Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Chương 12: Sum họp (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập IV
Chương 12: Sum họp
(1)

Chắc chắn không có một nhà văn tài ba nào có thể mô tả được hết nỗi vui mừng của ba mẹ con khi thấy Tân bước vào nhà. Thùy Liên nhào tới ôm chầm lấy chồng rồi gục đầu trên vai khóc nức nở. Hai đứa bé đứng im trố mắt nhìn trong một phút mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Chúng cùng hét to: “Ba về, ba về” rồi ôm chặt hai chân của Tân. Cả bốn người đứng im lặng trong vài phút. Thùy Liên đứng thẳng dậy, đưa tay áo lên lau khô nước mắt. Tân cúi xuống ôm cả hai con, hôn như mưa bấc vào mặt của chúng. Anh ngẩng lên, thấy khuôn mặt Thùy Liên vẫn còn đầm đìa nước mắt nhưng lại vô cùng rạng rỡ.
Tân ngồi xuống ghế, Hòa Bình leo lên đùi còn Thùy Dung đứng dựa vào cánh tay của cha. Thùy Liên ngồi ghế đối diện, dùng tay áo lau khô nước mắt. Tân hỏi vợ bằng giọng nói thực dịu dàng:
- Em có biết hôm nay anh về không?
- Từ nhiều tháng nay, em nghe tin có người được trả tự do, ngày nào em và hai con cũng cầu nguyện nhưng đến khi thấy anh bước vào, em không dám tin rằng đây là sự thực. Anh được ra trại từ khi nào mà bây giờ mới về đến đây?
- Sáng hôm qua, quản giáo phát giấy phóng thích và bảo anh em ra cổng chờ xe đến đưa về Phước long. Đợi một lúc chưa thấy xe tới, một người trong nhóm nói: “Thôi đi, tiếp tục ngồi đây, rủi quản giáo ra đòi lại giấy phóng thích rồi dẫn vào trại thì nguy”. Mọi người nghe nói đều đứng bật dậy, nhìn lấm lét vào trong trại.
Thùy Liên bật cười:
- Sao lại có chuyện đó được. Phóng thích là do quyết định của trung ương và các anh có giấy tờ ra trại mà.
Tân cũng cười theo:
- Đúng, thực là vô lý nhưng tâm trạng của tù là thế đó. Bị giam giữ quá lâu rồi nên họ không bỏ ngay được cái mặc cảm mình vẫn là thằng tù. Cái bằng chứng được trả tự do là tờ giấy mà các anh nắm trong tay dường như quá mong manh, dễ vỡ như một chiếc ly thủy tinh rất mỏng. Ai chưa từng ở tù thì không hiểu được tâm trạng nầy. Hơn nữa, trong thời gian bị giam cầm, các anh bị lừa gạt nhiều lần nên tự nhiên có ấn tượng lo sợ và nghi ngờ mọi điều tốt lành mà cách mạng ban phát cho mình.
Thùy Liên bóp nhẹ bàn tay của chồng:
- Tội nghiệp cho các anh. Rồi các anh làm sao ra tới tỉnh lỵ Phước long?
- Anh em quyết định kéo nhau đi bộ. Đi theo đường đất đỏ thì ngoằn ngoèo xa quá, sợ không kịp đến thành phố trong ngày. Cả bọn bàn bạc cấp tốc và quyết định băng rừng. Trong số anh em có một người trước là trung úy biệt kích dù, đã quen lặn lội trong rừng núi sình lầy. Anh ấy nhìn ánh nắng, đứng im gióng hướng rồi lên đường, cả đoàn theo sau. Tài thực, sĩ quan Việt Nam Cộng hòa có quá nhiều người tài đủ mọi lĩnh vực. Sau mấy giờ băng rừng vượt suối, đến xế chiều thì cả bọn vào tỉnh lỵ, vội vã hỏi đường ra bến xe đò để mua vé sáng mai về Sài gòn. Vì trời chưa tối nên anh em rủ nhau đi dạo. Phố xá thực tiêu điều. Một anh trước ở tiểu khu Phước long bảo rằng thành phố nầy trong hòa bình mà buồn thảm hơn lúc chiến tranh nhiều. Ngoài đường, bộ hành thưa thớt, ai cũng cúi gầm mặt mà đi, chẳng thấy phấn khởi như tài liệu học tập chính trị chút nào.
- Đêm đó anh ngủ ở đâu?
- Vô chùa. Các nhà sư biết các anh là tù cải tạo về nên tiếp đãi rất tử tế. Sáng tinh sương hôm nay thì lên xe. Con đường nầy thời chiến tranh thì rất tốt nhưng sau hai năm hòa bình thì hư hết, Nhiều nơi, anh thấy dân chúng đục những mảng bê tông nhựa về lót sân nhà mình. Người bạn ngồi gần anh chỉ và nói rằng, mình quen với nếp sống văn minh nên sẽ phải chịu đựng rất nhiều trong cái chủ nghĩa xã hội nầy. Chiếc xe đò thì chạy một chốc rồi nằm im như tắt thở một chốc mới chạy lại. Thế mà cuối cùng cũng về đến Sài gòn.
- Từ bến xe miền đông, anh đi về đây bằng cách nào?
- Đi xe Lam. Khi anh xuống ở đường Phan thanh Giản, đang móc tiền ra để trả thì bác tài xế nhìn bộ áo quần rách rưới và dính đầy đất đỏ nầy hỏi anh có phải là sĩ quan đi học tập về không. Anh gật đầu thì bác ta khoát tay bảo không lấy tiền rồi rú máy xe bỏ chạy. Anh đứng nhìn theo, rất cảm động, không ngờ người dân còn nghĩ đến sĩ quan chế độ cũ như thế.
Thùy Liên gật đầu:
- Có chứ, bây giờ sống với chế độ mới rồi, dân trong Nam mới biết thương chế độ cũ. Nay thì dân đã nhận ra ai tốt, ai xấu, ai đáng ghét và ai đáng thương.
- Ừ nhỉ, anh ở trong trại đâu có biết gì. Các nhà viết sử sau nầy chắc chắn phải phân tích nhiều về ảnh hưởng của biến cố 1975 vừa qua.
- Thôi, anh đi tắm rửa đi. Em đi nấu thêm cơm. May quá hôm nay mua được con cá tươi thì nhằm lúc anh về.
Bữa cơm gia đình đầu tiên, ôi, hạnh phúc biết bao! Thùy Liên cứ mãi ngồi nhìn và gắp thức ăn cho chồng. Mãi đến khi Tân và hai con ăn xong, chén cơm độn sắn của nàng mới vơi được phân nửa. Nàng ăn vội vừa xong thì từ bên ngoài nhiều người hàng xóm kéo đến. Giọng bà Ba Bún riêu ở trước nhà oang oang:
- Mèn đét ơi, thầy Tân mới về đó hả? Cái thằng Châu ở nhà tôi chạy vô nói với tôi là bên nhà cô Liên có ông nào mới tới trông hơi quen nhưng ăn mặc nhem nhuốc lắm. Tôi sợ cho cô Liên, biểu nó qua nhìn kỹ. Nó về nói là thầy Tân. Mèn đét ơi, vợ chồng tui nghe nói thì mừng quá đi. Rồi mấy nhà hai bên cũng hay tin. Mèn đét ơi, ai cũng mừng. Đây nè, có mấy người tới trước, rồi ngày mai họ tới thăm đầy nhà cho coi. Mèn đét ơi!
Tân đứng dậy, chớp mắt cảm động:
- Cám ơn dì Ba, cám ơn cô bác.
- Ối cám ơn cái gì. Xóm nầy ai mà không thương thầy cô. Hiền lành tử tế như thầy và cô Liên thì ai mà không thương. Vậy mà vợ chồng phải chia lìa mấy năm rồi. Ăn ở gì mà bạc ác bất nhơn. Người ta làm thầy giáo đi dạy mà cũng bắt giam để học tập.
Tân nhỏ nhẹ:
- Cháu là thầy giáo nhưng trước đây có làm sĩ quan.
- Ừa, tôi biết rồi. Chiến tranh thì hai bên đánh nhau, đó là lẽ tự nhiên. Hòa bình rồi, buông súng xuống thì còn tội gì nữa. Nếu nói rằng có tội bắn giết thì sĩ quan bên mấy ổng không có tội sao?
Thùy Liên vội ngắt lời:
- Thôi dì Ba, chúng con được dì Ba và hàng xóm tỏ tình thương mến thì chúng con sung sướng lắm. Còn cái chuyện chính trị thì người trong Nam mình hiểu với nhau và nên để trong lòng mình. Thời buổi nầy, mình trực tính nói thẳng ra thì khó sống lắm.
Dì Ba xuống giọng, có vẻ xuội lơ:
- Ừa, tôi cũng biết như cô nói vậy, nhưng mà nhiều khi nghĩ tức quá không nói không được. Ông nhà tôi cũng cứ la rầy tôi hoài nhưng tôi chưa bỏ được. Mình là người miền Nam mà, cấm nói thẳng thì cực trong bụng lắm.
Thùy Liên nhỏ nhẹ:
- Rồi cũng phải rán cho quen đi dì Ba ạ. Người dân cũng như cục đất sét vậy, nhà nước muốn nặn con gì thì phải ra con đó.
- Được rồi, nhà nước nặn cho tôi thành con gì không nói được thì tôi cám ơn lắm.
Mọi người đều phì cười. Không khí trong nhà trở nên rộn rã vui vẻ.
Sau vài câu chuyện thăm hỏi, hàng xóm ra về. Thùy Liên trải chiếu ra đất để cả nhà ngồi. Tân bế Hòa Bình trong lòng, Thùy Dung ngồi sát bên cha, Thùy Liên ngồi đối diện với chồng. Nàng nhìn Tân như ngây như dại trong vài phút rồi nói:
- Mấy tháng nay, em nghe bên Cam bốt, cộng sản giết nhiều người, em lo sợ lắm. Em lo là vì bên đó cộng sản nắm quyền còn bên mình thì cộng sản cai trị. Em nghe nói trong suốt thời kỳ chiến tranh, hai đảng hợp tác với nhau rất khắng khít, lãnh tụ hai bên thường gặp nhau và hôn nhau rất thắm thiết. Nay, bên đó cộng sản giết nhiều người thì cộng sản bên nầy có làm như thế không? Nếu họ giết thì chắc chắn phải giết sĩ quan chế độ cũ trước rồi sau đó mới tới thường dân. Em lo quá, đi hỏi ý kiến nhiều người thì có người an ủi và bảo rằng không sao đâu, cộng sản Cam bốt tàn ác, còn cộng sản Việt Nam thì có lòng khoan dung, chỉ giam các anh một thời gian rồi thả ra thôi.
- Thế là em hết lo sợ rồi phải không?
- Chỉ bớt phần nào thôi vì vẫn thắc mắc.
- Thắc mắc thế nào?
- Chủ nghĩa cộng sản là duy nhất vì do một người là ông Carl Marx đề ra. Thế thì tại sao có thứ cộng sản tàn ác, có thứ cộng sản nhân đạo? Cũng may, tháng rồi có anh Đức, trước dạy cùng trường với anh, dẫn vợ đến thăm, giải thích cho em nghe. Anh nhớ anh Đức không?
- Nhớ chứ. Anh ấy dạy quốc văn, tốt nghiệp ban Việt Hán ở đại học sư phạm Sài gòn, sau anh hai khóa nên được hoãn dịch, thoát được đời lính. Anh ấy có nhiều ý tưởng rất khá.
- Đúng rồi, anh Đức nói chuyện hay lắm. Em đưa thắc mắc ra hỏi thì anh Đức giải thích ngay khá rành mạch. Đúng là ông giáo sư do đại học sư phạm đào tạo.
- Anh Đức giải thích thế nào, em có nhớ không?
