Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Chương 13: Vĩnh biệt



Một cuộc chiến tranh dài
Tập IV
Chương 13: Vĩnh biệt

Nhiều tháng trôi qua, một hôm, Tân nhận được giấy báo của sở giáo dục gọi đến nhận lệnh bổ nhiệm về dạy học. Tân đưa giấy báo cho Thùy Liên xem và hỏi:
- Anh có nên đi nhận lệnh bổ nhiệm không?
Thùy Liên trả lời một cách vui vẻ:
- Anh cứ nên đi nhận đi, có hại gì đâu.
- Nhưng mình có tính ở lại đất nước nầy lâu dài đâu mà nhận. Đây là chuyện giáo dục, mình có đi dạy thì nhận còn không tính đi dạy thì phải từ chối để nhà trường còn lo liêu công việc của họ nữa chứ.
Thùy Liên phì cười:
- Đến bây giờ mà anh còn lo lắng cho nền giáo dục của cộng sản nữa sao? Cái tính “quân tử Tàu” của anh thì với kẻ thù anh cũng không bỏ được. Anh cứ đi nhận giấy rồi đi trình diện ở nhiệm sở cho có đủ giấy tờ để em đăng ký hộ khẩu cho anh. Mọi việc khác sẽ tính sau.
- Nhưng mình có tính ở đây lâu dài đâu mà lo hộ khẩu.
- Chuyện đi của mình chưa biết đến lúc nào, có thể trong nhiều tháng hay một hai năm nữa. Trong thời gian đó, anh cần phải có hộ khẩu, nghĩa là sống hợp pháp thì dễ tính chuyện hơn.
Thế là Tân phải nghe lời vợ đến sở giáo dục. Người ta bổ anh về một trường trung học mãi ở tận Phú lâm. Anh về nhà và đưa giấy bổ nhiệm cho vợ xem. Thùy Liên ngạc nhiên:
- Tại sao người ta lại bổ anh vào tận Phú lâm. Trường cũ của anh không còn chỗ cho anh dạy sao? Em nghe các trường đều than thở thiếu thầy vì một số không nhỏ đã trốn khỏi Việt Nam, một số khác bỏ nghề, đi làm thuê làm mướn. Chắc chắn trường cũ của anh cũng thiếu giáo viên lắm mà.
Thùy Liên gục gặc đầu rồi nói tiếp:
- Thôi em hiểu rồi.
Tân hỏi:
- Em hiểu thế nào?
- Sĩ quan biệt phái các anh trước đây đều là những người có khả năng, có uy tín và cảm tình đối với đồng nghiệp, đối với học sinh và phụ huynh các em. Giam giữ các anh một thời gian rồi đưa về cái nơi đã có lắm cảm tình, e rằng bất lợi cho cách mạng.
Tân lắc đầu:
- Người ta cho mình đi dạy trở lại nghĩa là công nhận mình vẫn là người thầy, lại còn nghi ngờ, đề phòng như thế thì còn đi dạy làm gì nữa. Anh không đi trình diện nữa, tới đâu thì tới.
Giọng Thùy Liên hơi cáu gắt:
- Sao anh cứ lẩm cẩm như thế. Người ta có cần anh làm ông thầy đúng nghĩa ông thầy đâu. Anh cứ đạp xe vào Phú lâm trình diện đi rồi mang giấy chứng nhận là giáo viên của trường về đây cho em. Điều cần thiết là có cái giấy đó. Sau đó anh muốn đi dạy hay ở nhà tiếp tục sửa xe là tùy anh.
Tân nhăn mặt:
- Em ra lệnh cho anh đó à?
Thùy Liên mỉm cười. Nàng cố tránh sự bất hòa giữa hai vợ chồng, nên đáp với giọng pha trò:
- Đúng, em ra lệnh đó. Anh có tuân lệnh không?
- Nè, nhớ là anh đã từng mang lon trung úy rồi nhé. Em là cái gì mà dám ra lệnh cho trung úy?
- Em là…. là đại tá.
- Ái dà, đại tá gì? Đại tá Thùy Liên? Đại tá mà tên là Thùy Liên thì cũng hơi khó nghe. Thôi được em đã tự xưng là đại tá thì thằng trung úy nầy đành phải tuân lệnh thôi.
Thùy Liên ôm bụng cười ngất:
- Được rồi, trung úy thi hành lệnh đi để khỏi bị đại tá phạt.

Hôm sau, Tân ra điểm sửa xe báo cho anh Cung biết rồi đạp xe vào Phú lâm. Mãi đến trưa anh mới về nhà mang theo một chồng sách. Thấy cửa mở, anh biết chỉ có một mình Thùy Liên ở nhà vì hai con đi học từ sáng đến chiều. anh chạy vào bếp ôm chầm lấy vợ hôn lấy hôn để rồi buông ra. Tân hỏi:
- Em về nhà lâu chưa?
- Lâu rồi. Anh đi nhận công tác thế nào?
- Kết quả mỹ mãn. Đây, giấy chứng nhận đã trình diện nhà trường đây, đại tá hãy cầm lấy.
- Tốt, nhưng sao trung úy đi lâu vậy, giờ nầy mới về?
- Họ làm việc luộm thuộm lắm, có cái giấy chứng nhận mà làm gần ba giờ mới xong. Trong lúc chờ đợi anh nói chuyện được với nhiều người.
- Anh gặp ai ở đó?
- Đủ cả, ban giám hiệu, một vài thầy cô và anh Cảnh tổ trưởng tổ sử địa, bạn cùng lớp sư phạm với anh trước kia.
- Vui vẻ không?
- Vui thì có vui vì gặp lại bạn cũ nhưng anh rất khó chịu. Nếu không nghĩ đến ý muốn của em thì anh đã bỏ về rồi.
Thùy Liên ngạc nhiên và lo lắng:
- Chuyện gì vậy anh?
- Mới bước vào phòng gọi là “Phòng hội đồng Giáo dục”, anh gặp ngay một khẩu hiệu kẻ ngay trên vách bằng sơn đỏ: “Nhà trường là công cụ của chuyên chính vô sản”. Thiệt là kinh tởm.
Thùy Liên nắm tay chồng siết nhẹ:
- Đúng là kinh tởm. Em hiểu hoài bão của anh đối với nền giáo dục chân chính để đào tạo công dân tốt cho Tổ quốc. Nhưng bây giờ họ đã chiếm được miền Nam rồi, họ muốn nói gì mặc họ anh hơi nào để ý. Anh kể tiếp chuyện sáng nay cho em nghe đi.
Tân gật đầu:
- Bạn bè nghe anh về trường thì đều tỏ vẻ mừng rỡ. Anh tổ trưởng nói với anh: “Anh cứ về dạy với anh em đi, dù vị trí xã hội của trí thức mình không bằng xưa đâu. Nhớ đừng xưng mình là giáo sư nữa nhé. Bây giờ, ai dạy học cũng đều là giáo viên, bất kể dạy tiểu học, trung học hay đại học. Đó là mục hạ giá thứ nhất mà cách mạng dành cho anh em mình. Mục thứ hai là lương tiền tệ lắm, không bằng thu nhập hàng tháng của người ăn xin ngồi ở cổng chùa, cổng nhà thờ. Mục thứ ba là nhà trường bị thương nghiệp và các ngành khác khinh rẻ. Họ bảo rằng công nhân mới là quí vì sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội còn thầy giáo thì không”.
Thùy Liên tức giận cãi lại:
- Thầy cô giáo sản xuất ra con người.
Tân cười:
- Con người thì không thể quí bằng của cải vật chất được. Bây giờ đảng và nhà nước ta đề cao việc tạo ra của cải vật chất dữ lắm.
Thùy Liên mỉa mai:
- Đúng rồi, họ vẫn tự xưng một cách hãnh diện là đồ đệ của chủ nghĩa duy vật mà.
- Anh nhớ một lần trong trại cải tạo, anh em bàn vấn đề nầy thì có một anh đã giải thích rằng họ mạo nhận chủ nghĩa duy vật. Đúng ra, họ không theo chủ nghĩa duy vật đâu mà theo chủ nghĩa tôn sùng vật chất, coi của cải vật chất trên phẩm giá con người và trên mọi giá trị tinh thần khác. Với ý thức như vậy, người ta khinh thường giáo dục lắm nên nghề dạy học rất bị bạc đãi.
Thùy Liên gật đầu:
- Phải rồi, họ xem sự học rất rẻ. Chính em nghe một cán bộ cách mạng nói rằng, không ai học nhiều, nhưng những người cộng sản Việt Nam cũng đã thắng Mỹ và làm nên lịch sử. Những người trình độ như thế mà được lãnh đạo đất nước thì khinh khi tri thức và tôn sùng vật chất cũng phải. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng tai hại đến học sinh.
- Đúng. Sáng nay anh Cảnh có nói với anh, thanh niên nam nữ bây giờ không thích học sư phạm. Họ chọn những ngành làm ra của cải vật chất, nên đứa nào quá dốt mới vào học sư phạm. Các trường sư phạm là nơi thu lượm rác rưởi của xã hội. Thực là nhục nhã cho nhà giáo. Nền giáo dục ở đây không thể nào khá được.
- Thế sao thầy cô cũ vẫn cứ trở lại nghề của mình?
Tân nói một cách chua chát:
- Họ đi dạy nhằm một mục đích không liên quan gì đến giáo dục, thí dụ lấy được tiếng công nhân viên nhà nước để dễ sống trong xã hội mới, để được hộ khẩu trong thành phố như anh đây chẳng hạn. Vì vậy chẳng ai chú tâm đến hiệu quả giáo dục. Sách giáo khoa thế nào thì lặp lại y như thế là được, để dành sức lực và thì giờ mà kiếm sống. Hôm nào đi dạy, anh cũng sẽ như thế, nổ lực chính yếu là sửa xe để lấy tiền công chứ không phải là dạy cho giỏi.
Thùy Liên nhìn chồng một cách thương hại:
- Em biết anh buồn lắm. Ngày xưa anh yêu nghề dạy học biết bao. Thôi cứ rán cho được cái hộ khẩu rồi anh bỏ dạy ở nhà làm lặt vặt kiếm sống cho đỡ xót xa trong lòng. Anh hãy vì mẹ con em cố gắng chịu đựng ít lâu nữa đi.
- Vâng, vì em và hai con, anh có thể chịu đựng mọi điều phiền não do cái chủ nghĩa xã hội nầy đem đến cho mình. Anh đồng ý đi dạy ít lâu, buổi nào không dạy thì tiếp tục sửa xe với anh Cung.
Thùy Liên hỏi:
- Anh vẫn dạy lại môn cũ?
- Bây giờ người ta tách riêng biệt hai môn sử và địa. Anh tổ trưởng yêu cầu anh nhận môn sử vì các giáo sư sử địa trước đây bây giờ hầu hết chọn môn địa lý. Anh tổ trưởng bảo anh xuống thư viện mượn mấy cuốn sách giáo khoa và khuyên anh đọc thật kỹ để dạy học trò cho đúng với lập trường của cách mạng. Nếu nói không cẩn thận có thể bị kết tội tuyên truyền cho lập trường tư sản thì nguy. Anh tổ trưởng nói nhỏ cho anh biết trong lớp nào cũng có chi đoàn thanh niên cộng sản nên ăn nói phải dè dặt, nếu không tụi nhóc báo cáo lên chi bộ thì nguy. Nghe anh tổ trường nói, anh nản quá nhưng cũng cứ mượn các sách giáo khoa về đọc qua một lượt xem sao.
Suốt buổi chiều, Tân nằm trên giường, đọc từ trang nầy qua trang khác. Thỉnh thoảng, anh dừng lại, chắc lưỡi và lẩm bẩm: “Nói thế nầy mà nghe được à” hoặc “Đúng là bẻ cong sự thực rồi”. Anh cố tiếp tục đọc trong đêm. Thùy Liên thức giấc hai lần giữa khuya đều thấy chồng vẫn còn chong đèn ngoài phòng trước. Đến sáng, nàng giật mình thức dậy, thấy chồng nằm chèo queo ngủ say sưa ở sát mép giường. Thùy Liên nhẹ nhàng ngồi dậy thì Tân cũng cựa mình rồi mở mắt ra.
Thùy Liên hỏi:
- Đêm rồi, anh thức tới mấy giờ?
- Gần ba giờ sáng.
- Vậy thì bây giờ anh ngủ tiếp đi.
- Không, anh ra làm việc với anh Cung. Nghỉ mất ngày hôm qua rồi.
Thùy Liên hơi ngạc nhiên:
- Hôm nay anh không trở lại trường à?
- Người ta hẹn anh một tuần nữa đến lấy thời dụng biểu. Trong tuần lễ nầy anh sẽ suy nghĩ xem có nên đến đó dạy hay không. Bây giờ thì anh thấy rõ ràng sửa xe ngoài lề đường hạnh phúc hơn đi dạy nhiều. Có thể anh không trở lại trường nữa.
Thùy Liên lo lắng:
- Sao vậy? Mới hôm qua anh bảo rằng anh sẽ đi dạy lại và giờ rảnh mới sửa xe mà.
- Suốt buổi chiều và đêm rồi, anh đọc hết mấy cuốn sách giáo khoa môn lịch sử, có lẽ do Hà nội soạn thảo và mang vào. Đó không phải là một tài liệu dạy lịch sử mà là một tập bài học chính trị hay đúng hơn là một tập truyền đơn để tuyên truyền cho cách mạng, cho chủ nghĩa cộng sản. Học thuộc xấp truyền đơn đó thì được rồi nhưng lặp lại với những đứa trẻ gọi mình bằng thầy thì ngượng miệng lắm. Hèn chi anh tổ trưởng dặn anh phải đọc sách giáo khoa cho kỹ.
- Có lẽ vì thế mà các thầy cô tránh dạy môn lịch sử và giành dạy môn địa lý.
- Anh có nói chuyện đó với anh tổ trưởng. Anh cũng đoán rằng dạy môn sử đụng chạm đến chính trị nên xin dạy môn địa, thì anh ấy nói rằng dạy môn địa lý cũng không thoát được “yêu cầu tư tưởng” đâu. Anh tổ trưởng đã cho anh nhiều thí dụ.
- Yêu cầu tư tưởng là cái gì?
- Là lồng vào bài dạy những lời ca tụng đảng, ca tụng cách mạng và chủ nghĩa cộng sản, cùng những lời chửi rủa và vu khống các nước thuộc khối tự do. Muốn được như thế thì phải sẵn sàng bẻ cong sự thực.
- Với môn điạ lý thì làm như thế sao được?
- Được chứ. Về điạ lý thế giới, nước nào thuộc khối xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên xô thì khen ngợi đủ thứ, nào là kinh tế phát triển, nào là xã hội phồn vinh tiến bộ nhờ theo chủ thuyết Mác-Lênin, còn nước nào theo chủ nghĩa tư bản thì mô tả là tàn mạt vì bị tư bản bóc lột.
Thùy Liên hỏi:
- Về địa lý nhân văn và xã hội thì lồng chính trị vào như thế cũng ổn nhưng về địa lý thiên nhiên thì sao?
- Thì bẻ cong sự thực. Nước nào theo chủ nghĩa xã hội thì đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hoà, thiên nhiên ưu đãi, theo tư bản chủ nghĩa thì khí hậu khắc nghiệt .
Thùy Liên cười:
- Vì bị thiên nhiên trừng phạt do không chịu theo đảng?
Tân cười theo:
- Có lẽ vậy. Anh tổ trưởng cũng kể rằng chủ nhật vừa rồi có buổi họp tổ chuyên môn. Cán bộ giáo dục công bố quyết định sửa sách giáo khoa lại thế nầy. Trước đây ta dạy cho học sinh rằng đồng bằng Hoa nam bên Trung quốc là phì nhiêu, vì lúc đó Trung quốc giúp chúng ta rất nhiều để chiến thắng đế quốc Mỹ. Nay Trung quốc là kẻ thù trực tiếp của ta nên phải sửa lại, đồng bằng Hoa nam là đồng bằng cằn cỗi.
- Chuyện kinh khủng vậy mà có thực sao?
- Anh nghe tổ trưởng nói như thế chứ đâu có biết đó là chuyện có thực hay không. Theo anh thì chuyện đó có thể đúng, xét về tính chất và trình độ của cán bộ ngành giáo dục hiện nay. Hơn nữa, chuyện như thế, anh tổ trưởng không dám đặt điều nói xấu đâu.
Thùy Liên thắc mắc:
- Địa lý thế giới thì muốn nói gì cũng được vì học sinh chẳng biết, còn địa lý Việt Nam thì làm sao lồng mục tiêu tuyên truyền vào?
- Vẫn được như thường. Đồng bằng miền Bắc, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng nên trở thành phì nhiêu với sản lượng năm, bảy tấn lúa một héc ta, còn đồng bằng miền Nam, do sự bóc lột của địa chủ phong kiến kết hợp với thực dân đế quốc nên đất đai phần lớn bị bỏ hoang, lâu ngày hóa ra cằn cỗi, may lắm chỉ được vài trăm ký lúa một héc ta. Anh tổ trưởng cũng kể trong một buổi dạy có nhiều giáo viên tham dự, thầy đứng lớp ở miền Bắc vào dạy học sinh rằng Nam bộ được thừa hưởng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu để sản xuất ra lúa gạo nuôi sống đồng bào và bộ đội để đánh Mỹ xâm lược, Trung bộ thì có nhiều rừng sinh ra để che chở cho bộ đội và ngăn bước tiến của quân thù. Đó là tiết dạy mẫu và được đánh giá rất cao về mặt tư tưởng. Tóm lại, ở nền giáo dục nầy, với môn địa lý, thầy cô phải chứng minh rằng đất nước nầy, hành tinh nầy và cả vũ trụ nầy được sinh ra với mục đích là phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản. Với môn lịch sử thì giáo viên phải làm sao cho học sinh nhận ra rằng, từ khi xuất hiện loài người đến nay, mỗi bước đi của con người đều hướng về tương lai có đảng vinh quang xuất hiện và hình thành thế giới đại đồng như là điều tất yếu, không sai chạy được.
- Thực là phi lý.
- Đó chỉ là một trong muôn ngàn điều phi lý của đường lối và lý luận cộng sản. Tuy nhiên rồi đây, xã hội sẽ chấp nhận mọi sự phi lý đó.
Thùy Liên hỏi:
- Anh có chắc chắn xã hội sẽ chấp nhận không?
- Chắc chắn, nếu chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại trên đất nước mình. Chúng ta thuộc thế hệ cuối cùng nhận ra sự phi lý đó. Nhưng rồi đến con và cháu chúng ta thì chúng không nhận ra được nữa vì chúng chỉ nghe được lý luận một chiều mà thôi. Vì vậy, ở đâu cũng vậy, người cộng sản không ưa thế hệ đã trưởng thành. Họ luôn luôn cổ động thế hệ trẻ thoát khỏi ảnh hưởng thế hệ trước. Ở Cam bốt thì cộng sản thẳng tay tiêu diệt vì họ cho đó là kẻ thù. Cộng sản Việt Nam, do hoàn cảnh riêng buộc phải ôn hòa hơn. Họ không giết chúng ta, nhưng sẽ bịt miệng chúng ta lại. Họ chuẩn bị đủ thứ mũ để chụp ngay cho người nào dám công khai nói lên sự thực. Với cách đó, khi thế hệ mình qua đời rồi thì chân lý hoàn toàn biến mất, chỉ còn chủ nghĩa marxisme mà thôi.
Tân dừng một chút rồi nói với giọng cương quyết:
- Thùy Liên, bây giờ thì anh dứt khoát phải đưa con mình ra ngoại quốc. Anh không thể để cho con mình được đào tạo trong một ngôi trường mà người ta gọi là “công cụ của chuyên chính vô sản” được. Chuyên chính có nghĩa là độc tài. Họ đã công khai tội lỗi của họ rồi đó. Chúng mình phải quyết định ngay đi, không nên trì hoãn nữa. Hôm nay, anh sẽ đốc thúc anh Cung và anh Kính về việc nầy.

