Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Con chim gãy cánh (2)


Buổi chiều, tất cả những lá thư được gom lại và bếp trưởng ôm lên văn phòng nộp cho quản giáo. Bắt đầu những ngày khắc khoải chờ đợi thư hồi âm. Chúng tôi đều biết, trong mấy tháng mình sống biệt lập và bó rọ trong không gian nhỏ bé và bưng bít nầy thì ngoài kia đang trải qua sự biến đổi kinh hoàng. Trong cơn lốc xoáy của cuộc đổi đời nầy, gia đình của mỗi người trong chúng tôi ra sao? Vợ con có sống đầy đủ không, có được ngày ba bữa hay không? Chúng tôi nóng lòng chờ mong tin tức biết bao.
Hai tuần sau, đợt thư hồi âm đầu tiên đã được kiểm duyệt xong, đưa xuống phát cho một số anh em. Chỉ độ một phần ba tù nhân nhận được thư trong ngày đầu. Ôi những lá thư! Ôi những dòng chữ từ bàn tay những người thân yêu, ôi những lời nói thầm lặng đầu tiên kể từ khi chúng tôi xa rời cuộc sống ngoài kia sau ngày miền Nam sụp đổ hoàn toàn!
Không khí trại sôi nổi hẳn lên. Người nhận được thư thì đọc ngấu nghiến, có người cười toe, có người nước mắt lưng tròng. Người chưa có thư thì bồn chồn chạy lui chạy tới, hỏi thăm tin tức bên ngoài qua những lá thư đã nhận được.
Những ngày kế tiếp, các lá thư lai rai đến với chúng tôi. Sau một tuần, quản giáo tuyên bố chấm dứt. Tất cả đều nhận được thư nhà, ngoại trừ một người. Đó là Hưng. Trông anh suy sụp như một cái cây mục nát đã đến lúc sụm xuống, không còn gắng gượng đứng thẳng được nữa.

Chiều hôm đó Hưng lên cơn sốt. Phần cơm ít ỏi chia cho anh còn để nguyên trên đầu nằm. Suốt đêm, tôi nghe hơi thở anh nặng nhọc. Thỉnh thoảng, thò tay sờ vào trán anh, tôi lo lắng vì hơi nóng từ da thịt anh thấm vào bàn tay tôi. Đến sáng, Hưng bớt sốt nhưng cơ thể hoàn toàn suy nhược. Anh gượng ngồi dậy nhìn anh em với cặp mắt lờ đờ. Tôi lấy phần cơm của anh chiều hôm trước, cho vào cái nồi mà chúng tôi lượm được khi làm lao động. Tôi đổ thêm nước vào và bắt lên bếp lửa. Một lúc sau, tôi đổ tất cả vào ca. Thức ăn nóng hổi gồm hai phần rõ rệt, bên dưới là những hạt cơm nát bấy, bên trên là lớp nước trắng nhờ nhờ. Tôi gọi đó là cháo và mang lên cho Hưng. Tôi mở bao lấy mấy viên thuốc sốt rét cuối cùng mà tôi để dành từ mấy tháng qua. Tôi đưa cả cho Hưng và chỉ dẫn cách dùng thuốc. Hưng nhận thuốc từ tay tôi, mắt rơm rớm vì cảm động.
Tứ tổ trưởng đã đến gặp quản giáo để xin cho Hưng nghỉ lao động ngày hôm nay. Ngày mai lại là chúa nhật, Hưng có được hai ngày nghỉ liên tiếp. Thực là may mắn, những viên thuốc tôi cho Hưng uống rất hữu hiệu. Hôm sau, anh hết sốt và qua hai ngày nghỉ ngơi, anh có vẻ bình phục. Tôi mừng lắm.

Kể từ hôm đó, tình cảm giữa Hưng và tôi tăng lên rõ rệt. Hưng bắt đầu nói chuyện với tôi, chứ không còn giữ im lặng như từ trước đến nay. Có một lần, tôi cảm thấy Hưng muốn tâm sự với tôi. Tôi im lặng chờ đợi nhưng Hưng vẫn không mở lời.
Cuối cùng, Hưng cũng hé mở nỗi lòng của mình. Đó là vào sáng chủ nhật se lạnh và khô ráo, bầu trời trong xanh. Tôi ngồi xem hai anh Cúc và Tiến đánh cờ một lát thì chán, lững thững ra vườn rau. Tôi biết hôm nay đến phiên Hưng tưới nước. Cũng cần nói thêm là từ hai tháng nay, Hưng đã đóng góp đầy đủ công sức mình vào vườn rau. Có lẽ anh thấy đây là công việc hay hay, hơn là suốt ngày ngồi ủ rũ trong phòng.
Khi ra đến vườn, tôi đã thấy anh đang đi, đòn gánh trên vai, hai đầu hai thùng nước. Anh cũng thấy tôi nên dừng bước nhìn tôi, mỉm cười, nụ cười thực hiền hòa và hiếm có trên khuôn mặt xanh xao, lúc nào cũng phảng phất nét buồn rầu và lo âu. Anh rưới cả hai thùng nước xuống một luống rau rồi bước đến chỗ tôi đứng, nói với giọng chẫm rãi và trầm trầm cố hữu của anh:
- Xong cả rồi. Hôm nay tôi ra sớm nên giếng còn đầy, múc được nhiều nước, tưới thực đẫm. Ngày mai tới phiên anh, khỏi tưới cũng được.
Tôi cảm động nhìn Hưng. Vườn rau giúp chúng tôi bổ sung lượng thức ăn vào khẩu phần ít ỏi mà trại cấp phát hàng ngày. Vì vậy, sáng nào cũng có một người được phân công theo sự luân phiên, phải dậy sớm và ra tưới rau khi trời chưa sáng hẳn. Đây là một công việc khá nặng nhọc. Đã bước vào mùa nắng nhiều tháng rồi, rau cần nhiều nước, mấy cái giếng bị khai thác tối đa, nước ngầm không kịp nhỉ ra nên phải dậy sớm để tranh với các tổ khác. Vào các ngày làm việc, tưới xong mệt nhưng phải vào ngay để kịp ra làm lao động ở bãi tăng gia bên ngoài vòng rào của trại. Hôm nay, nhằm ngày nghỉ, Hưng đã làm việc gấp hai lần để ngày mai tôi khỏi phải nhọc công. Thực là cảm động.
Hưng đặt đôi thùng xuống, ngồi bệt trên đám cỏ úa, tôi cũng ngồi xuống theo. Hưng lên tiếng trước:
- Ở ngoài đời, có được một ngày nghỉ là điều khoan khoái. Ở đây, lao động làm cho mình khuây khỏa, quên bớt đi chuỗi ngày tù tội lê thê. Ngày chủ nhật được nghỉ chính là ngày nhắc nhở mình nhớ thực trạng bị giam cầm. Không biết anh em có thích ngày chủ nhật không, còn tôi thì sợ ngày nầy lắm. Tôi đếm từng giơ, từng phút đi qua. Tôi ước mong quả đất quay nhanh hơn để, buổi sáng, khi thức dậy, chưa kịp suy nghĩ thì mặt trời đã lặn, leo lên giường ngủ tiếp.
Nói xong, anh khẽ mỉm cười, nụ cười thực buồn bã. Tôi hơi ngạc nhiên vì lần đầu tiên từ mấy tháng nay tôi nghe anh nói dài như thế, ý tưởng lại có vẻ thâm thúy và có phần dí dỏm của người trí thức. Hưng đưa tay nhổ mấy cọng cỏ trước mặt. Nhìn anh, tôi cảm thấy nơi đó, cả một bầu tâm sự não nề như một khối nước đang sôi lên chầm chậm, mặt nước dâng lên và sắp trào ra bên ngoài.
Tôi đoán không sai. Hưng ngước mắt lên nhìn tôi rồi đột nhiên hỏi:
- Anh có biết tại sao Quý bị quản giáo nhốt một đêm vào conex không?