- Nhớ đại khái thế nầy. Bản chất người cộng sản không tàn ác cũng chẳng nhân đạo, luôn luôn chủ trương hành động sao cho có lợi cho đảng. Giết người hay không giết người tùy theo nhận định của lãnh tụ với hoàn cảnh của mỗi lúc mỗi nơi. Nơi nầy tha thứ, nơi kia giết bỏ, hôm nay tin dùng, ngày mai thủ tiêu, tất cả chỉ nhằm phục vụ cho đảng. Anh Đức gọi đó là tính thực dụng vì đảng chứ không phải chủ nghĩa thực dụng vì cá nhân. Cái gì có lợi cho đảng là chân lý, cái gì có hại cho đảng là tội lỗi, là phản động. Rất giản dị. Ở Cam bốt, đảng xác lập uy quyền của mình bằng cách giết thực nhiều người để gây nỗi kinh hoàng làm cho người dân không còn lòng dạ nào chống đối nữa. Ở Việt Nam, đảng cũng từng chủ trương tàn sát trong cuộc đấu tố năm 1956 ở miền Bắc để xác lập quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình, đặc biệt về kinh tế. Còn bây giờ, sự xác lập đó không cần thiết nữa. Chiến thắng vang dội của họ và sự sụp đổ nhanh chóng của miền Nam, đồng thời với sự rút lui của quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới đã đem đến cho đảng quá nhiều hào quang nên không cần phải tàn sát nữa. Nhưng cũng phải bỏ tù tất cả sĩ quan quân đội cũ một thời gian vì họ biết đó là thành phần ưu tú, có tài và được dân chúng kính nể. Họ phải nhốt một thời gian vì tính đa nghi của họ và vì để thỏa mãn lòng hận thù của bộ đội họ đã từng bị quân đội cũ quần thảo nhừ tử trên chiến trường. Rồi cũng đến lúc nào đó đảng cũng phải thả những người đi học tập ra vì lấy gạo đâu mà cho tù ăn mãi trong khi nền kinh tế trong nước càng ngày càng suy sụp và viện trợ của khối xã hội chủ nghĩa càng ngày càng ít dần đi.
Tân gật đầu:
- Nhận định của anh Đức hay thật và thế là giờ nầy anh ngồi đây với em và hai con.
Thùy Liên ngập ngừng:
- Đúng thì có đúng thật nhưng có lẽ không đúng hoàn toàn.
Tân ngạc nhiên:
- Tại sao?
- Nhiều ngày sau khi nói chuyện với anh Đức, em suy nghĩ thấy anh ấy mô tả người cộng sản có vẻ ….. ừ, ừ.
- Có vẻ thế nào?
- Có vẻ lý tưởng, à không, có vẻ sát với lý thuyết của cộng sản quá.
- Em muốn nói gì, anh không hiểu.
- Em nói người cộng sản bây giờ không còn giữ nguyên cái lý tưởng ban đầu do ông Carl Marx đề ra nữa.
Tân tiếp tục ngạc nhiên:
- Tại sao em nói như vậy?
- Có nhiều điều thấy rất rõ ràng, thí dụ, họ không còn phụng sự lý tưởng xây đựng thế giới đại đồng trên toàn thế giới nữa. Bằng chứng là hai đàn anh Liên xô và Trung cộng đã choảng nhau vì tranh giành một ít đất ở biên giới. Rồi tới phiên hai đàn em cộng sản là Việt Nam và Cam bốt cũng choảng nhau. Từ bằng chứng hiễn nhiên của sự gãy đổ chủ thuyết cộng sản đó, em nhìn sang khía cạnh khác tuy không ồn ào bằng nhưng rất cơ bản.
- Khía cạnh gì mà cơ bản?
- Khía cạnh đảng. Anh Đức bảo rằng người cộng sản hành động vì sự lợi ích của đảng. Nhưng bây giờ, nhiều bằng chứng cho thấy họ hành động không hoàn toàn vì lợi ích của đảng nữa mà vì lợi ích cá nhân của họ. Theo lý thuyết, đảng là cứu cánh của hành động, bây giờ đảng lại trở thành phương tiện để đảng viên núp sau đó mà vun vén lợi ích cho riêng mình. Cứ nhìn tiêu chuẩn về quyền lợi dành riêng cho cán bộ đảng viên, nhìn cách sống theo kiểu ăn trên ngồi chốc của họ đối với nhân dân lao động thì thấy rõ. Em nghe nói, ở miền Bắc, dân vô cùng cơ cực còn các vị lãnh đạo sống xa hoa hơn cả những ông lớn trong miền Nam nhiều. Dân không có ăn chứ họ thì thừa mứa, có người làm đám cưới cho con gái tốn kém bằng lương tháng của hàng ngàn công nhân. Có một ông lãnh đạo có một con chó cưng chết mà làm đám ma rất tốn kém với nhiều người đến ăn uống say sưa để chia buồn! Nhờ núp bóng đảng mà họ có nhiều tiền như thế.
Tân ngồi nghe, vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Thùy Liên hiền lành thùy mị của anh bây giờ lại có trong đầu những nhận định sâu sắc và xác thực đến thế ư? Anh chợt nhớ đến hàng trăm kí gạo mà người ta đã tàn nhẫn cướp mất của anh em trong trại cải tạo mấy tháng trước đây. Anh định kể cho Thùy Liên nghe để củng cố thêm bằng chứng của lý lẽ của nàng nhưng kịp tự ngăn mình lại. Anh nhớ tới câu nói của Thành: “Sống với cộng sản, càng biết nhiều càng thêm khổ chứ có lợi ích gì”. Vì vậy anh nói với Thùy Liên:
- Thôi, anh về đây với em và con, thế là may mắn lắm rồi. Tốt hơn hết là tự bịt tai bịt mắt mình lại mà sống.
- Dạ, đã có lần anh Vinh cũng khuyên em như thế.
- Ừ, anh tính bàn với em, sáng mai vợ chồng con cái mình đến thăm gia đình anh Vinh đi. Anh rất nóng lòng gặp lại anh ấy. Hai mươi lăm năm xa cách rồi.
- Từ sáng sớm, cả hai anh chị đều đi làm, hai đứa con đi học, nhà khóa cửa. Chiều mai chúng ta sẽ đến.
Nàng chỉ hai đứa bé và nói tiếp:
- Hai con đang ngủ gục kìa. Anh buồn ngủ chưa?
- Chưa, anh sẽ thức suốt đêm nay với em.
Câu nói của chồng làm mặt Thùy Liên hồng lên thực đáng yêu. Tân nhìn nàng và thấy thèm khát dữ dội. Thùy Liên nói nho nhỏ:
- Em đưa con vào ngủ trước rồi ra đây ngồi nói chuyện tiếp với anh.
Tân đứng dậy bế Hòa Bình còn Thùy Dung thì nắm tay mẹ khật khưởng vào giường. Tân ra ngoài ngồi một mình. Anh nhìn khắp gian phòng thân yêu, cảm thấy một niềm vui sướng to lớn rộn rã trong lòng. Thùy Liên trong buồng bước ra. Tân vội đứng dậy vói tay tắt đèn. Trong bóng tối, hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau, đôi môi của Tân áp mạnh vào đôi môi ngọt ngào của vợ trong khi bàn tay của anh di chuyển khắp nơi trên làn da mịn màng của nàng. Tân đặt vợ xuống chiếu.
Thùy Liên nói qua hơi thở hổn hển:
- Anh Tân, em yêu anh. Anh Tân, anh làm em chết mất!



*
* *


Tân giật mình thức dậy vì tiếng xe chạy ngoài đường. Anh mở mắt ra nhìn qua cửa sổ thấy trời chưa sáng. Nhìn sang bên thấy Thùy Liên còn ngủ say, anh rón rén vén mùng bước xuống đất rồi đi thẳng vào bếp. Anh khép cửa lại, bật đèn lên. Trên kệ bếp có cái lò điện. Anh cho nước vào ấm rồi bắc lên. Nghe tiếng bước chân nhè nhẹ sau lưng, Tân quay lại thấy Thùy Liên vừa đi xuống. Nàng đến gần, Tân siết nàng trong vòng tay và đặt lên môi nàng nụ hôn dài. Anh nghe giọng nàng thỏ thẻ:
- Anh Tân, nước sôi rồi, em pha cà phê cho anh nhé.
Hai người ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ trong bếp. Thùy Liên nhìn chồng, nói nhỏ:
- Anh Tân, ba năm nay, đêm rồi em mới được một giấc ngủ bình yên, không hề thức giấc.
Tân mỉm cười:
- Nửa đêm anh thức dậy, cứ tưởng mình còn trong nhà tù, quay sang trông thấy khuôn mặt xinh đẹp của em, anh ngỡ mình chiêm bao.
Nàng nhìn chồng một cách đằm thắm:
- Bây giờ thì hạnh phúc thực sự rồi chứ không phải là chiêm bao nữa. Anh Tân, em yêu anh vô cùng vô tận. Nếu anh đi cải tạo luôn và không về nữa thì em cũng không muốn sống làm chi trên cõi đời nầy.
- Thôi, em đừng nói như thế nữa. Anh học tập cải tạo xong rồi. Anh ở đây chơi vài ngày rồi đi Cần thơ xem đất đai nhà cửa dưới đó thế nào, sau đó mình thu xếp về đó làm ruộng để sống.
Thùy Liên lắc đầu:
- Đất và nhà dưới đó bị tịch thu mất rồi.
Tân sửng sốt:
- Sao? Đất và nhà của ba má bị tịch thu rồi à? Bị tịch thu lâu chưa, sao em không nói cho anh biết?
- Bị tịch thu ngay trong những ngày đầu sau khi họ chiếm được Cần thơ, lý do là chủ nhân đã chạy theo quân thù. Em không nói vì sợ anh buồn. Anh cần phải sống trong trại cải tạo những ngày thực bình yên để hôm nay có thể về với em và các con.
Tân thở dài:
- Không về quê, mình ở đây thì làm gì để sống?
- Làm gì thì rồi cũng phải ở lại trong chính ngôi nhà nầy. Anh Vinh dặn em phải bám vào thành phố lớn mà sống. Đó là kinh nghiệm xương máu của anh ấy lúc còn sống ngoài miền Bắc. Đừng bao giờ tính chuyện về nông thôn. Mọi thứ văn minh đều đổ dồn vào thành phố để khoe khoang với khách nước ngoài và để cho các vị lãnh đạo cao cấp hưởng thụ. Về nông thôn, mình còn có thể phải gánh chịu tai ách của mấy ông cán bộ xã ấp, vừa ngu dốt, vừa tàn nhẫn, ghê gớm hơn bọn cường hào ác bá thời Pháp thuộc nữa. Nông thôn bây giờ không dễ chịu như nông thôn ở chế độ Cộng hòa đâu.
- Thế mà tài liệu chính trị dạy các anh trong trại cải tạo bảo rằng cách mạng chủ trương phát triển nông thôn còn miền Nam trước đây theo chính sách thực dân mới chỉ phát triển đô thị mà thôi.
Thùy Liên gật đầu:
- Ngoài nầy, người ta cũng dạy y như thế. Lúc đầu thiên hạ còn tin, về sau ai cũng cho rằng cứ lật ngược những gì trong tài liệu học tập là đúng với sự thực, và những gì xấu xa mà tài liệu đổ cho miền Nam chính là của miền Bắc đó. Anh Vinh dặn em đến hai lần hãy bám lấy thành phố mà sống, đừng tin theo lời vận động của cán bộ bỏ về nông thôn hay đi vùng kinh tế mới thì nguy. Anh Vinh nói rằng ở nông thôn người dân bị bóc lột tàn tệ.
- Thế tại sao họ không nổi loạn? Lúc trước ở miền Nam cán bộ cộng sản hay xúi giục nông dân nổi loạn lắm mà.
- Lúc trước họ xúi giục được vì chế độ miền Nam trước đây tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Còn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hệ thống công an ghê gớm lắm. Không phải đợi đến khi có nổi loạn mới đàn áp mà gây áp lực thường xuyên hàng ngày hàng giờ lên đầu óc của nông dân, triệt tiêu mọi mầm mống chống đối đến độ nông dân không còn ý thức được nỗi cơ cực, nỗi bất công mà mình phải gánh chịu. Anh Vinh kể rằng đã trông thấy một nông dân góp ruộng mình cho hợp tác xã và suốt ngày quần quật ngoài đồng để đến cuối tuần, tính công điểm xong được vài ký lúa. Anh ta cởi chiếc áo bạc màu với nhiều miếng vá ra bọc lấy mớ lúa, khúm núm ra khỏi văn phòng hợp tác xã, vừa đi vừa nói: “Cám ơn đảng, ơn đảng vô cùng to lớn, ngàn đời không quên”.