Sau khi ăn sáng xong, Tân chở hai con đến trường rồi ra chỗ sửa xe. Như mọi ngày, đến trưa mới hết khách đưa xe hư đến, hai người bạn được rảnh rỗi để nói chuyện với nhau.
Cung nói:
- Thế giới đang rúng động về chuyện vượt biên của đồng bào mình. Đài ngoại quốc bảo rằng quả tim nhân loại đang rớm máu vì cảnh người Việt Nam hàng hàng lớp lớp xông vào chốn hiểm nguy để đi tìm tự do. Trên hành tinh nầy, chưa có một dân tộc nào khao khát tự do bằng dân tộc Việt Nam. Trên khắp thế giới, nhiều nhất là ở Mỹ, rộ lên phong trào tình nguyện cưu mang những người Việt Nam thoát được hiểm nguy ngoài biển cả. Phong trào nầy gồm những hội từ thiện và cả những gia đình dân chúng nữa. Một người bạn của tôi kể rằng gia đình chị ruột anh ấy và một gia đình khác nữa được một gia đình bên Mỹ nhận nuôi trong một thời gian. Người chủ gia đình có lòng tốt nầy, trước đây là một người phản chiến tích cực trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Ông ấy đã tham gia nhiều cuộc biểu tình phản chiến, chính mình đốt thẻ trưng binh và xúi người khác làm theo để chống lại việc chính phủ Mỹ đưa quân vào tham chiến ở miền Nam. Bây giờ thấy người Việt Nam sợ cộng sản mà liều chết bỏ nước ra đi, một số không nhỏ đã bỏ mạng vì đạn của lính biên phòng cộng sản và vì đủ thứ tai nạn trên biển cả, ông người Mỹ đó rất hối hận vì đã tham gia phong trào phản chiến chống lại sự giúp đỡ của Mỹ để cứu miền Nam , dẫn đến thảm cảnh ngày nay. Ông bảo rằng lúc đó ông không am tường nhiều lắm về chính trị nhưng chạy theo một cô đào điện ảnh nổi tiếng của Holywood. Bây giờ, ông ta nguyền rủa cô đào ấy không tiếc lời và bảo rằng nếu Mỹ đưa quân trở lại để giải phóng miền Nam thì ông là người đầu tiên ghi tên vào đoàn quân tình nguyện.
Tân thở dài:
- Làm sao có chuyện đó được.
Cung gật đầu:
- Ông ấy tuyên bố như thế là vì quá hối hận và chắc cũng hiểu rằng số phận đã an bài, bánh xe lịch sử đã lướt đi quá xa rồi, Việt Nam Cộng hòa đã bị khai tử mấy năm rồi thì làm sao còn sống dậy được nữa. Cũng vì quá hối hận, ông ta chịu cưu mang một số người vượt biên, vừa tốn kém vừa gánh chịu không ít điều phiền phức. Có lẽ, anh cũng biết rằng, người Mỹ có thói quen bảo vệ gắt gao cuộc sống riêng tư của mỗi gia đình. Cưu mang trong nhà một số người lạ, khác ngôn ngữ, khác phong tục tập quán quả là một sự hi sinh không phải nhỏ, lòng hối hận của ông ấy lớn lắm mới chịu đựng như thế.
- Tôi nghe nói, cả thế giới đều lên tiếng nguyền rủa phải không?
- Phải rồi, nhân loại khóc than và nguyền rủa. Nhiều người công khai bảo rằng mới ít lâu trước đây, họ gọi những người cộng sản Việt Nam là anh hùng thì bây giờ họ gọi ngược lại. Đó cũng là lời tuyên bố của một bà nguyên thủ quốc gia rất nổi danh của châu Âu. Không phải nguyền rủa suông đâu. Nhiều nước đã đưa tàu đến gần hải phận Việt Nam để chờ vớt những thuyền nhân. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng làm công việc đó. Quả tim của toàn thể nhân loại đang rớm máu vì Việt Nam mà. Gần đây nhiều nước trên thế giới yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tìm cách ngăn chận làn sóng vượt biên đó vì nhân loại không thể chứng kiến thêm nữa những cảnh thương đau và vì những nước lân cận Việt Nam như Hồng kông, Mã lai, Phi luật tân, Nam dương không kham nổi chi phí cưu mang những người tị nạn.
Tân lo lắng:
- Thôi chết, họ không chịu vớt chúng ta nữa à?
- Tiếp tục cứu vớt nhưng thế giới yêu cầu chính phủ Việt Nam phải có biện pháp giải quyết. Thứ nhất là chấm dứt chế độ hà khắc với dân chúng, nới lỏng chính sách để chúng ta có được một ít quyền tự do cơ bản. Thứ hai là tức khắc dẹp bỏ những tổ chức của các nhân viên nhà nước đưa người đi vượt biên bán chính thức để hưởng lợi.
Tân ngạc nhiên:
- Ở ngoại quốc, người ta cũng biết chuyện đó à?
- Sao lại không biết. Cộng sản chiếm được miền Nam quá nhanh cho nên họ không kịp lập nên một bức màn sắt ngăn cách với bên ngoài như họ đã làm được bao nhiêu năm nay ở miền Bắc. Vả lại, miền Nam nầy đã từng là một xã hội văn minh, có nhiều phương tiện liên lạc từ xa mà nhà nước chưa thể tịch thu hết được, vì vậy những gì xảy ra trong nước thì khó che dấu được. Thế giới đang tỏ lòng thương xót chúng ta nhưng, khổ thay điều đó bay giờ gây trở ngại cho chúng ta.
- Trở ngại thế nào?
- Thế giới đồng lòng phản đối dữ quá nên chính phủ Việt Nam phải hứa ngăn chận làn sóng người đi tìm tự do. Các tỉnh tạm ngưng hoạt động đưa người vượt biên bán chính thức. Tôi e rằng họ có thể ngưng luôn vì sợ chính phủ Việt Nam mất mặt với thế giới
- Và vì họ đã quá no đủ rồi.
Cung gật đầu:
- Đúng vậy, tôi biết có nhiều vị lãnh đạo giàu không thể tưởng được, nhờ tiền của các người ra đi mà một số không ít bỏ mạng trên biển. Họ giàu nhưng chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt trong nhiều kiếp tiếp theo sau nầy.
- Theo anh thì sau khi các tổ chức bán chính thức ngưng hoạt động, các tổ chức bất hợp pháp có còn hoạt động không?
- Còn hoạt động mạnh hơn nữa, vì số người muốn vượt biên đâu có giảm. Họ dồn vào các tổ chức bất hợp pháp. Bây giờ, muốn đi thì chỉ còn con đường đó thôi. Anh còn ý định ra đi không?
Tân trả lời ngay một cách hăng hái:
- Còn chứ, tôi muốn anh xúc tiến càng sớm càng tốt.
- Anh chị có thể chi được bao nhiêu?
- Kể luôn cả nữ trang và bán luôn xe thì chúng tôi có được sáu cây vàng.
Cung gật đầu:
- Vợ chồng chúng tôi cũng có khoảng chừng đó thôi. Không đi được hết cả gia đình một lúc thì chúng ta đi làm hai lần.






Ba hôm sau, buổi tối, khi đường phố bắt đầu vắng, vài nhà vừa tắt đèn đi ngủ, Thùy Dung và Hòa Bình đã vào giường, Tân gài chốt cửa và quay vào buồng thì nghe tiếng gõ cửa lóc cóc. anh vội trở lui mở cửa ra, ngạc nhiên trông thấy cả hai anh em Cung và Kính. Hai người lách vào ngay. Kính nói vội vàng:
- Anh khép cửa lại đi, chuyện rất quan trọng.
Tân khóa cửa, mời hai bạn vào. Thùy Liên trong buồng nghe tiếng vội đi ra.
Cung nói:
- Chào chị Liên. Chúng tôi đến báo tin cho anh chị biết có một chuyến đi sẽ khởi hành vào tối mai tại một địa điểm trên bờ sông Sài gòn, thuộc tỉnh Sông Bé. Người lớn ba cây, trẻ em hai cây. Chúng tôi đã giữ chỗ cho ba người lớn và ba trẻ em. Ba anh em mình cùng đi, mỗi người mang theo một đứa con.
Tân nghe nói, hồi hộp đến xanh mặt. Từ lâu nay, anh đã quyết ra đi nhưng không ngờ chuyện đi lại xảy đến đột ngột như thế nầy. Tân nhìn sang vợ và ngạc nhiên thấy nét mặt Thùy Liên rất bình tĩnh. Nàng hỏi:
- Bến nằm tại đâu? Từ đây đến đó đi bằng cách nào?
- Bến thì chỉ biết ở tỉnh Sông Bé thôi, nơi chính xác thì còn giữ bí mật. Cứ nằm nhà chờ đợi. Trong khoảng từ trưa đến chiều có xe đón đến điểm tập kết. Thôi, anh chị nghỉ đi, chúng tôi về. Nhớ nội trong sáng mai chuẩn bị kỹ lưỡng và tuyệt đối kín đáo nhé. Từ trưa trở đi, phải sẵn sàng túc trực tại nhà. Xin chào.
Hai anh ra khỏi nhà. Tân khép cửa lại và gài chốt. Anh vừa quay lại thì Thùy Liên nhào tới ôm chặt lấy chồng. Nàng im lặng gục mặt vào vai Tân một lúc rồi ngẩng lên. Tân tưởng mặt nàng đầy nước mắt; nhưng không, đôi mắt Thùy Liên vẫn ráo hoảnh. Nàng bảo chồng:
- Anh Tân, cái điều chúng ta chờ đợi từ bao lâu nay, ngày mai đến rồi. Anh và Thùy Dung đi trước, còn em và Hòa Bình ở lại. Chúng mình xa nhau vài năm rồi sẽ sum họp lại ở một vùng đất tự do.
Tân im lặng ngồi xuống ghế, nghe lòng bấn loạn. Thùy Liên vào trong buồng. Tân nghe tiếng gọi của vợ:
- Dung, Dung, dậy mẹ nói chuyện nầy. Dậy đi, chút thôi rồi ngủ lại.
Tân nói vọng vào:
- Con vừa mới ngủ, em kêu nó dậy làm gì?
Thùy Liên trả lời:
- Đêm nay là đêm cuối cùng của hai mẹ con trong nhà nầy. Em muốn nói cho nó biết và ngồi chơi với con một chút.
Giọng Thùy Liên bỗng tắt trong nghẹn ngào. Một lúc sau, nàng lại gọi:
- Dung, Dung, con dậy ngồi chơi với mẹ một chút đi. Ngày mai con đi xa lắm rồi.
Tân nghe giọng ngái ngủ của con gái mình:
- Đi đâu hả mẹ?
- Đi xa lắm.
- Đi với ba mẹ và em Bình phải không?
- Không, mẹ và em ở nhà.
Giọng con bé tỉnh ngủ hẳn ra.
- Sao mẹ không đi với con? Con không chịu đâu.
Có tiếng khóc thút thít của Thùy Liên rồi giọng trẻ con tiếp tục:
- Sao mẹ khóc? Sao mẹ không đi với con? Sao em Bình không đi với con hả mẹ?
- Không, mẹ và em Bình chưa đi được, con và ba đi trước rồi mẹ và em Bình sẽ đi sau.
- Con đi mấy bữa thì về?
- Con đi luôn không về đây nữa.
- Nhưng mà ngày mai, cô con nói con nghỉ tiết học cuối cùng để đi tập văn nghệ để mừng ngày giải phóng. Con đơn ca bài ‘Ai yêu bác Hồ chí Minh hơn chúng em nhi đồng’. Cô khen con hát hay.
Thùy Liên tiếp tục khóc thút thít:
- Thôi, con đi đến chỗ mới rồi hát sau cũng được.
- Con không còn bao giờ gặp bạn con nữa phải không mẹ?
- Ừ, rồi con sẽ có bạn mới. Con đi với ba phải cho ngoan nghe chưa?
- Dạ.
- Sáng mai, con ở nhà với mẹ, không được qua nhà hàng xóm. Có ai tới chơi không được nói gì cả, nghe chưa?
- Dạ.
Con bé không nói nữa. Có lẽ nó ngủ tiếp rồi. Trong sự im lặng tĩnh mịch của gian nhà, Tân nghe rõ tiếng khóc thút thít của vợ rồi nhiều tiếng hôn chùn chụt. Tân gục đầu xuống, hai tay ôm mặt.
Anh ngẩng dậy khi nghe tiếng dép nhè nhẹ trong buồng bước ra. Thùy Liên đến ngồi tựa bên chồng.
Tân nói:
- Con còn nhỏ quá, em nói cho nó biết trước làm gì?
- Nó còn nhỏ nhưng cũng đã nhận diện ra đây là quê hương của nó rồi. Em muốn từ giờ phút nầy, nó hiểu rằng nó vâng lời cha mẹ từ bỏ quê hương nầy.
Tân có vẻ áy náy:
- Nó chưa biết hết cái khổ trong chế độ xã hội chủ nghĩa đến độ phải từ bỏ quê hương. Buộc chúng nó đi thế nầy, anh thấy áy náy trong lòng.
Giọng Thùy Liên cương quyết:
- Mọi việc đã quyết định xong, anh không nên phân vân nữa. Con còn nhỏ chưa hiểu hết thì mình phải hiểu cho nó.
Nàng im lặng vài giây rồi nói tiếp với giọng rầu rĩ:
- Ở tuổi của nó, nhiều đứa đã ý thức được thế nào là nỗi khổ rồi nhưng từ lâu em cố gắng bảo bọc để nó sống trong sự bình yên của trẻ thơ mặc dầu đời sống vật chất có thiếu thốn. Trong trường nó cũng được các thầy cô thương yêu chiều chuộng nên nó còn giữ được trọn vẹn tính hồn nhiên của tuổi thơ. Nó đi rồi, em sẽ nhớ nó vô cùng.
Thùy Liên gục mặt vào vai chồng, khóc nức nở.

