Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Chương 11: Những ngày cải tạo (1)




Một cuộc chiến tranh dài
Tập IV
Chương 11: Những ngày cải tạo 
(1)

Hơn một tháng sau khi cộng sản chiếm Sài gòn, ủy ban quân quản ra lệnh cho quân nhân thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa trình diện để học tập chính trị. Đợt đầu gồm hạ sĩ quan và binh sĩ học tập tại địa phương trong ba ngày liên tiếp, và mỗi người đều được cấp một giấy chứng nhận học tập xong. Đợt thứ hai gồm sĩ quan cấp tá và tướng lãnh trình diện học tập trung và mang theo thức ăn hay tiền bạc đủ dùng trong một tháng. Vài ngày sau là đến sĩ quan cấp úy, chỉ cần chuẩn bị thức ăn hay tiền bạc cho mười ngày mà thôi.
Buổi sáng trước ngày Tân lên đường, hai vợ chồng và cả hai đứa bé đều thức dậy thực sớm. Từ đầu hôm, Thùy Liên đã cho mùng mền, áo quần và một ít thuốc đau bụng, nhức đầu vào một bao vải. Nàng pha cho chồng một ly cà phê sữa. Tân vừa hút thuốc vừa uống nhâm nhi để đợi trời sáng. Thùy Liên mở tủ lấy một xấp tiền đưa cho chồng:
- Anh cầm lấy món tiền nầy để dùng.
Tân nhìn thấy xấp gíấy bạc dày cộm trong tay vợ, lắc đầu:
- Không, anh đã có mang theo một ít đây rồi. Trong trường học, có lẽ chẳng phải tiêu pha gì nhiều đâu. Em cất tiền đi. Nơi học tập có đông người, giữ nhiều tiền trong mình cũng bất tiện.
Thùy Liên cố nài nỉ:
- Anh lấy thêm đi. Nếu không lấy hết thì cũng lấy phân nửa số nầy.
Tân cương quyết:
- Không, anh không lấy thêm đâu. Học mười ngày thôi, số tiền trong túi anh đủ rồi.
- Nhưng anh cứ giữ đi, rủi có đau ốm hoặc gặp chuyện cần thiết thì dễ xoay xở.
- Em khéo lo xa. Thông cáo của ủy ban quân quản bảo đến tập trung ở trường Chu văn An để học tập. Đây đến đó đâu có bao xa, nếu cần quá thì anh xin về nhà một lát cũng được. Vả lại, mười ngày thì chẳng có gì xảy ra đâu.
Thùy Liên bỗng nghiêm mặt lại:
- Anh Tân, em lo sợ khóa học của anh không phải chỉ mười ngày mà thôi.
Tân ngạc nhiên:
- Em nói sao? Tại sao em nói như vậy?
- Cách đây hai hôm em gặp chị Thái ở xóm mình khoe rằng trong đoàn quân “giải phóng” có một ông bộ đội bà con đến tìm chị ấy. Ông ta bảo rằng năm 1954, sau khi tiếp thu Hà nội, cộng sản cũng cho nhiều người đi tù trong nhiều năm mới thả ra.
Tân cười:
- Nếu có tội thì người ta nhốt nhiều năm cũng phải. Còn anh và các người khác thì có tội gì đâu. Trong chiến tranh, bị bắt buộc phải cầm súng theo lệnh của nhà cầm quyền thì đâu phải là có tội. Bây giờ chiến tranh chấm dứt rồi, mọi người đã chịu buông súng, công nhận chính quyền của họ thì có lý do gì để bị kết tội?
- Em không biết rõ vì em chỉ mới nói chuyện qua loa với chị Thái thôi.
Nàng rơm rớm nước mắt, nói tiếp:
- Anh Tân, anh rán giữ gìn sức khỏe. Từ khi bắt đầu sống chung đến nay, đây là lần thứ hai mình phải xa nhau phải không anh?
Tân cảm động nhưng cố gắng làm ra vẻ cứng rắn:
- Không sao đâu, chỉ xa nhau mười ngày rồi lại sum họp thôi. Nào, Thùy Dung, Hòa Bình hôn ba để tạm biệt đi.
Thùy Dung bước tới nhưng nửa chừng, con bé bỗng quay lui chạy vào buồng. Nó trở ra ngay, trên tay cầm cây lược để chải đầu:
- Con tặng ba cây lược để ba đem đi học tập mà chải đầu.
Tân nhận cây lược từ tay con gái. anh ôm hôn thật mạnh và thật dài vào hai má nó. Thằng Hòa Bình thấy vậy cũng chạy vào buồng và quay ra, trên tay một cây lược như chị nó:
- Con tặng ba cây lược để ba đi học chải đầu.
Tân quay sang, siết chặt con trai thực lâu vào lòng. Anh đứng dậy nói với vợ:
- Thôi anh đi nghe Thùy Liên.
Anh nhìn xuống hai đứa trẻ:
- Ba đi nghe hai con. Các con ở nhà phải ngoan và vâng lời mẹ nghe chưa?
Nói xong, anh bước nhanh ra đường, leo lên xích lô, thẳng đến trường Chu văn An.
Người bộ đội cầm súng đứng trước cổng chỉ tay bảo anh vào trình diện với một người có nét mặt rất lạnh lùng, ngồi sau một chiếc bàn đặt trên hành lang. Sau khi ghi tên họ, cấp bậc và nhiệm sở của Tân xong, người ấy khoát tay bảo anh đi thẳng vào sân trường. Trên mấy dãy hành lang chỉ có hơn mười người vì hôm nay là buổi sáng trình diện đầu tiên theo thông cáo. Dần dần, số người vào mỗi lúc một đông thêm.
Buổi trưa và buổi chiều, có xe của hai nhà hàng sang trọng trong Chợ lớn chở cơm vào, các cô chiêu đãi người Trung hoa phân phát thức ăn cho mọi người một cách thành thục, với nét mặt thực nghiêm trang và tuyệt không hề hé môi cười nói trước những câu hỏi thăm hay chọc ghẹo của những sĩ quan trình diện.
Sau bữa cơm tối, mỗi người tự tìm lấy chỗ ngủ. Đa số vào các lớp học, một ít nằm ngủ trên các hành lang.
Tân trải mền nằm cạnh cửa ra vào của một lớp học. Anh bỗng bật cười khi nghĩ đến nơi đây hằng ngày có bước chân của học trò đi qua. Không biết chúng sẽ nghĩ gì khi biết được một giáo sư đang nằm chèo queo, áp mình vào bức tường của lớp học thế nầy. Anh nằm thao thức, nhớ vợ, nhớ con đến khuya mới thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề.
Ngày hôm sau, từ sáng tinh mơ đã có người đến trình diện, sau đó mỗi lúc một đông hơn. Cho đến chiều, gần hết thời hạn trình diện, trên các hành lang và lớp học đã đầy người. Một người đứng cạnh Tân tỏ vẻ lo lắng:
- Trình diện đông thế nầy làm sao có đủ lớp để học tập? Sống lúc nhúc thế nầy trong mười ngày thì vấn đề vệ sinh gay go lắm đó. Kìa, người ta tiếp tục vào kìa. Ủa tại sao họ được hướng dẫn lên hội trường. Không lẽ vào sau được học tập trước sao?
Tân gật đầu:
- Anh hãy yên chí, kẻ trước người sau, ai cũng được học tập để về với vợ con.
Nói xong, anh đang chăm chú nhìn những người vào hội trường và nhận ra Định và Thành, hai đồng nghiệp cùng trường với anh. Thành là giáo sư dạy môn quốc văn, một con người hiền lành, lừ đừ, không có cá tính nổi bật. Định thì trái hẳn, hoạt bác, sâu sắc, hiểu biết rộng.
Có tiếng loa cầm tay trong hội trường vọng ra. Tiếng loa rè rè như tiếng người bị bệnh trong cuống họng nên những người hiện diện bên ngoài chẳng ai hiểu được nội dung của lời nói.
Nắng đã tắt hẳn, bầu trời trở nên xám xịt. Hai cánh cửa cổng được đóng lại, rít lên một tiếng dài nghe thực khó chịu, ngăn đôi thế giới; thế giới bên ngoài có xe chạy rì rầm và thế giới bên trong lố nhố những con người với tâm trạng bắt đầu hoang mang.
Trong hội trường tiếng loa cứ “ọ ẹ” mãi một lúc lâu. Tân cố gắng lắng tai nghe nhưng không thể biết được người ta nói gì trong đó. Anh đành ngồi xuống bật thềm, dựa lưng vào gốc cột, chờ đợi lớp học chấm dứt và hi vọng có một lớp tiếp theo ngay trong đêm nay.
Đột nhiên từ phía hội trường, có tiếng ồn ào nổi lên. Tân quay lại chăm chú nhìn. Từ hai cánh cửa mở rộng, một làn sóng người tuôn ra. Tân lẩm bẩm: “Có lẽ bài học đầu tiên xong rồi, cũng không dài lắm. Giờ nầy còn sớm, lớp tiếp theo có bắt đầu ngay không?”
Bỗng nhiên, anh thèm muốn một cách mãnh liệt được gọi vào lớp học ngay tối hôm nay và được kể là ngày đầu tiên của khóa học tập chính trị. Điều đó có nghĩa là kể từ sáng mai, anh chỉ còn phải xa vợ con đúng chín ngày nữa thôi. Sau khóa học, anh sẽ trở về nhà đưa ngay Thùy Liên và hai đứa con thân yêu đi Cần thơ, vào ở trong chính ngôi nhà mà Thùy Liên đã trải qua thời thơ ấu. anh sẽ sửa lại nhà cho khang trang hơn, sẽ chỉnh đốn khu vuờn, chặt bớt một số cây ăn trái để thay vào bằng những cây lương thực. Anh cũng sẽ tìm một miếng ruộng để đích thân cày cấy. Người ta bỏ đi khá nhiều nên có lẽ việc tìm được một miếng ruộng không phải là điều khó khăn. Mồ hôi anh sẽ đổ xuống ruộng vườn và biến thành cơm gạo để nuôi sống vợ con. Anh sẽ tuân theo mọi điều áp đặt của những người cộng sản, sẽ sẵn sàng làm thực tốt những điều họ sai bảo. Nhất định anh sẽ làm tất cả những gì mà người ta đòi hỏi để vợ con được sống bình yên. Nhất định, anh phải hoàn toàn hòa nhập vào xã hội mới, cái xã hội mà nhà cầm quyền miền Bắc đang đưa vào áp dụng cho miền Nam. Trước đây, tin tức về sự khắc nghiệt của xã hội miền Bắc, về đấu tố, về Nhân văn giai phẩm, về chế độ lao tù đã làm cho anh đi từ ngạc nhiên đến buồn phiền và sau cùng kinh tởm. Sự kinh tởm đó là một trong những nguyên nhân thúc đẩy anh từ bỏ hàng ngũ của những người cộng sản để làm người công dân của nước Việt Nam Cộng hòa.
Bây giờ, lịch sử không cho anh làm công dân của Việt Nam Cộng hòa nữa mà lôi cổ anh vào sống trong xã hội cộng sản. Anh phải sẵn sàng chấp nhận điều nầy vì đó chính là hiện tại và tương lai của vợ chồng anh và nhất là của hai đứa con thân yêu. Ngay từ bây giờ, anh cố quên đi tất cả quá khứ của mình, quên cuộc sống tự do, quên mái trường sư phạm đã đào tạo anh thành giáo sư, quên đám học sinh thân yêu mà trong bao nhiêu năm qua, anh đã gởi gắm tình thương và lý tưởng cao đẹp của một đời người. Quên đi quân trường Thủ đức, quên đi những tháng ngày hành quân, quên đi cuộc chiến tranh tàn khốc đã giày xéo quê hương yêu dấu. Bây giờ hòa bình rồi. Đành rằng, đó không phải là nền hòa bình theo mẫu mực mà anh thường hình dung trước đây nhưng dù sao đó cũng là hòa bình thực sự, bom đạn không còn cày nát hai miền Nam Bắc nữa. Không còn những thây người ngã xuống trong khói lửa.
Tân cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng khoan khoái. anh mỉm cười nhớ đến vợ con. Anh hình dung khuôn mặt xinh đẹp và dịu dàng của Thùy Liên, hai khuôn mặt thơ ngây và dễ thương của Thùy Dung và Hòa Bình. Nhất định trong mọi hoàn cảnh, anh có thể đảm bảo cuộc sống cho những con người thân yêu đó. Sau khóa học tập chính trị nầy, anh sẽ về với vợ con. Suốt hai ngày nay, anh đã nhắc đi nhắc lại ý nghĩ đó đến hàng trăm lần.
Khóa học nầy chắc chắn là cái mốc rõ ràng nhất đánh dấu sự bắt đầu cuộc sống mới của anh, một cuộc sống ổn định bên vợ con. Vì vậy, anh phải cố gắng học thực nghiêm túc.
Vả lại, học là điều rất tốt, Tân luôn luôn quan niệm như vậy. Chắc chắn khóa học nầy cho anh hiểu rõ hơn chủ nghĩa cộng sản. Đó là điều cần thiết. anh cần phải hiểu biết nhiều hơn về chủ nghĩa nầy vì tương lai của anh, của vợ con anh đang bị cột chặt vào đó.
Trước đây, lúc còn hoạt động cho cách mạng, anh đã từng được đưa vào chiến khu để học tập chính trị. anh còn nhớ lờ mờ rằng những bài học chính trị lúc đó chỉ xoay quanh cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân để dành độc lập. anh đã được học về cách mạng Mùa Thu, về tuyên ngôn độc lập, về Nam bộ kháng chiến, toàn quốc kháng chiến và gì gì đó nữa, không trực tiếp đá động tới chủ nghĩa cộng sản. Trong suốt thời gian làm công dân của Việt Nam Cộng hòa, anh chỉ biết rằng những người cộng sản đã nối tiếp cuộc kháng chiến chống Pháp bằng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhưng chưa có dịp nào tìm hiểu cho rõ ràng cái chủ nghĩa đang bành trướng rất mạnh, vừa mới nuốt trửng miền Nam và có cơ thống trị toàn thế giới. Mấy hôm nay trên đường phố Sài gòn, anh gặp rất nhiều biểu ngữ: “Chủ nghĩa Mác Lê nin bách chiến bách thắng muôn năm”. Bây giờ, anh sắp được hiểu rõ về cái chủ nghĩa “bách chiến bách thắng” đó. Rõ ràng, đây là điều cần thiết và lý thú.