Tôi trả lời ngay:
- Vi phạm nội quy, liên lạc với dân.
- Điều đó rõ ràng rồi, tôi không hỏi anh lý do đó. Tôi muốn hỏi anh tại sao quản giáo biết chuyện nầy.
Tôi ngạc nhiên, nhìn anh, chờ đợi câu giải thích. Hưng nói tiếp, chậm rãi:
- Tôi đã để ý nét mặt gian xảo của nó. Nó hay la cà đến nơi anh em nói chuyện, nhưng giữ một khoảng cách vừa đủ nghe. Hôm Tiến chia mì cho anh em mình ăn, đi ngang qua và cố ý nhìn vào.
Tôi giật mình, muốn biết là thằng nào nhưng chưa kịp nói thì Hưng ngẩng lên nhìn tôi và hỏi:
- Anh có nhớ ba miếng giấy gói mì quăng vào đâu không?
- Quăng vào thùng rác của phòng chứ còn nơi nào khác.
Hưng gật đầu:
- Thùng rác đó gần như một mình tôi vài ba ngày đi đổ một lần. Các anh lười nên tôi phải làm việc đó. Buổi sáng hôm đó, trước khi đi lao động, tôi quét nhà và cho cả rác cùng đất cát vào thùng, lấp lên mấy miếng giấy gói mì. Trưa về, tôi mang rác đi đổ và không thấy ba miếng giấy gói đâu cả. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng nghĩ rằng ai đó đã lượm chúng để dùng. Nhưng chiều lại, khi Quý bị gọi lên và bị nhốt thì tôi biết ngay sự biến mất ba miếng giấy gói và sự trừng phạt Quý có liên quan với nhau. đã đem ba miếng giấy đó lên làm bằng chứng cho sự tố cáo của mình.
Tôi ngắt lời:
- Nhưng tại sao quản giáo biết ngay Quý là chánh phạm?
- Thì tôi đã nói anh nghe rồi. Lúc Tiến chia mì thì đứng bên ngoài hành lang chú ý nghe. Trại thì đông đúc, đứng xen với những người khác thì mình đâu có để ý. Lúc đó, anh em mình cao hứng, hết lời ca tụng Quý “tài tình sáng tạo” là biết ngay thủ phạm rồi.
Tôi phụ họa theo:
- Thế là không thấy chú bộ đội trao mì cho Quý qua cái ống quần.
- Có thể đã thấy nhưng không biết là thứ gì nên cố tình theo dõi và đã khám phá ra bí mật.
Tôi nhớ lại buổi chiều hôm đó nên nói:
- Phải rồi chính tôi cũng thấy anh Quý lượm những gói mì do bộ đội để lại. Vậy là thằng đó cũng thấy nhưng nó nói khác đi để tăng thêm tội cho anh Quý, như thế thì công trạng của nó đối với quản giáo sẽ lớn hơn. Khi quản giáo tra hỏi, Quý cũng đã nhận là liên lạc với dân nhờ mua giúp.
- Đúng vậy. Tôi phục anh Quý lắm. Anh nhận cái tội nặng hơn là liên lạc với dân để che chở cho chú bộ đội.
Bỗng nhiên tôi nổi giận như Cúc hôm ngoài bãi tăng gia:
- Nhưng tại sao Quý lại chịu bao che cho bộ đội để bị phạt nặng hơn rồi anh em mình cũng bị phạt lây?
Hưng nhìn tôi, miệng hơi mỉm cười, giọng nhỏ nhẹ:
- Tại sao thì hôm nọ Quý đã giải thích rồi, chuyện anh ấy làm thì anh ấy không muốn liên lụy đến người khác. Quý là người cao thượng, tôi phục lắm. Hơn nữa, Quý không thể làm khác được. Anh có nhớ Cúc đã bảo rằng quản giáo mớm cung cho Quý để che chở cho thằng bộ đội? Quản giáo đã muốn như thế thì không thể làm khác được. Khai cho thằng bộ đội à? Bằng chứng đâu? Thế là tội có thể nặng hơn gấp bội vì dám vu khống cho người của cách mạng. Mình nằm trong tay họ rồi thì họ vo tròn bóp méo thế nào cũng phải chịu. Anh cũng nói rằng anh em trong tổ mình bị phạt lây. Thực ra mình có bị phạt đâu. Phần gạo của cả bếp có bớt để đem đi làm gì mình không biết, nhưng anh em vẫn chia cơm cho tổ mình chứ không phải nhịn bữa nào cả. Còn về cái chú bộ đội mua giúp mì thì cũng đáng thương, che chở cho chú cũng phải. Trước đây, nếu anh em mình gặp chú ngoài chiến trường thì lập tức chú lãnh ít nhất một viên đạn vào đầu, nhưng bây giờ, chiến tranh chấm dứt, chú cũng là nạn nhân như mình thôi.
Tôi tức giận cãi lại:
- Tại sao lại như chúng mình? Anh không thấy nó là kẻ chiến thắng, hằng ngày vác súng lom lom canh gác mình hay sao? Anh thử chạy trốn, xem nó có sẵn sàng nhả đạn vào lưng anh hay không.
- Anh đừng nổi giận. Tôi đồng ý nó sẽ nhả đạn ngay như một phản xạ có điều kiện. Vả lại, nếu nó không nhả đạn vào lưng kẻ trốn trại thì cũng không yên với cấp trên của nó. Tuy nhiên, nó vẫn đáng thương vì nó chỉ là kẻ chiến thắng trên danh nghĩa mà thôi. Anh không thấy sao? Nó bỏ cả tuổi thanh xuân của nó, vượt Trường sơn, chịu bao nhiêu là cay đắng chỉ để được danh nghĩa kẻ chiến thắng chứ có được gì khác đâu. Chiến tranh chấm dứt rồi, nó vẫn cơ cực như cha mẹ anh chị em của nó ở ngoài Bắc, và không hơn gì chúng ta trong trại cải tạo nầy. Anh không nhớ nó đã nhận món tiền của Quý để mua sáu gói mì và được hưởng ba gói sao? Tôi nhắc lại, nó chỉ được danh nghĩa kẻ chiến thắng thôi, còn người thực sự hưởng thụ chiến thắng là những người khác, không phải nó. Quý che chở cho nó là đúng.
Tôi thở dài:
- Bên chúng ta cũng thế thôi. Chúng ta là những người chiến bại. Nhưng có những đứa chỉ mang danh nghĩa chiến bại rồi ẵm tiền, ẵm vàng ra ngoại quốc sống đời đế vương.
Hưng cầm tay tôi, giọng càng trầm xuống, buồn hơn:
- Ở thời đại văn minh của chúng ta, có lẽ cuộc chiến tranh nào cũng kết thúc như thế thôi. Các triết gia cần phải vào sống chung với chúng ta hoặc làm chú bộ đội một ít lâu mới thấm thía thân phận con người. Còn nếu cứ sống bên trời Âu, ăn ngon mặc đẹp, ngồi trong ghế bành êm ái, miệng ngậm xi gà, tay cầm bút để than thở cho thân phận con người, thì quả thực đó chính là sự phi lý nằm trong thân phận con người.
Hưng nói xong thì cười một cách cởi mở. Lần đầu tiên kể từ khi anh đến đây, tôi nhận thấy vẻ thông minh và sáng rỡ trên khuôn mặt của anh.
Nắng đã lên cao. Hai chúng tôi đứng dậy về phòng. Tôi thấy lòng vui rộn ràng vì sự bắt đầu cởi mở của Hưng.
Tôi mong muốn Hưng tỏ rõ tâm sự của mình. Mong muốn thực sự. Nhưng tại sao? Có lẽ vì nét mặt, lời nói và cách sống của Hưng đã gảy đúng vào những sợi giây tình cảm trong lòng tôi.