Suốt đêm, hai vợ chồng chỉ chợp mắt ngủ được độ một giờ đồng hồ nên sáng ra, cả hai đều mệt mỏi, mặt mày hốc hác. Sau khi ăn điểm tâm xong, Thùy Liên đi mua sắm lương khô đủ cho hai cha con dùng trong năm ngày, cùng một ít thuốc chống ói mửa vì say sóng. Thứ thuốc nầy rất đắt tiền và khó mua vì hiện tại có quá nhiều thuyền nhân. Tuy nhiên, dân buôn bán như Thùy Liên thì có thể tìm mua được.
Nàng về nhà, thấy ba cha con đang quấn quít bên nhau. Tân ngồi bệt giữa nhà, Thùy Dung ngồi kế bên thủ thỉ nói chuyện với em. Thấy mẹ về, con bé vùng đứng lên chạy ra cửa đón mẹ. Thùy Liên đặt lên bàn mấy món cầm trên tay rồi cúi xuống ôm chặt con gái, áp mặt mình vào tóc nó. Vài phút sau, Thùy Dung rời mẹ ra, nói với giọng trong trẻo thực dễ thương:
- Mẹ, con cho em Bình hộp đựng viết của con. Em Bình cho con Kôbitô để con mang theo.
Thùy Liên đứng nhìn hai con, nuốt mạnh nước bọt để cố ngăn dòng nước mắt. Đó là hai món tặng phẩm mà nàng đã mua cho hai con nhân dịp sinh nhật của mỗi đứa vừa rồi. Bây giờ, ở Sài gòn, mọi thứ đều quí và hiếm chứ không phải như trước ngày “giải phóng”. Hiếm hơn mọi thứ khác, chính là đồ chơi trẻ em. Thùy Liên đã bỏ ra khá nhiều công mới tìm mua được hai món trên với cái giá phải trả là gần nửa tháng lương của một công nhân trung bình. Hai đứa bé quí hai món quà sinh nhật đó lắm. Thùy Dung được hộp đựng viết bằng gỗ thông màu vàng óng ả và láng bóng, hàng cao cấp trước đây làm ra để xuất cảng. Một tháng sau, Hòa Bình được con chó đốm bằng vải nhồi bông, to gần bằng chó thực, hai chị em đặt tên cho nó là Kôbitô. Mỗi đứa cất kỹ món quà của mình một nơi và thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía rồi lại cất đi. Bây giờ chúng đưa ra, trao đổi cho nhau. Hai đứa đã ý thức được tầm quan trọng của cuộc chia tay sắp đến.
Những giây phút sum họp của hai chị em và của cả gia đình bé nhỏ cứ ngắn dần, ngắn dần, cho đến hai giờ chiều thì chấm dứt.
Anh Cung đến, ló đầu vào nhà và nói nho nhỏ:
- Xong chưa anh Tân? Ra xe đi.
Tân đang ngồi kế bên con trai, đứng bật dậy, mặt hơi tái đi. Thùy Liên ôm chặt lấy con gái, hôn mạnh lên đôi má của nó. Nàng quay ra cửa:
- Xong cả rồi. Nhưng anh vào nhà uống miếng nước rồi đi.
- Không được chị ạ, phải đi ngay. Xe đưa mình đến đó rồi còn quay lui đón nhiều nơi khác cho kịp tám giờ tối nay thì khởi hành. Nghe nói từ nơi xe đỗ đến điểm tập kết, đi bộ cũng mất hơn một giờ.
Anh quay lại hai đứa bé đang ôm chặt lấy nhau:
- Coi hai chị em chia tay kìa. Đến quỷ sa tăng trông thấy cũng phải cảm động. Thôi được rồi, bây giờ phải lên đường, ít lâu nữa sẽ gặp lại.
Tân nắm chặt lấy tay vợ, nghẹn ngào:
- Em, anh đi đây. Anh sẽ cố gắng làm việc để gởi vàng về trong thời hạn sớm nhất cho mẹ con qua. Liên, anh và Thùy Dung đi đây.
- Dạ, hai cha con đi bình an.
Nàng cúi xuống ôm chặt Thùy Dung lần cuối cùng rồi đứng im ở bệ cửa, một tay nắm bàn tay nhỏ xíu của Hòa Bình, một tay bấu chặt vào khung gỗ. Nàng nhìn trân trân hai bóng người cực kỳ thân yêu, xa dần, xa dần và khuất sau khúc quanh của con hẻm.
Nàng đưa Hòa Bình vào nhà, ngồi thụp xuống úp mặt vào ngực con trai, hai dòng nước mắt tuôn ra ướt cả áo của con.
Ngôi nhà bỗng trở nên vắng lặng một cách lạ thường. Hòa Bình rời khỏi tay mẹ, chạy ra cửa, nhìn về hướng cha và chị nó vừa khuất bóng. Nó quay vào, mặt buồn rười rượi. Nó đến góc nhà, lôi thùng đồ chơi ra. Thùng chứa lỉnh kỉnh những món chẳng có giá trị gì nhưng đó là những món đồ mà nó và chị nó lấy ra chơi hàng ngày với nhau.
Buổi chiều chầm chậm đi qua. Ăn cơm xong, mới sáu giờ, Thùy Liên thấy bồn chồn, không thể nào chịu nổi. Nàng thay áo quần cho hai mẹ con, khóa cửa lại rồi dẫn Hòa Bình ra khỏi nhà. Hai mẹ con đi dọc theo đường Vườn chuối. Nàng dừng lại, nhìn sang bên kia đường căn nhà của gia đình Bạch Mai trước kia, bây giờ đã cấp cho một cán bộ từ miền Bắc vào. Nàng bỗng thấy đau nhói trong lòng khi nhớ đến những ngày vui trước khi miền Nam sụp đổ, nhớ những bửa cơm thân mật trong các chiều thứ bảy mà Bạch Mai đãi vợ chồng con cái nàng.
Ôi! Còn đâu nữa những ngày vui xưa! Bác Tư, anh Thế, chị Mai, hai cháu nhỏ bây giờ ở phương trời nào? Họ còn nhớ ngôi nhà thân yêu nầy hay không? Họ còn nhớ những ngày vui trên quê hương đầy khói lửa nầy hay không?
Nàng dẫn con ra đường Phan đình Phùng, đi dọc theo con đường nầy rồi theo đường Lê văn Duyệt về Phan thanh Giản và cuối cùng trở lại đường Vườn chuối. Nàng dừng lại lắng nghe chiếc đồng hồ của căn nhà kế bên đường ngân nga một điệu nhạc rồi thong thả đổ tám tiếng. Nàng lẩm bẩm:
- Tàu khởi hành rồi đó. Anh Tân của em, Thùy Dung của mẹ, hai cha con đi bình yên nhé.
Nàng đưa tay áo lên chặm vào hai mắt và dẫn con trai tiếp tục đi. Nàng ghé vào một cửa tiệm nho nhỏ, mua một chiếc bánh ngọt mà con nàng rất ưa thích. Hòa Bình cầm chiếc bánh, ngẩng lên nhìn mẹ:
- Mẹ, con muốn cho chị Dung nửa cái bánh nầy.
Thùy Liên vội kéo con ra khỏi tiệm, cố ngăn nước mắt, cúi xuống nói nhỏ:
- Con ăn hết đi. Chị Dung đi xa rồi, không trở về đây nữa đâu.
Về đến nhà, Thùy Liên mở cửa và bật đèn sáng lên. Nàng đứng sững nhìn chiếc bàn làm việc của chồng. Nơi góc nhà, một đôi dép cũ của con gái nằm chồng lên nhau. Nàng bước đến, cúi xuống lượm đôi dép, lấy giấy gói lại, đưa lên áp vào ngực mình một lúc rồi cho vào hộc bàn của chồng. Tim nàng như vỡ toang trong lồng ngực khi nghĩ rằng kể từ nay, mãi mãi trong không gian đầm ấm của ngôi nhà nầy, không còn hình bóng của chồng và con gái thân yêu nữa.
Sau khi rửa ráy xong, hai mẹ con vào giường. Vì đêm hôm trước thức gần trắng đêm với chồng, nên đêm nay đặt lưng xuống nệm không bao lâu, Thùy Liên đã ngủ say. Thực may mắn cho nàng, giấc ngủ khá bình yên, không có những cơn ác mộng.
Khi nàng thức giấc, đồng hồ hàng xóm điểm năm tiếng. Nàng vùng dậy, vén mùng đặt chân xuống đất rồi ngồi thừ ra. Nàng lẩm bẩm:
- Tàu khởi hành được chín tiếng đồng hồ rồi, có lẽ đã ra khỏi cửa sông lâu rồi, giờ nầy đang lênh đênh trên trên biển cả.
Nàng lắng tai nghe một chốc rồi tiếp tục lẩm bẩm:
- Không có tiếng gió thổi, có lẽ biển đang yên. Chừng nào thì tàu ra đến hải phận quốc tế nhỉ?
Xuyên qua cửa sổ, Thùy Liên thấy trời còn tối om. Nàng sờ soạn đi ra nhà trước, quì xuống giữa nhà, chắp hai tay lên ngực khấn nho nhỏ:
- Con lạy Trời, lạy Phật từ bi ban phước cho hai cha con. Con nguyện từ nay trở về sau chú tâm làm điều thiện để đền ơn Trời Phật.
Thùy Liên đứng dậy. Lời khấn nguyện vừa xong làm nàng cảm thấy hơi nhẹ nhàng và có chút thơ thới trong lòng. Kể từ hôm nay, nàng đơn độc kiếm sống trong cái xã hội mỗi ngày một bần cùng thêm. Nàng nhẩm tính, phải mất nhiều tháng hay một hai năm, chồng nàng mới đến được nước cho phép định cư và phải làm việc trong vài năm mới có tiền mua vàng gởi về. Vì vậy, nàng phải cố gắng hết mình để nuôi đứa con trai, chờ ngày lên đường đoàn tụ với chồng và con gái trong thế giới tự do. Sáng nay, nàng có hẹn đến thu mua hàng nhu yếu phẩm của hai gia đình cán bộ ở gần chợ An đông.
- Mẹ ơi.
Nghe tiếng gọi của con trai, nàng bật đèn lên rồi nhanh chóng trở vào buồng. Hòa Bình đã thức dậy, nồi thu lu trên giường. Nàng mở mùng và dẫn con xuống bếp, rửa mặt súc miệng.
Nàng nhúm lửa bắt ấm nước lên. Nàng không biết mình nấu nước để làm gì. Đó chỉ là thói quen hàng ngày. Tuy đời sống rất khó khăn nhưng, kể từ khi Tân được ra khỏi trại giam, lúc nào nàng cũng cố tìm mua cà phê về để mỗi buổi sáng pha một ly cho chồng nhâm nhi với điếu thuốc. Bây giờ, Tân không còn ở đây nữa, nhìn hũ thủy tinh đựng cà phê bột còn lưng phân nửa, nàng suýt bật khóc.
Trời sáng dần. Nàng thay áo quần, dẫn con ra khỏi nhà, khóa cửa lại, đặt thằng bé lên yên sau của xe và thong thả đạp ra đường nhựa. Hai mẹ con vào một quán ăn ở cuối phố. Hòa Bình tỏ ra thích thú. Lâu lắm rồi mẹ mới cho Bình vào quán ăn sáng như hôm nay. Tiếc rằng hôm nay không có chị Dung nên Bình không vui.
Ăn uống xong, hai mẹ con lên xe thẳng về hướng Chợ lớn. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay, Thùy Liên đi mua hàng lại chở con đi theo. Nàng dự tính cho con nghỉ học hai ba hôm để nàng mang con đi theo không rời nó nửa bước. Ở quê hương xứ sở nầy, bây giờ, nàng chỉ còn nó là người thân yêu duy nhất mà thôi.
Tuy nhiên, buổi chiều hôm đó, khi thức dậy sau giấc ngủ trưa, Hòa Bình lẩn quẩn với mẹ được một lúc thì cảm thấy buồn. Chị Dung không còn ở nhà chơi với nó, mẹ thì cứ ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng nói lảm nhảm một mình. Nó đi ra trước hiên nhà. Thằng Thiện bằng tuổi nó đang đứng ở thềm nhà bên kia đường. Hai đứa nhìn nhau cười. Thiện đưa tay ngoắt, nó quay vào nhà nói to:
- Mẹ, cho con đi chơi với thằng Thiện, nghe mẹ.
Thùy Liên đứng dậy nhìn sang phía bên kia rồi nói với con:
- Ừ, để mẹ dẫn sang, con đi một mình sợ xe đụng phải.
Nàng dẫn con qua đường đưa vào nhà hàng xóm rồi trở về. Nàng thấy khó chịu vì cái không khí thực trống vắng của gian nhà. Nàng xuống bếp sờ soạn một vài vật rồi lại bước lên mở gói hàng mới mua được sáng nay, sắp xếp lại các món để chiều nay có người đến thì giao.
Trong nhà chợt hơi tối đi, Thùy Liên vội quay lại nhìn ra phía trước. Một người vừa bước vào đứng im giữa khung cửa, nói nho nhỏ:
- Chị Tân!
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Chị Cung, đi đâu vậy? Mời chị vào.
Vợ của anh Cung bước vào với vẻ mặt thảng thốt. Thùy Liên hoảng hốt đứng bật dậy:
- Chị Cung, chuyện gì vậy?
- Nguy lắm, hỏng cả rồi. Tàu đã bị chận bắt vào nửa đêm.
Thùy Liên thấy tối tăm mặt mày:
- Thế nào? Bị bắt cả rồi à? Chị ngồi đây, chị Cung, chị ngồi đây, kể rõ cho em nghe.
Chị Cung ngồi xuống ghế nói trong hơi thở hổn hển:
- Tàu vượt biên qua khỏi sông Nhà bè được một đoạn thì bị lính phục kích trong bờ gọi lại. Tàu vượt biên xả hết tốc lực bỏ chạy, không ngờ công an có tàu tuần cao tốc rượt theo, bắn nhiều phát súng. Tàu vượt biên vẫn tiếp tục bỏ chạy. Tàu tuần xã súng máy bắn mấy loạt làm cho nhiều người trúng đạn, tàu cũng bị thủng. Biết là không thể nào chạy tiếp nên tài công cho tàu đâm thẳng vào bờ. Anh Cung nói rằng nếu không lủi nhanh vào thì tàu sẽ chìm vì chúng nó bắn đạn đại liên loại lớn. Trên tàu hết sức hỗn loạn. Nhiều người đàn ông nhảy xuống nước, phóng lên bờ để trốn, trong số đó có chồng tôi và chú Kính
- Còn anh Tân thì sao? Con Dung của em thế nào?
Chị Cung ngồi im, cúi đầu xuống. Thùy Liên lính quính, chụp tay chị lay mạnh:
- Chị Cung, anh Tân và cháu Dung thế nào? Chị nói cho em nghe đi, em van xin chị.
Chị Cung nói trong tiếng nức nở:
- Anh Tân không nhảy xuống. Anh ấy ôm con mà gào thét. Con bé bị trúng đạn, máu tuôn ướt áo, ướt cả con chó vải mà cháu mang theo trên tay. Anh Cung nói ngực cháu bị trúng đạn đại liên loại lớn nên cháu chết rồi. Ối, ối, chị Tân, chị Tân!
Chị Cung thét lên nho nhỏ, đứng bật dậy, chồm người tới trước chụp lấy Thùy Liên. May quá, nàng chưa kịp ngã xuống đất. Chị cố sức nâng Thùy Liên dậy ngồi ngay ngắn, dựa lưng vào ghế, đầu tựa vào bụng chị, mắt nhắm nghiền. Chị Cung lấy hai tay nâng đầu Thùy Liên, cúi xuống đưa mắt sát vào mũi Thùy Liên, nghe hơi thở nàng vẫn còn. Chị đập nhẹ vào má nàng, khẽ gọi:
- Chị Tân, chị Tân.
Thùy Liên mở mắt ra. Chị Cung mừng rỡ:
- Chị Tân, chị tỉnh rồi hả?
Thùy Liên thều thào:
- Không, em vẫn tỉnh nhưng em mệt lắm. Chị Cung, em mệt lắm, em không muốn sống nữa, chị có cách nào cho em chết đi, cho em đi theo con gái em không?
Nàng nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, hai dòng nước mắt chảy dài xuống má. Chị Cung trông thấy mừng rỡ. Chị biết rằng trước nỗi bất hạnh vô cùng to lớn nếu người ta khóc được là phần nào ra khỏi cơn nguy biến. Thùy Liên ngồi thẳng lên nghẹn ngào:
- Chị Cung, em cám ơn chị đã báo tin cho em. Con gái em chết rồi phải không chị? Chị ngồi ghế chơi với em một chút cho em hỏi hết mọi chuyện rồi em sẽ chết để gặp lại con gái em.
Chị Cung kéo ghế ngồi kế bên Thùy Liên, đưa tay áo lau khô nước mắt cho chính mình. Chị cố nghiêm giọng:
- Chị Tân, chị không được nói thế. Cháu gái trời bắt vắn số thì đành chịu vậy, chị phải sống để lo cho anh Tân và cháu Hòa Bình. Chị Tân, chị có nghe tôi nói không?
- Dạ, cám ơn chị, em nghe. Nhưng…. nhưng…. Trời ơi, Phật ơi, con tôi hiền lành ngoan ngoãn dễ thương, sao Trời Phật bắt nó phải chết? Nó chết rồi thì tôi còn sống làm chi trên cõi đời nầy nữa. Chị Cung, chị Cung, con gái em có tội gì đâu mà người ta nỡ bắn cho đến chết. Thùy Dung, Thùy Dung, từ đây, mẹ không còn thấy mặt con nữa. Mẹ không còn đưa con đến trường buổi sáng và buổi chiều đón con về. Mẹ không còn nghe con kể chuyện học hành, chuyện bạn bè của con trong lớp nữa. Mẹ chết mất, Thùy Dung ơi!
Thùy Liên gục mặt trong lòng hai bàn tay khóc nức nở. Chị Cung vỗ nhẹ vào vai nàng:
- Chị Tân, chị nghe tôi nói đây. Chị phải cố bình tĩnh để lo công việc tiếp theo. Chị có nghe tôi nói không?
- Dạ, em nghe. Chị Cung ơi, Thùy Dung của em hiền lành, ngoan và dễ thương lắm. Cô giáo nó thường nói với em rằng nó là đứa học trò đáng yêu nhất của cô.
- Phải, phải tôi biết, cháu hiền lành mà lại rất xinh đẹp nữa, cháu có dáng dấp như một cô tiên bé nhỏ. À chị Tân nầy, tôi hiểu rồi. Cháu là tiên trên trời đưa xuống. Nay trần gian nầy có quá nhiều khổ ải nên trời thương lại gọi cháu trở về rồi.
Thùy Liên ngẩng dậy, đôi mắt mở to:
- Chị Cung, em biết chị tưởng tượng ra vậy để an ủi em, tuy nhiên em cũng mong cháu được như lời chị nói. Thôi em cứ tin lời chị. Trời gọi nó về sống ở cõi tiên thì nó buộc phải rời bỏ mẹ nó mà về với trời, phải không chị?
Chị Cung gật đầu:
- Đúng vậy, chị hãy tin lời tôi đi.
- Cám ơn chị. Em tin chị và bây giờ em bình tĩnh rồi, chị kể tiếp cho em nghe đi. Em muốn biết hiện giờ anh Tân đang ở đâu?
- Thế nầy nhé. Trong ba anh em đi chung thì chỉ một mình anh Cung và thằng con tôi chạy thoát thôi.
- Thế còn anh Tân? Anh Tân.
- Anh ấy cứ ôm xác cháu mà không chịu nhảy xuống.
- Còn anh Kính?
- Chú Kính ôm con nhảy xuống, leo được lên bờ rồi thì ngồi đó không đi nữa.
Thùy Liên thút thít:
- Tại sao vậy?
- Anh Cung giải thích chú Kính không đi vì hai lý do. Lý do thứ nhất là con gái chú ấy mang theo còn nhỏ quá, bằng tuổi cháu Dung của chị nhưng ốm yếu hơn. Chỗ đó là khu rừng sác bùn sình, bên trên lá cây dày đặc tối om, thằng con trai mười hai tuổi của chúng tôi thì còn đi được, con gái của chú ấy thì đành chịu thôi.
- Rồi sao? Còn lý do nào nữa?
- Anh Cung kể rằng dưới ánh sáng của đèn pha, chú Kính cứ nhìn sững anh Tân đứng yên trên tàu, khu khư ôm xác cháu trên tay. Anh Cung hối chú ấy chạy thì chú lắc đầu. Lúc đó tàu tuần của công an áp sát tàu vượt biên rồi. Thấy có người phóng vào bóng tối nên anh Cung lôi con phóng theo. Mò mẫm đi được một lát thì may quá trăng bắt đầu mọc. Hôm qua là hai mươi ba âm lịch, trăng mọc là quá nửa đêm. Trong bóng tối lờ mờ, hai cha con nhắm hướng Sài gòn đi đến gần sáng thì gặp một xuồng của dân đi cắm câu về. Anh Cung nói thật với dân là mình vượt biên bị lộ. May gặp ông già nhân đức.
Thùy Liên ôm đầu lảm nhảm hỏi:
- Rồi sao? Ông già nhân đức?
- Ông già cho hai cha con lên xuồng về nhà tắm rửa, nấu cơm cho ăn rồi ông cùng anh con trai dùng xe đạp chở hai cha con về đến tận nhà chúng tôi. Anh Cung mời hai người vào để đền ơn nhưng họ không chịu rồi đi ngay. Anh Cung dẫn con vào nhà, tôi và thím Kính trông thấy suýt ngã ra bất tỉnh. Anh ấy vội vàng kể mọi chuyện đã xảy ra, dặn thím Kính ở yên trong nhà còn vợ chồng tôi và thằng Tí lập tức đi tìm chỗ để anh ấy ở tạm, lánh mặt một thời gian.
- Chị Cung, em làm thế nào để gặp mặt anh Tân bây giờ?
- Không được đâu. Chắc chắn anh ấy bị bắt rồi. Có lẽ chú Kính cũng vậy. Phải đợi xem người ta đưa những người bị bắt về giam ở đâu. Hi vọng anh Kính có mang theo con còn nhỏ thì được tha về nhà. Lúc đó mới có thể biết được tin anh Tân.
Thùy Liên vịn cạnh bàn gượng đứng dậy:
- Chị Cung, em làm sao để đưa được xác con gái em về chôn cất tử tế cho nó. Ngay bây giờ, em phải đến đó tìm cho được. Em phải đi. Em đi liền đây.
Chị Cung nắm chặt tay Thùy Liên, kéo nàng ngồi xuống ghế:
- Chị ngồi xuống đây. Anh Cung nói chỗ tàu bị chận bắt rất hoang vu, không có nhà cửa, không có đường sá gì cả. Chị không thể nào đến đó được. Vả lại, giờ nầy người ta đã kéo tàu về đồn rồi, đến được đó cũng chẳng thấy gì.
- Em sẽ đến đồn để tìm cho ra xác con gái em. Anh Cung có nói đồn nào không? Đồn công an hay đồn bộ đội?
- Anh ấy đâu có biết vì lúc đó chạy ngay mà. Anh ấy bảo rằng đèn pha chói mắt không thấy rõ công an hay bộ đội. Nhìn thoáng qua tàu tuần thì thấy đó là tàu của hải quân Việt Nam Cộng hòa dùng để tuần giang trước đây. Tàu đó bây giờ thuộc về công an hay bộ đội thì không thể biết được.
Thùy Liên khóc rấm rứt:
- Rồi làm sao em tìm ra xác của con gái em?
- Hiện giờ thì khó lắm, không đi hỏi được đâu. Dần dần sau nầy hỏi thăm thì may ra. Nhưng thôi, linh hồn cháu đã bay lên cõi tiên rồi, cái xác phàm cháu mượn tạm ở cõi trần nay trả lại thì nằm ở đâu cũng được.
Thùy Liên ngồi rơi nước mắt lã chã. Chị Cung bồi hồi đứng dậy:
- Chị Tân à, chị nên nghe lời tôi. Phải hết sức bình tĩnh và can đảm để vượt qua cơn nguy khốn nầy. Cháu Thùy Dung không còn nữa, thương tiếc cháu là điều đúng nhưng phải nghĩ đến người còn sống là chồng và con trai chị. Bây giờ tôi phải về để lo bao nhiêu là công chuyện. Tôi nhắc lại, chị phải can đảm, hết sức can đảm mới tồn tại được trong xã hội nầy. À, còn việc nầy nữa, chị nghe tôi nói đây. Nếu hàng xóm có để ý sự vắng mặt của anh Tân và cháu Dung thì chị hãy giải thích hai cha con về quê để tìm phương kế lập nghiệp. Chị cứ nói như vậy đi. Bây giờ, người ta bỏ đi vùng kinh tế mới hay đi lập nghiệp nơi khác cũng nhiều.
Chị Cung nói xong đi ra cửa. Thùy Liên bước theo để tiễn chân rồi trở vào buồng. Nàng ngồi bệt xuống đất úp mặt trên chiếc giường ngủ nho nhỏ của Thùy Dung. Hương thơm của đứa con gái thân yêu hình như vẫn còn phảng phất đâu đây. Thùy Liên khóc ngất một hồi rồi đứng dậy. Nàng mở tủ lôi ra một cái áo cũ của con gái, siết chặc vào ngực và có cảm tưởng như tim mình vỡ vụn ra. Nàng rên rỉ:
- Thùy Dung, Thùy Dung, con đâu rồi? Mẹ không còn bao giờ thấy mặt con nữa hay sao? Không, nhất định mẹ phải chết đi để đi tìm con bên kia thế giới.
Nàng lại ngồi xuống úp mặt vào giường của con, khóc nức nở một hồi khá lâu rồi ngẩng lên. Nàng chợt nhớ đến con trai đang chơi bên nhà hàng xóm nên tự nhủ lòng:
-“Phải rồi, chị Cung nói đúng. Phải can đảm để sống. Mình chết bây giờ thì khỏe cho thân mình nhưng rồi ai lo cho anh Tân và cho Hòa Bình đây”.
Thùy Liên lau khô nước mắt, mang áo quần vào buồng tắm. Nàng vặn cho dòng nước mát chảy từ đầu đến chân. Dù cố kiềm chế, nước mắt mặn nóng của nàng vẫn chảy chan hòa cùng dòng nước máy. Khi bước ra ngoài, ngang cái tủ gương, Liên ngơ ngác thoáng thấy bộ mặt mình xa lạ trong đó. Vai nàng co rút lại, lưng còng xuống như già thêm mười tuổi. Nàng thất thểu qua nhà hàng xóm gọi con trai. Thằng Hòa Bình đang chơi vui với bạn nhưng nghe tiếng mẹ thì vội vã theo về nhà. Liên tắm, thay áo quần sạch sẽ cho con và dẫn nó ra tiệm để ăn tối.