Đến đây, ý nghĩ của Tân bị ngắt ngang vì, dưới ánh sáng của những bóng đèn ở bốn góc sân, anh thấy Định từ cửa hội trường bước thẳng về phía mình. Định siết chặt tay anh và cười vui vẻ:
- Khi nãy tôi trông thấy anh nhưng không thể đến gặp vì có lệnh phải vào ngay hội trường.
- Để học bài chính trị đầu tiên?
Định mỉm cười:
- Đúng, bài học đầu tiên.
- Thế là các anh may mắn. Không biết chừng nào chúng tôi mới được bắt đầu bài học đó.
Định vỗ vai anh, cười thành tiếng:
- Không, các anh khỏi phải học bài đó vì các anh đi trình diện sớm hơn chúng tôi.
Tân ngạc nhiên:
- Anh nói thế nghĩa là gì?
Định kéo tay Tân:
- Lại đằng góc kia ngồi, tôi giải thích bài học đầu tiên cho anh nghe.
Hai người ngồi xuống bậc thềm của một lớp học. Định nói:
- Chúng tôi vừa mới bị chửi như tát nước.
- Lý do gì vậy?
- Lý do là mãi đến chiều nay, chúng tôi mới vào trình diện.
Tân hết sức ngạc nhiên:
- Nhưng thông cáo của ủy ban quân quản qui định thời hạn trình diện là hai ngày, đến sáu giờ chiều hôm nay mới hết hạn. Các anh trình diện trước khi thời hạn chấm dứt mà.
- Chính cái chỗ anh nói đó mà có bài học đầu tiên và rất bất ngờ mà chúng tôi mới nhận được. Đối với chế độ cộng sản thì mọi việc không bình thường như chúng ta quen gặp trong chế độ tự do, Thí dụ, chuyện trình diện học tập của chúng ta. Thông cáo cho thời hạn trình diện là hai ngày. Trong chế độ tự do thì nội trong hai ngày đó, chúng ta muốn đến lúc nào cũng được, kẻ trước người sau đều hoàn toàn hợp lệ, không có gì đáng chê trách. Nhưng với cộng sản thì không phải thế. Người ta gọi chúng tôi là những người không có nhiệt tình, miễn cưỡng với lệnh học tập. Có lúc họ còn bảo chúng tôi trì hoãn trình diện để tìm cách trốn tránh, nhưng nhắm chừng không trốn được đành phải đi trình diện.
- Sao họ lý luận một cách lạ lùng vậy kìa?
- Rồi chúng ta phải làm quen với cách lý luận đó. Người cộng sản muốn rằng khi đảng cho một lệnh gì thì mọi người phải lập tức thi hành, tranh nhau mà thi hành trước người khác. Có thế mới gọi là "phấn khởi hồ hởi", mới gọi là tin tưởng và trung thành với đảng. Thi hành trước tiên là người tốt, kế đó là ít tốt hơn và sau cùng là người xấu, dù vẫn chưa hết thời hạn qui định. Người cộng sản gọi đó là “thi đua”. Trong bao nhiêu năm, đồng bào mình ngoài Bắc bị chủ trương “thi đua” đó quay mòng mòng như lúc nhỏ chúng ta dùng sợi tóc quay tròn những con dế cho chúng nó hăng mà đá nhau vậy. Họ đã biến dân miền Bắc thành những con dế hăng máu rồi. Bây giờ, chúng ta cũng phải thành những con dế hăng máu trong tay họ.
Định xích lại gần nói vào tai Tân.
- Anh có biết tại sao miền Nam thất trận không?
Tân ngạc nhiên vì sự đổi đề tài đột ngột của bạn. Anh ngập ngừng:
- Sao bây giờ anh hỏi chuyện đó? À, thì vì rất nhiều nguyên nhân.
- Đúng, rất nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính là thái độ của dân chúng đối với chiến tranh. Đối với miền Nam thì cuộc chiến vừa qua là chiến tranh tự vệ với đầy đủ chính nghĩa rõ ràng, nhưng thanh niên của mình tới tuổi quân dịch phải đợi bị lùng sục mới chịu đi chiến đấu, còn miền Bắc thì người ta “thi đua” tình nguyện đi “B”, nghĩa là vào Nam chiến đấu. Tất cả tù binh Bắc Việt khi bị hỏi cung đều nói rằng họ tình nguyện chứ không bị bắt buộc. Đó, anh thấy đường lối “thi đua” của cộng sản lợi hại chưa. Sống với họ, chúng ta thi hành đúng mệnh lệnh là chưa đủ mà phải sốt sắng thi hành, hăng hái tranh nhau mà thi hành mới được họ gọi là người tốt và được họ cho sống một cách yên thân. Anh nhớ đó là bài học đầu tiên và là bài học căn bản để chúng ta có thể sống được với cộng sản.
Tân im lặng thở dài. Nghe tiếng thở dài áo não đó, Định vỗ vai Tân, nói to dường như để cho người khác nghe:
- Thôi đừng buồn nữa anh bạn ạ. Cố gắng vui vẻ để học tập cho tốt rồi về với vợ con. Đảng và nhà nước rất khoan hồng đối với người có tội.
Tân mỉm cười:
- Anh học được câu đó ở đâu vậy?
Định đáp nho nhỏ:
- Trong cái loa mất dạy khi nãy ở hội trường!
Cánh cửa cổng xịch mở làm hai bạn ngẩng đầu nhìn ra. Một chiếc xe vận tải nhỏ từ ngoài lăn bánh vào. Tân nói với bạn:
- Người ta đem cơm tới rồi đó. Cơm nhà hàng chứ không phải tầm thường đâu nhé.
Hai bạn cười to rồi đứng dậy đi lãnh phần cơm.
Sau bữa ăn tối, mọi người tản mác đi tìm chỗ ngủ. Hai ngày trình diện đã trôi qua, thời hạn cuối cùng cũng đã chấm dứt vào chiều nay, ngày mai bắt đầu học tập chính trị. Mọi người đều nghĩ như thế nên lo đi ngủ sớm để dưỡng sức mà học tập cho tốt. Nhiều người còn hi vọng hai ngày vừa qua cũng được kể trong mười ngày tập trung, thế là chỉ còn tám ngày nữa thôi sẽ được về lo cho cuộc sống của gia đình. Sau khi Sài gòn bị đổi chủ, mọi thứ đều bị xáo trộn tận gốc, gia đình nào cũng cần có người đàn ông trong nhà thì cuộc sống mới mong sớm ổn định. Vì vậy, tất cả các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa ở đây cố quên đi nỗi nhục nhã của cuộc bại trận, chỉ còn nghĩ đến việc kết thúc mười ngày học tập để về lo cho sự sống của gia đình. Có người còn mong góp công sức để xây dựng lại quê hương đã tơi tả vì cuộc chiến vừa qua.

Giờ giới nghiêm ở Sài gòn bây giờ bắt đầu rất sớm. Sau khi đèn đường sáng lên không bao lâu thì trên phố đã vắng người và xe cộ, thành phố như co mình lại trong im lặng. Trong trường Chu văn An, tiếng nói rì rầm cũng tắt hẳn. Mọi người đang chìm vào giấc ngủ, bỗng giật mình vùng dậy vì tiếng loa oang oang trong đêm vắng. Loa gọi mọi người thức dậy chuẩn bị lên đường đến nơi học tập để sớm về với gia đình. Tiếng loa lặp đi lặp lại nhiều lần.
Tiếng rì rào nổi lên khắp trường. Mọi người vội vã xếp chăn màn cho vào bao. Tân làm xong công việc của mình rồi, ngồi yên chờ đợi trong bóng tối. Anh nghe tiếng nói đầy lo lắng của người kế bên:
- Đi đâu trong đêm tối thế nầy? Tại sao không học tại đây, có sẵn lớp học và bàn ghế?
Tân trả lời để an ủi anh ta mà cũng là an ủi mình:
- Các ông ấy vừa giải thích trong loa đó. Ở đây chật chội thiếu vệ sinh nên phải đi nơi khác để học cho có kết quả hơn.
Giọng nói vừa rồi trở nên gay gắt:
- Nhưng tại sao phải đi trong giờ giới nghiêm thế nầy. Ở Sài gòn có biết bao nhiêu trường học, đại học, trung học, tiểu học, trường dạy nghề, trường tư. Nếu cần chỗ học cho rộng thì sáng mai đi bộ đến cũng được, tại sao phải di chuyển ngay giờ nầy?
Tân im lặng không trả lời. Anh ngước nhìn lên bầu trời sáng lờ mờ và cao thăm thẳm, cố xua đuổi đi mọi ý nghĩ đen tối để giữ lại hi vọng được về với vợ con sau đợt học tập nầy dù phải đi đến đâu cũng được.
Cánh cửa cổng bắt đầu hé mở, những con người tay ôm gói lặng lẽ đi ra. Bên ngoài, một dãy dài những chiếc ô tô đậu nối đuôi nhau bên vệ đường. Đó là những chiếc quân xa do Liên xô chế tạo, mới tháng trước đây chở lính Bắc Việt tràn vào thủ đô Sài gòn. Có lẽ đoàn xe đã đến từ lúc còn sớm nên bên trong trường không ai hay biết gì cả.
Trên lề đường, nhiều người bộ đội đứng im, súng ghìm chặt trong tay. Dưới ánh đèn đường, trông họ lạnh lùng một cách dễ sợ. Lần lượt từng ba mươi người lên mỗi xe. Người ta ra lệnh mọi người ngồi bệt xuống sàn. Tấm vải bạt phía sau được buông ập xuống làm cho trong xe tối om như mực. Có tiếng búa đóng vào đinh nghe lốp cốp. Một giọng nói thì thào nhưng nghe rất rõ:
- Họ đóng tấm bạt cửa dính vào thành xe rồi. Có lẽ chúng ta không còn dịp trông thấy ánh mặt trời ban mai nữa.
Một giọng khác phụ họa:
- Nghe nói bên Liên xô và Trung cộng, người ta cũng đưa tù đi thủ tiêu kiểu nầy.
Tân rùng mình. Một luồng hơi lạnh chạy dọc theo xương sống. Anh nghĩ đến Thùy Liên, đến Thùy Dung và Hòa Bình. Anh mong có một phép mầu nào đó đem lời nói vĩnh biệt của anh đến cho những con người thân yêu đó.
Xe bắt đầu nổ máy. Tân nghe có tiếng nói rì rầm nho nhỏ và kết thúc bằng tiếng “a men”. Tân hiểu đó là tiếng cầu kinh của một tín đồ Thiên Chúa. Có lẽ anh ta đang cầu Chúa dang tay đón nhận tất cả linh hồn các sĩ quan của một quân đội đã bại trận và đang cúi đầu nhận chịu mọi điều sẽ xảy đến từ bàn tay của chính người đồng bào của mình.
Vì bị đóng kín hơn cả một nhà tù nên, bên trong xe, không khí nhanh chóng trở nên nóng nực, ngột ngạt khó thở. Xe bắt đầu chuyển bánh, mọi người lắc lư nhưng hơi nóng cũng không giảm đi chút nào. Tân cố tập trung trí óc để thầm đoán con đường mà xe chạy qua nhưng sau vài lần quẹo trái rẽ phải, anh không thể hiểu được xe đang chạy về hướng nào. Một lúc sau, xe chạy thẳng khá lâu, Tân thầm nghĩ xe đã ra khỏi thành phố. Anh thở dài, không muốn chú ý gì thêm nữa. Anh gục đầu xuống hai gối và nhắm mắt lại.
Tân giật mình mở mắt ra. Chung quanh vẫn tối đen như mực. Anh đưa tay dụi mắt và biết rằng mình đã ngủ thiếp đi. Anh cố nhớ lại chuyện gì đang xảy ra. Ô hay, sao phẳng lặng thế nầy? Anh đang di chuyển trên một chiếc quân xa của cộng sản chung với các bạn đồng cảnh ngộ kia mà. Anh hỏi nhỏ:
- Xe ngừng à?
Có tiếng đáp lại:
- Ừ, ngừng được mười phút rồi. Ngủ sao?
Tiếng nói bỗng trở nên gay gắt:
- Thế nầy mà ngủ cho được. Phải thức để biết mình chết ở chỗ nào, rồi còn báo mộng cho gia đình nữa chớ.
Có tiếng cười mỉa mai:
- Chết thì thôi, cần gì phải báo mộng. Ba mươi năm chiến tranh mà không chết. Hòa bình rồi lại đâm đầu vào cái chết, thực là phi lý.
Tiếng nói ngưng bặt, sự im lặng lại bao trùm. Tân nghe có tiếng thở dài nho nhỏ. Xa xa có tiếng chó sủa rồi tiếng gà gáy nghe văng vẳng buồn tênh. Trong xe có tiếng chép miệng:
- Chắc gần sáng rồi.
Một tiếng khác cãi lại:
- Chưa đâu, mới khoảng hai giờ khuya thôi. Chúng ta đang ở đâu đây nhỉ?
Thêm nhiều tiếng nữa tham gia đối đáp:
- Có lẽ ở khoảng ngã ba Trung lương.
- Không phải đâu. Từ khi xe ra khỏi thành phố đến giờ, tôi để ý xe không qua cầu, vậy thì không thể về hướng miền Tây được.
- Hay là về miền Trung rồi thẳng ra ngoài Bắc. Nếu vậy thì có lẽ chúng ta đang ở trong địa phận tỉnh Long khánh.
Nhưng tại sao lại ngừng lâu thế nầy nhỉ?