Tôi hình dung tâm sự của Hưng phải là một tâm sự thực não nề qua thái độ khép kín lạ lùng của anh bấy lâu nay và nhất là qua lá thư thống thiết mà không được hồi âm. Tuy nhiên, tôi không dám vội vã. Cánh cửa vừa hé mở, nếu xâm nhập vào một cách thô bạo, cánh cửa sẽ đóng lại ngay. Vì vậy tôi định bụng để thủng thẳng vài ngày sau tìm dịp gợi chuyện lại với Hưng.
Tuy nhiên, sau bữa cơm trưa, tôi tình cờ nhìn thấy cái giỏ đựng rác và sực nhớ “nó”, cái đứa mà Hưng bảo đã nhặt ba miếng giấy gói mì và đã báo cáo với quản giáo để Quý bị bắt nhốt một đêm trong thùng conex. “Nó” là ai? Sáng nay, mãi bàn về kẻ chiến thắng và chiến bại, tôi không kịp hỏi Quý để biết “nó” là ai. Tôi thấy sốt ruột nên sau bữa cơm, trong khi người khác nằm dài ra nghỉ ngơi, tôi rủ Hưng xuống hội trường để nói chuyện; anh gật đầu ngay.
Buổi trưa, hội trường rất vắng vẻ. Trong gian phòng rộng, chỉ có hai chúng tôi ngồi bệt dưới đất ngay giữa nhà. Tôi khởi đầu câu chuyện:
- Anh bảo anh biết cái thằng báo cáo làm hại Quý. “Nó” là ai?
Hưng lắc đầu:
- ở tổ khác với chúng mình và tôi cũng chưa biết tên. Thực ra, tôi chỉ mới nghi “ăng ten” thôi chứ làm sao xác định được một cách chắc chắn. Vì vậy, tốt hơn cả là tôi không nên tiết lộ cho ai.
- Kể cả tôi?
- Xin anh hiểu cho tôi. Tôi rất mến anh và biết ơn anh khi anh rốc tất cả số thuốc dự trữ của anh cho tôi. Nhưng vấn đề nầy liên can đến một kẻ thứ ba, anh cho tôi giữ kín mặt mũi hắn.
- Thế thì thôi, nhưng tôi cũng sẽ phải dặn anh em kể từ nay phải thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói.
Tôi quay qua cầm tay Hưng một cách thân mật:
- Anh Hưng, anh hãy nói thật với tôi điều nầy, không liên can đến kẻ thứ ba. Anh có phải là lính đào ngũ không?
- Đúng, tôi là sĩ quan đào ngũ từ giữa năm 1974. Anh không tin à?
- Bây giờ thì tôi tin. Nhưng tại sao anh đào ngũ trong lúc chiến trường đang sôi động?
Hưng khẽ lắc đầu, giọng trở nên buồn bã:
- Chuyện nầy dài dòng lắm. Tuy nhiên anh hãy tin rằng tôi không phải là thằng tham sinh úy tử. Tôi đào ngũ không phải để về hậu phương sống an nhàn, trong khi đồng đội mình đang xả thân để giữ từng tấc đất cho quê hương.
- Tôi tin anh.
- Cám ơn anh. Tôi muốn giữ kín tâm sự mình để riêng mình chịu đựng. Nhưng bây giờ, tôi chịu hết nổi rồi. Tại sao vợ tôi không viết thơ cho tôi? Hay là nàng đã vĩnh viễn ra đi. Nếu thế thì tôi còn sống trên cõi đời nầy làm gì nữa. Tôi sống chỉ với hi vọng được gặp lại nàng mà thôi.
Hưng ngừng nói. Tôi nhìn anh sững sờ; câu nói cuối cùng của anh dường như ngập chìm trong nước mắt. Tôi nhớ lại những lời lẽ thê thảm mà tôi đã đọc lén ở bức thư của anh gửi cho vợ nên cố lấy giọng vỗ về:
- Anh Hưng, tôi biết anh đang đau khổ cùng cực. Tôi đoán rằng khi anh đi học tập thì chị đang bệnh rất trầm trọng, có phải không? Nhưng tại sao anh không ở lại với chị mà trình diện vào đây? Theo lệnh ủy ban quân quản, sĩ quan cấp úy đào ngũ trước ngày miền Nam thất thủ thì chỉ phải trình diện để học tập tại chỗ thôi mà.
- Tôi biết thế nên không đi trình diện và không được tập trung một lượt với các anh. Gần một tháng sau kỳ hạn chót do ủy ban quân quản ấn định, có thằng tố cáo tôi là sĩ quan còn trong quân ngũ cho tới ngày 30 tháng tư năm 1975. Do sự tố cáo nầy tôi bị bắt. Tôi trình bày là lính đào ngũ, người ta không tin, bảo tôi phải trình giấy chứng minh đào ngũ của đơn vị gốc.
Tôi buộc miệng kêu lên:
- Trời đất. Thế theo họ, cần phải xin cho được giấy phép đào ngũ trước khi từ giã đơn vị à?
- Họ là kẻ chiến thắng thì nói thế nào mà chẳng được. Vả lại, họ đang khuyến khích mọi người tố cáo lẫn nhau, nên mình có giải thích một vạn lần cũng không bằng một lời tố cáo. Thế là tôi bị giữ lại giao cho ủy ban quân quản và gặp các anh tại đây. Kể ra họ vẫn còn chút nhân đạo khi đưa tôi đến nhốt tại đây y như các anh, những người đã phục tùng họ ngay từ đầu. Tôi bị kết tội trốn học tập để âm mưu tiếp tục chống phá cách mạng, lẽ ra phải bị họ xử nặng hơn các anh nhiều.
Tôi hỏi anh một cách tò mò:
- Tại sao sau đó anh không làm đơn khiếu nại? Anh nêu những dẫn chứng để họ điều tra thì có thể đi đến sự thực.
- Lúc mới bị bắt đi, tôi chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đó. Vả lại họ đến bắt tôi một cách quá thô bạo nên tôi không nghĩ rằng họ chịu bỏ thì giờ ra để tìm hiểu sự thật. Cho đến khi vào trại nầy tôi mới làm đơn xin cứu xét. Tôi làm đơn trong một đợt học tập chính trị và cầm thẳng lên cho quản giáo.
Tôi sực nhớ tờ giấy mà Hưng viết trong hội trường cách nay ít lâu và đích thân đưa lên văn phòng sau buổi học chính trị. Tôi hỏi anh:
- Người ta có nhận đơn của anh không?
- Có, tôi may mắn gặp quản giáo trưởng. Ông ta đọc và đã trả lời một cách dứt khoát rằng tôi cứ lo học tập đi, khi nào cải tạo tốt rồi thì sẽ được cứu xét. Dĩ nhiên kết quả khiếu nại là thế thôi. Trước khi làm đơn, tôi cũng chẳng có chút hi vọng nào. Làm đơn chỉ là một cách thoa dịu nỗi nhớ nhung và đau khổ trong lòng tôi mà thôi. Tôi đã nói với anh rồi, một vạn cái đơn của tôi cũng không giá trị bằng một lời tố cáo. Đối với họ, bắt mười người bị oan vẫn tốt hơn để lọt lưới một người “có tội”.
Bỗng dưng, tôi cảm thấy cơn giận trào lên:
- Thằng nào tố cáo anh?
- Làm sao tôi biết chắc được.
- Nhưng anh cũng có nghi một vài người nào đó chứ.
- Vâng, tôi có nghi một người duy nhất. Có lẽ đúng chính nó là đứa đã tố cáo tôi. Nó là một đồng nghiệp của vợ tôi.
- Chị ở nhà làm gì?
- À, tôi quên nói với anh, vợ tôi là cô giáo.
- Thế thì cái thằng khốn nạn đó là thầy giáo à?
- Đúng vậy. Nó là thầy giáo, trước đây dạy cùng trường với vợ tôi.
Tôi không ngăn được một tiếng chửi thề:
- Đm., thằng giáo gian! Nó là dân cách mạng nằm vùng phải không?