Tân nhăn mặt:
- Sao mà kinh tởm vậy?
- Chưa hết đâu. Nhiều gia đình, cả hai vợ chồng đều là thành viên của hợp tác xã thế mà công điểm không đủ nuôi bầy con nên mùa nào cũng phải đi vay.
Tân ngạc nhiên:
- Ở đó cũng có người cho vay sao?
- Vay lại hợp tác xã ấy mà. Anh biết hợp tác xã cho vay thứ gì không? Cho vay sắn và ngô và tới mùa tính thành lúa. Anh cũng hình dung được vay cái kiểu đó thì nợ hợp tác xã ngày càng chồng chất. Em không biết trước đây thế nào, chứ còn bây giờ, người ta bỏ trốn vào Nam để xù nợ. Trong Nam chưa áp dụng chủ nghĩa xã hội một cách triệt để nên còn sống được. Người ta nói với nhau rằng dưới thời Pháp thuộc, nông dân là nô lệ nhưng vẫn còn có cơm ăn áo mặc còn bây giờ, trong chủ nghĩa xã hội, nông dân làm chủ nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Có lẽ người ta nói cũng có khi hơi thái quá nhưng quả thực, làm nông dân trong chủ nghĩa xã hội thì hết sức là cơ cực. Nhất thiết phải sống ở thành phố, anh đừng bao giờ nghĩ đến chuyện về nhà quê hay đi vùng kinh tế mới.
- Lúc anh còn ở trong trại, tài liệu dạy chính trị có nói đến vùng kinh tế mới do đảng và nhà nước lập ra và khuyến khích người đi học tập trở về tình nguyện đem vợ con đến đó để lập nghiệp.
- Không phải khuyến khích đâu mà là bắt buộc, em cũng đã được chính quyền gọi lên “giáo dục” rồi. Em đi buôn nên có dịp gặp gỡ nhiều người nhất là cán bộ ngoài Bắc vào. Họ mến em nên nói thực cho em nghe. Vùng kinh tế mới là nơi đày đọa con người chứ không phải như khu trù mật trước đây dành cho dân di cư sau hiệp định Genève đâu. Em không biết mục đích thực sự của đảng lập ra các vùng kinh tế mới để làm gì còn thực tế cán bộ xúi dân đi vùng kinh tế mới để họ lấy nhà chia cho nhau. Mình mà đi kinh tế mới là lập tức có người đến chiếm nhà nầy liền.
Tân lo lắng:
- Thế thì làm sao? Lúc còn trong trại, anh dự định về thì đem em và con về nông thôn hay vùng kinh tế mới. Anh thì được rồi, đày đọa cách nào anh cũng chịu đựng nổi, còn em và con nếu bị họ đày đọa thì anh sẽ liều chết với họ.
Thùy Liên nắm tay chồng nhìn một cách say đắm:
- Anh Tân, em biết anh yêu mẹ con em hơn bản thân anh nhiều lắm. Anh không phải lo. Cũng may là thành phố nầy có chủ trương dùng lại những người đã tốt nghiệp đại học và cấp hộ khẩu cho ở lại thành phố nữa.
- À, anh có nghe nói hộ khẩu quan trọng lắm phải không em?
- Vô cùng quan trọng. Đó là một trong những cái xiềng mà miền Bắc mang vào tặng cho dân miền Nam. Nhưng nếu ai không được họ cấp cho cái xiềng đó thì khó sống được với họ. Những người am hiểu tình hình đều cầu xin được xiềng vào các thành phố lớn.
- Tại sao đảng chủ trương cho người có bằng đại học ở lại thành phố.
- Thành phố nầy quá lớn, có vô số nhà máy trang bị tối tân. Khi đầu hàng, miền Nam biết rằng những thứ đó đều sẽ rơi vào tay quân thù nhưng quân đội và chính quyền cũ không ai nỡ phá hư những tài sản quí giá đó. Nền giáo dục mà anh đã góp công trước đây đã đào tạo ra những con người như thế. Cuộc đánh tư sản vừa qua ra sức phá hoại nhưng chẳng phá hết nổi vì tiềm năng kinh tế của thành phố mình quá lớn. Bây giờ thì người ta đổi ý, bắt đầu cho thành phố hoạt động trở lại. Người miền Bắc vào đây không làm gì được, còn người của mặt trận giải phóng trong rừng ra thì càng tệ hơn nữa. Chuyên viên cũ, một phần trốn ra ngoại quốc, một phần nằm trong các trại cải tạo.
Tân ngắt lời:
- Phải rồi. Lúc mới đến trại cải tạo Trảng lớn, anh có quen anh trung úy Hạnh, kỹ sư công nghệ, biệt phái về nhà máy thủy điện Đa nhim. Lúc quân “giải phóng” vào, mấy ông kỹ sư sợ quá, cho dừng máy phát điện và trốn về Sài gòn rồi trình diện để học tập. Một vài công nhân trên đó cùng với mấy ông “giải phóng” phát huy “quyền làm chủ tập thể”, mở máy ra cho chạy trở lại. Họ không hiểu trong qui trình mở máy có nhiều công đoạn trong đó quan trọng nhất là dùng áp suất nâng trục chính lên. Thế là “quyền làm chủ tập thể” của họ làm hư trục turbin, cán bộ phải lật đật về Sài gòn nhờ ủy ban quân quản dò danh sách, móc mấy ông sĩ quan biệt phái ra khỏi trại cải tạo, trở về Krong Pha để giải quyết hậu quả của “quyền làm chủ tập thể” của “giai cấp tiền phong”!
- Đó anh thấy chưa? Chính ông Lê nin còn bảo phải dùng lại chuyên gia của tư sản nữa kia mà.
- Thùy Liên, sao em hiểu biết nhiều vậy?
- Em đọc sách để có chút hiểu biết mà sống với họ. Nói tóm lại, anh phải trở lại nghề giáo dục.
- Nhưng hôm nọ ở Tây ninh, em đã nói với anh rằng em không thể phục vụ được nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nên em đã từ chối rồi mà.
Thùy Liên cười:
- Em từ chối được vì họ lỡ phát cho em cái xiềng hộ khẩu thành phố rồi. Anh phải đi dạy lại để kiếm cái xiềng đó rồi tính sau.
Tân cười:
- Hay là em cho anh dùng chung cái xiềng với em. Vợ chồng sẽ bị xiềng dính vào nhau cả ngày cả đêm, như hồi hôm vậy.
Thùy Liên đỏ mặt:
- Anh đừng nói bậy. Trước đây, anh ăn nói đứng đắn, đi ở tù mấy năm anh học được như thế phải không? Thôi mình bàn công việc trở lại cho nghiêm túc đi. Mục đích chính của việc trở lại nghề là để có hộ khẩu thôi, anh chẳng cần phải quan tâm đến giáo dục. Vả lại, người ta cũng chẳng cần anh dạy giỏi đâu. Anh Đức cũng trở lại dạy để giữ hộ khẩu thành phố. Anh ấy bảo rằng dường như mục đích chính của nền giáo dục nầy là giữ trẻ em lại trong nhà đừng cho chúng chạy loạn ra đường chứ không phải để dạy cho chúng nên người.
- Thế, những vị lãnh đạo không nghĩ tới tương lai con cái của họ à?
- Có chứ, họ gửi chúng nó ra ngoại quốc để học. Anh Tân, anh hãy nghe em đi. Anh phải nạp đơn đi dạy lại nghe anh.
- Được rồi, anh chiều ý em. Anh đã dẹp bỏ cái lý tưởng giáo dục của anh từ lâu rồi. Bây giờ đi dạy chỉ vì cái hộ khẩu để được tiếp tục gần gũi ba mẹ con tại đây thôi.
- Anh cũng nên hiểu điều nầy nữa. Lương thầy giáo bây giờ tệ lắm, may ra vừa đủ cho anh sống. Nhưng anh đừng lo, em buôn bán để cho hai con sống được.
- Thùy Liên, anh làm sao chịu đựng nổi tình trạng đó.
- Cũng phải chịu thôi anh ạ. À, còn điều nầy nữa, em phải trình bày cho anh rõ.
- Chuyện gì vậy?
- Hiện nay, nhiều người đang tìm cách trốn ra nước ngoài.
- Lúc trong trại anh cũng có nghe nói về điều đó.
- Ai nói với anh?
- Một người bạn tù ở tổ kế bên. Vợ anh ấy chuẩn bị vượt biên, trước khi đi, lên tìm cách gặp anh ấy để nhìn mặt nhau lần cuối cùng. Chị ấy giả dạng người đi canh rẫy, ăn nhờ ở đậu trong nhà dân suốt một tuần lễ mới gặp được chồng trong ngày đi lao động ngoài trại. Hai vợ chồng chui vào bụi rậm để nói chuyện, các anh em khác vừa làm lao động, vừa canh chừng vệ binh. Chiều về, anh ấy khóc, kể chuyện lại cho anh em nghe.
- Câu chuyện bi thảm quá anh nhỉ. Nhưng tại sao anh ấy không trốn theo vợ luôn?
- Làm sao trốn được? Ăn mặc lem luốc, lại không có giấy tờ thì làm sao đi cho thoát từ xứ rừng núi đến quê ở anh ta mãi tận Bạc liêu. Anh đoán sau khi ra tù rồi anh ấy cũng sẽ vượt biên để tìm vợ con. Hình như nhiều người muốn đi lắm phải không?
- Hầu hết mọi người mà em gặp đều muốn ra đi.
Tân tỏ vẻ lo sợ:
- Nhưng nghe nói đi nguy hiểm lắm. Ghe thuyền thì nhỏ, biển rộng mênh mông đầy sóng to cá dữ.
- Nghe tin nhiều người đã chết nhưng người ta vẫn hăm hở ra đi. Cái khẩu hiệu rất phổ biến ở miền Nam bây giờ là: “Tự do hay là chết”; còn cái khẩu hiệu “Không có gì quí hơn độc lập tự do” từ ngoài Bắc đưa vô thì chẳng ai ưa. Nhiều người bảo rằng nếu biết tình cảnh khắc nghiệt như thế nầy họ đã nhất định xông ra mặt trận để liều chết giữ lấy tự do cho miền Nam.
Tân thở dài:
- Trễ rồi, quá trễ rồi, tiếc nuối làm chi cho thêm buồn.
- Lúc trước, khi đang còn chiến tranh, rất nhiều người không hiểu rõ cuộc chiến đó. Họ ngây thơ nghe theo lời tuyên truyền của cộng sản, tưởng rằng đó thực sự là một cuộc chiến tranh giải phóng. Bây giờ thì người ta mới hiểu rõ. Điều càng lạ lùng hơn nữa là không phải chỉ có miền Nam tìm tự do mà miền Bắc cũng có rất nhiều người đã ra đi. Em nghe nói ở nhiều tỉnh ngoài đó, gần như hình thành một phong trào bỏ nước đi tìm tự do vậy.
Tân ngạc nhiên:
- Em nói gì vậy? Người dân miền Bắc cũng vuợt biên ra nước ngoài à? Tại sao bao nhiêu năm nay họ không chạy vào Nam mà đợi bây giờ mới bỏ nước ra đi?
- Có rất nhiều người đã tìm đường vào Nam chứ. Anh không nhớ cả triệu người di cư sau hiệp định Genève à? Rồi sau đó lai rai vượt vĩ tuyến Mười bảy như anh Thảo và các người khác.
- Tuy nhiên, chỉ rầm rộ một thời gian thôi rồi im luôn.
- Im là vì cộng sản đã ngăn cản được sự trốn đi. Cũng như khi cộng sản Đông Đức xây bức tường ô nhục chia hai Bá linh thì không còn có chuyện dân Đức vượt biên tìm tự do ở phương Tây như thời kỳ trước nữa. Ở miền Bắc Việt Nam, sau khi ngăn chận được rồi thì cộng sản ra sức tuyên truyền, bưng bít, đe dọa. Những người lớn tuổi có hiểu biết thì đành ngậm miệng và chết dần đi, thanh niên mới lớn lên thì hoàn toàn mù tịt, không còn biết đâu là sự thực nữa.