- Có lẽ để tài xế ngủ một lát cho khỏe rồi đi tiếp.
- Thế thì biết chừng nào mới ra đến ngoài Bắc mà bắt đầu khóa học?
- Đừng lo. Năm ngày đi, năm ngày về, thế là hết mười ngày tập trung và về nhà với vợ con.
Có tiếng cười khúc khích:
- Xong mười ngày rồi thì về với ông bà tổ tiên chứ không về với vợ con đâu.
Ở cuối xe có tiếng quát nho nhỏ:
- Đừng nói chuyện xui xẻo. Đánh nhau bao nhiêu năm rồi. Bây giờ hết chiến tranh phải sống để hưởng hòa bình chứ.
Có tiếng càu nhàu:
- Hòa bình kiểu nầy thì thà cứ sống mãi trong chiến tranh còn hơn.
Người cuối xe gằn giọng:
- Biết nói thế thì tại sao lại buông súng đầu hàng?
- Tớ đâu có đầu hàng. Bọn nó chạy hết, tớ còn nằm lại bắn cho đến viên cuối cùng. Tớ quăng súng, chụp lấy cây M72 kế bên, bắn cháy luôn một chiếc tăng T54 của Trung cộng.
- Thôi im đi. Lúc nầy, phải lo giữ miệng giữ mồm chứ không phải như trước nữa đâu.
Sau tiếng quát. Mọi người ngồi im. Được một lát xe nổ máy và tiếp tục lên đường. Tân nhắm mắt lại và từ từ thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Khi anh tỉnh hẳn dậy thì thấy xe đã ngừng. Nhờ những vệt sáng xuyên qua những khe hở nhỏ của tấm bạt che, Tân biết rằng trời đã sáng hẳn. Bên ngoài có tiếng nói lao xao, tiếng nói của những người lính Bắc Việt với âm sắc vùng ngoài nặng chịch rất khó nghe.
Có tiếng khua lộp cộp, tiếng cót két của những cây đinh bị nhổ lên. Tấm bạt làm cửa sau bị bật ra, ánh sáng lùa vào, làm cho mọi người phải nheo mắt.
Tân nhìn qua một lượt trên xe. Những con người ngồi co ro, mệt mỏi sau một đêm, qua đoạn đường dài.
- Tù binh xuống xe đi.
Tiếng thét to của người bộ đội bên dưới làm mọi người giật mình ngơ ngác, nhưng ngay lập tức họ hiểu rằng người ta vừa ra lệnh cho chính mình. Phải rồi, họ là những tù binh, là lính của một quân đội chiến bại chứ không phải là “anh em học viên” như người ta đã gọi họ ở trường Chu văn An, trung tâm tiếp nhận người đi trình diện để học tập trung. Nhưng thôi, gọi là tù binh hay là học viên cũng chẳng sao miễn là họ không bị thủ tiêu là được rồi. Họ sẽ cố gắng chịu đựng mười ngày rồi trở về với gia đình, lúc đó họ mới thực sự chôn vùi vào quá khứ tất cả nỗi buồn và đau khổ vì chiến tranh.
Nhiều người đã nhảy xuống đất và đến lượt Tân. Anh dậm chân tại chỗ cho bớt tê và nhìn quanh. Một khung cảnh khá quen thuộc với anh trong thời còn mặc quân phục. Những hàng rào kẽm gai, những dãy nhà tôn lụp xụp dài theo hai bên con đường đất đỏ nhạt màu. Tân chợt nhìn lên và ngạc nhiên thấy không xa lắm một ngọn núi cao, xanh um, mây trắng chờn vờn trên đỉnh. Anh khẽ hỏi người đứng kế bên:
- Đây là đâu?
- Núi Bà Đen đó kìa, còn chỗ mình đang đứng đây là Trảng lớn, một căn cứ pháo binh của tỉnh Tây ninh.
- Anh biết vùng nầy à?
- Biết rõ lắm chớ. Tôi là sĩ quan đại đội trưởng của sư đoàn Năm Bộ binh, đã có một thời gian tăng phái cho tiểu khu Tây ninh.
Anh ta chỉ ngọn núi và nói tiếp:
- Đại đội tôi đã từng lùng khắp núi đó. Đỉnh nó cao hơn sáu trăm mét mà lại nằm trơ trọi trên một vùng bằng phẳng mênh mông. Ở đây trông nó hiền lành và dễ thương, nhưng lên đó thì chẳng hiền lành chút nào. Việt cộng thường về đó đặt súng cối thụt vào căn cứ nầy. Hành quân lên đó để lùng bắt bọn đó thiệt là khổ sở. Cây cối um tùm, hốc đá khắp nơi. Biết Việt cộng trên đó mà có khi hành quân cả tuần lễ tìm không ra.
Anh ta có vẻ phấn khích khi gặp lại nơi chốn cũ của một thời oanh liệt trước đây nên giọng nói mỗi lúc một to. Một bàn tay vỗ khá mạnh vào vai anh ta:
- Thôi, khỏi tìm đâu cả. Việt cộng đang đứng trước mặt mình kia kìa.
Anh ta vừa nói vừa hất mặt về phía những người bộ đội đang đứng xa xa, mũi súng quay về phía đám sĩ quan bại trận.


*
* *

- Anh Tân!
Tân quay lại, thấy Định đang đứng, mặt mày hốc hác vì một đêm không ngủ. Tân hỏi:
- Anh đi xe nào?
- Xe cuối cùng đang đậu gần cổng. Bộ đội kéo con ngựa kẽm gai bít lối ra vào rồi. Tôi nghe một người có lẽ là sĩ quan ra lệnh cho hai người lính nạp đạn lên nòng. Họ sợ chúng ta bỏ chạy.
- Tại sao anh không ở lại tại chỗ để chờ điểm danh?
- Không điểm danh đâu. Khi đêm ở trước trường Chu văn An, có điểm danh gì đâu, có đủ ba mươi tên là lùa lên một xe rồi đóng kín cửa lại. Hiện giờ họ coi chúng ta như một bầy thú sa bẫy. Nếu họ để chúng ta sống thì sau nầy mới lập danh sách cẩn thận. Còn nếu họ có chủ trương thủ tiêu mình thì chỉ cần biết số lượng bao nhiêu chứ chẳng cần biết tên tuổi.
Định ngừng một chút, mím môi và nói tiếp:
- Không biết chúng ta còn sống được bao lâu nữa. Anh Tân, chúng ta quen nhau và hiểu nhau từ lâu, cố gắng đừng rời nhau lúc nầy. Nếu được sống thì mình nên sống chung để cùng tâm sự với nhau còn nếu chết thì linh hồn cũng có bạn để trò chuyện lúc đi khỏi thế giới nầy.
Tân cảm động:
- Anh đừng quá bi quan. Tôi vẫn tin rằng người ta đưa mình về đây để học trong mười ngày. Giết chết mình lúc nầy thì có ích lợi gì cho họ đâu. Anh ở lại đây rồi mình đi chung và ở chung với nhau trong suốt khóa học. Anh em bảo rằng, đây là căn cứ pháo binh thì làm sao có đủ lớp cho chúng ta học tập nhỉ?
Định nhìn Tân có vẻ thương hại nhưng không nói gì thêm vì anh cũng như những người khác đang chú ý nghe giọng thét the thé của người bộ đội:
- Các anh chú ý ghe đây. Xếp hàng bốn rồi theo chúng tôi đi nhận chỗ ở.
Mọi người đang ngồi dưới đất, uể oải đứng dậy vào hàng, lếch thếch bước đi trên con đường sũng nước do cơn mưa trong đêm qua. Căn cứ quân sự nầy khá rộng và trông thực hoang tàn. Chỉ mới chưa đầy hai tháng thất thủ mà khắp nơi cỏ mọc lên um tùm.
Nhóm người được dẫn đến khu nhà trước đây là nơi ở của các gia đình binh sĩ. Từng mười người vào trong một gian nhà nho nhỏ. Nhà nào cũng trống trơn, nền xi măng phủ đầy rác và bụi bặm. Có lẽ những người ở đây đã bỏ đi mang theo hầu hết đồ đạc. Sau đó dân trong vùng đã vào lấy đi mọi thứ còn sót lại.
Gian nhà được chỉ định cho Tân, Định và tám người khác, ở đầu một dãy khá dài. Nhờ có nhiều cửa sổ nên gian nhà trông thoáng mát, nền xi măng còn nguyên vẹn và láng ô. Định bước vào trước tiên, đi suốt từ trước lui sau một lượt rồi quay ra nói to:
- Chúng ta ở chung căn nhà nầy, có lẽ trong một thời gian khá dài. Vậy trước hết phải dọn dẹp sạch sẽ. Chúng ta có mười người. Tôi đề nghị phân công thế nầy. Hai người dọn dẹp trước thềm và trước sân, bốn người lo quét dọn phòng trước, hai người lo nhà bếp và nhà vệ sinh, hai người dọn phía sau nhà, nhổ cỏ và thông đường mương. Cần nhất là phòng trước vì đó là chỗ ngủ của chúng ta. Sau khi quét rác và bụi xong, phải dùng khăn ướt lau thực sạch vì chúng ta phải nằm trên đó để ngủ.
Một người có mang kiếng trắng, buộc miệng hỏi:
- Nằm ngủ dưới đất à? Chúng ta không được cấp phát giường chiếu gì cả sao?
Định cười khẩy:
- Anh tưởng chúng ta vẫn là sĩ quan hay sao? Nên nhớ bây giờ chúng ta là những thằng tù và phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những nỗi bất hạnh mà kẻ chiến thắng sẽ ban cho chúng ta.
Người mang kính trắng cố cãi lại:
- Nhưng thông cáo của ủy ban quân quản bảo rằng chúng ta đi trình diện để dự lớp học chính trị kia mà. Điều đó có nghĩa là chúng ta là những học viên chứ không thể là những người tù được.
Định khoát tay:
- Rồi vài hôm nữa anh sẽ thấy chúng ta sẽ là tù hay là học viên. Nếu ủy ban quân quản nói thật thì có lẽ không lùa được tất cả anh em mình vô rọ một cách dễ dàng thế nầy đâu. Nhưng thôi không cần cãi nữa, tù hay học viên, chẳng có gì phải tranh luận. Điều cần thiết bây giờ là mình phải lo cho thân mình và giúp đỡ nhau cho được khỏe mạnh để vượt qua giai đoạn khó khăn nầy. Bây giờ, đề nghị anh em hãy để tất cả đồ đạc của mình bên ngoài. Ai lo dọn dẹp phòng trước, nhớ phải lau chùi thật sạch. Giếng nước bên hè nhà, kế phòng của mình đó.
Tân nói:
- Tôi tình nguyện dọn phòng trước. Chổi thì có đây, nhưng khăn đâu mà lau nền?
Định chỉ vào một góc nhà:
- Có cái áo hay quần màu xanh trong kia kìa, lấy mà dùng.
Tân bước vào, cầm nùi giẻ đưa lên. Bỗng anh đứng im, sửng sốt nhìn xuống. Trên mặt đất một con búp bê bằng nhựa nằm ngửa, hai chân và một cánh tay còn lại đưa lên, mắt nhìn Tân và miệng tươi cười. Anh nhìn nùi giẻ trong tay mình. Đó là chiếc áo màu xanh nhạt có những hình thêu, màu sặc sỡ và xinh đẹp. Trên vạc chiếc áo có một đốm màu đen thẫm khá to. Tân nhìn kỹ. Đó là vệt máu lâu ngày còn để lại.
- Gì vậy anh Tân?
Nghe tiếng Định hỏi, Tân quay lại nói nho nhỏ với giọng xúc động:
- Anh Định xem nầy.
Tân vừa nói vừa chỉ con búp bê cụt tay và chiếc áo trẻ em vấy máu. Định nhíu mày, nhìn từ vật nọ đến vật kia. Anh hỏi nhỏ:
- Con gái?
Tân gật đầu. Định thở dài:
- Lại thêm một kết quả của công cuộc “giải phóng” miền Nam. Không biết đứa gái bé nầy chỉ bị thương hay chết rồi.
Nói xong anh bước tới cúi lượm con búp bê, lấy chiếc áo trong tay Tân gói lại. Tân hỏi:
- Anh đem đi đâu?
- Tôi mang đi đốt. Để đây anh em thấy thì đau lòng, còn quăng vào đống rác dơ dáy thì tội nghiệp. Cái gì của trẻ em cũng phải để nơi sạch sẽ, còn nếu không dùng nữa thì đốt đi.
Tân nhìn bạn đi ra khỏi phòng rồi quay lại cắm cúi làm việc.
Nửa giờ sau, gian nhà đã trở nên sạch sẽ. Vài người trải tấm vải mang theo và nằm xuống một cách thoải mái.
- Anh em nghe đây.
Tiếng la lớn khiến mọi người trong phòng nhỏm dậy nhìn ra cửa, nơi một người vừa xuất hiện, tay cầm một xấp giấy. Giọng anh ta tiếp tục oang oang:
- Tổ nầy tạm thời là tổ Mười một nghe chưa? Anh em hãy bầu lấy một tổ trưởng, ghi danh sách mười người trong tổ cùng bảng lý lịch trích ngang nầy. Lát nữa tôi đi thu lại.
Định nhìn anh ta từ đầu đến chân:
- Anh là….
Anh ta cười:
- Tôi là Nguyễn văn Hải, cũng một thứ đi học tập như anh em vậy thôi. Vừa rồi, ông quản giáo xuống phòng chỉ ngay tôi và bảo tôi làm đại diện cho tất cả anh em trong đoàn nầy. Thế là tôi trở thành đại diện, nói đúng hơn là tên sai vặt của các ông ấy. Thôi anh em bầu tổ trưởng ngay đi.
Một anh đang nằm vội vùng dậy, chỉ tay sang Định:
- Tôi bầu cái anh nầy làm tổ trưởng. Lúc mới vào đây, anh ấy phân công có vẻ rành mạch lắm.
Tất cả la lên:
- Đồng ý.
