Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Chương 11: Những ngày cải tạo (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập IV
Chương 11: Những ngày cải tạo
(2)

Hội trường đã làm xong. Quản giáo cho hay khoá học chính trị sắp bắt đầu. Mỗi tổ được lãnh về một hộp sơn đỏ để kẻ một khẩu hiệu: “Quyết tâm cải tạo để trở thành người dân lương thiện”. Vì mọi người trong tổ đều thoái thác nên chính tay tổ trưởng phải nắn nót kẻ khẩu hiệu đó lên suốt bề dọc của vách tường. Khi viết xong, Định im lặng đứng ngắm và lẩm bẩm:
- Tất cả anh em mình đều là những kẻ bất lương. Cách mạng vào đây dạy anh em mình thành những người lương thiện. Than ôi!
Nói xong anh cười gằn và bỏ ra ngoài.
Dù sao, Định cũng là một giáo sư khá lâu năm nên nét chữ của anh thực đẹp và rõ ràng. Mỗi lần nằm xuống sạp thì cái khẩu hiệu đỏ choét đó đập vào mắt mỗi người. Khẩu hiệu không phải chỉ được kẻ trong phòng ngủ mà có khắp nơi, nhiều nhất là trong hội trường mới cất. Hầu hết các khẩu hiệu có nội dung thóa mạ nặng nề chế độ cộng hòa và các sĩ quan của chế độ nầy. Lúc đầu anh em thấy rất khó chịu và nhục nhã nhưng về sau quen dần. Vả lại, anh em đang trở lại nuôi hi vọng được trả tự do sau khóa học nầy.
Vài ngày sau, khóa học thực sự bắt đầu. Anh em xếp thành hàng ngũ chỉnh tề trong hội trường, ai cũng náo nức trong ngày khai giảng. Sau lễ chào cờ, quản giáo trưởng đọc nội qui của khóa học và giải tán.
Trong nhiều ngày sau đó, sáng và chiều, anh em phải tập họp lên hội trường, ngồi trân mình để nghe những lời mắng chửi và nguyền rủa của các giảng viên là các sĩ quan của bộ đội cách mạng, bây giờ đã mang quân hàm với cấp bậc rõ ràng. Tất cả các bài học đều xoay quanh tội ác gán cho Mỹ, cho chính phủ cùng quân đội Việt Nam Cộng hòa trước kia.
Sự chịu đựng của anh em kết thúc sau một tuần lễ. Trong buổi học cuối cùng, một người bộ đội mang cấp bậc thiếu tá nói trong máy phóng thanh với giọng thực ôn tồn:
- Các anh đã được học các bài học về tội ác của Mỹ ngụy. Mỗi người trong các anh, ít nhiều cũng đã tham gia vào các tội ác đó. Bây giờ, để chứng tỏ rằng mình đã tiếp thu được bài học, các anh hãy khai báo những tội lỗi của mình ra. Nếu các anh thành thực thì cách mạng và nhân dân sẽ khoan hồng, sớm cho các anh về đoàn tụ với gia đình. Anh nào chưa thành thực, nghĩa là còn giấu giếm tội ác của mình thì được xem như cải tạo chưa tốt và còn phải học tập lâu dài cho đến khi nào trở nên tốt mới thôi. Bây giờ các anh về phòng suy nghĩ về cái quá khứ đầy tội lỗi của mình và khai báo tất cả ra giấy. Tôi cho các anh tiếp tục nghỉ làm lao động trong ba ngày để hoàn tất bản khai báo đó. Chúng tôi sẽ đọc kỹ những điều các anh khai để xem ai thành thực thì cho về trước với gia đình, ai chưa thành thực thì tiếp tục ở lại học tập. Bây giờ các anh đứng dậy và trở về phòng đi. Ngay chiều nay các anh bắt đầu công việc khai báo của mình. Các anh nghe rõ chưa?
Mọi người lầm lũi ra khỏi hội trường. Đúng theo lời dặn của ông thiếu tá cách mạng, cơm trưa xong, mọi người bắt đầu ngồi trước trang giấy trắng, nặng óc ra để nhớ lại trong quá khứ của mình có hành động nào đáng được gọi là “tội ác” đối với cách mạng và đối với nhân dân.
Ba ngày trôi qua trong im lặng và nặng nề. Tất cả các bản “tự khai tội” được góp về văn phòng ban quản giáo. Anh em bắt đầu sống trong hồi hộp lẫn hi vọng.
Một tuần lễ sau, có lệnh tập họp thành từng khối gồm nhiều tổ dưới sự chủ tọa của một quản giáo. Lần lượt mỗi người đọc bản “khai tội” của mình cho mọi người nghe. Sau mỗi lần như thế thì quản giáo khuyến khích những người trước đây cùng đơn vị hoặc quen biết với người đọc tố cáo thêm những hành động nào mà anh ta còn giấu giếm. Trong nhiều ngày, chẳng ai tố cáo gì thêm, trái lại nhiều người còn ngạc nhiên khi nghe khai những tội khó có thể xảy ra trong hàng ngũ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa trước đây.
Những ngày nầy, không khí trong trại hết sức nặng nề. Đây quả là một đòn cân não khủng khiếp mà anh em phải chịu đựng. Cũng may, sau mười ngày thì cái đòn cân não nầy chấm dứt. Anh em trở lại nếp sống bình thường, với hai buổi lao động mỗi ngày. Lao động ở đây là làm những công việc tay chân bên trong trại như trồng rau, sửa sang nhà cửa cho quản giáo và bộ đội, hoặc bên ngoài trại như dỡ nhà đem tôn và gỗ về cho quản giáo, hay cuốc đất trồng sắn trồng khoai trên những bãi đất hoang chung quanh trại.
Cuộc sống mới bắt đầu phẳng lặng thì xảy ra hai sự việc liên tiếp làm mọi người xôn xao. Đầu tiên là việc một người tên Bảo đang đêm lẻn vào hội trường treo cổ tự tử. Vài ngày sau, cũng vào ban đêm, có hai người leo hàng rào trốn ra ngoài và bị bộ đội trông thấy bắn chết tại chỗ. Xác của cả ba người bị chôn vùi trên miếng đất trống bên ngoài trại. Bạn bè thân thiết của người chết xin dựng bia bằng miếng tôn, trên đó người ta lấy đinh đục những lỗ nhỏ ghi tên họ để sau nầy thân nhân có thể tìm ra được hài cốt. Tuy nhiên quản giáo không cho phép vì cho rằng đó là những tên ác ôn đã gây nên tội ác đối với nhân dân mà không chịu cải tạo để trở thành người lương thiện. Rốt cuộc, xác của họ bị vùi xuống đất bên trên san phẳng cho mất hết dấu vết.
Quản giáo giải thích thêm rằng mỗi tên ác ôn đó không được quyền có một ngôi mộ vì như thế là tốn phí hai mét vuông đất sản xuất của nhân dân. Xác của họ chỉ đáng dùng làm phân bón để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội mà thôi.
Trong những ngày sau sự kiện nầy, Định tỏ ra hết sức buồn bã. Tân biết một trong hai người vượt ngục và bị bắn chết là đại úy Thêm, bạn của Định. Một buổi chiều, Định rủ Tân ra ngồi trên tảng đá cạnh đường đi, nơi hai người thường ngồi nhìn hoàng hôn đến và đi. Tân chưa kịp gợi chuyện để an ủi thì Định đã nói:
- Vì thiếu úy Bảo tự tử nên đại úy Thêm mới vượt ngục dù biết rằng mình khó thoát được.
Tân ngạc nhiên:
- Hai việc khủng khiếp đó có liên can với nhau à?
Định thở dài:
- Đúng vậy. Hai sự việc cực kỳ đau đớn đó có cùng một nguyên nhân. Tôi phải kể từ đầu thì anh mới hiểu được. Tôi và Thêm quen nhau từ thuở còn học chung ở một trường trung học. Xong tú tài tôi vào sư phạm còn Thêm đi học luật để trở thành luật sư. Hai chúng tôi cùng tới tuổi bị động viên và cùng học khóa Mười bốn Thủ đức như anh vậy. Tôi ra bộ binh và rồi được biệt phái về dạy học với anh. Thêm thì trở thành sĩ quan quân cảnh, vẫn còn tại ngũ và lên tới đại úy khi miền Nam sụp đổ. Thêm là đại đội trưởng, dưới quyền anh ấy có thiếu úy Bảo, xuất thân trường Bộ binh Thủ đức khoảng năm 1971.
- Có phải cái anh vừa treo cổ tự tử trong hội trường không?
- Đúng rồi. Theo lời Thêm, thiếu úy Bảo là một cậu bé rất hiền lành và rất có hiếu với mẹ. Cha mất sớm, bà mẹ tần tảo nuôi cho anh ta ăn học. Bà hi sinh tất cả cho đứa con trai duy nhất của bà.
- Ủa, thế là anh ta là con một à? Con một thì phải được hoãn dịch chứ.
- Đúng, con một thì được miễn dịch luôn nhưng vì giấy tờ lôi thôi sao đó mà anh ta bị gọi đi lính, rồi sau đó nha động viên bộ quốc phòng có quá nhiều việc nên không giải quyết cho xuất ngũ được. Vào học quân trường Thủ đức xong rồi, Bảo được đi quân cảnh cũng yên thân nên anh ta không làm đơn khiếu nại nữa, hi vọng hết thời hạn quân dịch pháp định thì được giải ngũ. Không ngờ, sau lệnh tổng động viên, không còn ai được giải ngũ nữa.
Tân phì cười:
- Cuối cùng, anh ta cũng được cách mạng cho giải ngũ và đi trình diện học tập với chúng mình.
Định gật đầu:
- Trình diện học tập chung với cả sếp là đại úy Thêm nữa. Thêm nói với tôi là thiếu úy Bảo quá chân thật và có phần ngây thơ nữa. Lúc ở Trảng lớn, có lần Thêm gặp anh ta khóc rưng rức vì nhớ mẹ. Là sĩ quan học tập mà đêm nào anh ta cũng quì bên giường để cầu nguyện cho được sớm trở về với mẹ. Tóm lại, anh ta thực sự rơi vào cơn khủng hoảng khi tiếp tục bị giam giữ sau mười ngày trình diện học tập. Vừa rồi nghe tin lên hội trường học chính trị, anh ta vui mừng ca hát suốt ngày. Ca toàn những bài hát cách mạng vừa học được. Rồi khi nghe cái ông thiếu tá Việt cộng dụ dỗ khai tội để được về sớm thì anh ta cũng như vài người khác hoàn toàn tin thật. Khổ nỗi, làm quân cảnh, không trực tiếp cầm súng ngoài chiến trường thì có tội ác gì quá lắm đối với cách mạng nên anh ta phải tưởng tượng ra vài chuyện để tự kết tội mình. Anh Thêm nói rằng khi nghe thiếu úy Bảo đọc bản khai tội của mình thì Thêm chưng hửng vì trong đó có nhiều điều láo khoét và rùng rợn vừa nguy hại cho anh ta, lại vừa xúc phạm đến danh dự của binh chủng quân cảnh, dù binh chủng đó ngày nay không còn nữa. Thêm giận lắm. Là luật sư nên anh biết cái bản khai tội nầy đích thị là cái bản án, cộng sản sẽ căn cứ vào đó để định thời hạn giam cầm cho mỗi người. Anh cũng nói thêm rằng trong lịch sử pháp lý của loài người thì đây là trường hợp duy nhất mà bị cáo tự nguyện vu khống cho mình những tội mà mình không phạm phải để được khoan hồng!
Tân sốt ruột:
- Nhưng tại sao thiếu úy Bảo tự tử?
- Nguyên nhân thế nầy. Sau khi thiếu úy Bảo đọc bản tự thú tội của mình trong khối thì mọi người đều vô cùng ngạc nhiên vì biết thiếu úy Bảo là người rất hiền lành và binh chủng quân cảnh nổi tiếng là đứng đắn và kỷ luật, vì đó là binh chủng có chức năng thi hành kỷ luật và pháp luật. Riêng đại úy Thêm thì biết rằng đó là chuyện bịa đặt nhưng không thể nói gì được. Ai cũng biết, theo qui định, sau khi một bản thú tội được đọc xong thì ý kiến của người khác đưa ra phải là để buộc thêm tội chứ không phải để gỡ tội. Biết thiếu úy Bảo không có tội như lời khai nhưng đại úy Thêm đành câm miệng. Thêm tức lắm, nhưng cố gắng chịu đựng và giữ im lặng trong suốt thời gian các khối thông qua các bản khai tội. Cách đây vài hôm, một buổi chiều, sau khi cơm nước xong, Thêm gọi Bảo ra khu vườn rau mắng cho một trận và giải thích cho Bảo nghe rằng anh ta đã lầm to và cái bản thú tội bịa đặt đó sẽ kết án tù rất dài hạn cho anh, không mong gì được về sớm với mẹ đâu. Ngay đêm đó, Bảo tự tử chết.
Định ngừng một chút để nén sự xúc động rồi ngậm ngùi nói tiếp:
- Đây là một thành tích lừa gạt thành công nhất của cách mạng và đau đớn nhất đối với một số anh em mình.
- Có phải vì đau khổ và hối hận mà đại úy Thêm rủ một người nữa vượt ngục và bị bắn chết không? Đó có phải là một cách tự tử không?
- Tôi cũng đoán như thế, nhưng không chắc lắm. Khi nói chuyện với tôi, Thêm tỏ ra cực kỳ đau khổ nhưng không tỏ ý gì muốn tự tử cả. Thêm nói rằng không ngờ thiếu úy Bảo bị khủng hoảng tới nước đó; thà rằng cứ để cho Bảo bị lừa gạt còn hơn nói ra sự thực để cho Bảo tìm đến con đường tự tử. Tôi đoán rằng Thêm không còn muốn tiếp tục sống nơi nầy nữa để mỗi lần nhìn cái hội trường lại bị lương tâm dằn vặt. Anh ta là luật sư mà. Đã là luật sư thì sự ray rứt vì hối hận mạnh hơn chúng ta nhiều.
Sau ba cái chết liên tiếp của tù nhân, cùng thái độ thù hằn và không chút thương xót của quản giáo làm cho anh em ý thức được rõ thân phận của mình đích thị là những tù binh. Anh em cũng ý thức được, giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại vẫn còn một hố sâu thăm thẳm của hận thù. Trước mắt anh em, những ngày bị giam cầm chắc chắn sẽ còn kéo dài; kéo dài đến bao lâu, có lẽ chỉ có những người lãnh đạo tối cao trong bộ chính trị của trung ương đảng đang sống ở Hà nội mới biết được.
Mọi người bắt đầu lo toan cho cuộc sống dài hạn trong tù. Đáng lo nhất là cái ăn hàng ngày. Thực phẩm do cách mạng “ban cho” thì quá thiếu thốn nên sức khỏe của anh em giảm sút rõ rệt, cần phải “tăng gia sản xuất” để “cải thiện” bữa ăn. Đó là những từ mới mà anh em học được ở quản giáo và bộ đội.
Tất cả các miếng đất trống đều được chia cho các tổ để trồng rau. Những con đường bị thu nhỏ lại vừa đủ một người đi để lấy thêm đất mà canh tác. Dụng cụ làm đất chỉ là những que sắt lượm được trong trại vì vậy phải bỏ ra rất nhiều công sức thì đất hoang mới trở thành những luống rau được.