Hai ngày trôi qua, Thùy Liên cố thu hết can đảm để đứng vững được trên hai chân mình. Nàng biết rằng, nếu để tinh thần suy sụp, nàng sẽ lâm bệnh và đó là điều cực kỳ bi thảm cho đứa con trai của mình. Buổi tối, khi nàng chuẩn bị đóng cửa thì chị Cung đến. Nàng hối hả kéo chị vào nhà.
Chị Cung nói ngay:
- Con bé Quyên của chú Kính về rồi.
Thùy Liên suýt nhảy dựng lên:
- Có tin tức gì của anh Kính và anh Tân không?
- Không, con bé nói rằng thấy ba nó và bác Tân bị người ta trói và ngồi chung với những người khác khi chiếc tàu bị kéo trở lại về một nơi có nhiều nhà cửa. Nó và những đứa trẻ khác bị nhốt chung với những bà già trong hai ngày đêm. Sáng nay một chú công an dùng xe Honda chở nó về nhà. Thím Kính trông thấy mừng quá vội mời chú công an vào nhà nhưng chú từ chối. Thím ấy hỏi gì chú cũng nói không biết rồi bỏ đi.
- Bé Quyên thế nào hả chị?
- Nó khỏe mạnh tuy có hơi ốm đi. Về đến nhà nó ôm cứng mẹ nó rồi chạy tung tăng khắp nhà.
Thùy Liên lại khóc thút thít:
- Phải chi Thùy Dung của em còn sống và được về, nó cũng sẽ ôm em và Hòa Bình rồi chạy tung tăng khắp nhà.
Chị Cung ái ngại nhìn nàng:
- Chị Tân, chị không nên nhắc đến cháu nữa để cho linh hồn cháu được thảnh thơi nơi miền tiên cảnh, không phải xót xa vì những giọt nước mắt của mẹ nó.
- Dạ, mấy hôm nay em cố gắng không nghĩ đến cháu nữa nhưng nghe nói cháu Quyên về với mẹ, em không thể nào đè nén nỗi đau đớn của mình.
- Thôi được rồi, chị hãy cố gắng tiếp tục can đảm đi. Tôi và thím Kính đang nổ lực dọ hỏi để biết chỗ giam anh Tân và chú Kính.
Chị Cung ngồi chơi một lát rồi ra về.
Ngày lại ngày trôi qua. Thùy Liên trở lại buôn bán để kiếm tiền nuôi con. Nàng đến năn nỉ xin nhà trường cho phép Hòa Bình nghỉ học thêm ít lâu. Nàng biết không cho con đi học là điều bậy, nhưng bây giờ nàng không thể xa con một phút giây nào nữa, đi đâu nàng cũng chở nó theo.
Cách một hai hôm nàng lại ghé nhà chị Kính để hỏi thăm tin tức. Anh Cung và đứa con trai vẫn còn đi trốn chưa dám về. Nơi sửa xe của anh Cung và Tân bây giờ có người lạ đến hành nghề. Thỉnh thoảng Thùy Liên đi ngang qua đó và nghe lòng quặn đau.
Hai tháng sau biến cố khủng khiếp nói trên. Chị Kính tìm ra nơi giam giữ chồng mình. Chị vội vàng đến báo tin cho Thùy Liên:
- Tôi đi hỏi thăm rất nhiều nơi, phải hối lộ nhiều chỗ, cuối cùng mới tìm ra nơi giam giữ anh Kính. Có cả anh Tân nữa.
- Ở đâu vậy chị?
- Dạ, tại một đồn công an ở tỉnh Long khánh trước đây.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Tại sao những người vượt biên bị bắt ở Nhà bè mà đem nhốt tận trên miền đất đỏ của tỉnh Long khánh?
- Đúng rồi, chính công an tỉnh Đồng nai bắt được nên đem giam tại Long khánh bây giờ là một huyện của tỉnh Đồng nai. Tôi chịu tốn một món tiền khá lớn nên được nói chuyện với anh Kính đúng mười phút. Anh Kính bảo rằng anh Tân bây giờ yếu lắm, bệnh hoạn hoài vì nhớ thương con gái.
Thùy Liên gạt nước mắt:
- Chị giới thiệu cho em gặp anh Tân năm phút thôi, tốn kém bao nhiêu em cũng chịu.
- Khó lắm; người công an bố trí cho tôi lén gặp anh Kính nói rằng không dám làm lần thứ hai với bất cứ giá nào. Nếu lộ ra, cấp trên biết thì sẽ bị phạt và bị đưa trở về công tác ở miền Bắc thì khốn khổ. Tuy nhiên anh ta cũng bảo rằng, sắp tới có lẽ ban lãnh đạo trại giam cho tù được gặp mặt các thân nhân và nhận đồ tiếp tế. Thôi chị hãy kiên nhẫn chờ đợi vậy.
- Chi Kính ạ, em cần gặp anh ấy một chút, không cần nói gì cũng được để biết chắc anh ấy còn ở trên đời nầy. Có thế em mới đủ can đảm để làm việc nuôi con.
Chị Kính suy nghĩ một chút rồi nói:
- Thế thì được. Với cách nầy chị có thể thấy mặt anh Tân. Anh Kính bảo rằng hằng ngày, người ta đưa tù ra làm việc khổ sai ở một chỗ gọi là ‘Ca tư’, xưa là khu vườn của một ông đại tướng. Bây giờ, người ta đang chỉnh đốn mở mang để làm nơi du lịch và chốn giải trí của cán bộ, công an và bộ đội. Tuy nhiên dân chúng cũng có thể vào chơi được; sau nầy sẽ bán vé vào cửa nhưng bây giờ thì chưa. Chị cứ giả bộ người đi du lịch đến đó thì hi vọng sẽ gặp được anh Tân. Nhưng nhớ đứng xa xa mà nhìn. Anh tù nào bị bắt gặp liên lạc với người ngoài thì bị phạt nặng và bị đánh đập dã man lắm.
- Cám ơn chị, ngày mai, em sẽ đi Long khánh. Em sẽ đem theo thức ăn và tiền. Nếu thuận lợi thì em sẽ trao cho anh Tân của em.
- Nè phải rất cẩn thận, nếu bị bắt gặp là nguy cho anh ấy.
- Dạ, em sẽ rất cẩn thận. Nếu không trao thức ăn và tiền được thì em cũng vui lòng, miễn trông thấy anh ấy là được.


*
* *


Chiếc xe đò chạy cà rịch cà tang, mãi đến gần mười giờ sáng mới tới Long khánh. Lâu lắm rồi Thùy Liên mới gởi con cho bác Tư để đi một mình. Nàng hỏi thăm đường và đi đến ‘Ca tư’ không mấy khó khăn. May quá, trưa rồi mà những người tù vẫn còn làm việc. Họ ăn mặc rách rưới , nước da xanh mét, mỗi người cầm chiếc búa trong tay, uể oải đập vỡ những khối đá huyền vũ màu đen để lát lên mặt đường. Chiếc búa không to lắm nhưng họ đưa lên cao một cách mệt nhọc rồi đập xuống tảng đá. Nhiều lần như thế đá mới vỡ ra. Họ chống tay vào đùi để đứng dậy rồi cúi xuống cố nhấc bổng viên đá, khệ nệ mang đến xếp cẩn thận trên mặt đường.
Thùy Liên ứa nước mắt khi nhớ lại những cảnh chiếu trong các phim về công việc của những người nô lệ ở thời trung cổ bên Châu Âu. Nàng cố ngước mắt tìm Tân một cách khó khăn vì mọi người tù trông rất giống nhau: ốm yếu, da mặt sạm đen, cử chỉ đập đá và khiêng đá hoàn toàn như nhau.
Cuối cùng nàng cũng gặp được người chồng yêu quí của mình. Tân ngồi cách con đường đi độ hai mét, cúi gầm mặt đập một viên đá khá to. Trông thấy chồng, nàng nắm chặt hai tay, môi mín chặt để khỏi bật khóc. Nàng muốn Tân ngẩng lên, nhưng anh cứ cúi gầm mặt đập từng nhát một vào tảng đá.
Thùy Liên đi ngang qua gần chỗ Tân ngồi, giả bộ rớt chiếc khăn và cúi xuống lượm. Tân ngẩng lên, giật mình, chiếc búa sút khỏi tay, đôi mắt vừa vui mừng, vừa sợ hãi nhìn người công an ôm súng đứng gác gần đó. Thùy Liên đi thẳng đến một băng đá và ngồi lên như người đi hóng mát.
Hết giờ làm việc, người công an ra lệnh cho tù về. Anh ta đi trước, tù kéo thành một hàng dài, chậm chạp theo sau. Thùy Liên nhìn cuối đoàn tù không thấy người công an nào cả. Nàng vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm. Nàng đi nhanh qua một đường tắt đến một ngã tư, cố giữ vẻ thản nhiên cắt ngang qua đoàn tù đúng vào vị trí của chồng. Nàng trao vội gói giấy đựng ổ bánh mì và tiền rồi nói nhỏ rất nhanh:
- Hòa Bình mạnh giỏi. Ba ngày, em lên đây một lần.
Nàng đi thẳng một đoạn rồi ngừng lại quay lui nhìn đoàn tù từ từ đi khuất sau những bụi cây kiểng rậm rạp. Thùy Liên trở ra chợ để đón xe về Sài gòn. Nàng mong xe chạy nhanh để chóng về với Hòa Bình. Suốt hai tháng rồi, nàng chưa hề rời con nửa bước. Gần gũi con, nàng nhớ chồng, đến với chồng, nàng lại nhớ con. Không bao giờ gia đình nàng lại được sum họp đông đủ như xưa. Hạnh phúc không còn nữa. Thùy Dung đã ra đi vĩnh viễn rồi. Thùy Liên mím môi thực mạnh để ngăn dòng nước mắt.
Xe chạy khá nhanh. Nàng nhìn ra ngoài, khu rừng chồi vun vút chạy giật lùi. Nàng chợt nhớ Tân đã từng qua con đường nầy trong thời gian tái ngũ về bộ tư lệnh sư đoàn Mười tám Bộ binh. Nàng còn nhớ, Tân mô tả con đường nầy thời chiến tranh, chạy ngang qua những vùng đất hoang vắng xác xơ, cây trụi lá vì thuốc khai quang rải dọc theo hai bên đường. Thanh bình trở lại hơn ba năm rồi, cây cối đã xanh um trở lại. Lác đác đó đây có những túp lều tranh nghèo nàn đứng buồn bã bên đám đậu luống khoai. Một người đàn ông đưa cao cuốc bổ vào nền đất một cách mệt nhọc và đơn côi. Thùy Liên bỗng nhớ lại cảnh nô lệ thời trung cổ của những người tù đập đá ở ‘Ca tư’. Nàng lắc đầu với ý nghĩ buồn bã hiện ra trong đầu: “Chủ nghĩa xã hội phồn vinh thế nầy ư? Việc trốn ra ngoại quốc của gia đình nàng thất bại rồi. Thùy Dung không còn nữa nhưng Hòa Bình sẽ lớn lên trong xã hội thế nầy sao?”
Thùy Liên nhắm mắt lại. Gió từ bên ngoài lùa vào xuyên qua cửa xe, mơn man làn da mặt, nàng cố tìm một cảm giác thanh thản để làm dịu bớt đi nỗi đau đớn và buồn khổ trong lòng, nhưng vô ích.
Về đến Sài gòn, vừa bước qua khỏi khúc quanh của con hẻm, Thùy Liên đã thấy Hòa Bình từ trong nhà hàng xóm phóng ra, miệng hét to:
- Mẹ về, mẹ về.
Nàng ngồi xuống ngay trên mặt đường, ôm con vào lòng:
- Bình, con mong mẹ lắm phải không?
Hòa Bình nhanh nhẩu:
- Con mong mẹ lắm. Con không chơi với thằng Thiện nữa.
- Sao vậy con?
- Con rủ nó ra đứng nơi cửa đón mẹ mà nó đứng một chút rồi bỏ vô nhà. Con đứng một mình con buồn lắm. Con không chơi với nó nữa, con thích đi với mẹ thôi.
Thùy Liên hôn mạnh vào hai má của con rồi đứng dậy dẫn về. Nàng mở cửa bước vào ngôi nhà vắng ngắt và lạnh lẽo. Nhìn chiếc bàn làm việc ở góc nhà lại nhớ đến chồng xanh xao ốm yếu đưa chiếc búa lên cao và đập xuống tản đá đen thui. Nàng xuống bếp vừa đi vừa lầm thầm khấn vái:
- Xin Thượng đế nhân từ, xin đức Phật từ bi hãy trả chồng con trở lại ngôi nhà bé nhỏ đơn sơ nầy.