Anh đại diện Hải quay sang người được bầu, hỏi:
- Anh tên gì?
- Phan văn Định.
- Đây, anh cầm ba tờ giấy nầy ghi danh sách và lý lịch của anh em. Nhớ ghi cẩn thận đừng để sai sót, nghe chưa?
Cái anh vừa giới thiệu Định khi nãy la to:
- Nầy anh đại diện, sao giờ nầy chưa thấy nhà hàng cho xe mang cơm lên cho chúng ta.
Hải cười to:
- Nhà hàng nào mà lên tới trên nầy. Họ vĩnh biệt chúng ta rồi!
- Thế thì chuyện ăn uống của mình ra sao đây?
- Đừng lo. Vừa rồi tôi đã lãnh gạo và cá khô cho anh em trong ba ngày. Hôm nay, tổ Một được phân công nấu cơm. Khi nào nghe gọi thì tổ trưởng xuống nhà bếp lãnh cơm về cho anh em.
Nói xong, anh ta bước ra khỏi phòng.
Định ngồi xuống đất, đặt những tờ giấy lên đùi, gọi từng người đến để ghi tên và lý lịch. Chỉ riêng Định và Tân là sĩ quan biệt phái, tám anh kia đều rất trẻ, chưa ai quá ba mươi tuổi, và đều phục vụ trong các đơn vị quân đội cho đến ngày buông súng đầu hàng. Trong mười người, có bảy sĩ quan bộ binh, một biệt động quân và hai công binh. Định và một người nữa tên Quang là đại úy, Ẩn là thiếu úy, còn lại là trung úy. Tất cả mọi người đều có bằng tú tài, phần nhiều đã từng ngồi trên ghế đại học. Tân nghĩ thầm:
- Sống chung với những người có học thế nầy thì hi vọng dễ chịu.
Ngày đầu tiên trôi qua nhanh chóng. Khi màn đêm buông xuống, tất cả các gian nhà đều chìm trong bóng tối. Mọi người đều nằm vào chỗ của mình và râm ran trò chuyện với nhau. Hầu hết đều đinh ninh rằng ngày đầu tiên hôm nay là ngày ổn định chỗ ở và sáng mai khóa học chính trị sẽ bắt đầu.
Ở đây, Tân để ý không thấy một nơi nào có thể làm lớp học được. Nhưng có sao đâu. Tất cả anh em đều là quân nhân. Trước đây trong các quân trường, họ đã từng ra bãi tập, ngồi xếp hàng dưới cái nắng chang chang để nghe các sĩ quan dạy chiến thuật thì nay cũng sẵn sàng ngồi trên miếng đất hoang để nghe cán bộ giảng về chủ nghĩa Mác Lê nin. Ngày xưa, anh em học để từ bỏ vị trí dân sự và trở thành sĩ quan; ngày nay, anh em học để tẩy rửa chất sĩ quan và trở về cuộc sống dân sự cùng gia đình mình.
Một đêm an lành trôi qua. Sáng hôm sau, khi mặt trời lên khỏi mái nhà, anh em được lệnh tập họp điểm danh rồi đi làm vệ sinh chung quanh chỗ ở. Tối đến không có một ánh đèn nên mọi người chui vào mùng nằm thao thức nhớ mẹ hoặc nhớ vợ nhớ con cho đến khi chìm sâu vào giấc ngủ.
Nhiều ngày tiếp tục lặng lẽ trôi qua, cái căn cứ pháo binh đầy cỏ rác lúc đầu dần dần trở nên quang đãng nhưng cái lớp học chính trị mà mọi người chờ đợi chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Tuy vậy, mỗi người vẫn nuôi lấy hi vọng. Sống trong khung cảnh giam cầm thì hi vọng chính là nguồn an ủi quí giá nhất của mỗi người
Một buổi tối, sau khi vô mùng được một lúc, Tân nghe bên cạnh có tiếng thở dài. Trong đêm thanh vắng, tiếng thở dài nghe rõ mồn một. Tân quay sang hỏi:
- Quát, anh chưa ngủ à?
- Không ngủ được anh ạ. Hôm nay là đúng mười ngày rồi, kể từ hôm mình trình diện ở trường Chu văn An, thế mà đêm nay vẫn nằm chèo queo dưới nền đất của căn cứ pháo binh nầy.
Quát là một trung úy công binh. Anh có bằng kỹ sư công chánh. Tướng anh nho nhã, tính tình hiền lành. Anh khai có vợ và một đứa con trai hai tuổi. Tân có cảm tình rất nhiều với con người điềm đạm nầy. Tân tìm cách an ủi:
- Biết đâu mười ngày vừa rồi là để thử thách sự phục tùng của chúng ta. Thử thách xong rồi thì trả chúng ta về với gia đình ở địa phương và cho dự các lớp chính trị tại đó.
Câu nói lạc quan của Tân như một luồng khí nóng đầy phấn khởi lan ra khắp phòng. Mọi người bỗng nhao nhao bàn tán. Thì ra tự nãy giờ, tất cả nằm im nhưng chưa ngủ. Ai cũng nghĩ đến thời hạn mười ngày học tập đã chấm dứt và cố hình dung sự việc tiếp tục đúng với ước mơ của họ.
Thiếu úy Ẩn, người nhỏ nhất trong phòng bỗng la lên:
- Các anh hãy im lặng lắng tai nghe. Hình như có tiếng xe chạy rầm rầm ngoài xa. Xe đến đón chúng mình về Sài gòn để học tập đó. Mấy ông Việt cộng thích di chuyển ban đêm. Chúng ta lên đây ban đêm thì cũng sẽ về vào ban đêm.
Mọi người nằm im, lắng tai nghe nhưng chẳng có tiếng xe nào cả. Định cười to:
- Cái xe nó đi đổ xăng rồi, tí nữa nó quay trở lại chở chú Ẩn về Sài gòn. Xe chở một mình chú Ẩn thôi nhé vì Ẩn trẻ nhất lại đẹp trai nên phải về học tập cho nhanh để còn kiếm vợ nữa chứ.
Câu nói khôi hài của Định làm mọi người phì cười. Ẩn cố lên tiếng:
- Nếu có xe đến thì quả thực anh Định không về phải không? Mọi người về hết, anh có chịu ở lại đây không?
- Chịu liền. Anh ở lại cuốc đất, sống suốt đời tại đây để khỏi phải chứng kiến sự đổi thay của xã hội bên ngoài.
Quát quay sang nói nhỏ với Tân:
- Anh Tân, cái giọng bi quan của anh Định nghe buồn quá. Hình như ngoài đời anh dạy cùng trường với anh ấy phải không? Anh ấy dạy môn gì?
- Vâng, hai anh em tôi dạy cùng trường. Anh ấy là giáo sư triết học, sắp trình luận án tiến sĩ. Anh ấy rất giỏi, có nhiều dự định về nghiên cứu và nhiều cao vọng về giáo dục. Bây giờ, mọi thứ đổ vỡ theo với nền Cộng hòa. Vì vậy anh ấy buồn cũng phải.
- Tất cả chúng ta đều buồn vì mất nước. Tuy nhiên chúng ta còn giữ chút hi vọng còn anh ấy thì có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng.
Tân giải thích:
- Chúng ta không đau khổ nhiều bằng anh ấy đâu. Trước đây anh ấy có quá nhiều cao vọng tốt đẹp để góp phần xứng đáng xây dựng xã hội miền Nam, nay cái xã hội đó đổ vỡ rồi nên anh ấy rất thất vọng. Anh ấy hiểu rộng nên không có chút hi vọng nào ở xã hội cộng sản. Tôi biết trong đợt học tập chính trị gọi là cải tạo nầy, anh ấy sẽ khổ hơn chúng mình nhiều.
Quát hỏi:
- Bây giờ gọi là cải tạo còn trước đây thì mình gọi là tẩy não phải không?
- Đúng vậy. Phải tẩy bỏ cái ý thức tôn trọng tự do dân chủ trong não của chúng ta thì mới đưa cái chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vào được. Nỗi bi đát của người trí thức chính là chỗ đó. Trong xã hội cộng sản, trí thức là người chịu nhiều đau khổ nhất.
- Vì vậy, cộng sản ghét trí thức lắm phải không?
Tân gật đầu trong bóng tối:
- Không phải ghét thôi mà còn liệt vào kẻ thù số một nữa. Tôi đã có dịp nghe họ bảo rằng có bốn thành phần mà họ phải để tâm cải tạo hay tiêu diệt, đó là “trí, phú, địa, hào”. Anh thấy chưa? Trong bốn thành phần mà họ coi là kẻ thù thì trí thức đứng đầu, rồi mới tới phú nông, địa chủ và cường hào ác bá. Với người trí thức được đào tạo trong chế độ tự do, người cộng sản biết rằng rất khó tẩy bỏ được chân lý trong đầu họ để đưa chủ nghĩa cộng sản vào.
Quát tặc lưỡi:
- Đối với tôi, họ muốn tẩy cái gì và đưa cái gì vào trong não tôi cũng được, miễn là cho tôi sống bình yên với vợ con tôi, tôi chẳng thắc mắc gì.
- Vâng, chúng ta có thể chịu làm một bầy cừu non ngu dốt để cộng sản sai khiến nhưng anh Định là một nhà tư tưởng thì điều đó không dễ dàng gì. Thôi khuya rồi, chúng mình nên ngủ đi.
Quát chưa muốn ngủ nên nói tiếp:
- Anh có nghĩ rằng ngày mai chúng ta sẽ được đưa về Sài gòn để học chính trị không?
- Tôi mong muốn chứ không dám tin điều đó sẽ xảy ra như thế.
- Tôi thì tin. Họ đã toàn thắng và chúng ta đã phục tùng họ rồi thì họ còn dối gạt chúng ta làm gì.
Tân không trả lời. Anh nhắm mắt lại và không bao lâu ngủ say.
Một đêm nữa lại trôi qua. Tân giật mình thức giấc. Ngày chưa đến nhưng trong phòng sáng lờ mờ nhờ có ánh trăng hạ tuần rọi nghiêng qua cửa sổ. Tân nhỏm dậy và ngạc nhiên thấy nhiều người đã thu dọn đồ đạc và ngồi thu lu trong bóng đêm. Bên cạnh Tân, Quát cũng đã cho mọi thứ vào bao và ngồi im như pho tượng, mặt hướng về cửa ra vào. Tân hỏi nhỏ:
- Anh Quát dậy sớm vậy?
Quát giật mình quay lại, giọng buồn buồn:
- Đêm rồi tôi có ngủ được bao nhiêu đâu. Cứ nghĩ đến mười ngày học đã chấm dứt mà nôn nao trong lòng. Nằm lắng nghe tiếng xe đến chở mình về Sài gòn mà tứ bề vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng vạc đi ăn đêm bay về tổ. Mình thèm được như con vạc trên trời, mỗi bình minh còn được trở về sum họp với vợ con.

Tia sáng đầu tiên của bình minh từ chân trời vọt lên, xuyên thủng màn đêm. Ngày lại đến thản nhiên như mọi ngày. Nhiều người lầm lũi ra giếng múc nước trong khi người khác bước ra bên ngoài, nhóng cổ nhìn về phía cổng. Họ cố giữ lấy hi vọng càng lúc càng trở nên mong manh.
Mặt trời xuất hiện và dần dần lên cao. Từ dãy nhà gọi là văn phòng ban quản giáo, anh đại diện Hải tất tả đi xuống. Nhiều người đứng yên nhìn theo anh, đợi tin vui. Sáng nào Hải cũng đến phòng quản giáo để nhận lệnh về báo lại cho anh em. Cho đến nay, ngày nào anh em cũng nghe một cách nhàm chán lệnh ban xuống bảo anh em dọn dẹp vệ sinh chung quanh chỗ ở. Nhưng biết đâu, hôm nay, lệnh sẽ khác đi vì mười ngày tập trung vừa mới kết thúc đêm rồi.
Một người la to:
- Thế nào anh Hải? Có gì lạ không?
Hải lắc đầu:
- Không có gì lạ. Quản giáo cho lệnh anh em tiếp tục dọn vệ sinh. Khối A và khối E mỗi khối đào thêm một cái giếng nữa để chuẩn bị trồng rau cải thiện bữa ăn.
Một giọng nói gay gắt và bực tức:
- Tại sao lại trồng rau? Trồng cho ai ăn? Không lẽ mình cứ ở đây thế nầy để chờ ăn cái rau cải thiện à? Tại sao anh không hỏi quản giáo chừng nào anh em được học tập? Mười ngày tập trung theo lệnh của ủy ban quân quản qua rồi, quản giáo không nhớ sao?
Hải ôn tồn:
- Anh em đừng nổi nóng. Tôi cũng mong về với vợ con không kém anh em chút nào. Khi nãy tôi có hỏi anh quản giáo trực ban về điều đó. Anh ấy lắc đầu bảo không biết được chủ trương của cấp trên, nhưng có hứa sẽ hỏi cho chúng mình. Thôi anh em hãy rán kiên nhẫn đi làm việc đi, có tin tức gì tôi sẽ thông báo ngay.
Nói xong, anh ta bỏ đi về phía các dãy nhà.
Ngày từ từ trôi qua. Hôm nay không có tiếng cười đùa như mọi hôm, ai cũng tỏ vẻ ưu tư, lo lắng cho thân phận của mình.
Vào xế chiều có lệnh tập họp tất cả tổ trưởng lên phòng quản giáo. Mọi người lại bàn tán xôn xao vì đây là chuyện lạ. Thường ngày, chỉ một mình đại diện lên nhận lệnh rồi về phổ biến cho anh em thi hành.
Các tổ trưởng vội vàng rửa mặt, rửa tay rồi theo đại diện đến văn phòng. Toàn thể những người khác đều nghỉ việc, họp nhau từng nhóm nhỏ bàn tán sôi nổi. Đa số tưởng tượng ra một cái gì đó rất lạc quan để đi đến kết luận là tổ trưởng được gọi lên ban chỉ huy để nhận kế hoạch sắp đặt việc học tập.
