hỏi:
- Em hỏi anh điều đó để làm gì?
- Tuy mới đậu tú tài nhưng với trí thông minh và ham đọc sách, chắc chắn anh Vinh cũng có tìm hiểu thêm trong thời gian ở miền Bắc và cũng có thể xem là thuộc vào hàng ngũ những người có trình độ ngoài đó. Em nghĩ rằng anh ấy có tiếp xúc với nhóm trí thức miền Bắc.
Tân gật đầu:
- Đúng, anh Vinh nói với anh rằng có quen vài người trong nhóm Nhân văn giai phẩm, nhưng anh không hiểu em đang muốn đề cập đến vấn đề gì.
Thùy Liên không trả lời ngay câu hỏi của chồng. Nàng nói:
- Cách nay không lâu, em có nói chuyện với một nhà văn ở ngoài Bắc vào. Chị ấy khá hiểu biết và thành thật, có tính cách của trí thức. Chị kể cho em nghe một câu chuyện lý thú. Chuyện thế nầy. Trong một buổi họp, giới văn nghệ sĩ ngoài Bắc có mời ông thủ tướng đến dự. Khi buổi họp kết thúc, ông thủ tướng gặp riêng một văn sĩ kỳ cựu đã nổi tiếng từ trước cách mạng Tháng Tám và hỏi rằng ở miền Bắc hiện nay, ai là người sung sướng nhất và ai là người khổ nhất. Nhà văn trả lời: “Thưa thủ tướng, sung sướng nhất thì tôi không biết vì hỏi ai thì họ cũng bảo mình sung sướng cả, nhưng khổ nhất thì tôi biết; đó là những người tốt”. Em không biết chuyện đó có thực hay chỉ là một giai thoại của giới văn nghệ sĩ để nói lên nỗi lòng của họ.
Tân gật đầu một cách lý thú:
- Nhà văn đó nói đúng. Ở miền Bắc, người đau khổ là những người tốt, người đã chạy theo cách mạng bằng tất cả lý tưởng của tuổi thơ, bằng ước mơ cuồng nhiệt giành độc lập, đem hạnh phúc và tự do về cho nhân dân. Họ luôn luôn là những người tốt và là những người đau khổ khi thấy con đường mà mình đi không còn giữ được tính chất cao đẹp ban đầu nữa. Anh tin câu chuyện nhà văn kỳ cựu đó với ông thủ tướng là chuyện có thực. Người trí thức thì luôn luôn khao khát nói lên sự thực và không ngại hiểm nguy để nói lên sự thực. Vì vậy đã có nhiều trí thức toi mạng trong vụ Nhân văn giai phẩm rồi. Nhưng tại sao, đang nói chuyện anh Vinh, em lại bắt sang chuyện văn nghệ sĩ? Ra ngoài Bắc, anh Vinh trở thành nhà văn à?
- Không, em chưa hề nghe anh Vinh nói mình có viết văn. Nhưng em muốn mượn chuyện văn nghệ sĩ để chứng minh hai điều em nhận xét nơi anh Vinh.
- Hai điều gì?
- Điều thứ nhất, anh Vinh là người tốt nên anh Vinh đau khổ chứ không phải chỉ buồn suông thôi.
Tân ngắt lời một cách hăng hái:
- Anh đồng ý. Anh Vinh là người tốt. Anh nhớ lúc nhỏ còn sống chung, anh chưa hề thấy anh ấy có hành động hay ý nghĩ gì xấu xa cả. Chuyện anh ấy theo cách mạng là điều hoàn toàn tốt đẹp đối với tuổi trẻ lúc bấy giờ. Ngay cả khi đang hoạt động cho cách mạng, nghe tin cậu mợ Danh và chị bé Hiền bị Việt Minh tức là phe mình ám sát chết, anh Vinh đã khóc và lặn lội đến tận Rạch giá để lạy trước mồ những người ruột thịt xấu số đó. Nhất định, anh Vinh là người tốt nên đau khổ. Còn điều thứ hai?
- Anh Vinh là người trí thức. Trí thức thì khao khát nói lên sự thực nằm sâu trong lòng mình, chính anh vừa nói như thế phải không?
- Phải.
- Rủi cho anh Vinh là trong bao nhiêu năm ở ngoài đó, chẳng gặp ai xứng đáng và có can đảm ngồi nghe anh Vinh nói lên sự thực. Anh ấy phải đợi vào Nam để nói cho em ruột mình nghe sự thực thầm kín đó.
Tân nhìn vợ một cách thán phục:
- Em nhận xét hay lắm. Anh Vinh mong gặp anh để nói lên sự thực mà anh ấy giấu kín trong lòng mấy chục năm. Sự thực đó làm anh sửng sốt, không thể nào ngờ được.
- Sự thực gì vậy? Nói cho em nghe đi.
- Nhưng anh đã thề với anh Vinh rằng anh không nói cho bất cứ ai khác nghe những điều mà anh Vinh nói với anh.
Thùy Liên cười:
- Thì anh cứ giữ lời thề đó. Tuy nhiên, anh nên nhớ rằng, từ lâu, chúng mình đã nói với nhau rằng anh và em là một, cho nên mình nói với nhau điều gì thì có nghĩa là nói với chính mình chứ không phải là nói với người khác.
Tân đưa tay áp vào mặt vợ:
- Chao ơi, em vừa xinh đẹp, vừa ăn nói khôn ngoan thế nầy thì anh không mê em đến chết sao được. Thôi được, lo bữa cơm trưa đi, hai con đói rồi đó. Cơm xong anh sẽ kể tiếp về anh Vinh cho em nghe.
Bữa cơm được dọn ra bàn. Hai đứa trẻ ngồi vào ghế trước tiên, nhìn chăm chăm vào dĩa thịt kho bốc khói. Từ một tháng nay, nhờ có tiền sửa xe của Tân, bữa cơm gia đình có thêm thức ăn, khi thì thịt, khi cá, khi trứng làm cho hai đứa trẻ vui thích lắm. Hai vợ chồng ứa nước mắt khi thấy con thèm thuồng và ăn uống ngon lành.
Cơm nước xong, hai đứa bé vào giường. Tân vẫn ngồi trong bếp nhìn vợ dọn dẹp.
Có tiếng gõ cửa phía trước. Tân đứng lên bước ra. Hai người đàn ông đang đứng ở hàng hiên. Tân đứng sững vài giây rồi la to:
- Trời đất ơi, anh Kính đó phải không?
- Vâng Kính đây, anh Tân mạnh khỏe không?
Tân nắm lấy tay hai người:
- Anh Cung, anh Kính vào đây.
Cả ba người vào nhà. Tân nhìn xuống bếp la to:
- Liên ơi, em lên đây, anh Kính đến thăm mình đây. Có cả anh Cung nữa.
Tân quay lại:
- Anh Kính về từ bao giờ?
- Đêm hôm qua, khi thành phố vừa mới lên đèn.
- Chà chà. Nói y như một nhà văn.
Kính nói tiếp:
- Sáng nay, tôi định đến gặp anh, nhưng phải tiếp khách liên tục từ sáng sớm đến trưa. Hàng xóm nghe tin mình ở tù về thì kéo nhau đến thăm nườm nượp. Thực là cảm động. Bà con còn nghĩ đến những sĩ quan cũ chúng mình nhiều lắm.
Cung chen lời:
- Đụng chạm với cán bộ cách mạng rồi, thiên hạ mới biết thương anh em mình.
Thùy Liên từ dưới bếp đi lên. Kính đứng dậy:
- Chào chị, tôi là Kính, bạn tù của anh Tân đây.
- Dạ, chào anh. Rất hân hạnh được anh đến thăm. Anh Tân thường nhắc đến anh và bảo rằng anh rất đáng kính như tên của anh vậy.
Kính cười vui vẻ:
- Anh chị quá khen, tôi hi vọng được một phần mười lời khen của anh chị thôi. Tôi về có nghe nói anh Tân cùng làm việc với anh Cung để kiếm sống thì tôi cũng mừng. Nhưng nghĩ lại, đường đường là một giáo sư mà bây giờ ra ngồi sửa xe ngoài lề đường để kiếm tiền mua gạo, ơn của đảng quá lớn. Nhưng thôi, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Thùy Liên nói:
- Anh về, có lẽ nghỉ ngơi ít lâu mới tính chuyện làm ăn sinh sống phải không?
- Không, tôi chẳng tính chuyện làm ăn gì ở đây. Tôi tính đi nơi khác.
- Sao, anh tính về quê à? Quê anh ở tỉnh nào, thành phố hay nông thôn? Anh Kính à, tôi nghe cán bộ cách mạng bảo rằng chúng ta nên bám vào thành phố lớn để sống, không nên về nhà quê.
Kính mỉm cười:
- Tôi đâu có tính về nhà quê làm gì. Tôi biết ở dưới đó, bây giờ cán bộ cách mạng hà hiếp đồng bào hơn cả cường hào ác bá mà cách mạng đã đổ tội cho chế độ cũ. Dại gì về dưới đó để chịu đựng.
- Thế anh tính đi thành phố nào?
- Chẳng thành phố nào cả. Tôi tính đi khỏi Việt Nam.
Tân sửng sốt:
- Hả, anh tính vượt biên ra ngoại quốc à?
- Vâng, điều đó làm anh chị ngạc nhiên lắm sao? Ý nuốn bỏ nước ra đi bây giờ phổ biến khắp nơi. Ngay sáng nay, những người đến thăm tôi đều có ý đó. Họ là dân thường còn muốn trốn đi, huống chi mình là sĩ quan chế độ cũ.
- Anh tính đi đường nào?
- Có hai đường, bộ và thủy. Đường bộ thì có hai ngả. Ngả thứ nhất là băng qua Cam bốt để đến Thái lan. Ngả đó nguy hiểm vì cộng sản Việt Nam đang đánh nhau với cộng sản Cam bốt trên đó, mình gặp anh cộng sản nào thì cũng khốn nạn. Ngả thứ hai là băng qua vùng rừng núi của Hạ Lào, cũng để qua Thái lan. Muốn đi ngả nầy phải ra Trung rồi lên cao nguyên, cần có giấy phép đi lại của công an. Mình bị tước mất quyền công dân và đang bị quản thúc tại địa phương không xin được giấy đó đâu. Ra Trung mà không có giấy phép thì gần như chắc chắn vào tù trở lại. Tóm lại chỉ còn cách vượt biển mà thôi.