Hai ngày trôi qua nhanh chóng nhờ công việc mua bán bận rộn hàng ngày. Đến ngày hẹn, Thùy Liên chuẩn bị đi Long khánh thăm chồng. Nàng đã mua được một bịch bánh thực ngon, gói chung với một gói đường nho nhỏ. Nàng sẽ trao cho chồng những món nầy với cách thức lén lút như lần trước. Sáng nay, nàng dậy rất sớm, đi gởi con trai xong rồi ra bến xe khi trời vừa mới sáng. Đến Long khánh chỉ mới chín giờ, nàng thuê xe đến ngay ‘Ca tư’. Nàng mừng rỡ khi thấy những người tù vẫn ngồi rãi rác để đập đá. Nàng thong thả, lần lượt đi hết ba con đường ngoằn ngoèo, mắt liên tục liếc qua liếc lại hai bên đường. Qua hết khu tù làm việc, nàng vẫn chưa tìm thấy chồng mình. Thùy Liên bắt đầu lo lắng.
Nàng quay lui định đi một lần nữa thì có một người tù ở gần đó đứng dậy, hơi khom người về phía trước, một tay cầm búa, tay kia đưa ra sau đấm nhẹ vào lưng, Thùy Liên nhìn thấy, giật mình. Nàng thốt lên nho nhỏ:
- Anh Kính.
Kính bước tới vài bước đến một tảng đá ở cạnh đường đi và ngồi xuống đập mạnh búa vào tảng đá nghe chan chát. Thùy Liên chầm chậm đi đến. Lẫn trong tiếng búa đập, nàng nghe giọng của Kính:
- Anh Tân bệnh không đi làm được, chị về đi.
Thùy Liên dừng lại quay mặt sang nơi khác, như không phải nói chuyện với Kính. Nàng hỏi:
- Anh Tân bệnh thế nào, lâu chưa?
- Sốt liên tục, hai ngày rồi. Chị đi thẳng đi, công an đang nhìn đó. Nó để ý rồi.
Thùy Liên hoảng sợ bước thẳng tới trước, nỗi đau quặn thắt trong lòng. Nàng liếc thấy người công an nhìn qua hướng khác, vội đặt gói quà xuống chân một tảng đá bên đường. Nàng xoay người lại thấy anh Kính đã nhìn và kín đáo gật đầu. Nàng đứng dậy và lững thững ra về.
Ba ngày sau. Thùy Liên lại lên đường đi Long khánh. Lần nầy, nàng mang theo một gói đường, một số thuốc cảm sốt và thuốc ho. Cũng như hai lần trước, lúc nàng đến ‘Ca tư’, tù đang làm việc, tiếng búa đập vào đá vang lên khắp nơi. Nàng đi qua một lượt lo lắng không thấy chồng mình đâu cả. Một người tù uể oải đứng dật đấm tay vào lưng. Thùy Liên nhận ra ngay anh Kính. Hôm nay Kính ngồi đập đá sát con đường đất đỏ cách người công an khá xa. Ở đó có nhiều bụi cây kiểng mới trồng.
Thùy Liên đánh một vòng khá lớn rồi cố gắng tránh tầm quan sát của người công an để tiến về phía Kính. Nàng núp sau một bụi cây thưa, cách Kính độ bốn mét. Anh vừa gõ búa vào viên đá vừa nói khá to:
- Anh Tân bệnh nặng lắm. Trong anh em tù, có một bác sĩ khám kỹ, bảo là thương hàn. Bị nhiễm đã khá lâu, đến nay bột phát và vào thời kỳ nguy ngập, cần phải có trụ sinh liều mạnh, loại mới nhất. Chị về tìm ngay rồi đưa lên đây.
Thùy Liên định hỏi thêm nhưng người công an đã trông thấy. Ông ta quát to:
- Ê thằng kia, liên hệ với dân hả? Chị kia, bước ra ngay và cút đi.
Ông ta bước đến, miệng vẫn tiếp tục quát mắng. Thùy Liên sợ hãi, vội rời bụi cây và đi thẳng ra đường.
Nàng lên xe trở về Sài gòn ngay. Về đến nhà, nàng đón con và chở nó đến vài nhà quen biết để tìm mua thuốc. Trụ sinh dùng để trị thương hàn trước giải phóng có rất nhiều loại, mua khá dễ dàng trong các hiệu thuốc tây. Bây giờ thứ nầy rất hiếm. Trong số hàng nhu yếu phẩm mà nàng vẫn thu mua hằng ngày, thỉnh thoảng cũng gặp một vài thứ thuốc, nhưng đó chỉ là thuốc thông thường trị sổ mũi, nhức đầu, đau bụng còn trụ sinh đặc trị thương hàn thì nàng chưa hề gặp. Nàng hỏi vài nơi không có nên đành về nhà.
Hai ngày kế tiếp, nàng bỏ cả công việc buôn bán hằng ngày, dẫn Hòa Bình đi lang thang tìm thuốc. Nàng gặp được hai nơi có trụ sinh nhưng đều là thuốc của miền Nam sản xuất trước ngày giải phóng và đã quá hạn sử dụng từ lâu. May mắn đến chiều, nàng được một người quen dẫn đến nhà một ông bác sĩ “giải phóng”. Ông ta đưa ra mấy vĩ thuốc trụ sinh mới của Hung gia lợi. Thùy Liên móc tất cả tiền trong túi đưa ra cho ông ta để nhận lấy mấy vĩ thuốc.
Sáng hôm sau, nàng gởi con, rồi ra xe đi đến Long khánh và thẳng ra ‘Ca tư’. Những vĩ thuốc được nàng gói kỹ trong một gói rất gọn gàng. Nếu không đưa được tận tay Kính thì nàng sẽ đứng từ xa quăng đến cho anh.
Đến ‘Ca tư’, nàng sững sờ. Mọi nơi đều vắng vẻ, không có bóng dáng người tù nào. Xa xa, một tòa nhà toàn bằng cẫm lai sang trọng thấp thoáng trong một khu vườn cây cảnh và dây tiêu rất đẹp. Nàng bước đến đó ngồi xuống một băng đá để trống. Nàng chờ đợi và hi vọng tù nhân hôm nay đi làm việc trễ.
Trời nắng gắt; những bóng cây ngắn dần rồi khoanh tròn chung quanh gốc. Nàng biết đã giữa trưa rồi, tù hôm nay không ra làm việc, có ở lại cũng vô ích. Không còn cách nào khác, nàng phải về với con rồi sẽ tính sau.
Trên đoạn đường về và suốt buổi tối ở nhà, Thùy Liên thấy lòng hết sức bồn chồn. Đêm đó nàng ngủ rất ít vì lo lắng.
Sáng hôm sau, người hàng xóm ngạc nhiên thấy nàng đến gởi con ngày thứ nhì liên tiếp. Nàng không buồn giải thích, vội vã ra bến xe. Trên suốt đoạn đường, nàng lại lo sợ hôm nay tù lại không ra làm việc. Nàng van vái Phật Trời phù hộ cho nàng đưa được những vĩ thuốc nầy vào cứu mạng chồng. Càng đến gần Long khánh, nàng càng thấy bồn chồn lo lắng. Nàng cố xua đuổi hình ảnh của chồng đang hấp hối trong một góc phòng giam tối tăm và ẩm thấp. Nàng phải đưa những viên thuốc quí giá nầy đến ngay để cứu mạng chồng, càng sớm càng tốt. Từ hôm anh Kính báo tin chồng nguy ngập đến nay đã bốn ngày rồi. Trời ơi, bốn ngày trong một nhà tù, điều bất hạnh khủng khiếp đó đã xảy ra chưa?
Chiếc xe đò vừa đỗ vào bến, nàng vội vàng bước xuống và thuê xe chở ngay vào ‘Ca tư’. Nàng bước nhanh trên một đoạn đường rồi dừng lại, sững sờ. Khắp nơi đều vắng vẻ, những tản đá đập dở dang đang nằm rải rác và lặng im. Con đường nàng đang đứng, phân nửa đã lót đá, phân nửa còn trơ đất đỏ.
Thùy Liên đến ngồi trên băng đá, nhìn khung cảnh xinh đẹp và yên tĩnh chung quanh mà lòng ngổn ngang.
Thì giờ từ từ trôi qua. Đến gần trưa, nàng đứng dậy, bước đi hướng ra cổng. Đi ngang qua chỗ lần đầu tiên và lần duy nhất mà nàng thấy chồng ngồi đập đá, nàng dừng lại, nghe lòng đau đớn đến cùng cực.
Không, nàng không thể về Sài gòn nếu chưa đưa được những viên thuốc nầy vào cho chồng. Đây là những viên thuốc cứu mạng, nếu không đến được tay chồng thì suốt đời nàng không còn bao giờ còn thấy con người vô cùng thân yêu đó nữa. Nàng ra đường và cương quyết đến đồn công an, nơi nàng đoán chừng có nhà tù. Nàng đứng bên kia đường nhìn qua chiếc cổng to tướng, thấy bên trong vắng vẻ một cách dễ sợ.
Nàng ngần ngại. Từ trước đến nay, kể cả thời gian sống trong xã hội cũ, nàng chưa bao giờ phải vào một đồn cảnh sát công an.
Bỗng từ bên trong có một người mặc sắc phục bước ra. Ông ta còn khá trẻ. Nàng nhìn huy hiệu trên vai áo và biết đó là một ông trung úy công an. Ông ta đăm đăm nhìn Thùy Liên. Hình như trong con mắt ông ta có khá nhiều cảm tình.
Thùy Liên cúi đầu chào. Nàng cố gắng nở nụ cười. Ông trung úy bước qua đường đến gần và hỏi với một giọng miền Bắc khá dịu dàng:
- Chị muốn tìm ai?
Một chút hi vọng lóe lên trong lòng Thùy Liên. Nàng đáp lại nho nhỏ:
- Em muốn tìm chồng em trong đó.
Ông trung úy tỏ ra vui vẻ:
- Thế à? Chồng chị tên và cấp bậc gì?
- Dạ, chồng em bị giam trong nầy. Anh ấy đang bị bệnh nặng và đang cần những viên thuốc nầy. Ông có thể giúp em được không? Em van xin ông. Ông hãy giúp em.
Ông trung úy lại chăm chăm nhìn nàng một lúc. Nàng ngẩng lên và không ngạc nhiên khi nhận ra một nỗi say đắm trong đôi mắt người đối diện. Trong cuộc đời, nàng đã bắt gặp sự say đắm nầy nhiều lần trên nét mặt của những người đàn ông nói chuyện với nàng. Nàng biết rằng mình đẹp và ít có đàn ông nào không ngưỡng mộ sắc đẹp của nàng. Nếu nhờ cái sắc đẹp đó mà nàng gây được cảm tình nơi ông trung úy nầy để những viên thuốc cứu mạng đến được tay chồng thì âu đó cũng là điều đáng mừng.
Nàng nghe ông trung úy hỏi:
- Chồng chị tên gì?
- Dạ, Phạm bá Tân.
Ông trung úy thoáng giật mình. Ông nhìn thẳng vào mặt Thùy Liên, làm nàng lo lắng cúi xuống. Giọng ông ta thực nghiêm trang:
- Phạm nhân Phạm bá Tân. Ừ, tôi biết. Anh ta có bệnh, nhưng trại chưa cho phép tiếp tế cho phạm nhân. Qui định của trại rất nghiêm.
Thùy Liên suýt bật khóc:
- Em van xin ông, ông giúp em rồi em xin đền ơn ông, thứ gì em cũng cố gắng mua để đền ơn ông.
Ông trung úy mím môi, đứng im suy nghĩ một chút rồi nói:
- Thôi được rồi. Tôi sẽ cố gắng giúp cô. Cô đi theo tôi, ở đây không thể nói chuyện được.
Thùy Liên mừng rỡ, bước theo ông trung úy. Nàng sờ vào túi quần thấy cồm cộm gói thuốc và gói tiền nên yên tâm. Ông trung úy đi rẽ qua hai con đường, nàng lẽo đẽo theo sau. Ông đi vào một khu khang trang nhưng khá vắng vẻ với nhiều dãy phố cùng kiểu và song song. Ông dừng lại trước một căn nhà đóng kín, móc chìa khóa ra mở cửa và quay lui bảo Thùy Liên:
- Cô vào đây nói chuyện để người khác không nghe được.
Thùy Liên ngần ngại:
- Sao mình không đến một quán nước vắng khách nào đó hở ông?
Ông trung úy buông mạnh hai tay xuống với vẻ bất mãn:
- Thôi tùy cô. Nếu cô không muốn vào đây nói chuyện thì cô cứ ra về đi. Bến xe cũng gần đây thôi.
Thùy Liên đưa tay nắm chặt gói thuốc trong túi. Nàng mím môi rồi bước nhanh qua cửa. Dưới ánh sáng dìu dịu trong gian phòng, nàng trông thấy vật dụng thực đơn sơ chứng tỏ đây là nơi ở của một người độc thân. Giữa phòng chỉ có một chiếc bàn với bốn ghế dựa hai bên.
Ông trung úy nói:
- Cô ngồi xuống đi để nói chuyện.
Thùy Liên ngồi xuống ghế trước chiếc bàn có phủ một khăn nhựa màu mè và cũ kỹ. Ông trung úy ngồi ở ghế đối diện. Ông thở ra một hơi dài và nói nhanh:
- Tôi sẽ mang thuốc vào giúp cô. Như thế cũng khá nguy hiểm cho tôi. Cô tính đền ơn tôi thế nào?
Thùy Liên cúi mặt nói nhỏ:
- Ông muốn thế nào cho em biết.
Ông trung úy nhìn nàng một cách sững sờ. Nàng cảm thấy hơi sợ, nhưng vì cửa vẫn mở nên nàng yên tâm. Nàng nhắc lại câu hỏi của mình. Ông trung úy chồm người lên mặt bàn, mắt đăm đăm nhìn Thùy Liên như muốn thôi miên:
- Cô…, à em, tôi muốn em chiều chuộng tôi một lần, một lần thôi rồi tôi sẽ giúp em.
Thùy Liên sửng sốt, đứng bật dậy:
- Ông, ông muốn….
Ông trung úy cố gượng cười, giọng tha thiết:
- Thì có sao đâu. Anh sẽ giúp em. Nếu không, tối nay, ông ấy, ông chồng em sẽ chết. Anh nhắc lại, ngay tối nay, chồng em sẽ qua đời.
Thùy Liên nghe như tiếng sấm đập vào tai mình: “Ngay tối nay, chồng em sẽ qua đời! Ngay tối nay, chồng em sẽ qua đời”.
Nàng ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt ông trung úy:
- Ông nói có thực không?
Ông trung úy tươi cười:
- Anh nói thực mà. Em ngồi xuống đi, Anh xin em, năn nỉ xin em chứ có làm gì em đâu. Em không muốn anh cứu mạng chồng em à?
Thùy Liên ngồi xuống, hai tay nắm chặt mép bàn, mắt nhìn sững vào những hình đã bạc màu trên khăn trải bằng nhựa cũ kỹ. Nàng nghe tiếng ông trung úy nói càng tha thiết hơn:
- Em chiều anh một chút đi, rồi anh cứu mạng cho chồng em. Một lần thôi, rồi em tắm rửa sạch sẽ chứ có mất mát gì đâu.
Thùy Liên nắm chặt hai bàn tay vào nhau, nhắm nghiền mắt lại, tai vẫn còn nghe văng vẳng câu nói nhỏ nhẹ: “Anh cứu mạng chồng em, em có mất mát gì đâu”.
Đúng vậy, nàng chỉ phải chịu đựng trong vài phút, sau đó có mất mát gì đâu. Mấy hôm nay nàng đã nguyện hi sinh tất cả để chồng nàng khỏi chết. Bây giờ nàng phải hi sinh, phải hi sinh, phải hi sinh!
Có hai bàn tay vịn lấy vai nàng. Nàng biết ông trung úy đã đứng đậy và đang ở sau lưng mình. Nàng rùng mình, tim đập nhanh và phần lớn sức lực biến mất. Nàng nghe hơi thở phả vào mặt và đôi môi áp mạnh vào môi mình. Nàng càng siết chặt hai bàn tay, môi mím chặt, mắt vẫn nhắm nghiền. Nàng cảm thấy ông trung úy rời nàng ra, trong nhà bớt sáng và có tiếng chốt cửa khua lách cách.
Hai cánh tay rắn chắc ôm lấy nàng kéo lên, dìu vào phòng trong. Nàng mở mắt ra thấy căn phòng cũng trống trơn, chỉ có một chiếc giường khá to kê sát vách. Chiếc cửa sổ phía sau mở rộng nên phòng khá sáng. Ông trung úy dìu nàng đến chiếc giường và đẩy khá mạnh làm nàng ngã ngửa lên đó, đôi dép văng đánh cạch trên nền gạch.
Một thân người đè mạnh lên ngực nàng, một đôi môi áp chặt vào môi nàng. Nàng nghe rõ tiếng thở hổn hển, dồn dập.
Nút áo nàng bị bật ra từng chiếc một. Hai tay Thùy Liên bấu mạnh vào chiếc chiếu dưới lưng. Nàng cố gắng kềm chế sự chống đối cuối cùng của bản năng đàn bà. Nàng nhủ thầm: “Phải chịu đựng trong vài phút để cứu mạng chồng. Phải hi sinh tất cả để cứu mạng chồng, sau đó tắm rửa sạch sẽ…”.
Thùy Liên nghe vạt áo ngoài bị banh ra hai bên, chiếc áo lót bị kéo lên. Nàng hốt hoảng khi cảm nhận ra rằng cơ thể mình bị bóc trần ra.
Bực bực”, chiếc nịt vú bị bứt đứt dây đeo và rút mạnh ra. Đột nhiên, nàng nghe đau nhói vì hàm răng ngoạm vào đầu vú. Cái cắn đó của ông trung úy làm nàng bừng tỉnh. Nàng mở mắt ra thấy trên ngực mình một đầu tóc bù xù nhơm nhớp mồ hôi. Nàng dùng hai tay đẩy cái đầu ấy lên và hoảng kinh nhận ra một đôi mắt rực lửa thèm khát. Nàng bỗng nhớ lại đôi mắt đam mê, dịu dàng, tràn đầy yêu đương của chồng nhiều lần trước đây.
Nàng nhỏm dậy, lết vào trong vách, hai tay kéo hai vạt áo vào nhau. Ông trung úy nhìn nàng, giọng van xin:
- Em, em, anh yêu em, anh sẽ làm cho em sung sướng, hạnh phúc.
Thùy Liên ngồi yên bất động như bị hóa đá, hai tay vẫn nắm chặt hai vạt áo trên ngực mình. Nàng không biết phải làm gì bây giờ. Phải la to để người ta đến cứu chăng? Không, chính nàng đã đồng ý đến đây, vào trong nhà đầy, bị đẩy vào căn buồng nầy với một người đàn ông xa lạ. Nàng muốn hi sinh tất cả để cứu mạng sống của chồng mà. Nàng phải làm gì đây? Để yên cho ông ta bắt nàng chịu đựng trong vài phút chăng?
Đầu vú nàng bỗng bị đau nhói trở lại.
Ô kìa, ông ta làm gì vậy? Ông ta đang trút tất cả áo quần ra. Trời đất hỡi!
Kinh hoàng đến cực độ, nàng phóng xuống giường, xỏ chân vào dép rồi chạy bay ra phòng trước, nắm lấy chốt cửa lay mạnh. Hình như có tiếng gọi gấp rút và tiếng chân của ông ta phía sau lưng nàng.
Thùy Liên hốt hoảng rút mạnh chốt. May quá cánh cửa bật ra, nàng vọt ra ngoài và thuận tay đẩy cửa đóng lại.
Một người đàn bà đi trên đường vừa trờ tới. Bà ta dừng lại, đứng sững, miệng há hốc. Thùy Liên quay lại nhìn cánh cửa. Nó bỗng hé mở, một cái đầu ló ra, trông thấy người đàn bà thì thụt vào ngay. Cửa đóng lại nghe một tiếng sầm nho nhỏ và tiếng chốt cửa khua lách cách bên trong.
Thùy Liên sực nhớ hai tay mình vẫn còn túm lấy hai vạt áo. Nàng đứng úp mặt vào tường gài vội hàng nút. Người đàn bà tiến đến gần, giọng ngập ngừng:
- Hắn làm gì cô vậy? Có cần tôi đi gọi công an không?
Thùy Liên lắc đầu; nàng không trả lời, vội bước nhanh ra đường như sợ ông ta đuổi theo. Trên đường đi, nàng có một cảm giác kỳ lạ và khó chịu trên cơ thể. Hình như ngực nàng chưa được che kín. Nàng nhìn xuống. Không, tất cả nút áo đều đã được gài đủ, không thiếu hột nào. Nhưng lại sao có cảm giác đó?
À, nàng sực hiểu. Đôi vú nàng không được bó chặt trong cái nịt đàn hồi. Từ khi mới lớn lên, nàng chưa bao giờ ra đường với đôi vú không được nịt chặt. Chiếc nịt chỉ được cởi ra ngay trước khi nàng vào giường để ngủ. Bây giờ chiếc nịt ấy đang nằm tại nhà ông ta. Nó đã bị ông ta bứt đứt khi nàng nằm bất động trên giường. Nó rớt ra khỏi cơ thể nàng từ lúc nào? Ngay lúc ông ta giựt mạnh hay lúc nàng hoảng hốt ngồi lên? Ông ta sẽ làm gì với cái nịt vú đó? Tại sao có thể như thế được? Nếu ai đó biết được việc nầy thì nàng phải giải thích sao đây? Trời hỡi trời! Tại sao nàng lại vào nhà ông ta để cho ông ta hôn, để cho ông ta bóc trần mà không phản kháng? Rồi ông ta….
Nàng đưa tay lên ngực. Cái cảm giác nhói đau ở đầu vú xuất hiện trở lại. Nàng muốn ôm mặt khóc cho đỡ tủi hổ. Tại sao nàng lại để cho ông ta cắn vào đầu vú thế nầy?
Thùy Liên sực nhớ đến chồng. Có phải giờ nầy anh đang bị cơn bệnh quái ác hành hạ và đang chờ đợi những viên thuốc hay không? Nàng đưa tay sờ vào túi quần. May quá, gói thuốc và gói tiền vẫn còn nguyên. Nàng dừng phắt trên lề đường. Bây giờ làm sao đây? Có nên quay lại xin lỗi ông ta để chịu đựng vài phút hay không?
Không, cái đầu bờm xờm như đầu sư tử, đôi mắt rực lửa thèm khát như mắt dã thú. Nàng rùng mình, vụt chạy về phía bến xe. Đôi vú không nịt nhảy lên nhảy xuống theo bước chân lại làm nàng khó chịu. Nàng không dám chạy nữa mà cố sải chân đi những bước dài.
Nàng đến bến xe, thấy một chiếc xe đò đã đầy khách và từ từ ra khỏi bến. Nàng hốt hoảng chạy đến đưa cả hai tay lên ngoắt. Chiếc xe dừng lại, nàng phóng lên, chui vào cửa sau, ngồi xuống băng ghế thở hổn hển.
Trên suốt đoạn đường, tâm trạng nàng biến đổi hỗn loạn. Khi thì nàng vui mừng vừa thoát được một tai nạn lớn, khi thì cảm thấy mình vừa phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ được. Nhưng mà lỗi lầm gì? Nàng đã để cho ông ta bóc trần và cắn vào đầu vú, hay nàng không tiếp tục chịu đựng vài phút để cứu lấy mạng chồng? Nàng chìm đắm trong nổi đau khổ vô cùng vô tận.
Về đến nhà, nàng mở cửa vội vàng, để nguyên cả áo quần, nằm dài trên giường, úp mặt xuống nệm, khóc rấm rứt. Hồi lâu nàng đứng dậy mang áo quần và khăn vào buồng tắm. Nàng thoa nhiều xà bông và chà kỹ bộ ngực của mình. Cái cảm giác đau ở đầu vú lại nổi lên nhè nhẹ. Thùy Liên khổ sở vì mặc cảm phạm tội đối với chồng. Nàng nhìn xuống bên dưới cơ thể, lẩm bẩm:
- May quá, ông ta chưa kịp cởi quần mình ra. Ông ta chỉ mới trông thấy phần trên của cơ thể mình mà thôi. Chuyện đó thực là kinh khủng, nhưng mình đã kịp thoát khỏi. May thực!
Ý nghĩ đó làm cho mặc cảm phạm tội của nàng nhẹ bớt đi nhiều.
Sau khi lau khô mình mẫy và mặc áo quần vào, nàng trở lên phòng ngủ, chải đầu cẩn thận rồi đi đón con về. Hai mẹ con dẫn nhau ra phố và chui vào một quán cơm.
Đêm hôm đó, giấc ngủ của nàng bị ngắt quảng bởi nhiều cơn ác mộng.
Tờ mờ sáng hôm sau, khi thức dậy, nàng cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Đưa bàn tay áp vào trán mình, nàng thấy nó không còn mát rượi như buổi sáng thường ngày. Tuy vậy, nàng vẫn đi gởi con và ra xe đi Long khánh. Nhớ đến cái ông trung úy trần truồng trong căn phòng kinh khủng đó, nàng cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nàng phải hết sức tránh đừng để cho ông ta biết nàng lại lên đây. Có lẽ ông ta đang căm ghét nàng cùng cực. Ông ta có thể sẽ tịch thu những viên thuốc quí giá nầy và tống nàng về Sài gòn lập tức. Thùy Liên hiểu trong chế độ nầy, công an mạnh vô cùng và họ có thể đẩy người dân yếu thế vào một tình trạng đầy nỗi ưu phiền.
Xuống xe đò, nàng thuê xe vào ‘Ca tư’ với một hi vọng rất mỏng manh. Nhưng, ô kìa, trong khu vườn rải rác nhiều người tù ngồi đập đá. Nàng mừng rỡ, quên cả mệt nhọc bước vội đến, chẳng cần để ý đến sự hiện diện của người công an canh gác.
Nàng nhìn quanh tìm kiếm. Chồng nàng không có ở đây. Có lẽ anh ấy vẫn chưa khỏi bệnh.
Bỗng có một người tù đứng dậy. Đúng là anh Kính rồi. Anh nhìn chị với đôi mắt toát ra vẻ cực kỳ nghiêm trọng. Thùy Liên bước vội đến, không cần e dè nữa. Lúc nàng đến gần, Kính nói nhanh:
- Anh Tân chết rồi!
Thùy Liên đứng há mồm nhìn sững Kính. Vài giây sau nàng mới hiểu anh ấy nói gì. Nàng cảm thấy đất dưới chân mình đang sụp xuống và nàng sắp bị lôi vào hang sâu thăm thẳm. Nàng thều thào:
- Anh Tân chết thật rồi à? Chết lúc nào?
- Cách đây hai hôm, vào lúc sáu giờ sáng. Thôi chị về đi, không nhận được xác anh ấy đâu. Họ mang đi đốt hay vùi mất rồi. Tôi đã hỏi kỹ cho chị.
Thùy Liên đứng yên, tiếp tục thều thào:
- Hai hôm rồi à? Một ngày trước khi nó định làm nhục tôi à? Nó biết anh ấy chết rồi mà toan tính làm nhục tôi à?
- Chị Tân, chị bình tĩnh lại, đừng nói nhảm nữa. Đi đi, thằng lính gác đến kìa.
Quả thực, người công an trẻ tuổi chạy nhanh đến hét to:
- Thằng này, mày lại vi phạm nội qui trắng trợn một lần nữa à?
Cậu ta nói xong thẳng tay đấm mạnh một phát vào mặt của Kính làm anh ngã chúi xuống. Thùy Liên rú lên thảm thiết. Cậu ta quay sang nàng:
- Còn chị nầy nữa, chị có đi khỏi chỗ nầy không?
Thùy Liên vẫn đứng yên, đôi mắt dại khờ đăm đăm trố nhìn anh công an. Cậu ta cởi súng xuống khỏi vai, chĩa họng súng vào ngực Kính và hét to:
- Một lần nữa, tôi bảo chị đi ngay, nếu không tôi bắn chết thằng nầy. Chị có đi không?
Thùy Liên sợ hãi xua tay:
- Đừng, đừng giết anh ấy. Tôi đi ngay.
Nói xong nàng bước vội ra đường. Những người tù đồng loạt đứng lên nhìn theo và lắc đầu.