Khoảng một giờ sau, các tổ trưởng trở về. Mọi người ào ra chận lại để hỏi han. Quát nắm chặt tay Định, hỏi ngay:
- Thế nào? Ban quản giáo nói với các anh việc gì? Quan trọng không?
- Khá quan trọng.
- Có liên can đến vấn đề học tập không?
- Có, nhưng anh em vào phòng rồi tôi nói cho nghe.
Mọi người nhanh chóng kéo nhau vào phòng. Định đưa tay ra hiệu cho anh em ngồi xuống:
- Anh em hãy im lặng nghe tôi nói đây. Khi nãy chúng tôi được gặp một ông bộ đội, có lẽ là một sĩ quan cao cấp, được giới thiệu là chính trị viên gì đó.
Quát ngắt lời vì quá sốt ruột:
- Ông ta nói gì? Có liên quan đến việc học tập của chúng ta không?
Định gật đầu:
- Ông ta giải quyết chuyện đó vì sáng nay anh Hải đại diện có phản ảnh thắc mắc của anh em sau khi thời hạn mười ngày tập trung chấm dứt.
- Ông ta trả lời thế nào?
Định mỉm cười:
- Đừng nóng vội, nghe tôi trình bày, chúng ta còn ở lại đây chưa biết đến lúc nào, chắc hắn chưa về sớm được.
- Tại sao vậy? Thế thì thông cáo mười ngày của ủy ban quân quản không áp dụng à?
- Có chứ, nhưng cái ông chính trị viên bảo rằng ủy ban quân quản đâu có qui định chúng ta học mười ngày. Thông cáo bảo chúng ta mang theo lương thực hoặc tiền bạc đủ ăn mười ngày, còn việc học tập thì có thể kéo dài cho đến khi nào chúng ta trở thành công dân tốt thì thôi.
Mọi người sửng sốt há hốc nhìn anh tổ trưởng. Quát nói với giọng gần như than thở:
- Thế là người ta chơi chữ và chúng ta quá ngây thơ nên bị gạt một cách dễ dàng.
Định đưa tay bảo mọi người im lặng:
- Chưa hết đâu.
- Còn gì nữa?
- Mười ngày rồi, anh em được cách mạng nuôi ăn, nghĩa là chưa dùng tới lương thực hay số tiền mang theo. Vậy bây giờ, mỗi người phải góp một số tiền tương đương với chi phí mười ngày ăn, kể cả số tiền trả cho nhà hàng hai ngày ăn ở trường Chu văn An.
Quát than thở:
- Trời hỡi trời. Thế mỗi người phải góp bao nhiêu tiền?
- Chưa biết, nội trong chiều nay, ban quản giáo sẽ tính toán và thông báo cho anh em biết, sau đó anh em sẽ đóng tiền cho tổ trưởng và anh đại diện sẽ gom lại đưa nộp lên cho quản giáo.
- Trời hỡi trời, đi ở tù mà phải đóng tiền. Tiền nầy gọi là tiền tù đây.
Định quát khe khẽ:
- Im đi, phải giữ miệng giữ mồm. Ăn nói như thế rủi quản giáo nghe được thì khổ tấm thân. Còn chuyện nầy nữa.
- Chưa hết sao?
- Ông chính trị viên bảo rằng cách mạng cho anh em mình tự do phát biểu ý kiến nhưng không cho phép mình phản đối chủ trương đường lối của cách mạng. Thắc mắc cũng không được phép vì còn thắc mắc là chưa tin tưởng vào đảng.
Quát lại than:
- Trời hỡi, không được phản đối, không được thắc mắc, thế thì cái ý kiến được tự do phát biểu là ý kiến gì?
- Ý kiến hoan nghênh cách mạng, ý kiến ủng hộ nhà nước, ý kiến trung thành với đảng.
- Chỉ được nói mấy cái thứ quỉ quái đó mà gọi là tự do phát biểu sao?
- Suỵt, im đi. Nên nhớ đây là chế độ mới chứ không phải chế độ cũ mà chúng ta sống trước đây đâu. Trong chế độ mới, không phải riêng chúng ta mà mọi người dân chỉ được hưởng quyền tự do ca tụng đảng mà thôi. Muốn sống phải nhớ kỹ điều đó.
Định thở dài rồi nghiêm trang nhắc lại, như nhắc cho chính mình:
- Nhớ kỹ điều đó.
Giọng nói lầu bầu của Quát vẫn tiếp tục:
- Sống như thế mà cũng gọi là sống sao?
Định nhìn ra trời và nói lảng đi:
- Có lẽ sắp đến giờ đi lãnh cơm rồi. Thôi anh em đi tắm rửa đi để có đồ dùng mà lãnh cơm.
Mọi người lật đật đứng dậy. Họ phải tắm rửa cho nhanh thì mới lãnh được cơm. Cái ca nhựa dùng để múc nước tắm rửa cũng chính là vật dụng để lãnh cơm. Mỗi bữa, một người trong tổ đi lãnh cơm về chia đồng đều cho mười chiếc ca nhựa để sẵn trên nền đất, mỗi ca được khoảng già một chén cơm và một miếng cá khô mặn chát. Cơm luôn luôn nóng sốt nên nồng nực bốc lên mùi gạo mốc. Có lẽ đó là thứ gạo được cất giấu trong rừng từ nhiều năm qua. Tuy là cơm gạo mốc ăn với cá khô mặn chát nhưng quản giáo đã giải thích rằng đó là ân huệ mà cách mạng ban cho mỗi người.
Sau bữa cơm, trời chưa tối hẳn, Định rủ Tân ra ngồi trên nóc một lô cốt cạnh bờ rào để ngắm nhìn đỉnh núi Bà đen. Nhiều người đi dạo thong thả trên con đường đất chạy dài theo những dãy nhà. Định nhìn theo họ, lòng cảm thấy thực xót xa. Cách đây không lâu, họ là những sĩ quan dũng cảm, cùng đồng đội tung hoành trên khắp các chiến địa, coi cái chết nhẹ như lông hồng và coi lý tưởng bảo vệ tự do nặng như núi Thái sơn. Cái quá khứ oai hùng đó tan biến mất rồi, chỉ còn cái hiện tại nhục nhã, cúi đầu cam chịu phục tùng kẻ thù để được kéo dài cho hết kiếp sống trên trần gian nầy với vợ con. Định chép miệng:
- Thực là đáng thương
Tân quay sang hỏi:
- Anh nói gì vậy?
- Tôi nói chúng ta thực đáng thương và phải công nhận họ thực tài tình. Chúng ta thua họ là phải.
- Anh lại trở lại lý do thất trận của miền Nam phải không?
- Không, tôi đã suy nghĩ lý do đó quá nhiều rồi và tôi đã xếp nó lại cũng như lịch sử đã xếp cái trang nói về xã hội Việt Nam Cộng hòa vậy. Bây giờ, tôi đang nghĩ đến thân phận của chúng mình đây.
Định dừng một chút rồi đột nhiên đổi giọng:
- Anh xuất thân khóa Mười bốn sĩ quan trừ bị Thủ đức phải không?
- Phải. Anh cũng thuộc khóa đó mà.
- Vâng tôi cũng học khóa Mười bốn, thuộc đại đội Hai. Anh còn nhớ, ở cuối giai đoạn Một, có một phái đoàn sinh viên sĩ quan của Pháp sang thăm không?
Tân trả lời ngay:
- Có, tôi có nhớ. Đó là những sinh viên sĩ quan của học viện quân sự Saint Cyr. Một số anh em mình được tiếp xúc với họ.
Định gật đầu:
- Trong số đó có tôi. Sau buổi tiếp xúc, người đại diện của sinh viên Pháp phát biểu rằng anh ta không ngờ trình độ học vấn của sinh viên sĩ quan Việt Nam cao như thế. Anh ta bảo, xét về bằng cấp và học lực thì ít nước nào trên thế giới có sinh viên sĩ quan được trang bị kiến thức bằng chúng ta.
- Có lẽ anh ta nói không sai. Từ vài năm trước đó, chính phủ có chủ trương động viên trí thức vào quân đội. Các trường đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp như trường Võ bị Quốc gia Đà lạt cũng nâng trình độ văn hóa của sinh viên sĩ quan ngang hàng với kỹ sư công nghệ nên sinh viên chúng ta có học lực cao cũng phải. Nhưng tại sao anh lại nói đến chuyện đó?
Định cười thành tiếng:
- Một tập thể sĩ quan ưu tú như thế mà giờ đây bị người ta gạt vô rọ một cách nhẹ nhàng. Trông kìa những con người trí thức, những sĩ quan oai hùng đang đi thất thểu như những bóng ma.
- Nhưng tại sao anh bảo chúng ta bị gạt vô rọ một cách nhẹ nhàng. Họ là người chiến thắng, chúng ta là kẻ chiến bại. Kẻ chiến thắng ra lệnh thì kẻ chiến bại phải tuân theo, đó là chuyện bình thường. Vả lại, trên chiến trường, họ đã dạy chúng ta một bài học đắng cay thì bây giờ chúng ta phải học để biết rõ chế độ của họ thì mới sống được chứ.
Định lắc đầu:
- Cho chúng ta học tập? Tôi cho đó không phải là chủ đích của họ.
- Thế thì họ tập trung chúng ta vào đây để làm gì?
- Để nhốt chúng ta lại. Anh nên nhớ rằng trong hàng ngũ của họ, có những người từ nhỏ đến lớn ăn cơm của miền Nam tự do nên biết rất rõ sĩ quan chúng ta là thành phần ưu tú mà họ phải đề phòng ngay cả khi các phần tử ưu tú đó đã phải buông súng đầu hàng. Cộng sản nổi tiếng là đa nghi, anh công nhận như thế không?
Tân gật đầu:
- Đúng vậy, cộng sản rất đa nghi, điều đó ai cũng phải công nhận.
- Ai có lòng tin người thì không tìm cách dối gạt người. Trái lại, ai đa nghi thì luôn luôn nghĩ ra những âm mưu lừa gạt kể cả khi không cần thiết phải lừa gạt. Đó là một qui luật về tâm lý, anh có đồng ý không?
- Chắc chắn là phải đồng ý vì vấn đề nầy thuộc về lĩnh vực triết học của anh. Anh hãy nói cho tôi nghe, cộng sản đã lừa gạt chúng ta thế nào?
- Đây nầy nhé. Trước tiên họ ra thông cáo cho binh sĩ và hạ sĩ quan trình diện học tập tại chỗ trong ba ngày và họ đã thi hành đúng một cách tuyệt đối thông cáo nầy. Hạ sĩ quan và binh sĩ sau ba ngày học tập được cấp giấy chứng nhận và trở về lo ổn định cuộc sống cho gia đình. Họ không chủ trương nhốt hạ sĩ quan và binh sĩ vì đây là thành phần không nguy hiểm nếu không có cấp chỉ huy. Vả lại, số nầy đông quá, nhốt vào đâu cho hết. Ở miền Bắc thì có thể có đủ chỗ để nhốt, còn ở miền Nam nầy thì có quá ít nhà tù. Ngay như chúng ta đây, họ cũng phải giam tạm trong khu gia binh chứ có nhà tù đâu mà nhốt.
Tân nhắc:
- Họ gạt chúng ta thế nào? Anh giải thích đi.
- Sau chuyện học tập của hạ sĩ quan và binh sĩ, dân miền Nam ngây thơ và chất phác, đinh ninh kẻ chiến thắng nói sao là làm vậy. Ngay sau đó họ ra lệnh cho tướng lãnh và sĩ quan cấp tá của quân đội Cộng hòa trình diện học tập trung một tháng. Thế là rủ nhau đi trình diện một cách vui vẻ. Họ hốt trọn cái thành phần mà họ cho là chủ chốt và cực kỳ nguy hiểm đó. Số nầy, họ đem đi đâu mất biệt. Nghe đâu chở thẳng ra ngoài Bắc, đưa lên mãi tận vùng thượng du để không còn liên lạc được với bên ngoài. Mươi ngày sau đó, nghĩa là chưa hết thời hạn một tháng học tập của thành phần chủ chốt, họ ra thông báo cho chúng ta, sĩ quan cấp úy, đi học mười ngày. Thế là chẳng ai nghi ngờ dã tâm của họ. Tất cả sĩ quan cấp úy phấn khởi đi trình diện, nghĩa là hăng hái đút đầu vào rọ một cách nhẹ nhàng.
- Nhưng tại sao lúc mới vào chiếm Sài gòn, họ không bắt nhốt chúng ta ngay mà phải để hơn một tháng sau mới lập mưu để lừa gạt.
- Làm sao nhốt ngay hết quân đội của một quốc gia. Chiến thắng đến với họ quá nhanh chính họ cũng không ngờ được. Vì vậy họ rất lúng túng. Trong Nam chờ lệnh ngoài Bắc và ngoài Bắc thì có lẽ họp liên miên để thảo luận. Họ túi bụi với việc chiếm đóng các cơ sở quân sự và dân sự của mình, việc thiết lập chính quyền các cấp ở miền Nam. Rồi còn phải có thời gian đuổi các gia đình binh sĩ đi khỏi nơi đang cư ngụ để có chỗ mà nhốt chúng ta chứ. Thế là họ thả lỏng cả một quân đội hàng tháng trời làm cho cái quân đội nổi danh thiện chiến và đầy trí thức cứ hí hửng mừng thầm vì được đảng và nhà nước thực sự khoan hồng. Thực là một chuyện nực cười.
Định ngừng nói, thở dài.
Đêm đã đến, ngọn núi Bà đen khuất mất trong bóng tối. Định và Tân leo xuống lô cốt để vào phòng.