- Chừng nào anh đi?
- Chưa, phải đợi có tổ chức nào đáng tin cậy mới tham gia. Phải cẩn thận kẻo bị gạt. Mất vàng mà còn phải vào tù nữa. Lúc nào tìm được đường dây tốt, chúng tôi sẽ báo cho anh chị biết.
- Anh Cung có tính đi không?
Cung gật đầu:
- Có chứ, đó là nguyện vọng vô cùng tha thiết của gia đình chúng tôi. Tôi đã nói với anh Tân nghe rồi, chúng tôi phải đi để hai đứa con tôi được tiếp tục học hành. Ở đây thì chúng phải thất học, tội nghiệp lắm. Mà có được đi học thì con mình không trở thành người tốt mà thành công cụ của đảng rồi có ngày nó quay lại tố cáo hay mắng nhiếc mình là phản quốc. Lúc đó thì mình chỉ có cách đập chết nó rồi tự tử thôi.
Thùy Liên rùng mình:
- Anh nói dễ sợ quá làm em lạnh cả xương sống.
- Vâng đáng sợ lắm, vì vậy nhất định tôi phải đi. Nhưng tôi thì khó khăn hơn chú Kính. Kinh tế của vợ chồng chúng tôi eo hẹp hơn chú thím Kính nhiều. Chúng tôi phải lựa chỗ nào rẻ thì mới tính tới được. Cũng có thể tôi cùng một cháu đi trước, qua đó mình cố làm việc kiếm tiền lén gởi về cho mẹ con đi sau. Tôi đã tìm hỏi vài nơi mà chỗ vào cũng đòi quá cao.
- Anh dám đi hỏi nhiều nơi à? Anh không sợ bị bắt sao?
- Không sợ lắm đâu. Chuyện vượt biên bây giờ, người ta bàn với nhau gần như công khai vậy. Người ta đã đi nhiều rồi.
Thùy Liên nói:
- Nhưng nghe nói cũng có nhiều người vượt biên bị công an bắt giam.
- Bị bắt là vì quá xui xẻo và không lo hối lộ trước cho công an.
Tân ngạc nhiên:
- Thế nào? Hối lô cho công an để vượt biên à?
Cung mỉm cười:
- Chớ sao? Làm sao qua mặt công an được. Ở nước cộng sản nào cũng vậy, công an theo dõi người dân ghê gớm lắm, tránh sao nổi. Muốn xuất phát từ địa điểm nào thì phải chi vàng cho công an ở địa điểm đó. Nếu không muốn chi vàng thì phải nhận một số người mà công an đưa đến; dĩ nhiên số người nầy đã phải nộp vàng cho công an trước rồi. Cũng có nơi, chính công an đóng tàu và đưa người đi. Đi theo đường dây đó thì không lo bị bắt nhưng giá cao lắm.
- Lạ nhỉ, công an là lực lượng tín cẩn nhất của đảng mà lại tiếp tay cho người vượt biên.
- Chẳng có gì lạ. Công an sẵn sàng đập tan hành động nào nguy hiểm đối với đảng nghĩa là có tính chất làm sụp đổ chế độ. Còn vượt biên thì chẳng hề hấn gì đến chế độ. Đi càng nhiều càng tốt. Những người vượt biên đều là những người không thích cộng sản, thế thì cứ để cho họ đi hết, đảng càng mừng. Hơn nữa, những người đi thường là khá giả, có nhà cửa, đất đai, tài sản không thể mang theo được. Họ đi rồi thì tất cả những thứ đó bị sung công, nhà cửa chia cho cán bộ ở, chắc chắn công an lãnh phần hơn những ngành khác.
Thùy Liên nói chen vào:
- Nghe nói không riêng gì trong Nam mà ngoài Bắc người ta cũng vượt biên trốn sang nước ngoài nữa.
Cung gật đầu:
- Đúng vậy.
- Thành phần nào bỏ đi?
- Thành phần nào cũng có nhưng nhiều nhất là trí thức. Sau ngày “giải phóng”, nhiều người nhìn thấy miền Nam và bắt đầu sáng mắt ra. Người ta so sánh chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản và nhận ra sự cách biệt quá xa. Thế là cương quyết ra đi.
Tự nãy giờ Kính ngồi yên, bây giờ mới tham gia ý kiến:
- Không cần phải đợi đến khi miền Nam sụp đổ, ngay trước đó giới trí thức miền Bắc cũng đã nhận ra sự tệ hại của chủ nghĩa xã hội nhưng không có phương tiện để đi. Phải đợi đến bây giờ, công an nới tay, họ mới bắt chước người miền Nam đóng tàu vượt biên.
Cung hăng hái tiếp lời:
- Đúng như chú Kính nói, trước ngày miền Bắc “giải phóng” miền Nam, nhiều trí thức và cả dân thường ngoài đó mong điều ngược lại, miền Nam ra giải phóng miền Bắc. Lúc Mỹ và Việt Nam Cộng hòa oanh tạc miền Bắc, người ta hết sức cơ cực nhưng vẫn hi vọng là cuộc oanh tạc đó tăng thêm nữa rồi quân miền Nam kéo ra để chấm dứt sự phân chia đất nước. Đến khi Mỹ đơn phương ngưng oanh tạc và rút quân ra khỏi miền Nam thì người ta rất thất vọng.
Thùy Liên cũng góp lời:
- Em đi buôn bán nghe mấy bà ngoài Bắc nói rằng nhiều người dân miền Bắc, nhất là ở Hà nội muốn quân miền Nam đổ ra nhưng miền Nam chỉ lo chiến đấu để tự bảo vệ thôi chứ đâu có muốn dùng vũ lực để giải phóng miền Bắc.
Kính thở dài:
- Thôi, lịch sử đã an bài rồi. Việt Nam Cộng hòa đã biến mất trên bản đồ thế giới nhiều năm rồi và đang chìm dần vào sự quên lãng của mọi người. Đất nước Việt Nam vẫn còn đây nhưng mình không thể sống trên quê hương chôn nhau cắt rốn nầy được nên tìm đường ra đi.
Kính nói xong, đứng dậy:
- Bây giờ, chúng tôi xin kiếu về. Còn phải đi thăm nhiều nơi quen biết nữa.
Tân cũng đứng dậy theo:
- Cám ơn anh Kính. Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh và nói chuyện nhiều hơn.
Kính cười:
- Sao lại thỉnh thoảng? Tôi sẽ ra chỗ sửa xe của các anh hàng ngày để ngồi chơi và nói chuyện với các anh. Tôi sẽ để ngoài đó một bàn nho nhỏ, một bình trà và một ống điếu cày.


*
* *


Ba tuần sau, Tân đến thăm lại anh ruột của mình vào sáng chúa nhật. Không may, chị Vinh và hai con có ở nhà nên hai anh em chỉ nói với nhau những chuyện bâng quơ và nhạt nhẽo. Được một lúc thì Tân kiếu về.
Hơn một tháng sau, Tân mới trở lại. Anh đi qua, đi về vài lần trên con đường trước ngôi biệt thự một cách thong thả như người nhàn rỗi đi dạo chơi. Rồi anh liếc nhìn vào các khe hở của bức tường, thấy bên trong im lìm mới đến bấm chuông ở cổng. Anh Vinh ra mở cửa. Hai anh em bắt tay nhau.
Tân hỏi:
- Chị và hai cháu có nhà không?
- Không, ba mẹ con dẫn nhau đi chơi rồi, chỉ một mình anh ở nhà. Chú vào chơi.
Hai anh em vào nhà. Như thường lệ, Vinh đưa ra hai ly nước và một gói thuốc. Anh nói:
- Chú hút thuốc và uống nước đi.
- Dạ, mời anh.
- Cả hơn một tháng nay, không thấy chú đến chơi. Việc làm và nhà cửa thế nào?
- Dạ cũng bình thường. Em vẫn sửa xe để kiếm sống và chờ đợi sự bổ nhiệm của sở giáo dục.
- Thôi thế cũng được. Anh biết, đối với gia đình chú và hầu hết người miền Nam, đời sống vật chất sút kém hơn trước giải phóng nhiều. Nhưng thôi, cứ bằng lòng với chế độ mới đi vì dù có sút kém nhưng đời sống vẫn còn hơn quá xa đời sống dân chúng miền Bắc trong bao nhiêu năm.
- Dạ, em cũng nghe nói đồng bào miền Bắc nghèo khổ lắm.
- Khổ lắm, chú ơi. Nói là xây dựng chủ nghĩa xã hội để cho xã hội phồn vinh và nhân dân no ấm nhưng thực tế là ngược lại. Dân miền Bắc chán ngán cái chủ nghĩa xã hội nên họ tìm cách phá.
Tân ngạc nhiên:
- Người ta dám phá sao? Phá chủ nghĩa xã hội là bị kết tội chống đảng mà.
- Đúng vậy. Người ta không dám phá công khai nhưng phá ngầm. Thí dụ, góp tài sản vào hợp tác xã thì họ phá cho cày bừa hư đi, giam đói trâu bò, đập vỡ những bờ giữ nước trên ruộng. Lúc đầu hợp tác xã còn ở cấp thấp trong phạm vi một thôn xóm thì các ao còn có cá. Đến khi lên hợp tác xã cấp cao hơn như cấp xã, cấp huyện thì ban đêm người ta lén ra kéo lưới bắt hết cá trong ao. Dân lén gặt lúa chưa chín, đào khoai củ còn non đem về nhà cất giấu. Người dân chán ghét chủ nghĩa xã hội như thế đó, nhưng đến khi hội họp hay mít tinh, ai cũng phát biểu y như đồ đệ trung thành của chủ nghĩa mắc-xít lê-ni-nít. Cả một xã hội giả dối. Ở đâu cũng gặp sự lừa dối. Đảng lừa dối dân, dân lừa dối đảng.
Tân tiếp tục ngạc nhiên:
- Lừa dối thế nào?
- Đảng lúc nào cũng nói lo cho dân mà lo gì đâu, thế là lừa dối. Dân lúc nào cũng nói tuyệt đối tin tưởng ở đảng mà có tin tưởng gì đâu, thế là lừa dối. Nhưng, trong bao nhiêu năm người ta quen sống với sự lừa dối như thế rồi, chẳng ai thấy chướng nữa.