Đất đỏ vùng nầy chỉ tốt cho cây công nghiệp như cao su, cà phê nhưng không tốt lắm cho rau cải. Vì vậy phân bón rất cần thiết. Nguồn phân bón duy nhất ở đây là chất thải hàng ngày của anh em. Cái thứ hôi hám đó bây giờ trở nên rất quí giá. Mỗi tổ đều có một cái thùng hay cái chậu lượm được trong khu gia binh mang về đặt trước thềm để đựng nước tiểu. Cả trại có một cầu tiêu công cộng thô sơ. Khi ra đó thì thường mỗi người phải mang theo một vật dụng hứng lấy chất thải của chính mình mang về đổ vào hố ủ phân trong miếng đất “tăng gia” của tổ.
Trong thời gian gần đây, có lẽ bên ngoài hàng hóa đã được lưu thông, nên cứ một hai ngày, khẩu phần anh em lại có thêm cá biển. Đó là những đống cá đã bắt đầu ươn sình, toán trực làm nhà bếp không biết nấu cách nào nên chia cho các tổ tự lo lấy. Thế là trong các phòng ở, xuất hiện một cách kín đáo những bếp nhỏ để nấu thức ăn. Anh em giành giật nhau những cây khô, những tấm ván mục bên trong khuôn viên trại để làm củi đốt. Mỗi lần ra bên ngoài để làm lao động, mỗi người đều “tranh thủ” kiếm ít củi, giấu trong áo mang về phòng.
Có cá sống mang về tổ rồi thì phải có dao cắt nó ra. Thế là anh em moi móc khắp nơi, tìm những mảnh sắt về mài để làm dao. Có người còn tìm được hay chế tạo ra cả cưa, đục, kềm, búa nữa. Anh em dùng những dụng cụ nầy để chế ra nhiều vật dụng cần thiết, và những món đồ chơi xinh xắn với hi vọng sau nầy có dịp gởi về cho con. Vì vậy, trong những ngày chúa nhật và giờ hết lao động, khắp nơi vang lên những tiếng gõ, tiếng đục ồn ào.
Quản giáo chỉ cần đi một vòng quan sát là nhận ra ngay có quá nhiều vật dụng bằng sắt mà tù nhân có thể sử dụng làm vũ khí được. Hơn nữa vùng nầy trước đây là một căn cứ quân sự và từng là chiến trường ác liệt nên có thể đạn dược bom mìn và cả súng ống nữa còn nằm lại đâu đó trên mặt đất. Những ông tù binh nầy đều là sĩ quan của một quân đội thiện chiến nên nếu họ thu lượm và tàng trữ những thứ đó trong trại thì thực là nguy hiểm. Làm thế nào đây? Quản giáo ra thông báo buộc mang tất cả sắt thép và chất nổ lên văn phòng. Lệnh truyền như thế nhưng không chắc tù nhân thi hành triệt để.

Cuộc sống bị giam cầm kéo dài từ ngày nầy qua ngày khác trong một không gian chật hẹp làm cho mọi người chán ngán, Thỉnh thoảng nếp sống cũng thay đổi một chút khi mọi người được nghỉ lao động để lên hội trường học chính trị đôi ba ngày. Trước đây, anh em nôn nao được học chính trị vì cho rằng sau khi học thì được ra về với gia đình. Bây giờ, ai cũng biết rằng mỗi người đều đã nhận lãnh một bản án bí mật do Hà nội định đoạt nên việc học chính trị bây giờ không còn là cánh cửa mở ra để thoát khỏi nhà tù nữa, mà chỉ là một sự tẩy não thuần túy mà thôi. Vì vậy, trên hội trường, anh em thờ ơ ngồi im chịu đựng cái giọng chát chúa của giảng viên trong máy phóng thanh mở với công suất tối đa.

Một buổi sáng, khi anh em vừa thức dậy, anh đại diện chạy bay xuống các dãy nhà, la to nhiều lần:
- Chuyển trại đi nơi khác anh em ơi. Chúng ta chỉ có mười phút để thu gom đồ dùng rồi ra tập họp nhanh ở sân trước của văn phòng quản giáo. Nhanh lên anh em ơi, đoàn xe sắp tới rồi.
Khắp các dãy nhà bùng lên tiếng reo hò mừng rỡ. Không cần biết sẽ đến đâu, cứ đi khỏi nơi nầy là vui thích lắm. Ở đây chán lắm rồi. Cả ngàn con người trong một khu đất chật hẹp, ngày nầy qua ngày kia, chỉ trông thấy những dãy nhà xấu xí, những đám rau cải xanh khăm khắm mùi phân người. Rời khỏi nơi đây, đó là điều mọi người đều mong muốn. Anh em thiết tha thay đổi chỗ ở dù cho chỗ sắp đến là đồng hoang cỏ cháy hay chốn thâm sơn cùng cốc.
Chưa đầy mười phút sau, mọi người đã ra khỏi phòng. Chiếc túi đựng dụng cụ cá nhân của mỗi người đều to hơn lúc mới đến đây vì nó chứa thêm một số đồ vật nhặt được trong các nhà ở của các gia đình binh sĩ trước đây. Các tổ lần lượt di chuyển lên văn phòng quản giáo. Mọi người đều tỏ vẻ hân hoan, cố gắng đi thực đúng hàng để làm vui lòng quản giáo. Có lẽ, các ông quản giáo nầy sẽ cùng đi với anh em đến chỗ ở mới, làm vui lòng họ thì hi vọng họ sẽ dễ dãi với anh em ở nơi sắp đến.
Khi tất cả tù nhân đã tập họp xong đầy đủ, quản giáo trưởng nói to trong loa cầm tay:
- Các anh kéo giãn đội hình ra.
Có tiếng thì thào:
- Kéo giãn đội hình là làm cái gì?
Tiếp theo là tiếng giải thích:
- Là đứng xa nhau ra. Nhanh lên. Đứng cách xa để lên xe cho nhanh. Có lẽ xe sắp đến rồi.
Vài phút sau tiếng bước chân lào xào chấm dứt, chỉ còn tiếng bàn bạc rì rào mà thôi. Mọi người đều muốn nói lên phỏng đoán của mình về chỗ ở sắp đến.
Giọng quản giáo trưởng trong loa lại vang lên:
- Các anh im lặng ngồi xuống tại chỗ, mở bao hành trang ra, sắp xếp tất cả mọi thứ trên mặt đất.
Tiếng động lào xào cùng tiếng rì rầm lại vang lên. Tân nghe giọng nói nho nhỏ sau lưng mình:
- Soạn ra thế nầy để làm gì? Nếu xe tới làm sao lên cho kịp.
Có tiếng người khác trả lời:
- Phải khám để biết chúng ta đem thứ gì đến chỗ ở mới chứ. Có lẽ về thành phố mới khám kỹ trước khi lên đường chứ lần di chuyển trước có khám gì đâu. Biết đâu chúng ta được đưa trả về Sài gòn.
Một tiếng cười khẩy tiếp theo là giọng nói mỉa mai:
- Đừng có mơ mộng như thế. Chuyến nầy thì ra tận miền thượng du Bắc Việt mà cải tạo đến già đầu.
Tiếng nói của quản giáo trưởng trong loa lại vang lên:
- Các anh im lặng, nghe lệnh tiếp theo đây. Bây giờ các anh cởi áo và quần dài ra. Chỉ mặc một quần ngắn và ở trần.
Mọi người vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng nhanh chóng làm theo lệnh. Vài phút sau tiếng loa tiếp tục phát ra:
- Được rồi. Các anh cuộn áo quần để xuống đất và ngồi yên tại chỗ. Cảnh vệ bắt đầu làm việc đi. Thu gom tất cả sắt thép và chất nổ. Dù lớn, dù nhỏ không chừa một món nào cả.
Những chú bộ đội đã đứng sẵn tự lúc nào trong văn phòng, vội bước ra, mỗi người cầm một cái bao, hùng hổ xông vào khám xét và thu lượm. Dao, cưa, đục, búa, kềm, những món đồ chơi xinh xắn làm từ vỏ đạn, lần lượt chui cả vào những chiếc bao.
Cuộc khám xét chấm dứt, các cảnh vệ ì ạch mang những chiếc bao nặng trĩu vào văn phòng.
Quản giáo trưởng ra lệnh:
- Các anh mặc áo quần vào, dọn dẹp đồ đạc vào túi rồi ngồi im tại chỗ.
Nữa giờ sau, ông ta ra lệnh:
- Các anh đứng dậy. Lần lượt các tổ trở về chỗ ở của mình, cất đồ đạc và đi làm lao động.
Sau vài giây ngạc nhiên, anh em lặng lẽ, lủi thủi về phòng.
Chỗ ở của anh em vừa bị lục tung. Sạp nằm bị lật lên, những bếp con bị quăng ra sân, nhiều nơi mặt đất bị đào xới.
Định đứng nhìn một phút rồi phá lên cười rũ rượi. Một vài người khác cũng cất tiếng cười bi thương.
Tân đau khổ nói:
- Thôi đi, anh Định.
- Cả một tập thể trí thức ưu tú, nào là kiến trúc sư, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, nào là cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ... còn mấy tay luật sư nữa. Vậy mà bị đánh lừa một cú thực là ngoạn mục. Thế là bây giờ cả trại chẳng còn một con dao nào nữa nhé. Trưa nay, nếu nhà thầu đem cá đến thì anh em mình dùng răng mà cắn ra từng miếng rồi nhúm lửa lên mà nướng nghe chưa?
Trí đáp lời:
- Không, chúng ta sẽ dùng những viên đá để đập cho nát cá ra. Chúng ta đang đi ngược lịch sử văn minh của loài người. Hôm qua chúng ta sống ở thời đại đồ sắt, hôm nay sang thời đại đồ đá.
Định quay lại hỏi to:
- Rồi ngày mai?
- Ngày mai, chúng mình sẽ trở thành một lũ vượn người!
Lần này, mọi người cùng cười vang vui vẻ rồi vào phòng dọn dẹp và sắp xếp trở lại.
Nhờ dùng mưu kế nên quản giáo và cảnh vệ đã tịch thu toàn bộ sắt thép của tù nhân chất thành một đống to tướng ở văn phòng. Ngay ngày hôm sau, những anh em đi lao động bỏ công tìm kiếm và lén mang về những mảnh sắt vụn để làm lại những con dao, những lò nấu; không bao lâu sau, sinh hoạt trở lại bình thường.


*
* *


Sau một thời gian dài ngưng hoạt động, nhà máy điện ở Long khánh chạy trở lại. Quản giáo ra lệnh cho anh em đóng tiền mua bóng đèn và dây điện mắc quanh rào để lính gác dễ phát hiện người trốn trại. Mỗi dãy nhà cũng được gắn ba bóng đèn thắp sáng đến nửa đêm.
Từ khi có ánh sáng ban đêm, dần dần hình thành những “câu lạc bộ nước trà”. Một hai anh em lén đưa tiền nhờ cảnh vệ ra chợ mua trà rồi hàng đêm nấu ấm nước sôi trên lò nhỏ làm bằng tôn. Anh em nhâm nhi nước trà và tâm tình với nhau đến lúc có kẻng báo giờ ngủ mới giải tán. Tân và Định tham gia vào một câu lạc bộ ở tổ kế bên.
Trong lúc uống nước trà, anh em thường kể cho nhau nghe những câu chuyện trong quá khứ, hầu hết là những kỷ niệm về chiến tranh. Có những chuyện thực hào hùng trên chiến trường ngập khói súng, có những chuyện thực thương tâm trong những ngày tàn của chế độ mà anh em từng phục vụ.
Trong cái câu lạc bộ mà Tân và Định tham dự, có Tấn là người ham kể chuyện nhất. Tấn là trung úy đại đội trưởng của sư đoàn Năm Bộ binh. Trong những ngày miền Nam sắp thất thủ, đại đội của anh được lệnh rút về bảo vệ cho bộ tư lệnh sư đoàn ở Lai khê thuộc tỉnh Bình dương.
Một hôm, Tấn kể cho anh em nghe một chuyện rất thương tâm:
- Vào cái ngày cuối cùng đó, đại đội của tôi ra sức chận những cuộc tấn công biển người của cộng quân. Trước mặt tôi, đã có hai chiếc xe tăng của chúng nó bị bắn cháy. Cộng quân tạm thời rút lui vào một làng gần đó. Tôi đoán chừng, chúng đang củng cố lực lượng để tràn ngập tuyến phòng thủ nầy, đánh chiếm bộ tư lệnh sư đoàn thì mới thẳng đường về thủ đô được. Vì vậy tôi ra lệnh cho cả đại đội ở tại hố cá nhân của mình và nếu không chận được địch thì phải chết trong hố đó. Những ngày vừa qua, tin thất trận khắp nơi dồn dập đưa về, nhưng anh em trong đại đội tôi, từ sĩ quan đến binh sĩ đều thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Thình lình thiếu úy Ái trong đại đội tôi hét lên: “Trung úy ơi, tổng thống đầu hàng rồi. Ông ra lệnh cho quân đội buông vũ khí. Trời ơi, tức chết đi được. Tại sao lại đầu hàng? Tại sao không hi sinh cho Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng?” Cậu ta mếu máo, một tay cầm súng, một tay cầm cái máy thu thanh nhỏ phóng chạy về phía tôi trong khi trong làng, Việt cộng bắt đầu thụt súng cối ra để chuẩn bị tấn công. Tôi thét bảo thằng binh sĩ mang máy truyền tin liên lạc gấp với cấp trên. Nó gọi liên tục một lúc khá lâu. Lúc đó, súng nhỏ trong làng bắt đầu khai hỏa. Thằng binh sĩ đưa ống nghe của máy truyền tin cho tôi, bảo rằng cấp trên muốn liên lạc trực tiếp với tôi. Tôi nghe giọng tiểu đoàn trưởng vừa nói vừa khóc, bảo rằng đại tá tư lệnh vừa bắn vào đầu để tự sát. Trước khi chết, đại tá bảo các sĩ quan có mặt ra lệnh cho toàn thể sư đoàn bỏ vị trí nầy. Ai muốn đầu hàng theo lệnh của Sài gòn thì buông súng, ai muốn về miền Tây lập chiến khu chiến đấu thì cứ đi. Riêng đại tá tư lệnh thì không thể đầu hàng, cũng không thể chống lại lệnh của tổng thống vì theo hiến pháp thì tổng thống là tổng tư lệnh tối cao của quân đội. Vì vậy đại tá tự tử, sau khi đứng nghiêm để chào lá quốc kỳ lần cuối cùng. Tôi vội vàng quay lại thông báo với mọi người có mặt. Thiếu úy Ái nhảy lên và gào một cách thảm thiết: “Trời ơi là trời! Đại tá chết rồi sao? Tại sao lại tự tử? Tại sao lại đầu hàng? Xương máu của biết bao chiến sĩ đã đổ ra để bây giờ chúng ta đầu hàng sao? Trung úy, tôi đi trả thù cho đại tá tư lệnh đây. Trung úy tìm cách nói với ba má và anh chị tôi rằng hôm nay là ngày giỗ của tôi.” Nói xong, thiếu úy Ái nhảy ra khỏi hố cá nhân phóng về phía làng.