- Cho đến khi hai miền thống nhất thì họ mới mở mắt ra?
- Dạ đúng vậy. Chưa hẳn là toàn dân đã mở mắt nhưng nhiều người đã trông thấy đâu là sự thực, đâu là giả dối. Chiếm được miền Nam quá nhanh, đảng và nhà nước lúng túng không bưng bít kịp; trong Nam thì không thể siết ngay được, ngoài Bắc thì buông lỏng phần nào nên ý thức tự do từ trong Nam tràn ra Bắc như một làn sóng.
Tân ngạc nhiên:
- Thùy Liên, tại sao em biết rành tình hình chính trị đến thế?
Thùy Liên cười:
- Em đã giải thích với anh một hay hai lần rồi. Em đi buôn bán có dịp tiếp xúc nhiều người. Trí thức miền Nam bây giờ rất bực tức nên gặp ai chịu nghe là họ sẵn sàng nói hết ý nghĩ của mình ra. Cũng đã có nhiều người bị công an bắt vì ăn nói quá hăng mà không nhìn trước nhìn sau cho kỹ. Những điều mà em mới trình bày với anh là của anh Đức và anh Tấn, bạn của anh đó. Thôi, hai con sắp dậy rồi .
- Hôm nay em có đi đâu không?
- Có đi một lát thôi và đi hơi trễ một chút cũng được. Hôm nay, em đi thu mua hàng nhu yếu phẩm của vài gia đình rồi mang ra cho mấy bà ngoài chợ.
Thùy Liên chỉ vào cái túi vải treo lủng lẳng vào một cây đinh đóng trên vách:
- Dụng cụ hành nghề của em đó. Cho tất cả vào túi đó mang lên vai rất gọn, đề phòng công an đuổi thì chạy. Có khi em và người bán lẻ vừa chạy, vừa giao hàng, vừa trao tiền. Chủ nghĩa xã hội khác với chủ nghĩa tư bản nhiều lắm.
Tân nhìn vợ, lắc đầu:
- Ai mà ngờ được cảnh nầy. Cô y tá mỹ miều xưa kia khi ra đường thì thong thả đếm bước để bọn con trai và đàn ông nhìn ngắm mà bây giờ phải chạy trốn công an để kiếm sống. Thùy Liên, anh sẽ nạp đơn để đi dạy lại, nhưng ngay từ bây giờ, anh phải làm cái gì đó để kiếm tiền chứ không thể để cho em bươn chãi mãi thế nầy được.
Thùy Liên cười thật tươi:
- Rồi sẽ tính sau. Anh mới ra tù, cứ nghỉ ngơi cho khỏe ít lâu đã. Em làm nghề nầy cũng chẳng có gì xấu xa. Đảng và nhà nước gọi tụi em là cái bọn chợ trời đáng khinh, nhưng em chẳng cần để ý đến luận điệu của họ. Với cộng sản thì giá trị đạo đức bị đảo lộn. Mình cứ làm bất cứ việc gì để kiếm sống miễn đó không phải là chuyện bất lương và mình không tự khinh mình là được rồi.
- Anh nhất định tìm việc kiếm sống thay cho em. Anh đi gọi hai con dậy nhé. Mấy giờ thì hai con vào trường?
- Em muốn cho hai đứa nghỉ hôm nay để ở nhà chơi với anh một ngày. Tội nghiệp, ròng rã ba năm trời rồi, chúng nó rất thường hỏi em: “Chừng nào ba về?” Có khi vừa nghe các con hỏi là em bật khóc ngay làm hai đứa cũng khóc theo.
- Các con học hành thế nào?
- Em chẳng có thì giờ tìm hiểu các con học thứ gì nữa. Nhưng em thấy các con thích đi học vì được các cô thương lắm. Cả trường đều biết cha của chúng nó là thầy giáo và sĩ quan chế độ cũ đang bị giam giữ nên hai đứa được các thầy cô thương yêu vô cùng. Thấy vậy nên em cũng yên tâm dành hết đầu óc mà lo kiếm sống.
- Tại sao thầy cô lại đặc biệt thương yêu con của sĩ quan chế độ cũ. Thầy cô không phải là người của cách mạng à?
- Không, ngoài Bắc chỉ đưa được vào Nam một số người để chỉ huy lãnh đạo thôi. Toàn bộ thầy cô giảng dạy đều là người cũ của miền Nam. Cũng giống như thời Pháp thuộc, thực dân chỉ đưa sang một số ông Tây bà Đầm để chỉ huy còn các chức vụ nhỏ hơn thì giao cho người bản xứ.
- Người của Mặt trận Giải phóng đâu?
- Mấy người trong rừng ra học hành bao lăm mà dạy được. Tại vài nơi, lúc đầu cán bộ ngoài Bắc chưa vào kịp, nên cũng phải cử người trong rừng ra cho đủ các chức vụ lãnh đạo. Em có nghe người ta kể một chuyện thực rất ngộ nghĩnh. Ở một huyện nọ, trưởng phòng giáo dục là một học sinh cũ trong trường trung học tại chỗ, nhiều năm trước phạm nhiều lỗi, lười học, đánh lộn với bạn bè, hỗn láo với thầy cô nên bị đưa ra hội đồng kỷ luật và bị đuổi học. Rồi nó vào khu và sau ngày “giải phóng” thì về làm trưởng phòng giáo dục, lãnh đạo tất cả các trường trong huyện. Các thầy cô trước đã ở trong hội đồng kỷ luật nhận ra cái ông trưởng phòng giáo dục nầy nên sợ quá bỏ nghề hết.
Tân cười:
- Chuyện lạ trong chủ nghĩa xã hội, nói đến vài năm cũng chưa hết. Kìa hai con dậy rồi.
Hai đứa bé vừa dụi mắt vừa bước xuống và phóng đến ôm cứng lấy cha.
Thùy Liên bảo:
- Hai con đi rửa mặt và đánh răng đi. Sáng nay, mẹ sẽ đi mua thức ăn thực ngon về cho ba cha con ăn với nhau. Hôm nay, hai con được nghỉ ở nhà chơi với ba, hai con có thích không?
Hai đứa reo lên:
- Thích, thích lắm. Mẹ ơi!
Hòa bình nói:
- Ba ở nhà với con luôn đừng đi nữa nghe ba?
Tân ôm con vào lòng chưa kịp trả lời thì Thùy Dung đã nói:
- Ba ở nhà luôn, không đi nữa đâu. Ba đã học tập xong và đã trở thành người công dân tốt rồi.
Thùy Liên trừng mắt nhìn con:
- Dung, con không được nói như vậy. Ba con bao giờ cũng là một công dân tốt chứ không phải đi học tập về mới thành công dân tốt. Mẹ cấm con không được nói như vậy với ba con, nghe chưa?
Tân vuốt tóc con gái, mỉm cười nói với vợ:
- Thôi, em rầy la con làm gì? Có phải lỗi tại nó đâu. Chắc chắn nhà trường đã nói với nó như thế thì nó lặp lại thôi chứ đã biết suy nghĩ gì đâu.
- Em vẫn biết như thế, người ta đã dạy cho những đứa trẻ mạt sát những người lớn trong đó có cả cha của chúng nó. Nghĩ tới điều đó, em chịu không nổi.
- Thôi, phải chịu cho quen đi, em ạ.
Thùy Liên không nói nữa. Nàng vui vẻ rửa mặt cho Hòa Bình rồi đi mua thức ăn sáng.
Sau bữa ăn, Thùy Liên ra khỏi nhà. Tân ngồi chơi với hai con một lát rồi cởi trần ra dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, bếp núc, sắp đặt mọi thứ thật ngăn nắp.
Đến trưa Thùy Liên về, đứng ở cửa nhìn vào thấy nhà sạch sẽ, sáng sủa và gọn gàng. Nàng bước vào, vuốt hai má của chồng, giọng dịu dàng:
- Anh giỏi lắm. Trong một buổi sáng mà nhà trông lạ hẳn ra.
Nàng vừa cười vừa nói tiếp:
- Đây là tổ ấm của mình nhưng vắng anh thì tổ ấm trở thành tổ quạ. Nay anh về rồi thì quạ phải bỏ đi để cho tổ quạ lại trở thành tổ ấm.
Tân mỉm cười sung sướng vì được vợ khen. Anh nói đùa:
- Anh đã được cải tạo rồi mà.
Thùy Liên phụng phịu:
- Anh Tân, em không thích nghe cái từ cải tạo đó đâu. Người trí thức miền Nam trước đây xấu lắm sao mà phải cải tạo. Gọi là tẩy não thì đúng hơn. Họ vào đây và bất cứ từ nào nói về miền Nam cũng đều có tính chất vu khống và mạ lỵ, kể cả cái từ “giải phóng” nữa. Miền Nam có bị ai áp bức đâu mà miền Bắc phải vào đây để giải phóng?
Tân cười:
- Hơn ba năm rồi mà em chưa quen với những từ vu khống và mạ lỵ đó sao?
- Chỉ quen được khi ra đường thôi. Về đến nhà thì không thể nào quen được. Cả bầu không khí miền Nam nầy đã bị hoen ố vì Hà nội bôi nhọ. Em phải giữ cho cái không gian nhỏ bé trong nhà nầy được tinh khiết.
Tân tiếp tục cười:
- Anh đã được tẩy não ba năm trời, thế mà chỉ mới sống với em có mười bốn giờ đồng hồ thì cuộc tẩy não vĩ đại đó chẳng còn tác dụng gì nữa. Không khéo lại phải đi tẩy lần nữa.
Hai vợ chồng cười to làm cho hai đứa bé đang ngồi chơi dưới đất ngẩng lên nhìn một cách ngạc nhiên. Thùy Liên nói:
- Công việc em xong cả rồi. Bây giờ em đi làm cơm và rảnh rỗi suốt chiều nay. Anh có muốn đi thăm các đường phố Sài gòn không?
- Không, anh không đi đâu cả. Anh ở nhà với em và các con.
Tân im lặng để ôn lại chuyện xưa rồi nói tiếp:
- Anh nhớ cách nay hai mươi năm, anh được phóng thích từ khám Tân hiệp ở Biên hòa trở về. Lúc đó anh thèm đi lang thang khắp mọi đường phố Sài gòn. Thành phố nầy là quê hương vô cùng thân yêu của anh, xa cách nó, anh thương nhớ vô ngần. Bây giờ, cái quê hương thân yêu đó được rút lại hết sức nhỏ bé, chỉ còn là gian nhà nầy mà thôi. Nơi đây quá đủ để cho anh hạnh phúc, chẳng cần phải đi đâu nữa. Tuy nhiên, anh cần đến thăm anh Vinh. Anh mong gặp mặt anh Vinh lắm.
- Phải hơn sáu giờ chiều, anh chị ấy mới có mặt ở nhà. Nhưng còn phải để cho hai anh chị và hai cháu tắm rửa và ăn cơm tối. Khoảng bảy giờ rưỡi mình đến là vừa.
- Mình đến đó bằng cách nào em nhỉ? À, chiếc xe gắn máy của anh đâu rồi?
- Em đem qua gởi ở nhà bác Sáu Tính rồi. Nhà mình chật hẹp, lại có lúc chứa đầy hàng hóa buôn bán của em nên phải gởi xe nhà khác. Bây giờ dân chỉ đi xe đạp, vì không mấy ai có đủ tiền mua xăng. Chỉ có cán bộ mới đi xe gắn máy vì họ có tiêu chuẩn được cấp xăng hoặc mua rất rẻ.
Tân thở dài:
- Bài học chính trị thì bảo rằng cách mạng giải phóng dân nghèo nhưng khi thành công rồi thì mọi thứ hưởng thụ đều dành cả cho cán bộ đảng viên. Họ hợp thành một giới ăn trên ngồi trốc của xã hội.