Tân lắc đầu:
- Sống như thế mà sống được à?
- Sao lại không được? Xã hội coi giá trị con người rất rẻ nên người ta cũng không tự coi mình là trọng nữa. Vừa rồi người bạn anh đi công tác một vòng ở nhiều nước Tây Âu, về kể chuyện lại thấy mà thèm. Ở những nước tư bản sao mà người ta quí trọng con người đến thế. Cuộc sống ở những nước đó mới đáng là cuộc sống của con người. Thôi, số phận dân mình thế thì đành chịu.
Anh ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Lần trước chú kể cho anh nghe giai đoạn ở tù ra. Bây giờ chú nói tiếp đi.
Tân kể cho anh nghe việc mình trở lại học đường, lên đại học và ra trường được bổ làm giáo sư trung học. Anh Vinh ngắt lời:
- Chế độ miền Nam thực là khoan hồng độ lượng đến độ khó tin. Ra tù vì tội chống chính phủ mà được học đại học và làm giáo sư nữa. Ở miền Bắc nếu rơi vào hoàn cảnh đó thì dở sống dở chết, chỉ có thể làm những công việc ti tiện nhất để sống lây lất chứ làm sao nghĩ đến chuyện học hành và có một địa vị trong xã hội được. Chú nói tiếp cho anh nghe đi.
Tân kể tiếp thời gian bị động viên vào lính, giải ngũ, tái ngũ và biệt phái về dạy học cho đến khi bị tập trung để cải tạo dài hạn.
Anh Vinh hỏi:
- Chú cưới vợ năm nào?
- Dạ, năm 1967, sau khi được được giải ngũ ra khỏi quân đội.
Anh Vinh nhẩm tính rồi nói:
- Năm đó thằng con lớn của anh vừa được hai tuổi.
- Anh cưới chị năm nào?
- Bốn năm trước khi chú lấy vợ. Lúc đó cô ấy chết gần tròn một năm.
Tân sửng sốt:
- Anh nói gì? Anh lấy vợ mới khi vợ cũ chết gần tròn một năm à?
Vinh cười:
- Anh ăn nói lẩm cẩm quá. Cứ nhắc đến cô ấy là anh lại đâm ra lẩm cẩm. Mười sáu năm rồi mà anh vẫn chưa thể nào quên hẳn được.
Tân ngắt lời:
- Cô ấy là ai?
- Là người yêu cũ của anh.
- Thế à? Trước khi cưới vợ thì anh đã có người yêu rồi?
Vinh gật đầu:
- Có, vài năm trước đó.
- Chị ấy chết, anh buồn mới đi lấy vợ phải không? Tại sao chị ấy chết?
- Không. Nếu cô ấy còn sống thì anh vẫn phải đi lấy vợ.
Tân nhíu mày:
- Hai người không còn yêu nhau nữa à?
- Không, đến bây giờ anh vẫn còn yêu nàng và chắc chắn linh hồn cô ấy vẫn còn yêu anh một cách tha thiết.
Tân nghe một cảm giác rờn rợn trong người:
- Em không thể hiểu nổi chuyện tình của anh.
Vinh nói với giọng buồn rầu:
- Chú không hiểu cũng phải vì chú sống ở miền Nam.
- Có lẽ anh gặp và yêu chị ấy trong hoàn cảnh éo le của riêng miền Bắc phải không?
- Chú đoán gần đúng rồi đó. Do cải cách ruộng đất mà anh và cô ấy gặp nhau rồi cũng vì cải cách ruộng đất mà hai đứa chia tay.
Tân im lặng nhìn sững anh rồi lắc đầu. Vinh nói tiếp:
- Anh sẽ kể cho chú nghe đầu đuôi câu chuyện thì chú mới hiểu được. Mười sáu năm rồi, câu chuyện thương tâm ấy cứ đè nặng tâm hồn anh. Anh tưởng rằng cứ im lặng thì thời gian sẽ bôi xoá từ từ cho sạnh hoàn toàn. Nhưng không được. Cứ giữ mãi trong lòng thì thời gian không thể bôi xóa được. Anh mong có ngày nầy, cái ngày mà anh có thể trút tất cả tâm sự mình ra cho ai đó và sau đó xếp lại vĩnh viễn quá khứ của mình. Ôm ấp mãi trong lòng những kỷ niệm đau thương với một mặc cảm cô đơn hoàn toàn thì cũng cay cực lắm.
Vinh dừng lại, châm điếu thuốc đưa lên môi, rít một hơi dài rồi nói:
- Anh nhớ, dạo ấy, cứ mỗi lần anh rút một điếu thuốc ra thì cô ấy lại chụp ngay diêm quẹt bật lửa lên cho anh đốt thuốc và anh lại nhìn sững gương mặt vô cùng xinh đẹp của nàng qua khói thuốc.
- Nhưng chị ấy là ai?
- Ừ nhỉ, anh phải kể cho chú nghe từ đầu chứ. Anh kể từ khi mới tập kết ra Bắc. Lúc đó anh và các cán bộ miền Nam được đón tiếp long trọng lắm. Họ cho một số ở chung trong một khu tập thể và làm việc cho ủy ban hành chánh tỉnh. Người ta bảo rằng anh nằm trong danh sách được cử đi học ở Liên xô hay Trung quốc. Vì vậy ngoài giờ công tác ra, anh cố gắng học thêm tiếng Nga và tiếng Trung hoa. Rồi đảng và nhà nước phát động cải cách ruộng đất và đấu tố. Anh được đề cử vào làm công việc đó. Anh ghê tởm việc đấu tố nhưng không hề dám có ý kiến gì. Tuy vậy, sự thiếu sốt sắng của anh cũng đủ cho ban chỉ đạo có nhận xét không tốt về công tác của anh. Đề nghị du học của anh bị lung lay. Anh rất buồn và rất cần một nguồn an ủi. Và anh đã tìm được nguồn an ủi đó, tuyệt vời nhưng vô cùng tai hại.
- Có phải chị ấy không?
- Đúng là cô ấy, con của một gia đình đang bị đấu tố một cách oan ức. Cha mẹ cô ấy không phải là địa chủ mà là con của địa chủ thôi. Ông nội cô ấy là địa chủ thực sự nhưng là địa chủ nhân đức. Sau cách mạng Tháng Tám ít lâu, ông bà nội mất, bố mẹ cố ấy chán cảnh nông thôn, bán rẻ ruộng đất, về thị xã để sống.
Tân ngắt lời:
- Thế thì ba má chị ấy đâu còn là địa chủ nữa.
- Chẳng còn là địa chủ nữa, đúng vậy. Tuy nhiên, mỗi địa phương phải có ai đó để đưa ra đấu tố. Không có địa chủ thì con cái, cháu chắc, bà con của địa chủ trước kia. Hình như trung ương giao cho địa phương một chỉ tiêu về số người phải mang ra đấu tố rồi lập tòa án với bao nhiêu án tử hình đã định trước.
Tân rùng mình, nói với anh:
- Ngày xưa lúc còn ở trong Đồng Tháp mười em có dự một phiên tòa. Người ta xử thực nhanh chóng và tuyên án tử hình một cách dễ dàng bằng cách dựa vào sự la ó của những người đi dự. Người ta gọi là tòa án nhân dân.
- Lúc đấu tố cũng kiểu đó.
Tân nói:
- Nhưng mà ngày xưa còn chiến tranh, ẩn núp trong chiến khu, chính quyền chưa hoàn chỉnh thì xử theo kiểu đó. Còn ở miền Bắc lúc đó đã có chủ quyền hẳn hòi trên một lãnh thổ với chính phủ được quốc tế công nhận thì việc xử án phải dựa theo một bộ luật nào chứ. Trong Nam nầy, các toà án phải xử theo luật rõ ràng, luật hộ, luật hình, tiểu hình, đại hình vân vân, đâu đó rất phân minh.
- Ngoài Bắc, cho tới bây giờ chẳng có bộ luật nào, cũng chẳng có ngành tư pháp đúng nghĩa. Chuyện lớn thì thi hành theo nghị quyết của trung ương đảng, chuyện nhỏ hơn thì theo chỉ thị của các cấp nhà nước, thậm chí một chi bộ nho nhỏ ở nông thôn cũng có thể ra luật chết người được nữa. Nghe nói bây giờ, người ta mới nghĩ đến việc làm ra một bộ luật cho toàn quốc.
- Thôi, anh kể tiếp chuyện của anh đi.
- Ừ, anh và cô ấy yêu nhau. Chính anh đã giúp cho nàng trốn lên Hà nội, ở với một người bà con để khỏi bị mang ra đấu tố cùng cha mẹ. Có một đứa trong đoàn của anh tố cáo chuyện nầy lên lãnh đạo.
Tân hoảng sợ:
- Anh bị bắt?
Vinh cười:
- Không. Dù sao anh vẫn còn mang cái nhãn hiệu cán bộ miền Nam tập kết, đã từng ở tù Côn đảo và con liệt sĩ nữa. Người ta chỉ ra lệnh cho anh viết bản kiểm điểm. Anh phải viết nhiều lần.
- Tại sao phải viết nhiều lần?
- Viết xong đưa ra đọc trước tập thể. Nếu có ai đó nhận xét mình chưa thành thật nhận lỗi hay thiếu rõ ràng ở một chỗ nào đó thì phải viết lại. Anh viết đi, viết lại nhiều lần nhưng vẫn không đạt yêu cầu.
- Tại sao vậy?
- Anh đã yêu cô ấy đến đô có thể chịu mọi trừng phạt để được giữ gìn tình yêu đó. Như vậy làm sao anh viết được lời mạc sát rằng nàng đáng nguyền rủa, vì đã lớn lên nhờ mồ hôi nước mắt bóc lột của nông dân. Với bố mẹ cô ấy, anh cũng không thể viết lời nguyền rủa được vì anh biết ông bà bị đấu tố một cách oan uổng. Thế là bị ngưng công tác và ở một chỗ để chờ đợi một hình thức kỷ luật. Đùng một cái, người ta cho anh hay rằng người anh ruột duy nhất của cô ấy đã vượt biên vào Nam. Thế là cái án đang treo lơ lửng trên đầu anh lại nặng hơn.
