Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (7)


Tôi kéo áo lên lau nước mắt và trở vào nhà. Thu Hồng cũng vừa thức dậy. Nàng nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, nụ cười trẻ thơ tươi mát như không khí bình minh. Nụ cười trẻ thơ đó nhanh chóng xua tan mọi phiền não, tôi bỗng thấy lòng trở nên nhẹ nhàng; nàng là tất cả lý do để tôi tiếp tục cuộc đời trên trần thế. Tôi ngồi xuống mép giường, nắm lấy tay nàng. Tôi phải nói cho nàng biết phần nào giây phút lịch sử vô cùng trọng đại mà nàng đang trải qua, dù điều đó có thể bất lợi cho tâm trí nàng. Do đó, tôi cố lấy giọng bình thản giải thích cho nàng hiểu chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đang trở lại, không còn tiếng súng, không còn thù hận, không còn giết chóc nữa. Nàng mỉm cười nhưng trong cái nhìn vẫn đầy ắp lo âu.
Một lúc sau, tôi mở máy thu thanh. Sau những tin tức và những lời bình luận lộn xộn, tiếng ông tổng thống cuối cùng của miền Nam chậm rãi đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, rồi tới thông cáo của ông tướng nào đó yêu cầu mọi quân nhân buông vũ khí. Tôi nghĩ rằng, sau khi tuyên bố xong, hai ông ấy sẽ tự tử chết để đỡ tủi cho linh hồn của đồng đội đã hi sinh ngoài chiến địa.
Tôi nằm xuống, nhắm mắt lại, tay tôi nắm chặt lấy bàn tay mềm mại của Thu Hồng. Một lát sau, tôi mở mắt ra, thấy nàng đã nghiêng đầu nhìn tôi đăm đăm. Có lẽ nàng đã hiểu được ý nghĩa của giây phút lịch sử nầy. Tôi ngồi dậy ngắm gương mặt nàng. Kể từ bây giờ, tôi đã mất tất cả, chỉ còn lại tấm thân tàn phế của nàng mà thôi. Lần đầu tiên kể từ khi nàng ngã bệnh, tôi cúi xuống đặt môi mình vào môi nàng. Kỳ lạ thay, cánh tay nàng từ từ đưa lên và rơi xuống, mấy ngón tay lùa vào tóc tôi.

Sau lời tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, những kẻ chiến bại quăng vũ khí để tìm về với gia đình. Từ trong nhà, tôi có thể nhìn thấy nhiều người tất tả đi ngang qua. Có người sải bước trên xa lộ; có người tránh xa những đoàn quân xa của cộng quân đang tiếp tục nối đuôi kéo vào thành phố, nên họ len lỏi trên các đường mòn hai bên xa lộ. Họ ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Có người còn giữ nguyên bộ quân phục nhưng áo ngoài quần, chân trần, chẳng giày chẳng dép. Có người ở trần nhưng vẫn mặc nguyên chiếc quần dài của lính, lại có người mặc áo lính với chiếc quần đùi cũn cỡn.
Buổi trưa cuối mùa nắng, mặt trời như thiếu như đốt, vài người ghé vào nhà tôi xin nước uống rồi vội vã ra đi. Tôi mang cả ấm nước to cùng mấy chiếc ly để mời họ. Tôi lui cui rót nước và khi ngẩng lên tôi bắt gặp cái nhìn châm bẩm của một người trẻ tuổi. Tôi nhìn lại và không nhận ra nét quen thuộc nào. Mọi người uống nước xong thì nói lời cám ơn rồi bỏ đi. Được vài bước, người trẻ tuổi quay lại một mình. Tôi hơi ngạc nhiên, đứng im chờ đợi. Có lẽ anh bạn nầy cần một bữa ăn hay một ít tiền để về quê. Điều nầy thì tôi sẵn sàng chia sẻ trong cơn hoạn nạn.
Anh ta đã đến gần tôi, giọng ngập ngừng:
- Ông có người bà con nào tên là Hưng không?
Tôi giật mình, thủ thế:
- Chú muốn nói tới Hưng nào? Đời nầy có thiếu gì Hưng.
Anh ta tiếp lời, giọng thực rõ ràng:
- Đại úy Hưng, thủy quân lục chiến.
Tôi nghe như sét nổ bên tai. Giọng nói tôi đứt đoạn:
- Anh hỏi ông ta để làm gì?
- Em cùng tiểu đoàn với ông ấy. Đại úy Hưng là đại đội trưởng đại đội Một còn em là lính đại đội Hai.
Tôi thở dài, nắm lấy hai vai anh ta:
- Chính tôi là Hưng đây nhưng từ lâu không còn là đại úy nữa.
Anh ta mừng rỡ:
- Đúng rồi, em thấy đại úy là nhận ra ngay, mặc dù đại úy khác lúc trước rất nhiều. Em là hạ sĩ Chiến. Em mới về tiểu đoàn lại ở khác đại đội nên đại úy không biết em. Em thì biết đại úy. Sĩ quan tiểu đoàn đâu có mấy người; hơn nữa, đại đội Một lại ngon lành nhất tiểu đoàn, ai mà không biết.
Tôi rất cảm động nhưng cũng phải ngắt lời để nhắc cái anh hạ sĩ lắm mồm nầy:
- Tôi không còn là đại úy nữa. Chú gọi tôi là Hưng được rồi.
Chiến nhìn quanh rồi bảo:
- Không, cho em gọi đại úy một lần nầy nữa thôi. Bắt đầu ngày mai, gặp mọi người, già trẻ lớn bé em đều gọi là anh em.
Tôi cười:
- Và gọi là đồng chí nữa chứ.
Chiến cười ha hả một cách sảng khoái. Tôi nói tiếp:
- Không đợi đến ngày mai. Ngay bây giờ, tôi đã là thường dân từ lâu rồi.
- Em biết, đại úy mất tích gần một năm rồi, cả tiểu đoàn, ai cũng tiếc. Đại đội Một là đại đội chủ lực của tiểu đoàn, đứng mũi chịu sào. Đại đội Một tan rã, tiểu đoàn mình thành tiểu đoàn què, đánh hết ngon.
Bỗng dưng, tôi nổi tính tò mò:
- Tiểu đoàn bị què có lâu không?
- Đâu khoảng hai tháng thì tái lập lại đại đội Một với tụi tân binh và lính đơn vị khác bổ sung. Đại đội Một hết còn thiện chiến như xưa, đại đội Hai của em trở thành chủ lực, bị xỉ vào những chỗ độc địa nên hao bộn.
Tôi tiếp tục tò mò:
- Đại đội Một được tái lập, ai là đại đội trưởng?
- Trung úy Tánh.
Tôi hỏi dồn:
- Trung úy Tánh hả? Hiện đang ở đâu, anh có gặp lại không?
- Trung úy Tánh chết rồi.
- Trời ơi!
Tôi nghe rúng động cả tâm can. Tánh là bạn đồng ngũ vô cùng thân thiết của tôi. Chúng tôi đã cùng chia sẻ gian nguy, chia sẻ tâm tình trong bao nhiêu năm trời ở nơi lằn tên mũi đạn. Với giọng run run, tôi hỏi tiếp:
- Trung úy Tánh tử trận tại đâu?
- Không phải tử trận mà tự tử chết.
- Trời hỡi! Tự tử? Có phải tự tử khi nghe lệnh buông súng đầu hàng vô điều kiện không?
Chiến cười:
- Không phải đâu. Trung úy Tánh tự tử tháng trước, còn lệnh buông súng mới ban ra sáng nay thôi.
- Ừ nhỉ, đầu óc tôi rối mù rồi. Tại sao Tánh tự tử?