Tấn ngừng nói, rót nước ra chén. Mọi người ngồi nghe rất hồi hộp. Định khịt mũi rồi hỏi:
- Thiếu úy đó có bị bắn chết không?
- Chắc chắn là chết rồi nhưng tôi không thấy rõ. Lúc Ái gào xong, tôi định cản cậu ấy lại nhưng không kịp. Tôi chỉ thấy bóng dáng mảnh khảnh thư sinh của Ái chạy ngoằn ngoèo để tránh đạn, hai tay ôm súng đưa về phía trước. Tôi nhìn theo cho đến khi Ái khuất bóng sau một gian nhà. Tôi quay lại. Cả trung đội vũ khí nặng của Ái đều ôm mặt khóc ngất. Tôi ra lệnh cho xạ thủ đại liên trong trung đội của Ái bắn lên cao tất cả ba thùng đạn về phía làng để vĩnh biệt thiếu úy Ái rồi cho anh em quăng súng, ai muốn đi đâu thì đi.
Tấn đưa tay áo chặm vào mắt mình. Định hỏi:
- Sau đó anh có tìm đến gia đình thiếu úy Ái để báo tin theo lời trối trăng của anh ấy không?
- Có, tôi biết địa chỉ của ba má Ái và có đến nhà ở Tân định nhưng nhà bị niêm phong. Cả gia đình đã kịp di tản một ngày trước khi miền Nam thất thủ. Tôi tự hứa với lòng rằng, cho đến khi tôi tìm được ba má hay anh chị của Ái để báo tin thì hàng năm, tôi vẫn làm đám giỗ cho Ái vào cái ngày anh ấy tuẫn tiết.
Định thở dài:
- Anh làm đám giỗ vào ngày đó thì sẽ có rất nhiều anh em mình về hưởng chứ không riêng gì thiếu úy Ái.
Tấn nối lời một cách sôi nổi:
- Phải rồi, anh Định nói đúng. Ngày đó có nhiều người tuẫn tiết, cấp bậc nào cũng có, tư lệnh quân đoàn, tư lệnh sư đoàn và rất nhiều sĩ quan khác nữa.
Tấn nói tiếp với giọng ngậm ngùi:
- Hơn nửa năm rồi mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe văng vẳng lời nói của Ái: “Xương máu của biết bao nhiêu chiến sĩ đã đổ ra để ngày nay chúng ta đầu hàng hay sao?” Tất cả chúng ta đây đã đầu hàng, đều là những kẻ hèn nhát đáng khinh. Cũng may, miền Nam nầy còn có những người như thiếu úy Ái, như đại tá tư lệnh sư đoàn Năm, vân vân, mà vong linh của hàng triệu anh hùng tử sĩ dưới suối vàng cũng đỡ tủi được phần nào. Không biết lịch sử có ghi nhận những cái chết oanh liệt và bi thương đó hay không?
Định lắc đầu, giọng chua chát:
- Không đâu, lịch sử là của kẻ chiến thắng. Việt Nam Cộng hòa đại bại rồi thì cũng sẽ biến mất luôn trong lịch sử.
Buổi uống nước trà chấm dứt với nỗi buồn thấm thía.
*
* *


Anh đại diện Hải chạy nhanh xuống các khối để báo tin là anh em được viết lá thư đầu tiên gửi về nhà. Trước khi viết thư, mọi người phải xuống hội trường để nghe hướng dẫn nội dung được viết.
Mọi người reo mừng và vội vàng xuống tập họp thành hàng ngũ chỉnh tề trong hội trường. Quản giáo trưởng bước lên bục thuyết trình. Sau vài lời ca tụng cách mạng rồi chửi rủa chế độ cũ đúng với thông lệ, ông ta phổ biến một số qui định nghiêm nhặt cần phải tuân thủ khi viết thư. Đại khái, thư phải thực ngắn, phải ca tụng cách mạng, ai có gần chết cũng nói mình khỏe mạnh, có buồn rầu thúi ruột cũng phải nói mình vui vẻ phấn khởi. Và cuối cùng khuyên nhủ gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của cách mạng. Quản giáo trưởng cũng cho biết số “hòm thư”, tức là địa chỉ, và mỗi gia đình được phép gửi một lá thư phúc đáp.
Mọi người trở về phòng và cắm cúi viết thư. Viết xong, người nầy đưa cho người kia đọc để góp ý xem có vi phạm qui định hay không. Có tổ còn tập họp thành vòng tròn, nghe từng người đọc lá thư của mình gửi cho vợ để mọi người thẩm định theo đúng với lập trường cách mạng! Nhìn thấy cảnh nầy, Định than thở với Tân:
- Anh em mình đang sống theo mẫu mực của chủ nghĩa xã hội, nghĩa là sống hoàn toàn với tập thể, không còn chỗ nào là riêng tư nữa. Con người rồi sẽ trở thành một bầy thú vật, hành động đồng loạt theo lệnh của người chăn thú.
Hơn mười ngày sau khi thư được kiểm duyệt và gửi đi thì những lá thư hồi âm bắt đầu đến trại. Lúc anh Hải đưa xuống ba lá thư đầu tiên để phát cho ba người may mắn nhất thì cả dãy phòng đều nhốn nháo. Kể từ hôm nó, ngày hai lần, anh đại diện mang thư xuống phát và ngày hai lần, tiếng reo vui vang dậy khắp các dãy nhà. Tất cả các bao thư đều bị cắt sẵn do bị kiểm duyệt. Khi một người được thư thì cả tổ xúm lại hỏi thăm tin tức bên ngoài.
Trong tổ mình, Tân nhận được thư trước tiên. Nhìn nét chữ mềm mại của Thùy Liên ngoài bao thư, Tân vô cùng xúc động. Lá thư thực ngắn ngủi và khô khan. Tân còn nhớ trước đây, thư của Thùy Liên bao giờ cũng dài và rất hay, có lần Tân gọi đó là những bức thư tình tuyệt tác. Bây giờ lá thư như một đống sỏi khô khan mặc dù Tân biết rằng trong gần một năm xa cách Thùy Liên có hàng ngàn điều tha thiết, hàng vạn nỗi nhớ nhung để nói với chồng.
Sau khi đọc xong lá thư, thấy cả tổ hỏi thăm, Tân nói:
- Bên ngoài cũng được học tập kỹ như chúng ta trong nầy vậy. Đây, thư của vợ tôi, các anh cứ đọc. Trong chủ nghĩa xã hội, có lẽ những lá thư không có gì khác nhau.
Thư về mỗi ngày một nhiều hơn. Năm ngày qua, cả tổ của Tân đều nhận được thư gia đình ngoại trừ tổ trưởng mà thôi. Anh em đều ngạc nhiên còn Định thì tỏ ra hết sức lo lắng. Anh tâm sự với Tân:
- Tôi để ý thấy các anh em có gia đình ở Sài gòn đều nhận được thư trong hai ngày đầu. Ba ngày sau, hầu hết là thư ở các tỉnh xa gửi đến. Vợ con tôi ở Sài gòn, tại sao giờ nầy, tôi chưa nhận được thư? Không lẽ vợ con tôi đã trốn đi ngoại quốc rồi sao? Không, khi tôi chia tay để đi trình diện học tập thì vợ tôi không hề tỏ ra ý đó.
Định hạ thấp giọng như nói với chính mình:
- Biết đâu cô ta đã quyết định như thế. Gần một năm rồi, xã hội bên ngoài bị cuốn hút trong một cơn cuồng phong làm thay đổi tất cả thì tâm tính con người cũng có thể bị lung lay tận gốc. Môi trường sống chắc chắn ảnh hưởng mãnh liệt đến sự suy tư của mỗi người.
Tân nghe bạn nói thì chỉ biết im lặng chứ biết nói gì với con người trí thức nầy.
Bỗng Định ngẩng lên, mắt lóe ra chút hi vọng. Từ xa, có bóng đại diện Hải bươn bả đi xuống. Tân nhìn kỹ, trong tay anh ta không có phong thư nào cả. Anh dừng trước phòng la to:
- Phan văn Định, lên văn phòng trình diện quản giáo.
Định đứng phắt dậy, giọng thảng thốt:
- Chuyện gì vậy?
- Không biết. Quản giáo gọi anh trình diện ngay.
- Có mang theo áo quần không?
- Không, nếu cần thì về lấy sau cũng được.
Tân lo lắng cho bạn nên hỏi đại diện:
- Anh Hải có đoán được việc lành hay dữ không?
Hải nhíu mày:
- Đoán sao nổi. Mấy cha đó mặt lúc nào cũng lạnh như tiền, không khi nào biểu lộ chút tình cảm thì làm sao biết được. Bộ đội ngoài Bắc vào ai cũng thế. Có lẽ, sống một thời gian trong chủ nghĩa xã hội, con người không còn tình cảm nữa. Thôi, anh Định nhanh lên, quản giáo đợi anh trên đó.
Định mặc vội quần áo và đi ngay.
Đây là lần đầu tiên có người bị quản giáo gọi đích danh lên văn phòng. Vì vậy tất cả anh em trong tổ và nhiều người khác tổ xúm lại bàn tán sôi nổi. Mỗi người đưa ra một giả thuyết để giải thích lý do. Các lời đoán lành có dữ có và ai cũng trông ngóng Định trở về.
Độ nửa giờ sau, Định xuất hiện ở đầu dãy nhà làm văn phòng và thong thả đi về, nét mặt có vẻ thản nhiên. Nhiều người lên tiếng hỏi, nhưng Định không trả lời ngay mà cười chúm chím đi vào nhà, thủng thẳng cởi quần áo bên ngoài ra, chỉ còn mặc một quần ngắn mà thôi.
Tân nổi cáu, gắt:
- Chuyện bí mật lắm hay sao mà kín miệng vậy?
- Có gì đâu mà kín miệng. Chuyện rất ngộ nghĩnh và lạ lùng nên tôi muốn kể tỉ mỉ cho các anh nghe. Phải cởi áo quần cho thoải mái thì kể mới lý thú.
Định ngồi vào sạp gỗ, cả tổ bu chung quanh. Anh bắt đầu:
- Tôi lên văn phòng thì anh quản giáo trưởng bảo tôi ngồi vào ghế trước bàn làm việc của anh ấy rồi vào đề ngay: “Chúng tôi đã cho anh học mấy khóa chính trị rồi và yêu cầu anh khai báo thành thực, tại sao anh còn giấu giếm?” Nghe xong, tôi quá ngạc nhiên, không biết ông nầy muốn nói điều gì đây. Quả tình tôi hơi sợ vì nghĩ rằng ở ngoài đời có thể có đứa nào đó thù ghét mình mà đi vu cáo. Lập tức tôi xét lại những người mà mình đã quen biết, nhưng không thể nghi ngờ ai cả. Tôi là thằng thầy giáo chỉ làm nghề dạy học thôi thì đâu có gây thù chuốc oán với ai. Mặc dầu lo sợ, tôi cố giữ vẻ bình tĩnh để trả lời: “Không, thưa anh, tôi không có ý giấu giếm điều gì với cách mạng cả. Trong các bản lý lịch và tự khai mà tôi đã làm, tất cả bạn bè, bà con xa gần, tôi đã kể ra tất cả, tài sản của gia đình, tiền lương hàng tháng, nhẫn cưới và đồng hồ đeo tay của hai vợ chồng tôi đều đã khai tất cả, không sót một thứ gì”.
Trí cười sằng sặc:
- Đúng rồi, chúng ta đã khai tất cả, chỉ trừ việc ban đêm ngủ với vợ thế nào là chưa khai ra thôi.
Tân cự nự:
- Thôi đừng nói bậy nữa. Để anh Định kể tiếp nào.
Định gật đầu:
- Vâng tôi xin kể tiếp câu chuyện. Tôi vừa nói xong thì anh quản giáo gằn giọng: “Không, tôi không nói những thứ đó. Tôi bảo anh giấu giếm chúng tôi thứ quan trọng hơn. Anh vẫn còn ngoan cố”. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy tức giận nên hóa liều. Tôi hơi to tiếng: “Tôi xin long trọng lấy danh dự xác nhận với anh một lần nữa là tôi không ngoan cố giấu giếm điều gì cả. Có lẽ có ai đó thù oán vu cáo cho tôi. Nếu đúng như thế thì anh không nên kết tội tôi vội vàng mà phải về địa phương tôi ở mà thẩm tra lại cho chính xác. Tôi tuy là sĩ quan nhưng đã được biệt phái về dạy học nhiều năm rồi thì tôi chẳng có gì để phải giấu giếm các anh. Nhất định tôi đã bị vu cáo. Xin anh hãy cho tôi biết kẻ nào đã tố cáo tôi và cho tôi đối chất với người đó”. Ông quản giáo tiếp tục gằn giọng: “Anh muốn biết người tố cáo phải không? Được rồi, tôi cho anh biết. Nhưng người đó không tố cáo anh mà không biết vô tình hay cố ý tiết lộ điều anh muốn giấu giếm mà thôi. Người đó chính là vợ anh! Chị ta tưởng có thể qua được đôi mắt tinh tường của cách mạng!”
Anh em đang ngồi nghe, buộc miệng thốt lên:
- Trời đất!