Tân giật mình suýt đánh rơi ly nước. Anh nghĩ đến Thảo. Một buổi chiều trên bãi tập của quân trường, Thảo cũng đã kể cho Tân và Bính nghe nỗi bất hạnh của gia đình mình. Tại sao câu chuyện anh Vinh đang kể có những tình tiết giống câu chuyện ngày xưa của Thảo đến thế. Tân cố giữ bình tĩnh để lắng nghe lời anh nói tiếp:
- Lúc đó, thủ trưởng rồi bí thư đảng bộ lần lượt đến khuyên nhủ anh hãy thành thực hối lỗi.
- Nhưng anh đâu có lỗi gì? Hối lỗi là thế nào?
- Thừa nhận mình yêu con địa chủ là một tội lỗi, sau đó, phải tố cáo nơi ẩn núp của cô ấy. Họ dọa anh, nếu không làm như thế người ta có thể truất quyền con liệt sĩ và không công nhận cha hi sinh cho Tổ quốc nữa.
Tân nhìn anh, lắc đầu:
- Vô lý. Còn chuyện du học của anh thế nào?
- Dĩ nhiên chuyện đó bị dẹp bỏ từ đầu. Chỉ cần một chút tì vết trong lý lịch, trong tư tưởng hay trong sinh hoạt hàng ngày là hồ sơ du học bị bác ngay lập tức. Ngoài Bắc, người ta tranh giành chuyện du học dữ lắm. Thậm chí còn dùng cả những phương cách hết sức bần tiện và độc ác nữa. Vì vậy trong suốt thời gian chờ đợi đơn xin được cứu xét và chấp thuận, người xin luôn luôn sống trong lo âu phập phồng. Có người ra đến phi trường rồi, nghĩa là sắp lên máy bay còn bị gọi lại để người khác thế vào, huống chi, anh đã bị kết tội yêu con địa chủ, không thi hành đúng đắn nhiệm vụ được giao phó trong công tác cải cách ruộng đất, một chủ trương lúc đó đang bao trùm mọi hoạt động của đảng và nhà nước.
Vinh thở dài, móc thuốc ra hút rồi nói tiếp:
- Mặc dù bị áp lực liên tục và khủng khiếp, anh cũng không thể nào rứt bỏ tình yêu với cô ấy được. Đó là mối tình đầu của anh mà. Chúng mình thiếu thốn tình thương quá sớm. Mẹ mất khi anh em mình còn quá nhỏ, sống kiếp lang thang, nay đây mai đó với người dưng nước lã. Lăn thân vào con đường cách mạng thì tình cảm bị nén ép. Tình cảm càng bị nén ép thì nỗi khao khát yêu đương càng mãnh liệt.
Tân buộc miệng:
- Cuối cùng, cô ấy, à chị ấy đã hi sinh để giải quyết cho anh.
Vinh ngạc nhiên:
- Đúng vậy, sao chú biết?
Tân cố đáp một cách tự nhiên:
- Em đoán và may mắn đoán trúng, thế thôi.
- Phải, cô ấy đã hi sinh cho anh. Dì cô ấy là bạn thân với vợ một cán bộ công an cao cấp. Hai người trước học chung cùng trường. Lúc nàng trốn lên Hà nội thì bà dì gởi nàng sang nhà người bạn đó nhưng không nói gia đình nàng đang bị đấu tố ở quê nhà. Thấy nàng xinh đẹp, dễ thương, ăn nói dịu dàng, nên bà vợ ông cán bộ công an nhận cho nàng ở trong nhà một thời gian để làm bạn với Yến, người con gái lớn của bà ấy. Yến có nhan sắc dưới trung bình nên ông bà thường lo lắng không kiếm được tấm chồng cho con gái.
- Trong thời gian nầy, anh có gặp được người yêu của anh không?
- Không, nhưng anh vẫn liên lạc được với bà dì nên hai đứa biết được tin tức của nhau. Sau đó anh nhận được một lá thư của nàng. Nàng viết rằng nàng khổ sở vì do nàng mà anh phải lâm cảnh khốn đốn, tương lai có thể rất đen tối. Trong tình thế nầy, hai đứa không hi vọng thành vợ thành chồng được, tốt hơn hết là chấm dứt tình yêu đi để anh có dịp làm lại tương lai. Nàng cũng tha thiết đề nghị anh cưới cô Yến, con ông cán bộ công an làm vợ. Chỉ có cách đó mới vớt vát được tương lai của anh. Nàng còn dọa nếu anh không chấp nhận đề nghị nầy thì nàng sẽ tự tử để khỏi làm hại đến tương lai của anh.
Tân tặc lưỡi:
- Quả thực là một tình yêu hết sức cao thượng.
Vinh cười buồn:
- Không cao thượng lắm đâu. Cô ấy rất thông minh. Giới thiệu cô con gái ông cán bộ công an cho anh là kết quả của một sự suy tính không tầm thường chút nào. Anh nói rằng Yến có nhan sắc dưới trung bình, so với nàng thì khác nhau một trời một vực. Giới thiệu anh cho cô Yến là giúp anh thoát khỏi sự trù dập đồng thời đảm bảo rằng anh giữ mãi hình bóng của nàng trong tim anh. Đàn bà rất cần cái ý nghĩ rằng người yêu vẫn mãi mãi nhớ thương mình. Trong thư nàng cũng dặn anh phải viết thư phúc đáp ngay. Nếu trong vòng nửa tháng anh không gửi thư thì nàng cũng kể như anh từ chối đề nghị và nàng sẽ tự tử.
Tân phì cười:
- Ghê thực, thế thì anh đành phải chấp thuận.
- Chứ còn gì nữa. Tuy nhiên, anh bảo rằng, anh chỉ chấp thuận trên nguyên tắc thôi. Phải cho anh gặp mặt nàng rồi mới đi đến quyết định cuối cùng.
- Đúng rồi, phải có cuộc chia tay để nói lời từ biệt chứ.
- Không, nàng từ chối và bảo rằng phải đi khỏi Hà nội gấp, không kịp gặp anh. Anh hiểu rằng nàng đã cắn răng hành động theo lý trí vì sợ rằng hai đứa gặp nhau thì mọi toan tính của nàng sẽ đổ vỡ hết. Tình yêu của hai đứa đang vô cùng tha thiết.
Thấy Vinh ngừng nói và im lặng, Tân hỏi anh:
- Anh có về Hà nội tìm chị ấy không?
Vinh lắc đầu:
- Công cuộc cải cách ruộng đất chấm dứt. Đảng và nhà nước ra tuyên bố đạt được kết quả, đồng thời cũng tỏ ý tiếc rằng nhiều địa phương đã tả khuynh nghĩa là đã quá mạnh tay. Nhiều người được phục hồi danh dự mặc dầu họ không còn sống nữa. Riêng anh bị đưa lên công tác tại tỉnh Lai châu, trong một huyẹn toàn núi non hiểm trở. Anh sống trên đó ba năm y như bị đi đày, không có dịp về Hà nội cũng không liên lạc được với nàng nữa. Ngoài giờ làm việc, anh sống lủi thủi trên một nhà sàn, cố gắng xua đuổi hình bóng của người yêu đi. Một hôm, thủ trưởng của anh gọi anh lên gặp. Ông ta bắt tay chúc mừng anh và bảo: “Cậu có gốc to ở trung ương mà dấu anh em kỹ thế. Chuyến nầy về công tác ở thủ đô sướng lắm, đừng quên anh em nhé”. Anh quá ngao ngán vì thời gian lưu đày kéo dài nên chẳng buồn suy nghĩ gì nữa, vội vàng bắt tay mọi người rồi lên xe. Về đến thủ đô rồi, anh mới biết bố của Yến đã can thiệp cho anh về công tác tại ủy ban hành chánh thành phố Hà nội.
- Anh đi tìm người yêu cũ?
- Đúng vậy, anh đến ngay nhà bà dì thì được biết nàng đã lên đường vào Nam.
- Vào Nam? Lại vượt biên?
- Không, vào Nam để xây dựng đường Trường sơn. Lúc đó, đảng quyết định đưa người và vũ khí vào tăng viện cho chiến trường miền Nam nên cần nhiều thanh niên xung phong kể cả nam lẫn nữ đi phá rừng, xẻ núi, đắp suối, ngăn sông để xây dựng con đường đi dọc dãy Trường sơn. Anh hỏi dì của nàng tại sao nàng lại tình nguyện đi vào nơi nguy hiểm đó. Dì bảo rằng không đi thì làm sao sống được. Mấy năm nay nàng sống vất vưởng bằng vài công việc tạm bợ và bấp bênh chứ đâu có dám đi xin việc ở đâu. Với cái lý lịch cha mẹ bị đấu tố và ông anh vượt tuyến vào Nam theo địch, nàng làm sao xin được vào cơ quan xí nghiệp nào để kiếm sống; chắc chắn không có cơ sở nào dám nhận.
- Tại sao lại phải khai rõ lý lịch như thế, cái gì bất lợi thì giấu đi.
Vinh cười:
- Chú chưa hiểu chủ nghĩa xã hội thì mới nói như thế. Lý lịch đâu có phải viết suông mà phải được địa phương xác nhận thì mới có giá trị. Người lỡ mang lý lịch xấu đành phải tình nguyện đi làm những công việc khổ sai và nguy hiểm. Hơn nữa nàng đâu có dám về địa phương để xác nhận lý lịch, ở đó người ta đã xóa mất hộ khẩu của nàng rồi. Không có hộ khẩu thì không xác minh được lý lịch. Không được xác minh lý lịch thì chẳng có cơ sở nào dám nhận vào làm việc. Ngoại trừ một nơi có thể dám nhận.
Tân nhíu mày:
- Nơi nào vậy? Một cơ sở kinh doanh của tư nhân?
Anh Vinh cười thành tiếng:
- Làm gì có cơ sở kinh doanh tư nhân ở ngoài Bắc. Để anh nói rõ cho chú nghe. Vào lúc đó, đảng đang kêu gọi thanh niên tình nguyện đi làm đường Trường sơn. Đó là công tác trọng điểm của đảng lúc bấy giờ, lại là công tác cực kỳ nguy hiểm nên ai xin đi cũng được chấp thuận ngay. Nàng nạp đơn tình nguyện, hi vọng đi lập công một thời gian để làm nhẹ bớt lý lịch của mình và hi vọng được lập lại hộ khẩu, được trở lại thành người dân bình thường. Trước khi đi, nàng để lại cho anh một lá thư nhắc lại đề nghị cưới cô Yến làm vợ.