- Để em kể đầu đuôi cho đại úy nghe. Ít lâu sau khi đại úy mất tích, tiểu đoàn di chuyển ra Quảng trị chận Việt cộng tấn công vào tỉnh lỵ. Họ đông và mạnh quá, mình chận không nổi nên rút dần vào Huế. Rồi cũng phải bỏ Huế luôn, chạy xuống Thuận an, giành nhau xuống tàu để vào Sài gòn. Thực là kinh khủng. Nhiều đứa dùng súng đi làm bậy làm bạ thực nhục nhã. Phần lớn tụi làm bậy lại là lính thủy quân lục chiến. Trung úy Tánh thấy một thằng thủy quân lục chiến thuộc đơn vị khác đang đè môt bà già ra cướp của. Gần đó, nhiều thằng khác cũng đang làm chuyện bỉ ổi. Trung úy Tánh hét to bảo nó buông bà già ra. Nó không buông mà còn ngẩng lên chửi trung úy một cách tục tĩu. Trung úy rút súng, lên đạn, chĩa về phía nó. Nó bỗng nghệt mặt ra rồi la lớn: “Mày giết tao đi. Mày nhìn kia. Mày có thể giết hết hay không?”. Lúc đó, tôi đứng sau lưng trung úy. Ông nhìn quanh, tay cầm súng run run, rồi đột nhiên quay họng súng vào thái dương mình và bóp cò. Em biết trung úy Tánh không nỡ giết đồng đội của mình dù bây giờ nó là thằng ăn cướp đáng chết.
Tôi nghe đầu mình như bị búa tạ đập vào. Tôi đưa tay chận Chiến lại:
- Thôi chú đừng kể nữa, đủ rồi.
- Không, đại úy phải để cho em kể hết. Chỉ một ít thằng làm bậy mà mọi người thù ghét cả binh chủng mình thì chịu sao nổi. Xương máu mình đã đổ ra biết bao nhiêu mà kể. Mấy thằng đó, trong phút chốc đã làm tiêu tan danh dự của người sống cũng như của người đã hi sinh. Cũng may, về đến Vũng tàu, quân cảnh bắt được hầu hết những thằng khốn nạn đó và xử tử tại chỗ. Chính những ông quân cảnh đó đã kịp thời cứu vớt danh dự cho cả quân đội mình. Linh hồn trung úy Tánh chắc cũng được an ủi phần nào nơi chín suối.
Tôi ngồi xuống đất, gục mặt giữa hai đầu gối. Một bàn tay đặt trên vai tôi, cùng một giọng nho nhỏ sát bên tai:
- Đại úy đừng buồn nữa. Mất hết rồi chứ đâu chỉ riêng bạn của đại úy. Thôi em chào đại úy, em phải về quê.
Tôi ngẩng lên:
- Em về đâu?
- Quê em ở Phan thiết.
Tôi tò mò hỏi thêm:
- Tại sao bây giờ em mới về quê? Tôi nghe tin tiểu đoàn tan rã tại Thuận an cách nay hơn một tháng rồi mà.
- Đúng rồi, từ Thuận an, em được đưa vào Vũng tàu và trốn về Sài gòn. Em vào trình diện ở quân vụ thị trấn và nhất định xin về địa phương quân. Người ta đồng ý vì chỗ nào cũng cần quân số. Vả lại để cho lính thủy quân lục chiến lêu bêu ở ngoài thì thực là nguy hiểm. Bây giờ, hòa bình rồi, muốn đi đâu thì đi.
Lời nói của Chiến làm tôi nghĩ đến nguyện ước tìm lại hài cốt cha và anh của Thu Hồng mà em Thanh đã kể với tôi hôm Tết. Tôi hỏi Chiến:
- Khi em rời Huế có thấy thành phố bị tan nát như sau Tết Mậu thân không?
- Em không biết Tết Mậu thân ở Huế thế nào. Nhưng bây giờ Huế gần như còn nguyên vẹn. Giặc chưa tới thì đã chạy rồi, đánh đá gì đâu mà hư hại. Tức lắm đại úy ạ. Mấy ông tướng quá hèn nhát. Nếu chịu ở lại cùng chúng em, cương quyết đánh nhau tới cùng thì chưa chắc mèo nào cắn mỉu nao. Thôi đại úy ở lại em đi đây.
Tôi cầm tay Chiến:
- Em có cần tiền về xe không?
Chiến nhìn gian nhà lá của tôi rồi nói:
- Không, em còn chút đỉnh đủ để đi đường. Đại úy nghèo lắm mà, em biết.
Nói xong, Chiến quay lui và hối hả về hướng xa lộ. Có lẽ, nó là đồng đội xưa cuối cùng mà tôi còn gặp mặt.
Tôi trở vào nhà đến ngồi bên Thu Hồng, tìm những chuyện vui kể cho nàng nghe. Đợi đến lúc thấy mặt nàng bình thản, tôi mới báo tin một lần nữa cho nàng biết là chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt và bắt đầu từ hôm nay mình sống chung với chính quyền cách mạng. Tôi cũng vẽ vời cho Thu Hồng thấy cuộc sống hòa bình trên đất nước sau ba mươi năm chiến tranh dai dẳng. Thu Hồng có ý vui vì những lời nói cố ý lạc quan của tôi. Trong thâm tâm, tôi thành thực hi vọng một cuộc sống bình yên và tốt đẹp với chính quyền cách mạng, dù mới bị choáng váng vì nghe tin người bạn chiến đấu thân thiết nhất không còn nữa. Tôi thành thực mong muốn ngày hôm nay là một gạch ngang tách rời quá khứ với hiện tại cùng tương lai. Một khi chiến trường đã im tiếng súng thì cả hai miền Nam Bắc lại trở về với tình nghĩa đồng bào chung giọng nói, chung huyết thống, chung tổ tiên.
Tối hôm đó tôi ngủ một giấc thực ngon lành vì ý nghĩ đây là đêm đầu tiên, sau biết bao nhiêu năm, không còn tiếng súng nào trên đất nước thân yêu.
Sáng hôm sau, Thanh xin đi Thủ đức để xem cuộc sống mới với cách mạng ra sao. Tôi đồng ý ngay. Lúc về, em cười thật tươi, kể cho tôi nghe lắm chuyện lạ lùng. Súng ống, đạn dược vứt đầy đường. Mọi người đều ra khỏi nhà. Khác với những ngày trước, hôm nay đường phố đông đúc và ồn ào. Nhiều đám đông bu quanh nhìn những anh bộ đội như những nhân vật từ trên trời rơi xuống. Thanh cũng chở về một bao gạo khá to. Em bảo có vài nơi người ta bán gạo thực nhiều và thực rẻ; hỏi ra mới biết là dân chúng vào bửa kho để khiêng ra bán.
Nghe Thanh kể, tôi cũng háo hức muốn đi xem cho biết khung cảnh ngày cách mạng thành công và nhất là nhìn tận mặt những người lính cộng sản, trong vai trò kẻ chiến thắng chứ không phải là những xác chết hay những tù binh mà tôi đã từng thấy trên chiến địa trước đây. Tuy nhiên, tôi chưa dám để Thu Hồng ở nhà với Thanh mà đi trong lúc nầy. Cho nên khung cảnh ngày lịch sử, tôi chỉ được biết qua lời kể của Thanh mà thôi.
Mặc cho sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài, căn nhà lá của tôi vẫn tĩnh mịch êm đềm. Chiếc hầm trú ẩn đã được lấp đầy, nền nhà trở lại phẳng phiu. Thu Hồng lại được ngồi xe lăn và dạo chơi từ phòng trên xuống bếp và chung quanh nhà.
Ngày qua ngày, những biến đổi trong xã hội vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nếp sống của gia đình bé nhỏ chúng tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn để tâm theo dõi qua làn sóng đài phát thanh để kịp thời biết được những gì có liên quan đến mình. Tôi hiểu rằng, với chính quyền cách mạng, tôi không thể duy trì sự cô lập như những tháng vừa qua.
Quả thực, một tháng sau ngày chiếm được Sài gòn, ủy ban quân quản ra lệnh cho sĩ quan quân đội bại trận trình diện học tập. Tôi chăm chú theo dõi và vui mừng khi thấy người ta chỉ gọi những người đã buông súng vào những ngày cuối cùng. Tôi là sĩ quan đã đào ngũ từ gần một năm trước thì không thấy nói đến. Danh từ “học tập cải tạo” nghe hiền lành và đầy ân huệ không làm cho tôi sợ hãi, nhưng tôi không muốn xa Thu Hồng một phút nào, nhất là trong những ngày nầy.
Tôi yên tâm ở nhà, quanh quẩn với chiếc xe lăn của Thu Hồng. Mọi việc tiếp xúc với bên ngoài giao cho Thanh lo liệu. Mới mười sáu tuổi nhưng trông Thanh khôn ngoan, biết ứng xử khá kịp thời nên tôi cũng an lòng. Bây giờ, không còn sợ sự truy nã của an ninh quân đội, không còn sợ sự rình rập của du kích ở xóm trong, nhưng tôi cũng ngại đến chỗ đông người. Trong những quyển sách tôi đọc trước đây, có vài quyển nói về những thời kỳ cách mạng mới thành công, người ta thường lợi dụng để trả thù trả oán. Rồi có cả những kẻ cơ hội sẵn sàng hại kẻ khác để lập công, hầu tiến thân với cái giá đau đớn mà người khác phải trả.