Định nói tiếp:
- Lúc đó tôi bủn rủn tay chân, ú ớ một lúc mới nói ra được câu hỏi vô duyên: “Thực vậy sao?” Anh quản giáo độp lại liền: “Sao lại không thực. Anh cho rằng tôi nói dối anh à? Tôi có bằng chứng hẳn hòi!”. Tôi cúi đầu, hơi thở dồn dập. Tôi cảm thấy rất mệt nhọc. Vợ tôi vu khống tôi thực sao? Nàng đã phản bội tôi một cách khủng khiếp như thế sao? Nàng muốn tôi vĩnh viễn bị giam cầm hay bị xử tử trong tù hay sao? Ừ nhỉ, bây giờ, mình làm thân kẻ chiến bại. Ngoài đời hiện nay có biết bao nhiêu người từ ngoài Bắc vào, từ trong rừng ra với danh hiệu rất vẻ vang là “anh hùng giải phóng”! Nhưng còn thằng Đạt, con trai tôi, kết quả của tình yêu nồng thắm giữa nàng và tôi, cục vàng cục ngọc của vợ chồng chúng tôi? Năm nay, cục vàng cục ngọc đó vừa được ba tuổi. Nàng phản bội tôi để đi theo một vị “anh hùng giải phóng” và có dẫn nó đi theo không hay là quăng nó ở đầu đường xó chợ nào rồi? Tôi đau buồn quá và muốn chết đi ngay tức thì. Có lẽ, với gương mặt bí xị, tôi rất giống với một tên tội đồ đang hối hận nên ông quản giáo nói với giọng ôn tồn: “Anh nên biết rằng cách mạng và đảng ta thì cực kỳ độ lượng. Có tội chết mà thành thực hối lỗi thì cũng được khoan hồng. Anh đã học chính trị rồi và phải hiểu điều đó. Thôi, hãy thành thực khai báo đi”. Tôi ngẩng lên hỏi: “Anh bảo tôi khai cái gì?” Ông quản giáo giữ giọng ôn tồn: “Khai về cái hầm bí mật chứa vũ khí hay chứa tài liệu gì đó trong nhà anh”. Hầm bí mật? Tôi như người bị quăng từ trên mây xuống đất. Tôi cố gắng bình tĩnh để nhận định việc gì đã và đang xảy ra. Hầm bí mật trong nhà? Không, nhất định vợ tôi không dại gì vu cáo tôi như thế. Nàng là người có học, đã tốt nghiệp đại học sư phạm thì nàng phải hiểu rằng vu cáo tôi một cách cụ thể như thế thì lập tức người ta sẽ đến nhà tôi và biết ngay đó là một điều láo khoét. Không, nhất định vợ tôi không làm chuyện quá ngu ngốc như thế. Tôi thấy mình bình tĩnh và tự tin hẳn ra. Tôi ngồi thẳng dậy, nói to với một giọng cương quyết: “Thưa anh, vợ tôi không bao giờ vu cáo cho tôi như thế. Tôi không tin có chuyện nầy”. Ông quản giáo hơi giật mình, mặt có sắc giận nên xẵng giọng: “Anh không tin à? Anh cho rằng tôi nói dối anh à. Đây, anh xem chữ của ai đây?”. Ông quản giáo kéo hộc bàn ra, cầm một phong thư đưa lên. Một lần nữa, tôi lại bủn rủn tay chân. Trời ơi! Nét chữ mềm mại và thân yêu của chính vợ tôi. Chữ thực đẹp và hơi cầu kỳ với nhiều đường cong kéo dài đặc biệt là chữ “Đ” ở đầu tên tôi thì bao giờ nàng cũng viết thực nắn nót với nét chữ uốn lượn, tôi nhìn thoáng qua là nhận ra ngay. Ông quản giáo hạ phong thư xuống, hỏi tôi: “Nhận ra chữ của ai chưa?” Tôi cố nín hơi để trả lời: “Vâng, đúng chữ của vợ tôi, nhưng ai đã nhét cái gì vào trong phong thư đó?” Ông quản giáo cười gằn: “Trong đó chỉ có một lá thư của vợ anh thôi. Đây, tôi cho anh xem lá thư nầy thì anh mới chịu thành thực khai báo”. Ông ấy quăng phong thư cho tôi. Tôi móc ngay tờ giấy bên trong ra đọc ngấu nghiến. Đây, lá thư thế nầy đây, tôi đọc để các anh nghe cho vui.
Định đứng dậy, đến chỗ treo áo trên vách, móc ra một lá thư, trở về chỗ ngồi và đọc to:
- Sài gòn ngày….Thôi, đoạn đầu bỏ qua vì vợ tôi cho hay hai mẹ con đều khỏe mạnh, sau đó là những lời ca tụng cách mạng, nghe mãi đến phát ngấy rồi. Đây, chỗ nầy, anh em nghe được. “Anh ạ, Anh có nhớ chú Bảo không? Đó là chú họ của em, trước là trung sĩ đóng ở Bình dương, bây giờ về thuê nhà gần nơi ở của chúng mình. Em và chú Bảo tìm mãi mà không thấy cái nắp hầm cầu. Nếu có mặt ở nhà, anh biết ngay cái nắp ở chỗ nào thì những thứ cất kỹ dưới đó được giải quyết ngay. Cuối cùng phải đục thủng tấm đậy và ban đêm, đợi thiên hạ ngủ hết mới có thể thủ tiêu mấy thứ cất kỹ bấy lâu nay xuống ống cống. Bây giờ khỏe rồi, không phải lo lắng khổ sở nữa.”
Định ngừng đọc, xếp lá thư lại và cười to:
- Mọi thứ rắc rối là ở cái hầm cầu không tìm được nắp và những thứ cất kỹ dưới đó. Vợ tôi có tính hay bông đùa, người trí thức nào mà chẳng có tính đó. Nếu nàng nói thẳng tên những thứ dưới hầm thì tôi đâu có bị quản giáo trưởng hành hạ suốt hơn nửa giờ.
Tân cũng cười theo:
- Sau khi đọc thư xong, anh giải thích cho quản giáo hiểu và được cho về với lá thư oan nghiệt nầy phải không?
Định gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi cố giải thích cho anh ấy hiểu nhưng cũng không dễ dàng lắm đâu. Anh ta không thể hình dung được là cầu tiêu lại làm ngay trong bếp của mỗi nhà.
Quát buộc miệng:
- Trời hỡi! Ở miền Bắc không có cầu tiêu tự hoại à? Anh ấy là thượng úy, một sĩ quan thuộc về loại khá mà không biết loại cầu nầy hay sao?
- Ông ấy không hề biết, thực là lạ lùng và khó tin. Nếu không phải là chuyện của tôi thì tôi cũng không thể tin được. Ông ấy giảng giải rằng ở quê Nghệ an của ông ta chỉ có “hố xí hai ngăn” để lấy phân bón ruộng. Đi đâu rồi cũng rán về nhà mà đi tiêu để khỏi phải phí mất cục phân. Bọn tư sản miền Nam...
Quát ngắt lời:
- Đó là ở Nghệ an. Còn ở những thành phố lớn, các nhà không trồng trọt thì sao, nhà cầu thế nào?
Định trả lời:
- Ở thành phố thì có những cầu tiêu công cộng, phân được hứng trong các thùng và mỗi ngày có người đến đổ và chở ra ngoại ô để bón ruộng.
Quát vỗ tay:
- Đúng rồi, có lần tôi nghe những người lớn tuổi nói ở Sài gòn trước kia cũng có loại cầu tiêu nầy, những đó là thời xưa lúc dân chúng còn rất lạc hậu. Bây giờ, tuy bị chiến tranh triền miên mà miền Nam cũng đã bỏ quá xa cái thời lạc hậu đó rồi. Thế mà miền Bắc với mấy chục năm hòa bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội mà trình độ xã hội vẫn dậm chân tại chỗ hay sao?
Trí, tự nãy giờ im lặng, bây giờ mới chen vào:
- Không phải dậm chân tại chỗ mà còn đi thụt lùi nữa.
Định trừng mắt:
- Thôi đi, các cha hãy giữ mồm giữ miệng một chút.
Trí cãi lại:
- Mình nói lên sự thực cho nhau biết chứ đâu có bày đặt chuyện để đã kích ai đâu. Ở đây chúng mình với nhau, lại đều là người có học, không lẽ chịu để cho sự thực bị bóp méo hay sao? Xã hội văn minh lại bị xã hội lạc hậu đánh bại. Nghĩ cũng phi lý và đau đớn. Tức thật!
Tân ngắt lời:
- Đừng có tức, trong lịch sử nhân loại, chuyện nầy cũng đã xảy ra nhiều lần rồi. Dân tộc văn minh bị người lạc hậu đánh bại rồi cai trị là chuyện thường. Thí dụ, trong lịch sử Trung hoa, nhà Tống và nhà Minh là hai triều đại văn minh lại bị rợ Mông cổ và rợ Mãn châu từ miền Bắc đánh bại và người Hán đành chịu làm nô lệ trong mấy trăm năm.
Định góp lời:
- Hay hay, ông giáo sư sử địa mang cả lịch sử của Trung hoa ra để dẫn chứng cho sự kết thúc chiến tranh Việt Nam. Nhà Nguyên của Mông cổ và nhà Thanh của Mãn châu, sau đó cũng bị Hán tộc đồng hoá, cởi bỏ lớp áo lạc hậu để khoát vào lớp áo văn minh của Hán tộc. Tôi hi vọng điều đó có thể lặp lại với đất nước của chúng ta hiện nay.
Quát nói:
- Nghĩa là miền Bắc sẽ bớt lạc hậu khi sống chung với xã hội miền Nam. Nếu thế thì công cuộc gọi là giải phóng nầy cũng có chỗ đáng gọi là có ích.
Trí ngắt lời:
- Được như vậy là may. Tôi sợ miền Nam bị lôi tuột xuống ngang hàng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì thực là khốn nạn cho cả hai miền.
Định khoát tay, nói to:
- Thôi, chuyện của ngày mai thì hôm nay làm sao biết được. Tốt hơn hết là nên hình dung tương lai bằng cặp mắt lạc quan. Cứ nghĩ toàn chuyện đen tối sắp tới thì chỉ làm khổ cho những cái đầu nhạy cảm của chúng ta mà thôi, chứ có ích lợi gì đâu.
Sau câu nói rất hữu lý đó của tổ trưởng, anh em không bàn cãi nữa.


*
* *



Việc đập phá khu gia binh kế cận diễn ra trong vòng hai tháng liên tiếp thì hoàn tất. Cái hôm đứng nhìn căn nhà cuối cùng bị đập cho sụm xuống, Định buồn bã nói với Tân:
- Chiến tranh đã phá nát biết bao nhiêu thứ của miền Nam rồi. Tưởng rằng một khi đã im tiếng súng thì người ta lập tức bắt tay vào để xây dựng. Ai ngờ hòa bình rồi mà người ta cho lệnh đập phá như thế nầy. Chiến tranh đã làm cho cả hai miền Nam Bắc của chúng ta kiệt quệ. Hiện nay, biết bao nhiêu người không nhà không cửa trong khi hàng ngày chúng ta được lệnh đập phá những căn nhà quí giá nầy. Nếu không cấp cho dân thì cứ giữ lại để làm các trại chăn nuôi, sản xuất lương thực thì có lợi biết bao. Không biết những ông lãnh tụ miền Bắc muốn gì sau khi chiếm được miền Nam của chúng ta.
- Anh Trí nói với tôi rằng sư đoàn Mười tám nầy có đến hai mươi khu gia binh và biết bao nhiêu là nhà cửa của bộ tư lệnh sư đoàn. Có lẽ hầu hết đã bị đập phá như khu trước mặt mình đây. Tôi nghĩ rằng việc đập phá không phải chỉ riêng ở đây. Từ ngày miền Nam được “giải phóng” cho đến nay, người ta đã cho lệnh đập phá không biết bao nhiêu thứ trên đất nước nầy. Thực đáng tiếc, thực đáng tiếc cho miền Nam thân yêu của chúng ta.
Sau câu nói đó, hai anh ra tập họp để điểm danh và về trại.
Những ngày sau đó anh em ở tại trại vì không còn nhà để đập phá nữa.
Có lẽ sợ anh em ở không lâu ngày sẽ sinh biến nên các quản giáo nặn óc ra tìm việc cho anh em làm lao động. Bên trong trại thì chẳng có việc gì để làm vì khu đất quá nhỏ đối với cả ngàn người sống trong đó. Cần phải cho anh em thay nhau, mỗi ngày có một số ra ngoài làm việc. Trong nhiều ngày, quản giáo dẫn anh em đi phá phi đạo ở sân bay của tỉnh, gỡ những tấm vĩ sắt mang về chất đống và bán cho dân. Công việc thường kéo dài suốt ngày, buổi sáng mang cơm đi, buổi chiều cứ hai người vác về trại một tấm vĩ sắt.
Một buổi chiều, sau một ngày làm việc mệt nhọc, Định rủ Tân đi dạo chơi bên ngoài. Hai người ngồi ở khu vườn rau, gió chiều mát mẻ nhưng có mùi khăm khắm của phân tươi. Không sao, mũi của anh em đã quá quen với mùi đó rồi.
Định gợi chuyện:
- Hôm nay tôi được phân công làm việc chung với bác sĩ Hiền ở khối Một. Anh biết bác sĩ đó không?
- Biết chứ, ông ấy là thiếu tá quân y được biệt phái về làm giám đốc một bệnh viện dân sự. Nghe anh em khen ông ta giỏi lắm.
Định gật đầu:
- Đúng, anh ấy là một bác sĩ tài ba. Trong trại mình có gần ba mươi bác sĩ quân y thế mà ở khối Một có ai bệnh nặng lại phải gọi anh ấy đến. Tất cả bác sĩ đây đều phục tài định bệnh của anh Hiền. Tuy nhiên, định được bệnh mà không có thuốc trị thì cũng đành chịu.
- À, có điều tôi thắc mắc là tại sao đây là trại tập trung giam giữ sĩ quan cấp úy mà ông ấy là thiếu tá lại vào đây ở chung với chúng mình. Cấp tá đã trình diện trước và bị đưa đi đâu cả rồi mà.
- Đúng rồi. Hôm nay, tôi có hỏi điều đó. Buổi sáng, ra tới phi trường, quản giáo ra lệnh cho tôi và anh ấy gỡ tấm vỉ sắt nằm ngoài cùng trong vòng hơn một giờ là xong nên hai anh em chúng tôi ngồi chơi trong bóng mát nói chuyện đến xế chiều mới về. Anh Hiền giải thích với tôi thế nầy. Khi cộng quân tiến vào Sài gòn, anh ấy vẫn ở trong bệnh viện. Anh ta là giám đốc nhưng lúc đó đến tận giường để săn sóc bệnh nhân vì hầu hết y tá và bác sĩ đã bỏ nhiệm sở để về với gia đình hoặc trốn đi ngoại quốc rồi. Lúc đó người ta chở vào một số thương binh mặc quân phục bộ đội cộng sản. Hiền đưa ngay lên phòng mổ rồi đích thân giải phẫu và băng bó vết thương. Nhiều người được Hiền cứu sống. Rồi người ta tiếp thu bệnh viện và Hiền tiếp tục làm việc. Khi nghe ủy ban quân quản ra lệnh cho tướng lãnh và sĩ quan cấp tá trình diện học tập thì Hiền vui vẻ từ giã mọi người nhưng ban tiếp quản giữ lại vì công việc quá sức bừa bộn, máy móc của bệnh viện lại quá tối tân, mấy ông bác sĩ quân y của Việt cộng chỉ đứng nhìn thôi. Nhưng mấy ông nầy lại không chịu nhận cái dốt của mình lại buông ra những lời nói hỗn xược, mạ lỵ ngành y miền Nam nên Hiền nản chí và quyết định trốn khỏi bệnh viện để đi trình diện học tập. Lúc đó, thời hạn trình diện cho sĩ quan cấp tá hết từ nhiều ngày rồi và bắt đầu thời hạn cho cấp úy. Hiền khai mình là đại úy để vào điểm tiếp nhận. Cho đến khi lên đây, Hiền mới khai thực mình là thiếu tá quân y.
- Thế tại sao không bị trừng phạt hoặc chuyển đến nơi giam giữ cấp tá.
Định lắc đầu:
- Không phạt đâu vì anh ấy có cái gốc cách mạng to lắm, đáng lẽ được trả tự do lâu rồi những anh ấy không chịu về.
- Lạ nhỉ.
- Ừ chuyện có thực mà ly kỳ y như tiểu thuyết vậy. Ba của Hiền là đại tá quân đội cộng sản.
Tân ngạc nhiên:
- Trời đất! Anh nói sao?
- Ba của Hiền là đại tá trong đoàn quân Việt cộng tiến vào Sài gòn trong những ngày đầu.
- Thế thì may cho anh ấy rồi.
- Không, Hiền đã từ chối cái may đó.
- Tại sao kỳ lạ vậy?