Kể từ khi được chính trị viên giải thích về thời hạn mười ngày, anh em không còn nói đến cái thời hạn đó nữa. Bây giờ thì anh em nghĩ đến một khóa học chính trị và bám víu vào đó để hi vọng được về với gia đình. Bao giờ thì khóa học bắt đầu? Nhiều giả thuyết được sinh ra cho thời hạn của khóa học đầy ước mơ đó. Trong sự tưởng tượng của anh em, thời hạn đó không quá dài, quanh quẩn một tháng trở lại thôi. Theo ý kiến của hầu hết anh em, một tháng là thời hạn hữu lý nhất. Hiện nay có hàng chục ngàn sĩ quan nằm trong trại cải tạo, ăn uống tuy rất kham khổ nhưng sự tốn kém không phải là nhỏ, chính phủ cách mạng không dại gì giữ anh em lâu dài. Ai cũng đồng ý với lý lẽ đó nên xác quyết thời hạn tập trung không thể kéo dài hơn một tháng nữa được. Anh em lại trở nên lạc quan yêu đời.
Một hôm, sau bữa ăn chiều, có lệnh của quản giáo gọi tất cả tổ trưởng họp ở văn phòng. Thế là anh em lại tụm năm tụm ba bàn tán xôn xao. Hầu hết đều đự đoán khóa học sắp bắt đầu và mọi người hồi hộp chờ đợi tổ trưởng mang tin vui trở về.
Cái tin vui mà tổ trưởng mang về cho anh em đúng là một tin làm cho cười ra nước mắt. Quản giáo bảo rằng thấy anh em ăn uống đạm bạc nên cũng thương tình và đề ra kế hoạch bồi dưỡng cho anh em. Kế hoạch hết sức “nhân đạo”, đó là anh em góp tiền lại mua vài chú heo con. Mỗi bữa nhà bếp trích ra một số cơm để nuôi bầy heo, đến Tết sẽ có thịt để ăn.
Anh em nghe tổ trưởng nói xong thì nín lặng một phút rồi phá lên cười. Hôm nay mới là giữa tháng năm âm lịch, vậy còn hơn bảy tháng nữa mới đến Tết. Cái thời hạn một tháng đột nhiên tăng thành bảy tháng và chưa chắc dừng ở mức đó.
Ngày hôm sau, tổ trưởng thu tiền đóng góp của anh em và khi bầy heo được đưa về chuồng thì phần cơm của mỗi người đã ít lại càng ít hơn nữa. Cái đói thường xuyên nằm sẵn và bám chặt vào dạ dày của mỗi người, kể cả những lúc vừa ăn xong bữa cơm trưa hay chiều. Lúc đầu cái đói đó còn hành hạ anh em. Dần dần, nó thấy hành hạ cũng vô ích nên nó thôi không hành hạ nữa. Dường như nó bỏ đi nơi khác nên anh em không thấy khó chịu về nó nữa. Khi ngày tắt nắng, nhiều người không còn nhớ mình đã dùng cơm tối rồi hay chưa.
Cuộc sống nơi đây vẫn tiếp tục. Nỗi buồn bã và chán nản mỗi ngày một tăng lên.
Khoảng hai tháng sau, một buổi chiều, các tổ trưởng lại được gọi lên phòng quản giáo. Không khí trong các gian nhà lại có dịp dậy lên với những lời bàn tán sôi nổi. Các tổ trưởng hấp tấp kéo nhau lên văn phòng và một lúc sau có tiếng reo hò từ trên đó vọng xuống. Anh em túa ra khỏi nhà thì vừa lúc các tổ trưởng trở về. Người đi đầu hét to:
- Anh em vào thu dọn đồ đạc ngay. Di chuyển đi nơi khác!
Nhiều người hỏi lại:
- Di chuyển đi đâu?
- Quản giáo nói rằng đưa chúng ta về nơi thuận tiện hơn để học tập.
Mọi người vừa reo hò, vừa chạy về chỗ ở. Trong phút chốc, tất cả anh em đã tập họp và ngồi theo hàng ngũ chỉnh tề trong khoảng đất trống đã được dọn sạch sẽ từ lâu để làm sân vận động.
Xa xa có tiếng máy xe vọng lại rồi một đoàn quân xa vận tải bật đèn pha sáng choang, nối đuôi nhau chạy vào cổng. Quát ngồi phía sau Tân nói với giọng mừng rỡ:
- Có xe đến, thế là đi xa chứ không đi gần. Có thể chúng ta lại được trở về Sài gòn. Bây giờ là tháng tám, học sinh đang nghỉ hè, các phòng học đang bỏ trống. Chúng ta sẽ vào đó học chính trị và sau đó sẽ làm lễ mãn khoá trong sân trường. Anh Tân, tôi đoán như thế, anh nghe có hữu lý không?
Tân quay lui và mỉm cười. Anh không muốn làm tắt hi vọng của bạn mình nên trả lời:
- Tôi cũng hi vọng như thế. Cuối cùng chúng ta cũng được học tập và về với gia đình.
Trong bóng tối lờ mờ, thấy nét mặt rạng rỡ của Quát, Tân hài lòng về câu nói của mình.
Mọi người lần lượt lên xe. Những tấm bạt phía sau được thả xuống và gài chặt. Xe nổ máy, khởi hành.
Đoàn xe di chuyển suốt đêm, lúc nhanh lúc chậm, có lúc dừng lại khá lâu. Trong xe vẫn tối om như lần di chuyển rời thành phố trước đây, nên không ai biết được mình về nơi nào.
Khi trời sáng tỏ thì đoàn xe dừng lại. Mọi người được lệnh xuống xe.
Tân đứng yên, chăm chỉ quan sát. Con đường đất đỏ chạy dài trước mặt, lượn lên lượn xuống theo thế đất không bằng phẳng. Màu đất đỏ ối và ẩm ướt hiện ra khắp nơi. Hai bên đường cây cối xanh um, những lá cây mượt mà, ướt đẫm nước của trận mưa đêm qua. Tân cảm thấy nơi đây có vẻ quen thuộc đối với mình, nhưng vẫn chưa nhớ ra. Anh lẩm bẩm:
- Đây là chỗ nào nhỉ?
Bỗng anh nghe sau lưng mình có tiếng nói:
- Long khánh, căn cứ của sư đoàn Mười tám Bộ binh.
Tân quay phắc lại, nhận thấy Trí, một người to lớn, bạn tù cùng tổ với mình. Tân nói một cách vui vẻ:
- Phải rồi. Bộ tư lệnh sư đoàn Mười tám. Tôi đã ở đây hơn ba tháng, lúc tái ngũ sau Tết mậu thân. Bảy năm rồi nên hôm nay trở lại thấy quen quen mà không nhận ra. Trước anh ở đây à?
- Vâng, tôi là sĩ quan tiếp liệu của sư đoàn Mười tám.
- À, tôi nhớ ra rồi. Anh có khai trong bản lý lịch trích ngang. Nhưng tại sao anh không trình diện với ủy ban quân quản ở Long khánh mà về Sài gòn trình diện ở trường Chu văn An với chúng tôi?
- Tôi ra khỏi quân trường Thủ đức và về làm việc luôn tại đây. Tôi đã trải qua những ngày tử thủ khi Long khánh được chọn làm nút chặn cuối cùng ngăn chận địch quân tràn về thủ đô. Khi nút chặn nầy bị vỡ, tôi cùng các đơn vị rút về Long Bình rồi về Sài gòn hai hôm trước khi miền Nam sụp đổ. Vì thế, tôi trình diện ở trường Chu văn An với các anh.
Tân hỏi:
- Tôi nghe nói lúc phòng tuyến ở đây còn đứng vững, có một liên đoàn biệt động quân cùng chiến đấu với các anh phải không?
- Đúng rồi, tôi rất thường lui tới với liên đoàn đó vì tôi là sĩ quan tiếp liệu. Liên đoàn gồm những chiến sĩ rất gan dạ. Đó là những anh hùng đúng nghĩa. Kìa, anh nhìn kìa!
Trí đưa tay chỉ vào những dãy nhà. Tân nhìn theo, thấy vài khối to đen ngòm. anh nhận ra đó là pháo tháp của ít nhất ba chiếc xe tăng mà phần dưới bị cỏ mọc lên cao che khuất. Trí tiếp tục nói, giọng sôi nổi:
- Đó là xe tăng của lính Bắc Việt bị biệt động quân bắn cháy. Việt cộng đông lắm, tràn vào nhưng anh em biệt động quân nhất định nằm yên tại chỗ, bẻ gãy hết đợt tấn công nầy đến đợt khác. Mấy chiếc xe tăng nầy bị bắn cháy trong những đợt tấn công đó.
Anh lắc đầu le lưỡi:
- Hôm sau, lúc xe bị bắn cháy nguội rồi, binh sĩ biệt động quân, tìm cách mở cửa để lôi xác những người chết bên trong ra ngoài thì khổ quá, tất cả lính Việt cộng trong đó đều đã bị dây xích khóa chặt vào xe, báo hại tôi phải đi tìm cưa tìm đục cắt đứt dây xích mới đưa xác chết ra được. Chúng tôi đào cho mỗi người một hố và chôn cất tử tế. Khi lấp đất, tôi nhớ đại úy đại đội trưởng cho lính bồng súng chào. Dù sao họ cũng là chiến binh đối đầu với mình ngoài chiến trường. Đã là chiến binh rồi thì khi chết phải được mọi người kính trọng.
- Tôi nghe nói vùng đất đỏ nầy là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt và cuối cùng chúng ta phải rút lui.
- Đúng rồi, những trận đánh vô cùng ác liệt. Mọi chiến sĩ của mình ở đây đều là anh hùng cả, lính biệt động quân, lính sư đoàn Mười tám cũng như địa phương quân. Một số đài ngoại quốc loan tin rằng chúng ta chưa đánh đã bỏ chạy. Nói như thế là xúc phạm tới danh dự của chúng ta và mạ lỵ hương hồn của những chiến sĩ đã hi sinh. Nếu có bỏ chạy trước khi đánh là lẻ tẻ ở đâu đó chứ ở đây thì mọi người đã chiến đấu rất anh dũng cho đến khi có lệnh rút lui về giữ kho Long bình ở Biên hòa. Quả thực, trận đó chúng ta chịu thua nên phải rút lui. Nhưng thua không phải vì thiếu tinh thần chiến đấu mà thua vì quân số và trang bị. Quân địch quá đông, ước lượng gấp năm, sáu lần quân mình, trang bị rất tối tân lại có vô số xe tăng yểm trợ. Bây giờ, tôi trở lại đây trong thân phận của một thằng tù, một kẻ chiến bại, chợt nhớ những giờ phút oai hùng đó, thấy xót xa trong lòng, cứ muốn bật khóc cho hả dạ.
Tân bóp chặt tay bạn:
- Thôi anh đừng buồn. Những người như anh đã làm hết bổn phận đối với Tổ quốc rồi thì được quyền có sự thanh thản trong lương tâm của mình.
Trí cảm động:
- Cám ơn về lời an ủi của anh. Trong chiến tranh, chúng ta là chiến hữu; bây giờ, trong lao tù, chúng ta là bằng hữu.
Tân gật đầu:
- Đúng vậy, trong chiến tranh cũng như trong lao tù, mọi người phải hết lòng thương yêu nhau. Thôi, chúng ta chuẩn bị tập họp, có lệnh rồi đó.
Hai người đứng dậy vào hàng.
Sau khi đếm đủ số người, ông quản giáo dẫn anh em vào một khu gia binh nằm cạnh đường. Khu nầy gồm khoảng mười dãy nhà vách gạch, mái lợp tôn, trông hoang tàn vì đã bị để trống kể từ khi thành phố nhỏ bé nầy bị quân Bắc Việt tràn ngập. Phần lớn những dãy nhà không còn nguyên vẹn, cái thì mất cửa, cái thì bị gỡ những tấm tôn lợp bên trên.
Anh em được giữ nguyên tổ mười người của mình, mỗi tổ chiếm một gian nhà như ở Trảng lớn Tây ninh vậy. Công việc dọn dẹp kết thúc nhanh chóng nhờ anh em đã có kinh nghiệm lúc mới đến Tây ninh.
Đến quá trưa, mọi người đều mệt mỏi rã rời thì Định cũng vừa đi lãnh cơm về. Anh cười nói một cách vui vẻ:
- Vừa mới nhận chỗ ở xong là nhà bếp lo đắp lò ngay. Nhờ vậy giờ nầy chúng ta mới có cơm ăn,
Trí nhìn châm bẩm thau cơm, hỏi:
- Tại sao ở đây cơm có vẻ nhiều hơn ở Tây ninh phải không? Có lẽ nhà bếp tăng thêm gạo trong ngày đầu tiên để mừng chỗ ở mới.
Định cãi lại:
- Không phải đâu, thằng đại úy Ân, “bếp trưởng”, kỹ lưỡng lắm, không có chuyện thêm bớt gạo mỗi bữa đâu. Trước kia nó ở quân nhu phụ trách quân tiếp vụ của quân đoàn nên tính toán kỹ lưỡng lắm. Có một lần, ở Trảng lớn, nó nói với tôi: “Anh em vào đây quá khổ, thiếu thốn mọi bề nên hột gạo quí như hột ngọc, trước hết là phải giữ gìn cẩn thận, sau đó là phải phân phối thực đều cho mỗi ngày, tránh tình trạng có ngày thiếu hụt anh em phải nhịn đói”. Trong hoàn cảnh nầy, lòng tốt của con người mới có dịp phát huy và trở nên có ích.
Trí vẫn chưa hết thắc mắc:
- Thế thì tại sao hôm nay cơm lại nhiều hơn?
Định cười thành tiếng:
- Cái thằng to con nầy, vô đây mới biết khổ vì hột cơm thiếu thốn. Được thêm một muỗng cơm mà cứ thắc mắc mãi. Hôm nay được thêm cơm vì không phải bớt phần để nuôi bầy heo như ở Trảng lớn, hiểu chưa?
Vài tiếng ồ lên cùng lúc. Tỉ, trung úy biệt động quân nói:
- Ừ nhỉ, bầy heo của mình bỏ lại ở Tây ninh mất rồi. Sáng nay xuống xe, tôi chỉ thấy người mà thôi, chẳng thấy heo đâu cả. Không được, mình phải đi hỏi cho ra lẽ. Anh em mình đã phải góp tiền mua con giống rồi nhịn bớt phần cơm nuôi chúng nó trong gần hai tháng, rốt cuộc chẳng được gì cả sao?