- Chị ấy có biết anh đang công tác ở miền rừng núi không?
- Biết, việc đó chẳng khó khăn gì vì anh nằm trong guồng máy nhà nước.
- Lúc chưa vô Nam, chị ấy có biết anh sẽ được về công tác tại Hà nội không?
- Sao lại không biết? Chính cô ấy sắp đặt mà. Bà dì bảo rằng cô ấy lo anh chết dần chết mòn trên vùng mạn ngược nên đã nài nỉ xin bố cô Yến can thiệp cho anh về Hà nội. Cô ấy bịa với bố mẹ cô Yến rằng nếu được về Hà nội, anh sẽ chịu cưới cô Yến làm vợ. Thế là anh được về thủ đô một cách nhanh chóng. Chú nên nhớ rằng ngoài đó có cả triệu người thèm được địa vị như anh.
- Rồi anh đền ơn bằng cách cưới chị Yến?
- Chưa. Anh trì hoãn mãi với hi vọng gặp lại nàng trở về cho đến khi nghe tin nàng bị máy bay địch bỏ bom chết tại chân một ngọn núi trong dãy Trường sơn.
- Trời hỡi!
Tân rơm rớm nước mắt. Vinh cũng đưa tay chặm nước mắt, nuốt nước bọt liên tiếp mấy cái rồi nói:
- Lúc anh hay tin thì nàng đã chết gần một năm rồi. Anh buồn quá và nhắm mắt tuân theo sự sắp đặt của bố mẹ Yến. Hơn nữa, anh cũng muốn làm theo sự yêu cầu của nàng khi còn sống. Yến là vợ anh cho đến ngày nay đó.
- Sau khi thành vợ thành chồng rồi thì tình cảm giữa hai người thế nào?
- Yến yêu anh vô cùng, vì vậy cũng ghen tương ghê gớm. Còn anh thì không hề yêu chút nào. Tất cả tình yêu của anh vẫn gửi trọn cho mối tình đầu.
Tân nhìn anh một cách nghiêm trang:
- Không yêu mà có hai đứa con với người ta.
Vinh nhíu mày, có vẻ tức giận:
- Chú hỏi anh như thế à? Cứ thử nhốt một con chó đực và một con chó cái vào chung một chuồng, ít lâu sau sẽ thấy một bầy chó con ra đời.
Tân bật đứng dậy:
- Anh Vinh, anh ăn nói như vậy à? Anh là người có học mà.
Vinh nhắm mắt lại một lúc rồi mở bừng mắt ra:
- Anh xin lỗi chú. Chú hãy xóa bỏ lời anh vừa nói đi. Dù sao, người ta cũng là con người nằm kề cận mình hằng đêm, và đã có với mình hai đứa con. Nhưng cứ mỗi lần nhớ đến nàng là anh lại đau đớn, vì vậy không kiểm soát được lời nói của mình. Nhưng thôi, anh đã trút hết tâm sự cho chú rồi, anh hứa sẽ không còn đau đớn vì mối tình đầu nữa. Vĩnh biệt người yêu đầu tiên và mãi mãi của tôi!
Anh nói xong, cầm ly nước lên uống cạn. Tân ngồi xuống nhìn thẳng vào mắt anh:
- Anh Vinh, có phải người yêu của anh tên là Đoàn thị Hải Đường không?
Cảng’, chiếc ly trống không trong tay Vinh rơi xuống đất vỡ toang. Anh đứng bật dậy, lách mình ra khỏi ghế, trợn mắt nhìn Tân, miệng ấp úng:
- Chú là ai? Chú là chú Tân phải không? Tại sao chú biết cô ấy tên là Hải Đường. Hả, tại sao? Tại sao?
Tân nói nhanh:
- Em còn biết anh của chị ấy là Đoàn Thạch Thảo nữa.
Vinh bước tới nhìn sững vào mắt Tân. Anh nói trong hơi thở hổn hển:
- Chú nói sao? Chú biết anh Thảo của cô ấy à?
Vinh bỗng phá lên cười như điên như dại:
- Đúng rồi, tôi hiểu rồi. Anh Thảo đã vượt tuyến vào Nam và chú đã gặp anh ấy phải không? Anh Thảo bây giờ ở đâu? Ha ha, chú Tân nầy, chú nói như thế là đúng. Bây giờ độc lập, thống nhất rồi, mọi người phải tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của đảng. Anh chị sẽ can thiệp với sở giáo dục ra quyết định cho chú sớm trở lại trường để dạy học. Tùy theo ngành nghề của mình, mỗi người phải cố gắng làm hết nhiệm vụ mà đảng giao phó.
Qua một giây sững sờ, Tân chợt hiểu câu nói của Vinh. Anh lắng tai nghe tiếng cổng đóng lại và tiếng chân của nhiều người bước lên thềm. Sau lưng anh có tiếng đàn bà vui vẻ:
- Chú Tân đến chơi đó à? Hai anh em nói chuyện gì mà vui thế. Đi đến cổng đã nghe tiếng cười rồi. Tân quay lại:
- Thưa chị mới về.
- Gớm, chị em với nhau mà chú ăn nói lễ phép và khách sáo thế.
Vinh đứng lên:
- Mẹ nó mang gì về nhiều vậy?
- Gớm, chị Thịnh bảo mang về đó, toàn là thức ăn của người ta biếu, cả nhà chị ấy ăn không hết. Em từ chối mãi mà chị ấy nhất định bảo phải mang về.
- Mẹ nó đưa anh mang vào bếp cho.
Vinh nhận giỏ xách của vợ và đi xuống bếp. Tân vội đứng lên:
- Thôi thưa chị, cho phép em kiếu về.
- Gớm, vội về thế. Chú ở chơi dùng cơm với gia đình chúng tôi một bữa đi.
- Dạ thưa chị, em xin phép về kẻo ở nhà mấy mẹ con mong. Khi sáng em nói đi chơi một chốc rồi về, thế mà bây giờ gần hết buổi sáng rồi.
Tân nói xong vội vã bước ra cửa kẻo sợ ông anh trở lên lại phải nghe anh ca tụng đảng và nhà nước nữa. Tân mở cổng ra đường rồi đạp xe về, lòng buồn rười rượi.

Hai đứa bé đang chơi trước thềm vùng dậy chạy ra và hét to:
- Ba về, ba về.
Tân đưa xe đạp vào mái hiên, dắt hai con vào nhà. Thùy Liên đứng ở cửa thông xuống bếp nhìn ba cha con với nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc. Nàng hỏi:
- Anh có gặp anh chị Vinh không?
- Gần suốt cả buổi sáng, chỉ có anh Vinh ở nhà thôi. Nói được với nhau hết mọi chuyện rồi.
- Hết mọi chuyện? Chuyện của anh và của anh Vinh?
Tân gật đầu:
- Ừ, của cả hai.
- Chuyện đời của anh Vinh ngoài đó éo le lắm phải không?
- Y như tiểu thuyết vậy. Anh rất buồn nhưng cũng mừng. Có lẽ cả hai anh em đều mừng.
- Mừng về chuyện gì?
Tân mỉa mai:
- Anh ấy mừng vì đã tìm được nơi trút hết tâm sự não nề rồi, bây giờ thì với tấm lòng thanh thản, anh ấy sẽ hết lòng ca tụng đảng và phục vụ cho chủ nghĩa xã hội.
Thùy Liên cười:
- Còn anh cũng mừng như thế à?
- Không, anh mừng vì đã làm xong bổn phận với anh Vinh rồi. Anh đã kê vai mang tất cả gánh nặng quá khứ đã đè nặng tâm tư của anh Vinh bao nhiêu năm trời nay. Xong rồi, anh không còn muốn gặp anh Vinh nữa.
- Hả? Anh không còn muốn gặp anh Vinh nữa à?
Thùy Liên bước tới một bước nhìn sững vào mặt chồng với đôi mắt mở to, vừa ngạc nhiên lại vừa có vẻ vui mừng. Nàng lặp lại câu hỏi lần thứ hai. Tân thong thả đáp:
- Một khi đã trút hết tâm sự đi rồi, anh Vinh sẽ gói mình rất kỹ trong lớp vỏ đảng viên. Phải như thế thì mới hưởng trọn vẹn cái vinh quang, cái lợi lộc của phe chiến thắng và….
- Và thế nào anh?
- Và sống yên ổn với vợ con. Anh Vinh năm nay mới bốn mươi lăm tuổi. Thông thường, ở tuổi nầy người ta vẫn còn hừng hực sức sống nhưng anh lại thấy, trong cái nhìn, trong lời nói của anh ấy, có cái vẻ già nua thực thảm thương. Anh Vinh trút bỏ hết tâm sự, chôn chặt quá khứ cũng phải. Anh ấy đã hi sinh gần hết cuộc đời mình cho đảng thì bây giờ có quyền nhận được ân huệ mà đảng ban cho.
- Nhưng tại sao anh không muốn gặp anh Vinh nữa?
Thùy Liên lặp lại câu hỏi lần thứ ba. Tân đáp:
- Bọc kỹ trong cái vỏ đảng viên rồi, anh ấy sẽ nói với mọi người những câu nói phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng. Anh hình dung những lời nói đó như những viên bi tròn lẵng, đỏ rực, đồng loạt như nhau mà đảng chế tạo ra hàng loạt nhét vào miệng đảng viên và thế là họ cứ phun ra.
Giọng Tân trở nên phẫn uất:
- Anh lỡ nhiễm cái văn hóa miền Nam trong bao nhiêu năm rồi nên anh rất khó chịu khi tai mình phải nhận những viên bi đó. Nếu nghe người khác nói anh còn rán chịu được, còn đây là anh ruột của mình, người anh mà mình đã thương nhớ vô cùng vô tận trong bao nhiêu năm trường. Bây giờ cứ tránh gặp mặt là không phải chịu đựng nữa.
Tân cố nén tiếng thở dài, nghe trong lòng mình, nỗi buồn phiền và cay cực dâng mãi lên. Tiếng Thùy Liên thỏ thẻ bên tai:
- Em cũng mừng về điều đó.
Tân quay lại, xẵng giọng:
- Em mừng vì sự đổ vở tình anh em ruột thịt giữa anh Vinh và anh à?