Tóm lại, tôi cố duy trì cuộc sống biệt lập, được ngày nào hay ngày đó. Tuy nhiên, như tôi đã biết qua sách vở, người cộng sản không chấp nhận quan điểm “đèn nhà ai nấy sáng”, không cho phép ai sống biệt lập, ngoài cộng đồng xã hội mà họ kiểm soát từng li từng tí. Hiểu như thế nên tôi sẵn sàng chờ đợi. Tôi không đến tìm họ, ắt họ sẽ đến tìm tôi.
Đúng vậy, một ngày gần cuối tháng sáu, có ba người đàn ông xăm xăm bước vào nhà tôi. Họ có những túi đeo vai theo kiểu cán bộ. Quả thực, họ là cán bộ của chính quyền cách mạng, đến hỏi tôi đã nộp “tờ khai gia đình” của chế độ cũ chưa. Tôi trả lời là không có vì tôi là lính đào ngũ của quân đội cộng hòa, phải trốn tránh sự truy nã của an ninh quân đội. Họ nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngờ cố hữu của họ. Sau đó họ bảo tôi đến ủy ban cách mạng lâm thời để khai báo.
Tôi y theo lệnh, sáng hôm sau đến trụ sở của chính quyền mới thành lập. Từ hơn hai tháng rồi, hôm nay tôi mới thấy tận mắt khung cảnh của xã hội bên ngoài. Mọi thứ có vẻ mới mẻ và xa lạ. Các tiệm ăn, các cửa hiệu gần như dẹp sạch. Không khí ngoài đường không còn rộn rịp như tôi thường hình dung qua lời mô tả của Thanh trong những ngày đầu. Tuy nhiên, biểu ngữ còn giăng khắp nơi ngang qua các đường phố, cờ và khẩu hiệu đỏ chói đầy trước cửa những căn phố cửa đóng im ỉm hay khép hờ. Tôi vào ủy ban, người ta phát cho tôi mấy tờ giấy có ghi chi chít nhũng chi tiết cùng khoảng trống phải điền vào. Tôi vừa moi ký ức, vừa suy nghĩ nên công việc kéo dài đến hơn một giờ mới xong. Khi tôi ngẩng lên thì bắt gặp một gương mặt khá quen đang ngồi làm việc trước chiếc bàn dành cho nhân viên và cán bộ. Tôi cố nhớ lại; nếu gặp được người quen đang làm việc ở nơi nầy thì đó có thể là điều may mắn cho tôi. Cuối cùng, tôi nhớ ra rồi. Đó là thầy Danh, đồng nghiệp với Thu Hồng.
Tôi cũng nhớ lại, sau ngày cưới, một hôm, Thu Hồng có kể cho tôi nghe về một ông thầy tên Danh vẫn theo tán tỉnh nàng, có hôm vào tận nơi ở của hai chị em, khi còn trú ngụ trong trường. Lúc đó, tôi không để tâm lắm đến việc nầy vì tôi hoàn toàn tin tưởng tình yêu của Thu Hồng. Song do tính hiếu kỳ pha lẫn tự cao tự đại, tôi bảo nàng chỉ cho tôi biết con người đã thất bại trong mưu toan trở thành tình địch của tôi. Nay tôi lại gặp người nầy ở đây. Quả thực, đó là người quen nhưng tôi cần phải nhanh chóng đi cho khuất mắt người quen bất đắc dĩ nầy.
Tôi lên xe, đạp về nhà, lòng thoáng lo âu, nhưng không rõ vì lý do nào.
Suốt buổi chiều, tôi cố gắng xua mọi ý nghĩ đen tối đang chập chờn trong trí óc để giữ niềm vui nhẹ nhàng cho Thu Hồng. Với tình hình nầy cần phải cố gắng làm cho vợ tôi chóng bình phục.
Trong những ngày cuối tháng tư đầy xáo động trước khi miền Nam sụp đổ, dù tôi và Thanh cố giấu Thu Hồng những biến đổi trầm trọng đang đến với xã hội miền Nam, nhưng sự căng thẳng trên nét mặt và giọng nói của tôi hình như đã tác động xấu đến tâm lý nàng mà hậu quả là sự phục hồi như khựng lại. Tuy nhiên, hơn một tháng qua, trong không khí hòa bình, sự phục hồi có vẻ tiến triển khả quan trở lại. Nàng đã đưa được hai tay về trước, các ngón tay nắm được những vật nhẹ như một cái muỗng hay một cây bút. Các ngón chân rồi cả hai bàn chân đã bắt đầu cử đông. Âm thanh phát ra rõ ràng hơn, nàng có thể gọi tên tôi, tên Thanh và tên mọi vật trong nhà. Tôi hi vọng trong vòng một năm nữa, nàng có thể nói năng lưu loát và tự di chuyển được trong xe lăn hay bước đi với cặp nạng mà tôi sẽ sắm cho nàng. Viễn ảnh đó làm cho tôi vui sướng miên man.
Tuy nhiên, mọi sự bỗng nhiên sụp đổ. Buổi sáng kế tiếp ngày tôi đến ủy ban, có ba người mang súng dài theo sau một người mang súng ngắn xăm xăm bước vào nhà, trong khi Thu Hồng đang nằm nghỉ trên giường và tôi ngồi kế bên nói chuyện. Thấy họ vào, Thu Hồng trố mắt ra nhìn, mặt tái đi. Tôi quay lại, sững sờ.
Người mang súng ngắn hỏi to:
- Anh tên là Hưng, phải không?
- Vâng, thưa ông, tôi là Hưng.
- Anh là trung úy lính thủy đánh bộ, phải không?
Tôi nghe tim mình đập thình thịch, cổ họng như thắt lại. Tôi cố gắng giữ giọng tự nhiên để trả lời:
- Vâng đúng. Nhưng đó là chuyện trước kia.
Người đàn ông gằn giọng:
- Ở ủy ban, anh đã không khai báo thành thật là trung úy lính thủy đánh bộ mà chỉ khai là quân nhân đào ngũ.
Tôi đã nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh, đáp lời:
- Quả thực, tôi là quân nhân đào ngũ. Đã từ lâu, tôi không liên quan đến cấp bậc và binh chủng thủy quân lục chiến truớc đây nữa.
- Anh cho tôi xem giấy tờ chứng minh anh là sĩ quan đào ngũ. Phải là giấy chứng minh trước ngày giải phóng mới có giá trị.
Tôi trố mắt nhìn ông ta không hiểu ông ta muốn nói gì. Trên thế gian nầy có một loại giấy tờ như thế sao? Trước khi đào ngũ, tôi phải xin quân đội cấp cho một giấy chứng minh hay giấy cho phép đào ngũ hay sao?
Thấy tôi im lặng, ông ta mỉm cười một cách đắc thắng, rồi lên giọng ngạo nghễ:
- Lưới trời lồng lộng, anh không thoát được đâu. Nhân dân tai mắt khắp nơi, đã phát hiện và tố cáo anh là trung úy của cái bọn ác ôn nhất là lính thủy đánh bộ. Anh đừng hòng trốn tránh nhân dân để tiếp tục hành động chống phá cách mạng. Anh đừng hòng gây thêm nợ máu đối với nhân dân nữa.
Bỗng nhiên, lửa giận trong người tôi bốc lên, tôi định lao vào họ để nhận một tràng đạn cho xong đời. Nhưng tôi kịp nhớ lại Thu Hồng đang ở sau lưng tôi. Người vợ yêu quí của tôi, nàng cần sự yên tĩnh biết bao. Tôi thở dài, chán nản:
- Thôi, tùy các ông muốn lên án thế nào cũng được.
Gã đàn ông ra lệnh:
- Anh theo chúng tôi.
Gã quay lại ba người mang súng dài, giọng đểu cáng:
- Các đồng chí thỉnh ông trung úy lính thủy đánh bộ nầy về ủy ban.