- Tôi không biết nhưng có lẽ chẳng phải là cách mạng gì đâu. Chỉ là kẻ cơ hội thôi. Sau ngày miền Nam sụp đổ, tình cờ tôi thấy nó làm thơ ký quèn cho ủy ban, thái độ khúm núm. Nếu là cách mạng nằm vùng thì phải làm to hơn, hống hách hơn và có súng đeo kè kè bên hông. Chắc chắn nó chỉ là tên thầy giáo suông thôi. Khổ nỗi nó là tình địch cũ của tôi. Lúc trước, tôi chẳng thèm để ý đến nó. Tôi đang là kẻ chiến thắng tuyệt đối trên tình trường, bước vô trường học của vợ tôi với lon sĩ quan và nhiều huy chương trên bộ quân phục thủy quân lục chiến. Làm sao nó không hận tôi cho được. Do đó, nó tố cáo để rửa hận. Chuyện dài dòng lắm. Thôi để tôi kể từ từ cho anh nghe.
Hưng im lặng trong một phút để ôn lại chuyện cũ rồi hắng giọng, bắt đầu kể:
- Tôi ra trường, đóng lon chuẩn úy và được đưa về binh chủng thủy quân lục chiến, thuộc lực lượng tổng trừ bị. Trong Tết Mậu thân, chúng tôi được đưa về Huế để giải phóng cố đô đang nằm trong tay cộng quân. Trận chiến không mấy khó khăn vì đơn vị tôi đến sau. Mấy đơn vị đến trước của binh chủng Dù và Biệt động quân đã đánh cho họ tơi bời rồi. Chúng tôi đến chỉ để quét sạch mấy ổ kháng cự lẻ tẻ và hùng hục chôn xác của họ và xác đồng bào bị họ giết chết khi rút lui.
Sau khi công việc hoàn tất, chúng tôi lui về Đà nẵng vì ở Huế, hầu hết các doanh trại đều tan hoang, công binh đang ngày đêm sửa chữa lại. Chúng tôi được ở lại thành phố, dưỡng quân vài ngày và chuẩn bị tăng viện cho các đơn vị đang tiếp tục giải phóng những quận lỵ miền núi.
- Anh đóng ngay tại thành phố à? Người ta thường tránh đồn trú một lực lượng lớn quân đội trong thành phố, dù là ngắn ngày.
- Đúng vậy. Nói là thành phố nhưng đóng quân ở ngoại ô. So với Sài gòn, Đà nẵng quá nhỏ bé nên từ ngoại ô đến trung tâm thành phố đâu có xa. Chiều nào mấy sĩ quan cũng kéo nhau vào phố để nhậu và kiếm gái. Mỗi đại đội được cấp phát một xe Jeep. Có khi mấy sĩ quan của đại đội đi riêng trên xe Jeep đó, có khi đi chung trên Dodge 4 của cả tiểu đoàn. Các thành phố miền Nam cũng lạ. Mấy hôm trước, không khí còn khẩn trương và sợ hãi chiến tranh. Nhưng khi cuộc chiến vừa bị đẩy ra xa một chút là dân chúng lại phè phởn, các hàng quán nhậu nhẹt ăn chơi lại bày ra, thiên hạ lại ăn mặc đẹp đi dạo phố.
- Ngoại trừ Huế?
- Đúng, ngoại trừ Huế. Huế hoàn toàn ngã gục sau hơn một tháng được cách mạng “giải phóng”. Kinh khủng lắm. Đi đâu cũng gặp những ngôi mộ đắp đất sơ sài. Người ta chôn vội vàng người chết khắp nơi. Ban đêm đi trên các phố Huế mới thực là rùng rợn. Rãi rác từ đầu đường đến cuối ngõ, những nắm nhang cháy lập lòe. Bên dưới lớp đất ở mỗi nắm nhang là một xác người.
Tôi chen lời:
- Sao lại một người. Có những hố chôn hàng trăm người nữa chớ.
- Đúng, những nấm mồ tập thể, tàn sát hàng loạt. Nhưng ngay lúc đó người ta chưa khui ra hết vì còn phải lo dọn dẹp những gì thấy được bên trên.
Hưng thở dài:
- Có chứng kiến Huế sau ngày “tổng tấn công nổi dậy của quân dân ta” mới thấy sự tàn ác cùng cực của cộng sản. Cuộc thảm sát đó phải được ghi vào lịch sử chiến tranh của nhân loại, vì đó là một cuộc thảm sát độc đáo. Những cuộc thảm sát trên thế giới đều xảy giữa một chủng tộc nầy đối với một chủng tộc khác. Còn ở đây, chính người Việt Nam thảm sát người Việt Nam. Hàng trăm, hàng ngàn người tay không, cùng lúc bị giết chết bởi những người cùng huyết thống, cùng tiếng nói, có khi bà con với mình nữa! Thực là khủng khiếp, thực là man rợ!
Hưng lại thở dài:
- Nhưng thôi, chiến tranh đã qua rồi. Tất cả những tội lỗi trong cuộc chiến dai dẳng do cộng sản gây ra được trút lên đầu kẻ chiến bại, chỉ có Mỹ ngụy mới phạm tội ác chiến tranh thôi. Toà án quốc tế có xét xử thì cũng chỉ xét xử kẻ chiến bại; tòa án nầy không phải lập ra để xét xử kẻ chiến thắng! Nhưng thôi, đó không phải là chuyện của mình hôm nay. À, tôi kể tới đâu rồi?
- Anh nói đến chuyện dẹp Huế yên rồi thì rút về Đà nẵng để chuẩn bị trận chiến khác.
- Ừ phải. Được dừng quân mấy ngày là chúng tôi lao vào ăn chơi, nhậu nhẹt xong rồi đi kiếm “nhà chứa” cho quên bớt nỗi đau thương trên thành phố mà mình vừa phải chứng kiến và nỗi hung bạo trên chiến trường mà mình sắp phải tham gia vào. Một hôm, đang ngồi nhậu, tôi thấy một bé gái độ chín hay mười tuổi đến xin tiền. Lúc ấy tôi ngồi một mình, mấy cậu khác đều chui vào “nhà thổ” cả. Đứa bé làm tôi ngạc nhiên vì nó không có dáng dấp của kẻ ăn xin, lại đi một mình. Mặt mày nó sáng sủa, rất xinh, áo quần sạch sẽ, chân đi dép. Tôi hỏi em một cách ngạc nhiên:
- Ba má em đâu?
- Cha mạ con mất cả rồi.
Nó nói giọng Huế, nghe thực dễ thương. Tôi hỏi tiếp:
- Em tên gì, ở với ai?
- Dạ, con tên Thanh, ở với chị con. Hai chị em con trốn khỏi Huế. Bác con với hai anh con bị giết chết rồi.
Tôi bật dậy, cầm tay em bé, ấn nó ngồi xuống ghế:
- Em với chị trốn khỏi Huế kỳ Tết Mậu thân phải không? Chị của em hiện ở đâu mà em phải đi ăn xin?
- Dạ con và chị Hồng ở bên chái của một cái nhà.
- Nhà bà con?
- Dạ không, quen sơ sơ, họ thấy tội nên cho ở nhờ.
Em bé ngước lên nhìn tôi, nước mắt lưng tròng. Em cúi xuống, hai giọt nước mắt rơi xuống hai bàn tay đặt trên đùi. Em nói tiếp:
- Con với chị chạy, không mang chi theo được, hai chị em chỉ có hai bộ quần áo với một ít tiền mà tiêu hết cả rồi. Chị con đang đau nằm ở nhà, không có tiền ăn, không có tiền uống thuốc, con lén chị đi xin.
Em ôm mặt khóc nức nở. Tôi vuốt tóc em, ôn tồn:
- Nhà em ở gần đây không?
- Dạ gần, đằng tê tề.
Tôi nhìn theo tay em bé về cuối con đường. Tôi hỏi em:
- Em có thể cho tôi đến nhà em được không?
Em bé lau khô nước mắt, nhìn tôi ngạc nhiên. Em lưỡng lự giữa cái gật đầu và cái lắc đầu. Tôi nói để trấn an:
- Tôi vừa đuổi giặc khỏi Huế, tôi biết sự khổ của đồng bào ngoài đó. Tôi muốn đến thăm chị để nếu có thể thì giúp đỡ chị. Em có hiểu tôi nói không?