*
* *


Thùy Liên không nhớ nổi mình lên xe đò vào lúc nào mà bây giờ lại nằm chính trong ngôi nhà của mình. Nghe tiếng khóc thút thít của con trai, nàng mở mắt và nhìn thấy bà Sáu Rô ở kế bên và dì Năm, người mà nàng gởi con mấy hôm nay.
Bà Sáu mừng rỡ:
- Cô tỉnh dậy rồi, may quá.
Nàng định ngồi dậy nhưng bà Sáu đã đặt tay vào ngực nàng:
- Cô nằm yên đi. Cô đang bị sốt, lại đi ngoài trưa nắng nên về đến nhà thì bị té xỉu. May nhờ mấy đứa nhỏ trông thấy kêu tôi và con Năm đây sang lục túi cô lấy chìa khóa mở cửa, khiêng cô lên giường và cạo gió. Nếu không ai trông thấy thì nguy rồi.
Thùy Liên thều thào:
- Cám ơn bà Sáu, cám ơn dì Năm. Mấy giờ rồi?
- Gần bốn giờ chiều rồi. Cô mê man hơn một giờ rồi đó. Cô ăn gì chưa? Tôi đi mua cháo cho cô nghe?
- Cám ơn bà Sáu. Con không đói và không ăn được đâu. Hòa Bình của con đâu rồi? Nó ăn gì chưa?
Dì Năm trả lời ngay:
- Rồi, ăn trưa với cả nhà tôi. Ăn xong, tôi bảo đi ngủ nhưng cháu không chịu, cứ ngồi tựa cửa ngóng mẹ về. Lúc nãy tôi đi ra thấy cháu gục đầu vào ngạch cửa ngủ gục nên tôi bế cháu vào giường. Cháu mới ngủ được nửa giờ. Tôi qua gọi cháu dậy, nghe cô?
Thùy Liên thều thào:
- Thôi dì Năm cho cháu ngủ một lát nữa đi.
Nói xong, Thùy Liên cố gắng ngồi dậy. Bà Sáu cản lại:
- Cô còn yếu lắm, nằm nghỉ đi, dậy làm chi. Muốn gì thì cứ nói, chúng tôi làm giúp cho, đừng ngại.
- Không, con dậy được. Con đi uống viên thuốc cảm sốt cho đỡ nhức đầu.
Nàng đứng dậy đến mở hộc bàn lấy viên thuốc rồi chầm chậm xuống bếp rót ly nước để uống thuốc. Nàng trở lên nhà, tình cờ đưa tay vào túi móc ra cái gói những vĩ thuốc trụ sinh mà nàng mang lên Long khánh ba lần rồi lại mang về. Nàng nín lặng nhìn gói thuốc một chút rồi cất vào hộc bàn. Với đôi mắt ráo hoảnh, nàng quay lại giường, ngồi dựa lưng vào vách, nói chuyện với hai bà hàng xóm tốt bụng, nét mặt nàng trầm tĩnh lạ thường.
Sau khi tiễn hai bà ra đường, nàng quay vào khép hờ cánh cửa rồi đứng tần ngần nhìn gian nhà nhỏ bé. Cái bàn làm việc của chồng vẫn còn nguyên nhưng kệ sách bên trên thì trống trơn. Nàng nhớ ngày xưa nó luôn luôn đầy sách của chồng nàng. Nàng không nhớ nó đã bị để trống tự lúc nào. Hình như chính tay nàng đã đưa những quyển sách xuống và cột chặt trong các gói giấy, lúc anh Tân, chồng nàng đi ở tù lần trước. Đến lần ở tù tiếp theo thì anh không còn bao giờ trở về ngôi nhà nầy nữa.
Nàng đưa tay bóp vào trán mình, chạm vào lớp da mát rượi và nhớp nháp mồ hôi. Nàng bước vào buồng thấy con trai đang ngủ say trên giường. Nó nằm ngửa, sải hai tay và hai chân ra, nét mặt thơ ngây thực bình yên, đẹp như thiên thần.
Nàng cảm thấy khá khỏe khoắn nhưng bỗng nhiên bị chóng mặt. Mọi vật chung quanh xoay vòng, trở lại vị trí cũ rồi lại xoay vòng từ trái sang phải. Nàng vội vã ngồi xuống giường, nhắm mắt lại, hai tay chống về phía sau cho khỏi ngã. Tay nàng chạm vào cái gối nho nhỏ của con trai. Nàng nằm xuống, mắt nhắm nghiền, dúi mặt vào chiếc gối, hít lấy mùi thơm nhè nhẹ của trẻ thơ. Mùi thơm làm nàng dễ chiu. Nàng cảm thấy mình rơi vào trạng thái bềnh bồng và từ từ đi vào giấc ngủ.
Một lúc sau, nàng giật mình thức dậy vì có cái gì đó chạm vào mặt mình, Nàng mở mắt ra. Trong ánh sáng hoàng hôn lờ mờ, nàng thấy Hòa Bình đang ngồi kế bên, lấy bàn tay vuốt vào mặt mẹ. Nó nhìn nàng, nhoẻn miệng cười rồi nói:
- Mẹ, con đói bụng.
Qua khung cửa sổ mở rộng, nàng biết rằng thành phố vừa mới lên đèn.
Nàng ngồi dậy, hôn thực mạnh vào mặt con, rồi nói:
- Mẹ con mình tắm rửa rồi ra quán ăn cơm tối nghe con.
Thằng bé nũng nịu:
- Mẹ, con không thích ăn cơm đâu.
- Chứ con thích ăn gì?
- Con thích ăn hủ tíu mì.
Nàng vuốt má con:
- Được, mình sẽ đến ngã Bảy ăn hủ tíu mì.
Sau khi tắm rửa và thay áo quần, nàng dẫn con ra đường, leo lên xích lô.
Ăn uống xong, nàng lại lên xích lô, đặt con lên đùi mình và bảo người phu xe đạp đi một vòng thành phố theo bất cứ con đường nào cũng được. Nàng muốn cùng con nhìn môt lần sau chót thành phố thân yêu nầy. Những năm còn chiến tranh ác liệt trên khắp nẻo quê hương thì thành phố nầy vẫn che chở hạnh phúc của gia đình nàng. Khi thành phố nầy thất thủ thì hạnh phúc đó cũng tiêu tan.
Ôi Sài gòn! Sài gòn của anh Tân, của nàng và của các con nàng. Bây giờ, người ta đã chiếm được nó rồi và không muốn gọi nó là Sài gòn nữa. Người ta đã cho nó một cái tên mới mà nàng không có cảm tình chút nào. Nàng ước ao sau nầy, người ta bỏ cái tên mới đó đi và gọi lại nó là Sài gòn. Ôi, Sài gòn thân yêu của gia đình nàng, của bạn bè nàng và của tất cả người dân miền Nam!
Sài gòn! Nàng chỉ còn sống với Sài gòn một đêm nay nữa thôi. Con gái nàng, chồng nàng đã bỏ đi vĩnh viễn rồi. Nàng muốn theo những người thân rời xa mãi mãi thành phố thân yêu, quê hương đầy bất hạnh và thế gian lắm phiền muộn nầy.
Nàng nhớ lại sáng nay, khi từ giã ‘Ca Tư’ và trên suốt đoạn đường từ Long khánh về đây, nàng đã quyết định xong việc từ giã cõi đời. Có lẽ nhờ thế, nàng đã bình tĩnh trong suốt thời gian chờ đợi ở bến xe và ngồi trong chiếc xe đò chật chội, lắc lư trên mặt đường đã bị hư hỏng nhiều.
Phải rồi, nàng phải sớm từ giã cõi trần nầy. Nàng sẽ gặp lại Thùy Dung và anh Tân. Nhắc tới chồng, nàng bỗng sực nhớ đến căn phòng của người sĩ quan công an. May quá, nàng chưa bị nó in cái dấu nhục nhã vào cơ thể nàng. Nàng đã thoát ra khỏi tay nó trong đường tơ kẽ tóc, nếu không, nàng làm sao có thể gặp lại chồng mình bên kia thế giới. Nàng biết tâm hồn của anh quá hiền lành và trong sáng, nàng biết anh là người cao thượng, có thể tha thứ mọi lỗi lầm của nàng. Nhưng cho tới bây giờ nàng có lỗi lầm gì đâu để xin anh tha thứ. Nàng chỉ bị mất trong ngôi nhà ma quỉ đó một cái nịt vú mà thôi. Đó chỉ là một món đồ vật chẳng có giá trị gì. Nàng mừng rỡ. Tấm thân nầy là của nàng và của chồng nàng. Tấm thân đó đã được giữ gìn trong sạch qua cơn bão tố khủng khiếp của những ngày qua.
Bây giờ thì xong cả rồi. Nàng đã sẵn sàng từ giã thế gian nầy. Nàng sẽ chuẩn bị một cách từ từ, không vội vã vì nàng còn phải suy nghĩ để giải quyết cho số phận của con trai nàng.
Nàng có nên đem nó đi cùng hay không? Nàng có được quyền làm như thế hay không? Nó mới bước vào cuộc trần ai đầy khổ hạnh nầy chưa tới bảy năm trời, sao nỡ tước bỏ cuộc sống của nó đi! Nhưng nếu mẹ nó nằm xuống vĩnh viễn thì nó sẽ ở lại và sống ra sao trên cõi đời nầy? Nỗi ưu phiền lại dâng lên, mỗi lúc một lớn. Sự thanh thản lạ kỳ trong nửa ngày qua dần dần biến mất. Thùy Liên ngoảnh mặt lui chỉ đường cho bác phu xe đạp về nhà.
Nàng vào nhà, bật đèn lên nhìn quanh, đầu óc cứ bị ý nghĩ ra đi vĩnh viễn bám chặt vào. Làm gì bây giờ đây? Dọn dẹp nhà cửa? Chẳng ích lợi gì vì nàng sắp rời khỏi nơi đây vĩnh viễn. Thế thì làm gì cho hết buổi tối nầy? Phải rồi, đốt bỏ những lá thư mà nàng và chồng đã gửi cho nhau từ lúc hai người mới yêu nhau. Đó là những kỷ vật vô cùng quí giá về mối lương duyên của vợ chồng nàng. Từ sau ngày miền Nam thất thủ, nàng đã cho những lá thư vào một chiếc hộp bằng thiếc và cất kỹ dưới đáy ngăn tủ đựng tất cả hồ sơ và giấy tờ. Bây giờ, nàng mang đốt những lá thư tình ấy đi, hi vọng gởi trước về bên kia thế giới cho anh Tân cất giữ. Những lá thư ấy bây giờ đã thành những di vật thiêng liêng nên sau khi nàng chết đi, không ai còn sống trên đời nầy có quyền đọc và giữ nó.
Nàng đứng dậy định đi lấy những lá thư thì Hòa Bình ôm lấy chân nàng, nũng nịu:
- Mẹ, con buồn ngủ.
Nàng xoa đầu con:
- Ừ, con lên giường trước đi. Mẹ làm việc một chút rồi vào giăng mùng cho con.
- Không, mẹ đừng làm việc bây giờ, Ngày mai mẹ làm việc. Mẹ vào ngủ với con đi. Con không ngủ một mình đâu. Con sợ lắm.
- Được rồi, mẹ đi ngủ với con.
Thùy Liên tắt đèn phòng trước, đưa con vào giường. Nàng giăng mùng, bật đèn đêm lên và chui vào nằm bên con. Thằng bé ngáp xong nhắm mắt lại, miệng vẫn nói:
- Mẹ, sao lâu quá, ba và chị Dung chưa về hả mẹ?
Thùy Liên nghe đau nhói như ai dộng búa vào tim mình. Nàng nằm nghiêng lại choàng tay ôm con:
- Con có muốn gặp ba và chị Dung không?
- Có, con muốn gặp. Chừng nào mẹ cho con đi hả mẹ.
Nàng nín thở, trả lời nhanh:
- Ngày mai. Bây giờ con ngủ đi, nghe chưa?
- Dạ.
Thằng bé nằm im một chút rồi ngủ say. Thùy Liên vẫn nằm yên, tay ôm chăt con nàng. Nàng muốn dậy để đốt bỏ những lá thư nhưng nàng không đủ can đảm rời bỏ hơi ấm cùng hương thơm dìu dịu tỏa ra từ thân thể nhỏ bé của con nàng.
Trong đêm, nàng thức giấc vài lần nhưng nhờ hơi ấm và hương thơm đó, nàng nhanh chóng dỗ lại giấc ngủ cho đến sáng tỏ.
Hai mẹ con dậy cùng một lúc. Sau khi làm vệ sinh buổi sáng xong, nàng đem con đi ăn sáng. Nàng dẫn con đi tìm tiệm ăn ngon vì muốn tiêu xài cho hết số tiền trong túi. Thằng bé tỏ vẻ vui thích vì mấy hôm nay được mẹ liên tục cho ăn trong tiệm. Tuy nhiên, đang ăn, nó ngồi thừ ra. Thùy Liên hỏi:
- Sao con không ăn đi? Món nầy không ngon hả?
Thằng bé mỉm cười:
- Ngon mẹ à. Nhưng con nhớ chị Dung. Khi nào chị Dung về, mẹ cho đi ăn tiệm với con nghe mẹ.
Thùy Liên cắn chặt môi. Nàng cố nuốt thức ăn chung với nước mắt.
Ăn sáng xong, hai mẹ con lại lên xích lô đi quanh các đường phố cho đến khi mặt trời lên cao mới về. Nàng vào nhà mở tung các cửa rồi vào phòng tắm thay quần áo. Khi nàng bước lên buồng ngủ thì thấy Hòa Bình ngồi trên giường chơi với cái hộp bút mà chị nó cho trước khi ra đi vĩnh viễn. Nàng mím môi, nuốt nước mắt, ngoảnh mặt đi nơi khác.
Đúng lúc đó, dì Năm bước vào nhà, đon đả:
- Cô Tân về rồi đó à? Cô hết bệnh chưa? Hai mẹ con đi đâu cả buổi sáng vậy?
- Dạ, cám ơn dì Năm, cháu khoẻ rồi. Hôm nay, rảnh rỗi, cháu đưa con đi một vòng quanh các phố.
- Khi nãy, ông tổ trưởng đến tìm mà nhà cô đóng cửa, nên ông ấy gởi lại bên tôi.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Gởi gì vậy?
- Thuốc chuột.
- Hả, dì Năm nói thứ gì?
- Thuốc giết chuột. Nhà nước phát cho từng nhà và thu lại mỗi nhà một đồng. Nói là phát nhưng thực ra là bắt buộc mình mua.
- Nhưng mua thứ đó để làm gì hả dì Năm. Trước giải phóng thức ăn dư dả, mình ăn không hết, liệng vương vải nên chuột sinh sản nhiều. Còn mấy năm nay có bao nhiêu thức ăn vào bụng người hết còn chưa đủ no có đâu đến phần chuột. Vì vậy bây giờ chuột đâu có nhiều.
Dì Năm khua tay:
- Ối, ông nhà nước có gì phát nấy vậy mà. Nghe nói ngoài Bắc, nhà nước ta phát phân u rê cho giáo viên để trừ lương nữa. Tiền thì hết nhưng trong kho còn nhiều u rê do viện trợ nên đem phát cho giáo viên.
- Đem về ăn trừ cơm?
Dì Năm cười:
- Ai mà biết để làm gì. Thuốc diệt chuột nầy chắc là của một nước ngoài nào cho không đây.
- Nhưng tại sao lại đem cho thuốc giết chuột?
- Ối, bây giờ mình cứ đi xin đồ viện trợ về xài. Mà đi xin thì ai cho cái gì phải lấy cái đó chứ sao mà chọn lựa được.
Thùy Liên lắc đầu:
- Nghĩ cũng tức cười. Dân mình đói đang cần lương thực thì người ta lại đi viện trợ thuốc diệt chuột.
- Tôi nghe kể rằng một nước ngoài viện trợ cho nhân dân mình một số sữa bột hay dầu ăn gì đó, đựng trong những lon có nhãn hiệu viện trợ cho Việt Nam. Mình sơn chồng lên, đề là sản phẩm do Việt Nam làm ra rồi xuất cảng sang Phi châu để bán, lấy ngoại tệ trả nợ cho Liên xô về số vũ khí đưa sang đây trong chiến tranh. Ngưới ta khám phá ra sự gian dối nên cúp viện trợ.
Thùy Liên lắc đầu:
- Bây giờ người ta đồn đãi nhiều chuyện lắm, toàn là những chuyện xấu xa của đảng và nhà nước. Cái chuyện gian dối mà dì Năm kể vừa rồi không biết có đúng với sự thực hay không.
- Nếu đúng thì nhà nước quá tệ, nếu không đúng thì nguy cho nhà nước.
- Tại sao không đúng lại nguy cho nhà nước?
- Thì đảng và nhà nước cai trị thế nào mà để cho người dân chán ghét, bịa ra những câu chuyện như thế, kể cho nhau nghe cho đỡ tức. Chế độ của họ đánh mất lòng dân đến cỡ đó thì còn gì nữa.
Thùy Liên thở dài, nghĩ thầm:
- Còn gì nữa mà lưu luyến với cuộc đời trên cái quê hương bị cai trị theo kiểu nầy.
Dì Năm nói tiếp:
- Thôi, cô nhận gói thuốc chuột nầy đi. Không dùng thì đổ xuống lỗ cống và dội nước cho nhiều. Nghe ông tổ trưởng tổ đoàn kết nói thuốc nầy độc lắm lại không có mùi vị nên giết chuột rất hay. Nhưng coi chừng, người ta ăn nhằm một chút cũng chết luôn không cứu được. Ông tổ trưởng kể chuyện ở Hóc môn, người mẹ trộn thuốc với cơm để bẫy chuột. Hai đứa bé trong nhà tưởng là cơm nguội còn dư nên ăn vào rồi đi tìm nước uống một lúc rồi nằm quay ra chết. Thực là kinh khủng.
Dì Năm nói xong dặt gói giấy trên bàn và ra về.
Thùy Liên cầm gói thuốc lên ngắm nghía:
- Đây có lẽ là phosphur kẽm, chất độc loại một đây.
Nàng nhắm mắt lại và nói thầm:
- Phải chăng đây là quà tặng của tử thần gởi đến đúng lúc cho hai mẹ con mình?
Nàng rùng mình khi nghĩ đến lúc nàng và con trai ăn vào rồi lên giường nằm và không bao giờ còn thức dậy nữa.
Nàng nắm chặt gói thuốc trong tay, gục mặt xuống bàn khóc nức nở.
- Chị Tân!
Thùy Liên giật mình vì tiếng gọi. Nàng ngẩng lên và quay lui. Chị Cung đang đứng giữa khung cửa. Thùy Liên gọi rối rít:
- Chị Cung, chị vào chơi với em đi.
Chị Cung bước vào ôm chầm lấy Thùy Liên thổn thức:
- Chị Tân, vừa rồi tôi mới nghe tin anh Tân không còn nữa. Tôi không biết phải làm gì cho chị đây.
Hai người đàn bà tiếp tục ôm nhau khóc rấm rứt một hồi rồi ngồi xuống ghế, lau khô nước mắt. Chị Cung nói:
- Chị Tân, tôi đến đây thành thực chia buồn với chị.
Thùy Liên nghẹn ngào:
- Cám ơn chị, nhưng sao chị biết tin anh Tân của em đã chết?
- Vâng tôi sẽ giải thích cho chị rõ và nói với chị một việc rất quan trọng.
Thùy Liên trố mắt nhìn:
- Chuyện gì vậy chị?
Chị Cung không trả lời mà dáo dác nhìn ra ngoài. Thùy Liên tỏ vẻ sốt ruột:
- Chị cứ nói đi. Ở đây hàng xóm tốt lắm, chẳng ai có tính tò mò xấu xa đâu.
- Cháu Hòa Bình đâu rồi?
- Có lẽ nó chạy sang nhà phía trước chơi với bạn nó rồi.
Chị Cung xuống giọng thì thầm:
- Chú Kính trốn về rồi.
- Trời đất! Chị nói sao? Sáng hôm qua, tôi gặp anh Kính còn là tù ở Long khánh đây mà.
- Đúng rồi, sau khi chị về, chú ấy thừa lúc lính gác không để ý đã bỏ trốn. Chú ấy chạy xuyên qua mấy cái rẫy của đồng bào, trộm được một chiếc xe đạp của người làm rẫy và đạp thẳng về Sài gòn. Chú Kính dự định trốn cách nay nhiều ngày rồi vì đã nhận được ám hiệu của chồng tôi, nhưng vì thấy anh Tân đau nặng nên không nỡ bỏ đi.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Anh Cung còn ở đây à? Mà ám hiệu gì? Làm sao hai người gởi ám hiệu cho nhau được?
- Chuyện đó dài dòng lắm không kể hết ngay bây giờ được. Chắc chị cũng biết rằng thím Kính có đường dây nhắn tin vào cho chú ấy qua một người công an và phải đền ơn rất hậu cho anh ta.
- Vâng tôi biết điều đó. Anh Kính về tới nhà lúc nào? Làm sao đi lọt được trên đường từ Long khánh về đây?
- Chú ấy kể sơ rằng sau khi trộm được xe đạp thì cắm cúi đạp về, lúc thì đi trên đường lộ, lúc thì băng vào vườn cao su hay rẫy của đồng bào và về tới nhà lúc tám giờ tối.
- Anh Kính có ở nhà không?