Tôi cúi xuống hôn Thu Hồng rồi đứng lên theo họ đi ra cửa. Bỗng tôi nghe một tiếng thét nho nhỏ của Thu Hồng, tôi định quay lại thì họ ấn vào lưng, đẩy tôi ra sân. Tôi loạng choạng bước tới, nhưng tiếng thét cứ văng vẳng bên tai. Tôi dồn cả sức mạnh vào hai cánh tay, gạt phăng họ ra và lao vào nhà, quì xuống ôm chặt lấy Thu Hồng. Tôi chờ đợi một tràng đạn và hai vợ chồng chúng tôi cùng chết bên nhau.
Nhưng không, họ nhào tới vồ lấy tôi, bẻ quặt hai cánh tay tôi ra sau lưng và trói chặt lại. Người lôi, người đẩy, họ kéo phăng tôi ra khỏi nhà. Một tiếng thét to từ trong nhà vang ra; lần nầy không phải của Thu Hồng mà là của Thanh. Sau tiếng thét là tiếng gào khóc của em. Không biết trên cao xanh, ông Trời có nghe những tiếng gào khóc nầy không.
Tôi không còn nhìn rõ cảnh vật chung quanh. Tôi bước theo họ như đi trong một cơn mộng du. Tôi cũng không nhớ mình đã đi đường nào, đi tới đâu. Tôi chỉ lờ mờ nhận ra rằng mình trải qua hai chỗ giam khác nhau và cuối cùng đến đây với anh em.




*
* *











HƯNG kể cho tôi nghe đến đây thì ngừng lại. Câu chuyện kéo dài suốt gần hai tuần lễ, chiếm tất cả buổi trưa và buổi chiều sau giờ lao động. Trong những ngày chủ nhật nghỉ ngơi, tôi và Hưng ngồi bên nhau ở góc hội trường trong khi những bạn tù khác mải mê với những trò giải trí để giết chết thời gian lê thê của những tháng ngày bị giam cầm. Hưng thôi kể nhưng tôi biết câu chuyện đau thương nầy vẫn chưa chấm dứt.
Đang là giữa mùa mưa, bầu trời xám xịt mây đen, thỉnh thoảng có những tia chớp lóe lên và tiếng sấm rền xa xa trong không trung. Gió từng cơn thổi qua làm cho mái tôn rung lên lộp cộp. Hưng ngồi nhìn ra ngoài trời, cặp mắt buồn bã trên khuôn mặt hốc hác, đau khổ. Tôi nghe giọng nói thê lương của anh:
- Những hôm chuyển mưa, trong căn nhà bé nhỏ đó, tôi cùng nàng nằm lắng nghe mái lá khua xào xạc, rồi tiếng mưa rơi rào rào. Mưa rồi cũng có lúc tạnh, nhưng nỗi bất hạnh của vợ tôi có bao giờ chấm dứt hay không?
Tôi tiếp tục im lặng ngồi nghe anh nói. Hưng quay lại nhìn tôi với nụ cười dễ làm cho người khác rơi nước mắt:
- Tôi đã làm cho anh buồn vì câu chuyện đời của tôi. Lẽ ra, tôi không nên làm như thế. Trong trại cải tạo nầy, mọi người đều mang vào đây tâm sự não nề của riêng mình. Lòng ai cũng nặng trĩu niềm đau vì tai họa đổ ập xuống cho gia đình và cho đất nước. Câu chuyện của tôi làm tăng thêm gánh nặng trong lòng anh.
Tôi cầm tay Hưng, cố bộc lộ niềm thân ái:
- Anh Hưng, anh đừng nói vậy. Tôi cần nghe anh kể, mọi người cần nghe nhau tâm sự, đó không phải là cách an ủi nhau trong những ngày dài tù tội hay sao?
- Cám ơn anh.
Hưng vừa nói vừa lơ đãng cầm cái que nhọn vạch những vòng tròn đan nhau trên mặt đất. Tôi hỏi anh:
- Anh Hưng, có phải cái thằng thầy giáo mà anh gặp trong ủy ban tố cáo anh không?
- Tôi cũng nghi như vậy nhưng không có bằng chứng. Cũng có thể không phải là nó mà là một người khác. Tôi đã có nói với anh rằng khi cách mạng vừa thành công thì có biết bao kẻ cơ hội lập công bằng cách tìm dịp tố cáo người khác.
- Nhưng tại sao nó tố cáo anh là trung úy trong khi anh đã lên đại úy rồi. Không lẽ nó còn muốn bao che cho anh hay sao?
- Không phải vậy đâu. Đã là đứa ác đi tố cáo người khác thì phải làm sao cho nạn nhân nặng tội thêm thì lời tố cáo mới có giá trị. Sở dĩ nó tố tôi trung úy vì nó không biết tôi đã lên đại úy. Anh không nhớ lời tôi đã kể à? Cấp bậc đại úy, tôi nhận được sau trận đánh chiếm ngọn đồi đẫm máu. Duy nhất chỉ có đơn vị tôi biết. À còn tiểu khu Thừa thiên cũng biết vì thời gian chờ đợi ở đây, tôi mang lon đại úy, ngày ngày đi ngang qua cổng ra vào. Ngoài ra, chưa ai biết cả. Ngay cả anh bạn thân của tôi là Thịnh cũng cứ tưởng tôi còn là trung úy.
Nghe Hưng nhắc đến Thịnh, anh chàng hiệu trưởng nhân hậu, nên tôi hỏi:
- Sau ngày “giải phóng”, anh có gặp lại Thịnh không?
- Không, cả gia đình kịp di tản trước ba mươi tháng tư. Tôi có bảo em Thanh đến tìm một lần nhưng nhà đóng cửa và bị niêm phong.
- Cô bé Thanh có trở lại trường không?
- Không, Thanh vẫn còn sợ cái nơi có chứa quá nhiều kỷ niệm thơ ấu của em.
Hưng thở dài:
- Tính đến ngày nay, tôi ra đi đã gần tám tháng rồi. Hai chị em đã sống thế nào trong những ngày qua? Tất cả tiền bạc tôi gởi tại ngân hàng đều mất hết. Tất cả người miền Nam chúng mình đều phải trả giá rất đắt cho sự bại trận của mình. Vì vậy tôi không tiếc số tiền bị mất. Tuy nhiên tôi vô cùng lo lắng cho đời sống của vợ tôi và em Thanh. Sau ngày tôi bị bắt lôi đi, hai chị em sống thế nào trong xã hội cộng sản? Tôi chẳng được một tin tức nào cả. Tôi sợ....
Hưng ngừng nói, cúi gầm mặt xuống đất, lấy tay xoa những vòng tròn vừa mới vẽ. Tôi buộc miệng hỏi anh:
- Tại sao trong đợt gởi thơ vừa rồi, anh không được phúc đáp. Anh có nghĩ rằng thơ đã bị lạc không?
- Có lẽ thơ tôi gởi về không đến được với Thu Hồng.
- Anh đề về địa chỉ nào?
- Đó là điều tôi suy nghĩ nát óc khi trại cho anh em mình gởi thơ về nhà. Căn nhà của tôi cất lên chẳng có khai báo, chẳng có số nhà gì cả. Những người duy nhất biết chỗ ở nầy là vợ chồng Thịnh thì đã xa chạy cao bay rồi. Tôi đành gởi về trường cho anh tổng giám thị. Tôi chỉ cầu may thôi vì sau ngày ba mươi tháng tư, tất cả các trường tư đều phải giao lại cho nhà nuớc. Chủ nghĩa xã hội mà. Các bài chính trị mà mình đã học cho thấy giáo dục là chuyện riêng của nhà nước, không một tư nhân nào được rớ tới. Nhà nước chỉ con bò và bảo thế hệ trẻ nói là trâu thì cũng không ai được đính chính. Thế mới đúng với tính chất xã hội chủ nghĩa.
Tôi hơi sốt ruột nên ngắt lời Hưng:
- Anh nghĩ thế nào mà lại nhờ ông tổng giám thị? Ông nầy đâu có biết nhà anh.
- Đúng vậy, nhưng bí quá tôi đành gởi về địa chỉ nầy và nhờ trao lại cho Thu Hồng. Tôi hi vọng sau ngày tôi bị trói dẫn đi, Thanh sẽ tìm đến anh tổng giám thị tại trường để cầu cứu. Đó là người thứ hai mà Thanh biết chỗ ở, nơi cái đất Sài gòn mênh mông kia. Anh tổng giám thị là người rất tốt, có lòng thương mến chị em Thu Hồng. Tuy nhiên, đó là hi vọng quá mỏng manh.