Em bé gật đầu:
- Dạ hiểu, nhưng ông không được mét với chị Hồng là con đi xin.
- Được. Tôi không bao giờ nói chuyện đó.
Tôi trả tiền và dặn chủ quán, khi mấy sĩ quan trở lại thì bảo họ chờ tôi. Tôi đưa em bé ra xe Jeep và đi theo sự chỉ dẫn của em. Tôi lái xe vào một ngõ hẻm và dừng lại trước một căn nhà tồi tàn. Em bé xuống xe và bước đến đẩy cửa căn chái kế bên. Tôi đứng ngoài nhìn vào. Căn chái trống trơn, chỉ có một chiếc giường cũ kỹ trên đó có một người nằm trùm mền. Tôi đoán đó là chị Hồng của em bé.
Em cất tiếng:
- Chị Hồng, có một ông sĩ quan.
Người đang nằm giật mình tung mền ngồi dậy, nét mặt thảng thốt. Đó là một cô gái khá đẹp, xanh xao, tóc tai rũ rượi. Tôi đứng ngoài nói vào:
- Xin lỗi cô. Tôi đường đột đến vì lời kể của em bé đáng thương nầy. Một lần nữa, xin cô tha lỗi. Tôi mong được nói chuyện với cô để biết thêm nỗi khổ vừa qua của đồng bào mình. Nhưng nếu cô không muốn tiếp chuyện thì tôi xin kiếu từ.
- Cô gái ngạc nhiên ngước mắt nhìn ra, có lẽ không thấy rõ mặt tôi vì bị phản ánh sáng. Nhưng tôi thì thấy rất rõ. Đôi mắt mở to, buồn thảm như mặt nước mùa đông. Tự nhiên tôi thấy lòng xao xuyến một cách lạ kỳ.
Nàng nhìn quanh nhà và tỏ ý ái ngại khi phải mời tôi vào nhà. Tôi hiểu ý nên lên tiếng tiếp:
- Tôi là người lính chiến, ngủ bờ ngủ bụi quen rồi, nên không hề quan tâm đến nhà đẹp hay xấu.
Tôi thấy một nét cảm tình thoảng qua gương mặt nàng. Nàng nói, giọng Huế đặc biệt của người con gái cố đô:
- Dạ, xin mời ông vào.
Nghe giọng nói nầy, tự nhiên tôi nhớ lại những chuyến đò ngang qua sông Hương. Mỗi lần đến Huế, tôi thường lựa giờ tan học, đi chuyến đò từ trường Đồng khánh để qua sông. Mấy cô nữ sinh ríu ra ríu rít nghe thực vui tai.
Tôi bước vào. Nàng bảo bé gái:
- Thanh, em qua bác Tí mượn cái ghế để ông ngồi.
Cô bé nhanh nhẹn bước ra rồi trở vào với chiếc ghế đẩu. Tôi ngồi xuống và tự giới thiệu:
- Tôi là Hưng, chuẩn úy thủy quân lục chiến, tôi mới hành quân ở Huế về đây nghỉ ngơi.
Cô gái vụt ngẩng lên, sửng sốt, nhìn tôi đăm đăm:
- Ông ở Huế mới vô à? Ngoài nớ ra răng rồi?
- Yên cả rồi. Bọn họ phần chết, phần bỏ chạy cả. Nhưng thành phố tan nát hết…
Tôi ngừng ngay câu nói, hoảng hốt nhìn cô gái nấc lên rồi gập người lại, úp mặt vào hai tay nức nở:
- Cha ơi, anh Trí, anh Tuệ ơi!
Cực kỳ xúc động, tôi im lặng nhìn cô gái khóc sụt sùi, đôi vai khẽ rung rung.
Vài phút sau, nàng đưa ống tay áo lên lau nước mắt. Khi nàng ngẩng lên, đôi mắt đã ráo nhưng còn hơi đỏ. Tôi không dám nói một lời nào nữa sợ nàng lại xúc động. Nàng cất tiếng nhỏ nhẹ:
- Em tên Thu Hồng. Em quá xúc động khi nghe ai nhắc đên Huế nên đã khóc trước mặt người lạ, xin ông đừng chê cười.
Tôi lắc đầu:
- Không, chỉ có quỷ dữ mới dám chê cười nỗi đau của người khác. Cô đừng ngại, trước mặt cô là một con người chứ không phải là quỷ dữ. Con người đó ước mong có thể chia sẻ phần nào nỗi đau vô bờ vô bến của cô và của tất cả đồng bào nạn nhân chiến cuộc Mậu thân.
Nàng nhìn tôi thực dịu dàng:
- Cám ơn ông. Ông vào đây được lâu chưa?
- Tôi vào bốn hôm rồi.
Tôi nhìn cô và bỗng dưng trong lòng dậy lên nỗi cảm thông bất tận với nỗi lòng u uất của cô gái đáng thương nầy. Trong những ngày hành quân ở Huế, tôi cũng đã hơn một lần ngồi xuống với đồng bào, lắng nghe họ ai oán, nhìn nước mắt họ tuôn rơi. Tôi đã không dám nói một lời an ủi nào mà chỉ cầm tay họ để mong họ hiểu cho sự thông cảm của người lính chiến đối với niềm đau cùng cực của họ. Tôi đã đi khỏi Huế, tưởng không còn phải chứng kiến nữa, nhưng cô gái trước mặt tôi đã đem thảm cảnh vào tận trong nầy. Tôi cố lấy giọng thực dịu dàng để nói tiếp với cô:
- Tôi đã sống nhiều ngày ở Huế sau khi cộng sản rút lui, đã chứng kiến những đổ vỡ do công cuộc “giải phóng” của họ gây ra và đã chia sẻ nỗi đau đớn vô cùng vô tận của đồng bào mình ngoài đó. Vì vậy, tôi có cảm tưởng mình không phải là kẻ xa lạ với những nạn nhân. Tôi đến đây một cách đường đột do một sự tình cờ và tôi rất mong cô đừng xem tôi là người quá xa lạ.
Nàng nhìn tôi với cặp mắt đầy cảm tình:
- Dạ, em cám ơn ông. Có lẽ em phải nói với ông vài lời cho nhẹ bớt nỗi buồn, nhưng chỉ sợ làm ông mất vui.
- Không, cô đừng nói vậy. Sau biến cố Mậu thân, chỉ còn nỗi buồn mênh mông trên đất nước mình mà thôi. Riêng ở đây, tôi rất muốn chia sẻ nỗi buồn cùng cô.
Lời nói của tôi đã tạo được nét an ủi trên khuôn mặt của nàng. Nàng bắt đầu tâm sự:
- Cha và anh Trí của em đều làm ở tòa hành chánh Thừa thiên; anh Tuệ của em đang học y khoa. Em vừa ra Quốc gia Sư phạm và mới dạy học được có mấy tháng. Mẹ em mất khi em bắt đầu lên trung học. Cha em thề ở vậy nuôi con. Sau khi chôn cất mẹ em xong thì cha em phát nguyện tu tại gia trong khi vẫn tiếp tục đi làm để kiếm sống cho đàn con còn thơ ấu và còn cắp sách đến trường. Ông ăn chay trường, ngày thường thì ở nhà với con cái, chủ nhật ngày lễ vào chùa mặc nâu sồng và làm công quả. Ông thường bảo chiến tranh đã giết chết hàng triệu người và chưa biết bao giờ mới chấm dứt, nên ông tu, không phải cho kiếp sau của mình mà để hàng ngày cầu xin Đức Phật cứu độ cho những người đã chết và ban phước cho những người còn sống. Trong rất nhiều năm ông đã đổ nhiều công phu cầu nguyện phước lành cho bao nhiêu người khác nhưng chính ông và hai con trai ông lại không được hưởng cái phước đó. Họ đã vào và bắt ngay cha và hai anh của em đi luôn. Có người về báo cho em biết là cả ba người đều bị bắn chết và chôn trong sân trường Gia hội cùng với hàng trăm người khác. Riêng em và con bé Thanh không dám ở nhà nên lén sang sống với gia đình một người bạn gái. Sau đó cả gia đình bạn em trốn được khỏi Huế, mang em và Thanh theo, đi nhờ xe quân đội vào Đà nẵng.