Thùy Liên hốt hoảng, vọi vã cải chính:
- Không, không, em không nói như thế đâu. Em mừng vì có một việc vừa xảy ra rất quan trọng, liên quan đến điều anh vừa nói. Thôi, anh đi rửa ráy rồi ăn cơm xong em sẽ nói cho anh nghe.
- Em phải nói cho anh nghe trước đã thì anh mới ăn cơm được.
- Chuyện khá dài đâu có thể nói hết ngay được. Hai con đói bụng rồi. Em bảo chúng nó ăn cơm trước nhưng chúng nhất định chờ ba.
Tân xuống nước năn nỉ:
- Thì em nói sơ sơ thôi. Tí nữa sẽ trình bày chi tiết.
Thùy Liên gật đầu:
- Được, đại khái thế nầy. Sáng nay, anh vừa đi xong thì hai anh Cung và Kính đến tìm?
- Sao vậy? Anh đã có nói với anh Cung, sáng nay anh nghỉ việc để đi thăm anh chị Vinh mà.
- Dạ, hai anh ấy biết điều đó nhưng phải đi gấp nên nên đến nói chuyện với em để em bàn lại với anh.
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện rủ gia đình mình vượt biên.
- Vậy à? Chuyện ra sao?
- Dài dòng lắm, nhưng điểm chính yếu là hai anh ấy muốn biết gia đình mình có quyết tâm vượt biên không.
- Em trả lời thế nào?
- Em nói rằng em thì rất muốn trốn ra ngoại quốc nhưng mọi quyết định tùy thuộc anh. Em cũng thành thực nói với hai anh ấy rằng từ khi anh đi học tập về đến nay, vợ chồng mình chưa hề bàn đến ý định vượt biên. Em biết anh chán ghét chế độ nầy nhưng anh không nỡ rời bỏ quê hương vì ở đây, anh có quá nhiều kỷ niệm và nhất là có ông anh ruột thịt của mình. Hai anh em đã xa cách hai mươi lăm năm rồi, bây giờ gặp nhau, có lẽ không muốn chia tay đâu.
Tân buông thõng một câu:
- Bây giờ thì chia tay được rồi.
Thùy Liên nắm chặt lấy tay chồng:
- Anh Tân, em rất muốn trốn đi vì muốn xa lánh chế độ nầy và vì hi vọng gặp lại những người ruột thịt của em. Nhưng nếu anh ở lại Việt Nam thì em cũng nhất định theo anh. Em cầu mong anh chịu ra đi. Em biết trở ngại chính cho quyết định của anh chính là sự quyến luyến người anh ruột thịt của mình. Khi nãy nghe anh nói không muốn gặp anh Vinh nữa, bất giác em vui mừng. Nghĩ lại, sự mừng rỡ đó cũng bậy, em xin lỗi anh.
Tân bóp chặt tay vợ trong tay mình;
- Thùy Liên, anh hiểu em. Em không có lỗi gì đâu.
- Bây giờ, anh rửa ráy để ăn trưa. Cơm nước xong, em trình bày kế hoạch vượt biên của hai anh Cung và Kính.
Sau bữa cơm, Thùy Liên dọn dẹp dưới bếp. Thùy Dung đã lên giường. Tân bế Hòa Bình đặt nằm gần chị nó. Tân kéo áo con trai lên và thoa nhẹ làn da mịn màng trên cái lưng bé nhỏ xinh xinh của nó. Mươi phút sau hai đứa đều ngủ say.
Tân rón rén ngồi dậy, bước nhẹ xuống bếp đến ngồi trên ghế. Thùy Liên mỉm cười, lau tay vào khăn, bước đến cúi xuống hôn nhẹ vào môi của chồng rồi ngồi vào ghế đối diện. Nàng nói:
- Anh không ngủ trưa à?
- Không, anh muốn nghe chuyện em nói nửa chừng trước khi ăn cơm. Hai anh Cung và Kính đến đây lâu không?
Đến từ tám giờ tới gần mười giờ mới đi.
- Lâu thế à?
- Dạ, hai anh ấy muốn trình bày tỉ mỉ mọi việc đồng thời cũng có ý mong anh về.
- Đâu, câu chuyện thế nào, em nói cho anh nghe.
- Dạ, hai anh ấy có vẻ phấn khởi lắm vì đã tìm được một mối tương đối rẻ. Hai anh đã đi xem chiếc tàu đang đóng và sắp xong. Tàu gỗ nhưng chắc chắn, mũi tàu khá cao, có thể chẻ sóng lớn mà chạy tới. Chủ tàu cũng mua được một cây súng “M” gì đó, trước đây được quân đội mình dùng để bắn xe tăng của Việt cộng. Với cây súng nầy thì không sợ cướp biển. Gặp tàu tuần của Hải quân họ cũng sẽ bắn luôn để chạy. Chủ tàu bảo rằng một số khách của ông ta là quân nhân trước kia nên việc sử dụng cây súng đó sẽ rất hữu hiệu.
Tân lắc đầu:
- Cây súng đó là M72. Anh nghe nói bọn cướp biển mới rộ lên đây, kể từ khi có chuyện vượt biên ồ ạt của người Việt Nam. Bọn đó không phải là cướp biển chuyên nghiệp mà chỉ là những ngư phủ của Cam bốt và Thái lan, trang bị thô sơ bằng dao rựa hay súng trường, gặp M72 thụt một trái thôi là chúng chết ngay, nhưng, với bọn cướp biển chuyên nghiệp thì một cây M72 của mình không làm gì được chúng đâu. Chúng có tàu cao tốc trang bị đại liên và có khi cả đại bác nữa. Tuy nhiên, không sợ bọn nầy lắm vì chúng rất ít và chỉ ăn hàng những tàu lớn có hàng hóa lên cả nhiều triệu đô la. Cái đáng sợ nhất là tàu tuần dương của Việt cộng và của Liên xô.
- Có tàu Liên xô ở hải phận Việt Nam à?
- Có chứ. Ngay khi miền Nam sụp đổ, chiếc tàu cuối cùng của Mỹ rời khỏi hải phận Việt Nam thì lập tức hải quân Liên xô mang tàu sang để thay thế. Những người vượt biên gặp tàu tuần dương đó thì kể như xong đời.
- Nhưng người ta vẫn ra đi anh ạ. Lòng ham muốn cuộc sống tự do của dân Việt Nam làm cho cả nhân loại phải khâm phục vô cùng. Đi là đối đầu thực sự với hiểm nguy nhưng đã có biết bao người đến được Mỹ và các nước khác trong khối tự do.
Thùy Liên ngừng nói, nhìn Tân. Nàng thấy chồng nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn sững vào trần nhà một cách đờ đẫn. Trong đôi mắt đáng yêu đó, nàng đọc được một nỗi niềm vô cùng cay đắng. Nàng nhìn theo ánh mắt của chồng thấy trên đầu vách có hai con thằn lằn đang vẫy đuôi như mừng nhau. Tân lẩm bẩm:
- Hai con vật bé nhỏ nầy đâu có biết gì về tự do dân chủ, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chúng thanh nhàn và sung sướng.
Thùy Liên kéo ghế lại gần, gục đầu vào vai chồng:
- Anh Tân, em biết anh đang đau khổ. Em không thể chối cãi với anh rằng, em mong mỏi đi khỏi đất nước nầy. Ra ngoại quốc, em hết phải chứng kiến mọi điều xấu xa nơi đây và cũng không phải lo lắng về cuộc sống hết sức bất ổn ở tại xứ sở mình. Em sẽ được gặp lại ba em, anh chị Hai, anh Thế, chị Bạch Mai và biết bao nhiêu bạn bè thân mến. Tuy nhiên, anh là người quí báu nhất đời em, hơn tất cả những người khác. Nếu anh không thích đi mà cam lòng ở lại chịu đựng để được sống trên quê hương mình thì em sẵn sàng từ bỏ ý muốn ra đi. Cuộc đời em phải có anh. Em không thể nào tưởng tượng được mình sẽ thế nào nếu phải lìa bỏ anh vĩnh viễn.
Tân cúi xuống và say đắm nhìn khuôn mặt kiều diễm của vợ mình:
- Thùy Liên, anh sẽ đi với em và chúng ta sẽ sống với nhau ở vùng đất tự do nào đó trên hành tinh nầy. Rồi anh sẽ quên quê hương mình đi, quên thành phố Sài gòn, quên những đồng lúa bát ngát của đồng bằng Cửu long, quên những cánh rừng âm u, những ngọn núi cao ngất của dãy Trường sơn, và quên ngôi nhà nầy nơi anh đã có những năm hạnh phúc bên em.
Thùy Liên thì thào:
- Anh Tân, em yêu anh vô cùng.
Tân cúi xuống. Hai người say đắm trong nụ hôn dài.
Khi Tân buông Thùy Liên ra thì anh thấy mắt nàng nhòe lệ. Anh hỏi một cách dịu dàng:
- Tại sao em khóc?
Thùy Liên lấy khăn lau nước mắt:
- Vì em sung sướng được anh yêu hơn cả quê hương mình.
- Thôi mình đi tìm quê hương khác để yêu thương, để tôn thờ vậy. Ở đó anh có dịp gặp lại những người đáng mến. Gặp ba của chúng mình để kể cho ông nghe giờ phút lịch sử khi miền Nam sụp đổ, gặp lại anh Thế và Bạch Mai để kể cho hai bạn đó nghe những năm tháng dài cải tạo, gặp lại anh Thảo để báo tin cô em gái Hải Đường của anh ấy đã chết dưới chân dãy Trường sơn hùng vĩ.
- Chúng ta ra đi với mục đích chính yếu là để cho hai con của mình được học hành tử tế và nhất là giữ được các giá trị tinh thần của con người. Anh quên điều đó rồi sao?
- Không, anh không quên đâu. Gặp được người nầy người kia ở ngoại quốc là niềm vui lớn nhưng vẫn là thứ yếu mà thôi. Việc học và cuộc sống mai sau của hai con là cứu cánh của cuộc đời anh. Phải đi để cho con mình được học hành tử tế và để chúng nó được sống trong tự do, nơi nhân vị của con người được tôn trọng. Ngày mai, làm việc với anh Cung anh sẽ bàn kỹ về việc đi của chúng mình.
Hai vợ chồng lại hôn nhau rồi lên buồng để nghỉ trưa.