Giọng anh trở nên rên rỉ:
- Tôi mong tin Thu Hồng ngày đêm, không phút nào quên, không giây nào nguôi, kể cả trong giấc ngủ say. Tôi sợ.... Nàng có còn trên cõi đời nầy không?
Tôi cố ngăn nước mắt, cầm lấy tay Hưng:
- Anh Hưng, đừng nói vậy. Anh chưa nhận được tin chị vì thơ không tới tay. Anh thấy rõ rồi, sau ngày ba mươi tháng tư, chắc chắn các tư thục bị nhà nước trưng dụng làm việc khác và gia đình ông tổng giám thị phải dời đi nên không nhận được thơ mà chuyển đến cho chị Hồng. Anh đừng quá chán nãn. Kỳ gởi thơ kế tiếp, tôi sẽ nhờ vợ tôi làm mọi cách tìm cho được tin tức chị và nhắn vào cho anh rõ.
Hưng nhìn tôi bằng cặp mắt cảm kích:
- Cám ơn anh. Tôi đã tìm đúng chỗ để trao gởi tâm sự buồn của tôi.
- Anh hãy yên tâm, có dịp là tôi sẽ hết sức giúp anh.

Dịp may đến, một tháng sau ngày tôi hứa với Hưng. Sáng hôm đó, khi anh em chuẩn bị đi lao động thì có lệnh tập họp lên hội trường. Quản giáo trưởng cho biết anh em sẽ được gặp gia đình lần đầu tiên, trong một đợt thăm nuôi kéo dài ba ngày. Cả hội trường nổ tung vì tiếng reo hò vui mừng của hơn một ngàn con người.
Quản giáo ra hiệu cho anh em im lặng để dặn dò những điều phải làm. Mỗi người được viết một lá thư, trong đó chỉ được báo tin cho gia đình về đợt thăm nuôi, liệt kê những món cần thiết mà người nhà mang vào tiếp tế, gồm thức ăn và thuốc men. Ngoài ra không nói gì khác để đỡ tốn thì giờ kiểm duyệt. Trong mỗi lá thư, quản giáo sẽ cho vào một giấy phép thăm nuôi với ngày do ban chỉ huy trại ấn định, sao cho rải đều trong ba ngày liên tiếp tùy theo địa chỉ gần hay xa. Điều đó có nghĩa là mỗi người được gặp thân nhân một lần vào ngày giờ không cho biết trước.
Những ngày sau đó, không khí trong trại vô cùng náo nức. Mọi người đều phấn khởi, ngoại trừ Hưng. Anh cũng viết thư và gởi về cho ủy ban cách mạng lâm thời của xã để nhờ chuyển giao cho chị Thu Hồng. Đó vẫn là hi vọng mong manh như anh đã nói với tôi.
Đúng mười ngày sau khi gởi thơ, đợt thăm nuôi bắt đầu. Trong ba ngày, thứ tư, thứ năm và thứ sáu của tuần lễ, anh em được nghỉ lao động để chờ đón thân nhân. Từ sáng sớm, mọi người đã chen nhau, tề tựu ở đầu xông dãy nhà đầu tiên, nhóng cổ nhìn ra cổng. Tôi cũng ở trong số đó. Tôi hy vọng thuộc nhóm đầu tiên hôm nay. Tôi sờ vào túi để yên tâm mảnh giấy nhỏ vẫn còn trong đó. Trên mảnh giấy nầy, Hưng đã vẽ một cách tỉ mỉ đường đi đến ngôi nhà, nơi anh đã sống với vợ và em. Nếu tôi được thăm nuôi ngay ngày đầu tiên thì tôi sẽ trao mảnh giấy nầy và dặn vợ tôi ngày mai thứ năm phải đi tìm cho được gian nhà của chị Thu Hồng rồi ngày mốt là thứ sáu trở lên đây mang theo thơ của chị ấy hay của chính vợ tôi, nhờ một người thăm nuôi ngày cuối lén đưa vào để trao lại cho Hưng.
Thân nhân đã bắt đầu vào cổng và đi đến gian nhà thăm nuôi đã được anh em cất lên một cách vội vã mấy hôm trước. Đám đông tù nhân ùn ùn xô lấn, chen đẩy nhau. Vài người được gọi tên, vội vẹt đám đông để đi ra. Tiếp theo là những người khác. Suốt ngày hôm đó, cả trại sống trong không khí ngày hội. Trên con đường ra nhà thăm nuôi, dập dìu kẻ tới người lui. Tôi bỏ cả bữa ăn trưa, chờ đợi cả ngày mà không được gọi tên. Ngày thứ nhì cũng thế. Vậy là tôi thuộc nhóm được thăm nuôi ngày cuối cùng.
Trong hai ngày tưng bừng của anh em, Hưng nằm ủ rủ trong góc phòng. Tôi biết anh đang sống trong sự đọa đày của hỏa ngục trần gian. Anh còn một chút hi vọng, một hi vọng mỏng manh như sợi tơ, đang chao lượn một cách tuyệt vọng trên ngọn lửa hỏa ngục trong lòng anh. Tôi xót xa nhìn anh nằm co ro như một con thú bị trọng thương, nhưng không biết nói lời an ủi nào cho thích hợp với Hưng trong lúc nầy. Vả lại, trong hai ngày qua, tôi cũng rất mệt mỏi và căng thẳng vì mải chạy ra rồi chạy vào và ngồi phơi nắng để nhìn ra cổng, trong không khí oi nồng, đầy mùi mồ hôi của anh em đồng cảnh ngộ.
Và đây rồi, ngày hôm nay là ngày của tôi, chắc chắn như thế. Tôi phải “chải chuốt” một tí cái “dung nhan” đã bị quên lãng từ nhiều tháng nay để tạo sự vui lòng và an tâm cho vợ và con tôi. Tôi vừa định bước ra cửa thì có tiếng loa gọi tên tôi ra gặp thân nhân. Hưng bật dậy nhìn tôi với đôi mắt thất thần. Tôi chỉ kịp vỗ vai anh một cái rồi phóng ra khỏi phòng.
Không phải nói dài dòng về giây phút tôi gặp mặt những người thân yêu sau bao tháng ngày nhớ nhung và nhung nhớ. Tôi vội vàng hỏi cuộc sống của mấy mẹ con từ khi tôi đi cải tạo. Sau đó, tôi kể sơ lược tình cảnh của Hưng và nhét vội vào tay vợ tôi mảnh giấy chỉ đường đến nhà chị Thu Hồng. Hôm nay là ngày thứ sáu. Tôi dặn vợ tôi ngay ngày mai phải đến tìm căn nhà nầy và chủ nhật đưa tin lên. Ngày thứ hai, chúng tôi sẽ nhận được tin nầy.
Đêm hôm trước, tôi và Hưng đã bàn tính kỹ lưỡng kế hoạch đưa tin. Ngày chủ nhật, vợ tôi sẽ đến khu canh tác dành cho tổ của tôi và giấu thơ vào chỗ định trước.
Khu đất mà trại dành cho chúng tôi lao động để cải tạo là một vùng đất bỏ hoang từ lâu, cách trại non một cây số. Chung quanh khu nầy, có một ít nhà dân đang khai khẩn những miếng đất kế bên. Giữa hai vùng đất khác nhau không có một ranh giới nào cả nên thỉnh thoảng dân cũng đi ngang qua chỗ chúng tôi làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhìn họ thôi chứ không dám đến gần nói chuyện. Khu đất chung của trại được phân thành nhiều mảnh riêng biệt cho các tổ.
Mảnh đất dành cho tổ tôi có một cây to rất dễ nhận thấy. Tôi chỉ cách cho vợ tôi đến được khu lao động trong ngày chủ nhật là ngày anh em được nghỉ tại trại. Vợ tôi sẽ moi đất và giấu một lá thơ cách gốc cây nửa thước về hướng tây là hướng mặt trời lặn.
Điều bất tiện là cái cây nầy có bóng mát nên ông quản giáo và chú cảnh vệ thường đứng đây để canh gác tù nhân. Tuy nhiên, ngoài cây nầy ra, không còn chỗ nào có thể làm tiêu mốc dễ nhận nữa. Đành phải dùng cây nầy với nhiều hi vọng thành công vì ông quản giáo và chú cảnh vệ thường bỏ đi đến các nhà dân chung quanh. Điều đó cũng dễ hiểu; từ các nhà nầy, có vài cô thôn nữ ngày ngày ra cuốc đất như chúng tôi bên nầy vậy.