- Đúng vậy, trước đây, em đọc sách, thấy nói đến giai cấp nhưng không rõ lắm vì miền Nam không có giai cấp. Bây giờ thì xã hội phân thành hai giai cấp quá rõ rệt. Đành chịu vậy. Em cũng sẽ tìm mua cho anh một xe đạp cũ như của em để có thể đi lại. Có xe đạp rồi mới thấy rằng những thứ quá tầm thường trong xã hội cũ như vỏ ruột và đồ phụ tùng bây giờ cũng phải mua chợ đen. Nhà máy sản xuất được bao nhiều cũng dành bán rẻ cho cán bộ rồi họ bán lại cho dân chúng để kiếm lời. Chủ nghĩa xã hội thực là lạ lùng. Ước chi miền Nam mình sống trở lại với tư bản chủ nghĩa như cũ anh nhỉ.
- Thì rồi cũng đến lúc đó thôi, chứ cứ xã hội chủ nghĩa mãi thế nầy thì dân chúng chết và bỏ trốn hết, cuối cùng chỉ còn cán bộ đảng viên sống với nhau thôi. Nhưng chuyện đó còn lâu lắm, không biết anh với em còn sống được đến ngày người ta bỏ chủ nghĩa xã hội đi không.


*
* *


Sau bữa cơm chiều, Thùy Liên đi mượn thêm một chiếc xe đạp nữa rồi hai vợ chồng chở hai đứa con đến nhà anh Vinh, một biệt thự khá to ở đường Cao Thắng. Thùy Liên rung chuông, một cậu con trai bước ra, nhìn qua khe trông thấy Thùy Liên thì mở cổng. Thùy Liên khẽ hỏi:
- Có bố mẹ ở nhà không?
Nó không trả lời mà gật đầu. Thùy Liên quay sang nói nhỏ với Tân:
- Con anh Vinh đó.
Tân định bước đến ôm lấy nó, nhưng nó đã lạnh lùng quay vào nhà. Hai vợ chồng và hai đứa con bước vào theo. Tân nghe giọng nó nói:
- Bố, có cô Liên đưa chú nào đến.
Một người đàn ông đang đọc báo trên ghế xếp, bật dậy. Tân khẽ thốt lên:
- Anh Vinh!
Tân bước nhanh đến nắm chặt lấy hai cánh tay của anh, lặp lại với giọng run run:
- Anh Vinh, em đây, thằng Tân của anh đây!
Vinh nhìn sững em mình. Đôi mắt anh bỗng nhắm lại vài giây rồi mở bừng ra:
- Chú Tân đây à? Trời ơi, thằng Tân bé nhỏ của tôi bây giờ đã thế nầy rồi à?
Anh đứng dang ra, nhìn Tân từ đầu đến chân, rồi gật đầu:
- Phải rồi, hai mươi lăm năm rồi. Anh lẩm cẩm quá đi mất, lúc nào cũng tưởng chú vẫn còn là một đứa bé tinh nghịch, ôm cặp nhảy nhót trên con đường đến trường. Chú về hồi nào vậy?
- Dạ, em về đến nhà chiều hôm qua. Suốt ngày nay, lúc nào cũng muốn đến gặp anh nhưng biết rằng anh chị đều đi làm cả.
Anh Vinh gật đầu:
- Vâng, đúng vậy, anh chị đi làm từ sáng đến chiều.
Anh quay mặt vào phía trong và gọi to:
- Này, mẹ nó ơi, chú Tân đi học tập về đến thăm nầy. Có cả cô Liên và hai cháu nữa.
Có tiếng dép lẹp xẹp rồi một người đàn bà xuất hiện ở khung cửa. Thùy Liên nói to:
- Chào chị ạ.
Nàng quay sang chồng:
- Chị Vinh đó.
Tân ấp úng:
- Thưa chị.
Người đàn bà nói giọng Bắc the thé:
- Chú Tân đấy à? Tôi thường nghe anh Vinh nhắc đến chú luôn, bây giờ mới biết chú. Gớm, hai anh em giống nhau thế. Anh em được gặp nhau, gia đình được sum họp rồi thích nhỉ.
Anh Vinh nói to:
- Thì cũng phải cám ơn đảng ta đã khoan hồng cho người có tội lại còn nuôi dưỡng và cho học tập đến nơi đến chốn. Phải không chú Tân?
Tân cảm thấy rất khó chịu nhưng anh cố gắng mỉm cười:
- Dạ phải.
Chị Vinh nói với Thùy Liên:
- Thế, cô Liên dạo nầy buôn bán ra sao?
- Dạ cũng khó khăn lắm. Em cũng muốn bỏ không buôn bán nữa nhưng phải đợi anh Tân có công việc làm mới bỏ được. Ngày mai anh ấy đi nạp đơn ở sở giáo dục để xin đi dạy lại.
Chị Vinh gật đầu:
- Ừ phải rồi. Làm thế là đúng đấy. Với chủ nghĩa xã hội, làm công nhân viên nhà nước là tốt nhất, buôn bán lăng nhăng không hợp với chủ trương đường lối của đảng ta đâu. Rủi bị địa phương để ý, bắt phải đi vùng kinh tế mới thì khổ. Chú Tân cứ xin đi dạy lại. Đảng ta rất khoan hồng, dù là sĩ quan ngụy nhưng biết cãi tà qui chánh, từ bỏ tội lỗi thì cũng được sử dụng lại. Hơn nữa, đối với chủ nghĩa xã hội, giáo viên được ưu đãi lắm. Ngoài Bắc, mỗi giáo viên, mỗi tháng được nhà nước bán thêm một kí đường để bồi dưỡng.
Thùy Liên liếc nhìn thấy vẻ mặt Tân hơi biến đổi, nàng biết chồng đang chịu đựng sự bực bội và lo sợ anh không tự chế được mà nói ra câu nào đó làm mất lòng chị dâu thì nguy. Nàng vỗ nhẹ vào tay Tân và nói to, cốt ý nhắc nhở chồng:
- Anh Tân, chị Vinh khuyên anh như thế là có lòng tốt với gia đình mình lắm đó. Chị Vinh là cán bộ ngoài Bắc vào nên rất rõ chủ trương, chính sách của cách mạng. Vợ chồng mình nên nghe theo lời khuyên của chị.
Tân im lặng gật đầu.
Hai người đàn bà quay sang nói chuyện với nhau trong khi hai anh em ngồi im như lắng tai nghe. Tân cảm thấy mỗi lúc một khó chịu hơn. Anh móc thuốc ra mời anh Vinh rồi châm lửa hút, nhìn theo từng bụm khói mà mình nhả cho bay lên trần nhà, lắng nghe nỗi buồn len lỏi trong lòng. Suốt ngày nay, anh cứ tưởng tượng lúc gặp mình, anh Vinh sẽ ôm chặt vào lòng như khi còn bé. Hai anh em sẽ tíu tít kể cho nhau nghe bao nỗi nhớ nhung của mấy chục năm xa cách. Thế mà, bây giờ anh ngồi đây, trước mặt anh mình trong một không khí nhạt nhẽo vô vị, đầy phiền muộn. Tân đứng dậy, nói to:
- Vợ chồng em thăm anh chị và các cháu. Bây giờ chúng em xin phép ra về.
Chi Vinh đon đả:
- Ngồi chơi đã nào, về gấp thế.
Tân nhìn đồng hồ:
- Thôi, chúng em xin về để anh chị nghỉ. Thùy Dung, Hòa Bình, hai con chào hai bác để về đi.
Hai đứa bé vòng tay một cách lễ phép. Tân đứng dậy nhìn sâu vào cửa thông bên trong, hi vọng trông thấy hai đứa con anh Vinh để nhìn cho rõ mặt cháu mình nhưng chẳng thấy đâu cả nên đành bắt tay anh, cúi đầu chào chị dâu rồi quay ra cửa.
Về đến nhà, Tân mở vội cửa, dẫn xe vào, bật đèn sáng lên rồi ngồi phịch xuống ghế, nét mặt buồn bã. Thùy Liên đến ngồi kế bên chồng:
- Sao trông anh buồn vậy?
Tân thở dài:
- Hơn hai mươi năm sống với chủ nghĩa xã hội, anh Vinh đã biến đổi quá nhiều. Tình cảm ruột thịt ngày xưa chẳng còn được bao nhiêu nữa.
Thùy Liên nắm tay chồng đặt lên đùi mình:
- Không, anh đừng nghĩ như vậy. Anh Vinh vẫn còn thương anh nhiều lắm. Em biết chắc chắn như vậy, nhưng trước mặt vợ thì anh Vinh có một thái độ khó hiểu, hình như không đúng với bản chất của anh ấy.
- Anh không ngờ chị Vinh xấu như thế.
- Thì em đã nói với anh rồi và anh đã nói sắc đẹp không liên can gì đến hạnh phúc gia đình mà. Có lẽ vì vậy mà anh đi tìm lấy cho được cô vợ xấu xí là em đây nầy.
Tân liếc nhìn không thấy hai con nên hôn nhanh vào mắt vợ:
- Em mà xấu xí thì thế gian nầy chẳng còn ai đáng gọi là được mắt nữa.
Hai vợ chồng cười xòa; không khí gia đình trở lại vui tươi đầm ấm.


*
* *


Vài hôm sau, Thùy Liên mua được một chiếc xe đạp cũ, thuê xích lô chở về. Nàng nói với chồng:
- Chị bạn bán rẻ cho em đó. Xe của chồng chị ấy vừa vượt biên xong, có tin đánh về là tàu đã cặp vào đất liền rồi. Chị ấy bảo xe còn khá, đồ phụ tùng tốt nhưng phải sửa lại chút đỉnh mới đi được. Anh đưa ra ông thợ sửa xe, trên vệ đường ở cổng cư xá Đô thành. Ông ấy tay nghề khá, lại tận tâm nên lúc nào cũng đông khách. Xe hư là em đưa ra giao cho ông ấy sửa, rất yên tâm.
- À, anh nhớ rồi, có thể đó là ông Cung, anh ruột của anh Kính. Kính là một người bạn thân của anh trong trại lúc còn ở Tây ninh. Ông Cung nầy là trung sĩ cũ về sửa xe ở Long an, bị bắt vào hợp tác xã, không sống được nên dắt vợ con trốn về đây để kiếm sống. Gia đình ông ấy đang ở nhờ nhà vợ của anh Kính trong cư xá Đô thành. Ngày mai, anh đưa xe ra đó và hỏi xem có đúng là ông Cung hay không.
Sáng hôm sau, khi vợ và hai con đã ra khỏi nhà, Tân khóa cửa lại và dẫn xe ra đường, băng qua cư xá Đô thành, ra đường Phan Thanh Giản nay đổi tên là Điện biên Phủ. Anh gặp ngay người thợ sửa xe muốn tìm. Đó là một người đàn ông khoảng hơn bốn mươi tuổi, có dáng khỏe mạnh, nét mặt hơi giống anh Kính nhưng vui vẻ yêu đời hơn. Ông ta loay hoay làm việc, bên cạnh có một đứa bé độ mười hai tuổi phụ giúp. Mới buổi sáng mà khách đã đông, một chiếc đang sửa, hai chiếc dựng kế bên. Ba người khách, một đàn ông và hai đàn bà đứng nhìn có vẻ sốt ruột.
Thấy Tân đến, ông thợ ngước lên:
- Ông đợi một tí được không? Phải làm cho xong ba chiếc nầy trước. Cũng nhanh thôi, hư sơ sơ ấy mà. Nếu gấp thì xin ông dẫn đến góc đường Cách mạng Tháng Tám vậy.
Người khách đàn ông góp ý:
- Nếu không gấp thì ông nên đợi sửa ở đây hay hơn. Bác nầy làm kỹ lưỡng lại ăn công rẻ hơn nơi khác.
Tân gật đầu:
- Vâng, tôi đợi vì không phải đi đâu gấp.
Ba chiếc xe lần lượt sửa xong, các chủ nhân của chúng vội trả tiền rồi đạp đi. Ông thợ đẩy xe của Tân vào dựng lên, bắt đầu quan sát rồi ngẩng lên nói:
- Trục bánh sau cần thay đạn, dây sên dãn chặt bớt một mắc thì dùng thêm một thời gian nữa cũng được. Thế thôi, làm độ mươi phút là xong. Nhưng dù sao hôm nay ông cũng bị trễ giờ đi làm rồi.