Hôm sau, Tân đưa hai con đến trường rồi ra chỗ sửa xe đạp, thấy Cung đang lúi húi làm việc. Có hai người khách đang đứng đợi. Cung gọi to:
- Anh Tân, đến nhanh, khách đang cần xe gấp để đi làm cho kịp giờ.
Tân bước vội tới, bắt tay ngay vào việc. Hai người chăm chỉ sửa xe, vừa xong người nầy thì người khác lại dẫn xe đến. Mãi đến gần trưa mới vắng khách. Cung bảo:
- Hôm qua, hai anh em chúng tôi đến tìm anh mà không gặp.
- Tôi đi thăm anh tôi. Lúc tôi về, Thùy Liên có nói lại đầy đủ những điều hai anh bàn bạc với cô ấy.
- Ý anh thế nào?
- Tôi sẽ ra đi với các anh nhưng không không biết đi thế nào, chi phí bao nhiêu. Nghe Thùy Liên nói rằng hôm qua hai anh đi liên lạc với người tổ chức vượt biên phải không?
- Có, nhưng chỗ đó hình như bị lộ nên người ta ngưng lại vô thời hạn. Chúng tôi đang tìm nơi khác.
- Nghe nói mỗi nơi có một cách tổ chức vượt biên riêng biệt và giá cả cũng khác nhau phải không?
Cung gật đầu:
- Đúng vậy. Bây giờ, vượt biển thì có hai đường, đường đi lén lút và đường bán công khai hay còn gọi là bán chính thức. Theo đường thứ nhất, người đứng ra tổ chức lén mua lại tàu hay thuyền của ngư dân rồi lén trang bị máy quay chân vịt cho mạnh hơn. Sau đó, xuất phát lại có hai cách, hoặc lén lút ra biển và rất dễ gặp nguy hiểm, hoặc lo tiền cho công an biên phòng để cho mình ra khơi. Cách sau thì giá hơi cao hơn cách trước vì phải tốn thêm nhiều tiền để hối lộ cho công an. Đó là cách đi thứ nhất.
- Còn cách đi thứ hai?
- Cách thứ hai gọi là bán chính thức vì do chính công an mỗi tỉnh tổ chức nhưng không có phép tắc giấy tờ gì cả, vì vậy đưa vàng cho họ thì không nhận bất cứ một thứ biên lai nào.
Tân nhíu mày:
- Trốn sang nước ngoài là hành động phi pháp, tại sao công an của tỉnh dám tổ chức, không sợ trung ương trừng trị à?
Cung cười:
- Trừng trị cái gì? Đây là loại kinh doanh rất phổ biến và có lời nhất hiện nay. Nghe nói số vàng mà công an tỉnh thu được, một phần không nhỏ chuyển về cho trung ương tiêu dùng. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh với Trung quốc nên đảng và nhà nước muốn tống khứ tất cả Hoa kiều ra khỏi đất nước mình vì sợ họ ở lại đây làm gián điệp cho Trung cộng. Hoa kiều toàn là những người giàu có. Tống họ đi rồi, nhà nước lấy được biết bao nhiêu nhà cửa, của cải chưa lấy được hết trong hai kỳ đánh tư sản vừa qua. Vì vậy trung ương chấp nhận ngầm cho địa phương tổ chức để thuyền nhân ra đi, một việc mà có lợi đến hai lần. Đi theo cách nầy thì mỗi người được mang một tên bằng tiếng Tàu, có lẽ để công an tỉnh gởi danh sách bí mật về trung ương. Tổ chức vượt biên bây giờ là một ngành kinh doanh béo bở.
- Đã gọi là kinh doanh, tại sao lại có nhiều người bị ngăn chận và bị bắt giam?
- Đó là chuyện cạnh tranh bất chính giữa các địa phương và giữa chính quyền, tức là công an, với các tổ chức bí mật trong dân chúng. Tỉnh nào cũng muốn lôi kéo người vượt biên về với họ nên tìm cách ngăn chận, bắt bớ và bắn giết người ra đi do các tổ chức khác. Đặc biệt là những tỉnh có đường sông thông ra biển thì hưởng lợi rất nhiều trong công cuộc kinh doanh rất có lời nầy.
- Nghe nói chi phí ra đi chỉ tính bằng vàng chứ không chung tiền được.
- Đúng vậy. Đồng tiền Việt Nam hiện nay sụt giá hàng ngày vì đảng in tiền ra một cách tự do, không có cơ quan nào kiểm soát. Vì vậy, đồng tiền bây giờ chỉ được việc cho các bà nội trợ đi chợ mà thôi. Những giao dịch lớn và có tính chất lâu dài đều được tính bằng vàng cả.
- Đi bán chính thức như anh nói tốn kém thế nào?
- Giá phổ biến bây giờ là sáu lượng vàng cho mỗi người lớn và phân nửa cho trẻ em dưới mười bốn tuổi.
Tân ngạc nhiên:
- Nhiều thế à? Theo tôi thì chi phí cho tổ chức đâu có là bao. Nặng nhất là chiếc tàu cũng không thể quá tốn kém như thế vì nghe nói mỗi chuyến đi chở cả trăm người. Vả lại, tàu đi rồi sẽ trở về mà.
- Tôi đã có hỏi thăm thì người đại diện cho tổ chức vượt biên của công an bảo rằng phân nửa số thu phải đưa về cho trung ương, còn chiếc tàu khi đến nơi rồi thì bị đánh đắm luôn chứ chẳng ai mang về trả cho công an. Và còn nhiều chi phí khác nữa.
- Thí dụ?
- Mua xăng dầu để cho tàu chạy từ ba đến bốn ngày, hối lộ cho tỉnh mà mình phải đi qua để ra cửa biển.
Tân cười:
- Công an tỉnh nầy đi hối lộ cho công an tỉnh kia?
Cung cũng cười theo:
- Sao lại không? Nhưng họ không gọi là hối lộ mà gọi là bồi dưỡng cho nhau mà thôi. Họ làm cũng cẩn thận lắm. Có cho tàu công an theo hộ tống tàu vượt biên ra đến hải phận quốc tế mới quay vào. Trong hải phận của nước mình, nếu gặp tàu của hải quân Việt Nam lại phải hối lộ nữa. Vì vậy cái giá mới cao như thế nên chỉ có người giàu mới đi được thôi.
Tân thở dài:
- Chúng tôi có hai vợ chồng và hai đứa con, vị chi phải tốn mười tám lượng vàng. Làm sao chúng tôi có nổi số vàng đó. Đi theo lối rẻ tiền thì tốn bao nhiêu vàng cho mỗi người?
- Tùy nơi. Tôi biết có một chỗ họ chỉ lấy hai lượng cho mỗi người lớn, trẻ em có khi cho đi không hoặc lấy phân nửa. Họ bảo rằng không cần lấy lời, chỉ thu cho đủ chi phí thôi vì đây được coi là một công việc phước thiện.
Tân cười:
- Làm phước thiện bằng cách giúp cho người khác vượt biên phi pháp. Chủ nghĩa xã hội sao lắm chuyện lạ lùng thế nhỉ?
- Chuyện lạ nhưng là có thực. Chính tôi đã gặp một ông chuyên tổ chức vượt biên, tính tình hiền lành, đạo đức và rất ngoan đạo. Ông ta nói với tôi rằng Chúa đã hiện ra trong giấc mơ và phán cho ông phải làm công việc đó.
Tân ngạc nhiên:
- Chuyện tổ chức vượt biên?
- Đúng vậy, càng lo được cho nhiều người thoát ngục tù cộng sản thì càng được địa vị cao sang trên thiên đường sau khi chết. Thế là ông ấy cứ lo tổ chức chứ không đi. Mỗi lần có chuyến thất bại, thuyền bị tịch thu hay bị đánh đắm, ông ấy lại phải bán xe cộ nhà cửa để trả lại chi phí cho khách và sau đó tổ chức chuyến khác.
- Vợ con ông ta?
- Đi ngay chuyến đầu tiên, riêng ông ở lại. Ông ấy mới kết hợp được một số bạn bè ngày xưa giàu có, toàn là thương gia và thầu khoán để làm công việc phước thiện đó. Tôi vẫn còn liên lạc với ông ta. Khi nào cần tôi lại đến đó. Hiện nay, tôi và chú Kính đang dò xem nhiều chỗ. Thủng thẳng mình sẽ tính tới, không nên vội vàng vì mình không có nhiều vàng. Tôi và chú Kính cũng không khá giả hơn anh chị đâu, nhưng nhất định chúng tôi phải đi cho bằng được. Nếu không đủ vàng để đi cả gia đình thì anh em mình đi trước, để vợ con lại. Qua bên đó, mình rán làm việc ít lâu, gởi vàng về cho vợ con qua.
Tân lại thở dài:
- Trước đây, mình đâu ngờ có ngày cần vàng như thế nầy. Ngày xưa công chức như chúng tôi có đồng lương bảo đảm cho cuộc sống nên không mấy người chắt bóp để dành vàng.
Cung gật đầu:
- Tôi hiểu. Sống trong xã hội cũ, công chức và nhất là nhà giáo như anh thì quá thanh liêm đâu có dư dả nhiều. Bây giờ, cán bộ của cơ quan nào cũng vậy, hễ ăn được là họ không từ chối món gì cả. Thực là một chế độ hư hỏng, mình tránh đi là phải.
Tân lo lắng:
- Đi theo đường rẻ tiền thì quá nguy hiểm anh nhỉ.
- Vâng, có nguy hiểm. Tuy nhiên, đi theo đường bán chính thức thì chỉ đỡ nguy hiểm ở đất liền và hải phận Việt Nam thôi. Họ đưa mình ra tới hải phận quốc tế thì họ phủi tay quay về. Lúc đó thì mọi tàu vượt biên đều lâm vào hoàn cảnh như nhau.
- Gặp tàu tuần dương thì bị bắt lại phải không?