Đợt thăm nuôi chấm dứt, ngày hôm sau là ngày thứ bảy, chúng tôi được nghỉ ngơi dưỡng sức. Không khí trong trại vẫn tiếp tục sôi nổi. Anh em kể cho nhau nghe tin tức gia đình mình và tặng cho nhau những viên kẹo, những viên đường quí giá. Được tặng nhiều nhất có lẽ là Hưng, người duy nhất trong trại không được thăm nuôi. Anh không còn ủ rủ nữa mà dậy ngồi chăm chỉ bên bàn cờ tướng của Cúc và Tiến.
Sau khi ăn trưa xong, Hưng rủ tôi xuống hội trường và đến ngồi nơi góc nhà quen thuộc. Tôi lên tiếng trước:
- Anh Hưng, tôi nghĩ là giờ nầy chị Hồng và vợ tôi cũng đang nói chuyện như chúng mình ở đây vậy. Anh có nghĩ vậy không?
Hưng cúi đầu, giọng buồn bã:
- Tôi cũng mong được như lời anh nói. Vợ anh có thích nghe người khác tâm sự như anh không? Ngày mai, chị phải trở lại đây thì nhọc nhằn quá.
Tôi hiểu niềm hi vọng đang nhen nhúm trong lòng Hưng. Tôi cố gắng thổi bùng niềm hi vọng đó lên:
- Anh yên tâm, vợ tôi có tính thích giúp đỡ người khác. Hơn nữa, biết được chuyện của anh và chị Hồng thì đến đá cũng phải mềm lòng, nói chi con người.
Hưng cười một cách cay đắng:
- Thế mà có người không mềm lòng tí nào. Họ đã lôi tôi đi như một con vật trước mặt Thu Hồng. Tại sao họ lại có thể thô bạo như thế trước mặt một người đàn bà bệnh hoạn nhỉ? Ngoài chiến trường hai bên bị kích động vì không khí chém giết nên đối xử với nhau một cách tàn bạo, điều đó dễ hiểu. Nhưng bây giờ hòa bình rồi, họ đang vênh vang làm kẻ chiến thắng, mình cúi đầu làm kẻ chiến bại, tại sao lúc nào họ cũng sẵn sàng phát tiết lòng căm thù như thế?
Tôi vỗ vai Hưng, cố lôi anh ra khỏi hình ảnh bi thương của quá khứ:
- Rất dễ hiểu. Nếu không duy trì lòng căm thù thì chủ nghĩa họ không thể tồn tại được. Nhưng thôi, không nên bàn chuyện đó nữa, phiền lòng lắm. Tôi đang nghĩ đến việc chị Hồng và vợ tôi bàn tính với nhau về nội dung lá thơ viết cho anh. Sáng mai, vợ tôi sẽ mang thơ đó lên đây và giấu ở nơi tôi đã chỉ một cách cặn kẽ. Ngày thứ hai, chúng ta sẽ ra đó làm lao động. Mấy cô thôn nữ sẽ cuốn hút ông quản giáo và chú bộ đội về bên đó và anh sẽ đến moi để lấy thơ lên.
Hưng cười vui vẻ:
- Tôi có cảm tưởng như anh đang kể chuyện thần tiên cho con nít nghe vậy.
Tôi cũng cười, tự hài lòng vì đã an ủi và tạo được nụ cười tươi trên môi bạn mình.
Ngày thứ bảy đi qua, ngày chủ nhật tiếp nối, không khí vui vẻ và hứng khởi vẫn tràn ngập trại tù. Buổi chiều, trời đổ xuống một trận mưa tầm tã. Tôi và Hưng nhìn nhau lo lắng. Cái thư mà vợ tôi mới vùi lấp sáng nay có ở yên dưới mặt đất hay đã lòi lên và trôi mất trong dòng nước của trận mưa to nầy? Kể cả khi nó may mắn còn trong đất thì nước mưa có xóa mất những dòng chữ quí giá trong thư hay không?
Ngày chủ nhật đi qua trong nỗi lo lắng của chúng tôi. Sáng thứ hai, từ tinh mơ, hai chúng tôi hồi hộp mong cho đến giờ đi lao động. Tôi đứng bật dậy khi thoáng thấy ông quản giáo từ trên văn phòng đi xuống. Tôi chụp ngay cây cuốc, các anh em khác cũng chuẩn bị lên đường.
Nhưng kỳ lạ thay, ông quản giáo không dừng lại mà đi thẳng đến tổ năm. Tôi vội vàng bỏ cuốc đi theo ông ta. Quản giáo gọi bếp trưởng ra bảo:
- Anh thông báo đến các tổ tập họp lên hội trường để học tập về đợt thăm nuôi vừa qua. Chiều nay, các anh được nghỉ lao động để thảo luận tổ về những điều sẽ được học trên hội trường.
Tôi quay lui, thấy Hưng thở dài ngao ngán. Lại thêm một buổi sáng nghe chửi rủa và một buổi chiều ngồi thành vòng tròn nhại đi nhại lại những câu nói nhàm chán của quản giáo trưởng.
Rồi ngày cũng qua. Sau cái gọi là bữa ăn chiều, trời lại đổ mưa to. Hưng ra ngồi trước hiên nhà, thẫn thờ nhìn làn mưa trắng xóa. Bụi nước bay bay, bám vào mặt và áo quần, tay chân của anh. Ngoài trời, những hạt mưa cứ ào ào rơi xuống một cách vô tình, không cần biết đến tâm trạng của con người đang khắc khoải đớn đau vì chúng.
Trận mưa kéo dài đến khuya. Đêm hôm đó, cứ mỗi lần thức giấc, tôi lại nghe Hưng trở mình. Có lẽ anh đã trằn trọc suốt đêm dài.
Sáng ra, Hưng dậy thực sớm, đi lui đi tới, bồn chồn chờ đợi, trông thực thương tâm. Chúng tôi thở dài nhẹ nhõm khi ông quản giáo xuất hiện và ra lệnh lên đường ra khu lao động. Hưng đi kế bên tôi, chốc chốc lại nắm tay tôi bóp mạnh, có lẽ để đè nén sự bồn chồn lo lắng của mình.
Kia rồi, trước mặt chúng tôi, cái cây cao sừng sững, lá còn đẫm nước mưa, lóng lánh phản chiếu ánh mặt trời ban mai. Chung quanh cây đó, những luống khoai và đậu, xanh mơn mởn chào đón bình minh. Công việc sáng nay của chúng tôi là nhổ cỏ và vun lại các luống đã bị sạt lở vì những trận mưa vừa qua.
Chúng tôi đi thẳng về khu canh tác của mình. Ông quản giáo đi trước đã biến mất vào khu đất của dân, nhưng sau lưng chúng tôi vẫn còn chú cảnh vệ vai vác súng đủng đỉnh đi theo. Hỡi ơi, chú đi thẳng đến cây cao rồi từ từ cởi súng ra khỏi vai.
Chúng tôi đành bắt tay vào công việc. Hưng và tôi ngồi kế bên nhau, tay nhổ cỏ mà mắt thì liên tục nhìn về hướng cây cao. Chú cảnh vệ đã ngồi xuống đất, lưng tựa vào gốc cây, súng gác lên đùi, há miệng ngáp, mắt lim dim.
Một giờ đã trôi qua trong sự chờ đợi của chúng tôi. Nhìn thấy vẻ mặt bồn chồn trông thực thảm hại của Hưng, tôi thấy tội nghiệp quá chừng. Tôi xích lại gần và tìm cách pha trò cho bớt căng thẳng:
- Anh Hưng, anh để ý nầy. Tôi đếm một tới mười là có ông thần đèn đến mang chú lính nầy quăng vào nhà cô thôn nữ bên kia. Anh nghe tôi đếm đây.
Hưng quay sang mỉm cuời:
- Anh cứ đếm đi thử coi ông thần đèn có can đảm còn theo anh vào trại cải tạo hay không.
Tôi lấy giọng, bắt đầu đếm một cách chậm rãi và nghiêm trang:
- Một...hai...ba...bốn...năm...sáu...