- Không, tôi ở nhà chẳng đi làm gì cả.
Ông thợ gật đầu:
- Nếu có của mà ăn thì ở nhà sướng cái thân. Thời buổi nầy đi làm công nhân khổ lắm. Cách mạng bảo rằng đã dẹp bỏ cảnh người bóc lột người ở chế độ cũ. Trước đây, người bị bóc lột lại đủ sức nuôi vợ nuôi con. Còn bây giờ, người hết bị bóc lột mà không tự nuôi sống được, nói chi đến vợ con. Cứ như tôi đây, trông lem luốc trên lề đường mà sống được.
Tân dọ hỏi:
- Có phải ông là dân ở tỉnh lên đây lập nghiệp không?
Ông thợ vừa tháo bánh xe vừa cười:
- Sao ông đoán hay vậy? Tôi ở tỉnh lên.
- Long an phải không?
Ông thợ dừng tay nheo mắt nhìn Tân:
- Sao ông biết, ông là người dưới đó à?
Tân lắc đầu, hỏi tiếp:
- Ông bỏ hợp tác xã dưới đó lên đây phải không?
Người thợ biến sắc đứng thẳng lên, nắm chặt chiếc kềm trong tay. Giọng ông hơi run:
- Ông là ai? Ông đi sửa xe hay tìm tôi có việc gì?
Tân thấy tức cười trong bụng nhưng anh cố giữ vẻ nghiêm nghị:
- Tôi hỏi ông chưa trả lời lại hỏi ngược lại tôi là ai. Được rồi, nghe đây, tôi là tôi, còn ông bỏ hợp tác xã ở Long an lên đây phải không?
Người thợ cúi mặt nhìn xuống đất:
- Thưa ông, cực chẳng đã tôi mới phải từ giã hợp tác xã lên đây. Ở dưới đó không đủ gạo cho vợ con tôi ăn chớ tôi không có ý gì xấu đối với hợp tác xã.
- Ông tên Cung phải không?
Người thợ ngẩng lên, măt tái đi rõ rệt:
- Vâng thưa ông tôi là thằng Cung đây.
- Ông trốn lên đây ở nhờ nhà em dâu?
- Trời đất, ông biết rõ đến thế à? Ông là ai?
Người thợ mím môi, một nét liều lĩnh và cam chịu hiện lên trong đôi mắt:
- Thôi tôi biết rồi. Ông là công an phải không? Ông theo dõi tôi từ lâu phải không?
Có một người dẫn xe hư tới. Người thợ quay ra bảo:
- Xin bà dẫn lại đằng kia để sửa. Tôi bận không làm được.
Tân ngăn lại:
- Không, ông cứ làm việc bình thường.
Người thợ cương quyết:
- Bà mang lại chỗ khác đi. Tôi không nhận đâu.
Người đàn bà dẫn xe đi. Ông thợ quay sang Tân, tiếp tục nói:
- Thưa ông, tôi không có tội gì cả. Tôi bỏ hợp tác xã vì không sống được. Vợ con tôi có nguy cơ chết đói thì làm sao tôi có thể ngồi yên mà nhìn. Xin ông hiểu cho, tôi là trung sĩ chế độ cũ, tôi hiểu thân phận tôi nên chỉ lo làm việc nuôi vợ con chứ không làm điều gì có hại cho cách mạng.
- Tại sao ông không xin phép mà bỏ hợp tác xã trốn đi?
- Thưa ông, tôi biết xin phép thì không bao giờ hợp tác xã cho tôi đi vì thằng Ký làm việc chung với tôi chẳng rành công việc mà lại ham uống rượu. Không có tôi, chẳng ai thèm đem xe đến cho nó sửa. Vì vậy đời nào hợp tác xã cho tôi ra đi. Nhưng mà tôi đâu có trộm cắp gì của hợp tác xã. Tất cả dụng cụ trong điểm sửa xe đều là của tôi, hợp tác xã chưa mang một thứ nào đến cả. Khi đi, tôi chỉ mang theo một ít kềm búa còn để lại nhiều thứ quí giá hơn cùng với cái nhà do chính tiền của và công sức tôi dựng nên. Thế thì tôi có tội gì đâu?
Tân thấy đùa với con người đáng thương nầy như thế đã quá đủ. Anh vỗ vai người thợ:
- Anh Cung, có ai bắt tội anh đâu?
Cung ấp úng:
- Tôi…tôi không có tội? Đúng vậy. Thế thì ông theo dõi tôi để làm gì?
- Anh Cung, có ai theo dõi anh đâu?
- Thế tại sao ông biết rõ tôi trốn hợp tác xã lên đây mà đến tra vấn tôi?
- Có ai tra vấn anh đâu? Tôi chỉ hỏi để tìm nhà người quen thôi mà.
Cung nhìn Tân sửng sốt:
- Ông không phải công an à? Vậy thì ông là ai? Muốn tìm nhà ai?
- Tìm nhà anh Kính.
Cung thối lui một bước:
- Kính nào?
- Kính sĩ quan chế độ cũ, em ruột của anh.
- Hả, hả? Nó tuân lệnh ủy ban quân quản đi trình diện học tập từ lâu rồi. Nó đã làm cái gì đó phải không? Đúng, tôi là anh ruột nó, nhưng tội ai làm nấy chịu. Tôi không liên can gì cả.
Tân cười:
- Có ai bảo anh liên can gì đâu? Anh Kính cũng chẳng làm điều gì phi pháp. Anh ấy là người rất tốt.
Cung nhìn sững vào mắt Tân:
- Ông nói thực đó chứ?
- Sao lại không thực? Tôi nói dối với anh để làm gì?
- Vậy ông là ai? Có phải công an chìm không?
- Không. Ngược lại, tôi là sĩ quan chế độ cũ, đi học tập cải tạo trở về. Tôi ở chung với anh Kính một thời gian ở trại Đông bang Tây ninh. Chúng tôi rất thân nhau.
Cung thối lui một bước, niểng cổ nhìn Tân từ đầu đến chân. Đôi mắt Cung như đổi từ màu nghi ngờ và sợ hãi sang màu tin cẩn và hân hoan. Bỗng anh cúi gập người xuống vừa cười vừa nói:
- Trời hỡi trời! Đúng là phe ta rồi. Thế mà cứ tưởng là công an đến điều tra.
Cung chỉ vào một khúc cây ngắn dựng đứng:
- Ngồi xuống đó đi người anh em ơi. Mừng quá là mừng! Đây, có hai điếu thuốc đầu lọc bạn bè cho để dành từ chiều hôm qua, bây giờ mang ra đãi phe ta mới được.
Cung moi trong túi áo ra một gói nhỏ, cẩn thận bóc ra hai lớp giấy bao, lấy hai điếu thuốc trao cho Tân một điếu rồi bật quẹt lửa lên. Cung nói một cách vui vẻ:
- Hút đi phe ta. Phe ta tên gì?
- Tên Tân, trước là trung úy bộ binh, biệt phái về bộ giáo dục.
- Hay lắm, phe ta mà khi nãy tưởng công an, sợ hết hồn.
Tân cười:
- Tại sao anh có vẻ sợ công an như thế?
- Công an thì ai mà chẳng sợ.
- Nhưng kẻ nào có tội thì mới sợ chứ.
- Cách mạng về đây rồi thì mọi người miền Nam, ngoại trừ những người hoạt động cho Việt cộng, đều có mặc cảm có tội đối với cách mạng. Tài liệu học chính trị đã gây nên mặc cảm đó.
- Nhưng mà tội gì mới được chứ.
Cung mỉa mai:
- Tội không theo cách mạng mà theo ôm chân đế quốc Mỹ, vì vậy ai nghe nói tới công an cũng lạnh xương sống.
- Nhưng công an có hay bắt bớ không?
- Cũng tùy. Nếu bị tố cáo phản động, chống chế độ là bị bắt ngay, không cần bằng chứng. Vì vậy nghe ở đâu đó có hoạt động chống cách mạng là công an rần rần rộ rộ, súng ống xe cộ kéo đến trấn áp.
- Còn những tội khác như trộm cướp thì sao?
Cung bỉu môi
- Thì mấy ông công an cứ từ từ uống cà phê hay nhậu xong rồi mới thủng thẳng đến. Có khi không đến rồi bỏ luôn. Có những việc rất nghiêm trọng mà ngày xưa mình gọi là tội đại hình như cướp của, giết người, hiếp dâm, công an cũng xem thường. Họ chỉ chú ý tới phản động, nghĩa là tội chống lại chế độ thôi. Mà cái tội đó thì người dân hiền lành cách mấy cũng có thể là đối tượng để công an nghi ngờ và theo dõi. Rồi họ rải điềm chỉ khắp nơi làm cho người nầy phải sợ người kia.
- Điềm chỉ ở đâu cho có nhiều mà họ rải khắp nơi?
- Điềm chỉ là dân. Ai cũng có thể bị họ đến giao nhiệm vụ. Biết là làm công việc chó săn khốn nạn nhưng không ai dám từ chối.
Tân cười nhìn thẳng mặt Cung:
- Anh có bị giao không?
- Có chứ sao không? Ở Tân an, họ bảo tôi dò xét người đến sửa xe rồi họ cho tôi địa chỉ để đến báo cáo nếu thấy có sự gì đáng nghi ngờ.
- Còn lên đây?
- Chưa thấy, nhưng rồi thế nào mấy ông cũng mò tới nếu biết mình là người của chế độ cũ. Khi nãy nghe phe ta hù, tôi nghĩ là công an đến bắt hoặc tổ chức điềm chỉ.
- Ở dưới Long an, anh thi hành nhiệm vụ cho họ được mấy lần rồi?
Cung lắc đầu:
- Thi hành cái con mẹ gì. Mình đâu phải cái hạng người đi làm việc ác đức đó. Còn phải nghĩ sau khi chết sẽ gặp mặt ông bà dưới suối vàng nữa chớ. Đi điềm chỉ và tố cáo người khác thì thế nào cũng bị ông bà vặn họng cho đến chết.
- Công an đi tổ chức người điểm chỉ thì có tội nặng hơn, sao không thấy ông bà vặn họng ai cả?
Cung cười:
- Có lẽ vì công an có súng nên ông bà không dám đến gần. Hì hì. Ông bà mình cũng sợ bị chụp mũ phản động lắm chứ. Hì hì. Thôi, phe ta ngồi chơi một chút để tôi sửa cho xong cái xe trước đã. Kìa có khách dắt xe đến sửa đó. Tối nay anh đến nhà tôi chơi nhé. Tôi cần hỏi thăm đời sống của thằng em tôi trong trại cải tạo. Vợ thằng Kính cũng cần gặp anh lắm đó.
- Vâng, tôi sẽ đến. Anh Kính chưa được trả tự do à?
- Chưa. Thấy có nhiều người về rồi mà nó vẫn chưa được tha. Có lẽ nó là đại úy hay bị quản giáo trong đó trù dập vì lý do nào đó. Vợ nó đang lo lắng. Nghe thím ấy nói nó đang ở trên trại Bù gia Phúc. Anh cũng ở trên đó về phải không? Nó bị trù dập thế nào?
- Chúng tôi chỉ ở chung trong trại Đồng bang Tây ninh. Sau đó tôi lên Phước long trước và không gặp anh Kính nữa.
- Tối nay anh nhớ đến nhà tôi chơi nhé.
- Vâng, tôi có địa chỉ nhà anh Kính. Anh vẫn còn ở nhà anh ấy chứ?
- Còn ở đó. Tôi định mua một căn nhà nho nhỏ ở chợ Vườn chuối, để khi thằng Kính về thì tôi dọn đi. Nhiều người bỏ về quê hay đi vùng kinh tế mới nên bây giờ, nhà rẻ lắm. Tuy vậy tôi đang lưỡng lự về việc mua nhà, vì còn dự định khác.
Xe đã sửa xong, Tân trả tiền, Cung nhất định không lấy nên Tân đành lên xe đạp về.