Định khoát tay:
- Thôi đừng làm ầm ĩ nữa. Bỏ qua đi. Không có heo thì mỗi bữa, chúng ta thêm được một thìa cơm, không sướng hơn sao?
Tỉ hằn học:
- Không bỏ qua được, tức lắm, phải yêu cầu quản giáo giải quyết cái thắc mắc nầy mới được
Định đưa tay vỗ vào vai bạn:
- Hãy bình tĩnh, ông bạn biệt động quân ạ. Ông bạn quên rằng chúng ta đây là những thằng tù sao. Quản giáo bảo rằng cách mạng cho chúng ta quyền phát biểu ý kiến nhưng phải hiểu rằng chúng ta và mọi người ở miền Nam nầy chỉ được tự do phát biểu ý kiến hoan hô ủng hộ cách mạng mà thôi chứ không được có ý kiến chống đối và thắc mắc. Anh không nhớ, sau khi vào Trảng lớn mười ngày, chúng ta thắc mắc về thời hạn tập trung thì bị phạt ngay đó sao?
- Phạt cái gì?
- Thì phạt phải đóng mười ngày cơm. Nếu chúng ta không thắc mắc thì có lẽ không phải đóng số tiền đó đâu. Bây giờ, nếu đưa thắc mắc về bầy heo thì chắc chắn chẳng được gì mà còn bị một hình phạt nào đó thì khổ thân.
Tỉ vẫn ấm ức:
- Phạt cách nào bây giờ?
Định lắc đầu:
- Đảng tài tình sáng tạo, anh em mình không đoán nỗi đâu!
Anh hạ giọng:
- Cả miền Nam nầy bị mất trắng, cả cuộc sống của anh em mình cũng bị mất luôn, thì những con heo quá nhỏ, tiếc mà làm chi. Thôi bỏ qua đi nghe ông bạn.
Tỉ im lặng, vói lấy ca cơm của mình rồi ra trước thềm ngồi ăn một mình.
Sau khi ăn cơm xong, anh em nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục dọn dẹp đến chiều.
Xong bữa cơm chiều, Định rũ Tân đi dạo chơi. Bây giờ Tân mới nhìn kỹ nơi ở của mình. Khu nầy gồm mười dãy nhà dài song song với nhau, hai bên có hai con đường chạy dọc thẳng tắp. Đường khá rộng, mặt đường có nhiều sỏi nhỏ màu đỏ au. Rải rác đó đây, có nhiều mô đất thâm thấp đã bị nước mưa xói mòn thành những rãnh nhỏ. Tân e ngại nhìn những mô nầy. anh nói với bạn:
- Bên dưới mỗi mô nầy, chắc là có một thây người.
Định lắc đầu cười:
- Không phải là những ngôi mộ đâu. Anh không để ý sau mỗi mô là một cái hố cạn hay sao? Đây là một trong những tuyến phòng thủ của nút chặn Long khánh. Từ sau các mô đất nầy, các chiến sĩ biệt động quân đã chặn được nhiều đợt tấn công của lính Bắc Việt và đã bắn cháy nhiều xe tăng từ Trung cộng đưa sang. Đó là những chiếc T54 nầy đây.
Định vừa nói vừa đưa tay chỉ bốn khối sắt đen ngòm, bây giờ đã lộ rõ là những chiếc xe tăng sau khi cỏ chung quanh đã được dọn sạch. Trên sườn mỗi xe dó đều lộ rõ hàng chữ nguệch ngoạc bằng sơn trắng: “Biệt động quân diệt tăng”. Tân nói:
- Tại sao bộ đội cách mạng không dùng sơn bôi bỏ những chữ đó đi? Đề hàng chữ nầy, người ta qua lại đọc được thì rất bất lợi cho họ.
- Rồi chính chúng ta phải cạo sạch những dòng chữ đó chứ họ thì chẳng muốn mó tay vào những chuyện vụn vặt đó đâu.
Tân nhón chân cố nhìn ra xa và nói với bạn:
- Anh Định, hình như bên kia cũng có người.
- Vâng tôi cũng đã thấy rồi. Trông dáng điệu của họ thì tôi đoán đó cũng là những người tù đi học tập cải tạo như mình.
- Thế à? Có lẽ rồi mình sẽ qua thăm họ được. Tôi chẳng thấy có hàng rào ngăn cách giữa họ và mình.
- Không được đâu, chắc chắn chung quanh chỗ ở của chúng ta có nhiều bộ đội canh gác ngày đêm. Bước ra khỏi các dãy nhà nầy là có thể bị bắn chết đó. Tôi nghĩ rằng họ đang bao vây chúng ta một cách rất kỹ lưỡng.
- Tôi không hiểu tại sao họ không giữ chúng ta ở Tây ninh có vòng rào kẽm gai cẩn thận mà chuyển chúng ta về đây phải canh gác, lập hàng rào hỏa lực, tốn nhiều công sức.
- Có lẽ họ muốn tập trung tất cả sĩ quan về đây, trong một nhà tù khổng lồ. Căn cứ pháo binh ở Tây ninh không đủ lớn, chỉ dùng nhốt tạm một số ít mà thôi.
- Vậy là lý do đưa mình về đây để có chỗ học tập cho thuận tiện chỉ là một mưu mô lừa gạt mà thôi?
Định nhún vai:
- Phải. Lừa gạt, lừa gạt và lừa gạt, đó là món quà rõ rệt nhất mà họ mang từ ngoài Bắc vào để tặng cho chúng ta và cho cả khối dân chúng miền Nam. Anh nhìn kỹ xem, ở đây có gì thuận lợi hơn ở Tây ninh không? Còn tệ hơn nhiều. Nhà cửa thì bị phá hỏng vì hơn bốn tháng rồi để hoang không ai gìn giữ, khắp nơi hầm hố, bom đạn dẫy đầy, cỏ mọc um tùm.
- Nhưng theo tôi, đa số anh em không cho lần nầy, chúng ta cũng bị lừa gạt như lần trước. Họ tin rằng về đây là để học tập, sau đó được trả tự do. Bằng chứng là chung quanh chúng ta chẳng có vòng rào nào cả. Cho chúng ta sống thế nầy là họ đã xem chúng ta không phải là kẻ thù nữa.
- Trong số anh em còn tin sự thành thực của họ, có anh phải không?
Định hỏi xong, không đợi câu trả lời mà quay mặt đi thở dài rồi nói tiếp:
- Tính cách của người miền Nam là dễ tin người khác vì từ nhỏ họ đã được giáo dục tính chân thật quá kỹ lưỡng. Phải sống trong một thời gian với cộng sản rồi thì mới hiểu được bản chất của người cộng sản. Nhưng thôi, các anh cứ hi vọng đi. Trong cảnh cá chậu chim lồng nầy, hi vọng thì đỡ khổ hơn tuyệt vọng nhiều.
Trời sắp tối, hai anh em cùng về chỗ ở. Trong đêm đầu tiên nơi vùng đất đỏ nầy, nhiều người nằm mơ thấy mình được về với gia đình. Đó là giấc mơ rất tầm thường nhưng lại là tuyệt đẹp đối với những con người khốn khổ.

Ngày lại đến. Khi trời đã sáng tỏ, có lệnh triệu tập tất cả tổ trưởng đến dãy nhà dành cho quản giáo để nhận lệnh. Nửa giờ sau, các tổ trưởng trở về. Định gọi cả tổ về phòng để phổ biến lệnh của quản giáo:
- Hôm nay anh em chúng ta ở trại nầy được chia làm hai nhóm. Một nhóm lo sửa sang nhà của quản giáo và làm nhà bếp tập thể, nhóm còn lại thì theo các anh bộ đội đi làm hàng rào dưới sự hướng dẫn của các anh đó. Kẽm gai đã có sẵn trong kho của trại.
Định đưa mắt về phía Tân với cái nhìn đầy ý nghĩa rồi nói tiếp:
- Ông quản giáo trưởng bảo rằng làm hàng rào kẽm gai không phải để nhốt chúng ta mà để bảo vệ chúng ta. Khóa học chính trị sắp bắt đầu, lần lượt anh em mình sẽ được trả về với gia đình. Chúng ta là những người tốt đã trình diện theo lệnh của uỷ ban quân quản, nhưng vẫn còn những tên phản động bên ngoài tìm cách quấy phá lớp học của chúng ta. Vì vậy anh em phải tích cực làm hàng rào kẽm gai để ngăn chặn sự xâm nhập và phá hoại của bọn phản động đó. Anh quản giáo nhắc đi nhắc lại rằng hàng rào là để bảo vệ anh em mình và yêu cầu các tổ trưởng phải giải thích rõ với anh em điều nầy để anh em làm việc tích cực cho chóng hoàn thành thì khóa học tập cải tạo mới bắt đầu được.
Định nói xong, quay mặt ra sau để giấu một nụ cười. Sau đó anh nói tiếp:
- Tổ chúng ta được phân làm hai. Tôi và bốn anh nữa làm hàng rào. Còn lại năm người đi làm nhà bếp.
Tân thuộc toán làm nhà bếp. Mọi người đều làm việc vui vẻ và phấn khởi nên công việc tiến triển thực mau lẹ. Mới có ba ngày mà bộ mặt của trại trông thay đổi hẳn ra. Hầu hết cỏ được nhổ sạch nên khu đất trở nên khang trang. Bếp tập thể cũng đắp xong và một rào kẽm gai chạy dài bao bọc kín chung quanh trại.
Buổi chiều, sau bữa cơm, Định lại rủ Tân đi dạo chơi. Hai anh em đi tới đi lui trên một đoạn ngắn dọc theo hàng rào. Tân nhìn dãy rào mới toanh trông ngay thẳng và kiên cố, nói với Định:
- Mới có ba ngày mà các anh làm xong cái hàng rào nầy, giỏi thực.
Định mỉm cười:
- Hai ngày đầu tiên là xong vì anh em làm việc rất tích cực. Hình như không ai nghĩ rằng mình làm hàng rào để tự nhốt mình lại. Mọi người đều tin lời quản giáo bảo rằng phải đề phòng tàn quân Việt Nam Cộng hòa quay lại phá hoại lớp học.
Tân ngắt lời:
- Hôm qua anh có nói điều nầy với tổ rồi, nhưng ai có thể tin như thế nhỉ? Nếu còn tàn quân thì chính anh em mình đây chứ ai khác. Quân đội mình đã hoàn toàn tan rã rồi. Một số chạy ra ngoại quốc, còn lại thì đã theo các lớp học hoặc chui đầu vào các trại tập trung, chứ còn ai nữa mà đi phá hoại lớp học. Mà phá để làm gì? Quân đội Việt Nam Cộng hòa đâu có những thằng điên.
- Anh em cũng biết điều đó nhưng họ cho rằng quản giáo quá lo xa để cho lớp học sắp tới được tiến hành tốt đẹp và anh em sớm được trở về với gia đình. Anh em vẫn cố gắng xua đuổi sự nghi ngờ, cố tin rằng cách mạng có lòng thương xót, đối xử với mình như những người đi học tập có thời hạn chứ không phải là những tù binh bị giam giữ vô thời hạn. Tôi đã nói với anh rồi, xét về mặt tâm lý, những người bị giam cầm luôn luôn bám víu vào một cái gì đó có khi rất nhỏ nhặt, bấp bênh và kể cả phi lý nữa để nuôi hi vọng. Tuy nhiên lần nầy thì cái hi vọng mà anh em bám víu đó không kéo dài được lâu. Hôm nay, mọi người đi làm hàng rào đều thấy người ta luôn luôn tìm cách lừa gạt mình.
Tân nhíu mày:
- Lừa gạt thế nào? Anh em đã hăng hái làm xong hàng rào rồi mà. Họ ra lệnh và chúng ta tích cực thi hành, có gì đáng gọi là lừa gạt đâu?
- Phải, anh em đã làm việc hết sức tích cực. Chỉ trong hai ngày đầu là xong hàng rào kẽm gai dài đến gần một ngàn mét. Thực là một thời gian đáng ghi vào sách kỷ lục. Tuy nhiên quản giáo cho lệnh anh em hôm sau vẫn tập họp để tiếp tục công việc. Chúng tôi nghĩ rằng, sau khi làm hàng rào xong thì phải phát quang ra một khoảng khá xa để dễ quan sát ra bên ngoài. Đó là nguyên tắc quá quen thuộc đối với quân nhân chúng ta.
Định ngừng lại cười to rồi nói tiếp:
- Sáng nay, sau khi anh em tập họp đầy đủ, quản giáo cho lệnh đào hố phòng thủ để bộ đội dùng bố trí chống lại kẻ thù tấn công, bảo vệ thực chắc chắn lớp học cho anh em mình. Có người tỏ ra cảm động vì lòng tốt và sự chu đáo của quản giáo đối với những người trước đây là kẻ thù của cách mạng. Lúc đó, chúng tôi đang ở phía ngoài hàng rào. Nghe quản giáo nói xong, chúng tôi chuẩn bị trở vào bên trong để đào hố cá nhân vì ai cũng biết hố phòng thủ phải luôn luôn ở trong vòng rào. Nhưng quản giáo bảo phải đào bên ngoài và đích thân ông ta chỉ vẽ cách đào hố. Anh em cắm cúi làm theo sự hướng dẫn vì đã hiểu rằng ở đây không ai được phép cãi lại hay thắc mắc về lệnh của quản giáo. Đến chiều, khi nhìn lại công việc đã hoàn tất trong ngày, chẳng ai còn đủ sức cười được nữa. Tất cả các hố đều có mô đất dùng đặt súng quay vào phía trong. Đó rõ ràng là các hố phòng thủ của những người bên ngoài chống lại kẻ thù bên trong hàng rào. Đứng nhìn những dãy hố với mô đất mới đỏ au chạy dọc theo hàng rào, tôi cảm thấy ớn lạnh xuơng sống. Có những hố dùng cho tay súng cá nhân, có những hố dùng cho trung liên và cả đại liên nữa. Nếu tất cả bộ đội dưới các hố nầy đồng loạt nổ súng thì chắc chắn anh em mình trong trại nầy khó có ai sống sót!