Hưng trố mắt nhìn:
- Ối, ối, ông thần đèn xuất hiện!
Chú cảnh vệ vương vai đứng dậy, vác súng lên và thủng thẳng bước về hướng những ngôi nhà dân.
Hưng nhỏm dậy, tôi vội chụp tay lôi xuống:
- Khoan, chờ nó đi khuất đã. Anh ngồi đây, tôi đi lấy thơ. Anh không bình tĩnh bằng tôi. Để lộ thì nguy.
Hưng nghe lời, ngồi xuống tiếp tục nhổ cỏ. Tôi nhướng cổ nhìn, chú cảnh vệ đã đi khuất bóng. Tôi vội đứng lên, xách bi đông nước, lảo đảo đi đến gốc cây. Tôi đến nơi rồi, dừng lại, đưa hai tay áo lên lau mặt, mở bi đông tu một ngụm nước và ngồi thụp xuống, gục mặt vào hai đầu gối. Chắc chắn, từ xa, người ta sẽ cho rằng tôi bị say nắng chóng mặt. Nhưng nếu ở gần, ắt sẽ thấy tay tôi thò ra sau lưng cào trên mặt đất. Các ngón tay tôi bỗng thọc sâu qua lớp đất mềm của một lỗ trũng bên dưới và chạm vào lớp giấy nhựa. Tôi mừng rỡ, vội lôi lên, liếc nhanh. Đó là một bao nhựa bọc bên ngoài một mảnh giấy xếp nhỏ. Tôi lôi ra, mảnh giấy còn nguyên vẹn và khô ráo. Tôi thầm phục sự cẩn thận của vợ. Tôi nhét vội mảnh giấy vào túi quần, ấn bao nhựa vào hốc đất và lấp lại, khỏa bằng mặt.
Tôi đứng dậy vương vai, làm như hết bị choáng nắng, trở lại ngồi gần Hưng. Giọng anh thì thào đầy xúc động:
- Có hay không?
- Có.
- Đâu, đưa đây nhanh.
- Chưa được, đợi giờ giải lao. Phải cẩn thận.
Hưng đành ngồi yên nhưng nhìn vẻ mặt, ai cũng thấy ngay anh đang ngồi trên đống lửa.
- “Giải lao mười lăm phút, anh em ơi”.
Tiếng la dõng dạc của anh tổ trưởng làm Hưng nhảy dựng lên. Mọi người đứng dậy, phủi tay, đi về phía cây to. Tôi nói với Hưng:
- Đến đám khoai mì kia để tránh nắng.
Hưng theo tôi đến đó, chui vào giữa hai luống khoai um tùm, cao ngang đầu người. Chúng tôi ngồi bên nhau, lưng quay ra ngoài. Trước mặt chúng tôi là đám lá khoai dày bịt, phía sau thì đã có hai cái lưng che tầm mắt mọi người. Tôi móc túi lấy mảnh giấy ra, cả hai cũng đọc ngấu nghiến.

Anh thân yêu,
Hôm qua em về đến nhà lúc bốn giờ chiều, nên sáng nay mới đi làm công việc mà bạn anh nhờ. Em rủ chị Tuyết đi theo cho có bạn. Chị ấy trước ở Thủ đức nên quen thuộc đường đi ở đây. Chúng em lên đường từ sáng sớm và sau đó đến nơi muốn tìm một cách dễ dàng, nhờ bản vẽ rất rõ ràng của bạn anh.
Từ xa lộ đi vào hơn ba trăm mét, chúng em nhận ra ngay cái nền nhà trơ trụi hoang tàn. Phía trước còn dấu vết của một vườn hoa. Không còn hoa nữa, chỉ toàn cỏ dại, nhưng em nhận ra vì có hai ba cây hoa nhỏ xíu, có lẽ mọc lên từ những hạt còn sót lại của những cây đã trồng trước đây.
Phía sau nền nhà là một mô đất thấp, bên trên cũng có những đám cỏ dại xen lẫn với những vết chân trâu bò lỗ chỗ.
Cách nền nhà độ một trăm mét, có một nhà lá còn mới. Chúng em vào đó để hỏi thăm. Chủ nhà là một chị nông dân khoảng bốn mươi tuổi, người xóm trong, ra đây cất nhà ở được hơn một tháng nay. Chị ta bảo có biết gia đình bạn anh, trước ở cái nhà bên đó. Em ghi lại đây gần đúng như lời chị ta kể, nếu bạn anh buồn thì em xin lỗi trước.
Chị ta bảo trong ngôi nhà đó có ba người, hai vợ chồng và đứa em gái. Họ sống hoàn toàn biệt lập và chưa hề có ai bước vào nhà, lúc họ còn ở đó. Cô vợ thì điên và tàn tật phải ngồi xe lăn, ông chồng thì khỏe mạnh nhưng thân thể mảnh mai như người thành phố. Cô bé thì trông dễ thương, tuổi độ mười lăm muời sáu. Người ta thường gặp cô ấy đạp xe đến chợ, nhưng không ai bắt chuyện được với cô ta.
Khoảng ba hay bốn tháng sau ngày giải phóng, một đêm tối trời, nhũng người đi soi ếch và đặt bẫy chuột nghe văng vẳng từng chặp, tiếng gào thét suốt đêm của cô gái, sáng ra mới biết người thiếu phụ tàn tật vừa qua đời trong đêm. Chính quyền và bà con xóm trong đến phụ chôn cất. Ông chồng không có nhà, chỉ có cô em ngơ ngơ ngác ngác mà thôi. Nhà nghèo lắm, chỉ có chiếc xe lăn là đáng giá. Người ta hùn tiền lại mua một cái hòm rẻ tiền và chôn ngay sau nhà. Lúc hạ huyệt, cô bé nhảy xuống ôm chặt cái hòm và gào lên, kêu người ta lấp đất lại. Phải hai người đàn ông mới lôi cô bé lên được để hoàn tất việc chôn cất. Mọi người chứng kiến đều khóc hoặc rơm rớm nước mắt kể cả ông đại diện chính quyền cách mạng.
Sau đó, cô bé bỏ đi đâu mất. Lúc đó, đời sống bắt đầu gay go, ai cũng phải lo việc nhà mình, nên không có thì giờ để tìm xem cô gái đó đi đâu. Căn nhà trở thành hoang phế. Người lạ đến lấy trộm đồ vật bên trong rồi cuối cùng, giở luôn căn nhà, chỉ còn cái nền trơ trụi.
Đó là lời kể của chị nông dân. Câu chuyện làm em và chị Tuyết ứa nước mắt.
Chúng em quay lại nấm mồ lạnh lẽo, van vái và ra về. Sáng mai, em phải trở lên chỗ các anh làm lao động và giấu lá thơ nầy vào nơi anh đã dặn. Ngày mốt, em và chị Tuyết sẽ thuê người đến đắp lại nấm mồ hoang phế đó. Em muốn dựng một tấm bia sơ sài, kẻo sợ lâu ngày trâu bò dẫm lên mất dấu, sau nầy thân nhân khó tìm ra. Tuy nhiên, em không biết tên tuổi người nằm dưới đó nên chưa biết tính sao.
Em nhờ anh gởi lời cho em xin chia sẻ nỗi đau đớn cùng cực của bạn anh. Em cầu chúc linh hồn người quá cố đã lên đến cõi tiên, vĩnh viễn rời bỏ chốn trần gian đầy bi lụy nầy. Em cũng cầu chúc bạn anh và tất cả mọi người trong trại khỏe mạnh để vượt qua đoạn đường gian lao trước mặt.
Em, người vợ yêu quý của anh.”

Trời đất như tối sầm lại khi tôi đọc xong lá thư. Nhìn sang kế bên, tôi thấy Hưng ngồi yên như pho tượng, mặt hướng thẳng về trước, hai giọt nước mắt lăn xuống đôi má phong trần.
Hết giờ giải lao, tôi cất lá thư, lôi Hưng đứng dậy. Anh đưa tay áo lau mắt và ngoan ngoãn theo tôi ra nhổ cỏ. Từ đó đến tối, anh làm theo tôi như cái máy, không nói một tiếng nào, nét mặt thẫn thờ như người mất hồn.
Đêm đến, anh giăng mùng và ngủ như thường lệ. Tôi nằm kế bên lắng nghe. Tôi đoán anh sẽ âm thầm khóc trong đêm khuya. Nhưng không, anh nằm im lìm, không một cử động, không một tiếng rên nho nhỏ.