- Đâu có dám ở nhà. Chú ấy đang sống ở chỗ chồng tôi đang trốn hai tháng nay. Tôi mới ở đằng đó về đây. Chú Kính cần gặp chị ngay bây giờ để nói với chị hai điều. Thứ nhất là kể lại những lời trăn trối của anh Tân. Thứ hai là báo cho chị biết chuyến vượt biên đã tổ chức xong xuôi, dự trù vài hôm nữa ra khơi. Chị phải đi ngay bây giờ gặp chú ấy.
Thùy Liên ngạc nhiên, giọng run run;
- Vâng, em phải đi ngay bây giờ gặp anh Kính để được nghe anh ấy kể những ngày cuối cùng của chồng em còn chuyện vượt biên thì em đâu có tham dự được. Mẹ con em đâu còn vàng nữa để trả cho người ta.
Chị Kính vỗ vai Thùy Liên:
- Chúng tôi đã lo hết cho chị. Bây giờ chị đi ngay với tôi.
- Vâng, chị chờ em một tí thôi. Em qua gởi con em cho hàng xóm đã.
Chị Cung nhìn theo Thùy Liên ra khỏi nhà, nói lầm thầm:
- Tội nghiệp, trẻ đẹp như thế mà đã trở thành góa phụ, còn thằng bé chưa kịp lớn đã mồ côi cha rồi.
Vài phút sau. Thùy Liên trở về. Nàng khóa cửa lại rồi đạp xe theo chị Cung về hướng Phú nhuận. Họ đi vào một con hẻm dài hun hút và dừng lại trước một căn phố lầu một tầng, phía trước có một sân nho nhỏ. Chị Cung đẩy cánh cửa cổng và dẫn xe vào. Thùy Liên đi theo. Chị Cung nói nhỏ :
- Đây là nhà của chú tôi. Chỉ có hai ông bà già ở nhà. Hai anh em ở trên lầu. Cứ lên đó không ngại gì cả.
Chị nói xong dẫn Thùy Liên vào nhà. Một ông già đang nằm đọc sách trên ghế bố, ngẩng lên nhìn. Chị Cung nói:
- Thưa chú, đây là bạn con.
Thùy Liên và ông chú chào nhau.
Chị Cung nói tiếp:
- Thím đi đâu rồi chú?
- Ừ, bả làm gì dưới bếp đó.
- Tụi con lên lầu, chú ạ.
- Ừ, đi đi con.
Chị Cung và Thùy Liên bước lên cầu thang đến tầng trên. Đó là một gian duy nhất khá rộng với một màn vải ngăn đôi. Phía trước có một bộ bàn ghế, phía sau bị che khuất, có lẽ là giường nằm.
Chị Cung gọi khẽ:
- Anh Cung, chú Kính, chị Tân đến.
Có tiếng ừ của đàn ông rồi tấm màn vải hơi vén lên một góc. Hai người đàn ông lần lượt đi ra, anh Cung đi trước, anh Kính đi sau.
- Chị Tân!
Thùy Liên đứng sững nhìn hai người bạn của chồng rồi bỗng nàng đưa cả hai tay lên bụm mặt khóc nức nở.
Chị Cung dìu Thùy Liên đến ngồi trên ghế rồi nói nhỏ:
- Chị Tân, chị đừng khóc nữa, cố giữ bình tĩnh để bàn công chuyện với chú Kính.
Kính ngồi xuống ghế đối diện với Thùy Liên. Hai vợ chồng anh Cung vén màn chui vào phía sau phòng.
Kính nói với giọng đầy xúc động:
- Chị Tân, tôi biết nỗi đau đớn của chị quá to lớn, không ai có thể làm dịu bớt được. Tôi cũng rất khổ sở vì không biết làm gì để chia sẻ bớt nỗi bất hạnh khủng khiếp của chị.
Thùy Liên thút thít:
- Cám ơn anh, dù sao anh Tân cũng có phần may mắn khi làm bạn với anh và anh Cung.
- Trong số bạn bè và người quen biết, tôi chưa thấy ai đáng kính đáng mến bằng anh Tân. Anh Tân là mẫu người trí thức có tư cách và có tư tưởng không chê vào đâu được.
- Em cũng biết điều đó cho nên anh ấy chết đi, em chẳng còn muốn sống trên đời nầy làm gì nữa. Em nghe chị Cung bảo rằng, trước khi chết anh ấy có trăn trối nhiều điều lắm phải không?
- Có, nhưng không chỉ riêng những điều trăn trối trước khi chết. Trong suốt hai tháng bị giam cầm, anh Tân đã tâm sự với tôi rất nhiều. Trước khi chết, anh ấy nhờ tôi gặp chị để báo tin, kể lại những ngày cuối cùng của đời anh ấy, nói lại những điều mà anh muốn nhắn gởi lại cho chị và hết lòng giúp đỡ chị và cháu Hòa Bình. Tôi đã thề với anh Tân là cố gắng làm hết những điều anh nhờ cậy. Sau khi nghe tôi thề, anh Tân mỉm cuời, nụ cười đầu tiên từ hai tháng nay. Anh nhắm mắt lại, tôi thấy hai giọt nước mắt ứa ra bên khóe. Sau đó anh đi luôn, không nói một lời nào nữa.
Thùy Liên rút khăn ra, úp mặt vào thổn thức:
- Người ta đưa xác chồng em đi đâu?
- Không biết, tôi có nhờ anh đại diện lên hỏi nhưng người ta không trả lời. Nhưng thôi chị ạ. Trong cuộc chiến tranh vừa rồi, có hàng triệu người đã chết mà không được thân nhân chôn cất tử tế. Cuộc chiến tưởng đã chấm dứt khi miền Nam tuyên bố đầu hàng. Tuy nhiên, đó chỉ mới chấm dứt cuộc đọ súng giữa hai miền Nam Bắc mà thôi. Thực sự, cuộc chiến vẫn còn với những trại tập trung cải tạo, với những nhà tù khổ sai, với làn sóng người vượt biên tìm tự do. Cuộc chiến vẫn còn và anh Tân đã ra đi với niềm vinh quang của một chiến sĩ vì tự do. Chị đau buồn nhưng cũng hãnh diện về người chồng của mình chứ?
Thùy Liên lau nước mắt, ngồi thẳng lên:
- Cám ơn anh đã an ủi em. Trong thời gian ở tù, anh Tân không được khỏe lắm phải không?
- Vâng, sức khoẻ của anh ấy cứ suy giảm dần đi. Suốt hai tháng trời, tôi chưa hề thấy anh ấy cười lần nào.
- Trong hai tháng, anh Tân thường nói về điều gì?
-Anh ấy thường nhắc đến chị, đến Hòa Bình và nhất là cháu Thùy Dung. Anh ấy nói nhiều lắm, tôi không thể nào kể hết trong lúc nầy được. Vì anh ấy đã dặn nên bây giờ tôi phải kể lại cho chị nghe những điều anh ấy đã nói. Tuy nhiên, tôi chỉ nhắc lại sơ lược thôi, vì cần dành nhiều thì giờ bàn công việc quan trọng, sau nầy có dịp hoãn đãi thì tôi sẽ kể thêm.
- Vâng xin anh cứ nói cho em nghe. Những gì mà anh Tân đã nói ra, bây giờ trở thành ngọc ngà châu báu của em.
- Về chị thì anh Tân thường kể những kỷ niệm xưa, những ngày anh được chị săn sóc ở quân y viện Cần thơ, nụ hôn đầu tiên của hai người trên đoạn đường tối om ở Bình thủy, những lá thư chị viết mà anh ấy gọi là những lá thư tình tuyệt tác. Tôi nghe anh ấy nói chuyện thì biết rõ tình yêu của anh Tân đối với chị thì to lớn không ai có thể diễn tả nỗi.
Kính dừng lại để quan sát. Anh mừng khi thấy gương mặt xinh đẹp của Thùy Liên có vẻ tươi sáng ra. Anh nói tiếp:
- Về cháu Thùy Dung thì anh ấy bảo rằng chính vì cháu ra đời mà thiếu tá tham mưu phó chiến tranh chính trị của sư đoàn Mười tám mới cho anh cởi quân phục để được biệt phái trở về dạy học. Anh nhắc lại cái lần nổi giận một cách phi lý, đã đánh con gái hai roi rồi hối hận đi lang thang cả buổi tối đến đỗi bị xe tuần tiểu xúc đem về nhà. Anh ấy bảo rằng lúc đứng trên tàu, ôm xác cháu trong tay, anh bỗng thấy cái xác nhẹ hẫng đi rõ rệt. Đó là lúc linh hồn cháu thoát ra khỏi xác để bay về thiên đàng. Anh cũng nói rằng lúc đó anh nghe văng vẳng tiếng nhạc thực du dương từ trên không trung vọng xuống.
- Thùy Dung của mẹ, con ơi!
Thùy Liên rên lên nho nhỏ và gục mặt xuống bàn. Một phút sau, nàng ngẩng lên nhìn thấy đôi mắt đầy ái ngại của anh Kính. Nàng mếu máo bảo:
- Xin lỗi anh, cứ nhắc đến Thùy Dung là em không dằn được xúc động. Con gái em vĩnh viễn xa em rồi. Nhưng thôi đó là số kiếp mà ông Trời bắt em phải chịu đựng. Em bình tĩnh lại rồi, anh nói tiếp cho em nghe đi.
- Anh Tân rất lo lắng cho cuộc sống của chị và Hòa Bình trong xã hội có quá nhiều điều xấu xa nầy. Tôi nghĩ rằng anh mang theo sự lo lắng đó qua bên kia thế giới. Đó thực sự là nỗi đau đớn cho linh hồn của anh ấy.
Thùy Liên lại úp mặt vào hai tay, khóc thút thít:
- Em biết như thế nên em đã quyết định chấm dứt sự lo lắng của anh ấy cho mẹ con em.
Kính giật mình đứng thẳng dậy:
- Chị nói sao?
Thùy Liên nức nở:
- Em muốn bỏ trần gian nầy, em sẽ đem Hòa Bình của em đi theo. Em chưa biết làm cách nào để đi cho nhẹ nhàng thì người ta mang đến gói thuốc diệt chuột. Đó là quà tặng của tử thần cho mẹ con em.
Kính đập cả hai tay xuống bàn:
- Trời ơi, chị Tân, chị Thùy Liên, chị đừng làm như thế, tôi van xin chị. Chị hãy bỏ ý định điên rồ ấy đi. Chị nghe tôi nói đây nầy. Đây là ý muốn cuối cùng của anh Tân, chị có muốn nghe không?
Thùy Liên thút thít:
- Em nghe, anh nói đi. Nếu thực là ý muốn cuối cùng của anh Tân thì em phải nghe theo vì đó là mệnh lệnh tối cao cho mẹ con em.
Kính đưa cao một cánh tay lên:
- Chị Tân, tôi xin thề không nói dối. Đây là ý muốn cuối cùng của anh Tân. Anh ấy chết lúc sáu giờ sáng. Đêm trước đó, anh ấy biết mình sắp đi nên cố gắng nói chuyện rất nhiều với tôi. Anh ấy sợ chị tự tử sau khi nghe tin anh ấy qua đời vì anh hiểu tình yêu của chị đối với anh ấy. Anh bảo tôi cố gắng gặp chị cho sớm và khuyên nhủ chị. Anh ấy muốn nói với chị thế nầy. Theo nhà Phật thì sát sanh là một trọng tội. Sát nhân thì tội gấp mười lần giết một con vật. Bản thân mình là một con người. Tự hủy hoại mình là mang tội sát nhân. Trong một kiếp luân hồi, người ta sống để trả nợ cho kiếp trước. Nếu tự tử thì điều đó có nghĩa là mình trốn nợ kiếp trước và mang thêm tội sát nhân của kiếp nầy nữa. Thế thì kiếp sau phải khổ sở hơn vì phải trả nợ cũ chồng thêm nợ mới. Anh ấy cho rằng mình đã sống tử tế trong kiếp nầy thì kiếp sau sẽ được thanh nhàn hơn. Anh nguyện cầu kiếp sau được sống chung với chị, với Thùy Dung và Hòa Bình. Nay nếu chị tự tử lại mang theo cả Hòa Bình nữa thì chị sẽ mang tội, lời nguyện cầu của anh Tân không thể nào thực hiện được. Chị Tân, đó là ý muốn cuối cùng của anh Tân. Tôi là người công giáo nhưng tôi tin rằng những điều anh Tân nói trước khi chết là điều đúng đắn và ước nguyện của anh phải được mọi người tuân theo, chị nghe rõ chưa?
- Dạ em nghe rồi, cám ơn anh.
- Chị đã chịu bỏ ý định điên rồ ấy chưa?
- Dạ, em xin bỏ, vì ý nguyện của chồng em.
- Được rồi, bây giờ thì tôi có thể nói chương trình sắp tới. Cách đây mấy hôm, anh Cung nhắn vào cho tôi biết rằng anh ấy đã lo xong chuyện đi trốn ra ngoại quốc. Chuyến đi nầy có cả chị và Hòa Bình nữa.
- Dạ, em có nghe chị Cung nói sơ qua nhưng hiện nay, mẹ con em chỉ còn một lượng vàng thôi thì làm sao đi được. Nhất định em không để Hòa Bình đi một mình đâu. Bắt em xa rời nó lúc nầy thì em không thể nào sống được.
- Chị hãy yên tâm. Chúng tôi lo cho cả chị và cháu đi.
- Nhưng anh chị cũng đâu có dư dả gì. Chuyến đi vừa qua lại mất cả rồi.
- Chúng tôi đã giải quyết thế nầy. Tháng trước, vợ tôi đã thương lượng xong để bán nhà cho một gia đình cán bộ ở ngoài Bắc vào. Giấy tờ xong xuôi, giao cho họ giữ hết, vàng cũng chồng xong cả cho chúng tôi. Chúng tôi hẹn tháng sau sẽ giao nhà, có chính quyền chứng nhận. Chúng tôi sẽ ra đi nhờ số vàng đó. Đi tất cả hai gia đình của tôi và của anh Cung.
- Nhưng nếu đi không lọt thì anh chị về sống ở đâu?
- Chuyến nầy chúng tôi chơi tapis chị ạ.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Chơi tapis là thế nào?
- Đó là danh từ quen dùng trong sòng đánh xì phé. Tapis có nghĩa là đặt hết tiền. Ăn thì vơ hết về làm giàu, còn thua thì đứng dậy về làm ăn mày. Nếu chuyến đi nầy thất bại thì vợ chồng con cái chúng tôi về đi vùng kinh tế mới, cũng như chấp nhận cuộc sống bần cùng của người ăn mày vậy.
Thùy Liên lắc đầu:
- Anh chị liều quá, em thì không có gan như anh chị.
- Vâng, chị nên giữ nhà lại cho đỡ lo, còn chúng tôi thì nhất định tapis phen nầy. Vả lại, không phải chúng tôi quá liều đâu. Anh Cung đã làm việc rất cẩn thận với người chủ tàu đã tổ chức thất bại lần trước. Lần nầy, ông ấy mang vợ con đi theo và chấm dứt làm ăn bằng cách tổ chức vượt biên như đã theo đuổi từ bấy lâu nay. Vì vậy, ông ấy phải tính rất kỹ. Thứ nhất là mua hẳn một chiếc tàu đánh cá ở Long hải, mang qua một địa điểm ở Phước tỉnh để sửa sang và ráp máy mới. Thứ hai là mua luôn bãi ở dưới đó.
- Mua bãi là thế nào?
- Là chi tiền để công an địa phương cho mình ra khơi. Nếu chi đậm thì công an còn cho lực lượng bảo vệ an ninh cho mình và cho tàu hộ tống mình ra đến hải phận quốc tế nữa. Chưa hết, còn điều thứ ba nữa. Ông chủ đã nhận được nguồn tin nước ngoài cho biết một tổ chức từ thiện của một nước ở Bắc Âu, hình như là Đan mạch cho tàu đến đậu sẵn gần hải phận Việt Nam. Ông chủ tàu có tọa độ của chiếc tàu từ thiện nên sẽ hướng tàu của mình thẳng ra tọa độ đó, dự trù không đầy một ngày, một đêm là tới. Đó, công việc sắp tới là như thế đó. Tôi đã trình bày cho chị rõ rồi bây giờ tôi hỏi chị đây. Chị có muốn vượt biên ra đi hay không?
Thùy Liên trả lời trong tiếng khóc thút thít:
- Em yêu quê hương nầy vô cùng. Chồng và con gái em đang nằm lại đây, bỏ ra đi thì cũng đau lòng lắm. Tuy nhiên ở đây có quá nhiều kỷ niệm đau thương mà một người đàn bà đơn côi như em không thể nào chịu đựng nổi. Vì vậy, em muốn đi khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt. Hơn nữa, vì tương lai của con trai em.
Kính ngắt lời:
- Đúng rồi. Khi nãy tôi thuật chưa hết những điều mong muốn của anh Tân. Anh ấy tha thiết mong muốn Hòa Bình được hưởng một nền giáo dục tốt. Anh ấy bảo rằng nền giáo dục ở đây chỉ cốt đào tạo những công cụ của đảng mà thôi. Anh Tân bảo rằng Hòa Bình rất thông minh, có thể trở thành một nhà bác học sau nầy. Anh mong muốn Hòa Bình được như thế. Chị phải đưa cháu ra ngoại quốc để học cho thành tài. Đó là niềm an ủi lớn nhất cho linh hồn anh Tân.
- Vâng, em và con em nhất định đi với gia đình anh. Anh chị lo cho chúng em bây giờ, em ghi lại sự tốn kém đó. Sau nầy, định cư xong, em và cả con em sau nay sẽ cố gắng làm việc để trả nợ cho anh chị.
Kính xua tay:
- Chị đừng nói thế. Chị đồng ý đi là tôi mừng lắm rồi vì tôi được làm tròn một phần nào lời thề của tôi trong giờ phút lâm chung của anh Tân. Vả lại, có thể chúng tôi chẳng phải tốn kém gì cho chị và cháu Hòa Bình.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Sao vậy anh?
- Chủ tàu có nói với anh Cung rằng ông ấy rất buồn về số phận của anh Tân và cháu Thùy Dung. Ông ta hứa, nếu chị chịu đi thì ông ta sẽ tính toán lại để giảm bớt hay miễn hẳn phần đóng góp của chị.
- Em rất cảm động. Trong xã hội miền Nam nầy, có quá nhiều người có lòng tốt với gia đình em. Em phải sống để sau nầy có dịp đền ơn những tấm lòng tốt đó.
- Được rồi, tôi rất vui mừng về quyết định của chị. Nội trong tối nay, anh Cung sẽ gặp ông chủ để ghi thêm hai chỗ nữa cho chị và cháu. Có lẽ ông chủ cũng vui lòng lắm. Bây giờ chị phải về chuẩn bị và trong tư thế sẵn sàng.
Thùy Liên thở dài:
- Vậy là em sắp rời bỏ quê hương, sắp rời bỏ ngôi nhà, nơi mà em đã hưởng những năm hạnh phúc với anh Tân. Bây giờ, em phải làm gì với ngôi nhà đó? Em muốn tặng một số đồ dùng cho một vài nhà rất thân trong xóm. Họ tốt với gia đình em vô cùng.
Kính nói nhanh với giọng hơi hoảng hốt:
- Không được đâu. Chị không được tỏ một cử chỉ nào để cho người ngoài đoán được ý định của mình. Nguy hiểm lắm. Chị phải cố gắng thản nhiên và sinh hoạt y như thường ngày. Chị nhớ nhé?
- Dạ nhớ.
- Thôi được rồi, bây giờ chị về kẻo cháu Hòa Bình mong.
Kính quay mặt vào bức màn ngăn:
- Chị Cung ơi, thôi đưa chị Tân về đi.
Hai người đàn bà xuống cầu thang và đạp xe ra đường.
Thùy Liên về đến nhà cảm thấy lòng nhẹ nhàng đi rất nhiều. Nàng đi đón con và đưa con ra quán ăn. Khi trở về, nàng thấy gói thuốc chuột trên bàn, cầm lên ngắm nghía và lẩm bẩm:
- Đây là tặng phẩm của tử thần nhưng bây giờ mình không cần nữa. Hai mẹ con sẽ ra đi. Nếu không thoát được thì nàng sẽ bế con nhảy xuống sông hay xuống biển để được sum họp với chồng và con gái bên kia thế giới. Còn nếu thoát được, nàng và Hòa Bình sẽ xây dựng cuộc sống mới. Ở nước ngoài, nàng có thể gặp lại cha nàng. Bốn năm rồi, có lẽ không lúc nào cha không nhớ thương nàng.