Tôi ngắt lời:
- Thế gia đình bạn cô còn ở đây không?
- Không, họ vào Sài gòn rồi. Họ muốn đem em theo nhưng em từ chối. Họ xin cho em và bé Thanh ở tạm tại nhà nầy, nhà của bác Tí, bà con xa của họ. Ở Sài gòn, họ có bà con gần hơn nên quyết định vào đó lập nghiệp. Trong Nam, em không có bà con hay bạn bè nào cả. Vả lại em muốn ở lại đây để còn trở lại Huế…
- Để tìm lại bác trai và hai anh.
Thu Hồng lắc đầu, hai giọt nước mắt trào ra khoé, lăn xuống đôi má:
- Không, cha và hai anh không còn nữa. Nhiều đêm em chiêm bao thấy cả ba người về. Em giật mình thức giấc và nằm khóc rất lâu trong đêm khuya. Một đêm ba em về, bảo đang nằm chung với hàng trăm người khác ở sân trường Gia hội. Nếu còn gặp thì sau nầy chỉ còn gặp hài cốt của cha và hai anh thôi.
Nàng ngồi yên, mắt nhắm nghiền, môi mím chặt, những giọt nước mắt nối tiếp nhau rơi xuống lả tả.
Tôi nói nho nhỏ để cố an ủi nàng:
- Tôi không biết làm thế nào để có thể chia bớt nỗi đau khổ của cô. Cái bất hạnh lớn nhất của đời người là mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi cũng là đứa trẻ mồ côi nên tôi cảm thông hoàn cảnh hiện tại của cô.
Nàng mở mắt nhìn tôi, sửng sốt:
- Ông cũng mồ côi cha mẹ à? Hai cụ cũng ở Huế sao?
Biết nàng hiểu lầm, tôi giải thích:
- Không, quê tôi ở tận Trà vinh. Ba tôi tử trận năm 1962, hai năm sau, má tôi bị bệnh mất.
- Vậy ông ở với ai?
- Tôi lên Sài gòn sống với chú thím tôi. Tôi đi học, đậu tú tài xong thì vào đại học, năm thứ nhất thi rớt nên phải vô lính.
Hoàn cảnh mồ côi của tôi dường như tạo được sự đồng cảm nơi nàng. Tôi thấy mặt nàng bớt đau đớn vì được an ủi phần nào. Tôi hỏi:
- Huế yên rồi, cô có tính về không, tôi cố gắng giúp đỡ.
- Hiện giờ em không tính gì cả. Em ao ước biết bao được nhìn thấy Huế. Nhưng thấy Huế rồi, em sợ sẽ chết mất vì đau đớn. Em biết mình không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy ngôi trường Đồng khánh của em, thấy dòng sông Hương, thấy chợ Đông ba, thấy cầu Trường tiền, cầu Gia hội, thấy Đập đá dẫn qua thôn Vĩ dạ….
Nàng ngừng lại, thở hổn hển như gần đứt hơi. Nàng cố gắng nói tiếp trong hơi thở ngắt quãng:
- Cám ơn ông, hiện giờ, em không tính gì được cả. Vả lại em đang bị bệnh, sốt hai bữa rồi. Xin lỗi ông, em mệt quá.
Nàng nhắm mắt lại, mặt nhợt nhạt. Tôi hốt hoảng đứng dậy nhưng không dám đến gần giường. Tôi nói gấp:
- Cô Hồng, cô Hồng. Cô nằm xuống nghỉ ngơi đi.
Tôi nhìn ra cửa thấy em bé Thanh đang đứng lấp ló, nên gọi:
- Em bé, vào đỡ chị nằm xuống.
Thu Hồng mở mắt, lắc đầu:
- Không, em không nằm đâu, nhà có khách mà.
- Thế thì cô ngồi dựa vào vách đi. Thôi tôi xin kiếu từ để cô nghỉ.
Nói thế chứ tôi chưa kiếu từ được vì tôi vừa sực nhớ tới lời bé Thanh lúc đến xin tiền tôi trong quán nước và bảo rằng chị của em đang bệnh và không còn đồng nào trong túi. Tôi đưa tay vuốt vào túi mình thấy cồm cộm; tôi vẫn còn khá nhiều tiền trong đó. Nhưng bây giờ làm sao trao cho nàng? Tôi biết tính mấy cô gái Huế lắm. Họ còn bảo tồn phong cách gia giáo từ xưa để lại, nay thêm lòng tự trọng của người có học ở cô gái nầy; làm cho cô ta chịu đưa tay nhận số tiền của mình không phải là chuyện dễ.
Thu Hồng đã lết vào ngồi tựa lưng nơi vách. Vài phút sau, trông nàng có vẻ khá thoải mái. Tôi ngập ngừng lựa lời:
- Cô Hồng, tôi đến đây gợi lại sự đau khổ của cô, tôi thực có lỗi.
Nàng mỉm cười:
- Sao ông lại nói như thế. Ông và đồng đội của ông đã giải phóng Huế, là ân nhân của tất cả dân Huế chúng em. Hơn nữa, được nói chuyện với ông khi nãy đến giờ, em cũng bớt nặng nề phần nào.
- Cám ơn cô đã làm cho tôi an tâm. Cô Hồng, tôi có một chuyện muốn nói nhưng ngại làm cô phật lòng.
Nàng nhìn tôi ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy? Chuyện về thành phố Huế phải không?
- Không, Huế thì xong rồi. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã gục tại đó. Tôi cũng đặt cả sinh mạng mình vào nhiệm vụ giải phóng Huế. Số phận vẫn còn cho phép tôi giữ lại được sinh mạng mình. Tôi đã chứng kiến sự tan nát của một thành phố xinh đẹp, tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ vô cùng vô tận của đồng bào, trong đó có cô và gia đình cô. Vì vậy, tôi thấy mình chưa làm hết bổn phận, trong lòng thực áy náy không yên.
Thu Hồng nhìn tôi có vẻ cảm động:
- Nhưng có ai trách ông đâu. Em và tất cả dân Huế vẫn xem ông là ân nhân mà.
Tôi mỉm cười, lòng rộn vui vì câu nói của cô gái mới quen:
- Tôi cũng không trách tôi nhưng vẫn ao ước được làm một cái gì khác. Tôi mong cô giúp tôi được làm “cái gì khác” đó.
Nàng ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi một cách đoan trang:
- Ông nói như thế nghĩa là gì?
- Tôi mong cô cho phép tôi trao cho cô một món quà rất bé nhỏ của tôi.
Hồng cúi mặt, giọng trở nên buồn rầu:
- Có lẽ con bé Thanh đã nói cho ông nghe tình thế bi đát của hai chị em rồi. Em quên hỏi ông đã gặp nó trong hoàn cảnh nào. Nhưng thôi, em cũng chẳng hỏi nữa. Món quà mà ông muốn tặng cho em là gì thì em cũng biết rồi. Nhưng em không thể nhận được. Mai sau, xuống suối vàng, gặp cha, Người sẽ trách em là kẻ ăn xin; lúc đó làm sao em còn dám nhìn Người nữa.
- Cô Hồng, hoàn toàn không phải như thế. Khi cô trăm tuổi gặp lại cụ ông thì cụ sẽ khen: “Con đã ban ơn giúp cho một người gỡ bỏ được sự áy náy của người đó”. Có phải vậy không cô?
Cô gái ngẩng lên nhìn tôi, hơi mỉm cười:
- Ông là dân nhà binh mà nói khéo lắm, em khó mà từ chối lòng tốt của ông được.