Bức thư của vợ tôi làm tôi trằn trọc, chốc chốc lại nhìn sang Hưng. Trong bóng tối lờ mờ, tôi thấy anh vẫn nằm yên không động đậy. Đến nửa đêm, tôi ngủ thiếp đi một lát rồi giật mình thức giấc. Đêm thực vắng lặng, có lẽ còn khuya. Xoay người nhìn sang phía Hưng, tôi sửng sốt thấy chỗ nằm trống trơn. Để cẩn thận, tôi thò tay sang sờ, cái bao dùng làm gối và tấm đắp vẫn còn nguyên, nhưng Hưng không còn nữa. Tôi vén mùng, tụt xuống đất và ra sân nhìn quanh. Hoàn toàn vắng lặng, không một bóng người. Tôi không dám đi xa hơn để tìm, sợ lính canh bên ngoài trông thấy.
Tôi trở vào phòng, ngồi suy nghĩ độ nửa giờ rồi bước sang thò tay kéo nhẹ chân anh Tứ tổ trưởng. Anh vùng dậy, vén mùng chui ra. Tôi thì thầm:
- Hưng đi mất rồi.
- Sao? Có phải nó đi tiểu không?
- Không, tôi đã ra ngoài xem và ngồi đây đợi đến hơn nửa giờ rồi. Chắc chắn Hưng đã bỏ trốn.
Tứ đưa tay bụm miệng tôi lại và nói nhỏ vào tai tôi:
- Ngủ lại đi, đừng làm kinh động. Đợi đến sáng cho nó có thì giờ đi xa mới báo cáo quản giáo. Nhớ đừng nói với ai rằng mình biết việc nầy từ đêm khuya.
Nói xong, anh leo lên nằm. Tôi cũng trở về chỗ mình, thao thức đến sáng. Trong khoảng thời gian tôi nằm im để chờ ngày đến, nguyên quãng đời đầy bi thương của Hưng và Thu Hồng diễn lại trong đầu tôi, kể từ lúc hai người tình cờ gặp nhau ở Đà nẵng cho đến lúc người thiếu phụ đáng thương nằm xuống dưới nấm mồ hoang phế và cô đơn.
Tôi biết Hưng đã trốn ra khỏi trại rồi. Cái hàng rào quanh trại với một lớp kẽm gai làm sao giữ nỗi một đại úy thủy quân lục chiến. Nhưng ra khỏi trại xong thì Hưng sẽ đi đâu, liệu thoát được sự truy lùng trong bao lâu. Có lẽ, anh sẽ tìm cách trở về thăm mộ Thu Hồng và anh sẽ lọt vào ngay cái bẫy mà họ sắp giăng tại đó. Hay là anh sẽ bôn ba đi tìm cô bé Thanh tội nghiệp. Tôi nghĩ đó là hai nguyện ước cuối cùng của thân phận bi thảm của anh. Nhưng liệu anh có làm được hai điều mong ước sau cùng đó không? Theo lời quản giáo thì bên ngoài đã thiết lập hộ khẩu rồi. Điều đó có nghĩa là chính quyền cách mạng đã áp đặt xong sự quản lý, mỗi bước chân của mỗi người dân đều được đảng và nhà nước ân cần theo dõi. Những ý nghĩ nầy thực nặng nề đối với tôi nhưng giúp đêm qua nhanh.
Bình minh ló dạng, cảnh vật dần dần hiện rõ trong ánh sáng ban mai. Không khí buổi sớm thực trong lành nhưng đầu tôi nặng chình chịch như đeo đá. Tôi nhìn sang chỗ nằm trống vắng của Hưng, lòng bồi hồi cảm xúc. Kể từ hôm nay, tôi không còn bao giờ thấy mặt, không còn bao giờ nghe tiếng nói của người bạn tù đáng thương đó nữa.
Tin Hưng trốn trại nhanh chóng gây chấn động trong toàn thể anh em. Ban quản giáo xuống tận nơi để điều tra. Cũng chẳng phải mất nhiều công. Một người tù leo qua hàng rào kẽm gai trong đêm tối và đi mất. Thế thôi, kết luận nhanh chóng và giản dị.
Lệnh trên ban xuống: hôm nay nghỉ lao động, tập họp lên hội trường. Ai cũng biết đề tài học tập là vụ vượt ngục của Hưng. Anh em lầm lủi đến hội trường, ngồi xuống, hàng ngũ chỉnh tề.
Quản giáo trưởng tiến đến bục thuyết trình. Lời mở đầu thì như thường lệ, kêu ba đời ngụy quân, ngụy quyền ra mà chửi là ôm chân đế quốc, liếm gót giày thực dân. Lời mở đầu đó thì anh em đều thuộc nằm lòng rồi, nhưng nghe thì cứ phải nghe.
Sau đó mới đến phần chính yếu. Quản giáo trưởng hét vào máy vi âm:
- Tên Hưng, trong quá khứ đã vì lợi riêng làm lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ, làm tay sai cho giặc, phản lại Tổ quốc, giết hại đồng bào, giày xéo mồ mả tổ tiên, bắn chết rất nhiều người già và trẻ em, hãm hiếp vô số đàn bà và thiếu nữ. Tên Hưng phải chết bốn năm lần cũng không hết tội. Cách mạng có lòng đại nhân đại nghĩa, đã khoan hồng, tha tội chết lại còn nuôi nấng tử tế và cho học tập đàng hoàng để trở thành người lương thiện. Với công ơn trời biển đó của đảng và nhà nước, tên khốn khiếp đó không lo báo đền mà còn bỏ trốn để tiếp tục chống phá cách mạng, tiếp tay với bọn phản cách mạng đã chạy trốn ở nước ngoài để mưu đồ giết hại nhân dân một lần nữa. Nếu đem công lý của ông cha ta mà luận tội thì tên Hưng phải lãnh hình phạt nào?
Có tiếng la to bên dưới:
- Tử hình!
Không cần quay lại, mọi người đều biết đó là tiếng của tên cò mồi trong trại. Hắn cũng trong số cựu sĩ quan như anh em nhưng tự nguyện làm cò mồi để chứng tỏ mình đã được cải tạo tốt, sớm về với gia đình theo chủ trương đường lối của cách mạng. Anh em không ưa nhưng chẳng thù ghét gì hắn. Hắn có mẹ già và người vợ trẻ vừa mới sanh con đầu lòng. Hắn chưa được thấy mặt con vì khi hắn đi trình diện “cải tạo tập trung”, vợ hắn mới mang bầu sáu tháng. Hắn làm mọi cách để sớm về nuôi mẹ, nuôi vợ, nuôi con. Điều đó, anh em rất thông cảm.
Thực ra, trong cái loại “toà án nhân dân” nầy, nếu hắn không hô “tử hình” thì cũng sẽ có người khác hô thay hắn. Thủ tục phải là như thế, không khác được. Vả lại, cái án “tử hình” nầy chỉ có tính tượng trưng để “giáo dục” anh em đừng bắt chước “tên Hưng” mà thôi chứ có ý nghĩa thực tiễn gì lắm đâu, vì Hưng đã đi mất rồi và nếu có bắt lại được thì người ta vẫn có thể bắn chết tại chỗ mà chẳng cần phải lên án.
Sau tiếng thét “tử hình” đó của thằng cò mồi, quản giáo trưởng có vẻ hài lòng, hỏi to trong máy:
- Anh nào đồng ý tử hình tên Hưng thì đưa tay lên.
Nhiều cánh tay uể oải đưa lên khỏi đầu. Tiếng loa lại vang lên, chọc thủng màng nhĩ:
- Còn những anh khác, không thấy được tội ác của tên Hưng hay sao?
Những người còn lại vội vã đưa tay lên đồng ý. Tôi cũng làm như mọi người. Tiếng nói trong loa trở nên vui vẻ và thân mật hơn:
- Được, khá lắm, anh em đã có chuyển biến tốt trong tư tưởng. Tất cả đều đồng ý tử hình tên Hưng.
Vâng, tất cả đều đồng ý. Tôi cũng đã đưa tay đồng ý tử hình tên Hưng, tử hình tên Hưng, tử hình tên Hưng...!
Một tay tôi vẫn đưa cao, tay kia che mặt để người khác đừng thấy hai giọt nước đang trào ra bên khóe mắt của tôi.

HẾT