- Đúng vậy. Gặp tàu của Việt Nam, Liên xô hay Trung cộng là khó thoát. Nhưng đâu phải chỉ có nguy hiểm do tàu tuần dương thôi đâu. Người đi tìm tự do còn gặp bao nhiêu là hiểm nguy khác, biển cả mênh mông, sóng to gió lớn, cá mập háu đói, nắng gió, đói khát, vân vân. Cách đây mấy hôm, có một chị bạn thân đến thăm vợ chồng chúng tôi, cho hay vừa thoát chết trong một chuyến vượt biên. Chị ấy kể lại một cách tỉ mỉ chuyến đi thất bại đó. Tàu chị bị tàu của Liên xô chận bắt kéo vào bờ giao cho chính quyền Việt Nam, mọi người đều bị bắt, nhưng nhờ có con nhỏ nên chị ấy được thả về sớm. Chị kể chuyện làm cho mọi người nghe phải sợ đến phát run. Khủng khiếp lắm.
Tân tò mò:
- Câu chuyện thế nào?
- Sau khi khởi hành, tàu của chị ấy xả hết tốc lực chạy trong một đêm thì ra đến hải phận quốc tế một cách bình yên và nhắm hướng Phi luật tân tiến tới. Đi được một ngày, máy tàu tự nhiên ngưng chạy. Suốt ba ngày tiếp theo, tàu lênh đênh trên biển cả, mặc tình cho gió đại dương xô dạt không còn biết phương hướng nào nữa. Ngày thì nắng như đổ lửa trên trời dội xuống, từ dưới mặt nước hắt lên, đêm thì mặt biển đen ngòm nhưng lại có những đốm ánh sáng khi mờ khi tỏ từ bên dưới trồi lên mặt nước, ghê gớm rùng rợn hơn cảnh địa ngục mà người ta có thể tưởng tượng được. Nước uống và lương thực hết hơn một ngày rồi. Mọi người mệt lã, nằm dài gác chân lên nhau. Sáng ngày thứ tư, lúc tinh sương, có một đứa bé đang nằm bỗng vùng dậy nhìn xuống mặt nước và hét lên: “Nước ngọt kìa. Coca cola ngon quá ta. Ông ơi, cho tôi một chai, nhiều nước đá nhé”. Nói xong, nó phóng xuống biển mất tăm. Một người đàn bà đang nằm, vùng dậy và rống to: “Bình, Bình, trời ơi, con tôi” Bà phóng theo xuống biển và cũng mất tăm luôn. Mọi người nhốn nháo cả lên. Trên tàu, có một người đàn ông mà mọi người coi như trưởng đoàn từ lúc khởi hành. Ông nầy la lớn: “Bà con hãy bình tĩnh. Thằng bé bị hoảng loạn nên sinh ra ảo tưởng mà nhảy xuống biển. Bà con hãy nhìn vào mắt của nhau, nếu thấy mắt ai dại hẳn đi thì giữ chặt người đó lại. Chú Đại, chú Quí, Chú Đình và mấy anh em khác thức dậy đi, cố gắng chữa máy tàu lần cuối cùng. Lạy Chúa nhân từ, hãy rủ lòng thương xót chúng con. Mọi người hãy cầu nguyện đi”. Nói được tới đó ông ta mệt quá, ngồi phịch xuống sàn tàu. Tiếng cầu nguyện rì rầm lan dần trong đoàn người trên tàu: “Lạy Chúa thương xót chúng con. Lạy đức mẹ Maria thương xót chúng con, amen”. “Lạy Phật từ bi cứu độ chúng sinh. Lạy Quan âm Bồ tát cứu khổ cứu nạn chúng sinh. A di đà Phật” . Pập, pập, pập, máy bỗng nổ giòn. Mọi người hét to, nhiều người nhảy dựng lên. Ông trưởng đoàn gào to hết sức mình: “Ngồi yên, nhảy nhót làm lật tàu, chết cả đám bây giờ”.
Anh Cung dừng lại thở. Anh thuật lại câu chuyện do người khác kể mà cảm thấy mệt như người trong cuộc vậy. Tân có vẻ sốt ruột:
- Rồi sao nữa? Tàu có tiếp tục chạy để đến Phi luật tân không?
- Vâng, tàu chạy được rồi và tiếp tục nhắm hướng Phi luật tân. Những người trên tàu không ai biết được là còn cách Phi bao xa nữa. Biển cả vẫn còn mênh mông. Vài giờ sau thấy xa xa có một hòn đảo. Mọi người mừng rú dù nhìn thấy đó chỉ là hòn đảo nhỏ thấp lè tè, có lẽ là đảo san hô, cô đơn giữa đại dương mênh mông. Đến gần, người ta thấy hòn đảo trơ trụi, trên mặt nổi lên lờ mờ nhiều vật không rõ là gì. Tàu lủi sâu vào bờ của đảo. Nhiều người nhảy xuống nước và băng vào. Họ bước lên nền đất cứng, sau nhiều ngày lênh đênh trên mặt nước. Họ đứng sững lại. Nhiều người không ngăn nổi tiếng thét hãi hùng. Trước mặt họ có nhiều xác người ngổn ngang. Không phải là xác mà là những bộ xương bên trên còn sót lại vài mảnh vải xác xơ. Người trưởng đoàn bước tới quan sát một chút rồi quay lại bảo người phía sau: “Họ cũng là những người vượt biên như chúng ta đây”. Ông ta quỳ xuống làm dấu thánh giá và đứng dậy nói: “Thôi quay lui, chúng ta ra khơi”. Bỗng, có tiếng la lên, giọng khàn khàn: “Khoan, hình như có nước”. Thì ra bên cạnh những bộ xương, có những cái thùng, cái lon để ngửa, trong đó có một ít nước mưa. Có một cái thùng khá to đựng khá nhiều nước, trên miệng phất phơ một miếng vải nhựa có lẽ đã được căn ra để làm phểu hứng. Ai cũng hiểu, những người bất hạnh nầy đã đưa những vật dụng ấy lên đây và đã chết trước khi những giọt mưa từ trên trời rơi xuống. Ông trưởng đoàn cùng vài thanh niên khác gom tất cả số nước lại chia đều cho mỗi người. Dù đang đói lả nhưng một ngụm nước cũng làm cho mọi người như tỉnh lại. Ông trưởng đoàn lại quì xuống đọc một đoạn kinh để cảm tạ Thiên Chúa và những người đã chết rồi cho lệnh tàu trở ra khơi. Ông ta cho mọi người hay rằng quãng đường từ đây đến Phi luật tân còn khá xa e không thể đến được nên yêu cầu mỗi người hãy cầu nguyện đức Chúa và đức Phật cho họ gặp một chiếc tàu cứu nạn. Mọi người vâng lời lâm râm khấn nguyện. Thực là lạ lùng, chưa đầy hai giờ sau, một chiếc tàu biển xuất hiện, mỗi lúc một rõ dần. Mọi người trên tàu ngẩng dậy nhìn và reo hò. Ông trưởng đoàn đưa cao cái cây có buộc miếng vải trắng trên đầu phất lia lịa để cầu cứu. Có lẽ con tàu biển đã nhận thấy nên quay mũi tiến đến gần. Một người đàn ông hét to: “Chúng ta sống rồi, ơn trên đã nghe được lời cầu xin của chúng ta. Bà con cầu kinh tiếp theo đi”. Tuy nhiên, chiếc tàu to đang tiến đến không phải của Chúa hay đức Phật phái đến theo lời cầu xin của những người lâm nạn mà lại là con tàu của đồ đệ ông Các Mác và ông Lê nin! Khi trông thấy chữ “N” ngược trong hàng chữ kẻ trên thân tàu, ông trưởng đoàn thét lên một cách tuyệt vọng: “Tàu Liên xô bà con ơi, chúng ta không thoát khỏi Việt Nam rồi”. Có tiếng một thanh niên hét to: “Đổi hướng, chạy trốn nhanh”. Ông trưởng đoàn lắc đầu: “Không trốn được. Chúng ta đã cạn thức ăn và nước uống hơn một ngày rồi. Dầu chạy máy cũng sắp hết”.
Tân hít vào một hơi dài, ngắt lời:
- Thế là trở lại Việt Nam?
- Vâng, gặp tàu những nước tư bản thì lập tức họ vớt mình và chấm dứt những ngày gian nguy. Gặp tàu những nước Đông Âu như Ba lan, Hung gia lợi, Tiệp khắc thì họ thường bỏ lơ hay có khi cho thức ăn nước uống và xăng dầu để đi tiếp đến miền tự do, còn gặp tàu của Liên xô hay Trung cộng thì kể như tàn cuộc đời. Họ sẽ đưa mình về giao cho Việt Nam và thế là bị nhốt trong một thời gian.
- Bị giam lâu không?
- Thông thường, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai thì cho ra ngay. Những người khác bị giam lâu hay mau tùy địa phương và tùy theo mình có tiền hối lộ hay không. Người bị bắt, nếu gia đình còn tiền thì sẵn sàng hối lộ để được ra sớm đi chuyến khác.
- Bị một lần, họ không sợ à?
- Sợ thì sợ nhưng họ vẫn đi. Hết vàng thì họ bán đồ đạc nhà cửa để đi khỏi Việt Nam cho bằng được. Không còn gì bán được thì mới chịu thôi. Lòng khao khát tự do của người dân Việt Nam làm cho cả thế giới phải khâm phục.
- Chị bạn của anh có còn dự định đi hay không?
- Đi rồi chứ đâu còn dự định. Hôm đến thăm chúng tôi là từ giã đó. Không biết có thoát hay không? Có người đi tổng cọng bảy lần mới thoát được. Riêng chị bạn của tôi kể rằng, sau chuyến đi thất bại đầu tiên, cả tháng trời sau đó, đêm nào cũng vậy, cứ chợp mắt là chị bị rơi vào cơn ác mộng ngoài biển cả, có khi sợ quá phải thức dậy chong đèn đọc sách đến sáng. Thế mà chị ấy cũng nhất định đi tiếp. Chị nói rằng cuộc sống ở đây quá cơ cực và tương lai sẽ đen tối hơn nữa. Cứ nhìn cuộc sống ở miền Bắc thì biết. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, tự do dân chủ bị triệt tiêu, mọi giá trị tinh thần khác đều bị gãy đổ, con bất hiếu với cha mẹ, em bất đễ với anh chị, trò bất kính với thầy, người trẻ khinh khi người già là lạc hậu, bị ảnh hưởng của thực dân phong kiến, vân vân. Sống như như thế thì sống làm gì, thà chết ngoài biển còn hơn. Chị ấy còn bảo thêm rằng thế hệ mình thì bỏ đi cũng được nhưng còn thế hệ con cái mình nữa, để chúng sống trong xã hội thế nầy mà đành lòng sao?