Tôi mừng rỡ, móc hết tiền trong túi, trân trọng đặt xuống giường và kéo cái gối đè lên trên. Hồng im lặng theo dõi công việc của tôi. Nàng thở dài:
- Có lẽ ba má em xui khiến anh đến đây để trở thành người làm ơn lớn nhất của em. Xin phép anh cho em đổi cách xưng hô. Em xin nhận món tiền nầy. Em không chối cãi là cuộc sống của hai chị em vừa được một ân nhân cứu vớt. Em sẽ ghi nhận món tiền nầy và sẽ cố gắng gởi trả khi em đi dạy trở lại.
- Chuyện đó sau tính sau. Còn hiện tại thì chắc chắn món quà nầy quá bé nhỏ đối với hoàn cảnh của em và của bé Thanh. Anh xin phép em chiều nay sẽ trở lại, thêm chút đỉnh vào món quà nầy.
- Anh lấy ở đâu ra?
- Anh về mượn của bạn bè.
- Không, anh đừng làm thế. Làm sao em dám nhận thêm của anh một lần nữa.
- Em đã ban ơn một lần, xin em tiếp tục ban ơn lần thứ hai.
Nàng im lặng, hai giọt nước mắt lại trào ra ở khóe. Nàng hỏi:
- Khi đi dạy có tiền, làm thế nào em gởi trả lại cho anh?
Tôi cười:
- Anh như cánh chim, rày đây mai đó. Tuy nhiên em có thể gửi thư cho anh theo địa chỉ nầy.
Tôi xé một mảnh giấy nhỏ, rút bút ghi cấp bậc, họ tên và KBC của tôi. Tôi trao mảnh giấy cho nàng, rồi mỉm cười nói dối:
- Địa chỉ nầy chỉ cho phép gửi thư chứ không cho gửi tiền. Em nhớ nhé.
Tôi đứng dậy nói:
- Bây giờ anh xin kiếu từ. Mấy sĩ quan trong đại đội có lẽ đang chờ anh ngoài quán. Chiều nay anh trở lại, em đồng ý nhé.
- Dạ, cám ơn anh.
Tôi quay lưng ra cửa nhưng sực nhớ nàng đang bị bệnh nên quay lại:
- Hay là chiều nay anh đến, sẵn xe chở em đi bác sĩ luôn.
Nàng mỉm cười lắc đầu:
- Cám ơn anh, em sẽ đi với bé Thanh.
- Thế cũng được. Chào em.


*
* *

Hưng kể đến đây bỗng ngưng lại, nhìn ra cửa hội trường. Tôi nhìn theo và thấy anh trực nhật đang mang cơm và thức ăn về. Tôi bảo:
- Bốn giờ rồi à? Chuyện của anh hấp dẫn quá, nghe anh kể, tôi cảm thấy thì giờ qua quá nhanh. Tôi thích nghe nữa mà tới giờ ăn chiều rồi.
- Thôi chúng ta về, bữa khác tôi kể tiếp.
Hưng đứng dậy, tôi đứng lên theo. Tôi cố hỏi thêm:
- Buổi chiều hôm đó anh có trở lại với cô Hồng không?
- Có, tôi về bắt mấy sĩ quan trong đại đội rốc túi đưa hết tiền cho tôi. Dồn lại được một món kha khá.
- Anh nói sao mà họ chịu đưa tiền?
- Dễ ợt. Tôi bảo cần tiền để cứu giúp người thân đang nguy khốn vì biến cố Mậu thân. Nghe nói nạn nhân của Mậu thân là họ sốt sắng móc túi ra liền. Nhưng tôi không xin mà chỉ mượn rồi sẽ trả sau.
Tôi cười:
- Có lẽ anh muốn là ân nhân duy nhất của cô Hồng?
Hưng gật đầu cười và nói tiếp:
- Tôi gói số tiền trong tờ giấy, chiều đến đưa lại cho nàng. Nàng cũng vừa đi bác sĩ về, sắc mặt hơi hồng hào trở lại. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ, đó là một cô gái xinh đẹp Tôi vừa dừng xe, nàng đã ra cửa đón, mời tôi vào. Tôi cùng nàng nói vài câu chuyện bâng quơ. Tôi tránh nói về chuyện Huế vì sợ nàng lại khóc. Câu chuyện xoay quanh việc nhập ngũ của tôi và đời sống trong đơn vị. Sau đó tôi nhét vội gói tiền dưới gối ở giường nàng và ra về.
Hưng nói xong câu nầy thì chúng tôi đã về tới phòng. Tuy nhiên tôi cố hỏi thêm:
- Dạo đó, anh có người yêu chưa?
- Có rồi, đang học ở Đại học Văn khoa. Chuyện nầy về sau gây cho tôi nhiều rối rắm. Nhưng thôi, còn dài dòng lắm, để khi khác tôi kể tiếp anh nghe.

Cơm nước xong, tôi muốn rủ Hưng ra vườn rau để nghe tiếp câu chuyện nhưng thôi vì thấy anh ngồi bên bàn cờ tướng của Cúc và Tiến, chăm chỉ theo dõi nước đi của những quân cờ. Anh lại chìm đắm trong thế giới riêng của mình, một thế giới nhìn từ bên ngoài thì tĩnh lặng, nhưng bên trong đầy những cơn sóng dữ.
Tôi đi ra ngoài một mình, nghĩ đến tình người trong chiến tranh và giữa chốn lao tù, tự nhiên trong lòng dâng lên một niềm cảm khái khó tả thành lời. Tôi ngước nhìn lên bầu trơi cao lồng lộng không một áng mây. Ở đây, không gian quá nhỏ hẹp còn ngoài kia thì vũ trụ rộng mênh mông. Lòng tôi cồn cào vì khao khát tự do. Tôi muốn thân mình trở nên nhẹ tênh, nhất bổng lên, vượt ra khỏi nơi chật hẹp nầy để đi mãi, đi mãi một cách vô định đến tận cùng thế giới. Đó lại là một hoang tưởng trong muôn ngàn hoang tưởng trong cuộc sống bị giam cầm.
Bỗng có ai đó vỗ vào vai tôi. Tôi quay lại thì thấy Tứ tổ trưởng đứng kế bên. Chúng tôi sánh vai đi về vườn rau. Lác đác trong vườn, có vài người đang nhổ cỏ hoặc tưới nước, Màu xanh của rau trông mát mắt nhưng không khí lại khăm khẳm mùi phân tươi mà anh em cải tạo đã tưới thẳng vào rau. Chúng tôi đã quen với mùi nầy rồi nên không lấy làm khó chịu.
Tôi hỏi thẳng Tứ:
- Anh còn nghi ngờ Hưng nữa không?
- Không, tôi hối hận về việc nầy.
Chúng tôi im lặng, cảm thấy hơi nặng nề. Tôi lên tiếng để phá vỡ sự im lặng nặng nề nầy:
- Hưng bắt đầu tâm sự với tôi. Đó là một tâm hồn đáng thương, một tâm hồn đang bị đọa đày.
- Tôi cũng có cảm tưởng như thế, kể từ khi anh nói cho tôi nghe bức thư của Hưng mà anh đọc lén. Vợ Hưng đang bị bệnh nặng. Tội nghiệp!
- Anh Tứ, hôm nọ tôi có nói với anh cái tờ giấy mà Hưng viết trên hội trường rồi đưa lên quản giáo, anh có nhớ không?
- Nhớ rồi. Sao?
- Đó là cái đơn khiếu nại của Hưng, xin về nhà vì không phải thuộc diện cải tạo dài hạn như chúng mình.
Tứ quay lại hỏi dồn:
- Có kết quả gì không?
- Chẳng có kết quả gì cả. Họ bảo học tập tốt sẽ cứu xét.