- Đúng là kỳ lạ. Để tôi nói xa một chút về quá khứ thì anh mới rõ. Hiền kể với tôi rằng quê anh ấy ở một tỉnh ở miền Tây. Ba Hiền theo cách mạng từ năm 1945. Lúc đó Hiền mới được năm tuổi. Tới năm 1954, ba của Hiền đi tập kết thẳng ra Bắc còn Hiền về sống với mẹ ở Sài gòn và đi học. Hiền không có chút kỷ niệm nào về cha mình và không còn nhớ mặt ông ấy nữa. Suốt mấy chục năm thơ ấu và trưởng thành, Hiền luôn luôn bảo với mọi người rằng mình không có cha. Làm hồ sơ lý lịch, Hiền đều khai cha là vô danh. Hiền chịu ảnh hưởng của mẹ và ông ngoại nên rất ghét cộng sản. Anh ấy rất thông minh, tốt nghiệp y khoa với hạng rất cao và bị gọi vào quân y rồi sau đó biệt phái về bộ Y tế.
- Làm sao, cái ông đại tá Việt cộng đó biết con mình nằm trong trại cải tạo?
- Chính Hiền cũng không biết tại sao? Anh đoán rằng ông ấy đã về quê hỏi thăm và tìm ra mẹ Hiền ở Sài gòn. Sau đó, nhờ ủy ban quân quản dò trong danh sách tù cải tạo là ra ngay. Ông ấy đã đến tận đây tìm. Quản giáo đích thân xuống trại gọi Hiền lên văn phòng gặp cha là đại tá quân giải phóng. Quản giáo sửng sốt khi nghe Hiền bảo rằng mình không có cha; trong các bản lý lịch trước và sau ngày “giải phóng”, Hiền đều khai cha là vô danh và Hiền giữ nguyên lời khai đó; trên đời nầy, không có người đàn ông nào là cha của Hiền cả. Hiền nhất định không lên gặp ông đại tá đó nên ông ta phải về. Vài ngày sau, ông ấy lên nữa nhưng, cũng như lần trưóc Hiền nhất định từ chối gặp mặt.
- Tại sao, ông đại tá không theo quản giáo xuống trại để gặp mặt con?
- Có thể ông ta tự ái hoặc muốn giữ thể diện trước mặt quản giáo vì ông ấy là đại tá còn quản giáo cao nhất chỉ là thượng úy mà thôi. Cũng có thể nội qui của trại không cho phép bất cứ ai xuống gặp tù nhân tại trại.
- Anh ta hành động có vẻ gàn dở nhỉ.
- Gàn dở hay khí khái? Gàn dở hay tự trọng? Gàn dở hay quá yêu nước? Khó mà định cho thực chính xác được. Nhưng nghe cái giọng kể bùi ngùi, nét buồn mênh mông trên khuôn mặt cực kỳ thông minh thì tôi cho đó không phải là người gàn dở.
Tân thở dài:
- Trong cái mùa “giải phóng” nầy, có quá nhiều chuyện buồn anh nhỉ?
Định lẳng lặng gật đầu.


*
* *



Thấm thoát đã được một năm tròn kể từ khi đến đây. Mọi người đều cam chịu thân phận của mình. Nỗi uất hận của kẻ chiến bại dần dần phai nhạt, nỗi thương nhớ gia đình cũng bớt nung nấu tâm can. Với cuộc sống đầy vẻ thờ ơ nầy, không có sự vi phạm nào đáng kể đối với nội qui của trại.
Một buổi sáng, anh em được lệnh tập họp lên hội trường. Quản giáo trưởng bước lên bục thuyết trình và thay cho những lời chửi rủa quen thuộc thì ông lại tỏ lời khen ngợi anh em. Mọi người đều ngạc nhiên nhưng chẳng ai thấy hân hoan hay vui thích tí nào.
Sau một hồi ca tụng chính sách khoan hồng độ lượng của đảng và nhà nước, ông công bố quyết định của cấp trên cho phép gia đình đến thăm anh em tại trại. Lập tức bùng nổ tiếng reo hò mừng rỡ, từ lâu lắm rồi không có trong trại.
Quản giáo trưởng khoát tay ra lệnh cho anh em im lặng rồi đọc lên những điều qui định cho mọi người biết để gủi thư về nhà. Cuộc thăm viếng sẽ bắt đầu đúng hai tuần lễ nữa và diễn ra trong vòng bốn ngày liên tiếp. Từ đây đến đó, anh em phải làm cho xong một cái nhà ở ngoài cổng, trong đó anh em sẽ ngồi mà nói chuyện với thân nhân của mình.
Từ hội trường về, anh em cắm cúi viết thư. Các kỹ sư và kiến trúc sư lại được phân công làm cái nhà thăm nuôi trong thời hạn là hai tuần, nhưng chỉ mới hai ngày là xong. Sau đó anh em tận dụng mọi thứ có trong trại để trang hoàng cái nơi mà mình sẽ được ngồi nói chuyện với người thân.
Hai tuần lễ chờ đợi chậm chạp trôi qua. Những thân nhân đến trong ngày đầu tiên hầu hết là những người đang sinh sống trong khoảng từ Long khánh đến Sài gòn, trong đó có gia đình của Định và Tân.
Từ sáng sớm, Tân đã mặc bộ áo quần mà anh đã giặt sạch từ mấy ngày trước rồi xếp lại cho vào dưới cái bao dùng làm gối. Đó là bộ áo quần còn sót lại trong hai bộ mang theo. Bộ kia đã vứt bỏ từ lâu, bộ nầy thì còn dùng được nhưng đã rách lỗ chỗ nhiều nơi. Tuy vậy, mặc áo quần vào, lấy tay vuốt dọc theo thân áo và hai ống quần, Tân cảm thấy bỗng nhiên mình sang trọng hẳn lên. Nguồn vui biến mất cả năm trời rồi, nay trở về làm cho Tân thấy lòng phơi phới.
Vừa nghe tiếng gọi tên mình trên loa, Tân vọt ra khỏi phòng và chạy ra cổng. Phòng thăm nuôi đã có khá đông người ngồi chờ. Anh đứng sững lại. Thùy Liên, Thùy Dung và Hòa bình bằng xương, bằng thịt trước mặt chứ không phải là những hình bóng mờ mờ ảo ảo trong những giấc mơ của suốt hơn một năm rồi.
Thùy Liên cũng đứng im nhìn chồng sững sờ, trong khi hai đứa bé nhào tới ôm cứng hai chân của cha.
Tân cúi xuống nâng cả hai đứa lên, hôn lấy hôn để vào hai khuôn mặt ốm và xanh xao.
- Anh Tân!
Nghe tiếng gọi của vợ, Tân đặt hai đứa trẻ xuống đất, bước lên một bước. Thùy Liên, đưa cả hai tay ra. Tân nắm lấy hai bàn tay mềm mại và nhìn sững khuôn mặt tiều tụy của nàng. Từ khóe mắt của Thùy Liên, hai giọt nước to lóng lánh trào ra, lăn dài xuống đôi má. Nàng nghẹn ngào:
- Anh Tân, anh có khỏe không?
- Anh vẫn khỏe như trước kia vậy.
- Không, anh nói dối em. Trông anh không khỏe đâu.
Nàng đưa bàn tay vuốt nhẹ dài theo cánh tay của chồng, giọng vẫn đầy nước mắt:
- Anh ốm lắm. Áo anh rách cả rồi. Em đáng trách lắm phải không anh? Khi anh đi, em không chuẩn bị đầy đủ cho anh nên anh phải chịu thiếu thốn hơn một năm rồi.
Tân an ủi vợ:
- Không, em không đáng trách tí nào đâu. Lúc đó mình cứ nghĩ là chỉ đi học mười ngày thôi mà.
Thùy Liên thút thít:
- Em nhớ, lúc đó hết mười ngày rồi mà anh chưa về, mẹ con em gần như điên cuồng, em chạy khắp nơi để hỏi thăm nhưng chẳng được giải đáp gì cả. Đúng là những ngày….
Nàng giật mình ngừng nói vì một tiếng thét to:
- Nầy hai anh chị kia, nghe bảo nầy!
Tân quay lui. Một chú cảnh vệ, trông còn trong tuổi vị thành niên, vai mang súng AK, đứng dạn chân, mắt trợn trừng, miệng hét to với giọng miền ngoài nặng chình chịch nghe thực khó chịu:
- Mấy người không biết nội qui thăm nuôi sao? Vào rồi thì phải tìm ngay chỗ ngồi để nói chuyện chứ không được đứng nghênh ngang giữa phòng cản trở người khác. Muốn tớ đuổi ra hay không đấy?
Nói xong, chú cảnh vệ quay ra cổng với dáng điệu cố tình ra vẻ là người có quyền. Tân nắm lấy tay hai con cùng vợ đi về cuối phòng và ngồi trên một băng dài đã được anh em đóng một cách thô sơ nhưng chắc chắn.
Tân hậm hực:
- Giọng nói xấc xược và thái độ ngạo mạn của thằng cảnh vệ oắt con thực là đáng ghét. Ở đây, tụi nó đều như vậy cả. Thường ngày anh chẳng thèm để ý, hôm nay thấy nó hỗn hào với em, anh muốn nện cho nó một trận cho hả giận.
Thùy Liên bóp chặt tay chồng:
- Đừng anh ạ, phải cố nhịn đi. Bên ngoài, em và mọi người cũng phải chịu đựng như các anh trong nầy vậy thôi. Họ đã phải chịu khổ, chịu chết quá nhiều rồi mới được chiến thắng. Họ hống hách, ngạo mạn thì cũng là điều bình thường.
Thùy Liên thấy chồng im lặng, mặt chưa hết sắc giận nên thỏ thẻ:
- Anh Tân, anh là ông thầy giáo đã quen sống với những đứa học trò hiền lành ngoan ngoãn của anh rồi, bây giờ thấy những đứa, tuổi chỉ bằng học trò của anh mà hỗn láo xấc xược thì nổi giận cũng phải. Nhưng anh phải cố nhịn. Họ là người chiến thắng. Họ có súng còn mình tay không mà. Em và các con mong anh về từng ngày, từng giờ. Anh phải cố gắng chịu đựng để có ngày về với mẹ con em.
Nàng ngưng nói, lấy khăn chặm vào mắt làm Tân rất xúc động. Anh nói:
- Không, em đừng lo. Vì có mặt em và thấy nó ăn nói xúc phạm đến em nên anh nổi giận một tí thôi. Thường ngày anh vẫn chịu đựng rất tốt. Cái lẽ sống duy nhất của anh bây giờ là được về gần gũi em và các con. Tất mọi thứ khác, dù cao quí đến đâu anh cũng vứt hết nếu nó cản trở cái lẽ sống duy nhất đó của anh.
Thùy Liên dịu dàng nhìn mặt chồng và nhắc lại:
- Em và các con mong anh từng ngày từng giờ. Em và các con thương yêu anh vô cùng vô tận.
Nàng quay lại hai đứa bé:
- Phải không hai con?
Thùy Dung nghe mẹ nói nhảy lên ôm cổ cha:
- Phải phải, con thương ba, em Hòa Bình cũng thương ba. Ngày nào chúng con cũng mong ba về với chúng con.
Tân cầm bàn tay nhỏ xíu của con gái:
- Con ngoan lắm. Ở nhà con có đi học không?
- Có, con học hết lớp hai rồi. Con sắp lên lớp ba. Cô giáo khen con học giỏi nhất lớp và hát hay nữa.
Tân siết chặt con vào lòng:
- Vậy hả? Con biết hát bài gì?
- Bài Giải phóng miền Nam, bài Ai yêu bác Hồ chí Minh hơn chúng em nhi đồng. Còn nhiều bài nữa.
- Còn em Hòa Bình?
- Em đi bán với mẹ nên không biết hát.
Tân quay về phía Thùy Liên, hơi sửng sốt:
- Tự nãy giờ cứ nói chuyện đâu mà chưa hỏi việc sống của mấy mẹ con ra sao. Em và con đi buôn bán à?
Thùy Liên trả lời một cách thản nhiên:
- Em phải đi buôn bán mới có cái ăn cho con chứ.
- Em buôn bán thứ gì?
- Đủ thứ. Ai bán thứ gì rẻ thì em mua rồi bán lại. Áo quần, giày dép, xà bông, kem đánh răng, vân vân.
- Ở đâu có những thứ đó?
- Phần nhiều là đồ cũ do miền Nam sản xuất và vẫn còn. Anh ở trong nầy không thể ngờ được. Trong những năm chiến tranh tàn phá ác liệt, mình cứ ngỡ dân trong Nam cực khổ hơn ngoài Bắc. Hòa bình rồi mới biết miền Bắc nghèo nàn, dân chúng cơ cực không thể nào tưởng tượng được.
Thùy Liên xích lại gần chồng và nói nho nhỏ:
- Trước đây, mình thường nghe nói cộng sản bần cùng hóa nhân dân, bây giờ nghe người ta mô tả cảnh sống ở miền Bắc mới biết lời nói đó không sai chút nào. Lúc đầu cán bộ và quân giải phóng chóa mắt vì của cải ở miền Nam. Thế là đua nhau hốt mang về Bắc. Máy may, truyền hình, truyền thanh, tủ lạnh, xe máy, xe hơi, vàng bạc, vải vóc, soong nồi, tuôn về Bắc như thác đổ. Các xe của cán bộ, của đảng chạy vào thì đầy người, chạy ra thì đầy vật dụng. Chính mắt người bạn gái em thấy xe của ông phó chủ tịch nước về Bắc chở theo ba cái máy truyền hình. Nó nói rằng chở ba cái là quá ít; ông phó chủ tịch nước ngang hàng với ông phó tổng thống của miền Nam trước kia. Thế là con buôn đường dài từ Bắc vào Nam cũng rộ lên. Họ thu mua hàng hoá trong Nam chở ra Bắc để bán. Cán bộ và bộ đội thì chở đồ lấy được từ các công sở và các nhà đã bỏ đi ngoại quốc. Con buôn thì chở đi những thứ mua được từ các gia đình còn ở lại. Họ không đủ thời giờ đi thu mua nên cần đến một số người sẵn tiền đi từng nhà thu mua rồi bán lại cho họ, có lời khá lắm. Chính em dẫn con trai mình đi làm việc đó. Em thường mua được nhiều hơn người khác. Có nhiều người soạn sẵn đồ dùng và chờ em đến mới bán.
Tân chăm chú nghe vợ nói. Đến đây anh mới chen lời:
- Nếu anh ở ngoài mà gặp người thu mua có gương mặt và giọng nói như em thì anh sẵn sàng mang cả bàn thờ tổ tiên ra để bán.
Thùy Liên cười khúc khích:
- Hơn một năm rồi, hôm nay em lại được nghe cái giọng khôi hài dễ thương của anh. Em nói tiếp cho anh nghe để anh yên tâm về sự sống của mẹ con mà lo học tập cho tốt để chóng về. Lúc đầu em có nhiều tiền làm vốn nên việc thu mua khá dồi dào.
- Tiền ở đâu vậy?
- Anh quên món tiền chị Hai gởi cho mình trước khi xuống tàu ra ngoại quốc sao?
- À, anh nhớ rồi.
- Nhưng sau khi đổi tiền thì kể như mất hết.
Tân ngạc nhiên:
- Sao lại mất hết? Đổi tiền cũ lấy tiền mới mà?
Thùy Liên lắc đầu:
- Chính phủ cách mạng gọi là đổi tiền, thực chất là tịch thu và chỉ cho lại mỗi gia đình một chút ít để mua gạo và nước mắm sống qua ngày.
Tân tức giận:
- Thế là ăn cướp chớ đổi tiền gì.