- Những người khác nhìn và có hiểu như anh không?
Định trợn mắt:
- Sao lại không hiểu? Họ đều là sĩ quan trong quân đội cả mà. Họ hiểu ngay từ khi quản giáo ra lệnh lúc buổi sáng. Suốt ngày mỗi người cứ lo đào đào móc móc nơi vị trí mình được chỉ định, chẳng thèm suy nghĩ gì. Nhưng chiều lại đứng nhìn chung toàn bộ tuyến phòng thủ, anh em mới thấy ngao ngán và cay đắng. Cay đắng ở chỗ quản giáo đã coi chúng ta như những đứa con nít và gạt chúng ta một cách rất thản nhiên. Đó không phải là cách đối xử của những người trượng phu đã từng đối đầu với nhau trên chiến trường. Nếu họ là người đứng đắn thì cứ ra lệnh thẳng cho chúng ta, chắn chắn mình phải tuân lệnh, cần gì phải dở trò dối gạt như thế. Chúng ta bại trận dưới tay những người chuyên lừa gạt như thế thì thực là nhục nhã.
Tân muốn an ủi bạn:
- Anh không nên bực tức, họ là kẻ chiến thắng thì họ có quyền làm mọi chuyện, kể cả lừa gạt.
Định nói một cách hậm hực, gần như sừng sộ:
- Không tức sao được. Trong lúc hai bên còn đối đầu nhau thì sự lừa gạt kẻ thù chấp nhận được vì đó có thể được xem là một khía cạnh của chiến thuật. Còn bây giờ chiến tranh đã kết thúc, chúng ta hoàn toàn bại trận đâu còn đối đầu với họ nữa. Thế thì sự lừa gạt chúng ta đâu còn cần thiết nữa. Về việc lập hàng rào và hố phòng thủ, họ cứ nói thẳng với chúng ta rằng họ muốn quản lý thực chặt chúng ta nên phải làm hàng rào và sẽ mạnh tay nếu chúng ta nổi loạn. Cứ nói thẳng và thành thực như thế thì công việc cũng sẽ hoàn tất. Dù sao họ và chúng mình đều là những chiến binh thì nên thành thực với nhau khi sự lừa gạt không còn cần thiết nữa.
- Thôi anh đừng buồn nữa. Bây giờ thì chắc chắn anh em không còn ảo tưởng mình là học viên và quản giáo khó mà lừa gạt chúng mình được nữa.
Định lắc đầu:
- Không, tôi nghĩ rằng anh em mình chỉ tạm thời từ bỏ ảo tưởng về cái hàng rào phòng thủ thôi. Rồi họ sẽ tìm thứ khác để mà ảo tưởng, vì anh em mình quá khao khát cuộc sống với gia đình trong khung cảnh hòa bình dù phải chịu ách thống trị của chủ nghĩa cộng sản. Còn sự lừa gạt của quản giáo và của cách mạng đối với anh em mình thì chưa chắc chấm dứt đâu. Họ đã quen làm công việc đó rồi và chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào những cái bẫy của họ. Sự dối gạt đã trở thành bản chất của họ rồi. Đạt được mục tiêu bằng sự dối gạt có khi còn làm cho họ thích thú hơn là đạt mục tiêu đó bằng sự thành thực. Ngay cả đối với Karl Marx, nhiều khi họ cũng muốn dối gạt nữa.
Tân cười xoà:
- Anh nói quá lời. Các Mác là ông tổ của cộng sản và được những đảng viên xem như giáo chủ, như thần thánh của họ. Họ dám lừa gạt cả giáo chủ à?
- Tôi đã đọc nhiều sách chỉ rõ cho thấy rằng, những người cộng sản Việt Nam ca tụng Karl Marx lên tận mây xanh và thề trung thành với Marx nhưng lại có những chủ trương ngược lại chủ thuyết của Marx. Nếu ai đó có hỏi thì họ bảo rằng đó là sáng tạo tài tình. Đó không phải là dối gạt Marx hay sao?
Định im lặng một chút mới nói tiếp:
- Anh Tân, những điều vừa rồi tôi chỉ nói riêng với anh thôi, chứ không nói với những anh em khác. Cứ để cho anh em nuôi từ hi vọng nầy đến hi vọng khác. Dù đó chỉ là ảo vọng thì nó cũng giúp anh em vui sống để qua những ngày cay đắng nầy. Còn anh thì tôi cũng cám ơn vì đã chịu nghe những điều tôi nói. Đối với người trí thức, được tự do suy nghĩ và có dịp phát biểu tư tưởng là một nhu cầu. Nhu cầu nầy còn quí giá hơn mạng sống của mình nữa.
- Anh không nên cám ơn một cách khách sáo như thế. Chúng ta đã là đồng nghiệp, bây giờ lại cùng chung chia sẻ thân phận tù đày. Tôi quí anh vì sự thành thực và khả năng suy tư của anh nên được anh gửi gắm tâm sự là niềm hãnh diện và vui thích cho tôi.
Hai bạn quay về chỗ ngủ vì trời đã tối hẳn.



*
* *


Cuộc sống ở chỗ mới nầy dần dần được ổn định. Về tư tưởng, những người tù đã chấp nhận một cuộc sống giam cầm dài hạn nơi đây. Họ sửa sang nhà cửa, đóng lại các giường nằm cho chắc chắn và bằng phẳng hơn. Họ lượm những vật liệu phế thải trong khu gia binh để chế tạo ra nhiều vật dụng có ích cho đời sống, từ cái soong, cái nồi, cái dao, kềm búa, những món đồ chơi xinh sắn dành cho trẻ em, cho đến những nhạc cụ với âm thanh hoàn toàn chuẩn xác. Thực là một tập họp có rất nhiều tài năng trong một không gian chật hẹp.
Một buổi chiều, anh đại diện đi nhận lệnh của quản giáo về họp các tổ trưởng lại để phổ biến. Anh cho hay quản giáo yêu cầu anh em dựng một hội trường để chuẩn bị học chính trị.
Tin nầy làm mọi người vui thích. Công việc làm hội trường được giao cho một kiến trúc sư là một đại úy công binh kiến tạo cùng sự giúp sức của gần ba mươi kỹ sư và kiến trúc sư khác. Vật liệu để làm hội trường là tôn và gỗ lấy từ những khu gia binh bỏ hoang. Sư đoàn Mười tám Bộ binh trước đây có rất nhiều khu gia binh, mỗi khu dành cho gia đình binh sĩ của một tiểu đoàn. Một số khu đã biến thành nhà tù, số khác còn để trống.
Hôm sau, ngoại trừ một tổ được phân ở lại nấu cơm, mọi người được các anh bộ đội súng ống đầy đủ dẫn đi phá nhà. Nội trong một ngày, tôn và gỗ được chở về chất thành một đống to. Ngày hôm sau, công việc làm hội trường bắt đầu trong khi toán dỡ nhà vẫn tiếp tục công việc. Những tấm tôn do Mỹ chở sang trong chương trình viện trợ trước đây, liên tục được anh em chuyền về chất trước văn phòng quản giáo.
Hơn một tuần lễ trôi qua, công việc phá khu gia binh vẫn tiếp tục. Tiếng đập ầm ầm suốt ngày; trên đường đi, đoàn tù không ngừng đội tôn vác gỗ chuyển về trại.
Một buổi chiều, khi bóng tối bao trùm mọi vật, anh em trong tổ đều đã lên giường. Họ nằm trong mùng để tránh bầy muỗi đói vo ve. Còn quá sớm để dỗ được giấc ngủ nên anh em rì rầm nói chuyện với nhau. Trí nằm gần bên Tân nói nho nhỏ với bạn:
- Hôm nay tôi ở nhà để quét dọn, làm vệ sinh và lãnh cơm nên chứng kiến được chuyện lạ.
- Chuyện gì vậy?
- Số tôn và gỗ chúng ta mang về chất trên văn phòng được quản giáo và bộ đội gọi người dân ở ngoài vào bán rồi chia tiền với nhau. Họ chia chác với nhau thế nào đó mà sinh ra cãi cọ rồi chửi nhau với lời lẽ hết sức thô bỉ, suýt nữa thì nhào vô đánh nhau.
Tân ngạc nhiên:
- Thực vậy sao? Quản giáo thường hay nói đạo đức cách mạng với anh em mình lắm mà. Nhưng sao anh biết họ chia tiền và gây nhau?
- Sáng nay tôi dọn phòng mình xong rồi, ngồi chơi trước thềm. Anh đại diện bảo lên nhổ cỏ ở bên hông dãy nhà của quản giáo. Đang làm thì tôi thấy một chiếc xe vận tải chạy vào và chứng kiến rõ ràng việc bán và chia tiền của những vị “anh hùng” đã vào đây “giải phóng” cho chúng ta. Đó là chuyện thực, anh không tin sao?
- Tin chứ. Hình như bên ngoài, dân đang cần tôn và gỗ dữ lắm.
Trí ngắt lời ngay:
- Phải rồi, hôm qua toán tôi đang dỡ nhà thì có một người đàn bà, nhân lúc bộ đội đi nơi khác đến hỏi chúng tôi số tôn và gỗ nầy mang đi đâu, nói cho bà ấy biết, bà tìm cách thương lượng để mua. Bà ta bảo cách mạng đang đuổi nhiều người dân ra khỏi thành phố trong cái chương trình gọi là xây dựng vùng kinh tế mới.
Tân giật mình, nghe tim đau nhói:
- Đuổi dân ra khỏi thành phố à?
Trí buồn bã gật đầu:
- Tôi nghe nói vậy. Nơi được chỉ định sinh sống thì hoang vu, dân chúng khổ sở thiếu thốn trăm bề nên người ta đi kiếm mua vật liệu để xây cất. Chắc chắn quản giáo và bộ đội không bỏ qua mối lợi đó, vì họ đang rất cần tiền để mua sắm và gởi về cho gia đình.
Tân nằm ôm đầu, để mặc những lời nói của Trí loáng thoáng bên tai.
- Lúc chưa đi trình diện học tập, tôi có tìm hiểu và biết rằng ngoài Bắc, dân nghèo khổ lắm. Nghèo cho đến đỗi có người đã lớn tuổi rồi mà vẫn tình nguyện vượt Trường sơn vào Nam chiến đấu để vợ con của họ ngoài đó được lãnh lương và trợ cấp chiến đấu của họ, dù đồng lương đó ít hơn lương lính của mình rất nhiều. Vào đây chiếm được các thành phố rồi, tất cả đều choáng ngợp vì nhà cửa và mức sống của dân miền Nam mà họ bảo rằng tráng lệ và xa hoa quá mức tưởng tượng. Mặc dù sự phát triển của chúng ta đã bị kìm hãm quá nhiều bởi cuộc chiến tranh mà cộng sản gây ra, miền Nam vẫn là thiên đường đối với dân miền Bắc.
Tân uể oải gát tay lên trán, tiếp lời:
- Sáng nay, tình cờ tôi lượm được một bằng chứng thực lý thú về sự tuyên truyền láo khoét, ngày mai tôi đưa anh xem.
- Bằng chứng gì vậy? Anh lượm được ở đâu?
- Sau khi nhổ cỏ xong rồi, tôi vào quét dọn cái bếp cho quản giáo, thấy một tờ báo cũ trong cái giỏ giấy vụn dùng để nhóm bếp. Mình là dân ghiền đọc sách nên thấy chữ nghĩa là không nhịn được. Tôi xếp tờ báo lại, lén nhét vào lưng quần và mang về phòng để đọc. Đó là tờ Nhân dân, tiếng nói chính thức của đảng. Tờ báo có đăng một tin ngắn mà tôi đọc đi đọc lại ba bốn lần mà vẫn không tin vào mắt mình.
Tân ngẩng đầu lên, chồm sang hỏi:
- Tin ghê gớm lắm phải không?
- Chẳng có gì ghê gớm nhưng quá lạ lùng. Nguyên văn như thế nầy: “Nhân dân miền Bắc đóng góp để gởi vào chi viện cho nhân dân miền Nam ruột thịt một triệu cái chén ăn cơm và một triệu đôi đũa.
- Trời đất!
- Khi tôi đọc xong cũng kêu trời như anh vậy. Có lẽ dân miền Bắc cứ tưởng chúng ta trong nầy nghèo cho đến đỗi không sắm nổi cái chén đôi đũa nên thức ăn phải gói trong lá chuối và dùng tay để bốc.
- Ha, ha!
Có tiếng cười to sau lưng làm Trí vội quay lại, hỏi:
- Anh Tỉ chưa ngủ sao?
Tỉ nằm bên kia tiếp tục cười:
- Nãy giờ lắng nghe các anh nói chuyện thực là lý thú. Tới cái đoạn miền Nam phải đựng cơm trong lá chuối và bốc ăn thì tôi không nhịn cười được vì liên tưởng đến một chuyện khác.
- Anh liên tưởng chuyện gì?
- Bị Mỹ bóc lột và nghèo đến mức đó thì chắc chắn dân miền Nam không có áo quần để mặc. Vì vậy ở miền Nam, dân trở thành AdamÈve hết. Khi ra đường mỗi người trong chúng ta, kể cả các cô và các bà đều phải mang theo một cái lá để che chỗ đó. Vì tuyên truyền kiểu đó nên mọi người đàn ông ngoài Bắc đều tình nguyện vào Nam để xem Ève chứ không phải để giải phóng.
Trong phòng có nhiều tiếng cười ồn ào làm cho tổ trưởng Định phải lên tiếng:
- Thôi đi các cha. Ăn nói kiểu đó quản giáo nghe được thì tiếp tục đi tù đến rục xương. Tất cả anh em hãy im lặng và ngủ đi, ngày mai còn đi làm việc nữa.


*
* *