Tứ cười ha hả:
- Học tập tốt thì được về với gia đình! Bị họ gạt rồi; cả bao nhiêu thằng sĩ quan ưu tú ở đây đều bị họ gạt một cách ngon ơ. Họ nhốt mình ở đây một thời gian để yên tâm áp đặt một phương thức tổ chức xã hội theo hệ tư tưởng của họ. Khi căn bản của phương thức đó đã được định đặt xong thì họ sẽ thả mình ra để tự đi kiếm sống như bản năng con thú đi tìm thức ăn, chứ cơm đâu mà nuôi mãi bọn mình. Tôi thấy, qua các đợt học tập, nhiều anh em gò lưng viết bản thu hoạch mà thương. Anh em tưởng rằng chứng minh được mình học tập tốt thì được về với vợ con nên ra sức dùng ngòi bút để nịnh bợ. Tội nghiệp. Chuyện học tập tốt chỉ là cái cớ ngụy tạo để biện minh cho vô số nhà tù được lập ra một cách vội vã ở miền Nam nầy. Thời gian giam giữ anh em mình tùy thuộc vào sự áp đặt những vòng rào vô hình và hữu hình ngoài xã hội.
Tôi khâm phục lý lẽ của Tứ nhưng lúc nào tôi cũng có khuynh hướng bắt bẻ lại:
- Nhưng rõ ràng là họ có cho chúng ta học tập chính trị mà.
Tứ vỗ vai tôi, cười:
- Học tập chính trị là món mà họ bắt mọi người phải ăn trước cả cơm gạo nữa. Tôi chắc chắn ở ngoài họ cũng dạy cho mọi người học y như chúng ta trong nầy. Nhưng chúng ta học được gì ở đây. Anh thấy rồi, tài liệu chính trị chỉ gồm một số giáo điều hời hợt và nhạt phèo cũng những lời chửi rủa vô căn cứ. Họ cũng hiểu rằng, với trình độ của sĩ quan miền Nam thì những điều họ nói đó chẳng bổ ích gì và khó lọt vào tai chúng ta. Rồi những việc xấu xa, những cái gọi là tội ác mà họ gán cho chúng ta, chính họ cũng không tin là có thực. Thế thì việc dạy dỗ, việc giáo dục chúng ta ở đây hoàn toàn vô nghĩa. Thực là nực cười khi họ lớn tiếng bảo chúng ta học cho tốt, cho thành người lương thiện để trở về với vợ con. Họ nói như thế và chính trong bụng họ không nghĩ như thế.
- Theo anh, họ nhốt chúng ta vào đây không nhằm mục đích học tập, vậy thì nhốt chúng ta vào đây vì sợ chúng ta âm mưu lật đổ họ, phải không?
- Trời hỡi, anh có thể nói như thế sao? Trước đây, chúng ta còn trong hàng ngũ với đầy đủ súng ống, tàu bay, tàu bò mà còn bị họ đuổi chạy như vịt, thì bây giờ tan rã hết còn lật đổ cái nỗi gì.
- Vậy họ nhốt chúng ta vào đây để làm gì?
Tứ trả lời bằng một giọng chắc nịch:
- Để trả thù. Chỉ để trả thù mà thôi. Ai gây thù oán ít thì ra sớm. Ai gây thù oán nhiều thì nhốt lâu hơn.
- Sau chiến tranh, trả thù những địch thủ đã đầu hàng có phải là trái với đạo lý con người không?
- Đúng là trái với đạo lý. Nhưng họ chẳng sợ cái đạo lý đó, họ đang vênh vang sau khi chiếm được cả miền Nam nầy và có lẽ đang mơ tưởng “giải phóng” thêm nhiều nước ở Đông Nam Á. Họ đang say chiến thắng, thì giờ đâu mà nghĩ đến đạo lý, nhưng họ đâu có biết rằng hành động xâm phạm đạo lý của họ sẽ mãi mãi được ghi trong lịch sử của các thế hệ sau nầy.
Tứ dừng lại thở dài:
- Tôi cũng rất thường ước mơ được ra khỏi nơi đây. Nhưng suy nghĩ lại, đó có phải là điều đáng ước mơ hay không?
Tôi nhìn anh, hết sức ngạc nhiên. Ở tù thì ai lại không muốn được trả tự do, tại sao lại có chuyện xét lại ước mơ đó? Tôi hỏi anh, giọng hơi châm biếm:
- Anh muốn sống mãi trong cái vòng rào nầy sao?
Tứ lại thở dài, nhìn theo chú bộ đội đang vác súng đi về vọng gác ở cuối vườn rau. Anh nói, giọng buồn rầu:
- Khu trại nầy gần như vuông vức mỗi bề hơn mợt trăm mét. Một ngàn anh em trong cái ô vuông đó, ăn ở, trồng trọt, vui chơi. Phía trước ô vuông có cái bảng đỏ chữ vàng: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”. Nhiều anh em đi lao động bên ngoài bảo rằng trại cải tạo nào cũng có biển đề này cả. Cái biển rêu rao độc lập tự do đó báo cho người ngoài biết rằng bên trong có nhốt tù, không được đến gần. Anh em bảo rằng đó là một sự mỉa mai cay đắng, nhưng tôi cho rằng riêng trong khuỷnh đất nhỏ bé nầy của miền Nam, chúng ta mới còn cơ hội cuối cùng để có thể tin nhau và tâm sự lén lút với nhau, nói cho nhau nghe những sự thực trong công cuộc gọi là giải phóng nầy của cộng sản. Đó là sự tự do tối thiểu còn sót lại sau khi miền Nam sụp đổ. Ra bên ngoài, mình còn được như thế nầy không? Mỗi người dần dần bị khóa chặt trong vòng rào mà vật liệu là nghi ngờ và sợ hãi. Vì vậy, bao nhiêu triệu người là bấy nhiêu thế giới cô đơn.
Giọng anh đầy xúc động. Tôi hỏi tiếp:
- Khi họ chưa bắt đầu đặt nền móng xã hội của họ lên miền Nam thì anh đã bị nhốt vào đây rồi thì làm sao anh cả quyết chuyện ngoài đời như thế?
Giọng Tứ trở nên ỉu xìu:
- Lúc chưa đi trình diện, tôi tình cờ nghe được vài mẫu chuyện của đồng bào miền Bắc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hà khắc. Vào đây rồi thì tôi suy luận từ những bài học chính trị và từ trực giác của tôi.
- Bài học chính trị thế nào mà anh nhìn được bộ mặt ảm đạm của xã hội?
- Anh nhớ họ thường nói đến tình báo nhân dân không? Toàn thể nhân dân làm tình báo có nghĩa là dò xét lẫn nhau, kể cả cha con, chồng vợ. Cách đây vài ngày, ông chính trị viên bảo rằng ngoài đó đang hoàn thành cơ bản việc lập hộ khẩu để nhà nước “quản lý” toàn dân. Nhìn nét mặt phấn khởi hồ hởi của ông chính trị viên khi nói tới chữ “quản lý toàn dân”, tôi đoán được tính chất của cái hộ khẩu mà họ đang áp đặt cho xã hội miền Nam nầy. Nhưng thôi, miền Nam đã không tự bảo vệ mình nổi, đã bại trận, đã đầu hàng miền Bắc thì phải chịu đựng thân phận của mình thôi. Được một điều là chiến tranh đã chấm dứt, không còn cảnh máu đổ thịt rơi nữa.
Anh vừa đứng dậy, vừa nói tiếp:
- Thôi tối rồi, mình về phòng đi.

Thấm thoát một tuần lễ trôi qua, lại đến ngày chủ nhật được nghỉ ngơi. Từ sáng sớm tôi đã rủ Hưng xuống hội trường và đề nghị anh kể tiếp chuyện đời của anh cho tôi nghe. Anh đồng ý ngay. Chuyện của anh ngày càng lôi cuốn. Vì vậy, sau đó, tôi bắt anh kể mỗi ngày cho đến khi chấm dứt. Câu chuyện thường bị ngắt quãng hằng ngày bởi những giờ lao động, giờ ngủ và giờ ăn. Nhưng giọng nói trầm trầm buồn bã của Hưng cứ trôi đi trong lòng tôi miên man:

*
* *