Thùy Liên vuốt nhẹ bàn tay của chồng:
- Đừng tức giận anh ạ. Em đã nói với anh rồi. Kẻ chiến thắng có thể làm mọi chuyện đối với người chiến bại. Ăn cướp nhưng vẫn còn cho lại một chút để sống cũng là có nhân đạo lắm rồi.
Tân thở dài:
- Vậy là em hết tiền buôn bán, làm sao mấy mẹ con sống được?
Thùy Liên mỉm cười:
- Nhà nước chỉ hiếp đáp được dân lành và chất phác thôi chứ làm sao áp chế được con buôn. Tháng tư 1975, miền Nam bị cách mạng đánh gục về quân sự. Đến ngày đổi tiền, miền Nam bị cách mạng đánh gục luôn về kinh tế. Sinh hoạt trong dân chúng bị tê liệt đúng theo đường lối của cách mạng nhưng con buôn lại hoạt động mạnh hơn.
- Tiền bị tịch thu gần hết thì con buôn làm sao hoạt động?
- Tiền ngoài Bắc đổ vào.
- Nhưng em làm gì có tiền Bắc?
- Con buôn ngoài đó vô ứng trước cho em. Họ ôm tiền vào, lựa một số ít người trong nầy tín nhiệm được thì giao tiền để thu mua. Em là một trong số người được sự tín nhiệm đó.
Tân cười, trở lại giọng khôi hài:
- Nhờ có cách mạng mà một cô y tá rất tận tụy trong quân y viện trở thành một nhà buôn bán sừng sỏ trong thương trường. À anh quên hỏi em. Bên quân y hay bên y tế có gọi em vào làm việc trở lại không?
- Có một lần gọi nhưng em không trở lại làm.
- Họ gọi đích danh em và em từ chối?
Thùy Liên mỉm cười:
- Nếu bị gọi đích danh thì em đâu có dám từ chối. Họ chỉ thông báo trên đài phát thanh thôi nên em lờ đi.
- Tại sao em không trở lại làm việc?
- Anh hỏi em như thế là vì anh ở trong nầy không hiểu tình hình ngoài đó. Đi làm với họ là để cho họ bóc lột tàn tệ. Tiền lương may lắm chỉ đủ cho riêng em sống vật vờ còn hai con thì lấy gì mà ăn. À có chuyện nầy rất quan trọng em phải nói kẻo hết giờ thăm nuôi.
Tân ngạc nhiên:
- Chuyện quan trọng sao em không nói trước mà đợi đến bây giờ?
- Em biết chuyện nầy sẽ làm anh xúc động mà không nghe hết hoàn cảnh sống của mẹ con em trong hiện tại.
- Chuyện gì vậy, em nói đi.
- Em đã gặp anh Vinh.
Tân giật mình:
- Anh Vinh nào?
- Anh ruột của anh từ ngoài Bắc vào.
Nếu không tự kềm chế kịp thì Tân đã nhảy dựng lên rồi. Anh nói trong hơi thở hổn hển:
- Em gặp lúc nào?
- Hơn một tháng rồi.
Tân bỗng nhìn thẳng trước mặt, cặp mắt như đờ đẫn ra trong một phút rồi quay lại hỏi Thùy Liên một cách dồn dập:
- Anh Vinh còn sống à? Anh Vinh vào Nam rồi à? Anh Vinh vào với đoàn quân giải phóng phải không? Anh ấy mang cấp bậc gì rồi? Tại sao bây giờ em mới gặp?
- Không, anh Vinh không phải là bộ đội. Anh ấy là cán bộ được Hà nội cho hồi kết để vào xây dựng bộ máy cầm quyền trong Nam. Anh ấy vào sớm lắm, có lẽ từ lúc anh chưa đi trình diện học tập nhưng đâu có biết anh ở đâu mà tìm. Anh Vinh đã bỏ ra nhiều công sức, đi hỏi rất nhiều nơi cuối cùng gặp được cái chị gì đó lúc trước đưa anh vào chiến khu.
Tân nói vội:
- Chị Chi! Chị ấy còn sống à?
- Anh còn nhớ tên chị ấy sao? Mười mấy năm nay sống ở Sài gòn, anh có gặp chị ấy không?
- Không hề gặp. Thế mà chị ấy vẫn theo dõi anh, ghê thực. Em thấy anh Vinh thế nào? Có mạnh khỏe không?
- Khỏe, trông rất giống anh nhưng già hơn anh nhiều lắm.
- Già hơn anh nhiều lắm? Em nói gì lạ vậy? Anh Vinh chỉ hơn anh có bốn tuổi thôi mà.
- Em nói thực đó, già hơn anh đến trên mười tuổi. Ở miền Bắc khổ lắm nên con người chóng già. Khổ về vật chất đã đành rồi, khổ về tinh thần mới thực sự làm cho người ta chóng già.
- Em nói gì lạ vậy, anh Vinh mà khổ à? Về vật chất thì cán bộ như anh Vinh làm sao khổ được? Về tinh thần, anh ấy là con cưng của đảng. Anh ấy hoạt động cho cách mạng từ thuở nhỏ, bị bắt cầm tù rồi được trao trả tù chiến tranh và tập kết ra Bắc. Chắc chắn, anh ấy đã trở thành một cán bộ cao cấp, có khi là ủy viên cấp tỉnh cũng nên.
Thùy Liên lắc đầu:
- Hình như anh Vinh chẳng phải là cán bộ cao cấp gì lắm. Nếu là cán bộ cao cấp thì phải đi bằng xe hơi riêng và có tài xế lái đi chứ. Đằng nầy anh ấy đi đến với một chiếc xe gắn máy cũ mèm. Em rất ngạc nhiên thấy anh ấy có vẻ buồn chứ không tỏ ra phấn khởi hồ hởi hoặc hống hách như mấy ông quân quản.
- Anh Vinh đến nhà tìm em à?
- Dạ phải. Anh ấy đến buổi sáng lúc em đi vắng nên để giấy lại hẹn chiều đến. Giấy ký tên là Vinh mà không nói rõ là anh ruột của anh. Tuy không biết Vinh là ai nhưng trưa về đọc xong tờ giấy em cũng ở nhà chờ đợi. Khoảng bốn giờ thì anh ấy đến. Em đang ngồi trước chiếc bàn làm việc của anh. Lúc nào ở nhà, em cũng thích ngồi nơi đó để nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc của mình. Em nhìn ra thấy một người đàn ông đi xe gắn máy đến, chậm rãi dựng xe, tắt máy rồi bước vào. Em đứng lên cúi đầu chào. Người ấy hỏi em bằng giọng nửa Bắc nửa Nam: “Đây phải là nhà của chú Tân không?”. Em đáp phải. Ông ta hỏi tiếp: “Cô là gì của chú Tân?”. Em bực mình. Người lạ sao mà ăn nói sỗ sàng bất lịch sự như thế. Em sực nhớ ở ngoài miền Bắc người ta đả phá phép lịch sự vì cho đó là của tư sản. Nếu ông ấy từ Bắc vào thì em tiếp chuyện còn nếu là người của miền Nam thì em tìm cách mời ra khỏi nhà. Em không trả lời mà hỏi lại: “Thưa ông, có phải ông vừa mới ở ngoài Bắc vào không ạ?” Ông ấy trả lời: “Vâng, tôi ở ngoài Bắc vào đây công tác. Tôi tìm nhà chú Tân mấy tháng nay. Cô là gì của chú Tân?” Lúc đó em mới trả lời: “Tôi là vợ của anh Tân”. Ông ấy nhìn sững làm em phát sợ rồi nói nho nhỏ: “Thực vậy à? Thằng Tân có vợ rồi à? Ông ấy nhìn xuống thấy thằng Hòa Bình đang đeo chân em, nên bảo: “Con nó đây phải không? Y hệch thằng Tân lúc còn ở ngoài làng. Ba mươi năm rồi còn chi.” Ông ta ngẩng lên nói với em: “Cô là vợ của thằng Tân à? Tôi là Vinh, anh ruột của nó đây”. Em nghe nói thì vô cùng xúc động. Em nắm lấy tay ông ấy mà nói: “Anh là anh ruột của anh Tân à? Em là em dâu của anh đây”. Em thấy anh Vinh nhắm mắt lại một chút rồi mở mắt ra, rưng rưng lệ. Anh ấy cúi xuống bế thằng Hòa Bình lên rồi hỏi em: “Có phải thằng Tân đi học tập cải tạo rồi không?” Em bỗng cảm thấy lo sợ vì anh Vinh dù sao cũng là một cán bộ ngoài Bắc vào, có nghĩa là người của phía chiến thắng còn chúng ta là của phía chiến bại, nên em chỉ gật đầu để xác nhận mà không nói gì thêm. Anh Vinh nhìn em, nói như gằn giọng: “Tại sao thằng Tân và cô không trốn ra nước ngoài để bây giờ phải đi cải tạo thế nầy?”
Tân chăm chỉ nghe nhưng đến đây, không dằn được tiếng thốt:
- Trời hỡi!
Thùy Liên cười:
- Lúc đó em cũng thầm kêu trời như anh vậy. Rồi bỗng nhiên em cảm thấy lo sợ. Phải chi lúc đó, anh Vinh mắng chửi chúng mình là đồ phản dân hại nước, đồ ôm chân thực dân đế quốc thì em đỡ phải lo sợ vì em đã quen nghe như vậy, vì biết người ta đã gọi đích danh mình và mình chỉ cần im lặng là yên thân. Đằng nầy anh Vinh không mắng chửi lại trách mình không trốn đi để tiếp tục “ôm chân đế quốc Mỹ” thì thực là lạ lùng và đáng lo. Có lẽ nhìn thấy nét mặt đầy lo sợ và nghi ngờ của em nên anh Vinh đoán được ý em. Anh ấy cười khẩy: “Tôi nói thật đó, cô không tin tôi à? Cô tưởng tôi là công an đến đây thử lòng cô hay sao? Không, tôi là anh ruột của thằng Tân đây, tôi nói thật đó. Hơn hai mươi năm rồi, tôi mới nói được một câu thật lòng. Hai mươi năm sống trong giả dối, lúc nào cũng mong được về miền Nam để nói lên một lời thực bụng”. Lúc đó em sực nhớ ra là anh Vinh và em vẫn còn đứng trên bệ cửa nên em mời anh ấy vào nhà ngồi và pha nước mời uống. Tới giờ Thùy Dung đi học về nên em vội chạy sang nhà bác Sĩ nhờ đi đón con. Em trở về ngồi nói chuyện với anh Vinh. Anh ấy hỏi anh và em làm gì trước ngày giải phóng. Em cho biết nghề nghiệp của chúng mình. Anh ấy bảo rằng ở miền Bắc, hai ngành giáo dục và y tế bị đối xử bạc bẽo nhất nhưng lại được đề cao dữ dội nhất. Y sĩ và giáo viên lúc nào cũng được nhà nước cho ăn bánh vẽ. Anh Vinh nhìn quanh trong nhà, thấy ngổn ngang đồ đạc, hỏi em làm gì với lắm thứ thế nầy. Em trả lời là thu mua để bán lại. Anh gật gù bảo: “Được, buôn bán mà sống cho qua ngày nào hay ngày ấy. Chui vào cơ quan nhà nước, nếu không phải là cán bộ cao cấp có đặc quyền đặc lợi thì chỉ có đói rách mà thôi”.
Tân ngạc nhiên:
- Đặc quyền đặc lợi? Đó là cái từ mà người ta gán cho miền Nam trong các bài học chính trị để chửi rủa chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Miền Bắc cũng có đặc quyền đặc lợi nữa à.
Thùy Liên gật đầu:
- Dạ phải, đặc quyền đặc lợi là một trong những từ mà miền Bắc đưa vào để thóa mạ miền Nam. Nhưng ở miền Nam thì làm gì có đặc quyền đặc lợi. Hành động tham nhũng và hối lộ trong nầy bị xem là vi phạm pháp luật và bị trừng phạt. Mọi công dân đều được xã hội đối xử một cách công bình, ai làm việc giỏi thì được lương cao, ai dở và lười biếng thì lương thấp, điều đó quá rõ ràng. Chính ở ngoài Bằc mới có đặc quyền đặc lợi dành cho đảng viên. Ở khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến những vùng rừng núi xa xôi, mọi thứ béo bở đều dành cho đảng viên. Em suy nghĩ thấy trong các bài học chính trị, tất cả những gì xấu xa mà họ dùng để chửi rủa miền Nam thì đều có ở miền Bắc cả. Hình như cái ông viết những tài liệu chính trị đó chưa hề biết miền Nam là gì cả, nên lấy tất cả những gì xấu xa ở miền Bắc viết ra và gán cho miền Nam.
Tân thở dài:
- Thùy Liên ạ, em đừng nhắc đến tài liệu chính trị nữa, anh chán lắm rồi. Anh Vinh có cho em biết vào Nam tạm thời hay lâu dài không? Anh ấy hiện ở đâu?
- Anh Vinh vào nhận công tác luôn trong nầy. Anh ấy là cán bộ của ủy ban cách mạng thành phố, được cấp một cái biệt thự ở đường Cao Thắng, vợ con cũng vào ở đó luôn.
- Ủa, có cả vợ con nữa? Em có hỏi thăm chị và các cháu không?
- Có, chị ấy làm ở thành ủy. Có hai đứa con trai, đứa lớn được mười một tuổi rồi. Anh Vinh bảo rằng rất mong gặp anh nhưng không biết đến bao giờ. Nhắc tới anh là anh Vinh có vẻ xúc động lắm.
- Anh Vinh có biết anh là sĩ quan của miền Nam không?
- Biết chứ. Không phải là sĩ quan thì sao phải đi học tập cải tạo?
- Anh Vinh có tỏ vẻ chê trách không?
- Không. Anh ấy còn bảo tại sao không bỏ trốn đi ngoại quốc nữa kia mà. Anh Tân!
- Gì vậy em?
- Em đọc thấy trong đôi mắt, trong giọng nói của anh Vinh một nỗi chán chường, gần như là bất mãn.
Tân lắc đầu:
- Sao lại như thế được? Anh ấy phải là con cưng của chế độ miền Bắc mà. Anh ấy đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Chắc chắn anh ấy phải có một địa vị cao trong hàng ngũ của đảng cộng sản.
- Nếu quả thực anh ấy là đảng viên thì có lẽ đó là người đảng viên duy nhất mà em có cảm tình, không phải chỉ vì anh ấy là anh chồng của em. Ngoài cảm tình ra em còn thấy một cái gì đó hơi tội nghiệp, đáng thương hại.
Tân cười thành tiếng:
- Em quên rằng anh Vinh là một cán bộ cao cấp à? Mới giải phóng xong, hai vợ chồng vào Nam xây dựng chính quyền, chồng thì xây dựng nhà nước, vợ thì xây dựng đảng, cả hai đều ở cấp thành phố. Em đi thương hại cho hai anh chị ấy à? Em nên dành cái lòng thương hại đó cho những người đang bị họ thống trị.
Thùy Liên vuốt vai Tân, giọng nhỏ nhẹ thực dễ thương:
- Đừng hằn học như thế anh Tân ạ. Anh Vinh là anh ruột của anh, người ruột thịt duy nhất còn sót lại trên đời nầy. Anh thường nói với em như thế mà. Anh Vinh nhớ thương anh nhiều lắm, em cam đoan như thế với anh.