Anh mở cửa vào nhà, cởi áo quần, mặc quần ngắn, tiếp tục dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, giặt thau áo quần dơ rồi lục ra một quyển sách nằm đọc. Gần trưa, Thùy Liên về, dẫn cả hai con vào nhà. Tân ôm hôn hai con rồi quay sang vợ:
- Sáng nay em đi có được việc không?
Thùy Liên cười thực tươi:
- Cũng như mọi hôm vậy.
Nàng bỗng đến gần Tân, nắm tay chồng, nói nhỏ:
- Anh Tân, mấy hôm nay, ai cũng khen em trẻ và đẹp ra. Họ nói tại anh được về với em. Anh Tân, em như cái cây, được anh về tưới nước.
Nàng cười, mặt hồng lên trông thực đáng yêu. Tân thèm cúi xuống khuôn mặt đó nhưng vì có mặt hai con nên thôi.
Thùy Liên hỏi:
- Sáng nay anh ở nhà làm gì? Sửa xe xong chưa?
- Xong rồi. có chuyện vui lắm?
- Chuyện dài hay ngắn?
- Khá dài.
- Vậy thì anh cho em đi tắm rửa rồi lo làm cơm trước đã. Anh đói bụng rồi phải không? Hai con cũng đói rồi.
- Còn em?
- Anh về đây là em chằng cần ăn cũng được. Nhìn anh là đủ no rồi. Thôi, anh rửa ráy và thay áo quần cho Hòa Bình đi. Chốc nữa xuống bếp, em nấu ăn, anh kể cho em nghe chuyện vui của anh.
Nàng nói xong, đi xuống nhà dưới.
Không bao lâu sau, lửa trong bếp bắt đầu reo vui. Tân ngồi bên chiếc bàn nhỏ, phì phà điếu thuốc một cách thoải mái.
Thùy Liên bắc nồi cơm lên bếp rồi quay lại:
- Bây giờ, anh nói chuyện cho em nghe được rồi.
Tân kể cho vợ nghe chuyện đến gặp anh Cung làm anh hoảng sợ vì tưởng Tân là công an. Thùy Liên ôm bụng cười ngất. Tân nói tiếp với vợ:
- Anh định đùa giỡn một chút chứ hoàn toàn không ngờ, bây giờ người dân sợ công an đến thế. Ngày xưa, mình có bao giờ quan tâm đến mấy ông cảnh sát đâu.
Thùy Liên gật đầu:
- Công an bây giờ đáng sợ hơn cảnh sát ngày trước rất nhiều. Quyền hành của công an của chế độ nầy to hơn cảnh sát chế độ cũ nhiều lắm. Em nghe nói không phải chỉ dân thôi đâu mà cán bộ cũng sợ công an lắm. Hôm nọ em đến thu mua hàng nhu yếu phẩm tại nhà cán bộ cao cấp. Cả hai vợ chồng đều do đảng cử vào công tác luôn trong Nam như anh chị Vinh vậy. Thế mà công an cũng hành hạ hai ông bà ấy đủ điều rồi mới cho chuyển hộ khẩu vào trong nầy. Hình như ông bà ấy phải chịu mất tiền.
Tân sửng sốt:
- Trời đất ơi, sao lạ lùng vậy? Trước đây, trong chế độ cũ, công chức thay đổi nhiệm sở từ vùng nầy sang vùng kia thì chỉ cần thông báo cho cảnh sát hai nơi là họ làm tờ khai gia đình cho mình ngay và có người mang đến tận nhà.
- Anh còn nhắc đến thời hoàng kim đó làm chi nữa.
- Nhưng tại sao em biết cán bộ cao cấp cũng phải mất tiền cho công an?
- Họ không nói rõ nhưng em thấy thái độ hậm hực cùng câu than thở của bà: “Chuyện gì cũng phải xì tiền ra thì mới êm”. Em đoán họ bị công an ăn tiền rồi.
- Vậy à? Tởm nhỉ? Không biết anh chị Vinh vào Nam có bị mất tiền không?
Thùy Liên cười:
- Mất sao được? Chị Vinh là con của một ông lãnh đạo công an ngoài Bắc, ngang hàng với thứ trưởng chứ ít đâu.
Tân ngạc nhiên:
- Thực vậy à?
- Sao lại không thực? Chính anh Vinh nói với em trong lần đầu tiên gặp em mà.
- Nhưng sao lúc thăm anh ở Tây ninh em không nói kỹ điều nầy cho anh rõ?
- Em thấy nói chẳng ích lợi gì mà còn làm vẫn đục tình thương của anh đối với anh Vinh. Trong thời gian anh đang bị đau khổ vì mất tự do, em muốn dành cho anh tất cả những gì tốt đẹp nhất về mặt tình cảm.
- Cám ơn em. Em là nàng tiên mà trời phái xuống cho anh như trong những chuyện cổ tích vậy.
Tân ngồi im một phút rồi nói tiếp:
- Anh không hiểu tại sao đảng lại cho công an quyền hạn to như thế?
Thùy Liên quay lại:
- Anh không hiểu thực sao? Em hiểu.
- Hiểu thế nào, nói anh nghe.
- Chế độ độc tài nào cũng sợ dân chúng nổi loạn nên phải có cơ quan an ninh thực mạnh để bảo vệ cho thể chế độc tài của họ. Thí dụ, Liên xô có KGB, phát xít Đức có Gestapo, Việt Nam có công an mật vụ.
- Mỹ có FBI?
Thùy Liên lắc đầu:
- FBI của Mỹ thì khác hẳn. Cơ quan đó chẳng có quyền hạn gì đối với dân thường và chính quyền. Dân không sợ FBI, trái lại còn thương nữa. Anh không nhớ sao? Lúc trước, FBI còn không có quyền mang súng, bị bọn tội phạm giết chết nhiều quá mới được trang bị vũ khí, thực là đáng thương.
- Thùy Liên, một lần nữa em lại chứng tỏ hiểu biết rất nhiều về chính trị, đặc biệt về chủ nghĩa xã hội.
- Em đã giải thích cho anh nghe rồi. Đi mua bán nên em thường gặp mấy bà cán bộ hay vợ cán bộ. Họ có cảm tình với em nên thường nói thực, chứ không nói theo kiểu tuyên truyền. Ngay trong hàng ngũ cán bộ đảng viên cũng có rất nhiều người chẳng ưa gì chủ nghĩa xã hội nhưng vì đặc quyền đặc lợi mà đảng cho họ hưởng nên họ buộc phải trung thành với đảng và với chủ nghĩa xã hội.
Cơm vừa chín. Tân giúp vợ soạn chén bát. Cơm và thức ăn được Thùy Liên đưa ra. Tân gọi hai con xuống ngồi vào bàn. Đang ăn, Tân dừng đũa, nói với vợ:
- Nhìn thấy anh Cung sửa xe, anh cũng thích nên có ý muốn bắt chước anh ấy.
Thùy Liên trố mắt:
- Bắt chước đi sửa xe hả? Nhưng anh đã có sửa bao giờ đâu?
- Sao không? Trước đây, lúc còn đi học, xe đạp anh hư thì tự sửa lấy, không bao giờ đưa đến cho thợ.
- Thôi, em không thích anh ra ngồi ngoài đường, chịu nắng chịu gió đâu, tội anh lắm.
- Anh chỉ mới có ý nghĩ thế thôi vì nóng ruột muốn làm ngay việc gì đó để đỡ đần cho em. Thấy em phải tảo tần suốt ngày, anh xót lòng, xót dạ lắm. Tuy nhiên, muốn mở ra một điểm sửa xe đâu phải là dễ. Phải có khá nhiều dụng cụ và một số đồ phụ tùng để thay thế cho khách. Mình đâu sẵn có những thứ đó.
Tân dừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Anh Cung mời anh chiều tối nay đến nhà chơi để anh ấy hỏi thăm đời sống của anh Kính trong trại. Em đi với anh nhé.
- Và hai con nữa. Được đi chung với anh, bất cứ đến đâu, mẹ con em đều vui thích.

Sau bữa cơm chiều, hai vợ chồng cùng con cái đến nhà anh Kính. Họ được đón tiếp hết sức niềm nở. Vợ chồng anh Kính có ba đứa con còn nhỏ. Mấy đứa trẻ gặp nhau, vài phút sau là bày trò đùa giỡn với nhau vui vẻ ngoài sân, trong khi những người lớn nói chuyện với nhau. Tân kể tỉ mỉ cuộc sống trong trại cải tạo và bảo rằng sĩ quan cấp úy đang lần lượt được cho về. Chắc chắn không lâu nữa anh Kính sẽ được trả tự do. Mọi người nghe nói đều vui mừng.
Mười phút sau, ba người đàn bà kéo nhau lên lầu bàn chuyện làm ăn. Trong phòng khách còn vỏn vẹn Tân và anh Cung mà thôi. Hai người ngồi đối diện nhau. Vừa hút thuốc, vừa chuyện trò thân mật.
Tân hỏi:
- Buổi chiều, anh làm việc đến mấy giờ thì nghỉ?
- Thường thì sáu giờ nhưng lắm khi phải trễ hơn nếu chưa làm xong cho khách. Hôm nay biết anh đến chơi nên tôi về sớm, có người mang xe hư đến tôi cũng từ chối. Cả ngày, công việc quá nhiều, tôi làm không xuể. Thằng con tôi thì nhỏ quá chỉ sai vặt thôi. Nó mới tròn mười hai tuổi. Anh nó mười sáu rồi nhưng nhất định theo bạn bè đi phụ thợ hồ chứ không chịu sửa xe với tôi.
Tân ngập ngừng:
- Hai cháu vẫn còn tuổi đi học mà.
Cung bỗng thở dài sườn sượt:
- Vâng, hai cháu đang đi học thì phải nghỉ. Thằng lớn đang học lớp chín, thằng nhỏ lớp sáu. Đứa nào cũng học giỏi. Trước ngày “giải phóng”, vợ chồng chúng tôi quyết tâm cho hai đứa con học cho đến nơi đến chốn, phải tốt nghiệp đại học như chú nó. Không bao giờ chúng tôi có thể tưởng tượng đến lúc phải để cho con bỏ học thế nầy. Đau lòng lắm anh ơi.
- Anh chị không nuôi nổi nên cháu phải đi làm sớm à?
- Không phải đâu. Có nghèo thực, nhưng chưa đến đổi bắt con phải bỏ học. Nhưng anh coi, lúc còn dưới Long an, hợp tác xã đến ăn cướp cái chỗ sửa xe của mình, hất đổ nồi cơm, đẩy gia đình tôi xuống dưới cái nghèo xa lắm. Cách mạng hô hào xóa đói giảm nghèo, thực chất là tạo đói, gây nghèo cho dân. Sau một tuần lễ chạy vạy, vợ tôi xin được một chân quét chợ, nhưng tôi nghĩ với tình cảnh bị áp bức cùng cực thế nầy, có lúc mình nổi giận không dằn được thì có thể đổ máu. Trước đây mình là dân nhà binh mà. Tuy đã đầu hàng, cởi áo lính để sống đời con giun con dế mấy năm rồi, nhưng cái máu nhà binh bất khuất và liều mạng sợ e lại nổi dậy, cản không được thì nguy to. Vì vậy nhất quyết phải bỏ xứ mà đi.
- Bây giờ, kinh tế gia đình anh chị ổn rồi chứ?
- Vâng tạm ổn mà còn có thể dư chút đỉnh để dành nữa. Mấy tháng nay, vợ tôi xin được một chân làm bếp của một nhà giữ trẻ.
Tân suy nghĩ một chút rồi nói:
- Anh Cung, tôi muốn hỏi anh điều nầy nhưng sợ anh tự ái.
- Ồ, sao anh nói vậy? Mình là phe ta với nhau mà. Anh cứ nói đi.
- Tại sao bây giờ đủ ăn đủ mặc rồi mà anh không cho hai cháu đi học lại?
Lông mày Cung như dựng đứng lên:
- Sao lại không? Ngay cái ngày đầu tiên mới đến đây, vợ chồng chúng tôi và cả thím Kính nửa đã chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ học cho hai đứa. Anh cũng biết bây giờ đâu còn trường tư nữa, toàn là trường nhà nước. Đến chỗ nào, người ta cũng đòi đủ giấy tờ mới xét.