*
* *

Hai ngày hôm sau, vào một buổi tối, khi nhà nhà vừa lên đèn thì chị Cung đến. Trông thấy vẻ hấp tấp của chị, Thùy Liên đoán có chuyện quan trọng.
Quả thực vậy, chị đến báo tin ngày mai khởi hành. Theo kế hoạch, từ sáng sớm, hai mẹ con nàng sẽ tự đón xe đò ra Phước tỉnh. Nàng sẽ mặc chiếc áo màu xanh. Nếu không có áo xanh thì trùm đầu bằng chiếc khăn xanh. Sẽ có một người đàn bà mặc áo xanh ra đón để đưa về điểm tập kết. Tàu sẽ ra khơi ngay khi màn đêm buông xuống.
Thùy Liên nghe và vô cùng hồi hộp. Sau khi chị Cung ra về, Thùy Liên đứng giữa căn phòng, hai tay ôm ngực như đỡ lấy quả tim đang nhảy đùng đùng bên trong.
Đêm hôm đó, nàng ngủ rất ít. Trời chưa sáng, nàng đã thức dậy, rón rén bước ra khỏi giường. Nàng ra nhà trước vặn đèn lên nhìn gian phòng quen thuộc mà nghe lòng quặn thắt. Nàng bước tới, quỳ xuống, úp mặt vào chiếc bàn làm việc của chồng. Nàng hôn mạnh vào cạnh bàn, nơi xưa kia Tân tì tay vào khi đọc hay viết. Nàng đứng dậy trở vào buồng, ngồi bệt xuống chiếc giường nhỏ của Thùy Dung. Nàng úp mặt xuống nệm, nước mắt tuôn ra như suối.
Bên ngoài đã bắt đầu văng vẳng tiếng xe chạy. Nàng đứng dậy, đến đánh thức con trai, cuốn mùng mền gọn gàng, thay áo quần cho cả hai mẹ con rồi mở cửa bước ra và đóng lại. Tiếng lách cách khô khan của khóa cửa làm cho tim nàng nhói đau. Kể từ giờ phút nầy, nàng không còn bao giờ trở về đây để nghe tiếng lách cách khô khan nầy nữa.
Nàng cố ngăn nước mắt, nắm lấy bàn tay bé nhỏ của con và dẫn ra đường.
Trên bầu trời, những tia sáng bình minh vọt lên xé rách toạc màn đêm.


Viết xong lúc 15 giờ 13 phút
ngày thứ hai 11.11.2002.