Tân thở dài:
- Anh nói thế thôi chứ anh cũng nhớ thương anh Vinh vô cùng. Bao nhiêu năm nay, có bao giờ anh quên anh ấy đâu. Thuở còn thơ dại, hai anh em đã mất cả cha lẫn mẹ, được anh đưa vào Nam rồi mất luôn cả anh. Anh đã được anh Vinh đùm bọc, lớn lên và đi học trong cái thành phố to lớn của miền Nam. Như thế làm sao anh không thương nhớ anh Vinh cho được.
Tân chép miệng và nói tiếp:
- Hai mươi ba năm xa cách rồi chứ có ít đâu. Bây giờ gặp nhau có còn thân thiết như xưa không? Chiến tranh qua rồi nhưng ảnh hưởng đau thương của nó kéo dài không biết đến bao giờ?
Tân ngừng nói vì trong loa có tiếng động rột rẹt rồi một giọng nói nặng nề trong đó phát ra:
- Đợt thăm nuôi chấm dứt. Thân nhân hãy ra về và anh em cải tạo vào trại ngay, không được chậm trễ.
Trong nhà thăm nuôi, mọi người uể oải đứng dậy. Tân và Thùy Liên cũng đứng dậy theo. Thằng Hòa Bình ôm chặt lấy cha mếu máo:
- Ba, ba, chừng nào ba về với con? Con thích ba về với con bây giờ. Con không chịu ba ở lại đây đâu. Ba, ba, về với con nghe ba!
Tân cúi xuống bế con trai lên siết chặt vào lòng. Anh nhìn sang một bên thấy Thùy Liên ôm mặt khóc nức nở. Thùy Dung cũng rấm rứt khóc theo mẹ.
Ba mẹ con dắt díu nhau ra cổng. Tân đứng im nhìn theo cho đến khi một cảnh vệ đến đập mạnh vào vai:
- Anh nầy vào đi. Bắt đầu đợt thăm nuôi tiếp theo.
Tân lững thững xách giỏ đồ tiếp tế đi vào như một kẻ mất hồn.


*
* *


Những ngày sau đợt thăm nuôi, các “câu lạc bộ uống trà” ban đêm trở nên rôm rả hơn, vì có trà ngon, đường, và bánh kẹo do gia đình đưa vào. Anh em chuyện trò khuya hơn thường lệ nhờ quản giáo dễ dãi, không bắt anh em phải giải tán sớm.
Chao ôi, có biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe. Hơn một năm anh em sống biệt lập trong trại cải tạo nầy thì xã hội bên ngoài thay đổi đến tận gốc rễ. Những người cách mạng gọi đó là cuộc “đổi đời”. Ở thôn quê thì chẳng có gì gọi là đổi đời, cuộc sống cơ cực trong chiến tranh nay cũng vẫn cơ cực trong hòa bình. Tuy nhiên trong các thành phố, quả thực là đổi đời. Từ một cuộc sống sung túc và tự do nay đổi thành cuộc đời thiếu thốn và bị siết chặt bởi quá nhiều qui định của ủy ban quân quản, của ủy ban nhân dân cách mạng, của công an các cấp, vân vân.
Hôm đầu tiên câu lạc bộ họp lại, Trí vừa nhóm bếp vừa nói:
- Bữa nay, anh em hãy cho tôi khai trương câu lạc bộ với một món ăn rất đặc sắc. Hai hôm rồi, tôi cố nhịn thèm để đến hôm nay mới khui ra trước mặt anh em.
- Cái gì mà nói nghe quí giá thế?
- Kẹo đậu phộng! Thứ nầy, trước ngày “giải phóng” chẳng ai thèm cho vào miệng nhưng bây giờ chỉ cần trông thấy là nước bọt đã tuôn ra rồi.
Định nói tiếp:
- Đâu phải riêng chúng ta ở đây thôi đâu. Xã hội bên ngoài bây giờ trở nên vô cùng thiếu thốn. Một ít hàng hóa còn tồn đọng trong Nam thì tuồn ra Bắc hết.
Quát nối lời:
- Thực là nghịch lý. Trong những năm chiến tranh, đời sống sung túc đầy đủ, hòa bình rồi thì thiếu thốn cơ cực.
Tân cười:
- Tài liệu chính trị nói rằng miền Nam sống trong sự phồn vinh giả tạo.
Định cười khẩy:
- Phải rồi miền Nam trước đây sống trong “phồn vinh giả tạo”, bây giờ thì sống trong “cơ cực đích thực” cho giống với miền Bắc. Ở miền Nam, ngay trong những năm chiến tranh, chúng ta vẫn cố gắng duy trì những cơ sở sản xuất để đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Nay hòa bình rồi, những cơ sở đó đều bị quốc hữu hóa rồi ngưng hoạt động. Vợ tôi kể, máy móc bị tháo gỡ, một phần mang về Bắc, một phần vứt bừa bãi trong nhà máy.
Tân hỏi:
- Đó có phải là chủ trương của đảng trong chiến dịch đánh tư sản?
- Phải rồi, bên ngoài đang rất sôi nổi về cái chuyện đánh tư sản do Hà nội ra lệnh.
Trí nhíu mày:
- Đánh tư sản là thế nào?
Định cười to:
- Mới học về chiến dịch đánh tư sản trong đợt học chính trị vừa rồi mà quên rồi à?
Trí cười bẽn lẽn:
- Mấy ngày học đó tôi ngủ gục từ đầu đến cuối giờ nên có nghe gì đâu. Bây giờ, anh Định làm giảng viên giải thích lại nghe chơi.
Định gật đầu mỉm cười:
- Được, “đồng chí” lắng nghe tôi giảng đây. Miền Nam trước đây theo tư bản chủ nghĩa, phần lớn tư liệu sản xuất như nhà máy, vốn liếng nằm trong tay những người gọi là tư sản mại bản. Bây giờ cách mạng thành công rồi, giai cấp vô sản lên nắm chánh quyền, phải lấy lại toàn bộ tư liệu sản xuất đó, đồng thời đập cho bọn tư sản không còn ngóc đầu dậy được. Anh hiểu rõ chưa?
Trí gật đầu:
- Rõ rồi, nhưng đó là tài liệu dạy chính trị còn thực tế thì thế nào?
Quát giành câu trả lời:
- Lý thuyết về mục đích đánh tư sản là như thế nhưng thực tế là điều khác hẳn. Người cộng sản luôn luôn đưa ra một lý thuyết thực là trau chuốt để che đậy một mưu đồ khác hẳn. Ngay cái việc trọng đại và căn bản là giải phóng Miền Nam thì lý thuyết là cởi ách đô hộ của Mỹ nhưng thực tế là bành trướng lãnh thổ cho đệ tam quốc tế.
Định tỏ vẻ đồng tình:
- Rất đúng. Nhưng thôi, chuyện giải phóng miền Nam xong rồi, không bàn tới nữa. Tôi muốn nói tới những điều đang xảy ra trong xã hội tác động trực tiếp đến cuộc sống của vợ con chúng ta.
Trí góp ý một cách sôi nổi:
- Phải phải, đó là điều lo âu của tất cả anh em mình. Anh bảo rằng kinh tế miền Nam bây giờ đã hoàn toàn kiệt quệ. Vợ tôi cũng nói như thế và chắc chắn anh em mình ở đây đều nghe gia đình than thở về điều nầy.
Định gật đầu:
- Đúng vậy. Mặc dù bị chiến tranh và bại trận nhưng kinh tế miền Nam, sau ngày 30 tháng tư năm 1975 vẫn còn mạnh lắm. Tuy nhiên sau cú đánh tư sản do đảng và nhà nước phát động thì nền kinh tế đó hoàn toàn sụp đổ.
- Thực là vô lý. Sau chiến tranh thì cái điều cần thiết nhất là phục hồi kinh tế. Ngay cả một đứa học sinh cũng biết điều đó. Không lẽ những người lãnh đạo ở Hà nội không biết sao?
- Biết chứ sao lại không, nhưng họ cố tình làm ngược lại.
- Làm ngược lại là sao? Là phá hoại nền kinh tế miền Nam đã quá chật vật mới đứng vững được cho hết cuộc chiến tranh à?
Định gật đầu:
- Đúng, họ chủ trương phải phá nát nền kinh tế miền Nam.
- Vô lý! Miền Nam bây giờ là của họ rồi mà.
- Khoan, trước khi có ý kiến về thắc mắc của anh, tôi trở lại chuyện đánh tư sản trước đã. Sau khi Sài gòn thất thủ thì ở miền Nam không còn tư sản nữa. Một số lớn đã bỏ ra ngoại quốc, số còn lại thì cũng biết thân biết phận nên đã hiến nhà máy cho cách mạng.
Tân cãi lại:
- Nhưng tôi biết cũng có nhiều người vẫn giữ lại một vài máy móc và vẫn còn có thể cho hoạt động trong phạm vi gia đình như máy chà gạo loại nhỏ, máy xay bột, vân vân.
- Những người đó không thể gọi là tư sản được. Theo lý thuyết của Marx, tư sản phải là những người có vốn liếng, sắm tư liệu sản xuất tức là máy móc và nguyên vật liệu rồi thuê nhân công để sau đó bóc lột họ. Nhưng bây giờ người ta đánh hết tất cả mọi người có tài sản, dù tài sản đó không phải là tư liệu sản xuất và do chính mồ hôi nước mắt làm ra. Khởi đầu công cuộc đánh tư sản để triệt hạ kinh tế là đổi tiền để thủ tiêu tất cả tài sản bằng hiện kim. Kế đó là kê khai vàng bạc, châu báu trong nhà. Những của quý nào được kê khai thì kể như bị nhà nước quản lý và có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào. Tài sản nào giấu đi không chịu kê khai thì trở thành bất hợp pháp và không thể sử dụng một cách công khai được. Đòn sau cùng và là đòn quyết định, đó là phát động phong trào tố cáo nhau trong dân chúng, công an đi khám xét, tịch thu. Tủ rương bị phá tung, cả vách tường, chậu hoa của nhiều nhà cũng bị đập tan để tìm vàng bạc và châu báu giấu trong đó. Thực là thê thảm hơn cả thời kỳ chúng ta bị Tàu và Pháp đô hộ nữa.
- Hà nội làm như thế với mục đích gì?
Định suy nghĩ một chút rồi giải thích:
- Dựa vào ý kiến của vợ tôi và sự suy nghĩ của riêng tôi thì họ làm như thế vì hai mục đích. Thứ nhất là đền ơn những người đã góp công “giải phóng” được miền Nam. Những người đó đã chịu hi sinh quá nhiều, miền Bắc thì có gì đâu để trả công cho họ. Cho phép họ khám xét các nhà bị tố cáo là tư sản, tịch thu của cải, nhận hối lộ của nhiều nhà để khỏi bị khám xét. Một số cán bộ trở nên giàu to.
- Đó là một hình thức ăn cướp. Còn mục đích thứ hai?
- Mục đích thứ hai thì to lớn hơn, có tính chiến lược. Đó là đập cho tan nát nền kinh tế miền Nam, gấp rút hạ thấp mức sống của dân miền Nam xuống, không để quá chênh lệch với mức sống vô cùng thấp kém của dân miền Bắc. Các nhà lãnh đạo miền Bắc thừa sức hiểu rằng trong hai mươi năm đất nước bị chia cắt, hai miền biến đổi theo hai hướng ngược nhau. Miền Nam, dù sống trong chiến tranh phá hoại, kinh tế vẫn tiến triển đều đều, vô số nhà máy và nhà ở được xây dựng; từ thành thị đến những vùng nông thôn có an ninh, mỗi gia đình đều có nhà cửa tương đối đàng hoàng. Đường sá, điện nước, trường học, mọi thứ đều không thua sút lắm những nước trong vùng Đông nam Á không bị chiến tranh tàn phá. Trái lại, miền Bắc thì quá thảm thương. Vợ tôi nói rằng hầu như mọi kiến trúc đều do người Pháp để lại nhưng đã hư hỏng nhiều. Những gì mới được làm thêm thì tệ lắm. Vợ tôi có cho tôi xem một tấm hình chụp toàn bộ một nông trường chăn nuôi mà miền Bắc hãnh diện. Rõ ràng, nông trường đó không hơn cái trại chăn nuôi gia đình của bạn tôi, một trại chăn nuôi thuộc loại tầm thường trong miền Nam của chúng ta.
Trí ngắt lời:
- Thế mà trong các bài học chính trị cứ nhắc đi nhắc lại từ “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Thực là một trò bịp bợm. Nhưng tôi không hiểu tại sao vợ anh lại có tấm hình đó và hiểu rõ miền Bắc như thế. Có lẽ chị ấy là cán bộ miền Bắc được trung ương đưa vào đây để kể rõ sự thê thảm của miền Bắc để cho miền Nam động lòng thương xót phải không?
Trí nói xong cười hì hì làm cả đám bạn bè cũng cười theo.
Định khoát tay:
- Để tôi giải thích. Vợ tôi là người Bắc di cư đầu năm 1955. Lúc cả nhà xuống tàu vào Nam thì ông anh cả đang còn ở chiến khu Việt Bắc. Khi Sài gòn thất thủ thì anh ta mang lon thượng tá, vào Nam tìm được cô em gái là vợ tôi. Cha mẹ vợ tôi đều chết cả rồi, anh ta nghe tin thì tỏ vẻ thương xót lắm. Tuy là sĩ quan cao cấp của quân đội Bắc Việt nhưng với cô em gái trí thức thì anh ấy cũng tiết lộ một vài sự thực để cô em liệu hồn mà sống với chế độ mới. Sự thực là như vậy, anh Trí hiểu chưa?
Trí chắp tay, giọng khôi hài:
- Thưa anh hiểu rồi. Xin anh nói tiếp về tình hình miền Bắc cho anh em hiểu thêm.
- Trong hai mươi năm qua, miền Bắc rất tệ. Đường sá hư hỏng hết. Nhà cửa thì hết sức thiếu thốn. Nhiều gia đình cùng sống chui rúc trong một căn phố từ thời Pháp thuộc để lại. Chỉ có thủy lợi, tức là dẫn thủy nhập điền thì tương đối phát triển ở đồng bằng sông Hồng, vì chính phủ chú tâm về việc nầy?
Trí lại hỏi:
- Tại sao lại chú trọng riêng về việc nầy?
- Vì dân số tăng quá nhanh không đủ ăn nên đồng ruộng phải làm ba vụ mỗi năm. Theo một định luật về xã hội học, đất nước càng lạc hậu thì dân số càng tăng nhanh, như ở châu Phi, châu Mỹ la tin, Trung hoa, Ấn độ, vân vân.
- Tại sao vậy?
- Hai lý do. Thứ nhất vì người ta không coi trọng sự nuôi dưỡng và săn sóc trẻ em và thứ hai vì thiếu phương tiện giải trí nên vợ chồng lấy chuyện chăn gối làm cuộc vui.
Cả bọn cười xòa. Định nói tiếp:
- Miền Bắc quá cơ cực nên đảng và nhà nước ra sức bưng bít không cho người dân biết nếp sống của xã hội miền Nam vì sợ người dân có thể nổi loạn khi nhìn thấy sự thực. Vì vậy tất cả mọi người ở miền Bắc đều đinh ninh miền Nam còn lạc hậu hơn miền Bắc nữa.