- Tôi hiểu rồi. Chuyển trường phải có hồ sơ của trường đang học. Thế thì nan giải rồi. Anh chị bỏ trốn đi, các cháu bỏ học thì ai mà cấp học bạ và giấy giới thiệu chuyển trường.
- Không, giấy đó không khó. Mình trốn đi là trốn hợp tác xã và công an nơi mình cư trú chứ nhà trường thì đâu có biết tí gì. Có người quen bảo với tôi rằng muốn có mọi giấy tờ chuyển trường thì chỉ cần biếu ông hiệu trưởng và bà hiệu phó mỗi người nửa kí thịt heo là xong.
Tân trố mắt nhìn:
- Phải hối lộ sao? Hiệu trưởng, hiệu phó là người của ngành giáo dục mà?
- Bây giờ người ta không gọi là hối lộ mà gọi là “bồi dưỡng” hoặc “xử lý tình cảm” hoặc là “quà tình thương”. Chuyện đó đang tràn lan khắp nơi trong xã hội. Tôi biết, trước đây ở miền Nam cũng có ít nhiều tiếng xấu về tham nhũng và hối lộ nhưng không bao giờ xảy ra trong ngành giáo dục. Bây giờ thì chuyện “bồi dưỡng” đó chỗ nào cũng có. Bất cứ việc gì cũng phải có quà hay bao thư đựng tiền mới giải quyết nhanh chóng.
- Nhưng hiệu trưởng, hiệu phó mà đi ăn hối lộ nửa kí thịt à? Sao nghe thảm thương và bần tiện thế?
- Vậy thôi, giấy chuyển trường không quan trọng lắm thì chẳng phải tốn nhiều. Ký giấy quan trọng như kinh tế hay an ninh thì phải chi nhiều hơn.
- Nhưng mà…, nửa kí thịt cho người lãnh đạo một trường trung học, nghe có vẻ khôi hài và nhục mạ quá. Hiệu trưởng mà đi nhận hối lộ như thế sao?
- Anh mới về nên chưa hiểu chủ nghĩa xã hội hiện giờ ở Việt Nam đâu. Chỗ nào cũng phải hối lộ mới xong. Anh cứ thắc mắc mãi về cái giá trị của món hối lộ à? Nửa kí thịt đâu phải là ít đối với một viên chức nhà nước. Trừ cán bộ đảng viên ra, mọi người đang đói, thiếu chất đạm trầm trọng. Tôi không nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng bây giờ phẩm giá con người bị hạ quá thấp so với nhu cầu vật chất. Ngày trước trí thức được xã hội tôn trọng, được có đời sống vật chất xứng đáng nên ông thầy gìn giữ tư cách trí thức của mình. Bây giờ, trí thức chẳng còn có nghĩa lý gì nên người ta không cần phải giữ gìn phẩm giá của mình nữa. Nhưng thôi, chuyện đó còn dài lắm, rồi từ từ anh sẽ thấy. Bây giờ trở lại điều anh thắc mắc tại sao hai đứa con tôi phải bỏ học. Một khi có giấy chuyển trường rồi thì đến một thứ khác mà mình không thể nào lo nổi.
- Thứ gì vậy?
- Giấy chứng nhận có hộ khẩu thường trú tại thành phố! Gia đình chúng tôi trốn lên đây thì mất hộ khẩu và trở thành những công dân sống bất hợp pháp trên chính cái đất nước mà mình đã sinh ra và lớn lên. Không có hộ khẩu thì con cái phải bỏ học, bệnh nặng cũng không được vào nhà thương để được cứu sống.
- Hả? Anh nói sao? Đi nhà thương cũng phải có hộ khẩu à?
- Chớ sao. Không trình được hộ khẩu chứng nhận mình đang sống trong địa phương thì người gác cổng bệnh viện không cho vào. Tôi đã chứng kiến một bà già bệnh nặng ban đêm được con mang đến bệnh viện nhưng bị từ chối vì không có hộ khẩu tại chỗ. Thân nhân năn nỉ đến khuya vẫn không được nên bà già tắt thở ngay trên lề đường ở kế cổng bệnh viện!
- Tàn nhẫn đến thế à? Nhưng bây giờ, anh nói mọi thứ giấy tờ có thể lo bằng hối lộ. Thế thì tại sao không hối lộ để có cái hộ khẩu. Nửa kí thịt thì có tốn kém gì lắm đâu.
Cung ôm bụng cười đến suýt ngã xuống đất:
- Nửa kí thịt là đủ cho ông hiệu trưởng vì ông ấy quá nghèo. Còn đối với công an, đem đến bao nhiêu đó để hối lộ thì chết với họ ngay. Làm một cái hộ khẩu tốn kém nhiều lắm, chúng tôi không thể nào lo nổi.
Cung thở dài:
- Nhưng rồi, chúng tôi cũng phải tính phương cách để các cháu đi học lại. Đó là nguyện vọng vô cùng tha thiết của vợ chồng chúng tôi. Nếu không làm được điều đó thì sau nầy khi chấm dứt cuộc đời, chúng tôi khó có thể nhắm mắt xuôi tay được.
- Anh chị tính phương cách nào?
- Vượt biên! Ra ngoại quốc thì các cháu mới có cơ hội thành tài được. Ở đây, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa chỉ có mục đích uốn nắn trẻ con theo lý thuyết của họ. Tôi lo sợ rồi có lúc con mình quay lại mắng mình là bán nước, là ôm chân đế quốc Mỹ. Nghĩ đến điều nầy, đêm tôi không ngủ được. Cái tội lớn nhất của con người là tội chửi cha mắng mẹ. Mình thấy trước con mình có thể mang tội đó mà không tìm cách ngăn chận thì chính mình phải gánh cái tội tày trời đó.
Lời nói của Cung gây cho Tân một nỗi lo lắng làm cho lòng anh trĩu xuống một cách nặng nề.
Cung nói tiếp:
- Thôi chuyện đó sẽ từ từ tính sau. Bây giờ phải nổ lực lo cái sống trước đã. Có sống sót thì mới tính đến chuyện vượt biên. À nầy, anh đã tính đến chuyện sinh sống của gia đình anh thế nào chưa?
- Chưa. Tôi đã nạp đơn cho sở giáo dục để xin đi dạy lại.
- Anh còn thích dạy học à? Tôi biết bây giờ làm thầy giáo không phải là làm giáo dục đúng nghĩa, cũng không phải là nghề kiếm sống.
- Tôi cũng biết thế nhưng có đi dạy thì mới có được hộ khẩu ở thành phố để có thể sống hợp pháp với vợ con. Sĩ quan chế độ cũ chúng tôi sống bất hợp pháp thì khó có thể ở yên với công an.
- Vâng tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm với thân phận các anh. Họ còn thù các anh lắm nên các anh phải cố tránh những hoàn cảnh nào để họ có thể tiếp tục trả thù sau khi đã nhốt các anh trong nhiều năm trường. Nhưng mà đi dạy thì lương giáo viên tệ lắm không sống nổi đâu. Hay là anh đi sửa xe như tôi đi. Bây giờ, mọi người đều đi xe đạp, đồ phụ tùng do các nhà máy quốc doanh trong nước sản xuất thì xấu lắm, nên xe đạp hư quá nhiều, sửa không xuể. Làm nghề nầy sống được lắm.
- Khi sáng, thấy anh làm việc, tôi rất thích nhưng với tôi thì có hai trở ngại.
- Trở ngại gì, tôi có thể nghe được không?
- Thứ nhất là tôi không có sẵn dụng cụ. Muốn sắm cho đủ đồ nghề như anh không phải là dễ.
- Không sao, anh cứ đến làm chung với tôi. Tôi đã nói với anh, công việc tôi làm không hết phải từ chối bớt khách. Anh cứ dùng chung dụng cụ với tôi. Tiền công anh nhận được bao nhiêu thì giữ lấy tất cả để về phụ giúp kinh tế với vợ.
Tân lắng nghe, tỏ vẻ cảm động:
- Anh Cung, anh muốn tôi trở thành kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác sao?
Cung nghiêng mình tới trước vỗ nhẹ vào bàn tay Tân:
- Phe ta với nhau mà anh ăn nói như thế sao? Thời buổi nầy, kẻ chiến bại chúng mình không biết thương yêu giúp đỡ nhau thì đợi ai giúp đỡ nữa. Vả lại giúp anh như thế, tôi có bị thiệt hại gì đâu. Vậy là giải quyết xong cái trở ngại thứ nhất của anh rồi đó nhé. Còn trở ngại thứ hai?
- Tôi đã nạp đơn, không biết đến bao giờ người ta gọi tôi đi dạy.
- Anh cứ bắt đầu làm việc với tôi ngay đi. Khi anh đi dạy thì vẫn tiếp tục sửa xe vào những buổi nào không đến trường. Ngoài chỗ sửa xe có đèn đường, nếu muốn, có thể làm cả ban đêm vẫn có khách. Giờ dạy thì làm thầy, hết giờ dạy thì làm thợ. Đồng ý nhé!
Tân lưỡng lự:
- Ở đất Sài gòn nầy, tôi đã có rất nhiều học trò. Khi trở lại đi dạy thì số học trò càng tăng thêm. Thế nào cũng có đứa hư xe dẫn đến gặp ngay ông thầy thì chướng lắm.
Cung cười to:
- Trước ngày “giải phóng”, quả thực điều đó không chấp nhận được vì vị trí xã hội của ông thầy rất cao. Quân sư phụ mà. Thầy còn hơn cả cha nữa. Bây giờ thì đảo ngược rồi. Giai cấp vô sản mới đáng quí. Trí thức có giá trị gì đâu. Lãnh tụ vĩ đại của mình còn bảo rằng trí thức có khi không bằng một cục phân bón ruộng nữa kia mà. Ông thầy giáo đi sửa xe ngoài đường và nhận được của học sinh một đồng bạc tiền công là điều hết sức bình thường. Tôi biết chắc chắn có vài ông thầy, hết giờ dạy thì vội vàng đi thuê xích lô đạp đến khuya mới về nhà. Tôi có quen thân với một anh thầy giáo trước đây là giáo sư trung học đệ nhị cấp, oai phong lẫm liệt. Bây giờ, anh ta hiện đang đi dạy nhưng mỗi buổi chiều và ngày nghĩ đến quét dọn và săn sóc vườn tược trong ngôi biệt thự của một cán bộ cao cấp. Công việc và cách ăn mặc đúng là của một người tôi tớ trong gia đình. Thế mà đứa con gái của lão cán bộ đó lại là học sinh trong lớp mà ông thầy giáo tôi tớ làm chủ nhiệm. Một thí dụ khác là một cô giáo dạy tiểu học ở gần đây thôi, có hai đứa con còn nhỏ, chồng đã tử trận trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Mỗi bữa đi dạy cô giáo đó mang một túi kẹo vào lớp để giờ chơi bán cho học sinh của mình. Làm như thế, mỗi ngày cô cũng mua được thêm một củ khoai hay một cái bánh tráng nướng chiều đem về cho con. Hầu hết thầy cô giáo bây giờ đều phải làm thêm một nghề gì đó để có tiền mua thêm con cá, bó rau cho bữa ăn. Thông thường thầy cô phải làm những nghề trước đây dành riêng cho những người không có chữ nghĩa và, dĩ nhiên, toàn là những nghề lương thiện. Lúc nầy là lúc có thể xem như trí thức miền Nam đang lâm nạn, nhưng họ vẫn giữ được phẩm chất đạo đức của họ. Thực là đáng thương và đáng kính phục. Anh cũng thuộc vào hàng ngũ trí thức lâm nạn đó. Anh cứ ra làm việc với tôi, đừng ngại gì cả.
- Vâng, cám ơn anh, tôi xin nhận lãnh lòng tốt của anh.
- Thế thì ngay ngày mai, anh bắt đầu công việc đi. Mình sẽ cùng làm việc chung và khi rảnh rỗi, mình đốt điếu thuốc và ngồi hàn huyên với nhau, nhắc lại những ngày hạnh phúc trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đó không phải là những phút vui thích và an ủi trong quãng đời bất hạnh nầy của chúng mình hay sao?


*
* *