Quát góp ý một cách sôi nổi:
- Phải rồi, lúc chưa đi trình diện, tôi nghe quá nhiều câu chuyện về điều đó. Ngay như ở gia đình tôi cũng vậy. Vợ chồng con cái chúng tôi sống chung với cha mẹ vợ trong một biệt thự bé tí thế mà bộ đội vào bảo rằng đây không thể là nhà của tư nhân được mà phải là của công sở hay của ngoại giao đoàn. Tôi cũng nghe nói khi phái đoàn cao cấp của bộ y tế Bắc Việt đến tiếp thu trường đại học Y khoa trong Chợ lớn thì họ cứ đứng ngẩn ngơ ra mà lắc đầu và nói với nhau: “Cái nhà to thế nầy mà là trường học à? Phi lý nhỉ!” Rồi qua tiếp thu bệnh viện Chợ rẩy thấy các phòng bệnh có máy thu hình thì họ lại lắc đầu và luôn miệng nói: “Phi lý, phi lý!”.
Định gật đầu và nói tiếp:
- Phải rồi, miền Bắc quá nghèo và lạc hậu. Sự chênh lệch giữa hai miền quá rõ rệt. Do đó, cho đến bây giờ thống nhất hơn một năm rồi mà đảng vẫn ra sức ngăn cấm sự qua lại giữa hai miền, ngoại trừ các cán bộ đi công tác và những người được đảng tín nhiệm. Có nhiều người trong Nam muốn ra cho biết miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế nào nhưng không thể nào đi được.
Trí hỏi:
- Nhưng hết chiến tranh rồi, làm sao duy trì mãi sự cấm đoán để bưng bít sự thực?
- Đúng vậy, điều gấp rút mà đảng phải làm là ngăn chận sự phát triển của miền Nam. Trong chiến tranh mà miền Nam vẫn phát triển mạnh thì trong hoà bình sự phát triển sẽ vượt qua miền Bắc đến đâu nữa, làm sao chấp nhận được. Thế là ban chỉ đạo cuộc đánh tư sản vừa rồi tha hồ ra tay đập phá kinh tế miền Nam.
Định ngừng nói, mọi người đều im lặng, không khí bỗng nhiên trở nên nặng nề. Trong trí óc của mỗi người đều có sự tiếc nuối chế độ miền Nam và đau đớn cho sự sụp đổ của chế độ nầy.
Định thở dài và nói với giọng rầu rĩ:
- Tôi đã suy nghĩ liên tục gần một năm nay. Đối chiếu với những lời kể của vợ tôi trong đợt thăm nuôi vừa rồi thì rõ ràng những ý nghĩ của tôi không sai chút nào. Sĩ quan chúng ta là tập hợp phần lớn thành phần ưu tú của xã hội, thế mà chúng ta bị giam giữ không được góp sức xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Quát tham gia ý kiến:
- Lúc đầu tôi cũng có thắc mắc như thế nhưng bây giờ sau khi nghe anh trình bày thì tôi hiểu rõ rằng người ta đâu có cần chúng ta góp công xây dựng vì cộng sản cố tình làm cho miền Nam trở nên lạc hậu cho ngang với miền Bắc. Thế mà tài liệu chính trị dạy mình thì bảo rằng nay đất nước đã thống nhất, hai miền ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, chấn hưng kinh tế để chỉ trong vài năm nữa, chúng ta sẽ trở thành cường quốc vượt qua cả Nhật bản.
Định cười khẩy:
- Lấy ai mà chấn hưng kinh tế. Ở miền Bắc, hơn hai chục năm nay, tất cả mọi người đều được tận dụng để phục vụ cho cuộc chiến ở miền Nam. Chương trình học của học sinh bị rút ngắn để sớm đưa các em ra chiến trường. Trong Nam thì luật tổng động viên đưa một số lớn nhân tài vào quân đội rồi bây giờ bị giam giữ trong các trại cải tạo như là những tội phạm chiến tranh vậy.
Quát nói:
- Chúng ta đâu phải là tội phạm chiến tranh. Theo công pháp quốc tế, tội phạm chiến tranh là người gây ra cuộc chiến tranh và có hành vi tàn ác đối với dân thường. Chúng ta đâu có gây ra chiến tranh mà chỉ tham gia vào một cuộc chiến tranh tự vệ bằng một sắc luật động viên của một chế độ được quốc tế công nhận. Việc giam giữ chúng ta là một hành động phi pháp. Tôi hi vọng một ngày nào đó, người ta thấy được điều đó và sẽ thả chúng ta ra để chúng ta góp phần xây dựng lại đất nước.
- Tôi cũng hi vọng như thế. Và đó là dịp may cho Tổ quốc chúng ta. Tuy nhiên hi vọng đó quá mỏng manh. Đường lối căn bản của cộng sản vẫn là bần cùng hóa nhân dân để phát triển thành phần vô sản. Nhưng thôi, đừng nên hi vọng quá nhiều. Họ cho chúng ta sống như thế nầy để còn có dịp gặp mặt vợ con là may lắm rồi. Vợ tôi lén bắt đài phát thanh ngoại quốc, có nghe nói bên Cam bốt, công sản chiếm được xứ đó thì giết người hàng loạt kinh khủng lắm.
- Ừ, tôi cũng có nghe tin đó. Thế tại sao có sự khác nhau giữa Việt Nam và Cam bốt như vậy?
Định giải thích:
- Cộng sản nào thì cũng như nhau, đều coi rẻ mạng sống con người. Họ cho con người là sản phẩm của xã hội thì họ có thể nhân danh xã hội mà giết người như loại bỏ một sản phẩm không dùng được. Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam hoàn cảnh có khác. Trong hàng ngũ mặt trận Giải phóng miền Nam, có nhiều người thực sự là dân miền Nam, là anh em ruột thịt của nhiều người trong số chúng ta đây nên các nhà lãnh đạo ở Hà nội ngại không dám loại bỏ chúng ta như ở bên Cam bốt.
- Biết đâu một ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo miền Bắc biết khả năng của anh em mình nên muốn để lại làm thứ dự trữ, sau nầy có dịp thì mang ra dùng.
Định gật đầu:
- Cũng có thể như thế. Chính Lê nin cũng có dạy rằng lúc đầu nên dùng các chuyên gia của tư sản cho đến khi đảng đào tạo được chuyên gia của mình rồi thì mới loại bỏ chuyên gia tư sản đi.
Trí nhìn thẳng vào mắt Định:
- Nếu sau nầy ra khỏi trại cải tạo anh được gọi đi dạy lại thì anh có nhận hay không?
Định cười mỉa mai:
- Tôi chưa quyết định được vì chưa ước lượng được mức độ cải tạo của mình lúc đó. Còn với bản chất của tôi ngay bây giờ thì tôi từ chối.
- Tại sao vậy?
- Vợ tôi đi dạy được mấy tháng rồi cũng bỏ nghề vì không chấp nhận được nền giáo dục xã hôi chủ nghĩa. Tôi cũng không thể chấp nhận được.
Quát cãi lại:
- Nhưng miền Nam mới được giải phóng thì đâu có gì gọi là xã hội chủ nghĩa.
- Đúng vậy, trong Nam chỉ mới hô hào “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” mà thôi và đang trong giai đoạn đập phá xã hội cũ trước đã. Tuy nhiên, như tôi đã nói với các anh, vợ tôi có người anh ruột trí thức ở ngoài đó nên cô hỏi thăm rất kỹ nền giáo dục miền Bắc vì biết rằng không sớm thì muộn miền Nam cũng phải áp dụng nền giáo dục ấy.
- Thế chị đã nghe nói nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thế nào mà quyết định không hợp tác. Nó khác với nền giáo dục trong Nam của chúng ta trước đây lắm à?
- Hai nền giáo dục khác nhau từ bản chất. Miền Nam dạy học sinh lòng nhân ái, ngoài Bắc dạy học sinh ý thức căm thù; trong Nam, học sinh học lễ nghĩa, tôn trọng người khác, ngoài Bắc, học sinh được huấn luyện về lập trường giai cấp, phân biệt rõ bạn và thù. Nền giáo dục trong Nam dạy học sinh gìn giữ giềng mối gia đình, phải làm người con hiếu đễ rồi mới thành người công dân tốt của xã hội; miền Bắc thì cố tình phá bỏ sự ràng buộc của gia đình đối với đứa trẻ để nó dễ thoát ly, tuân lệnh đảng vào Nam chiến đấu.
Quát gật đầu:
- Anh Định có nhận xét rất chính xác. Kết quả của hai nền giáo dục khác nhau đã hiện ra rõ ràng. Vợ tôi kể rằng chính người bà con của cô ấy là một cán bộ hồi kết về Nam cho biết trẻ con trong Nam rất ngoan còn trẻ con ngoài Bắc rất ngỗ nghịch. Ông ta kể, một tháng sau khi miền Nam sụp đổ, ông vào Nam bằng đường bộ để công tác. Xe qua cầu Hiền lương, bắt ngang qua sông Bến hải ở vĩ tuyến Mười bảy chia đôi đất nước, chạy thêm hai mươi cây số nữa thì đến Đông hà, xe dừng lại ăn cơm trưa. Có một đứa bé độ mười một tuổi bưng một rổ bánh đến mời mua một cách hết sức nhã nhặn. Ông sửng sốt vì lời mời của đứa bé. Hai mươi năm rồi, ông chưa bao giờ nghe được một lời nói nào lễ phép và dễ thương như lời của đứa bé bán bánh nghèo khổ nầy. Ông sực nhớ mình đã vào tới miền Nam, cái nơi mà thuở nhỏ ông đã được học những bài luân lý đề cao lễ nghĩa, đề cao lòng nhân ái chứ không phải bài học về chú bộ đội trong một ngày bắn chết được hai mươi quân thù. Ông vuốt tóc đứa bé, móc tiền ra mua mấy cái bánh rồi bước ra ngoài quán, quay về phương Bắc nhổ bãi nước bọt và thề trong lòng rằng không bao giờ trở lại miền Bắc nữa.
Tân ngạc nhiên:
- Chuyện lạ lùng như thế mà có thực sao?
Quát quả quyết:
- Tôi cam đoan với các anh đó là chuyện thực một trăm phần trăm. Nếu các anh không tin thì khi nào có dịp, tôi sẽ nhờ vợ tôi dẫn các anh đến gặp ông cán bộ hồi kết đó để xác nhận. Thái độ của đứa bé miền Nam ở Đông hà đã gây cho ông ấy một ấn tượng mạnh cho đến đỗi ông kể chuyện đó cho nhiều người nghe dù ông biết rằng nếu điều nầy tới tai công an thì ông có thể gặp rắc rối.
Định gật đầu:
- Tôi tin đó là chuyện có thực. Với sự giáo dục của cộng sản, thanh thiếu niên dễ trở thành những kẻ đáng sợ. Các anh có nhớ bọn Hồng vệ binh bên Trung cộng không? Ở đâu cũng thế cả. Dạy cho trẻ em lễ nghĩa thì khó nhưng dạy cho nó ngỗ nghịch thì dễ lắm. Vợ tôi còn kể một chuyện kinh khủng về giáo dục xảy ra trong một trường cấp ba ở miền Bắc.
Tân nhíu mày:
- Chuyện thế nào?
- Trong cuộc họp kiểm điểm của tổ chức đoàn Thanh niên Lao động của trường, học trò mượn cớ phê bình để mắng nhiếc thầy cô của nó trong buổi họp. Thế mà thầy cô đành cúi đầu im lặng vì thằng học sinh đó con của đảng viên và ở trong ban chấp hành chi đoàn, còn thầy cô bị nó mắng nhiếc chỉ là đoàn viên thường thôi. Nghe ông anh kể câu chuyện nầy xong, vợ tôi dứt khoát bỏ nghề dạy học.
Quát tham gia ý kiến:
- Xã hội miền Bắc như thế mà sau khi chiếm được miền Nam, họ bịa ra bao nhiêu chuyện xấu xa để gán cho chúng ta, ngay như cán bộ gốc gác miền Nam cũng không chịu nổi. Chắc các anh còn nhớ tài liệu học tập chính trị do Hà nội đưa vào bảo rằng Sài gòn có nửa triệu gái điếm và mọi người đều chú ý tới con số kinh khủng nầy. Vợ tôi kể rằng, trong một buổi học chính trị, giảng viên, một người Nam có gia đình sống tại Sài gòn, đọc đến đây thì bỏ qua con số đó mà chỉ nói Sài gòn có nhiều gái điếm thôi. Đến giờ nghỉ giải lao, vài học viên nắm sẵn tài liệu trong tay mới chất vấn ông giảng viên điều nầy. Bỗng nhiên, ông ta nổi giận nói thẳng: “Đô thành Sài gòn của miền Nam trước đây chỉ có hai triệu dân, phân nửa là phái nữ, trong đó có nửa triệu là đàn bà còn trong tuổi sinh hoạt tình dục được. Nói như tài liệu thì tất cả những người đó đều là gái điếm, kể cả vợ và em gái tôi nữa sao?”. Nghe ông ta nói, tất cả mọi người đều sửng sốt nhưng không ai dám tỏ ra đồng tình hay phản đối.
Trí thêm ý kiến:
- Tôi nghĩ rằng ngay trong nội bộ của họ cũng có sự phân biệt Nam và Bắc.
Quát gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi có nghe câu chuyện một cán bộ cấp cao của Hà nội có nhận xét về cán bộ trong Nam thế nầy: “Trong suốt hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ, nếu anh không bị bắt thế là có vấn đề rồi. Còn nếu anh bị bắt và được thả ra thì cũng lại có vấn đề nữa rồi”.
Trí nhíu mày, thắc mắc:
- “Có vấn đề” là gì, tôi không hiểu.
Định giải thích:
- “Có vấn đề” nghĩa là có thể đã bị địch mua chuộc. Điều đó có nghĩa là lãnh tụ ở miền Bắc không hoàn tín nhiệm cán bộ nằm vùng ở miền Nam và nghi ngờ nhiều người không hoàn toàn trung thành với đảng. Có thể lãnh tụ miền Bắc cố tình tạo ra ấn tượng không mấy tốt đẹp như thế nhằm không thừa nhận công lao to lớn của cánh miền Nam để khỏi phải chia chác nhiều quyền lợi lấy được ở miền Nam. Đó, ngay trong nội bo của họ, hai cánh Nam và Bắc cũng tìm cách bôi nhọ lẫn nhau.
Trí có vẻ hào hứng:
- Biết đâu, có ngày hai bên sẽ kình chống nhau thực sự và một cuộc chiến tranh khác lại nổ ra. Cuộc chiến đó không còn được gọi là cuộc chiến huynh đệ tương tàn nữa mà là cuộc chiến “đồng chí tương tàn”, như cuộc chiến tranh biên giới giữa Liên xô và Trung cộng trước đây vậy. Tôi cầu mong chuyện đó xảy ra để chúng ta đứng nhìn cho vui.
Định ngắt lời:
- Anh đừng nói thế. Chiến tranh nào thì thường dân vô tội cũng là nạn nhân đầu tiên. Ba mươi năm loạn lạc rồi, chưa đủ sao?


*
* *